T
om Ripley để ý thấy tấm biển TẠM THỜI ĐÓNG CỬA VÌ LÝ DO GIA ĐÌNH treo ở cửa sổ cửa hàng của Jonathan Trevanny vào một ngày thứ Ba của tháng Tư, và đã nghĩ có khi anh ta lại đến Hamburg cũng nên. Anh thật sự tò mò muốn biết liệu Trevanny có đến Hamburg không, nhưng không đến mức đi gọi điện cho Reeves để hỏi. Sau đó vào tầm mười giờ sáng một ngày thứ Năm, Reeves gọi điện từ Hamburg và nói bằng giọng căng thẳng với niềm hân hoan kìm nén:
“Tom ơi, xong rồi! Tất cả đã... Mọi chuyện đều tốt đẹp. Tom, tôi cảm ơn anh!”
Tom nín lặng trong giây lát. Trevanny đã thực hiện theo kế hoạch thật sao? Heloise đang ở trong phòng khách với anh nên Tom chẳng thể nói gì nhiều ngoài câu, “Tốt quá. Rất mừng khi nghe điều đó.”
“Không cần đến bản xét nghiệm giả của bác sĩ luôn. Mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp! Tối qua.”
“Vậy là – và – giờ anh ta đang trên đường về nhà à?”
“Đúng thế. Đến nhà tối nay.”
Tom kết thúc cuộc trò chuyện nhanh chóng. Anh đã nghĩ ra việc để Reeves làm giả một bản kết quả xét nghiệm xấu hơn tình trạng thực tế của Trevanny, và Tom đã vui đùa gợi ý điều đó, mặc dù Reeves là loại người nhất định sẽ thử làm vậy – một trò đùa bẩn thỉu, không có gì buồn cười hết, anh nghĩ. Vậy nhưng nó thậm chí còn chẳng được dùng đến. Tom mỉm cười sửng sốt. Qua giọng sung sướng của Reeves là anh biết nạn nhân được chỉ định đã chết thật. Trevanny giết. Tom thật sự lấy làm ngạc nhiên. Reeves tội nghiệp đã vô cùng khao khát được nghe một lời tán dương của anh dành cho việc tổ chức phi vụ này, nhưng Tom chẳng thể thốt nổi một lời: Heloise biết kha khá tiếng Anh và anh không muốn mạo hiểm. Đột nhiên Tom nghĩ hay là đọc thử tờ Le Parisien Libere của bà Annette, bà ta mua tờ báo đó mỗi buổi sáng, nhưng bà Annette chưa đi mua sắm về.
“Ai thế?” Heloise hỏi. Cô đang xem đống tạp chí trên bàn cà phê, lọc ra các tờ cũ để vứt đi.
“Reeves đấy,” Tom nói. “Không có gì quan trọng đâu.”
Reeves khiến Heloise chán ngấy. Anh ta không có tài ăn nói, và trông thì cứ như chẳng thích thú gì với cuộc sống.
Tom nghe tiếng bước chân bà Annette lạo xạo trên đám sỏi trước nhà, và anh vào bếp để đón bà ta. Bà ta đi vào qua cửa hông và mỉm cười chào anh.
“Anh muốn dùng thêm cà phê sao, anh Tome?” Bà ta hỏi, đặt giỏ xuống bàn gỗ. Một cây atisô thòi ra.
“Không, cảm ơn bà Annette, tôi vào để xem tờ Parisien của bà, nếu được. Lũ ngựa...”
Tom tìm được bài báo ở trang hai. Không có ảnh. Một nam giới người Ý tên là Salvatore Bianca, bốn mươi tám tuổi, đã bị bắn chết trong một ga tàu điện ngầm ở Hamburg. Chưa rõ hung thủ. Một khẩu súng được tìm thấy ở hiện trường đến từ Ý. Nạn nhân được biết thuộc băng mafia Di Stefano ở Milan. Bài báo chẳng dài quá bảy phân. Nhưng nó có thể là một khởi đầu thú vị, Tom nghĩ. Nó có thể dẫn đến nhiều câu chuyện hấp dẫn hơn. Jonathan Trevanny. Trevanny trông ngây thơ và tương đối đứng đắn, đã đầu hàng cám dỗ của đồng tiền (chứ còn gì nữa?) và giết người thành công! Tom cũng từng đầu hàng trong vụ Dickie Greeneleaf. Liệu có khả năng Trevanny cũng là một trong số chúng ta không? Nhưng với anh thì chúng ta chỉ có Tom Ripley. Tom mỉm cười.
Chủ nhật vừa rồi, Reeves đã gọi điện cho Tom từ sân bay Orly với tâm trạng bị từ chối, nói rằng đến lúc đó Trevanny đã từ chối nhiệm vụ, liệu anh có nghĩ ra ai khác không? Tom đã nói là không. Reeves nói rằng mình đã viết cho Trevanny một bức thư sẽ đến vào sáng thứ Hai, mời anh ta tới Hamburg làm kiểm tra sức khỏe. Đó là lúc Tom nói “Nếu anh ta đến thì anh nên làm cho bản xét nghiệm trở nên xấu hơn một chút.”
Anh đáng ra có thể đến Fontainebleau vào thứ Sáu hoặc Chủ nhật để thỏa mãn lòng hiếu kỳ của mình và nhìn lướt qua Trevanny trong cửa hàng của anh ta, có thể còn mang một bức tranh tới để làm khung nữa (trừ phi Trevanny nghỉ hết tuần để hồi phục), và trên thực tế Tom đã thật sự định tới Fontainebleau vào thứ Sáu để lấy khung căng từ cửa hàng của Gauthier, nhưng cha mẹ của Heloise lại đến chơi dịp cuối tuần – họ ở lại tối thứ Sáu và thứ Bảy – và sáng ngày thứ Sáu, cả nhà loạn hết cả lên để chuẩn bị đón họ. Bà Annette lo lắng một cách thái quá về thực đơn, chất lượng vẹm tươi vào tối thứ Sáu, và sau khi bà ta đã dọn dẹp phòng dành cho khách tới mức hoàn hảo, Heloise lại bắt bà ta đổi vải trải giường và khăn tắm, vì tất cả chúng đều thêu tên viết tắt của Tom, TPR, chứ không thêu tên gia đình Plisson. Ông bà Plisson đã tặng nhà Ripley hai tá tấm vải trải giường bằng linen nặng và đẹp tuyệt vời từ kho dự trữ của gia đình như một món quà cưới, và Heloise nghĩ sử dụng chúng khi cha mẹ cô tới chơi là hành động lịch sự và phải đạo. Bà Annette đã đãng trí nhẹ về chuyện này, nhưng chắc chắn sẽ không bị Heloise hay Tom quở trách. Anh còn biết rằng có chuyện đổi ga giường là vì Heloise không muốn cha mẹ cô nhớ tới việc cô đã kết hôn với anh khi họ lên giường và nhìn thấy tên viết tắt của anh. Ông bà Plisson rất khó tính và hẹp hòi – một thực tế không hiểu sao còn tệ hơn với việc bà Arlene Plisson, một phụ nữ năm mươi tuổi vẫn mảnh mai và hấp dẫn hết sức nỗ lực để tỏ ra xuề xòa và khoan dung với những người trẻ tuổi, đại loại vậy. Nhưng đơn giản là bà không có phẩm chất đó. Cuối tuần đúng là một cực hình, theo ý Tom, và Chúa ơi, nếu Belle Ombre còn chưa được coi là một ngôi nhà được quản lý quy củ thì còn nơi nào xứng đáng nữa? Bộ đồ uống trà bằng bạc (một món quà khác từ ông bà Plisson) được bà Annette giữ gìn bóng loáng tới mức hoàn hảo. Đến cả cái tổ chim trong vườn cũng được quét sạch phân hàng ngày như thể nó là một nhà khách thu nhỏ trong lãnh địa vậy. Mọi đồ gỗ nội thất đều sáng bóng và có mùi sáp oải hương dễ chịu mà Tom mang từ Anh tới. Vậy mà bà Arlene, trong khi nằm duỗi dài trên tấm da gấu trước lò sưởi trong một bộ vest màu hoa cà, sưởi ấm bàn chân trần, đã nói, “Sáp là chưa đủ với loại sàn này đâu, Heloise. Cứ cách một quãng thời gian chúng sẽ cần được phủ sáp hạt lanh và rượu trắng – ấm, con biết đấy, để nó dễ ngấm vào gỗ hơn.”
Khi ông bà Plisson rời đi sau khi uống trà chiều Chủ nhật, Heloise đã cởi phăng chiếc áo lửng của cô ra và quẳng nó vào cửa sổ kiểu Pháp, gây ra một tiếng ken két kinh khủng khiếp bởi chiếc ghim nặng trịch trên thân áo, nhưng kính không vỡ.
“Sâmpanh!” Heloise kêu lên và Tom tức thì lao xuống hầm để lấy.
Họ đã uống sâmpanh dù các món đồ uống trà chưa được dọn đi (bà Annette cũng phải nghỉ ngơi) và rồi điện thoại reo.
Giọng Reeves Minot vang lên, có vẻ chán nản. “Tôi đang ở sân bay Orly. Chuẩn bị khởi hành tới Hamburg. Hôm nay tôi đã gặp anh bạn của chúng ta và anh ta đã từ chối phi vụ tiếp theo – tiếp theo, anh biết đấy. Nhất định phải có một phi vụ nữa, tôi biết điều đó. Tôi đã giải thích cho anh ta hiểu.”
“Anh đã trả anh ta một phần tiền rồi à?” Tom quan sát Heloise khiêu vũ với ly sâmpanh trong tay. Cô đang ngân nga theo điệu valse trong vở Der Rosenkavalier.
“Phải, khoảng một phần ba, và tôi nghĩ con số đó không hề tệ. Tôi đã gửi nó đến Thụy Sĩ cho anh ta.”
Tom nhớ lại khoản tiền hứa hẹn gần năm trăm nghìn franc. Một phần ba không phải là con số quá hào phóng, nhưng anh thấy cũng hợp lý. “Ý anh là phải bắn thêm một người nữa,” Tom nói.
Heloise vẫn đang ca hát và xoay vòng. “La-da-da-la- dee-dee…”
“Không.” Giọng Reeves vỡ ra. Anh ta nhẹ nhàng nói, “Phải là một vụ thắt cổ. Trên tàu. Tôi nghĩ đó là chướng ngại của anh ta.”
Tom sốc. Tất nhiên Trevanny sẽ không làm việc đó rồi. “Nhất định phải diễn ra trên tàu à?”
“Tôi có một kế hoạch…”
Reeves lúc nào cũng có một kế hoạch. Tom lịch sự lắng nghe. Ý tưởng của anh ta có vẻ vừa nguy hiểm lại vừa không chắc chắn. Anh ngắt lời. “Có thể ở giai đoạn này anh bạn của chúng ta đã quá sức chịu đựng rồi.”
“Không, tôi nghĩ anh ta có hứng thú. Nhưng anh ta sẽ không đồng ý đi đến Munich, và chúng tôi cần hoàn tất vụ này trước cuối tuần sau.”
“Anh lại đọc Bố già đấy à, Reeves. Hãy dàn xếp một biện pháp dùng súng đi.”
“Súng phát ra tiếng ồn,” Reeves nói mà chẳng có chút đùa giỡn nào. “Tôi đang tự hỏi – hoặc tôi phải nghĩ ra một người khác, Tom, hoặc – Jonathan phải bị thuyết phục.”
Không thể thuyết phục nổi anh ta đâu, Tom nghĩ, và anh nói một cách khá nóng nảy, “Không có biện pháp thuyết phục nào tốt hơn là tiền đâu. Nếu thứ đó còn không hiệu quả nữa thì tôi chẳng giúp gì cho anh được.” Tom khó chịu nhớ đến chuyến thăm của ông bà Plisson. Liệu anh và Heloise có phải cố hết sức làm hài lòng, chịu đựng căng thẳng suốt cả ba ngày trời, nếu họ không cần khoản tiền hai mươi lăm nghìn franc một năm mà ông Jacques Plisson trợ cấp cho Heloise không?
“Tôi e là nếu anh ta được trả nhiều hơn,” Reeevs nói, “thì anh ta sẽ thật sự từ bỏ. Tôi đã bảo anh rồi, có thể, tôi không thể lấy được – số tiền còn lại – cho đến khi anh ta hoàn thành phi vụ thứ hai.”
Tom nghĩ Reeves hoàn toàn không hiểu gì về kiểu người như Trevanny. Nếu Trevanny được trả toàn bộ tiền thì anh ta sẽ thực hiện nhiệm vụ đó hoặc không cũng sẽ trả lại nửa tiền.
“Nếu anh nghĩ ra chuyện gì đó liên quan đến anh ta,” Reeves nói với vẻ khó nhọc thấy rõ, “hoặc nếu anh biết bất kỳ ai khác có thể thực hiện chuyện đó thì hãy gọi cho tôi nhé, được không? Tầm một, hai ngày tới?”
Tom thấy mừng khi dập máy. Anh lắc đầu thật nhanh và chớp mắt. Các ý tưởng của Reeves Minot thường khiến anh cảm thấy như mắt bị che kín bởi một giấc mơ u ám thiếu thực tế hơn nhiều so với phần lớn các giấc mơ bình thường.
Heloise lao qua lưng ghế sôpha vàng, một tay nhẹ nhàng chạm vào lưng ghế, tay còn lại cầm ly sâmpanh, và cô lặng lẽ hạ cánh xuống ghế. Thanh nhã, cô nâng ly với anh. “Nhờ có anh, cuối tuần này đã trôi qua hết sức tốt đẹp, tình yêu của em!”
“Cảm ơn, em yêu!”
Phải rồi, cuộc đời lại ngọt ngào, họ lại trở về thế giới hai người, tối nay họ có thể để chân trần ăn tối nếu muốn. Tự do!
Tom đang nghĩ đến Trevanny. Anh không mấy quan tâm đến Reeves, anh ta luôn sống sót hoặc kịp thời rút ra khỏi một tình huống đã trở nên quá nguy hiểm. Nhưng Trevanny – có một chút bí ẩn ở đây. Tom nghĩ xem có cách nào để thân thiết hơn với anh ta không. Tình huống này khá khó khăn, vì anh biết là Trevanny không thích anh. Nhưng chẳng có gì đơn giản hơn việc mang một bức tranh tới cho Trevanny làm khung.
Thứ Ba, Tom lái xe tới Fontainebleau và tới cửa hàng bán họa cụ của Gauthier trước để mua khung căng. Gauthier biết đâu lại tự động kể vài tin tức về Trevanny, một điều gì đó về chuyến đi tới Hamburg của anh ta chẳng hạn, Tom nghĩ thầm, vì nhìn bề ngoài thì Trevanny cũng đã đi khám bác sĩ. Anh mua đồ ở chỗ Gauthier nhưng anh ta không hề đề cập tới Trevanny. Khi chuẩn bị ra về, Tom hỏi:
“Thế anh bạn của chúng ta, anh Trevanny ý, dạo này thế nào rồi?”
“À, phải rồi. Tuần trước anh ta đã đến Hamburg để khám bác sĩ chuyên khoa.” Con mắt thủy tinh của Gauthier trừng trừng nhìn Tom, trong khi con mắt thật sáng long lanh và trông hơi buồn bã. “Theo tôi hiểu thì tin tức không mấy tốt lành. Có thể là bệnh tình xấu hơn so với những gì bác sĩ của anh ta đã chẩn đoán. Nhưng anh ta vẫn dũng cảm lắm. Anh biết mấy gã người Anh rồi đấy, họ chẳng bao giờ bộc lộ cảm xúc thật đâu mà.”
“Tôi rất tiếc khi nghe tin bệnh tình của anh ta xấu đi,” Tom nói.
“À thì – đấy là những gì anh ta kể với tôi. Nhưng anh ta vẫn cố gắng vượt qua.”
Tom cất khung căng vào ô tô, và lấy một cái cặp từ ghế sau. Anh đã mang một bức tranh màu nước tới cho Trevanny đóng khung. Tom nghĩ hôm nay cuộc đối thoại của anh với anh ta có thể sẽ không diễn ra tốt đẹp, nhưng việc anh sẽ phải đến lấy tranh trong tương lai đảm bảo rằng anh còn có cơ hội thứ hai để gặp Trevanny. Tom đi bộ tới đường Sablons, và bước vào cửa hàng bé tí tẹo. Trevanny đang thảo luận về khung tranh với một người phụ nữ, anh ta cầm miếng gỗ đặt vào đầu một bản khắc. Anh ta liếc nhìn Tom và anh chắc chắn Trevanny nhận ra mình.
“Giờ trông có vẻ hơi nặng nề, nhưng với một tấm lót trắng...” Anh ta nói. Phát âm của Trevanny khá hay.
Tom tìm xem có sự thay đổi nào ở anh ta không – có thể là dấu hiệu bất an lo lắng chẳng hạn – nhưng đến giờ thì hoàn toàn không có. Cuối cùng cũng đến lượt anh. “Bonjour. Chào anh. Tom Ripley đây,” Tom nói, mỉm cười. “Tôi đã đến nhà anh vào... tháng Hai, có phải không nhỉ? Nhân dịp sinh nhật vợ anh.”
“À, phải rồi.”
Nhìn gương mặt của Trevanny, anh có thể thấy rằng thái độ của anh ta không hề thay đổi từ buổi tối tháng Hai ấy khi anh ta nói, “À phải rồi, tôi đã nghe nói về anh.” Tom mở cặp táp của mình ra. “Tôi có một bức tranh màu nước. Do vợ tôi vẽ. Tôi đang nghĩ mua một khung tranh màu nâu sậm hẹp, có lớp lót, rộng nhất là sáu phân, ở dưới đáy.”
Trevanny dồn sự tập trung vào bức tranh màu nước nằm trên mặt kệ mòn vẹt, đầy rãnh và vết khía chắn giữa họ.
Bức tranh này chủ yếu có màu xanh lục và tím, diễn giải tự do của Heloise về một góc Belle Ombre trên nền rừng thông trong mùa đông. Tom thấy nó cũng không tệ, vì Heloise biết điểm dừng. Cô hoàn toàn không biết anh đã giữ nó lại và Tom hy vọng việc thấy nó đã được đóng khung sẽ là một sự ngạc nhiên dễ chịu đối với cô.
“Có thể là giống như thế này,” Trevanny nói, rút một thanh gỗ từ trên cái giá chất đủ loại gỗ. Anh ta đặt nó trên bức tranh, cách một khoảng bằng chiều rộng miếng lót.
“Tôi nghĩ khá ổn đấy, được.”
“Tấm lót màu ngà hay trắng đây? Giống thế này?”
Tom đưa ra quyết định. Trevanny cẩn thận ghi tên và địa chỉ của anh lên một tấm giấy. Tom cũng đọc cả số điện thoại của mình.
Phải nói gì bây giờ? Thái độ lạnh lùng của Trevanny gần như có thể cảm thấy được. Anh biết là anh ta sẽ từ chối, nhưng cảm thấy mình cũng chẳng có gì để mất, nên anh vẫn nói, “Có lẽ một hôm nào đó anh và vợ có thể đến nhà tôi uống rượu. Villeperce không xa lắm. Hãy đưa cả con trai anh theo.”
“Cảm ơn. Tôi không có xe ô tô,” Trevanny nói với một nụ cười lịch sự. “Chúng tôi không mấy khi ra ngoài chơi cả, e là vậy.”
“Xe không phải là vấn đề. Tôi có thể đón anh. Và tất nhiên bữa tối cũng ăn ở chỗ chúng tôi.” Câu nói tuôn ra khỏi miệng Tom. Giờ Trevanny đút hai tay vào túi áo khoác len, và chuyển trọng tâm chân như thể ý định của anh ta cũng đang thay đổi. Tom có cảm giác Trevanny thấy hiếu kỳ về anh.
“Vợ tôi thẹn thùng lắm,” anh ta nói, lần đầu tiên mỉm cười. “Cô ấy không biết nhiều tiếng Anh.”
“Vợ tôi cũng vậy, thật đấy. Anh biết đấy, cô ấy cũng là người Pháp. Dẫu vậy – nếu nhà tôi ở quá xa thì bây giờ chúng ta làm một ly rượu pastis thì sao? Có phải anh cũng chuẩn bị đóng cửa không?”
Đúng là như thế. Hơi quá trưa rồi.
Họ đi tới một nhà hàng ở góc đường France giao với St. Merry. Trevanny dừng lại ở một cửa hàng bánh để mua bánh mỳ. Anh ta gọi bia tươi và Tom cũng vậy. Anh đặt một tờ tiền mười franc lên quầy.
“Điều gì đưa anh đến nước Pháp vậy?” Tom hỏi.
Trevanny kể cho anh nghe câu chuyện về việc mở một tiệm đồ cổ ở Pháp với các món đồ Anh rẻ tiền. “Thế còn anh?” Trevanny hỏi.
“Ôi, vợ tôi thích nơi này. Cả tôi cũng vậy. Tôi thật sự không thể nghĩ ra một cuộc sống nào dễ chịu hơn được nữa. Tôi có thể đi du lịch nếu muốn. Tôi có vô khối thời gian rảnh – thời gian rỗi, tùy anh gọi. Làm vườn và hội họa. Tôi vẽ vời nghiệp dư thôi, nhưng tôi rất thích. Bất cứ khi nào muốn, tôi lại tới Luân Đôn vài ba tuần.” Nói theo một cách nào đó, anh đã lật hết các quân bài của mình lên bàn, ngây thơ, vô hại. Chỉ có điều Trevanny có thể băn khoăn không biết tiền từ đâu ra. Tom nghĩ có khả năng là anh ta đã nghe câu chuyện Dickie Greenleaf, quên phần lớn chi tiết như phần lớn mọi người, chỉ có một số chuyện vẫn in sâu trong đầu, như “sự biến mất bí ẩn” của Dickie Greenleaf, dù sau đó việc Dickie Greenleaf tự tử đã được chấp nhận là sự thật. Có khả năng Trevanny biết chuyện Tom có một phần thu nhập từ những gì Dickie Greenleaf để lại trong di chúc (bản di chúc mà anh làm giả) vì chuyện này đã được đưa lên báo. Rồi năm ngoái đến vụ Derwatt nữa, dù báo Pháp không đăng nhiều thông tin về Derwatt như sự biến mất kỳ lạ của ông Thomas Murchison, một người Mỹ từng đến làm khách ở nhà Tom.
“Nghe có vẻ là một cuộc sống dễ chịu,” Trevanny nhận xét lạnh nhạt và lau bọt khỏi môi trên.
Anh cảm giác anh ta muốn hỏi anh một điều gì đó. Điều gì vậy nhỉ? Tom đang băn khoăn không biết vì bản tính lạnh lùng của người Anh, liệu có khả năng Trevanny vẫn cảm thấy cắn rứt lương tâm và sẽ kể cho vợ mình hoặc tới đầu thú với cảnh sát không? Tom đã đúng khi cho rằng anh ta chưa kể và sẽ không kể cho vợ về những gì mình đã làm. Mới năm ngày trước Trevanny đã kéo cò súng và giết chết một người đàn ông. Tất nhiên Reeves sẽ nhồi cho anh ta vài lời động viên, vài bài giảng đạo đức về sự tàn ác của đám mafia và những điều thiện lành mà Trevanny hoặc bất kỳ ai sẽ đem lại khi trừ khử một tên trong số chúng. Sau đó Tom nghĩ tới chuyện thòng lọng. Không, anh không hình dung nổi cảnh Trevanny dùng thòng lọng. Anh ta cảm thấy ra sao về hành vi giết người mà mình đã thực hiện? Mà anh ta có thời gian cảm nhận gì chưa? Có lẽ là chưa. Trevanny châm một điếu Gitane. Anh ta có đôi bàn tay lớn. Anh ta là loại người có thể mặc đồ cũ, không là lượt, vậy nhưng vẫn toát ra vẻ quý ông. Và anh ta cũng có vẻ điển trai góc cạnh mà có vẻ bản thân anh ta không ý thức được.
“Anh có vô tình biết,” Trevanny nói, nhìn Tom với đôi mắt xanh dương bình thản, “một người Mỹ tên là Reeves Minot không?”
“Không,” Tom nói. “Sống ở Fontainebleau này à?”
“Không. Nhưng tôi nghĩ anh ta đi đây đi đó rất nhiều.”
“Không.” Tom uống bia.
“Tôi phải đi rồi. Vợ tôi đang chờ.”
Họ ra ngoài. Họ phải đi hai hướng khác nhau.
“Cảm ơn cốc bia nhé,” Trevanny nói.
“Rất vinh hạnh!”
Tom đi bộ về phía xe ô tô nằm trong khu vực đỗ ở trước khách sạn l’Aigle Noir, và lái xe về Villeperce. Anh mải nghĩ về Trevanny, nghĩ rằng anh ta đang khá thất vọng, thất vọng với tình huống hiện thời của mình. Chắc chắn Trevanny cũng từng có lý tưởng tuổi trẻ. Tom nhớ lại vợ của anh ta, một người hấp dẫn trông vững chãi và tận tụy, hình mẫu phụ nữ sẽ không bao giờ thúc ép chồng mình để cải thiện tình trạng của anh ta, không bao giờ càu nhàu đòi anh ta kiếm thêm tiền. Theo cách riêng, vợ của Trevanny hẳn cũng đứng đắn và đạo đức như chính anh ta vậy. Vậy nhưng Trevanny đã đầu hàng trước đề nghị của Reeves. Điều đó có nghĩa là anh ta là một người có thể bị thúc đẩy hoặc lôi kéo về bất kỳ hướng nào, nếu người ta làm vậy một cách khôn ngoan.
Bà Annette chào đón Tom cùng thông báo rằng Heloise sẽ về hơi muộn, vì cô đã tìm được một chiếc tủ commốt Anh trong cửa hàng đồ cổ ở Chilly-en-Biere, đã ký séc trả tiền, nhưng phải đi theo chủ tiệm tới ngân hàng. “Cô ấy sẽ mang tủ về nhà ngay thôi!” Bà Annette nói, đôi mắt xanh dương sáng lấp lánh. “Cô ấy dặn anh chờ cô ấy cùng ăn trưa, anh Tome.”
“Đương nhiên rồi!” Tom nói bằng cùng tông giọng hân hoan. Tài khoản ngân hàng sẽ bị thấu chi một chút, anh nghĩ, đó hẳn là lý do Heloise phải tới ngân hàng và nói chuyện với nhân viên ở đó – mà làm sao cô xoay xở được trong giờ ăn trưa khi ngân hàng đóng cửa nhỉ? Và bà Annette háo hức vì một món đồ nữa sắp sửa bước chân vào nhà để bà ta có thể bắt tay vào đánh sáp không mỏi mệt. Heloise đã tìm kiếm một chiếc tủ bọc đồng hay được dùng trên thuyền cho Tom suốt vài tháng nay. Cô bất chợt nảy ra ý định phải đưa một chiếc tủ commốt vào phòng anh.
Tom quyết định nắm cơ hội này để liên lạc với Reeves và anh chạy về phòng. Lúc đó là một giờ hai mươi hai phút chiều. Belle Ombre đã lắp thêm hai điện thoại quay số mới từ ba tháng nay, và họ không cần phải quay số đường dài qua tổng đài điện thoại nữa.
Quản gia của Reeves nghe máy và Tom dùng tiếng Đức để hỏi Minot có nhà không. Có nhà.
“Reeves à, xin chào! Tom đây. Tôi không nói chuyện lâu được đâu. Tôi đã đến gặp người bạn của chúng ta. Cùng uống rượu với anh ta… Trong một quán ở Fontainebleau. Tôi nghĩ...” Tom vẫn đang đứng, căng thẳng, nhìn chằm chằm các ngọn cây bên kia đường và bầu trời xanh thẳm trống không qua cửa sổ. Anh không chắc mình muốn nói gì ngoài việc dặn Reeves hãy tiếp tục cố gắng. “Tôi không chắc nhưng tôi nghĩ có thể việc đó có hiệu quả với anh ta đấy. Chỉ là linh cảm mà thôi. Nhưng hãy thử thuyết phục anh ta thêm lần nữa.”
“Sao?” Reeves nói, bấu víu lấy lời anh như thể anh là một nhà tiên tri chưa từng tiên đoán sai.
“Anh định gặp anh ta hôm nào?”
“À, tôi đang hy vọng thứ Năm này anh ta sẽ đến Munich. Ngày kia. Tôi đang cố gắng thuyết phục anh ta đến gặp một bác sĩ nữa ở đó. Sau đó – vào ngày thứ Sáu, tàu sẽ lăn bánh vào tầm hai giờ mười từ Munich đi Paris, anh biết đấy.”
Tom từng đi tàu tốc hành Mozart, lên tàu ở Salzburg. “Tôi khuyên anh nhé, hãy cho anh ta một phương án dùng súng, nhưng khuyên anh ta đừng làm thế.”
“Tôi đã thử nói vậy rồi!” Reeves nói. “Nhưng anh nghĩ là anh ta vẫn có khả năng đổi ý đấy à?”
Tom nghe tiếng xe ô tô, hẳn hai chiếc, lăn bánh vào con đường sỏi trước nhà. Không nghi ngờ gì, đó là Heloise và chủ tiệm đồ cổ. “Tôi phải ngắt máy đây, Reeves. Luôn đây.”
Cuối ngày hôm đó, khi ở một mình trong phòng, Tom nghiên cứu chiếc tủ commốt xinh đẹp đã được đặt giữa hai ô cửa sổ của anh một cách kỹ càng hơn. Tủ làm từ gỗ sồi, thấp và vững chãi, các góc được bọc đồng sáng bóng và tay kéo ngăn kéo cũng làm bằng đồng. Món đồ gỗ bóng loáng trông sinh động, như thể được truyền hồn bằng bàn tay của người làm ra nó, hoặc có thể bởi bàn tay của những thuyền trưởng hoặc sĩ quan đã sử dụng qua nó. Vài vết lõm sáng bóng, đen sì trên gỗ chỉ như những vết sẹo kỳ lạ mà mọi thứ đang sống phải gánh chịu trong đời. Một miếng thẻ hình bầu dục bằng bạc được đóng trên nóc tủ, và trên đó là dòng chữ hoa mỹ “Thuyền trưởng Archibald L. Partridge, Plymouth, 1734” và bằng nét chữ nhỏ hơn nhiều là tên của thợ mộc, Tom nghĩ đó một hành động khá hay thể hiện sự tự hào.