Vào chiều thứ Sáu ngày 31 tháng Ba, điện thoại trong cửa hàng của Jonathan reo lên. Anh vừa mới dán xong giấy nâu vào sau một bức tranh lớn, và phải tìm vật đè thích hợp – một hòn đá sa thạch cũ mèm có dòng chữ LUÂN ĐÔN, hộp keo dán, một chiếc búa gỗ – trước khi anh có thể nhấc điện thoại lên.
“Xin chào?”
“Bonjour. Anh Trevanny phải không?... Xem ra anh nói tiếng Anh. Tên tôi là Stephen Wister, W-i-s-t-e-r. Tôi đang có mặt ở Fontainebleau vài ngày và tôi tự hỏi anh có thể dành ra vài phút để nói chuyện với tôi về một việc hay không – một việc mà tôi nghĩ sẽ hấp dẫn anh.”
Người đàn ông này nói giọng Mỹ. “Tôi không mua tranh đâu,” Jonathan nói. “Tôi là thợ làm khung tranh.”
“Tôi không muốn gặp anh vì bất kỳ chuyện gì liên quan đến công việc của anh hết. Chuyện này tôi không thể giải thích qua điện thoại được. Tôi đang ở tại l’Aigle Noir.”
“À?”
“Nhưng – tôi muốn biết vì sao anh lại muốn gặp tôi.” Một phụ nữ vừa bước vào cửa hàng – bà Tissot, hay Tissaud nhỉ? – để lấy tranh về. Jonathan cười hối lỗi với bà ta.
“Tôi chỉ giải thích được khi gặp anh,” giọng nói nhẹ nhàng, thành thật. “Chỉ mất đúng mười phút thôi. Liệu anh có thời gian rảnh lúc bảy giờ tối nay không, tầm đấy?”
Jonathan nhượng bộ. “Sáu rưỡi cũng được.”
“Tôi sẽ gặp anh ở sảnh. Tôi mặc một bộ vest màu xám bằng len sọc. Nhưng tôi sẽ nói chuyện với người khuân vác hành lý. Không khó tìm đâu.”
Jonathan thường đóng cửa hàng lúc sáu rưỡi tối. Đến sáu giờ mười lăm, anh đứng ở bồn rửa, kỳ cọ hai bàn tay. Hôm đó trời se lạnh và Jonathan mặc một chiếc áo len cổ lọ với áo khoác nhung màu be cũ kỹ, không đủ thanh lịch đối với l’Aigle Noir, kết hợp với chiếc áo đi mưa tốt thứ hai của anh chỉ càng làm bộ cánh xấu xí hơn. Sao anh lại phải quan tâm? Người đó muốn bán thứ gì đó cho anh. Không thể nào khác được.
Khách sạn chỉ cách cửa hàng năm phút đi bộ. Nó có một khoảng sân nhỏ sau cánh cổng sắt cao, và vài bậc thềm dẫn lên cửa trước. Jonathan nhìn thấy một người đàn ông mảnh dẻ, mặt căng thẳng với kiểu đầu đinh tiến về phía mình với vẻ ngập ngừng thoáng qua, và anh hỏi:
“Anh Wister à?”
“Phải.” Reeves gượng cười và chìa tay ra. “Chúng ta có nên uống rượu trong quán bar ở đây hay anh thích một chỗ khác hơn?”
Quán bar ở đây dễ chịu và yên tĩnh. Jonathan nhún vai. “Tùy anh.” Anh để ý thấy trên má của Wister có một vết sẹo dài khủng khiếp.
Họ đi tới cánh cửa rộng rãi của quán bar khách sạn, bên trong trống trơn, chỉ có đúng một người đàn ông và một phụ nữ đang ngồi ở một chiếc bàn nhỏ. Wister quay đi như thể không thích không khí yên tĩnh này, và nói:
“Đi chỗ khác đi.”
Họ đi ra khỏi khách sạn và rẽ phải. Jonathan biết quán rượu liền kề, Café du Sport hay sao đó, giờ này nó đang ồn ào với cánh thanh niên quây quanh máy chơi bắn đạn và công nhân ngồi ở quầy rượu. Vừa đến cửa quán bar-café này, Wister khựng lại như thể vô tình bước vào một trận chiến vậy.
“Anh có phiền,” anh ta nói, quay người bỏ đi, “nếu lên phòng tôi ngồi không? Nó yên tĩnh và chúng ta có thể gọi đồ lên.”
Họ quay về khách sạn, đi lên một tầng rồi vào một căn phòng được trang trí theo phong cách Tây Ban Nha – đồ đạc bằng sắt đen, ga trải giường màu mâm xôi, thảm màu xanh lục nhạt. Vali đặt trên giá là dấu hiệu duy nhất cho thấy căn phòng có người sử dụng. Wister bước vào mà không cần chìa khóa.
“Anh muốn uống gì?” Anh ta tiến lại gần điện thoại. “Scotch nhé?”
“Được.”
Wister gọi đồ bằng tiếng Pháp vụng về. Anh ta muốn gọi nguyên chai rượu lên phòng và xin rất nhiều đá.
Sau đó là im lặng. Jonathan tự hỏi vì sao anh ta lại thấy bồn chồn đến vậy. Anh đứng cạnh cửa sổ, từ đó nhìn ra ngoài. Rõ ràng là Wister không muốn nói chuyện cho tới khi rượu đã lên. Jonathan nghe thấy một tiếng gõ nhẹ ở cửa.
Một người phục vụ mặc áo khoác trắng mang khay bước vào cùng nụ cười thân thiện. Stephen Wister rót rất nhiều rượu ra.
“Anh có quan tâm đến việc kiếm ít tiền tiêu không?”
Jonathan mỉm cười, giờ đã yên vị trong chiếc ghế bành thoải mái, tay cầm cốc scotch lớn có đá. “Ai lại không chứ?”
“Tôi đang có một công việc nguy hiểm – à, một công việc quan trọng – mà tôi sẵn sàng trả hậu hĩnh.”
Jonathan nghĩ đến thuốc phiện: chắc anh ta muốn vận chuyển hoặc tàng trữ một thứ gì đó. “Anh kinh doanh trong lĩnh vực nào?” Anh hỏi khá lịch sự.
“Vài ngành. Ngành tôi vừa nói với anh có thể gọi là... cờ bạc. Anh có đánh bạc không?”
“Không.” Jonathan mỉm cười.
“Tôi cũng không. Chuyện đó chẳng quan trọng.” Anh ta đứng dậy từ mép giường và chậm rãi đi quanh phòng. “Tôi sống ở Hamburg.”
“À?”
“Cờ bạc không hợp pháp theo quy định của thành phố, nhưng nó vẫn diễn ra trong các câu lạc bộ tư nhân. Dẫu vậy, việc có hợp pháp hay không không quan trọng. Tôi cần trừ khử một người, có lẽ là hai, và có khả năng cần tiến hành thêm một vụ trộm nữa. Giờ thì tôi đã lật toàn bộ quân bài của mình trên bàn rồi đấy.” Anh ta nhìn Jonathan với nét mặt nghiêm túc, tràn trề hy vọng.
Giết người, ý anh ta là vậy. Anh giật mình, sau đó mỉm cười và lắc đầu. “Tôi tự hỏi làm sao anh biết đến tôi chứ!”
Stephen Wister không cười. “Đừng bận tâm đến chuyện đó.” Anh ta tiếp tục cầm cốc rượu trong tay và đi qua đi lại, đôi mắt xám liếc nhìn Jonathan rồi lại quay đi. “Tôi tự hỏi không biết anh có hứng thú với chín mươi sáu nghìn đô la không? Trong đó có tầm bốn mươi nghìn bảng và khoảng bốn trăm tám mươi nghìn franc – tiền mới. Chỉ cần bắn một người, có thể là hai, và chúng ta sẽ xem mọi chuyện tiến triển ra sao. Nó sẽ là một thỏa thuận an toàn và dễ dàng đối với anh.”
Jonathan lại lắc đầu. “Tôi không biết từ đâu mà anh nghe được thông tin tôi là... một tay súng. Chắc anh đã nhầm tôi với ai khác rồi.”
“Không. Hoàn toàn không.”
Nụ cười của Jonathan tắt dần trước ánh mắt mãnh liệt của người đàn ông. “Đó là một sự nhầm lẫn… Anh có ngại nói cho tôi biết làm sao anh lại gọi điện cho tôi không?”
“À thì anh...” Wister trông có vẻ đau đớn hơn bao giờ hết. “Anh sẽ không sống quá vài tuần nữa. Anh biết điều đó mà. Anh có vợ và con trai nhỏ không đúng sao? Anh không muốn để lại cho họ một ít tài sản nào đó trước khi mình qua đời sao?”
Jonathan cảm tưởng như máu bị rút cạn khỏi mặt. Làm sao gã Wister này lại biết được từng ấy chuyện? Sau đó anh mới nhận ra tất cả có liên kết với nhau, kẻ đã kể cho Gauthier biết anh sẽ sớm chết biết người đàn ông này, bằng cách nào đó có liên hệ với gã. Jonathan sẽ không nhắc tới Gauthier. Đó là một người trung thực, còn Wister là một tay tội phạm. Đột nhiên cốc scotch của anh chẳng còn ngon lành gì nữa. “Có một tin đồn điên rồ... gần đây...”
Giờ đến lượt Wister lắc đầu. “Đó không phải là một tin đồn điên rồ đâu. Chỉ là có thể bác sĩ của anh đã không kể hết sự thật cho anh.”
“Thế anh thì biết rõ hơn cả bác sĩ của tôi à? Bác sĩ không nói dối tôi. Đúng là tôi bị bệnh về máu, nhưng... tình trạng hiện giờ không quá tệ...” Jonathan khựng lại. “Điều cốt yếu là, tôi e mình không thể giúp được gì cho anh rồi, anh Wi...ster.”
Khi anh ta cắn môi dưới, vết sẹo dài nhúc nhích một cách ghê tởm, như một con giun sống.
Jonathan rời mắt khỏi anh ta. Sau rốt thì liệu có chuyện bác sĩ Perrier nói dối không? Anh nghĩ là sáng mai mình nên gọi tới phòng xét nghiệm ở Paris để hỏi vài câu, hoặc đơn giản cứ đi thẳng lên Paris và đòi một lời giải thích khác.
“Anh Trevanny, tôi rất tiếc phải nói anh đã không được thông báo đầy đủ, rõ ràng là vậy. Ít nhất thì anh đã nghe được điều mà anh gọi là tin đồn, nên tôi không phải là người mang tin xấu đến. Chuyện này hoàn toàn do anh tự lựa chọn, nhưng trong hoàn cảnh này, với một khoản tiền đáng kể như thế, tôi nghĩ nghe cũng khá dễ chịu. Anh có thể ngừng làm việc và tận hưởng – À thì chẳng hạn, anh có thể đi du thuyền vòng quanh thế giới cùng gia đình và vẫn để lại cho vợ mình…”
Jonathan cảm thấy muốn ngất xỉu ở đấy và đứng dậy hít một hơi thật sâu. Cảm giác ấy trôi đi nhưng anh thích đứng hơn, Wister vẫn nói không ngừng nghỉ nhưng Jonathan chẳng mấy để vào đầu.
“Ý tưởng của tôi... Có vài người ở Hamburg sẽ đóng góp vào khoản tiền chín mươi sáu nghìn đô la ấy. Người hoặc những người mà chúng tôi muốn loại bỏ đều là dân mafia.”
Jonathan mới chỉ hồi phục lại một nửa. “Cảm ơn, tôi không phải sát thủ. Anh không nên tiếp tục chủ đề này.”
Wister vẫn tiếp tục. “Nhưng chính xác thì điều chúng tôi muốn là một người không hề có liên hệ với bất kỳ ai trong số chúng tôi, hay với Hamburg. Mặc dù người đầu tiên, gã đó chỉ là một tay sát thủ đánh thuê thôi nhé, phải bị bắn ở Hamburg. Lý do là chúng tôi muốn cảnh sát nghĩ rằng hai băng đảng mafia đang thanh toán nhau ở Hamburg. Trên thực tế, chúng tôi muốn cảnh sát đứng về phe chúng tôi.” Anh ta đi qua đi lại, chủ yếu là nhìn xuống sàn. “Người đầu tiên phải bị bắn hạ trong một đám đông, đám đông ở U-bahn. Đó là hệ thống tàu điện ngầm của chúng tôi, như cách các anh gọi. Súng sẽ bị vứt lại ngay lập tức, người – tay sát thủ hòa vào đám đông và biến mất. Một khẩu súng Ý, không có dấu vấn tay. Không manh mối.” Anh ta hạ tay xuống như một người chỉ huy dàn nhạc kết màn.
Jonathan ngồi lại xuống ghế, tạm thời cần nó trong giây lát. “Xin lỗi. Nhưng không.” Anh sẽ đi ra cửa ngay khi hồi sức.
“Tôi sẽ ở đây hết ngày mai và có lẽ đến tận cuối chiều Chủ nhật. Tôi mong anh cân nhắc thêm về đề nghị này. Thêm một ly scotch nhé? Có thể có ích cho anh đấy.”
“Không, cảm ơn.” Jonathan tự lôi mình dậy. “Tôi phải đi đây.”
Wister gật đầu, trông ra chiều thất vọng.
“Và cảm ơn vì cốc rượu.”
“Đừng khách sáo.” Anh ta mở cửa hộ anh.
Jonathan ra ngoài. Anh cứ ngỡ Wister sẽ dúi một tấm danh thiếp có tên và địa chỉ của anh ta vào tay anh. Anh mừng vì anh ta không làm vậy.
Đèn đường đã sáng trên đường France. Bảy giờ hai mươi hai phút tối. Simone có nhờ anh mua cái gì không nhỉ? Chắc là bánh mỳ. Anh đi vào một tiệm bánh và mua một cái bánh mỳ dài. Công việc quen thuộc này có tính an ủi.
Bữa tối gồm súp rau, vài khoanh giò thủ còn thừa, salad cà chua và hành tây. Simone kể về giấy dán tường hạ giá ở một cửa hàng gần chỗ cô làm việc. Với một trăm franc, họ có thể dán tường phòng ngủ, và cô đã để ý một loại giấy có họa tiết màu xanh lục và hoa cà rất đẹp, nhã nhặn và hợp thời.
“Chỉ có một cửa sổ nên phòng ngủ đó rất tối, anh biết mà, Jon.”
“Cũng được đấy,” Jonathan nói. “Đặc biệt là nếu nó được bán hạ giá.”
“Nó được bán giá rẻ mà. Không phải kiểu bán hạ giá ngớ ngẩn chỉ giảm đúng năm phần trăm – giống như ông sếp bủn xỉn của em đâu.” Cô nhúng vỏ bánh mỳ vào dầu salad và thả vào miệng. “Anh đang lo lắng chuyện gì thế? Hôm nay có việc gì xảy ra à?”
Jonathan bất chợt mỉm cười. Anh không hề lo lắng về một vấn đề gì cả. Anh thấy mừng vì Simone không để ý đến việc anh đã về hơi muộn và anh còn uống rượu nữa. “Không, em yêu. Không có gì xảy ra cả. Có thể là vì đã đến cuối tuần. Gần cuối tuần rồi đấy.”
“Anh cảm thấy mệt mỏi à?”
Nó hệt như một câu hỏi từ bác sĩ, nhưng giờ đã thành thông lệ. “Không… tối nay anh phải gọi điện cho một khách hàng từ tầm tám đến chín giờ.” Giờ đã là tám giờ ba mươi bảy phút tối. “Chắc anh nên gọi luôn, em yêu. Có thể lát nữa anh sẽ uống cà phê sau.”
“Con đi cùng cha được không?” Georges hỏi, thả dĩa xuống, ngồi ngả lưng ra sau, sẵn sàng lao ra khỏi ghế bất kỳ lúc nào.
“Tối nay thì không được, bé con ạ. Cha đang vội. Với cả cha biết thừa là con chỉ muốn chơi máy bắn đạn thôi.”
“Kẹo cao su Hollywood!” Georges hét lên, phát âm theo giọng Pháp: “Gẹo cau su Ollyvoo!”
Jonathan nhăn mặt khi nhấc chiếc áo khoác xuống khỏi móc treo trong hành lang. Kẹo cao su Hollywood, vỏ bọc màu xanh trắng của nó thỉnh thoảng tô điểm cho các rãnh nước và đôi lúc nằm rải rác trong vườn nhà anh, mang sức hấp dẫn bí ẩn đối với đám trẻ con Pháp. “Được rồi, thưa ngài,” Jonathan nói và ra khỏi cửa.
Trong cuốn niên giám có số điện thoại nhà của bác sĩ Perrier, và anh hy vọng tối nay ông ta ở nhà. Một cửa hàng bán thuốc lá, gần hơn cửa hàng của Jonathan, có điện thoại, và anh bắt đầu sải bước về phía cây xilanh màu đỏ sáng đèn nằm nghiêng là biển hiệu của cửa hàng cách đó hai con phố. Anh sẽ yêu cầu được biết sự thật. Jonathan gật đầu chào một chàng trai sau quầy, anh cũng hơi hơi quen, chỉ về phía điện thoại và cả giá cất các quyển niên giám nữa. “Fontainebleau!” Jonathan hét lên. Cửa hàng hết sức ồn ào và bên cạnh còn có hộp nhạc đang bật. Anh tìm rồi quay số.
Bác sĩ Perrier nghe máy và nhận ra giọng của Jonathan.
“Tôi muốn được xét nghiệm thêm một lần nữa. Kể cả ngay tối nay. Ngay bây giờ... nếu ông có thể lấy mẫu.”
“Tối nay à?”
“Tôi có thể tới gặp ông ngay lập tức. Trong vòng năm phút nữa.”
“Anh thấy... Anh thấy không khỏe à?”
“À – tôi nghĩ nếu ngày mai xét nghiệm được chuyển tới Paris...” Jonathan biết là bác sĩ Perrier có thói quen gửi các mẫu xét nghiệm tới Paris vào sáng thứ Bảy. “Nếu tối nay hoặc sáng sớm mai ông có thể lấy mẫu xét nghiệm...”
“Sáng mai tôi không có ở văn phòng. Tôi phải tới vài nơi. Anh Trevanny, nếu thấy bất an đến vậy thì cứ đến nhà tôi luôn bây giờ đi.”
Jonathan trả tiền điện thoại và ngay trước khi ra khỏi cửa thì nhớ ra phải mua hai gói kẹo cao su Hollywood rồi thả chúng vào túi áo khoác. Ông Perrier sống trên đại lộ Maginot, mất gần mười phút đi bộ tới đó. Jonathan chạy nước kiệu rồi đi chậm lại. Anh chưa từng đến nhà của bác sĩ.
Đó là một tòa nhà lớn, u ám, người gác cổng là một phụ nữ gầy gò, chậm chạp, già nua đang xem tivi trong một căn phòng kính đầy cây giả. Khi Jonathan chờ thang máy hạ xuống trong cái lồng ọp ẹp, người quản lý đi ra hành lang và tò mò hỏi:
“Vợ anh sắp chuyển dạ à?”
“Không. Không,” Jonathan nói, mỉm cười, nhớ ra là bác sĩ Perrier là một bác sĩ đa khoa.
Anh đi lên tầng.
“Có chuyện gì thế?” Bác sĩ Perrier hỏi, ra hiệu cho anh đi qua phòng ăn. “Vào phòng này đi.”
Căn nhà được thắp sáng yếu ớt. Màn hình tivi sáng lên từ một chỗ nào đó. Căn phòng mà họ bước vào trông như một văn phòng nhỏ, trên giá có sách y khoa, chiếc cặp đen của bác sĩ đang nằm trên bàn làm việc.
“Trời ơi, người ta sẽ nghĩ anh sắp gục đến nơi, vậy nhưng rõ ràng là anh vừa mới chạy một đoạn, má anh đỏ rực cả lên kia kìa. Đừng nói với tôi là anh lại vừa nghe tin đồn mình sắp chui xuống mồ tới nơi đấy nhé!”
Jonathan cố tỏ ra bình tĩnh. “Chỉ là tôi muốn bảo đảm chắc chắn mà thôi. Nói thật là tôi không cảm thấy quá khỏe đâu. Tôi biết là mới hai tháng trôi qua kể từ lần xét nghiệm cuối cùng nhưng – vì lần xét nghiệm tiếp theo là vào tháng Tư, có hại gì đâu…” Anh không nói hết mà nhún vai. “Lấy ít tủy cũng không khó và mẫu thử có thể được gửi vào sáng sớm mai…” Jonathan nhận thấy rõ là vào thời khắc ấy tiếng Pháp của anh trở nên ngượng nghịu, rằng từ moelle, tủy, dần trở nên khó chịu, đặc biệt là khi Jonathan tự thấy bản thân vàng khè một cách bất thường. Anh cảm giác thái độ của bác sĩ Perrier là ông ta phải giúp bệnh nhân của mình vui lên.
“Được, tôi có thể lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả chắc vẫn giống như lần trước thôi. Anh Trevanny này, anh sẽ chẳng bao giờ nhận được lời cam đoan một trăm phần trăm từ người trong ngành y đâu…” Bác sĩ vẫn tiếp tục nói trong khi Jonathan cởi áo len ra, làm theo dấu tay ra hiệu của bác sĩ Perrier và nằm xuống một chiếc ghế sôpha da cũ mèm. Bác sĩ chọc kim gây tê vào. “Nhưng tôi hiểu sự lo lắng của anh,” vài giây sau ông ta vừa nói vừa ấn và gõ vào ống tiêm đang đi vào trong xương ức của anh.
Jonathan không thích tiếng lạo xạo đó, nhưng cảm thấy cơn đau nhẹ này vẫn chịu đựng được. Có thể lần này anh sẽ biết thêm tin tức nào đó. Jonathan không thể kiềm chế mà bật ra hỏi, trước khi ra về, “Tôi phải biết sự thật, bác sĩ Perrier. Thật lòng mà nói, ông không nghĩ là có khả năng phòng xét nghiệm không đưa cho chúng ta một biên bản đầy đủ chứ? Tôi sẵn lòng tin rằng số liệu của họ chính xác…”
“Bản kết luận hoặc dự đoán lần này mới là thứ mà anh chưa thể nhận được, chàng trai trẻ ạ!”
Sau đó Jonathan đi bộ về nhà. Anh đã nghĩ xem có nên kể cho Simone biết chuyện anh đã tới chỗ bác sĩ Perrier không, chuyện anh lại thấy lo lắng, nhưng anh không thể: anh đã khiến cô lâm vào quá nhiều khó khăn rồi. Nếu anh kể thì cô có thể nói gì? Cô cũng sẽ chỉ thấy thêm phần lo lắng mà thôi, giống anh.
Trong nhà Georges đã lên giường và Simone đang đọc truyện cho cậu. Lại đọc Astérix1. Georges, dựa vào gối ngủ, còn Simone ngồi trên một cái ghế đẩu thấp dưới ánh đèn, trông như một hoạt cảnh gia đình ấm cúng những năm 1880, Jonathan nghĩ, chỉ khác chiếc quần dài của cô. Mái tóc của thằng bé vàng như râu ngô dưới ánh đèn.
1 Những cuộc phiêu lưu của Asterix là loạt truyện tranh của Pháp do René Goscinny sáng tác và Albert Uderzo minh họa.
“Kẹo cao su đâu ạ?” Georges hỏi, cười toe toét.
Anh mỉm cười và chìa một phong kẹo ra. Phong kẹo còn lại có thể chờ dịp khác.
“Anh đi lâu thế,” Simone nói.
“Anh đã uống bia ở một quán cà phê,” Jonathan nói.
Buổi chiều hôm sau từ bốn rưỡi đến năm giờ tối, như bác sĩ Perrier đã dặn, anh gọi điện tới phòng xét nghiệm Ebberle- Valent ở Neuilly. Anh báo tên, đánh vần, nói rằng mình là bệnh nhân của bác sĩ Perrier ở Fonatainebleau. Sau đó anh chờ được kết nối với bộ phận liên quan, trong khi điện thoại kêu tinh mỗi phút phải trả tiền. Jonathan đã chuẩn bị sẵn giấy bút. Anh có thể đánh vần lại tên mình được không? Sau đó một giọng nữ bắt đầu đọc báo cáo và anh nhanh nhẹn ghi lại các số liệu. Glucose máu 190,000. Không phải con số này cao hơn lúc trước sao?
“Tất nhiên chúng tôi sẽ gửi báo cáo giấy tới bác sĩ của anh và ông ấy sẽ nhận được vào thứ Ba.”
“Kết quả xét nghiệm lần này không khả quan như lần trước, đúng không?”
“Tôi hiện không có kết quả xét nghiệm lần trước ở đây, thưa anh.”
“Có bác sĩ nào ở đó không? Tôi có thể nói chuyện với một bác sĩ được không?”
“Tôi là bác sĩ đây, thưa anh.”
“À. Vậy thì báo cáo này – dù bà có bản xét nghiệm cũ ở đó hay không, thì nó vẫn không khả quan, đúng không?”
Như đọc từ trong sách giáo khoa, bà ta nói, “Đây là một tình trạng nguy hiểm tiềm tàng liên quan đến việc suy giảm miễn dịch…”
Jonathan đã gọi điện từ cửa hàng của anh. Anh đã quay biển ĐÓNG CỬA ra ngoài và kéo rèm, dù người ta vẫn có thể nhìn thấy rõ anh qua cửa sổ, và giờ khi ra cửa để tháo biển xuống, anh nhận ra là mình đã quên khóa cửa. Vì không còn ai đến hạn lấy tranh chiều hôm đó, Jonathan nghĩ mình có thể đóng cửa sớm được. Lúc đó là năm giờ chiều.
Anh đi bộ tới văn phòng của bác sĩ Perrier, sẵn sàng chờ hơn một tiếng đồng hồ nếu bắt buộc. Thứ Bảy là một ngày bận rộn vì phần lớn mọi người không làm việc và có thời gian đi khám. Trước Jonathan có ba người, nhưng y tá hỏi chuyện xem anh có cần nhiều thời gian không, anh bảo là không, và y tá đưa anh vào trước với lời xin lỗi bệnh nhân tiếp theo. Jonathan tự hỏi không biết có phải bác sĩ Perrier đã nói chuyện với y tá của mình về anh không?
Bác sĩ Perrier nhướn hàng lông mày đen nhánh lên trước bản ghi chép nguệch ngoạc của Jonathan và nói, “Nhưng thông tin này chưa hoàn chỉnh.”
“Tôi biết, nhưng nó cũng có chút ý nghĩa, không phải sao? Nó tệ hơn lần trước một chút – có đúng không?”
“Người ta sẽ nghĩ anh muốn mình bệnh nặng hơn đấy!” Bác sĩ Perrier nói với vẻ hào hứng thường thấy, nhưng giờ Jonathan đã không còn tin vào nó nữa. “Nói thật, đúng là nó tệ hơn, nhưng chỉ tệ hơn một chút thôi. Không nghiêm trọng đâu.”
“Theo phần trăm – tệ hơn mười phần trăm, đúng không?”
“Anh Trevanny – anh không phải một cỗ máy! Thôi nào, tôi không nên đưa ra bất kỳ một lời chẩn đoán nào cho tới khi nhận được báo cáo đầy đủ vào thứ Ba.”
Jonathan đi bộ về nhà một cách chậm chạp, đi qua đường Sablons phòng trường hợp anh nhìn thấy có người muốn vào cửa hàng của mình. Chẳng có ai hết. Chỉ có cửa hàng giặt là là kinh doanh phát đạt và người người cầm cả chồng đồ giặt va chạm nhau ở cửa. Lúc đó mới gần sáu giờ tối. Simone sẽ tan làm cửa hàng giày sau bảy giờ, muộn hơn thường lệ vì ông chủ Brezard của cô muốn thu về mọi đồng franc có thể trước khi đóng cửa vào Chủ nhật và thứ Hai. Còn Wister vẫn ở khách sạn l’Aigle Noir. Có phải anh ta chỉ đang đợi mỗi anh, đợi anh đổi ý và nhận lời? Có phải sẽ rất buồn cười không nếu bác sĩ Perrier thông đồng với Stephen Wister, nếu giữa họ có thỏa thuận sửa kết quả từ phòng xét nghiệm Ebberle-Valent để đưa báo cáo xấu cho anh? Nhỡ Gauthier cũng đồng lõa, kẻ mang tin xấu bé nhỏ? Như một cơn ác mộng trong đó những yếu tố lạ lùng nhất cùng hợp sức – chống lại người nằm mơ. Nhưng Jonathan biết rõ là anh không nằm mơ. Anh biết rằng bác sĩ Perrier không được Stephen Wister trả tiền. Ebberle-Valent cũng không. Và chuyện tình trạng của anh xấu đi, cái chết gần kề hơn, hoặc đến sớm hơn một chút so với anh nghĩ, không phải là một giấc mơ. Dẫu vậy, điều đó đúng với tất cả mọi người khi họ có thêm một ngày để sống, Jonathan tự nhủ. Anh nghĩ đến cái chết, giai đoạn già đi, giống như đi xuống một con dốc vậy. Phần lớn mọi người có cơ hội đi thật chậm, bắt đầu lúc năm lăm tuổi hoặc bất kỳ độ tuổi nào mà họ chậm chạp dần, đều đều đi xuống cho tới năm bảy mươi hoặc năm họ từ giã cõi đời, bất kể năm nào đi nữa. Jonathan nhận ra rằng cái chết của anh sẽ đến nhanh như bị ngã xuống vực. Khi đang cố “chuẩn bị tinh thần” cho mình, tâm trí anh nao núng và lẩn tránh. Thái độ, hoặc linh hồn của anh, vẫn ở nguyên tuổi ba tư, và muốn được sống tiếp.
Ngôi nhà hẹp của Trevanny, mang màu xám xanh trong ánh hoàng hôn, không có tí đèn nào. Nó khá xập xệ, và thực tế đó đã khiến Jonathan và Simone thấy thú vị khi mua lại căn nhà cách đây năm năm. “Nhà của Sherlock Holmes,” Jonathan thường gọi nó như vậy khi họ phân vân giữa căn nhà này với một căn nhà khác ở Fontainebleau. “Anh vẫn thích căn nhà của Sherlock Holmes hơn,” Jonathan nhớ đã nói vậy một lần. Ngôi nhà mang không khí của những năm 1890, gợi nhớ tới đèn khí và những hàng lan can bóng loáng, dù không một món đồ gỗ nào trong căn nhà này còn bóng loáng khi họ chuyển vào hết. Dẫu vậy căn nhà lúc ấy trông như thể nó có thể biến thành một nơi chốn mang sức quyến rũ của giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ. Các phòng đều nhỏ, được sắp đặt thú vị, khu vườn là một mảnh đất hình chữ nhật đầy những khóm hồng mọc quá cao, nhưng ít nhất vẫn còn nụ hồng nằm đó và tất cả những gì cần làm là dọn cỏ. Và mái cổng bằng kính vòm trên các bậc thềm sau nhà, trong hàng hiên được lắp kính, khiến Jonathan nghĩ tới họa sĩ Vuillard và họa sĩ Bonnard. Nhưng giờ anh mới nhận ra rằng năm năm trời họ sống ở đây cũng không đẩy lùi được cái vẻ u ám ấy. Đúng là giấy dán tường mới sẽ làm phòng ngủ sáng lên, nhưng đó chỉ là một căn phòng mà thôi. Căn nhà vẫn chưa được trả xong tiền: họ còn phải trả thêm ba năm nữa. Một căn hộ nhỏ như nơi họ đã sống tại Fontainebleau trong năm đầu kết hôn thì rẻ hơn, nhưng Simone đã quen sống trong ngôi nhà có đất vườn – cô đã có vườn suốt quãng đời ở Nemours – và là người Anh, Jonathan cũng thích có vườn tược. Anh chưa bao giờ hối hận dù ngôi nhà chiếm một khoản lớn trong thu nhập của họ.
Khi trèo lên các bậc thang trước nhà, Jonathan không nghĩ nhiều đến khoản tiền còn lại phải trả mà chủ yếu nghĩ về việc có lẽ anh sẽ chết trong căn nhà này. Nhiều khả năng là anh sẽ chẳng bao giờ được biết đến một căn nhà tươi sáng hơn với Simone. Anh nghĩ rằng căn nhà Sherlock Holmes đã đứng vững vài thập niên trước khi anh chào đời và cũng sẽ đứng vững thêm vài thập niên nữa sau khi anh chết. Anh cảm thấy việc chọn căn nhà này là định mệnh của mình. Một ngày nào đó họ sẽ mang anh ra ngoài, đưa chân ra trước, có thể vẫn thở nhưng đã cận kề cái chết, và anh sẽ không bao giờ đặt chân vào căn nhà này nữa.
Trước sự ngạc nhiên của Jonathan, Simone đang ở trong bếp, chơi một trò bài bạc nào đó với Georges ở bàn. Cô ngẩng lên, mỉm cười, rồi anh nhìn thấy cô nhớ ra việc chiều nay anh phải gọi điện tới phòng xét nghiệm ở Paris. Nhưng cô không thể đề cập chuyện đó trước mặt Georges.
“Hôm nay lão già đáng ghét đó đóng cửa sớm,” Simone nói. “Không buôn bán gì hết.”
“Tốt quá!” Jonathan cười nói vui tươi. “Ổ bạc này như thế nào đây?”
“Con đang thắng!” Georges nói bằng tiếng Pháp.
Simone đứng dậy và theo Jonathan vào hành lang khi anh treo áo mưa lên. Cô dò hỏi.
“Không có gì phải lo hết,” anh nói nhưng cô ra hiệu cho anh tiến lại gần phòng khách. “Có vẻ tệ hơn một chút, nhưng anh không cảm thấy xấu đi, nên có chuyện quái gì đâu cơ chứ? Anh chán lắm rồi. Uống một chai Cinzano nào.”
“Anh vẫn lo lắng vì câu chuyện đó, phải không Jon?”
“Đúng là như thế.”
“Em ước gì mình biết ai khởi xướng chuyện đó.” Mắt cô nheo lại cay đắng. “Đó là một câu chuyện thật ghê tởm. Gauthier chưa từng nói cho anh biết ai kể chuyện à?”
“Không. Như Gauthier nói, hẳn là có người nào đó đã nhầm lẫn, phóng đại.” Jonathan đang lặp lại những gì mà anh đã nói với Simone lúc trước. Nhưng anh biết đó không phải một sự nhầm lẫn mà là một chuyện đã được mưu tính.