J
onathan đứng ở cửa sổ phòng ngủ tầng một, nhìn Simone treo đồ giặt lên dây phơi ngoài vườn. Có vỏ gối, đồ ngủ của Georges, một tá tất của thằng bé và anh. Hai váy ngủ trắng, áo lót, quần đi làm màu be của Jonathan – tất cả mọi thứ chỉ trừ ga giường, Simone mang chúng tới tiệm giặt là vì việc chúng được là ủi cẩn thận rất quan trọng với cô. Cô mặc quần vải tweed và một chiếc áo len mỏng màu đỏ ôm sát cơ thể. Lưng cô trông vừa mạnh mẽ vừa dẻo dai khi cúi người lấy đồ từ chiếc giỏ to hình oval, giờ cô đang phơi đến khăn lau đĩa. Hôm đó là một ngày nắng đẹp với chút hơi hè trong gió.
Jonathan đã trốn tránh việc tới Nemours để ăn trưa với cha mẹ của Simone, ông bà Foussadier. Đã thành thông lệ, cứ hai tuần một lần anh và cô sẽ tới đó vào Chủ nhật. Trừ phi anh trai Gerard của Simone đến đón, không thì họ sẽ đi xe buýt tới Nemours. Cha mẹ của Simone lúc nào cũng làm quá khi gặp Georges, lúc nào cũng chuẩn bị quà cho thằng bé. Tầm ba giờ chiều, cha của Simone, ông Jean-Noel, sẽ bật tivi lên. Jonathan thường thấy chán chết, nhưng anh vẫn đi theo cô vì đó là một hành vi đúng đắn và cũng vì anh tôn trọng sự gần gũi của các gia đình Pháp.
“Anh cảm thấy khỏe chứ?” Simone đã hỏi như vậy khi anh cáo lỗi ở nhà.
“Khỏe, em yêu. Chỉ là hôm nay không có tâm trạng, và anh muốn chuẩn bị sẵn sàng luống đất kia để trồng cà chua. Vậy nên sao em không đi với Georges nhỉ?
Vậy nên Simone và Georges lên xe buýt vào buổi trưa. Cô đã cho nốt chỗ thịt bò hầm còn lại vào một cái nồi đỏ nhỏ trên bếp, nên tất cả những gì Jonathan phải làm là đun nó lên khi cảm thấy đói.
Anh muốn ở một mình. Anh nghĩ về Stephen Wister bí ẩn và lời đề nghị của anh ta. Jonathan không có ý định gọi điện cho Wister ở khách sạn l’Aigle Noir hôm nay, dù anh rất rõ là anh ta vẫn ở đó, cách chưa đầy ba trăm mét. Anh không hề có ý định liên lạc với Wister, dù ý tưởng đó vừa thú vị vừa phiền nhiễu một cách kỳ lạ, như một tia chớp từ hư vô, một dải màu xuất hiện trong sự sống buồn tẻ của anh, và Jonathan muốn quan sát nó, muốn tận hưởng nó theo một nghĩa nào đó. Anh cũng có cảm giác là (thực ra nó đã thường xuyên được chứng minh) Simone có thể đọc được suy nghĩ của anh, hoặc ít nhất biết khi có chuyện gì đó choán hết tâm trí anh. Nếu Chủ nhật hôm đó anh có biểu hiện lơ đễnh thì anh không muốn Simone để ý và hỏi thăm. Anh nghĩ đến con số bốn mươi nghìn bảng, khoản tiền đủ để trả hết toàn bộ chi phí mua nhà, thêm cả vài món đồ đi thuê, sơn lại những chỗ cần sơn, mua một bộ tivi mới, một khoản tiền tiết kiệm để dành riêng cho Georges đi học đại học, vài bộ đồ mới cho Simone và anh – à, sự yên ổn về tinh thần! Đơn giản là giải thoát khỏi mọi nỗi lo lắng! Anh nghĩ tới một, có lẽ là hai bóng dáng mafia – hai gã côn đồ vạm vỡ, tóc đen, nổ tung rồi chết, tay quờ quạng, cơ thể ngã xuống. Điều Jonathan không thể tưởng tượng ra, khi xẻng của anh nhấn vào mặt đất trong vườn, đó là cảnh anh kéo cò súng, có thể là khi nhắm vào lưng của một người đàn ông. Thú vị hơn, bí ẩn hơn, nguy hiểm hơn, là làm sao mà Wister biết tên anh. Có một âm mưu nhằm vào anh ở Fontainebleau này, và bằng cách nào đó nó đã truyền đến Hamburg. Không thể có chuyện Wister nhầm anh với người khác, vì anh ta thậm chí còn nhắc đến cơn bệnh của anh, vợ và con trai bé bỏng của anh nữa. Một người nào đó, Jonathan nghĩ, mà anh xem là bạn hoặc ít nhất cũng là một người quen xã giao, hoàn toàn không hề thấy hữu hảo với anh.
Wister chắc sẽ rời khỏi Fontainebleau vào tầm năm giờ chiều hôm nay, Jonathan nghĩ. Đến ba giờ, anh đã ăn xong bữa trưa, dọn dẹp các giấy tờ và hóa đơn cũ trong ngăn kéo chứa đồ của chiếc bàn tròn nằm chính giữa phòng khách. Sau đó – anh vui vẻ nhận thấy là mình hoàn toàn không mệt mỏi – anh dùng chổi và xẻng hót rác xử lý mặt ngoài các đường ống và sàn nhà xung quanh lò mazut của họ.
Tầm năm giờ hơn, khi Jonathan đang cọ rửa chỗ bồ hóng bám trên tay ở bồn nước trong bếp, Simone với Georges về nhà cùng anh trai Gerard và chị dâu Yvonne của cô, bọn họ cùng uống rượu trong bếp. Georges được ông bà ngoại tặng một hộp bánh kẹo lễ Phục sinh hình tròn có một quả trứng bọc giấy nhám vàng, một con thỏ sôcôla, kẹo cao su trái cây màu sắc, tất cả nằm dưới giấy bóng kính vàng và vẫn chưa được mở ra, vì Simone cấm thằng bé mở nó sau số bánh kẹo mà thằng bé đã ăn ở Nemours. Georges đưa anh chị họ ra vườn.
“Đừng dẫm lên chỗ đất mềm nhé, Georges!” Jonathan hét lên. Anh đã cào mịn đất nhưng vẫn để sỏi lại cho thằng bé nhặt. Georges chắc sẽ nhờ hai anh chị giúp chất đầy chiếc xe đỏ của mình. Jonathan cho con trai năm mươi xu với mỗi xe sỏi đầy – dù chẳng bao giờ đầy cả, nhưng kín hết thùng xe là được rồi.
Trời bắt đầu đổ mưa. Anh đã cất hết đồ vào trong cách đây vài phút.
“Khu vườn trông đẹp quá!” Simone nói. “Nhìn kìa, Gerard!” Cô ra dấu cho anh trai đi theo ra hàng hiên nhỏ sau nhà.
Đến lúc này, Jonathan nghĩ, Wister chắc đã lên tàu từ Fontainebleau đi Paris, hoặc có thể anh ta sẽ đi taxi tới thẳng sân bay Orly, cân nhắc đến số tiền mà dường như anh ta có. Có thể giờ này anh ta đã ở trên không, đang bay về Hamburg. Sự hiện diện của Simone, giọng nói của Gerard và Yvonne, dường như xóa nhòa Wister khỏi khách sạn l’Aigle Noir, và ở một mức độ nào đó, biến anh ta thành một hình ảnh chỉ có trong trí tưởng tượng của Jonathan. Anh cũng cảm thấy có chút hân hoan chiến thắng nhẹ trước thực tế là mình đã không gọi điện cho Wister, như thể việc đó cho thấy anh đã thành công kháng cự lại một loại cám dỗ.
Gerard Foussadier, một kỹ sư điện, là một người gọn gàng, nghiêm túc, tóc sáng màu hơn tóc của Simone, và có một hàng ria mép được tỉa tót cẩn thận. Sở thích của anh ta là lịch sử hải quân, và anh ta chế tạo mô hình tàu chiến thế kỷ mười tám và mười chín, anh ta còn lắp cả những bóng đèn điện nhỏ xíu trong phòng khách của mình mà anh ta có thể bật toàn bộ hoặc bật một phần bằng cách ấn công tắc. Chính Gerard cũng cười trước sai lầm về niên đại khi lắp bóng đèn điện trong tàu chiến của anh ta, nhưng khi toàn bộ những bóng đèn khác đều tắt thì hiệu quả mang lại đẹp tuyệt vời, tám hay mười con tàu chiến dường như đang bơi trên biển đen trong phòng khách.
“Simone nói rằng cậu hơi lo lắng – về vấn đề sức khỏe, Jon,” Gerard thực lòng hỏi thăm. “Anh rất tiếc.”
“Không hẳn. Chỉ là kiểm tra sức khỏe như thường lệ mà thôi,” Jonathan nói. “Kết quả xét nghiệm cũng vẫn vậy.” Anh đã quen sử dụng những câu sáo rỗng này, cũng như nói “Rất khỏe, cảm ơn anh” khi có người hỏi thăm sức khỏe. Điều Jonathan nói có vẻ đã khiến Gerard hài lòng, vậy nên rõ ràng là Simone cũng không kể nhiều.
Yvonne và Simone đang trò chuyện về vải sơn lót sàn. Vải lót sàn trước bếp và bồn rửa đã sờn rách. Khi họ mua ngôi nhà này thì nó cũng đã chẳng mới rồi.
“Anh thật sự cảm thấy ổn chứ, anh yêu?” Simone hỏi Jonathan sau khi nhà anh trai cô đã ra về.
“Hơn cả ổn ấy chứ. Anh thậm chí còn xử lý phòng đun nước nóng rồi đấy. Bồ hóng.” Anh mỉm cười.
“Anh điên rồi. Ít nhất thì tối nay anh sẽ có một bữa tối đúng nghĩa. Mẹ khăng khăng bắt em mang ba miếng thịt cuộn về từ bữa trưa và chúng ngon lắm!”
Sau đó gần mười một giờ tối, khi họ chuẩn bị lên giường, Jonathan đột nhiên cảm thấy trầm cảm, như thể chân và toàn bộ cơ thể anh nhão thành bùn – tựa hồ anh đang nhúng nửa người xuống bùn. Có phải chỉ là mệt mỏi thôi không? Nhưng có vẻ đây là trạng thái tinh thần chứ không phải trạng thái thể chất. Anh mừng khi đèn đã tắt hết, anh có thể thả lỏng vòng tay ôm lấy Simone, cô ôm lấy anh, như họ vẫn luôn nằm khi đi ngủ. Anh nghĩ tới Stephen Wister (mà đó có phải là tên thật của anh ta không nhỉ?) có thể giờ đang bay về hướng Đông, cơ thể mảnh khảnh duỗi dài trên ghế máy bay. Jonathan tưởng tượng ra khuôn mặt của Wister với vết sẹo hồng rực, băn khoăn, căng thẳng, nhưng anh ta sẽ không còn nghĩ về Jonathan Trevanny nữa. Anh ta sẽ nghĩ đến một người khác. Anh ta chắc phải có hai đến ba ứng viên khác, anh nghĩ.
Buổi sáng lạnh lẽo đầy sương. Tám giờ hơn, Simone đưa Georges tới trường mẫu giáo, Jonathan đứng trong bếp, làm ấm các ngón tay bằng bát cà phê sữa thứ hai. Hệ thống làm nóng không hoạt động tốt. Họ đã trải qua một mùa đông không mấy dễ chịu, và thậm chí đến mùa xuân rồi mà căn nhà vẫn lạnh băng vào buổi sớm. Lò đốt đã có sẵn trong nhà khi họ mua, đủ sức cấp nhiệt cho năm lò sưởi dưới tầng một nhưng không đủ cho thêm năm lò sưởi nữa trên gác, dù họ đã thầm hy vọng khi lắp chúng. Họ đã được cảnh báo, Jonathan vẫn nhớ, nhưng một lò sưởi lớn hơn sẽ tốn ba nghìn franc, và họ thì không có tiền.
Ba bức thư rơi qua khe cửa trước. Một là hóa đơn điện. Jonathan lật một phong bì vuông vắn lại và nhìn thấy dòng chữ Khách sạn l’Aigle Noir trên lưng. Anh mở phong bì ra. Một tấm danh thiếp rơi xuống đất. Jonathan nhặt nó lên và đọc thấy “Địa chỉ nhà Stephen Wister,” được viết trên dòng:
Reeves Minot
159 Agnesstrasse
Winterhude (Alster )
Hamburg 56
629-6757
Còn có cả một bức thư.
Ngày 1 tháng Tư năm 19…
Anh Trevanny thân mến:
Tôi rất tiếc vì không nhận được tin gì từ anh suốt cả sáng nay hoặc cho đến giờ này buổi chiều. Nhưng phòng trường hợp anh đổi ý, tôi đính kèm danh thiếp có địa chỉ nhà mình ở Hamburg. Nếu anh suy nghĩ lại về lời đề nghị của tôi thì xin hãy gọi điện cho tôi vào bất kỳ giờ nào. Hoặc hãy đến nói chuyện với tôi ở Hamburg. Phí di chuyển khứ hồi sẽ được chuyển cho anh ngay khi tôi nhận được tin từ anh.
Trên thực tế, sao anh không cân nhắc ý tưởng đến gặp một bác sĩ chuyên khoa ở Hamburg về bệnh máu và nhận thêm một chẩn đoán khác? Việc này có thể khiến anh cảm thấy thoải mái hơn.
Tôi sẽ quay lại Hamburg vào tối Chủ nhật.
Trân trọng,
Stephen Wister.
Jonathan vừa thấy ngạc nhiên, thú vị, vừa thấy bực mình. Thoải mái hơn. Câu đó có vẻ buồn cười, vì Wister chắc chắn là anh sẽ chết sớm. Nếu một bác sĩ chuyên khoa ở Hamburg chẩn đoán là “Ái chà, anh chỉ có thêm một đến hai tháng để sống,” thì điều đó sẽ khiến anh cảm thấy thoải mái hơn sao? Jonathan đút bức thư và tấm danh thiếp vào túi quần sau. Một chuyến đi khứ hồi miễn phí tới Hamburg. Wister đã nghĩ đến mọi cách cám dỗ. Thật thú vị khi anh ta lại gửi thư vào chiều thứ Bảy, để anh nhận được thư vào sáng sớm ngày thứ Hai, dù Jonathan có thể gọi cho anh ta vào bất kỳ một thời điểm nào hôm Chủ nhật. Nhưng vào Chủ nhật không có ai đi thu thư từ các hòm thư trong thị trấn hết.
Lúc đó là tám giờ năm mươi hai phút sáng. Jonathan nghĩ xem mình phải làm gì. Anh cần thêm giấy lót từ một công ty ở Melun. Có ít nhất hai khách hàng anh cần gửi bưu thiếp thông báo vì tranh của họ đã xong hơn một tuần nay rồi. Jonathan thường dành thứ Hai để làm những việc lặt vặt tại cửa hàng, vì việc mở cửa hàng sáu ngày một tuần là trái luật Pháp.
Jonathan tới nơi lúc chín giờ mười lăm phút sáng, kéo chiếc rèm màu xanh lá xuống, và khóa cửa lại, treo tấm biển ĐÓNG CỬA. Anh đi lại vẩn vơ, vẫn nghĩ đến Hamburg. Ý kiến của một chuyên gia người Đức có thể là chuyện tốt. Cách đây hai năm Jonathan đã tham khảo ý kiến của một bác sĩ chuyên khoa ở Luân Đôn. Chẩn đoán của ông ta cũng giống như ở Pháp, khiến anh thấy hài lòng vì chúng đều chính xác. Không phải người Đức sẽ kỹ càng và hiện đại hơn sao? Giả sử anh chấp nhận đề nghị khứ hồi của Wister? (Jonathan đang chép lại một địa chỉ lên một tấm bưu thiếp.) Nhưng sau đó thì anh sẽ mắc nợ anh ta. Jonathan nhận ra rằng anh đang cân nhắc đến ý tưởng giết người cho Wister – không phải vì Wister mà vì tiền. Một tay mafia. Tất cả bọn chúng đều là tội phạm cả, không phải sao? Tất nhiên, Jonathan thầm nhủ, anh luôn có thể trả tiền cho Wister, nếu anh nhận tấm vé khứ hồi. Vấn đề là, hiện giờ anh không thể rút tiền ra khỏi ngân hàng được, chưa đủ. Nếu anh thật sự muốn chắc chắn về tình trạng của mình, Đức (hoặc Thụy Sĩ cũng được) có thể cho anh biết. Họ có những bác sĩ giỏi nhất thế giới, không phải sao? Jonathan giờ đang đặt tấm danh thiếp của nhà cung cấp giấy ở Melun bên cạnh điện thoại để nhắc mình mai phải gọi vì hôm nay chỗ bán giấy cũng không mở cửa. Với cả ai mà biết được, chẳng lẽ đề nghị của Stephen lại không khả thi sao? Trong một giây, anh thấy mình bị bắn nát bươm bởi làn đạn của các sĩ quan cảnh sát Đức: họ bắt được anh ngay sau khi anh nổ súng bắn gã người Ý. Nhưng kể cả khi anh chết thì Simone và Georges vẫn nhận được khoản tiền bốn mươi nghìn bảng. Jonathan quay lại thực tại. Anh sẽ không giết ai cả, không. Nhưng Hamburg, việc đi tới Hamburg như một thú vui, một quãng nghỉ giải lao, dù anh có nhận được tin dữ ở đó đi nữa. Dù thế nào thì anh vẫn sẽ biết được sự thật. Và nếu hiện giờ Wister trả tiền thì Jonathan có thể trả lại anh ta trong vòng ba tháng, nếu anh chắt bóp chi tiêu, không mua quần áo, không mua cả một cốc bia trong quán cà phê. Jonathan sợ không dám kể cho Simone, dù cô sẽ đồng ý, tất nhiên, vì như thế có nghĩa là đi khám một bác sĩ nữa, cứ cho là một bác sĩ hết sức xuất sắc. Việc chắt bóp chi tiêu chỉ áp dụng với tiền riêng của Jonathan mà thôi.
Tầm mười một giờ sáng, Jonathan gọi điện tới số của Wister ở Hamburg, gọi trực tiếp chứ không để người nhận trả tiền. Ba đến bốn phút sau, điện thoại của anh reo và Jonathan có kết nối rõ, tốt hơn nhiều so với các cuộc gọi đến Paris thường ngày.
“Vâng… Wister đây,” Wister nói bằng giọng nhỏ nhẹ, căng thẳng của anh ta.
“Sáng nay tôi đã nhận được thư của anh,” Jonathan mở đầu. “Ý tưởng tới Hamburg…”
“Đúng thế, sao lại không?” Wister bình thản nói.
“Nhưng ý tôi muốn nói đến việc tới đó khám bác sĩ chuyên khoa…”
“Tôi sẽ chuyển tiền cho anh ngay lập tức. Anh có thể nhận tiền ở bưu điện Fontainebleau. Chắc sẽ đến nơi sau vài tiếng đồng hồ.”
“Việc đó… anh thật tốt bụng. Khi đến nơi, tôi có thể…”
“Anh có thể đến hôm nay không? Ngay tối nay? Ở đây có phòng cho anh ở lại.”
“Tôi không chắc hôm nay có được không.” Vậy nhưng sao lại không?
“Hãy gọi lại cho tôi khi anh đã mua xong vé. Báo cho tôi biết anh đến lúc nào. Tôi sẽ ở nhà cả ngày.”
Khi dập máy, tim của Jonathan đập hơi nhanh.
Trong bữa trưa ở nhà, anh lên phòng ngủ ở tầng hai để kiểm tra vali của mình. Nó nằm trên nóc tủ quần áo, nơi nó đã yên vị từ chuyến du lịch cuối cùng của họ, gần một năm trước, đến Arles.
Anh nói với Simone, “Em yêu, có chuyện quan trọng. Anh đã quyết định đến Hamburg để khám bác sĩ chuyên khoa ở đó.”
“Vậy à – ông Perrier gợi ý thế à?”
“À – trên thực tế là không. Tự anh. Anh không ngại nghe thêm chẩn đoán của một bác sĩ Đức. Anh biết làm vậy hơi phung phí tiền.”
“Ôi Jon! Phung phí tiền thì làm sao! – Sáng nay anh nhận được tin gì à? Nhưng phải mai kết quả xét nghiệm mới đến, không phải sao?”
“Đúng thế. Nhưng em yêu, họ luôn nói giống hệt nhau. Anh muốn nhận được một chẩn đoán mới tinh.”
“Anh muốn đi khi nào?”
“Sớm. Tuần này.”
Năm giờ kém, Jonathan gọi đến bưu điện Fontainebleau. Tiền đã đến. Anh trình diện thẻ căn cước và nhận được sáu trăm franc. Anh đi từ bưu điện tới đại lý du lịch ở quảng trường Franklin Roosevelt, chỉ cách đó vài khu phố, mua một vé khứ hồi tới Hamburg trên một chuyến bay rời khỏi sân bay Orly lúc chín giờ hai mươi lăm phút tối hôm đó. Anh nhận ra mình sẽ phải nhanh chân và anh thích chuyện đó, vì nó loại trừ mọi cân nhắc, mọi do dự. Anh về cửa hàng của mình và gọi tới Hamburg, lần này để người nhận trả tiền điện thoại.
Wister lại nghe máy. “À, được thôi. Lúc mười một giờ năm lăm, được rồi. Anh hãy đi xe buýt sân bay tới ga thành phố nhé? Tôi sẽ đón anh ở đó.”
Sau đó Jonathan gọi điện cho vị khách đã đặt một bức tranh quan trọng ở cửa hàng, thông báo rằng sẽ đóng cửa vào thứ Ba và thứ Tư vì “lý do gia đình”, một cái cớ phổ biến. Anh sẽ phải treo biển với thông báo tương tự ở cửa vài ngày. Không phải một vấn đề quá quan trọng, Jonathan nghĩ thầm, vì các chủ tiệm trong thị trấn cũng thường xuyên đóng cửa vài ngày vì lý do này kia. Jonathan từng thấy một tấm biển thông báo “đóng cửa vì say rượu”.
Anh đóng cửa hàng và về nhà để dọn đồ. Anh nghĩ tối đa chuyến đi chỉ kéo dài hai ngày, trừ phi bệnh viện ở Hamburg đòi anh ở lại thêm để xét nghiệm. Anh đã kiểm tra lịch tàu tới Paris và có một chuyến lúc bảy giờ tối, quá thích hợp. Anh phải đến Paris rồi tới Les Invalides để đi xe buýt tới sân bay Orly. Khi Simone đón Georges về nhà, Jonathan đã mang vali xuống tầng một.
“Tối nay luôn à?” Simone hỏi.
“Càng sớm càng tốt, em yêu. Anh đã lên cơn bốc đồng. Anh sẽ quay lại vào thứ Tư, có thể thậm chí là ngay tối mai.”
“Nhưng – em có thể liên lạc với anh ở đâu? Anh đã thuê được khách sạn nào chưa?”
“Chưa. Anh sẽ đánh điện cho em sau, em yêu. Đừng lo gì cả.”
“Anh đã thu xếp xong mọi thứ rồi à? Bác sĩ nào thế?”
“Anh chưa biết. Anh chỉ mới nghe tên bệnh viện thôi.”
Jonathan làm rơi hộ chiếu khi cố gắng nhét nó vào túi áo trong.
“Em chưa bao giờ thấy anh thế này cả,” Simone nói.
Anh mỉm cười với cô. “Ít nhất thì – rõ ràng là anh chưa gục ngã!”
Cô muốn đi cùng anh tới ga tàu Fontainebleau-Avon rồi một mình đi xe buýt quay về, nhưng Jonathan xin cô đừng làm vậy.
“Anh sẽ đánh điện cho em ngay lập tức,” anh nói.
“Hamburg ở đâu ạ?” Georges hỏi lần thứ hai.
“Allemagne1! – nước Đức!” Jonathan trả lời.
1 Tiếng Pháp: Nước Đức.
May thay, anh bắt được taxi ở đại lộ France. Tàu đang cập bến ga Fontainebleau-Avon khi anh đến, và anh chỉ vừa vặn đủ thời gian mua vé và nhảy lên tàu. Sau đó là đi taxi từ ga Lyon tới Les Invalides. Jonathan còn lại một ít tiền từ khoản sáu trăm franc. Một thời gian tới anh sẽ không cần lo về tiền nữa.
Lên máy bay, anh ngủ gà gật, trong lòng vẫn còn đặt một tờ tạp chí. Anh tưởng tượng mình là một người khác. Chuyến bay vội vàng dường như cũng chia tách con người mới này với người đàn ông ở lại trong ngôi nhà xám xịt u tối trên đường St. Merry. Anh tưởng tượng vào thời điểm này một Jonathan khác đang giúp Simone rửa bát đĩa, tán gẫu về những chủ đề nhạt nhẽo như giá vải sơn lót sàn bếp.
Máy bay hạ cánh. Không khí lạnh lẽo và hanh khô hơn nhiều. Có một đường cao tốc dài sáng đèn, sau đó là đến phố xá đô thị, những tòa nhà khổng lồ đứng lừng lững trong trời đêm, đèn đường có màu sắc và hình dáng khác với ở Pháp.
Và Wister xuất hiện, mỉm cười, tiến về phía anh, bàn tay phải chìa ra. “Xin chào, anh Trevanny! Chuyến đi dễ chịu chứ?... Xe của tôi đỗ ngay bên ngoài. Hy vọng anh không phiền phải đi xe tới ga này. Lái xe của tôi – thật ra là một người thỉnh thoảng tôi thuê – cho đến tận mới đây thôi mới hết bận.”
Họ đi bộ ra phía vỉa hè. Wister lải nhải bằng giọng Mỹ. Ngoại trừ vết sẹo trên mặt, ở anh ta không có gì biểu hiện sự hung hãn hết. Jonathan xác định là anh ta quá bình tĩnh, nhìn từ góc độ tâm thần thì đó cũng có vẻ đáng quan ngại. Hoặc chỉ là anh ta đang kìm nén? Wister dừng chân cạnh một chiếc xe Mercedes-Benz đen sáng bóng. Một người đàn ông trung niên, không đội mũ, đón chiếc vali cỡ trung của Jonathan rồi mở cửa cho anh và Wister.
“Đây là Karl,” Wister nói.
“Chào anh,” anh nói.
Karl mỉm cười và nhỏ giọng trả lời gì đó bằng tiếng Đức.
Đoạn đường khá dài. Wister chỉ vào tòa thị chính, “tòa nhà cổ nhất ở châu Âu, và không bị đánh bom” và một nhà thờ hoặc lâu đài vĩ đại mà Jonathan không nhớ tên. Anh và Wister ngồi cùng nhau ở ghế sau. Họ đi đến một khu vực trong thành phố đậm không khí đồng quê hơn, qua một cây cầu, tiến vào một con đường tối tăm.
“Đến nơi rồi,” Wister nói. “Chỗ của tôi.”
Xe ô tô đã tiến vào một con đường dốc rồi dừng lại cạnh một ngôi nhà lớn có vài ô cửa sổ đang sáng đèn và cửa ra vào được chăm chút cẩn thận cũng đang sáng đèn.
“Đây là một ngôi nhà cũ bốn căn hộ, và tôi sở hữu một căn trong đó,” Wister giải thích. “Có rất nhiều nhà như vậy ở Hamburg. Chúng được cải tạo lại. Ở đây tôi có tầm nhìn rất đẹp ra hồ Alster. Hồ Aussen Alster, hồ lớn hơn. Ngày mai anh sẽ thấy.”
Họ lên nhà trong một chiếc thang máy hiện đại, Karl xách hành lý hộ Jonathan. Anh ta ấn chuông và một người phụ nữ trung niên mặc váy đen đeo tạp dề trắng mở cửa, mỉm cười.
“Đây là bà Gaby,” Wister nói với Jonathan. “Quản gia bán thời gian của tôi. Bà ấy làm việc cho một gia đình khác trong ngôi nhà này và ngủ ở chỗ họ, nhưng tôi đã dặn là tối nay muốn ăn một xíu. Bà Gaby, đây là anh Trevanny đến từ Pháp.”
Người phụ nữ chào đón Jonathan một cách dễ chịu, cầm áo hộ anh. Bà ta có khuôn mặt tròn trịa như bánh pudding và trông có vẻ tử tế.
“Rửa mặt ở đây, nếu anh muốn,” Wister nói, ra dấu vào một phòng tắm đã bật sẵn đèn. “Tôi sẽ lấy một ly scotch cho anh. Anh có đói không?”
Khi Jonathan ra khỏi phòng tắm, đèn – bốn ngọn đèn – đã bật trong căn phòng khách vuông vức rộng rãi. Wister ngồi trên một chiếc sôpha xanh lục, hút xìgà. Hai cốc scotch nằm trên một chiếc bàn cà phê trước mặt. Bà Gaby tiến vào ngay lập tức với một khay đựng sandwich và một miếng phô mai tròn màu vàng nhạt.
“À, cảm ơn bà Gaby.” Wister nói với Jonathan, “Giờ này hơi muộn đối với bà ấy, nhưng khi tôi bảo là có một vị khách sắp đến thì bà ấy khăng khăng đòi ở lại để phục vụ sandwich.”Anh ta, dù nói lời vui vẻ nhưng không hề cười. Trên thực tế thì hàng lông mày thẳng tắp nhíu lại lo lắng khi bà Gaby sắp xếp đĩa và dao dĩa. Khi bà ta lui ra, anh ta nói, “Anh cảm thấy khỏe chứ? Giờ thì chuyện chính là – đến khám bác sĩ chuyên khoa. Tôi đã có một người rất giỏi trong đầu, bác sĩ Heinrich Wentzel, bác sĩ huyết học ở Eppendorfer Krankenhaus, là bệnh viện lớn nhất ở đây. Nổi tiếng toàn thế giới. Tôi đã đặt lịch hẹn cho anh lúc hai giờ chiều mai, nếu anh thấy hợp lý.”
“Chắc chắn rồi. Cảm ơn anh,” Jonathan nói.
“Như vậy anh sẽ có cơ hội ngủ bù. Tôi hy vọng vợ anh không phiền lòng về việc anh lên đường gấp như vậy... Sau rốt thì tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ khác về một căn bệnh máu nghiêm trọng cũng là hành động khôn ngoan…”
Jonathan chỉ lơ đãng lắng nghe. Anh cảm thấy đờ đẫn, thêm vào đó anh còn hơi xao lãng trước đồ trang trí trong nhà, trước thực tế là tất cả mọi thứ ở đây đều mang chất Đức, và đây là lần đầu tiên anh tới Đức. Đồ đạc đều khá thông dụng và trông hiện đại chứ không cổ kính, dù có một chiếc bàn làm việc Biedermeier đẹp đẽ kê sát bức tường đối diện anh. Có vài giá sách thấp nằm dọc tường, rèm cửa sổ dài màu xanh lục, và các bóng đèn ở trong góc tỏa ra ánh sáng dễ chịu. Một chiếc hộp gỗ màu tím mở ra trên bàn cà phê bằng kính, đặt các loại xì gà và thuốc lá khác nhau trong từng ngăn. Lò sưởi trắng có đồ trang trí bằng đồng, nhưng hiện giờ không có ngọn lửa nào đang cháy cả. Một bức tranh trông khá thú vị xem chừng là một bức Derwatt treo trên lò sưởi. Thế Reeves Minot đâu rồi? Jonathan đoán Wister chính là Minot. Anh ta có định thông báo điều đó hay cho rằng anh đã tự nhận ra? Jonathan chợt nghĩ anh và Simone nên sơn hoặc dán toàn bộ ngôi nhà của họ thành màu trắng. Anh nên phản đối ý tưởng dán giấy dán tường nghệ thuật tân thời trong phòng ngủ. Nếu họ muốn phòng sáng hơn thì màu trắng là hợp lý…
“Anh nên cân nhắc thêm một lời đề nghị khác của tôi…” Wister nói bằng chất giọng êm ái của anh ta. “Ý tưởng mà tôi đã nói đến ở Fontainebleau.”
“Tôi e là mình chưa thay đổi ý định về chuyện đó,” Jonathan nói. “Vậy nên dẫn đến chuyện – rõ ràng là tôi nợ anh sáu trăm franc.” Jonathan gượng cười. Chưa gì anh đã cảm thấy ngà ngà say, và ngay khi nhận ra điều này, anh run rẩy uống thêm một ít rượu trong cốc. “Tôi có thể trả lại cho anh trong vòng ba tháng. Vào lúc này gặp bác sĩ chuyên khoa là chuyện thiết yếu đối với tôi. Chuyện gì quan trọng thì phải làm trước.”
“Đương nhiên rồi,” Wister nói. “Và anh cũng đừng bận tâm đến chuyện trả tiền cho tôi. Vớ vẩn.”
Jonathan không muốn tranh luận, nhưng anh mơ hồ cảm thấy xấu hổ. Hơn hết thảy, anh cảm thấy kỳ lạ, như thể anh chỉ đang nằm mơ, hoặc không hiểu sao không phải là chính mình nữa. Anh nghĩ chắc là do mọi thứ quá xa lạ.
“Gã người Ý mà chúng tôi muốn trừ khử,” Wister nói, đưa hai tay ra sau đầu và ngẩng lên nhìn trần nhà, “có một công việc cố định. Ha! Buồn cười thật đấy! Gã ta chỉ giả vờ đó là một công việc với giờ làm thông thường mà thôi. Gã ta la cà quanh các câu lạc bộ gần đường Reeperbahn, giả vờ ham mê cờ bạc, giả vờ làm nghề chế rượu nho, và tôi chắc chắn là gã ta có bạn ở - cái chỗ mà họ gọi là nhà máy rượu vang ấy. Chiều nào gã ta cũng tới đó, nhưng gã ta lại dành cả tối ở hết câu lạc bộ riêng này đến câu lạc bộ riêng kia, chơi một chút và xem xem gặp được ai. Sáng thì gã ta ngủ, vì đã thức cả đêm. Giờ trọng điểm là,” Wister nói, ngồi thẳng dậy, “chiều nào gã ta cũng đi U-bahn về nhà, đấy là một căn hộ cho thuê. Gã ta thuê sáu tháng và có một công việc thực sự thời hạn sáu tháng với chỗ làm rượu vang để hợp pháp hóa. Ăn sandwich đi chứ!”Anh ta chìa đĩa ra như thể mới chợt nhận ra có sandwich ở đó.
Jonathan ăn một miếng sandwich lưỡi. Có cả xà lách trộn và dưa chuột muối thì là nữa.
“Trọng điểm là hàng ngày gã ta một mình xuống tàu điện ngầm U-bahn ở ga Steinstrasse lúc sáu giờ mười lăm, trông như mọi doanh nhân vừa rời khỏi văn phòng. Đó là thời điểm chúng tôi muốn tấn công gã ta.” Wister úp hai bàn tay xương xẩu xuống. “Nếu đến được sau lưng gã ta thì sát thủ sẽ nổ súng một lần, có thể là hai lần để bảo đảm, thả súng xuống đất và thế là – đơn giản như cách người Anh các anh nói, không phải sao?”
Cụm từ này đúng là có phần quen thuộc, đến từ quá khứ xa xôi. “Nếu dễ dàng như thế thì sao anh lại cần đến tôi?” Jonathan gượng nở một nụ cười lịch sự. “Tôi là tay mơ, nói nhẹ là thế. Tôi sẽ làm hỏng việc.”
Witser cứ như chưa nghe thấy gì. “Đám đông ở U-bahn có thể sẽ túm tụm lại. Vài người thôi. Ai mà biết được? Có lẽ là khoảng ba mươi đến bốn mươi người, nếu cảnh sát tới đó nhanh. Đó là một ga tàu lớn, cùng với ga đường sắt chính. Có thể họ sẽ kiểm tra người. Nhưng giả sử họ khám người anh thì sao?” Anh ta nhún vai. “Anh sẽ phải bỏ súng lại. Anh sẽ dùng một chiếc tất mỏng bao tay, và vứt nó đi vài giây sau khi nổ súng. Sẽ không có bột súng trên người, không có dấu vân tay trên súng. Anh chẳng có liên hệ gì với người chết hết. À, sẽ không điều tra đến mức đó đâu. Chỉ cần nhìn vào thẻ căn cước Pháp của anh, việc anh đặt lịch hẹn với bác sĩ Wentzel, là anh hoàn toàn trong sạch. Trọng điểm của tôi, của chúng tôi, là không muốn thuê bất kỳ ai có liên hệ với chúng tôi hay câu lạc bộ…”
Jonathan lắng nghe và không bình luận gì. Anh đang nghĩ đến ngày nổ súng, anh sẽ phải vào ở một khách sạn, không thể làm khách ở nhà Wister để phòng trường hợp cảnh sát hỏi anh đang ở đâu. Thế còn Karl và bà quản gia thì sao? Họ có biết gì về chuyện này không? Họ có đáng tin không? Tất cả những chuyện này đều thật vô lý, Jonathan nghĩ thầm và muốn cười, nhưng anh không cười.
“Anh mệt rồi,” Wister nói. “Muốn xem phòng của anh không? Bà Gaby đã chuyển vali lên đó rồi.”
Mười lăm phút sau, Jonathan mặc đồ ngủ sau khi tắm nước nóng. Phòng của anh có một ô cửa sổ thẳng mặt trước nhà, như căn phòng khách có hai cửa sổ và Jonathan nhìn xuống mặt nước, đèn đường chạy dọc bờ nước, có vài ánh đèn màu đỏ và xanh lục của những con thuyền bị neo lại. Nó trông tối tăm, yên bình, và rộng lớn. Ánh đèn tuần tra quét dọc bầu trời một cách cẩn mật. Giường của anh dài hai mét rộng mét hai, được sắp đặt gọn gàng. Có một ly hình như là đựng nước lọc trên tủ đầu giường và một gói thuốc lá Gitane mais, nhãn hiệu anh dùng, một chiếc gạt tàn và diêm. Jonathan nhấp một ngụm nước từ cốc và nhận ra nó đúng là nước lọc thật.