J
onathan ngồi ở mép giường, nhấm nháp tách cà phê mà bà Gaby vừa mang lên. Cà phê đúng kiểu anh thích, đậm đặc nhưng có một lớp kem dày. Jonathan đã tỉnh giấc lúc bảy giờ sáng, sau đó ngủ tiếp cho tới khi Wister gõ cửa lúc mười rưỡi.
“Đừng xin lỗi làm gì, tôi mừng vì anh đã ngủ được,” Wister nói. “Bà Gaby đã chuẩn bị sẵn sàng cà phê để mang lên cho anh rồi. Hay anh thích trà hơn?”
Anh ta còn nói thêm rằng đã đặt phòng cho Jonathan ở khách sạn - à thì tên tiếng Anh của nó là Victoria, họ sẽ tới đó trước bữa trưa. Jonathan cảm ơn. Không trò chuyện gì thêm về khách sạn. Nhưng đó chỉ là khởi đầu, Jonathan nghĩ, như anh đã suy xét tối qua. Nếu thực hiện theo kế hoạch của Wister thì anh không được phép làm khách ở nơi này nữa. Dẫu vậy, anh thấy mừng vì sẽ thoát khỏi mái nhà của anh ta trong vài giờ đồng hồ.
Một người bạn hay người quen của Wister tên là Rudolf gì đó đến vào buổi trưa. Người này trẻ măng, mảnh khảnh, mái tóc đen thẳng đuột, lo lắng và lịch sự. Wister nói rằng anh ta là sinh viên y khoa. Rõ ràng là anh ta không biết tiếng Anh. Anh ta khiến Jonathan nhớ tới các bức tranh của Franz Kafka. Tất cả cùng lên xe, Karl lái, và khởi hành đến khách sạn của Jonathan. Mọi thứ trông thật mới so với nước Pháp, anh nghĩ, rồi nhớ ra là Hamburg đã bị bom san bằng. Ô tô dừng lại trên một con phố buôn bán. Đó là khách sạn Victoria.
“Tất cả đều nói được tiếng Anh,” Wister nói. “Chúng tôi sẽ đợi anh.”
Jonathan đi vào trong. Một người khuân vác hành lý đã cầm vali của anh ở cửa. Anh đăng ký thuê phòng, tìm quyển hộ chiếu Anh của mình để đọc cho đúng số. Anh nhờ mang vali lên phòng như Wister đã dặn dò. Theo Jonathan thấy thì khách sạn này thuộc tầm trung.
Sau đó họ lái xe tới một nhà hàng để ăn trưa, Karl không vào cùng họ. Họ uống rượu vang tại bàn trước khi ăn, và Rudolf trở nên phấn khởi. Anh ta nói tiếng Đức và Wister chuyển ngữ lại vài câu pha trò của anh ta. Jonathan nghĩ tới thời điểm hai giờ chiều, khi anh phải có mặt ở bệnh viện.
“Reeves…,” Rudolf nói với Wister.
Jonathan nghĩ Rudolf từng gọi thế một lần rồi, và lần này không có gì nhầm lẫn nữa. Wister – Reeves Minot – bình thản đón nhận. Cả Jonathan cũng vậy.
“Thiếu máu,” Rudolf nói với Jonathan.
“Tệ hơn.” Anh mỉm cười.
“Schlimmer1,” Reeves Minot nói, và tiếp tục trò chuyện với Rudolf bằng tiếng Đức, đối với Jonathan thì nó cũng vụng về như tiếng Pháp của anh vậy, nhưng có thể cũng đủ dùng tương đương.
1 Tiếng Đức: Tệ hơn.
Thức ăn ngon tuyệt vời, phần ăn thì nhiều. Reeves đã mua xì gà. Nhưng trước khi có thể hút xong điếu xì gà thì họ phải lên đường tới bệnh viện.
Bệnh viện là một khu nhà phức hợp rộng lớn giữa các hàng cây và lối đi trồng hoa. Karl lại lái xe chở họ. Cảnh bệnh viện mà Jonathan phải tới trông như một phòng xét nghiệm của tương lai – những căn phòng hai bên hành lang như trong khách sạn, chỉ có điều chúng có ghế hoặc giường bằng nhôm và được chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang hoặc nhiều bóng đèn màu sắc khác nhau. Không có mùi thuốc sát trùng nhưng nồng nặc một loại khí bí hiểm nào đó, có phần gợi nhớ tới một mùi mà Jonathan biết khi nằm dưới máy xạ trị, thứ đã chẳng giúp ích được gì cho bệnh máu của anh cách đây năm năm. Đó là một chỗ mà các con chiên hoàn toàn quy thuận dưới bàn tay của các bác sĩ chuyên khoa toàn năng, Jonathan nghĩ thầm, và ngay lập tức anh cảm thấy yếu ớt đến nỗi muốn ngất đi. Lúc ấy anh đang đi trên một hành lang có mặt sàn chống ồn tưởng chừng kéo dài bất tận cùng Rudolf, anh ta sẽ chuyển ngữ nếu Jonathan cần. Reeves đã ở lại trong xe ô tô với Karl, nhưng anh không rõ là họ có đợi hay anh sẽ khám mất bao lâu.
Bác sĩ Wentzel, một người đàn ông nặng nề có mái tóc xám và bộ ria mép rậm rạp, biết một ít tiếng Anh nhưng ông ta không cố gắng đặt câu dài. “Bao lâu?” Sáu năm. Jonathan bước lên cân, được hỏi gần đây có sụt cân không, cởi áo ra, được kiểm tra lá lách. Suốt quãng thời gian ấy, bác sĩ thì thầm bằng tiếng Đức với một y tá đang ghi chép lại. Anh được đo huyết áp, kiểm tra mí mắt, lấy mẫu nước tiểu và mẫu máu, cuối cùng là lấy mẫu tủy xương ức bằng một dụng cụ chọc hoạt động nhanh hơn và ít khó chịu hơn so với dụng cụ của bác sĩ Perrier. Jonathan được báo là sáng mai anh có thể nhận kết quả. Việc khám bệnh chỉ mất tầm bốn lăm phút.
Jonathan và Rudolf đi bộ ra ngoài. Ô tô nằm cách đó vài mét, giữa vài ô tô khác trong bãi đỗ xe.
“Thế nào?... Khi nào thì anh biết kết quả?” Reeves hỏi. “Anh muốn quay lại chỗ tôi hay tới khách sạn của anh?”
“Tôi nghĩ là về khách sạn, cảm ơn anh.” Jonathan nhẹ nhõm ngồi lún xuống ghế trong góc xe.
Rudolf có vẻ đang chuyển lời tán dương của bác sĩ Wentzel cho Reeves. Họ đến khách sạn.
“Chúng tôi sẽ đón anh đi ăn tối,” Reeves hào hứng nói. “Lúc bảy giờ.”
Jonathan nhận khóa phòng và lên phòng. Anh cởi áo khoác và nằm úp mặt xuống giường. Sau hai đến ba phút, anh đẩy người dậy và tới bàn viết. Có một tập giấy trong ngăn kéo. Anh ngồi xuống và viết:
Ngày 4 tháng Tư, năm 19…
Simone thân yêu của anh,
Anh vừa đi khám và sẽ biết kết quả vào sáng mai. Bệnh viện rất uy tín, bác sĩ thì trông như hoàng đế Franz Josef, nghe đồn là bác sĩ huyết học giỏi nhất thế giới! Bất kể ngày mai kết quả ra sao thì anh sẽ vẫn thấy dễ chịu hơn khi biết. May mắn thì ngày mai anh đã về nhà trước khi em kịp nhận được bức thư này, trừ phi bác sĩ Wentzel muốn anh làm vài xét nghiệm nữa.
Sẽ điện tín ngay cho em để báo anh vẫn ổn. Anh nhớ em, anh nghĩ tới em và Cailloux.
Tạm biệt với tất cả yêu thương,
Jon.
Jonathan treo bộ vest đẹp nhất của anh lên, nó có màu xanh dương sậm, bỏ những đồ đạc còn lại trong vali và đi xuống dưới tầng để gửi thư. Tối qua ở sân bay anh đã đổi một tấm séc du lịch mười bảng từ quyển séc cũ có ba, bốn tờ. Anh viết một bức điện ngắn gửi Simone nói rằng anh vẫn khỏe và cô hãy chờ nhận thư. Sau đó anh ra ngoài, ghi nhớ tên đường cũng như quang cảnh khu phố – có một tấm biển quảng cáo bia khổng lồ gây ấn tượng mạnh nhất với anh – và đi dạo.
Vỉa hè rộn ràng với những người mua sắm và khách bộ hành, với chó lạp xưởng đeo dây xích, với những người bán rong hoa quả và báo ở các góc phố. Jonathan chăm chú nhìn một ô cửa sổ trưng bày đầy những chiếc áo len xinh đẹp. Có cả một bộ váy ngủ bằng lụa màu xanh dương đẹp đẽ treo trên nền là một tấm lông cừu trắng ngà. Anh nghĩ đến giá tiền tính theo franc và từ bỏ, cũng không quá thích. Anh băng qua một đại lộ đông đúc có cả đường xe điện lẫn xe buýt, đến một kênh đào có cầu dành cho người đi bộ nhưng quyết định không lên cầu. Chắc anh sẽ đi uống cà phê. Jonathan tiến lại gần một quán bar-cà phê trông dễ chịu có bày bánh ngọt ở cửa sổ, bên trong là quầy bán hàng và các bàn nhỏ, nhưng rồi lại không thể đưa chân vào trong. Anh nhận ra mình đang sợ hãi kết quả xét nghiệm ngày mai. Đột nhiên trong anh lại trào dâng cảm xúc trống rỗng quen thuộc, cảm giác mỏng manh như thể đã trở thành tờ giấy ăn, trán thì mát lạnh như thể tính mạng của anh đang bốc hơi.
Điều mà Jonathan cũng biết, hoặc ít nhất hoài nghi, là có thể sáng mai anh sẽ nhận được một kết quả giả. Anh không tin tưởng sự hiện diện của Rudolf. Một sinh viên y khoa. Anh ta chẳng giúp được gì vì anh không cần đến. Y tá của bác sĩ biết nói tiếng Anh. Không phải có khả năng ngay tối nay Rudolf đang bịa ra một kết quả xét nghiệm giả mạo sao? Bằng cách nào đó đánh tráo? Jonathan thậm chí còn tưởng tượng ra cảnh Rudolf ăn cắp văn phòng phẩm của bệnh viện vào chiều hôm đó. Hoặc có thể anh đang mất trí rồi, Jonathan cảnh cáo mình.
Anh quay về hướng khách sạn, đi đường ngắn nhất có thể. Anh lấy chìa khóa và lê thân về phòng. Sau đó anh cởi giày ra, đi vào phòng tắm và làm ướt một chiếc khăn, nằm xuống, đặt khăn lên trán và mắt. Anh không buồn ngủ mà chỉ cảm thấy có phần kỳ cục sao đó. Reeves Minot thật kỳ cục. Cho một kẻ hoàn toàn xa lạ vay sáu trăm franc, đưa ra lời đề nghị điên rồ như vậy – hứa hẹn hơn bốn mươi nghìn bảng. Không thể là sự thật. Reeves Minot sẽ không bao giờ trả tiền đâu. Anh ta dường như sống trong một thế giới giả tưởng. Có thể anh ta cũng không phải là một tên lừa đảo mà chỉ là hơi điên, loại người sống trong ảo giác về sức mạnh và tầm quan trọng của mình.
Tiếng điện thoại đánh thức Jonathan. Giọng nam nói bằng tiếng Anh vang lên: “Thưa ngài, có một quý ông đợi ngài ở dưới này.”
Anh nhìn đồng hồ và thấy rằng đã bảy giờ hơn. “Anh chuyển lời với anh ta là tầm hai phút nữa tôi sẽ có mặt.”
Jonathan rửa mặt, mặc áo len cổ polo, rồi khoác áo vest. Anh cũng mang theo áo khoác dài xuống.
Karl một mình lái xe đến. “Buổi chiều của anh tuyệt chứ?” Anh ta hỏi bằng tiếng Anh.
Trong quá trình tán gẫu linh tinh, Jonathan nhận thấy Karl có vốn từ tiếng Anh khá phong phú. Anh tự hỏi anh ta đã lái xe chở bao nhiêu người lạ mặt khác cho Reeves Minot rồi? Karl nghĩ Reeves làm trong lĩnh vực gì? Có thể đơn giản là Karl không để tâm đến chuyện đó. Reeves kinh doanh trong lĩnh vực gì mới được?
Karl lại đỗ xe trong con đường dốc dẫn vào nhà, và lần này Jonathan một mình vào thang máy lên tầng hai.
Reeves Minot, mặc quần vải flannel xám và áo len, đón anh ở cửa. “Vào đi thôi! – Chiều nay anh thoải mái chứ?”
Họ uống rượu scotch. Một bàn ăn đã được dọn cho hai người và Jonathan đoán rằng tối nay họ sẽ ở riêng.
“Tôi muốn cho anh xem bức ảnh của người mà tôi nhắm đến,” Reeves nói, nâng cơ thể gầy gò của anh ta lên khỏi sôpha, đi tới chiếc bàn Biedermeier. Anh ta lấy thứ gì đó ra khỏi ngăn kéo. Có hai bức ảnh, một là ảnh chụp chính diện, hai là ảnh quay nghiêng giữa một nhóm người đang cúi người nhìn xuống một chiếc bàn.
Đó là bàn chơi roulette. Jonathan nhìn vào bức ảnh chính diện, nó rõ như ảnh chụp hộ chiếu vậy. Người này rơi vào khoảng bốn mươi tuổi, có khuôn mặt vuông vức, núng thịt như rất nhiều người Ý khác, nếp nhăn đã hình thành từ khóe mũi xuống tới đôi môi dày. Đôi mắt đen của anh ta đầy vẻ cảnh giác, có phần nơm nớp lo sợ, vậy nhưng trong nụ cười hờ hững còn có chất “Thế tôi đã làm gì nào?” Reeves nói tên anh ta là Salvatore Bianca.
“Bức ảnh này,” Reeves nói, chỉ vào ảnh nhóm, “được chụp ở Hamburg cách đây khoảng một tuần. Anh ta không chơi cờ bạc, chỉ đứng xem. Đây là một khoảnh khắc hiếm hoi anh ta nhìn xuống vòng quay… Bản thân Bianca chắc đã giết nửa tá người, không thì đã chẳng được gọi là sát thủ đánh thuê. Nhưng anh ta không phải một thành viên quan trọng trong băng mafia. Anh ta là kẻ có thể bị hy sinh. Chỉ để bóng bắt đầu lăn, anh hiểu chứ…” Reeves tiếp tục, trong khi Jonathan uống cạn cốc rượu và anh ta rót cho anh một cốc khác. “Bianca lúc nào cũng đội mũ – ý là khi ra ngoài trời – mũ mềm. Thường mặc áo khoác vải tweed…”
Reeves có một chiếc máy hát và Jonathan muốn nghe nhạc, nhưng cảm thấy yêu cầu như vậy có hơi thô lỗ, dù anh có thể tưởng tượng ra cảnh anh ta sẽ lao thẳng tới chỗ máy hát để chơi đúng bản nhạc mà anh muốn. Cuối cùng Jonathan cắt ngang, “Một người đàn ông trông bình thường, mũ mềm kéo xuống, cổ áo khoác dựng đứng – làm sao tôi có thể nhận diện anh ta trong đám đông sau khi mới nhìn hai bức ảnh?”
“Một người bạn của tôi sẽ đi cùng chuyến tàu điện ngầm từ ga Rathaus, nơi Bianca lên tàu, tới Messberg, cũng là trạm tiếp theo và là trạm duy nhất trước Steinstrasse. Anh xem này!”
Điều này lại lên dây cót cho Reeves và anh ta chỉ cho Jonathan xem một tấm bản đồ của Hamburg được gấp lại như kèn accordion và chỉ tuyến đường tàu điện ngầm theo các chấm xanh.
“Anh sẽ cùng Fritz lên tàu điện ngầm ở Rathaus. Fritz sẽ ghé qua sau bữa tối.”
Tôi rất tiếc phải làm anh thất vọng, Jonathan muốn nói vậy. Anh cảm thấy có chút tội lỗi vì đã dẫn Reeves tới nước này. Mà có đúng là do anh không? Không. Anh ta đã đặt cược vào một canh bạc điên rồ. Reeves chắc đã quen làm chuyện như thế này và có thể anh không phải là người đầu tiên mà anh ta tiếp cận. Jonathan rất muốn hỏi có phải anh là người đầu tiên không nhưng giọng của Reeves cứ dai dẳng.
“Chắc chắn có khả năng phải bắn phát súng thứ hai. Tôi không muốn gây cho anh ấn tượng sai lầm…”
Jonathan mừng khi nghe đến khả năng xấu. Reeves đã vẽ ra cả bức tranh toàn màu hồng, việc bắn súng dễ như ăn kẹo theo sau là một túi đầy tiền và cuộc sống sung túc hơn ở Pháp hoặc bất kỳ đâu trên thế giới, một chuyến du thuyền vòng quanh địa cầu, mọi điều tốt đẹp nhất dành cho Georges (anh ta đã hỏi tên con trai của anh), cuộc sống đảm bảo hơn cho Simone. Làm sao mình có thể giải thích số tiền lớn từng ấy cho cô ấy được nhỉ? Jonathan băn khoăn tự hỏi.
“Đây là món Aalsuppe1,” Reeves nói khi cầm thìa lên. “Món ăn đặc biệt của Hamburg và bà Gaby rất thích nấu.”
1 Tiếng Đức: Súp lươn.
Món súp lươn rất ngon. Thưởng thức cùng một ly rượu vang Moselle mát lạnh hảo hạng.
“Anh biết không, Hamburg có một vườn thú nổi tiếng đấy. Hagenbeck’s Tierpark ở Settlingen. Lái xe từ đây tới đó rất thuận tiện. Sáng mai chúng ta có thể đi. Đấy là…” Đột nhiên trông Reeves có vẻ lo lắng hơn “nếu không có chuyện gì đột ngột quấy rầy tôi. Tôi cũng đang chờ một vài thứ. Tối nay hoặc sáng sớm mai tôi mới biết được.”
Người khác chắc sẽ nghĩ đi vườn thú là một chuyện quan trọng lắm. Jonathan nói, “Sáng mai tôi sẽ nhận được kết quả từ bệnh viện. Tôi phải có mặt ở đó lúc mười một giờ.” Jonathan cảm thấy tuyệt vọng, như thể mười một giờ sáng mai là giờ chết của anh.
“À, tất nhiên rồi. Vậy thì đợi chiều đi vườn thú đi. Động vật được nuôi dưỡng trong môi trường sống tự nhiên…”
Sauerbraten1. Bắp cải tím.
1 Tiếng Đức: Thịt quay.
Chuông cửa reo. Reeves không đứng dậy và trong vòng vài giây, bà Gaby tiến vào báo là ông Fritz đã đến.
Fritz cầm một chiếc mũ trong tay và mặc một chiếc áo khoác khá xộc xệch. Ông ta tầm năm mươi tuổi.
“Đây là Paul,” Reeves nói với Fritz, chỉ về phía Jonathan. “Người Anh. Đây là Fritz.”
“Xin chào,” anh nói.
Fritz vẫy tay thân thiện với Jonathan. Ông ta trông thô kệch, anh nghĩ, nhưng lại có một nụ cười hòa nhã.
“Ngồi xuống đi, Fritz,” Reeves nói. “Một ly rượu vang nhé? Hay scotch?” anh ta nói bằng tiếng Đức. “Paul là người của chúng ta,” Reeves nói thêm bằng tiếng Anh với Fritz. Anh ta đưa cho Fritz một chiếc ly cao đựng rượu vang trắng.
Fritz gật đầu.
Jonathan thấy thú vị. Chiếc ly rượu vang quá khổ trông giống một thứ bước ra từ một vở kịch opera của Wagner. Reeves đang ngồi nghiêng người trong ghế.
“Fritz là một lái xe taxi,” Reeves nói. “Đã đưa ngài Bianca về nhà rất nhiều tối, phải không?”
Ông ta lầm bầm gì đó, mỉm cười.
“Không nhiều tối lắm đâu, mới hai lần,” Reeves nói. “Chắc chắn là chúng ta không…” Reeves do dự, như thể không biết nên nói bằng tiếng gì, sau đó tiếp tục nói với Jonathan, “Bianca chắc không quen mặt Fritz đâu. Mà cho dù có như vậy đi nữa thì cũng chẳng quan trọng, vì ông ta sẽ xuống bến Messberg. Trọng điểm là, anh và Fritz sẽ gặp nhau bên ngoài ga tàu Rathaus vào ngày mai, sau đó ông ta sẽ chỉ cho anh gã Bianca của chúng ta.”
Fritz gật đầu, rõ ràng là hiểu hết mọi chuyện.
Giờ đã khẳng định luôn là ngày mai rồi. Jonathan im lặng lắng nghe.
“Cả hai người sẽ lên bến Rathaus, lúc đó sẽ là tầm sáu giờ mười lăm. Tốt nhất hãy đến đó vào sáu giờ kém, vì có khi Bianca lại về sớm, dù anh ta thường xuất hiện lúc sáu giờ mười lăm. Karl sẽ lái xe chở anh, Paul, nên không có gì phải lo lắng hết. Các anh sẽ không đi gần nhau, anh và Fritz ấy, nhưng có thể Fritz sẽ phải lên tàu, cùng chuyến với Bianca và anh để nhận diện gã ta một cách chính xác. Dẫu sao đi nữa thì Fritz cũng sẽ xuống tàu ở ga Messberg, ga tiếp theo.” Sau đó Reeves nói gì đó bằng tiếng Đức với Fritz và chìa một bàn tay ra.
Ông ta rút một khẩu súng đen nhỏ từ túi trong ra và đưa nó cho Reeves. Anh ta nhìn ra cửa, như thể lo sợ bà Gaby bước vào, nhưng vẻ mặt anh ta trông cũng chẳng lấy gì làm lo lắng, và khẩu súng chẳng to hơn bàn tay anh ta là bao. Sau khi loay hoay một lúc, Reeves mở súng ra và nhìn vào nòng súng.
“Nó đã được nạp đạn. Có chốt an toàn. Ở đây. Anh biết đôi điều về súng, phải không Paul?”
Jonathan chỉ biết lõm bõm. Reeves hướng dẫn cho anh với sự hỗ trợ của Fritz. Chốt an toàn là điểm quan trọng. Hãy học chắc về cách tháo chốt. Đây là một khẩu súng Ý.
Fritz phải ra về. Ông ta chào tạm biệt, gật đầu với Jonathan. “Hẹn mai gặp! Lúc sáu giờ!”
Reeves tiễn ông ta ra cửa. Sau đó anh ta từ sảnh vào cầm theo một chiếc áo khoác bằng vải tweed màu đỏ gạch, không phải là một món đồ mới. “Chiếc áo này rất rộng,” anh ta nói. “Mặc vào thử xem.”
Jonathan không muốn mặc thử áo, nhưng vẫn đứng dậy khoác nó vào. Ống tay rất dài. Anh đút tay vào túi, và phát hiện ra, đúng lúc ấy Reeves cũng báo cho anh biết, túi bên phải đã được rạch ra. Anh sẽ bỏ súng vào túi áo vest và thò tay vào lấy qua túi áo khoác ngoài, tốt nhất nên nổ súng một lần rồi thả súng xuống.
“Anh sẽ thấy một đám đông,” Reeves nói, “Hai, ba trăm người. Sau khi nổ súng anh sẽ bước lùi lại, giống như mọi người khác, co rúm người sau một vụ nổ.” Anh ta minh họa, cơ thể ngả ra sau, đi ngược.
Họ uống rượu Steinhager với cà phê. Reevs hỏi thăm cuộc sống ở nhà anh, Simone, Georges. Thằng bé có biết tiếng Anh không hay chỉ biết tiếng Pháp thôi?
“Thằng bé đang học thêm tiếng Anh,” Jonathan nói. “Tôi gặp bất lợi vì không mấy khi ở cạnh nó.”