- Nhân lên gấp bội
- Cố vấn
- Khích lệ - Thấu hiểu
- Nêu gương
Một buổi tối cùng ăn tối với nhau, tôi và Jim đã chuyện trò nhằm tìm lời giải đáp cho một số câu hỏi. Người ta xây dựng một tổ chức ra sao, cần những gì? Chìa khóa để thành công là gì? Ví dụ, người như Jim cần có gì để xây dựng một tổ chức năng động ở 26 quốc gia và tác động lên cuộc sống của hàng trăm ngàn người? Hoặc trong trường hợp của tôi, cần phải làm những gì để nâng tầm vóc của nhà thờ lên gấp ba lần và cùng lúc gia tăng ngân sách từ khoảng 800.000 đô-la đến hơn 5 triệu đô-la, và nâng đội ngũ tình nguyện viên chủ động tham gia từ 112 người lên hơn 1.800 người?
Dù nghề nghiệp của bạn là viết phần mềm vi tính, bán sách, phục vụ trong nhà hàng, xây nhà, hoặc thiết kế máy bay thì cũng không quan trọng. Chìa khóa dẫn đến thành công là thấu hiểu người khác. Jim nói:
Tôi không giống như John. Tôi không lớn lên với một định hướng hướng đến con người. Anh ấy tham dự những khóa học của tổ chức Dale Carnegie trong khi vẫn còn đang theo học trung học; và lên đại học, anh biết rằng mình sẽ làm một công việc liên quan đến con người. Tôi thì theo học trường Đại học Purdue và nghiên cứu kỹ thuật hàng không. Trước lúc tốt nghiệp cử nhân, tôi nghĩ có hai chìa khóa để thành công trong bất kỳ một công việc nào, đó là siêng năng và kỹ năng kỹ thuật. Chưa bao giờ tôi cho rằng kỹ năng con người là có ích với mình.
Tôi bước vào công việc đầu tiên với sự sẵn sàng và đầy ắp kiến thức kỹ thuật. Purdue đã cho tôi một nền giáo dục ưu việt, và tôi luôn tin vào sự siêng năng. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi nhận ra rằng thành công trong mọi nghề nghiệp có nghĩa là có thể làm việc với người khác. Trên thực tế, mọi cuộc đời đều là cuộc giao thiệp với con người. Tôi nhận ra điều đó là đúng không chỉ trong nghề nghiệp làm kỹ sư, chuyên gia tư vấn, doanh nhân, mà còn trong mọi mặt của cuộc sống, từ quan hệ gia đình, giao tiếp với thầy cô giáo của con, hay là giao du với bạn bè.
Nếu bạn không thể hiểu người khác và hợp tác với họ, bạn không thể hoàn thành bất cứ điều gì. Và bạn chắc chắn không thể trở thành một người có ảnh hưởng.
Thấu hiểu mang lại lợi tức to lớn
Trong cuốn Climbing the Executive Ladder, Kienzle và Dare có nói: “Rất ít thứ mang lại lợi tức to lớn, nhiều hơn thời gian bạn bỏ ra và những rắc rối bạn nhận lấy để có thể thấu hiểu người khác. Ngoài điều đó ra, gần như không có thứ gì làm tăng thêm tầm vóc của bạn với tư cách một quản trị viên, cũng như với tư cách cá nhân. Cũng không có thứ gì sẽ cho bạn sự hài lòng nhiều hơn, hoặc mang lại cho bạn nhiều niềm hạnh phúc hơn điều đó cả”.
Khi ta hiểu quan điểm của người khác – hiểu những gì họ đang cố gắng làm – thì 9 trên 10 lần, họ chỉ đang cố gắng làm những điều đúng đắn mà thôi.
– Harry Truman
Khả năng hiểu người khác là một trong những tài sản to lớn nhất mà bất kỳ ai từng có. Nó có tiềm năng tác động tích cực lên mọi khía cạnh của cuộc đời bạn, không chỉ ở phương diện nghề nghiệp. Ví dụ, hãy cùng nhau xem xét việc hiểu người khác có ích cho người mẹ của đứa trẻ mẫu giáo này ra sao. Chị kể:
Tôi để đứa con bốn tuổi của mình trong nhà và chạy ra ngoài đổ rác. Khi tôi quay lại và mở cửa để trở vào nhà thì cánh cửa đã bị khóa. Tôi biết rằng cố nài con trai mình mở cửa ra thì sẽ là một cuộc vật lộn hàng giờ. Vì vậy, tôi buồn bã nói: “Ôi tệ quá, con đã tự nhốt mình trong nhà rồi”. Thế là cánh cửa mở ra ngay.
Hiểu người khác chắc chắn sẽ tác động lên khả năng giao tiếp của bạn. David Burns, một bác sĩ và giáo sư tâm thần tại trường Đại học Pennsylvania, có nhận xét: “Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải khi cố nói chuyện nhằm thuyết phục người khác là đặt ưu tiên của mình lên việc diễn đạt ý tưởng và cảm xúc của bạn. Những gì hầu hết mọi người thực sự muốn là được lắng nghe, được tôn trọng, và được thấu hiểu. Khoảnh khắc người khác nhận thấy bạn đang được hiểu, họ sẽ cảm thấy được khích lệ để hiểu quan điểm của bạn hơn”. Nếu bạn cố gắng hiểu người khác – họ nghĩ gì, họ cảm thấy thế nào, điều gì truyền cảm hứng cho họ, họ hành động và phản ứng ra sao trong một hoàn cảnh cụ thể – thì bạn có thể khích lệ và ảnh hưởng đến họ một cách tích cực.
Tại sao người ta không thể hiểu người khác
Thiếu quan tâm đến việc thấu hiểu người khác là nguồn cơn gây căng thẳng triền miên trong xã hội chúng ta. Chúng tôi có lần nghe một vị luật sư nói: “Phân nửa số vụ tranh cãi và xung đột giữa người với người không đến từ những bất đồng ý kiến hay thiếu đồng tình, mà đến từ việc thiếu sự thấu hiểu về nhau”. Nếu chúng ta có thể giảm bớt những hiểu lầm thì tòa án sẽ không còn chật cứng, sẽ có ít tội ác bạo lực hơn, tỷ lệ ly hôn sẽ giảm, và lượng căng thẳng mỗi ngày mà hầu hết mọi người trải qua sẽ bớt đi đáng kể.
Nếu sự hiểu biết là một tài sản quý giá đến thế, tại sao không có nhiều người thực hành nó hơn? Có nhiều lý do cho việc đó:
Nỗi sợ
Người khai khẩn William Penn1 từng khuyên: “Đừng khinh miệt hoặc chống đối những gì bạn không hiểu”, ấy vậy mà nhiều người dường như lại luôn làm chính xác điều đó. Khi họ không hiểu ai đó, họ thường phản ứng bằng sự ghê sợ. Và một khi họ bắt đầu ghê sợ, họ hiếm khi nào cố gắng vượt qua nỗi sợ này nhằm tìm hiểu thêm về người nọ. Mọi thứ trở thành một vòng luẩn quẩn.
1 William Penn (1644 - 1718) là một chính trị gia người Anh, được vua Charles II của Anh cấp cho một vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ để trả món nợ mà vương triều đã nợ cha của ông. Vùng thuộc địa ấy ngày nay là bang Pennsylvania (rừng Penn).
Rủi thay, sợ hãi là điều hiển nhiên tại môi trường làm việc trong mối quan hệ giữa nhân viên đối với lãnh đạo. Nhân viên sợ người quản lý của mình. Người quản lý bậc trung sợ người quản lý bậc cao. Toàn bộ tình huống này gây ra những ngờ vực quá đáng, thiếu giao tiếp, và năng suất giảm. Ví dụ, theo bác sĩ M. Michael Markowich, phó chủ tịch nhân sự tại United Hospitals, Inc., nhân viên thường do dự không dám đề xuất ý tưởng. Sau đây là một số lý do:
• Họ nghĩ ý tưởng của mình sẽ bị gạt đi.
• Họ cảm thấy các đồng nghiệp sẽ không thích những ý tưởng này.
• Họ nghĩ họ sẽ không được khen ngợi gì nếu những ý tưởng đó có ích.
• Họ ngại sếp của họ sẽ bị dọa bởi những ý tưởng đó.
• Họ sợ mất việc nếu đề xuất ý tưởng không có ích.
Sợi chỉ chung xuyên suốt tất cả những lý do đó là nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, trong một môi trường làm việc lành mạnh, nếu bạn cho người khác niềm tin thay vì sự ngờ vực, thấu hiểu và cảm thông thay vì sợ hãi, thì mọi người có thể cùng nhau làm việc một cách tích cực. Tất cả những gì mọi người phải làm là làm theo lời khuyên của Tổng thống Harry Truman: “Khi ta hiểu quan điểm của người khác – hiểu những gì họ đang cố gắng làm – thì 9 trên 10 lần, họ chỉ đang cố làm những điều đúng đắn mà thôi”.
Tự xem mình là trung tâm
Khi hòn đá cản trở sự thấu hiểu không phải là nỗi sợ thì việc tự xem mình là trung tâm sẽ là một rào cản khác. Ai đó từng nói: “Mọi vấn đề đều có hai mặt – miễn là nó không dính líu đến chuyện cá nhân của mình”. Đó là cách nghĩ của rất nhiều người. Không ai chủ đích tự xem mình là trung tâm, nhưng bản năng con người là luôn nghĩ đến quyền lợi của mình trước tiên. Nếu bạn muốn có một ví dụ về điều này, hãy chơi đùa với một đứa bé lên hai. Cháu bé này sẽ theo bản năng chọn cho mình những món đồ chơi tốt nhất và nằng nặc làm theo ý mình.
Một cách khắc phục bản năng tự xem mình là trung tâm là cố nhìn mọi việc từ quan điểm của người khác. Nói chuyện với một nhóm nhân viên bán hàng, Art Mortell2chia sẻ kinh nghiệm sau: “Bất cứ khi nào thua một ván cờ, tôi liền đứng dậy, đến đằng sau lưng đối thủ và nhìn bàn cờ từ góc nhìn của anh ta. Sau đó, tôi bắt đầu nhận ra những nước cờ ngớ ngẩn mình đã đi vì tôi có thể nhìn thấy nó từ góc nhìn của đối phương. Thách thức của một người bán hàng là nhìn thế giới từ quan điểm của khách hàng tiềm năng”.
2 Tác giả, nhà diễn thuyết người Mỹ.
Đó cũng là thách thức cho mỗi chúng ta, bất kể nghề nghiệp của ta là gì. Dưới đây là một đoạn trích dẫn mà John lưu lại cách đây nhiều năm, có tựa là “Một khóa học ngắn về Quan hệ Con người”. Bạn có thể đã nghe về nó, bởi nó đã được lan truyền đi bấy lâu nay. Nhưng nó nhắc ta nhớ về những ưu tiên của ta nên là gì khi giao thiệp với người khác:
Từ ít quan trọng nhất: Tôi (I)
Từ quan trọng nhất: Chúng ta (We)
Hai từ quan trọng nhất: Cảm ơn (Thank you)
Ba từ quan trọng nhất: Tất cả đều được tha thứ (All is forgiven)
Bốn từ quan trọng nhất: Ý kiến của bạn là gì? (What is your opinion?)
Năm từ quan trọng nhất: Bạn đã làm rất tốt (You did a good job)
Sáu từ quan trọng nhất: Tôi muốn hiểu rõ bạn hơn (I want to understand you better)
Để thay đổi thái độ từ xem mình là trung tâm sang thấu hiểu và cảm thông đòi hỏi ở bạn sự khao khát và cam kết luôn cố gắng nhìn mọi việc từ quan điểm của người khác.
Không biết tôn trọng những khác biệt
Bước đi hợp lý tiếp theo sau khi gạt bỏ thói quen xem mình là trung tâm chính là tìm cách nhìn nhận và tôn trọng những phẩm chất độc đáo của người khác. Thay vì cố đúc khuôn người khác trong hình tượng bạn muốn, hãy thử xem trọng sự khác biệt của họ. Nếu ai đó có tài năng nào mà bạn không có, là điều rất tuyệt. Hai bên có thể cải thiện những điểm yếu của nhau. Nếu người kia đến từ một nền văn hóa khác, hãy mở rộng biên giới của bạn và học tập những gì có thể từ họ. Kiến thức mới mà bạn học được sẽ không chỉ giúp bạn quan hệ tốt với người đó, mà còn với nhiều người khác. Hãy tán tụng sự khác biệt về tính khí của người khác. Sự đa dạng sẽ trở thành những động lực thú vị cho con người. Ví dụ, John là người máu lửa, nghĩa là anh yêu thích sự vui nhộn và thích đưa ra những quyết định trong nháy mắt; còn Jim là một người trầm tĩnh, là một người biết nghĩ và xử lý thông tin, khi anh cần đưa ra quyết định, anh thu thập thật nhiều dữ liệu để đưa ra sự chọn lựa khôn ngoan. Tách riêng ra, chúng tôi vẫn làm tốt. Nhưng hợp lại với nhau, chúng tôi tạo ra những hiệu quả tuyệt vời.
Một khi bạn biết cách coi trọng sự khác biệt ở người khác, bạn sẽ nhận ra rằng người ta có nhiều cách hưởng ứng với việc truyền động lực và vai trò lãnh đạo của bạn. Joseph Beck, chủ tịch công ty Kenley Corporation, nhận ra sự thật đó khi ông nói rằng người có tầm ảnh hưởng “phải nhận thấy không ai được khích lệ giống ai. Ví dụ, một huấn luyện viên bóng rổ giỏi phải biết khi nào một cầu thủ cần tới sự khuyến khích để vượt trội, và khi nào một cầu thủ cần một chút trừng phạt để thức tỉnh. Mọi cầu thủ đều cần được khích lệ để vượt trội và chỉ một số ít cần được thức tỉnh, đó chính là khác biệt mấu chốt.
Không biết thừa nhận sự tương đồng
Khi bạn tìm hiểu nhiều hơn và biết rõ hơn về người khác, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng người ta có nhiều điểm chung. Tất cả chúng ta đều có những hy vọng và sợ hãi, niềm vui và nỗi buồn, thắng lợi và trở ngại. Có lẽ giai đoạn mà người ta ít nhận ra điểm chung với người khác nhất chính là tuổi thiếu niên. Chúng tôi có một câu chuyện để minh họa cho điều này:
Một cô gái tuổi teen đang nói chuyện với cha cô về tất cả những vấn đề của cô. Cô kể cho ông nghe về áp lực khủng khiếp mà cô phải đối mặt, về những xung đột với bạn bè, những khó khăn với bài tập và thầy cô giáo. Trong nỗ lực muốn giúp con gái nhìn xa trông rộng hơn, ông bảo cô rằng cuộc sống vốn không tối tăm như nó có vẻ như vậy, trên thực tế, nhiều nỗi lo của cô có lẽ là không cần thiết.
“Cha nói thì dễ rồi”, cô đáp. “Cha đã trải qua mọi vấn đề rồi mà.”
Mọi người đều có phản ứng cảm xúc đối với những gì đang xảy ra xung quanh họ. Để nuôi dưỡng sự thấu hiểu, hãy hình dung ra cảm xúc của chính mình nếu bạn cũng ở trong hoàn cảnh tương tự với người mà bạn đang giao tiếp. Bạn sẽ biết mình muốn gì trong hoàn cảnh cụ thể đó. Có thể người mà bạn đang nói chuyện cũng có những cảm xúc tương tự.
Chúng ta có một ví dụ tuyệt vời về một người hiểu cách tiếp cận này. Một tiệm bán bánh kẹo chỉ bán các loại sô-cô-la đặc biệt được bán theo pound3. Trong cửa tiệm này, có một nhân viên bán hàng luôn có thể khiến khách hàng vây quanh và chờ đợi cô, trong khi những nhân viên khác chẳng có gì để làm. Người chủ cửa tiệm để ý việc khách hàng luôn vây quanh cô gái và cuối cùng tìm hiểu ra bí quyết của cô.
3 Đơn vị đo trọng lượng của Anh, tương đương 450 gam.
Cô nói: “Dễ thôi mà. Những nhân viên khác xúc nhiều hơn một pound kẹo và rồi lấy bớt ra. Còn cháu thì luôn xúc chưa tới một pound kẹo rồi bốc thêm vào. Khách hàng cảm thấy cháu đang làm lợi cho họ và khiến đồng tiền họ chi ra có giá trị hơn”.
Những điểm cần hiểu về người khác
Biết người khác cần gì và muốn gì là chìa khóa để hiểu họ. Nếu bạn hiểu họ, bạn có thể ảnh hưởng và tác động lên cuộc sống của họ một cách tích cực. Nếu chúng ta rút gọn lại tất cả những điều chúng ta biết về việc thấu hiểu con người và lập thành một danh sách thì chúng ta sẽ nhận diện được năm điều sau:
1. Ai cũng muốn mình trở thành một hình tượng nào đó
Không ai mà không khao khát trở thành một người nào đó, một người quan trọng được chú ý. Ngay cả người ít tham vọng và khiêm tốn nhất cũng muốn được người khác đánh giá cao.
Tôi nhớ lần đầu tiên những cảm xúc này bị khuấy động mạnh trong mình. Nó xảy ra từ hồi tôi học lớp bốn. Tôi xem trận bóng rổ đầu tiên khi lên chín và đến giờ tôi vẫn có thể mường tượng ra cảnh tượng đó trong đầu mình. Tôi đứng với các bạn trên ban-công của nhà thi đấu. Điều tôi nhớ nhất không phải là trận bóng đó, mà là lời giới thiệu đội hình xuất phát. Họ tắt hết các bóng đèn và rồi bật những ngọn đèn pha. Người ta gọi tên những người xuất phát, và từng người chạy ra tới giữa sân đấu trong tiếng reo hò.
Tôi đứng chếnh choáng trên ban-công đúng như một cậu bé lớp bốn và nói: “Tuyệt vời, mình thích điều này xảy đến với mình”. Trên thực tế, trước lúc phần giới thiệu kết thúc, tôi nhìn vào cậu bạn Bobby Wilson của tôi và tôi nói: “Bobby này, khi mình học lên tới trung học, họ sẽ gọi tên mình, và mình sẽ chạy ra trong ánh đèn pha tới giữa sân thi đấu. Và người ta sẽ reo hò cổ vũ mình vì mình đang trở thành một nhân vật được chú ý”.
Tôi về nhà tối đó và bảo cha tôi: “Con muốn trở thành một cầu thủ bóng rổ”. Không lâu sau, ông mua cho tôi một trái bóng rổ hiệu Spalding, và chúng tôi dựng một cái rổ trong ga-ra. Tôi đã xúc đổ tuyết ra khỏi lối xe ra vào để thực hành những pha ném phạt và chơi bóng rổ, vì tôi có niềm mơ ước là trở thành một người quan trọng.
Điều thú vị là loại mơ ước đó có thể tác động lên đời bạn. Tôi nhớ lên lớp sáu, chúng tôi chơi bóng rổ trong khuôn khổ trường học, và đội của chúng tôi đã thắng một vài trận đấu; vì vậy, chúng tôi tìm đến phòng tập Old Mill Street ở Circleville, Ohio, nơi tôi từng xem trận đấu bóng rổ khi tôi học lớp bốn. Khi chúng tôi đến đó, thay vì ra sân khởi động cùng các bạn, tôi đã đi đến băng ghế nơi những cầu thủ trung học đó từng ngồi hai năm trước. Tôi ngồi ngay chỗ họ đã ngồi, và tôi nhắm mắt lại (không khác gì tắt hết ngọn đèn trong phòng tập). Sau đó, trong đầu tôi, tôi nghe tên tôi được gọi, và tôi chạy ra giữa sân. Cảm giác thật sung sướng khi nghe tiếng vỗ tay tưởng tượng đến độ tôi nghĩ: “Mình sẽ lại làm điều này một lần nữa!”. Và tôi đã làm vậy. Trên thực tế, tôi đã làm vậy ba lần, và đột nhiên, tôi nhận ra rằng các bạn tôi không chơi bóng rổ nữa, mà đang nhìn tôi với sự ngờ vực. Nhưng tôi thậm chí không quan tâm, vì tôi đã tiến một bước gần hơn đến người mà tôi ước ao trở thành.
Ai cũng muốn được người khác coi trọng, nói cách khác, ai cũng muốn mình là một mẫu hình nào đó. Một khi điều đó trở thành một phần trong suy nghĩ hàng ngày của bạn, bạn sẽ hiểu thấu đáo lý do tại sao người ta làm những việc họ làm. Và nếu bạn đối xử với mọi người mà bạn gặp gỡ như thể họ là người quan trọng nhất trên thế giới này, bạn đã truyền đi thông điệp rằng họ là một người quan trọng – với bạn.
2. Không ai quan tâm bạn hiểu biết nhiều thế nào cho tới khi họ biết bạn quan tâm nhiều ra sao
Là một người có tầm ảnh hưởng, bạn phải thương yêu người khác trước khi cố gắng lãnh đạo họ. Khoảnh khắc người ta biết rằng bạn quan tâm đến họ, cách họ cảm nhận về bạn sẽ thay đổi.
Để cho người khác biết rằng bạn quan tâm đến họ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bạn có được những năm tháng tuyệt vời nhất và những ký ức trìu mến nhất là nhờ vào người khác; và những khoảnh khắc bi thương nhất, tổn thương nhất và khó khăn nhất của bạn cũng vậy. Những người quanh bạn là tài sản to lớn nhất và cũng là món nợ lớn nhất của bạn. Thách thức của bạn là không ngừng quan tâm đến họ bất kể chuyện gì xảy ra.
Chúng tôi tình cờ bắt gặp một bảng quy tắc được gọi là “Những lời răn ngược đời về nghệ thuật lãnh đạo”. Sau đây là nội dung của nó:
Người ta phi lý, không biết điều, và tự xem mình là trung tâm – nhưng hãy cứ yêu thương họ.
Nếu bạn làm tốt, người ta sẽ cho rằng bạn mang động cơ vị kỷ cá nhân – nhưng hãy cứ làm tốt.
Nếu bạn thành công, bạn sẽ thu phục được những người bạn giả dối và những kẻ thù đích thực – nhưng hãy cứ thành công.
Điều tốt bạn làm được trong ngày hôm nay có thể sẽ bị quên lãng vào ngày mai – nhưng hãy cứ làm tốt.
Sự chân thành và trung thực làm cho bạn dễ bị tổn thương – nhưng hãy cứ chân thành và trung thực.
Người vĩ đại, những ý tưởng to lớn có thể bị hạ gục bởi người nhỏ bé nhất với trí tuệ khiêm tốn nhất – nhưng hãy cứ nghĩ lớn.
Người ta bênh vực kẻ yếu thế nhưng chỉ đi theo những người có thế lực – nhưng hãy cứ đấu tranh cho số ít những người yếu thế.
Những gì bạn dành ra hàng năm trời để xây dựng có thể bị phá hủy trong phút chốc – nhưng hãy cứ xây dựng.
Người ta thực sự cần sự trợ giúp nhưng vẫn có thể công kích bạn nếu bạn giúp họ – nhưng hãy cứ giúp họ.
Cho thế giới những điều tốt đẹp nhất bạn có và bạn sẽ được đáp lại bằng một cú đá – nhưng hãy trao cho thế giới này những điều tốt đẹp nhất.
Nếu có thể “tốt hơn”, thì “tốt” thôi là chưa đủ.
Nếu bạn muốn giúp người khác và trở thành một người có ảnh hưởng, hãy luôn mỉm cười, chia sẻ, cho đi, và nhẫn nại. Đó là cách đối xử đúng với mọi người. Ngoài ra, bạn không bao giờ biết người nào trong phạm vi ảnh hưởng của mình sắp sửa trỗi dậy, và tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời của bạn và cuộc đời của người khác.
3. Ai cũng cần một người nào đó
Trái ngược với niềm tin phổ biến, trên đời không có cái gọi là những con người tự lập. Mọi người đều cần tình bạn, sự khích lệ và sự trợ giúp. Những gì người ta tự mình hoàn thành hầu như chẳng là gì nếu so với tiềm năng của họ khi cùng làm việc với người khác. Và làm việc với người khác có khuynh hướng mang lại sự hài lòng hơn. Hơn nữa, những kỵ sĩ đơn độc hiếm khi là những con người hạnh phúc. Vua Solomon của nước Do Thái cổ nói như sau về giá trị của việc cùng nhau làm việc:
Hai người hơn một, vì họ sẽ được đền đáp xứng đáng cho công việc mình.
Nếu một người gục ngã, người kia sẽ đỡ bạn mình lên;
Nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình khi gục ngã, không ai đỡ anh ta đứng lên!
Cũng như vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn sao có thể giữ ấm khi chỉ một mình?
Một người thì có thể bị khuất phục, nhưng hai người thì có thể tự che chở lấy mình.
Một sợi dây đánh ba tao thì lấy làm khó đứt.
Những người cố làm mọi việc đơn độc thường khiến mình rơi vào rắc rối. Một trong những câu chuyện điên rồ nhất chúng tôi từng đọc về đề tài này đến từ đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm của một thợ hồ bị thương tại một công trình xây dựng. Anh ta cố chuyển xuống một đống gạch từ tầng thượng của một cao ốc mà không nhờ ai trợ giúp. Anh ta viết:
Chuyển bằng tay tất cả đống gạch đó xuống sẽ mất rất nhiều thời gian, vì vậy, tôi quyết định đặt chúng vào một cái thùng và thả xuống bằng bộ ròng rọc mà tôi cố định vào nóc tòa nhà. Sau khi buộc dây thừng chắc chắn ở bên dưới, tôi đi lên nóc tòa nhà, tôi buộc chặt sợi dây xung quanh cái thùng, chất gạch vào trong và thả nó về hướng lề đường để chuẩn bị hạ xuống. Sau đó, tôi đi xuống lề đường và mở sợi dây thừng ra, nắm nó thật chắc để điều khiển cái thùng từ từ hạ xuống. Nhưng vì tôi chỉ nặng có 70 kg, khối gạch nặng tới 250 kg đã giật tôi khỏi mặt đất nhanh đến độ tôi không có thời gian để buông tay. Khi tôi bị kéo lôi lên qua giữa tầng 2 và 3, tôi va vào cái thùng đang rơi xuống, khiến tôi bị những vết bầm và rách da ở phần trên cơ thể.
Tôi nắm chặt sợi dây thừng cho tới khi bị kéo lên tới nóc, và tay tôi bị kẹt vào cái ròng rọc. Thế là tôi bị gãy ngón tay cái.
Cùng lúc đó, cái thùng đập mạnh vào mặt đường và đáy của nó bung ra. Khi không còn sức nặng của những viên gạch, cái thùng chỉ còn nặng khoảng 20 kg. Thế là thân thể 70 kg của tôi bắt đầu rơi xuống, tôi lại va vào thùng rỗng đang bị kéo nhanh lên trên và tôi bị dập mắt cá.
Chậm lại được một chút, rồi tôi tiếp tục lao xuống và rớt ngay trên đống gạch. Thế là tôi bị bong gân lưng và xương cổ bị gãy. Lúc đó tôi đã bất tỉnh hoàn toàn, tôi buông tay khỏi sợi dây thừng và chiếc thùng rỗng rơi xuống đập lên tôi khiến tôi bị chấn thương đầu.
Và về câu hỏi cuối cùng trên tờ biểu mẫu bảo hiểm của các vị: “Tôi sẽ làm gì nếu hoàn cảnh tương tự như thế này lại xảy ra?”. Xin quý ông hiểu rằng tôi sẽ không cố một mình làm công việc này nữa.
Ai cũng cần có ai đó chung tay và trợ giúp. Nếu bạn hiểu được điều đó, và sẵn lòng giúp đỡ người khác, đồng thời duy trì động cơ đúng đắn, thì cuộc sống của họ và của bạn có thể thay đổi.
4. Ai cũng có thể trở thành người quan trọng khi có người hiểu và tin ở họ
Một khi bạn hiểu và tin vào người khác, họ thực sự có thể trở thành người quan trọng. Và giúp người khác cảm thấy họ quan trọng thì chẳng mất nhiều công sức. Những việc nho nhỏ, được làm đúng thời điểm với sự cân nhắc kỹ càng, có thể tạo ra sự khác biệt to lớn, như câu chuyện do John kể sau đây:
Trong 14 năm, tôi được đặc ân làm mục sư tại xứ đạo rất lớn ở khu vực San Diego, nơi chúng tôi thực hiện một chương trình mừng Giáng sinh hoành tráng mỗi năm. Chúng tôi thường thực hiện 20 tiết mục, và mỗi năm tổng cộng có khoảng 30.000 người đến xem.
Chương trình biểu diễn luôn có sự tham gia của nhiều trẻ em, và một trong những tiết mục tôi ưa thích từ mấy năm trước là một bài hát mà trong đó 300 em hóa trang như các thiên thần và ca hát với nến trên tay. Đến khi kết thúc, các em bước ra sân khấu, đi dọc theo những hàng ghế, và rồi tuôn ra ngoài hành lang phía trước nhà thờ.
Trong suốt lần trình diễn đầu tiên, tôi quyết định chờ bọn trẻ quay trở lại hành lang. Các cháu không biết tôi sẽ có mặt ở đó, nhưng khi chúng đi ngang qua, tôi vỗ tay khen và nói: “Các cháu ơi, các cháu làm rất tốt!”. Bọn trẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, và chúng vui mừng trước sự khích lệ.
Đến màn trình diễn thứ hai, tôi lại làm điều tương tự. Và tôi có thể thấy khi chúng bắt đầu bước lên lối đi giữa các dãy ghế, chúng nhìn lại phía sau với mong mỏi thấy tôi đang đứng ở đó để cổ vũ cho chúng. Màn trình diễn thứ ba của tối đó, khi rẽ vào lối đi giữa các hàng ghế, khuôn mặt chúng nở những nụ cười. Và khi đi tới hành lang, chúng giơ tay đập vào tay tôi và trông rất vui sướng. Chúng biết tôi tin ở chúng, và điều đó làm cho bọn trẻ cảm thấy rằng chúng quan trọng.
Lần gần đây nhất bạn cố gắng làm cho người khác cảm thấy đặc biệt, như thể họ là người quan trọng với bạn, là khi nào? Nỗ lực bạn bỏ ra chẳng thể nào bì với tác động mà nó để lại ở họ. Những người mà bạn quen biết và gặp gỡ đều có tiềm năng trở thành người quan trọng trong đời của những người khác. Tất cả những gì họ cần là sự khích lệ và động viên từ bạn để giúp họ đạt đến tiềm năng của mình.
5. Bất kỳ ai giúp đỡ người khác đều có ảnh hưởng lên nhiều người
Điều cuối cùng bạn cần hiểu là khi bạn giúp một người, bạn đang thực sự tác động lên nhiều người khác nữa. Những gì bạn cho một người sẽ tuôn trào vào trong cuộc đời tất cả những người mà người đó tác động. Bản chất của sự ảnh hưởng là theo cấp số nhân. Nó thậm chí tác động lên bạn vì khi bạn giúp người khác và động cơ của bạn là tốt, thì bạn luôn nhận được nhiều hơn những gì bạn cho đi. Hầu hết người ta biết ơn một cách chân thành khi một người khác khiến họ cảm thấy mình là một người đặc biệt, đến độ họ không bao giờ mệt mỏi với việc bày tỏ lòng biết ơn của mình.
Lựa chọn thấu hiểu người khác
Khả năng thấu hiểu người khác là một sự chọn lựa. Đúng là một số người được sinh ra đã có trực giác sắc bén, nhờ đó họ hiểu người khác nghĩ gì và cảm thấy ra sao. Nhưng dù bạn không phải là người có trực giác về con người, bạn cũng có thể cải thiện khả năng làm việc với họ. Mọi người đều có khả năng hiểu, động viên, và cuối cùng là ảnh hưởng lên người khác.
Nếu bạn thực sự muốn tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời người khác, hãy quyết định nắm bắt ngay…
Quan điểm của người khác
Mark McCormack, tác giả của cuốn What They Don’t Teach at Harvard Business School, đã viết một câu chuyện vui cho tạp chí Entrepreneur. Câu chuyện đã minh họa giá trị của việc nhận ra quan điểm của người khác. Ông kể: “Cách đây mấy năm, khi đó tôi đang đứng xếp hàng mua vé máy bay. Phía trước tôi là hai đứa trẻ đang tranh nhau một que kem. Phía trước chúng lại là một phụ nữ mặc áo khoác lông chồn. Tôi có thể nhìn thấy rõ một tai nạn đang chực chờ xảy ra. Liệu tôi có nên xen vào không? Khi tôi vẫn đang suy nghĩ về việc này thì đã nghe thấy cô bé kia nói với cậu em trai: “Nếu em không dừng lại, Charlie, lông thú trên cái áo khoác của bà ấy sẽ dính vào que kem của em đó”.
Trong giao tiếp với người khác, hầu hết người ta không vượt qua được những kinh nghiệm của chính họ. Họ có khuynh hướng nhìn người khác và những sự kiện từ bối cảnh của lập trường, của kinh nghiệm, hoặc của hoàn cảnh thuộc về chính họ. Ví dụ, Pat McInally của đội Cincinnati Bengals đang chơi trong giải bóng rổ nhà nghề Mỹ đã nói: “Tại Harvard, họ xem tôi là một tên nài ngựa. Trong nghề thì người ta xem tôi là một người trí thức”. Ông không thay đổi, nhưng sự nhìn nhận của người khác về ông thì thay đổi.
Bất cứ khi nào bạn xem xét mọi việc từ góc nhìn của người khác, bạn sẽ có cách nhìn cuộc sống hoàn toàn mới mẻ. Và bạn sẽ tìm thấy nhiều cách mới để giúp người khác. Một câu chuyện từ cuốn sách Zidig của Voltaire cũng đã cho thấy giá trị của việc thay đổi góc nhìn khi nhìn nhận con người và hoàn cảnh.
Có một nhà vua đang nổi trận lôi đình vì con ngựa ông yêu quý bị thất lạc. Nhà vua này phái những vị sứ giả đi khắp nơi để tìm kiếm con ngựa, nhưng không có kết quả. Trong tuyệt vọng, nhà vua đã treo thưởng lớn cho ai tìm được nó. Nhiều người ra đi tìm kiếm con ngựa với hy vọng giành được phần thưởng này, nhưng tất cả đều thất bại. Con ngựa cứ như đã biến mất.
Có một anh khờ tìm đến yết kiến nhà vua và bảo rằng anh ta có thể tìm thấy con ngựa.
“Ngươi ư?”, nhà vua kêu lên. “Ngươi có thể tìm thấy con ngựa trong khi mọi người thì không thể à?”
“Vâng, thưa bệ hạ”, gã khờ trả lời.
“Vậy thì ngươi tìm đi”, không còn gì để mất, nhà vua đồng ý.
Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, con ngựa đã quay trở lại cung điện, và nhà vua hoàn toàn sững sờ. Ngay lập tức, ông lệnh cho kho bạc xuất ra một phần thưởng hậu hĩnh cho người đàn ông này, và bảo ông ta giải thích ông đã tìm thấy con ngựa bằng cách nào trong khi nhiều người có vẻ khôn ngoan lại không thể.
“Dễ thôi, thưa bệ hạ”, gã khờ nói. “Thần chỉ tự hỏi ‘Nếu mình là ngựa, mình sẽ đi đâu?’. Và đặt mình vào vị trí của con ngựa, thế là thần mau chóng tìm thấy nó”.
Sự đồng cảm cá nhân
Một phẩm chất nữa mà bạn cần nếu muốn hiểu và giúp đỡ người khác là sự đồng cảm cá nhân. Không phải ai cũng bẩm sinh có tính cảm thông, như ta có thể thấy trong chuyện về một người truyền giáo Kansas sau đây. Người truyền giáo này có vẻ đang trên đường về nhà sau một chuyến viếng thăm New England, và một trong số những giáo dân đã gặp ông tại nhà ga xe lửa.
“Chuyện ở nhà thế nào?”, người truyền giáo hỏi.
“Buồn lắm, rất buồn, thưa Mục sư”, người này trả lời. “Một cơn bão đã quét đi ngôi nhà của tôi.”
“Tôi không ngạc nhiên gì”, người mục sư vô cảm nói với đôi mày nhíu lại. “Anh nhớ tôi từng cảnh báo anh về cách anh đã và đang sống không. Trừng phạt cho những tội lỗi là không thể tránh khỏi.”
“Nó cũng tàn phá nhà của ông nữa, Mục sư ạ”, người giáo dân này nói thêm.
“Thực ư?”, người mục sư nói, thoáng ngạc nhiên. “Nhà tôi à, hành động của Thiên Chúa luôn nằm ngoài sự hiểu biết của con người.”
Đừng đợi đến khi nhà bạn bị thổi bay mới xúc động về những trục trặc và khiếm khuyết của người khác. Hãy vươn đến người khác với một bàn tay mạnh mẽ và một con tim dịu dàng, rồi họ sẽ phản hồi lại bạn một cách tích cực.
Thái độ tích cực về con người
Harper Lee từng viết: “Người ta thường nhìn thấy những gì họ tìm kiếm và nghe thấy những gì họ muốn nghe”. Nếu bạn có một thái độ tích cực về con người, tin vào điều tốt đẹp nhất của họ, và hành động dựa trên những niềm tin của mình, rồi bạn có thể có một tác động lên cuộc đời họ. Nhưng tất cả đều bắt đầu với cách bạn hình dung về người khác. Bạn không thể là người có ảnh hưởng tích cực nếu suy nghĩ của bạn theo những lối dưới đây:
Khi người khác sử dụng nhiều thời gian, nghĩa là họ chậm chạp.
Khi tôi sử dụng nhiều thời gian, thì tôi kỹ lưỡng.
Khi người khác không làm điều đó, nghĩa là họ lười biếng.
Khi tôi không làm điều đó, bởi do tôi quá bận.
Khi người khác không được yêu cầu nhưng vẫn làm một việc gì đó, họ đã vượt quá giới hạn.
Khi tôi làm vậy, tôi là người chủ động.
Khi người khác phớt lờ một phép xã giao, họ thật khiếm nhã.
Khi tôi bỏ qua một số quy tắc, thì tôi độc đáo.
Khi người khác làm hài lòng sếp, họ đúng là người nịnh hót.
Khi tôi làm hài lòng sếp, đó là sự hợp tác.
Khi người khác vượt lên phía trước, họ chỉ gặp may thôi.
Khi tôi xoay trở để vượt lên phía trước, đơn giản đó là phần thưởng cho sự siêng năng.
Thái độ của bạn đối với người khác là một trong những sự chọn lựa quan trọng nhất mà bạn sẽ đưa ra. Mục sư Robert Schuller, một người nhiệt thành bênh vực cho suy nghĩ tích cực, đã kể câu chuyện sau trong cuốn Life Changers:
“Ta là cầu thủ bóng chày vĩ đại nhất trên thế giới”, đứa trẻ khoác lác trong lúc đi khệnh khạng quanh vườn sau nhà. Tựa gậy lên vai, nó tung bóng lên, vung gậy, và hụt. “Ta là cầu thủ bóng chày vĩ đại nhất mọi thời đại”, nó lặp lại. Nó lại nhặt bóng lên, vung gậy, và lại hụt. Dừng tay một lát để xem đi xét lại cây gậy, nó khom người và nhặt trái bóng của mình. “Ta là cầu thủ bóng chày vĩ đại nhất từng sống trên thế gian này!”. Xung lượng của cú vụt gần như quăng nó xuống đất. Nhưng trái bóng bộp lên một tiếng, không trúng, rớt ngay dưới chân nó. “Tuyệt!”, nó thốt lên. “Thật là một tay ném bóng cừ khôi!”.
Nếu bạn muốn trở thành một người có tầm ảnh hưởng, hãy có thái độ đối với người khác tương tự như thái độ của cậu bé kia đối với chính mình.
Jim đã được nhắc cho nhớ về tầm quan trọng của việc hiểu người khác và nhìn mọi việc từ quan điểm của họ khi đến thăm cha mẹ già của anh ở New York:
Cha mẹ tôi đã ngoài 80, và ông bà đã làm việc cật lực cả đời. Cha tôi từng là biên tập viên của tờ nhật báo Niagara Falls Gazette, và mẹ tôi từng là điều dưỡng giám sát ban đêm tại Bệnh viện Niagara Falls Memorial. Khi tôi còn nhỏ, nhiều năm liền, bà đã làm việc từ 11 giờ đêm tới 7 giờ sáng hôm sau để có thể về đến nhà kịp đánh thức tôi dậy đi học, làm bữa sáng, và gói cơm trưa cho tôi. Rồi bà luôn có mặt ở nhà khi tôi đi học về mỗi chiều. Tôi hầu như không nhìn thấy bà làm việc kiếm sống. Tôi sống và lớn lên trong một ngôi nhà rất nhỏ. Sau khi ông bà về hưu, họ bán nó đi và dọn tới một căn hộ nhỏ để sống nhờ khoản lương hưu ít ỏi.
Giống như hầu hết những người có được điều kiện tài chính thuận lợi, Nancy và tôi luôn tìm nhiều cách để giúp cha mẹ mình và đền đáp họ bằng những việc nhỏ vì những điều tích cực ông bà đã làm cho chúng tôi suốt bao nhiêu năm trời. Mới đây, chúng tôi nghĩ mình có thể giúp họ bằng cách cho họ thuê một căn hộ cao cấp trong một tòa chung cư sang trọng nhất của thành phố. Đó là một nơi tuyệt vời và thậm chí có thể nhìn thấy thác Niagara Falls từ cửa sổ.
Nhưng sau khoảng sáu tháng, cha mẹ tôi hỏi liệu họ có thể dọn đi không. Thị lực của mẹ tôi đã rất yếu đến độ bà không thể nhìn thấy thác. Còn cha tôi, dù có thể nhìn thấy cái thác nhưng rất khó chịu vì phải ngước cổ lên nhìn. Chúng tôi thất vọng vì họ không thích căn hộ, nhưng sẵn lòng đưa họ quay trở về ngôi nhà nhỏ bé trước đây.
Khao khát muốn giúp đỡ cha mẹ của tôi vẫn rất mãnh liệt, vì vậy sau khi đưa cha mẹ về lại nơi họ sống, tôi đưa mẹ tới cửa tiệm mua sắm. Dù bà một mực không cần món gì nữa cả, nhưng tôi vẫn cố thuyết phục bà cho phép tôi mua cho bà mấy món: một giỏ rác mới, một số đĩa ăn cơm, một chiếc radio nhỏ, và một lò nướng bánh mì mới – vì cái cũ cứ bắn bánh mì đã nướng xong ra ngoài như một khẩu pháo. Và tôi đã rất vui khi nghe lóm bà khoe nó với người láng giềng, bà nói: “Con trai tôi mua nó cho chúng tôi đấy!”.
Nancy và tôi đã muốn cho cha mẹ mình những thứ to lớn hơn, nhưng đó lại không phải là thứ quan trọng với họ. Họ hạnh phúc với một cái máy nướng bánh mì. À, vâng, có một thứ khác nữa mà cuối cùng cha mẹ tôi cũng thừa nhận là nó sẽ hữu dụng với họ: một chậu cây xanh nhỏ đặt trước căn hộ. Họ nghĩ có một bóng mát vào mùa hè khi ngồi ở bên hiên sẽ là điều thú vị. “Nhưng chúng quá đắt”, mẹ tôi nói. “Mua cho mẹ một cây con là được rồi”. Chúng tôi muốn hai ông bà có bóng mát ngay ngày hôm nay, chứ không phải 15 năm sau. Vì vậy, chúng tôi đi mua một chậu cây lớn nhất mà chúng tôi có thể tìm thấy. Không tốn kém bao nhiêu để làm cha mẹ hạnh phúc, chỉ cần một chút thấu hiểu mà thôi.
Không phải ai cũng học được bài học đó. Nhiều người cố tình trì hoãn – và rồi họ tự hỏi tại sao mình không thể xích lại gần người khác. Để tạo ra tác động lên mọi người, hãy tìm ra những gì họ cần, rồi giúp họ có được nó. Đó là những gì khích lệ được họ và là những gì làm cho bạn trở thành người có tầm ảnh hưởng trong cuộc đời người khác.
Bảng kiểm tra sự ảnh hưởng
THẤU HIỂU NGƯỜI KHÁC
• Đánh giá sự thấu hiểu và cảm thông của bản thân.Hãy sử dụng thước đo sau để xếp hạng khả năng thấu hiểu người khác của bạn (khoanh tròn mức độ nào thích hợp với bạn):
Tuyệt hảo : Tôi gần như đoán trước được người ta sẽ cảm thấy ra sao và phản ứng như thế nào trong bất kỳ hoàn cảnh cụ thể nào. Thấu hiểu và cảm thông là một trong những khả năng vững vàng nhất của tôi.
Tốt: Hầu như những gì người ta làm và muốn làm đều có ý nghĩa với tôi. Tôi xem khả năng thấu hiểu người khác của mình là một tài sản.
Khá: Tôi thường lấy làm ngạc nhiên bởi suy nghĩ của người khác. Tôi nhận thấy khả năng thấu hiểu người khác của tôi chỉ ở mức trung bình.
Kém: Hầu hết mọi lúc mọi nơi, cảm xúc và động lực của người khác, với tôi, là điều khó hiểu. Tôi cần làm tốt hơn trong lĩnh vực này.
• Hiểu kế hoạch hành động. Nếu bạn tự đánh giá mình là tuyệt hảo thì bạn nên chia sẻ kỹ năng này bằng cách dạy cho người khác biết cách hiểu rõ và cảm thông hơn với người khác. Nếu bạn xếp hạng mình là tốt, khá, hoặc kém, hãy tiếp tục học hỏi và cải thiện. Bạn có thể cải thiện khả năng của mình ngay bằng cách tự hỏi bốn câu hỏi sau mỗi khi bạn gặp người chưa quen.
1. Họ đến từ đâu?
2. Họ muốn đi đến đâu?
3. Nhu cầu của họ hiện tại là gì?
4. Tôi có thể giúp họ bằng cách nào?
• Kích hoạt thái độ tích cực của bản thân. Nếu khả năng hiểu người khác của bạn không tốt như bạn mong muốn, nguyên do sâu xa có thể là bạn không coi trọng người khác. Khi bạn tương tác với người khác, hãy nhớ những lời nói sau của Ken Keyes, Jr.: “Người đáng yêu sống trong thế giới đáng yêu. Người thù nghịch sống trong thế giới thù nghịch. Mọi người bạn gặp đều là tấm gương của bạn”.