- Nhân lên gấp bội
- Cố vấn
- Khích lệ
- Nêu gương – Chính trực
Chính trực không phải là món hàng để rao bán
Bạn có thể thấy vấn đề nhân cách hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Ví dụ, mấy năm trước, chuyên gia tài chính Ivan Boesky đã công khai mô tả lòng tham là “một điều tốt” trong buổi nói chuyện tại trường doanh thương UCLA. Lối suy nghĩ sai lệch đó chẳng bao lâu đã đưa anh ta vào rắc rối. Khi những việc làm vô đạo đức của anh ở Wall Street bị phơi bày ra ánh sáng, anh bị phạt 100 triệu đô-la và ngồi tù ba năm. Sau đó, báo chí đưa tin rằng anh đã phá sản và đang sống nhờ vào tiền cấp dưỡng từ người vợ cũ.
Chính phủ vẫn chưa giải quyết được những vấn đề thuộc về sự liêm chính. Chưa bao giờ như bây giờ, Bộ Tư pháp phải xét xử nhiều công chức như vậy, và mới đây, họ “khoe” rằng họ đã kết án hơn 1.100 người trong một năm – một kỷ lục đáng ngờ.
Hãy nhìn quanh mình, bạn có thể nhìn thấy nhiều hình mẫu của sự suy thoái đạo đức. Những người sa sút về đạo đức rao giảng trên truyền hình; những vận động viên chuyên nghiệp bị phát hiện dùng chất cấm và mua dâm trong khách sạn. Danh sách này hẳn còn dài. Dường như nhiều người đã xem chính trực là một ý tưởng lạc hậu, một thứ gì đó có thể từ bỏ hoặc không còn có ích cho họ trong thế giới vội vã này nữa. Sự cấp thiết của lòng chính trực ngày nay có lẽ đã trở nên cao độ hơn bao giờ hết. Và chắc chắn là nó rất quan trọng với bất kỳ ai khao khát trở thành một người có tầm ảnh hưởng.
Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, The Seven Habits of Highly Effective People, Stephen Covey đã viết về tầm quan trọng của lòng chính trực đối với thành công của con người:
Nếu tôi cố sử dụng những chiến lược và sách lược ảnh hưởng lên người khác để buộc họ làm những gì tôi muốn, làm việc tốt hơn, và có động cơ hơn, để thích tôi và thích lẫn nhau – trong khi nhân cách của tôi về cơ bản là lệch lạc, mang tì vết của sự giả dối và không chân thật – thì về lâu về dài, tôi không thể thành công. Sự lừa dối của tôi sẽ nuôi dưỡng sự bất tín, và mọi việc tôi làm – ngay cả khi sử dụng cái được gọi là những kỹ xảo quan hệ con người hiệu quả – sẽ được xem là khéo léo đến độ giả dối.
Đơn giản là sẽ chẳng có sự khác biệt nào, bất kể bạn miệng lưỡi ra sao hay có ý tốt đến đâu, nếu có ít hoặc không có lòng tin, thì sẽ không có nền tảng cho sự thành công vĩnh cửu. Chỉ có sự tốt đẹp từ nền tảng mới là kỹ xảo tốt nhất trong đời.
Lòng chính trực rất quan trọng đối với thành công cá nhân và thành công nghề nghiệp. Một nghiên cứu chung được thực hiện bởi trường Quản lý sau Đại học UCLA và tổ chức Korn/Ferry International tại thành phố New York, đã khảo sát 1.300 quản trị viên cấp cao. 71% trong số họ nói rằng chính trực là phẩm chất cần thiết nhất để thành công trong nghề nghiệp. Và một nghiên cứu của trung tâm Center for Creative Research khám phá ra rằng một người muốn đi đến bậc thang cao nhất trong một tổ chức sẽ có thể vượt qua được nhiều sai lầm hay trở ngại, nhưng hầu như anh ta sẽ chẳng thể đạt đến vị trí cao ấy nếu anh ta thỏa hiệp với lòng chính trực của mình bằng việc phản bội lại một sự tín nhiệm.
Lòng chính trực đến từ những chuyện nhỏ
Khi mà chính trực là điều rất quan trọng với sự thành công trong nghề nghiệp, nó thậm chí còn thiết yếu hơn khi bạn muốn trở thành một người có ảnh hưởng. Nó là nền tảng mà từ đó nhiều phẩm chất khác được xây dựng (như sự kính trọng, phẩm giá và lòng tin). Nếu nền tảng chính trực này yếu hoặc về cơ bản là thiếu hoàn thiện, thì người ta sẽ không bao giờ có thể trở thành người có ảnh hưởng được. Như Cheryl Biehl chỉ ra: “Một trong những thực tế của cuộc sống là nếu bạn không thể tin tưởng được một người ở mọi khía cạnh, thì bạn không thể trông cậy vào họ ở bất kỳ khía cạnh nào”. Ngay cả những người có thể che giấu sự thiếu chính trực của họ trong một thời gian dài thì đến cuối cùng cũng sẽ trải nghiệm sự thất bại, và bất kỳ ảnh hưởng nào họ tạm thời gặt hái được cũng sẽ tan biến.
Hãy hình dung lợi ích của việc sống chính trực tương tự như một ngôi nhà có nền móng vững chắc trước một cơn bão lớn. Nếu nền móng vững chắc, ngôi nhà sẽ vững vàng trước những cơn lốc hung hãn. Còn khi những kẽ nứt xuất hiện trong nền móng, sức mạnh của cơn bão sẽ khoét sâu vết nứt cho tới khi nền móng này – và rồi cả ngôi nhà – vỡ vụn dưới sức ép của cơn bão.
Đó là lý do tại sao duy trì lòng chính trực bằng việc lo liệu từ những việc nhỏ bé lại là điều quan trọng. Có nhiều người hiểu sai điều này. Họ nghĩ đối với những chuyện vụn vặt thì họ có thể làm bất kỳ cách nào họ muốn, bởi họ tin rằng nếu không phạm bất kỳ lỗi lầm nghiêm trọng nào thì họ vẫn đang làm tốt. Nhưng điều đó không đúng. Từ điển Webster’s New Universal Unabridged Dictionary định nghĩa “chính trực” là “bám sát những nguyên tắc đạo đức; sự lành mạnh của nhân cách đạo đức; sự chân thật”. Những nguyên tắc đạo đức thì không linh hoạt. Một lời nói dối vụn vặt và không gây hại cho ai thì vẫn là một lời nói dối. Ăn cắp là ăn cắp – dù là 1 đô-la, 1.000 đô-la, hay 1 triệu đô-la thì đều như nhau. Sự chính trực gắn chính nó vào nhân cách vượt qua sự tư lợi; vào con người chứ không phải vào sự việc; vào sự phụng sự thay vì vào quyền lực; vào nguyên tắc thay vì vào sự dễ dãi và thuận tiện; vào sự lâu dài thay vì vào cái trước mắt.
Giáo sĩ Phillips Brooks nhận xét: “Nhân cách được tạo ra từ những khoảnh khắc nhỏ bé trong cuộc sống chúng ta”. Mỗi khi bạn vi phạm một nguyên tắc đạo đức, bạn đã tạo ra một vết nứt nhỏ trong nền móng sự chính trực của mình. Và đến lúc gặp khó khăn, việc hành động với lòng chính trực sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhân cách không được hình thành trong một cơn khủng hoảng, mà chỉ lộ diện trong khủng hoảng. Mọi thứ bạn từng làm trong quá khứ – và cả những thứ bạn bỏ bê không làm – sẽ hiện ra ngay khi bạn chịu áp lực.
Phát triển và duy trì lòng chính trực đòi hỏi sự chú tâm liên tục. Josh Weston, chủ tịch kiêm CEO của Automatic Data Processing, Inc., có nói: “Tôi luôn cố sống với quy tắc đơn giản sau: Đừng làm những gì có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái nếu đọc thấy nó trên báo vào hôm sau”. Đó là một chuẩn mực tốt mà tất cả chúng ta nên duy trì.
Chính trực là từ bên trong
Một trong những lý do khiến nhiều người phải đấu tranh với vấn đề chính trực chính là họ có khuynh hướng tìm kiếm bên ngoài chính họ để giải thích bất kỳ sự khiếm khuyết nhân cách nào. Nhưng sự phát triển lòng chính trực đến từ bên trong chúng ta. Hãy xem xét ba chân lý về lòng chính trực đi ngược lại suy nghĩ thông thường sau đây:
1. Lòng chính trực không được xác định bởi hoàn cảnh
Một số nhà tâm lý học và xã hội học ngày nay nói rằng nhiều người có nhân cách kém sẽ không trở thành như thế nếu họ lớn lên trong một môi trường khác. Mà đúng thật là sự nuôi dưỡng và hoàn cảnh có ảnh hưởng tới bản chất của chúng ta, đặc biệt khi chúng ta còn trẻ. Nhưng càng lớn hơn thì con số những chọn lựa chúng ta có thể tự đưa ra sẽ càng nhiều hơn – để trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ đi. Hai người có thể lớn lên trong cùng một môi trường, thậm chí trong cùng một gia đình, và một người sẽ sống chính trực còn người kia thì không. Trên hết, bạn là người chịu trách nhiệm với những chọn lựa của mình. Hoàn cảnh bên ngoài chịu trách nhiệm cho nhân cách của bạn chỉ tương tự như một tấm gương phản chiếu vẻ ngoài của bạn. Những gì bạn thấy chỉ phản ánh con người vốn dĩ của bạn.
2. Chính trực không được dựa trên những chứng nhận
Trong thời cổ đại, thợ nung gạch, thợ khắc chữ, và những người thợ thủ công đều sử dụng một biểu tượng để đóng lên mọi thứ họ làm ra để cho biết họ chính là người tạo tác. Biểu tượng mà mỗi người sử dụng đại diện cho “nhân cách” của họ. Giá trị của công việc tỷ lệ với những kỹ năng mà từ đó các sản phẩm ra đời. Và chỉ khi chất lượng của công việc cao thì nhân cách đó mới được kính trọng. Nói cách khác, chất lượng của con người và công việc họ làm sẽ tạo ra giá trị cho sự chứng nhận của họ. Nếu công việc làm là tốt thì nhân cách cũng vậy. Nếu công việc tệ thì nhân cách cũng được xem là kém cỏi.
Điều này cũng đúng với chúng ta ngày nay. Nhân cách đến từ chính bản thân chúng ta. Nhưng một số người muốn được đánh giá không chỉ bởi bản thân họ là ai, mà còn bởi những chức danh họ giành được hoặc vị trí họ nắm giữ, bất chấp nhân cách của họ. Khao khát của họ là muốn ảnh hưởng lên người khác bằng sức nặng của những chứng nhận thay vì sức mạnh của nhân cách. Nhưng những chứng nhận không bao giờ có thể đảm đương được những gì nhân cách có thể. Hãy cùng nhau xem xét một số khác biệt giữa hai điều trên:
Không có chức danh, bằng cấp, chức vụ, giải thưởng, giấy phép, hoặc những thứ biểu hiện năng lực khác nào có thể thay thế cho lòng chính trực cơ bản và chân thành khi xét trong khía cạnh ảnh hưởng lên người khác.
3. Không nên lẫn lộn chính trực với danh tiếng
Một số người đặt nhầm trọng tâm lên hình tượng hoặc danh tiếng. Hãy nghe William Hersey Davis nói về sự khác biệt giữa nhân cách và cái bóng của nó, danh tiếng:
Những hoàn cảnh mà bạn sống sẽ xác định danh tiếng của bạn;
chân lý mà bạn tin tưởng sẽ xác định nhân cách của bạn…
Danh tiếng là cái bạn được nhìn nhận;
nhân cách là chính con người của bạn…
Danh tiếng là bức ảnh;
nhân cách là bộ mặt…
Danh tiếng đến từ bên ngoài;
nhân cách phát triển từ bên trong…
Danh tiếng là cái bạn có khi bạn đến với một cộng đồng mới;
nhân cách là cái bạn có khi bạn rời đi…
Danh tiếng của bạn được tạo ra trong một khoảnh khắc;
nhân cách của bạn được xây dựng suốt đời…
Danh tiếng của bạn được biết đến trong một giờ;
nhân cách của bạn không lộ ra trong một thời gian ngắn ngủi…
Danh tiếng lớn lên như vòng đời chiếc nấm;
nhân cách lâu bền mãi mãi…
Danh tiếng làm cho bạn giàu có hoặc nghèo khó;
nhân cách làm cho bạn hạnh phúc hoặc khốn khổ…
Danh tiếng là những gì người ta nói về bạn trên bia mộ;
nhân cách là những gì các thiên thần nói về bạn trước Thiên Chúa.
Chắc chắn danh tiếng tốt là điều quý giá. Vua Solomon của nước Israel cổ đại có nói: “Một cái tên đẹp thì đáng được khao khát hơn là sự giàu có, sung túc”. Nhưng một danh tiếng tồn tại được vì nó là sự phản ánh nhân cách của một con người. Nếu danh tiếng mà tương tự như vàng thì việc có lòng chính trực sẽ tương tự như làm chủ một mỏ vàng. Hãy bớt lo lắng về những gì người khác nghĩ, và đem sự chú tâm đặt vào nhân cách bên trong của bạn. D. L. Moody có viết: “Nếu tôi quan tâm đến nhân cách của mình, thì danh tiếng của tôi sẽ tự lo liệu lấy nó”.
Nếu bạn đấu tranh để duy trì sự chính trực của mình, và bạn làm đúng đắn mọi việc thể hiện ra bên ngoài – nhưng bạn vẫn nhận được những kết quả không mong muốn – thì có điều gì đó chệch choạc và cần được thay đổi ở bên trong. Hãy xem xét những câu hỏi sau. Chúng có thể giúp bạn nhận rõ những chỗ bạn cần quan tâm.
Những câu hỏi giúp đo lường lòng chính trực của bạn
1. Tôi đối xử ra sao với những người chẳng mang lại lợi ích gì cho tôi?
2. Tôi có minh bạch với người khác không?
3. Tôi có bắt chước (những) người tôi giao du cùng không?
4. Tôi vẫn là cùng một con người cả trong vinh quang lẫn khi đơn độc chứ?
5. Tôi có nhanh chóng thừa nhận mình làm sai mà không cần sự thúc ép không?
6. Tôi có đặt người khác lên trên ý kiến cá nhân của mình không?
7. Tôi có một tiêu chuẩn bất biến cho những quyết định mang tính đạo đức không, hay hoàn cảnh thường quyết định chọn lựa của tôi?
8. Tôi có đưa ra được những quyết định khó khăn, thậm chí khi cá nhân tôi phải trả giá cho chúng không?
9. Khi tôi có điều gì đó để nói về người khác, tôi thường nói với họ hay là về họ?
10. Tôi có chịu trách nhiệm với ít nhất một người nào đó về những gì tôi nghĩ, nói và làm không?
Đừng quá vội vàng trả lời những câu hỏi này. Nếu phát triển nhân cách là một phạm trù nghiêm túc cần thiết trong đời bạn, thì bạn thường có khuynh hướng đọc lướt qua những câu hỏi, đưa ra những câu trả lời mô tả ao ước về con người mà bạn từng muốn trở thành, thay vì con người thật sự của bạn. Hãy dành ra một ít thời gian để nghiền ngẫm mỗi câu hỏi, chân thành cân nhắc nó trước khi trả lời. Sau đó, xem xét những phạm vi bạn đang gặp rắc rối nhất. Và nên nhớ điều sau:
Nhiều người thành công nhất thời bằng những gì họ biết; một số người thành công nhất thời bằng những gì họ làm; nhưng rất ít người thành công mãi mãi bằng chính con người vốn dĩ của họ.
Con đường của sự chính trực có thể không phải là con đường dễ dàng nhất, nhưng nó là con đường duy nhất đưa bạn đến nơi cuối cùng bạn muốn đến.
Lòng chính trực là người bạn tốt nhất của bạn
Nhà văn Mỹ Nathaniel Hawthorne đã đưa ra nhận thức thấu đáo sau: “Không ai có thể, suốt một thời gian dài, phô bày với chính mình một bộ mặt và với người khác bằng bộ mặt khác, mà đến cuối cùng không bị bối rối vì không biết đâu là bộ mặt thật của mình”. Bất cứ khi nào bạn làm tổn hại lòng chính trực của mình, bạn cũng tự làm cho mình bị thiệt hại đáng kể. Đó là vì lòng chính trực thực sự là người bạn thân thiết nhất của bạn. Nó không bao giờ phản bội bạn hoặc đặt bạn vào tình thế phải thỏa hiệp. Nó duy trì quyền ưu tiên của mình. Khi bạn bị cám dỗ đi theo con đường tắt, lòng chính trực sẽ giúp bạn luôn đi theo con đường đúng đắn. Khi người khác chỉ trích bạn một cách bất công, lòng chính trực sẽ giúp bạn luôn tiến về phía trước trong sự đường hoàng của việc không trả đũa. Và khi những lời chỉ trích của người khác là có cơ sở, lòng chính trực sẽ giúp bạn chấp nhận những gì họ nói, rút ra bài học từ đó, và không ngừng trưởng thành.
Abraham Lincoln từng nói: “Khi thôi vai trò điều hành chính phủ này, tôi muốn có một người bạn ở bên cạnh. Và người bạn đó ở bên trong chính tôi”. Bạn có thể nói rằng sự liêm chính, chính trực của Lincoln chính là người bạn thân thiết nhất của ông trong quá trình tại nhiệm, vì ông bị chỉ trích rất dữ dội. Dưới đây là một bản mô tả về những gì ông đối mặt theo sự lý giải của Donald T. Phillips:
Abraham Lincoln đã bị vu cáo, bôi nhọ, và ghét bỏ đến mức có lẽ dữ dội hơn bất kỳ ai từng chạy đua vào ngôi vị cao nhất của đất nước… Ông còn bị công khai gọi bằng mọi cái tên mà giới báo chí có thể hình dung ra được, bao gồm: chú khỉ quái dị, tên luật sư nhà quê hạng xoàng từng xẻ gỗ thì nay xẻ cả Liên bang, tên pha trò thô kệch, kẻ độc tài, con vượn, thằng hề, v.v… Tờ Illinois State Register gán cho ông là “chính trị gia xảo trá nhất và quỷ quyệt nhất từng làm ô uế một công sở Hoa Kỳ…”. Sự chỉ trích không công bằng và dữ dội không giảm sau khi Lincoln tuyên thệ nhậm chức, mà điều đó cũng không phải đến từ những người đồng tình với miền Nam1. Nó đến từ chính nội bộ Liên bang, từ Quốc hội, từ một số phần tử bên trong đảng Cộng hòa, và ban đầu là từ ngay trong nội các của ông. Là tổng thống, Lincoln hiểu rằng dù ông làm bất cứ điều gì thì sẽ luôn có những người không hài lòng.
1 Cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 - 1865) diễn ra ngay sau khi Abraham Lincoln đắc cử tống thống với đường lối chống lại chế độ nô lệ, 11 tiểu bang phía Nam Hoa Kỳ đã tuyên bố ly khai khỏi liên bang, lập ra liên minh miền Nam duy trì chế độ nô lệ. Những người đồng tình với miền Nam (Southern sympathizers) chỉ những người thuộc liên bang miền Bắc nhưng ủng hộ chính sách nô lệ của miền Nam.
Qua bao khó khăn đó, Lincoln vẫn là một con người của nguyên tắc. Và như Thomas Jefferson nói: “Thiên Chúa thừa nhận rằng người đàn ông nguyên tắc đó sẽ là người đứng đầu của chúng ta”.
Lợi ích của lòng chính trực: lòng tin
Thành quả sau cùng của lòng chính trực là nó khiến người khác tin tưởng bạn. Và không có lòng tin, bạn chẳng có gì cả. Lòng tin là yếu tố quan trọng bậc nhất trong mọi mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp. Nó là chất keo gắn kết con người lại với nhau. Và nó là chìa khóa để trở thành một người có ảnh hưởng.
Ngày nay, lòng tin đã trở nên ngày càng hiếm hoi. Con người đã ngày một trở nên hoài nghi và ngờ vực. Bill Kynes bày tỏ những cảm xúc của cả một thế hệ khi viết:
Chúng ta nghĩ có thể tin tưởng quân đội, nhưng rồi xảy ra chuyện Việt Nam;
Chúng ta tưởng có thể tin vào các chính trị gia, nhưng rồi xảy ra vụ Watergate2;
2 Vụ bê bối chính trị khiến Tổng thống Richard Nixon bị buộc phải từ chức sau khi bị phát hiện tổ chức chiến dịch do thám, đột nhập văn phòng đối thủ chính trị là Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate.
Chúng ta tưởng có thể tin tưởng các kỹ sư, nhưng rồi lại có thảm họa tàu vũ trụ Challenger3;
3 Tàu con thoi Challenger phát nổ ngày 28 tháng 1 năm 1986, làm thiệt mạng toàn bộ 7 người trong phi hành đoàn.
Chúng ta tưởng mình có thể tin tưởng người môi giới chứng khoán, nhưng rồi lại xảy ra sự cố Ngày thứ Hai Đen tối4;
4 Tên mà giới tài chính đặt cho ngày 19 tháng 10 năm 1987, ngày khủng hoảng chứng khoán Mỹ và lan ra toàn cầu, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm kỷ lục đến 22,6%.
Chúng ta tưởng mình có thể tin tưởng các nhà truyền giáo, thế rồi xảy ra chuyện PTL5 và Jimmy Swaggart6.
5 PTL: Vụ bê bối PTL. PTL là viết tắt của ''Praise The Lord'' hay ''People That Love'', là một chương trình truyền hình truyền giáo ra đời năm 1986, do Jim Bakker và vợ là Tammy Bakker sản xuất. Bakker sau đó bị phanh phui từng cưỡng hiếp một thư ký nhà thờ. Sau vụ bê bối, chương trình PTL ngừng sản xuất.
6 Jimmy Swaggart (15/3/1935) là một mục sư, nhà truyền giáo, nghệ sĩ piano, ca nhạc sĩ, nhà sản xuất chương trình truyền hình nổi tiếng khắp nước Mỹ trước khi xảy ra những bê bối lạm dụng tình dục buộc ông phải hoàn tục.
Thế thì tôi biết tin vào ai bây giờ?
Từng có lúc bạn cho rằng những người khác sẽ tin tưởng bạn cho tới khi bạn cho họ một lý do để không tin nữa. Nhưng ngày nay, với hầu hết mọi người, bạn phải chứng tỏ sự đáng tin cậy của mình trước đã. Đó là những gì khiến cho lòng chính trực trở nên rất quan trọng nếu bạn muốn trở thành một người có ảnh hưởng. Lòng tin chỉ đến từ người khác khi bạn thể hiện được một nhân cách vững vàng.
Ngày nay, người ta đang tuyệt vọng về các nhà lãnh đạo, nhưng họ vẫn muốn được ảnh hưởng bởi những cá nhân mà họ có thể tin cậy, những người có nhân cách tốt. Nếu bạn muốn trở thành người có thể ảnh hưởng tích cực lên người khác, bạn cần phát triển sự chính trực và sống trọn vẹn với nó mỗi ngày:
• Nêu gương nhất quán về nhân cách. Lòng tin vững chắc có thể phát triển chỉ khi người ta luôn luôn có thể tin tưởng bạn. Nếu họ không bao giờ biết tiếp theo bạn sẽ làm gì, mối quan hệ này sẽ không thể nào đi sâu hơn để trở thành một cấp độ tin tưởng chắc chắn.
• Sử dụng sự giao tiếp chân thành. Để trở nên đáng tin cậy, bạn phải giống như một bản nhạc hay – lời và nhạc phải hòa điệu với nhau.
• Coi trọng sự minh bạch. Đến cuối cùng, mọi người cũng sẽ khám phá ra những khiếm khuyết của bạn, cho dù bạn cố giấu giếm chúng đến đâu. Nhưng nếu bạn chân thành với mọi người và thừa nhận những điểm yếu của mình, họ sẽ coi trọng sự trung thực và chính trực của bạn. Và họ sẽ có thể quan hệ với bạn tốt hơn.
• Nêu gương khiêm nhường. Người ta sẽ không tin tưởng bạn nếu họ nhận thấy bạn bị thúc đẩy bởi cái tôi, lòng ganh ghét, hoặc niềm tin rằng bạn tốt đẹp hơn họ.
• Cho thấy sự hỗ trợ của bạn dành cho người khác. Không gì có thể phát triển hoặc thể hiện nhân cách của bạn tốt hơn lòng khao khát muốn đặt người khác lên trước bản thân mình. Người bạn của tôi, Zig Ziglar đã từng nói rằng giúp cho người khác thành công, bạn cũng sẽ thành công.
• Hoàn thành những lời hứa của mình. Đừng bao giờ hứa bất kỳ điều gì bạn không thể làm tròn. Và khi bạn nói bạn sẽ làm một điều gì đó, hãy làm đến nơi đến chốn. Có một cách chắc chắn để phá vỡ lòng tin của người khác là không hoàn thành những cam kết của mình.
• Chấp nhận thái độ phụng sự. Chúng ta được có mặt trên quả đất này không phải để được phụng sự, mà là để phụng sự. Tận hiến bản thân và thời gian của mình cho người khác sẽ cho thấy rằng bạn quan tâm đến họ. Bác sĩ, nhà truyền giáo Sir Wilfred T. Grenfell nói rằng: “Những công việc phụng sự chúng ta mang đến cho người khác thực ra là tiền thuê nhà mà chúng ta trả cho căn phòng trọ trên Trái đất này”. Người chính trực là những người cho đi chứ không phải là người nhận về.
• Khích lệ sự tham gia. Khi bạn sống một cuộc đời chính trực, người ta sẽ lắng nghe bạn và làm theo bạn. Hãy luôn nhớ rằng mục tiêu của việc ảnh hưởng không phải là sự lôi kéo, mà là sự gắn mình tham gia. Chỉ khi bạn bao gồm người khác vào cuộc đời và thành công của mình thì bạn mới thành công bền vững.
Bạn không thực sự biết rõ người khác cho tới khi bạn quan sát họ tương tác với một đứa bé, khi xe xì lốp, khi người sếp đi vắng, và khi họ nghĩ không ai sẽ biết được việc họ làm. Nhưng người chính trực không bao giờ phải lo lắng về điều đó. Cho dù họ ở đâu, họ giao du với ai, hoặc họ rơi vào hoàn cảnh nào, họ luôn nhất quán và sống trọn với những nguyên tắc của mình.
Lợi ích của lòng tin: sự ảnh hưởng
Khi bạn có được lòng tin của người khác, bạn bắt đầu có được sự tin cậy của họ, và đó là một trong những chìa khóa dẫn đến sự ảnh hưởng. Tổng thống Dwight D. Eisenhower diễn đạt ý của ông về chủ đề này như sau:
Để là một người lãnh đạo, người ta phải có những người đi theo. Và để có những người đi theo, người ta phải có sự tin cậy. Do vậy, phẩm chất tối cao đối với một người lãnh đạo là lòng chính trực không ai hoài nghi được. Không có nó, không có thành công thực sự nào khả dĩ cả, dù là trong ngành đường sắt, trong bóng đá, trong quân đội, hay ở công sở. Nếu đồng nghiệp của một người nhận thấy anh ta thiếu sự chính trực, thẳng thắn, anh ta sẽ thất bại. Những lời rao giảng và hành động của một người luôn phải đi đôi với nhau. Vì vậy, yêu cầu quan trọng tiên quyết chính là lòng chính trực và mục đích cao thượng.
Khi người ta bắt đầu tin tưởng bạn, mức độ ảnh hưởng của bạn sẽ gia tăng. Và đó là khi bạn có thể bắt đầu tác động lên cuộc sống của họ. Nhưng đó cũng là lúc phải cẩn trọng vì quyền lực có thể là một thứ nguy hiểm. Trong hầu hết mọi trường hợp, những ai ham muốn quyền lực thì hẳn nhiên không nên có nó, và những ai ham thích nó hẳn sẽ vươn tới nó vì những lý do sai trái, và những người muốn khư khư nắm giữ nó thì không hiểu rằng quyền lực chỉ là nhất thời. Abraham Lincoln có nói: “Gần như mọi người đều có thể chống chọi với nghịch cảnh, nhưng nếu bạn muốn thử thách nhân cách của một người, hãy cho anh ta quyền lực”.
Trở thành người chính trực
Rốt cuộc thì, bạn có thể bẻ cong những hành động để phù hợp với những nguyên tắc của bạn, hoặc bạn có thể bẻ cong những nguyên tắc để phù hợp với những hành động của bạn. Đó là lựa chọn mà bạn buộc phải đưa ra. Nếu bạn muốn trở thành người có ảnh hưởng, bạn nên chọn con đường chính trực vì mọi con đường khác cuối cùng đều sẽ dẫn đến sự hủy diệt.
Để trở thành người chính trực, bạn cần quay trở lại với những điều cơ bản. Bạn có thể phải đưa ra sự chọn lựa khó khăn, nhưng rồi chúng sẽ xứng đáng.
Tự cam kết với sự trung thực, khả tín và bảo mật
Sự chính trực bắt đầu với một quyết định cụ thể, có ý thức. Nếu bạn chờ cho tới khi gặp khủng hoảng trước khi ổn định lòng chính trực của mình, thì bạn đã tự đặt mình vào chỗ thất bại. Hãy chọn ngay hôm nay là ngày bạn sẽ sống theo nếp sống đạo đức nghiêm ngặt, và xác định theo đuổi nó bất kể điều gì xảy ra.
Quyết định trước rằng bạn không thể bị mua chuộc
Tổng thống George Washington nhận xét: “Rất ít người có đức hạnh có thể cưỡng lại những cái giá phải trả cao nhất”. Một số người có thể bị mua chuộc vì họ không ổn định được vấn đề tiền bạc trước khoảnh khắc cám dỗ. Cách tốt nhất để tự bảo vệ mình không phạm vào nguyên tắc chính trực là đưa ra quyết định ngay hôm nay, rằng bạn sẽ không bán sự chính trực để đổi lấy quyền lực, sự trả thù, sự hãnh diện, hoặc tiền bạc – dù khoản tiền đó có là bao nhiêu chăng nữa.
Chuyên tâm từ những việc nhỏ bé
Những việc nhỏ bé có thể xây dựng hoặc phá vỡ chúng ta. Nếu bạn vượt qua ranh giới những tiêu chuẩn của bạn – cho dù chỉ là một cen-ti-mét hoặc là một cây số – bạn vẫn đã đi qua giới hạn. Trung thực là một thói quen cần khắc sâu bằng cách luôn luôn làm đúng đắn mọi việc, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác. Nếu bạn nhất quán làm đúng đắn từ những việc nhỏ bé, bạn sẽ ít có khả năng đi chệch khỏi con đường đạo đức.
Hàng ngày, làm những việc bạn nên làm trước khi làm những việc bạn muốn làm
Một phần quan trọng của lòng chính trực là nhất quán làm tới cùng mọi việc với tinh thần trách nhiệm. Bạn của tôi, Zig Ziglar, có nói: “Một khi bạn làm mọi việc bạn phải làm vào lúc cần thiết, rồi sẽ có một ngày bạn có thể làm những việc bạn muốn làm bất cứ khi nào bạn muốn”. Nhà tâm lý học, triết gia William James đã phát biểu mạnh mẽ hơn với cùng ý tưởng này: “Mọi người nên mỗi ngày làm ít nhất hai việc mình ghét phải làm, chỉ để luyện tập thôi”.
Triết gia, nhà văn Thụy Sĩ Henri Amiel có nhận xét: “Người không có cuộc sống nội tâm chính là nô lệ của những thứ xung quanh mình”. Nô lệ là từ chính xác để mô tả những người thiếu lòng chính trực, bởi họ thường thấy mình có những khao khát bất chợt do bản thân hoặc người khác thúc đẩy. Nhưng với lòng chính trực, bạn có thể trải nghiệm sự tự do. Bạn không chỉ ít có khả năng bị biến thành nô lệ bởi sự căng thẳng xảy đến từ những chọn lựa tệ hại, nợ nần, lọc lừa, và những vấn đề liên quan đến nhân cách tiêu cực, mà bạn còn có sự tự do ảnh hưởng lên người khác và đưa thêm giá trị vào họ theo cách thức diệu kỳ. Và lòng chính trực của bạn mở ra cánh cửa để bạn không ngừng trải nghiệm thành công.
Bảng kiểm tra sự ảnh hưởng
SỐNG CHÍNH TRỰC VỚI MỌI NGƯỜI
• Tự cam kết với việc phát triển nhân cách vững vàng. Trong quá khứ, bạn đã bao giờ nhận lấy toàn bộ trách nhiệm về nhân cách của mình chưa? Đó là việc bạn cần làm để trở thành một người có ảnh hưởng. Hãy gạt qua một bên những trải nghiệm tiêu cực đã gặp phải, kể cả những hoàn cảnh khó khăn và những người làm tổn thương bạn. Hãy thôi đặt nặng năng lực và danh tiếng bạn đã xây dựng qua nhiều năm. Hãy gạt chúng qua một bên, và quan sát những gì còn lại ở bạn. Nếu bạn không nhìn thấy lòng chính trực vững vàng trong mình, hãy tự cam kết thay đổi ngay từ hôm nay.
Hãy đọc lời phát biểu sau, rồi ký tên vào bên dưới:
Tôi tự cam kết mình sẽ trở thành một người có nhân cách. Chân lý, sự khả tín, sự trung thực và sự tín cẩn sẽ là những cột chống của cuộc đời tôi. Tôi sẽ đối xử với mọi người theo cách tôi kỳ vọng mình được người khác đối xử. Tôi sẽ sống theo những tiêu chuẩn cao nhất của sự chính trực trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Chữ ký: ………… Ngày, tháng, năm: ...........................
• Làm những việc nhỏ. Hãy dành cả tuần lễ sau đó để cẩn thận giám sát những thói quen của bạn. Tự ghi chú lại mỗi khi bạn làm bất cứ điều gì dưới đây:
• Không nói ra toàn bộ sự thật.
• Quên hoàn thành một cam kết, dù đã hứa hẹn hay chỉ mới là ngụ ý.
• Không hoàn thành một công việc.
• Nói ra một điều lẽ ra bạn được người khác kỳ vọng là phải giữ bí mật.
• Làm những việc nên làm trước khi làm những việc muốn làm. Mỗi ngày, hãy tìm ra hai việc trong danh sách những việc nên làm nhưng đã bị bạn trì hoãn. Hoàn thành những việc đó trước khi làm bất cứ việc gì trong danh sách những việc thích làm.