- Nhân lên gấp bội
- Cố vấn
- Khích lệ - Nuôi dưỡng
- Nêu gương
Bản chất của nuôi dưỡng
Ởmột số khía cạnh, con người phản ứng theo cách tương tự như động vật. Giống như động vật, con người cần được chăm sóc, không chỉ về mặt thể chất mà còn về mặt cảm xúc. Nếu thử nhìn quanh, bạn sẽ nhận thấy có nhiều người muốn được tiếp sức thêm – bằng sự khích lệ, nhìn nhận, ban an và hy vọng. Quá trình ấy được gọi là nuôi dưỡng, và đó là nhu cầu của mọi con người.
Nếu bạn khao khát trở thành một người ảnh hưởng lên cuộc sống của người khác, hãy bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng họ. Nhiều người lầm tưởng rằng cách để trở thành người có tầm ảnh hưởng là trở thành một nhân vật quyền lực – bằng việc sửa chữa sai sót của người khác, phát giác những khía cạnh yếu kém mà họ không dễ gì tự nhìn thấy trong chính họ, và cho họ lời phê bình tạm gọi là có tính xây dựng. Nhưng những gì vị giáo sĩ John Knox nói cách nay hơn 400 năm đến nay vẫn còn đúng: “Bạn không thể cùng lúc vừa đối kháng lại vừa ảnh hưởng”.
Trung tâm của quá trình nuôi dưỡng là sự quan tâm chân thành đến người khác. Khi nghe đến từ nuôi dưỡng, bạn hình dung ra điều gì trước tiên? Nếu giống như hầu hết mọi người, bạn hẳn sẽ hình dung ra một người mẹ nâng niu đứa con của mình. Người mẹ chăm sóc, bảo vệ đứa bé, cho bé ăn, khích lệ bé, đảm bảo những nhu cầu của bé được đáp ứng. Người mẹ ấy không chỉ chú ý đến con khi có thời gian rảnh hoặc khi thuận tiện, mà luôn yêu thương con và mong muốn con lớn khôn. Tương tự, khi bạn cố giúp đỡ và ảnh hưởng lên những người xung quanh, bạn phải có những tình cảm tích cực và sự quan tâm dành cho họ. Nếu bạn muốn tạo một tác động tích cực lên người khác, bạn không thể ghét bỏ, khinh miệt, hoặc chê bai họ. Bạn phải trao cho họ tình yêu thương và sự tôn trọng. Hoặc như chuyên gia về quan hệ con người Les Giblin từng nói: “Bạn không thể khiến người khác cảm thấy sự hiện diện của bạn là quan trọng nếu bạn âm thầm cảm thấy họ chẳng là gì”.
Nếu bạn nuôi dưỡng người khác nhưng lại để họ phụ thuộc vào bạn, bạn đang thực sự làm tổn thương họ, thay vì giúp đỡ họ.
Có thể bạn đã tự hỏi tại sao bạn nên đảm nhận vai trò nuôi dưỡng những người mà bạn muốn ảnh hưởng đến họ, đặc biệt nếu họ là nhân viên, đồng nghiệp, hoặc bạn bè – chứ không phải thành viên của gia đình bạn. Bạn có thể đã tự nhủ: “Chẳng phải đó là điều mà họ cũng có thể nhận được ở một nơi khác sao, như gia đình họ chẳng hạn?”. Thực tế là hầu hết mọi người đều khao khát được khích lệ. Thậm chí nếu có vài người trong đời họ giúp họ nuôi dưỡng bản thân, thì bạn vẫn cần trở thành người nuôi dưỡng họ, bởi con người sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những người có thể khiến họ cảm thấy tốt nhất về chính mình. Nếu bạn trở thành một người nuôi dưỡng chính trong đời người khác, thì bạn có một cơ hội để tạo ra tác động lớn lên họ.
Hãy xem xét và tái xem xét những động cơ của mình khi bạn giúp đỡ và khích lệ người khác.
Mục tiêu của bạn là sự trưởng thành và sự độc lập của người khác. Nếu bạn nuôi dưỡng người khác nhưng lại để họ phụ thuộc vào bạn, bạn đang thực sự làm tổn thương họ, thay vì giúp đỡ họ. Và nếu bạn giúp họ chỉ vì khát khao muốn được đáp ứng những nhu cầu của mình hoặc để bù đắp những thương tổn trong quá khứ, thì mối quan hệ giữa bạn và họ sẽ trở thành phụ thuộc lẫn nhau. Cố sửa chữa quá khứ của bạn bằng cách cùng sống lại với nó một lần nữa thông qua người khác là việc không lành mạnh. Ngoài ra, những người phụ thuộc lẫn nhau không bao giờ trở thành những người có ảnh hưởng tích cực trong cuộc đời người khác.
Nuôi dưỡng là cho đi
Bây giờ, bạn đã có một khái niệm về việc nuôi dưỡng người khác, có lẽ bạn đã sẵn sàng học cách thực hiện nó với những người hiện diện trong cuộc đời mình – nhân viên, thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Bạn thực hiện điều này bằng cách tập trung vào việc cho đi nhiều hơn là nhận về. Hãy bắt đầu bằng cách cho đi những điều sau đây:
Yêu thương
Trước khi bạn có thể làm bất cứ điều gì trong đời người khác, bạn phải cho họ nhìn thấy tình yêu thương. Không có yêu thương, sẽ không thể có kết nối, không có tương lai, và không có thành công cùng nhau. Hãy nghĩ về một số người quan trọng từng có tác động lên đời bạn – một giáo viên tuyệt vời, một người sếp rất giỏi giang, một người họ hàng đặc biệt. Chắc chắn là khi bạn dành thời gian bên cạnh những người đó, bạn có thể cảm nhận họ quan tâm đến bạn. Và đáp lại, bạn hưởng ứng họ một cách tích cực.
Chúng ta hãy khám phá ví dụ sau về cách tình yêu có thể tạo ra sự khác biệt ra sao trong đời của những sinh viên. Đây là đôi dòng được viết bởi một người thầy ân cần:
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm tuyệt vời khi bắt đầu hiểu ra rằng người trẻ cần nhiều thứ hơn là chỉ nội dung sách vở. Tôi rành toán học và tôi dạy toán học cũng cừ. Tôi từng nghĩ đó là tất cả những gì tôi cần làm. Bây giờ, tôi dạy những đứa trẻ, chứ không chỉ dạy toán. Tôi chấp nhận sự thật rằng mình chỉ có thể thành công phần nào đó với một số học sinh thôi. Khi tôi không bị buộc phải biết mọi câu trả lời, tôi dường như có nhiều câu trả lời hơn là khi tôi cố trở thành một chuyên gia. Người bạn trẻ thực sự làm cho tôi hiểu ra điều này là Eddie. Một hôm, tôi hỏi Eddie tại sao cậu ta nghĩ cậu ta đang học tốt hơn nhiều so với năm học trước. Cậu ta trao cho toàn bộ hướng đi mới của tôi một ý nghĩa: “Đó là vì em cảm thấy thích chính mình bây giờ hơn, khi em học với thầy”.
Eddie phản hồi với tình yêu thương của tôi theo cách mà cậu ta chưa bao giờ có với những bộ môn kiến thức, tâm lý, kỹ thuật, hoặc lý thuyết giáo dục. Khi biết thầy giáo của mình quan tâm đến mình, cậu trở nên tươi rói.
Chiều dài và chiều rộng của sức ảnh hưởng liên quan trực tiếp đến chiều sâu của sự quan tâm mà chúng ta dành cho họ. Khi nói đến việc trợ giúp người khác lớn lên và cảm thấy tốt đẹp về bản thân họ, không có gì thay thế được tình yêu thương. Bạn có thể tác động tích cực lên người khác bằng cách nuôi dưỡng họ. Bạn làm nghề gì, không quan trọng. Và những người xung quanh bạn thành công ra sao, hay thành đạt thế nào trong quá khứ cũng không quan trọng. Mọi người cần cảm thấy bản thân có giá trị. Thậm chí người từng là lãnh đạo của thế giới tự do cũng cần có tình yêu thương. Trong cuốn sách In the Arena, cựu Tổng thống Richard Nixon mô tả sự buồn chán của ông sau khi từ chức tổng thống và trải qua ca phẫu thuật. Từng có lúc, khi ở trong bệnh viện, ông bảo vợ mình, Pat, rằng ông muốn chết.
Khi ông đã hoàn toàn rơi xuống đáy vực đời mình, một y tá trong bệnh viện bước vào phòng ông, vén tấm màn cửa sổ, và chỉ tay vào một chiếc phi cơ nhỏ đang bay qua bay lại trên bầu trời bên ngoài. Chiếc phi cơ đang kéo theo biểu ngữ đề câu sau: CHÚA THƯƠNG YÊU ÔNG, VÀ CHÚNG TÔI CŨNG VẬY. Ruth Graham, vợ của nhà truyền giáo phúc âm Billy Graham, đã sắp xếp để chiếc máy bay này bay qua bệnh viện. Chính lúc đó Nixon đã có một trải nghiệm mang tính bước ngoặt. Việc nhìn thấy sự bày tỏ yêu thương ấy đã tiếp thêm cho ông lòng can đảm và khao khát muốn tiếp tục sống và hồi phục.
Hãy dành thời gian ra để bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với những người thân thiết của bạn. Cho họ biết rằng họ rất có ý nghĩa với bạn. Hãy viết cho họ những bức thư bảo rằng bạn quan tâm đến họ rất nhiều. Hãy cho họ một cái vỗ lưng khích lệ và khi thích hợp, hãy ôm lấy họ. Đừng cứ cho rằng người khác biết bạn cảm nghĩ ra sao về họ. Hãy nói với họ. Sẽ không có ai cảm thấy “quá nhiều” khi được nghe nói rằng họ được thương yêu cả.
Tôn trọng
Có một câu chuyện về một người phụ nữ mới dọn đến một thị trấn nhỏ. Sau khi sống ở đó một thời gian ngắn, cô than phiền với người hàng xóm về sự phục vụ kém cỏi mà cô nhận được tại cửa hàng tạp hóa địa phương. Cô hy vọng người bạn mới quen này sẽ chuyển lại lời phê bình của cô cho người chủ cửa hàng kia nghe.
Lần tiếp theo người mới đến này đi ra cửa hàng tạp hóa đó, người bán hàng vui vẻ chào cô, nói với cô rằng anh vui biết bao khi cô quay lại cửa hàng, và rằng anh hy vọng cô thích thị trấn của họ. Anh cũng tự đề nghị mình trở thành người cung cấp cho cô và chồng cô khi hai người ổn định xong chỗ ở. Sau đó, anh soạn hàng hóa theo yêu cầu của cô một cách nhanh nhẹn và hiệu quả.
Sau này, người phụ nữ kể lại sự thay đổi đáng ngạc nhiên này cho bạn của cô nghe. Cô đoan chắc: “Chắc chị đã bảo với anh ta tôi nghĩ cách phục vụ của họ tệ lắm hả?”.
“Ồ, không”, người hàng xóm nói. “Đúng ra là – và tôi hy vọng chị không khó chịu vì điều này – tôi đã nói với anh ấy rằng chị lấy làm ngạc nhiên về sự hiện diện của cửa hàng tạp hóa trong cái thị trấn nhỏ bé này, và rằng chị nghĩ nó là một trong những cửa hàng được điều hành tốt nhất mà chị từng ghé qua”.
Người hàng xóm ấy hiểu rằng người ta sẽ hưởng ứng với sự tôn trọng. Trên thực tế, người ta sẽ làm gần như mọi thứ cho bạn nếu bạn đối xử với họ bằng sự tôn trọng. Điều đó có nghĩa là làm cho họ thấy rõ rằng cảm xúc của họ là quan trọng, rằng sở thích của họ được tôn trọng, và ý kiến của họ là có giá trị. Nó có nghĩa là không bao giờ được tùy tiện phán xét họ. Hoặc như Ralph Waldo Emerson nhận xét: “Ai cũng có quyền được coi trọng bởi những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của họ”.
Tôn trọng là thừa nhận khả năng hoặc tiềm năng đóng góp của người khác. Lắng nghe người khác và đặt ý kiến của họ lên trên ý kiến của bản thân sẽ phản ánh sự tôn trọng của bạn dành cho họ, từ đó xuất hiện tiềm năng thành công cho cả bạn và họ. Một nghiên cứu mới đây do Teleometrics International thực hiện, được công bố trên tờ Wall Street Journal, cho thấy các nhà điều hành đều hiểu được sức mạnh của sự tôn trọng. Trong số 16.000 nhà điều hành được khảo sát, các nhà nghiên cứu tập trung vào nhóm những người thành đạt cao. Trong nhóm đó, tất cả đều có thái độ tích cực về thuộc cấp của mình, thường xuyên yêu cầu họ góp ý, thường xuyên lắng nghe những mối quan tâm của họ, và đối xử với họ bằng sự tôn trọng.
Nếu bạn có cơ hội làm việc trong nhiều môi trường, hay từng làm việc cho cả hai kiểu người – những người luôn luôn và những người không thường xuyên bày tỏ sự tôn trọng – bạn sẽ hiểu sự tôn trọng có thể khích lệ người khác ra sao. Và bạn cũng biết rằng bạn dễ bị ảnh hưởng bởi những người đối xử với bạn bằng sự tử tế.
Cảm giác an toàn
Một phần quan trọng của việc nuôi dưỡng là mang đến cho người khác cảm giác an toàn. Người ta do dự trong việc tin tưởng bạn và ngại phát huy tiềm năng của họ khi họ lo lắng liệu ở cạnh bạn có an toàn không. Nhưng khi đã cảm thấy an toàn, họ sẽ ở trong tư thế hưởng ứng tích cực và làm việc với hết khả năng của mình. Virginia Arcastle nhận xét: “Khi người ta có cảm giác an toàn, cảm thấy mình quan trọng và được tôn trọng, thì việc hạ bệ người khác để tỏ ra mình thắng thế trong cạnh tranh sẽ không còn cần thiết nữa”.
Một phần của việc làm cho người khác cảm thấy an toàn đến từ lòng chính trực, điều mà chúng ta đã nói ở chương trước. Mọi người cảm thấy an toàn khi ở bên bạn nếu hành động và lời nói của bạn luôn nhất quán và tuân theo những quy tắc đạo đức, trong đó có sự tôn trọng. Cựu huấn luyện viên của đội Notre Dame Lou Holtz nói về vấn đề này như sau: “Hãy làm những việc đúng đắn! Hãy làm hết sức mình và đối xử với mọi người theo cách bạn muốn mình được đối xử bởi vì họ sẽ hỏi ba câu hỏi: (1) Tôi có thể tin tưởng bạn được không? (2) Bạn có cam kết không?… (3) Bạn có quan tâm đến tôi như một con người không?”.
Người ta khao khát có sự an toàn không chỉ từ bạn mà còn từ môi trường xung quanh họ. Những nhà lãnh đạo giỏi nhận biết điều này và tạo ra một môi trường nơi mà người ta có thể thăng hoa. Mike Krzyzewski, huấn luyện viên trưởng đội bóng rổ rất thành công của trường Đại học Duke hiểu tác động mà một người lãnh đạo có thể làm khi ông cung cấp sự an toàn cho những người theo ông: “Nếu bạn tạo ra một bầu không khí vui vẻ và tin cậy, nó sẽ trở thành một truyền thống. Những thành viên cũ của đội ngũ sẽ chứng thực sự đáng tin cậy của bạn trước những thành viên mới hơn. Cho dù họ không thích mọi thứ về bạn, họ sẽ vẫn nói: ‘Ông ta đáng tin cậy, tận tâm với toàn đội của chúng ta’”.
Không phải cho tới khi người khác hoàn toàn tin tưởng bạn thì bạn mới có thể ảnh hưởng tích cực lên họ và tác động lên cuộc sống của họ.
Thừa nhận
Một lỗi rất thường gặp, đặc biệt ở những người lãnh đạo chốn thương trường, là thất bại trong việc chia sẻ sự thừa nhận và bày tỏ lòng biết ơn đến người khác. Ví dụ, J. C. Staehle đã làm một bài phân tích về những người công nhân ở Hoa Kỳ và phát hiện ra rằng nguyên nhân gây ra sự bất mãn hàng đầu trong nhân viên là việc cấp trên không biết công nhận họ. Người ta khó lòng đi theo những ai không coi trọng họ và những việc họ làm. Cựu bộ trưởng quốc phòng và cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert McNamara từng nói: “Não cũng tương tự như con tim, chúng hướng về nơi mình được coi trọng”.
Sự nhìn nhận được coi trọng tuyệt đối bởi tất cả mọi người, không chỉ những người trong môi trường kinh doanh và công nghiệp. Thậm chí một sự công nhận dù là nhỏ thôi cũng có thể tác động to lớn đến cuộc đời một người. Ví dụ, chúng tôi có đọc một câu chuyện được viết bởi Helen P. Mrosla, một nữ tu. Bà kể về trải nghiệm của mình với Mark Eklund, một học sinh bà dạy hồi lớp ba, sau đó dạy tiếp lớp toán cấp hai. Sau đây là câu chuyện bà kể:
Một ngày thứ Sáu, không khí trong lớp dường như không ổn. Lớp chúng tôi đã chật vật suốt tuần với một khái niệm mới, và tôi cảm thấy các học sinh đang thất vọng với chính mình – và cáu kỉnh với nhau. Tôi phải ngăn chặn sự nóng nảy này trước khi nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, tôi bảo mỗi em liệt kê tên của những học sinh trong lớp lên trên một tờ giấy hai mặt, mỗi tên cách nhau một dòng trống. Sau đó, tôi bảo các em hình dung ra điều tốt đẹp nhất mà các em có thể nói về từng người bạn học một và viết nó ra.
Chúng tôi mất cả một tiết học mới hoàn tất bài tập này, và khi các học sinh rời khỏi lớp, từng em nộp tờ giấy đó cho tôi…
Trong suốt ngày thứ Bảy, tôi viết ra tên của mỗi học sinh lên một tờ giấy riêng, và tôi liệt kê nội dung mà những học sinh khác nói về em này. Vào ngày thứ Hai tuần kế tiếp, tôi phát cho mỗi học sinh tờ danh sách của mình. Một số bạn có tờ danh sách dài những hai trang. Chẳng bao lâu, toàn bộ lớp học mỉm cười. “Thật ư?”, tôi nghe những tiếng xì xào. “Mình chưa bao giờ biết điều đó lại có ý nghĩa với ai đó!”, “Mình không biết những bạn khác lại thích mình đến thế!”.
Sau đó, không còn ai nhắc đến những tờ giấy ấy nữa. Tôi không bao giờ biết liệu các em có thảo luận về chúng sau giờ học hoặc với cha mẹ của mình không, nhưng điều đó không quan trọng. Bài tập này đã hoàn thành được mục đích của nó. Một lần nữa, các học sinh rất hạnh phúc với chính mình và với nhau.
Rồi nhóm học sinh đó lên lớp. Nhiều năm sau, trong một lần tôi trở về nhà sau một kỳ nghỉ, bố mẹ đến đón tôi tại phi trường. Trên đường lái xe về nhà, mẹ tôi hỏi những câu hỏi thông thường về chuyến đi: Thời tiết ra sao, chuyến đi thế nào. Rồi có một khoảng lặng giữa cuộc trò chuyện. Mẹ tôi liếc nhìn bố tôi, rồi nói: “Bố nó ơi?”. Bố tôi đằng hắng: “Tối qua vợ chồng nhà Eklund có gọi điện đến”, ông mở lời.
“Thật ư?”, tôi hỏi lại. “Con không nghe tin gì về họ suốt mấy năm qua. Không biết Mark dạo này ra sao”.
Bố tôi nhỏ giọng đáp: “Mark đã hy sinh ở Việt Nam rồi”, ông nói. “Tang lễ diễn ra vào ngày mai, và bố mẹ thằng bé mong con có thể đến dự”. Cho đến hôm nay, tôi vẫn có thể chỉ ra chính xác chỗ nào trên xa lộ là nơi bố tôi cho tôi biết chuyện về Mark.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một binh sĩ nằm trong quan tài quân đội trước đây… Nhà thờ đầy những bạn bè của Mark. Chị của Chuck [bạn cùng lớp với Mark] hát bài “The Battle Hymn of the Republic”. Sao mưa lại rơi vào ngày tang lễ ấy nhỉ? Nỗi buồn đã che phủ đủ lên phần mộ rồi còn gì. Vị mục sự đọc lời cầu nguyện dành cho đám tang và đội kèn thổi một khúc nhạc vĩnh biệt. Những người thân yêu của Mark, từng người từng người một bước đến cỗ quan tài và vẫy nước thánh lên đó.
Tôi là người cuối cùng nguyện phước lành. Khi tôi đứng bên quan tài, một trong những người lính hộ tang tiến về phía tôi: “Cô có phải là cô giáo dạy toán của Mark không?”, cậu ta hỏi. Tôi gật đầu trong khi vẫn nhìn chăm chăm vào cỗ quan tài. “Mark kể cho em nghe nhiều về cô lắm”, anh ta nói.
Sau lễ tang, hầu hết bạn học cũ của Mark cùng tới nông trại của Chuck để ăn trưa. Bố mẹ của Mark cũng tới đó, có thể thấy rõ ràng là họ đang mong đợi tôi.“Chúng tôi muốn cho cô xem cái này”, bố Mark vừa nói tay vừa rút một chiếc ví ra khỏi túi. “Họ tìm thấy cái này trên người Mark sau khi thằng bé bị bắn. Chúng tôi nghĩ cô có thể nhận ra nó”.
Mở chiếc ví ra, ông cẩn thận giở ra hai mảnh giấy sờn cũ, rõ ràng là đã được gấp lại mở ra rất nhiều lần. Tôi biết ngay mà không cần nhìn rằng đó là những mảnh giấy tôi đã liệt kê mọi điều tốt đẹp mà những người bạn học của Mark đã nói về em.
“Cám ơn cô rất nhiều về điều này”, mẹ của Mark nói. “Như cô thấy đấy, Mark cất giữ nó như báu vật”.
Các bạn học của Mark bắt đầu vây quanh chúng tôi. Chuck mỉm cười ngượng nghịu nói: “Em vẫn còn giữ tờ danh sách của em. Em cất nó trong ngăn kéo trên cùng của bàn làm việc ở nhà”. Vợ của John nói: “John bảo em cất nó trong cuốn album cưới của tụi em”. “Em cũng còn giữ tờ giấy của em”, Marilyn nói. “Em cất nó trong cuốn nhật ký”. Sau đó, Vicky, một em học sinh cũ khác, vói vào xách tay của em, lấy cái ví của mình, rồi lấy ra cho cả nhóm xem tờ danh sách cũ mèm và sờn rách. “Mình mang theo tờ giấy này suốt”, Vicky nói mà không chớp mắt. “Mình nghĩ tất cả chúng ta ai cũng cất giữ những tờ danh sách này”.
Đó là lúc tôi ngồi xuống và bật khóc.
Điều gì làm cho rất nhiều người lớn cứ mãi cất giữ những tờ giấy mà họ nhận được nhiều năm trước đó, khi họ hãy còn là những đứa trẻ con, một số còn mang chúng trong mình đến bất kỳ nơi đâu – thậm chí vào cả chiến trận, trên những đám ruộng ở nửa bên kia thế giới? Câu trả lời là sự coi trọng. Mọi người đều vô cùng khao khát sự coi trọng và nhìn nhận. Khi tương tác với người khác, bạn hãy từng bước tìm hiểu họ. Ghi nhớ tên của họ và dành thời gian để cho họ thấy bạn quan tâm đến họ. Biến người đó trở thành một ưu tiên trong cuộc sống của bạn, hơn mọi điều khác, kể cả ý kiến riêng và lịch sinh hoạt của bạn. Và hãy thừa nhận họ mỗi khi có cơ hội. Điều đó sẽ nâng họ lên và khích lệ họ. Và điều đó sẽ biến bạn trở thành người có ảnh hưởng đáng kể trong đời họ.
Khích lệ
Có một thí nghiệm được thực hiện cách nay nhiều năm để đo lường khả năng chịu đựng sự đau đớn của con người. Các nhà tâm lý muốn xác định xem một người đi chân trần có thể chịu đựng được bao lâu trong một xô nước đá. Họ nhận thấy có một yếu tố giúp cho một số người có thể chịu đựng cái lạnh của nước đá lâu gấp đôi người khác. Bạn đoán được yếu tố đó là gì không? Đó là sự khích lệ. Khi có sự hiện diện của người ủng hộ, khích lệ thì những người được khảo sát có thể chịu đựng lâu hơn nhiều so với người không được khích lệ.
Có rất ít thứ có thể giúp đỡ con người như cách mà sự khích lệ có thể mang lại. George M. Adams gọi nó là “oxy cho tâm hồn”. Johann Wolfgang von Goethe có viết: “Chỉnh đốn thì có ích, nhưng sự khích lệ sau khi phê bình thì giống như mặt trời sau cơn mưa”. Và William A. Ward1 đã hé lộ cảm xúc của mình khi ông nói: “Tâng bốc tôi, tôi có thể sẽ không tin bạn. Chỉ trích tôi, tôi có thể sẽ không thích bạn. Phớt lờ tôi, tôi có thể sẽ không tha thứ cho bạn. Còn khích lệ tôi, tôi sẽ không quên bạn”.
1 William A. Ward (1921 - 1994), nhà văn người Mỹ.
Khả năng ảnh hưởng là sản phẩm tự nhiên của sự khích lệ. Benjamin Franklin đã viết trong một bức thư gửi cho viên tư lệnh hải quân John Paul Jones: “Sắp tới, nếu anh biết tìm dịp nói với sĩ quan và bạn bè của anh những lời khen ngợi hơn mức họ xứng đáng có, và thừa nhận sai sót hơn cả mức có thể bị buộc tội, chẳng bao lâu nữa anh sẽ xứng đáng trở thành một thuyền trưởng vĩ đại”. Rõ ràng Jones đã học được bài học này. Cuối cùng, ông trở thành anh hùng của cuộc Cách mạng Mỹ và sau này lên tới chức phó đô đốc hải quân Nga.
Sự khích lệ khiến người khác muốn đi theo bạn như thế nào thì việc kìm nén những lời khen ngợi và động viên có tác dụng ngược lại như thế ấy. Chúng tôi có đọc một câu chuyện do Maxwell Maltz kể lại và thấy rõ tác động vô cùng tiêu cực mà một người có thể tạo ra khi anh ta không khích lệ những người xung quanh mình. Maltz kể về một người phụ nữ tìm đến văn phòng của anh xin sự trợ giúp. Chuyện là con trai cô đã dọn đi khỏi nhà cô ở Midwest, chuyển tới New York, nơi mà Maltz đang hành nghề. Khi con trai cô hãy còn nhỏ, chồng cô đã qua đời, và cô đã tự điều hành việc kinh doanh, hy vọng chỉ cần làm vậy cho tới khi con trai trở nên đủ trưởng thành để tiếp quản nó. Nhưng khi cậu con trai này đủ lớn, cậu ấy không muốn liên quan gì đến việc kinh doanh của gia đình. Thay vào đó, cậu muốn đến New York học. Người mẹ tìm đến Maltz vì muốn ông tìm ra lý do tại sao con trai cô lại cư xử như vậy.
Sau đó mấy ngày, cậu con trai tìm đến văn phòng của Maltz và giải thích rằng mẹ cậu không ngừng khẩn khoản yêu cầu cậu nên đến. “Cháu thương mẹ cháu”, cậu giải thích, “nhưng cháu chưa bao giờ nói với mẹ lý do tại sao cháu muốn rời khỏi nhà. Cháu không đủ can đảm. Và cháu không muốn mẹ không vui. Nhưng bác thấy đấy, cháu không muốn tiếp quản cơ nghiệp do bố cháu khởi sự. Cháu muốn tự cháu làm nên sự nghiệp của mình”.
“Thật đáng ngưỡng mộ”, Maltz nói với cậu ta, “nhưng cháu phản đối bố cháu điều gì sao?”.
“Bố cháu là một người tử tế và làm việc cần mẫn, nhưng cháu cho rằng cháu đã cảm thấy phẫn uất với ông”, cậu ta nói. “Ông rất khắt khe. Và ông nghĩ ông nên khắt khe với cháu. Cháu cho rằng ông muốn xây dựng cho cháu tính tự lực hoặc một đức tính tương tự nào đó. Khi cháu còn nhỏ, ông không bao giờ khích lệ cháu. Cháu vẫn còn nhớ những lúc chơi ném bóng với bố ở ngoài sân. Ông ném và cháu bắt. Bố cháu và cháu muốn thử xem liệu cháu có thể bắt được liên tiếp mười quả bóng hay không. Và bác biết không, ông không bao giờ cho phép cháu bắt quả bóng thứ mười. Ông ném tám hoặc chín quả về phía cháu, nhưng quả thứ mười ông luôn ném vào trong không trung, hoặc xuống đất, hoặc đến nơi mà cháu không thể bắt được nó”. Cậu thanh niên này dừng lại một chốc, rồi nói: “Ông đã không bao giờ cho phép cháu bắt được quả bóng thứ mười – không bao giờ! Và cháu nghĩ rằng cháu phải rời khỏi nhà và không còn dính dáng gì đến công việc kinh doanh do bố cháu gầy dựng, vì cháu muốn bằng cách này hay cách khác, cháu phải bắt được quả bóng thứ mười đó”.
Thiếu sự khích lệ có thể ngăn không cho một người được sống một cuộc sống lành mạnh, có năng suất. Nhưng khi một người cảm thấy được khích lệ, họ có thể đối mặt với những điều không thể và vượt qua nghịch cảnh dữ dội. Và người trao đi món quà khích lệ sẽ trở thành người có ảnh hưởng trong đời họ.
Quả trái của sự cho đi
Để trở thành một người nuôi dưỡng, hãy học cách suy nghĩ khác đi. Thay vì chỉ suy nghĩ về bản thân, hãy đặt người khác lên trên. Thay vì đặt người khác vào chỗ của họ, hãy cố đặt bạn vào chỗ của họ. Điều này không phải luôn dễ dàng. Chỉ khi bạn điềm tĩnh suy nghĩ về con người bản chất của bạn thì bạn mới có thể suy nghĩ khác đi và biết cho đi vì người khác. Và những thành quả của sự nuôi dưỡng này là nhiều vô kể. Khi bồi dưỡng người khác, họ sẽ nhận được nhiều thứ:
Lòng tự trọng
Nathaniel Branden, nhà tâm thần học và là chuyên gia về chủ đề lòng tự trọng, nói rằng không có yếu tố nào quyết định sự phát triển và khích lệ tâm lý con người hơn là những phán xét có giá trị họ đưa ra về chính họ. Ông cho rằng việc tự phán xét có những tác động sâu sắc lên giá trị, niềm tin, quá trình suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu và mục tiêu của con người. Theo ông, lòng tự trọng là chìa khóa có ý nghĩa nhất đối với hành vi của con người.
Một quan niệm yếu kém về bản thân có thể dẫn đến đủ mọi loại ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc đời con người. T. S. Eliot khẳng định: “Một nửa những điều tai hại xảy ra trên thế giới này là do người ta muốn cảm thấy mình quan trọng… Họ không có ý gây ra những việc tai hại… mà bởi họ đã chìm sâu vào cuộc vật lộn không ngừng để có thể nghĩ hay, nghĩ tốt về bản thân”. Quan niệm yếu kém về bản thân tạo ra một trần cản vô hình kìm hãm không cho người ta nỗ lực vượt lên khỏi những giới hạn tự đặt ra.
Nếu bạn tự tin và có một hình ảnh tự thân lành mạnh, bạn sẽ nói: “Này, tôi có thể lo liệu việc nâng cao lòng tự trọng cho một đứa trẻ, nhưng với những nhân viên hoặc đồng nghiệp của tôi, phải để cho họ tự lo lấy. Họ đã đủ trưởng thành. Họ cần vượt qua nó”. Nhưng thực tế là hầu hết mọi người, dù lên 7 hay 57 tuổi, đều cần được trợ giúp với vấn đề cảm xúc của họ về bản thân. Họ sẽ vui lòng khi ý thức về nhân dạng của mình được nâng lên. Nếu bạn còn hoài nghi điều đó, hãy thử làm thí nghiệm sau. Hãy yêu cầu một số người mà bạn quen biết viết ra giấy mọi ưu điểm về tính cách của họ. Mỗi người thường nghĩ ra chừng năm sáu đặc điểm. Sau đó, yêu cầu họ viết ra mọi điểm yếu của họ. Hầu như những danh sách nêu điểm yếu thường dài ít nhất là gấp đôi!
Samuel Johnson diễn đạt ý nghĩ này theo lối sau: “Tự tin là điều kiện quan trọng đầu tiên của những gánh vác vĩ đại”. Lòng tự trọng tác động lên mọi khía cạnh của đời sống con người, từ việc làm, giáo dục, các mối quan hệ, v.v… Ví dụ, Viện Quốc gia về Khích lệ Sinh viên đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy rằng tác động của sự tự tin lên những thành tựu mang tính học thuật là lớn hơn tác động của chỉ số IQ. Và Martin Seligman, một giáo sư tâm lý tại trường Đại học Pennsylvania, đã khám phá ra rằng người có lòng tự trọng cao sẽ kiếm được công việc có mức lương cao hơn và thành công hơn trong sự nghiệp so với những người có lòng tự trọng thấp. Khi ông khảo sát những người đại diện kinh doanh của một công ty bảo hiểm lớn, ông thấy rằng những người biết kỳ vọng sự thành công bán được nhiều hơn 37% hợp đồng so với người không có kỳ vọng.
Nếu bạn muốn giúp người khác cải thiện chất lượng sống, có năng suất hơn trong công việc, và phát triển nhiều mối quan hệ tích cực hơn, thì hãy giúp họ xây dựng lòng tự trọng. Hãy làm cho họ cảm thấy họ rất khá, và những lợi ích tích cực sẽ tuôn trào vào trong mọi khía cạnh đời sống của họ. Và khi họ bắt đầu trải nghiệm những lợi ích đó, họ sẽ biết ơn bạn.
Cảm giác thuộc về
“Thuộc về” là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Khi người ta cảm thấy bị cô lập và bị gạt ra khỏi cảm giác cộng đồng với mọi người, họ sẽ cảm thấy khổ sở. Albert LaLonde chỉ ra những mối nguy của việc bị cô lập này: “Nhiều bạn trẻ ngày nay chưa bao giờ trải nghiệm sự gắn bó cảm xúc sâu sắc với bất kỳ ai. Họ không biết thế nào là yêu thương và được yêu thương. Nhu cầu được yêu thương tự chuyển mình thành nhu cầu thuộc về ai đó hoặc một điều gì đó. Được thúc đẩy bởi nhu cầu của mình, họ sẽ làm bất cứ điều gì để được ‘thuộc về’”.
Những người ảnh hưởng tích cực hiểu được nhu cầu thuộc về và sẽ làm mọi việc để giúp người khác cảm thấy họ được bao gồm. Cha mẹ đảm bảo con cái mình cảm thấy chúng là những thành viên quan trọng của gia đình. Vợ/chồng làm cho người bạn đời của mình luôn cảm thấy được yêu thương. Và những người sếp để cho nhân viên của họ biết rằng họ là những thành viên được coi trọng trong đội ngũ.
Những nhà lãnh đạo vĩ đại đặc biệt có tài trong việc làm cho những người đi theo mình cảm thấy họ là một thành viên. Napoleon Bonaparte chẳng hạn, ông là một bậc thầy trong việc làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng và luôn được tính đến. Ông thường xuyên đi quanh doanh trại và chào hỏi mọi sĩ quan bằng đúng tên của họ. Khi trò chuyện với mỗi người, ông hỏi về nơi họ sinh sống, về vợ và gia đình của họ. Và vị tướng này cũng chuyện trò về một trận đánh hoặc cuộc diễn tập mà trong đó ông biết người lính này đã có tham gia. Sự quan tâm và thời gian ông dành ra với những người đi theo ông làm cho họ cảm nhận được tình chiến hữu và sự thuộc về. Không ai ngạc nhiên khi những người này tận hiến vì ông.
Nếu bạn muốn trở thành một người nuôi dưỡng người khác, hãy phát triển lối suy nghĩ khác. Hãy tìm nhiều cách để đưa người khác nhập cuộc. Hãy làm giống như người nông dân này, hàng ngày đánh bộ cày hai ngựa vào một con lừa già và nói: “Tiến lên, Beauregard. Tiến lên, Satchel. Tiến lên, Robert. Tiến lên, Betty Lou”.
Một ngày kia, một người hàng xóm nghe thấy những lời đó và hỏi: “Con lừa đó có bao nhiêu tên?”.
“Ồ, nó chỉ có một tên thôi”, người nông dân trả lời. “Tên nó là Pete. Nhưng tôi mang cho nó cái miếng che mắt và gọi những cái tên khác để nó nghĩ là có nhiều con lừa khác đang làm việc cùng nó. Nó có thái độ làm việc tốt hơn khi nó là thành viên của một đội ngũ”.
Triển vọng
Một điều khác nữa mà con người gặt hái được khi họ được bồi dưỡng chính là họ có một cái nhìn tốt hơn về bản thân. Hầu hết chúng ta thường chịu nhiều lời nhận xét và chỉ trích từ người khác hơn mức ta đáng phải nhận, nhiều đến độ ta không còn nhìn rõ được giá trị của chính mình. Arthur Gordon đã từng thuật lại một trường hợp tương tự trong cuốn sách về kỹ năng sống mang tựa đề A Touch of Wonder của mình. Câu chuyện kể về một người bạn tác giả. Người bạn này từng là thành viên của một câu lạc bộ (CLB) tại Đại học Wisconsin, và các thành viên trong CLB khi đó đều là các thanh niên trẻ có tài viết lách. Mỗi khi họp CLB, một thành viên sẽ đọc một câu chuyện hoặc bài tiểu luận mình đã viết để những thành viên còn lại phân tích và phê bình. Những lời phê bình của họ rất độc địa, và cũng vì vậy mà họ đặt tên CLB của mình là Hội Bóp Cổ.
Tại cùng ngôi trường đó còn có một CLB khác do một số sinh viên nữ thành lập. Họ đặt tên CLB của mình là Hội Cãi Vã, và cách hoạt động của họ cũng tương tự Hội Bóp Cổ. Họ đọc bài viết của mình cho nhau nghe và đánh giá. Nhưng khác với Hội Bóp Cổ, họ không chỉ trích phê bình nhau mà luôn cố tìm ra những điều tích cực để nói. Các thành viên luôn khích lệ nhau dù tác phẩm non tay hay sơ sài đến đâu chăng nữa.
Điều ngăn cản hầu hết chúng ta phát triển không phải là những phẩm chất ta sẵn có mà là những phẩm chất ta nghĩ mình không có.
Hai mươi năm sau, hiệu quả hoạt động của hai nhóm đã được xác định qua thông tin phân tích sự nghiệp của từng thành viên. Không có ai trong Hội Bóp Cổ trở thành tác giả nổi danh, nhưng có ít nhất sáu người từ Hội Cãi Vã đã trở thành những cây bút có tiếng, dù ban đầu họ không thể hiện tiềm năng mạnh mẽ. Vài người trong số đó còn giành được những giải thưởng cấp quốc gia, chẳng hạn như Marjorie Kinnan Rawlings đoạt giải Pulitzer.
Đối với hầu hết mọi người, điều ngăn họ phát triển không phải là những phẩm chất họ có, mà chính là những điều họ nghĩ họ không có. Hội Bóp Cổ đã khơi dậy sự hoài nghi trong lòng nhau về khả năng viết lách của cá nhân mỗi thành viên, và dần dần các thành viên đều tin chắc là mình không viết được gì ra hồn. Ai biết được sự tiêu cực đó đã triệt tiêu những tài năng gì ở họ? Nếu khi đó có thành viên nào thể hiện thái độ ủng hộ thay vì sự tiêu cực thì có lẽ một Hemingway, Faulkner, hoặc Fitzgerald khác nữa đã xuất hiện để cống hiến cho thế giới thật nhiều kiệt tác.
Ai cũng thích được ủng hộ, được chăm bón – kể cả những người vĩ đại nhất. Bằng chứng cho điều này nằm ở Viện Smithsonian. Đó là tư trang cá nhân được tìm thấy trên người Abraham Lincoln vào cái đêm ông bị ám sát – một chiếc khăn tay có thêu tên “A. Lincoln”, cây dao xếp của cậu bé Abraham ngày trước, một hộp đựng kính, một tờ giấy bạc 5 đô-la và một mẩu báo nhàu nát ca tụng những thành quả của ông ở vai trò tổng thống với lời mở đầu như sau: “Abe Lincoln là một trong những chính trị gia vĩ đại nhất mọi thời đại…”.
Lúc sinh thời, Lincoln đã đối mặt với sự chỉ trích dữ dội khi ngồi trên ghế tổng thống và có lẽ điều đó đã không ít lần khiến ông nản lòng. Mẩu báo ông cất trong túi và đọc đi đọc lại đến mức nhàu nát kia hẳn đã dìu ông qua những giai đoạn khó khăn. Nó ủng hộ ông và giúp ông nuôi dưỡng triển vọng của mình.
Biết mình là quan trọng
Woody Allen có lần dí dỏm nhận xét: “Điều hối tiếc duy nhất trong đời tôi là tôi không phải người khác”. Có thể ông nói vậy cho vui, nhưng khi xét đến những vấn đề về mối quan hệ bao năm qua của ông, ta không thể không tự hỏi có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Thực tế, ta xác định giá trị bản thân ta thế nào thì cuộc sống cũng xác định giá trị của ta như thế. Ai giàu lòng tự trọng và tin sự tồn tại của mình có ý nghĩa thì thường được người khác tôn trọng và giúp khẳng định ý nghĩa sự tồn tại của mình.
Khi bạn góp phần nuôi dưỡng người khác và góp phần xây dựng giá trị của họ mà không cần đền đáp, họ sẽ cảm nhận được tầm quan trọng của bản thân. Họ nhận thức rằng bản thân được coi trọng, rằng họ có ý nghĩa với người khác. Khi họ luôn cảm thấy tích cực về chính mình, họ sẽ được tự do sống tích cực hơn cho chính bản thân và cho người khác.
Hy vọng
Nhà văn Mark Twain từng cảnh báo: “Hãy tránh xa những kẻ xem thường tham vọng và hoài bão của bạn. Đó toàn là những kẻ nhỏ mọn. Những người thực sự vĩ đại sẽ làm bạn cảm thấy mình cũng có thể trở nên vĩ đại”. Bạn đang làm những người xung quanh cảm thấy thế nào? Bạn khiến họ thấy bản thân không quan trọng hay thấy có niềm tin vào chính mình và hy vọng vào hình ảnh vĩ đại của mình trong tương lai?
Muốn biết mình nên đối xử với người khác như thế nào, bạn phải nhìn vào cách bạn nghĩ về họ. Mấu chốt ở đây là thái độ của bạn. Cách bạn hành xử phản ánh cách nghĩ của bạn. Johann Wolfgang von Goethe nhấn mạnh: “Khi ta nhìn nhận một người bằng những điều họ sẵn có, ta sẽ làm họ thui chột đi. Chỉ khi ta nhìn nhận người đó bằng tiềm năng phát triển của họ, ta mới giúp được họ phát triển”.
Niềm hy vọng có lẽ là món quà lớn nhất bạn có thể tặng người khác thông qua việc nuôi dưỡng và vun đắp họ. Khi ý thức của họ về bản thân còn yếu ớt và họ chưa hiểu được tầm quan trọng của chính mình, niềm hy vọng đó sẽ là lý do để họ không ngừng cố gắng đạt đến tiềm năng tương lai của bản thân.
Trong cuốn Building Your Mate’s Self-Esteem, Dennis Rainey đã kể một câu chuyện thú vị với thông điệp rằng việc giúp người khác nuôi dưỡng hy vọng có thể khiến tiềm năng của họ phát triển mạnh mẽ. Chuyện kể rằng ngày trước có một cậu bé tên Tommy gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Cậu chẳng thể bắt kịp các bạn, và lúc nào cậu cũng đặt hàng tá câu hỏi. Dường như việc gì cậu làm cũng thất bại, và thầy cô giáo của cậu đành bó tay. Họ bảo mẹ cậu rằng cậu không thể học hành gì được và sẽ chẳng bao giờ làm nên chuyện, nhưng mẹ cậu là một người biết vun đắp và nuôi dưỡng. Bà tin vào cậu. Bà dạy cậu ở nhà, và mỗi khi cậu thất bại, bà cho cậu niềm hy vọng và khuyến khích cậu không ngừng cố gắng.
Cuối cùng thế nào? Tommy trở thành một nhà phát minh, sở hữu hơn cả ngàn bằng sáng chế kể cả về âm học, trong đó có bằng sáng chế bóng đèn dây tóc thương mại đầu tiên. Và tên đầy đủ của Tommy là Thomas Edison. Khi có niềm hy vọng, người ta có thể tiến xa đến mức không lường được.
Biến việc vun đắp cho người khác thành bản năng
Có thể bẩm sinh bạn không phải là người biết vun đắp và nuôi dưỡng tâm hồn người khác. Không ít người gặp khó khăn trong việc yêu thương và tỏ thái độ tích cực với mọi người, đặc biệt nếu họ phải trưởng thành trong môi trường không tích cực. Tuy nhiên, thực tế là bất kỳ ai cũng có thể trở thành “người vun đắp” và giúp người khác nâng giá trị bản thân nếu biết thúc đẩy bản thân trở nên tích cực và suy nghĩ khác đi. Bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích từ những tác động của bạn đến cuộc sống của người khác. Cách để luyện mình thành “người vun đắp” là:
• Tận tâm. Hãy xem việc huấn luyện bản thân thành “người vun đắp” là một lời hứa với chính mình. Việc cam kết giúp đỡ người khác sẽ thay đổi những ưu tiên và hành động của bạn. Tình yêu thương luôn khiến bạn tìm được cách giúp đỡ người khác, còn sự thờ ơ sẽ luôn khiến bạn nghĩ ra lý do để thoái thác.
• Tin vào họ. Người ta luôn cố gắng để đáp ứng kỳ vọng của những người thân thiết với mình. Khi bạn trao cho người khác niềm tin và hy vọng, họ sẽ làm bất cứ điều gì để tránh phản bội niềm hy vọng đó.
• Luôn có mặt. Bạn không thể vun đắp cho người khác từ đằng xa. Bạn chỉ có thể làm được điều đó khi gần gũi họ. Vào lúc khởi đầu, bạn có thể dành nhiều thời gian cho người mà bạn vun đắp, nhưng họ càng tự tin vào chính mình và vào mối quan hệ với bạn thì họ càng bớt cần bạn túc trực cạnh bên. Trước khi họ thực sự tự tin, hãy hứa với bản thân rằng bạn sẽ luôn có mặt khi họ cần.
• Trao đi vô điều kiện. Vun đắp cho người khác chính là một phần của nghệ thuật lãnh đạo, và bạn không thể lãnh đạo một người khi bạn còn cảm thấy cần họ báo đáp. Hãy trao đi mà không mong hưởng lợi từ điều đó. Nhà kinh tế học Henry Drummond đã nhận xét khôn ngoan rằng: “Khi nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy những khi bạn hành động vì tình yêu thương mới là khi bạn thực sự sống”.
• Hãy cho họ nhiều cơ hội. Trong quá trình vun đắp cho người khác, hãy tạo cơ hội để họ thành công và trưởng thành. Tất nhiên sự vun đắp và nuôi dưỡng từ bạn vẫn cần thiết với họ, nhưng những hành động và thành tựu của riêng họ sẽ giúp họ củng cố bản thân, giúp họ cảm nhận được sự tôn trọng và động viên từ người khác.
• Nâng họ lên cao. Mục tiêu lớn nhất của bạn phải luôn là đưa người khác lên cấp độ cao hơn để đạt đến tiềm năng của họ. Sự vun đắp của bạn chính là nền tảng để họ xây dựng bản thân.
Walt Disney từng nói rằng trên thế giới có ba kiểu người. Kiểu thứ nhất là các bậc thầy độc dược – họ luôn làm nản lòng người khác, chà đạp lên sức sáng tạo của người khác, bảo người khác không có khả năng làm điều này điều nọ. Kiểu thứ hai là những chuyên gia cắt cỏ – tuy có ý tốt nhưng chỉ biết có mình, chỉ cắt cỏ ở sân nhà mình mà không bao giờ giúp người khác. Kiểu cuối cùng là những người nâng cấp cuộc sống. Họ là những người bỏ công sức ra để làm phong phú cuộc đời của người khác, nâng người khác lên, truyền cảm hứng cho người khác. Mỗi người chúng ta cần phải dốc hết sức mình để trở thành người thuộc nhóm cuối cùng này, để vun đắp cho người khác và khích lệ họ trưởng thành theo tiềm năng của họ. Đây là một quá trình đòi hỏi thời gian (Trong những chương sau, chúng tôi sẽ chia sẻ một số hiểu biết để bạn biết cách giúp người khác tiến xa hơn nữa trong quá trình ấy).
Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng nhất về sự khích lệ và gầy dựng mà chúng tôi từng nghe kể là về John Wesley, một người có ảnh hưởng mà chúng tôi đã nêu trong phần giới thiệu của cuốn sách này. Vào năm 1791, Wesley viết một bức thư gửi cho William Wilberforce, một nghị sĩ quốc hội Anh đang đấu tranh đòi hủy bỏ tình trạng buôn bán nô lệ của người Anh, và từ đó bức thư trở nên nổi tiếng. Bức thư ấy như sau:
Luân Đôn, 26 tháng 2 năm 1791
Thưa ngài,
Nếu không phải thần thánh đã an bài và hậu thuẫn cho ngài thì tôi không thể hiểu nổi sao ngài lại có thể theo đuổi được sự nghiệp vẻ vang phản đối tình trạng phi nhân đạo ghê tởm kia, một tình trạng quả thực là sự bê bối của tôn giáo, của nước Anh và của bản chất con người. Nếu không phải Chúa đã giao sứ mệnh này cho ngài, hẳn việc chống đối con người và quỷ dữ sẽ khiến ngài suy kiệt. “Nếu Thiên Chúa ủng hộ ngài, ai dám chống lại ngài?”. Chẳng lẽ bọn họ lại quyền năng hơn Chúa sao? Thưa ngài, “đừng mệt mỏi khi làm điều tốt đẹp!”. Hãy cứ tiếp tục nhân danh Thiên Chúa, bằng sức mạnh đầy quyền năng của Người, cho tới khi chế độ nô lệ Hoa Kỳ – điều xấu xa nhất từng diễn ra dưới ánh mặt trời – biến mất.
Tôi nguyện rằng Đức Chúa Trời từng dẫn dắt ngài từ thuở thiếu niên sẽ liên tục tiếp sức cho ngài trong sứ mệnh này và trong cuộc sống.
Người nô bộc thân yêu của ngài,
J. Wesley
Bốn ngày sau, Wesley qua đời ở tuổi 88, nhưng ảnh hưởng của ông đến Wilberforce vẫn kéo dài qua năm tháng. Tuy không thuyết phục được Quốc hội bãi bỏ chế độ nô lệ vào giai đoạn đó nhưng Wilberforce không từ bỏ đấu tranh. Ông tiếp tục qua nhiều thập niên cho dù bị vu cáo, gièm pha và đe dọa. Những khi ông nghĩ mình không thể tiếp tục được nữa, ông lại đọc bức thư của Wesley để tìm sự động viên. Cuối cùng, vào năm 1807, việc buôn bán nô lệ được bãi bỏ. Và trong năm 1833, nhiều tháng sau khi Wilberforce qua đời, chế độ nô lệ bị xem là phạm pháp ở khắp nơi trong Đế quốc Anh.
Dù bị lên án bởi nhiều người trong suốt sự nghiệp của mình, Wilberforce vẫn được vinh dự chôn cất trong thánh đường Westminster Abbey với tư cách là một trong những người được tôn kính nhất vào thời ông. Trên mộ chí của ông có đoạn:
Ông nổi bật trong mọi lĩnh vực lao động phụng sự công chúng, và là lãnh đạo trong mọi công cuộc từ thiện, dù đó là để xoa dịu những ham muốn tâm linh hay thế tục của người dân.
Tên của ông sẽ luôn được vinh danh với những thành tựu đó.
Nhờ phúc lành của Chúa, tội ác buôn bán nô lệ châu Phi đã được gạt bỏ khỏi nước Anh.
Ông mở đường cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ trong mọi thuộc địa của Đế quốc này.
Có thể bên cạnh bạn đang có một William Wilberforce chờ sự vun đắp và nuôi dưỡng từ bạn để trở nên vĩ đại. Cách duy nhất để bạn nhận ra họ là trở thành một người nuôi dưỡng có suy nghĩ khác biệt và giúp những người mà bạn gặp tăng thêm giá trị.
Bảng kiểm tra sự ảnh hưởng
NUÔI DƯỠNG NGƯỜI KHÁC
• Phát triển môi trường nuôi dưỡng tại gia đình, nơi kinh doanh hoặc nhà thờ. Hãy xem việc làm cho những người xung quanh bạn cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và an toàn là mục tiêu của bạn. Để làm được điều trên, hãy cam kết không nói lời chỉ trích, tiêu cực trong vòng một tháng, và chỉ nói những điều tích cực với người khác.
• Trao đi sự khích lệ đặc biệt. Trong tháng này, hãy chọn ra hai hoặc ba người để khích lệ. Hàng tuần hãy gửi cho mỗi người vài dòng viết tay. Luôn luôn thể hiện mình sẵn sàng có mặt khi họ cần. Cống hiến thời gian cho họ mà không đòi hỏi sự đền đáp. Vào cuối tháng, hãy xem các mối quan hệ đó có thay đổi tích cực không.
• Cải thiện những mối quan hệ tiêu cực. Hãy tìm đến một người thường bị bạn đối xử tiêu cực trong quá khứ (như một đồng nghiệp hay người thân) và xin lỗi vì hành động hoặc lời nói của mình. Tiếp theo, hãy nói với họ về phẩm chất bạn ngưỡng mộ nhất ở họ. Trong suốt những tuần sau đó, hãy tìm cách để xây dựng và củng cố mối quan hệ này.