- Nhân lên gấp bội
- Cố vấn
- Khích lệ - Niềm tin
- Nêu gương
Jim lớn lên tại cụm thác Niagara, New York. Ngày nay, dân số ở đó vào khoảng 60.000 người, nhưng vào thời Jim còn ở đó, dân số lên đến gần 100.000 người. Nơi này là một trung tâm công nghiệp sầm uất, với những công ty lớn như DuPont Chemical. Nó cũng có nền văn hóa hấp dẫn, một trường đại học hàng trăm năm tuổi, và những điều hấp dẫn khác, nhưng trung tâm của thị trấn hồi đó là kỳ quan thiên nhiên với những thác nước.
Người Iroquois gọi nó là Niagara, nghĩa là “tiếng rền của dòng nước”. Cụm thác ấy là một bức tranh phong cảnh đẹp mê hồn. Mỗi phút, hơn 3,5 triệu mét khối nước đổ xuống từ độ cao gần 60 mét sau khi chảy băng qua mép thác. Và tổng chiều rộng của nó, bao gồm phần lãnh thổ của Canada lẫn của Hoa Kỳ là hơn 1.000 mét. Hoàn toàn hợp lý khi nó được gọi là một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới. Jim nói:
Những ngày tháng lớn lên ở đó, chúng tôi nghe kể rất nhiều câu chuyện về những thác nước này và những con người táo bạo từng biểu diễn ở đây – như Annie Edson Taylor từng vượt qua thác trong một chiếc thùng phuy, và những chuyện tương tự. Một trong những huyền thoại vĩ đại của thị trấn là diễn viên xiếc người Pháp Charles Blondin (1824 – 1897). Ông đã băng qua toàn bộ chiều ngang của thác trên một sợi dây thừng vào năm 1859. Đây là một hành động dũng cảm phi thường, vì chỉ một cú trượt ngã thôi cũng có thể cướp đi mạng sống của ông. Trên thực tế, ông đã băng qua thác nước này nhiều lần. Có lần ông thực hiện việc đó với một chiếc xe cút kít; lần khác ông bịt mắt mình; và một lần khác nữa, ông đi băng qua nó trên đôi cà kheo. Mọi người đều nói ông là một người phi thường. Ông thậm chí còn tiếp tục biểu diễn khi đã ngoài 70.
Một trong những kỳ tích phi thường nhất mà ông từng thực hiện là băng qua cụm thác trên một sợi dây thừng, khi trên lưng ông cõng theo một người khác. Bạn có hình dung nổi không? Tôi đoán chừng ông cảm thấy một mình băng qua thác nước thì chưa đủ gai góc với ông! Nhưng ngón nghề khó khăn chừng ấy thì chỉ có thể có ở Blondin và tôi không thể ngừng tự hỏi làm thế nào ông có thể mời được ai đó đồng hành cùng ông. Đó là cái được gọi là lòng tin: leo lên lưng một người đàn ông sắp sửa đi hơn nửa dặm đường, trên một sợi dây thừng, băng ngang qua một trong những thác nước dữ dội nhất thế giới.
Tôi từng nghĩ về trò mạo hiểm đó hồi còn bé. Ngắm nhìn thác từ trên một sợi thừng được giăng ngang qua không biết sẽ như thế nào? Và quan trọng hơn, ai dám tin tưởng để cho tôi cõng trên lưng và băng qua cụm thác như người đàn ông đó đã tin vào Blondin chứ?
Những quan sát thực tế về việc có niềm tin ở con người
Chúng tôi không thể cho bạn biết gì về người đàn ông mà Blondin cõng đi băng qua cụm thác nước, nhưng không có nghi ngờ gì về niềm tin mà ông đặt vào diễn viên xiếc người Pháp kia. Xét cho cùng, ông đã đặt mạng sống của mình vào tay người đàn ông đó. Bạn không thường thấy kiểu tin tưởng đó hằng ngày ở mọi người đâu. Nhưng mỗi khi bạn thấy được, thì đó sẽ là một điều rất đặc biệt.
Niềm tin vào con người là phẩm chất thiết yếu của một người có ảnh hưởng khi làm việc với những người khác, tuy nhiên ngày nay nó là một món hàng hiếm. Dưới đây là bốn quan sát thực tế về niềm tin, mời bạn xem qua:
1. Hầu hết mọi người không có niềm tin vào bản thân
Cách nay không lâu chúng tôi có đọc quyển truyện tranh Shoe của tác giả Jeff MacNelly, truyện kể về Shoe, một biên tập viên tạp chí bẳn tính, đứng trên mô đất của một sân bóng chày. Người bắt bóng nói với anh: “Anh phải có niềm tin vào đường bóng mà anh ném”. Trong khung hình kế tiếp, Shoe đã bình luận: “Anh ta nói thì dễ. Nhưng nói đến việc tin vào chính mình, thì mình lại là người theo chủ nghĩa hoài nghi”.
Khi bạn tin vào người khác, họ sẽ làm được những điều tưởng như không thể.
– Nancy Dornan
Đó là cách mà nhiều người cảm tưởng trong thời đại này. Họ gặp khó khăn trong việc tin vào bản thân. Họ tin rằng rồi họ sẽ thất bại. Ngay cả khi nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, thì họ lại bị thuyết phục rằng đấy hẳn là một đoàn tàu hỏa. Họ nhìn thấy khó khăn trong mọi khả năng. Nhưng thực tế là những khó khăn đó hiếm khi nào đánh gục được người ta, việc thiếu niềm tin vào bản thân mới là nguyên nhân gây ra điều đó. Với một ít niềm tin vào bản thân, người ta đã có thể làm được những việc kỳ diệu. Không có niềm tin mới là lúc họ phải đối mặt với những giai đoạn gai góc thực sự.
2. Hầu hết mọi người không có được người đặt lòng tin vào mình
Trong cuốn sách Just for Today, James Keller kể câu chuyện sau: “Một người bán hoa ven đường đang ngồi không. Đột nhiên, một ý nghĩ tài tình lóe lên và anh ta treo lên một tấm bảng đề dòng chữ ‘Bó hoa vườn này sẽ giúp bạn cảm thấy mình quan trọng suốt cả ngày, chỉ với giá 10 xu’. Ngay lập tức, việc mua bán của anh ta bắt đầu khấm khá”.
Trong xã hội ngày nay, hầu hết mọi người cảm thấy bị cô lập. Ý thức cộng đồng mạnh mẽ từng có lần được hầu hết người Mỹ tận hưởng, nay đã trở thành điều hiếm hoi. Và nhiều người không có được sự ủng hộ của gia đình, điều từng phổ biến cách nay 30, 40 năm. Ví dụ, nhà truyền giảng phúc âm Bill Glass nhận xét: “Hơn 90% những người vào tù ra khám đều từng được nghe cha mẹ họ bảo rằng: ‘Rồi họ sẽ bỏ tù mày!”’. Thay vì dạy con cái tin vào bản thân, một số bậc cha mẹ lại chỉ đang vùi dập con mình. Với nhiều người, ngay cả những người thân thiết nhất cũng không tin tưởng họ, thì họ còn có ai bên cạnh nữa đây. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ngay cả một điều nhỏ nhặt như một bông hoa cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong cách người ta trải qua một ngày.
3. Hầu hết mọi người đều có thể nhận biết khi ai đó đặt niềm tin vào mình
Trực giác của con người tương đối tốt trong việc nhận biết khi nào người khác đặt niềm tin vào mình. Họ có thể cảm nhận niềm tin đó là thực hay chỉ là sự phỉnh phờ. Và việc có niềm tin thật sự vào người khác có thể hoàn toàn thay đổi cuộc đời của họ. Vợ của Jim, Nancy, vẫn thường nói: “Khi bạn tin vào người khác, họ sẽ làm được những điều tưởng như không thể”.
Trong cuốn sách Move Ahead with Possibility Thinking, tác giả Robert Schuller, mục sư của nhà thờ Crystal Cathedral ở Garden Grove, California, đã kể một câu chuyện thú vị về một sự cố làm thay đổi cuộc đời ông hồi còn bé. Chuyện xảy ra khi chú của ông đặt niềm tin vào ông và thể hiện nó ra qua lời nói và hành động của mình:
Chiếc xe hơi của chú chạy ngang qua căn nhà kho mộc mạc và dừng lại giữa một đám bụi ngày hè trước cánh cổng. Tôi chạy chân trần băng qua hàng hiên và trông thấy chú Henry đang bước ra khỏi xe. Chú tôi cao lớn, đẹp trai, và tràn đầy sức sống. Sau nhiều năm sống và truyền giáo ở Trung Quốc, chú đến thăm nông trại ở Iowa của chúng tôi. Chú ùa về phía cánh cổng cũ, vòng đôi bàn tay to lớn ôm quanh bờ vai đứa cháu lên bốn này. Chú mỉm cười rạng rỡ, xoa xoa mái đầu rối bời của tôi và nói: “Ái chà, chắc cháu là Robert rồi! Chú nghĩ một ngày nào đó cháu sẽ trở thành một nhà truyền giáo đấy”. Đêm đó, tôi kín đáo cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Người hãy cho con trở thành người truyền giáo khi con lớn lên!”. Tôi tin rằng Chúa Trời đã làm cho tôi trở thành một người suy nghĩ khả thi từ đó.
Khi bạn cố gắng để trở thành một người có ảnh hưởng, hãy luôn nhớ rằng mục tiêu của bạn là khiến người khác nghĩ trọng về họ hơn, chứ không phải nghĩ trọng về bạn hơn. Có niềm tin vào người khác, và họ sẽ bắt đầu sống như niềm tin đó.
4. Hầu hết mọi người sẽ làm bất cứ điều gì để sống trọn với niềm tin bạn đặt vào họ
Người ta sẽ vươn lên hoặc đi xuống để thỏa mức độ kỳ vọng bạn đặt vào họ. Nếu bạn biểu lộ sự hoài nghi về người khác, họ sẽ đáp lại lòng tin ít ỏi của bạn bằng sự xoàng xĩnh. Nhưng nếu bạn tin tưởng họ, kỳ vọng họ làm tốt, họ sẽ cố gắng vượt mức để làm hết mình. Và trong quá trình đó, cả họ và bạn sẽ cùng hưởng lợi. John H. Spalding diễn đạt ý nghĩ này như sau: “Những ai tin vào khả năng của chúng ta sẽ tác động nhiều hơn là chỉ khích lệ chúng ta. Họ tạo ra cho chúng ta một bầu không khí mà trong đó thành công trở nên dễ dàng hơn”.
Nếu bạn chưa bao giờ là người tin tưởng người khác và đặt niềm tin vào họ, hãy thay đổi. Cuộc sống của bạn sẽ mau chóng cải thiện. Khi bạn đặt niềm tin vào người khác, bạn đã trao cho họ một món quà vô giá. Cho người khác tiền, tiền sẽ mau chóng bị tiêu hết. Cho họ nguồn lực và tài nguyên, có thể chúng sẽ không được sử dụng một cách thiết thực nhất. Cho sự trợ giúp thì thường chỉ trong một thời gian ngắn người ta sẽ lại thấy mình quay lại nơi bắt đầu. Nhưng cho họ lòng tin, họ sẽ trở nên tự tin, tràn đầy năng lượng và có khả năng tự lực. Họ trở nên có động lực để giành được những gì họ cần, để tự mình thành công. Và rồi sau đó, nếu bạn chia sẻ tiền bạc, nguồn lực và sự trợ giúp, họ sẽ có khả năng sử dụng chúng tốt hơn, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Tin vào hành động
Cuối thập niên 1800, một nhân viên bán hàng từ miền Đông đi đến một thị trấn tuyến đầu ở vùng Đại Bình nguyên1. Khi anh ta nói chuyện với người chủ một cửa hàng bách hóa, một người chủ nông trại bước vào, và người chủ cửa hàng này xin cáo để tiếp vị khách kia. Khi họ nói chuyện, người nhân viên bán hàng không kiềm được mà nghe lóm cuộc trò chuyện giữa họ. Có vẻ người chủ nông trại muốn mua chịu một số món ông ta cần.
1 Great Plains: Vùng đồng cỏ và thảo nguyên rộng lớn ở Bắc Mỹ, trải dài về phía đông dãy Rocky, bao phủ lên nhiều tiểu bang lớn của Mỹ.
- Anh có làm hàng rào vào mùa xuân này không, Jake? – Người chủ cửa hàng hỏi.
- Có chứ, Bill. – Người chủ nông trại nói.
- Làm hàng rào trong hay ngoài?
- Hàng rào trong. Bao thêm 360 công đất bên kia suối nữa.
- Tuyệt nhỉ, Jake. Anh được ghi nợ rồi đó. Hãy bảo Steve ra phía sau lấy cho anh những gì anh cần.
Người nhân viên bán hàng sửng sốt. Anh ta nói: “Tôi từng thấy nhiều cách bán ghi nợ, nhưng chưa bao giờ thấy kiểu mua bán ghi nợ nào như thế này cả. Ông bán thế nào vậy?”
Người chủ cửa hàng nói: “Này nhé, nếu một người xây hàng rào ngoài thì có nghĩa là họ sợ hãi, đang cố níu giữ những gì họ có. Nhưng nếu họ làm hàng rào trong thì có nghĩa là họ đang phát triển và đang cải thiện. Tôi luôn chấp nhận ghi nợ cho những người làm hàng rào trong vì điều đó có nghĩa là họ tin tưởng vào bản thân họ”.
Có niềm tin vào người khác đòi hỏi nhiều hơn chỉ là lời nói hoặc cảm xúc tích cực về họ. Chúng ta phải củng cố nó bằng hành động. Như W. T. Purkiser, giáo sư danh dự môn Tôn giáo học tại trường Đại học Point Loma, nói rõ như sau: “Niềm tin còn hơn là cho rằng điều gì đó là thực. Tin nghĩa là cho rằng điều gì đó là thực, đến mức chúng ta hành động theo nó”.
Nếu bạn muốn giúp người khác và tạo ra tác động tích cực lên cuộc đời họ, bạn phải đối xử với họ bằng sự tin tưởng. Ralph Waldo Emerson nói: “Tin người khác, họ sẽ thành thật với bạn; đối xử với họ thật tốt, họ sẽ thể hiện bản thân thật tuyệt vời”. Trở thành người có niềm tin vào người khác thì ngay cả những người thiếu kinh nghiệm và do dự nhất cũng có thể tỏa sáng ngay trước mắt bạn.
Để trở thành người biết tin vào người khác
Chúng tôi may mắn vì lớn lên trong những môi trường tích cực và có tính khẳng định. Kết quả là chúng tôi dễ dàng đặt niềm tin vào người khác và không khó để diễn đạt niềm tin đó. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng không phải ai cũng nhận được sự dưỡng dục tích cực như vậy. Hầu hết mọi người cần phải học để biết cách tin vào người khác. Để xây dựng niềm tin vào người khác, hãy thử làm theo những lời khuyên sau đây.
Tin vào họ trước khi họ thành công
Bạn có bao giờ để ý thấy có vô số người bắt đầu hâm mộ một đội bóng ngay khi nó bắt đầu chiến thắng không? Điều đó xảy ra ngay tại San Diego này, cách nay nhiều năm, khi Chargers giành chức vô địch khu vực, sau đó thắng trận play-off tiến tới trận chung kết của giải Super Bowl2. Toàn thị trấn như vỡ tung. Bạn có thể nhìn thấy biểu tượng tia chớp ở khắp mọi nơi: trên nhà dân, trên cửa sổ sau xe hơi, trên ngực áo, v.v…
2 Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ.
Suốt thời gian đỉnh cao thành công của Chargers, một cặp đôi tên tuổi trong làng phát thanh địa phương tên là Jeff và Jer đã tập hợp người dân San Diego lại bằng cách bảo trợ cho một sự kiện lớn tại sân vận động. Kế hoạch của họ là tặng cho những người tới dự một chiếc áo thun mang màu cờ sắc áo của đội bóng và xếp họ thành hàng lối ở bãi đậu xe theo hình một tia chớp khổng lồ. Sau đó, họ sẽ chụp hình nó từ máy bay trực thăng và cho lên mặt báo vào sáng hôm sau. Cần đến mấy ngàn người để xếp được hình này, nhưng họ hy vọng sẽ có đủ người tới tham gia. Hãy hình dung họ đã ngạc nhiên thế nào vì đã có rất nhiều người tới dự, đến độ họ hết nhẵn áo thun để phát, và cuối cùng họ phải viền cái “tia chớp người” đó bằng đường viền với những sắc màu khác. Đó là một thành công lớn đến độ báo chí chớp ngay lấy và đưa tin về nó trên toàn quốc.
Ai cũng yêu mến người chiến thắng. Người ta dễ dàng có niềm tin vào những người tự chứng tỏ được mình. Tin vào người khác trước khi họ tự chứng tỏ được bản thân thì khó hơn nhiều. Nhưng đó lại là chìa khóa cho việc khích lệ người khác, giúp họ đạt đến tiềm năng của mình. Bạn phải tin vào họ trước, trước cả khi họ thành công, và đôi khi thậm chí trước cả khi họ tin vào chính họ. Nhà văn, nhà đạo đức người Pháp Joseph Joubert có nói: “Không ai có thể cho đi lòng tin trừ phi họ có lòng tin. Chính người được thuyết phục mới thuyết phục được người khác”. Bạn cần tin vào người khác trước khi bạn có thể thuyết phục họ tin vào chính mình.
Trong đời, bạn sẽ gặp nhiều người rất muốn tin vào chính mình nhưng lại có rất ít hy vọng. Khi bạn tương tác với người khác, hãy nhớ câu khẩu hiệu của vị anh hùng người Pháp trong Thế chiến thứ nhất, Marshal Ferdinand Foch: “Không có hoàn cảnh nào là vô vọng; chỉ có người vô vọng về chính mình mà thôi”. Mọi người đều có nhiều hạt giống của sự vĩ đại bên trong mình, dù có thể hạt giống ấy đang yên ngủ. Nhưng khi bạn tin vào người khác, bạn đã tưới nước lên những hạt giống này của họ, cho chúng cơ hội để lớn lên. Mỗi khi bạn đặt lòng tin của mình vào họ, bạn đang tưới những giọt nước, truyền hơi ấm, dinh dưỡng và ánh sáng để duy trì cuộc sống. Và nếu bạn tiếp tục khích lệ thông qua sự tin tưởng của mình, rồi họ sẽ bừng nở.
Nhấn mạnh những ưu điểm
Chúng tôi đã nêu ở phần trước, nhiều người suy nghĩ sai lầm rằng để có ảnh hưởng lên cuộc đời người khác, họ phải là một người “uy quyền” và chỉ ra được những khiếm khuyết của người khác. Những người thử nghiệm cách tiếp cận đó chính là kiểu người như nhân vật Lucy trong truyện tranh Peanuts của Charles Schulz. Trong một cảnh, Lucy đã nói với Charlie Brown tội nghiệp rằng: “Này Charlie Brown, bạn là một trái bóng sút hỏng trên sân cỏ cuộc đời! Bạn đứng trong cái bóng khung thành của chính mình! Bạn là một viên bi bị đánh hỏng. Bạn là cú đánh golf trật lỗ! Bạn là pha ném bóng bowling chẳng đổ được pin nào… Bạn là một cú ném biên không tới đích, một cú đánh golf trật đầu gậy! Bạn có hiểu không? Tôi nói thế có đủ rõ chưa?”. Đó chẳng thể nào là cách ảnh hưởng tích cực lên cuộc đời người khác!
Con đường dẫn đến việc trở thành một ảnh hưởng tích cực lên người khác nằm ngay ở hướng ngược lại. Cách tốt nhất để người khác thấy được lòng tin của bạn đặt vào họ và khích lệ họ là tập trung nhấn mạnh vào những ưu điểm họ có. Theo tác giả, nhà quản lý ngành quảng cáo Bruce Barton: “Không một sự huy hoàng nào có thể đạt được trừ phi người ta dám tin rằng có điều gì đó bên trong họ ưu việt hơn là hoàn cảnh”. Bằng cách đặt trọng tâm vào ưu điểm của người khác, bạn đang giúp họ tin rằng họ sở hữu những điều cần thiết để thành công.
Hãy ngợi khen họ về những việc họ làm tốt, vừa riêng tư lẫn công khai. Hãy bảo cho họ biết bạn xem trọng những phẩm chất tích cực và kỹ năng của họ ra sao. Bất cứ khi nào bạn có cơ hội khen ngợi họ trước sự hiện diện của gia đình và bạn bè của họ, hãy khen ngay.
Điểm lại những thành công trong quá khứ
Ngay cả khi bạn đã nhấn mạnh những ưu điểm của người khác, họ vẫn có thể cần sự khích lệ hơn nữa để thấy rằng bạn tin tưởng họ và cũng để động viên họ hơn nữa. Doanh nhân Mary Kay Ash khuyên: “Ai cũng có một tấm bảng vô hình treo trên cổ với dòng chữ ‘Hãy khiến tôi thấy mình quan trọng!’. Đừng bao giờ quên thông điệp này khi làm việc với người khác”. Một trong những cách tốt nhất để làm vậy là giúp người khác nhớ về những thành công trong quá khứ của họ.
Câu chuyện về David và gã khổng lồ Goliath cho ta một ví dụ điển hình về cách những thành công trong quá khứ có thể giúp con người có lòng tin vào chính họ ra sao. Bạn có thể vẫn nhớ câu chuyện từ Kinh Thánh này. Một người Philistine cao 3 mét tên là Goliath đứng trước quân đội Israel và mắng nhiếc họ mỗi ngày trong 40 ngày, thách họ chọn ra một chiến binh để đấu với hắn ta. Ngày thứ 40, một người chăn cừu trẻ tuổi tên là David đi ra chiến tuyến, mang thực phẩm cho anh trai mình đang phục vụ trong quân đội Israel. Khi có mặt ở đó, anh chứng kiến trò mắng nhiếc và lời thách thức khinh miệt của gã khổng lồ này. David giận đến độ chàng thưa với vua Saul của Israel rằng chàng muốn chiến đấu với gã khổng lồ kia. Sau đây là những gì đã xảy ra:
David thưa với Saul rằng: “Xin đừng để ai ngã lòng vì người Philistine! Kẻ bề tôi sẽ đấu cùng hắn”. Saul đáp lại David: “Ngươi chẳng thể đối địch cùng người Philistine kia, vì ngươi chỉ là một chàng trai trẻ, còn hắn là một chiến binh từ thuở còn thơ”. David tâu cùng Saul rằng: “Bề tôi của người từng chăn giữ đàn cừu của cha mình. Khi sư tử và gấu đến bắt một con cừu nào đi, kẻ bề tôi đuổi theo, đánh nó, đoạt con cừu khỏi miệng nó. Hễ nó tấn công lại tôi, kẻ bề tôi nắm râu nó, đánh nó và giết nó. Kẻ bề tôi đã đánh chết sư tử và gấu… Thiên Chúa đã giữ tôi thoát khỏi vuốt sư tử và vuốt gấu, ắt sẽ giúp tôi thoát khỏi bàn tay người Philistine kia”. (1 Samuel 17:32-37)
David điểm lại những thành tích trong quá khứ của mình, và anh tự tin về những hành động trong tương lai của mình. Và dĩ nhiên, khi chiến đấu với gã khổng lồ, anh đã hạ gục hắn như một cái cây, không sử dụng gì ngoại trừ một viên đá và dàn ná. Và khi anh cắt đầu Goliath, chiến công của anh đã truyền cảm hứng cho người dân xứ mình; họ đã đánh tan quân đội Philistine.
Không phải ai cũng có khả năng bẩm sinh để nhận ra những thành công trong quá khứ của mình và rút ra sự tự tin từ đó. Một số người cần có sự trợ giúp. Nếu bạn có thể cho người khác thấy họ đã từng làm tốt thế nào và giúp họ nhìn thấy những thắng lợi trong quá khứ đã lót đường cho sự thành công trong tương lai, họ sẽ có thể dễ dàng bước vào hành động hơn. Điểm lại những thành công trong quá khứ sẽ giúp người khác tin vào chính mình.
Tiếp thêm tự tin khi họ thất bại
Khi bạn khích lệ, đặt niềm tin vào người khác, và họ bắt đầu tin rằng mình có thể thành công trong đời, họ sẽ sớm đi đến một ngã rẽ quan trọng. Một hai lần họ thất bại – tất nhiên họ sẽ thất bại, vì nó là một phần của cuộc đời – thì họ sẽ có hai sự chọn lựa. Họ có thể chùn chân hoặc bước tiếp.
Một số người dễ hồi phục và sẵn lòng cố gắng liên tục để thành công, ngay cả khi họ không nhìn thấy sự tiến bộ tức thời. Nhưng nhiều người khác không quyết tâm được như vậy. Một số sẽ sụp đổ ngay khi gặp trở ngại. Để truyền cảm hứng và cho họ sự khích lệ, bạn cần không ngừng thể hiện lòng tin của bạn đặt vào họ, ngay cả khi họ đang phạm sai lầm hoặc làm không tốt.
Một trong những cách để làm vậy là kể về những sự cố và những trải nghiệm khó chịu bạn từng trải qua trong quá khứ. Đôi khi người ta vẫn nghĩ rằng nếu hiện tại bạn đang thành công thì có nghĩa là bạn vẫn luôn thành công như thế. Họ không nhận ra rằng bạn cũng từng phải đối mặt với nhiều thất bại và vấp ngã. Hãy cho họ thấy thành công là một hành trình, một quá trình, chứ không phải là đích đến. Khi họ nhận thức được rằng bạn từng thất bại và vẫn cứ tìm cách để thành công, họ sẽ hiểu thất bại cũng là điều bình thường thôi. Và sự tự tin của họ sẽ không bị tổn hại. Họ sẽ học cách suy nghĩ theo như lời của huyền thoại bóng chày Babe Ruth: “Đừng bao giờ để nỗi sợ bị thất bại chắn ngang con đường của mình”.
Cùng nhau trải nghiệm vài chiến thắng
Hiểu rằng để tiến lên trong đời thì thất bại là một phần của thành công là vẫn chưa đủ. Để thực sự có được sự khích lệ cho thành công, người ta cần tin rằng họ có thể chiến thắng.
Chiến thắng là điều mang tính động viên cao. Nhà văn David Ambrose đã nhìn nhận chân lý sau: “Nếu bạn có ý chí để chiến thắng, bạn đã đạt được một nửa thành công; nếu bạn không, bạn đã đạt được một nửa thất bại”. Đồng hành cùng người khác, trợ giúp họ cũng trải nghiệm một số chiến thắng với mình sẽ cho họ nhiều lý do để tin rằng họ sẽ thành công. Và trong quá trình này, họ cảm nhận được sự chiến thắng. Đó là lúc những điều phi thường bắt đầu xảy ra trong đời họ. Hãy cùng xem xét sự so sánh về những gì xảy ra khi người ta cảm nhận thắng lợi với khi họ cho rằng sẽ thất bại:
Khi người ta cảm nhận thắng lợi
Họ hy sinh cho thành công.
Họ tìm kiếm nhiều cách để chiến thắng
Họ trở nên rất năng động.
Họ đi theo kế hoạch cuộc chơi.
Họ trợ giúp những thành viên khác.
Khi người ta cảm nhận sự thất bại
Họ cho đi ít nhất có thể.
Họ tìm kiếm lời biện hộ.
Họ thấy mệt mỏi.
Họ từ bỏ kế hoạch cuộc chơi.
Họ làm tổn thương người khác.
Để giúp người khác tin họ có thể thu về thắng lợi, hãy đặt họ vào thế có thể trải nghiệm những thành công nhỏ. Hãy khích lệ họ thực hiện những công việc hoặc đảm nhận những trách nhiệm mà bạn biết là họ có thể xử lý tốt. Và hãy cho họ sự trợ giúp họ cần để hoàn thành những việc đó. Nhà hùng biện Hy Lạp Demosthenes nói: “Những cơ hội nhỏ thường là khởi đầu cho những sự nghiệp vĩ đại”. Khi lòng tự tin của họ lớn lên, họ sẽ đảm nhận nhiều thách thức khó khăn hơn, nhưng họ sẽ có thể đối mặt chúng bằng năng lực và lòng tự tin nhờ vào những thành tích tích cực họ đang gầy dựng.
Hình dung ra thành công tương lai
Chúng tôi từng biết về một thí nghiệm được thực hiện với những chú chuột để đo lường động lực sống của chúng dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau. Các nhà khoa học đã đặt một chú chuột vào trong một bể nước và đặt nó trong bóng tối, rồi họ tính thời gian con vật này sẽ bơi được trong nước trước khi nó chịu thua và để mình đuối nước. Họ ghi nhận rằng những chú chuột này thường sẽ bơi được hơn ba phút một chút.
Sau đó, họ bỏ một chú chuột khác cũng vào trong bể nước ấy, nhưng thay vì đặt nó hoàn toàn trong bóng tối, họ cho phép một tia sáng chiếu vào. Trong hoàn cảnh đó, chú chuột bơi liên tục trong 36 giờ đồng hồ, nhiều hơn 700 lần so với chú chuột trong bóng tối! Vì chú chuột này có thể nhìn thấy và nó không ngừng có niềm hy vọng.
Nếu điều này đúng với động vật trong phòng thí nghiệm, hãy hình dung tác động của sự tưởng tượng mạnh mẽ ra sao trên con người, tạo vật có khả năng suy luận cao hơn. Người ta nói rằng một người có thể sống 40 ngày mà không cần ăn, 4 ngày không có nước uống, 4 phút không có không khí, nhưng chỉ được 4 giây nếu không có niềm hy vọng. Mỗi lần bạn hình dung và vẽ ra một bức tranh về thành công trong tương lai của người khác, bạn đã bắt đầu nuôi dưỡng họ, khích lệ họ, và cho họ những lý do để không ngừng tiến lên.
Kỳ vọng một mức sống mới
Chính khách người Đức Konrad Adenauer nhận xét: “Tất cả chúng ta cùng sống dưới một bầu trời, nhưng không ai có cùng đường chân trời”. Là một người có ảnh hưởng, mục tiêu của bạn là giúp người khác nhìn xa hơn ngày hôm nay và nhìn vượt lên hoàn cảnh hiện tại, và mơ những giấc mơ lớn. Khi bạn đặt niềm tin vào người khác, bạn đã giúp họ mở rộng những đường chân trời và khích lệ họ tiến tới một mức sống mới.
Gốc rễ của cách sống mới đó là một sự thay đổi về thái độ. Theo Denis Waitley: “Thế mạnh của người chiến thắng không nằm ở tài năng bẩm sinh hay một chỉ số IQ cao. Thế mạnh của họ nằm ở thái độ. Thái độ là tiêu chuẩn để thành công”. Khi một người thay đổi thái độ từ hoài nghi sang tự tin – tin vào chính họ, vào khả năng đạt đến tiềm năng và thành công của họ, – thì mọi thứ trong đời họ sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn lên.
Jim và Nancy có được sự hiểu biết thấu đáo về sức mạnh của việc đặt lòng tin vào người khác cách nay nhiều năm khi họ quyết định đưa con trai họ, Eric, đi chơi ở một vùng núi thuộc bang Utah. Sau đây là lời Jim kể về chuyến đi đó:
Khi bạn có một người con khuyết tật, bạn không ngừng vật lộn trong một cuộc chiến cảm xúc giữa việc đem đến cho cháu những trải nghiệm mới và việc bảo vệ cháu khỏi những chấn thương hoặc thất bại. Cuộc sống của chúng tôi với cháu không phải là ngoại lệ. Bất chấp việc cháu có nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến việc cháu phải ngồi xe lăn và tay phải của cháu rất yếu, Eric vẫn có một tinh thần rất tích cực. Thường thì nếu có sự do dự trong việc thử nghiệm những điều mới mẻ, thì sự do dự ấy đến từ Nancy và tôi hơn là từ cháu.
Khoảng năm năm trước, Nancy nảy ra ý tưởng là chúng tôi nên đưa Eric đi chơi trượt tuyết. Cô ấy nghe một người bạn kể về một nơi ở Park City, Utah, có tên gọi là Trung tâm Năng lực Quốc gia. Ở đó, họ cung cấp những hướng dẫn và hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia các môn trượt tuyết, bơi lội, quần vợt, lướt ván, cưỡi ngựa, và những hoạt động khác. Nancy nghĩ trải nghiệm này sẽ rất có ích cho lòng tự trọng của Eric.
Tôi phải thừa nhận rằng ngay ban đầu tôi rất hoài nghi chuyện này. Vì tôi biết chơi thể thao khó khăn ra sao, cho nên tôi cảm thấy rất khó hình dung ra cảnh Eric trượt xuống từ một ngọn núi cao 3.000 mét. Và càng không ích gì cho tôi khi biết rằng một cú ngã đập đầu có thể khiến cháu bị động kinh, phải nhập viện để phẫu thuật não thêm lần nữa. Nhưng Nancy tin tưởng Eric có thể làm được, và khi cô ấy tin thì cháu cũng tin. Và thế là chúng tôi cùng nhau thử đi chơi một chuyến.
Khi chúng tôi đến Thung lũng Deer và gặp vài người làm việc tại Trung tâm Năng lực Quốc gia, tôi bắt đầu cảm thấy yên tâm hơn một chút. Họ là những chuyên gia cực kỳ tích cực, và họ cho chúng tôi xem những trang thiết bị mà Eric sẽ sử dụng, một loại xe trượt tuyết có ghế ngồi được đúc vững chắc. Eric sẽ được đặt vào trong chiếc ghế đó và lái nó bằng một tay lái được gắn vào giá đỡ thăng bằng.
Khi bắt đầu điền hồ sơ đăng ký, chúng tôi đã tê liệt trong giây lát khi đọc đến tờ cam kết nói rằng Eric sẽ “tham gia vào những hoạt động mạo hiểm dễ dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, bao gồm tật nguyền vĩnh viễn và tử vong”. Nó khiến sự mạo hiểm trở nên chân thật; nhưng lúc đó, Eric rất phấn khích và chúng tôi không muốn cháu nhìn thấy sự do dự của chúng tôi.
Sau khi thắt Eric vào chiếc xe trượt và cho cháu một số chỉ dẫn, Stephanie, người hướng dẫn trẻ tuổi của cháu, đưa cháu lên một sườn đồi không dốc lắm. Khoảng 10 phút sau đó, chúng tôi đã vô cùng phấn khích khi nhìn thấy Eric trượt xuống đồi với nụ cười thỏa mãn trên gương mặt. Chúng tôi tự hào về cháu đến độ chúng tôi chập tay chia vui, và vỗ lưng khích lệ cháu. Tôi tự nhủ: “Không tệ lắm!”.
Sau đó, Stephanie và cháu chơi thêm lần nữa. Những gì chúng tôi không biết là lần này hai người đi lên đến đỉnh của ngọn núi. Tại chân đồi, chúng tôi chờ. Và chờ. Chúng tôi không chắc liệu mình sẽ thấy Eric trượt xuống núi trên chiếc xe trượt tuyết hay trên cáng cùng với đội tuần tra. Cuối cùng, sau khoảng 30 phút, chúng tôi thấy cháu và Stephanie hiện ra và trượt xuống chân sườn dốc. Đôi gò má của cháu ửng đỏ, và cháu cười toe toét như chú mèo Cheshire. Cháu thích trò chơi lắm.
“Lại đây, ba ơi”, cháu nói khi cháu lướt ngang qua chúng tôi. “Con sẽ trượt thêm một lần nữa”.
Eric trượt tuyết mỗi ngày trong chuyến đi chơi đó. Trên thực tế, một hôm sau khi trượt tuyết xong, cháu đã bảo chúng tôi: “Hôm nay, Stephanie không đưa con lên núi”.
“Ồ”, Nancy nói, “thế ai trượt tuyết cùng với con?”
“Một anh chàng một chân nào đó”, Eric trả lời.
“Gì cơ?”, Nancy rít lên. “Con nói một anh chàng một chân nào đó nghĩa là sao?”
“Vâng”, Eric nói, “một anh chàng một chân”. Rồi Eric mỉm cười tinh nghịch và nói: “Mẹ có muốn biết vì sao anh ấy bị mất chân không? Vì một trận lở tuyết đấy!”.
Eric đã đều đặn đi chơi trượt tuyết hàng năm kể từ khi đó, và cuộc sống của cháu không còn như cũ. Giờ cháu đã có sự tự tin mà trước kia chưa từng có và cháu sẵn sàng thử nghiệm mọi thứ. Cháu đi bơi ba ngày mỗi tuần, rèn luyện với tạ, chơi bóng đá trên xe lăn, và làm một số thứ khác nữa. Có thể Eric đã xem câu khẩu hiệu của Trung tâm Năng lực Quốc gia như là câu khẩu hiệu của chính mình: Nếu tôi có thể làm được điều này thì tôi có thể làm được bất cứ điều gì khác!
Nếu trung tâm ấy làm mọi việc theo cách của Jim, có lẽ Eric sẽ không bao giờ có cơ hội trải nghiệm những gì cháu đã đạt được trên ngọn núi ở Utah ấy. Jim yêu Eric bằng cả con tim, nhưng anh có khuynh hướng chọn lựa sự an toàn. Đặt lòng tin vào người khác có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Nhưng những đền đáp sẽ to lớn hơn rủi ro. Robert Louis Stevenson từng nói: “Trở thành chính con người mình, và trở thành con người mình có thể trở thành, là mục tiêu duy nhất của cuộc sống”. Khi bạn đặt lòng tin vào người khác, bạn đã giúp họ đạt đến tiềm năng của mình và bạn trở thành người có ảnh hưởng quan trọng trong đời họ.
Bảng kiểm tra sự ảnh hưởng
CÓ NIỀM TIN VÀO NGƯỜI KHÁC
• Tìm ra ưu điểm. Hãy nghĩ về ai đó bạn muốn khích lệ, tìm ra một ưu điểm mà người đó có, và chỉ nó ra cho họ thấy. Hãy sử dụng sự tương tác của bạn để thể hiện lòng tin vào người đó.
• Xây dựng từ những thành công trong quá khứ. Nếu bạn phải giao cho ai đó một trách nhiệm khó khăn trong tương lai gần, hãy dành ra một ít thời gian để gợi cho họ nhớ về những thành công của họ trong quá khứ. Nếu bạn trải qua quá trình này và không thể gợi lại bất kỳ sự thành công trong quá khứ nào, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã bỏ ra quá ít thời gian để làm quen và tìm hiểu người đó. Hãy lên kế hoạch để dành ra thời gian nhằm tìm hiểu về nhau rõ hơn.
• Giúp họ vượt qua thất bại. Nếu bạn có đồng nghiệp, bạn bè, nhân viên, hoặc thành viên gia đình vừa trải qua một thất bại nào đó, hãy dành thời gian để trò chuyện với họ về thất bại ấy. Hãy để họ kể cho bạn nghe toàn bộ câu chuyện, sau đó thể hiện bạn coi trọng và vẫn vững tin vào họ.
• Bắt đầu ngay. Lần kế tiếp bạn tuyển dụng một người mới cho tổ chức của mình, hãy bắt đầu ngay các mối quan hệ. Thay vì chờ cho tới khi họ chứng minh được bản thân họ thì bạn mới khen ngợi, hãy chủ động bày tỏ lòng tin của bạn vào họ và vào khả năng của họ trước khi họ cho bạn những thành quả. Bạn sẽ lấy làm hài lòng với khao khát của họ là muốn sống đúng theo những kỳ vọng tích cực từ bạn.