Con đi học xa nhà, chiếc giường THỪA ra một chỗ. Chỗ đó con thường nằm xoải tay xoải chân huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời. Đôi khi hờn dỗi, con quay mặt vào tường nhưng chỉ được một lát con lại quay ra, quài chân sang bố, gại gại, như lời nhắc khéo: Nào! Mau ôm con đi. Thế là bố sẽ choàng tay, âu yếm ôm con, hai bố con làm huề trong nụ cười tủm tỉm của cả hai “phe”. Chỗ đó luôn sực nức mùi mồ hôi, mùi mái tóc khét nắng nhưng thơm ấm thần tiên.
Con đi học xa nhà, bố THIẾU đi bầu má non tơ để cúi xuống hít hà những lúc mỏi mê trong bộn bề công việc. Nếu con ở cạnh, chỉ cần bố than: “Mệt mỏi quá!” Và hét lên: “Nghĩa là gì?” Con sẽ lập tức ghé má để bố thơm liên tục. Con chun mũi và cười như nắc nẻ. Rồi con nhăn mặt trêu bố ra chừng sao lúc nào bố cũng kêu than. Vậy mà những lần sau mỗi lúc bố kêu ca, con lại sẵn sàng chìa má ra đợi bố.
Con đi học xa nhà, bố THỪA ra những lời ru. Từ khi con còn nhỏ xíu, con thích nằm úp xuống bụng bố nghe bố hát ru. Trong hương sữa ngọt ngào, trong lời ru trầm bổng, bố cùng con chìm trong hạnh phúc đê mê. Bố gửi bao ước vọng mênh mang, bao nghĩa tình đằm thắm, bao dịu hiền ngọt mát đến con qua lời ru cất lên tự trong sâu thẳm. À ơi rồi lại ầu ơ, tiếng ru lòng bố dịu dàng như cỏ cây mây trời xanh thắm, như dòng sông quê êm đềm thao thiết. Nào muối mặn gừng cay, nào thuyền bến thủy chung, nào tình nghĩa xóm làng, nào công cha nghĩa mẹ, những con cò lặn lội hoàng hôn, chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen và nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Con quen với lời bố hát ru đến nỗi lớn rồi mà vẫn hay đòi bố ru. Có hôm con sốt cao, người run cầm cập, đợi mãi sốt không hạ, bố đành lấy “vũ khí” là lời ru để vỗ về con. Ai dè vậy mà hiệu nghiệm. Con nằm im, không run nữa, mở to đôi mắt trong veo nhìn bố. Bố vừa hát vừa quay đi lau nước mắt, ứa ruột thương con. Bây giờ con đi vắng, lời ru nằm yên trong ngực bố. Nó nhớ và nó buồn thăm thẳm như mù tăm chim cá. Bao giờ lời ru lại được gặp con?
Con đi học xa nhà, bố THIẾU những tiếng ồn ào, tiếng nao nức của con. Con thường phủ lên không gian của cả nhà bằng những âm thanh đáng yêu không thể tả. Bố vừa bước vào cửa là đã rạo rực tiếng con: “Òa, hê nhô, hê nhô bố.” Hễ bố hỏi con đi học có vui không là con bô lô ba la đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Chuyện bạn nào mải chơi đá bóng dưới gầm bàn trong giờ học. Chuyện bạn nào lén bốc đồ ăn để dưới ngăn bàn. Chuyện con bị ngã. Chuyện con ngủ quên. Chuyện con học, chuyện con chơi. Từng tràng, từng tràng rộn rã như âm thanh mùa pháo Tết, dồn dập, dồn dập theo nhịp đập con tim, nao nức, nao nức đánh thức cả không gian. Con đi học vắng, mỗi lần đi làm về, bố chẳng còn được ngồi ở ghế háo hức đợi con. Bố lầm lụi đi thẳng lên phòng mình. Mở cửa phòng là chỗ nào cũng chạm vào nỗi nhớ. Cái âm thanh réo rắt theo con sang tít tận nửa bên kia Trái đất.
Con đi học xa nhà, bố THỪA ra lời nhắc nhở. Bố là ông già cố chấp. Con ăn vương vãi, nhắc. Bàn học con bừa bộn, nhắc.
Quần áo cất không gọn gàng, nhắc. Vào nhà vệ sinh chưa lau bồn, nhắc... Bây giờ con vắng nhà, mọi thứ sạch tinh còn bố thì thấy sao mà trống hươ trống hoác. Ước được nhìn thấy cái bàn học của con bộn bề sách vở để bố được càu nhàu: “Thằng béo ơi, sao cứ bày bừa ra thế!” Con vắng nhà, nằm vắt tay lên trán, bố thấy lòng cuộn lên bao nỗi xót xa, ân hận. Giá bố đừng khó tính thế. Giá bố hiểu con hơn. Giá bố đặt mình vào cái tuổi mười hai, mười ba vụng về, lóng ngóng của con thì có lẽ sẽ ít hơn những lời càm ràm. Phải chăng, gánh nặng cuộc mưu sinh và sức ép trách nhiệm dạy dỗ con nên người đã khiến các ông bố lúc nào cũng xét nét con mình, lúc nào cũng muốn con phải thế này, con phải thế kia. Nhưng dẫu sao thì có thể những lời nhắc nhở của bố đã giúp con biết sống ý tứ, khéo léo hơn nơi xứ người. Giờ con ở xa, lời nhắc nhở của bố cũng nằm khô trong lồng ngực. Nó “quên” con rồi.
Con đi học xa nhà, bố THIẾU đi nhiều nhiều lắm những niềm vui. Có con ở nhà thì vui lắm, vui hết biết. Con chọc ghẹo bố, con bắt bố cõng, bắt bố làm ngựa cho con cưỡi dù con nặng gần bằng bố. Bố ì ạch, mệt nhoài, tướt mồ hôi mà cười như pháo nổ. Lắm khi đêm đã khuya, tắt điện rồi mà hai bố con vẫn rúc rích cười, bịt cả chăn vào miệng để ngăn tiếng cười kẻo hàng xóm tưởng hai bố con bị dở hơi. Con đi vắng, mỗi đêm bố chìm vào giấc ngủ đầy lo toan, mộng mị. Hễ đặt lưng xuống là thầm cầu mong cho con trai bố được ăn ngon ngủ yên nơi đất khách quê người. Ôi, sao thương thế, cái thằng con trai tồ tẹt luôn muốn làm bố vui, hay bắt chước khuôn mặt cau có của bố. Cái thằng con trai hiểu bố và nhạy cảm đến từng chi tiết. Hôm trước con đăng trên Facebook dòng trạng thái: “I’m feeling lonely”, hôm sau thấy bố buồn lo, trước khi đi học con còn kịp đăng: “I’m feeling positive” kèm theo ảnh con cầm cuốn sách tiếng Tây Ban Nha cười toe toét. Bố nhìn con cười, miệng cười theo, méo xẹo mà trong lòng ứa nước mắt thương con. Những niềm vui bất tận của bố giờ ở xa bố quá, với tay mãi mà không tới, là sao, là sao?
Con đi học xa, bố THỪA ra những buổi chiều cùng con đá bóng, mình trần trùng trục mồ hôi nhễ nhại hò hét vang nhà. Bố thừa ra những ngày nghỉ cùng con lang thang khắp đó đây. Bố thừa ra những đêm rằm trung thu rủ con leo sang sân thượng nhà chú Vũ hàng xóm ngắm trăng tròn vằng vặc, nhìn khuôn mặt con nhười nhượi “mật ong trăng”. Bố thừa ra chiếc bánh ngọt phần con để ăn vụng mẹ. Bố thừa ra món đồ chơi mua trên đường đi công tác dành tặng con. Bố thừa ra... cả Bố. Bố không biết giấu mình vào đâu cho khỏi nhớ?
Con đi học xa nhà, bố THỪA nhiều và THIẾU cũng nhiều. Bố thường ngồi lặng bên cửa sổ, nghe tiếng nhạc vọng âm thanh run rẩy, nhìn những chiếc lá ngơ ngác rụng qua thềm. Ở xa con có biết, nỗi bố mong con như bóng nắng ngập trời. Con hiểu lòng bố, phải không, phải không, con trai yêu thương của bố!