Buổi trưa chúng tôi xuống tới đường cao tốc, tiện thể cũng tìm một chỗ nghỉ ăn cơm. Thị trấn đó nhìn đi nhìn lại chẳng có chút ấn tượng nào, thế mà xe cứ dừng chật hai bên đường, nhìn còn phồn hoa hơn cả Miami. Tôi với A Tam bước vào một cửa hàng ăn, đây là quán ăn nhỏ mà chúng tôi không tìm được ở trên Yelp. Trong quán đông nghịt người, còn phải xếp hàng để lấy số bàn. Đúng lúc tôi định kéo A Tam sang quán khác thì cậu ta kéo lấy vạt áo tôi. Tôi nhìn cậu ta, nhận ra rằng hình như cậu ta đã phát hiện được điều gì đó bất thường.
Tôi cùng cậu ta đứng đợi một bên, sau đấy cậu ta gửi tin nhắn cho tôi, nói là đã nghe được mọi người xung quanh đang bàn luận chủ đề gì đó về thanh thiếu niên của thị trấn này. Nhìn quanh một vòng, phát hiện gần mười bàn ăn trong quán, quá nửa là cảnh một gia đình dắt theo một đứa trẻ, hai người lớn thì nói chuyện, còn bọn trẻ thì cắm cúi ăn cơm. Không hề có sự khác biệt nào cả, trùng hợp đến khó tin. Số người đang đợi chỗ chắc cũng phải rơi vào tầm năm, sáu nhóm, chúng tôi đứng ở giữa trong số đó. Chỉ có điều bất kể là đến trước hay sau họ đều là một cặp mẹ con, hoàn toàn tương hợp với tình hình trong quán. À không, có một ông bố dắt theo hai đứa trẻ.
Tôi nói với A Tam: “Đằng trước vẫn còn phải đợi ba bốn bàn nữa mới đến lượt chúng mình, mà quán phục vụ cũng không nhanh đến thế đâu. Hay là chúng mình ra ngoài làm điếu thuốc đi”. Tôi ra hiệu cho A Tam chuồn ra ngoài nói chuyện một lát.
Chẳng thể ngờ được là một người chỉ số IQ cũng tạm được như cậu ta mà chỉ số EQ lại thấp tè tè, cậu ta tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại tôi: “Nhưng mà tớ không hút thuốc, tớ nhớ cậu…”.
“Tớ làm sao rồi chứ? Hút thuốc thôi mà!”. Tôi nhẹ nhàng uy hiếp A Tam, chỉ hận không thể ném bay cậu ta ra chỗ khác. Cùng lúc tôi vô tình nhìn thấy, mấy người cũng đợi bàn giống chúng tôi đang chằm chằm nhìn hai đứa. Bước tới cửa tôi lại ngoái nhìn thêm lần nữa, phát hiện thấy trong ánh mắt của mấy vị phụ huynh kia, người thì như có vẻ thương hại, lại còn có người trông như kiểu căm hận? Nhưng mấy đứa con thì lại ngoan ngoãn cúi đầu, có đứa còn lấy sách vở trong cặp ra làm bài tập.
“Địch, từ trước tới nay, có phải cậu vẫn luôn giấu tớ?”. Vừa bước ra ngoài đã thấy A Tam nghiêm túc hỏi tôi.
Tôi bị làm cho kinh ngạc, đồng tử trợn tròn lên như hai cái chuông đồng nhỏ.
“Cậu hút thuốc đấy à? Lúc tớ tìm người ở cùng đã nói rõ là không muốn tìm người thích hút thuốc rồi”.
Tôi đúng là bị cậu ta làm cho tức chết mà: “Cậu nhìn thấy tớ hút thuốc lúc nào hả? Được rồi, không lãng phí thời gian nữa, tớ cũng nhìn thấy bên trong quán ăn này có điều gì đó không ổn. Chúng mình dạo vòng quanh thị trấn xem rốt cục có chuyện gì nào”.
Không để cậu ta kịp lên tiếng, tôi đẩy cậu ta vào ghế lái.
“Ầy…”. A Tam thở dài, hình như là giờ mới hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ngốc vẫn hoàn ngốc, A Tam chính là A Tam, hết thuốc chữa!
Đúng như tôi dự đoán, trên một con phố vốn chẳng có mấy người, kể cả mấy cửa hàng nhìn bên ngoài chả có vẻ gì là làm ăn được, hôm nay khách hàng chật ních bên trong quán, đều là phụ huynh dắt theo đứa trẻ tầm mười mấy tuổi. Khi mà tôi nhìn thấy càng nhiều thì càng nhận ra nhiều hơn đặc điểm chung giữa mấy đứa trẻ đó, mà lại còn theo tính cực đoan chúng đều lầm lì không nói.
Mấy đứa trẻ đều có kiểu tóc hơi giống Summit, có vài đứa trên người có cả hình xăm, cả khuyên môi khuyên mũi, đeo thêm mấy thứ trang sức trông kỳ lạ hết chỗ nói. Mấy đứa còn đeo một đống dây chuyền nhằng nhịt trên quần áo, như kiểu lúc nào cũng có thể lấy ra mấy chục cái ống phun máu hình cái răng nanh. Ngoài ra còn có số ít bọn gầy như que củi, vừa nhìn là biết… Điều rõ ràng nhất chính là một trong số chúng, trừ mấy đứa có màu tóc quá nửa là do bẩm sinh ra thì chả thể nào kể hết đặc điểm chung giữa chúng với mấy ông thợ cắt tóc ở thôn quê Trung Quốc. Nhưng một phần còn lại, chúng trông ngoan ngoãn chả có ăn nhập gì với ngoại hình hết, cứ như là mấy bé học sinh tiểu học phải nắm lấy áo người lớn để qua đường , ngoan đến mức không được hợp lý cho lắm.
Tôi với A Tam quyết định đảo qua chỗ này một lượt. Theo lý mà nói, trẻ con Mỹ đều có cá tính tự chủ riêng biệt, người lớn cũng rất xem trọng việc bồi dưỡng tính cách của chúng. Mấy đứa thuộc dạng ngoan ngoãn kia, cho dù là ở nhà hay trường học, căn bản là không có gì nổi bật. Tất cả những điều này rõ ràng là rất bất thường, mà chả nhẽ phụ huynh của chúng lại không nhận ra hay sao?
Loanh qua loanh quanh, chúng tôi lại dừng trước cửa quán ăn nhỏ lúc nãy. Đằng nào cũng phải xếp hàng, thôi cứ vào xem xem có gì ăn không đã. Bước vào trong, vừa hay đến lượt chúng tôi. Ngồi xuống bàn, chúng tôi gọi hai suất hăm-bơ-gơ. Chúng tôi đói mờ cả mắt ngồi chờ suất ăn được bưng lên. Bên tai tôi chợt vọng đến tiếng một người phụ nữ, thành thật mà nói thì hai con ma đói bọn tôi được phen hết hồn.
“Chào hai cậu. Không biết tôi có tiện được trò chuyện với hai cậu đôi ba câu không ?”. Hai tay người phụ nữ đó khoanh tròn trước ngực, vẻ mặt rất thành khẩn.
“Ừ, cô cứ tự nhiên”. Tôi đáp lại rồi ngồi dịch vào phía trong.
“Cảm ơn”. Cử chỉ của cô ấy rất lịch sự, lại còn có khí chất của một tín đồ trung thành. Cô ấy tiếp tục: “Tôi muốn hỏi là hai cậu là chỉ tiện đường đi qua thị trấn này sao?”. Cả hai đứa gật gật đầu. Tôi nhớ ra rồi, lúc nãy trước khi hai đứa tôi bước chân khỏi cửa đi ra ngoài, tôi có quay lại, nhìn thấy ánh mắt một người đang dõi theo nhìn về phía chúng tôi, đó chính là cô ấy.
Người phụ nữ trung niên lịch sự bắt tay với chúng tôi, sau đấy mỉm cười chỉ về phía cậu con trai đang ngồi ăn trên bàn, nói: “Thật ra thì cũng coi như hai cậu đến kịp lúc rồi, tuổi tác của hai cậu trông cũng không lớn lắm, thần linh sẽ là ân nhân cứu mạng cho các cậu”.
“Ân nhân cứu mạng ?”. Tôi nhè nhẹ nuốt nước bọt. A Tam cũng ấp a ấp úng hỏi thêm lần nữa.
Cô ấy phấn khởi gật đầu: “Con trai tôi trước cũng là một đứa trẻ hư đốn, từng làm mấy việc chả tốt đẹp gì. Cũng may nhờ có sự quan tâm dạy dỗ của Cha Samuel, giờ nó cũng ngoan dần trở lại rồi. Vừa hay hôm nay là buổi chiêu sinh của Cha Samuel, rất nhiều phụ huynh đều muốn gửi con tới đó. Nếu các cậu lắng nghe giọng của Cha dù chỉ một chút, các cậu cũng sẽ được cứu rỗi. Tôi thấy hai cậu trông cũng chả tệ đến mức nào, Cha chắc rất sẵn lòng hướng dẫn hai cậu. Có điều, đến trường rồi là không được hút thuốc đâu đó.
Lúc này thì tôi hiểu được chuyện gì rồi. Cũng đúng lúc hăm-bơ- gơ được đưa lên, A Tam dò hỏi địa chỉ của trường đó, cô ấy lấy điện thoại của A Tam rồi ghi địa chỉ vào mục note, sau đó mỉm cười bước về bàn mình, dắt đứa trẻ đi.
“Chúng ta đi đến đó thử một chuyến xem sao”. A Tam vừa cắn miếng bánh vừa nói.
“Ừm, nhưng chúng ta phải cẩn thận đấy. Cái tên được gọi là Cha xứ này hẳn là không dễ đối phó”. Nhìn bọn trẻ con ngoan ngoãn như những con chiên hiền lành, tôi không cảm nhận được hơi thở của tuổi trẻ, kể cả mấy bọn chơi bời không ra gì cũng phải có hơi thở thanh xuân.
Lúc thanh toán, tôi đếm đếm một đồng xu bo cho nhân viên phục vụ. A Tam đem đồng xu một đô đó của tôi kẹp vào trong hóa đơn, thấp giọng nói: “Thôi đi, đồng tiền này của cậu có đếm thế nào cũng không đủ mười phần trăm thấp nhất đâu, bỏ xuống rồi nhanh chóng đi thôi”.
Tôi chợt nghĩ, những ngày mới tới Mỹ này, lúc đầu tôi còn đặc biệt bo thêm mấy đô la Mỹ cho các nơi rẻ tiền không cần tiền bo như cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay hàng ăn nhanh. Thì ra trong mắt người khác, tôi chỉ là một thằng ngốc châu Á học dốt toán.
A Tam bỗng nói một câu làm con tim đang nhục nhã ê chề của tôi dễ chịu đi một chút: “Lúc mới đến tớ mua một món mười đô la, nhân viên lấy thừa của tớ bảy xu, tớ nghĩ là tiền bo. Tớ còn hỏi trước mặt cậu ta....”. (Thuế tiêu dùng ở Dade County Miami là 7%).
“Đi thôi, đi thôi”. Tôi giục cậu ta nhanh chóng lên xe, ngồi cười không nhặt được mồm.
Địa chỉ mà người phụ nữ trung niên kia đưa cho chúng tôi không ở trong trung tâm thị trấn mà ở một mảnh đất bao la nằm giao giữa hai thị trấn khác nhau. Thị trấn này tự dưng phát đạt như vậy là bởi vì thế hệ học sinh đầu tiên của Samuel được chiêu sinh tại đây. Từ xa chúng tôi đã trông thấy, ngôi trường được xây bên cạnh một nhà xưởng bị bỏ hoang, đằng sau là một vườn hoa bông vải rộng lớn. Lúc chúng tôi còn cách ngôi trường một phần tư dặm Anh thì đã bắt đầu tắc đường rồi. Cũng may tố chất của người Mỹ vẫn thuần chất đơn giản, không vì một lúc tức giận mà trực tiếp bỏ cuộc, họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi và dắt bọn trẻ bước về phía trước.
Cuối cùng, dù khó khăn chúng tôi cũng tìm được một vị trí trong bãi đỗ xe. Tôi nhìn về phía ngôi trường, bức tường cao đủ hai tầng kia đã nói cho tôi biết, đây là một ngôi trường “vì tất cả (tiền của) của học sinh mà được xây dựng lên”.
Thế mà tôi lại nhầm, cái cô trung niên kia cũng nhầm luôn. Chúng tôi đang tiến bước về phía cổng trường thì nghe thấy tiếng vỗ tay hân hoan của mấy vị phụ huynh.
“Con trai tôi được nhận rồi!”.
“Cả con trai với con gái tôi cũng thế!”.
“Chúc mừng mọi người! Bây giờ tôi qua đó thử xem”.
Nghe qua thì mấy đứa càng hư càng khó dạy thì càng có khả năng được học. Trước cổng có một hòm từ thiện, bất kể là được chọn hay không được chọn, mọi người đều có thể đóng góp theo lòng tự nguyện của mình. Mà cách chiêu sinh của ông Cha xứ Samuel này kể cũng lạ thật: xem nhân duyên qua mắt.
Không dễ gì mới chen lên đến gần cổng trường , tôi với A Tam có cảm giác như được trở về quê nhà. Chả chém gió gì chứ đây chính là ngày tuyển sinh của mấy trường tư thục danh tiếng , đông như nêm như cối luôn. Tôi đã nhìn thấy Cha xứ Samuel như trong lời đồn. Ông ta mặc bộ đồ của Cha xứ, cổ áo thì cao tít, gương mặt nở một nụ cười hiền từ. Phía trên hai hàng tóc mai đã đổ màu hoa râm của ông ta là vùng “Địa Trung Hải” sớm đã trọc lông lốc. Ông ta mỉm cười đón những học sinh được nhận và phụ huynh vào trong trường.
Mọi việc xem ra cũng bình thường. Có điều, bên trong nhất định có tội ác tày trời, tôi khẳng định luôn.
Chúng tôi tính trà trộn để đi vào. Tuy là không có phụ huynh đi kèm, nhưng bịa bừa một câu chuyện ra, giả vờ có tính côn đồ một tí, nói mấy câu kiểu “Tao là tao đếch tin thằng trọc này lại dạy được tao” khiêu khích ông ta, nói không chừng cũng thành công. Dựa vào khí thế mấy đứa mất dạy đánh nhau tôi hay nhìn thấy hồi còn ở quê nhà mỗi khi đi lượn quanh huyện: mặt song song với trời, cằm vênh ngược lên thì kiểu gì cũng thành một đứa đầu đường xó chợ.
Thử nghĩ xem một người có diễn xuất kém như A Tam là chuyện thường ở huyện, nhưng một đứa có năng lực được chuyên gia Oscar đề cử như tôi mà vẫn bị Samuel hiền từ từ chối. Lúc này tôi mới hiểu ra, đối với mỗi vị phụ huynh học sinh, đều có một giáo viên đưa bọn họ vào trong phòng trò chuyện, nghe đâu là ký hợp đồng gì đó.
Chả còn cách nào, bây giờ chỉ còn biện pháp duy nhất - trèo tường. Hơn nữa, chúng tôi cũng không có nhiều thời gian đi do thám. Dạo quanh bờ tường của trường học, chúng tôi phát hiện có một mặt tường dính liền với một gian phòng của nhà xưởng bỏ hoang phía bên cạnh. Với một tâm trạng chỉ “thử” mà thôi, trước tiên chúng tôi trèo vào cái nhà xưởng đó.
Tường quanh nhà xưởng không cao như tường của bên trường học, lưới sắt và móc nhọn ở phía trên đều đã gỉ cả rồi, thậm chí còn có mấy cây dại chết khô từ đời nào. Chúng tôi vào xe lấy ra một cái áo cũ để làm miếng lót phủ xuống che hết mấy cái móc sắt lại rồi mới dám trèo qua. Nhưng tự nhiên một tiếng “roẹt roẹt” truyền tới, cả cái áo đều bốc cháy cả rồi. Thì ra sắt ở trên tường có điện cao áp.
Chúng tôi sợ hết cả hồn. Nếu như vừa rồi chúng tôi cứ thế mà trèo lên, bây giờ có khi thành hai con heo quay rồi. Nhưng điều này lại thầm nhắn cho chúng tôi một tín hiệu tốt là phải vào được bên trong bằng mọi cách. Đương nhiên với chỉ số IQ có hạn, cuối cùng chúng tôi phải dùng cách bạo lực mà đơn giản nhất, lấy búa gỗ đập mạnh xuống góc của móc câu sắt cho nó mềm đi, thế là xong.
Đại khái là “giáo viên” bọn họ không nghĩ tới sẽ có người trèo vào bên trong bức tường bao quanh, thế nên bảo vệ cũng không có, camera theo dõi lại càng không. Có điều, chúng tôi luôn nhận thức được là nên cẩn thận một chút vẫn hơn.
Tấm bạt che mưa với mấy cột sắt ở cái xưởng này bị gỉ hoen gỉ hoét. Tường bắt đầu có vết nứt, có vài cái cửa sổ chỉ còn lại cái khung , xác của nó rơi trên mặt, sớm đã bị bùn đất với lá cây khô chôn vùi mất hơn một nửa. Chúng tôi bước nhẹ chân nhất có thể, bởi vì trên mặt sàn có rất nhiều mảnh thủy tinh vỡ. Lúc này, từ một nơi trông như là kho để đồ phía bên phải chúng tôi phát ra một tiếng thét kinh sợ của một cô gái. Âm thanh tuy không lớn, nhưng đủ để chúng tôi nghe thấy rõ. Cô ấy như nhận ra việc làm như vậy có thể khiến mình bị lộ, mới thét được một nửa âm thanh đã im bặt rồi. Chúng tôi vội vàng qua phía đó, nếu là người của nhà trường , chắc chắn sẽ không hét ra tiếng như vậy.
Cửa kho chứa hàng lộ ra một khe hở, nghiêng người thì đủ chui qua. Dưới ánh đèn, chúng tôi nhìn thấy bóng của một vật gì đó nhỏ và dài ở trên tường. Cô ấy hẳn là đã phát hiện ra chúng tôi. Tôi nghe thấy rất rõ, tiếng khóc nấc đến phát run. Tôi muốn nói gì đó để an ủi cô ấy nhưng A Tam lại cản tôi lại. Chỗ này quá thưa thớt, nếu ở gần đó có người, cũng sẽ nghe thấy tiếng chúng tôi đáp lại.
Nói đến thưa thớt, tôi mới chú ý tới trong không gian rộng lớn mà trống rỗng của nhà kho này, có để một chiếc thùng sắt khá lớn, còn to hơn cả mấy tủ trưng bày đồ sưu tập. Đằng sau cái thùng sắt, có cái dây cáp to như cái đùi lòi ra, thò xuống một cái hố đen trên mặt đất.
Lúc tôi và A Tam tiến gần tới mới phát hiện, nắp cái thùng sắt đó đã bị mở ra, ở một mặt khác, lại có tiếng dép loạt soạt đang kéo lê trên sàn nhà. Chúng tôi dịch sang một bên cửa, nhìn vào trong, cả hai đứa ngay lập tức như bị ai đấy bịt miệng, cố gắng không để cổ họng phát ra bất kỳ một âm thanh nào. Tôi lén liếc A Tam một cái, mắt cậu ta trợn tròn, từ trong đáy mắt có một sợi tơ đỏ hiện ra, cơ mặt cậu ta cũng đang không ngừng co giật.
Chúng tôi đã nhìn thấy bên trong chiếc thùng sắt kia, dưới ánh sáng nhè nhẹ màu xanh đậm, có một bồn hình trụ dùng để nuôi dưỡng động vật đứng sừng sững trước mặt chúng tôi. Chất dịch bên trong nó đang nuôi dưỡng những con người còn sống sờ sờ.
Những người đó đeo ống thở, đường dẫn khí nối đến đỉnh của bồn chất lỏng. Ở rốn mọc ra cuống rốn có máu và thịt đang hút đi chất dinh dưỡng từ trong chất lỏng đang bọc lấy họ. Trước mỗi bồn nuôi đều có một màn hình hiện tên, tuổi, hình dáng và những hành vi đặc trưng của họ, sau cùng là một con số to đùng dùng để hiện thị mức độ hoàn thành.
Tôi vỗ vào vai A Tam, nói đi tìm cô gái lúc nãy, cậu ta cứ ở đây xem xem bên trong còn điều gì mới mẻ hay không. Tôi lại liếc thêm một lần những người đang nằm trong bồn nuôi kia, thì người tôi đứng gần nhất bỗng nhiên mở to mắt.
Tôi hít sâu một hơi, chả quản được nhiều đầu, bèn cúi đầu đi ra ngoài. Rồi tôi nhìn thấy cô gái đang dùng tay ôm lấy người, run bần bật ngồi trong một xó nhà xưởng. Lúc cô ấy nhìn thấy tôi, sự sợ hãi chiếm lấy khuôn mặt cô, cô ấy như đang muốn đứng dậy chạy ra khỏi đó. Tôi bước vội gần về phía cô ấy, nói thầm: “Đừng sợ, tôi sẽ không làm hại cô đâu. Cô xem, tôi với cô sàn sàn tuổi nhau”. Nói rồi tôi nắm chắc lấy cánh tay cô ấy.
Cô nàng do dự quay đầu lại, sự sợ hãi vẫn còn vương vấn trên nét mặt. Nỗi sợ này cùng với kiểu tóc, hình xăm, khuyên tai trên người cô ấy làm tôi ghi nhớ rất lâu. Sau khi giải thích một lượt với cô nàng xong, cuối cùng cô dường như đã tìm được một người để giải tỏa cảm xúc, nhoài vào vai tôi khóc nước mắt giàn giụa.
Tay tôi ngại ngùng dừng lại giữa không trung, vỗ nhẹ vào sau lưng cô ấy: “Cô thấy sao rồi?”, cô nàng gật đầu.
Năm sáu phút sau, cảm xúc của cô ấy cũng đã dần dần dịu lại. Lúc này, A Tam cũng từ trong thùng sắt đi ra. Cậu ấy chùi mồ hôi, giọng uể oải nói với tôi: “Vừa nãy tớ sợ chết khiếp. Tóm lại thì tớ đã xem hết một lượt tên những người ở đó, kết quả lúc ngẩng đầu lên, tất cả mấy tên búp bê đó mắt trợn tròn ra. Tớ sợ họ tự nhiên đập vỡ kính thủy tinh nhảy ra, xong rồi đánh tớ…”.
Tôi sớm đã ra hiệu dừng lại, cậu ta vẫn cứ nói không ngừng, thế là tôi rút ra mất tờ giấy ăn nhét vào miệng cậu ta luôn.
Ba người chúng tôi đi ra khỏi nhà kho, trên đường luôn coi chừng đề phòng có người xuất hiện. Cô gái tên Amy đó nói rằng chỉ cần không phát ra âm thanh quá rõ ràng, bởi ban ngày bọn họ thường sẽ không để ý tới. Chúng tôi ngồi vào một góc khuất, nghe Amy kể về ngôi trường kỳ lạ này.
Cô ấy dùng nhiều cách khác nhau để xác thực với chúng tôi: “Các anh sẽ không bắt tôi về phía bên đó đâu, phải không ?”. Chúng tôi kiên nhẫn giải thích rằng chúng tôi tới là để giúp cô ấy, và giúp cả bọn trẻ đang ở trong trường nữa.
Mấy lần Amy nhìn lại về phía nhà kho. Tôi biết có khả năng sự việc đã khẩn cấp lắm rồi, bèn trực tiếp hỏi cô ấy: “Có phải sắp có chuyện gì xảy ra không ?”.
Amy đáp: “Tôi vô tình nhận được một bức thư, trong thư nói lúc tuyển sinh cũng đồng nghĩa với việc sáng ngày hôm sau sẽ làm lễ tốt nghiệp, sau đó buổi chiều mới đón tiếp học sinh mới”. Cô ấy chỉ về phía cửa nhà kho, nói: “Cũng chính là cái nhà kho đó, cả mấy gian phòng xung quanh bên trong nhà xưởng, chúng tôi nhìn thấy những thứ đó, tối nay sẽ thả chúng ra”. Sau đấy, Amy bổ sung thêm, vì hôm nay “các giáo viên” và Cha xứ Samuel rất bận, cô ấy mới tranh thủ lẻn ra được. Hơn nữa, những người được nuôi ở trong bồn kia giống y hệt bạn học của cô ấy, thậm chí còn giống cả cô ấy nữa.
Tôi nói: “Chúng mình nhất định phải tóm được tên Samuel kia”. Nhưng Amy lại đang bào chữa hộ Cha xứ rằng ông ta không hề biết có chuyện này, rằng mỗi ngày ông ta đều kiên trì dạy bảo, cảm hóa bọn trẻ, mọi việc của bọn trẻ ông đều vô cùng quan tâm.
A Tam hỏi vặn lại: “Vậy cô nói xem chúng tôi nên làm thế nào đi”.
Mười lăm phút sau, chúng tôi đập vỡ hết bồn nuôi trong nhà kho, dọn sạch đống chất lỏng nhầy nhụa trơn tuột ở trên sàn. Tôi nhấc chân lên, dưới đế giày trên mặt đất vẫn dính đầy thứ chất lỏng kia, buồn nôn quá đi mất. Mấy người bị cắt mất cuống rốn với ống thở kia nằm trên sàn nhà, mắt bọn họ mở to, hình như là không biết chớp mắt.
Tôi sợ bọn họ sẽ tự nhiên nhảy cẫng lên như cương thi, nên chúng tôi vội vàng lui ra ngoài rồi đóng chặt cửa vào, lấy thêm vài thứ nữa chèn vào trước cửa. Thế này là đủ rồi. Kẻ đứng đằng sau tất cả những chuyện này, không biết có phải Cha Samuel hay không thì cũng nên nhận lấy một lời cảnh báo rồi.
Quả nhiên, thứ Amy chỉ cho chúng tôi xem là một cánh cửa bí mật nằm dưới mặt đất trong khuôn viên nhà xưởng và ngôi trường. Cứ một lúc lại có một phụ nữ trung niên mặc chiếc váy đen dài, chân đi giày cao gót, vội vã dắt hai người mặc chiếc áo khoác dài màu trắng chạy ra bên ngoài. Từ trong góc khuất chúng tôi nhìn thấy rất rõ ràng. Amy nói nhỏ bên tai tôi rằng : “Đó là vợ của Cha Samuel”.
Nhưng đây không phải là lúc dành cho những câu hỏi kiểu “Cha xứ có thể kết hôn sao?”, tôi im lặng theo sau bọn họ. Amy cũng gan dạ ra phết, cô ấy cũng chủ động đi theo. Tôi để A Tam đứng ở lại chỗ cũ, tiếp tục lấy tay ấn chặt cái vòng tay của cậu ta không để nó phát ra âm thanh. A Tam tỏ vẻ tức giận với tôi, tôi vỗ nhẹ vai an ủi cậu ta, để cậu ta ở lại đây canh chừng, đề phòng có nhiều người chạy vào: “Gánh nặng đường xa mà thưa ngài Sát Mã Đặc”.
Cậu ta nghiến răng nghiến lợi nói: “Tên tớ là Summit mà, cậu lạ thật đó!”.
Lúc tôi chạy ra ngoài, Amy giơ tay ra hiệu tôi nhanh chân lên tí, sau đó chỉ về phương hướng người phụ nữ kia. Quả nhiên là bà ta chạy về phía nhà kho. Tôi chật vật bò lên cửa sổ, từ từ trèo lẻn vào trong, chỉ nhìn thấy người phụ nữ đó đã bày sẵn một đàn tế, hai tên mặc áo khoác dài trắng đang bận đem chuỗi hình nhân để đeo trên cổ tới, đặt vào một góc trên tế đàn.
A Tam lấy cánh tay để che, từ trong nhà kho chạy ra ngoài, nói nhìn thấy hai tên mặc đồ trắng kia đi về phía nhà xưởng rồi, trên tay còn cầm mấy thứ đồ cúng gì đó bằng thủy tinh. Cậu ta chỉ về hướng bên cạnh hai nhà xưởng, ý là bọn chúng đã đi vào đó rồi.
Bây giờ cũng không có thời gian mà quản chúng nữa, nhất định phải ngăn người phụ nữ đó lại. Tôi với A Tam nhìn nhau cười một cái. Cách phá hoại đơn giản nhất là phóng hỏa, giống như cách chúng tôi vẫn hay làm. A Tam tẩm xăng khắp nhà kho. Cái khác thì cũng bỏ đi, đối với một ông cảnh sát đủ thông minh lại có thể phá được vụ án này, nhất định phải để lại chút chứng cứ gì đó.
Trong lúc A Tam tẩm xăng, tôi tìm thấy công tắc của lưới điện cao áp xung quanh tường. Đơn giản nhất vẫn là phá hoại, tôi chém vài nhát xuống đường cáp điện, pháo hoa tung tóe. Khi ba đứa tập hợp lại, tôi nhanh chóng đốt lửa, sau đó trèo qua bức tường kia. Amy lúc này nhìn vào phía bên trong hét lớn lên: “Cô gì à, cô với “búp bê” chơi vui vẻ nha!”. Xem ra, cô ấy đã không còn sợ hãi nữa rồi.
Không biết có phải là tôi hoa mắt hay không, chính trong lúc chúng tôi chạy trốn, tôi như nhìn thấy ở phía lưới sắt đằng kia, có một người phụ nữ đang cười khẩy với chúng tôi. Nhưng khi tôi chớp mắt xong, nhìn lại chỗ đó lại không có gì cả.
Về tới xe, tôi gọi cho 911, giả vờ là một vị phụ huynh đang vô cùng kinh sợ báo rằng đang có hỏa hoạn xảy ra ở địa điểm đó.
Lúc này ngọn lửa đã cháy lớn lắm rồi, những người xung quanh cũng bắt đầu hoảng loạn. Khi nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát, xe của chúng tôi đã đi được một quãng rất xa về phía thị trấn.
Đang dừng xe đợi đèn đỏ, A Tam có gửi tin nhắn cho tôi: “Đêm nay chúng ta ở đây đi?”.
Tôi đơ ra một lúc rồi mới trả lời: “Đành vậy. Có điều tiết học ngày mai… hay là cứ xin phép đi, tớ cũng mệt lắm rồi”.
Vừa nhấn phím gửi xong tôi mới nhìn khuôn mặt cậu ta ở ghế lái phụ, mới phát hiện bộ mặt gian tà của cậu ta. Cậu ta dùng mắt ra hiệu với tôi về phía Amy đang ngồi phía sau, tôi liền hiểu cậu ta có ý gì, chỉ đành cười trừ một cái.
Amy nhoài người ra cửa sổ nhìn về phía ngôi trường đang dần cách xa, đột nhiên phấn khởi vui vẻ hẳn lên. Nghe cô tâm sự, cũng chả thấy có gì là hư đốn cho lắm, thật ra còn chả hư như hai đứa tôi, chỉ có điều trên người có một chuỗi hình trông có vẻ nổi loạn. Những người Mỹ rất phóng khoáng trong mắt người Trung Quốc, nhưng thật ra cũng có một bộ phận trẻ con và phụ huynh Mỹ vẫn khá là bảo thủ lạc hậu, tôi hoàn toàn không nghĩ tới điều này.
Khách sạn hay nhà nghỉ giá rẻ ở chỗ này, nghĩ tới cảnh trưa nay ở quán ăn, xem ra phòng trống là không có khả năng rồi. Thế là A Tam lên Airbnb, thuê tạm một căn hai phòng ngủ một phòng khách trên trang web homestay này. Cặp vợ chồng đồng tính là chủ căn nhà còn nhiệt tình giới thiệu cả căn nhà cho chúng tôi, sau đó mới mỉm cười rời đi.
“Nếu như tớ đoán không nhầm thì người có hình xăm với cơ bụng đó là vợ, còn anh chàng gầy gò kia mới là chồng”. Tôi kích động nói, tôi chính xác là để ý tới tình ý với cách làm nũng của anh chàng cơ bắp kia. Amy bụm miệng cười, A Tam gật cái thật mạnh: “Tớ là tớ cũng nghĩ thế đấy!”.
Cả tôi với A Tam đều khá tò mò về câu chuyện của Amy, bèn gợi ý với cô ấy một lần nữa để nghe cô kể chuyện.
Cô ấy lấy từ trong ngực ra một món đồ trông như lá thư cho chúng tôi xem. A Tam cứ nhìn chằm chằm vào ngực của Amy, tôi phải giẫm thật mạnh vào chân cậu ta. A Tam thấp giọng nói: “Cậu ôm được… mà tớ không nhìn được một cái à?”. Cái tên này điểm gì cũng tốt, mỗi cái tội háo sắc là y hệt tôi.
Hãy tha thứ cho việc tôi không thể hiểu được văn viết của người Mỹ. Cứ một dòng tôi lại nhìn thấy một đường gạch dài, ở giữa có rất nhiều chấm nhỏ. Khó khăn lắm mới hiểu được vài từ, tôi ném bức thư về phía A Tam, nói với cô gái kia rằng : “Tôi muốn nghe về câu chuyện của cô. Dù gì cô cũng đã trải qua…”. Tôi ngừng một lát “…cuộc sống ở chỗ đó. Còn nữa, làm sao cô có được bức thư này?”.
Đằng nào cũng thoát rồi, thế là Amy vô cùng thoải mái trả lời: “Hơn một tháng trước tôi cũng bị gửi tới đó. Tôi với bố mẹ chẳng cách nào sống hòa hợp với nhau được. Mấy lần suýt nữa bị trường đuổi học, thật ra cũng chỉ là muốn làm vài việc để họ chú ý quan tâm đến tôi hơn mà thôi. Ở nhà họ quản tôi chặt lắm, thế là tôi nghĩ đủ mọi cách để trốn ra ngoài, đi bar hoặc là đến nhà bạn. Tôi sợ bị kẻ khác bắt nạt, thế là cùng bạn đi xăm, xỏ khuyên rồi cả hút thuốc nữa, tôi cũng chả thích thú gì mấy thứ này đâu. Nhưng căn bản là do bố mẹ tôi không quan tâm nên tôi mới vậy.
Một lần, có đứa muốn ức hiếp tôi ở nhà vệ sinh tầng hai, tôi vì phản kháng mà đẩy cậu ta ra khỏi cửa sổ, khiến cậu ta ngã tới mức bị chấn thương sọ não phải nằm viện, lần này thì nhà trường đuổi tôi ra khỏi trường học. Thế là mẹ gửi tôi tới đây.
Vốn dĩ tôi cũng nghĩ đây chỉ là một trường thuộc giáo hội bình thường thôi, nghe hay hơn mấy chỗ giáo dục lao động, nên cũng không để tâm lắm. Nhưng dần dần, tôi nhận ra nơi này không ổn tí nào. Buổi tối mới hơn tám giờ, một số người đã bắt đầu buồn ngủ. Thêm một lúc nữa, không ít người đã không thể chống lại cơn buồn ngủ mà trèo lên giường. Tới chín giờ mười lăm, sẽ có một giáo viên giục chúng tôi lên giường đi ngủ. Có ai không nghe theo, giáo viên sẽ ngồi bên cạnh bọn họ, nhẹ nhàng nói vài câu, người đó liền ngoan ngoãn nằm xuống giường. Tôi còn tưởng là thần chú gì cơ, thế nhưng sáng ngày hôm sau có bạn tính cẩn thận đã phát hiện trên người có một vết tiêm không rõ lắm. Mỗi lần họ đều bị tiêm ở những vị trí khác nhau.
Tôi nghi ngờ trong thức ăn bọn họ đưa có vấn đề. Nhưng mỗi lần tới nhà ăn, đều sẽ có người giục chúng tôi ăn cơm. Khẩu vị có chán thế nào cũng sẽ ép phải ăn vài miếng, nói là để đảm bảo sức khỏe của chúng tôi. Khi thực sự không ép được bọn tôi nữa, sẽ giả vờ quan tâm và gọi bác sĩ tới, cho chúng tôi uống vài viên thuốc. Đằng nào kết quả cũng giống hệt nhau, vẫn cứ là buồn ngủ. Có một lần sau khi ăn xong, tôi lén vào nhà vệ sinh móc họng, nôn hết mấy thứ vừa ăn ra. Quả nhiên tới tối tôi không hề buồn ngủ.
Đúng chín giờ, giáo viên sẽ giục chúng tôi đi ngủ, tôi giả vờ nghe lời nằm xuống. Đại khái là tầm một tiếng sau, anh có hiểu được trong một tiếng đó khó khăn thế nào không, sẽ có hai người mặc áo blouse trắng đẩy xe đi vào. Bọn họ tiến hành kiểm tra từng đứa chúng tôi. Tôi híp híp hai mắt nhìn trộm, cũng không phải là nhìn rõ lắm: bọn họ sẽ cậy miệng anh ra, lật tai anh lên rồi cắt móng tay cho anh và làm rất nhiều việc khác nữa. Đến đêm ngày hôm sau tôi mới nhìn rõ, thì ra bọn họ đang thu thập những thứ để đánh dấu ống nghiệm rồi thả vào bồn nuôi.
Không hiểu vì sao tự dưng tôi sởn gai ốc, nhưng cũng không dám để lộ là mình chưa ngủ, đêm hôm đó nguy hiểm hết sức. Tôi cắn răng chịu ngứa vì người cứ ra mồ hôi, suýt chút nữa thì lòi đuôi chuột. Bởi vì ban ngày tôi chưa bao giờ nhìn thấy mấy người mặc áo blouse trắng. Tôi âm thầm ghi nhớ lấy vóc dáng của họ nhưng không tìm thấy bất kỳ giáo viên nào có vóc dáng tương tự.
Thế là tôi bắt đầu lợi dụng chút ít thời gian trong giờ thể dục, giờ khác thì tranh thủ “giải quyết nỗi buồn” và bắt đầu tìm hiểu những góc khá là bí mật trong trường. Nhưng cho đến một ngày đen đủi, tôi đã bị tóm cổ vì họ phát hiện ra hành tung của tôi.
Họ nói tôi không được khỏe rồi bắt tôi uống rất nhiều thuốc, sau đó tôi không còn biết gì nữa. Tới khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên giường, nhưng cứ thấy khó chịu trong người, tôi khẳng định bọn họ đã giở trò gì đó với mình”. Vừa nói cô vừa cố tình xoa xoa cánh tay.
“Sau đó thì sao?”. Tôi sai A Tam ra máy bán nước tự động mua mấy chai Coca rồi đưa cho cô ấy một chai.
Amy tiếp tục kể: “Nhưng tôi không hề muốn bị giam như thế này, cứ giống như một món đồ chơi vứt bừa ở đó. Tôi lại bắt đầu một cuộc thám hiểm mới. Có một lần, tôi phát hiện ra một bộ quần áo trông cũng không cũ lắm trong một phòng học bị bỏ hoang. Trong bộ quần áo đó có một bức thư, chính là bức thư tôi đưa cho anh.
“Tôi đọc xong rất kinh ngạc, cậu ấy rất dũng cảm cũng rất thông minh, thế mà lại…”, rồi Amy lấy tay che mặt khóc.
A Tam đọc xong bức thư mới kể cho tôi. Anh chàng đó tên là Caros, một lần vô tình phát hiện ở tầng hầm tòa dạy học có một cánh cửa ngách thông giữa trường học tới khu xưởng, chỉ là cậu ta không kịp chuồn qua đó mà thôi. Đúng lúc đấy có người tới, cậu ta nấp vào chỗ tối rồi lẻn về lớp học, dự tính lần sau sẽ trốn ra từ đó. Chỉ đáng tiếc là không có cơ hội thực hiện.
Lúc đó khóa học của Caros đã gần ngày tốt nghiệp rồi, ngày hôm sau chính là ngày bố mẹ tới đón cậu ta ra khỏi địa ngục trần gian đó. Nhưng tới ngày hôm sau trời còn chưa kịp sáng, bọn họ đã bị tập hợp lại, và dẫn tới một phòng mà họ chưa từng đặt chân tới, dặn bọn họ cứ yên tâm chờ đợi trong một phòng học không sáng sủa cho lắm.
Caros thấy có gì đó không ổn. Trước khi tới ngôi trường này, cậu ta từng trộm vặt vài thứ, mở khóa chả làm khó được cậu ta. Cậu ta thoát khỏi “phòng học” đó từ cửa sau. Cậu ta kinh ngạc nhận ra, các vị phụ huynh đều đã đến đủ, hơn nữa chỉ cần liếc một cái là cậu nhận ra bố mẹ của mình.
Nhưng ngay lập tức, Cha xứ dắt một đứa bé Caros tới trước bố mẹ cậu. Cậu bé đó xấu hổ gọi một tiếng bố mẹ, giống như một thiếu niên ngoan ngoãn đang đứng đợi bố mẹ. Caros giả đó giống hệt cậu ta nhưng đó hoàn toàn không phải cậu. Cậu mất hết bình tĩnh hét lên, thét gào gọi tên bố mẹ đến khản giọng. Thế nhưng hình như không có ai nghe thấy, cậu nhìn thấy mẹ như có nhìn về phía bên này, nhưng chỉ trong chớp mắt đã né đi. Đó như là nước mắt, cũng chính là sự né tránh những hổ thẹn.
Tức thì có người tới bắt cậu lại, cậu vội vàng chạy đi, cậu nhìn thấy bên trong phòng học lúc nãy vừa lẻn ra, ở khe cửa bắt đầu có chút khói trắng bốc lên. Caros chạy bất chấp, nhân lúc không ai để ý chui vào cái phòng học bị bỏ hoang kia, lấy bức thư đã viết từ trước ra, vội vàng viết bổ sung thêm một đoạn nữa rồi để lại vào túi đồ bỏ quên ở phòng học.
Lúc cậu ta thoát ra ngoài, còn bị mấy đứa học sinh khác nhìn thấy và nhóm học sinh còn tranh cãi nhau một hồi lâu.
Amy là một trong số các học sinh đó, chỉ có điều cô ấy chỉ nhìn thấy cậu ta bị mấy người mặc áo blouse bắt đi. Trước khi Cha Samuel phát giác thì cậu ấy sớm đã ngất lịm đi, biến mất trong đám người.
Tối hôm đó, các học sinh trong trường được giáo viên kể cho một câu chuyện hư cấu về sự biến mất của nam học sinh, thế mà cả lũ tin lấy tin để, kể cả Amy, lúc đó cô ấy chưa nhặt được bức thư. Bởi vì không có ai nhận ra, ở gần cổng trường có một học sinh mới tốt nghiệp ngoan ngoãn theo bố mẹ đi về nhà, hình dáng đó, y hệt với cậu bé học sinh bướng bỉnh mới tới.
Cô ấy kể xong câu chuyện, cả ba chúng tôi đều khóc thổn thức và sau đó lại chìm vào im lặng. Tôi đặt một chiếc pizza phô mai xúc xích, ba người ăn nháo nhào xong thì xem ti vi, thế mà không hề có tin tức nào liên quan đến đám cháy ở ngôi trường với nhà xưởng kia. Amy hỏi tôi tối nay cô ấy có thể ở lại đây được không. Tôi do dự một lúc rồi đồng ý.
A Tam cười đểu nhìn tôi, sau đó giơ tay ra bắt tay với tôi. Tôi cảnh giác nhìn vào lòng bàn tay cậu ta, nhớ lại lần trước lúc cậu ta đi vệ sinh, thế là cậu ta rụt tay về. Tôi lắc đầu từ chối, cậu ta bèn nhân cơ hội tóm lấy lòng bàn tay tôi, dùng sức nắm chặt vào, sau đó nhảy nhót múa máy rồi quay về phòng. Trên tay tôi bỗng có một chiếc bao cao su ONE, phía ngoài vỏ có viết “Be Prepared to Love” (Chú ý an toàn). Tôi hồ nghi nhìn về phía cậu ta, vì tôi có ngốc đến mức nào cũng biết được bên trong hộp này có đến tận ba cái.
Lúc ở nhà vệ sinh vọng ra tiếng giật nước thì A Tam đã đi về phòng rồi, cũng may cô ấy không nhìn thấy, không thì không biết giấu mặt đi đâu. Tôi chỉ về phía phòng mình nói: “Nếu không có việc gì thì tôi về phòng nghỉ trước đây. Cô có việc gì cứ gọi tôi”.
Cô ấy bật cười: “Thì ra là cậu “định hướng” này hả?”. Nói rồi Amy men theo khe cửa đi vào. A Tam đang nằm trên chiếc giường cỡ lớn chơi điện thoại, dáng nằm yêu kiều ra phết. Cánh cửa đó không biết là cậu ta cố tình hay vô ý để hờ như vậy.
“Không! Tôi với Ngô Địch không phải ‘định hướng’ đó đâu! Tôi thề đấy!”. A Tam gào hết sức bình sinh với Amy rồi đóng chặt cửa vào.
Sau một tiếng “tách”, phòng khách chìm vào bóng tối. Tôi cảm nhận được có một bàn tay đang nhẹ nhàng từ sau lưng ôm lấy tôi. Amy nói: “Cảm ơn các anh đã... anh đã cứu em”.
“Nhưng, nhưng anh, anh không có ý gì đặc biệt cả. Bọn anh, tự bọn anh cảm thấy có gì đó bất thường nên mới đến đó... hiểu... được”. Tôi bắt đầu không thở được, cái điều hòa chết tiệt này sao chả mát tí nào thế này. Mấy chữ cuối cùng tôi khó khăn mới nói được, bởi vì lúc này Amy đã đánh úp tới đốt cháy tôi, dùng lưỡi chặn lời tôi lại.
Cô ấy cũng mơ màng đáp lại tôi: “Em...biết...”.
Rõ ràng là tôi nằm mơ cũng mong đối phương không phải là kẻ nói dối nhưng tôi vẫn không tình nguyện gạt Amy sang một bên. Chưa hết, tôi còn nói một câu nghe như một thánh nhân: “Vẫn là nên đợi em trưởng thành đã”.
Cô ấy nhìn tôi, cười cười như có chuyện gì đó, ném cho tôi ID xong thì bắt đầu cởi hết những thứ dư thừa trên người ra. Cái ID ngang này, cô ấy còn lớn tuổi hơn cả tôi! (Những người chưa đủ 21 tuổi để uống rượu hợp pháp như tôi, thẻ ID sẽ là dọc, sau khi đủ tuổi sẽ đổi thành thẻ ngang. Mua rượu ở siêu thị hay bar đều phải kiểm tra ID).
“Con mẹ nó chứ!”. Tôi buột miệng chửi một câu rồi kéo cô ấy xuống. Cả người tôi bỗng nóng rực lên, mạch máu ở huyệt thái dương chỉ chực chờ trào ra ngoài. Chăn rơi từ trên giường xuống, gối bị hất xuống cuối giường rồi lại quay trở về. Vòng tay cô ấy ôm trọn lấy lưng tôi, để lại vết cào nhẹ đỏ ửng. Toàn thân tôi ướt đẫm, bỗng chốc cảm thấy như có một tia sáng lóe lên, cuối cùng tôi thở dốc nằm bên cạnh cô ấy.
Một hồi lâu, Amy nhoài vào lòng tôi, giọng nhẹ nhàng mang chút mệt mỏi nói: “Lúc nãy tuyệt thật đấy! Chỉ là lúc mới bắt đầu…”, sau đấy cô ấy lại không nói nữa.
Tôi sờ lên mái tóc vàng óng ánh thêm chút xanh lục của em, tự nhiên nhớ ra chuyện gì đó, thế là vội vàng bật đèn phía đầu giường lên. Trên ga giường có chấm nhỏ màu đỏ. “Em… anh còn tưởng em…”, tôi luống ca luống cuống.
Cô ấy không nói gì cả, chỉ cười với tôi, thế là tôi ôm cô ấy vào lòng. Nghĩ tới ngày mai phải đi rồi, em cũng biết rõ điều này, nhưng làm thì cũng làm rồi, cảm xúc của tôi hỗn loạn vô cùng. Vậy mới nói tôi là một thằng lưu manh có lương tâm, chỉ có điều lương tâm không ăn được.
Dưới ánh đèn tôi mới phát hiện ra trên người em có vài vết sẹo nhỏ to khác nhau, cả những vết thương đã lành hoàn toàn. Tôi nghĩ chắc em đã phải chịu không ít khổ sở rồi.
Vì tối qua uống nhiều Coca quá, nên giữa đêm tỉnh dậy đi vệ sinh thì nhìn thấy em đang tựa cằm nhìn mình, hại tôi được phen giật mình. Em muốn tôi ôm hôn một lần nữa. Thế là lúc tôi quay trở lại, lấy trong ví ra vũ khí bí mật rồi bóc ra.
Lúc sau, tôi cười nói: “Lúc anh còn học cấp ba ở Trung Quốc, trước khi tốt nghiệp, sáu anh em cùng ký túc góp tiền mua chung hai hộp bao cao su giống hệt nhau, mỗi người một cái cất trong ví. Ai dùng đầu tiên thì phải khao mọi người, bao giờ tụ tập cũng phải cầm đi. Lấy ngày sản xuất ở phía sau với bút nhớ làm ký hiệu đánh dấu lại”.
“Các anh tốt nghiệp cấp ba mà cả ký túc vẫn còn là trai tân à?”.
“Ờm…”. Tôi thật sự thua rồi.
“Vậy bữa cơm đó, các anh đã ăn chưa? Anh không phải là người đầu tiên đấy chứ?”.
“Haha, mùa hè năm đó bọn anh ăn rồi. Ông đấy còn rất thích thú vì được khao nữa kìa”.
“Vậy được, thế thì cái này cho em đi”. Nói rồi cô ấy cầm lấy cái Durex vượt khắp núi đồi này cất đi.
Không lâu sau, trên trang chủ của bộ ngoại giao xuất hiện một tin: Cảnh sát thu được ba trăm nghìn chiếc bao cao su giả, trong đó có Durex và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác. Trước mắt những bao cao su này đã được lưu thông tại các tỉnh phía Nam. Đại diện Bộ Y tế cho biết người sử dụng sau khi dùng sẽ xuất hiện các triệu chứng bị ứng như ban đỏ, ngứa ngáy. Ngay lập tức tôi lao vào phòng kiểm tra một lúc lâu, suýt chút nữa đánh rơi cả điện thoại.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi phải quay về rồi. Tôi nói muốn đưa Amy về nhà rồi chúng tôi mới trở lại trường, em xua tay nói không cần, tự dưng em muốn phượt tiếp theo con đường này, bao giờ mệt mới quay về, trong trường hợp bố mẹ em còn muốn nhận em, chứ không phải là “hình nhân thế mạng” kia. Tôi nhận ra em cười lên mới rực rỡ chừng nào. Em đầy ắp tự tin với cuộc đời mình. Hai chúng tôi lưu lại số điện thoại cho nhau, khi nào em có chuyện gì cứ tới tìm tôi.
“Vậy anh sẽ tìm em chứ?”. Hai tay đan chéo phía sau lưng, cô ấy mỉm cười hỏi.
“Đương nhiên rồi”, tôi đáp.
“Vậy được, tạm biệt”.
“Tạm biệt”. Chúng tôi vẫy tay chào nhau. A Tam tinh tế biết tôi mệt mỏi suốt đêm rồi nên tự động ngồi vào ghế lái. Xe từ từ rời đi, khi tôi quay đầu lại đã không còn nhìn rõ bóng dáng của em.
“Cậu thật sự sẽ đi tìm cô ấy chứ?”.
“Sẽ, nhất định sẽ tìm. Chỉ là… không biết sẽ là khi nào mà thôi”, giọng tôi nhỏ dần.
“Tối qua lần đó thế nào hả? Ấn tượng sâu đậm chứ?”.
“Gì mà lần đó”, tôi giơ hai ngón tay vẫy trước mặt cậu ta, “là hai lần đó có được không ?”. Cậu ta trợn tròn mắt nhìn tôi, tôi tiếp lời: “Hôm qua còn là lần đầu tiên của mình nữa kìa…”.
“Cái gì? Cậu…”. A Tam luống cuống phanh lại một phát.
“Đừng có nói nhiều nữa đi nhanh lên! Buổi chiều còn có tiết nữa đấy!”. Tôi mắng yêu cậu ta. Có điều nhớ lại mình tối qua, tôi rất vừa lòng. Tuy kinh nghiệm thực tế là không nhưng dù sao thì cũng có chút kết quả qua nhiều năm quan sát, ha ha!
Chúng tôi quyết định nhịn bữa trưa, cuối cùng cũng kịp tiết học buổi chiều. Chúng tôi không mang theo sách nhưng không bỏ qua tiết mục điểm danh là được rồi. Lúc sau nhớ lại, thì ra hai đứa còn chưa kịp mua sách.
Trong tuần đầu tiên, hiệu sách của trường muốn khảo sát cảm nhận của sinh viên, quyết định nếu sinh viên trả sách trước thứ Hai của tuần học thứ hai sẽ được trả sách vô điều kiện. Tôi với A Tam đều là dân châu Á, vốn đã có tính tiết kiệm giản dị, mua hết sách giáo khoa trên Taobao, sau đấy gian khổ lấy máy ảnh chụp lại chỉnh tề từng trang sách. Lúc trả sách về, chúng tôi nghĩ một đống lý do mà nhân viên cửa hàng lại không hỏi gì. Từ đó, chúng tôi cầm theo máy tính bảng đi học, lúc thì mua ebook trên Taobao, lúc thì tìm ở trong album ảnh.
Kính viễn vọng của A Tam lấy được rồi, lúc chúng tôi đi học về đã thấy gói hàng đặt trước cửa nhà. A Tam cẩn thận cất “em bé yêu quý” đi, đợi chờ một cơ hội từ ban công nhìn ra phía đối diện. Tiếc là chưa kịp dùng thì đã có việc khác xảy ra. Sau khi tôi với A Tam biết có chuyện xảy ra, giống như kiểu mèo bị đốt hết đuôi, sắp nổ đến nơi nên phải vội vàng đi xem xét tình hình. Số là, một quận nằm chếch về phía Bắc so với nơi chúng tôi ở xảy ra một vụ tử vong, nạn nhân là Cha xứ của một nhà thờ, vì tên của ông ta dài quá nên ko không nhớ hết, chỉ nhớ mang máng là Mary Sue, nhưng cái cách mà ông ta chết làm cho hai chúng tôi không cách nào quên được. Toàn thân ông ta cháy đen nhưng vẫn có lượng máu lớn chảy ra.
“Cách tử vong y hệt như cách tử vong của White…”. Tôi líu ríu trong miệng.
A Tam đọc hết phần sau của mẩu tin. Lúc đó mấy chỗ lân cận cũng không có xảy ra hỏa hoạn, trừ mỗi quần áo trên người Cha xứ, đến cây gậy gỗ trong tay ông ta cũng không bị cháy. Sau khi bên pháp y giải phẫu xong kết luận là cơ thể tự bốc cháy. Lửa bắt cháy từ trong nội tạng, vậy nên ông ta sau khi mất máu quá nhiều, nội tạng cháy đen dẫn tới tử vong. Tóm lại, cái chết rất đau đớn.
Đây là một lý do có thể thuyết phục tất cả mọi người và cả các nhà khoa học nữa. Nhưng chúng tôi tin bọn họ bị một lực lượng nào đó sát hại, hơn nữa hung thủ sát hại White và Cha xứ hoặc là cùng một người, hoặc cùng là một lực lượng nào đó.
Tôi gọi điện cho Millea, đòi tiền lương xong thuận miệng nhắc luôn đến vụ này.
“Hai ngày nữa tới chỗ các cậu, tới khi đó hãy tính tiếp. Còn về tiền lương thì… ờm… dạo này tôi hơi kẹt, có thể…”.
“Còn lâu nhé! Khẳng định là không được đâu!”, tôi với A Tam đồng thanh. Năm phút sau, tài khoản của tôi báo tin nhắn nhận được khoản tiền 1.500 đô la từ ngân hàng BOA chuyển đến.
Trong tay có tiền là phải ăn uống một bữa cho tử tế đã, A Tam cầm một đống phiếu đuổi theo tôi gào lên: “Tiền ở tiền ăn uống chi phí sinh hoạt lần trước, toàn trừ vào thẻ của tớ thôi, chúng ta phải nói chuyện cho rõ ràng!”.
Ngày hôm sau Millea đã tới chỗ chúng tôi rồi. Học xong, hai đứa tôi đưa anh ta tới nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng nhất vùng Bắc Miami này. Có lần A Tam được ăn món đậu phụ kho xong, không những khen ngon mà ngay lập tức học cách cầm đũa còn khiến cậu ta tâm phục khẩu phục ẩm thực của Đại Trung Hoa chúng tôi. Millea ăn ngon tới mức hai mắt sáng rực lên, nói đây là quán món Tàu ngon nhất mà anh ta từng ăn, mặc dù anh ta đã từng ăn qua rất nhiều món Trung Quốc, trừ món gà Tả Tông Đường.
“Thật ra tôi ở trong nước chưa nghe thấy món gà Tả Tông Đường bao giờ…”. Tôi nhỏ giọng nói, trong đầu nghĩ tới là cái món trông giống thịt xào chua ngọt ở quê nhà, thịt gà ngọt muốn khé cổ. Bỗng nhiên đũa của Millea rơi xuống đất.
Tôi vươn hai tay ra, chê: “Món Tàu cậu ăn ở Panda Express, nguyên liệu thì giống chứ mùi vị tuyệt đối không phải như vậy”. Đối với một người Tứ Xuyên, tôi đoán trên thực đơn phải có hai hàng là món cay. Tôi vừa mới ăn phải ớt, nên đoán cái người đeo vòng tay kia chắc cũng vậy.
Ăn xong, Millea vẫn trỗi dậy lòng yêu nghề và sự hiếu kỳ nên anh ta nhắc tới cái chết của Cha xứ kia. Đương nhiên, lúc xảy ra vụ án anh ta không có mặt ở hiện trường, nhưng vẫn nhớ tới White “kẻ trừ tà”. Anh ta nói với chúng tôi đêm nay muốn được nhìn thấy thi thể của White.
Có một cảm giác xâm nhập và ớn lạnh bao trọn lấy cơ thể tôi và A Tam. Lúc đầu chúng tôi đích thân an táng cho White, hơn nữa lại an táng thi thể anh ta dưới bia mộ người khác. Giờ lại bắt chúng tôi đào mộ của anh ta lên.
Tuy Millea quan tâm tới chuyện này còn hơn cả chúng tôi, nhưng trước khi trời tối, chúng tôi vẫn ở trong cửa hàng bánh donut, nhìn anh ta vui vẻ ăn hết mấy cái bánh liền.
Không dễ gì mới đợi được tới buổi tối, chúng tôi lẻn vào nghĩa trang Bắc Miami. Có thể nói là nơi này đã thay đổi vận mệnh của chúng tôi. Chúng tôi trải qua thời khắc bối rối, bởi chúng tôi đều đã quên béng mất cái mộ của mấy người chết sống lại đó và mộ anh ta nằm ở đâu rồi.
Vẫn là gừng càng già càng cay, Millea quan sát kỹ độ tươi cũ của đất để phân biệt. Ban đêm cái gì cũng mù mờ, mà buổi chiều còn mưa một trận khá to, không khí ẩm ướt vô cùng, cứ có cảm giác có gì đó chặn ở cổ họng chúng tôi. Cứ một lúc lại có hai ba chiếc xe lượn quanh phía bên ngoài bức tường, may là lùm cây gần đó với bức tường che hết chúng tôi. Tôi cứ cảm giác hình như mấy cái cây đó thấp đi thì phải, nhưng lại dồi dào sức sống hơn hồi trước, lúc nào cũng có thể giơ đám rễ cây ra vồ lấy chúng tôi. Lúc đào mộ, do tôi đào không quen tay nên tâm trạng vô cùng chán ngán, quét đi quét lại phần bia mộ.
Tôi hỏi Millea: “Millea, anh có biết truyền thuyết về vụ đại hỏa hoạn ở Bắc Miami không ?”.
Anh ta vừa xúc đất vừa đáp: “Biết chứ, đấy không phải truyền thuyết mà nó thực sự đã xảy ra. Tôi nhớ vụ đó xảy ra vào năm 1958. Tôi tận mắt nhìn thấy…”. Anh ta dừng lại một lát, “Trên đống báo cũ ở thư viện chắc chắn có tin tức nhắc tới vụ đó. Đấy còn là bản tin đầu tiên của New York Times”. Ý nghĩ duy nhất trong đầu tôi lúc này là không ngờ khi ở Trung Quốc xảy ra cuộc “Đại nhảy vọt” thì ở Mỹ cũng xảy ra một bi kịch tương tự.
Lấy lại tinh thần, tôi chiếu ánh đèn qua mấy cái mộ bên cạnh. A Tam ở bên dưới quát lên: “Này này, cậu chiếu đi đâu thế hả, tớ còn đang đào ở dưới đây này”. Tôi không rảnh mà để ý tới cậu ta, tự nhiên lại cảm thấy lo lắng trong lòng.
Tôi tiếp tục hỏi Millea: “Lúc đó nhiều người chết lắm phải không?”.
Millea vẻ đau buồn đáp: “Đúng vậy, còn có cả gia đình chìm trong biển lửa. Bởi có rất nhiều thi thể không còn nguyên vẹn nên họ đều bị chôn thẳng trong đống đổ nát, lúc đó người ta chỉ có thể làm như vậy. Ngoài ra có rất nhiều thi thể đã cháy đen, không cách nào xác nhận thân phận vì khoa học kỹ thuật hồi đó không đáp ứng được. Chính phủ cũng nghĩ tới thân nhân của họ có lẽ cũng ở trong đống thi thể đó nên đem các thi thể đó chôn tập trung một chỗ”.
Anh ta nói tới đó, tôi càng cảm thấy đau đớn thay những người bị thiêu sống kia. Những cái tên được khắc trên bia mộ kia tôi không cách nào khảo cứu được, nhưng có những người còn rất trẻ lại vẫn cứ dừng lại ở 1958, bia mộ được khắc năm 1959. Đáng sợ ở chỗ không phải là tại sao lại có người khắc bia cho họ, mà là bọn họ đã bị chôn tới vài chục năm, vì cớ gì ngày hôm đó khi họ chui từ mộ lên, cơ thể hoàn toàn không có phân hủy?
Tôi không dám nghĩ tiếp nữa.
Lúc này Millea và A Tam đều đã đào được hai chiếc quan tài, tôi nhìn thấy hai chiếc quan tài đều bắt đầu ẩm mốc thối rữa tôi mới thả lỏng được tâm trạng, xem ra đúng là cũng được vài năm rồi. Phía dưới không có khí lạnh bốc lên, không giống như xác được ướp lạnh. Khi mà tôi với A Tam chôn bọn họ xuống cũng chả thấy lạnh mấy.
Khoảnh khắc hai người họ mở nắp quan tài ra, tim tôi như bật khỏi lồng ngực. Tôi sợ những người bị thiêu sống đó “sống lại” một lần nữa, nhe hàm răng hoen ố đầy máu cắn về phía Millea và Summit, đẩy bọn họ ngã xuống, dùng móng nhọn xé toạc phần đầu họ lôi ra cắn. Nắp hòm mở ra làm tôi sợ hãi run rẩy suýt chút nữa thì ngã nhào xuống đất.
Xác của White biến mất rồi.
Chúng tôi bối rối rồi dần dần mới bình tĩnh lại. Tôi nhớ ra, lúc đó chúng tôi chôn bốn cái xác vào ba mộ cơ. Thế là cả lũ vội vàng đào cái mộ thứ ba bên cạnh lên. Giống như hai cái trước, ngoài mấy thứ bắt đầu phân hủy cả giun với giòi từ các xác chết kia bò ra, hoàn toàn không có thi thể của White. Lúc anh ta bị cháy đen vẫn có máu chảy từ ngũ tạng ra, tôi nhớ rất rõ điều này. Nhưng bây giờ đến một vệt máu cũng không thấy. Xác của White đúng là không cánh mà bay rồi.
Tôi với A Tam rõ ràng không cách nào an tâm cho được, rõ ràng chính tay bọn tôi đã chôn thi thể anh ta xuống rồi. Millea cố gắng nhẫn nhịn ngửi mùi thối để quỳ xuống, lấy ngón tay cào cào viền nắp quan tài. Tôi với A Tam chỉ yên lặng nhìn anh ta. Tôi đang cầm đèn soi hộ anh ta thì đột nhiên nhìn thấy anh ta chăm chú nhìn ngón tay mình, cơ thể run nhẹ một cái. Anh ta giữ lấy tư thế ngón tay chỉ lên trên, từ từ tiến về phía chúng tôi.
Cả hai đứa tôi đều nhìn thấy trên ngón tay hơi dài của anh ta có dính một chút bột gì đó màu vàng nhạt. Tôi ngửi ra nó ngay tức khắc là mùi của lưu huỳnh bởi hồi còn ở Trung Quốc tôi cùng mẹ đi Thanh Viễn chơi, sau này về Miên Dương , tắm suối nước nóng ở núi La Phù cũng ngửi thấy mùi này, đúng thật là mùi của lưu huỳnh không thể sai được.
Đây là kiến thức phổ thông trong kinh thánh, hồi trước mẹ tôi cứ truyền thụ mấy thứ dở hơi không đâu có nhắc tới nó. Nơi mà ma quỷ đi tới sẽ để lại lưu huỳnh.
Millea cứ như là đang đọc được suy nghĩ của tôi, anh ta nghiêm túc nói: “Ác quỷ từng tới đây”, rồi như sợ chúng tôi không hiểu, anh ta bổ sung thêm một câu: “Chính là cái thứ ở địa ngục như trong truyền thuyết ý”.
Thân là những nhà trừ tà phương Đông đầy kinh nghiệm, hai đứa tuyệt nhiên sẽ không hỏi anh ta những câu hỏi sơ đẳng nhất. Thế là tôi hỏi anh ta một câu đơn giản: “Thế thì chỗ này được coi là lãnh thổ của ma quỷ rồi à?”.
Millea không cần suy nghĩ trả lời lại ngay: “Đây là nhân gian, không có chỗ cho cả thiên thần và ma quỷ. Trừ khi…”. Cái từ phía sau cùng đó, Millea nói lí nhí khiến tôi không tài nào nghe được, có lẽ do anh ấy đang phân vân không biết nên nói hay không. Có điều hai kẻ không có tí khái niệm nào về những thứ đó như chúng tôi đương nhiên sẽ không hỏi quá sâu vào vấn đề.
Lúc này, chàng trai ngốc nghếch A Tam tới từ Ấn Độ của chúng ta nghĩ tới một nơi đã bị chúng tôi vô tâm bỏ qua - nhà thờ bên cạnh nghĩa trang.
Trong vụ đại hỏa hoạn ở Bắc Miami mà chúng tôi nghe được, duy chỉ có nhà thờ làm bằng đá là may mắn thoát nạn. Nhà thờ và nghĩa trang chỉ cách nhau có một bức tường. Khổ nỗi dù sao thì chúng tôi cũng không còn gì để làm ở nơi này nữa nên quyết định qua bên nhà thờ kia xem sao.
Tới gần nhà thờ thì Millea cau mày.
“Sao vậy?”. A Tam đi phía sau thấy bộ dạng anh ta như vậy liền hỏi.
“Không có gì, cứ vào đi. Tôi… chỉ là tôi thấy nếu Cha đã ngủ rồi, chúng ta làm phiền thế này cũng không hay cho lắm”. Anh ta bước thêm một bước rồi đứng lại.
Tôi đi phía trước nên không nhìn thấy, vô tư nói: “Không sao đâu. Tôi nghe đâu nhà thờ này không khóa, Chúa, hừm, lúc nào cũng chào đón chúng ta tới giãi bày”. Nói xong tôi mới nhớ ra mình đang ở trước mặt một người Mỹ, giả vờ thế này có quá đáng không cơ chứ! Lúc nhắc tới Chúa, tôi cứ như nuốt phải con bọ gì đó.
Khi tôi đang định giơ tay ra mở cửa, “Đừng có mở!”. Millea ngăn tôi lại. Một tên tham sống sợ chết như tôi nghe thấy thế thì ngay lập tức rụt tay về.
Millea rút chiếc chìa khóa màu bạc ra, nhổ nhổ thứ gì đó trên cây thánh giá. Cây thánh giá màu đen cọt kẹt xoay một trăm tám mươi độ, rung nhẹ. Tôi để ý thấy thì ra cây thánh giá bị ngược, trên dài dưới ngắn, bị Millea xoay lại mới là chuẩn.
Anh ta tiếp tục lấy chiếc chìa khóa cắm vào, cửa bị đẩy một lực vừa phải mở ra. Millea mới quay lại nói với chúng tôi: “Nếu như đây là nhà thờ, thì tôi thấy, nó sẽ là nhà thờ của ma quỷ”.
Lời vừa dứt, chúng tôi nín chặt mấy âm thanh sợ hãi lại trong miệng. Ánh trăng chiếu vào qua khe cửa sổ ở chính giữa bức tường đối diện chúng tôi. Cộng thêm cả ánh đèn nên chúng tôi nhìn thấy rất rõ.
Bức chân dung quỷ Satan là Lucifer đỏ lòm giăng kín một mặt tường, màu đỏ kinh hồn đó dường như vẫn đang ẩn hiện mập mờ trong bóng tối.