C
ó lúc ngài nhấn mạnh về việc trưởng thành, có lúc ngài lại nói “Hãy giống như đứa trẻ”. Nếu áp dụng thái độ trưởng thành, tôi cảm thấy đứa trẻ trong tôi bị kìm nén và không thể bộc lộ. Nếu tôi để cho đứa trẻ trong tôi nhảy múa, ca hát, vậy thì thái độ trẻ con sẽ xuất hiện. Tôi phải làm sao đây?
Trưởng thành không có nghĩa là áp dụng thái độ trưởng thành. Trên thực tế, việc áp dụng thái độ trưởng thành là một trong những rào cản lớn nhất trên con đường trưởng thành. “Áp dụng” có nghĩa là điều gì đó áp đặt; áp dụng có nghĩa là điều gì đó được luyện tập mà thành. Điều đó không nảy sinh từ bạn. Nó là một chiếc mặt nạ, một khuôn mặt tô vẽ; nó không phải là bản thể thật của bạn. Đó là điều mọi người đã và đang làm. Đó là lý do tại sao mọi người trên trái đất này chỉ có vẻ trưởng thành - họ không thật sự trưởng thành, họ hoàn toàn chưa trưởng thành. Tận sâu bên trong, họ có những thái độ do mài giũa mà ra và họ vẫn trẻ con. Sự trưởng thành của họ chỉ nằm trên da thịt, hoặc thậm chí còn không được đến mức đó.
Hãy cào nhẹ một người nào đó và bạn sẽ thấy sự non nớt rơi ra từ anh ta. Và không chỉ những người được gọi là bình thường - hãy cào nhẹ lên các thánh nhân, các chính trị gia hoặc các nhà lãnh đạo của bạn và bạn sẽ thấy sự thiếu trưởng thành của họ. Hãy quan sát bất kỳ quốc hội nào trên thế giới, bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy một đám đông nào có nhiều người chưa trưởng thành và non nớt đến như vậy.
Con người đã tự lừa dối bản thân và lừa dối người khác. “Áp dụng” nghĩa là bạn không có thật, bạn là đồ giả. Tôi không bảo bạn áp dụng bất cứ điều gì. Hãy hiện hữu! Áp dụng là rào cản giữa bạn và sự hiện hữu. Và cách duy nhất để hiện hữu là bắt đầu từ đầu. Bởi vì cha mẹ đã không cho phép bạn hiện hữu trong tuổi thơ của mình nên bạn đang bị mắc kẹt đâu đó. Tuổi tâm lý của những người được gọi là bình thường còn không vượt ra khỏi độ tuổi từ mười đến mười ba, thậm chí chưa đến mười bốn! Và bạn có thể đã bảy mươi hoặc tám mươi, nhưng tuổi tinh thần của bạn vẫn bị mắc kẹt đâu đó trước khi bạn trưởng thành về tính dục. Khi một người trưởng thành về tính dục ở tuổi mười ba hoặc mười bốn, số phận của anh ta sẽ được định đoạt. Sau đó, anh ta tiếp tục trở nên ngày càng giả hơn. Một cái giả sẽ được che đậy bằng nhiều cái giả khác, một lời nói dối sẽ được lấp liếm bằng nhiều lời nói dối khác, và sẽ không có điểm dừng. Bạn sẽ trở thành một đống rác - đó là sự thật về thứ gọi là tính cách. Tính cách phải bị loại bỏ, chỉ khi đó tính cá nhân - cá tính - mới xuất hiện. Tính cách và cá tính là hai thứ khác nhau. Tính cách chỉ là thứ phô diễn; nó là một sự trưng bày chứ không phải thực tế.
Tính cá nhân là thực tế của bạn, không phải là thứ để phô diễn. Người ta có thể đào bao sâu tùy thích vào con người bạn và sẽ tìm thấy cùng một hương vị. Tương truyền, Đức Phật đã nói: “Con có thể nếm bất kỳ chỗ nào trong ta và sẽ tìm thấy cùng một hương vị, giống như khi con nếm bất kỳ ngụm nước nào từ đại dương và thấy nó đều có vị mặn”. Tính cá nhân là toàn vẹn, là một tổ chức thống nhất. Tính cách là mang tính phân liệt: tâm điểm là một chuyện, ngoại vi lại là chuyện khác, và chúng không bao giờ giao nhau. Chúng không chỉ không bao giờ giao nhau, chúng không chỉ khác nhau, mà còn đối lập với nhau, thường xuyên xung đột với nhau.
Cho nên, điều đầu tiên cần hiểu là đừng bao giờ áp dụng một thái độ trưởng thành. Hoặc trưởng thành hoặc chưa trưởng thành. Nếu bạn chưa trưởng thành, hãy cứ chưa trưởng thành - khi chấp nhận mình chưa trưởng thành, bạn sẽ cho phép bản thân trưởng thành. Khi đó, hãy cứ chưa trưởng thành; đừng giả dối, hãy cứ thành thật về chuyện đó. Nếu bạn còn non nớt, vậy cứ non nớt - có sao đâu? Hãy cứ non nớt. Hãy chấp nhận chuyện đó, sống với nó. Đừng tạo ra sự ngăn cách trong bản thể của bạn, vì nếu như vậy, bạn sẽ tạo nền móng cho sự điên rồ. Bạn chỉ cần là chính mình.
Không có gì sai với việc là một người non nớt. Bởi vì được dạy bảo rằng có gì đó sai với sự non nớt nên bạn bắt đầu áp dụng các thái độ. Ngay từ thời thơ ấu, bạn đã tìm cách để trưởng thành, và làm sao một đứa trẻ có thể là người trưởng thành? Một đứa trẻ là một đứa trẻ; nó phải có tính trẻ con.
Nhưng điều đó không được phép xảy ra, cho nên đứa trẻ trở thành các nhà ngoại giao - chúng bắt đầu giả vờ, chúng bắt đầu hành xử giả dối, chúng trở thành những lời nói dối ngay từ đầu và lời nói dối đó không ngừng phát triển. Và rồi đến một ngày, bạn bắt đầu tìm kiếm sự thật; bạn phải tìm đến kinh sách nhưng kinh sách không chứa đựng bất kỳ chân lý nào. Chân lý nằm trong bản thể của bạn, đó mới là kinh sách thật sự. Kinh Vệ Đà, Kinh Koran, Kinh Thánh, tất cả đều ở trong ý thức của bạn! Bạn đang mang theo tất cả những gì mình cần, đó là món quà từ Thượng đế. Mọi người đều được sinh ra với chân lý trong bản thể của mình - cuộc sống là chân lý. Nhưng bạn bắt đầu học những lời nói dối.
Hãy bỏ hết những lời nói dối. Hãy can đảm, và lẽ tự nhiên là bạn sẽ cảm thấy một nỗi sợ rất lớn xuất hiện, bởi vì bất cứ khi nào bạn từ bỏ tính cách thì tính trẻ con của bạn - thứ không được phép xuất hiện - sẽ xuất hiện. Và bạn sẽ cảm thấy lo sợ: “Chuyện gì thế này! Lúc này mình lại trẻ con hay sao? Khi ai cũng biết mình là một giáo sư tài giỏi - hay một bác sĩ, một kỹ sư - và mình có bằng tiến sĩ, và bây giờ mình lại trẻ con ư?”. Nỗi sợ xuất hiện - nỗi sợ khi phải đối mặt với ý kiến của đám đông, với ý nghĩ của người khác. Chính nỗi sợ đó đã hủy hoại bạn ngay từ đầu. Chính nỗi sợ đó đã trở thành thuốc độc: “Mẹ sẽ nghĩ gì? Cha sẽ nghĩ gì? Mọi người sẽ nghĩ gì, thầy cô và xã hội sẽ nghĩ gì?”. Và đứa trẻ đó bắt đầu trở nên tinh ranh - nó sẽ không bộc lộ trái tim của nó. Nó biết điều đó sẽ không được người khác chấp nhận, cho nên nó tạo ra một khuôn mặt, một lớp ngụy trang. Nó sẽ phơi bày những gì người khác muốn thấy. Đây là ngoại giao, đây là chính trị, đây là thuốc độc!
Mọi người đều chơi trò chính trị. Bạn mỉm cười bởi vì điều đó có lợi, bạn khóc bởi vì người ta mong đợi bạn khóc. Bạn nói một điều gì đó bởi vì nó khiến mọi thứ dễ dàng. Bạn phải nói với vợ rằng “Anh yêu em” bởi vì những lời đó khiến cô ấy im lặng. Bạn phải nói với chồng rằng “Em không thể sống thiếu anh, anh là người duy nhất trong thế giới của em, anh là cuộc sống của em” bởi vì người chồng mong đợi bạn nói như vậy, chứ đó không phải là những lời đến từ cảm nhận thật của bạn. Nếu bạn cảm nhận được điều đó, nó sẽ chứa đựng vẻ đẹp, nó sẽ là một bông hồng thật. Nếu bạn chỉ đang giả vờ vuốt ve cái tôi của người chồng, nịnh bợ anh ta bởi vì bạn còn cần đến anh ta ở một số việc, vậy thì đó là bông hoa giả, bông hoa bằng nhựa.
Và bạn bị nặng gánh với quá nhiều món đồ nhựa, đó chính là vấn đề. Thế giới không phải vấn đề. Những người được gọi là có đạo cứ mãi nói: “Hãy từ bỏ thế giới”. Tôi nói với bạn rằng thế giới này không có chút vấn đề nào. Hãy từ bỏ sự giả dối - sự giả dối đó mới là vấn đề. Hãy từ bỏ những thứ nhân tạo - những thứ nhân tạo đó mới là vấn đề. Không cần phải từ bỏ gia đình, hãy từ bỏ cái ngụy gia đình mà bạn đã tạo ra ở đó.
Hãy chân thật, đáng tin. Đôi khi, bạn sẽ rất đau đớn khi chân thật và đáng tin, điều đó không hề rẻ. Không chân thành và không đáng tin mới rẻ, nó thuận tiện và thoải mái. Đó là một thủ thuật, một chiến lược để bảo vệ bản thân; nó là chiếc áo giáp. Nhưng khi đó, bạn sẽ bỏ lỡ sự thật mà bạn đã mang trong linh hồn của mình. Khi đó, bạn sẽ không bao giờ biết về Thượng đế, bởi vì Thượng đế chỉ có thể được biết bên trong bạn. Đầu tiên là bên trong, sau đó là bên ngoài; bên trong trước, bên ngoài sau - bởi vì đó là điều gần nhất với bạn, với bản thể của bạn. Nếu bỏ lỡ Thượng đế, làm sao bạn có thể nhìn thấy Thượng đế ở Krishna, ở Chúa Jesus, ở Phật? Tất cả đều vô nghĩa. Bạn không thể nhìn thấy Thượng đế ở Chúa nếu không nhìn thấy Thượng đế trong chính bạn. Và làm sao bạn có thể nhìn thấy Thượng đế trong chính bạn nếu không ngừng tạo ra những lời nói dối quanh mình? Những lời nói dối đó nhiều đến mức bạn gần như quên mất con đường đến với bản thể của bạn. Bạn bị lạc trong khu rừng dối trá.
Frederick Nietzsche nói rằng con người không thể sống thiếu những lời nói dối; và ông ấy nói đúng với khoảng 99% dân số. Tại sao con người không thể sống thiếu những lời nói dối? Bởi vì những lời nói dối có vai trò như những lớp đệm, lớp giảm xóc. Những lời nói dối có chức năng như một lớp bôi trơn; có thể lòng bạn đầy giận dữ, phẫn nộ, nhưng bạn vẫn nói với vợ “Anh yêu em”. Việc bộc lộ cơn giận đó sẽ khiến bạn gặp rắc rối.
Nhưng hãy nhớ, chừng nào bạn không thể bộc lộ cơn giận của mình, bạn sẽ không bao giờ biết cách thể hiện tình yêu. Một người không thể tức giận cũng không thể yêu thương, bởi vì anh ta phải kìm nén cơn giận của mình quá nhiều đến mức không thể bày tỏ được bất kỳ điều gì khác, bởi vì tất cả đều liên kết với nhau bên trong bản thể của bạn, chúng không tách rời nhau. Không có ngăn chứa riêng cho giận dữ và yêu thương; chúng ở cùng nhau, hòa vào nhau. Đó là cùng một năng lượng. Nếu kìm nén cơn giận, bạn cũng sẽ phải kìm nén tình yêu. Nếu bày tỏ tình yêu, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cơn giận sẽ xuất hiện cùng với nó. Hoặc kìm nén tất cả, hoặc bày tỏ tất cả. Bạn phải hiểu được phương thức của thể thống nhất bên trong bạn. Hoặc bày tỏ hoặc kìm nén. Bạn không thể lựa chọn kìm nén cơn giận và bày tỏ tình yêu; khi bạn lựa chọn như vậy, tình yêu của bạn sẽ giả dối bởi vì nó không chứa đựng sự nồng nhiệt, không chứa đựng hơi ấm. Nó sẽ chỉ là một thói cầu kỳ, một hiện tượng thoáng qua, và bạn sẽ luôn ngại đi sâu vào bên trong.
Người ta chỉ giả vờ yêu vì họ được mong đợi như vậy. Họ yêu con cái, họ yêu vợ hoặc chồng, bạn bè, bởi vì họ được mong đợi làm những việc như vậy. Họ hoàn thành những việc đó như thể chúng là nghĩa vụ. Không có sự mừng vui nào trong đó. Bạn về nhà và xoa đầu con cái chỉ vì đó là điều được mong đợi, chỉ vì đó là việc cần làm, nhưng không có niềm vui trong đó - nó lạnh lùng, không có sự sống. Và đứa trẻ sẽ không bao giờ tha thứ cho bạn bởi vì một cái xoa đầu lạnh lùng là thứ xấu xí. Và đứa trẻ cảm thấy xấu hổ, bạn cảm thấy xấu hổ.
Bạn làm tình với người phụ nữ của mình nhưng không bao giờ tiến sâu vào đó. Nó có thể thật sự đưa bạn đi xa, nó có thể đưa bạn đến phúc lành tối thượng, bạn có thể tan vào trong nó. Nhưng nếu không bao giờ cho phép cơn giận bộc phát và không bao giờ hòa vào cơn giận của mình, làm sao bạn có thể cho phép tình yêu hòa vào bạn? Và bạn sẽ ngạc nhiên khi biết đã có nhiều trường hợp đàn ông giết người phụ nữ mình yêu bởi vì khi anh ta bày tỏ tình yêu, cơn giận cũng đột nhiên xuất hiện. Anh ta giết chết người tình, khiến cô ấy chết ngạt; nhưng anh ta không phải là kẻ sát nhân; xã hội phải chịu trách nhiệm cho hành động đó. Anh ta chỉ đơn giản si mê quá mức và đi quá sâu vào tình yêu. Khi bạn đi quá sâu, bạn sẽ trở nên hoang dại, bởi vì sự văn minh của bạn chỉ ở trên bề mặt. Sau đó, cơn giận sẽ xuất hiện, tất cả những gì ẩn bên trong bạn sẽ trồi lên và bạn gần như hóa điên.
Để tránh tình trạng điên rồ đó, bạn làm tình theo cách rất hời hợt. Nó chưa bao giờ là một hiện tượng sâu sắc. Đúng vậy, mọi người đã đúng khi nói rằng nó chỉ giống như một cái hắt hơi: nó giải phóng sự căng thẳng, nó giải tỏa một năng lượng nào đó đang đè nặng lên bạn. Nhưng đây không phải là bức tranh thật sự của tình yêu. Tình yêu phải cực lạc, không giống như cái hắt hơi, không chỉ là giải tỏa mà là nhận biết, giải thoát. Chừng nào chưa biết đến tình yêu như một sự giải thoát, như cực lạc, như samadhi, bạn vẫn chưa biết thế nào là yêu. Nhưng chuyện đó chỉ xảy ra nếu bạn không giả dối, nếu bạn chân thành trong mọi việc - nếu bạn cho phép cơn giận, nếu bạn cho phép tiếng cười, nếu bạn cho phép nước mắt, nếu bạn cho phép tất cả được bộc lộ. Nếu bạn chưa bao giờ ngăn cản, chưa bao giờ kìm nén bất cứ điều gì, chưa bao giờ kiểm soát - nếu bạn đã sống một cuộc sống không kiểm soát.
Và hãy nhớ, khi nói không kiểm soát, tôi không nói về một cuộc sống phóng túng. Cuộc sống không kiểm soát có thể rất kỷ luật, nhưng tính kỷ luật đó không bị áp đặt từ bên ngoài. Nó không phải là một thái độ được bạn kỳ công áp dụng. Tính kỷ luật đó đến từ những trải nghiệm nội tâm của bạn. Nó đến từ cuộc gặp gỡ với mọi khả năng trong con người bạn. Nó đến từ việc trải nghiệm mọi khía cạnh, nó đến từ việc khám phá mọi chiều hướng. Nó đến từ việc hiểu. Bạn đã giận dữ và đã hiểu được điều gì đó bên trong nó - sự hiểu biết đó sẽ tạo ra kỷ luật. Nó không phải là kiểm soát. Kiểm soát là xấu, kỷ luật là đẹp.
Trong tiếng Anh, “kỷ luật” là discipline và discipline còn có nghĩa là khả năng học hỏi, do đó mới có từ disciple, môn đồ, người có khả năng học hỏi. Kỷ luật không có nghĩa là kiểm soát, nó có nghĩa là khả năng học hỏi. Một người có kỷ luật là người không ngừng học hỏi qua trải nghiệm sống, đi sâu vào mọi thứ mà không e ngại - người chấp nhận rủi ro, khám phá và mạo hiểm, người luôn sẵn sàng đi vào đêm tối của chốn vô định, người không đeo bám vào những gì đã biết và luôn sẵn sàng mắc sai lầm, luôn sẵn sàng vấp ngã và luôn sẵn sàng chấp nhận bị người khác chế giễu. Chỉ những người có đủ can đảm bị gọi là kẻ ngốc mới có khả năng sống, yêu, biết và hiện hữu.
Sự trưởng thành đến từ việc trải nghiệm cuộc sống ngày càng nhiều hơn, ngày một sâu hơn, chứ không phải bởi né tránh cuộc sống. Khi né tránh cuộc sống, bạn vẫn trẻ con.
Còn một điều nữa: khi nói hãy giống như một đứa trẻ, tôi không có ý nói đến tâm tính trẻ con. Một đứa trẻ phải có tâm tính trẻ con, bằng không, nó sẽ bỏ lỡ trải nghiệm tuyệt vời của tuổi thơ. Nhưng dù bạn trẻ hay già, tính trẻ con chỉ đơn giản cho thấy bạn chưa trưởng thành. Để giống như một đứa trẻ là một hiện tượng hoàn toàn khác. Nó có nghĩa là gì? Thứ nhất, đứa trẻ luôn trọn vẹn - cho dù làm gì, đứa trẻ cũng tham gia trọn vẹn vào trong đó, nó không bao giờ nửa vời. Nếu nó đang nhặt vỏ sò trên bãi biển, mọi thứ khác sẽ biến mất khỏi ý thức của nó, tất cả những gì nó quan tâm lúc đó là vỏ sò và bãi biển. Nó tham gia trọn vẹn, hoàn toàn bị cuốn vào trong đó. Phẩm chất sống trọn vẹn là một trong những phẩm chất cơ bản của một đứa trẻ. Đó là sự tập trung, đó là sự mãnh liệt, đó là sự toàn vẹn.
Và điều thứ hai: đứa trẻ luôn ngây thơ. Nó hành động từ trạng thái không biết. Hành động của nó không bắt nguồn từ kiến thức bởi vì nó không có kiến thức. Hành động của bạn bắt nguồn từ kiến thức. Kiến thức có nghĩa là quá khứ, kiến thức có nghĩa là cái cũ và cái đã biết, kiến thức có nghĩa là thứ bạn đã cóp nhặt. Và mỗi tình huống mới đều mới mẻ, không có kiến thức nào áp dụng được cho nó. Tôi không nói về kỹ thuật hay công nghệ - ở những lĩnh vực này, kiến thức áp dụng được bởi vì máy móc luôn là máy móc. Nhưng khi bạn hành xử trong bầu không khí của con người, khi bạn giao tiếp với con người, không có tình huống nào giống nhau hay lặp lại. Mỗi tình huống đều là duy nhất. Nếu muốn hành động đúng đắn trong đó, bạn sẽ phải hành động thông qua trạng thái không biết, giống như một đứa trẻ. Đừng mang kiến thức vào trong đó, hãy quên đi mọi kiến thức. Hãy hồi đáp cái mới theo cách mới, đừng dùng cái cũ để hồi đáp cái mới. Nếu dùng cái cũ để hồi đáp, bạn sẽ bỏ lỡ vì không có cầu nối giữa bạn và những gì đang xảy ra quanh bạn. Bạn sẽ luôn bị chậm, bạn sẽ luôn bỏ lỡ chuyến tàu.
Con người không ngừng mơ về một chuyến tàu, và trong mơ, họ luôn bỏ lỡ chuyến tàu đó. Trong giấc mơ, người đó đang vội vã chạy tới nhà ga, và khi anh ta tới nơi, tàu đã rời sân ga. Giấc mơ này lặp đi lặp lại với hàng triệu người, đây là một trong những giấc mơ phổ biến nhất. Tại sao hàng triệu người lại mơ cùng giấc mơ ấy? Họ đang bỏ lỡ cuộc sống. Họ luôn chậm. Luôn có khoảng cách. Họ cố thử nhưng cây cầu không bao giờ được bắc. Họ không thể gần gũi, họ không thể đi vào bất cứ điều gì, có gì đó đang cản trở họ. Chính kiến thức đang cản trở họ.
Tôi dạy bạn sự không biết. Và khi tôi nói hãy giống như một đứa trẻ, ý của tôi là hãy luôn học hỏi, đừng bao giờ trở thành người có kiến thức. Kiến thức là một hiện tượng chết, học hỏi là một quá trình sống động. Và người học phải nhớ điều này - anh ta không thể hoạt động từ quan điểm của kiến thức.
Bạn đã quan sát chưa? Trẻ nhỏ học rất nhanh. Nếu sống trong môi trường đa ngôn ngữ, đứa trẻ sẽ học được tất cả ngôn ngữ đó. Nó học ngôn ngữ của mẹ, ngôn ngữ của cha, ngôn ngữ của người hàng xóm - nó có thể học ba hoặc năm ngôn ngữ một cách rất dễ dàng. Một khi bạn đã học một ngôn ngữ, sẽ rất khó để bạn học thêm một ngôn ngữ khác bởi vì lúc này, bạn bắt đầu hành động từ quan điểm của người có kiến thức. Người ta nói rằng bạn không thể dạy con chó già những trò mới. Đúng là như vậy. Nhưng điều gì khiến con chó già? Không phải tuổi vật lý, bởi vì một Socrates không ngừng học hỏi ngay cả khi ông ấy sắp chết; một vị Phật cũng không ngừng học hỏi cho đến tận cuối đời. Vậy điều gì khiến con chó già? Kiến thức khiến nó già.
Đức Phật luôn trẻ, Krishna luôn trẻ. Chúng ta không có một bức tượng nào mô tả Đức Phật hay Krishna như người già. Không phải là họ không bao giờ già. Krishna sống đến tám mươi tuổi, rất già, nhưng có gì đó trong ông ấy vẫn luôn trẻ trung, giống như đứa trẻ. Ông ấy tiếp tục hành động từ trạng thái không biết.
Cho nên, đầu tiên, khi tôi nói hãy giống như đứa trẻ, ý của tôi là hãy toàn vẹn. Và thứ hai, hãy luôn là người học hỏi, hành động từ trạng thái không biết. Đó là định nghĩa về sự ngây thơ: hành động từ trạng thái không biết chính là ngây thơ.
Điều thứ ba, và cũng là cuối cùng: một đứa trẻ có khuynh hướng tin tưởng một cách tự nhiên, bằng không, nó không thể sống sót được. Khi đứa trẻ được sinh ra, nó tin tưởng người mẹ, tin tưởng vào dòng sữa, tin rằng nguồn sữa đó sẽ nuôi dưỡng nó, tin rằng mọi thứ đều tốt đẹp. Nó tin tưởng tuyệt đối, không có bất kỳ nghi ngờ nào. Nó không sợ bất cứ điều gì. Nó tin tưởng đến mức làm cho người mẹ sợ hãi - bởi vì nó có thể chơi với rắn. Sự tin tưởng của nó lớn đến mức nó có thể cho tay vào lửa. Nó tin tưởng vô cùng, nó không biết sợ, không biết nghi ngờ. Đó là phẩm chất thứ ba của đứa trẻ.
Nếu bạn có thể biết được thế nào là tin tưởng, nếu bạn có thể học lại cách tin tưởng, chỉ khi đó bạn mới biết thế nào là tính thiêng liêng, chỉ khi đó bạn mới nhận ra đâu là chân lý. Bạn phải hiểu điều này.
Khoa học phụ thuộc vào sự hoài nghi - đó là lý do vì sao toàn bộ nền giáo dục đã trở thành nền giáo dục của hoài nghi. Khoa học phụ thuộc vào sự hoài nghi, nó không thể phát triển mà không hoài nghi. Tinh thần tôn giáo phụ thuộc vào sự tin tưởng, nó không thể xảy ra nếu không có sự tin tưởng. Đây là hai chiều hướng hoàn toàn đối lập.
Hãy nhớ, nếu đưa sự tin tưởng vào một công trình nghiên cứu khoa học, bạn sẽ bỏ lỡ toàn bộ ý nghĩa của công trình đó. Bạn sẽ không đạt được gì, bạn sẽ không khám phá được gì. Sự hoài nghi là phương thức hoạt động ở đó. Bạn phải hoài nghi, hoài nghi và hoài nghi; bạn phải luôn hoài nghi cho đến khi tìm thấy thứ gì đó không thể hoài nghi được nữa, không thể nghi ngờ được nữa. Chỉ khi đó bạn mới phải chấp nhận - nhưng vẫn còn một chút hoài nghi rằng ngày mai, các bằng chứng mới sẽ xuất hiện và toàn bộ điều này sẽ bị phủ nhận. Cho nên, bạn chỉ chấp nhận ở thời điểm hiện tại… Khoa học không bao giờ đưa ra kết luận về một chân lý tối thượng, mà chỉ kết luận ở mức thăm dò, gần đúng. Nó chỉ được chấp nhận là chân lý vào lúc này, bởi vì ai mà biết được? Ngày mai, các nhà nghiên cứu sẽ tìm thấy những bằng chứng mới, dữ liệu mới. Cho nên, khoa học chỉ đưa ra các giả thuyết, những kết luận có tính thăm dò, ngẫu nhiên. Những gì Newton phát hiện đã bị Albert Einstein bác bỏ, và những gì Albert Einstein phát hiện sẽ bị người khác bác bỏ. Trong khoa học, hoài nghi là phương thức hoạt động. Nó không cần lòng tin. Bạn chỉ cần tin khi không có khả năng nghi ngờ - và ngay cả điều đó cũng chỉ được chấp nhận ở hiện tại. Bạn có thể làm gì? Bởi vì bạn không thể hoài nghi thêm được nữa. Bạn đã xem xét từ mọi phía, mọi hoài nghi đều không còn nữa và đã xuất hiện một sự chắc chắn nhất định.
Tôn giáo là một chiều hướng đối lập hoàn toàn. Nếu như hoài nghi là phương thức của khoa học thì đức tin là phương thức của tôn giáo. Vậy sự tin tưởng đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa rằng chúng ta không tách rời khỏi sự hiện hữu, rằng chúng ta là một phần của sự hiện hữu, rằng đây là nhà của chúng ta. Rằng chúng ta thuộc về nó, rằng nó thuộc về chúng ta, rằng chúng ta không phải là kẻ vô gia cư, rằng vũ trụ là một nơi che chở, yêu thương. Đối với vũ trụ, chúng ta có thể là những đứa trẻ giống như đứa trẻ tin rằng mỗi khi nó cần gì, người mẹ sẽ đến và chăm sóc nó - khi nó đói, người mẹ sẽ đến cho nó bú, khi nó cảm thấy lạnh, người mẹ sẽ đến ôm nó và sưởi ấm cho nó, yêu thương, chăm sóc nó. Đứa trẻ tin tưởng. Tất cả những gì đứa trẻ cần làm là la khóc mỗi khi cần gì đó để người mẹ chú ý đến nó, tất cả chỉ có vậy.
Sự hoài nghi không có tác dụng trong trải nghiệm tôn giáo, giống như sự tin tưởng không có tác dụng trong khám phá khoa học. Khoa học có nghĩa là khám phá cái bên ngoài còn tôn giáo có nghĩa là khám phá cái bên trong. Khoa học là tôn giáo của sự vật, tôn giáo là khoa học của bản thể. Sự hoài nghi là cánh cửa mở ra sự vật. Sự tin tưởng là cánh cửa mở ra bản thể. Chỉ bằng tin tưởng, bạn mới biết được tính thiêng liêng. Và bạn phải sử dụng cả sự hoài nghi và tin tưởng. Tôi gọi một người hiểu biết là người có thể sử dụng cả hai. Khi làm việc trong phòng thí nghiệm khoa học, người đó sử dụng sự hoài nghi, nghi ngờ, logic; khi cầu nguyện, thiền, người đó sử dụng sự tin tưởng. Và rồi anh ta sẽ tự do - anh ta không bị giới hạn bởi sự hoài nghi hay tin tưởng.
Giống như việc bạn không thể nhìn thấy một bông hoa bằng tai - dù đôi tai của bạn có nhạy cảm đến nhường nào, dù đôi tai của bạn có nhạc tính đến đâu, bạn cũng phải nhìn bằng mắt. Đôi mắt thật đẹp nhưng chúng cũng có những giới hạn - bạn không thể nghe nhạc bằng mắt. Ngay cả âm nhạc vĩ đại nhất cũng không thể đi xuyên qua mắt. Mắt bị điếc, bạn phải nghe bằng tai. Nhưng đừng để bị giới hạn bởi mắt hoặc tai, bằng không, bạn vẫn nghèo. Bạn có cả hai! Cho nên, khi bạn muốn nhìn, hãy dùng mắt, còn khi muốn nghe, hãy nhắm mắt lại.
Cho nên, khi tôi nói hãy trở thành đứa trẻ, ý tôi muốn nói tới ba phẩm chất này của trẻ nhỏ: sự toàn vẹn, duy trì sự không biết cho dù có kiến thức và tin tưởng.
Tính trẻ con là một kiểu trạng thái tình cảm ủy mị. Nó không cần cho bạn. Mọi đứa trẻ đều phải được phép có tính trẻ con, cũng như mọi người lớn phải được phép có tính người lớn, nhưng mọi người lớn cũng có thể có những phẩm chất của một đứa trẻ. Tính trẻ con là không cần thiết - cái trò ăn vạ, ủy mị là không cần thiết - nhưng người trưởng thành có thể hòa hợp tốt với những phẩm chất của một đứa trẻ. Không có mâu thuẫn nào ở đây. Trên thực tế, bạn chỉ có thể trưởng thành nếu bạn giống như một đứa trẻ.
Nhưng nếu tính trẻ con vẫn chưa được thỏa mãn, bạn phải cho phép nó xảy ra. Hãy để nó diễn ra và để nó được thỏa mãn - càng sớm càng tốt, bằng không, nó sẽ bám theo bạn đến tận cùng. Hãy cho phép nó được bộc lộ và nó sẽ chấm dứt. Một khi được cho phép, nó sẽ tận hưởng thời gian của nó rồi ra đi, và nó sẽ rời khỏi bạn trong trạng thái rất thỏa mãn. Lúc này, tốt hơn hết là đừng trì hoãn mà hãy đi vào trong nó - bởi vì bạn càng trì hoãn, nó càng trở nên khó khăn, và rồi bạn thấy một phẩm chất giống như trẻ con xuất hiện. Tính trẻ con sẽ biến mất. Nó chỉ tạm thời ở đó, sau đó nó sẽ ra đi và đứa trẻ của bạn sẽ trẻ trung, tươi mới. Và sau khi đạt được đứa trẻ đó, bạn sẽ bắt đầu khôn lớn. Khi đó, bạn có thể trưởng thành. Bạn không thể trưởng thành với tất cả những lời nói dối mà bạn mang theo bên mình. Bạn chỉ có thể trưởng thành khi đã trở nên trung thực, khi bạn trở nên chân thật.