C
âu hỏi : Làm sao người ta có thể nhận biết một cảm xúc mà không đặt tên hay gán nhãn cho nó? Nếu tôi nhận thức về một cảm giác, thì tôi hầu như sẽ biết cảm giác đó là gì ngay khi nó khởi lên. Hay ngài có ý gì khác khi nói rằng: “Đừng đặt tên”?
Krishnamurti : Tại sao chúng ta lại đặt tên cho một thứ gì đó? Tại sao chúng ta gán nhãn cho một bông hoa, cho một người, cho một cảm giác? Là để truyền đạt những cảm nhận của một người, để mô tả bông hoa đó, vân vân và vân vân; hoặc để đồng nhất hóa bản thân mình với cảm giác đó. Không phải vậy sao? Tôi đặt tên cho một thứ, một cảm giác để truyền đạt nó. “Tôi đang tức giận”. Hay là tôi đồng nhất hóa chính mình với cảm giác đó nhằm củng cố nó, giải quyết nó, hoặc làm điều gì đó về nó. Chúng ta đặt tên cho một thứ gì đó, cho một đóa hoa hồng để truyền đạt nó tới những người khác, hoặc bằng cách đặt tên cho nó, chúng ta nghĩ mình đã hiểu nó. Chúng ta nói: “Đó là một bông hoa hồng” khi nhìn lướt qua nó rồi tiếp tục qua việc khác. Khi đặt cho nó một cái tên, chúng ta nghĩ mình đã hiểu nó. Chúng ta phân loại nó và nghĩ rằng bằng cách này, chúng ta đã hiểu toàn bộ nội hàm và vẻ đẹp của bông hoa đó.
Khi đặt tên cho thứ gì đó, chúng ta chỉ đơn thuần xếp nó vào một loại và chúng ta nghĩ mình đã hiểu nó; chúng ta không cần nhìn vào nó gần hơn nữa. Tuy nhiên, nếu không đặt cho nó một cái tên thì chúng ta bắt buộc phải nhìn vào nó. Tức là chúng ta phải tiếp cận bông hoa đó hoặc bất cứ thứ gì với tinh thần mới mẻ, với một phẩm tính mới lạ khi xem xét. Chúng ta nhìn vào nó như thể trước đây mình chưa bao giờ nhìn vào nó. Đặt tên là một cách rất tiện lợi để sắp xếp mọi sự vật và con người – khi nói rằng họ là người Đức, người Nhật, người Mỹ, người Hindu giáo, bạn có thể gán cho họ một cái nhãn và phá hủy cái nhãn đó. Nếu không gán nhãn cho người khác, bạn buộc phải nhìn vào họ và lúc đó sẽ khó mà giết ai đó hơn rất nhiều. Bạn có thể hủy diệt cái nhãn đó bằng một trái bom và cảm thấy thật chính đáng. Song nếu không gán nhãn, và do đó, phải nhìn vào cá nhân thứ đó – dù là một người, một bông hoa, một sự việc hay một cảm xúc – thì bạn sẽ buộc phải xem xét mối quan hệ của mình với nó, và với hành động theo sau đó. Vì vậy, việc đặt tên hoặc gán nhãn là một cách rất tiện lợi để sắp xếp bất cứ thứ gì, để khước từ, chỉ trích hay đồng nhất hóa nó. Đó chỉ mới là một mặt của câu hỏi này.
Cốt lõi của việc đặt tên là gì, cái tôi trung tâm luôn luôn định danh, chọn lựa, gán nhãn là gì? Tất cả chúng ta đều cảm nhận rằng có một cái tôi trung tâm, một cốt lõi mà từ đó chúng ta hành động, từ đó chúng ta phán xét, từ đó chúng ta đặt tên, phải vậy không? Vậy thì cái tôi trung tâm đó, cốt lõi đó là gì đây? Một số người thích nghĩ đó là bản thể tâm linh, là Thượng Đế, hay bất cứ cái tên nào bạn thích. Vậy thì hãy khám phá xem cốt lõi đó, tâm điểm đó là gì mà đặt tên, định danh, phán xét. Chắc chắn cốt lõi đó là ký ức, không phải vậy sao? Một loạt cảm giác, được đồng nhất hóa và tự khép kín – tức là quá khứ, được hồi sinh nhờ hiện tại. Và cốt lõi đó, tâm điểm đó nuôi dưỡng hiện tại thông qua việc đặt tên, gán nhãn, hồi tưởng.
Chẳng mấy chốc, khi lật mở nó, chúng ta sẽ thấy rằng chừng nào tâm điểm này, cốt lõi này còn hiện hữu thì không thể có sự hiểu biết. Chỉ khi nào cốt lõi này tiêu tán, thì mới có sự hiểu biết, bởi vì suy cho cùng, cốt lõi đó là ký ức. Ký ức của nhiều kinh nghiệm khác nhau đã được đặt tên, gán nhãn, đồng nhất hóa. Với những kinh nghiệm được đặt tên và gán nhãn đó, từ tâm điểm, có sự chấp nhận và khước từ, có sự xác định để là hoặc không là gì, tùy theo cảm giác, niềm vui và nỗi đau của ký ức về kinh nghiệm. Vì vậy tâm điểm đó là ngôn từ. Nếu bạn không đặt tên cho tâm điểm đó, thì liệu có một tâm điểm không? Tức là nếu bạn không suy nghĩ dưới dạng ngôn từ, nếu bạn không sử dụng từ ngữ, thì liệu bạn có thể suy nghĩ được không? Tư duy hiện hữu bằng cách phát biểu thành lời; hay việc phát biểu thành lời bắt đầu phản ứng với tư duy. Tâm điểm, cốt lõi đó là ký ức về vô số trải nghiệm niềm vui và nỗi đau, được phát biểu thành lời. Xin hãy quan sát nó trong chính mình, và bạn sẽ thấy những từ ngữ đó trở nên quan trọng hơn nhiều, các nhãn hiệu trở nên quan trọng hơn nhiều so với thực chất. Và chúng ta đang sống bằng ngôn từ.
Đối với chúng ta, những từ như chân lý, Thượng Đế đã trở nên rất quan trọng – hoặc cảm giác mà những từ đó đại diện. Khi thốt ra những từ như “người Mỹ”, “người Thiên Chúa giáo”, “người Hindu giáo” hoặc “giận” thì chúng ta chính là những từ đại diện cho cảm giác đó. Nhưng chúng ta không biết cảm giác đó là gì, bởi vì những từ đó đã trở nên quan trọng. Khi bạn tự gọi bản thân mình là một người Phật giáo, một người Thiên Chúa giáo, thì từ đó có nghĩa là gì, ẩn ý đằng sau từ đó mà bạn chẳng bao giờ xét đến là gì? Cái tâm điểm, cốt lõi của chúng ta là từ ngữ, là nhãn hiệu. Nếu nhãn hiệu không quan trọng, nếu điều quan trọng là những gì nằm sau nhãn hiệu đó, thì bạn có thể tìm hiểu. Nhưng nếu bị đồng nhất hóa với nhãn hiệu và mắc kẹt trong đó, thì bạn không thể làm gì được. Và chúng ta đang bị đồng nhất hóa với nhãn hiệu: nhà cửa, hình thức, danh xưng, đồ đạc, tài khoản ngân hàng, ý kiến của chúng ta, tác nhân kích thích của chúng ta, vân vân. Chúng ta là tất cả những thứ đó – những thứ có một cái tên đại diện. Những thứ đó trở nên quan trọng, tên gọi, nhãn hiệu. Và do đó, tâm điểm, cốt lõi chính là từ ngữ.
Nếu không có từ ngữ, không có nhãn hiệu, thì cũng không có tâm điểm, phải vậy không? Có một sự tan rã, một sự trống không – không phải tình trạng trống không của nỗi sợ hãi, một thứ hoàn toàn khác. Xuất hiện một cảm giác không là gì cả, bởi vì bạn đã gỡ bỏ tất cả nhãn hiệu, hay đúng hơn là bởi vì bạn hiểu được lý do tại sao mình gán nhãn cho những cảm giác và ý niệm, nên bạn hoàn toàn mới mẻ, không phải vậy sao? Lúc đó, không có tâm điểm là nơi xuất phát hành động nữa. Tâm điểm, tức là từ ngữ, bị phá bỏ. Và khi nhãn hiệu bị bóc đi thì bạn ở đâu với tư cách là tâm điểm? Bạn vẫn ở đó thôi, nhưng có một sự biến chuyển. Sự biến chuyển đó có gây hoảng sợ đôi chút. Do đó, bạn không tiếp tục với những gì còn dính líu trong nó; bạn đã bắt đầu phán xét nó, quyết định xem bạn có thích nó hay không. Bạn không tiếp tục cố hiểu xem chuyện gì sắp xảy đến, nhưng bạn đã phán xét rồi, nghĩa là bạn có một tâm điểm là nơi xuất phát hành động. Do đó, bạn ở yên một chỗ khi phán xét. Những từ “thích” và “không thích” trở nên quan trọng. Nhưng điều gì xảy ra khi bạn không đặt tên? Bạn sẽ nhìn vào một cảm xúc, nhìn vào một cảm giác một cách trực tiếp hơn, và vì vậy có một mối tương giao thật khác biệt đối với nó, giống như mối tương giao của bạn với một bông hoa khi không đặt tên cho nó. Bạn buộc phải nhìn nó theo một cách mới mẻ. Khi không đặt tên cho một nhóm người, bạn buộc phải nhìn vào gương mặt mỗi cá nhân và không đối xử với họ như một tập thể. Do đó, bạn sẽ tỉnh giác hơn nhiều, có khả năng quan sát tốt hơn nhiều và hiểu biết hơn. Bạn có ý thức sâu sắc hơn về lòng trắc ẩn, tình thương. Nhưng nếu bạn đối xử với tất cả họ như một nhóm người chung chung, thì thế là xong.
Nếu không gán nhãn, thì bạn phải xem xét mọi cảm giác khi nó khởi lên. Khi bạn gán nhãn, thì cảm giác có khác với nhãn hiệu không? Hay chính nhãn hiệu đánh thức cảm giác? Xin hãy nghĩ thật kỹ điều này. Khi gán nhãn, đa phần chúng ta đều tô đậm thêm cảm giác của mình. Cảm giác và đặt tên là hai việc xảy ra đồng thời. Nếu có một khoảng cách giữa việc đặt tên và cảm giác, thì bạn có thể khám phá ra liệu cảm giác đó có khác với việc đặt tên, và lúc đó bạn sẽ có thể đối phó với cảm giác mà không đặt tên cho nó.
Vấn đề ở đây là làm sao để thoát khỏi một cảm giác mà chúng ta đặt tên, chẳng hạn như cơn giận, không phải vậy sao? Không phải là làm sao để khuất phục, chế ngự nó – vì những việc đó đều ngu muội và thiếu chín chắn – mà là làm sao để thực sự thoát khỏi nó? Để thực sự thoát khỏi nó, chúng ta phải khám phá xem liệu từ ngữ có quan trọng hơn cảm giác hay không. Từ “giận” có ý nghĩa hơn bản thân cảm giác đó. Muốn thực sự khám phá điều đó thì phải có một khoảng cách giữa cảm giác và việc đặt tên. Và đó mới là một phần của vấn đề.
Nếu tôi không đặt tên cho một cảm giác, tức là nếu tư duy không chỉ hoạt động đơn thuần nhờ từ ngữ, hoặc nếu tôi không suy nghĩ dưới dạng các từ ngữ, hình ảnh hoặc biểu tượng, giống như đa phần chúng ta đều làm, thì điều gì xảy ra? Chắc chắn lúc đó tâm trí không chỉ là chủ thể quan sát. Khi tâm trí không suy nghĩ dưới dạng các từ ngữ, biểu tượng, hình ảnh, thì không có chủ thể suy nghĩ tách rời với suy nghĩ, vốn là từ ngữ. Lúc đó, tâm trí tĩnh lặng – không phải nhờ cố gắng làm cho tĩnh lặng, mà tĩnh lặng một cách tự nhiên – không phải vậy sao? Khi tâm trí thực sự tĩnh lặng, thì các cảm giác mới khởi lên có thể được giải quyết ngay lập tức. Chỉ khi chúng ta đặt tên cho các cảm giác và do vậy củng cố chúng thêm, thì các cảm giác đó mới có tính tiếp nối. Chúng được lưu giữ trong cái tôi trung tâm, mà từ đó, chúng ta gán thêm nhãn hiệu, để củng cố hoặc để truyền đạt chúng. Khi tâm trí không còn là cái tôi trung tâm, như chủ thể suy nghĩ đã tạo nên từ những từ ngữ, từ những kinh nghiệm quá khứ – tức là tất cả ký ức, nhãn hiệu được lưu trữ và phân loại, đưa vào những ngăn riêng – khi tâm trí không làm những việc như vậy, thì hiển nhiên nó sẽ tĩnh lặng. Nó không còn bị ràng buộc, nó không còn là một trung tâm như cái “tôi” – nhà của tôi, thành tựu của tôi, công việc của tôi – vốn chỉ là những từ ngữ, gây nên sự thôi thúc đối với cảm giác và nhờ vậy mà củng cố cho ký ức. Khi không thứ gì trong những điều này xảy ra thì tâm trí sẽ rất tĩnh lặng. Trạng thái đó không phải là sự cự tuyệt. Mà ngược lại, để đạt được mức độ đó, bạn phải đi qua tất cả những điều này, một kỳ công. Nó không chỉ đơn thuần là học vài từ ngữ, rồi lặp lại như học trò vẫn làm – “không đặt tên”, “không đặt tên”. Để làm theo tất cả những ẩn ý của nó, để thấy được cách tâm trí hoạt động, và nhờ đó mà đạt tới mức độ không còn đặt tên nữa, nghĩa là không còn một cái tôi trung tâm tách rời khỏi tư duy, thì chắc chắn toàn bộ quá trình này là thiền định đích thực.
Khi tâm trí thật sự tĩnh lặng, thì cái vô hạn mới có thể bắt đầu hiện hữu. Bất cứ quá trình nào khác, bất cứ cách tìm kiếm thực tại nào khác chỉ đơn thuần là tự phóng chiếu ra bên ngoài, tự tạo, và do đó nó không có thật. Nhưng quá trình này rất gian nan và nó có nghĩa là tâm trí phải không ngừng nhận thức mọi thứ đang xảy ra với nó ở nội tâm. Để đạt tới mức độ này, không thể có phê phán hay biện minh từ đầu tới cuối – đây không phải là một sự kết thúc. Không hề có kết thúc, bởi vì có điều gì đó phi thường vẫn đang tiếp diễn. Đây không phải là sự hứa hẹn. Nó dành để bạn trải nghiệm, thâm nhập vào bản thân mình ngày càng sâu hơn, để tất cả các tầng lớp của cái tôi trung tâm đều bị xóa bỏ và bạn có thể làm điều này một cách nhanh nhẹn hay biếng lười. Thật thú vị khi theo dõi tiến trình của tâm trí, xem nó phụ thuộc vào từ ngữ ra sao, xem từ ngữ kích thích ký ức hoặc làm thức tỉnh kinh nghiệm đã tắt ngấm và hồi sinh nó như thế nào. Trong quá trình đó, tâm trí sống trong tương lai hoặc trong quá khứ. Vì vậy, từ ngữ là cực kỳ quan trọng, về mặt thần kinh cũng như tâm lý. Và xin bạn đừng học điều này từ tôi hay sách vở. Bạn không thể học điều đó từ người khác hay tìm được trong sách vở đâu. Những gì bạn học được từ người khác hoặc sách vở không phải là thực tế. Nhưng bạn có thể trải nghiệm nó, bạn có thể theo dõi chính mình khi hành động, quan sát chính mình đang suy nghĩ, xem cách bạn suy nghĩ, cách bạn đặt tên cho cảm giác nhanh như thế nào ngay khi nó khởi lên – và theo dõi toàn bộ quá trình giải thoát tâm trí khỏi cái tôi trung tâm của nó. Tâm trí khi đó đang tĩnh lặng thì có thể tiếp nhận cái bất diệt.