C
âu hỏi : Tâm trí của chúng ta chỉ biết những gì đã biết. Vậy thì điều gì trong chúng ta thôi thúc ta tìm đến cái chưa biết, thực tại, Thượng Đế?
Krishnamurti : Tại sao tâm trí lại thúc đẩy chúng ta hướng về cái chưa biết? Phải chăng trong ta có một nhu cầu thôi thúc về cái chưa biết, thực tại, Thượng Đế? Xin hãy suy nghĩ về điều này thật nghiêm túc. Đây không phải là câu hỏi tu từ, mà là một câu hỏi để chúng ta thực sự tìm kiếm câu trả lời. Phải chăng trong mỗi người chúng ta đều có một nhu cầu thôi thúc phải tìm kiếm cái chưa biết? Có hay không? Làm sao bạn tìm được cái chưa biết? Nếu không biết nó, thì làm thế nào bạn có thể tìm thấy nó? Phải chăng có một sự thúc đẩy tìm đến thực tại, hay đó chỉ đơn thuần là khao khát đối với cái đã biết được mở rộng thêm? Bạn hiểu điều tôi muốn nói không? Tôi đã biết nhiều thứ. Song chúng không mang lại cho tôi hạnh phúc, sự thỏa mãn, niềm vui. Vậy nên bây giờ tôi muốn một thứ gì khác sẽ cho tôi niềm vui lớn hơn, hạnh phúc lớn hơn, sức sống dào dạt hơn – hoặc bất cứ thứ gì bạn thích. Liệu cái đã biết, tức là tâm trí của tôi – bởi vì tâm trí của tôi là những gì đã biết, là kết quả của quá khứ – có thể tìm được cái chưa biết không? Nếu tôi không biết thực tại, cái chưa biết, thì làm sao tôi tìm nó được? Chắc chắn nó phải tự đến, tôi không thể theo đuổi nó. Nếu theo đuổi nó, thì tức là tôi đang đi theo một thứ đã biết, do chính tôi phóng chiếu ra bên ngoài.
Vấn đề của chúng ta không phải là cái gì bên trong đang thôi thúc chúng ta tìm kiếm cái chưa biết – vì điều đó thì đã đủ rõ ràng rồi. Mà vấn đề chính là khao khát được an toàn hơn, ổn định hơn, lâu dài hơn, hạnh phúc hơn của bản thân chúng ta, nhằm thoát khỏi tình trạng bất ổn, khỏi nỗi đau khổ, sự rối loạn. Đó là động lực rõ ràng của chúng ta. Khi có động lực đó, sự thôi thúc đó, bạn sẽ tìm thấy một lối thoát kỳ diệu, một nơi trú ẩn kỳ diệu – nơi Đức Phật, Đức Chúa, hoặc trong những khẩu hiệu chính trị và những thứ đại loại như vậy. Đó không phải là thực tại. Đó không là cái không thể biết, cái chưa biết. Do đó, sự thôi thúc tìm đến cái chưa biết phải chấm dứt, việc tìm kiếm cái chưa biết phải dừng lại. Điều đó nghĩa là phải có sự hiểu biết về cái đã biết được tích lũy lại, tức là tâm trí. Tâm trí phải hiểu bản thân nó là cái đã biết, bởi vì đó là tất cả những gì nó biết. Bạn không thể nghĩ về điều gì đó mà bạn không biết. Bạn chỉ có thể nghĩ về điều mà bạn biết.
Khó khăn của chúng ta là không để tâm trí tiếp tục hành động trong cái đã biết. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi tâm trí hiểu được chính nó và rằng tất cả động thái của nó đều xuất phát từ quá khứ, phóng chiếu bản thân nó vào tương lai thông qua hiện tại như thế nào. Đó là một chuyển động liên tục của cái đã biết; liệu chuyển động này có thể chấm dứt không? Nó chỉ có thể chấm dứt khi hiểu được cơ chế hoạt động quá trình của chính nó, chỉ khi tâm trí hiểu được chính nó và các hoạt động, chiều hướng, mục đích, những mưu cầu, đòi hỏi của nó – không chỉ những đòi hỏi bên ngoài, mà cả những thôi thúc và động cơ ẩn sâu bên trong. Đây quả là một nhiệm vụ gian nan. Bạn không thể khám phá được chỉ trong một buổi gặp gỡ, trong một bài diễn thuyết, hay khi đọc một quyển sách. Ngược lại, cần một sự tỉnh giác không ngừng, nhận thức không ngừng mọi động thái của tư duy – không chỉ khi bạn đang thức mà cả khi đang ngủ. Đó phải là một quá trình toàn diện, chứ không phải một quá trình rời rạc, cục bộ.
Ngoài ra, ý hướng phải đúng đắn. Tức là phải chấm dứt sự mê muội rằng trong thâm tâm tất cả chúng ta đều muốn cái chưa biết. Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta đều đang tìm kiếm Thượng Đế – không hề. Chúng ta không cần phải tìm kiếm ánh sáng. Ánh sáng sẽ xuất hiện khi không còn bóng tối, chúng ta không thể tìm thấy ánh sáng nhờ bóng tối được. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là gỡ bỏ những chướng ngại tạo nên bóng tối và việc tháo dỡ đó phụ thuộc vào ý hướng của bạn. Nếu đang gỡ bỏ chúng để thấy được ánh sáng, thì bạn không phải tháo dỡ bất cứ thứ gì cả, bạn chỉ đang thay thế từ “bóng tối” bằng từ “ánh sáng” mà thôi. Ngay cả việc nhìn vượt qua bóng tối cũng là một cách thoát khỏi bóng tối.
Cái chúng ta phải xem xét không phải là điều gì đang thôi thúc chúng ta, mà là tại sao trong ta lại có sự hỗn loạn, náo động, xung đột và đối kháng như vậy – tất cả những thứ ngu muội trong sự tồn tại của chúng ta. Khi không có những thứ này, thì ánh sáng mới xuất hiện mà chúng ta không cần phải tìm kiếm. Khi không còn ngu muội, trí tuệ mới xuất hiện. Nhưng kẻ ngu muội mà cố gắng để trở nên thông minh thì vẫn cứ ngu muội. Sự ngu muội không bao giờ có thể trở thành thông thái được. Chỉ khi sự ngu muội chấm dứt thì sự thông thái, minh triết mới xuất hiện. Kẻ ngu muội có cố gắng trở nên thông thái, uyên bác thì rõ ràng cũng không bao giờ làm được. Để biết ngu muội mà gì, ta phải thâm nhập vào nó, không chỉ hời hợt bên ngoài, mà phải thật đầy đủ, trọn vẹn, sâu sắc, uyên thâm. Người ta phải thâm nhập vào tất cả tầng lớp khác nhau của sự ngu muội và khi sự ngu muội ngừng lại thì trí tuệ xuất hiện.
Do đó, điều quan trọng là biết được rằng không phải có điều gì đó hơn hẳn hay không, thứ gì đó lớn hơn cái đã biết, thứ đang thôi thúc chúng ta tìm đến cái chưa biết – mà phải thấy được cái gì bên trong chúng ta đang gây ra tình trạng hỗn loạn, chiến tranh, phân biệt giai cấp, sự kiểu cách cảnh vẻ, theo đuổi những thứ có tiếng tăm, tích lũy kiến thức, trốn tránh bằng âm nhạc, nghệ thuật, bằng rất nhiều con đường khác nữa. Chắc chắn rằng điều quan trọng là thấy được thực trạng của những sự việc đó và quay về với bản thân như mình là. Từ đó, chúng ta có thể tiếp tục tiến hành. Lúc ấy, gạt qua một bên cái đã biết thì tương đối dễ dàng rồi. Khi tâm trí tĩnh lặng, khi không còn tự phóng chiếu bản thân vào tương lai hay ao ước điều gì, khi tâm trí thật sự thanh tịnh, bình an vô cùng, thì cái chưa biết bắt đầu hiện hữu. Bạn không cần phải tìm kiếm nó. Bạn không thể mời gọi nó. Cái mà bạn có thể mời gọi chỉ là cái đã biết. Bạn không thể mời gọi một vị khách chưa biết được. Bạn chỉ có thể mời người mà bạn đã biết. Nhưng bạn không biết cái chưa biết, Thượng Đế, thực tại, hoặc bất cứ điều gì bạn thích. Nó phải xuất hiện. Và nó chỉ có thể xuất hiện khi cánh đồng trong trạng thái tốt, khi đất đã được cày xới, nhưng nếu bạn cày xới để cho nó xuất hiện, thì bạn sẽ không có được nó.
Vấn đề của chúng ta không phải là làm sao để tìm kiếm điều chưa thể biết, mà là hiểu được quá trình tích lũy của tâm trí, mà tâm trí bao giờ cũng là cái đã biết. Đó là nhiệm vụ gian nan: Nó đòi hỏi sự chú tâm không ngừng, nhận thức không ngừng, mà trong đó không có sự phân tâm, không có đồng nhất hóa, không chỉ trích; chính là tồn tại với cái đang là . Lúc đó, tâm trí có thể tĩnh lặng. Dù thiền định, áp đặt kỷ luật cho bản thân nhiều đến đâu đi nữa thì cũng không thể làm cho tâm trí tĩnh lặng , theo đúng ý nghĩa của từ này. Chỉ khi những cơn gió ngừng thổi thì hồ nước mới trở nên lặng yên. Bạn không thể khiến cho hồ nước đó lặng yên được. Việc của chúng ta không phải là theo đuổi cái chưa biết, mà cần hiểu được tình trạng hỗn loạn, bất ổn, nỗi đau khổ trong chính chúng ta. Và lúc đó, cái chưa biết sẽ bắt đầu hiện hữu một cách âm thầm, điều này ẩn chứa niềm vui.