C
âu hỏi : Như ngài đã nói, vì sao khi được nhắc lại thì sự thật trở thành điều dối trá? Thực ra dối trá là gì? Tại sao nói dối là sai? Chẳng phải đây là vấn đề sâu sắc và tinh tế ở mọi cấp độ tồn tại của chúng ta hay sao?
Krishnamurti : Ở đây có hai vấn đề chính, vậy chúng ta cùng xem xét vấn đề đầu tiên nhé. Đó là: Khi một sự thật được nhắc lại, thì tại sao nó trở thành sự dối trá? Chúng ta lặp lại điều gì? Bạn có thể lặp lại một sự hiểu biết không? Tôi hiểu điều gì đó thì tôi có thể lặp lại nó không? Tôi có thể diễn đạt nó thành lời, tôi có thể truyền đạt nó, nhưng kinh nghiệm chắc chắn không phải là thứ có thể lặp lại, đúng không? Chúng ta mắc kẹt trong từ ngữ và bỏ qua ý nghĩa của kinh nghiệm. Nếu có một trải nghiệm, thì bạn có thể lặp lại nó không? Bạn có thể muốn lặp lại nó, bạn có thể khao khát nó được tái diễn, khao khát cảm giác về nó. Song một khi bạn có một trải nghiệm và nó đã chấm dứt, thì nó không thể lặp lại nữa. Điều có thể lặp lại là cảm giác và từ ngữ tương ứng làm hồi sinh cảm giác đó mà thôi. Thật không may, vì đa số chúng ta đều là những người tuyên truyền nên chúng ta bị mắc kẹt trong việc lặp lại từ ngữ. Thế là chúng ta sống bằng ngôn từ và chối từ sự thật.
Chẳng hạn, lấy ví dụ về cảm giác yêu thương. Bạn có thể lặp lại cảm giác đó không? Khi bạn nghe những lời như: “Hãy thương yêu hàng xóm láng giềng” thì đó có phải là sự thật với bạn không? Nó là sự thật chỉ khi bạn thương yêu láng giềng của mình; và tình thương đó không thể lặp lại, chỉ từ ngữ lặp lại mà thôi. Nhưng đa phần chúng ta đều hạnh phúc, mãn nguyện với sự lặp lại: “Hãy thương yêu hàng xóm láng giềng” hay “Đừng tham lam”. Vì vậy, sự thật của người khác, hoặc một trải nghiệm thực sự nào của bạn, đơn thuần bằng cách lặp lại, sẽ không trở thành một thực tế. Mà ngược lại, việc lặp lại ngăn cản thực tế. Chỉ đơn thuần lặp lại những ý niệm nào đó thì không phải là thực tế.
Cái khó ở đây là hiểu được vấn đề này mà không suy nghĩ về thứ đối lập. Dối trá không tương phản với sự thật. Người ta nhìn thấy sự thật của điều đang được nói, không phải ở vị thế đối lập hay tương phản, như một lời dối trá hay một sự thật; mà chỉ cần nhìn thấy rằng đa số chúng ta đều lặp lại mà không hiểu. Chẳng hạn, chúng ta vừa thảo luận về việc đặt tên hay không đặt tên cho một cảm giác, vân vân. Tôi tin chắc rằng nhiều người trong số các bạn sẽ lặp lại điều đó và nghĩ rằng đó là “sự thật”. Bạn sẽ không bao giờ lặp lại một trải nghiệm nếu nó là một trải nghiệm trực tiếp.
Bạn có thể truyền đạt trải nghiệm, nhưng khi nó là một trải nghiệm thực sự , thì những cảm giác đằng sau nó biến mất, nội dung cảm xúc đằng sau những ngôn từ cũng hoàn toàn tiêu tan.
Chẳng hạn, lấy ví dụ về ý niệm rằng người suy nghĩ và suy nghĩ là một. Đó có thể là sự thật đối với bạn, bởi vì bạn đã trực tiếp trải nghiệm. Nhưng nếu tôi lặp lại điều đó thì sẽ không đúng rồi, phải vậy không? – Làm ơn hãy nhớ, sự thật không đối lập với giả dối. Việc lặp lại của tôi không phải là thực tế, nó chỉ đơn thuần là lặp lại mà thôi, do vậy nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Như bạn thấy đó, bằng cách lặp lại, chúng ta tạo ra tín điều, giáo điều, chúng ta dựng lên một ngôi thánh đường và trú ẩn trong đó. Từ ngữ và cái không phải sự thật trở thành “sự thật”. Từ ngữ không phải là sự thật. Nhưng đối với chúng ta, sự thật lại là từ ngữ và đó là lý do tại sao người ta phải vô cùng thận trọng để không lặp lại điều gì đó mà họ chưa thực sự hiểu. Nếu hiểu điều gì, bạn có thể truyền đạt nó, nhưng ngôn từ và ký ức đã đánh mất ý nghĩa cảm xúc của chúng. Do đó, nếu người ta hiểu được điều đó, thì trong giao tiếp thông thường, cách nhìn của họ, từ ngữ họ dùng sẽ thay đổi.
Vì chúng ta tìm kiếm sự thật bằng cách tự biết mình chứ không chỉ là những người tuyên truyền đơn thuần, nên rất cần phải hiểu điều này. Thông qua sự lặp lại, người ta tự mê hoặc bản thân bằng những ngôn từ hay cảm xúc. Người ta bị mắc kẹt trong những ảo tưởng. Để thoát khỏi đó, bắt buộc phải trải nghiệm trực tiếp, và để trải nghiệm trực tiếp, người ta phải tự nhận thức về bản thân trong quá trình của sự lặp lại, của những thói quen, của ngôn từ, của các cảm giác. Nhận thức đó mang lại cho người ta một sự tự do phi thường để xuất hiện sự đổi mới, một sự trải nghiệm không ngừng, một cái mới.
Câu hỏi còn lại là: “Thực ra dối trá là gì? Tại sao nói dối là sai? Chẳng phải đây là vấn đề sâu sắc và tinh tế ở mọi cấp độ tồn tại của chúng ta hay sao?”
Dối trá là gì? Là mâu thuẫn, một sự tự mâu thuẫn, không phải vậy sao? Người ta có thể cố ý mâu thuẫn hoặc vô ý. Nó có thể có chủ ý hoặc vô ý. Sự mâu thuẫn có thể vô cùng tinh tế hoặc dễ phát hiện. Khi sự phân tách trong mâu thuẫn quá lớn, thì người ta trở nên mất cân bằng hoặc họ nhận ra sự chia cách đó và bắt đầu vá víu nó.
Để hiểu vấn đề này, dối trá là gì và tại sao chúng ta nói dối, ta phải thâm nhập vào nó, mà không suy nghĩ bằng cái đối lập. Liệu chúng ta có thể nhìn vào vấn đề mâu thuẫn này trong chính mình mà không cần phải cố gắng để không bị mâu thuẫn không? Khi xem xét vấn đề này, khó khăn của chúng ta là tuy dễ dàng chỉ trích thói dối trá, nhưng để hiểu nó, liệu chúng ta có thể suy nghĩ về nó bằng cách không nghĩ về sự thật và sự giả dối, mà về sự mâu thuẫn được không? Tại sao chúng ta mâu thuẫn? Tại sao lại có sự mâu thuẫn trong bản thân chúng ta? Chẳng phải có một nỗ lực để sống theo một tiêu chuẩn, một khuôn mẫu – một sự cố gắng bắt chước không ngừng của bản thân chúng ta với một khuôn mẫu, một nỗ lực không ngừng nghỉ để trở thành điều gì đó trong mắt của người khác hoặc trong mắt chính chúng ta hay sao? Chúng ta khao khát tuân thủ một khuôn mẫu, không phải vậy sao? Và khi người ta không sống theo khuôn mẫu đó, thì có sự mâu thuẫn.
Vậy tại sao chúng ta lại có một khuôn mẫu, một tiêu chuẩn, một sự cố gắng bắt chước, một ý niệm mà chúng ta cố gắng sống theo đó? Tại sao? Rõ ràng là để bảo đảm, để an toàn, để được ưa thích và có ý kiến tốt về bản thân chúng ta, vân vân.
Đó là mầm mống của mâu thuẫn. Chừng nào chúng ta còn cố gắng bắt chước thứ gì đó, còn cố gắng trở thành điều gì đó, thì còn phải có mâu thuẫn. Do đó, phải có sự chia tách giữa cái sai và cái đúng. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, nếu bạn thâm nhập vào nó một cách tĩnh lặng. Vấn đề không phải là không có cái sai và cái đúng, mà là tại sao có mâu thuẫn trong chính mình? Không phải vì chúng ta đang nỗ lực để trở thành gì đó – cao quý, tốt đẹp, đức hạnh, sáng tạo, hạnh phúc, vân vân? Trong chính khao khát trở thành điều gì đó sẽ có cái mâu thuẫn – tức là không trở thành thứ gì khác. Chính cái mâu thuẫn này mang tính tàn phá rất lớn. Nếu một người có khả năng đồng nhất hóa hoàn toàn với điều gì đó, với thứ này hay thứ khác, thì sự mâu thuẫn sẽ ngừng lại. Khi chúng ta đồng nhất hóa bản thân mình một cách trọn vẹn với điều gì đó, thì sẽ xuất hiện sự tự khép kín, sự kháng cự, gây ra tình trạng mất cân bằng – đây là điều hiển nhiên.
Tại sao có sự mâu thuẫn trong bản thân chúng ta? Tôi đã làm điều gì đó và không muốn bị phát hiện. Tôi nghĩ về điều gì đó không đạt đến chuẩn mực, việc đó khiến tôi rơi vào trạng thái mâu thuẫn và tôi không thích như vậy. Nơi nào có sự cố gắng bắt chước, thì phải có nỗi sợ hãi và chính sự lo sợ này gây ra mâu thuẫn. Ngược lại, nếu không có sự trở thành, không có nỗ lực để là gì đó, thì sẽ không có cảm giác lo sợ, không có mâu thuẫn, cũng không có sự dối trá trong chúng ta ở bất kỳ cấp độ nào, dù hữu thức hay vô thức – điều gì đó để lấp liếm, che đậy, điều gì đó để phô trương. Bởi vì phần lớn cuộc đời chúng ta là một vấn đề về tâm trạng và điệu bộ, tùy theo tâm trạng mà chúng ta thể hiện điệu bộ – một sự mâu thuẫn. Khi tâm trạng biến mất, chúng ta là chính mình. Điều thực sự quan trọng chính là sự mâu thuẫn này, chứ không phải là bạn có thốt ra một lời nói dối vô hại hay không. Chừng nào sự mâu thuẫn này còn tồn tại, thì còn phải có cách sống giả tạo, bề ngoài, và do đó còn có những nỗi lo sợ thiển cận cần phải được canh giữ – và lúc đó, như bạn biết, sẽ có những lời nói dối vô hại và những thứ đại loại như vậy. Chúng ta hãy nhìn vào câu hỏi này, mà đừng hỏi dối trá là gì và sự thật là gì, mà hãy thâm nhập vào vấn đề về sự mâu thuẫn trong chính mình, không cần đến những mặt đối lập nhau ấy. Điều này sẽ vô cùng khó khăn, bởi vì khi lệ thuộc quá nhiều vào cảm giác, đa phần cuộc sống của chúng ta toàn là mâu thuẫn. Chúng ta lệ thuộc vào những ký ức, ý kiến. Chúng ta có rất nhiều nỗi lo sợ muốn che đậy – tất cả đều gây ra mâu thuẫn trong bản thân ta. Khi mâu thuẫn lên đến mức không thể chịu nổi nữa, người ta sẽ bị rối loạn tâm thần. Con người muốn bình an, nhưng mọi chuyện mà họ làm đều gây ra chiến tranh, không chỉ trong gia đình mà còn ở bên ngoài. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân gây ra xung đột, chúng ta lại chỉ càng cố gắng để trở thành thế này thế nọ, thành cái đối lập, thế nên ta càng gây ra sự chia tách lớn hơn.
Liệu chúng ta có thể hiểu được tại sao lại có mâu thuẫn trong chính mình – không chỉ hời hợt bên ngoài, mà còn sâu sắc, dính dáng đến tâm lý hơn nhiều? Trước tiên, người ta có nhận ra rằng mình đang sống trong mâu thuẫn không? Chúng ta muốn hòa bình, nhưng chúng ta là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Chúng ta muốn tránh nỗi đau khổ cho xã hội, nhưng mỗi người chúng ta lại mang đầu óc cá nhân, hẹp hòi, tự khép kín. Chúng ta không ngừng sống trong mâu thuẫn. Tại sao lại vậy? Chẳng phải vì chúng ta là những nô lệ của cảm giác hay sao? Bạn không cần phủ nhận hay đồng ý với điều này đâu. Nó đòi hỏi rất nhiều hiểu biết về những ẩn ý của cảm giác, tức là những khao khát. Chúng ta muốn rất nhiều thứ, tất cả đều mâu thuẫn với nhau. Chúng ta đeo rất nhiều mặt nạ đối lập nhau. Chúng ta đeo một cái mặt nạ khi nó hợp với chúng ta và chối bỏ nó khi có thứ gì khác có lợi hơn, thú vị hơn. Chính trạng thái mâu thuẫn này gây ra sự dối trá. Để đối chọi với sự dối trá, chúng ta tạo ra “sự thật”. Nhưng chắc chắn sự thật không là cái đối lập của dối trá. Thứ gì có một cái đối lập thì không phải là sự thật. Sự đối lập hàm chứa cái đối lập của riêng nó, do đó nó không phải là sự thật. Và để hiểu vấn đề này thật sâu sắc, người ta phải nhận ra tất cả sự mâu thuẫn mà mình sống trong đó. Khi tôi nói: “Tôi yêu thương bạn”, thì đi cùng với nó là sự ganh tỵ, đố kỵ, lo âu, sợ hãi – tức là sự mâu thuẫn. Chính sự mâu thuẫn này là cái cần phải hiểu và người ta chỉ có thể hiểu nó khi nhận thức được về nó, nhận thức mà không chỉ trích hay biện minh – chỉ nhìn vào nó mà thôi. Để nhìn vào nó một cách thụ động, người ta phải hiểu được tất cả các quá trình biện minh và chỉ trích.
Không dễ gì mà nhìn vào thứ gì đó một cách thụ động; nhưng khi hiểu được điều đó, người ta sẽ bắt đầu hiểu toàn bộ quá trình của những đường lối mà chúng ta cảm nhận và tư duy. Khi người ta nhận thức được trọn vẹn ý nghĩa của sự mâu thuẫn trong chính mình, thì nó sẽ mang lại một sự thay đổi phi thường: Lúc đó, bạn là chính mình, chứ không phải thứ gì đó mà bạn đang cố gắng trở thành. Bạn không còn theo đuổi lý tưởng hay mưu cầu hạnh phúc nữa. Bạn là cái bạn đang là và từ đó bạn tiếp tục hành động. Như vậy, mâu thuẫn sẽ không còn khả năng xuất hiện nữa.