C
âu hỏi : Ngài đã giác ngộ sự thật. Vậy ngài có thể nói cho chúng tôi biết Thượng Đế là gì không?
Krishnamurti : Làm sao bạn biết tôi đã giác ngộ? Để biết tôi đã giác ngộ, thì bạn cũng phải giác ngộ. Đây không phải là nói khéo cho qua chuyện đâu nhé. Để biết điều gì đó, bạn phải thuộc về nó. Chắc hẳn chính bạn cũng đã trải nghiệm, và do đó việc bạn nói rằng tôi đã giác ngộ có vẻ chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi đã giác ngộ hay chưa thì có gì quan trọng? Chẳng phải điều tôi đang nói là sự thật hay sao? Dù tôi có là người hoàn hảo nhất đi nữa, nếu điều tôi nói không phải là sự thật thì sao bạn còn lắng nghe tôi? Chắc chắn rằng sự giác ngộ của tôi không dính líu với bất cứ điều gì tôi đang nói, và một người sùng bái người khác bởi vì người đó đã giác ngộ thì thực chất đó là sự tôn sùng uy quyền, thế nên anh ta có thể không bao giờ tìm thấy sự thật. Hiểu điều được giác ngộ và biết người đã giác ngộ chẳng có gì quan trọng cả, phải vậy không?
Tôi biết người xưa đã nói rằng: “Hãy theo người đã giác ngộ”. Nhưng làm sao bạn biết được người nào đó đã giác ngộ hay chưa? Tất cả những gì bạn có thể làm là đồng hành với họ, ngay cả điều đó cũng vô cùng khó khăn trong thời đại này. Hiện nay có rất ít người tốt, theo đúng nghĩa của từ đó – tức là những người không mưu cầu điều gì, không chạy theo thứ gì. Những người đang tìm kiếm hay chạy theo thứ gì đó là loại người lợi dụng, do đó họ rất khó tìm thấy một người bạn đồng hành để thương yêu.
Chúng ta lý tưởng hóa những người đã giác ngộ và hy vọng họ sẽ cho mình điều gì đó, một mối quan hệ sai lầm. Làm cách nào một người đã giác ngộ có thể truyền đạt lại nếu không có tình thương? Đó là khó khăn của chúng ta. Trong tất cả những buổi thảo luận của chúng ta, chúng ta không thực sự thương yêu lẫn nhau đâu. Chúng ta nghi ngờ nhau. Bạn muốn thứ gì đó từ tôi, như kiến thức, sự giác ngộ, hoặc bạn muốn đồng hành với tôi, tất cả những điều đó chứng tỏ rằng bạn chẳng thương yêu gì cả. Bạn muốn thứ gì đó, thế nên bạn quyết tâm lợi dụng. Nếu chúng ta thực sự thương yêu lẫn nhau thì sẽ có sự thông hiểu tức thời. Lúc đó thì bạn đã giác ngộ còn tôi chưa giác ngộ, hay việc bạn là người đẳng cấp cao hay thấp liệu có quan trọng gì. Bởi vì trái tim chúng ta đã héo tàn, nên Thượng Đế trở nên vô cùng quan trọng. Tức là bạn muốn biết Thượng Đế. Bởi vì bạn đã đánh mất tiếng hát trong tim mình nên bạn theo đuổi ca sĩ và hỏi xem họ có thể dạy bạn cách hát hay không. Họ có thể dạy bạn kỹ thuật thanh nhạc, nhưng kỹ thuật sẽ không dẫn bạn tới sự sáng tạo. Bạn không thể trở thành nhạc sĩ nếu chỉ nhờ biết cách hát mà thôi. Bạn có thể biết tất cả bước nhảy của một vũ điệu, nhưng nếu bạn không có tính sáng tạo trong tim, thì bạn sẽ chỉ hoạt động như một cái máy. Bạn không thể thương yêu nếu mục tiêu của bạn chỉ đơn thuần là đạt được một kết quả. Không có thứ nào giống như một lý tưởng, bởi vì đó chỉ đơn thuần là một thành tựu. Cái đẹp không phải là một thành tựu, mà nó là thực tế, hiện tại, chứ không phải ngày mai. Nếu có tình thương, bạn sẽ hiểu được cái chưa biết, bạn sẽ biết Thượng Đế là gì mà không cần ai nói cho nghe – và đó là vẻ đẹp của tình thương. Sự bất diệt nằm trong chính điều đó. Bởi vì không có tình thương thì chúng ta sẽ muốn ai khác, hoặc Thượng Đế ban phát tình thương cho ta. Nếu chúng ta thực sự thương yêu thì bạn có biết thế giới sẽ khác hẳn như thế nào không? Lúc đó, chúng ta sẽ là những con người thực sự hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta không nên đầu tư hạnh phúc của mình vào vật chất, vào gia đình, vào các lý tưởng. Chúng ta sẽ hạnh phúc, và do đó tài sản, con người và lý tưởng sẽ không chi phối cuộc sống của chúng ta. Đó đều là những điều thứ yếu. Do chúng ta không có tình thương và không hạnh phúc, nên chúng ta mới đầu tư vào vật chất, vì nghĩ rằng chúng sẽ mang lại cho ta hạnh phúc, một trong những thứ chúng ta đầu tư vào chính là Thượng Đế.
Bạn muốn tôi nói cho bạn biết thực tại là gì. Điều không thể diễn tả được có thể nói ra thành lời không? Bạn có thể đo lường thứ gì đó mênh mông, vô hạn không? Bạn có thể tóm cơn gió bằng nắm tay được không? Nếu được, thì liệu đó có phải là gió không? Nếu bạn đo lường cái vô hạn thì đó có phải là thực tại không? Nếu bạn trình bày nó một cách chính xác, thì nó có phải là thực tại không? Chắc chắn là không rồi, vì khi bạn mô tả thứ gì đó vốn dĩ không thể mô tả được, thì nó không còn là thực tại. Khi bạn diễn dịch cái không thể biết thành điều đã biết, thì nó không còn là cái không thể biết nữa. Nhưng đó là những gì chúng ta khao khát. Lúc nào chúng ta cũng muốn biết, vì chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tiếp nối, lúc đó chúng ta nghĩ mình sẽ có thể giành được hạnh phúc, sự trường cửu tối thượng. Chúng ta muốn biết bởi vì chúng ta không hạnh phúc, bởi vì chúng ta đang đấu tranh một cách khổ sở, bởi vì chúng ta kiệt sức, thoái hóa. Tuy nhiên, thay vì nhận ra sự thật đơn giản – rằng chúng ta bị suy thoái, chúng ta đờ đẫn, mệt mỏi, đang trong tình trạng bất ổn – thì ta lại muốn đưa cái đã biết vào cái chưa biết, và cái chưa biết đó lại một lần nữa trở thành cái đã biết, vì vậy chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy thực tại.
Do đó, thay vì hỏi ai đã giác ngộ chưa hoặc Thượng Đế là gì, thì tại sao bạn không chú tâm trọn vẹn và nhận thức về cái đang là? Lúc đó, bạn sẽ tìm thấy điều chưa biết, hay đúng hơn là nó sẽ đến với bạn. Nếu hiểu điều đã biết, thì bạn sẽ trải nghiệm rằng sự tĩnh lặng phi thường không phải do kích thích, không phải do cưỡng chế mà có, rằng sự trống không sáng tạo thì chỉ riêng thực tại mới có thể bước vào. Nó không thể xuất hiện với cái đang trở thành , đang nỗ lực. Nó chỉ có thể đến với cái đang hiện hữu , vốn hiểu hiện trạng. Lúc đó, bạn sẽ thấy rằng thực tại không ở đâu xa; cái chưa biết không ở đâu xa. Nó ở ngay trong hiện trạng. Do câu trả lời đối với một vấn đề nằm ngay trong vấn đề đó, nên thực tại nằm ngay trong hiện trạng. Nếu có thể hiểu nó, chúng ta sẽ biết được sự thật.
Thật vô cùng khó khăn để nhận thức về sự trì độn, nhận thức về thói tham lam, nhận thức về ác tâm, tham vọng, vân vân. Chính nhận thức về hiện trạng là sự thật. Chính sự thật sẽ cho bạn tự do, chứ không phải sự đấu tranh để được tự do. Do đó, thực tại không ở đâu xa, nhưng chúng ta lại đẩy nó ra xa, vì chúng ta cố gắng sử dụng nó làm phương tiện cho việc tự nối tiếp. Nó ở đây, ngay hiện tại, ngay lúc này. Cái bất diệt hay cái phi thời gian là hiện tại và một người bị mắc kẹt trong mạng lưới thời gian thì không thể hiểu hiện tại. Muốn giải thoát tư duy khỏi thời gian thì đòi hỏi phải hành động, nhưng tâm trí thì lười biếng, uể oải, và do đó bao giờ cũng gây ra những trở ngại khác. Điều này chỉ khả dĩ khi thiền định đúng cách, tức là hành động trọn vẹn, chứ không phải là hành động tiếp tục, và chỉ có thể hiểu hành động trọn vẹn khi tâm trí lĩnh hội được quá trình tiếp nối, tức là ký ức – không phải ký ức thực tế, mà là ký ức tâm lý. Chừng nào ký ức còn hoạt động, thì tâm trí không thể hiểu được cái đang là. Nhưng tâm trí của một người, toàn bộ bản thể của một người sẽ trở nên sáng tạo phi thường, tỉnh giác một cách thụ động khi họ hiểu được ý nghĩa của sự kết thúc, bởi vì trong sự kết thúc có sự đổi mới. Còn trong sự tiếp nối lại có cái chết, có sự suy tàn.