C
âu hỏi : Liệu chúng tôi có thể ngộ ra ngay lập tức sự thật mà ngài đang nhắc đến, dù không có bất cứ sự chuẩn bị nào trước không?
Krishnamurti : Bạn có ý gì khi nói sự thật? Chúng ta đừng sử dụng một từ nào đó mà mình không biết ý nghĩa. Chúng ta có thể sử dụng từ đơn giản hơn, một từ trực tiếp hơn. Bạn có thể hiểu, bạn có thể lĩnh hội trực tiếp một vấn đề không? Đó là điều bạn ngụ ý, đúng không? Liệu bạn có thể hiểu cái đang là một cách tức thời, ngay bây giờ không? Khi hiểu được cái đang là, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của sự thật. Nhưng chẳng có ý nghĩa gì khi nói rằng người ta phải hiểu sự thật. Liệu bạn có thể hiểu một vấn đề một cách trực tiếp, trọn vẹn và thoát khỏi nó không? Đó là điều được ngụ ý trong câu hỏi này, không phải vậy sao? Liệu bạn có thể hiểu một cuộc khủng hoảng, một thách thức ngay lập tức, thấy được toàn bộ ý nghĩa của nó và thoát khỏi nó không? Những gì bạn hiểu thì không để lại dấu vết nào cả; do đó, sự hiểu biết hay chân lý là tác nhân giúp giải thoát. Ngay bây giờ, liệu bạn có thể được giải thoát khỏi một vấn đề, khỏi một sự thách thức không? Cuộc đời là một chuỗi của những thách thức và phản ứng, nếu phản ứng của bạn với một thách thức bị quy định, bị hạn chế, không hoàn chỉnh, thì thách thức đó sẽ để lại dấu vết, để lại phần cặn bã của nó, thứ sẽ được củng cố hơn nữa nhờ một thách thức mới, đúng không? Thế nên có một ký ức không ngừng lắng đọng, những sự tích lũy, những vết sẹo, và với tất cả những vết sẹo này, bạn cố gắng gặp được cái mới, vì vậy bạn không bao giờ thấy được cái mới. Vì vậy, bạn không bao giờ hiểu được, không bao giờ thoát khỏi bất kỳ thách thức nào.
Vấn đề, là liệu tôi có thể hiểu trọn vẹn và trực tiếp một thách thức hay không? Cảm nhận tất cả ý nghĩa của nó, tất cả hương thơm của nó, chiều sâu, vẻ đẹp và sự xấu xí của nó, thế nên mới thoát được khỏi nó. Thách thức luôn luôn mới mẻ, đúng không? Vấn đề luôn luôn mới mẻ, không phải vậy sao? Chẳng hạn, một vấn đề mà bạn gặp hôm qua đã trải qua sự thay đổi tới mức khi bạn gặp nó hôm nay, nó đã mới mẻ rồi. Nhưng bạn lại gặp nó với những thứ cũ kỹ, bởi vì bạn gặp nó mà không có gì biến đổi, chỉ đơn thuần thay đổi chút ít trong những suy nghĩ của chính bạn mà thôi.
Để tôi trình bày theo cách khác nhé. Ngày hôm qua, tôi đã gặp bạn. Từ đó đến giờ, bạn đã thay đổi. Bạn trải qua một sự biến đổi, nhưng tôi vẫn lưu giữ hình ảnh của bạn ngày hôm qua. Hôm nay, tôi tái ngộ bạn với hình ảnh tôi có trước đây về bạn, và do đó tôi không hiểu được bạn – tôi chỉ hiểu được hình ảnh của bạn mà tôi có được ngày hôm qua. Nếu tôi muốn hiểu bạn, người đã cải sửa, thay đổi, thì tôi phải gỡ bỏ hình ảnh cũ, tôi phải thoát khỏi hình ảnh của ngày hôm qua. Hay nói cách khác, để hiểu một thách thức, vốn luôn mới mẻ, tôi cũng phải gặp gỡ nó theo một cách khác, tức là không có cái cặn bã lắng đọng của ngày hôm qua. Do vậy, tôi phải nói lời từ biệt với ngày hôm qua.
Suy cho cùng, cuộc sống là gì? Nó là thứ gì đó luôn luôn mới mẻ, chẳng phải vậy sao? Nó là điều gì đó mà lúc nào cũng đang trải qua thay đổi, tạo nên một cảm giác mới. Hôm nay không bao giờ giống ngày hôm qua và đó là vẻ đẹp của cuộc sống. Liệu bạn và tôi có thể gặp mọi vấn đề theo một cách mới mẻ được không? Khi về nhà, liệu bạn có thể gặp vợ và con bạn theo một cách mới, gặp gỡ thách thức theo một cách mới được không? Bạn sẽ không thể làm được như vậy nếu chất đầy những ký ức về ngày hôm qua. Do đó, để hiểu được sự thật về một vấn đề, về một mối tương giao, bạn phải đến với nó bằng một cách mới mẻ – chứ không phải với một “tâm trí cởi mở”, bởi vì điều đó không có ý nghĩa gì cả. Bạn phải đến với nó mà không mang theo những vết sẹo của ký ức về ngày hôm qua – nghĩa là khi mỗi thách thức phát sinh, hãy nhận ra tất cả phản ứng về ngày hôm qua và khi nhận thức về cặn bã lắng đọng, ký ức của ngày hôm qua, bạn sẽ thấy rằng chúng tự rời bỏ mà không cần phải đấu tranh gì cả, nhờ đó tâm trí của bạn trở nên tươi mới.
Liệu người ta có thể nhận ra sự thật ngay lập tức mà không cần chuẩn bị không? Tôi nói là có thể – không phải từ một ý muốn nhất thời nào đó của tôi, không phải từ một ảo giác nào đó; mà hãy trải nghiệm về tâm lý với nó và bạn sẽ thấy. Hãy chấp nhận bất kỳ thách thức nào, bất kỳ rắc rối nhỏ nhặt nào – đừng đợi đến lúc gặp phải một khủng hoảng lớn – và xem thử bạn phản ứng ra sao với nó. Hãy nhận thức về nó, về các phản ứng của bạn, về những ý hướng của bạn, thái độ của bạn, rồi bạn sẽ hiểu chúng, bạn sẽ hiểu bối cảnh của mình. Tôi cam đoan rằng bạn có thể thực hiện điều đó ngay lập tức nếu chú tâm hoàn toàn vào nó. Nếu đang tìm kiếm ý nghĩa trọn vẹn về bối cảnh của mình – nó sản sinh ra ý nghĩa của nó – thì bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra sự thật, hiểu biết về vấn đề đó. Sự hiểu biết hiện hữu ngay từ hiện tại, lúc này, vốn luôn là thứ phi thời gian. Mặc dù có thể là ngày mai, nhưng vẫn là bây giờ. Chỉ đơn thuần trì hoãn, chuẩn bị đón nhận cái vốn là ngày mai thì chỉ ngăn bản thân bạn hiểu được cái đang là. Chắc chắn bạn có thể hiểu trực tiếp cái đang là ở hiện tại, phải không? Để hiểu cái đang là, bạn phải thật yên tĩnh, không bị phân tâm, bạn phải dành trọn tâm trí và trái tim của mình cho nó. Nó phải là sự quan tâm duy nhất ở khoảnh khắc đó, một cách trọn vẹn. Khi ấy, cái đang là sẽ trao cho bạn đầy đủ chiều sâu của nó, trọn vẹn ý nghĩa của nó, và nhờ vậy bạn thoát khỏi vấn đề đó.
Nếu bạn muốn biết sự thật, chẳng hạn ý nghĩa tâm lý của tài sản vật chất, nếu bạn thực sự muốn hiểu nó một cách trực tiếp, ngay bây giờ, thì làm sao bạn tiếp cận nó? Chắc chắn bạn phải cảm thấy gần gũi với vấn đề, bạn không được sợ nó, bạn không được có bất cứ tín điều, bất cứ câu trả lời nào giữa bản thân bạn với vấn đề. Chỉ khi có mối tương giao trực tiếp với vấn đề thì bạn mới tìm thấy câu trả lời. Nếu bạn đưa ra một đáp án, nếu bạn phán xét, có sự ghét bỏ về mặt tâm lý, thì bạn sẽ trì hoãn, bạn sẽ chuẩn bị để ngày mai mới hiểu cái chỉ có thể hiểu “ngay bây giờ”. Do đó, bạn sẽ không bao giờ hiểu được. Để lĩnh hội sự thật thì không cần chuẩn bị gì cả. Việc chuẩn bị hàm ý thời gian và thời gian không phải là phương tiện để hiểu chân lý. Thời gian mang tính tiếp nối, còn chân lý thì lại có tính phi thời gian, không tiếp nối. Sự hiểu biết là không liên tục, nó xuất hiện từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác, không có cái dư thừa lắng đọng.
Tôi e rằng tôi đang khiến tất cả những điều này nghe có vẻ rất khó khăn, phải không? Nhưng thật ra lại rất dễ dàng và đơn giản để hiểu, chỉ cần bạn trải nghiệm nó thôi. Nếu bạn mộng mơ, trầm ngâm về nó, thì vấn đề trở nên khó hiểu. Khi không có hàng rào ngăn cách giữa bạn và tôi, tôi sẽ hiểu bạn. Nếu tôi cởi mở với bạn, tôi sẽ hiểu bạn một cách trực tiếp – và cởi mở không phải là vấn đề của thời gian. Liệu thời gian có khiến tôi cởi mở không? Liệu sự chuẩn bị, hệ thống, phương pháp, việc kỷ luật có khiến tôi cởi mở với bạn không? Không. Điều khiến tôi cởi mở với bạn chính là ý hướng muốn hiểu biết của tôi. Tôi muốn cởi mở bởi vì tôi không có gì để che đậy, tôi không lo sợ. Do đó, tôi cởi mở và có sự cộng cảm ngay lập tức, rồi sự thật xuất hiện. Để tiếp nhận sự thật, để biết vẻ đẹp của nó, để biết niềm vui của nó, phải có sự lĩnh hội tức thời, không bị bao phủ bởi những lý thuyết, nỗi sợ hãi và câu trả lời.