Hạnh phúc thật sự là gì?
Ngày thứ tư sống trên núi Thanh Thành, gần 10 giờ sáng tôi mới ngủ dậy và cảm thấy rất sảng khoái.
Sau khi tắm rửa qua loa, tôi leo lên sân thượng, hít thở không khí trong lành. Sân thượng được làm hoàn toàn bằng gỗ, có thể nhìn thấy toàn cảnh của khu nhà nghỉ và những ngọn núi nhấp nhô ở phía trước.
Tôi muốn hút một điếu thuốc nhưng bật lửa không lên. Khi tôi định đi tìm sự giúp đỡ thì một người đàn ông cầm điếu thuốc mỉm cười bước lại phía tôi, hỏi bằng giọng Thành Đô: “Bật lửa không lên à?” Anh đưa bật lửa cho tôi. Tôi châm điếu thuốc, rồi lấy một điếu khác mời anh, nhưng anh xua bàn tay đang kẹp điếu thuốc và nói: “Cảm ơn cậu. Tôi cũng có.” Chúng tôi mỉm cười, đứng lại gần nhau.
Người đàn ông này không hoàn toàn xa lạ với tôi. Trong ba ngày vừa qua, tôi có ấn tượng sâu sắc về anh ta. Anh ta có dáng người mảnh khảnh, không cao lắm, mặc một chiếc áo phông ngắn tay màu trắng, quần âu màu xám, chân xỏ một đôi giày lười màu xanh lá cây, sáng bóng. Anh hơi gù, mái tóc ngắn tự nhiên đã có hai màu, hơi hói, nhưng vẫn hợp thời. Anh có ánh mắt kiên định, lông mày rậm, hốc mắt hơi trũng, khuôn mặt góc cạnh, nước da màu đồng, không có quá nhiều nếp nhăn và đặc biệt điệu cười rất sảng khoái. Anh yêu âm nhạc. Trong ba ngày qua, tôi nhiều lần bắt gặp anh. Trong bữa trưa hoặc bữa tối, anh thường mang theo một chiếc đàn accordion có hoa văn màu đỏ sẫm lên một góc nhà ăn trên sân thượng, đàn những khúc nhạc rất hay. Khi xem anh biểu diễn, tôi đưa mắt nhìn những ngọn đồi xanh rì bên ngoài cửa sổ, rất dễ lạc vào một thế giới khác. Anh không chỉ diễn, mà còn khéo léo trao đổi bằng ánh mắt, nét mặt với người nghe, khiến cho tất cả các vị khách có mặt ở nhà ăn lúc bấy giờ cùng cất giọng hát lên bài Con đường trời, cũng có khi các cô gái trẻ sẽ nhún nhảy theo bài Cô gái thành Davaa.
Tôi hỏi người đàn ông lớn tuổi: “Anh tên gì?”
Anh trả lời: “Tôi họ Giang, tên Giang Vân. Còn cậu, nghe giọng hình như là người Đông Bắc?”
Tôi nói: “Đúng vậy, em người Cát Lâm, Đông Bắc. Em tên Phó Nham, chữ ‘phó’ trong giao phó, chữ ‘nham’ trong nham thạch.”
“Cậu đến đây làm gì?”
“Em đến viết sách.”
“Sách về lĩnh vực gì?”
“Sách khởi nghiệp.”
Anh nhận xét bằng giọng Thành Đô: “Chủ đề này hay đấy, phù hợp với xu thế hiện nay, lớp trẻ đều cần tìm hiểu kiến thức về mảng này.”
Anh lại hỏi: “Cậu phải viết trong bao lâu?”
Tôi đáp: “Em chưa rõ, ít nhất cũng phải hơn hai mươi ngày.”
Anh chỉ vào chiếc ghế mây bên cạnh và nói: “Lại đây uống tách trà, giờ ăn trưa vẫn còn sớm.” Anh nói với chị nhân viên khoảng bốn mươi tuổi: “Cho chúng tôi hai tách trà, thêm một đĩa lạc rang nữa.”
Tôi buột miệng nói: “Cảm ơn thầy Giang.”
Anh nói: “Thầy Giang gì chứ, gọi anh Giang thôi, nào, ngồi đi.”
Nhân viên nhanh chóng mang hai tách trà và đĩa lạc rang lên. Thầy chỉ vào nói: “Mời cậu nếm thử đặc sản của núi Thanh Thành.”
“Năm nay thầy đến sáu mươi chưa?” Tôi nhấp một ngụm trà và hỏi thầy Giang.
Mắt thầy Giang sáng lên, mỉm cười nói: “Tôi đã bảy mươi mốt tuổi rồi.”
“Thật không thể nhìn ra, em nghĩ thầy nhiều nhất cũng chỉ sáu mươi tuổi.” Tôi nói một cách chân thành.
“Cũng nhờ tôi luôn có tâm trạng tốt. Tôi quê gốc ở Thành Đô. Tôi sinh ra ở đường vành đai một, làm việc ở đường vành đai hai và sống ở đường vành đai ba. Chắc là sau này sẽ chết ở Nhiễu Thành.” Thầy Giang bóc vỏ một củ lạc, nói hài hước.
“Trước lúc nghỉ hưu thầy đã làm việc gì?” Tôi hỏi.
“Trước kia tôi là một viên chức nhà nước của ban hệ thống thông tin liên lạc. Sau đó tôi bỏ việc, đầu quân cho một công ty nước ngoài phụ trách marketing. Khách hàng khi đó của tôi chính là công ty Changhong1. Tôi thay mặt công ty toàn quyền trao đổi với công ty Changhong, cung cấp cho họ các linh kiện điện tử. Tôi đã chứng kiến toàn bộ quá trình Changhong phát triển từ một công ty có doanh thu bốn tỷ nhân dân tệ mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ mỗi năm.” Thầy Giang nhấp một ngụm trà và tự hào trả lời.
1 Changhong Electric Co., Ltd. (Changhong) là một công ty điện tử tiêu dùng Trung Quốc có trụ sở tại Miên Dương, Tứ Xuyên và được thành lập vào tháng 10 năm 1958 tại cùng địa điểm. Đây là nhà sản xuất tivi lớn thứ hai tại Trung Quốc.
“Vì sao thầy sống ở đây?” Tôi hiếu kỳ hỏi.
“Ông chủ Lưu của nhà nghỉ này là bạn tôi. Chúng tôi đều thích âm nhạc. Tôi thường lên núi sống. Có dịp tôi sẽ biểu diễn một vài bản nhạc cho những người bạn đến đây nghỉ ngơi. Họ rất thích nghe nên tôi cũng cảm thấy vui.” Thầy Giang trả lời nghiêm túc bằng giọng Thành Đô rất hay.
“Tôi thích thiên nhiên, nó mang lại cho con người cảm giác thư giãn. Tôi thích sống ở đây. Tôi có thể chơi nhạc khi có khách, còn những lúc không có ai, tôi thích nghe tiếng chim chóc, côn trùng kêu và tiếng nước suối chảy. Khi mới biết dùng WeChat, tôi đã gửi cho nhóm bạn một tin – ‘Khi mọi người mải tìm hiểu anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng, thì tôi đang đón Mặt Trời mọc, cảm nhận tiếng chim hót, dòng suối chảy, cảm nhận núi xanh, nước biếc ở xung quanh, tất cả đều trong veo...’ Vì thế, mỗi lần đến đây tôi đều có cảm giác hạnh phúc.” Thầy Giang nói tiếp.
“Cậu biết không? Ngọn núi chúng ta đang ở cách thị trấn Ánh Tú – tâm chấn trận động đất xảy ra ở Vấn Xuyên năm 2008 chỉ 14km. Nó thuộc dãy núi Long Môn, là một dải địa chấn điển hình. Nó tiếp giáp giữa dãy Himalaya và đồng bằng Thành Đô, nên đón nhận hết những áp lực của dãy Himalaya lên đồng bằng Thành Đô. Thỉnh thoảng ở đây xảy ra động đất, có những trận động đất khá mạnh, nhưng người dân nơi đây vẫn rất lạc quan. Đặc biệt là sau trận động đất kinh hoàng ở Vấn Xuyên, mọi người đã có một nhận thức mới về động đất và cuộc sống.” Thầy Giang nói tiếp: “Thực ra, trận động đất không quá khủng khiếp. Quan điểm của tôi là nếu không có động đất, sẽ không có Trái Đất. Nói cách khác, chính những thay đổi nằm sâu dưới lòng đất đã tạo ra bề mặt Trái Đất đa dạng và tráng lệ. Điều quan trọng là con người nhìn nhận chuyện này bằng thái độ như thế nào. Cậu thấy đấy, Nhật Bản là đất nước nổi tiếng có nhiều động đất, cảm giác nguy hiểm cao, nhưng khi tôi đến Nhật Bản mới nhận ra, người dân ở đó rất hạnh phúc.”
“Thầy cho rằng hạnh phúc là gì?” Tôi hỏi.
“Hạnh phúc ư?” Thầy Giang thoáng ngẩn người, không nghĩ rằng tôi sẽ hỏi câu này. Thầy nói: “Theo tôi, nên nghĩ thế này. Hạnh phúc không phải là kết quả cuối cùng, nó là một quá trình. Nếu chỉ là kết quả, thì cảm giác hạnh phúc sẽ rất ngắn ngủi. Giống như khi cậu đặt ra một mục tiêu sau đó vất vả đạt được nó, cậu hẳn là rất vui nhưng cảm giác đó sẽ không kéo dài lâu. Những cảm nhận cậu có được trong quá trình chinh phục mục tiêu đó mới quan trọng.” Thầy Giang dừng lại, rồi nói tiếp. “Giống như tôi thích nghe nhạc giao hưởng. Khi tôi được nghe Bản giao hưởng định mệnh của Beethoven trong một buổi hòa nhạc, tôi rất xúc động. Nhưng hạnh phúc thực sự bắt đầu từ lúc tôi mới mua vé vào một tháng trước đó. Trong một tháng đó, tôi luôn mong chờ ngày trình diễn buổi hòa nhạc, thường xuyên lên mạng tra cứu thông tin, tìm hiểu thêm về phong cách của dàn nhạc giao hưởng, xem những video ghi hình buổi hòa nhạc trước đó của họ, liên tục tán hưởng tác phẩm của họ, tôi thưởng thức quá trình đó. Đến khi buổi hòa nhạc diễn ra, tôi cũng được hưởng niềm vui trong một vài tiếng đồng hồ, nhưng điều khiến tôi thực sự hạnh phúc là những cảm nhận trong suốt một tháng chờ đợi.”
Anh thấy tôi không nói gì, lại nói: “Cũng có thể hiểu hạnh phúc giống như quá trình sư tử đuổi theo một con linh dương. Đối với con sư tử, quá trình đuổi bắt đã rất hạnh phúc, còn khi bắt được con linh dương, nó sẽ có trải nghiệm hạnh phúc trọn vẹn.”
“Con sư tử hạnh phúc, còn linh dương thì sao? Nó nghĩ gì?” Tôi thắc mắc hỏi.
“Linh dương?” Thầy Giang suy nghĩ giây lát. “Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện này. Nó chắc chắn không hạnh phúc rồi. Rất đau đớn!” Thầy Giang trầm ngâm nói: “Hạnh phúc và đau khổ là sự thống nhất của các mặt đối lập. Có người hạnh phúc thì cũng phải có người đau khổ. Mỗi người có cảm nhận khác nhau, có hạnh phúc hay không chỉ bản thân chúng ta mới biết. Khi tôi hạnh phúc, tôi không biết liệu người khác có hạnh phúc không.”
“Vậy làm thế nào mới có thể làm cho mình hạnh phúc?” Tôi tiếp tục hỏi.
“Câu hỏi của cậu không dễ trả lời.” Thầy Giang suy nghĩ một lúc rồi nói: “Hạnh phúc nói thì dễ, nhưng để đạt được thì thật khó. Muốn bản thân mình hạnh phúc cần có một tâm thái tốt. Chuyện gì cũng không nên quá để ý đến kết quả, hãy chú ý hơn vào quá trình, kết quả không quá quan trọng, miễn sao chúng ta đã làm hết sức mình. Theo mấy chục năm kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng con người không nên để cho dục vọng che mờ đôi mắt và trói buộc trái tim mình. Không nên đặt mục tiêu quá cao. Chỉ cần có một cơ thể khỏe mạnh, một gia đình êm ấm, một sở thích, một nhóm bạn tốt có thể nói chuyện tâm giao, làm những gì mình muốn làm, nói những gì mình muốn nói và không tạo cho mình một áp lực quá lớn, vậy là đã rất hạnh phúc rồi. Cậu nghĩ thế nào?” Thầy Giang nhìn tôi, dường như muốn tôi đồng ý với ý kiến của Thầy.
Tôi không trả lời mà tiếp tục hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để người khác cũng hạnh phúc như mình?”
Nghe vậy, thầy Giang trầm tư suy nghĩ, sau đó tiếp tục nói: “Vậy tôi hỏi lại cậu nhé, đau khổ là gì? Chúng ta có thể làm gì để người khác không đau khổ? Cậu suy nghĩ câu hỏi này, thì sẽ trả lời được câu hỏi của cậu.”
“Không làm cho người khác đau khổ thì họ có thể hạnh phúc sao?” Tôi lại hỏi tiếp.
“Điều này không hoàn toàn đúng. Câu hỏi của cậu có vẻ sâu sắc. Nói chuyện với cậu rất thú vị.” Thầy Giang nói nghiêm túc, “Vậy cậu cho tôi biết, nên trả lời câu hỏi này như thế nào?”
Tôi thoáng dừng lại suy nghĩ, người đàn ông trước mặt đúng là một bậc trí thức đáng kính. Sự hiểu biết của Thầy về cuộc sống và khí chất toát ra từ con người Thầy vượt lên trên đám đông. Thực tế, câu hỏi của tôi cũng là vấn đề khiến tôi và nhiều người bận tâm. Hôm nay có cơ hội hiếm hoi, tôi muốn mượn cuộc trò chuyện với thầy Giang để sắp xếp lại suy nghĩ của mình về vấn đề này. Tôi mới nghĩ ra mình nên đưa cuộc đối thoại với thầy Giang vào cuốn sách này. Có lẽ không ít người trong thời đại ngày nay cũng đang cố tìm một câu trả lời thỏa đáng với họ.
“Thầy Giang, tôi cho rằng những câu trả lời của Thầy chứa đầy triết lý sống. Trong xã hội hiện nay, dường như chúng ta bị cuộc sống trói buộc, mọi người mải miết theo đuổi mục tiêu, theo đuổi thành công, tạo cho mình nhịp sống gấp gáp, ai cũng quá bận rộn và quá mệt mỏi. Khi có thời gian để bình tĩnh lại, nhiều người mới bắt đầu suy nghĩ: Hạnh phúc là gì? Làm thế nào có thể trở nên hạnh phúc? Làm thế nào để cho người khác hạnh phúc? Ngoài những trường hợp bắt chước nhau ra, thì không có câu trả lời chung cho những câu hỏi này.”
Chúng tôi nhìn nhau, khẽ gật đầu và không nói gì.
“Thầy nói mỗi người có một cách hiểu và cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Nếu nói theo mạch suy nghĩ này, thì chúng ta sẽ rất vất vả khi phải trả lời các câu hỏi hạnh phúc là gì, làm thế nào mới hạnh phúc và làm thế nào để cho người khác hạnh phúc, chi bằng hãy thay đổi cách nghĩ.”
Thầy Giang nhìn tôi, nói: “Cậu nói tiếp đi.”
“Hẳn là thầy đã từng nghe câu hỏi này, ‘Tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi muốn đi đến đâu?’”
“Tất nhiên tôi nghe rồi, đó là câu hỏi lớn thuộc phạm trù triết học.” Thầy Giang trả lời tôi.
Tôi tiếp tục nói: “Đây là câu hỏi lớn mà nhân loại không ngừng tìm hiểu và suy nghĩ. Triết học, tôn giáo và khoa học của phương Đông và phương Tây đã cố gắng khám phá, giải đáp câu hỏi này trong mấy trăm năm. Câu hỏi con người đến từ đâu? Sinh mệnh bắt nguồn từ đâu? Khoa học giải thích bằng các thuật ngữ như nguồn gốc các loài, thuyết tiến hóa, vụ nổ lớn của vũ trụ. Nếu giải thích theo tôn giáo phương Tây, thì câu trả lời là: Thần, Chúa và Đấng sáng thế. Còn cách giải thích theo quan niệm phương Đông là: Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa tạo ra con người. Tuy nhiên, mỗi cách giải thích đi theo một hướng. Không có cách giải thích nào hoàn toàn thuyết phục, chúng cùng tồn tại với nhau. Vì thế mới có ba tôn giáo lớn trong cùng một thế giới là: Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Phật giáo. Các tín đồ của những tôn giáo này xuất hiện khắp mọi nơi. Ngoài ra, có vô số người vô thần, chỉ tin vào khoa học.
“Tôi cho rằng đầu tiên phải đưa câu hỏi này quay ngược trở lại bản thân mỗi cá nhân. Lão Tử đã nói trong Đạo đức kinh: ‘Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.’2Trong tự nhiên, con người là hồn cốt của muôn vật. Điều đáng quý nhất của con người là mỗi người có một sinh mệnh, có linh tính và độc đáo riêng. Sinh mệnh là gì? Nó là sự tồn tại kết hợp giữa thể xác, tâm lý và linh hồn. Sinh mệnh là chất năng lượng quý giá nhất. Nó được tạo ra bởi sự sáng tạo, sáng tạo là nhân tố đầu tiên của sinh mệnh. Sáng tạo là gì? Theo tôi, sáng tạo là mức năng lượng cao nhất trong vũ trụ, như Lão Tử đã nói trong Đạo đức kinh: ‘Vô danh thiên địa chi thủy. Hữu danh vạn vật chi mẫu. Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu. Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu. Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh, đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.’3 Chữ ‘huyền’ miêu tả từ sáng tạo một cách sâu sắc. Nguồn gốc của sinh mệnh nằm trong sáng tạo. Bản năng của con người cũng là sáng tạo, xã hội loài người và tự nhiên đều được sinh ra từ sáng tạo.‘Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn’ ý nói sáng tạo là một chuỗi những điều huyền bí. Sở dĩ nó được gọi là huyền bí là vì chúng ta không thể giải thích rõ ràng bằng lý lẽ thông thường. Tôi cho rằng, sáng tạo không bao giờ là một quá trình được thiết lập sẵn, nó là một quá trình không có khả năng giới hạn.”
2 Theo Lão Tử, Đạo đức kinh, Quốc văn giải thích, Hạo Nhiên Nghiêm Toản dịch, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, năm 1959, Chương XXV, trang 156, dịch nghĩa: Trong cõi có bốn thứ lớn, người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên.
3 Theo Lão Tử, Đạo đức kinh, Quốc văn giải thích, Hạo Nhiên Nghiêm Toản dịch, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, năm 1959, Chương I, trang 3, dịch nghĩa: “Không” là gọi cái có trước trời đất. “Có” là gọi mẹ muôn loài. Cho nên thường “không”, muốn lấy cái “không” để xem mọi biến hóa không chừng của nó; thường “có”, muốn lấy cái “có” để xem chỗ đi tới cùng, tinh tế cực điểm của nó. Hai cái ấy đều do một nơi sinh ra mà khác tên, đều bảo là sâu kín mịt mờ. Sâu kín lại càng sâu kín thêm, ấy là cửa phát ra mọi biến hóa khôn lường của sự, vật.
Tôi dường như thấy tia sáng lóe lên trong mắt Thầy.
Tôi có chút hưng phấn, tự tin nói tiếp: “Hạnh phúc là gì? Tôi cho rằng hạnh phúc của một người có tâm hồn, không phải là một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của mèo ăn cá, chó ăn thịt, mà giống như lời vua Jigme Singye Wangchuck của Bhutan đã đưa ra khái niệm chỉ số hạnh phúc và tạo ra một đất nước hạnh phúc kiểu Bhutan: ‘Vấn đề cơ bản của cuộc sống là làm thế nào duy trì sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.’ Trong cuộc sống thực tế, có nhiều người đã lạc đường! Bởi vì chúng ta bị thói đời, dục vọng, sự nghi ngờ và sợ hãi trói buộc. Chỉ khi chúng ta nhìn nhận rõ những vấn đề này, quá trình theo đuổi hạnh phúc mới dần trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta phải tích cực đối mặt và giải quyết những vấn đề này, dũng cảm đi hết đường đời với tâm thái ‘phấn đấu hết mình’. Vào lúc này, tôi gọi đó là ‘sự thức tỉnh của sinh mệnh’.
Một sinh mệnh vĩ đại bắt đầu từ giây phút được thức tỉnh. Sự thức tỉnh đó giống như trải nghiệm tái sinh. Chúng ta phải hiểu rằng, bản thân mỗi chúng ta là một sinh mệnh quý giá và độc nhất vô nhị. Sinh mệnh của chúng ta được tạo ra bởi sự sáng tạo và biến mất vì tình yêu. Tình yêu là gì? Tình yêu là một cảm giác thực sự tốt đẹp. Một người biết yêu mình và yêu người mới có thể hiểu hạnh phúc là điều ý nghĩa nhất trong sự sống của chúng ta, là quá trình yêu và được yêu. Đó là quá trình sáng tạo tích cực, can đảm, chủ động và vị tha, mang yếu tố tâm linh và khả năng vô hạn.
Bởi vậy, sau khi hiểu được hạnh phúc là gì, chúng ta sẽ bước đi trên con đường đời với đôi mắt và tâm trí như một đứa trẻ. Tôi nghĩ không bao giờ là quá muộn! Chúng ta phải dũng cảm tạo ra hạnh phúc thuộc về mình. Tôi tin rằng, cuộc đời giống như một lần khởi nghiệp, chúng ta nên chủ động yêu thương và yêu thương thật vô tư, trân trọng mỗi ngày được sống, cảm ơn những người yêu thương chúng ta và nắm bắt các mối nhân duyên hiếm hoi trong cuộc đời.”
Nói đến đây, đôi mắt thầy Giang như nhòe đi.
Đúng lúc này, trong nhà hàng vọng ra giọng nói trong trẻo của một cô gái: “Mọi người ăn trưa thôi!” Thầy Giang đứng dậy, bước vào gian phòng gỗ ở góc sân thượng. Thầy lấy chiếc đàn accordion có hoa văn màu đỏ sẫm trên giường, rồi quay lại nói với tôi: “Tôi phải đi rồi, đã đến giờ biểu diễn. Tôi phải đến sớm một chút để chuẩn bị.” Thế rồi thầy từ từ bước xuống sân thượng và đi về phía nhà hàng.
Tôi nhìn bóng lưng của thầy Giang và chợt hiểu hạnh phúc tôi muốn theo đuổi là gì...