Chúng ta đã nhanh chóng phá nát cộng đồng
Trong thời đại của Internet di động, sự phát triển các nhóm cộng đồng là nền tảng mở rộng cho sự phát triển của điện thoại thông minh và ứng dụng giao tiếp xã hội. Ở Trung Quốc, ứng dụng WeChat là mảnh đất màu mỡ nhất cho cộng đồng phát triển và nhóm WeChat là lực lượng quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng.
Thật đáng buồn khi chúng ta mù quáng xây dựng cộng đồng mà không biết nó là gì. Bạn hãy mở ứng dụng WeChat4 trên điện thoại di động của mình lên và xem bạn đã tham gia bao nhiêu nhóm cộng đồng. Tôi đoán rằng mỗi người đều tham gia ít nhất 10 nhóm WeChat, cũng không thiếu những người tham gia hơn 20-30 nhóm. Do công việc của tôi là đầu tư mạo hiểm nên tôi được mời tham gia gần 200 nhóm WeChat, trong đó có nhóm khởi nghiệp, nhóm đầu tư, nhóm doanh nhân, nhóm gây quỹ, nhóm hiệp hội, nhóm học tập, nhóm diễn thuyết, nhóm hoạt động... đủ loại khác nhau. Nhiều khi chỉ sau một cuộc họp, tôi nhận được chục ngàn thông báo chưa đọc trên WeChat, thật phiền phức. Tôi tin rằng không ít người có cùng cảm nhận như tôi. Số lượng thông báo quá tải đó liên tục làm phiền, khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt, bất an và bất lực. Vậy tại sao chúng ta lại không rời khỏi các nhóm WeChat? Tôi đã hỏi một số bạn bè xung quanh mình, câu trả lời của họ tập trung vào hai điểm: Thứ nhất, họ không rời khỏi nhóm vì có quen biết người quản trị nhóm. Thứ hai, họ cho rằng mình có thể nhận được một chút lợi ích từ nhóm.
4 WeChat là một ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội kết hợp với thanh toán di động đa năng của Trung Quốc do Công ty Tencent phát hành. Ứng dụng này ra đời năm 2011 và đã nhanh chóng trở thành ứng dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc, hơn 94% điện thoại di động thông minh cài đặt ứng dụng này. Tháng 2 năm 2018, WeChat có hơn 889 triệu người dùng trên phạm vi toàn thế giới.
Sau hai năm phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, các nhóm cộng đồng bắt đầu bộc lộ thực trạng đáng lo ngại, con đường kinh doanh cộng đồng mà mọi người đang mong chờ ngày càng trở nên mờ mịt. Theo quan sát của tôi, một lượng nhỏ các cộng đồng là có trình độ nhất định như: Đảo Zhenghe, Dark Horse khởi nghiệp, Tư duy logic, Diễn đàn học tập hỗn loạn, Diễn đàn hạnh phúc, Công xưởng mỹ nữ khởi nghiệp GirlUp, Diễn đàn học tập Carbon 9, Hội anh em 88, Diễn đàn học tập từ con số 0... Còn lại hơn 99% cộng đồng đều không có giá trị, thậm chí là rác. Trong tài khoản WeChat của bạn có mấy nhóm chất lượng? Ngay cả nhóm bạn đại học hoặc bạn học cấp ba của bạn cũng không đem lại giá trị bổ ích nào, tham gia thì chán, mà rời khỏi thì tiếc. Bạn bắt đầu cảm thấy hơi chán ghét chưa? Những người bạn tự nhận là người xây dựng cộng đồng, liệu đã thực sự hiểu cộng đồng là gì? Theo tôi biết, hầu hết mọi người bàn luận về cộng đồng, xây dựng cộng đồng trong khi bản thân lại không hiểu cộng đồng là gì. Không ai giải thích rõ ràng và chúng ta thì cứ làm theo trực giác, biến nó thành một mớ lộn xộn. Tôi cho rằng, một số cộng đồng hiện nay có trình độ vì trong quá trình phát triển, người sáng lập đi đúng hướng, phù hợp với quy luật của cộng đồng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nắm được bản chất và tinh hoa của cộng đồng, chưa biết cách xây dựng hệ thống tư duy, cho nên nhiều lúc họ cảm thấy rất mệt mỏi và không hiệu quả. Nếu những người sáng lập các cộng đồng này có thể hiểu rõ bản chất và quy luật của cộng đồng, hình thành tư duy cộng đồng đúng đắn, thì tôi tin rằng họ không chỉ phát triển ở mức độ như hiện nay mà chắc chắn bùng nổ trong tương lai.
Ở Trung Quốc, cộng đồng đã bị mọi người phá nát. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, có khả năng cộng đồng sẽ bị phá hỏng hoàn toàn. Hai năm qua, các cộng đồng phát triển nhanh bất thường, nhưng bạn có thể thấy được sự rối loạn, vô tổ chức của các cộng đồng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến công việc và cuộc sống của chúng ta.
Cộng đồng này không thể thay đổi hiện trạng cuộc sống, ngược lại còn tăng thêm áp lực, gánh nặng cho chúng ta. Điều đáng sợ hơn là nhiều người đang mong đợi hoặc đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng kinh doanh cộng đồng. Trên thực tế, rất khó đạt được điều này, vì nó nằm ngoài tầm với.
Không ít người còn vội vàng thúc đẩy thương mại hóa cộng đồng, làm sụp đổ một số lượng lớn các cộng đồng. Hầu hết các hoạt động kinh doanh trên WeChat đều mang tính chộp giật. Không biết bạn đã chặn bao nhiêu người kinh doanh trên WeChat trong vòng bàn bè? Những cộng đồng đơn giản đó đã biến tướng, không chỉ làm người khác cảm thấy phản cảm, mà còn để lại ấn tượng xấu không thể xóa nhòa, khiến mọi người xếp cộng đồng đó vào danh sách những kẻ quấy rối, cần đặc biệt ngăn chặn. Những người vất vả kinh doanh đó vì lợi ích trước mắt mà đã làm tổn thương đến tài sản quý giá nhất trong thời đại này là uy tín cá nhân. Thật đáng tiếc!
Việc này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhất là thu hẹp con đường kinh doanh cộng đồng trong tương lai. Tôi lo lắng, bởi nó sẽ khiến việc khởi nghiệp trong thời đại người người khởi nghiệp, nhà nhà đổi mới trở nên khó khăn. Đáng lẽ thời đại cộng đồng sẽ mở ra một không gian rộng lớn cho phát triển kinh doanhn nhưng, theo quan sát của tôi, cộng đồng Trung Quốc vẫn còn cách thương mại hóa rất xa, thậm chí đi ngược lại xu thế. Theo đuổi thương mại hóa cộng đồng trên đống đổ nát chúng ta đã gây ra là một mong muốn xa xỉ. Mỗi nhân sĩ trong giới đầu tư, khởi nghiệp đều cần suy nghĩ và đối mặt với vấn đề này.
Cộng đồng Tây Hải gọi nhau là “gia đình Tây Hải”
Đứng trước tình trạng phát triển ngày càng đáng lo ngại của các nhóm cộng đồng, tôi quyết định xây dựng một cộng đồng lành mạnh, làm thửa ruộng thí điểm để tìm hiểu tư duy cộng đồng.
Năm 2015, tôi lập nhóm Cộng đồng Tây Hải. Tôi phác thảo sơ bộ tư duy cộng đồng. Tôi ý thức được rằng, trước khi lên núi Thanh Thành đóng cửa viết sách vào cuối tháng 7, tôi phải lập một nhóm WeChat làm cơ sở xây dựng một cộng đồng chất lượng và hiệu quả để nghiên cứu thực tiễn lý luận cộng đồng. Trong một tháng sau đó, tôi lần lượt thêm gần một trăm thành viên vào Cộng đồng Tây Hải. Do văn phòng Công ty TNHH Quản lý Doanh nghiệp Đầu tư Khởi nghiệp Trẻ Trung Quốc nằm ở bờ của Tây Hải (đầm Tích Thuỷ), Bắc Kinh, nên tôi đặt tên nhóm là “Cộng đồng Phó Nham - Tây Hải”. Về sau nhiều thành viên lập nhóm cũng lấy tên mình làm tên nhóm, hiệu quả trực tiếp nhất là thể hiện thương hiệu cá nhân. Đến thời điểm hiện tại, tôi kiểm soát số lượng thành viên trong nhóm khoảng 100 người, thường xuyên quan sát hoạt động của mỗi thành viên. Khi số lượng thành viên vượt quá con số 100 người, tôi sẽ mời một số người không phù hợp rời khỏi nhóm. Rốt cuộc người như thế nào được coi là không phù hợp? Ở phần sau tôi sẽ giải thích câu hỏi này. Tuy những người tham gia nhóm Tây Hải phần lớn đều là bạn bè của tôi, nhưng tôi cũng không còn cách nào khác, vì lợi ích chung, tôi đành phải mời họ ra khỏi nhóm.
Làm thế nào để tham gia nhóm Tây Hải? Nói chung, các thành viên tham gia nhóm đều ngẫu nhiên. Đa số họ là những người đã từng nghe tôi diễn giảng về nhóm cộng đồng vào nửa đầu năm 2015 (các bạn lên trang Baidu, gõ cụm từ “nhóm cộng đồng Phó Nham” vào thanh tìm kiếm là có thể tìm thấy những bài diễn giảng này, nội dung chủ yếu liên quan đến các vấn đề tư duy cộng đồng, gọi vốn cộng đồng, khởi nghiệp cộng đồng). Ngoài ra, còn có một số bạn bè tình cờ quen biết trong công việc hoặc trong các buổi tụ tập. Khi biết tôi đang tiến hành nghiên cứu nhóm cộng đồng, họ thể hiện ý muốn tham gia để cùng nhau trao đổi.
Các thành viên trong cộng đồng Tây Hải chia thành ba nhóm chính. Nhóm đầu tiên là doanh nhân như người sáng lập hoặc đồng sáng lập doanh nghiệp tư nhân cỡ lớn, công ty tham gia sàn giao dịch chứng khoán thứ ba5, công ty đã IPO6. Nhóm thứ hai là nhà đầu tư, ví dụ những nhà đầu tư nổi tiếng trong nước... Nhóm thứ ba là người sáng lập hoặc đồng sáng lập một số công ty khởi nghiệp xuất sắc. Những người bạn này bình thường đều rất bận rộn, thời gian của họ vô cùng quý giá, nên việc vận hành nhóm cộng đồng tương đối khó khăn. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn cùng nhau trao đổi, trò chuyện, hơn nữa 100 thành viên nhóm Cộng đồng Tây Hải còn có một cách xưng hô thân thiết là “người nhà Tây Hải” (mọi người có thể tìm kiếm “Tây Hải”, “cộng đồng Tây Hải” hoặc “người nhà Tây Hải” trong vòng tròn bạn bè trên WeChat).
Hãy thử tưởng tượng, trong tình huống như thế nào những người trong cùng một nhóm vốn dĩ không có quan hệ gì lại có thể gọi nhau là “người nhà”? Giữa họ chắc chắn đã hình thành cảm giác tin tưởng giống như một ngôi nhà tinh thần. Tôi nhận ra cộng đồng là một phương tiện truyền đạt ở cấp độ tinh thần. Nếu giữa các thành viên không có sự kết nối tinh thần thì không thể coi là một cộng đồng thực sự. Vì thế, từ khi bắt đầu tôi đã nghĩ rất kĩ, xác định cộng đồng Tây Hải là một cộng đồng mang tính hỗ trợ, trách nhiệm của tôi là khuyến khích các thành viên vô tư giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau trưởng thành về tâm hồn.
5 Sàn giao dịch cổ phiếu của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
6 IPO – Initial Public Offering: Là phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu.
Từ ngày thành lập nhóm Cộng đồng Tây Hải, tôi đứng ra giải quyết các vấn đề về sự tin tưởng giữa các thành viên, sau đó khuyến khích mọi người giúp đỡ lẫn nhau, và tất nhiên tôi luôn là người thực hiện trước. Nửa cuối năm 2015, do phần lớn thời gian tôi đều không có mặt ở Bắc Kinh, không thể tổ chức nhiều buổi gặp mặt trực tiếp, nên tôi bắt đầu tổ chức họp trực tuyến. Tôi bỏ thời gian quan sát các hoạt động trong vòng tròn bạn bè của mỗi thành viên. Khi phát hiện ra thành viên nào đó có nhu cầu quảng bá thông tin, tôi sẽ chủ động chia sẻ trước. Sau đó tôi chụp màn hình và gửi vào Cộng đồng Tây Hải, đồng thời gửi cả nội dung được biên tập cho họ để cố gắng kêu gọi những thành viên khác giúp đỡ chia sẻ. Trong một năm qua, tôi làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần hành động đơn giản này và đã nhận được vô số sự hưởng ứng của gia đình Tây Hải. Hầu hết các thành viên đều nhận được sự giúp đỡ của tập thể. Một tin tức từ tài khoản WeChat công chúng sẽ lan truyền nhanh chóng nhờ sự chia sẻ của tập thể mấy chục người trong gia đình Tây Hải. Dưới sự thúc đẩy của Internet lan truyền theo chuỗi, thông thường những thông tin chia sẻ được chứng thực và tin tưởng kiểu này sẽ được chia sẻ lại hai ba lần. Trong một khoảng thời gian ngắn, độ phủ của nó có thể lên đến mấy nghìn người, thậm chí trên chục nghìn người. Trong quá trình hỗ trợ giúp đỡ nhau như vậy, mỗi thành viên trong cộng đồng Tây Hải đều nhận được lợi ích thực tế. Điều quan trọng hơn là vô số lần đoàn kết tinh thần, đóng góp vô tư đó đã giúp cho tập thể gia đình Tây Hải phát huy sức sáng tạo và gia tăng cảm giác hạnh phúc. Thế giới tinh thần của mọi người vô hình trung có sự kết nối và hỗ trợ nhau một cách chặt chẽ.
Một năm qua, những trường hợp giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên gia đình Tây Hải nhiều vô kể. Dường như mỗi ngày đều xuất hiện những chuyện như thế. Những câu nói, hành động tận tình xuất hiện từng giây từng phút trong cộng đồng Tây Hải, lan tỏa năng lượng tích cực, ấm áp như ánh mặt trời.
Tôi xin lấy một trường hợp tiêu biểu minh chứng những điều nói ở trên. Đầu tháng 6 năm 2016, một thành viên trong gia đình Tây Hải là Dương Thủ Bân dự định tổ chức hoạt động Lão đại livestream trên WeChat. Chương trình thực hiện trên nền tảng phát sóng trực tiếp của phần mềm 360. Dương Thủ Bân và tôi cùng tham gia Hội Thiên thần Thanh niên Trung Quốc – nơi hội tụ những đối tác khởi nghiệp với nguồn vốn phong phú và những nhà đầu tư thiên thần nổi tiếng Trung Quốc. Anh ấy là một trong những thành viên tiêu biểu nhất trong cộng đồng Tây Hải. Sau cuộc trao đổi ngắn gọn, tôi bày tỏ sự tán thành và quyết tâm dốc toàn tâm toàn lực hỗ trợ. Tôi gửi kế hoạch phát sóng trực tiếp của Dương Thủ Bân vào nhóm Cộng đồng Tây Hải và đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của mọi người. Trong quá trình khởi động trước khi phát sóng, cộng đồng Tây Hải bùng phát nguồn năng lượng to lớn.
Thông qua cách thức chuyển tiếp trong vòng tròn bạn bè WeChat, gửi lên nhóm bạn bè WeChat, chia sẻ liên kết nhóm WeChat do cộng đồng Tây Hải lập ra, chỉ trong một thời gian ngắn đã có mấy triệu người chia sẻ, trải đường cho thành công của hoạt động livestream. Cuối cùng, sự kiện phát sóng trực tiếp này đã thành công ngoài mong đợi. Là một nhà đầu tư thiên thần, Dương Thủ Bân đã đạt được thành tích có 5,2 triệu người xem trực tiếp. Từ đó, giới truyền thông gọi anh là “hiện tượng mạng nổi tiếng đầu tiên trong giới đầu tư khởi nghiệp Trung Quốc”. Tôi cũng giành được giải thưởng bay vào không gian vì tham gia hoạt động tranh thưởng. Họ gọi tôi là “người đầu tiên được lên vũ trụ trong cộng đồng đầu tư Trung Quốc”.
Tối ngày 9 tháng 6 năm 2016, cũng chính là Tết Đoan Ngọ, tôi đăng một dòng trạng thái để chia sẻ cảm nhận của mình. Tôi xin dẫn lại toàn văn ở đây để độc giả hiểu hơn về Cộng đồng Tây Hải mà chúng tôi gọi là Gia đình Tây Hải.
Dương thủ bân phá kỷ lục livestream, phó nham phát biểu thay cộng đồng tây hải
Vài ngày trước, nghe nói anh bạn thân Dương Thủ Bân chuẩn bị tổ chức một buổi livestream nên tôi gợi ý anh có thể giao lưu trên WeChat. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa, đặc biệt với những nhà đầu tư thiên thần và nhà đầu tư khởi nghiệp giai đoạn sớm, càng nên tìm hiểu và thử nghiệm. Tôi nhắc nhở bản thân mình phải dốc sức hỗ trợ.
Tôi quen biết Thủ Bân hai năm trước khi tham gia hội thể thao của nhóm Học viện Đầu tư Hắc Mã và được xếp vào nhóm của anh với tư cách là nhà đầu tư. Sau mấy đêm mất ngủ vì hăng hái chiến đấu, nhóm của chúng tôi đã giành vô địch Hội Hắc Mã năm đó. Giây phút ăn mừng, tôi thực sự cảm nhận được tinh thần cốt lõi của những người sáng lập như Ngưu Văn Văn, Dương Thủ Bân. Giống như một lời cổ vũ cho những người khởi nghiệp trong thời đại người người khởi nghiệp, nhà nhà đổi mới tiến xa hơn và cũng là lời hứa luôn đồng hành cùng họ. Các thành viên trong nhóm của Thủ Bân đều rất xúc động, mọi người đều hiểu họ bỏ công sức ra chỉ vì một lý do: Đáng giá. Giúp nhiều người trưởng thành hơn, mang lại lợi ích cho nhiều người hơn đấy được gọi là đáng giá.
Lần livestream này của Thủ Bân đạt được thành công lớn, tôi thực lòng mừng cho anh ấy. Trong hai giờ phát sóng, Thủ Bân chia sẻ những câu chuyện, kiến thức mà anh tích lũy nhiều năm qua, truyền cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho 5,2 triệu người tham gia trực tuyến, như thế là đủ rồi. Thủ Bân thực sự đã làm được điều anh muốn làm.
Còn phần thưởng bay vào không gian trị giá 300.000 tệ, tôi thực sự không coi trọng. Nhưng kết thúc chương trình phát sóng trực tiếp, Thủ Bân nói với tôi anh muốn lên vũ trụ. Tôi nhận ra anh nói thật: “Anh thực sự muốn lên vũ trụ sao? Không phải nói đùa chứ?” Tôi là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, có chuyện gì mà tôi chưa từng nghe qua. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe nói một nhà đầu tư muốn trở thành nhà đầu tư đầu tiên thám hiểm vũ trụ nên tôi hơi khó tin.
Có hai lý do chính giúp tôi giành được phần thưởng trong buổi phát sóng này. Thứ nhất, tôi chân thành hy vọng Thủ Bân sẽ thành công hơn và có giá trị hơn với người khác. Tôi chỉ dùng quy tắc trao thưởng do chương trình phát sóng trực tiếp đặt ra để thể hiện tâm ý của mình. Thứ hai, tôi đại diện cho sự ủng hộ và tình yêu thương của hơn chín mươi thành viên gia đình Tây Hải. Thủ Bân là người nhà, nên gia đình Tây Hải đều ra sức giúp anh chia sẻ buổi livestream. Buổi tối trước ngày phát sóng trực tiếp, tức ngày 5 tháng 6, gia đình Tây Hải dành ba tiếng đồng hồ cùng nhau chia sẻ liên kết thông báo buổi livestream tới gần 1.500 nhóm WeChat, tiếp cận hàng trăm ngàn người, cộng với tin được người dùng khác chia sẻ lại thì ước tính có hàng triệu lượt tiếp cận. Đây là một sự tin tưởng, hỗ trợ và tình yêu thương lớn lao. Tôi tin rằng, Thủ Bân nhất định cảm nhận được điều này. Anh đã nói đến gia đình Tây Hải trong một bài cảm ơn: “Cảm ơn tất cả mọi người đã tin tưởng và ủng hộ tôi, đặc biệt là gia đình Tây Hải.” Câu nói này làm tôi suýt bật khóc, nhiều người đọc xong cũng rất xúc động, những đóng góp của gia đình Tây Hải là xứng đáng, thế là đủ!
Có nhiều loại cộng đồng khác nhau nhưng Cộng đồng Tây Hải đã xác định rõ ràng vai trò của mình là: hỗ trợ, đồng hành và trưởng thành. Đó là tinh thần cốt lõi. Tinh thần cốt lõi của Cộng đồng Tây Hải bao gồm hai khía cạnh: Thứ nhất, nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn đến từ phẩm cách của mỗi người, làm người trước, làm việc sau và nói được làm được. Thứ hai, cho đi nhiều hơn, nhận lại nhiều hơn, giúp đỡ người khác bằng cả trái tim, sưởi ấm người khác bằng tình yêu thương và lay chuyển người khác bằng hành động.
Định nghĩa chính xác về cộng đồng
Lần đầu tiên tôi đưa ra định nghĩa về cộng đồng vào ngày 29 tháng 5 năm 2016 trong một buổi thỉnh giảng tại Học viện Đầu tư Hắc Mã. Nó là thành quả quan trọng mà tôi rút ra sau hơn một năm nỗ lực suy nghĩ. Tư duy cộng đồng của tôi hình thành một cách hệ thống và rộng mở. Nói một cách dễ hiểu: Cộng đồng là một nhóm liên minh tinh thần có chung lợi ích và giá trị quan.
Cụ thể hơn, cộng đồng lấy một giá trị quan chung làm tinh thần cốt lõi. Các thành viên cùng mang “nhãn hiệu tinh thần”, vượt ra ngoài giới hạn của thời gian và không gian và có chung lợi ích.
Để hiểu định nghĩa cộng đồng, bạn cần suy xét trên sáu góc độ:
1. Cộng đồng là một phương tiện truyền tải “trò chơi” tinh thần
Cộng đồng nó liên quan trực tiếp đến các cấp độ tinh thần của con người. Cộng đồng cần đáp ứng nhu cầu tinh thần của các thành viên trong nhóm. Điều này nghĩa là cho dù cộng đồng thuộc loại nào, nếu nó không thể đáp ứng nhu cầu tinh thần của các thành viên thì cũng không được coi là một cộng đồng thật sự.
2. Các thành viên trong cộng đồng có giá trị quan chung
Giá trị quan này chính do các nhà sáng lập đưa vào cộng đồng. Cộng đồng lấy tinh thần cốt lõi là trung tâm để kết nối với mỗi thành viên.
3. Cộng đồng coi tinh thần cốt lõi là cơ sở để “dán nhãn tinh thần” cho mỗi thành viên
Nhãn tinh thần là thứ phản ánh đầy đủ giá trị quan của cộng đồng. Mỗi người tham gia nhóm sẽ được dán nhãn tinh thần của nhóm đó. Số lượng người tham gia không bị giới hạn.
4. Cộng đồng là một phương tiện truyền tải xuyên thời gian và không gian, mang tính tinh thần
Nói cách khác, cộng đồng không bị giới hạn bởi không gian vật lý. Đặc biệt, nó có phương tiện truyền đạt là Internet di động nên tất cả các thành viên không cần gặp mặt trực tiếp, cũng không cần quen biết nhau.
5. Cộng đồng là một nhóm liên minh tinh thần, kết nối thế giới tinh thần của mọi người với nhau
Bất cứ cộng đồng nào không thể tạo ra một liên minh tinh thần thì đều không phải là một cộng đồng thực sự. Bởi vậy, bạn không nên dễ dàng nói mình đang xây dựng một cộng đồng và cũng không nên lạm dụng từ “cộng đồng”.
6. Cộng đồng là một tập thể có chung lợi ích, được xây dựng trên nền tảng liên minh tinh thần
Một cộng đồng hoạt động hiệu quả cần thiết lập một cơ chế hiệu quả lâu dài để bảo vệ lợi ích cá nhân của các thành viên; kết hợp lợi ích cá nhân của các thành viên với lợi ích chung của cộng đồng, phát triển lợi ích đó; điều phối tính tích cực của các thành viên và hình thành một nhóm người có chung lợi ích, cùng chống lại lực lượng bên ngoài. Tuy nhiên, tập thể này cần phải được xây dựng dựa trên giá trị quan chung, thì mới có thể hoạt động ổn định lâu dài. Những cộng đồng không tạo được liên minh tinh thần mà đã vội vàng thực hiện những việc làm thúc đẩy lợi ích chung sẽ rất nguy hiểm.
Có bốn nguyên tắc cần lưu ý khi vận dụng định nghĩa cộng đồng:
1. Cộng đồng lấy giá trị quan chung là tinh thần cốt lõi
Tinh thần cốt lõi là một loại sở hữu trí tuệ (IP – Intellectual Property). Tinh thần cốt lõi của cộng đồng sẽ tập hợp và kết nối thành viên, giúp mọi người cùng nhìn về một hướng. Doanh nghiệp muốn biến nhóm khách hàng của mình thành một cộng đồng thực sự thì cần có một tinh thần cốt lõi. Nó chính là giá trị cốt lõi mà thương hiệu muốn biểu đạt. Nó vượt lên trên thời gian và không gian để truyền tải giá trị và gắn kết khách hàng. Từ đó, các doanh nghiệp xây dựng các doanh nghiệp xây dựng hoạt động quảng bá nhằm củng cố thương hiệu. Cộng đồng là mảnh đất màu mỡ để phát triển thương hiệu. Doanh nghiệp không xây dựng, quản lý được cộng đồng khách hàng của mình thì không thể xây dựng một thương hiệu thực sự.
2. Tiền đề của nhóm liên minh tinh thần là có thể thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các thành viên
Nhu cầu tinh thần của con người rất phổ biến. Cộng đồng chỉ cần tìm được những nhu cầu chung nhất, sau đó tìm cách đáp ứng các nhu cầu này là có thể đạt được hiệu quả. Con người có ba nhu cầu tinh thần cơ bản là cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc. Đó là những nhu cầu cơ bản nhất mà ai cũng muốn được thỏa mãn. Doanh nghiệp muốn xây dựng một cộng đồng khách hàng thực sự thì phải tạo ra một nhóm liên minh tinh thần. Nếu không sẽ không thể có quan hệ sâu sắc với khách hàng.
3. Nhãn tinh thần có thể giúp nhóm liên minh tinh thần phát triển không giới hạn
Trên thực tế, nhãn tinh thần là phần mở rộng của tinh thần cốt lõi hướng các thành viên đến một biểu tượng chung. Tiền đề để một doanh nghiệp liên tục phát triển là có một cộng đồng khách hàng lớn mạnh, bằng cách xây dựng tinh thần cốt lõi của thương hiệu. Khi đó, có thể coi nhóm khách hàng của doanh nghiệp là một cộng đồng thực sự. Do số lượng nhãn tinh thần nhiều vô kể nên nhóm liên minh tinh thần không ngừng phát triển, cộng đồng khách hàng của doanh nghiệp cũng có thể liên tục mở rộng quy mô.
4. Một cộng đồng có lợi ích chung
Cộng đồng chỉ có nhóm liên minh tinh thần thôi thì chưa đủ, mà cần tạo ra được một tập thể có chung lợi ích trên cơ sở nhóm liên minh tinh thần đó. Đây là nhu cầu lấy con người làm trung tâm và cũng là nền tảng để thương mại hóa cộng đồng. Khi cộng đồng có giá trị quan chung và có tinh thần cốt lõi, điều quan trọng nhất là tính đến lợi ích của các thành viên trong cộng đồng. Lợi ích bao gồm cả lợi ích ngắn hạn có thể nhìn thấy được và lợi ích tiềm năng dài hạn. Các nhà sáng lập cộng đồng cần tạo ra cơ chế hiệu quả có tính đến lợi ích của các thành viên, để ghi nhận vai trò và giá trị cá nhân của các thành viên. Đặc biệt là trong thời đại Internet di động, truyền thông truyền miệng và chứng thực tin cậy của mỗi người đều có giá trị cao, cần được ghi nhận và thúc đẩy trong cộng đồng. Khi có một cơ chế thúc đẩy hợp lý, các thành viên của cộng đồng sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp, có thể phát huy giá trị truyền thông và niềm tin với người ngoài.
Hai trường hợp dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về định nghĩa cộng đồng.
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Apple, ngoài lợi thế về công nghệ và thiết kế sản phẩm ra, thì một trong những lý do quan trọng giúp họ có thể chiếm lĩnh thị phần rất lớn, thâu tóm nhóm khách hàng từ các quốc gia khác nhau là doanh nghiệp này đã tạo ra một giá trị quan cực kỳ sáng tạo, theo đuổi sự hoàn hảo. Giá trị quan này trở thành tinh thần cốt lõi, tạo nên một giá trị thương hiệu mạnh, có thể dán nhãn tinh thần cho khách hàng. Nhãn hiệu này lại kết nối với khách hàng trên khắp thế giới và tạo thành một nhóm liên minh tinh thần xuyên thời gian và không gian. Đồng thời, Apple liên tục tạo ra giá trị mới, quan tâm đến lợi ích cá nhân của khách hàng. Nếu Apple có thể tạo ra một cơ chế rõ ràng hơn để cân bằng cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn của khách hàng, thì cộng đồng khách hàng của họ sẽ còn lớn hơn nữa. Cộng đồng khách hàng đã hỗ trợ Apple xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khách hàng trên toàn thế giới. Chính mối quan hệ khách hàng sâu sắc và nhãn tinh thần hiệu quả đã giúp Apple thống lĩnh thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Đây chắc chắn là giá trị được tạo ra từ giá trị thương hiệu và nhãn tinh thần, chứ không phải là từ chức năng đơn thuần của sản phẩm. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, cộng đồng là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp tạo ra giá trị thương hiệu, xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khách hàng. Chỉ có một cộng đồng khách hàng hiệu quả mới có thể thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng liên tục của doanh nghiệp.
Cộng đồng lâu đời nhất và quyền lực nhất là tôn giáo. Kitô giáo, Phật giáo và Hồi giáo là ba tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay. Trong đó, Kitô giáo là tôn giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng và có nhiều tín đồ nhất. Kitô giáo chỉ tin vào thiên đàng và tình yêu của Thiên Chúa. Ngài sẽ cứu rỗi tội lỗi, thể xác và linh hồn của con người. Các tín đồ Kitô giáo tin vào nguồn gốc tội lỗi và Giêsu đã hy sinh bản thân mình để chuộc nhân loại khỏi tội lỗi. Theo thống kê, tính đến năm 2014, tổng dân số thế giới khoảng 7,2 tỷ người, trong đó có khoảng 2,37 tỷ tín đồ Kitô theo đạo, số tín đồ đi lễ ngày Chúa Nhật là khoảng 1,57 tỷ7. Dưới sự định hướng của tinh thần cốt lõi mạnh mẽ là giáo lý Kitô giáo, 2,3 tỷ tín đồ đạo Kitô trên khắp thế giới đã tạo thành một nhóm liên minh tinh thần có chung giá trị quan và lợi ích. Qua đây, ít nhất chúng ta nhận ra hai điều: Thứ nhất, cộng đồng không phải chỉ mới xuất hiện trong thời đại Internet ngày nay, mà đã có từ thời xa xưa, cộng đồng là một cách diễn đạt tính tập thể của nhân loại. Thứ hai, nếu doanh nghiệp muốn xây dựng nhóm liên minh tinh thần có chung giá trị quan và lợi ích, xây dựng một cộng đồng khách hàng gắn bó sâu sắc, thì nên nghiên cứu bản chất và tinh hoa của tôn giáo để học hỏi trường hợp cực kỳ thành công này.
7 Dữ liệu Kitô giáo Toàn cầu năm 2014 do Viện Thần học Gordon Conwell công bố
Tư duy cộng đồng giúp chúng ta tràn đầy năng lượng
Sau khoảng thời gian dài nghiên cứu, tôi đã đưa ra khái niệm tư duy cộng đồng, hy vọng có thể giúp đỡ và gợi mở cho những người bạn đang trên con đường kiến tạo cuộc đời. Thẳng thắn mà nói, đây là một khám phá mới, còn nhiều điểm thiếu sót, chỉ dành để tham khảo. Rất mong nhận được góp ý của bạn đọc.
Có thể định nghĩa tư duy cộng đồng như sau: Tư duy cộng đồng là một phương thức và năng lực tư duy coi trọng nhu cầu tinh thần của con người, giá trị quan tập trung vào con người nhằm tạo ra nhóm liên minh tinh thần có chung lợi ích.
Cụ thể, tư duy cộng đồng là cách tư duy tập trung vào nhu cầu tinh thần của con người, coi việc quan tâm đến giá trị quan là điểm xuất phát, kết nối tinh thần giữa mọi người là điểm kết thúc, từ đó giải quyết những vấn đề xảy ra trong thế giới thực.
Định nghĩa về tư duy cộng đồng này dựa trên định nghĩa chính xác về cộng đồng. Cộng đồng là một nhóm liên minh tinh thần, lấy việc quan tâm và thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người là khởi điểm, đặc biệt chú trọng đến giá trị quan, không ngừng thỏa mãn cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc, tạo thành một nhóm liên minh chặt chẽ, có chung lợi ích bằng cách kết nối thế giới tinh thần của mọi người không phân biệt thời gian và không gian. Đây là sức hấp dẫn của cộng đồng, báo trước sự xuất hiện của thời đại “tinh thần là nhất”. Tư duy cộng đồng chính là năng lực quan trọng để chúng ta thích nghi với thời đại này.
Thời đại “tinh thần là nhất” nghĩa là con người theo đuổi nhu cầu tinh thần sẽ chiếm ưu thế. Tôi có thể khẳng định, tư duy cộng đồng là phương thức và năng lực tư duy cao nhất trong trong thời đại ngày nay. Vì cộng đồng hướng đến con người, bất cứ ai cũng không thể tách khỏi cộng đồng thỏa mãn được nhu cầu tinh thần của mình.
Làm chủ tư duy cộng đồng có ý nghĩa gì? Ở đây, tôi xin đưa ra ba điều quan trọng.
1. Tư duy cộng đồng là phương thức tư duy lấy con người là gốc
Khi tìm hiểu bản chất của hiện tượng, chúng ta cần chấp nhận một thực tế: Con người là nguồn gốc sinh ra mọi vấn đề. Do đó, nếu chúng ta muốn giải quyết các vấn đề khó khăn mà mình gặp phải trong xã hội thì cần tìm câu trả lời, cách giải quyết từ con người. Trong khi đó, tư duy cộng đồng chú trọng vào chính con người, tìm ra nguồn gốc của vấn đề và cách giải quyết. Học giả Vương Dương Minh chỉ ra rằng: “Mỗi người đều có tiêu chuẩn giá trị riêng, nguồn gốc của vạn vật nằm trong tim mình”. Ông cho rằng nội tâm con người có sức mạnh không gì lay chuyển, sở dĩ nội tâm của chúng ta bị vật ngoài thân thao túng, chứ không phải nó yếu đuối là vì chúng ta đánh mất sức mạnh nội tâm của mình trong quá trình theo đuổi các vật ngoài thân. Bởi vậy, chúng ta phải đánh thức sức mạnh tinh thần bên trong mỗi người. Tư duy cộng đồng dựa trên cơ sở quan tâm và thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người, giúp thế giới tinh thần của chúng ta tràn đầy năng lượng.
2. Tư duy cộng đồng là một công cụ tư duy vượt qua sự khác biệt về văn hóa và tín ngưỡng
Tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây có một điểm chung là chú trọng nâng cao và phát triển tâm hồn con người. Các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau trên thế giới cũng có một điểm chung là làm cho đời sống tinh thần của con người trở nên phong phú, tâm hồn được tự do. Qua đó, chúng ta có thể thấy giá trị quan của các nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau đều hướng đến khẳng định và đề cao những phẩm chất tốt đẹp, tinh thần cao quý của con người. Tư duy cộng đồng là phương thức tư duy ở cấp độ tinh thần, vượt qua khoảng cách văn hóa Đông-Tây và những ranh giới tín ngưỡng, không giới hạn bởi dân tộc, tôn giáo và ý thức hệ, quan tâm sâu sắc hơn đến sự trưởng thành của con người, đề cao nhân cách của tất cả chúng ta, từ đó tạo ra một công cụ tư duy hiệu quả với bất cứ ai.
3. Tư duy cộng đồng là một loại vũ khí tư tưởng trong tương lai
Từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, nhân loại đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về thế giới vật chất. Nhưng có một điều đáng tiếc là, trong thế giới tinh thần, có vẻ như chúng ta chẳng đạt được gì đáng tự hào. Nó không những không giành được thành tựu tương ứng với những tiến bộ công nghệ mà còn có dấu hiệu đình trệ, thậm chí thụt lùi trên nhiều phương diện. Vấn đề nhân loại đang phải đối mặt là đời sống vật chất càng phong phú, con người lại càng ít thỏa mãn; kinh tế càng phát triển nhanh, con người lại càng cảm thấy lạc lõng và bất lực. Nó cho thấy sức mạnh tinh thần của nhân loại đang ngày một suy giảm. Trong cuộc sống, con người luôn lẫn lộn các giá trị quan, thiếu trí tưởng tượng, khả năng tư duy, sáng tạo, thiếu cảm giác tồn tại, cảm giác hạnh phúc. Đây không còn là một lời cảnh báo mà nó là một vấn đề nan giải của thời đại. Chúng ta chỉ có thể trở về nguồn gốc của con người: Ý nghĩa tồn tại của con người là gì? Con người theo đuổi giá trị quan nào? Trạng thái sống tốt nhất là thế nào? Sự ra đời của tư duy cộng đồng giúp chúng ta thấy được hy vọng. Nó sẽ là một vũ khí tư tưởng trong tương lai.
Hồi kết của tư duy internet
Khi đã hiểu và nắm vững khái niệm tư duy cộng đồng, có lẽ bạn không còn nói nhiều đến tư duy Internet nữa. Bởi bạn sẽ nhận ra: Tư duy Internet sắp lỗi thời rồi.
Chúng ta cần hiểu rằng, phương pháp tư duy là thành quả của văn minh nhân loại. Lịch sử văn minh nhân loại cũng chính là lịch sử tiến hóa về phương thức tư duy của con người. Phương thức tư duy đúng đắn là lấy con người làm gốc, tức là coi nhu cầu cơ bản của con người là xuất phát điểm. Những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật là yếu tố bên ngoài, không thể dễ dàng làm lung lay phương thức tư duy đó, vì nó đã vượt qua sự khảo nghiệm của thời gian. Còn năng lực tư duy đúng đắn chắc chắn không đơn giản như năng lực suy nghĩ, nó thể hiện khả năng kết nối chặt chẽ dựa trên hệ thống kiến thức.
Lịch sử văn minh nhân loại đã bước qua thời kỳ xã hội nguyên thủy. Thời đại nông nghiệp, thời đại công nghiệp, thời đại thông tin, còn “thời đại Internet” mà chúng ta thường xuyên nhắc đến hiện nay chỉ là một bước đệm cần phải bước qua. Chúng ta đã trải qua giai đoạn phổ cập Internet PC (máy tính cá nhân), Internet di động. Với sự phát triển của công nghệ, chúng ta lại tiếp tục trải nghiệm Internet vạn vật và sau này sẽ là trí tuệ nhân tạo, tức là thời đại robot siêu thông minh sống chung với nhân loại. Nếu chia “thời đại” thành “thời đại lớn” và “thời đại nhỏ”, thì thời đại thông tin là một thời đại thực sự vĩ đại, còn “thời đại Internet” chỉ là một thời đại nhỏ mà thôi. Cho đến nay, tất cả các thời đại nhân loại đã trải qua đều do con người tạo ra và dẫn dắt và đều coi con người là gốc.
Thời đại coi con người là gốc đòi hỏi một phương thức và năng lực tư duy cũng lấy con người là trọng tâm. Tư duy cộng đồng là một loại tư duy thực sự phù hợp với thời đại và định hướng con người. Hơn 200 năm trước, nhân loại đã có một bước đại nhảy vọt về công nghệ, tuy vật chất phong phú, nhưng lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mất cân bằng giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần. Bản chất của cuộc khủng hoảng này là vật chất chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống con người, khiến tư duy bị mắc kẹt.
Không thể phủ nhận rằng Internet là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ XX, mở đầu cho một cuộc đổi mới cực kỳ quan trọng trong lịch sử, đưa thời đại thông tin lên một tầm cao chưa từng có. Cốt lõi của công nghệ Internet là các siêu liên kết và lưu lượng thông tin trong mỗi liên kết. Công nghệ Internet có ba từ khóa là: nút, liên kết và dữ liệu. Nó đem lại những thay đổi to lớn cho cuộc sống của mỗi người trong việc gửi và nhận thông tin. Mỗi người dùng vừa là nút gửi thông tin vừa là nút nhận thông tin. Do đó, Internet đã cải thiện đáng kể hiệu quả truyền thông tin.
Nhưng suy cho cùng, Internet là một công cụ phục vụ con người. Tư duy Internet là một sự hiểu lầm máy móc. Khi quá đề cao tầm quan trọng của công cụ Internet, chúng ta sẽ coi nhẹ nhu cầu tinh thần. Khi mải theo đuổi sự phát triển của thế giới vật chất, thì chúng ta thường bỏ qua việc xây dựng thế giới tinh thần, dẫn đến một loạt hậu quả khó lường.
Tất nhiên, Internet đã được thần thánh hóa. Tại sao trong 20 năm qua, không có một người dân Trung Quốc nào đưa ra định nghĩa rõ ràng về tư duy Internet? Mọi người chỉ đang nói mò. Tại sao Mỹ là quốc gia đi đầu về Internet lại không có ai theo đuổi tư duy Internet? Internet của Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ, nhưng người Mỹ lại phải ngạc nhiên vì ngành công nghệ Internet Trung Quốc đã tạo ra một tư duy Internet, cố nhồi nhét mọi bí quyết vào trong đó. Đã có vô số chuyên gia trong ngành diễn giải tư duy Internet nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai đưa ra kết luận thuyết phục. Tại sao nó lại khó giải thích như thế? Lý do là tư duy Internet thiếu một nhân tố cơ bản đó là lấy con người là gốc, coi những nhu cầu cần thiết của con người là trung tâm, cân bằng thế giới vật chất và thế giới tinh thần.
Trong khi đó, tư duy cộng đồng đi từ nhu cầu tinh thần của con người, quan tâm sâu sắc đến giá trị quan, là loại tư duy sinh tồn chúng ta nên có. Nó có những yếu tố cần thiết của một phương thức tư duy, có thể xây dựng một hệ thống tư tưởng, lý luận và tri thức hoàn chỉnh. Còn tư duy Internet về cơ bản chỉ là phương pháp luận của một loại công cụ. Nó không phải phương thức tư duy, càng không thể xây dựng một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh.
Do đó, tư duy Internet phổ biến từ lâu ở Trung Quốc chắc chắn sẽ đi đến thoái trào. Ngay từ bây giờ bạn cần nghiêm túc tìm hiểu tư duy cộng đồng. Tôi tin rằng điều này sẽ có ích cho công việc và cuộc sống của bạn. Trong thời đại người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, các doanh nhân và nhà đầu tư cũng cần biết nắm bắt và vận dụng tư duy cộng đồng. Thời gian sẽ chứng minh quan điểm của tôi là đúng: không hiểu tư duy cộng đồng sẽ không có tương lai.