Một hãng luật lớn của Mỹ tập trung vào một phân khúc khá lớn về sở hữu trí tuệ (bằng phát minh sáng chế, thương hiệu…). Như một phần trong chiến lược hoạt động của họ, hãng quyết định sửa đổi các thủ tục để giảm chi phí và thời gian đầu tư vào các vụ kiện để có thể cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ cho một phân khúc dân cư rộng lớn hơn.
Khi mọi người phát triển một trình tự mục đích của Tư duy Đột phá, mục đích trọng tâm mà họ chọn cho thấy nó rộng lớn hơn mục đích được dự đoán ban đầu: "cung cấp giá trị gia tăng cho khách hàng ngoài phạm vi Luật Sở hữu Trí tuệ". Từ mục tiêu trọng tâm này, nhiều ý tưởng chưa bao giờ có trước đó đã trở thành sáu phương án chủ yếu xác định việc thực hiện giải pháp trong thời gian ba năm.
Giải pháp mục tiêu giờ đây hướng dẫn sự hợp tác, được chọn ra từ nhiều lựa chọn mà họ đã phát triển, được xem là Giai đoạn 3 với các yếu tố cơ bản của thủ tục liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu điều chỉnh và hợp pháp. Điều này dẫn đến việc giải thích rõ ràng Giai đoạn 1 (đề xuất thực hiện các thay đổi ngay lập tức) và Giai đoạn 2 (hình ảnh tiếp theo của những thay đổi trong thời gian 18 tháng) để hướng các quá trình thực tế đến gần hơn với mục tiêu, Giai đoạn 3.
Hơn nữa, Giai đoạn 2 gồm cả yêu cầu rằng Tư duy Đột phá phải được áp dụng trở lại trong vòng 2 năm sau đó để thiết kế lại hệ thống và giải pháp mục tiêu. Khi đó, Giai đoạn 3 có nhiệm vụ công bố những thay đổi mới nhằm đẩy nhanh quá trình phân tích cơ hội, phát triển các giai đoạn bổ sung gồm một hướng dẫn mới nhằm thực hiện những cải tiến liên tục đối với giải pháp đã chọn.
Có lẽ các bạn vẫn còn nhớ các nhân vật có tinh thần tự- phục-vụ-mình trong các bộ phim hoạt hình ngày xưa sau đây: Một người đàn ông tự vẽ chân dung mình vào góc tường trong phòng khách; một người khác đóng một chiếc thuyền dưới tầng hầm nhà anh ta nhưng không có phương án nào để đưa nó ra khỏi gian hầm sau khi hoàn thành; một người khác ngồi trên phần ngoài của một nhánh cây và bắt đầu cưa một cách hào hứng mà không hề ý thức được sự nguy hiểm của vấn đề tiếp theo.
Đó là những ví dụ khôi hài về thất bại phổ biến của những người giải quyết vấn đề nhưng không nhìn xa hơn vấn đề hiện tại và giải pháp tức thời của nó đối với giải pháp tiếp theo.
Các nhà lãnh đạo và người giải quyết vấn đề thành công luôn hình dung về hệ thống hoặc giải pháp mà họ muốn đạt được trong tương lai, thậm chí về những thay đổi tức thời mà họ đang thực hiện. Mặc dù tầm nhìn của họ là các định hướng theo mục tiêu, chất lượng và giá trị, nhưng sự chú tâm của họ vào "điều tiếp theo" sẽ khơi dậy tác nhân kích thích cho một mục tiêu "tầm nhìn" chi tiết hơn – một mục tiêu giải pháp tiếp theo, tức những tầm nhìn được xác định bằng Tư duy Đột phá.
Nguyên tắc về Sự Khác nhau Độc đáo và Triển khai Mục đích của Tư duy Đột phá giúp bạn xây dựng cách để tiếp cận và nắm bắt vấn đề. Hệ thống các mục đích mà bạn xác định ngay từ đầu là cơ sở vững chắc để xây dựng một giải pháp khả thi cho vấn đề. Đến lượt mình, nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo sẽ phát triển những lựa chọn giải pháp dưới sự xem xét các nhu cầu tương lai. Nguyên tắc này nói rằng sự thay đổi hoặc hệ thống mà bạn thiết lập trong hiện tại phải căn cứ vào những kết quả mà giải pháp sẽ mang lại trong tương lai.
Sau khi xác định mục đích, bước tiếp theo trong việc hoạch định giải pháp là suy nghĩ về những dự đoán tương lai của tất cả các giải pháp. Họa sĩ, người đóng thuyền và người cưa cây trên đây không suy nghĩ xa hơn các mục đích trước mắt của họ – sơn tường, làm thuyền hoặc cắt một nhánh cây. Nếu họ xem xét kết quả tương lai từ hành động của mình, giải pháp hiện tại của họ chắc chắn sẽ khác đi.
Trong các lĩnh vực có tính cạnh tranh (từ sản xuất hàng hóa, xây dựng đường sá cho đến y tế, giáo dục), giải pháp tiếp theo là những bước tiến mà đối thủ của bạn sắp đạt được sau khi nghĩ rằng bạn đã "hoàn thành" một dự án. Trong thế giới hôm nay và ngày mai – cho dù đó là cá nhân, tổ chức hay xã hội – việc thường xuyên quay lại "vạch xuất phát" là một cách quan trọng để tồn tại.
Phát triển là một quá trình đi lên có thể mô tả như sau: một người phát minh ra một thứ gì đó, chẳng hạn như cái khui hộp, quả bóng tennis, máy trộn bột làm bánh. Sau đó người khác đưa ra cải tiến: cái khui sử dụng điện, bóng tennis đủ màu sắc, máy trộn bột thêm chức năng phủ kem...
Sau khi đạt được một thành tựu nào đó, bạn dừng lại và tự nhủ rằng mình đã đạt được mục đích của cuộc sống. Đó là cách suy nghĩ thực sự lỗi thời. Ngược lại, Tư duy Đột phá cho rằng kết quả của nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo là mỗi sản phẩm hoặc hệ thống mới thành công chính là bước đệm để bạn bước thêm một bước tiếp theo.
Tất cả mọi vấn đề đều có những mối liên hệ nào đó với tương lai. Bằng cách tự đặt mình vào một thời điểm của tương lai, bạn sẽ tự giải phóng mình khỏi rất nhiều cơn đau đầu. Bởi vì khi đó sự thông tuệ mà bạn đạt được sẽ giúp bạn cải tiến mạnh mẽ các giải pháp tức thời mà bạn đã hoặc đang áp dụng nhằm thỏa mãn các yêu cầu tương lai.
Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo khuyến khích bạn hình dung giải pháp lý tưởng – một giải pháp có thể không có khả năng thực hiện ngay nhưng là một giải pháp mà bạn có thể sẽ dùng đến. Hãy luôn nhớ rằng giải pháp hiện tại không phải là giải pháp cuối cùng nhưng là một bước chuyển tiếp đến tương lai tốt đẹp hơn.
Ý nghĩa của việc nhìn thấy trước sự thay đổi
Vấn đề hôm nay của bạn không chỉ tồn tại trong một hệ gồm các mối quan hệ phức tạp giữa con người với các hệ thống khác mà còn tồn tại trong một hệ thời gian nhất định.
Nó không phải là một sự kiện biệt lập không lối thoát, mà chỉ là một đoạn của đường thẳng liên tục luôn luôn chịu sự thay đổi và cải tiến.
Hàng loạt tai nạn xảy ra tại một giao lộ đã làm nảy sinh nhu cầu đặt thêm biển báo giao thông. Dù đây được xem là giải pháp lý tưởng vào lúc đó, nhưng thật ra đó chỉ là một giải pháp tình thế. Nếu lượng xe cộ lưu thông tiếp tục gia tăng thì đòi hỏi phải có một bục điều khiển giao thông (traffic-circle) hoặc một giao lộ có dạng vòng xoay (clover-leaf). Những năm sau đó, có thể cần thực hiện một số cách khác, như mở thêm các tuyến đường mới, tăng cường hệ thống chuyên chở công cộng... Rõ ràng, với khả năng phát triển như thế, cách tốt nhất là giữ các lựa chọn mở cho Giải pháp Tiếp theo bằng cách không cấp phép xây dựng các tòa nhà chọc trời gần khu vực ngã tư.
Tất cả các giải pháp, dù có thể được xem là lý tưởng ở một thời điểm nào đó, thật ra cũng chỉ là những bước chuyển tiếp để phát triển. Thời gian, con người, chính sách và các mục đích mới chắc chắn sẽ thay thế cho mục đích ban đầu. Vì vậy, mỗi giải pháp phải được hình thành trên cơ sở phù hợp với những khả năng thay đổi trong tương lai.
Một nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực "nhận thức theo hoàn cảnh" cho thấy bản thân tri thức không bị động mà là chủ động, nó luôn luôn gắn liền với hệ quy chiếu cụ thể, có tính tương đối và mở rộng cho việc diễn giải tiếp theo. Đó là lý do tại sao Giải pháp Tiếp theo là quan trọng.
"Tri thức tiến hóa không ngừng khi được sử dụng", các nhà khoa học xã hội của Đại học Amsterdam, Jacobijn Sandberg và Bob Wielinga viết. "Quả thật, đã có bằng chứng thuyết phục rằng ký ức luôn được tái lập. Quan điểm chính là tri thức luôn thay đổi chứ không theo một chuẩn mực "cố định" nào. Vì thế, tri thức không thể được chuyển giao một cách đơn giản bởi vì nó không tồn tại dưới dạng có thể chuyển giao."
Vì tri thức hiện tại không thể được chuyển giao cho tương lai một cách chính xác, nên một giải pháp không thể được thiết kế cho vấn đề hiện tại mà không hướng đến những nhu cầu thay đổi trong tương lai. Tương lai luôn luôn mang đến sự thay đổi – cả trong vấn đề lẫn giải pháp của nó.
Vâng, tương lai mang đến sự thay đổi, nhưng tại sao chúng ta phải quan tâm đến điều đó vào lúc này?
Câu trả lời rất đơn giản. Bởi vì Giải pháp Tiếp theo trong tương lai có liên quan trực tiếp đến suy nghĩ và định hình giải pháp cho vấn đề hiện tại.
Kế hoạch hiện đại hóa một nhà máy sản xuất một loại sơn nhất định sẽ xảy ra sai sót nếu không đặt câu hỏi liệu 5 hay 10 năm sau thị trường còn cần loại sơn đó hay không. Công nghệ sản xuất sơn mới nào sẽ ra đời? Câu trả lời sẽ cho biết bạn nên thiết kế nhà máy tối tân có dự trù cho những thay đổi trong tương lai, hay một kết cấu với những mặt thiết yếu nhất có thể dễ dàng chuyển thành một lò bánh mì khi cần thiết.
Những người theo cách giải quyết vấn đề truyền thống thường mong đợi sự thay đổi toàn diện xảy ra ngay lập tức và thế là xong nhiệm vụ. Đã bao lần bạn nghe thế này: "Gì nữa đấy? Bạn lại thay đổi nữa à? Bạn mới thay đổi hai tháng trước đây mà!".
Những người áp dụng nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo thì khác. Họ hiểu rằng các đề xuất đang được hoàn thành từng bước một, và họ chủ động chờ đợi sự thay đổi tiếp theo – có thể đó là một yếu tố cấu thành của Giải pháp Tiếp theo mà họ đã thiết lập.
Tầm nhìn về tương lai
Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo sẽ sáng tạo hình ảnh của hệ thống, sản phẩm hoặc tổ chức của bạn trong tương lai, và hướng việc ra quyết định hàng ngày trong tổ chức của bạn đến những mục đích lớn hơn. Những người thành đạt nói rằng lý tưởng và tầm nhìn xa là rất cần thiết nếu bạn muốn liên tục nhận được những thành quả vượt trội.
Makoto Iida, Chủ tịch Tập đoàn SECOM, một trong những công ty bảo vệ dân sự lớn nhất Nhật Bản, giải thích quan điểm của mình: "Công ty chúng tôi mở rộng nhanh chóng còn các công ty khác thì phát triển chậm lại, dù cùng môi trường kinh doanh với chúng tôi. Tại sao lại có sự khác biệt này? Tôi nghĩ điều này xuất phát từ chỗ liệu bạn có thể phát triển hình ảnh tương lai của công ty hay không? Hình ảnh này không phải là một ý tưởng bất chợt mà là một giải pháp khả thi cho 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm sau và bạn phải hình dung hình ảnh lý tưởng của công ty vào những thời điểm đó, cũng như cách đạt được hình ảnh đó trên thực tế. Chúng ta không thể xây dựng một công ty thành công vượt trội mà không có tầm nhìn xa".
Phát triển các Giải pháp Tiếp theo đòi hỏi nhiều hơn một tâm thế phù hợp và sự sáng tạo. Nó đòi hỏi sự hiểu biết về một số lĩnh vực cụ thể, vì thế đây là lúc bạn cần tiến hành nghiên cứu có mục tiêu. Tuy nhiên, sử dụng kiến thức như thế nào mới là quan trọng.
Những người tư duy theo lối cũ luôn áp dụng kiến thức trực tiếp vào việc giải quyết vấn đề. Người tư duy kiểu mới sử dụng kiến thức để tạo ra những khái niệm mới về các hệ thống mục tiêu lý tưởng.
Khái niệm của tư duy về các hệ thống lý tưởng đã có từ lâu nhưng quan điểm đó hầu như luôn bị loại bỏ ngay khi được đề cập đến. Lúc đó, bạn sẽ nghe những câu đại loại thế này: "À, biện pháp lý tưởng cho văn phòng của chúng ta là phải vi tính hóa mọi mặt, nhưng chúng ta không thể không suy xét kỹ vì nó tiêu tốn một khoản kinh phí lớn"; hoặc, "khách hàng thích nghe giọng nói thật của chúng ta chứ không phải qua máy trả lời tự động"; hoặc, "Chúng ta có quá nhiều nhiệm vụ lớn, vì vậy chúng ta phải quên cái ‘lý tưởng’ đó đi".
Họ từ chối nhanh chóng như thế là do (1) không cân nhắc đến mục đích, (2) không phác thảo cách thức hoạt động của hệ thống, (3) không có quy trình quyết định thực tế nào được sử dụng, và (4) những diễn giải duy lý thừa nhận ngay các rào cản mà không xem xét thấu đáo tần suất xuất hiện hoặc ý nghĩa của chúng.
Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo đưa ra khái niệm về giải pháp mục tiêu lý tưởng để mọi người có thể hiểu và ủng hộ tầm nhìn tương lai.
1. Xác định khung thời gian triển khai giải pháp lý tưởng.
Hãy đặt câu hỏi: Giải pháp nào nên được áp dụng nếu bạn gặp lại vấn đề này một năm sau? Năm năm sau? Mặc dù giải pháp lý tưởng về lâu dài không thể thực hiện ngay lập tức, nhưng luôn có những yếu tố nào đó vẫn được sử dụng trong hiện tại. Bởi vì là thành tố của tầm nhìn dài hạn, ngay cả các yếu tố của hệ thống lý tưởng, nên chúng sẽ hữu ích hơn những kết quả ngắn hạn, chắp vá khá phổ biến theo lối giải quyết truyền thống.
2. Định hướng tương lai cho phép bạn khởi đầu một cách đột phá. "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta làm lại từ đầu tất cả mọi thứ?" là một câu hỏi giúp giải phóng bạn khỏi quá khứ và khai mở khả năng tưởng tượng của bạn. Thông thường, khởi đầu lại bằng một cách mới được sử dụng khi hoạch định thiết kế một sản phẩm hay một dịch vụ mới, nhưng nó có thể kích thích thảo luận trong bất kỳ tình huống giải quyết vấn đề nào.
3. Khuyến khích các kênh thông tin đặt câu hỏi hiệu quả dẫn đến các lựa chọn giải pháp "lý tưởng" khác. Phương pháp truyền thống ưu tiên chọn ý tưởng đầu tiên. Còn nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo giúp người ra quyết định đặt nhiều câu hỏi khích lệ nhằm tạo ra không chỉ một mà nhiều giải pháp và giải pháp tiếp theo. Người ra quyết định biết xem xét nhiều lựa chọn khác nhau sẽ có khả năng tìm được một ý tưởng đột phá để tạo nên sự khác biệt. Đôi khi việc cân nhắc lựa chọn chính là chìa khóa để sống còn.
Cân nhắc các lựa chọn khác nhau sẽ mở ra một cơ hội rất lớn để tìm được hệ thống giải pháp lý tưởng. Điều này đòi hỏi khả năng chịu đựng trước các thông tin chồng chéo, mơ hồ, nhưng đó một phẩm chất đặc trưng của những người ra quyết định thành công.
4. Xác lập khái niệm về sự thông thường như một định hướng để thiết kế mô hình lý tưởng. Giải pháp Tiếp theo chắc chắn sẽ có một số điểm bất thường và không thể dự đoán được. Vì thế, trong khi đi tìm một giải pháp tiếp theo lý tưởng, đừng để các điểm bất thường đó làm mất tác dụng của dự án. Trước tiên, bạn hãy tập trung vào những điểm bình thường của vấn đề thay vì tập trung vào điều khác lạ.
Những điều thông thường (regularities) là những tình huống có thể xảy ra nhất, có thể mong đợi, chứa đựng trong vấn đề hoặc phạm vi hệ thống. Bất bình thường là những tình huống ngoài mong đợi hoặc không thể dự đoán nhưng có thể phát sinh.
Khi xử lý vấn đề, người theo cách truyền thống có xu hướng đưa ra một khuyến nghị cố gắng bao gồm tất cả các dự đoán về những yếu tố bất thường. Nhưng cách này làm nảy sinh hai vấn đề. Thứ nhất, không thể hình dung được tất cả mọi sự kiện bất thường có thể phát sinh ngoài tình huống cụ thể, và những bất thường không được nêu ra mới chính là những cái gây rắc rối lớn nhất. Thứ hai, quá chú trọng vào điều bất thường sẽ dẫn đến những giải pháp không phù hợp cho điều bình thường và có xu hướng thu hẹp thay vì mở rộng tầm nhìn của những giải pháp khả thi.
Chẳng hạn, bạn không nên thay đổi thực đơn dã ngoại của bọn trẻ chỉ vì một cháu dị ứng với sữa. Thay vào đó, bạn vẫn chọn thực đơn có sữa, sau đó bổ sung một số thức uống khác cho cậu bé không uống được sữa đó.
Đây là một cách làm mà ai cũng biết. Nhưng điều thú vị là cùng những bất thường tương tự lại khiến người khác thất bại trong việc tìm giải pháp cho nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Hãy tưởng tượng sự thất vọng của mình khi bạn phải xếp hàng dài chờ đợi tại quầy vé máy bay, trong lúc bạn chỉ muốn mua một vé cho một chuyến bay mà bạn đi hàng ngày khởi hành sau 10 phút nữa đến một thành phố cách đó 200 dặm. Trong khi đó, nhân viên bán vé lại đang nói chuyện liên tu bất tận với một người khách khác muốn mua hai vé full-fare (có thể đổi hành trình, giờ bay) và ba vé half-fare để bay hàng ngàn dặm giữa Nhật và Úc mà ngày khởi hành phải đến ba tháng sau.
Tại sao điều này xảy ra? Bởi vì nội quy phòng vé buộc nhân viên phải xử lý mọi yêu cầu, thay vì chỉ tiếp nhận xử lý đúng yêu cầu chuẩn còn những yêu cầu không đúng phạm vi sẽ được xử lý riêng. Vì thế mà hiệu quả điều phối trong vấn đề đi lại thường rất thấp.
Trong cách giải quyết vấn đề truyền thống, khi mọi người họp bàn về một đề xuất nào đó, họ đều chú tâm tìm ra chỗ sai của đề xuất cũng như lý giải vì sao đề xuất không hiệu quả. Họ mất quá nhiều thời gian cho việc bàn luận và vạch kế hoạch cho những điều bất thường vốn không cần phí nhiều thời gian. Thời gian đó nên sử dụng cho việc trao đổi về những điều bình thường nhằm tiến tới một giải pháp chung nhất.
Nếu bạn có thể nghĩ ra những lựa chọn giải pháp tuyệt vời có tác dụng trong những điều kiện bình thường và được mong đợi, thì việc thiết kế Giải pháp Tiếp theo để xử lý những điều kiện bất thường là rất đơn giản, cho dù xử lý những điều bất thường đòi hỏi một hệ thống riêng biệt.
Hãy xem xét các minh họa dưới đây:
• Mô hình quản lý thuốc trong bệnh viện được thiết kế chỉ dựa vào những tình huống lặp đi lặp lại, những diễn biến thường xuyên nhất hoặc những tình huống quan trọng nhất – chẳng hạn, ba ngày một lần, một lần trong bốn giờ... Còn mô hình tiên tiến hơn là để áp dụng đối với những bất thường (thuốc cần được quản lý theo danh mục, những bệnh nhân cần điều trị đặc biệt…). Mô hình cuối cùng (hay Giải pháp Tiếp theo) giữ lại hầu hết những ý kiến phát triển cho những điều kiện bình thường và những bổ sung nhỏ cho những điều bất thường.
• Một cửa hàng sử dụng một hệ thống băng chuyền để nhận hàng hóa dưới dạng thùng các-tông (90% hàng hóa nhận được đến dưới dạng thùng các-tông) và mở một khu vực nhận hàng riêng cho 10% loại thùng khác – sọt gỗ và thùng nhựa, không thể đưa lên hệ thống băng chuyền).
• Một công ty kiến trúc được thuê thiết kế các khu chung cư đã kết hợp nhà phố liên kế và biệt thự đơn lập trong quá trình phát triển để phù hợp nhu cầu đa dạng của thị trường.
Điều đáng nói là, tại sao chúng ta bỏ đi một giải pháp tốt với 85% điều kiện phù hợp chỉ vì nhận thấy có 15% không phù hợp?
Cân nhắc giữa những điểm bình thường và bất thường đưa đến những giải pháp đa chiều mang tính đột phá và chứa đựng một số lựa chọn phù hợp trong những điều kiện khác nhau. Tạo sự liên kết giữa mục đích, yêu cầu và các lựa chọn giải pháp khả thi đa chiều trong một đề xuất đột phá là thách thức của quy trình Giải pháp Tiếp theo.
Yogi Berra nói rằng: "Nếu bạn không biết mình đang đi đến đâu, bạn sẽ kết thúc ở một nơi khác".
Đường lối của một tổ chức xuất phát từ tầm nhìn hoặc mong muốn của nhà lãnh đạo. Tầm nhìn về một tương lai lý tưởng có hai yếu tố: (1) dãy mục đích được mở rộng - xác định những mục đích dài hạn, triết lý, động lực và giá trị của một tổ chức; và (2) Giải pháp Tiếp theo – biểu thị các cơ chế, chính sách định hướng nhằm đạt được những mục tiêu dài hạn này. Ví dụ, Tập đoàn Hewlett-Packard xây dựng hẳn một phòng thí nghiệm nghiên cứu sản xuất thử để phát minh ra những mô hình sản xuất lý tưởng.
Chú trọng một cách nghiêm túc đến hai yếu tố của một tầm nhìn – những mục đích mở rộng và Giải pháp Tiếp theo - là cơ hội để thu hút khách hàng (những người thụ hưởng cuối cùng) tham gia vào quá trình tìm kiếm giải pháp.
Lợi ích của nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo
Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo có nhiều lợi thế chung với các nguyên tắc của Tư duy Đột phá. Giống như nguyên tắc Sự Khác nhau Độc đáo và nguyên tắc Triển khai Mục đích, nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo xóa bỏ những bức tường tư tưởng hoặc rào cản trong quan điểm khiến chúng ta không thể nhận thức đúng vấn đề hoặc không phát huy được những giải pháp sáng tạo. Giải pháp Tiếp theo đòi hỏi người ra quyết định phải xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau (chúng ta không xét đến những điều cấm kỵ, phong tục tập quán, văn hóa hay môi trường); thách thức các xu hướng để tránh rủi ro; khuyến khích sự hình thành và phát triển những ý tưởng đổi mới; sẵn sàng sử dụng các công cụ, kỹ thuật, và các phương cách diễn đạt hiệu quả.
7 Nguyên tắc Tư duy Đột phá và những lợi thế khác nhau của 7 nguyên tắc này có mối quan hệ mật thiết với nhau đến mức khó định rõ đâu là lợi thế riêng biệt của một nguyên tắc. Tuy nhiên, những lợi thế sau đây được xem là thuộc về nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo:
1- Tư duy về tương lai của giải pháp hôm nay và hình dung về giải pháp mục tiêu lý tưởng với những cải tiến lớn về chất lượng và số lượng của các giải pháp Tư duy Đột phá có thể được thực hiện ngay hôm nay. Nếu bạn muốn có một chỗ ở tạm thời, bạn sẽ xây một ngôi nhà tương ứng với khả năng tài chính hiện tại của bạn. Nhưng nếu bạn muốn có một ngôi nhà trong mơ, bạn có thể xây dựng nó qua nhiều giai đoạn. Chính tầm nhìn dài hạn sẽ ngăn không cho bạn xây dựng một số hạng mục nào đó có thể làm cản trở việc xây dựng ngôi nhà mơ ước của bạn về sau.
2- Những cân đối và sắp xếp vốn có trong hầu hết mọi giải pháp được tạo ra bằng cách nhìn về tương lai thay vì nhìn về quá khứ. Nếu bạn có một mô hình sản xuất lý tưởng nhưng hiện tại không thể thực hiện vì thiếu vốn hoặc hạn chế về nhân lực, bạn có thể phát triển một Giải pháp Tiếp theo ít ra sẽ đưa bạn đến gần với mục tiêu hơn. Việc sắp xếp như thế hiệu quả hơn so với việc để những dự đoán khó khăn kìm hãm nguồn ý tưởng của bạn và chỉ đưa đến các giải pháp chắp vá, ngắn hạn và thiếu tầm nhìn chiến lược.
3- Những đề xuất thay đổi của bạn chứa đựng những dự phòng cho việc cải tiến liên tục. Một giải pháp khả thi bao gồm nhiều thành phần khác nhau. Thành phần đó có thể là Giải pháp Tiếp theo được thiết kế với khả năng phù hợp và thay đổi. Các thành phần không thuộc mục tiêu lý tưởng có thể được thiết kế để từng bước hủy bỏ hoặc làm cho phù hợp với những mục đích không liên quan. Chẳng hạn, nhà máy sản xuất sơn có thể chuyển đổi thành một xưởng bánh mì.
4- Bạn tối đa hóa khả năng phát triển những giải pháp sáng tạo và cải tiến bằng cách bỏ qua những dự đoán về rào cản tài chính, thông tin, tự nhiên và con người có thể giới hạn tầm nhìn của bạn. Thông thường, nếu bạn để những lựa chọn giải pháp lý tưởng nảy nở trong đầu, bạn có thể tìm ra nhiều cách vượt qua những rào cản về sau hoặc tìm thấy giải pháp đột phá ngay lập tức.
5- Bản tính hay phản đối sự thay đổi của con người mở đường cho sự chấp nhận và cả việc đề phòng sự thay đổi. Chúng ta sẽ ít ngạc nhiên hơn nếu chúng ta hiểu rõ những thay đổi là phù hợp ở tầm nhìn lớn hơn.
6- Bạn tận dụng được thời gian dẫn dầu vô giá để tiến hành thay đổi trong tương lai. Với một ý thức rõ ràng về nơi bạn hướng đến và gắn liền với sự linh hoạt để ứng phó với những điều bất ngờ, bạn có thể vạch ra những giải pháp từng bước đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu lý tưởng.
7- Giải pháp của bạn dễ thực hiện hơn. Hình dung rõ ràng về con đường bạn đang đi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những quyết định "một phút" mà bạn phải đưa ra khi dự án tiến triển.
8- Giải pháp đột phá dễ tìm thấy hơn. Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo đánh tan thái độ "đừng cố thay đổi tình thế" và "đừng gợi lại những chuyện không hay" vốn kìm hãm sự ra đời của những ý tưởng đột phá.
9- Bạn có thể vượt trội hơn đối thủ chứ không chỉ đuổi kịp họ. Theo lối tư duy truyền thống, bạn sẽ sao chép những điều đối thủ của bạn đang thực hiện thành công, như khái niệm mốc cạnh tranh được trình bày trong Chương 4. Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo giúp bạn có sự hình dung vượt xa vị trí hiện tại của đối thủ, vì vậy kết quả của bạn sẽ vượt trội hơn họ. Ví dụ, trong khi nhà máy NUMMI, một liên doanh giữa Toyota và General Motor ở Fremont, California, đang xem xét áp dụng một mô hình sản xuất của những năm đầu 1980 thì chắc chắn Toyota cũng đang cải tiến mô hình của mình ở Nhật Bản để vượt trội hơn NUMMI, chứ không chỉ đơn thuần để bắt kịp họ.
10- Đề xuất của bạn cho sự thay đổi có thể liên quan đến nhiều kênh đa dạng được phát triển từ nhiều lựa chọn. Ví dụ, việc cải tổ học đường nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học chắc chắn đáng quan tâm hơn việc giảm sĩ số lớp học. Sự phức tạp của vấn đề và hệ thống các vấn đề có liên quan đòi hỏi phải có một giải pháp nhiều mặt với các bộ phận có khả năng xử lý các vấn đề về sĩ số lớp, đào tạo giáo viên, hỗ trợ tâm lý, sự quan tâm của gia đình và cộng đồng, ngăn ngừa tội phạm, các khoản phụ cấp, và nhiều hơn nữa. Những giải pháp có thể thay thế mà bạn triển khai để đạt được tầm nhìn về một ngôi trường lý tưởng sẽ cấu thành những yếu tố khác nhau nằm trong giải pháp mục tiêu tận cùng của bạn.
11- Môi trường sáng tạo luôn thắng thế. Sự phòng thủ và mâu thuẫn giữa các hệ thống và sự phân bổ nguồn lực sẽ bị áp chế khi mọi người cùng hướng đến một tầm nhìn chung trong tương lai bằng tinh thần hợp tác cao. Ý thức rộng mở và cải tiến liên tục sẽ đem lại khả năng tiếp cận với nhiều giải pháp có thể thay thế. Tầm nhìn dài hạn giúp bạn tạm thời bỏ qua sự mơ hồ về khả năng một hay nhiều mặt của một vấn đề sẽ không có giải pháp trước mắt. Chúng ta thường rất sẵn lòng xem xét mọi ý tưởng vì cho rằng bất kỳ ý tưởng nào cũng đáng được khen ngợi. Những thái độ này tối đa hóa khả năng phát triển những giải pháp tiên tiến và sáng tạo.
12- Bạn sẽ không bị sa lầy vào vô số tình huống quanh vấn đề thực tế bằng cách triển khai ngay một giải pháp chỉ để giải quyết những điều bình thường. Còn các hệ thống giải quyết những bất thường hoặc ngoại lệ được phát triển sau theo một tỷ lệ mà bạn và đồng nghiệp có thể giải quyết. Việc phát triển một giải pháp sáng tạo và khả thi cho các hoàn cảnh lý tưởng tận cùng sẽ dẫn đến sự ra đời của một giải pháp đa năng, đa chiều để giải quyết những bất thường vốn hạn chế hầu hết lợi ích của giải pháp mục tiêu được áp dụng trong những hoàn cảnh bình thường. Những điều kiện này bao gồm các tình huống, hoặc các yếu tố xảy ra thường xuyên nhất hoặc có tính quan trọng nhất.
13- Bạn không để tri thức hiện tại giới hạn suy nghĩ của mình. Phát triển giải pháp tiếp theo đưa đến nhiều câu hỏi cụ thể cần được trả lời trước khi một đề xuất được phát triển đầy đủ. Những câu hỏi này sẽ định hướng việc thu thập dữ liệu, vì thế bạn sẽ tránh được việc nghiên cứu lãng phí vì "quyết tâm" thu thập tất cả thông tin như cách của người giải quyết vấn đề theo lối truyền thống.
Tuy nhiên, không phải mọi giải pháp bạn thực hiện đều là một giải pháp đột phá. Đôi khi giải pháp của bạn không tối ưu bằng giải pháp mà bạn rút ra từ những phương pháp truyền thống. Đôi khi giải pháp tức thời của bạn chỉ tạo ra một thay đổi nhỏ trong thành quả mong đợi và vì thế hạn chế khả năng đột phá của Giải pháp Tiếp theo. Đôi khi hoàn cảnh tâm lý hoặc chính trị xung quanh vấn đề của bạn đòi hỏi một loạt những thay đổi nhỏ thay vì một thay đổi lớn, nhưng những giải pháp nhỏ thành công theo một thể liên tục hướng đến mục tiêu Giải pháp Tiếp theo là những tia sáng rực rỡ có tác dụng biến tầm nhìn của bạn thành thực tiễn.
Bí quyết phát triển các Giải pháp Tiếp theo
Trong phần này chúng tôi mô tả những công cụ, cách thức và các quy trình cụ thể để phát triển Giải pháp Tiếp theo. Trước tiên, chúng tôi muốn trình bày ý nghĩa quan trọng của tinh thần cởi mở.
Nghiên cứu của chúng tôi về những người giải quyết vấn đề thành công cho thấy rằng mặc dù mỗi người có một cách thức và kỹ thuật riêng để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, nhưng những trợ giúp đó sẽ thất bại nếu rơi vào suy nghĩ tiêu cực và quan điểm giới hạn của cách suy luận truyền thống. Một tâm thế rộng mở nuôi dưỡng khả năng lý luận ở trình độ cao về sự trừu tượng (của mục đích) là yếu tố quan trọng nhất của Tư duy Đột phá.
Nghiên cứu của các đồng nghiệp của chúng tôi cũng cho thấy những người hoạch định hiệu quả là những người luôn hướng theo mục đích, có nhận thức trung lập, có thiên hướng liên kết mọi người lại với nhau và có khả năng tìm kiếm những thông tin cần thiết từ nhiều kênh khác nhau.
Sức công phá của các nguyên tắc Tư duy Đột phá là giúp bạn luôn luôn thể hiện những đặc tính này. Để tối đa hóa sức sáng tạo, một tâm thế rộng mở là điều cần phải có ở mọi cá nhân, mọi nhóm và mọi tổ chức.
Ngạn ngữ có câu: "Không ai không từng có một ý tưởng độc đáo". Quả thật, dường như tất cả mọi ý tưởng đều đã có người nghĩ ra trước chúng ta, nhưng tính chất của sự sáng tạo là phải liên kết các ý tưởng cũ theo những phương cách mới.
Hai nhà tâm lý học Michael Mumford và Sigrid Gustafson cho rằng biểu hiện của sự sáng tạo không chỉ được hình thành từ môi trường vật chất tồn tại quanh ta. Nên nhớ rằng ngay cả Shakespeare và Beethoven cũng từng đối mặt với những trang giấy trắng mà không sáng tác nổi một nốt nhạc nào. Thậm chí có những người dường như có khả năng sáng tạo phi thường nhưng thực ra họ chỉ việc kết nối những hiểu biết và kinh nghiệm của chính mình theo những cách thức hết sức mới lạ.
"Từ nghiên cứu của mình về các điều kiện dẫn đến những thành tựu tiên tiến, Koestler đưa ra nhận định rằng chúng ta không thể sáng tạo ra cái mới nếu không dựa trên cái gì cả", Mumford và Gustafson viết. "Thay vào đó, sự sáng tạo xảy ra tùy thuộc vào việc tái sắp xếp những thực tế và hiểu biết hiện tại từ sự hợp nhất bất ngờ của hai hay nhiều giản đồ."
Chúng tôi không có mô tả rõ ràng nào cho những bí ẩn về cách sáng tạo ra những ý tưởng chính, nhưng học thuyết Bisociation(*) có nêu rõ điều này. Học thuyết nói rằng ý tưởng đột phá nảy sinh khi hai suy nghĩ, hai mô hình hoặc hai sự trừu tượng giao thoa với nhau. Sự giao thoa ý nghĩ này nằm ngay trọng tâm của quy trình mà chúng tôi đề nghị bạn áp dụng để phát triển các giải pháp tiếp theo.
Một trong những lợi thế lớn nhất của quá trình làm việc nhóm là khả năng khơi dậy ý tưởng sáng tạo trong mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trước hết, các thành viên nhóm phải vượt qua nỗi lo sợ bị chế giễu khi trình bày những ý tưởng mới, thậm chí là lạ lùng. Họ cần phải tin rằng cả nhóm xem trọng sự tin cậy, sự khuyến khích và cởi mở với nhau. Nhóm giải quyết vấn đề cần đưa ra những quy tắc cơ bản và sử dụng các phương cách truyền cảm hứng sáng tạo hơn cho nhóm. Ví dụ:
1- Không cho phép bất kỳ ai phản bác một ý tưởng ngay khi nó vừa được nêu ra. Việc phản biện chỉ được phép diễn ra ở giai đoạn sau.
2- Khuyến khích những ý tưởng tự do hoặc "hoang dã".
3- Lôi kéo một vài người "bên ngoài" tham gia vào dự án.
4- Ghi chép lại tất cả các ý tưởng để mỗi ý tưởng đều được xem xét công bằng.
5- Đưa ra những câu hỏi kích thích hoặc thúc đẩy sự sáng tạo, chẳng hạn như:
(*) Trong "The Act of Creative", Arthur Koestler căn cứ trên luận đề "… tính độc đáo sáng tạo không có nghĩa là tạo ra hoặc làm phát sinh một hệ thống ý tưởng từ cái không, mà đúng hơn là từ sự phối hợp những mô hình tư duy từng tồn tại vững chắc thông qua tiến trình trao đổi chéo". Koestler gọi tiến trình này là bisociation. Như vậy, có thể hiểu bisociation là kết quả từ sự kết hợp những điểm tương đồng bất ngờ để tạo ra những kiểu kết hợp mới.
• Hệ thống hoặc dịch vụ cộng thêm nào có thể đưa chúng ta lên thành một công ty hàng đầu thế giới?
• Giải pháp là gì nếu chúng ta không phải chịu sức ép nào cả?
• Mô hình lý tưởng là như thế nào nếu chúng ta có thể đạt được tất cả những mục đích lớn hơn mục đích mà chúng ta đã chọn?
• Giải pháp như thế nào nếu chúng ta làm lại mọi thứ từ đầu (làm lại cuộc đời, dự án mới, tác phẩm mới)?
6- Tập trung thảo luận về cách thực hiện những giải pháp đang được đề xuất thay vì cố chứng minh chúng không thể thực hiện được. Hãy áp dụng lý thuyết trò chơi tin tưởng.
7- Khi sử dụng tất cả những cách thức trên, hãy vui vẻ cởi mở bằng những cử chỉ, lời nói khôi hài nhằm kích thích trí tưởng tượng của những người tham gia. Để sản sinh ý tưởng, khôi hài là một yếu tố rất quan trọng.
Bạn cần làm cho mọi người trong nhóm thấy rằng họ có thể phá vỡ mọi sự kìm hãm tư duy họ. Bạn có thể làm điều này bằng cách sử dụng những cách thức trình bày tình huống từ những quan điểm khác biệt hoặc lạ thường. Sau đây là một số cách thức hay công cụ hữu ích để khơi dậy những ý tưởng cải tiến:
Các nguyên tắc. Hầu hết mọi lĩnh vực (nhà bếp, lắp ráp sản phẩm điện tử, thuế khóa hoặc vấn đề giao thông) đều có một bộ kiến thức hoặc bộ quy tắc mô tả những điều kiện hoặc giải pháp lý tưởng cho những thành phần khác nhau của hệ thống (sơ đồ bố trí, cơ cấu tổ chức, hệ thống máy tính, biện pháp phòng ngừa tai nạn…). Một số quy tắc đó có liên quan một phần đến các nguyên tắc của Tư duy Đột phá – tức loại bỏ nhu cầu về mục đích tức thời bằng cách xem xét những mục đích lớn hơn, chỉ xác định một đầu vào có chi phí thấp (hoặc chất lượng cao), chỉ xác định một đầu ra với các sản phẩm có cùng đặc trưng, thực hiện công việc một cách tự động… Hãy để những nguyên tắc này từng lúc hòa trộn vào nhau nhằm tạo ra ý tưởng mới trong đầu bạn. Hãy hỏi chính mình rằng bạn có thể đạt được mục đích X thông qua nguyên tắc Y như thế nào?
Ví dụ, nếu bạn định làm nhà bếp, hãy áp dụng các quy tắc hướng dẫn về thiết kế sàn nhà, lựa chọn vật dụng, kỹ thuật lát nền, hệ thống đèn chiếu sáng... và để chúng hội tụ với nhau trong đầu bạn theo mục đích đã chọn. Thử hỏi rằng bạn có thể đạt được mục đích "có một nhà bếp sạch sẽ, đẹp mà không cần phải lau dọn nhiều" bằng cách lát gạch men trắng hay không?
Phép so sánh loại suy và ẩn dụ. Một giải pháp cải tiến trong một lĩnh vực nào đó hoàn toàn khác có thể giao thoa với mục đích của bạn. Hãy chọn một lĩnh vực mà các mục đích có thể tương tự nhau và phát triển các phương án có thể lựa chọn cho lĩnh vực đó. Sau đó, sử dụng giải pháp từ lĩnh vực thứ hai làm cơ sở cho việc ứng dụng trong lĩnh vực chính. Hoặc, bạn cũng có thể suy nghĩ cách đạt được một mục đích đối nghịch hay chọn những đối tượng khác thường như một phép ẩn dụ để kích thích việc sản sinh ra các ý tưởng. (Hệ thống sẽ hoạt động như thế nào nếu nó được cấu tạo giống như một cuốn từ điển, một chiếc xe đạp 10 tốc độ, một mạng nhện hoặc bộ điều khiển từ xa ti-vi?) Hoặc thử thực hiện một số việc không có liên quan (đi siêu thị, dạo công viên hoặc thăm bảo tàng, đọc thơ hay sách văn học nghệ thuật, các bài báo thể thao, trò chơi hoặc tạp chí thời trang). Những cách này có thể tạo ra ý tưởng giải quyết vấn đề tương tự theo các tiêu chí của chính bạn, như sự thuận tiện, phản ứng nhanh, tiết giảm chi phí hoặc bắt mắt. Tiếp tục hỏi chính mình rằng bạn có thể đạt được mục đích X thông qua nguyên tắc Y như thế nào?
Nhưng bạn cần thận trọng với phép so sánh loại suy và ẩn dụ! Chương 4 đã giải thích với bạn tại sao. Không phải bạn sao chép điều người khác đã làm mà bạn chỉ tìm kiếm tác nhân kích thích cho các ý tưởng phù hợp với tình huống và mục đích của bạn.
Liên kết tự do. Bất kỳ suy nghĩ, đối tượng, hoặc tầm nhìn nào đều có thể giao thoa với một suy nghĩ hoặc mục đích khác để tạo ra nền tảng cho một ý tưởng thú vị. Hãy thử nghiệm với suy nghĩ của bạn. Những ghi chú và hình vẽ trên giấy có thể hình thành một loạt các liên kết để rồi dẫn đến ý tưởng sáng tạo. Đọc ngẫu nhiên một số từ trong từ điển để tạo một sự liên tưởng nào đó với mục đích đã chọn. Hình dung về các giải pháp với chi phí và nguồn lực đầu tư thấp nhất để có sản phẩm hoàn hảo làm hài lòng khách hàng ở mọi thời điểm. Sử dụng dự đoán của các nhà tương lai học như một nhân tố kích thích để tạo sự giao thoa với mục đích chính của bạn. Ví dụ, với dự đoán tỷ lệ sinh giảm thì bạn cần phải làm gì để đạt được mục đích X một cách lý tưởng?
Khoa học viễn tưởng. Đặt mình vào vị trí của tác giả truyện khoa học viễn tưởng Isaac Asimov để viết ra cách thức đạt được mục đích trọng tâm: Điều gì sẽ xảy ra nếu công nghệ sinh học có thể thay đổi cấu trúc phân tử của vật chất? Ước gì chúng ta có thể cấy vào đầu chúng ta nhiều con chíp máy tính. Nếu dân số thế giới tiếp tục tăng đều như thế này thì hệ thống chăm sóc y tế sẽ như thế nào vào năm 2035? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có một hướng kinh doanh khác?
Hình dung. Chọn một thước đo kết quả hoặc nhân tố quyết định thành công mà bạn xác định cho mục đích của mình và hình dung ra giải pháp để đạt được điều đó. Giải pháp như thế nào để giảm tai nạn xe cộ tại giao lộ đến mức thấp nhất? Mô hình xử lý đơn hàng nào có thể tận dụng 100% các nguồn lực (công nhân, giấy, thời gian sử dụng máy tính...). Giải pháp mà bạn hình dung và hiệu quả của các thước đo đánh giá tính hiệu quả sẽ kích thích ý tưởng nhằm đạt được mục đích lý tưởng của bạn.
Viết kịch bản. Cách này có thể được sử dụng ở ba mức độ: thứ nhất, mô tả tương lai khi có giải pháp lý tưởng; thứ hai, mô tả một giải pháp lý tưởng; thứ ba, mô tả hành động yêu cầu (cải cách hành chính, thu hút nguồn lực, vai trò của cổ đông, những năng lực cốt lõi mới…) để thấy rõ kịch bản thứ hai. Các công cụ viễn tưởng công nghệ cao sẽ hỗ trợ đắc lực cho các kịch bản này.
Đặt giả thiết. Đối với các mục đích của cá nhân hoặc gia đình, đây là sự tổng hợp của các phương pháp viết kịch bản, hình dung, liên kết tự do và khoa học viễn tưởng. Bạn sẽ đạt các mục đích của mình như thế nào nếu bạn trúng vé số và không phải chu toàn nghĩa vụ gì trong một năm và được tự do đi du lịch khắp nơi? Bạn sẽ đạt được các mục đích cộng đồng ra sao nếu bạn được quảng cáo miễn phí trên các kênh ti-vi? Nếu bạn là khách hàng/nhà cung cấp của chính bạn?
Phương pháp lịch sử và tiểu sử. Nhớ lại một sự kiện đã qua (thậm chí đã xảy ra nhiều thập kỷ hoặc nhiều thế kỷ trước) có kết quả vang dội hoặc khác biệt, và để trường hợp đó giao thoa với mục đích đã chọn của bạn nhằm tạo ra những ý tưởng mới. Hoặc, nghĩ về một người thành đạt hay uyên bác mà bạn ngưỡng mộ, và hỏi chính mình, họ đã sử dụng những cách thức đặc biệt gì để đạt được những thành tích đó?
Kịch bản cho tình huống xấu hơn. Phương pháp này đưa những rào cản hoặc những hành động tiêu cực mà hầu hết mọi nhóm đều đưa ra để sử dụng một cách tích cực. Một nỗ lực có ý thức nhằm đưa ra viễn cảnh xấu nhất của tình huống giúp xác định những trở ngại đối với việc thực hiện ý tưởng hoặc những vấn đề có thể phát sinh sau khi phương pháp đó được đưa vào sử dụng. Đồng thời, cách này cũng giúp bạn nghĩ ra cách xử lý những trường hợp trái ngược với những kết quả mà bạn mong đợi ngay tại thời gian và địa điểm chúng xảy ra. Viễn cảnh về tình huống xấu hơn đưa đến câu hỏi: Một phương pháp lý tưởng nên được phát triển như thế nào để tránh trở ngại hoặc kết quả tiêu cực như thế?
Công cụ hỗ trợ. Các công cụ nêu trên – như các nguyên tắc, phép so sánh loại suy và ẩn dụ, liên kết tự do, hình dung – phát huy hiệu quả cao hơn nhờ những kỹ thuật cụ thể. Những tấm thẻ với những hình ảnh kích thích sáng tạo đặc trưng được trình bày trong cuốn "Creative Whack Pack" của Roger von Olch. Poster có thể được treo trong phòng họp, khuyến khích mọi người "bỏ phán xét" và "tự suy ngẫm". Các công cụ này được lập trình thành một số phần mềm, như phần mềm Idea Fisher gồm 705.000 từ và cụm từ khác nhau để kích thích người sử dụng nảy sinh và lưu lại trên máy tính những ý tưởng khác thường.
Sự đa dạng của các mô hình tư duy. Mỗi người có xu hướng ủng hộ một kiểu hay một mô hình tư duy khác nhau - hầu hết thường dựa vào trình độ học vấn hoặc chuyên môn của họ. Ví dụ, một kỹ sư thường nghĩ về mô hình làm việc bằng một hình ảnh trong đầu họ. Ngược lại, nhà tâm lý học thường sử dụng ngôn ngữ và các hình ảnh ẩn dụ. Tuy nhiên, việc thử nghiệm với lối tư duy và các kỹ thuật khác nhau sẽ mở rộng cánh cửa dẫn đến những ý tưởng lý thú hơn.
Trong số rất nhiều mô hình tư duy thì những mô hình sau đây đặc biệt có tác dụng đối với những suy nghĩ sáng tạo.
Tư duy Tổng hợp (Synthesis Thinking) là sự kết nối các bộ phận vào trong một tổng thể, tạo ra sự liên kết đáp ứng yêu cầu của một mục tiêu. Ví dụ, sự tổng hợp thuần túy có thể là một bức tranh được vẽ bởi một đứa trẻ không được hướng dẫn hoặc một cái rìu được làm ra từ một người không phải là thợ rèn. Tổng hợp là phần cốt lõi của việc thiết kế quá trình liên quan từ mục đích sản phẩm mới cho đến những công bố về hình thức và cách sử dụng. Người có tư duy tổng hợp thường sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để kích thích tạo ra nhiều lựa chọn có thể thay thế nhằm đạt nhiều tầm nhìn khác nhau.
Tư duy Phân kỳ (Divergent Thinking), thuật ngữ được sử dụng và được định nghĩa đầu tiên bởi Guiford vào năm 1950, là khả năng của một cá nhân tạo ra những giải pháp tiềm năng khác nhau cho một vấn đề. Tư duy phân kỳ sẽ mang đến vô số những ý tưởng, khái niệm và cách tiếp cận khác nhau. Vì thế, người có tư duy phân kỳ luôn sử dụng nhiều cách thức khác nhau để tìm kiếm các chi tiết (ví dụ như viết kịch bản) làm phương tiện kích thích tạo ra nhiều lựa chọn hơn để xử lý vấn đề được phát hiện.
Ngược lại, Tư duy Hội tụ (Convergent Thinking) tập trung vào việc chọn lựa một trong số những giải pháp khác nhau. Người có tư duy hội tụ sử dụng những cách có thể tạo ra nhiều lựa chọn khác nhau để đảm bảo rằng kết quả đạt được là dựa trên một số lượng lớn các ý tưởng trong việc mang lại khả năng lớn hơn cho một giải pháp sáng tạo hơn.
Tư duy Suy diễn (Deductive Thinking) suy luận từ tổng thể đến chi tiết. Lối tư duy này gắn liền với phân tích logic, mặc dù không phải luôn luôn, từ những học thuyết và thực tế hiện hữu đến những thực tế hoặc giải pháp cụ thể. Phương pháp tư duy này được áp dụng để tìm ra câu trả lời cho một vấn đề. Người tư duy suy diễn giỏi ứng dụng hầu hết các phương pháp trước khi chọn một giải pháp có thể thực hiện.
Ngược lại với Tư duy Suy diễn, Tư duy Quy nạp (Inductive Thinking) đi từ chi tiết đến tổng thể. Các học thuyết khoa học hình thành theo cách này. Khi được sử dụng để giải quyết vấn đề, phương pháp này thường đưa ra một mô hình chung từ các giải pháp của những vấn đề tương tự. Người có tư duy quy nạp nên sử dụng các kỹ thuật đặc trưng (ví dụ, phần mềm máy tính) để kích thích tạo ra nhiều ý tưởng trước khi đi đến một giải pháp. Tư duy quy nạp đề cao những giả định thông thường có nhiều hơn một giải pháp tiềm năng hay một học thuyết tương xứng. Vì vậy, nó cũng có mối quan hệ với tư duy tổng hợp và tư duy phân kỳ.
Có lẽ bạn còn sử dụng nhiều công cụ tư duy khác nữa, nhưng điều quan trọng là bạn cần tránh lối tư duy lỗi thời chỉ chú trọng phân tích và mổ xẻ vấn đề. Hãy tập trung vào mục đích và cố gắng đề ra càng nhiều giải pháp sáng tạo càng tốt đối với mục đích mà bạn đã chọn.
Sử dụng nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo
Về cơ bản, việc chuyển từ dãy mục đích đến một giải pháp mục tiêu lý tưởng là một quá trình có thể được thực hiện tự do và không có cấu trúc. Tuy nhiên, Bảng 6-1 mô tả những bước mà bạn có thể áp dụng để ươm mầm ý tưởng sáng tạo và tiến đến giải pháp mà không sử dụng đến các phương pháp truyền thống.
Các bước có thể được áp dụng không theo trình tự nào. Ví dụ, bước B có thể trước bước A ở bất kỳ thời điểm nào của quá trình. Những hướng dẫn này chỉ nhằm phát huy tác dụng của nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo trong những lần đầu bạn áp dụng nó. Chúng sẽ định hướng cho bạn về các ý tưởng, thật nhiều ý tưởng mà không đánh giá ý tưởng. Đánh giá chỉ phù hợp cho những bước sau. Sau một thời gian áp dụng, chắc chắn các nguyên tắc Tư duy Đột phá sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của bạn.
Nhóm dự án đường cao tốc ở Hạt Small đã thảo luận hai từ chủ yếu trong nhận định về mục đích: "có một đường cao tốc"(*). Đó là từ "có" và "đường cao tốc". Từ "có" biểu thị địa điểm và phương hướng, trong khi "đường cao tốc" biểu thị sự
(*) Nguyên văn: To have a highway.
Bảng 6-1: Phát triển một mục tiêu Giải pháp Tiếp theo và chọn một giải pháp được đề xuất.
A. Xác định các trường hợp bình thường cần xem xét để đề ra giải pháp.
B. Phát triển càng nhiều ý tưởng càng tốt về cách thức để đạt được mục đích đã chọn hoặc một mục đích lớn hơn trong dãy mục đích của bạn.
C. Tập trung ý tưởng theo những lựa chọn giải pháp hoặc hệ thống chính. Kết hợp nhiều ý tưởng hay vào mỗi lựa chọn. Một lựa chọn phải đảm bảo đạt được mục đích của bạn và phải bao hàm những chiến lược cụ thể để thực hiện.
D. Bổ sung các ý tưởng phụ, các chi tiết vào mỗi lựa chọn để đảm bảo tính khả thi và khả năng đánh giá tính hiệu quả của giải pháp.
E. Chọn ra Giải pháp Tiếp theo mục tiêu bằng cách đánh giá từng lựa chọn chính. (Thừa nhận những điều kiện thông thường, và đánh giá các ý tưởng giải pháp thông qua những thước đo kết quả đã được xác định.)
F. Cố gắng làm cho chiến lược giải pháp tiếp theo trở nên lý tưởng hơn nữa.
G. Nâng cấp mục tiêu giải pháp tiếp theo để kết hợp những trường hợp bất thường. Bổ sung các chi tiết để chọn ra một giải pháp đã được đề xuất.
hình dung về mục đích. Thảo luận về những từ này và hàm ý của nó dẫn đến quyết định rằng nhóm sẽ xem những điều kiện này như những trường hợp thông thường để phát triển một Giải pháp Tiếp theo: mặt bằng bằng phẳng, không có trở ngại giữa hai thành phố, và một đường cao tốc hai làn xe.
Bước đầu tiên là phải xác định những trường hợp bình thường cho giải pháp mục tiêu của bạn. Điều này không phải dễ dàng, bạn hãy cân nhắc kỹ lưỡng vì những điều bình thường thường không hiện rõ.
Bắt đầu bằng cách xem xét những từ ngữ và cụm từ chính (động từ, chủ từ, túc từ) trong cấp độ mục đích đã chọn hoặc cấp độ lớn hơn. Xác định những nhân tố thực tế nào xuất hiện thường xuyên nhất, quan trọng nhất, hoặc sẽ trở thành những hằng số hay nền tảng của dự án.
Trong nhiều trường hợp, những trường hợp bình thường gắn chặt với các từ ngữ thể hiện đầu vào hoặc đầu ra của giải pháp cuối cùng. Đầu vào và đầu ra chỉ giải quyết những hệ thống lớn hơn hoặc môi trường ngoại cảnh, mà rất ít có khả năng thay đổi dự án, cho dù dự án lớn hay nhỏ. Ví dụ, 35% đơn hàng nhận được ở một trung tâm dịch vụ được gởi tới từ vùng duyên hải phía Tây, 25% từ duyên hải phía Đông, 20% từ các bang miền núi và còn lại 20% từ những nơi còn lại trong nước và nước ngoài.
Phương thức khác lại chọn thời điểm xa là điều kiện bình thường. Điều này cho phép người ta nghĩ về các điều kiện lý tưởng: Bạn nghĩ một trường đại học kỹ thuật sẽ như thế nào là tốt nhất trong 10 năm tới? Hệ thống chống sâu hại lý tưởng có thể được áp dụng trong 5 năm tới cho cả nước Mỹ ra sao? Bộ mặt khu phố sẽ như thế nào trong 6 năm sau khi dự án phát triển đô thị được hoàn thành?
Mỗi điều kiện dựa trên cơ sở thời gian có thể cũng cần những quyết định nhỏ hơn, và đó là những quyết định dễ dàng trong bối cảnh của cái nhìn dài hạn. Ví dụ, việc xác định những vấn đề kỹ thuật nào sẽ được xem là điều bình thường sau 10 năm sẽ tương đối dễ, bởi vì lợi ích của cá nhân vào thời điểm xác định không bị đe dọa.
Một cách khác cho thấy các "nhân tố bình thường" được sử dụng trong quá trình Tư duy đột phá là giả sử rằng lần lượt từng nhân tố chi phối 100% các điều kiện và quyết định mô hình lý tưởng hay hệ thống cải tiến nào là thích hợp đối với tình huống bình thường đó. Ví dụ, đâu là ý tưởng đột phá để xử lý đơn hàng tại trung tâm dịch vụ trong trường hợp toàn bộ chúng đều được gởi đến từ Bờ Tây.
Những nhân tố bình thường hay hợp quy tắc bản thân chúng không phải là một kết quả nhưng là một phương tiện để phát triển Giải pháp Tiếp theo. Khái niệm bình thường (regularity) có thể dẫn đến một sự đột phá lớn khi thiết kế hệ thống "lý tưởng". Tuy nhiên, việc liệt kê các yếu tố bình thường không có nghĩa là bất kỳ nhân tố nào cũng phải được sử dụng.
Chọn những nhân tố bình thường cho một dự án cụ thể thường nhờ vào phương pháp thử-và-sai, và những quyết định ở mức độ nào đó thường là chủ động. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế giải pháp lý tưởng, những nhận định về điều bình thường có thể được thay đổi vài lần nên đây không phải là một quyết định chủ chốt.
Nhóm dự án đường cao tốc Hạt Small sử dụng một vài cách thức để mở rộng nhiều ý tưởng nhằm đạt được những mục đích của dự án. Chỉ có hai cách đáng chú ý.
Câu hỏi: Giải pháp Tiếp theo hoặc hệ thống lý tưởng nào sẽ loại bỏ yêu cầu về cấp mục đích đã chọn, có nghĩa là sẽ đạt được một mục đích lớn hơn?
Trả lời:
1- Sử dụng xe tải "cõng thêm" để giảm số lượng xe lưu thông trên đường.
2- Đặt những băng xích tải tự động để điều hòa lưu lượng xe.
3- Lắp đặt đường ray để những xe tải "cõng thêm" có thể chở xe tải và xe hơi.
Câu hỏi: Những cách tốt nhất (hệ thống lý tưởng nào) để đạt được cấp độ mục đích đã chọn?
Trả lời:
4- Một đường cao tốc bốn làn xe hoàn toàn mới theo một đường thẳng.
5- Làm một đường cao tốc mới hai làn xe để lưu thông một chiều, và đường hiện hữu dành cho hai làn xe theo chiều ngược lại.
6- Mở rộng ra hai bên đường cao tốc hiện hữu, mỗi bên một làn đường mới.
7- Yêu cầu mọi người sử dụng xe hai cầu vượt mọi địa hình, xe đi được trên cát, xe đi được trên cạn lẫn dưới nước để tận dụng mặt đường.
Bước tiếp theo (Bước B, Bảng 6-1) là phải đưa ra càng nhiều ý tưởng cho Giải pháp Tiếp theo càng tốt. Đây là thời điểm quan trọng của quá trình xây dựng khái niệm và cũng là lúc sử dụng hữu ích nhất những cách thức, kỹ thuật được trình bày trên đây. Hãy tìm kiếm vượt ra ngoài những gì bạn có thể biết. Bạn phải thiết kế những hệ thống lý tưởng chứ không chỉ đơn giản nói về chúng. Bạn phải xử lý cẩn thận cả những ý tưởng phôi thai nữa. Để cải tiến chất lượng ý tưởng, bạn cần phải bổ sung: làm thế nào một ý tưởng (dù có phần lạ lùng) thực sự phát huy tác dụng?
Các ý tưởng bạn ghi nhận phải tương đối hoàn chỉnh. Ví dụ, nếu mục đích là "chuẩn bị hóa đơn", câu nói có thể làm phát sinh ý tưởng là: "Đơn đặt hàng của khách hàng được nhập vào máy tính. Máy tính sẽ xử lý như sau: giảm số lượng hàng tồn kho, đưa số giảm vào phần phân tích doanh thu, và tự động nhập lệnh sản xuất liên kết và bản sao vận chuyển để lưu trữ, vận tải đơn đường biển (bill of lading) và xuất hóa đơn bán hàng…".
Đồng thời, hãy nhớ rằng đây là một bước đơn giản. Đừng cho rằng lý tưởng có nghĩa là phức tạp. Hệ thống và giải pháp lý tưởng của bạn nên phản ánh một cách dễ dàng và ít phức tạp nhất nhằm đạt được những mục đích đã định. Hãy định hình ý tưởng để đạt được mục đích và làm hài lòng khách hàng theo hướng đơn giản nhất.
Sau khi bạn đưa ra một nhóm giải pháp hoặc lựa chọn khác thích hợp cho tương lai, thì tiếp theo là quá trình phân loại (Bước C, Bảng 6-1). Các ý tưởng mà bạn và các đồng nghiệp ghi chép lại giờ phải được sắp xếp thành những lựa chọn giải pháp chính.
Một sự lựa chọn chính yếu là một ý tưởng hoàn chỉnh và mở rộng, kết hợp càng nhiều ý tưởng hay từ danh sách của bạn càng tốt. Mỗi lựa chọn chính, nếu được thực hiện, sẽ giúp đạt được mục đích đã định trong điều kiện bình thường hoặc lý tưởng. Phát triển một số lựa chọn chính khác để ngăn chặn sự kết luận vội vã về một ý tưởng và kích thích sự kết hợp của càng nhiều ý tưởng hay vào mỗi lựa chọn giải pháp.
Những lựa chọn chính tương đối khác nhau mặc dù chúng cùng chứa đựng một số ý tưởng lớn hay nhỏ. Cuối cùng, bạn hãy chọn chỉ một lựa chọn chính làm giải pháp mục tiêu nhằm đạt được mục đích đã định.
Ví dụ, một dự án thiết kế hệ thống phân phối vật tư văn phòng phẩm cho 200 địa điểm tiếp công dân thuộc Phòng Chưởng lý Los Angeles đưa ra nhiều giải pháp và sau đó được kết hợp thành ba lựa chọn chính:
1- Thiết lập kho trung tâm và nhập thông tin từ các phiếu yêu cầu vật tư và đơn đặt hàng qua điện thoại vào máy tính cá nhân.
2- Thiết lập một mạng lưới truyền thông trong khu vực để tự động hóa dòng thông tin cho phù hợp với việc lưu trữ tự động và tính toán các danh mục vật tư tại kho trung tâm.
3- Đề nghị các nhà cung cấp hàng giao hàng trực tiếp đến từng địa điểm tiếp công dân.
Một bộ phận chính của giải pháp có thể được mở rộng, nhưng bản thân nó không phải là giải pháp hoàn chỉnh. Đó có thể là một phần của một hoặc một vài lựa chọn chính nhưng phải được liên kết với những thành tố khác để đạt được mục đích mong đợi. Sử dụng máy tính cá nhân để theo dõi biên nhận, đơn đặt hàng và giao hàng là một thành tố chính của giải pháp cho vấn đề phân phối vật tư cho các văn phòng chi nhánh thuộc Phòng Chưởng lý, nhưng máy tính cá nhân không là một giải pháp.
Khi tiến hành phân loại, hãy xem mỗi mục trong danh sách các ý tưởng là một giải pháp lựa chọn chính, một thành tố chính của giải pháp hoặc một chi tiết phù hợp với nhiều giải pháp có thể thay thế hoặc của các thành tố chính. Sau đó liên kết và sắp xếp những danh sách này thành những lựa chọn hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc bổ sung một số chi tiết và ý tưởng mới trong quá trình thực hiện càng làm tăng tính khả thi và cho phép bạn đo lường được hiệu quả của giải pháp (Bước D, Bảng 6-1).
Một số lựa chọn giải pháp chính có thể thực hiện ngay nếu các điều kiện bình thường hoặc lý tưởng thể hiện được tính ưu việt. Những người nhìn xa trông rộng và người tư duy theo hướng tìm giải pháp lý tưởng luôn thách thức bạn. Họ đưa ra những câu hỏi khơi gợi về các thông tin cần được thu thập. Ví dụ, sản phẩm có thể được phân phối tự động bằng cách nào? Hoặc có thể làm kim loại co lại nhiều hơn khi trời lạnh như thế nào? Hoặc, làm thế nào để đảm bảo dòng xe cộ thông suốt?
Nhóm dự án đường cao tốc Hạt Small cử người đến văn phòng Sở Giao thông để thu thập thông tin cần điền chi tiết vào các ý tưởng chính, dự toán kinh phí và các đánh giá khác về ý tưởng. Nhóm sử dụng từng thước đo để đánh giá từng ý tưởng trong điều kiện bình thường. Một câu hỏi phát sinh: có phép đo nào quan trọng hơn không? Cuối cùng, nhóm nhận định rằng chi phí là nhân tố chủ yếu nếu các nhân tố khác nằm trong giới hạn có thể chấp nhận.
Kết quả, nhóm chọn ý tưởng số 4 làm Giải pháp Tiếp theo mà họ hướng đến. Ý tưởng 5 cũng được xem là một giải pháp mục tiêu có thể lựa chọn nếu một đường cao tốc hai làn xe đã có sẵn vì khi đó, chi phí xây dựng sẽ thấp hơn so với ý tưởng 4. Mô hình mục tiêu này thể hiện rõ trong Hình 6-1 trong các điều kiện bình thường, cụ thể.
Đường cao tốc mới một chiều, hai làn xe
Đường cao tốc hiện hữu dành cho chiều ngược lại
Hình 6-1: Mô hình mục tiêu Giải pháp Tiếp theo cho các con đường ở Hạt Small.
Tiếp theo, hãy chọn giải pháp mục tiêu, đó chính là giải pháp hướng bạn đến giải pháp lý tưởng đồng thời cũng chứa đựng những chiến lược cụ thể để tiến hành ngay hoặc từng bước thay đổi suốt quá trình thực hiện (Bước E, Bảng 6-1).
Để chọn đúng giải pháp, bạn hãy đánh giá từng giải pháp chính bằng những thước đo mà bạn đã xác định, trong trường hợp điều kiện bình thường. Và khi bạn đưa ra lựa chọn của mình, hãy tự hỏi một lần nữa: "Chúng ta có thể làm gì để xác định đúng giải pháp tối ưu? Làm thế nào để giải pháp xảy ra?" (Bước F, Bảng 6-1).
Tiếp theo, nhóm dự án xem xét các ngoại lệ hoặc những điều kiện bất thường: Hồ Chướng ngại, và đường cao tốc hai làn xe mới và đường cao tốc hiện hữu giao nhau ở hai điểm. Mỗi điều kiện bất thường có thể được xem là một dự án nhỏ để phát triển một nhóm ý tưởng mới: Giải quyết trường hợp Hồ Chướng ngại như thế nào?
Một số ý tưởng giải quyết trường hợp Hồ Chướng ngại là (1) vẫn sử dụng mô hình mục tiêu, nhưng với một đường tránh nhỏ quanh hồ; (2) xây dựng một đường cao tốc hai làn xe vòng cung, thay vì đường cao tốc cắt ngang hồ; (3) xây dựng một cây cầu hai làn xe bắc qua hồ; (4) ngăn hồ, tháo nước và (5) đổ đất tạo một làn đường đi xuyên qua. Những ý tưởng này được đánh giá xem ý tưởng nào tốn ít chi phí nhất (ý tưởng đầu tiên là tốt nhất), gần nhất với mục tiêu (ý tưởng đầu điên) và dễ thực hiện (ý tưởng đầu tiên). Vì thế, ý tưởng đầu tiên trở thành giải pháp đã có kết hợp giải quyết vấn đề Hồ Chướng ngại.
Một ý tưởng được phát triển để giải quyết trường hợp giao nhau của xa lộ cũ và mới là (1) xây đường vượt trên hoặc dưới tại mỗi điểm giao nhau, (2) đặt đèn giao thông tại mỗi giao lộ, (3) đặt bảng dừng tại mỗi giao lộ và (4) sắp xếp tuyến đường để loại bỏ những điểm giao nhau. Ý tưởng thứ 4 gần nhất với mục tiêu. Nó phát huy tác dụng, như được trình bày trong Hình 6-2. Đề xuất được bổ sung, chỉnh sửa nhằm giải quyết những điều kiện ngoại lệ cũng tương tự như Giải pháp Tiếp theo. Đánh giá độc lập, kích thích và các kiểm tra khác được thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả của các đề xuất cụ thể về đường cao tốc.
Biến Giải pháp Tiếp theo thành một mô hình đề xuất thực hiện (Bước G, Bảng 6-1) liên quan đến vài dự án nhỏ hơn nhằm tìm giải pháp xử lý những bất thường và nhiều chi tiết để đảm bảo tính khả thi. Trong nhiều trường hợp, họp kiểm tra thông tin với người khác là cần thiết. Kết quả thường là một giải pháp đột phá, đồng thời vẫn dự đoán được những thay đổi trong tương lai. Theo thuật ngữ tin học, giải pháp đề xuất được xem là "phiên bản hiện hành". Khi đó, bí ẩn đã trở nên rõ ràng – điều đang thực hiện giờ đây chỉ là một bước hướng đến mục tiêu cao hơn.
Đây là một vài lưu ý mà bạn sẽ thấy trong quá trình tìm kiếm giải pháp:
• "Chúng tôi không thể vượt ra ngoài phạm vi của mình."
• "Đứng trên lập trường của mình."
• "Không vượt quá ngân sách địa phương."
• "Nếu giải pháp khả thi, chúng ta sẽ làm cho nó phát huy tác dụng."
• "Hãy đi đến vấn đề tiếp theo."
• "Chỉ có một giải pháp đúng duy nhất cho trường hợp này."
• "Điều này hoàn toàn không thực tế."
• "Hãy thực tế đi nào."
• "Trong bộ phận của chúng ta (nhóm, tổ chức), điều này là không thể!"
• "Điều này chỉ được làm trong ngành của chúng ta (nghề nghiệp)."
• "Chúng ta không thể trở về điểm xuất phát."
Bất kỳ khi nào bạn gặp phải những câu nói như trên hoặc bất kỳ nhận xét trực tiếp nào về ý tưởng lần đầu tiên được trình bày, hãy dừng lại và áp dụng nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo:
• Tôi có đưa ra quá nhiều lựa chọn hoặc giải pháp lý tưởng?
• Chúng ta có thể đạt được các mục đích này bằng cách nào nếu phải bắt đầu lại từ đầu?
Hình 6-2: Mô hình giải pháp khả thi mới cho các con đường ở Hạt Small.
• Tôi có xem xét mục đích này và từng mục đích lớn hơn sẽ thực hiện như thế nào trong vòng 10 năm kể từ bây giờ?
• Điều kiện bình thường nào có thể giúp chúng ta phát triển những giải pháp lý tưởng nhất? (Nhớ tránh 15% trường hợp bất thường, chỉ tập trung vào 85% trường hợp thông thường của giải pháp.)
• Điều gì hiện tại không thể làm nhưng nếu có thể, sẽ đem lại thay đổi một cách căn bản?
• Có phải tôi đang xem xét đúng mục tiêu cho đề xuất tối ưu?
• Có phải tôi đang tìm kiếm một câu trả lời đúng thứ hai?
Thứ ba? Thứ tư?
• Tôi có nhớ khuyến khích và lôi kéo người "ngoài cuộc" tham gia vào quá trình đi tìm giải pháp hay không?
Kết luận
Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển những chiến lược cụ thể nhằm đạt được những quan điểm cởi mở của nguyên tắc về Sự Khác nhau Độc đáo và nguyên tắc Triển khai Mục đích. Nó buộc bạn phải suy nghĩ vượt ra ngoài vấn đề hiện tại và giải pháp khả thi đầu tiên để hình dung về hình ảnh của bạn hoặc công ty, hệ thống, tổ chức, sản phẩm hoặc dịch vụ trong tương lai. Sự hình dung của bạn có thể ở tít "trời xanh", nhưng nguyên tắc này sẽ đưa bạn trở lại mặt đất khi bạn tìm những chiến lược khả thi cho mục tiêu của mình. Nguyên tắc sẽ mang lại cho bạn sự tự do chọn lựa những giải pháp đúng để cải thiện "cuộc sống".
Thực hành nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo của Tư duy
Đột phá như sau:
• Đặt ra một khung thời gian cho việc phát triển giải pháp lý tưởng.
• Cho phép bạn bắt đầu từ vạch xuất phát để tìm kiếm giải pháp.
• Khuyến khích các kênh phản biện có thể dẫn đến những giải pháp lý tưởng.
• Căn cứ vào điều kiện bình thường để thiết lập mô hình giải pháp lý tưởng.
• Tránh được việc xây dựng điều gì đó hôm nay nhưng trở thành vật cản trong kế hoạch dài hạn.
• Đảm bảo rằng những đề xuất hiện tại cho sự thay đổi chứa đựng những dự phòng cho việc cải tiến, nâng cấp liên tục.
• Khắc phục tình trạng phản đối sự thay đổi theo bản năng, đồng thời khuyến khích thái độ dám chấp nhận sự thay đổi.
• Cho phép bạn vượt trội hơn đối thủ, chứ không đơn giản là bắt kịp họ.
• Đảm bảo rằng suy nghĩ của bạn không bị giới hạn bởi tri thức hiện tại.
Về thực chất, bạn "đọc" Tư duy Đột phá từ phần kết thúc (giải pháp) ngược lên vấn đề của bạn. Harold Geneen, cựu Chủ tịch Công ty Điện thoại và Điện tín Quốc tế, viết rằng: "Bạn đọc quyển sách từ đầu đến cuối, nhưng bạn quản lý công ty theo chiều ngược lại. Bạn xác định kết quả trước và sau đó để làm mọi việc hướng đến kết quả đó".
Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo có thể được áp dụng đối với tất cả mọi người ở mọi trình độ khác nhau. Thổ dân ở Australia cũng có thể được dạy về các nguyên tắc Tư duy Đột phá. Dù họ không có khả năng thiết kế một bản điện tử hoặc một hệ thống lịch trình hoặc hệ thống sản xuất, nhưng họ vẫn có thể sử dụng các nguyên tắc để phát triển giải pháp trong hệ quy chiếu của nền tảng tri thức của họ, đồng thời sẽ nâng cao sự tò mò học hỏi những loại thông tin mới.
Nguyên tắc Tư duy Đột phá nói chung, Giải pháp Tiếp theo nói riêng, là rất cần thiết để biến những nền tảng tri thức thành những giải pháp hiệu quả nhất.
Mục tiêu Giải pháp Tiếp theo mà bạn chọn có những đặc điểm sau đây:
• Là một sự thể hiện rõ ràng về hệ thống lý tưởng mà bạn hình dung nhằm đáp ứng mục đích của bạn. Đó chính là một mô tả thẳng thắn và rõ ràng các biện pháp bạn sẽ sử dụng để đạt được các kết quả mà những người có liên quan có thể hiểu và được truyền nguồn cảm hứng từ đó.
• Linh động trước phản ứng của đối thủ cạnh tranh. Đối thủ đang thực hiện những kế hoạch của họ và sẽ công khai kết quả cùng với kết quả của bạn. Vì thế, giải pháp mục tiêu của bạn phải mang tính linh hoạt để thực hiện những điều chỉnh, bổ sung tạo lợi thế cạnh tranh.
• Chứa đựng các yếu tố của Giải pháp Tiếp theo – một giải pháp tiếp theo sau giải pháp tiếp theo khác. Thế giới chúng ta vận động và phát triển không ngừng, vì thế giải pháp mục tiêu ít nhất phải kết hợp với những dự đoán về tình hình phát triển công nghệ và xu hướng cơ cấu dân số. Nhiều dự đoán có thể đúng nhưng phần lớn là sai – và chúng ta không có cách nào để biết chắc dự đoán nào đúng, dự đoán nào sai. Phát triển các giải pháp tiếp theo linh động để đạt mục tiêu đã định là điều cần thiết để thích ứng với mọi thay đổi trong tương lai.
• Trình bày những rủi ro thấp nhất và những kỳ vọng cao nhất cho sự thành công – có thể là một nghịch lý với những điều không bình thường mà nguyên tắc này muốn bạn xem xét. Nhưng nếu bạn áp dụng tất cả những nguyên tắc Tư duy Đột phá khác, mục đích của bạn là rõ ràng: xem xét sự khác nhau độc đáo, thiết kế giải pháp thực hiện đúng đắn; thì khả năng thất bại sẽ thấp. Quả thật, những người thành đạt mà chúng tôi khảo sát cho rằng vạch sẵn trong đầu một tầm nhìn hoặc mục tiêu Giải pháp Tiếp theo đảm bảo cho họ được "may mắn" khi cần phải điều chỉnh giải pháp trong quá trình thực hiện. Xác định tầm nhìn cho một giải pháp lý tưởng là vô ích nếu bạn không xây dựng được tính khả thi bên trong giải pháp đó. Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên với nhận thức về các cơ hội! Bạn sẽ không bao giờ biết được bao nhiêu thay đổi là đủ trừ khi bạn phát triển những chiến lược hướng bạn đến ngày càng gần hơn với một điều kiện không tưởng (chất lượng hoàn hảo, chi phí bằng không, thời gian bằng không, khách hàng hài lòng tuyệt đối…). Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo là một cách để "đón bắt" ước mơ và đưa ra những kế hoạch hành động để đạt được ước mơ đó.
Họ đã nói:
"Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là ‘phát minh’ ra nó."
- Alan Kay
"Tầm với của một người cần phải vượt ra ngoài khả năng đón bắt của mình, nếu không, vinh quang đâu còn có ý nghĩa gì."
- Robert Browning
"Cách tốt nhất để có một ý tưởng hay là có thật nhiều ý tưởng."
- Linus Pauling
"Đừng đi theo con đường nào cả, hãy bước những nơi không có con đường và để lại một lối mòn."
– Khuyết danh