V
ài tuần trước đợt tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008, chuyên gia thống kê Nate Silver đã dự đoán Đảng Dân chủ sẽ thắng. Theo tính toán của ông, Obama có 73,5% cơ hội đắc cử.
Nhà phê bình Joe Scarborough nghĩ dự đoán của Silver thật vô lý. Ông công khai nói về Silver: “Bất kỳ ai nghĩ rằng các đối thủ trong cuộc đua này không có cơ hội chiến thắng ngang nhau thì người đó là kẻ cứng nhắc và chỉ biết đến lý thuyết. Họ cần phải tránh xa máy đánh chữ, máy vi tính, laptop và microphone trong mười ngày tới, vì những gì họ nói sẽ trở thành trò cười”.
Silver đáp lời Scarborough trên Twitter của mình: “Nếu anh tin cơ hội chiến thắng của hai ứng cử viên là ngang nhau, chúng ta hãy đánh cược xem sao. Nếu Obama thắng thì anh quyên góp 1.000$ cho Hội chữ thập đỏ; nếu Romney thắng thì tôi sẽ là người quyên góp. Được chứ?”.
Nhưng Scarborough tìm cách né tránh cuộc cá cược: “Tại sao cả hai chúng ta không cùng nhau quyên góp 1.000$ cho Hội chữ thập đỏ ngay bây giờ luôn đi? Người Mỹ cần sự giúp đỡ của chúng ta ngay lúc này. #Hãygiúpđỡhàngxómcủachúngta”.
Silver tăng tiền cược lên gấp đôi: “Ý tưởng hay hơn đây: Hãy cược 2.000$”.
Và ngay sau đó Scarborough cũng nỗ lực gấp đôi để né tránh: “Nếu anh có 2.000$ để cá cược thì hãy quyên góp số tiền đó cho nạn nhân của cơn bão vừa rồi đi. Người Mỹ cần sự giúp đỡ của chúng ta. #bãoSandy”.
Vài ngày sau đó, khi xuất hiện trên chương trình Colbert Report10, Silver đã giải thích tại sao ông kiên quyết đánh cược đến vậy: “Việc đánh cược cho thấy mức độ nghiêm túc của bạn. Khi bạn đặt cược vào ý kiến của mình, điều đó có nghĩa là bạn nghiêm túc với ý kiến đó và bạn thật sự có động lực để đưa ra ý kiến chính xác chứ không phải muốn nói gì thì nói. Nhiều người cứ xuất hiện trên truyền hình và nói những điều họ muốn mà không hề dựa trên bất kỳ căn cứ nào. Hành động đó dần trở thành trò tiêu khiển cho một bộ phận khán giả…”.
10 Cobert Report là một chương trình truyền hình mô phỏng bản tin thời sự nhưng thực chất là một chương trình hài châm biếm, đả kích các vấn đề về chính trị, đời sống, xã hội của Mỹ.
Ngay lúc đó, Colbert - người dẫn chương trình - đột ngột cắt ngang lời của Silver: “Anh đang dùng cách dài nhất tôi từng thấy để diễn tả một kẻ nói nhảm!”.
Tôi nhắc đến chuyện này không phải để chỉ trích Joe Scarborough. Suy cho cùng, mục đích tôi viết quyển sách này là để giúp cho bạn thấy não bộ của chúng ta rất thường đánh lừa chúng ta. Và chúng ta thường không nhận ra chuyện này cho đến khi thật sự bị lôi vào cuộc chơi, khi sai lầm của chúng ta có thể làm tổn hại túi tiền hoặc thanh danh của mình.
Thật ra, tôi cũng từng trải qua nhiều tình huống tương tự Joe Scarborough: tôi tự tin đưa ra một nhận định, ai đó hỏi tôi có dám đặt cược vào nhận định của mình không và bỗng nhiên tôi thấy bản thân không còn tự tin như lúc đầu nữa.
Trong một bữa ăn tối cùng bạn bè, chúng tôi có nói về một người mà tất cả chúng tôi đều quen. Tôi nghĩ anh ta gần ba mươi tuổi. Cô bạn Anna của tôi nói: “Không đâu, mình nghĩ anh ta khoảng bốn mươi tuổi thì đúng hơn”. Tôi phản đối: “Không thể nào!”. Anna liền hỏi: “Vậy cậu muốn đánh cược với tớ không? Tớ cược là anh ta ít nhất cũng bốn mươi tuổi rồi đấy”.
Ngay khi Anna nói vậy, tôi lập tức nhớ đến những người có vẻ ngoài trẻ trung nhưng đã khiến tôi rất ngạc nhiên khi biết tuổi thật của họ và tôi thấy mình không còn chắc chắn như lúc ban đầu. Thế là tôi e dè đáp: “Thôi, mình không cá đâu”.
Việc đánh cược đôi khi còn được gọi là “cái giá của việc nói nhảm” (theo nhà kinh tế Alex Tabarrok). Đánh cược biến những bất đồng ngoài miệng thành tình huống đặt-cược-hoặc-im-miệng với cái giá phải trả nhất định, vậy nên bạn không thể tùy tiện đưa ra bất kỳ nhận định vớ vẩn nào mà bạn muốn. Đánh cược cũng là một cách để gia tăng một hoặc nhiều động lực trinh sát mà chúng ta đã đề cập ở Chương 4, cụ thể là hệ quả và trách nhiệm. Đánh cược khiến bạn phải thật sự “dấn thân vào cuộc chơi”.
ĐÁNH CƯỢC
Tôi dùng khái niệm “đánh cược” theo nghĩa rộng.
Đó có thể là một vụ đánh cược bằng tiền như thông thường, giống như vụ đánh cược của Silver. Đó cũng có thể là một vụ đánh cược bằng danh dự, và phần thưởng cho người đưa ra câu trả lời đúng về một vấn đề nào đó là sự tán thưởng của mọi người.
Tiền cược thường không phải là yếu tố quan trọng trong các vụ đánh cược thế này.
Nhiều vụ đánh cược công khai có khoản tiền đặt cược rất nhỏ. Năm 2013, khi hai chuyên gia kinh tế Tyler Cowen và Bryan Caplan tranh luận trên mạng Internet về tỷ lệ thất nghiệp trong vòng hai mươi năm tiếp theo, mức tiền cược của họ thậm chí còn không quá 10 đô-la. Tyler cược 10 đô-la rằng tỷ lệ này sẽ không giảm xuống mức thấp hơn 5%, còn Bryan cược 1 đô-la cho kết quả ngược lại. (Kết quả là Tyler đã thua. Tháng Một năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm còn 4,9%.)
Năm 1974, trong vụ đánh cược về sự tồn tại của lỗ đen vũ trụ, nhà vật lý Stephen Hawking đã nhận thua trước nhà vật lý Kip Thorne - đồng nghiệp của ông - và phải trả phí mua tạp chí Penthouse trong vòng một năm cho Thorne.
Đối với các giáo sư kinh tế hoặc nhà vật lý trung niên, 10 đô-la hoặc chi phí mua tạp chí cả năm thật sự không đáng là bao. Nhiều người quen của tôi thậm chí còn không dùng tiền để đánh cược. Thay vào đó, họ đánh cược bằng những hình phạt như “người thua phải đội một cái nón lòe loẹt”.
Rõ ràng, người ta không nhất thiết phải đánh cược vì tiền. Thường thì tiền chỉ có tác dụng làm cho vụ đánh cược trở nên chính thức. Trong những ví dụ tôi vừa đề cập, những gì được mang ra đặt cược chính là danh tiếng (uy tín), không phải tiền.
Ngoài đặt cược bằng tiền hay danh tiếng, bạn cũng có thể dùng những “cái giá phải trả” khác để đánh cược cho niềm tin của mình.
Câu chuyện về Stephen Gass là một ví dụ điển hình về việc đánh cược không cần tiền, nhưng cái giá của ván cược đó là rất cao. Gass là một luật sư, bác sĩ kiêm thợ mộc không chuyên, và ông là người đã chế tạo máy cưa bàn có tính an toàn cao. Cưa bàn là những máy cưa được thiết kế theo hình dáng một chiếc bàn, với các lưỡi cưa vô cùng sắc bén nhô lên giữa mặt bàn và có tốc độ xoay lên tới 160 km/giờ. Bạn có thể tưởng tượng cưa bàn nguy hiểm tới mức nào; trên thực tế, mỗi năm có hàng ngàn người bị thương vì sử dụng loại thiết bị này.
Cưa bàn do Gass sáng chế - được ông đặt tên là “SawStop” - có khả năng dừng hoạt động ngay khi tiếp xúc với da người. SawStop có bộ cảm biến để phát hiện năng lượng điện trên da người và kích hoạt thiết bị hãm lưỡi cưa.
Để chứng minh tính hiệu quả của SawStop, Gass đã trình diễn trực tiếp trên sóng truyền hình: ông đưa ngón tay của mình vào một lưỡi cưa đang quay, và lưỡi cưa dừng lại ngay lập tức. (Thật sự tim tôi đã ngừng một nhịp khi chứng kiến màn đánh cược này của Gass trên ti-vi.) Thật khó tưởng tượng một người nào đó có thể dùng chính thân thể mình để thể hiện sự tự tin đối với tuyên bố của họ. Có thể nói Gass đã thật sự “dấn thân” vào cuộc chơi.
Sau đây là một ví dụ mang tính lịch sử về việc giải quyết bất đồng bằng cách thật sự “dấn thân” vào cuộc chơi:
Sau cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, nhiều người dân sống ở miền Bắc nước Mỹ không tin tưởng người Anh. Họ ngờ rằng người Anh vốn đã luôn ngấm ngầm ủng hộ phe miền Nam và luôn cầu mong Liên bang miền Bắc tan rã; vì thế, giờ đây khi phe miền Bắc đã giành chiến thắng, rất có thể người Anh đang có tư tưởng đối nghịch với nước Mỹ.
Một công dân miền Bắc tên Gilbert Bates thường xuyên vướng vào những cuộc tranh cãi không hồi kết với bạn bè về lập trường chính trị của Anh. Bạn của Bates khẳng định nước Anh là kẻ thù của Mỹ, còn Bates luôn bày tỏ sự hoài nghi đối với quan điểm này. Hai bên cứ tranh cãi, giải tán, rồi lặp lại vào ngày hôm sau.
Cuối cùng, Bates quyết định sẽ giải quyết sự bất đồng ý kiến này bằng cách đặt cược vào quan điểm của mình. Anh tuyên bố sẽ đi thuyền đến nước Anh, và đi bộ khắp quốc gia này trong lúc giương cao cờ Mỹ. Nếu những gì Bates nhận định về lập trường của người Anh là đúng, thì anh sẽ được họ tiếp đón nồng hậu.
“Anh sẽ bị tống giam mất thôi”, một người bạn của Bates cảnh báo.
“Anh sẽ bị giết luôn đấy”, những người khác nói.
Bất chấp những nhận định đó của bạn bè, Bates lên thuyền đi từ New York đến Glasgow vào năm 1872. Từ Glasgow, Bates đi tàu lửa đến biên giới nước Anh, giương cao quốc kỳ Mỹ và bắt đầu chuyến bộ hành xuyên nước Anh.
Sau gần năm trăm cây số, Bates đã chứng minh mình đúng. Một tờ báo đã đưa tin về chuyến bộ hành của anh như sau:
Dọc đường đi, Bates đã được đón tiếp một cách nồng nhiệt với tinh thần hữu nghị. Với anh, chặng đường qua Oxford là đáng nhớ nhất. Đây là nơi mà những người bạn ở Mỹ của Bates đã bảo rằng sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của anh, và đây cũng là nơi mà các sinh viên đại học đã chào đón Bates bằng tình cảm chân thành và ấm áp.
Tôi ngưỡng mộ quyết tâm của Bates trong việc chứng minh mình đúng qua một vụ đánh cược, nhưng tôi không có ý khuyến khích bạn đi bộ năm trăm cây số mỗi khi bạn nghĩ bạn bè mình nói điều gì đó ngu ngốc.
Không bàn tới hành trình gian khổ Bates phải thực hiện trong vụ đánh cược vừa kể trên, mọi cuộc đánh cược khác đều tuân theo một nguyên tắc chung: nếu ai đó đưa ra một lời tuyên bố (chẳng hạn “Nước Anh không phải là kẻ thù của Mỹ”), thì hầu như luôn có cách để biến tuyên bố đó thành một dự đoán có thể kiểm chứng được (chẳng hạn “Nếu một người nào đó thực hiện cuộc bộ hành xuyên nước Anh, người đó sẽ được đón tiếp nồng hậu”). Và việc người đưa ra lời tuyên bố đó có sẵn sàng đặt cược vào dự đoán của mình hay không sẽ cho chúng ta thấy họ thật sự tin tưởng vào tuyên bố của mình, hay họ chỉ nói cho sướng miệng mà thôi.
Đánh cược thường được xem là cách để củng cố tư duy trinh sát của người khác. Nhưng như bạn đã biết, trong quyển sách này tôi chỉ muốn tập trung vào câu hỏi “Làm thế nào để củng cố tư duy trinh sát của bản thân?”, hay nói cách khác là “Cái giá mà ta phải trả cho việc nói nhảm là gì?”.
ĐÁNH CƯỢC CÔNG KHAI
Cách đầu tiên và chủ yếu để ta thấy được cái giá của việc nói nhảm là chủ động đánh cược - tự đẩy bản thân vào cuộc chơi, đặt cược tiền, danh tiếng hoặc những điều quan trọng khác của bạn vào nhận định của chính bạn.
Có rất nhiều blogger đã chủ động đánh cược như thế. Bryan Caplan - người tôi vừa đề cập ở đầu chương này - nổi tiếng là thường đề nghị người khác đánh cược để giải quyết bất đồng quan điểm giữa ông và người đó. Vào năm 2008, ông cược rằng trong vòng mười năm tới “có không quá năm trăm người thiệt mạng trong các vụ nổi loạn và khủng bố tại Pháp”. (Caplan thắng.) Vào năm 2014, khi nhiều bình luận viên tự tin khẳng định Ebola sẽ giết chết hàng chục ngàn người, Caplan đánh cược 100 đô-la với một blogger khác rằng “có không tới ba trăm người tử vong vì Ebola trong năm mươi bang của Mỹ tính đến 1/1/2018”. (Caplan cũng thắng.)
Scott Alexander là một chuyên gia tâm thần học sở hữu trang blog riêng với tên miền SlateStarCodex.com. Alexander tự đặt ra cho mình một thông lệ hằng năm, đó là đưa ra một số dự đoán vào đầu năm và đánh giá các dự đoán đó vào cuối năm. Việc này giúp ông rèn luyện mình trở nên chính xác hơn bằng cách đặt cược danh tiếng của bản thân vào đó. Sau đây là một vài sự kiện cùng xác suất xảy ra của các sự kiện đó dựa trên dự đoán của Alexander trong năm 2018:
Tôi nghĩ thỉnh thoảng bạn nên chủ động đánh cược hoặc đưa ra những dự đoán công khai như Scott Alexander.
Nhưng việc đó không phải lúc nào cũng khả thi. Đôi khi bạn không thể tìm được người đánh cược với mình. Hoặc bạn không có cách nào kiểm chứng vấn đề bạn quan tâm. Hoặc niềm tin mà bạn muốn kiểm chứng quá riêng tư hay quá phức tạp, đến mức bạn không muốn nói về niềm tin đó trên Facebook. Hoặc đơn giản là bạn không có đủ thời gian để đánh cược cho tất cả các vấn đề mà bạn muốn kiểm chứng và theo dõi đến cùng để biết mình đúng hay sai.
May mắn là có một phương pháp đơn giản hơn mà bạn có thể thử: đánh cược giả định.
ĐÁNH CƯỢC GIẢ ĐỊNH
Trong khi đang viết chương này, tôi có tạm dừng và lướt Twitter một lúc. Dạo một vòng bảng tin, tôi thấy CEO của một công ty công nghệ đang lên tiếng bảo vệ Theranos - tập đoàn y tế đã lừa gạt các nhà đầu tư với tuyên bố đã chế tạo được một thiết bị thử máu nhanh có giá thành hợp lý.
Điều này khiến tôi thấy khó chịu, vì tôi ghét sự dối trá. Và tôi nghĩ: “Nếu anh ta cho rằng Theranos không sai thì có lẽ anh ta cũng chẳng tốt lành gì. Có lẽ anh ta cũng phóng đại về những thành quả của công ty anh ta như thế”.
Suy nghĩ đó khiến tôi cảm thấy thỏa mãn, vì nó phần nào phản ánh quy luật công bằng của vũ trụ - nếu bạn bảo vệ một công ty phi đạo đức, thì công ty của bạn cũng sẽ có kết cục như công ty đó.
Nhưng sau đó tôi lại nghĩ: “Mình có nên đặt cược vào quan điểm của mình không? Mình có thể lên mạng và tuyên bố ‘Tôi đoán có 70% khả năng là công ty X sẽ sụp đổ trong vòng năm năm tới’. Mình thậm chí cũng có thể đánh cược ẩn danh trên các trang web như PredictionBook. Nhưng mình có muốn làm vậy không?”.
Khi hình dung bản thân thật sự thực hiện vụ đánh cược đó, tôi nhận ra tôi không còn tự tin như lúc ban đầu. Khi tự vấn, tôi nhận ra tôi không thật sự tin rằng chỉ có một CEO tồi mới lên tiếng bảo vệ Theranos. Tôi chỉ đang tìm điều gì đó xấu để gán cho người CEO đó mà thôi.
Đúng là việc tự hỏi bản thân muốn đánh cược vào điều gì không có tác động như một vụ đánh cược thật sự. Đây là một thí nghiệm tưởng tượng, tương tự những thí nghiệm tưởng tượng được đề cập chương trước. Và tất nhiên, nếu bạn muốn thì bạn vẫn có thể bịa ra một câu trả lời vớ vẩn nào đó cho thí nghiệm tưởng tượng này. Bạn có thể tự nói với bản thân những câu đại loại như “Tất nhiên mình sẽ cược là Trump sẽ bị buộc tội phản quốc, nếu có ai chịu cược với mình”.
Nhưng dù sao, tôi nghĩ đánh cược giả định vẫn là một cách hiệu quả để giảm bớt thiên kiến của bản thân.
ĐÁNH CƯỢC GIẢ ĐỊNH LOẠI BỎ CƠ HỘI NÉ TRÁNH
Để có thể tự hỏi “Mình sẽ đặt cược những gì cho quan điểm này?”, bạn buộc phải làm cho quan điểm này trở nên cụ thể hơn và bớt mơ hồ hơn. Đó phần nào cũng là nguyên nhân giúp đánh cược giả định loại bỏ cơ hội né tránh của bạn.
Hãy nhớ rằng khi có tư duy chiến binh đối với một vấn đề mà bạn không đồng tình, bạn sẽ tự hỏi “Mình có buộc phải tin điều này không?”. Đây là một câu hỏi giúp bạn dễ né tránh vấn đề. Nhưng khi sự mơ hồ trong lời nói của bạn càng giảm đi, não bộ của bạn càng khó tìm được cơ hội để né tránh.
Chẳng hạn, khi được hỏi “So với người khác thì bạn trung thực đến mức nào?”, chúng ta sẽ tự đánh giá bản thân trung thực trên mức trung bình. Nhưng “trung thực” là một khái niệm mơ hồ, và sẽ tạo cơ hội để bạn dễ né tránh về sau. Bạn có thể hiểu “trung thực” là mức độ thẳng thắn của bạn khi tiếp xúc với mọi người - nếu đó là ưu điểm của bạn. Tuy nhiên, người khác có thể hiểu “trung thực” là khả năng giữ lời hứa - nếu đó là ưu điểm của họ. Sự mơ hồ về nghĩa này tạo điều kiện để ai cũng có thể kết luận rằng bản thân họ trung thực trên mức trung bình.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu câu hỏi vừa rồi trở nên cụ thể hơn?
Một số nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm để kiểm chứng vấn đề này. Sau khi hỏi những câu chung chung như “So với người khác, bạn trung thực đến mức nào?”, các nhà nghiên cứu hỏi thêm nhiều câu cụ thể hơn để làm rõ khái niệm trung thực: “So với người khác, bạn thường giữ lời hứa đến mức nào?”, hay “So với người khác, bạn thường nói những điều mà bạn biết là không đúng đến mức nào?”, và nhiều câu tương tự như thế.
Dù hiệu ứng trên-mức-trung-bình (hiệu ứng Hồ Wobegon) vẫn xuất hiện trong những câu trả lời cho những câu hỏi cụ thể, nhưng hiệu ứng đó đã giảm đi rất nhiều so với ban đầu khi câu hỏi chỉ mang tính chung chung. Đơn giản là vì chúng ta khó mà thoải mái tin tưởng bất kỳ điều gì nếu chúng ta không có cơ hội để định nghĩa vấn đề theo hướng thuận tiện cho mình.
Tuy đây không phải là những gì các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm, nhưng với kinh nghiệm cá nhân, tôi tin rằng khi những câu hỏi trở nên cụ thể hơn - cụ thể đến mức người được hỏi có thể hình dung mình đang đặt cược vào đó - tình trạng tự lừa dối bản thân cũng sẽ giảm đáng kể. Ví dụ, bạn có thể hỏi: “Trong tháng vừa qua, bạn có thất hứa lần nào không? Nếu có thì bao nhiêu lần?”. Sau đó đến màn đánh cược: “So với một người ngẫu nhiên nào đó, bạn có sẵn lòng đánh cược rằng trong tháng vừa qua bạn đã thất hứa ít hơn người đó hay không?”.
ĐÁNH CƯỢC GIẢ ĐỊNH BUỘC BẠN TỰ HỎI: “MÌNH MONG ĐỢI NHỮNG GÌ?”
Một lý do khác khiến tôi nghĩ đánh cược giả định sẽ có ích cho chúng ta là vì đánh cược giả định buộc ta phải chuyển sang một chế độ tư duy khác, đó là suy tính, chế độ tư duy giúp chúng ta phản ứng kịp thời trước những gì xảy ra xung quanh mình.
Đó là một phần trong tâm trí của chúng ta, được phát triển để ta đánh giá xem liệu mình có thể nhảy qua khe núi kia không, có thắng được những thành viên cao to hơn và khỏe mạnh hơn trong bộ lạc của mình không, đàn thú kia đang đi về phía bắc hay đông bắc, mấy trái dâu này có giống với loại dâu đã khiến mình bị đau bụng hồi năm ngoái không... Phần tâm trí này của chúng ta có mục tiêu là sự chính xác. Điều này không đồng nghĩa với việc nó sẽ luôn chính xác mà chỉ có nghĩa là chức năng chính của nó là cố gắng có cái nhìn chính xác, chứ không phải tự lừa dối vì một mục đích nào đó.
Giả sử bạn đang thực hiện một dự án lớn. Dự án đó bị chậm tiến độ do bạn cứ trì hoãn. Nhưng trong ba ngày cuối cùng của dự án, bạn đã dồn hết tâm sức để thực hiện và đạt được kết quả khá tốt.
Sau tất cả, một phần trong tâm trí bạn cảm thấy có lỗi vì đợi nước tới chân mới nhảy. Nhưng để xóa bỏ cảm giác tội lỗi đó, bạn tự biện minh: “Biết đâu việc mình đợi đến phút cuối là lý do vì sao mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Tất nhiên mình không thể khẳng định hoàn toàn, nhưng có thể đúng là vậy mà! Vậy thì mình không nên cảm thấy có lỗi”.
Đây là một lối suy nghĩ đầy cám dỗ, giống như “Bạn không thể chứng minh X sai, do đó tôi vẫn có thể tin X”.
Một vụ đánh cược giả định sẽ buộc bạn phải suy nghĩ xem điều bạn đang băn khoăn trong lòng có đúng hay không, bất kể điều đó có thể được kiểm chứng hay không.
Ví dụ, bạn có thể tưởng tượng có một người nào đó giống như bạn và đang thực hiện một dự án giống như dự án của bạn. Bạn sẽ thắng 10.000 đô-la nếu người đó hoàn thành tốt dự án. Bạn có một chiếc đũa thần và có thể khiến một trong hai tình huống sau xảy ra: (A) người đó bắt đầu thực hiện dự án ngay từ ngày đầu tiên, (B) người đó bắt đầu thực hiện dự án khi chỉ còn ba ngày là đến hạn bàn giao. Bạn sẽ chọn phương án nào?
Nếu thật sự tin rằng làm việc dưới áp lực mang tới kết quả tốt hơn, có lẽ bạn sẽ chọn phương án B. Hoặc có thể bạn sẽ thấy phương án đó không đảm bảo cho lắm và phương án A có vẻ là một canh bạc an toàn hơn. Dù chọn thế nào thì bạn cũng mong rằng điều bạn mong đợi là đúng, chứ không phải điều bạn có thể tin tưởng là đúng.
NHỮNG DỰ ĐOÁN BẠN GIỮ CHO RIÊNG MÌNH
Việc phải chịu trách nhiệm với người khác buộc bạn phải áp dụng tư duy trinh sát. Nhưng ở một chừng mực nào đó, việc phải chịu trách nhiệm với chính bản thân bạn cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Trong những khoảnh khắc nhất định, chúng ta có thể sẽ nói những điều nhảm nhí, chỉ để bản thân cảm thấy dễ chịu. Phần lớn nguyên nhân của việc này là vì chúng ta biết mình không bao giờ phải đối diện với sự thật là chúng ta đã sai. Có lẽ bạn vẫn còn nhớ ví dụ về Phu nhân Catherine de Bourgh, người đã khoa trương về năng khiếu âm nhạc “theo giả thuyết” của bản thân: “Nếu được học đàn thì có lẽ bây giờ ta đã là một nhạc công tài giỏi”.
Phu nhân Catherine có thể tuyên bố như vậy vì bà không cần phải chịu trách nhiệm với người khác. Bà cũng không cần phải chịu trách nhiệm với bản thân mình. Lý do những lời tuyên bố “theo giả thuyết” như vừa rồi dễ trở thành những lời khoác lác là vì ở một mức độ nào đó, bạn biết bạn sẽ không bao giờ phát hiện nếu bản thân mình sai.
Chúng ta thường đưa ra nhận định về những gì sẽ (hoặc sẽ không) trở thành sự thật trong tương lai, và theo lý thuyết thì những nhận định như thế sẽ dễ bị chứng minh là sai hơn tuyên bố của Phu nhân Catherine.
Nhưng trong thực tế, việc nhận định của chúng ta dễ bị chứng minh là sai cũng không làm tăng tính trách nhiệm. Chúng ta vẫn biết rằng người khác có thể sẽ không kiểm tra xem chúng ta đúng hay sai. Hoặc chúng ta sẽ quên mất mình từng đưa ra dự đoán đó. Hoặc chúng ta sẽ tìm cách biện giải để có thể tránh thừa nhận rằng dự đoán của chúng ta đã được chứng minh là sai.
Hoặc chúng ta sẽ phủ nhận hoàn toàn và nói rằng mọi người đã hiểu sai ý của chúng ta. Đầu năm 2003, chuyên gia phân tích Bill Kristol đã tự tin đưa ra hàng loạt dự đoán về tình hình chính trị và quân sự ở Trung Đông. Kristol tuyên bố Saddam Hussein - lúc đó đang là tổng thống Iraq - đã “cán đích” trong cuộc đua chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông đưa ra nhiều lý lẽ để biện dẫn rằng đưa quân đến Iraq sẽ tạo “hiệu ứng tốt”, giúp Mỹ được các quốc gia trên toàn Trung Đông nể trọng. Ông cũng cho rằng không có gì phải lo ngại về mâu thuẫn phe phái giữa những tín đồ Hồi giáo của phái Sunni với phái Shiite. Ngoài ra, Kristol còn khẳng định nếu Mỹ đưa quân đến Iraq, cuộc chiến sẽ chỉ kéo dài khoảng hai tháng và tiêu tốn không quá hai trăm triệu đô-la.
Tất cả những nhận định đó đã được chứng minh là sai, nhưng Kristol một mực không chịu thừa nhận mình sai. Có lần một người phỏng vấn đã hỏi Kristol về những dự đoán sai của ông. Kristol đã né tránh và nói ông không thật sự nghiêm túc khi đưa ra những dự đoán đó. “Tôi dự đoán cho vui thôi… Tôi thấy việc kích thích mọi người nghĩ rằng tình hình có thể diễn ra theo hướng khác cũng là một việc nên làm”, Kristol giải thích.
(Tôi hy vọng là Kristol đã tự thừa nhận với bản thân ông rằng những dự đoán của ông là sai, và ông chỉ đang cố giữ thể diện trước công chúng mà thôi. Trong trường hợp đó, ông chỉ đang lừa dối mọi người, chứ không phải tự lừa dối mình. Nhưng sự thật thế nào, chỉ Kristol mới biết.)
Đó là lý do vì sao tôi thấy việc đưa ra những dự đoán rõ ràng là rất hữu ích, ngay cả khi chúng ta chỉ giữ chúng cho riêng mình.
Viết ra một dự đoán với những điều kiện cụ thể cũng giống như bạn đang tự nói với chính mình: “Mình thật sự tin điều này”. Khi đó bạn đang buộc bản thân phải chịu trách nhiệm. Việc cụ thể hóa dự đoán của mình nhằm loại bỏ mọi cơ hội né tránh về sau và việc biết rằng mình sẽ kiểm tra bản thân đúng hay sai khiến bạn có động lực để tự hỏi: “Mình thật sự mong đợi điều gì?”.
Có thể lúc này không có bất kỳ vụ đánh cược nào để thúc đẩy bạn áp dụng tư duy trinh sát. Nhưng dù sao thì tất cả chúng ta đều muốn biết rằng nhận định của mình là đúng. Khi đưa ra một dự đoán cụ thể, bạn đã tạo ra một trò chơi nho nhỏ với mục tiêu là có nhận định chính xác. Trò chơi này có thể tạo động lực cho bạn, tương tự như cách mà một câu đố hoặc một màn video game nào đó có thể tạo động lực cho bạn, ngay cả khi “tầm quan trọng” của trò chơi nhỏ này không giống với tầm quan trọng của những vụ đánh cược thật sự hoặc những dự đoán công khai.
Sau đây là một số ví dụ về những gì tôi thường dự đoán:
Dự đoán xem một cảm giác nào đó có kéo dài không. Đôi khi tôi cảm thấy chán nản vì một dự án nào đó có vẻ vô vọng (ví dụ, “Quyển sách mình đang viết dở tệ. Mình muốn bỏ cuộc”). Ngay thời điểm đó, nếu bạn hỏi tôi: “Julia, bạn có chắc điều bạn đang cảm nhận không phải là cảm giác chán nản tạm thời không?”, tôi sẽ ngay lập tức trả lời: “Không. Điều tôi đang cảm nhận là sự thật và sự thật đó vô cùng tồi tệ”. Đó chính là cảm giác của tôi ngay thời điểm đó.
Nhưng giả sử tôi tự hỏi: “Được rồi Julia, thử đoán xem xác suất mình vẫn cảm thấy tồi tệ như vậy sau hai ngày nữa là bao nhiêu nào?”, tôi sẽ bất chợt thấy lưỡng lự. Tôi nhớ mình đã trải qua cảm giác chán nản thế này nhiều lần, và lần nào cảm giác ấy rồi cũng sẽ biến mất. Tôi do dự và không muốn đánh cược rằng cảm giác tuyệt vọng tôi đang có sẽ kéo dài. Và mặc dù tôi vẫn “cảm nhận” là cảm giác tuyệt vọng của mình sẽ kéo dài, nhưng việc đơn giản nhận ra bản thân không sẵn sàng đặt cược vào sự kéo dài đó đã là vô cùng hữu ích với tôi.
Dự đoán xem người khác sẽ đánh giá thế nào về một tình huống nào đó. Ở Chương 6, tôi có nhắc đến phương pháp này, trong ví dụ về việc tôi tạo bảng bình chọn trên mạng xã hội để kiểm chứng nhận định của mình về quy tắc ứng xử. Chẳng hạn, tôi có thể dự đoán với mức độ chắc chắn đến 80% rằng đa số mọi người sẽ đồng tình với tôi về cách ứng xử thế nào là hợp lý.
Bạn có thể đưa ra dự đoán với quy mô nhỏ hơn. Ví dụ, sau một cuộc tranh cãi với cộng sự, bạn cảm thấy vô cùng giận dữ và não bộ của bạn đang nói rằng anh ta hoàn toàn vô lý, hãy thử đoán xem người ngoài cuộc sẽ nhìn nhận thế nào về tình huống này. Nếu bạn kể về quan điểm của hai bên (của bạn và của cộng sự) cho một người bạn có tiếng là thấu tình đạt lý của mình nghe mà không cho cô ấy biết đó là quan điểm nào là của bên nào, thì bạn nghĩ khả năng cô ấy nói quan điểm của bạn đúng có cao không?
Dự đoán xem nội dung của một bài báo nào đó có đúng hay không. Khi đọc một dòng tít, đặc biệt là dòng tít giật gân, tôi thường thử đoán xem nội dung bài viết đó có đúng như dòng tít mô tả hay không. Việc làm này giúp tôi chống lại sự thiên kiến của mình - xu hướng tin tưởng những dòng tít củng cố quan điểm của tôi và nghi ngờ những dòng tít đi ngược lại quan điểm của tôi.
Việc kiểm tra lại những dự đoán do bản thân đưa ra và xác định xem mình đúng hay sai là cách hữu ích để cải thiện nhận định của chúng ta. Việc phát hiện một điều gì đó ta tin là đúng đến 95% hóa ra lại không đúng là một cú đá khá đau, nhưng tất cả chúng ta nên có những trải nghiệm như thế vài lần trong đời để chúng ta hiểu mình đã tự tin thái quá như thế nào.
Nhưng những gì tôi đang muốn nói đến ở đây là lợi ích khó nhận thấy hơn của việc đưa ra dự đoán, đó là chúng ta sẽ tự động chuyển sang chế độ tư duy trinh sát khi biết rằng chúng ta sẽ kiểm chứng những dự đoán của mình về sau.
Bạn không cần phải liên tục kiểm tra mọi nhận định lớn nhỏ của mình bằng thí nghiệm tưởng tượng hoặc đánh cược. Nhưng tôi nghĩ đó là những gì mà thỉnh thoảng bạn nên áp dụng, vì những lý do như sau:
Thứ nhất, đó là những kỹ năng hữu ích mà bạn nên “thủ sẵn” để sử dụng khi cần thiết, khi bạn cần đánh giá một quyết định quan trọng hoặc một nhận định nào đó của mình.
Thứ hai, đó là những phương pháp hữu ích để giúp bạn nhận ra bộ não của bạn đang tạo ra các nhận định theo những cách mà bạn không thể nhận thấy.
Để khiến bản thân bạn tin rằng không phải chỉ có bộ não của người khác mới tư duy như chiến binh, cách tốt nhất là “bắt gặp” bộ não của bạn cũng đang lập luận theo động cơ: nhận thấy bản thân thay đổi lời biện giải của mình ngay tức thời, nhận thấy bản thân có nhận định khác về ý kiến của một người khi giả định người đó có khuynh hướng chính trị khác so với hiện tại, nhận thấy quan điểm của mình thay đổi khi phải cân nhắc việc đặt cược vào đó. Bộ não của chính bạn cũng tư duy như chiến binh, hầu như mọi lúc. Theo thời gian, cách tốt nhất để biến tư duy trinh sát thành thói quen của bạn là “bắt gặp” bản thân đang hành động theo tư duy chiến binh và buộc bản thân phải chịu trách nhiệm.