N
gay cả những quyển sách viết về tác hại của tư duy chiến binh cũng có xu hướng cho rằng đó là điều cần thiết. Ví dụ, trong quyển Mistakes Were Made (but not by me), tác giả Carol Tavris đã giải thích lý do vì sao đôi khi chúng ta phải tự lừa dối bản thân để có tinh thần ổn định:
Sự tự biện giải có cả mặt lợi và hại. Về bản chất, đó không hẳn là điều tồi tệ. Tự biện giải giúp chúng ta cảm thấy thanh thản. Khi không tự biện giải, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự xấu hổ trong suốt một thời gian dài. Chúng ta sẽ tự dằn vặt với nỗi hối tiếc về con đường mình đã không chọn, hoặc về những quyết định tồi tệ trên con đường mình đã chọn. Chúng ta sẽ khổ sở nghĩ về hậu quả của tất cả các lựa chọn: liệu chúng ta có cưới đúng người/chọn đúng nhà/mua được chiếc xe phù hợp/theo đúng ngành hay không?
Đây là cách “phòng thủ” thường thấy.
Nhưng tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng chúng ta cần tự biện giải để không phải “tự dằn vặt với nỗi hối tiếc”. Thay vì như vậy, tại sao chúng ta không học cách không tự dằn vặt mình? Chẳng phải như thế sẽ tốt hơn là tự đưa mình vào con đường tự biện giải với cái giá phải trả quá đắt sao?
Hãy xem xét tình huống sau đây: bạn là một học sinh và ở trường có một tên đầu gấu chuyên bắt nạt bạn và cướp tiền ăn trưa của bạn. Có thể bạn nghĩ mình chỉ có hai lựa chọn, hoặc nộp tiền hoặc ăn đòn. Khi bạn đóng khung suy nghĩ của mình như vậy thì nộp tiền là lựa chọn hợp lý. Bạn thà mất vài đồng bạc còn hơn bị đấm bầm mắt.
Nhưng hãy nhìn xa hơn, việc cứ đưa tiền mỗi khi bị hăm dọa cũng không phải là phương án tốt nhất về lâu dài. Thay vì vậy, bạn có thể học cách chống trả. Hoặc bạn có thể dàn xếp thế nào đó để kẻ bắt nạt bạn bị bắt gặp tại trận. Hoặc bạn thậm chí có thể xin chuyển lớp hoặc chuyển trường. Thay vì cứ buộc mình phải chọn một phương án ít tổn hại nhất trong số những phương án tổn hại hiện có, bạn có thể thay đổi góc nhìn để thấy được vô số những phương án để thay đổi cuộc chơi và từ đó bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn.
Đó cũng là cảm nhận của tôi về những lựa chọn mà chúng ta có giữa sự thật và sự tự lừa dối. Tôi có cảm giác như thể bộ não của chúng ta đang “nắm thóp” ta, chỉ đưa ra hai phương án và buộc chúng ta phải chọn một trong hai: một bên là thực tế méo mó, còn một bên là cú đánh trời giáng vào lòng tự trọng, sự tự tin và tinh thần của chúng ta.
Chúng ta có thể chấp nhận những điều kiện đó và nói: “Được rồi, mình chấp nhận trả giá và hy sinh phần nào sự chính xác. Mình nghĩ cũng đáng mà”. Nhưng chúng ta cũng có thể nói: “Không, mình không chấp nhận những điều kiện đó”, đồng thời kiên nhẫn rèn luyện sao cho chúng ta không cần phải tự lừa dối bản thân để cảm thấy tự tin hay có động lực.
Có thể bạn nghĩ việc khẳng định bản thân, xác định mục tiêu và vượt qua trở ngại mà không có một hiện thực sai lệch để tự cổ vũ là những chuyện nói dễ hơn làm. Nhưng đó là điều khả thi, và cách thực hiện điều đó sẽ được trình bày trong phần nội dung còn lại của quyển sách này.