K
hi thuyền của Steve Callahan11 bị lật úp, ông biết khả năng sống sót của mình không cao. Ông đã kịp thoát khỏi chiếc thuyền đang chìm dần, nhưng ông hoàn toàn đơn độc và phải xoay xở để tồn tại trên một chiếc bè cứu sinh giữa Đại Tây Dương. Trong trường hợp không có cách nào để tìm thêm thức ăn và nước uống, Callahan có thể sống sót được hai tuần trên chiếc bè cứu sinh của mình, nếu ông may mắn. Ngay cả khi Callahan không phạm phải bất cứ sai lầm nào, không có gì đảm bảo là ông có thể về được đất liền.
11 Steve Callahan là một thủy thủ, kỹ sư hải quan và nhà sáng chế người Mỹ. Năm 1981, du thuyền của Callahan bị hỏng nặng trong một cơn bão và bị chìm. Callahan đã lênh đênh trên biển suốt 76 ngày trên một chiếc bè cứu sinh bằng phao, cho đến khi được ngư dân cứu giúp.
Trôi dạt trên biển là một trải nghiệm rất đáng sợ. Những con sóng không ngừng quăng quật chiếc bè cứu sinh của Callahan; cá mập lượn lờ bơi vòng quanh; nước biển liên tiếp tạt vào khiến ông lạnh run và đau nhức cả người. Khi được cứu sống, Callahan đã sụt mất 1/3 trọng lượng cơ thể.
Tổng cộng Callahan đã sống trên bè cứu sinh gần mười một tuần. Sau nhiều ngày trôi dạt với tốc độ gần 13 km/giờ, chiếc bè của Callahan đã đưa ông đến quần đảo Caribbean, cách vị trí ông bị đắm thuyền gần ba ngàn cây số.
Callahan đã xoay xở thế nào để có thể sống sót?
Tất nhiên, may mắn là một yếu tố quan trọng, sau đó phải kể đến kỹ năng sinh tồn. Callahan vốn là một thủy thủ rắn rỏi và giàu kinh nghiệm. Ông đã sử dụng súng phóng xiên để bắt cá, sửa chữa các vật dụng bị hỏng và chế tạo thiết bị hứng nước mưa.
Ngoài ra, nhận định chính xác cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Khả năng sinh tồn phụ thuộc vào việc đưa ra những dự đoán chính xác đối với những vấn đề khó nhằn:
Điều đầu tiên mà Callahan tự hỏi ngay sau khi bị đắm thuyền là khả năng ông được giải cứu bởi một chiếc tàu đi ngang qua có cao hay không. Đáng tiếc là khả năng đó không cao vì đó là một vùng biển vô cùng hoang vắng. Điều đó có nghĩa là ông cần để dành đồ ăn, nước uống, và chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến lênh đênh kéo dài.
Mấy lon đậu đóng hộp ông mang theo đã bị hư. Ông còn rất ít đồ ăn, nhưng nếu ăn mấy hộp đậu đó thì ông có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Ông có nên mạo hiểm ăn mấy lon đậu đó không?
Thời điểm nào trong ngày là dễ bắt được cá nhất? Mỗi khi bắt cá, ông có nguy cơ làm hư súng phóng xiên tự chế hoặc bè cứu sinh, lúc đó bản thân ông sẽ rơi vào tình thế hiểm nghèo. Mỗi lần dùng sức là ông đang làm tổn hao năng lượng sống quý giá mà ông không thể lãng phí vào lúc này. Nhưng nếu không bắt cá thì ông sẽ không còn gì để ăn. Sự sinh tồn phụ thuộc vào khả năng dự đoán chính xác về thời điểm bầy cá hoạt động mạnh nhất trong ngày.
Ông nên chú tâm tìm kiếm tàu thuyền đi ngang qua vào lúc nào? Nếu Callahan thức vào ban đêm và có tàu đi qua thì ông có thể dùng pháo sáng để ra hiệu và khả năng người ta nhìn thấy ánh sáng báo hiệu của ông sẽ cao hơn. Nhưng ông cũng cần thức vào ban ngày để lèo lái chiếc bè, và nếu ông thức cả ngày lẫn ban đêm thì ông sẽ lãng phí năng lượng cũng như nước uống.
Mỗi khi cần đưa ra quyết định, Callahan xem xét tất cả các tình huống có thể xảy ra và cân nhắc mức độ rủi ro của từng tình huống. Tất cả đều là một cuộc đánh cược và tất cả những gì Callahan có thể làm là đưa ra quyết định tốt nhất.
KỸ NĂNG KIỂM SOÁT CẢM XÚC ĐẰNG SAU KHẢ NĂNG NHẬN ĐỊNH CHÍNH XÁC
Đưa ra nhận định chính xác không chỉ phụ thuộc vào việc bạn có hiểu biết rộng hoặc có giỏi lập luận hay không, mặc dù cả hai khả năng này Callahan đều có.
Ngoài ra, việc đưa ra nhận định chính xác còn đòi hỏi một kỹ năng cảm xúc mà Callahan có thừa: khả năng suy nghĩ về tình cảnh khó khăn của mình một cách thực tế, không tìm cách né tránh hoặc cảm thấy hoảng sợ.
Ông có khả năng suy nghĩ trước về các tình huống xấu: “Giả dụ mình không được cứu, chuyện gì sẽ xảy ra? Giả sử các dụng cụ bị hư hại thì mình phải làm gì? Nếu mình không tìm được đồ ăn và nước uống, cơ thể mình sẽ chịu được bao lâu trước khi kiệt quệ, và mình có thể làm gì để ngăn chặn điều đó”.
Hầu hết chúng ta đều không giỏi vận dụng kỹ năng này.
Các chuyên gia đã từng nghiên cứu về trường hợp của những người bị lạc trên núi, mắc kẹt trên đảo sau một vụ đắm tàu hay rơi máy bay sẽ nói cho bạn biết trong số những người gặp nạn, có rất ít người sống sót.
Nguyên nhân một phần là do họ kém may mắn, hoặc không có kỹ năng sinh tồn, hoặc thiếu kinh nghiệm. Nhưng phần nào cũng là vì họ không có khả năng giữ bình tĩnh để xem xét mức độ nghiêm trọng của hoàn cảnh lúc đó, những rủi ro mà họ đối mặt cũng như những phương án họ có thể lựa chọn.
Thay vào đó, họ trở nên tê liệt, hoảng loạn, hoặc phủ nhận thực tế bằng cách giữ cho bản thân một tia hy vọng và chọn tin rằng mình sẽ được giải cứu.
Trong quyển Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why (tạm dịch: Bí mật sinh tồn - Người sống, kẻ chết), Laurence Gonzales - người đã tìm hiểu về các câu chuyện của những người sống sót cũng như nạn nhân tử nạn để tìm ra khuôn mẫu trong hành vi của họ - kết luận: “Nhiều nạn nhân đã tử nạn vì họ cứ chờ thần thánh ra tay cứu giúp, thay vì nhận thức được rằng dù là người theo chủ nghĩa hữu thần hay vô thần thì chúng ta vẫn phải tìm cách tự cứu lấy mình”.
Trong nhiều trường hợp khác, các nạn nhân tử nạn vì ngay từ đầu, họ đã không chuẩn bị sẵn sàng cho những tai họa có thể xảy ra, không thận trọng tính đến những tình huống tồi tệ nhất. Họ không mang theo dụng cụ phù hợp, không mang thêm nước uống phòng khi đắm tàu, hoặc không chủ động tìm hiểu mức độ nguy hiểm của khu vực mà họ sắp đến.
Những người sống sót là những người có khả năng nhìn thẳng vào thực tế giống như Callahan, bất kể thực tế đó tồi tệ đến mức nào. Bạn có thể gọi khả năng này là sự điềm tĩnh.
Đó là một kỹ năng mà Callahan đã có gần như cả đời. Sau khi trải qua một trận bão hồi còn bé, Callahan luôn trang bị sẵn cho mình một bộ đồ dùng khẩn cấp, trong đó có những vật hữu dụng như tiền, một con dao và dụng cụ bắt cá. Callahan hạ quyết tâm sẽ sống sót trong bất kỳ tình huống nào mà vũ trụ buộc ông phải đối mặt trong tương lai.
Chính khả năng suy nghĩ thận trọng về tình huống tồi tệ nhất đã góp phần giúp Callahan sống sót, trước cả khi ông khởi hành. Theo quy định của pháp luật, thuyền của Callahan phải được trang bị một chiếc bè cứu sinh bằng phao có mái che dành cho bốn người. Trước ngày ra khơi, Callahan đã sử dụng thử chiếc bè cứu sinh đó chỉ để hình dung cảm giác thực tế của mình khi buộc phải dùng đến nó. Ông nhận ra sẽ không thoải mái chút nào nếu phải ở trên một chiếc bè nhỏ như vậy trong thời gian dài. Thế là Callahan quyết định trang bị cho thuyền của mình một chiếc bè lớn hơn, đủ chỗ cho sáu người.
Đó là những gì mà Gonzales đã gọi là nguyên tắc quan trọng nhất để sinh tồn: đối mặt với thực tế.
SỰ ĐIỀM TĨNH
Hy vọng cả bạn và tôi đều sẽ không rơi vào những tình huống không may, nguy hại đến tính mạng như trên. Thế nhưng, ngay cả những phần êm ả nhất của cuộc sống cũng có đầy những tình huống khó khăn nho nhỏ, có sức tác động đủ mạnh để khiến bạn phải suy nghĩ:
Cảm giác không mấy dễ chịu về những kết quả có thể xảy ra của những tình huống trên có tác động như một mẩu nam châm trong tâm trí bạn. Khi ý nghĩ của bạn đến gần mẩu nam châm đó, một trong những trường hợp sau sẽ xảy ra:
Không trường hợp nào kể trên là có lợi cho khả năng suy nghĩ thông suốt của bạn.
Có sự điềm tĩnh nghĩa là bạn có khả năng đối mặt với thực tế - khả năng kiểm soát cảm xúc khi suy nghĩ về tất cả các tình huống có thể xảy ra, kể cả những tình huống bạn không mong muốn mà không bị tác động bởi “hiệu ứng nam châm”.
Có sự điềm tĩnh không có nghĩa là bạn không mong đợi bất kỳ điều gì.
Bạn vẫn mong muốn nhân viên của bạn yêu mến bạn và nghĩ rằng bạn không làm gì sai, nhưng ít nhất thì bạn vẫn đủ bình tĩnh để tự hỏi: “Điều đó có đúng không?”. Điềm tĩnh là có thể trung thực nói với bản thân: “Mình hy vọng sự việc sẽ diễn ra theo hướng X. Nhưng nếu sự việc diễn ra theo hướng khác, mình vẫn có thể lo liệu được”.
Bạn có thể có sự điềm tĩnh đối với một dự án có nguy cơ thất bại cao, bất kể bạn có cố gắng ra sao. Ví dụ, khi mới khởi nghiệp, Jeff Bezos đánh giá khả năng thành công của Amazon là 30%. Bezos đã thẳng thắn thông báo tỷ lệ này cho tất cả các nhà đầu tư của ông biết, dù khi đó ông đang mời họ đầu tư cho công ty của mình. Rõ ràng, tỷ lệ thành công thấp không hề làm Bezos nản lòng.
Hoặc bạn có thể có sự điềm tĩnh đối với một điểm yếu của mình. Ví dụ, Lincoln hiểu rõ bản thân ông không có sức thu hút, không có trình độ học vấn cao và không có lý lịch chính trị hào nhoáng như những chính trị gia khác. Thế nhưng thái độ mà Lincoln có đối với những điểm yếu của mình là bình thản chấp nhận, thậm chí là lạc quan. Sử gia Jacques Barzun từng viết về Lincoln: “Điều tuyệt vời là Lincoln không hề căm ghét những điểm yếu của mình. Ông không cố gắng che đậy hay cảm thấy tự ti mỗi khi nhắc đến những điểm yếu đó. Đó là một phần của Lincoln và ông chấp nhận tất cả những gì thuộc về mình như một điều hiển nhiên”.
TỰ LỪA DỐI VỀ SỰ THẬT “KHÓ CHẤP NHẬN”
Tôi nghĩ khi bạn đã đọc đến phần này, có lẽ bạn sẽ không lấy làm ngạc nhiên với cảnh báo sau đây: không có nguyên tắc nào cho thấy lập luận tốt không thể bị làm lệch để củng cố lập luận tồi. Cụ thể hơn, chúng ta có nguy cơ tự lừa dối bản thân và gọi một điều gì đó là “sự thật khó chấp nhận” rồi tự thấy hãnh diện vì đã dám chấp nhận sự thật đó, mặc dù đó là những gì ta vốn đã muốn chấp nhận ngay từ đầu.
Năm 1957, William Buckley - một tác giả thuộc phe bảo thủ - đã viết một bài xã luận mà hầu như mọi người dân Mỹ hiện nay đều biết tiếng xấu của nó, đó là “Why the South Must Prevail” (tạm dịch: Vì sao phe miền Nam phải thắng). Trong bài viết này, Buckley lập luận người da trắng ở miền Nam có lý do chính đáng để tự xếp mình cao hơn người da màu về quyền lực chính trị, vì người da trắng là chủng tộc tiến bộ hơn. Đây là một kết luận “tỉnh táo và trung lập”, theo Buckley tự nhận định. Ông viết: “Việc dẫn chứng số liệu thống kê chứng minh sự vượt trội về văn hóa của người da trắng so với của người da màu là không dễ dàng và cũng không hề dễ chịu”.
Tôi không thể chứng minh Buckley đang tự lừa đối bản thân ông về thế nào là sự thật khó chấp nhận. Nhưng tôi thật sự nghi ngờ luận điểm của ông, theo đó ông cảm thấy không hề dễ chịu khi phải kết luận “Tôi là thành viên của một chủng tộc thượng đẳng và có lý do chính đáng để đàn áp chủng tộc thấp kém hơn”.
Một hình thức khác của việc tự lừa dối về “chấp nhận sự thật khó chấp nhận” đã được chúng ta tìm hiểu ở Chương 5, khi chúng ta bàn về lợi ích giảm đau của tư duy chiến binh. Đôi khi, chúng ta thầm muốn tin rằng điều gì đó là vô vọng để không cần phải cố gắng tìm cách khắc phục nữa. Nếu chúng ta gán ghép hành động đó là “chấp nhận sự thật khó chấp nhận”, chứ không phải “chọn cách bỏ cuộc để giảm thiểu tổn thương”, thì chúng ta đang khiến tư duy chiến binh trở nên khó loại bỏ hơn.
ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG THỂ CỐ GẮNG THAY ĐỔI THỰC TẾ ĐÓ
Đôi khi mọi người lầm tưởng “đối mặt với thực tế” nghĩa là chấp nhận sự thật rằng họ không thể thay đổi hoặc cải thiện tình huống.
Đó hoàn toàn không phải là những gì tôi muốn nói.
Đối mặt với thực tế chỉ có nghĩa là chấp nhận hiện trạng của thực tế và chấp nhận những gì cần làm để cải thiện thực tế đó. Nếu sự nghiệp của bạn đang tụt dốc thì chấp nhận điều này là bước đầu tiên bạn cần thực hiện để cải thiện sự nghiệp trong tương lai.
Đối mặt với thực tế nghĩa là chấp nhận rằng bạn không thể thay đổi quá khứ. Đối mặt với thực tế nghĩa là chấp nhận rằng đôi khi bạn phải đánh đổi - bạn không thể luôn nhận được điều tốt mà không phải nhận bất kỳ điều xấu nào. Đối mặt với thực tế là chấp nhận rằng bạn không bao giờ có thể loại bỏ mọi rủi ro.
Và đối mặt với thực tế cũng có nghĩa là đôi khi bạn phải chấp nhận chọn phương án ít tồi tệ nhất trong những phương án tồi tệ. Một kiểu điềm tĩnh mà bạn thật sự cần để đưa ra nhận định đúng chính là khả năng tự nói với bản thân những câu đại loại như “Việc sa thải nhân viên này sẽ không mấy dễ chịu, nhưng giữ anh ta lại thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Mình đã nghĩ đến những phương án khác - chẳng hạn như đào tạo anh ta thêm lần nữa - nhưng mình thấy cũng không khả thi chút nào. Phương án ít tồi tệ nhất mà mình có là sa thải anh ta, và mình sẽ làm như vậy”.
Thay vì đối mặt với thực tế, nhiều người trong chúng ta lại cố né tránh việc lựa chọn. Chúng ta tránh nghĩ về việc ra quyết định, hoặc chúng ta viện dẫn những luận điểm hời hợt rằng mọi chuyện sẽ dần được cải thiện để bao biện cho thái độ bàng quan, không chịu hành động của mình.
LYNDON JOHNSON - VỊ TỔNG THỐNG THIẾU SỰ ĐIỀM TĨNH
Để giúp bạn hiểu rõ hơn thế nào là không có khả năng đối mặt với thực tế, sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách hành xử của Tổng thống Lyndon Johnson trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Những gì người ta thường nói về Lyndon Johnson là ông đã tự tin thái quá về khả năng chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Và đó cũng là lý do vì sao ông dồn toàn lực cho cuộc chiến này, cho đến khi ông buộc phải đối mặt với thực tế và thừa nhận Mỹ không thể giành chiến thắng.
Nhưng những năm gần đây, khi một số đoạn ghi âm về những cuộc đối thoại riêng của Johnson trong cuộc chiến được công bố, hình ảnh của vị tổng thống này đã trở nên phức tạp hơn nhiều.
Hóa ra khi đó Johnson không tin Mỹ sẽ chiến thắng. Ngược lại, những đoạn ghi âm cho thấy Johnson đã vô cùng khổ tâm vì bản thân ông luôn hoài nghi Mỹ sẽ không thể chiến thắng. Trong những đoạn ghi âm đó, ông có nói những câu đại loại như “Tôi không thể nghĩ được điều gì tệ hơn việc thua cuộc. Và tôi cũng không thể thấy được cách nào có thể giúp chúng ta chiến thắng”.
Những người thân cận với Johnson kể lại rằng trong khoảng thời gian đó, ông căng thẳng tột độ. Ông rất dễ nổi giận hoặc than thở về tình cảnh của mình. Ông thường nằm trên giường và trùm chăn kín đầu, nói rằng ông có cảm giác như mình đang bị kéo xuống đầm lầy.
Đó không phải là hình ảnh của một người tự tin vào chiến thắng mà đó là hình ảnh của một người cầu mong được nghe tin tốt nhưng lại không thật sự tin rằng mình sẽ nhận được tin tốt. Đó là một người sẽ nổi giận với bất kỳ ai nói rằng những gì ông thật sự lo sợ là đúng. Rõ ràng hơn hết, đó là một người luôn do dự giữa hai phương án “không thể chấp nhận được” của mình - rút quân hoặc thua trận - mà không thể buộc bản thân đối mặt với sự thật là ông phải chọn ra phương án ít tồi tệ hơn trong hai phương án đó.
Chuyên gia cố vấn Tổng thống Richard Goodwin kể lại có lần trong một cuộc họp cùng các quan chức chính phủ, Johnson đã cắt ngang và nói: “Đưa quân đến Việt Nam giống như không đeo dù mà ngồi trên một chiếc máy bay có động cơ đã ngừng hoạt động. Nếu nhảy ra khỏi máy bay thì các anh sẽ chết; còn nếu ngồi yên đó thì máy bay sẽ rơi và các anh vẫn sẽ chết. Chiến tranh Việt Nam chính là vậy đấy”.
Mọi người chưa kịp phản ứng gì thì Johnson đã rời phòng họp.
Goodwin nhớ thời điểm đó ông đã tự hỏi nếu Johnson có cảm nhận như thế thì tại sao Johnson không ra quyết định rút quân. Goodwin nói: “Thật ra lúc đó Mỹ đã không còn đường lui nào dễ dàng. Chúng tôi đã đặt cược rất lớn vào cuộc chiến này: vô số lính Mỹ đã hy sinh và nguồn lực của Mỹ bị lãng phí. Nhưng dù sao thì vẫn còn phương án để chúng tôi lựa chọn - tiếp tục tham gia một cuộc chiến không thể thắng, hoặc rút quân, hoặc tìm cách thỏa hiệp. Những phương án này đều mang tới cảm giác khó chịu, nhưng mức độ tồi tệ của từng phương án thì khác nhau”.
LƯỜNG TRƯỚC TÌNH HUỐNG XẤU
Vậy làm thế nào để có được sự điềm tĩnh?
Một số người có vẻ dễ có được sự điềm tĩnh hơn người khác. Có lẽ họ bẩm sinh đã điềm tĩnh như thế. Có lẽ vì họ may mắn có những phương án dự phòng trong các mối quan hệ xã hội và sự nghiệp nên họ có thể chịu áp lực tốt hơn. Hoặc có lẽ vì họ tin rằng họ sẽ có thể đương đầu với khó khăn bằng những kinh nghiệm sẵn có của mình.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể cải thiện mức độ điềm tĩnh của bản thân, bất kể xuất phát điểm của chúng ta là gì.
Các triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để có được sự điềm tĩnh. Họ kêu gọi mọi người suy nghĩ trước về các tình huống xấu để đỡ phải cảm thấy quá chán nản khi/nếu các tình huống đó xảy ra.
Sau đây là một lời khuyên điển hình của Seneca - một chính trị gia và triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ ở thời La Mã cổ đại:
Đây là lý do vì sao chúng ta cần hình dung mọi tình huống có thể xảy ra và củng cố tinh thần để ứng phó trong trường hợp bất kỳ tình huống nào ta hình dung thật sự xảy ra. Hãy liên tục hình dung lại từng tình huống trong tâm trí của bạn: bị lưu đày, bị tra tấn, chiến tranh, đắm tàu. Tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào và cuốn chúng ta ra khỏi môi trường sống quen thuộc trước đó… Nếu không muốn bị tê liệt trước những sự kiện chưa từng xảy đến với mình, chúng ta cần hình dung trước mọi tình huống có thể xảy ra trong tương lai một cách chi tiết và toàn diện.
Các triết gia khắc kỷ gọi phương pháp tiếp cận này là “Lường trước tình huống xấu”. Theo quan điểm của họ, mục tiêu chính của việc lường trước tình huống xấu là giúp chúng ta luôn sẵn sàng để ứng phó với tai họa khi nó ập đến. Mục đích cuối cùng là để chúng ta cảm thấy thanh thản hơn trong cuộc sống, giảm bớt tổn thương từ những biến cố bất ngờ trong cuộc đời.
Tôi cũng nghĩ hình dung trước tình huống xấu rất hữu ích, nhưng không phải vì những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe tinh thần của bạn như những gì các triết gia khắc kỷ đã nêu. Theo tôi, tính toán trước khi tình huống xấu xảy ra rất hữu ích vì nó giúp chúng ta giảm thiểu cảm giác muốn phủ nhận thực tế hay tự lừa dối bản thân, để chúng ta có thể suy nghĩ thông suốt.
Khi gặp phải một vấn đề hoặc đứng trước một quyết định đòi hỏi sự điềm tĩnh, điều đầu tiên bạn cần làm là hình dung trước về tình huống xấu có thể xảy ra, tức là tưởng tượng những gì bạn lo sợ sẽ trở thành sự thật. Hãy tạm quên đi câu hỏi “Điều này có đúng không?”, và hãy tự hỏi chính mình: “Giả sử điều này đúng thì sao?”.
Ví dụ, bạn là một nhân viên kinh doanh và bạn đang tránh nghĩ đến việc không chốt được hợp đồng hiện tại. Bạn tìm cách lý giải mọi vấn đề theo cách lạc quan nhất có thể: “Đúng là khách hàng chưa phản hồi, nhưng đây là giai đoạn bận rộn trong năm. Đúng là lúc nói chuyện qua điện thoại, giọng anh ấy nghe có vẻ không hứng thú lắm, nhưng anh ấy là một kỹ sư nên chuyện này có lẽ cũng bình thường thôi…”.
Bạn đã bỏ nhiều thời gian và công sức cho hợp đồng này. Sự thật là mọi thứ có nguy cơ đổ sông đổ bể cũng như việc phải báo tin xấu này cho đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy không cam tâm. Bạn thừa nhận bạn không thể nhìn nhận khách quan về việc có nên từ bỏ hợp đồng hiện tại hay không.
Thay vì vậy, bạn gạt vấn đề sang một bên và tự hỏi: “Giả sử mình không thể chốt hợp đồng này thì sao? Việc đó có ý nghĩa gì?”.
Thông thường, kết quả trước mắt là bạn sẽ nhận thấy tình huống tồi tệ thật ra cũng không quá tồi tệ khi bạn thật sự hình dung ra tình huống đó - không giống như những gì bạn đã thấy khi nhìn lướt qua tình huống đó từ góc nhìn bị giới hạn của mình, cố gắng không nhìn thẳng vào đó.
Chẳng hạn, có thể bạn sẽ nhận ra: “Thật ra thì năm nay thành tích của mình cũng khá ổn. Nhiều người cũng từng theo đuổi những hợp đồng vô vọng khác suốt một khoảng thời gian dài nhưng khi không chốt được hợp đồng thì họ cũng đâu bị ai chì chiết”.
Nghĩ về tình huống xấu không có nghĩa là bạn phải thích tình huống đó, chỉ là bạn chấp nhận rằng nó có thể xảy ra. Chỉ khi cảm thấy mình có thể nghĩ đến tình huống xấu, bạn mới có thể chuyển từ câu hỏi mang tính giả thuyết “Điều này có đúng không?” sang những câu hỏi thực tế hơn: “Cơ hội mình chốt được hợp đồng này có cao không? Nó có đáng để mình đầu tư thêm thời gian không hay sẽ tốt hơn nếu mình tập trung vào những hợp đồng khác?”.
NHẬN RA “TIA HY VỌNG”
Có một chuyện thường xảy ra khi bạn nghĩ đến một tình huống xấu, đó là bạn sẽ nhận ra vẫn có “tia hy vọng” - những gì mà bạn đã không thể nhận thấy khi cố không nghĩ về tình huống xấu đó. Và mặc dù không đủ để bù đắp cho mọi thiệt hại, nhưng những tia hy vọng này ít ra cũng giảm bớt phần nào tổn hại.
Nếu bạn là một tác giả thì kiểu tư duy chiến binh bạn mắc phải thường là tự thuyết phục bản thân rằng một ý tưởng, một câu chuyện hay câu văn nào đó có thể được đưa vào bản thảo hiện tại vì bạn thật sự rất thích chi tiết đó và vì bạn đã đầu tư rất nhiều chất xám cho nó. Nhưng như người ta thường nói, một trong những kỹ năng của một tác giả giỏi là học cách “bỏ thứ mình thích”, tức dứt khoát bỏ đi nội dung cần bỏ, dù bạn có thích chi tiết đó đến mức nào đi nữa.
Để quá trình “bỏ thứ mình thích” trở nên dễ dàng hơn, nhiều nhà văn đã ghi lại các câu văn, ý tưởng, hay câu chuyện đó vào một bản nháp, và chờ dịp thích hợp để sử dụng trong tương lai. Việc phải thừa nhận “thứ mình thích” không phù hợp với bản thảo hiện tại vẫn khiến chúng ta cảm thấy rất khó chịu, nhưng ít ra thì sự khó chịu đó sẽ phần nào giảm bớt với “tia hy vọng” rằng bạn có thể sử dụng chi tiết đó trong những tác phẩm khác về sau.
Tôi cũng dùng “tia hy vọng” để giúp bản thân có được sự điềm tĩnh khi nghĩ về nguy cơ mình sẽ nhận định sai về một vấn đề nào đó.
Tôi sẽ chẳng thấy vui vẻ chút nào nếu nhận ra mình đã sai, đặc biệt khi tôi đang có một cuộc tranh luận nảy lửa, và thậm chí còn tệ hơn nếu đó là một cuộc tranh luận công khai. Nhưng để tránh bị cám dỗ bởi cảm giác muốn phớt lờ sai lầm của bản thân, tôi thường tự nhắc nhở: “Thừa nhận sai lầm sẽ giúp mình nâng cao uy tín. Mọi người sẽ tin tưởng mình hơn, vì mình đã chứng tỏ mình không phải là kẻ ngoan cố bảo vệ quan điểm cá nhân. Thừa nhận sai lầm cũng giống như mình đang đầu tư vào khả năng thuyết phục của mình trong tương lai vậy”.
Mục đích của việc nhận ra tia hy vọng không phải là tự lừa dối bản thân. Bạn không nên thay thế một hành động tự lừa dối này bằng một hành động tự lừa dối khác. Nhưng sự thật là hầu như mọi tình huống xấu đều có tia hy vọng nào đó, và nếu bạn đang tránh nghĩ về tình huống xấu đó thì bạn sẽ không thể nào nhận ra tia hy vọng. Đây là phương pháp sẽ giúp cho bức tranh toàn cảnh của bạn trở nên chính xác hơn, chứ không phải mờ đi.
VẠCH CHIẾN LƯỢC ỨNG PHÓ CHO TÌNH HUỐNG XẤU NHẤT
Một cách khác mà tư duy tiêu cực có thể giúp bạn có được sự điềm tĩnh là tạo cơ hội để bạn vạch chiến lược ứng phó - nghĩ xem bản thân sẽ làm gì nếu tình huống xấu đó xảy ra.
“Chiến lược” nói trên thường không phải là những ý tưởng gì quá xa vời hay cao siêu, đó đơn giản chỉ là liệt kê rõ ràng và cụ thể những gì bạn đã biết nhưng chưa chủ động nghĩ đến.
Giả sử bạn đang tránh nhận góp ý về ý tưởng khởi nghiệp của mình vì không muốn nghe những câu đại loại như “Tôi không nghĩ kế hoạch này khả thi”, thế là bạn tự hỏi: “Nếu mình thật sự nghe ai đó nói kế hoạch này không khả thi thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra?”. Và bạn trả lời: “Mình sẽ hỏi thêm ý kiến của người thứ hai và thứ ba. Nếu họ cũng không ủng hộ ý tưởng của mình thì… mình có thể sẽ suy nghĩ lại”.
Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây. Nhưng theo một cách nào đó, việc suy nghĩ cụ thể về phản ứng của mình khi phải đối mặt với những tình huống xấu thật ra cũng không tệ như bạn nghĩ.
Một vị giám đốc tôi quen đã kể về việc ông thường lên chiến lược ứng phó để khiến việc nghĩ về những rủi ro trong công việc của mình trở nên dễ dàng hơn, chẳng hạn như một nhân viên chủ chốt nghỉ việc: “Tôi thường tự hỏi: ‘Mình thật sự sẽ làm gì?’. Cơ bản thì tôi chỉ có hai lựa chọn, hoặc tìm người thay thế hoặc cố gắng giữ nhân viên chủ chốt đó lại. Và hai việc mà tôi có thể làm là lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới, hoặc nghĩ xem mình cần nói gì để có thể thuyết phục nhân viên cũ ở lại. Việc này khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào, vì khi đó, tôi đã biết mình phải làm gì nếu một nhân viên chủ chốt của mình nghỉ việc. Dù đó là một tình huống xấu, nhưng ít ra thì tôi cũng có kế hoạch ứng phó rồi”.
Việc vạch chiến lược có thể bao gồm cả những cách để hạn chế hậu quả của tình huống xấu mà bạn lo lắng sẽ xảy ra.
Nhiều năm trước, một người bạn của tôi - một tín đồ Thiên Chúa giáo đã theo đạo suốt mười năm - đột nhiên hoài nghi đức tin của mình. Trước đó anh từng trải qua những lần hoài nghi như thế, và lần nào anh cũng đều quyết định tiếp tục theo đạo. Nhưng lần này anh nhận ra: “Mỗi lần sinh lòng hoài nghi đức tin của mình, tôi đều cố gắng thuyết phục bản thân tin tưởng trở lại, thay vì thật sự nghĩ xem nếu sự hoài nghi của tôi là đúng thì chuyện gì sẽ xảy ra”.
Bạn tôi trở nên rất căng thẳng trước viễn cảnh bản thân anh thay đổi suy nghĩ về một hệ tư tưởng được nhiều người tin tưởng đến thế.
Anh đã nghĩ về những điều mà anh lo sợ mình sẽ đánh mất nếu không tin vào Thiên Chúa giáo nữa, bằng cách tự hỏi: “Giả sử tình huống xấu nhất mà mình lo sợ thật sự xảy ra thì sao?”. Và anh nhận ra điều anh lo lắng là bản thân sẽ đánh mất những giá trị đạo đức mà trước đây anh tuân thủ. Nếu những giáo lý của Thiên Chúa giáo không phải là chân lý, thì biết đâu anh sẽ trở thành một người xấu, một người không thể phân biệt điều tốt và điều xấu?
Thế nên anh đã quyết định rằng trước khi suy nghĩ thêm về việc có giữ nguyên đức tin của mình hay không, anh sẽ lập một lời hứa với chính mình. Anh tự hứa rằng nếu không tin vào Thiên Chúa giáo nữa, thì anh vẫn sẽ giữ nguyên hệ thống đạo đức của mình mà không bận tâm lo lắng liệu hệ thống đó có “hợp lý” hay không khi nó không được củng cố bằng giáo lý của Thiên Chúa giáo; và anh sẽ giữ nguyên hệ thống đạo đức của mình cho đến khi anh có lý do thật sự hợp lý để từ bỏ hệ thống đó.
SỰ ĐIỀM TĨNH KHI VIẾT QUYỂN SÁCH NÀY
Tôi muốn thú nhận rằng trong quá trình tìm hiểu để viết quyển sách này, thỉnh thoảng tôi cảm thấy lo lắng về viễn cảnh phải đọc các nghiên cứu hoặc phỏng vấn những người mà tôi nghĩ là có thể họ sẽ có quan điểm bất đồng với quan điểm của tôi.
Ví dụ, tôi ngại phỏng vấn những doanh nhân mà tôi đoán là họ sẽ từ chối chấp nhận các lợi ích của tư duy trinh sát bằng lời khẳng định: “Nếu muốn thành công thì cô phải tin tưởng bản thân mình 100%!”. Tôi ngại phỏng vấn họ vì tôi không muốn nghe thấy những điều có thể làm giảm lòng tin của tôi dành cho quyển sách của mình. Đôi khi trong các buổi phỏng vấn, tôi thậm chí còn tranh luận với những doanh nhân đó, thay vì cố hiểu họ tin điều gì và vì sao lại thế.
Nhưng ngẫm lại, tôi muốn luận đề của mình càng chính xác càng tốt. Nếu ai đó có quan điểm trái ngược nhưng chính xác về tư duy trinh sát thì tôi muốn mình ghi nhận quan điểm đó thay vì cứ khăng khăng tin vào một luận đề có kẽ hở. Tôi muốn mình có tư duy trinh sát về tư duy trinh sát.
Với suy nghĩ đó, tôi tự hỏi: “Được rồi, giả sử mình thật sự nhận được những ý kiến có giá trị nhưng lại trái ngược với luận đề của mình, lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra?”.
Và rồi tôi nhận ra thật ra cũng không vấn đề gì nếu có một người sáng suốt nào đó không đồng tình với luận đề của tôi. Tôi nghĩ hầu như bất kỳ quyển sách hấp dẫn và có giá trị nào cũng nhận được vài ý kiến trái chiều từ những người có hiểu biết. Trên thực tế, nếu không có ai bất đồng quan điểm với tôi thì hẳn là những điều tôi nói quá nhạt nhẽo và hiển nhiên đến mức không ai muốn bàn tới.
Khi lắng nghe những lời phản đối mang tính xây dựng đối với luận đề của mình, tôi cũng để ý hơn đến những tia hy vọng: “Biết được lý do vì sao mọi người phản đối luận đề của mình trước khi sách được xuất bản dù gì cũng sẽ tốt hơn nhiều so với sau khi xuất bản. Ít nhất thì mình có thể đề cập những lý do đó trong sách”.
Đồng thời tôi cũng vạch chiến lược ứng phó để sẵn sàng đối mặt với những lời phê bình. Sau khi tự hỏi: “Được rồi, giả sử mình thật sự nhận được những ý kiến có giá trị nhưng lại trái ngược với luận đề của mình, lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra?”, tôi quyết định: “Nếu nhận được những ý kiến có giá trị trái ngược với luận đề của mình, thì mình có thể điều chỉnh đôi chút. Luận đề của mình không nhất thiết phải là ‘Tư duy trinh sát là tối ưu trong mọi hoàn cảnh’, mà có thể là ‘Tư duy trinh sát là tối ưu trong rất nhiều tình huống, vượt xa những gì chúng ta nghĩ’. Việc ghi nhận quan điểm bất đồng sẽ không gây bất lợi cho quyển sách của mình”.
Kết quả là đã có một sự thay đổi đáng kể đối với trạng thái cảm xúc của tôi khi tôi phỏng vấn người khác để tìm tư liệu cho quyển sách này. Trước đó, tôi thường tránh nói về những chủ đề có khả năng khơi gợi ý kiến phản đối đối với luận đề của mình, thậm chí tôi còn đặt những câu hỏi mang tính dẫn dắt như “Bạn có từng gặp phải trường hợp mà tư duy chiến binh đã tác động xấu tới quá trình ra quyết định của bạn không?”, thay vì “Bạn thấy tư duy chiến binh có mang lại lợi ích cho bạn không?”.
Giờ đây tôi thấy mình điềm tĩnh và cởi mở hơn, đồng thời tôi cũng thật sự tò mò muốn biết phản ứng của người khác về luận đề tôi đưa ra. Tôi cảm thấy bất kể mọi người có trải nghiệm như thế nào với tư duy chiến binh và tư duy trinh sát, thì trải nghiệm đó cũng là thông tin hữu dụng giúp luận đề của tôi trở nên vững chắc hơn. Và tôi cảm thấy mình đã đủ điềm tĩnh để nhận ra dù tôi tìm được thông tin gì thì mọi chuyện rồi cùng sẽ ổn.