T
rong quyển Superforecasting, Tetlock nhận định một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp những nhà dự báo đại tài thành công là tư duy xác suất. Khả năng nhận ra sự khác biệt giữa 45% và 55% bằng trực giác, niềm tin rằng sự ngẫu nhiên có vai trò quan trọng trong cuộc sống và những điều tương tự là những gì đã làm nên thế mạnh của các nhà dự báo đại tài, khiến họ vượt trội hơn so với những nhà dự báo luôn tìm cách gộp mọi thứ thành một lời dự đoán đơn giản và chắc chắn.
Tuy nhiên, Tetlock cũng tự hỏi liệu có sự xung đột nào giữa tư duy xác suất và cảm giác hạnh phúc hay không. Có thể chúng ta phải lựa chọn giữa cái nhìn chính xác về thế giới và cảm giác an tâm 100% vào niềm tin của mình.
Nhiều người cũng có cùng mối bận tâm như Tetlock. Họ cho rằng suy nghĩ về những điều ngẫu nhiên vốn có của vũ trụ sẽ làm mất đi ý nghĩa cuộc sống, hoặc nhận ra niềm tin của bản thân có thể sai sẽ khiến chúng ta cảm thấy bất an, hoặc - như những gì chúng ta đã tìm hiểu trong Chương 5 - thừa nhận nguy cơ thất bại sẽ khiến chúng ta khó duy trì động lực.
Trong quyển sách của mình, Tetlock đã gạt mối bận tâm của ông sang một bên. Ông nói: “Đau khổ có phải là cái giá của sự chính xác hay không? Tôi không biết. Nhưng đây không phải là quyển sách nói về cách để có được một cuộc sống hạnh phúc. Đây là quyển sách nói về sự chính xác, và tư duy xác suất là điều kiện cần thiết để có được sự chính xác đó. Vấn đề nhân sinh xin nhường cho người khác bàn luận”.
Tôi xin phép làm “người khác” để tiếp lời Tetlock.
Theo tôi, sự chính xác và cảm giác hạnh phúc không mâu thuẫn nhau. Trên thực tế, khi quan sát lính trinh sát, bạn sẽ nhận ra rằng tư duy xác suất chính là nền tảng mang lại sức mạnh tinh thần cho họ. Triết gia, tác giả người Pháp Voltaire từng nói nghi ngờ không phải là một cảm giác dễ chịu, nhưng tôi nghĩ nghi ngờ có thể là một cảm giác dễ chịu nếu bạn nghĩ đúng về nó.
Trong chương này, tôi sẽ cố gắng lý giải thế nào là cách nghĩ đúng mà tôi vừa đề cập. Và tôi gọi đó là “triết lý của tư duy xác suất”.
MAY RỦI SẼ TỰ CÂN BẰNG
Thường thì tôi không quan tâm đến thể thao; nhưng có lần, cuộc phỏng vấn của Trevor Bauer - cầu thủ ném bóng chơi cho đội bóng chày Cleveland Indians - đã thu hút sự chú ý của tôi. Trước đó Bauer đã chơi rất tốt trong trận giao đấu với đội Houston Astros và có sáu cú ném ghi bàn liên tục. Trong cuộc phỏng vấn, Bauer được hỏi bí quyết thành công của anh là gì.
Anh trả lời: “May mắn ngẫu nhiên. May mắn không thể kéo dài, và sẽ dừng lại một lúc nào đó”.
Câu trả lời của Bauer đã khiến tôi mỉm cười. Đó là một nhận định mới mẻ và khác biệt! Thường thì khi được hỏi về thành tích của mình, hầu hết mọi người sẽ nói những câu quen thuộc như “Đội kia thua vì họ quá cao ngạo”, hoặc “Chúng tôi đang trên đà chiến thắng. Những trận thắng trước đã cho chúng tôi sự tự tin cần thiết trong đêm nay”. Chắc chắn kiểu lập luận này thậm chí còn hợp lý hơn khi chúng ta lý giải thành công của mình, chứ không phải thất bại.
Không lâu sau đó, trong một cuộc phỏng vấn khác, Bauer lại được hỏi về tần suất home-run12 nhiều bất thường của các cầu thủ đánh bóng trong lượt ném của anh. Bauer đáp: “Tôi biết một lúc nào đó số lần home-run của đối thủ sẽ phải giảm xuống… Tôi không nghĩ là cầu thủ đánh bóng có thể ăn điểm home-run từ cú ném của tôi nhiều như hiện tại mãi được”.
12 Cầu thủ đánh bóng ra khỏi sân bóng nhưng không vượt quá vạch biên hai bên sẽ được tính là một cú home-run và được phép chạy một vòng từ gôn 1 đến gôn 3 rồi về gôn nhà mà không bị đội phòng thủ cản phá.
Theo thống kê, tỷ lệ home-run-per-fly-ball13 (viết tắt là HR/FB) của các cầu thủ ném bóng có sự chênh lệch rất lớn. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ này phụ thuộc nhiều vào sự ngẫu nhiên, chứ không phải kỹ năng của cầu thủ. Vậy nên, Bauer biết anh không việc gì phải lo lắng về tỷ lệ HR/FB cao bất thường của mình trong mùa giải hiện tại. (Vào giải đấu tiếp theo, Bauer là cầu thủ có tỷ lệ HR/FB thấp nhất.)
13 Tỷ lệ home-run-per-fly-ball hay home-run-to-fly-ball (HR/FB) là thuật ngữ chỉ tần suất cầu thủ đánh bóng ghi điểm home-run trong lượt ném của cầu thủ ném bóng. Ví dụ trong một trận đấu, cầu thủ ném bóng ném tổng cộng 25 lần, cầu thủ đánh bóng đánh trúng bóng 10 lần, 1 trong số 10 lần đó là cú home-run, vậy tỷ lệ HR/FB là 10%. Đối với cầu thủ ném bóng, tỷ lệ HR/FB càng thấp càng tốt.
Ví dụ trên cho thấy triết lý đầu tiên và cơ bản nhất giúp lính trinh sát giữ bình tĩnh trong khi người khác cảm thấy bất an: may rủi sẽ tự cân bằng. Khi có thể hiểu - không phải bằng trí thông minh, mà cảm nhận bằng trực giác - rằng mọi lĩnh vực đều chịu những tác động nhất định của sự ngẫu nhiên, bạn sẽ giữ được tinh thần lạc quan trước sự thăng trầm không thể tránh khỏi của cuộc đời, giống như Bauer.
Điều này không có nghĩa là bạn không bao giờ ghi nhận công lao hay nhìn nhận sai lầm của bản thân, mà là bạn không ghi nhận công lao hay nhìn nhận sai lầm của bản thân những khi bạn ngờ rằng kết quả vốn phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên. Bất kể kết quả cuối cùng là tốt hay tệ, bạn vẫn có thể tự tuyên dương bản thân nếu bạn nhận thấy những gì mình đóng góp là có ích, hoặc bạn có thể tự truy cứu trách nhiệm nếu thấy bản thân cố gắng chưa đủ.
Khi nhận định về một trận đấu khác đã diễn ra sau đó, Bauer nói: “Kết quả không được tốt lắm, nhưng dù sao thì tôi đã cố tính toán hợp lý cho từng đợt ném. Khiến [Jason] Castro phải đi bộ về điểm chốt không phải là một ý kiến hay. Tôi đã cố ném bóng nhanh cho [Brian] Dozier. Đó là cú ném tốt nhưng anh ta đã đánh trúng bóng”.
Hãy chú ý cách Bauer tự khen mình, sau đó phê bình, sau đó lại khen: tất cả đều là nhận định của anh về chất lượng cú ném, chứ không phải kết quả.
ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN DỰA TRÊN LỰA CHỌN ĐẶT CƯỢC, KHÔNG PHẢI KẾT QUẢ VÁN CƯỢC
Để hiểu được triết lý này, hãy tưởng tượng bạn đang chơi trò đổ xúc xắc: nếu bạn đổ được mặt sáu nút thì bạn thắng 10 đô-la, nếu bạn đổ được bất kỳ mặt nào khác thì bạn thua 1 đô-la.
Nếu đổ xúc xắc 100 lần, gần như chắc chắn là bạn sẽ có lời. Tất cả những gì bạn cần là thắng ít nhất mười lần (10 x 10$ = 100$). Khi đó, dù có thua chín mươi lần (90 x 1$ = 90$) thì bạn vẫn còn lời 10$ (100$ - 90$ = 10$). Xác suất tình huống này xảy ra là 98%.
Vậy nên trong những lần thua 1 đô-la, bạn không cần phải buồn. Bạn nên cảm thấy vui vì trò này có thể giúp bạn kiếm thêm tiền, bất kể lượt chơi hiện tại bạn thắng hay thua.
Người có tư duy trinh sát sẽ nhận ra triết lý đằng sau trò đổ xúc xắc cũng được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác: nếu lựa chọn đặt cược của bạn là tốt, thì bạn nên cảm thấy hài lòng vì mình đã đưa ra lựa chọn đó, chứ không nên quan tâm đến kết quả ván cược.
Thành thật mà nói thì việc xác định xem lựa chọn đặt cược của bạn có tốt hay không là rất khó. Vì trên thực tế, mọi thứ rất phức tạp và tỷ lệ chiến thắng cũng không rõ ràng như trò đổ xúc xắc.
Thỉnh thoảng tôi sẽ thực hiện điều sau đây: tưởng tượng mình có lựa chọn đặt cược như nhau trong một trăm thế giới khác nhau. Tôi mong đợi điều gì xảy ra? Tôi sẽ chiến thắng ở bao nhiêu thế giới và thua ở bao nhiêu thế giới? Tôi sẽ cảm thấy tuyệt vời thế nào khi thắng và cảm thấy tệ hại thế nào khi thua?
LỰA CHỌN ĐẶT CƯỢC TỐT, KẾT QUẢ VÁN CƯỢC TỒI
Giả sử trong lúc cảm xúc dâng trào - hoặc đại khái thế - bạn trút bầu tâm sự với đồng nghiệp về nỗi bất an của mình. Sau đó, người đồng nghiệp này lại dùng nỗi bất an của bạn để đối phó với bạn. Lúc này bạn có nên tự dằn vặt vì đã quá cả tin hay không?
Theo tôi thì không. Thay vào đó, bạn nên cảm thấy thoải mái vì đã chọn đặt cược “tin tưởng người khác cho đến khi họ cho bạn lý do để ngừng tin tưởng”. Khi tưởng tượng bản thân rơi vào tình huống tương tự trong một trăm thế giới, tôi nghĩ mình sẽ bị “phản bội” trong khoảng năm thế giới. Lợi ích của việc thân thiết và tin tưởng đồng nghiệp trong chín mươi lăm thế giới còn lại theo tôi có vẻ cũng đủ để bù đắp cho hậu quả tôi phải đối mặt trong năm thế giới bị phản bội kia.
Vào một ngày mùa đông tuyết rơi dày cách nay không lâu, trong lúc ngồi trên chuyến tàu hỏa đang đi qua địa phận bang New Jersey, tôi nhìn ra cửa sổ và tôi nghĩ là mình vừa thấy có lửa trên đường ray. Khi thấy không có ai trên tàu phản ứng trước điều đó, tôi nghĩ: “Chắc không có gì đáng lo”. Nhưng vì vẫn thấy bất an nên tôi đã tìm nhân viên trên tàu để hỏi cho rõ.
Hóa ra “ngọn lửa” đó đúng là không có gì đáng lo. Đó là một loại lửa đặc biệt mà hãng tàu dùng để làm tan băng trên đường ray vào màu đông.
Khi biết được sự thật, thay vì cảm thấy ngượng ngùng vì đã lo lắng vô ích, tôi nghĩ: “Việc kiểm tra các dấu hiệu cho thấy rủi ro xảy ra sự cố khẩn cấp là một lựa chọn đặt cược tốt. Nếu mình thường đoán sai thì cũng không sao. Cái giá của việc kiểm tra các dấu hiệu rất nhỏ, nhưng cái giá phải trả của việc không thể cảnh báo sớm nếu sự cố thật sự xảy ra sẽ rất lớn. Dù xác suất của việc này chỉ là một trong số một trăm lần, nhưng mình nghĩ lợi ích của một lần đó vẫn hơn hẳn những bất tiện của chín mươi chín lần kia”.
LỰA CHỌN ĐẶT CƯỢC TỒI, KẾT QUẢ VÁN CƯỢC TỐT
Mặt trái của triết lý này là có những lúc dù có được kết quả tốt nhưng bạn vẫn phải thừa nhận rằng bạn chỉ đang may mắn, và rằng bạn đã có một quyết định tồi mà lẽ ra sẽ khiến bạn phải hối hận.
Nếu bạn tuyển dụng một người và người đó là một nhân viên xuất sắc thì điều này không hẳn là do bạn đã quyết định đúng. Khi thành thật nhìn lại, có thể bạn sẽ kết luận: “Chúng ta thật sự đã rất may mắn. Chúng ta đã bị thu hút bởi sự lịch lãm của Liam đến mức không kiểm tra lại thư giới thiệu hay yêu cầu anh ấy làm bài kiểm tra năng lực. Chúng ta đã có một lựa chọn đặt cược tồi. Nếu áp dụng với quy trình tuyển dụng như thế một trăm lần, chúng ta sẽ gặp phải những nhân viên tệ hơn nhiều so với khi ta áp dụng quy trình tuyển dụng có bài kiểm tra đầu vào”.
Một ví dụ điển hình cho “lựa chọn đặt cược tồi, kết quả ván cược tốt” là trường hợp của một tay cờ bạc trẻ tuổi người Anh tên Ashley Revell. Một ngày nọ, trong lúc say khướt, Revell đã quyết định dùng toàn bộ số tiền mình có - 76.840 bảng Anh, tương đương 103.233 đô-la Mỹ - để đặt cược rằng banh trong vòng quay roulette sẽ rơi vào ô màu đỏ.
Anh kể: “Trái banh nảy lên một vài lần rồi rơi vào ô mà tôi nghĩ là màu đỏ, nhưng rồi tôi lại chẳng thấy trái banh đâu. Tôi căng mắt ra nhìn. Khi xác định được vị trí trái banh, tôi thấy nó nằm ở ô số bảy. Màu đỏ. Mấy người đang đứng xem ở đó bỗng hét ầm lên. Họ reo mừng và tôi cũng thế. Ai đó cầm một chai sâm-banh đến và mọi người cùng nhau ăn mừng. Bạn bè và người nhà của tôi vui mừng đến phát cuồng. Tôi đã thắng 153.680 bảng Anh và được nếm trải khoảnh khắc điên cuồng của niềm vui trọn vẹn”.
Tôi không thích phải phá hỏng một câu chuyện thú vị, nhưng đó không phải là một lựa chọn đặt cược tốt!
Cứ cho là Revell có 50% cơ hội thắng cược với lần quay đó (xác suất thật sự thấp hơn rất nhiều). Điều đó có nghĩa là trong năm mươi thế giới khả dĩ, anh sẽ tăng số tiền của mình từ 76.840 bảng Anh lên 153.680 bảng Anh; và trong năm mươi thế giới khác, anh sẽ trở nên trắng tay. Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều sẽ đồng ý với tôi rằng hai khả năng này là quá chênh lệch: từ 76.840 bảng Anh mà thành 153.680 bảng Anh thì vui đó, nhưng từ 76.840 bảng Anh xuống còn 0 bảng Anh thì thật khủng khiếp.
Tóm lại: Một lựa chọn đặt cược tốt đôi khi sẽ cho ra kết quả ván cược tồi, và lựa chọn đặt cược tồi thỉnh thoảng sẽ cho ra kết quả ván cược tốt. Bạn nên đánh giá bản thân dựa trên chất lượng của lựa chọn đặt cược chứ không phải kết quả ván cược.
ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN DỰA TRÊN LỰA CHỌN ĐẶT CƯỢC GIÚP BẠN GIỮ BÌNH TĨNH
Có thể bạn đang tự hỏi làm thế nào mà tất cả những điều nói trên có thể giúp tâm trí bạn thanh thản. Làm thế nào mà đánh giá bản thân dựa trên lựa chọn đặt cược lại ít áp lực hơn đánh giá bản thân dựa trên kết quả ván cược? Dù gì thì bạn vẫn đang tự đánh giá bản thân, chỉ là dựa trên những tiêu chí khác thôi mà.
Đúng là bạn vẫn đang tự đánh giá bản thân, nhưng chất lượng của lựa chọn đặt cược là yếu tố bạn có thể kiểm soát được. Nếu đã đầu tư công sức để cân nhắc các phương án khác nhau, thu thập thông tin và đảm bảo bản thân không có định kiến, thì bạn có thể cảm thấy hài lòng với quyết định của mình mà không cần bận tâm đến kết quả cuối cùng.
Điều đó cũng có nghĩa là trạng thái cảm xúc của bạn sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều sau khi bạn đã đưa ra quyết định.
Khi theo đuổi một dự án trong một thời gian dài, bạn sẽ liên tục nhận được những thông tin có liên quan đến khả năng thành công của dự án đó. Một ngày kia, bạn đến gặp các nhà đầu tư, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, và bạn cảm thấy vô cùng phấn khởi. Ngày hôm sau, bạn kiểm tra kết quả khảo sát khách hàng và phát hiện số người sử dụng sản phẩm của bạn không nhiều như bạn mong đợi. Lúc này bạn bắt đầu cảm thấy chán nản.
Một trong những lý do khiến tư duy chiến binh có sức hút đến vậy là vì nó có tác dụng “giảm đau” trước những cảm xúc chán chường nói trên. Khi bạn đặt cược tinh thần của mình vào khả năng “Ván cược này sẽ thành công”, bất kỳ bằng chứng nào chứng minh điều ngược lại đều là mối đe dọa. Bạn buộc phải “đánh bại” những bằng chứng đó, hoặc bạn sẽ nản chí. Đây gọi là “tinh thần chiến binh”, kiểu tinh thần buộc bạn phải bảo vệ một bức tranh phi thực tế về khả năng thành công của mình.
Ngược lại, khi đặt cược tinh thần của mình vào khả năng “Ván cược này là một ván cược đáng để thử”, bạn sẽ có được sự tự tin ổn định hơn. Ngay cả khi không được vận may ủng hộ, bạn vẫn có thể cảm thấy thỏa mãn vì đã lựa chọn đặt cược tốt, không cần bận tâm đến kết quả cuối cùng. Đây chính là “tinh thần trinh sát”, kiểu tinh thần không buộc bạn phải tự che mắt mình trước những rủi ro hay tin xấu.
Tinh thần trinh sát không có nghĩa là bạn không thể cảm thấy hài lòng khi mọi chuyện diễn ra tốt đẹp và cảm thấy thất vọng khi có chuyện bất trắc xảy ra. Tinh thần trinh sát chỉ có nghĩa là cảm giác tự hào mà bạn có khi đưa ra một lựa chọn tốt không phụ thuộc kết quả. Và chỉ cần biết như thế thì bạn đã có thể cảm thấy thoải mái hơn nhiều rồi.
Trong một cuộc phỏng vấn về hãng ô-tô điện Tesla, Elon Musk đã khiến người phỏng vấn ngạc nhiên khi chia sẻ rằng ông luôn nghĩ Tesla là một dự án ngoài tầm với.
Elon Musk nói: “Tôi không thật sự nghĩ rằng Tesla có thể thành công. Tôi đã nghĩ chúng tôi có nhiều khả năng là sẽ thất bại…”.
“Nhưng nếu không nghĩ công ty sẽ thành công thì tại sao ông lại thử?”, phỏng vấn viên Scott Pelley hỏi lại.
“Nếu thấy một việc nào đó là quan trọng thì chúng ta nên thử thực hiện, ngay cả khi chúng ta có nguy cơ thất bại.”
Khi bạn tin vào nguyên tắc xác suất (và khi bạn có thể theo đuổi những ván cược nhiều rủi ro trong những tình huống nhất định - việc mà không phải ai cũng làm được), bạn có thể cảm thấy lạc quan về việc đưa ra lựa chọn đặt cược tốt, dù bạn vẫn hiểu rõ là mình có thể thua trong ván cược đó.
CỤ THỂ HÓA GIÁ TRỊ KỲ VỌNG
Vậy là chúng ta đã điểm sơ qua những đặc điểm của việc “lựa chọn đặt cược tốt”. Nhưng có một cách rõ ràng hơn để xác định mặt tốt của một lựa chọn đặt cược là dựa trên giá trị kỳ vọng của ván cược đó.
Tôi sẽ tiếp tục dùng trò đổ xúc xắc để làm ví dụ. Luật chơi vẫn là bạn thắng 10 đô-la nếu đổ được mặt sáu nút, và thua 1 đô-la nếu đổ được bất kỳ mặt nào khác.
Để tính giá trị kỳ vọng của một ván cược, bạn tính tổng giá trị của các kết quả có thể đạt được, dựa trên xác suất xuất hiện của các kết quả đó. Vậy giá trị kỳ vọng của mỗi lượt chơi trong trò đổ xúc xắc sẽ là:
(Khả năng đổ được mặt sáu nút) x 10$ + (Khả năng đổ được các mặt khác) x (-1$).
Áp dụng công thức trên, ta có: (1/6) x 10$ + (5/6) x (-1$) = khoảng 0,83$. Mỗi lần đổ xúc xắc, bạn kỳ vọng kiếm được 0,83 đô-la. Bạn có thể xem 0,83 đô-la là giá trị bình quân bạn kiếm được ở mỗi lượt chơi, nếu bạn chơi nhiều lượt.
“Giá trị kỳ vọng” của mỗi ván cược như thế chỉ là một con số có tính tượng trưng. Mỗi lần đổ xúc xắc, hoặc bạn thắng 10 đô-la hoặc bạn thua 1 đô-la, chứ không bao giờ thật sự thắng 0,83 đô-la. Nhưng việc giả vờ rằng giá trị kỳ vọng là thật có thể giúp bạn “cụ thể hóa” giá trị kỳ vọng. Khi bạn càng nhìn nhận giá trị kỳ vọng như một điều gì đó có thật, các phản ứng về mặt cảm xúc của bạn sẽ càng được gắn với những gì thật sự quan trọng, và bạn sẽ càng ít bị tác động bởi những biến cố ngẫu nhiên trong cuộc sống.
Đây là cách tiếp cận được các cao thủ bài xì phé (poker) áp dụng nhiều nhất, để giữ bình tĩnh trong những ván cược lớn với số tiền lên đến hàng chục ngàn đô-la. Trong những tình huống như thế, một trong những thử thách lớn nhất là tập trung vào việc lựa chọn đặt cược tốt và không để bản thân mất bình tĩnh, dù lúc đó thời vận của bạn là đen hay đỏ.
ĐỪNG LO LẮNG VỀ SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT
Người ta thường hỏi Barack Obama làm thế nào ông có thể giữ được bình tĩnh khi gánh vác vai trò tổng thống đầy áp lực.
Obama đáp: “Khi ra quyết định, có thể tôi sẽ không có được kết quả mà mình mong đợi… Xác suất tôi đưa ra một quyết định đúng có thể là 51-49 hoặc 60-40. Nhưng tôi có thể tự tin nói rằng mình đã nghe hết những gì cần nghe, xem xét mọi thông tin và nhìn nhận vấn đề dưới mọi góc độ. Thế nên khi tôi ra một quyết định thì đó là quyết định tốt nhất mà tôi hay bất kỳ một người nào khác có thể đưa ra”.
Câu trả lời của Obama có thể được hiểu như sau: Bằng trực giác của mình, Obama hiểu rằng trong bất kỳ quyết định nào cũng luôn có sự không chắc chắn ngoài tầm kiểm soát. Thường thì mức độ không chắc chắn ngoài tầm kiểm soát đó là khá lớn đối với những quyết định mà một tổng thống phải đưa ra.
Tất nhiên ở một chừng mực nào đó thì bạn vẫn muốn giảm thiểu sự không chắc chắn của mình bằng cách tìm kiếm thêm thông tin. Nếu không chắc mình nên chọn con đường sự nghiệp nào, thì bạn có thể tìm hiểu số liệu thống kê về mức lương trung bình hay tỷ lệ chuyển việc, bạn có thể tham khảo ý kiến của những người đang làm trong lĩnh vực đó, hoặc thử việc vài tháng. Nếu không chắc bản thân có muốn cam kết lâu dài với người yêu hiện tại hay không, thì bạn có thể kéo dài thời gian hẹn hò, đi du lịch, thử dọn về sống chung với người đó, hoặc tìm kiếm những lời khuyên chân thành từ những người thân thiết với bạn.
Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, dù hầu như đã nghiêng hẳn về một phương án nhất định nhưng bạn vẫn có cảm giác không chắc chắn và sự không chắc chắn đó không có vẻ gì là sẽ mất đi. Bạn không cách nào tìm được những thông tin có thể giúp bạn làm sáng tỏ mọi thứ, nhưng bạn cũng không thể cứ chờ mãi được. Vậy thì bạn hãy biết là luôn có một mức độ không chắc chắn nào đó đơn giản là ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Có hai cách để đối mặt với một quyết định có mức độ không chắc chắn ngoài tầm kiểm soát.
Một là không ngừng dằn vặt với quyết định của mình, nghĩ tới nghĩ lui giữa hai phương án và lo lắng không biết mình đã chọn đúng hay sai. Đây là cách mà nhiều người thường lựa chọn, nhưng tôi không khuyến khích bạn làm điều tương tự.
Một cách khác tốt hơn và ít khiến bạn lo lắng vô ích hơn là tư duy theo giá trị kỳ vọng.
Giả sử bạn đang cảm thấy bế tắc với công việc của mình và không thể quyết định nên tiếp tục ở lại hay nghỉ việc. Bạn nghĩ rằng nếu ở lại thì xác suất bạn có thể cảm thấy vui vẻ là ngang ngửa với xác suất bạn sẽ hối hận, và nếu nghỉ việc thì xác suất bạn có thể cảm thấy vui vẻ cũng ngang ngửa với xác suất bạn sẽ hối hận.
Với tình huống giả định (vô cùng đơn giản) này, bạn dễ cảm thấy căng thẳng bởi tất những sự không chắc chắn trong đó. Nhưng bạn có thể nhìn nhận sự việc theo một góc độ khác, đó là nếu bạn không biết A hay B tốt hơn thì A và B có giá trị kỳ vọng ngang nhau.
Có thể việc phân biệt hai cách tiếp cận trên dường như không cho thấy có gì khác biệt. Theo lý thuyết thì có thể là thế. Nhưng trên thực tế thì điều đó có tác động rất lớn đến cảm xúc của bạn. Ý nghĩ “Trong những lựa chọn này có một lựa chọn tốt hơn, nhưng mình không tài nào nhìn ra” khiến bạn mệt mỏi, nhưng ý nghĩ “Những lựa chọn này có giá trị kỳ vọng ngang nhau” sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm.
ĐIỀU CHỈNH QUAN ĐIỂM DẦN DẦN
Tôi đã dành phần lớn nội dung của chương này để lý giải làm thế nào lính trinh sát có thể ứng phó với sự không chắc chắn trong cuộc sống của họ. Làm thế nào để bạn vừa có thể duy trì tinh thần của mình vừa có thể nhìn nhận chính xác về khả năng mọi chuyện có thể diễn ra tốt đẹp?
Nhưng trước khi kết thúc chủ đề “triết lý của tư duy xác suất”, tôi muốn nói về một cách tiếp cận khác, một cách tiếp cận có vẻ hơi trái ngược mà theo đó sự không chắc chắn có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn sự chắc chắn.
Hãy tưởng tượng có hai người tên là Alice và Brooke. Alice thường suy nghĩ theo kiểu phân định rõ ràng giữa trắng và đen. Đối với cô, chỉ có đúng tuyệt đối hoặc sai tuyệt đối. Trong khi đó, Brooke thường suy nghĩ theo nhiều cấp độ khác nhau giữa trắng và đen. Brooke có nhiều mức độ tự tin khác nhau đối với từng quan điểm của mình, từ gần 0 cho đến gần 1.
Đối với vấn đề nhập cư, quan điểm của Alice là “chúng ta cần thu hút thêm người nhập cư”. Cô không hề nghi ngờ cũng không hề thử kiểm tra hay tìm kiếm kẽ hở trong quan điểm đó.
Khác với Alice, quan điểm của Brooke nói là “tôi tin chắc 80% là chúng ta nên thu hút thêm người nhập cư”. Brooke nghĩ những luận điểm cho rằng nên thu hút thêm người nhập cư là rất hợp lý; nhưng cô cũng nghĩ nhập cư là một vấn đề phức tạp, và cô vẫn chưa cân nhắc các bằng chứng liên quan. Do đó, Brooke cho rằng 80% là mức độ tự tin hợp lý.
Nếu sự chắc chắn giúp chúng ta cảm thấy yên tâm, thì có thể bạn sẽ cho rằng Alice cảm thấy yên tâm hơn Brooke. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một nghiên cứu công bố rằng lượng người nhập cư tăng sẽ làm tỷ lệ thất nghiệp tăng?
Khi đó Alice sẽ phải tìm cách để phủ nhận kết quả nghiên cứu này. Nếu không thể làm được điều đó thì Alice sẽ đối mặt với nguy cơ phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình, vì với Alice, mọi thứ đều chỉ có đúng tuyệt đối hoặc sai tuyệt đối.
Ngược lại, Brooke không cần phải đối mặt với những nguy cơ như Alice. Brooke có thể xem xét nghiên cứu kia, nếu cô muốn. Nếu cảm thấy nghiên cứu đó có vẻ đáng tin cậy, Brooke đơn giản chỉ cần điều chỉnh mức độ tự tin của mình trong vấn đề “thu hút thêm người nhập cư” xuống một chút, có thể từ 80% xuống 75% chẳng hạn.
Về sau, có thể nghiên cứu đó sẽ được chứng minh là có kẽ hở. Hoặc nếu có bằng chứng cho thấy người nhập cư giúp kinh tế tăng trưởng thì sự tự tin của Brooke về vấn đề nhập cư có thể tăng lên 80% trở lại, thậm chí cao hơn. Ngược lại, có thể về sau Brooke sẽ tìm được bằng chứng cho thấy mặt trái của nhập cư, và vì thế mức độ tự tin của cô có thể giảm dưới mức 75%. Nhưng dù sao thì những sự điều chỉnh niềm tin đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của Brooke.
Có một điều cần phải được làm rõ: tôi không phải đang khuyên bạn điều chỉnh quan điểm dần dần vì đây là cách tư duy ít áp lực hơn, mà vì đây là cách tư duy hợp lý hơn. Hầu hết mọi thứ đều phức tạp, và hầu hết mọi chứng cứ đều không rõ ràng. Nếu bạn thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình về một vấn đề phức tạp nào đó, thì hẳn là bạn đang phạm sai lầm.
Thật tình cờ, và cũng thật may mắn cho những ai có tư duy trinh sát, vì cách chính xác để lập luận có tác dụng phụ là giúp chúng ta thấy thoải mái hơn.
Thành thật mà nói, bạn học cách đánh giá bản thân dựa trên chất lượng của lựa chọn đặt cược không có nghĩa là cả thế giới cũng sẽ đánh giá bạn theo cách đó. Bạn vẫn sẽ nghe rất nhiều người nói: “Nếu bạn thất bại thì điều đó chứng tỏ bạn đã sai khi quyết định thử”.
Các chuyên gia dự báo thiên tai phải đối mặt với những lời than phiền của công chúng mỗi khi có một thiên tai xảy ra nhưng lại không nghiêm trọng như những gì họ đã cảnh báo.
Mỗi khi thất bại trong một dự án nào đó, các nhà đầu tư mạo hiểm phải hứng chịu không ít những câu hỏi giễu cợt như “Làm thế nào mà anh có thể nghĩ đó là một ý hay được nhỉ?”, mặc dù đó thật sự là một lựa chọn đặt cược tốt khi đầu tư vào nhiều dự án nổi bật và có khả năng trở thành một Facebook thứ hai.
Cầu thủ bóng chày Trevor Bauer chắc chắn đã phải chịu đựng những lời chê bai của nhiều bình luận viên về những xác suất ngẫu nhiên ngoài tầm kiểm soát của anh, hoặc bị người khác buộc tội rằng anh không có vẻ gì là hối tiếc về những “thất bại” của mình.
Nhưng đừng bao giờ coi thường giá trị của việc theo đuổi một quá trình mà bạn biết là xứng đáng, bất kể người khác có nhận ra hay không. Bạn sẽ có được sức mạnh nội tại và sự tự tin từ việc tin tưởng vào quá trình của mình, từ việc biết rằng bạn đang ra những quyết định đúng đắn, ngay cả khi mọi người không nhận thấy điều đó. Bạn sẽ có được cảm giác hoàn toàn yên tâm từ việc biết rằng nếu kế hoạch của bạn thất bại, thì bạn vẫn có thể thành thật nói với bản thân: “Mình đã biết chuyện này có nguy cơ xảy ra, nhưng nó đáng để mình đặt cược. Nếu được chọn lại lần nữa thì mình vẫn sẽ chọn như vậy”.