“Hiểu mình là điểm khởi đầu của sự thông thái.”
- Aristotle
“Sau khi đã thóat ra khỏi sự trói buộc của tấm bản đồ quá hoàn hảo, nhà thám hiểm của chúng ta lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá những vùng đất mới. Mỗi khi nhìn thấy một ngọn núi cao, ông rất hào hứng leo lên đến đỉnh núi. Khi lên tới đỉnh, ông lại nhìn thấy một ngọn núi cao hơn và rất hăm hở chinh phục đỉnh cao mới mà không mấy bận tâm tới sự mệt mỏi. Nhưng khi trước mắt mình không có ngọn núi nào mà chỉ có đồng bằng hay đại dương rộng lớn, ông lại không biết nên đi về đâu.”
Trong chương 1, chúng ta đã nhắc tới hình ảnh của những vận động viên chạy bộ để minh hoạ cho sự khác biệt giữa việc học để phục vụ một mục tiêu thi cử ngắn hạn và học tập suốt đời. Trong cuộc sống hàng ngày, có khá nhiều khía cạnh có vẻ giống như những cuộc chạy đua. Trong đó, có những cuộc chạy đua nước rút đòi hỏi sự bứt phá, và cả những cuộc chạy đua đường dài đòi hỏi sự bền bỉ.
Thế nhưng, xin hãy cẩn thận với mọi cuộc đua có thể xảy ra trong suốt cuộc đời của bạn. Bạn sẽ ra sao nếu dùng thước đo của người khác để định nghĩa cuộc đời mình và trói buộc bản thân vào các quan điểm của người khác?(1) Bạn có muốn bước vào một đường đua mà không biết rằng nó sẽ dẫn về đâu? Nếu tham gia một cuộc đua như vậy, tới một lúc nào đó, bạn sẽ đơn độc gục ngã giữa đường. Bạn chẳng có cách nào biết được vào lúc nào, ở đâu đó, mới có một người cán đích, và bạn cũng chẳng thể biết được vạch đích ấy trông như thế nào.
Chú thích:
(1) Về ‘thước đo cuộc đời’, tham khảo thêm Christensen, C. M. (2017). How will you measure your life?(Harvard business review classics). Harvard Business Review Press.
Chúng ta chẳng lạ lẫm gì truyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa. Thế nhưng đôi lúc chúng ta lại quên rằng, đôi khi ta có thể là rùa và đôi khi lại chính là thỏ. Quan trọng hơn nữa, ta quên mất rằng ta không cần phải chạy đua với bất kì ai ngoài kia. Trong chính bản thân chúng ta luôn tồn tại một vài chú thỏ và một vài chú rùa với những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Trong những chú thỏ nhanh nhẹn ấy, có những chú ham chơi và có những chú chăm chỉ. Trong những chú rùa bền bỉ ấy, có những chú bền bỉ tiến lên, và có cả những chú bền bỉ đi lùi lại. Sẽ thật thú vị nếu bạn có thể hiểu những chú rùa và chú thỏ trong chính bản thân mình. Và, nếu bạn có thể trò chuyện để những chú thỏ và rùa này hợp tác với nhau, đó thực sự là một điều tuyệt vời.
Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số quan điểm và công cụ để giúp bạn xác định được những đoạn đường khác nhau mà những chú thỏ và rùa bên trong mình cần đồng hành. Qua đó, chúng tôi hy vọng bạn sẽ khám phá ra những con đường của riêng mình và cất bước trên hành trình đó, thay vì quan tâm đến việc chạy đua với những người khác trên những con đường xa lạ.
2.1 IKIGAI
Ikigai (生 き 甲 斐 – ‘một lý do để tồn tại’) là một khái niệm đã hiện hữu lâu đời trong nền văn hóa Nhật Bản, để chỉ một thứ gì đó đem lại cho một người ý niệm về mục đích, lý do để sống. Trong đó, ‘Iki’ (生 き) nghĩa là ‘sống’, và ‘gai’ (甲 斐) nghĩa là ‘lý do’. Trong khuôn khổ cuốn sách này, chúng tôi tạm dịch Ikigai là ‘lẽ sống’.
Ikigai được cho là xuất phát từ đảo Okinawa – nơi được mệnh danh là ‘vùng đất của những người bất tử’ từ thời Heian (794-1185). Ở góc độ học thuật, Mieko Kamiya – một Bác sĩ Tâm thần, học giả – là người phổ biến thuật ngữ này vào năm 1966 qua cuốn sách ‘Về Ý nghĩa cuộc sống’ (生きがいについて)(1).
Marc Winn là một doanh nhân, chuyên gia huấn luyện người Anh đã dành nhiều năm trời vận dụng Ikigai để giúp các chủ doanh nghiệp tìm ra ‘lý do để thức dậy vào mỗi sáng’. Năm 2014, Marc Winn đã giới thiệu một sơ đồ để minh hoạ trực quan khái niệm Ikigai(2). Từ đó tới nay, sơ đồ này đã đóng góp vai trò không thể thay thế được trong việc quảng bá khái niệm Ikigai trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mặc cho sự phổ biến đó, những người Nhật Bản đã quen thuộc với Ikigai lại không mấy thân thuộc với sơ đồ này. Thông thường, Ikigai không gắn với các mục tiêu về tài chính. Trong cuốn Giving every day meaning and joy (tạm dịch: Mang lại ý nghĩa và niềm vui mỗi ngày), tác giả Mitsuhashi còn cho rằng: “Đặt sự nghiệp và vị thế xã hội làm trọng tâm sẽ làm giảm ý nghĩa và giá trị thực sự của Ikigai.” (3)
Chú thích:
(1) Ota, Y. (2006). A Woman with Demons: The Life of Kamiya Mieko. McGill-Queen’s Press- MQUP.
(2) Winn, M. (2014). What is your Ikigai. The View Inside Me. https://theviewinside.me/ what-is-your-ikigai/
(3) Mitsuhashi, Y. (2018). Ikigai: Giving every day meaning and joy. Hachette UK.
Sơ đồ minh hoạ khái niệm Ikigai của Marc Winn.
Trong cuốn sách Awakening Your Ikigai (tạm dịch: Thức tỉnh lẽ sống của bạn), nhà thần kinh học Ken Mogi cho rằng Ikigai có thể là những điều mà ta mong muốn đạt được trong cuộc sống và sự nghiệp, hoặc cũng có thể chỉ đơn thuần là lý do khiến chúng ta thức dậy vào mỗi sáng(1).
Chú thích:
(1) Mogi, K. (2018). Awakening Your Ikigai: How the Japanese wake up to joy and purpose every day. The Experiment.
Ken Mogi cũng đưa ra năm gợi ý để giúp chúng ta có thể tìm ra Ikigai cho bản thân mình:
• Hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ. Khi hoàn thành từng việc, bạn sẽ dần nhận ra được sự đóng góp của mình cho thế giới xung quanh.
• Hãy nhìn nhận thẳng thắn những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và chấp nhận chúng.
• Sống hài hòa, bền vững với môi trường, với cộng đồng xung quanh.
• Tận hưởng những niềm vui nhỏ nhất, thay vì luôn chờ đợi những điều to tát, lớn lao.
• Tận hưởng hiện tại, ở đây và bây giờ, thay vì những mơ mộng xa xôi.
Năm gợi ý của Ken Mogi nghe có vẻ đơn giản nhưng việc thực hành được chúng một cách thực sự và đều đặn lại không hề đơn giản chút nào. Những gợi ý này cũng khá giống với tư tưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ. Phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ là đi trên hành tinh xanh xinh đẹp này trong giây phút hiện tại, biết trân quý sự bình an và vẻ đẹp có sẵn ngay bây giờ.” (1)
Ikigai không phải là một thứ gì đó cố định, bất biến và bạn cũng không thể cứ thế ngồi một chỗ suy nghĩ rồi tìm ra được Ikigai của mình. Với mục đích hướng tới một hành trình học tập suốt đời, chúng tôi xin giới thiệu cho bạn một bài tập nhỏ mà có lẽ thi thoảng bạn sẽ làmđi làm lại. Bằng việc thực hiện bài tập này, có thể bạn sẽ hiểu hơn về những chú thỏ và chú rùa đang ẩn náu trong bạn cũng như tìm cách giao tiếp với chúng hiệu quả hơn. Bên cạnh việc thực hiện bài tập này, việc bạn thực sự sống với những câu trả lời mà mình viết ra sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn giá trị của bản thân mình trong từng giây phút hiện tại. Có thể một ngày nào đó, khi bạn đã Shuhari đủ nhiều với bài tập này, bạn sẽ thực sự tìm ra được Ikigai – lẽ sống của riêng mình.
Chú thích:
(1) Hanh, T. N. (2005). Touching peace: Practicing the art of mindful living. Parallax Press.
“Ikigai có thể là bất kì điều gì, từ việc ngắm mặt trời mọc, thử một công thức nấu ăn mới, tham gia tình nguyện hay dành thời gian bên gia đình… miễn là nó đem lại niềm vui, hạnh phúc và cảm giác có động lực”
- Ken Mogi
Bài tập khám phá Ikigai
Bước 1. Xây dựng bốn danh sách
Viết ra nhiều nhất có thể các từ khóa hiện lên trong đầu bạn
Hãy đánh dấu những ý tưởng đã gắn bó với bạn suốt một khoảng thời gian dài.
Hãy thử nghĩ xem: Điều gì là quan trọng nhất với bạn? Điều gì đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của bạn? Bạn sẽ làm gì nếu như không phải lo lắng tới các vấn đề tài chính?
Bước 2: Tìm những điểm tương đồng
Hãy tìm điểm tương đồng giữa cột 1 và 2, cột 2 và 3, cột 3 và 4, cột 4 và 1 ở bước 1, sau đó điền vào bảng dưới đây.
Bước 3: Xác định IKIGAI của bạn
Nhìn nhận lại các từ khóa ở bước 2, tìm ra điểm tương đồng giữa chúng và thử gọi nó bằng một ĐỘNG TỪ. Ví dụ, với Tim Tamashiro – tác giả của cuốn How to Ikigai, Ikigai của ông là động từ “Thắp sáng” (delight)(1).
Một số ví dụ khác: Kết nối; Phục vụ; Truyền cảm hứng; Kiến tạo; Khám phá; Thiết kế; Tinh chỉnh; Hàn gắn…
IKIGAI của tôi là:
Chú thích:
(1) Tamashiro, T. (2019). How to Ikigai: Lessons for Finding Happiness and Living Your Life's Purpose. Tantor Media.
Nên
|
• Hãy nhớ rằng, Ikigai không thể đạt được trong một sớm một chiều, nên điều bạn cần làm là hãy kiên nhẫn thực hiện; • Với mỗi quyết định về tài chính, sự nghiệp hay bất cứ thứ gì, bạn nên cân nhắc các lĩnh vực khác trong biểu đồ Ikigai. Không phải đam mê nào cũng tốt, nếu nó không giúp bạn chu cấp được cho những nhu cầu cơ bản, hoặc không nằm trong những kỹ năng mà bạn có; • Để có thể dễ dàng tìm ra Ikigai của bản thân, bạn hãy tạo thói quen lắng nghe cơ thể của mình mỗi sáng sớm. Thay vì lướt facebook hay nằm ngủ cố thêm 10-15 phút mỗi sáng, bạn hãy thực hiện vài động tác để thả lỏng cơ thể, điều này sẽ giúp bạn thư giãn và tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày mới; • Gặp gỡ và trò chuyện cùng bạn bè. Thay vì ở trong vòng luẩn quẩn của mình là đi làm rồi về nhà, bạn hãy dành thời gian cuối tuần gặp gỡ bạn bè. Điều này không chỉ giúp bạn giải tỏa được căng thẳng trong công việc, mà đôi khi còn đem lại nguồn cảm hứng hay mở ra nhiều cơ hội khác; • Bản đồ Ikigai sẽ giúp bạn xác định mình đang ở đâu. Từ đó, nếu bạn có nhu cầu đi tìm Ikigai thì hãy phát huy những điểm mạnh, những gì mình đang làm tốt là lấp đầy những kỹ năng đang còn thiếu để đạt đủ bốn mảnh ghép cấu thành nên Ikigai; • Định kỳ rà soát lại Ikigai của mình, bởi Ikigai là sự giao thoa giữa các yếu tố và những yếu tố này có thể thay đổi tùy vào thời gian, không gian, nên Ikigai cũng sẽ không “nằm yên” mà liên tục thay đổi, biến hóa. |
Không nên
|
• Không nên ngại thử những điều mới, bởi biết đâu đó sẽ là điều phù hợp với bạn; • Không nên thất vọng nếu bạn cảm thấy mình chưa tìm được Ikigai. Không phải ai cũng nhất thiết phải đạt đến Ikigai. Để có thể đạt được Ikigai, chúng ta không chỉ phải thực sự hiểu được bản thân, mà còn cần những nỗ lực không ngừng nghỉ. Hãy nhớ rằng bạn có cả cuộc đời mình cho hành trình này, đáp án có thể nằm trên con đường chứ không hề có một vạch đích nào cả. |
2.2 Mô hình hoạt động cá nhân – Personal Business Model Canvas (PBMC)
Canvas là tên của một loại vải bạt được các hoạ sĩ dùng để vẽ tranh. Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả việc cô đọng lại toàn bộ thông tin vào trong một trang giấy duy nhất để có cái nhìn tổng quát. Trong quá trình sắp xếp các mớ thông tin lộn xộn vào từng khu vực trên trang giấy, bạn sẽ bắt đầu nhận ra mối liên hệ giữa những thông tin này, từ đó dần xác định được các điểm mù (blind spots) mà bạn chưa nhìn thấy, cũng như các khoảng trống (blank spots) mà bạn cần phải lấp đầy.
Mô hình Canvas nổi tiếng nhất là Business Model Canvas (BMC), được Alex Osterwalder và Yves Pigneur giới thiệu vào năm 2010, trong cuốn Business Model Generation (tạm dịch: Tạo lập Mô hình Kinh doanh)(1). Hai năm sau đó, cùng với Timothy Clark, hai ông cho ra đời phiên bản BMC dành cho cá nhân, để mỗi người có thể suy nghĩ và đưa ra những cải tiến về các công việc của mình, chứ không chỉ gói gọn trong các hoạt động kinh doanh(2). Mô hình này được gọi là Mô hình hoạt động cá nhân – Personal Business Model Canvas (PBMC).
Chú thích:
(1) Osterwalder, A., & Pigneur, Y. (2010). Business model generation: A handbook for visionaries, game changers, and challengers (Vol. 1). John Wiley & Sons.
(2) Clark, T., Osterwalder, A., & Pigneur, Y. (2012). Business model you: A one-page method for reinventing your career. John Wiley & Sons.
Bản tiếng Việt
Bản tiếng Anh
Cách sử dụng PBMC:
1. Tạo bản nháp PBMC đầu tiên.
2. Suy ngẫm và xác định các vấn đề, khó khăn.
3. Tái tạo một bản PBMC mới.
4. Hành động.
Hãy lần lượt điền vào từng ô trong biểu mẫu PBMC bằng việc trả lời các câu hỏi gợi ý dưới đây. Xin lưu ý rằng, các thuật ngữ ‘khách hàng’ hay ‘đối tác’ không có ý chỉ các mối quan hệ trong kinh doanh. ‘Khách hàng’ là bất cứ ai mà bạn giúp, và ‘đối tác’ là bất cứ ai tương trợ, hợp tác với bạn.
(1) Bạn giúp ai?
• Bạn đem lại Giá trị cho ai?
• Ai là khách hàng quan trọng nhất của bạn?
• Ai là người phụ thuộc vào bạn để hoàn tất công việc của họ?
• Ai là khách hàng của bạn?
(2) Bạn giúp họ thế nào?
• Bạn đem lại Giá trị gì cho khách hàng?
• Bạn giúp giải quyết vấn đề hay đáp ứng nhu cầu gì của họ?
• Hãy mô tả những lợi ích cụ thể khiến khách hàng hài lòng khi đón nhận kết quả công việc của bạn.
(3) Họ biết tới bạn bằng cách nào? Bạn chuyển giao các giá trị thế nào?
• Khách hàng của bạn sẽ muốn được tiếp cận qua những kênh nào?
• Bạn đang tiếp cận họ thế nào?
• Đâu là những kênh hiệu quả nhất?
• Bạn tương tác với họ thế nào?
• Mối quan hệ với khách hàng mà bạn đã thiết lập và duy trì là gì?
• Hãy mô tả những loại mối quan hệ mà bạn đang có.
(4) Bạn là ai? Bạn có gì?
• Điều gì khiến bạn cảm thấy thú vị nhất về công việc của mình? Hãy thử sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, đó là:
○ Những người bạn cộng tác?
○ Những thông tin, ý tưởng?
○ Cơ sở vật chất, không gian làm việc?
• Hãy mô tả một vài năng lực của bạn (những gì mà bạn có thể làm một cách tự nhiên mà không cần phải gắng sức chút nào) và một vài kỹ năng (những gì bạn được huấn luyện).
• Một số Tài nguyên chính mà bạn có là gì?
○ Các quan hệ cá nhân?
○ Sự tín nhiệm?
○ Kinh nghiệm?
○ Các nguồn lực vật lý?
○ …
(5) Bạn làm gì?
• Hãy liệt kê một vài hoạt động cốt yếu mà bạn thực hiện mỗi ngày, khiến cho bạn trở nên khác biệt so với những người khác.
• Đâu là hoạt động thực sự cần thiết để định vị Giá trị của bạn?
• Đâu là hoạt động mà bạn cần làm để có được những kênh tiếp cận khách hàng và những mối quan hệ hiệu quả?
(6) Ai giúp bạn?
• Ai giúp bạn trong quá trình tạo ra Giá trị mới?
• Ai giúp bạn theo một cách nào đó khác? Và họ giúp bạn thế nào?
• Có ai có thể cung cấp cho bạn những Nguồn lực chính, hoặc giúp bạn thực hiện những Hoạt động chính không? Và liệu họ có giúp bạn không?
(7) Bạn cho đi những gì?
• Bạn cần phải tiêu tốn những gì cho công việc (thời gian, năng lượng…)?
• Bạn cần phải từ bỏ những gì để có thể làm được những việc này (thời gian cho gia đình, cá nhân…)?
• Đâu là những Hoạt động chính ‘đắt đỏ’ nhất (gây kiệt sức, căng thẳng)?
• Hãy liệt kê những chi phí ‘mềm’ và ‘cứng’ liên quan tới công việc của bạn.
‘Chi phí mềm’:
○ Sự căng thẳng, không hài lòng, thiếu linh hoạt
○ Thiếu các cơ hội phát triển cá nhân và chuyên môn
○ Ít sự ghi nhận và đóng góp cho xã hội
○ …
‘Chi phí cứng’:
○ Tiêu tốn nhiều thời gian
○ Phải di chuyển nhiều
○ Phải tự lo các chi phí liên lạc, đi lại
○ Phải tự lo các chi phí huấn luyện, đào tạo, công cụ…
○ …
(8) Bạn nhận lại những gì?
• Khách hàng sẵn sàng chi trả cho Giá trị nào của bạn?
• Họ sẽ trả những gì ngay lúc này? Như thế nào?
• Hãy mô tả những lợi ích mà bạn nhận được.
‘Lợi ích cứng’:
○ Một khoản lương cố định
○ Chi phí thuê khóan chuyên môn
○ Hóan đổi bằng hiện vật
○ Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thương tật
○ Trợ cấp hưu trí
○ Quyền chọn cổ phiếu hoặc chia sẻ lợi nhuận
○ Hỗ trợ học phí
○ …
‘Lợi ích mềm’
○ Sự hài lòng, thích thú
○ Phát triển chuyên môn
○ Sự công nhận
○ Cống hiến xã hội
○ Giờ giấc hoặc điều kiện linh hoạt
○ …
Từ kinh nghiệm thực hành và huấn luyện các học viên trong hơn năm năm qua, chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý nhỏ để bạn có thể sử dụng bản PBMC của mình hiệu quả hơn.
• Nếu bạn tiến hành trên một bản PBMC khổ to, bạn có thể sử dụng giấy note nhiều màu, và tự mình quy định xem nhóm màu nào mang ý nghĩa gì.
• Bạn cũng có thể in một bản PBMC khổ A3 hoặc A2 rồi ép plastic và dùng lại nhiều lần với bút dạ.
• Khi bắt đầu xây dựng bản nháp đầu tiên, bạn có thể tuân thủ theo thứ tự các ô và các câu hỏi kể trên.
• Khi đã hoàn thành bản nháp đầu, hãy lấy ô ‘Giá trị cốt lõi’ làm trọng tâm. Từ ô này kéo sang bên phải, là bức tranh nhỏ thứ nhất, về mối quan hệ giữa bạn và ‘khách hàng’. Từ ô này kéo sang bên trái, là bức tranh nhỏ thứ hai, về mối quan hệ giữa bạn và các ‘đối tác’. Từ ô này kéo xuống dưới, là bức tranh nhỏ thứ ba, về mối quan hệ giữa bạn với chính bạn. Cảm thấy khó có thể đánh giá được bức tranh lớn ngay, bạn có thể phân tích từng bức tranh nhỏ này trước.
• Bạn cũng có thể vẽ các mũi tên để tạo thành đường nối những ô không nằm cạnh nhau. Giả sử, một mũi tên nối ô‘Giá trị cốt lõi’ với ô ‘Khách hàng’ sẽ có thể đi vắt qua ô ‘Mối quan hệ’ hoặc ô ‘Các kênh’. Hãy vẽ cả hai mũi tên này và thử nghĩ xem, ‘Mối quan hệ’ và ‘Kênh’ nào sẽ cần được ghi chú lên mũi tên đó.
• Nếu có nhiều hơn một mũi tên nối hai ô với nhau, bạn có thể dùng nhiều màu khác nhau, với quy ước của riêng bạn về việc màu nào biểu thị cho nhóm giá trị/đối tượng/hoạt động nào.
• Trong cùng một thời điểm, bạn cũng có thể xây dựng nhiều bản PBMC cho nhiều mảng việc khác nhau. Sau khi đã hoàn tất các bản PBMC riêng biệt, hãy thử xem bạn có gộp chúng được thành một bản hay không? Nếu không thì cũng không sao cả, bạn vẫn sẽ nhận ra một số chỗ ‘ngứa ngáy’ để tiếp tục cải tiến, chỉ cần bạn thực sự chú tâm vào các bản nháp này là được.
• Bạn có thể vẽ một bản PBMC cho hiện tại, và một bản PBMC cho tương lai, dựa trên các giá trị mà bạn đã phác thảo trong hoạt động thử tìm Ikigai. Sau đó, hãy thử so sánh hai bản PBMC và xem bạn cần phải làm gì?
• Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có thể chia sẻ các bản PBMC của mình với một người đi trước và một người đồng hành. Việc chia sẻ này chắc chắn sẽ giúp bạn nhìn nhận ra nhiều điểm mù (blind spots) và khoảng trống (blank spots). Không những thế, quá trình thảo luận này sẽ giúp bạn ‘Hari’ tốt hơn, cũng như đem lại cho bạn kinh nghiệm để giúp đỡ một bạn nhỏ nào đó trong tương lai, với vai trò là một người đi trước.
• Cuối cùng, xin hãy nhớ rằng không bao giờ có một bản PBMC hoàn hảo cả. PBMC là công cụ giúp bạn sắp xếp dữ kiện và tư duy mạch lạc hơn chứ không phải tấm bản đồ để bạn tự giam mình. Hãy luôn nhớ rằng việc bạn cần phải làm là hành động.
Bạn có thể tải miễn phí các biểu mẫu PBMC để tự mình thực hành: