“Càng tĩnh lặng bao nhiêu, bạn càng nghe được nhiều bấy nhiêu.”
- Thích Ca Mâu Ni
“Nhà thám hiểm không còn cảm giác lạc lõng trước những không gian rộng lớn nữa, bởi ông biết mình cần đi về đâu. Không những thế, ông không chỉ cứ thế đi từ vùng đất này qua vùng đất khác, mà còn giúp đỡ rất nhiều người trong suốt hành trình của mình. Càng đi, ông càng cảm thấy yêu thích cuộc du hành của mình và càng muốn giúp nhiều người hơn. Ông gật đầu đối với mọi lời đề nghị và luôn cố gắng hết sức mình. Thế nhưng sức người có hạn, có những lời hứa mà ông không biết cách thực hiện, có những lúc ông tưởng chừng đang giúp người khác nhưng lại khiến họ và chính bản thân ông trở nên tệ hơn. Ông bắt đầu hoài nghi về lý do khiến mình thức dậy mỗi sáng và bỗng chốc, ông không muốn tiếp tục cuộc hành trình này nữa.”
Trong chương 2, bạn đã được làm quen với Ikigai và PBMC. Việc liên tục kiếm tìm Ikigai và cập nhật PBMC cũng giống như bạn liên tục nhìn vào chiếc la bàn để xác định phương hướng trong từng khoảng thời gian cụ thể. Thế nhưng biết rằng mình đang đi đâu, làm gì mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Bạn cần trang bị cho bản thân một tinh thần sẵn sàng và một cơ thể khỏe mạnh. Bên cạnh việc biết lúc nào nên làm gì, bạn cũng cần xác định xem lúc nào nên từ chối người khác, từ chối chính bản thân mình và không làm gì cả.
3.1 Một tinh thần sẵn sàng
Nhập vào Dòng chảy Tâm lý
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mối lo ngại của các thế hệ phụ huynh và giáo viên đối với việc học sinh sử dụng rất nhiều các thiết bị điện tử. Thế nhưng, ít ai ngờ tới rằng mối lo ngại tương tự đã tồn tại từ rất lâu. Khoảng đầu thập niên 1920, người ta lo ngại rằng sóng vô tuyến sẽ làm hỏng não bộ của chúng ta. Khoảng mười năm sau đó, khi TV dần trở nên phổ biến, nhiều người cũng đã bày tỏ mối lo tương tự với TV. Thậm chí nhiều thế kỷ trước, những cuốn sách, tờ báo được in hàng loạt nhờ vào tiến bộ của công nghệ in ấn cũng từng bị chỉ trích rằng sẽ khiến cho tư duy của con người bị thóai hóa.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Wall Street Journal vào năm 2017, Giáo sư Posner (Viện Khoa học Thần kinh, Đại học Oregon, Hoa Kỳ) đã nói: “Thực sự không tồn tại bằng chứng nào cho thấy khoảng chú ý (attention span) của con người thay đổi, kể từ khi nó lần đầu được ghi nhận vào khoảng cuối những năm 1800” (1). Quả là các tác nhân gây sao lãng xuất hiện ngày càng nhiều. Và có vẻ, đổ lỗi cho chúng thì dễ hơn nhiều so với việc tự nhìn nhận rằng chúng ta không có được sự chú tâm vào công việc mà chúng ta đang làm.
Chú thích:
(1) Xem thêm: https://www.wsj.com/articles/is-your-attention-span-shorter-than-a- goldfishs-1487340000
Flow, hay Psychological flow (Dòng chảy, hay Dòng chảy Tâm lý) là một khái niệm được giới thiệu bởi Mihaly Csikszentmihalyi để chỉ một trạng thái tinh thần mà ta tập trung hoàn toàn, tuyệt đối vào công việc đang làm, không nghĩ đến bất cứ thứ gì khác, kể cả các nhu cầu vật lý như đói, khát. Khi ấy, ta ở trong một trạng thái hứng thú cao độ, hành động và ý thức đều được hợp nhất, thậm chí không cảm nhận được thời gian đang trôi đi như bình thường. Nói cách khác, Flow là trạng thái mà ta vừa tập trung, vừa hạnh phúc vì đang giải quyết một công việc thách thức cao, đòi hỏi một năng lực cao(1).
Chú thích:
(1) Csikszentmihalyi, M., (1990). Flow: The psychology of optimal experience. New York: Harper & Row.
Mihaly Csikszentmihalyi lưu ý rằng, chúng ta sẽ chỉ đạt được trạng thái Flow (vùng số 8) khi đạt được cả hai thứ cùng lúc: sự thách thức trong công việc, và năng lực đủ để kiểm soát thách thức đó. Vùng số 1 là trạng thái thờ ơ, khi năng lực thực thi của bạn thấp và công việc cũng quá dễ dàng, bạn đơn thuần chỉ hoàn thành công việc theo quán tính, làm cho xong.
Tương quan giữa Flow với năng lực và tính thách thức của công việc (Csikszentmihalyi, 1990).
Vùng 2, 3 là khi bạn gặp những công việc khó hơn nhưng năng lực của bản thân chưa đủ đáp ứng. Khi ấy, bạn cần phải trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để chuyển sang vùng 4 (nhập tâm), từ đó tạo ra bước đệm để bạn thực sự nhập vào dòng chảy (Flow). Ở chiều ngược lại, vùng 5, 6 là khi bạn đang làm những việc quá dễ so với năng lực của mình. Bạn thấy tự tin, thoải mái, có thể hài lòng, nhưng không thực sự hạnh phúc. Thử sức với những công việc khó hơn sẽ giúp bạn dịch chuyển qua vùng 7 (kiểm soát), trước khi nhập vào dòng chảy (Flow).
Cũng theo Mihaly Csikszentmihalyi, chúng ta cần có 7 điều kiện để có thể nhập được vào dòng chảy (Flow):
• Biết rõ mình đang làm gì.
• Biết rõ cách thực hiện.
• Biết rõ năng lực bản thân có thể làm tốt tới đâu.
• Biết rõ việc đang làm sẽ đem lại mục tiêu gì.
• Biết rõ việc đang làm là một thử thách thực sự thú vị.
• Biết rõ mình có những kỹ năng gì.
• Không bị phân tâm.
Tư duy Phát triển – Growth mindset
Trong khoảng những năm 1970, nhà nghiên cứu Carol Dweck(1) đã bắt đầu nghiên cứu năng lực phục hồi sau thất bại của trẻ nhỏ. Bà đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng một vài đứa trẻ không cần phải “phục hồi”, bởi thất bại không phải thứ khiến cho chúng phải loay hoay đối phó mà là cơ hội để học được một bài học mới.
Dựa trên các nghiên cứu của mình, Carol Dweck đã đề xuất khái niệm Growth mindset (Tư duy phát triển/Tư duy cầu tiến)(2). Theo bà, mindset (tư duy) chính là một dạng tự nhận thức về bản thân của mỗi người. Một ví dụ đơn giản mà chúng ta thường thấy, đó là niềm tin rằng bản thân mình ‘thông minh’ hoặc ‘không thông minh’. Trong lý thuyết của mình, Carol phân định hai loại tư duy, bao gồm:
• Tư duy cố định (Fixed mindset): Cho rằng trí thông minh và năng lực của bản thân là tương đối cố định và không thể phát triển được.
• Tư duy phát triển (Growth mindset): Cho rằng trí thông minh và năng lực có thể phát triển. Ta có thể trở nên thông minh hơn, tài năng hơn thông qua nỗ lực, rèn luyện.
Chú thích:
(1) Nay là Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ.
(2) Dweck, C. S. (2008). Mindset: The new psychology of success. Random House Digital, Inc..
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai lối suy nghĩ này nằm ở niềm tin vào các giới hạn (cố định) của trí thông minh và năng lực. Sự khác biệt ở niềm tin này cũng dẫn tới sự khác biệt ở hành vi. Những người tin rằng trí thông minh và năng lực của mình là bất biến (tư duy cố định) sẽ không nỗ lực để thay đổi những gì mình vốn có. Trái lại, những người tin rằng trí thông minh và năng lực của bản thân có thể phát triển được sẽ cố gắng, nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu hơn. Bên cạnh đó, những người mang tư duy phát triển cũng ít lo lắng về việc phải tỏ ra thông minh hoặc giỏi giang hơn người khác. Họ dành thời gian ấy cho những nỗ lực cải thiện chính mình.
Sự phân định này của Carol Dweck đã đem lại nhiều tác động sâu rộng tới các trường học. Nó tác động lên cách giáo viên và học sinh nghĩ về việc học. Một ví dụ đơn giản, thay vì đơn thuần khen ngợi rằng “Em thật thông minh”, giáo viên sẽ đưa ra phản hồi về quá trình: “Em hẳn đã làm việc rất chăm chỉ!” Carol Dweck đã nhận ra rằng, những khen ngợi về nỗ lực và sự kiên trì sẽ giúp cho học trò tin rằng các em có thể học được nhiều hơn và trở nên thông minh hơn nếu mình chăm chỉ luyện tập, học hỏi.
Cũng trong quá trình Tư duy phát triển lan toả khắp các nhà trường và tổ chức, Carol Dweck cũng đã chỉ ra một số quan niệm mà mọi người thường hiểu sai(1):
• “Chỉ cần có tư duy phát triển, mọi thứ sẽ tốt đẹp đến với bạn”: Tư duy phát triển là một bước khởi đầu tích cực, nhưng nó không phải là sự bảo chứng cho thành công.
• “Tư duy phát triển chỉ là ca ngợi và khen thưởng các nỗ lực”: Chúng ta không nên khen ngợi máy móc, nhất là đối với những nỗ lực không đem lại hiệu quả.
• “Tôi đã có tư duy phát triển rồi, và tôi vẫn luôn giữ nó ở trong đầu”: Tư duy phát triển không phải là một hình thái (cố định) mà bạn có thể sở hữu vĩnh viễn.
Chú thích:
(1) Dweck, C. (2015). Carol Dweck revisits the growth mindset. Education Week, 35(5), 20-24.
Bạn có thể kiếm tìm trên mạng và thấy một bài kiểm tra Tư duy phát triển. Bạn dành vài phút để thực hiện nó rồi kết luận rằng mình luôn có Tư duy phát triển/cố định – đó chính là một ví dụ chân thực nhất của Tư duy cố định. Xin lưu ý rằng, kết quả đó chỉ tương ứng với thói quen của bạn trong thời điểm tiến hành các bài kiểm tra mà thôi. Và nếu bạn có nhận được kết quả là Tư duy cố định, đó cũng không phải là một tin xấu. Điều thú vị là, bạn có thể có Tư duy phát triển trong một phạm vi này, nhưng cũng có thể có Tư duy cố định trong những phạm vi khác.
Xin lưu ý rằng, không bài kiểm tra nào có khả năng đánh giá xu hướng tư duy của bạn một lần và vĩnh viễn cả. Điều quan trọng là trong chính hiện tại, ta nhận thức được xu hướng cố định/phát triển của mình đối với tình huống mà mình đang gặp phải. Nhìn nhận thẳng vào thực tại chính là bước đầu tiên để chúng ta nuôi dưỡng Tư duy phát triển.
Carol Dweck đã liệt kê ra năm tình huống Kích hoạt tư duy cố định (Fixed mindset trigger) (1) mà khi đó, ta có thể bị kéo lùi lại bởi Tư duy cố định:
• Thử thách (Challenge): Việc khó khiến bạn cảm thấy lo sợ rằng mình không có khả năng để hoàn thành nó. Nếu thất bại, bạn có xu hướng đổ lỗi cho mục tiêu quá khó.
• Chướng ngại (Obstacles): Xuất hiện những sự cố khiến công việc trở nên chậm trễ hơn (thất bại ở một công đoạn nào đó, thất bại ở một việc khác, tai nạn, ốm đau…) và bạn có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh.
• Nỗ lực (Effort): Những công việc cần phải dụng công nhiều có khả năng khiến bạn thấy chán nản, từ bỏ mà quên đi mục tiêu, ý nghĩa của công việc.
• Phê phán (Criticism): Sự phê phán từ người khác có thể khiến bạn bực mình, khó chịu, cảm thấy mình thật kém cỏi. Bạn có xu hướng đổ lỗi cho bản thân, và cho rằng mình thật tệ.
• Thành công của người khác (Success of Others): Sự so sánh bản thân với người thành công hơn một cách tiêu cực sẽ đem lại những ý nghĩ ghen tị. Bạn có thể cho rằng người khác “may mắn” hơn mình, và không học được gì từ thành công của họ.
Chú thích:
(1) Dweck, C. (2016). What having a “growth mindset” actually means. Harvard Business Review, 13, 213-226.
Việc nhận ra năm trạng thái kể trên chưa hẳn đã giúp bạn không rơi vào những hoàn cảnh ấy. Điều bạn cần là một cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở với chính bản thân mình.(1)Một cuộc trò chuyện như vậy, rất khó để hình dung, nhưng cũng rất dễ để thực hiện với thứ công cụ vô cùng mạnh mẽ của chúng ta: lời nói. Dưới đây là một số câu nói có thể giúp bạn vun vén Tư duy phát triển:
• Tôi làm chưa tốt [việc này]
• Thách thức này là cơ hội để tôi hoàn thiện bản thân
• Tôi cần phải xem mình đã bỏ sót điều gì
• Tôi có thể làm việc này theo một cách nào khác?
• Tôi cần cố gắng thêm một chút nữa
• Tôi đã làm tốt và có thể làm tốt hơn nữa
• [Những] người khác sẽ làm việc này theo cách nào?
• Tôi vẫn chưa thành thạo [việc này]
• Ai có thể cho tôi một nhận xét có giá trị?
• …
Tất nhiên, chỉ nói những lời ‘cầu tiến’ không thôi là chưa đủ. Tư duy phát triển không phải là một phương thức thôi miên, hay một loại thuốc tăng lực giả khoa học như Lập trình ngôn ngữ tư duy (Neuro-linguistic programming – NLP) (2). Lý thuyết về Tư duy phát triển giúp bạn hiểu rằng niềm tin của bạn vừa là rào cản, vừa là bàn đạp cho sự thành công. Bạn cần hành động nhất quán, một cách có chủ đích (deliberate practice)(3) với những điều mình nói ra. Sự khởi đầu chú tâm sẽ giúp bạn nhận ra giá trị thực sự của cả quá trình nỗ lực bền bỉ. Khi bạn đã đạt được mục tiêu, hãy dành cho chính mình một sự tưởng thưởng xứng đáng. Có thể là một lời khen, một món quà nhỏ, một cuốn sách, một tách cafe, hay đơn thuần là vài phút ngắm nhìn cuộc sống tươi đẹp.
Chú thích:
(1) Dweck, C. S. (2009). Mindsets: Developing talent through a growth mindset. Olympic Coach, 21(1), 4-7.
(2) Lập trình ngôn ngữ tư duy (Neuro-linguistic programming – NLP) là một phương pháp tiếp cận giả khoa học để giao tiếp, phát triển cá nhân và trị liệu tâm lý được Richard Bandler và John Grinder ở California, Hoa Kỳ tạo ra vào những năm 1970. Tới nay, không có bằng chứng khoa học nào hỗ trợ cho những tuyên bố của những người ủng hộ NLP và nó đã bị coi là giả khoa học. Xem thêm Thyer, B. A., & Pignotti, M. (2015). Science and pseudoscience in social work practice. Springer Publishing Company.
(3) Tham khảo thêm về Thực hành có chủ đích (deliberate practices) Ericsson, K. A., Krampe, R. T., & Tesch-Römer, C. (1993). The role of deliberate practice in the acquisition of expert performance. Psychological review, 100(3), 363.
3.2 Một thân thể sẵn sàng
Thể thao và việc học
Bên cạnh việc chuẩn bị một tâm trí sẵn sàng, bạn cũng cần phải có một cơ thể khỏe mạnh. Trong chương 1, chúng ta đã đề cập tới tư tưởng ShuHaRi (Thủ – Phá – Ly), một tiến trình học tập có sự ảnh hưởng lớn trong võ thuật Nhật Bản. Chúng ta cũng có thể nhận thấy một tư tưởng tương đồng trong võ thuật Trung Hoa: Thiên – Địa – Nhân. Trong đó, Địa là giai đoạn nền tảng cơ bản (giống với Shu – Thủ) ; Nhân là giai đoạn phát triển thêm những năng lực mới (giống với Ha – Phá); và Thiên là mức độ cao nhất, chỉ sự thóat thai hóan cốt hoàn toàn, không bị ràng buộc (giống với Ri – Ly). Ở cả hai nền võ thuật này cũng như nhiều môn phái, hệ phái võ thuật khác trên thế giới, việc luyện tập thể chất và tinh thần luôn gắn liền, không thể tách rời. Một người tinh thông võ nghệ nhưng không có một tinh thần chính đạo thì không khác gì một thứ vũ khí di động. Ngược lại, một người có tinh thần minh mẫn nhưng thể chất không đảm bảo cũng sẽ gặp phải nhiều hạn chế để đạt tới những tầng cao hơn.
Các nghiên cứu khoa học hiện nay cũng đã làm sáng tỏ hơn mối tương quan giữa thể chất và việc học, qua việc chỉ rõ vai trò quan trọng của hoạt động thể chất đối với quá trình kích thích, sản sinh BDNF, các khớp nối thần kinh, và Myelin.
Năm 2007, Carl Cotman(1) và cộng sự đã nhận thấy việc tập thể dục giúp kích thích một loại protein vô cùng quan trọng với quá trình học tập: BDNF (Brain-derived neurotrophic factor – Yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não) (2). BDNF được tạo ra bên trong các tế bào thần kinh khi chúng hoạt động và đóng vai trò như phân bón cho các tế bào thần kinh, giúp chúng hoạt động, phát triển, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thần kinh mới.
Các khớp nối thần kinh (synapses) được chia thành hai loại: khớp nối điện, và khớp nối hóa học. Các cấu trúc này cho phép một tế bào thần kinh (neuron) truyền tải tín hiệu điện hoặc hóa học đến một tế bào khác, và kết nối thành một mạng lưới thần kinh phức tạp. Việc tập thể dục giúp kích thích sản sinh các khớp nối thần kinh mới, tạo nền tảng căn bản cho quá trình học hỏi các thông tin mới(3).
Chú thích:
(1) Carl Cotman là Giám đốc Viện nghiên cứu Lão hóa não và Sa sút trí tuệ tại Đại học California, Irvine, Hoa Kỳ.
(2) Cotman, C. W., Berchtold, N. C., & Christie, L. A. (2007). Exercise builds brain health: key roles of growth factor cascades and inflammation. Trends in neurosciences, 30(9), 464-472.
(3) Voss, M. W., Erickson, K. I., Prakash, R. S., Chaddock, L., Malkowski, E., Alves, H., ... & Kramer, A. F. (2010). Functional connectivity: a source of variance in the association between cardiorespiratory fitness and cognition?.Neuropsychologia, 48(5), 1394-1406.
Myelin là một chất béo bao bọc xung quanh các sợi thần kinh, hỗ trợ việc tăng tốc độ giao tiếp điện giữa các tế bào thần kinh. Vỏ myelin quấn quanh bảo vệ các sợi trục tế bào thần kinh, rất giống như lớp cách điện xung quanh dây điện. Khi lớp vỏ myelin khỏe mạnh, tín hiệu thần kinh được gửi và nhận nhanh chóng. Ngược lại, nếu lớp vỏ myelin mỏng, diện tích bao phủ sợi trục bé sẽ khiến tốc độ truyền tín hiệu thần kinh trở nên chậm hơn. Một phân tích tổng hợp năm 2018 đã khẳng định rằng việc tập thể thao liên tục và vừa phải có thể tăng cường quá trình tái tạo lớp vỏ bọc myelin (myelin sheath regeneration – MSR), cũng như cải thiện nồng độ của các protein liên quan đến quá trình tạo myelin(1).
Chú thích:
(1) Feter, N., Freitas, M. P., Gonzales, N. G., Umpierre, D., Cardoso, R. K., & Rombaldi, A. J. (2018). Effects of physical exercise on myelin sheath regeneration: A systematic review and meta-analysis. Science & Sports, 33(1), 8-21.
Vỏ bọc Myelin
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn những kiến thức khoa học về lợi ích của thể thao tới sự phát triển của não bộ và việc học, bạn có thể tìm đọc thêm cuốn Spark: The Revolutionary New Science of Exercise and the Brain (tạm dịch: Spark: Cuộc cách mạng khoa học mới về tập thể dục và trí não) (1).
Dù thế nào đi nữa, xin hãy nhớ rằng mọi hoạt động vận động đều tốt cho việc học. Tập thể dục đều đặn là điều tốt nhất và dễ dàng nhất bạn có thể làm để giúp cho bộ não và việc học của mình.
Chú thích:
(1) Ratey, J. J. (2008). Spark: The revolutionary new science of exercise and the brain. Hachette UK.
Giấc ngủ và trí nhớ
Thiếu ngủ là một điều hết sức tai hại cho trí nhớ và việc học tập của bạn. Trí nhớ của chúng ta được hình thành và củng cố trong khi ngủ. Khi ấy, não bộ sẽ lược bỏ những thông tin không quan trọng ở vùng hải mã để có thể sẵn sàng học những thông tin mới vào ngày hôm sau.
Mỗi người đều có ngủ theo một cách khác nhau: thức khuya hoặc dậy sớm. Dù theo phong cách nào đi nữa, bạn cũng nên xác định rõ thói quen ngủ của mình và cần đảm bảo ngủ từ bảy đến chín tiếng mỗi ngày để có được những giấc ngủ sâu thực sự. Vào khoảng giữa buổi chiều, hầu hết chúng ta đều có những cơn buồn ngủ thóang qua. Thay vì một giấc ngủ buổi đêm thật dài, ta nên kết hợp thêm một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều, sau khoảng tám tiếng kể từ lúc bạn chào bình minh. Giấc ngủ ngắn đó thực sự sẽ hữu ích hơn nhiều so với việc bạn đi ngủ sớm hơn, hoặc thức dậy muộn hơn 20~30 phút(1).
Một điều hết sức thú vị là não bộ chúng ta có xu hướng ghi nhớ tốt nhất những gì mà ta xem là quan trọng. Trước khi đi ngủ, bạn có thể đọc lướt hoặc tự nhẩm lại trong đầu những gì cần ghi nhớ. Hành động nhỏ này sẽ thực sự hữu ích để giúp bạn hình thành trí nhớ dài hạn với chủ đề ấy trong não bộ, mặc dù bạn không nhận ra vì đang mải… ngủ(2).
Chú thích:
(1) Dement, W. C., & Vaughan, C. (1999). The promise of sleep: A pioneer in sleep medicine explores the vital connection between health, happiness, and a good night’s sleep. Dell Publishing Co.
(2) Xem thêm Oakley, B., & Sejnowski, T. J. (2021). Uncommon sense teaching: Practical insights in brain science to help students learn. Penguin.
Để có những giấc ngủ tốt hơn, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:
• Mỗi tối, hãy đi ngủ vào cùng một khoảng thời gian, tốt nhất là trước nửa đêm.
• Trước khi ngủ, nên hạn chế nhìn vào màn hình điện tử trong khoảng 1 tiếng. Bạn có thể đọc sách, nghe nhạc hoặc ngồi thư giãn.
• Tắt mọi thiết bị điện tử và không để chúng ở gần đầu.
• Đảm bảo phòng ngủ của bạn yên tĩnh và tối. Ánh sáng, kể cả ánh sáng đèn ngủ cũng có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn(1).
• Đừng dành buổi đêm để cày cuốc hay nhồi nhét các kiến thức. Bạn hãy học những gì khó nhất, căng thẳng nhất vào buổi sáng, khi não bộ đang tươi mới, tỉnh táo. Buổi tối là thời gian phù hợp để ôn lại một lượt trước khi ngủ.
• Hạn chế các đồ uống có chất kích thích, hoạt động mạnh và đồ ăn vặt trước khi ngủ.
• Việc nghe nhạc, xem phim hay lướt Internet liên tục hàng giờ liền cũng sẽ khiến não bộ của bạn kiệt sức, làm ảnh hưởng tới trí nhớ và việc học.
• Khi thức dậy, hãy cố thức dậy cùng khoảng thời gian.
• Khi tỉnh ngủ, bạn không nên ngồi dậy ngay mà nên nằm hít thở một chút. Sau đó, hãy đón chút nắng mặt trời vì ánh nắng mặt trời giúp bạn thiết lập lại nhịp sinh học(2).
Chú thích:
(1) Cho, J. R., Joo, E. Y., Koo, D. L., & Hong, S. B. (2013). "Let there be no light: the effect of bedside light on sleep quality and background electroencephalographic rhythms". Sleep medicine, 14(12), 1422-1425.
(2) “Burrell, J. (2013). College kids, sleep and the GPA connection. About.com Young Adults. Retrieved from http://youngadults.about.com/od/healthandsafety/a/Sleep.htm”
Hãy học bằng tất cả các giác quan
Lần đầu tiên học thuộc lời một bài hát mà bạn chưa từng nghe qua, bạn sẽ thấy rất khó khăn nếu như chỉ nhìn vào nó như một đoạn văn xuôi. Trái lại, nếu bạn học nó kèm theo một giai điệu, bạn sẽ dễ nhớ hơn. Thậm chí nếu như không có giai điệu cụ thể, bạn có thể nghĩ tới một tiết tấu, vừa ngân nga lời và vừa đập tay, điều đó cũng giúp việc học trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tại sao lại như vậy?
Xét trên góc độ thần kinh học, quá trình học tập của chúng ta chính là quá trình tạo ra các khớp nối thần kinh, củng cố và mở rộng các nhóm liên kết tế bào thần kinh tại neocortex (vùng tân sinh ở vỏ não). Đây là một màng mỏng các mô thần kinh chạy trên các gờ và rãnh sâu của bề mặt não, là phần được tiến hóa gần đây nhất của vỏ não con người, giúp chúng ta tiến hành những tư duy quan trọng của mình(1). Đôi khi, thông tin sẽ được lưu trữ rộng hơn một chút, trong cả những phần khác của vỏ não (cortex), bao gồm vỏ não nguyên thuỷ (allocortex), vỏ não đảo (insular cortex), vỏ não chẩm (occipitotemporal cortex) và vỏ não nội mạc ở hai bên (bilateral intraparietal cortex). Điều này có nghĩa là quá trình học của chúng ta không chỉ đơn thuần liên quan đến việc mã hóa và giải mã các thông tin, mà còn có sự gắn kết với mọi giác quan khác của cơ thể.
Năm 2003, ba nhà khoa học nhận thức tại Viện Điều khiển Sinh học Max Planck (Đức) đã tiến hành một chuỗi các thí nghiệm để so sánh hiệu suất nhận dạng những vật thể lạ bằng mắt hoặc bằng cảm nhận(2). Trong thí nghiệm thứ nhất, mỗi người tham gia có 30 giây để tìm hiểu các vật thể lạ bằng mắt, hoặc cầm nắm. Thử nghiệm này cho thấy việc nhận diện bằng xúc giác chỉ đạt mức độ chính xác 65%, khá kém so với thị giác (đạt 72%). Trong thí nghiệm thứ hai, họ đã tăng thời gian lên 60 giây và thấy rằng hiệu quả của việc nhận biết qua xúc giác và hình ảnh là tương đương nhau (khoảng 79% chính xác). Trong thí nghiệm thứ ba, những người tham gia được kiểm tra vật thể bằng cả hai phương thức thị giác và xúc giác, và tỉ lệ nhận diện chính xác lên tới 85%.
Chú thích:
(1) Lui, J. H., Hansen, D. V., & Kriegstein, A. R. (2011). Development and evolution of the human neocortex. Cell,146(1), 18-36.
(2) Newell, F. N., Bülthoff, H. H., & Ernst, M. (2003). Multisensory perception of actively explored objects.
Ở bậc tiểu học, học sinh thường học thuộc lòng bằng cách đọc to – đó chính là một sự liên kết giữa não bộ với cả thị giác và thính giác. Trong một số hoạt động học vần, các em có thể kết hợp thêm động tác vỗ tay thành tiếng để đánh dấu cho mỗi vần/nhịp. Đó là một sự liên kết bổ sung giữa não bộ và xúc giác. Những mối liên kết này khiến cho sự truyền dẫn các tín hiệu thần kinh trở nên hiệu quả hơn, thông tin được ghi lại, cũng như được truy xuất nhanh hơn, bởi trong bộ não của bạn đã ghi lại nhiều hơn một ‘con đường cảm giác’ để dẫn tới thông tin đó. Thế nhưng khi lớn dần lên, chúng ta lại sa đà vào một lối học duy nhất nào đó mà quên đi các giác quan khác của cơ thể.
Một điều khá thú vị, là bên cạnh thị giác và xúc giác, thì khứu giác cũng là một trợ thủ đắc lực cho việc củng cố trí nhớ. Phần não bộ xử lý mùi – vỏ não piriform (piriform cortex) nằm ngay cạnh khu vực phụ trách trí nhớ và cảm xúc(1). Vậy nên, mỗi mùi hương như mùi cỏ mới cắt, mùi đất sau mưa, mùi chất tẩy trùng trong phòng thí nghiệm, hay bất cứ mùi nào, cũng đều có thể thúc đẩy và gợi lại những cảm xúc, ký ức mà chúng ta từng trải qua.
Chú thích:
(1) Herz, R. S., & Engen, T. (1996). Odor memory: Review and analysis. Psychonomic Bulletin & Review, 3(3), 300-313.
3.3 Đúng người, đúng việc, đúng chỗ, đúng lúc
Kiếm tìm các khoảng trống để phát triển
Trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục, có hai thuật ngữ thường được dùng khi nói về các khoảng cách phát triển năng lực người học: Achievement gap (cách biệt về thành tích) và Opportunity gap (cách biệt về cơ hội)(1). Trang Glossary of Education (Từ điển thuật ngữ giáo dục) mô tả Achievement gap là “Bất kì sự chênh lệch đáng kể và dai dẳng nào về kết quả học tập hoặc trình độ học vấn giữa các nhóm học sinh khác nhau”, “Sự phân bổ không đồng đều hoặc không công bằng giữa các nguồn lực và cơ hội”. Cặp khái niệm này là chủ thể nghiên cứu, luận bàn trong hầu hết các cuộc cải tổ chính sách giáo dục ở góc độ vĩ mô.
Chương trình đào tạo về Quản lý và Lãnh đạo trường học của Đại học Harvard(2) sử dụng một cặp khái niệm gần giống như trên, nhưng dành cho góc độ vi mô, với một cơ sở trường hoặc một cá nhân người học: Performance gap và Opportunity gap. Từ ‘gap’ trong cặp khái niệm này gần với nghĩa một ‘khoảng trống’ mà ta có thể lấp đầy hơn, thay vì nghĩa những ‘cách biệt’ do sự bất bình đẳng như trong thuật ngữ của Glossary Education.
Chú thích:
(1) Xem thêm tại The Glossary of Education Reform. https://www.edglossary.org/
(2) Chương trình được đồng tổ chức bởi Trường Sau đại học về Giáo dục Harvard (HGSE) và Trường Kinh doanh Harvard (HBS).
Performance gap (Khoảng trống năng lực): Sự khác biệt giữa thành quả hiện tại và thành quả được đề ra bởi tầm nhìn, mục tiêu của nhà trường (cá nhân).
Opportunity gap (Khoảng trống cơ hội): Sự khác biệt giữa thành quả được đề ra bởi tầm nhìn, mục tiêu và kết quả vượt xa các mục tiêu được đề ra, nhưng vẫn nhất quán với tầm nhìn của nhà trường (cá nhân).
Khoảng trống năng lực và khoảng trống cơ hội (HGSE và HBS, 2018).
Xác định những khoảng trống cốt lõi mà bạn cần giải quyết là việc mà bạn cần làm trước khi lên kế hoạch để thực sự lấp đầy chúng. Cả hai loại khoảng trống này đều quan trọng đối với mỗi cá nhân. Bạn không nhất thiết phải lấp đầy toàn bộ các khoảng trống năng lực rồi mới có thể nhận ra các khoảng trống cơ hội. Trong cùng một thời điểm, bạn luôn đối mặt với cả hai loại khoảng trống.
Nếu năng lực và các nguồn tài nguyên (thời gian, tài chính, trang thiết bị) của bạn đang ở giai đoạn mới phát triển, bạn cần tập trung vào lấp đầy các khoảng trống năng lực, nhưng cũng cần lưu ý tới các khoảng trống cơ hội để điều chỉnh các định hướng phát triển cho bản thân.
Nếu năng lực và các nguồn tài nguyên của bạn đang ở giai đoạn tăng trưởng, bứt phá, bạn cần quan tâm nhiều hơn tới các khoảng trống cơ hội, nhưng cũng nên để mắt đôi chút tới các khoảng trống năng lực. Ngược lại, nếu năng lực và các nguồn tài nguyên của bạn đang bị hạn chế nhưng lại quá quan tâm tới các khoảng trống cơ hội, bạn sẽ tự đẩy mình vào trạng thái luẩn quẩn.
Thế giới ngày nay thay đổi một cách chóng mặt và bạn sẽ luôn bị bủa vây bởi những luồng thông tin, xu hướng mới mà thậm chí còn chưa tồn tại vào ngày hôm qua. Bạn có thể liên tục đọc được tin tức trên mạng xã hội về một chủ đề nào đó, ngay lập tức mua một món đồ khi thấy mọi người đều mua, hay đầu tư một khoản nào đó theo đám đông. Đó chính là biểu hiện của FOMO – Fear of Missing Out (Hội chứng sợ bị bỏ lỡ), cảm giác một người lo sợ rằng mình bị lỡ mất một thông tin, sự kiện, một trào lưu hoặc một hành động nào đó mà có thể làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn. Đó chính là một ví dụ của việc bạn lo ngại quá nhiều về các khoảng trống cơ hội, nhưng cũng đồng thời làm ảnh hưởng đến tình hình lấp đầy các khoảng trống năng lực của bạn thân trong thời điểm hiện tại.
Xác định các vấn đề mang tính kỹ thuật và các thách thức mang tính thích ứng
Việc kiếm tìm các khoảng trống năng lực và khoảng trống cơ hội giúp bạn xác định được các mục tiêu trong trung hạn (khoảng 3 tới 6 tháng) và dài hạn (từ 6 tháng tới 1 năm trở lên). Bất kể bạn đang lấp đầy những khoảng trống nào, thì bạn cũng đều phải giải quyết những vấn đề trong ngắn hạn.
Trong các chương sau, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn nhiều công cụ và kỹ thuật để giải quyết các vấn đề khác nhau. Tất nhiên, chúng sẽ chẳng phải là toàn năng, và bạn vẫn cần phải kiếm tìm thêm những công cụ, kỹ thuật hoặc sự trợ giúp từ một người khác. Trước khi quyết định sẽ giải quyết vấn đề thế nào, bạn cần phải phân biệt được đó là một vấn đề mang tính kỹ thuật, hay một thách thức mang tính thích ứng(1).
Chú thích:
(1) Heifetz, R. A., Heifetz, R., Grashow, A., & Linsky, M. (2009). The practice of adaptive leadership: Tools and tactics for changing your organization and the world. Harvard Business Press.
• Vấn đề mang tính kỹ thuật (Technical Problems): Các vấn đề có thể được chẩn đoán và giải quyết trong thời gian ngắn, bằng việc áp dụng các tri thức hoặc quy trình đã biết.
• Thách thức mang tính thích ứng (Adaptive Challenges): Các thử thách chưa được định nghĩa rõ ràng và sẽ không thể giải quyết được bằng các giải pháp cũng như tri thức sẵn có. Các thách thức mang tính thích ứng thường đại diện cho khoảng cách giữa nguyện vọng, khát khao và hiện trạng thực tế (khoảng trống cơ hội).
Phân biệt hai loại vấn đề
Bạn cũng nên nhớ rằng không phải lúc nào một vấn đề cũng có thể được giải quyết một cách gọn ghẽ. Bạn đã áp dụng nhiều giải pháp cụ thể nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Hoặc bạn tưởng chừng như đã giải quyết xong rồi, nhưng vấn đề vẫn quay trở lại. Trong cả hai trường hợp này, bạn đều phải đương đầu với một thử thách mang tính thích ứng, nhưng lại đang đối xử với nó như là một vấn đề mang tính kỹ thuật. Để tránh khỏi những nhầm lẫn như vậy, bạn có thể tham khảo dấu hiệu nhận biết của một số tình huống thử thách mang tính thích ứng điển hình dưới đây:
• Bạn thường sử dụng những ngôn ngữ phàn nàn thái quá? Đó là biểu hiện của việc khoảng cách giữa kì vọng và thực tiễn trở nên dai dẳng, cố hữu.
• Kinh nghiệm thành công mà bạn mượn hoặc học từ người khác đang không thực sự hiệu quả? Có thể bạn đang thiếu những nhận xét, phản hồi trực tiếp cho tình trạng hiện tại từ những người có chuyên môn.
• Bạn cảm thấy căng thẳng, thất vọng thường xuyên hơn? Bạn đã thử nhiều biện pháp nhưng không thành công?Bạn đang thiếu những bài học thực sự đắt giá.
• Bạn mổ xẻ vấn đề nhưng không đem lại thêm tiến triển nào cả? Bạn đang thiếu đi sự gắn kết với những người liên quan.
• Vấn đề dai dẳng mãi không xử lý được, hoặc tái xuất chỉ sau một khoảng thời gian ngắn? Bạn cần nhìn nhận vấn đề với một khung thời gian dài hơn.
• Bạn cảm thấy căng thẳng bởi sự gia tăng xung đột và thất vọng? Bạn sẵn lòng thử một giải pháp gì đó mới hơn, khi tình hình ngày càng nguy cấp? Bạn đang mất cân bằng giữa nguồn lực và kì vọng.
• …
Nếu bạn nhận thấy mình đang có một số biểu hiện như trên, hãy cố gắng phân tích thử thách mang tính thích ứng mà bạn đang đương đầu. Nó là một tập hợp của nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật? Nó là một tập hợp của nhiều thử thách mang tính thích ứng khác? Hay nó là sự trộn lẫn của nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật và nhiều thử thách mang tính thích ứng?