Giao tiếp phải lấy lịch sự làm đầu
HÃY GIỮ LỄ NGHĨA TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH ĐÀM PHÁN
1. Chuẩn bị đàm phán
Trước khi bắt đầu một cuộc đàm phán, bạn phải nắm vững mục đích, nội dung chương trình và sách lược đàm phán, từ đó xác định thành phần tham gia đàm phán của bên mình sao cho tương đương với chức vụ của thành phần tham gia đàm phán bên đối tác.
Những đại biểu tham gia đàm phán cần phải có tố chất tổng hợp tốt, trước khi đàm phán cần phải chú ý đến bề ngoài của bản thân, ăn mặc gọn gàng và trang trọng. Đàn ông cần cạo râu sạch sẽ, nếu mặc comple thì phải thắt cà vạt; phụ nữ không nên ăn mặc quá gợi cảm, không nên đi giày cao gót nhọn, nên trang điểm nhạt một chút.
Trong hội trường, bàn đàm phán nên dùng bàn chữ nhật hoặc bàn hình bầu dục, chỗ ngồi của đối tác nên bố trí ở bên phải cửa ra vào hoặc đối diện cửa ra vào.
2. Bắt đầu bước vào cuộc đàm phán
Khi bắt đầu bước vào cuộc đàm phán, ấn tượng đầu tiên khi hai bên tiếp xúc với nhau hết sức quan trọng. Ngôn ngữ, hành động và hành vi cần phải phù hợp, và trong khả năng có thể, hãy tạo ra không khí đàm phán nhẹ nhàng, hữu nghị.
Khi giới thiệu thành viên tham dự phía bên mình phải thoải mái, tự nhiên, không được tỏ ý ngạo mạn. Những người được giới thiệu đến thì nên đứng dậy và mỉm cười để bày tỏ thành ý, có thể nói một câu lịch sự như: “Rất vinh dự được gặp quý vị”, “Mong nhận được sự quan tâm, chiếu cố nhiều hơn”. Khi hỏi đối phương thì khách khí một chút, ví dụ như: “Xin được biết quý danh của ông/ bà”... Nếu có danh thiếp thì cần đưa bằng hai tay. Sau khi kết thúc việc giới thiệu, có thể lựa chọn và nói chuyện về một chủ đề nào đó mà cả hai bên đều cảm thấy hứng thú, tạo nên bầu không khí tốt đẹp cho buổi đàm phán.
Những động tác, tư thế khi bắt đầu bước vào cuộc đàm phán cũng có tác dụng quan trọng đối với việc nắm bắt không khí của cuộc đàm phán. Khi nhìn vào đối phương, thì ánh mắt nên nhìn vào chính giữa khu tam giác từ hai mắt đến giữa trán của họ. Làm như vậy đối phương mới cảm nhận được sự quan tâm, chú ý và nghiêm túc của bạn. Lòng bàn tay ngửa lên thì tốt hơn là úp xuống, các cử chỉ bằng tay phải thật tự nhiên, để tránh tạo nên cảm giác thiếu trang trọng. Nhiệm vụ quan trọng khi bắt đầu bước vào cuộc đàm phán đó là cần tìm hiểu rõ ngọn ngành về đối phương, chăm chú nghe đối phương nói chuyện, quan sát tỉ mỉ từng hành động, biểu cảm của đối phương, và đáp lại một cách thích hợp. Khi làm như vậy bạn vừa có thể hiểu được ý đồ mà đối phương đưa ra, vừa thể hiện được sự tôn trọng và lịch sự của mình đối với đối phương.
3. Trong quá trình đàm phán
Nội dung chủ yếu là hai bên đưa ra báo giá, tiến hành bàn bạc và thảo luận các điều khoản, giải quyết mâu thuẫn, xử lý vướng mắc trong đàm phán.
Khi báo giá cần phải rõ ràng và không được để xảy ra bất cứ sai sót nào, cẩn thận giữ chữ “tín”, tránh lừa gạt đối tác. Việc báo giá trong khi diễn ra đàm phán không được thay đổi nhiều lần, khi đối phương đã chấp nhận giá đưa ra thì không được thay đổi nữa.
Khi bạn có vấn đề cần hỏi rõ, nên lựa chọn những lúc không khí thoải mái để đưa ra. Về ngôn từ, không được tỏ ra quá khích hoặc hỏi liên tục không ngớt để tránh dẫn tới việc đối phương sẽ cảm thấy phản cảm hoặc tức giận, nhưng đối với những vấn đề có tính nguyên tắc thì cần phải tranh luận tích cực, không nhượng bộ. Khi đối phương đang trả lời câu hỏi thì không được phép tùy tiện ngắt lời, khi đối phương trả lời xong thì cần phải bày tỏ sự cảm ơn đối với họ.
Thương lượng giá cả liên quan tới lợi ích của cả hai bên nên có thể dễ dẫn tới việc nôn nóng và trở nên thất lễ, vì vậy khi tiến hành trao đổi càng phải chú ý duy trì thái độ bình tĩnh và giữ hòa khí, tìm kiếm những điểm chung và bỏ qua những bất đồng nhỏ. Khi phát ngôn cần thể hiện sự văn minh, lịch sự.
Khi không khí buổi đàm phán trở nên tẻ nhạt thì phía chủ nhà cần xử lý một cách linh hoạt, có thể chuyển sang chủ đề khác để thay đổi không khí của cuộc đàm phán. Nếu thực sự đã không còn lời nào để nói thì cần phải có sự quyết đoán, tạm thời ngừng cuộc đàm phán, sau thời gian ngắn nghỉ ngơi lại tiếp tục tiến hành đàm phán. Phía chủ nhà cần phải chủ động đưa ra chủ đề đàm phán, không nên để tình trạng tẻ nhạt của cuộc đàm phán kéo dài quá lâu.
4. Việc kí kết sau khi kết thúc đàm phán
Trong khi diễn ra nghi thức kí kết thì toàn bộ những người tham gia đàm phán của cả hai bên đều phải có mặt và cùng đi vào hội trường, bắt tay nhau, đồng thời vào chỗ ngồi. Mỗi bên có thể cử ra một người trợ lý để giúp đỡ cho việc kí kết. Hai người này sẽ đứng bên cạnh, phía ngoài người đại diện của mỗi bên, những người còn lại thì xếp thành hàng và đứng về phía sau người đại diện.
Người trợ lý phải giúp người đại diện tham gia kí kết mở văn bản cần kí, chỉ rõ vị trí kí tên. Đại diện của mỗi bên sẽ kí tên vào văn bản của phía mình, sau đó hai người trợ lý sẽ hoán đổi hai văn bản cho nhau, và người đại diện sẽ lại kí vào văn bản của phía đối phương.
Sau khi việc kí kết hoàn tất, hai bên cần phải cùng đứng lên, giao lại văn bản cho nhau rồi bắt tay nhau, chúc mừng cho việc hợp tác thành công. Những người đi cùng nên bày tỏ sự vui mừng cũng như chúc mừng bằng những tiếng vỗ tay nhiệt liệt.
GIỚI THIỆU VỀ BẢN THÂN MỘT CÁCH HỢP LÝ
Việc tự giới thiệu về bản thân chính là chìa khóa để mở đầu việc giao tiếp. Vậy tự giới thiệu về bản thân như thế nào mới có thể đạt được thành công?
1. Khắc phục sự rụt rè của bản thân
Nhìn từ góc độ tâm lý giao tiếp, khi mọi người gặp nhau lần đầu, đôi bên đều muốn tìm hiểu về nhau và đều muốn được đối phương tôn trọng. Khi chúng ta ngồi trong phòng làm việc, nhìn thấy một vị khách lạ đi vào, lập tức sẽ nảy sinh ý nghĩ muốn biết “Anh ta là ai? Đến đây làm gì nhỉ?” Nếu trong những tình huống như vậy, bạn có thể kịp thời giới thiệu về bản thân mình một cách khái quát và chính xác. Tiếp theo, đối phương cũng sẽ nhanh chóng tự giới thiệu với bạn về bản thân họ, như vậy cả hai bên đều có thể tiếp xúc với nhau một cách chân thành. Nếu hợp ý nhau thì những công việc sau này có thể giải quyết một cách nhanh chóng, đơn giản hơn nhiều. Ngược lại, nếu sau khi gặp mặt mà cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ, không muốn “làm nổi bật bản thân”, mãi cũng chẳng tự giới thiệu được về bản thân thì sẽ khiến cho đối phương cảm thấy thực sự thất vọng.
2. Chú ý không dài dòng
Tự giới thiệu về bản thân là một nghệ thuật trong giao tiếp. Do đó tùy từng mục đích, yêu cầu của cuộc giao tiếp, mức độ thêm thắt và giản lược đi của việc tự giới thiệu bản thân cũng sẽ có những sự khác biệt nhất định. Nói chung, tự giới thiệu nên đơn giản, chỉ cần nói họ tên, chức vụ, mục đích, yêu cầu, thế là được. Nếu mục đích giao tiếp là muốn đặt mối quan hệ tốt về sau thì việc giới thiệu phải tỉ mỉ hơn, nên giới thiệu về quá trình từng trải, tự học, tính cách, sở trường, quan hệ, kinh nghiệm, năng lực, sở thích… Để lấy được lòng tin của đối phương, có lúc bạn cũng cần kể một số câu chuyện cụ thể.
3. Nắm vững mức độ
Tự giới thiệu về mình không chỉ là kể về những nét cơ bản về con người mình, mà còn bao hàm việc tự đánh giá những công việc mà mình đã làm. Khi tự đánh giá về bản thân, chúng ta không nên đánh giá quá cao, nhưng cũng không nên đánh giá quá thấp, quan trọng là nắm vững mức độ cần thiết. Vậy làm thế nào mới có thể đạt được những mức độ đó?
Một là, tự biết mình. Muốn đánh giá mình chính xác thì quan trọng nhất là phải tự biết mình. Đối đáp lại lời khen ngợi của người khác một cách chính xác, nghiêm túc phân tích mổ xẻ những điểm khiếm khuyết của bản thân, như vậy mới có thể đưa ra những kết luận thực tế khiến người khác tin tưởng.
Hai là, biết khiêm tốn. Khi tự đánh giá về chính bản thân, không nên dùng những từ ngữ chỉ mức độ (hoặc mang tính cực đoan) như “rất”, “nhất”, “cực kì”, “thứ nhất (hàng đầu)”...
Ba là, biết tự cười nhạo bản thân. Sử dụng phương pháp này khi tự giới thiệu về mình có thể tạo ra sự hài hước khiến người khác phải bật cười. Cách thức này vừa có thể tăng thêm sự khôi hài của lời nói, vừa không mang tiếng là tự khuếch trương bản thân.
CHỦ ĐỘNG CHÀO HỎI NGƯỜI KHÁC NHIỀU HƠN
Nếu bạn cứ im lặng thì không thể tạo ra mối quan hệ với người khác, vì thế trong giao tiếp, bạn phải chủ động bắt chuyện với người khác. Tuy không phải tất cả những người bạn gặp đều là người quan trọng với bản thân bạn, nhưng cũng không thể vì thế mà bỏ lỡ cơ hội giao lưu với họ.
Đó chính là câu chuyện của Lâm Khẳng khi còn trẻ. Lúc đó anh đang là một luật sư.
Một ngày thời tiết lạnh lẽo, anh định sẽ đến văn phòng làm việc bằng xe ngựa, nhưng lại cảm thấy như thế quá lãng phí, nên quyết định sẽ đi bộ. Khi đang đi trên đường, anh nghe thấy từ phía sau vọng tới tiếng vó ngựa phi. Anh quay đầu lại nhìn thì thấy đang ngồi trên xe ngựa là một người đàn ông ăn mặc rất sang trọng. Lâm Khẳng bước nhanh về phía trước không một chút do dự, chào hỏi anh ta với vẻ mặt tươi cười: “Tôi là luật sư, tên tôi là Lâm Khẳng. Thật có lỗi quá, có thể phiền anh mang chiếc áo khoác của tôi tới văn phòng được không?” “Đương nhiên là không có vấn đề gì, nhưng thời tiết đang lạnh giá như vậy, anh định không mặc áo khoác hay sao?” Người đàn ông đó tỏ vẻ rất ngạc nhiên hỏi lại. Lâm Khẳng trả lời: “Đương nhiên là mang cả người tôi theo cùng rồi!” Người đàn ông trên xe phá lên cười, đưa tay ra và nói: “Vậy mời anh lên đây!” Và thế là từ đó, hai người trở thành những người bạn tâm giao. Sau này trong công việc, người bạn này đã dốc sức giúp đỡ Lâm Khẳng rất nhiều.
Chào hỏi một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa của nó lại vô cùng to lớn.
Trong công ty, khi ở phòng làm việc, việc chào hỏi rất dễ bị mang tiếng là hình thức. Thực ra, đối với những người thân quen mà ngày nào cũng gặp mặt hay đối với những người không thường xuyên nói chuyện thì đều cần phải chào hỏi họ một cách thân thiết.
TÌM KIẾM “SỰ HUYỀN DIỆU” TRÊN BÀN RƯỢU
Ngày nay, với tư cách là cầu nối cho việc giao tiếp, rượu đã phát huy vai trò khá độc đáo, nên việc tìm kiếm “sự huyền diệu” trên bàn rượu sẽ có thể mang lại sự thành công cho cuộc giao tiếp của bạn.
1. Trên bàn rượu tránh việc nói chuyện riêng
Khách khứa đến dự tiệc rượu tương đối đông, cho nên cần phải cố gắng nói chuyện xoay quanh những vấn đề mà phần lớn mọi người đều có thể tham gia. Bởi vì hứng thú, sở thích, kiến thức của mỗi cá nhân là khác nhau, cho nên vấn đề đưa ra nói chuyện cố gắng không nên quá thiên lệch để tránh việc chỉ có mình độc thoại, mà không chú ý tới người nghe.
Đặc biệt, hãy cố gắng đừng áp sát vào tai ai đó, nói những lời thì thầm, làm cho người khác cảm thấy có gì đó bí mật, nảy sinh tâm lý đố kỵ, ghen ghét.
2. Phân biệt khách và chủ, nắm chắc chủ đề
Phần lớn các bữa tiệc rượu đều có một chủ đề, đó cũng chính là mục đích của việc uống rượu. Cần phải phân rõ đâu là chủ, đâu là khách, không nên đơn thuần uống rượu chỉ là uống rượu, mà mất đi những cơ hội tốt để kết bạn, càng không được để ai đó mượn rượu làm đảo lộn ý nghĩa của tiệc rượu.
3. Ngôn từ phù hợp, hài hước, thú vị
Ngôn ngữ trên bàn rượu có thể cho thấy sự tài hoa, học thức, trình độ và phong cách giao tiếp của một cá nhân. Đôi khi, chỉ cần bạn nói đôi ba câu khôi hài thú vị cũng đã để lại cho người khác ấn tượng sâu sắc, khiến họ có cảm tình với bạn. Cho nên, bạn cần biết những lúc như thế nào thì cần nói những gì. Ngôn từ phù hợp, pha chút khôi hài thú vị là điều khá quan trọng.
4. Thái độ khi ép uống rượu phải phù hợp, không nên quá cứng nhắc
Trên bàn rượu bạn thường xuyên gặp phải hiện tượng ép uống rượu. Có những người thích coi “tửu trường” (tiệc rượu) là chiến trường, nghĩ đủ cách để ép người khác uống thêm mấy ly rượu, cho rằng nếu không uống hết tửu lượng tức là không thực lòng.
Đối với những người có tửu lượng tốt thì còn có thể chấp nhận được, nhưng đối với những người có tửu lượng không tốt thì thực sự là rất khó khăn. Có những lúc ép rượu quá mức, sẽ làm cho tình cảm bạn bè vốn có bấy lâu bị đổ vỡ hoàn toàn chỉ trong chốc lát.
5. Mời rượu phải theo thứ tự, chủ khách phải được phân biệt rõ ràng
Mời rượu cũng là cách thể hiện văn hóa. Thông thường, khi mời người khác uống rượu bạn cần để ý tới độ tuổi, chức vụ, thân phận khách chủ... Trước khi mời rượu, cần phải xem xét kỹ lưỡng về thứ tự mời rượu như thế nào cho đúng, cần phân biệt rõ ràng giữa chủ và khách, cho dù cùng ngồi uống rượu với những người không quen biết thì cũng cần phải hỏi dò trước về thân phận hoặc đến cách lưu ý cần phải xưng hô với người khác như thế nào. Về điểm này thì bạn phải có tính toán trước, để tránh làm nảy sinh những tình huống khó xử, gượng gạo.
CÁCH ĐỂ TỪ CHỐI “THỬ THÁCH ĐỘ CỒN”
1. Nét mặt vui vẻ, nói lời tốt đẹp
Một cách đơn giản để từ chối bị ép uống rượu mà bạn có thể dùng đó là sử dụng nét mặt vui vẻ, liên tục nâng ly lên nhưng không hề uống và đưa ra lý do bằng những câu vui vẻ.
Ông Trương được thăng chức nên tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời những người bạn thân đến ăn mừng, Tiểu Lý cũng có mặt trong số đó. Bình thường Tiểu Lý rất ít khi uống rượu, hơn nữa tửu lượng của anh cũng không được tốt. Trong bữa tiệc đó, Tiểu Triệu đề nghị “tâm sự” riêng với Tiểu Lý một chút. Tiểu Lý tự biết tửu lượng của mình đến đâu, và rồi anh bắt đầu cười liên tục, nói không ngớt lời:
“Uống rượu cốt không phải uống nhiều, chỉ cần uống được là tốt rồi.”
“Thường xuyên gặp mặt, không cần phải khách khí như thế đâu.”
“Anh nhìn xem, tôi uống tới mức đỏ gay hết cả mặt mày rồi, tất cả trông cậy vào anh đó, thực ra thì...” kết quả là Tiểu Triệu không thể ép Tiểu Lý uống rượu được nữa.
2. Hãy nói những lời chân thật từ đáy lòng để được tha thứ
Người xưa đã nói: “Sự thật thắng hùng biện”. Trên bàn rượu cũng vậy, để từ chối uống rượu, bạn có thể thẳng thắn nói rõ sự thật, trình bày hoàn cảnh của mình một cách hòa nhã, như vậy cũng là cách để đối phương không nài ép nữa.
Ông Vương tham gia một bữa tiệc và gặp ông Lý. Đã lâu không gặp, nên vừa nhìn thấy ông Vương là ông Lý đề nghị uống ba chén mừng gặp mặt.
Nghe vậy, ông Vương thành thực nói:
“Tình cảm của anh tôi xin nhận, đáng tiếc là thời gian gần đây sức khỏe của tôi không được tốt, đang phải uống thuốc, đã lâu rồi ngay cả một giọt rượu cũng không được uống, đành phải xin anh bỏ quá cho. Thời gian còn dài lắm, sau này sẽ có dịp, đến lúc đó, tôi nhất định sẽ uống với anh không say không về, được chứ?”
Tất cả khách khứa đến tham dự đều tán thành, ông Lý cũng đành vui vẻ rút lại lời đề nghị.
3. Nhấn mạnh những hậu quả, bày tỏ lòng cảm ơn
Với tư cách là một người bị động, khi đã uống tới hơn một nửa so với tửu lượng của mình, bạn nên nói rõ tình trạng của mình với người chủ hoặc những người ép uống rượu. Ví dụ như:
“Cảm ơn tấm chân tình của anh dành cho tôi, tửu lượng của tôi vốn cũng chỉ được hai ba ly thôi, ngày hôm nay đã uống tới quá mức bình thường rồi, nếu còn tiếp tục uống nữa thì chắc là ‘không xong’ mất, vì vậy mong anh bỏ quá cho.”
Sau khi nói như vậy thì cho dù bị ép thế nào, bạn cũng không tiếp tục uống nữa. Với cách từ chối này, chỉ cần những người ép uống rượu hiểu được đạo lý “vui quá hóa buồn” thì có thể dễ dàng chấp nhận.
4. Lui về rồi “tiến công”
Lui về rồi “tiến công” có nghĩa là trước tiên bạn không cần nói gì cả, chỉ cần im lặng và nghe người đó nói, chờ đợi cơ hội. Một khi thời cơ đã chín muồi rồi thì sẽ tấn công. Lui về rồi “tiến công”, làm cho đối phương không còn gì để nói tiếp, từ đó sẽ không ép bạn uống rượu nữa.
5. Nắm rõ chừng mực, chú ý tới tửu đức (đạo đức khi uống rượu)
Khi nói trong tiệc rượu, bạn cần phải chú ý không được vượt quá giới hạn, cần từ bỏ cách làm việc theo cảm tính, nói năng lung tung hồ đồ, nếu không sẽ không đạt được kết quả như mong muốn, không đạt được hiệu quả như đã dự liệu.
AN ỦI BẰNG NHỮNG LỜI ĐỘNG VIÊN CHÂN THÀNH
1. An ủi bệnh nhân
Khi bạn đến thăm những người bất hạnh mắc phải bệnh nặng, thì đừng nói chuyện quá nhiều về bệnh tình cũng như tình trạng điều trị ra sao. Nếu đối phương vốn phải chịu áp lực từ căn bệnh, mà bạn lại nói nhiều về điều đó, thì chắc chắn sẽ tăng thêm gánh nặng tư tưởng cho bệnh nhân. Hãy kể về những câu chuyện mới mẻ vừa xảy ra, để chuyển hướng chú ý của đối phương, giảm bớt sự đau đớn của người bệnh. Nếu có thể hãy chỉ nói đến những chuyện vui, những tin tức hay có liên quan tới bệnh nhân, thì sẽ giúp họ cảm thấy vui vẻ, mau chóng hồi phục trở lại.
2. An ủi người tàn tật
Những người tàn tật thường có khiếm khuyết trên cơ thể, có những người phải ngồi trên xe lăn hoặc nằm trên giường bệnh trong khoảng thời gian dài, phải hứng chịu sự đau đớn về thể xác hoặc tinh thần, vì thế tính tình nhiều khi sinh ra gắt gỏng, so với những người bình thường thì cuộc sống của họ buồn tủi và tẻ nhạt hơn. Do vậy, khi an ủi họ, bạn phải kiên nhẫn và để tâm hơn so với bình thường, đặc biệt là không được giữ vẻ mặt bi ai đáng thương. Những người tàn tật kị nhất là việc người khác coi họ là những người yếu đuối và đáng thương, cần sự thương hại. Vì vậy khi nói chuyện với họ, bạn cần nói nhiều lời khích lệ, cổ vũ, đặc biệt là kể những tấm gương người tàn tật chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.
3. An ủi người già
Khi an ủi những người già bạn cần phải chú ý đến đặc điểm về lứa tuổi của họ, quan trọng nhất là không được đề cập đến việc chết chóc. Nên đặc biệt tôn trọng họ, tốt nhất là hãy quan tâm tới họ giống như những đứa con của họ, để họ có thể cảm nhận được sự ấm áp của gia đình.
4. An ủi người nhà của bệnh nhân
Người nhà của những bệnh nhân mang trong mình trọng bệnh thường cảm thấy đau khổ, nếu như an ủi không phù hợp thì ngược lại sẽ còn chạm đến nỗi đau của họ nữa. Hãy nói nhiều về những câu chuyện bình thường xảy ra hàng ngày, để cho họ quên đi sự đau đớn, buồn bã trong lòng, hoặc có những sự chuẩn bị về tinh thần.
5. An ủi người nhà của những người đã khuất
Mất đi người thân là sự mất mát lớn nhất, vì thế họ thường rất đau lòng và tuyệt vọng. Khi an ủi, khuyên nhủ họ, thứ nhất phải khuyên họ “kìm nén nỗi đau” và “đừng giữ mãi nỗi đau trong lòng”, mặt khác đừng bắt ép họ không được khóc lóc. Khóc là một sự giải tỏa, thổ lộ, chỉ có giải tỏa hết những sự buồn đau trong lòng thì tinh thần mới cảm thấy tốt dần lên.
Nếu trong gia đình bạn bè của bạn có người ra đi, thì cách an ủi tốt nhất mà bạn có thể dùng đó chính là không được nhắc tới người đã khuất, để cho họ dần dần quên đi sự bất hạnh, mất mát không thể tìm lại đó. Trong những trường hợp như vậy, bạn phải thực sự nhớ là không nên vì muốn bày tỏ sự tiếc thương của mình mà gợi lên sự bi thương, mất mát trong lòng người khác.
6. An ủi người thất tình
Khi an ủi họ thì cần phải khuyên nhủ, cần phải nói dựa trên góc độ là cả một đời người, khuyên họ hãy bắt đầu lại, hãy vui vẻ trở lại để theo đuổi một cuộc sống mới.
7. An ủi người đã ly hôn
Việc ly hôn thường sẽ đem đến cho một bên hoặc cả hai bên những sự bi ai, đau buồn mà khó có thể diễn tả bằng lời được. Khi an ủi họ, không được bàn đến việc ly hôn là đúng hay là sai, mà cần phải an ủi họ hãy quên đi quá khứ không hay mà hướng đến tương lai đang chờ phía trước, khuyên họ hãy bắt đầu lại một cuộc sống mới. Khi an ủi như vậy, phương pháp tốt nhất là đồng tình với họ và hãy giúp họ nhận thức ra, đó là những đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống.
Ngoài ra, còn rất nhiều người cần đến sự an ủi, quan tâm từ phía bạn bè thân thiết, ví dụ như những người thi trượt, thất nghiệp, những người mà gia đình của họ không được hạnh phúc... Khi họ không có sự giúp đỡ, khổ tâm mà có người đến an ủi họ thì chắc chắn sẽ khiến cho họ cảm nhận được sự an ủi lớn đến chừng nào, ý nghĩa đến chừng nào.
THỂ HIỆN LƯU LUYẾN LÚC CHIA TAY
Những lời nói ấm áp lúc chia tay có thể làm tăng thêm tình cảm hữu nghị, khiến người khác khó quên, kèm theo là cách chia tay ấn tượng có thể thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, đặt cơ sở cho sự hợp tác của hai bên trong tương lai.
Nói ra những lời từ biệt chân thành, cũng có thể làm cho người khác rơi nước mắt. Abraham Lincoln là vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Ngày 11 tháng 2 năm 1861, trước khi Lincoln đến Washington để nhậm chức tổng thống, ông đã nói lời từ biệt tại bang Illinois, nơi ông đã làm việc:
“Các bạn thân mến!
Tôi rất khó để diễn đạt hết tất cả những tình cảm lưu luyến của tôi. Con người và mảnh đất nơi đây đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Tôi đã sống ở đây hơn một phần tư thế kỷ. Con cái của tôi cũng sinh ra trên mảnh đất này, một trong số chúng đã được chôn cất tại nơi này. Bây giờ, tôi phải rời xa tất cả mọi người, không biết ngày nào mới có thể quay trở lại, thậm chí không biết có thể quay trở lại hay không. Nhiệm vụ tới đây của tôi có lẽ sẽ còn nặng hơn những thứ mà Tổng thống Washington đã gánh vác. Không có sự giúp đỡ của Thượng đế, tôi sẽ không đạt được thành công. Có sự giúp đỡ của Thượng đế rồi, tôi sẽ không bao giờ thất bại. Hãy để trong lòng chúng ta tràn đầy niềm tin và hi vọng, khi đó tất cả đều sẽ tốt đẹp. Mong rằng Thượng đế sẽ ban phước đến cho các bạn, và mong rằng các bạn sẽ cầu cho Thượng đế ban phước lành đến với tôi. Tôi xin từ biệt các bạn bằng tất cả sự lưu luyến.”
Những lời từ biệt với tình cảm chân thành, ngôn từ giản dị, chân thực đã thể hiện tình cảm sâu sắc, lưu luyến không nỡ rời xa của một người sắp đi xa đối với những người bạn của mình. Có người nói Lincoln là vị tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử của nước Mỹ, từ những lời từ biệt của ông cũng có thể thấy được một phần.
NHỮNG NGHI THỨC QUAN TRỌNG TRONG MỘT BỮA TIỆC CHIÊU ĐÃI
Trong cuộc sống thực tế, muốn sự nghiệp của mình đạt được thành công, nhận được những cơ hội lớn nhất, thì không thể nào thiếu được việc mời khách, bởi vì trong một bữa tiệc rượu thường sẽ dễ dàng nói chuyện hơn.
Việc mời khách cần phải điều chỉnh trong điều kiện thích hợp, nghĩa là từ lúc đặt ra kế hoạch cho tới khi bắt đầu và tới khi kết thúc, đều cần phải nằm trong dự liệu của mình. Tránh việc mời tiệc mà “lực bất tòng tâm” (nằm ngoài khả năng của mình), nếu là vậy, việc mời khách còn chưa bắt đầu thì mình đã mệt đứt hơi rồi, hoặc là hình thức quá nhiều, quá phức tạp, kết quả sẽ khiến cho khách khứa cảm thấy kì lạ và ngại ngùng. Có những người không quan tâm đến việc diện tích căn nhà của họ quá nhỏ, khách mời đến lại quá đông, mọi người không còn chỗ nào để đứng, cả căn phòng trở nên ầm ĩ, hỗn loạn, khiến cho những vị khách đến dự cảm thấy ngột ngạt, tinh thần không cảm thấy vui vẻ. Khi mời khách thì bạn cần biết được sở thích, khẩu vị của khách. Những vị khách được mời cũng cần có khả năng nói chuyện phù hợp, hơn nữa không có định kiến hay mâu thuẫn với khách mời chính. Về mặt sử dụng ánh sáng đèn, cần phải để cho ánh đèn không được quá sáng, làm người khác cảm thấy chói mắt.
Khi khách đã đến bạn cần giới thiệu tên họ, thân phận cũng như công việc của những vị khách đó, không được tùy tiện khuếch trương, chỉ cần nói khái quát đơn giản, hai ba câu là được. Sau khi khách khứa đã ngồi xuống, không nên một mình nói chuyện hồi lâu với một người nào đó mà quên đi những người khác, cần phải chú ý xử lý tốt quan hệ với những vị khách được mời đến, không nên lạnh nhạt với người này, nhiệt tình với người kia. Đối với những người gặp phải sự lạnh nhạt hoặc là không được tiếp chuyện thì cần phải đến chỗ họ và “giải vây” giúp họ, nếu không thì hãy thể hiện bằng lời nói và nét mặt để mọi người có thể được hưởng thụ trong bầu không khí của sự náo nhiệt, hòa hợp và hữu nghị.
Khi khách khứa lần lượt ra về thì cần phải đứng ở cửa ra vào và bắt tay với từng người giống như khi đón tiếp khách đến. Khi khách khứa ra về thành từng nhóm thì cũng phải tiễn ra tới cửa, và cần phải bày tỏ ý là: “Cảm ơn quý vị đã đến, cảm ơn tất cả mọi người đã làm cho không khí của bữa tiệc được duy trì tốt đẹp như vậy!”
TÌM CỚ THÍCH HỢP ĐỂ TẶNG QUÀ
Muốn việc tặng quà tốt đẹp, điều quan trọng là bạn phải chọn thời cơ và phương pháp sao cho thỏa đáng. Điều khiến những người tặng quà cảm thấy đau đầu nhất đó là không được đối phương chấp nhận. Vậy làm thế nào mới có thể tránh được những điều đó và làm thế nào mà chỉ cần một lần tặng người ta đã chấp nhận? Điểm mấu chốt là phải tìm được một cái cớ thích hợp để tặng quà. Thông thường thì việc tặng quà có những cách như sau:
1. Mượn hoa dâng Phật (Của người phúc ta)
Nếu bạn muốn tặng một món quà là đặc sản của vùng đất quê mình thì bạn có thể nói, đó là quà của người nhà gửi đến nên muốn đối phương nếm. Thông thường, với cách nói này người nhận quà nhất định sẽ nhận món quà mà bạn tặng.
2. Âm thầm lấy cớ giả
Nếu món quà bạn tặng là một loại rượu thì bạn có thể đưa ra cái cớ giả như người khác đã tặng bạn hai chai rượu nên muốn đem đến uống cùng với đối phương. Uống một chai, sau đó tặng một chai, như vậy không phải là quá khéo léo hay sao!
3. Mượn ngựa để dẫn đường
Có những lúc bạn muốn tặng quà cho người khác, còn đối phương thì lại rất lạnh nhạt, không muốn kết nối quan hệ, khi đó bạn có thể lựa chọn những ngày như sinh nhật hoặc ngày kết hôn, mời một số người quen cùng đến để tặng quà chúc mừng. Nếu làm như vậy thì thông thường người được nhận quà sẽ không có cách nào để từ chối cả. Khi người nhận quà biết được đó là chủ ý mà bạn đưa ra thì chắc chắn họ sẽ thay đổi cách nhìn với bạn. Nhờ vào khả năng của nhiều người để đạt được mục đích tặng quà, kết nối tình cảm, đó thực sự là một thượng sách.
4. Nhờ người khác làm thay
Ông Trương có chút việc muốn nhờ Tiểu Lưu xử lý, muốn tặng chút quà để cảm ơn, nhưng lại sợ Tiểu Lưu từ chối. Vợ của ông Trương có quen biết với người yêu của Tiểu Lưu, vì vậy ông Trương bèn để cho vợ của mình mang quà đến thăm hỏi. Xem ra, có những lúc trực tiếp xuất kích lại không hiệu quả bằng việc đi đường vòng.
5. Nói trước đó là cái cớ
Giả sử bạn muốn tặng một khoản tiền cho người có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng có những lúc, lòng tự tôn của họ rất cao, chưa chắc đã chấp nhận sự giúp đỡ của bạn. Lúc đó bạn có thể nói hãy cầm trước chỗ này, sau này khi có tiền rồi thì có thể trả lại sau. Người nhận quà sẽ nghĩ không phải bạn đang bố thí cho họ, sau này có thể trả lại, chắc chắn họ sẽ vui vẻ và nhận quà. Làm như vậy thì mục đích tặng quà của bạn chắc chắn sẽ đạt được.
6. Mượn gà đẻ trứng
Một học sinh đã nhận rất nhiều sự giúp đỡ từ thầy giáo của mình, và luôn muốn báo đáp những ân huệ đó, nhưng anh ta lại không có cơ hội. Một hôm, anh ta phát hiện trên khung kính bằng gỗ gụ của thầy giáo có khảm một bức họa chữ. Anh cảm thấy nó được bày biện không hài hòa cho lắm so với sự bài trí đẹp đẽ trong phòng. Vừa hay chú ruột của anh là một nhà thư pháp có chút tiếng tăm trong nước, trong tay lại có bức họa chữ được ông ấy tặng, anh lập tức cầm bức họa chữ đó ra, chủ động đặt vào trong khung kính. Thầy giáo của anh không hề phản đối, mà còn cảm thấy hết sức thích thú. Vậy là mục đích tặng quà để báo đáp ân huệ của anh đã đạt được.
7. Mượn đường để bắc cầu
Trong những tình huống nhất định, tình cảm con người cũng là một món quà. Ví dụ, bạn có thể tận dụng các mối quan hệ để mua được những món đồ với giá xuất xưởng hoặc giá ưu đãi. Khi bạn bè hoặc đồng nghiệp cầm trên tay những món đồ đó thì họ cũng đã coi “tình cảm” của bạn là một món quà rồi. Người tặng tình cảm không mất gì nhưng lại được lợi rất nhiều, và có thể từ đó mà nhận được những niềm vui.
HAI ĐIỂM CHÚ Ý KHI TẶNG QUÀ
1. Lựa chọn quà tặng
Thông thường, quà tặng quá “nhẹ” mà ý nghĩa không lớn thì sẽ rất dễ khiến người khác hiểu lầm là coi thường đối phương, đặc biệt là đối với những người có quan hệ không mấy thân thiết thì càng thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên, nếu như quà tặng quá đắt đỏ thì sẽ khiến những người được nhận quà có cảm giác nghi ngờ mình đang nhận hối lộ, nhất là đối với cấp trên. Tóm lại, lựa chọn quà tặng không phù hợp không những không có lợi cho sự thành công trong giao tiếp của bạn, mà còn làm phát sinh rất nhiều thứ phiền não.
2. Lựa chọn thời gian và địa điểm tặng quà phù hợp
Việc lựa chọn thời gian cũng như địa điểm để tặng quà rất cần được chú ý. Thời cơ tặng quà phù hợp, địa điểm thích hợp sẽ khiến cho những món quà tặng bình thường trở nên có giá trị đặc biệt, khiến cho người nhận quà cảm thấy cảm động khác thường. Vậy khi tặng quà, lựa chọn thời cơ như thế nào thì được coi là tốt đây?
(1) Khi người khác gặp phải khó khăn nếu bạn đưa tay ra giúp đỡ thì sẽ khiến cho những người nhận được món quà đó khó mà quên được. Khi có một gia đình không hạnh phúc, cho dù thứ bạn tặng đi chỉ là một bộ quần áo, một túi thức ăn thì những người nhận được quà tặng cũng sẽ cảm nhận được tấm lòng của bạn.
(2) Tặng quà phải tặng đúng thời điểm. Với bạn bè thân thiết lâu năm, nếu có ngày lễ tết hay chuyện vui mừng, không cần quà cáp nhiều, chỉ cần có ý chúc mừng là được khi đó mối quan hệ bạn bè sẽ càng thêm gắn bó. Tuy nhiên, khi tặng quà thì tránh việc tặng quà muộn.
Nếu như không có cơ hội thì chi bằng không tặng còn hơn. Để tránh xảy ra sơ suất, bạn cần chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ để ghi chép cẩn thận những việc cần phải tặng quà, sau đó dần dần thực hiện, như vậy sẽ không bao giờ bị lỡ.
(3) Lựa chọn lúc đối phương đang ở nhà để tặng quà. Bởi vì, việc đưa quà tặng cho hàng xóm tặng giùm là một điều không lịch sự. Thêm nữa, quà tặng chỉ là công cụ để giao lưu, điều quan trọng là thông qua việc nói chuyện để tăng thêm tình hữu nghị giữa hai bên.
(4) Tránh việc tặng quà khi gặp gỡ bên ngoài. Việc tặng quà tốt nhất là nên tiến hành ở những nơi riêng tư, nếu có nhiều người thì nên tránh, đặc biệt là tặng quà cho đồng nghiệp và cho lãnh đạo thì càng phải chú ý hơn. Thứ nhất là vì, đồng nghiệp và lãnh đạo sợ mang tiếng nhận hối lộ, người tặng quà cũng không muốn để lại cái tiếng là nịnh bợ. Thứ hai là bởi những người thích bịa đặt sinh sự lúc nào cũng có thể xuất hiện, vì vậy nên tránh để người khác bắt được khuyết điểm.