Thể hiện phong độ chỗ đông người
PHÉP “TAM ĐOẠN LUẬN” TRONG DIỄN THUYẾT
Người lãnh đạo không thể tránh khỏi việc phải diễn thuyết. Diễn thuyết là thời điểm quan trọng để người lãnh đạo bộc lộ và thử thách phong độ của mình.
Một nhà diễn thuyết nổi tiếng đã tóm gọn quá trình diễn thuyết thành ba câu như sau: “Hãy đứng dậy!” “Hãy nói chuyện!” “Hãy dừng lại!” Dưới đây xin giới thiệu qua một chút:
1. “Hãy đứng dậy!”
“Hãy đứng dậy” yêu cầu mỗi người khi diễn thuyết đều phải đứng trên bục diễn thuyết với thần thái uy nghiêm, tràn đầy tự tin, không được nhút nhát, rụt rè, tay chân luống cuống, đi lại mất tự nhiên. Một người sắp bắt đầu diễn thuyết, nếu như có thể đứng trên bục diễn thuyết một cách bình tĩnh, không hoảng hốt, không sợ hãi thì việc diễn thuyết của anh ta coi như đã có thể thành công được một nửa rồi.
2. “Hãy nói chuyện!”
Một người diễn thuyết sau khi đã “đứng dậy”, thì chắc chắn sẽ phải bắt đầu cuộc nói chuyện một cách trôi chảy.
“Nói chuyện” ở đây chính là tiến hành diễn thuyết dựa theo trình tự đã định trước.
Ví dụ bạn là người diễn thuyết, vậy thì lúc này bạn là nhân vật chính trong hội trường đó, vì thế bài diễn thuyết của bạn cần phải đạt tới độ quyền uy.
Cũng có thể lúc đó bạn đã hơi hoảng hốt, chưa nói đến tiêu chuẩn “quyền lực và uy thế” mà ngay cả “phong cách thường ngày” bạn cũng khó mà đạt được. Cho dù như vậy thì lúc đó bạn cũng đừng thể hiện sự hoảng hốt trên nét mặt, hãy bắt đầu hít một hơi thật sâu và nói một cách cứng rắn, sau khi nói vài câu bạn sẽ có thể dần dần trấn tĩnh lại.
Khi bạn đang diễn thuyết, nhất định phải “rót” vào tai người nghe từng câu, từng chữ một cách rõ ràng, chỉ có như vậy thì mới có thể lôi kéo được sự chú ý của người nghe. Cho dù là một đoạn nội dung nào đó đòi hỏi chỉ có thể diễn thuyết với giọng điệu trầm lắng, chậm rãi nhưng hãy cố gắng truyền lời nói của mình đến tất cả các góc của hội trường.
Khi diễn thuyết, bạn có thể quan sát được phản ứng của người nghe. Nếu họ yên lặng với vẻ thoải mái thì đó là họ đang chăm chú nghe cuộc nói chuyện của bạn; nếu họ tỏ ra nôn nóng, bất an hoặc nói chuyện riêng, thì bạn phải nhanh chóng kết thúc hoặc là chuyển sang chủ đề khác ngay lập tức.
3. “Hãy dừng lại!”
Tôi không nói chắc bạn cũng hiểu được, “dừng lại” chính là “kết thúc chủ đề”.
Sau khi bạn đã nói hết những điều mà bạn cần nói thì đương nhiên bạn phải “ngậm miệng lại” rồi.
Một người diễn thuyết sẽ thất bại nếu không biết nên kết thúc buổi trò chuyện của mình khi nào và như thế nào. Hãy chọn một kết thúc ấn tượng và kết thúc khi người nghe vẫn còn đang hứng thú với những gì bạn nói.
Sau khi phần diễn thuyết của bạn kết thúc, nếu có người tỏ vẻ nuối tiếc nói với bạn: “Tại sao anh lại kết thúc nhanh như vậy? Tôi thực sự muốn được nghe anh nói nữa.” Vậy thì cuộc diễn thuyết của bạn đã đạt đến một trình độ khá cao.
MỞ ĐẦU BÀI DIỄN THUYẾT THẬT SÁNG TẠO
Theo các nghiên cứu tâm lý, những sự vật mới lạ thường có sức hấp dẫn, hơn nữa “có mới nới cũ” lại là lẽ thường tình. Vì vậy, việc có thể đưa ra những sáng tạo mới chính là nhân tố then chốt cho sự thành bại của cuộc diễn thuyết. Vậy làm thế nào để có thể mở đầu một bài diễn thuyết thật sáng tạo?
Trước hết, bạn phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để tùy cơ ứng biến. Để chúc mừng cho lễ khánh thành tượng đồng Đào Hành Tri, hiệu trưởng Vương đã chuẩn bị một bài phát biểu thật hoàn hảo. Trong ngày tổ chức lễ khai mạc thời tiết rất lạnh, buổi lễ vừa mới tiến hành không lâu mà trong hội trường đã xôn xao những tiếng xuýt xoa vì lạnh. Nhưng những bài phát biểu đã được sắp xếp từ trước vẫn phải lần lượt từng người nói một. Khi đến lượt hiệu trưởng Vương phát biểu thì ngoài trời bắt đầu lạnh hơn và có tuyết rơi. Thế là ông bèn thay đổi phương án, đút bài phát biểu của mình vào trong túi, chỉ nói một câu: “Các em sinh viên, tại đây tôi chỉ muốn dùng lời trong bài hát Tự lập thân của Đào Hành Tri để cổ vũ mọi người, đó chính là: ‘Đổ mồ hôi của mình, ăn cơm của chính mình, việc của mình mình làm. Dựa vào người khác, dựa vào ông trời, dựa vào tổ tiên thì sẽ không phải là hảo hán.’” Ông vừa dứt lời xong thì bên dưới bỗng vang lên tiếng vỗ tay không ngớt. Sau buổi lễ đó, mọi người đều đồng ý ông là người phát biểu hay nhất.
Thứ hai, bạn phải có cách mở đầu thật mới lạ, khác hẳn những người phát biểu trước đó. Ví dụ, việc xưng hô của người diễn thuyết với người nghe tưởng như hết sức đơn giản và rất bình thường, nhưng nếu dùng cách xưng hô mới mẻ thì việc mở đầu diễn thuyết coi như đã thành công một nữa.
Lý Yến tham gia cuộc thi hùng biện ở trường đại học. Trước khi cô bắt đầu bài diễn thuyết của mình đã có bảy người khác diễn thuyết xong, cách xưng hô của họ phần lớn là “Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn sinh viên”. Lý Yến nghĩ nếu mình vẫn dùng cách xưng hô như vậy thì sẽ rất khó được người nghe chú ý tới, mặt khác trường mình đào tạo toàn các chuyên ngành cơ khí, kế toán, quản trị kinh doanh. Vì thế cô quyết định sử dụng cách xưng hô mà trước đó chưa có sinh viên nào dùng cả, đó là: “Xin chào tất cả các kỹ sư, các kế toán trưởng, các giám đốc xưởng tương lai!” Lý Yến vừa dứt lời, sinh viên toàn trường đã vỗ tay vang dội, và đó là động lực để Lý Yến hoàn thành tốt bài hùng biện của mình và giành giải nhất.
KHI ĐỨNG TRƯỚC NHIỀU NGƯỜI, CẦN CHÚ Ý THỂ HIỆN PHONG ĐỘ CỦA MÌNH
Chú ý tới những điểm dưới đây, bạn có thể trở thành một người diễn thuyết có phong độ.
1. Dáng vẻ tự nhiên, thái độ điềm tĩnh
Khi nói chuyện trước đám đông, không ít người dễ bị luống cuống, mất bình tĩnh, hoặc là nói năng ấp úng hoặc “đang nói cái gì cũng không biết nữa”.
Khi gặp phải tình huống đó hãy hít thở thật sâu trước khi bắt đầu bài nói chuyện. Như vậy, trong lòng sẽ cảm thấy yên tâm. Hoặc để khắc phục, bạn cũng có thể nở một nụ cười, vì theo nghiên cứu cười có tác dụng rất tốt với việc giảm bớt căng thẳng, điều hòa hô hấp, giúp não phản ứng linh hoạt hơn, lời nói tập trung hơn.
2. Giọng nói phù hợp, tốc độ vừa đủ
Khi diễn thuyết trước đông người, bạn phải chú ý những điểm sau:
a, Bạn nói có quá nhanh hay không?
Khi nói chuyện thì giọng nói phải rõ ràng, tốc độ nhanh chậm phải phù hợp. Hãy cố gắng để khi bạn nói một câu thì mọi người đã có thể hiểu một câu, không cần phải hỏi lại bạn một lần nữa. Vì có thể những người lạ hoặc những người có địa vị thấp hơn bạn thì sẽ không đủ can đảm để nhờ bạn nói lại một lần nữa đâu.
b, Bạn nói có to quá không?
Đương nhiên, khi nói chuyện không cần phải quá nhanh hoặc âm lượng quá vang nhưng cũng đừng nhỏ quá vì dễ khiến người nghe không tập trung.
CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG ĐỂ TRÁNH NGƯỢNG NGÙNG LÀM CHO HỘI TRƯỜNG TRỞ NÊN NHẠT NHẼO
Nhiều năm trước tại New York, câu lạc bộ Rotary đã từng tổ chức một bữa tiệc ăn trưa, người chủ trì bữa tiệc hôm đó là một quan chức chính phủ rất nổi tiếng. Mọi người đều chờ đợi, mong muốn ông nói chuyện một chút về tình hình hoạt động của cơ quan do ông đứng đầu.
Khi ông vừa bước lên bục diễn thuyết thì mọi người lập tức phát hiện trước đó ông không hề chuẩn bị gì cả. Đầu tiên, ông vốn muốn trình bày một bài diễn thuyết ngẫu hứng, nhưng kết quả không được trôi chảy cho lắm. Thế là ông vội vội vàng vàng lấy ra từ trong túi áo một quyển sổ ghi chép, nhưng thông tin trong đó sắp xếp khá lộn xộn. Tay chân ông lóng ngóng lật đi lật lại hết trang này sang trang khác, càng nói càng tỏ ra ngượng ngùng và vụng về. Thời gian trôi qua từng giây từng phút, ông càng hoang mang hơn. Ông vẫn tiếp tục tìm kiếm trong quyển sổ ghi chép, và liên tục nói lời xin lỗi. Ông hi vọng có thể lấy được một chút đầu mối nào đó trong cuốn sổ ghi chép để tiếp tục bài phát biểu của mình. Thật sự là hết sức chịu đựng! Ông đã hoàn toàn bị sự sợ hãi đả kích, chính là bởi vì ông gần như không có chút chuẩn bị nào cho buổi diễn thuyết lần này. Cuối cùng ông không còn cách nào khác đành phải về chỗ.
Dale Carnegie đã chỉ ra: “Chỉ có những người diễn thuyết đã có sự chuẩn bị thì mới có thể cảm thấy tự tin. Thử nghĩ xem, khi một người ra chiến trường, nếu như anh ta đem theo một loại vũ khí có chút trục trặc, không hề có chút đạn dược nào thì thử hỏi anh ta lấy gì để tấn công kẻ địch đây?” Daniel Webster đã từng nói: “Khi chưa chuẩn bị chút gì mà đã xuất hiện trước công chúng thì giống như là việc bản thân không mặc quần áo mà chạy ra ngoài đường vậy.”
Vậy trước khi diễn thuyết thì bạn cần chuẩn bị những gì?
1. Không nên cứng nhắc học thuộc lòng nội dung diễn thuyết từng từ, từng chữ một
“Sự chuẩn bị kỹ càng” không đồng nghĩa với việc phải học thuộc lòng hết từng từ một trong nội dung của bài diễn thuyết. Vì việc viết ra bài phát biểu và sau đó học thuộc lòng không những lãng phí thời gian, công sức mà còn dễ dàng dẫn đến thất bại.
Vì cho dù chúng ta có khả năng ghi nhớ từng từ, từng chữ một nhưng khi bạn đứng trước rất nhiều người nghe, rất có thể sẽ quên hết những thứ đó. Cho dù không quên hết, và rồi bật hết chúng ra từ miệng thì e rằng sẽ rất cứng nhắc máy móc, bởi vì chúng không phải là được nói ra từ trong nội tâm của chúng ta, chỉ là thể hiện sự ghi nhớ mà thôi.
2. Hãy tập nói trước những người bạn của mình
Hãy lấy những chủ đề mà bạn sẽ phát biểu để nói chuyện như thường ngày với bạn bè hoặc đồng nghiệp. Bạn không cần thiết phải truyền tải hết nội dung, mà chỉ cần nói những câu như sau ở trên bàn ăn bữa trưa: “Tiểu Lý, anh có biết là có một hôm tôi đã gặp phải một chuyện không được bình thường hay không, nói cho anh biết nhé!” Tiểu Lý có thể sẽ rất muốn nghe câu chuyện của bạn. Hãy tỉ mỉ quan sát phản ứng của anh ấy, và nghe những phản hồi của anh ta, chưa biết chừng anh ta sẽ có những ý kiến có giá trị. Anh ta sẽ không thể biết được là bạn đang tập nói thử. Đây là một cách làm đơn giản, dễ dàng nhưng lại rất hiệu quả.
ĐỊNH HƯỚNG CHO NGƯỜI NGHE BẰNG CÁCH “MƯỢN CẢNH SINH TÌNH”
Nhìn thấy núi cao thì sẽ nghĩ ngay tới cây cối; nhìn thấy sông nước thì sẽ nghĩ ngay tới thuyền cá; nhìn thấy con trẻ thì sẽ nghĩ ngay tới các bà mẹ. Đây chính là “mượn cảnh sinh tình” là mấu chốt giúp cho bài diễn thuyết của bạn thành công.
Về bản chất, nghệ thuật diễn thuyết là nghệ thuật trình diễn những am hiểu sâu sắc của mình. Chỉ khi có “cất giấu” tài năng trong người thì người nói mới có thể nói ra những lời nói văn chương đẹp đẽ. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh nhất định, diễn thuyết lại là “sự lây nhiễm” lẫn nhau trong cái “cảm” của người diễn thuyết và người nghe. Bản thân “hoàn cảnh” khá tĩnh tại, nhưng những người diễn thuyết thông minh linh động sẽ thường có thể mượn hoàn cảnh một cách khéo léo, biến tĩnh thành động, biến chết thành sống, để cho “hoàn cảnh” giúp đỡ một phần sức lực cho mình. Những người diễn thuyết thông minh sẽ đạt được ba thứ của “mượn cảnh”, có thể biến hoàn cảnh thành những thứ mà mình có thể sử dụng một cách hợp lý, khiến việc diễn thuyết của mình trở nên độc đáo và đặc sắc.
Năm 1957, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đến thăm Nepal, phát biểu tại lễ chào mừng của nhân dân thành phố Kathmandu, ông đã bắt đầu bằng việc nhắc tới dãy núi Himalaya: “Khi cùng đứng với hàng nghìn, hàng vạn người nhân Nepal trên quảng trường này, hồi ức quý báu trong quá khứ lại xuất hiện ngay trước mắt tôi. Tuy giữa hai nước chúng ta bị ngăn cách bởi dãy núi Himalaya hiểm trở nhất thế giới, nhưng nhân dân hai nước chúng ta từ xưa đến nay đã duy trì được sự giao lưu hữu nghị...” Đó là dùng sự cách trở của dãy núi Himalaya để làm nổi bật lên tình hữu nghị nồng hậu, sự lâu đời về lịch sử giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Nepal. Kết thúc, Thủ tướng Chu Ân Lai lại một lần nữa nhắc tới dãy núi Himalaya: “Để kết thúc bài phát biểu của mình, tôi xin chúc cho tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nepal sẽ mãi mãi trường tồn, sừng sững giống như dãy núi Himalaya nối liền hai đất nước của chúng ta vậy!” Tại đây, sự to lớn sừng sững của dãy núi Himalaya lại khiến nó trở thành một biểu tượng hữu nghị trường tồn, không bao giờ bị phá hủy. Trong lời mở đầu và lời kết thúc của một bài phát biểu, vẫn cùng một dãy núi nhưng đã được nhắc đến với những sắc thái không hề giống nhau, hơn nữa đều thực sự rất xác đáng, dễ hiểu.
TRÁNH LẶP ĐI LẶP LẠI NHIỀU LẦN KHI DIỄN THUYẾT
Dưới đây là những biểu hiện của việc lặp đi lặp lại mà một người diễn thuyết nên tránh:
1. Tái hiện nhiều lần
Điều này chủ yếu là để chỉ trong một câu hoặc một vài câu nói, có một phần nào đó được xuất hiện lại. Ví dụ như một người lãnh đạo, trong một lần báo cáo đã nói ra hai câu như sau:
“Chúng ta phải quét sạch triệt để những tư tưởng không coi trọng phụ nữ, đồng thời cũng phải quét sạch triệt để tư tưởng coi thường phụ nữ.”
Hai câu nói này thực chất mang cùng một ý nghĩa, nhưng do bản thân người lãnh đạo này không hiểu rõ hai từ “không coi trọng” và “coi thường” cho nên xuất hiện sự trùng lặp mà không hề hay biết.
2. Vẽ rắn thêm chân
“Vẽ rắn thêm chân” dùng để chỉ việc lặp đi lặp lại nhiều lần, mà khiến cho ý mình muốn nói không được chuẩn, không được rõ ràng, thậm chí không được chính xác. Ví dụ, trong một buổi họp phụ huynh, một giáo viên chủ nhiệm lớp đã nói như sau:
“Thưa các vị, các đồng chí phụ huynh, hôm nay chúng tôi mời mọi người đến đây để mở một buổi họp phụ huynh...”
“Các vị” và “các đồng chí” ở đây chính là sự lặp lại, phía trước đã có “các vị” rồi thì phía sau không có lý do gì mà phải thêm vào từ “các đồng chí” nữa.
3. Chuyện nọ sang chuyện kia
“Lúc nói thế này, lúc lại nói thế kia, không có trung tâm” tức là khi kể một câu chuyện nào đó, người kể chuyện lại đề cập đến một câu chuyện khác, sau đó chuyển hướng nói về câu chuyện đó, quanh đi quẩn lại, ngày càng xa rời so với chủ đề mình đưa ra.
Không có gì phải nghi ngờ, những người lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến cho người khác bị phản cảm. Vì vậy, những người diễn thuyết nên khắc phục điểm này. Vậy làm thế nào để khắc phục tật đó?
Trước tiên, cần phải tìm ra căn nguyên của bệnh. Mà nguyên nhân của việc nói lặp đi lặp lại thì có rất nhiều. Có trường hợp là do tư duy nghèo nàn nội dung trống rỗng, bởi vì không có những hiểu biết thực tại, và thế là lặp đi lặp lại những kiến thức chung mà một số người đã nắm rõ. Có những trường hợp là do vốn từ eo hẹp, cho dù là muốn bày tỏ những tư tưởng đơn giản hay là phức tạp thì cũng không đủ lượng vốn từ dùng cho nó, cho nên lặp lại sử dụng những từ cũ. Có những trường hợp là do tư duy bị hỗn loạn, đằng trước đã nói rồi, mà đằng sau lại lần lượt lặp đi lặp lại. Còn có những trường hợp là do đánh giá thấp khả năng hiểu của người nghe, nên sau khi nói ra lại có cảm giác sợ người nghe không hiểu ý, và thế là lặp đi lặp lại, nhấn mạnh, khiến cho người khác cảm thấy, nhàm chán.
Tiếp theo, phải xác định rõ động cơ diễn thuyết. Trong bối cảnh nhịp độ cuộc sống đã tăng lên, cần phải nâng cao hiệu suất làm việc, cho nên cần phải kiêng kị những lời nói thừa. Tiếp nữa, những người diễn thuyết cần phải hiểu rõ mạch suy nghĩ, “nói rõ những ý chính, bỏ qua những ý không quan trọng”, cần phải rèn luyện chăm chỉ về tư tưởng và ngôn ngữ, phải chú ý tăng cường rèn luyện kĩ năng biểu đạt khẩu ngữ, nuôi dưỡng thành thói quen tốt là ngắn gọn nhưng súc tích, lập luận chặt chẽ. Nên nói những câu nói đơn giản nhưng bao hàm đủ ý muốn truyền đạt, vừa nghe đã có thể hiểu được và cũng có thể ghi nhớ được lâu dài.
Để tránh việc lặp đi lặp lại trong diễn thuyết thì những người diễn thuyết cần phải tránh những lời nói khách sáo. Những người diễn thuyết nói ra những lời khách sáo mà không có ý nghĩa gì thì không những lãng phí thời gian, mà còn ảnh hưởng đến khí thế diễn thuyết nữa. So với những bài diễn thuyết với khí thế lớn, nhịp độ mạnh, hăm dọa người khác, người nghe phải nghe những lời nói khách sáo “Hơ, nói chẳng có gì hay ho, a, xin mọi người hãy bỏ qua”, thì có lẽ là đã làm hỏng không khí vui vẻ! Khó tránh được sự phản cảm từ phía người nghe, thậm chí sẽ làm xuất hiện những âm thanh đi lại, những âm thanh ồn ào mất trật tự lại. Cho nên, trong khi diễn thuyết cần phải bỏ đi và khắc phục những lời nói khách sáo. Những người diễn thuyết phải tự xem xét đối tượng người nghe là ai, tránh triệt để dùng những từ ngữ khách sáo đó. Điều quan trọng là những người diễn thuyết phải nâng cao trình độ, không nên cứ mở miệng ra là nói câu “trình độ không cao”, khi kết thúc lại nói “nghiên cứu chưa đủ sâu”. Cho dù có thực sự nói không được tốt đi nữa thì người nghe vẫn coi bạn là người có thành ý và cũng sẽ đồng ý bỏ qua cho bạn.
ĐƯA RA NHIỀU HÀM Ý BẰNG CỬ CHỈ HÀNH ĐỘNG CỦA TAY
Cử chỉ bằng tay chính là hình thức biểu cảm thường dùng của những người diễn thuyết. Trong khi diễn thuyết, việc khéo léo sử dụng tay sẽ có tác dụng đặc biệt. Việc vận dụng cử chỉ bằng tay có phù hợp hay không sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả của việc diễn thuyết dưới những hình thức khác nhau.
Những ai đã từng xem bộ phim Lê Nin năm 1918 thì sẽ nhớ rõ tư thế oai nghiêm của Lê Nin khi đứng diễn thuyết trước mọi người cũng như sự phối hợp những cử chỉ bằng tay với ngôn ngữ một cách chuẩn xác, phù hợp của ông. Trong đó, có một cử chỉ bằng tay như sau: Cùng lúc khi ông diễn thuyết, cơ thể đang hướng về phía trước, đầu ngẩng lên, đôi mắt nhìn ra phía xa, cánh tay phải đưa ra một cách quyết đoán và rất có lực. Cử chỉ bằng tay được thể hiện trong chốc lát như vậy khiến cho mọi người thấy được khả năng nhìn xa trông rộng, kiến thức đa dạng và khí thế oai hùng của một vị lãnh tụ vĩ đại, nhìn thấy được lòng tin, sự kiên định về chiến thắng và quyết tâm luôn hướng về phía trước của ông. Cử chỉ đó khiến cho đông đảo mọi người cảm thấy phấn khích, nhận được sự cổ vũ, quyết tâm đi theo hướng chỉ dẫn của ông, dũng cảm tiến lên phía trước. Chính vì lý do đó mà mười mấy năm trở lại đây, hình tượng oai hùng khi diễn thuyết của Lê Nin vẫn luôn luôn khắc sâu trong lòng của hàng ngàn, hàng vạn người dân.
Biết được tác dụng của cử chỉ bằng tay, các nhà lãnhđạo nên chú ý coi trọng đến việc vận dụng nó trong việc diễn thuyết. Trước tiên cần phải hiểu biết và nắm rõ những hàm ý cơ bản của những cử chỉ bằng tay.
1. Ngửa bàn tay
Ngửa bàn tay tức là lòng bàn tay hướng lên trên, ngón cái xòe ra, những ngón còn lại chụm vào. Giơ tay cao lên là bày tỏ sự vui mừng khen ngợi, sự thỉnh cầu. Giơ tay bình thường là biểu thị việc trưng cầu ý kiến của người nghe một cách chân thành. Giơ tay thấp là bày tỏ sự bất lực, không còn biết làm cách nào nữa.
2. Úp bàn tay
Úp bàn tay tức là lòng bàn tay hướng xuống dưới, trạng thái các ngón tay giống nhau, đó là cử chỉ nhắc nhở một cách cẩn thận, người diễn thuyết có cảm xúc cần phải kìm nén người nghe, từ đó đạt được mục đích khống chế tình hình, cũng có thể biểu thị phủ nhận hoặc là phản đối...
3. Chém bàn tay
Chém bàn tay tức là bàn tay xòe ra, ngón tay khép lại, vù vù chém xuống giống như một lưỡi rìu vậy, biểu thị sự quyết đoán, kiên quyết.
4. Mở kiểu mổ bàn tay
Mổ bàn tay tức là các ngón tay khép lại, đầu ngón tay hướng về phía người nghe. Cử chỉ tay như vậy có tính chỉ thị mạnh mẽ, nhưng cũng rất dễ hình thành tính khiêu khích, uy hiếp, đe dọa. Thông thường khi quen biết nhau hoặc có quan hệ với người nghe thì người diễn thuyết mới sử dụng.
5. Cắt bàn tay
Cắt bàn tay là một hình thức khác của “Chém bàn tay”. Lòng bàn tay hướng xuống dưới, sau đó đồng thời tách ra theo hướng trái phải. Cử chỉ tay như vậy biểu thị sự cự tuyệt một cách mạnh mẽ, không có hoài nghi gì. Người diễn thuyết cũng có thể dùng cử chỉ tay như vậy để loại bỏ đi những chi tiết liên quan đến chủ đề của mình.
6. Giơ ngón tay
Giơ ngón tay trỏ ý chỉ một ai đó, một chuyện nào đó, một ý nghĩa nào đó, hoặc là làm cho người nghe chú ý. Giơ ngón tay cái biểu thị sự tự hào hoặc là tán thành. Giơ ngón giữa biểu thị số lượng, so sánh...
7. Chụm ngón tay lại
Chụm ngón tay tức là năm đầu ngón tay áp sát với nhau, đầu ngón tay hướng lên trên giống như một cái ví tiền đã được kéo kín. Cử chỉ tay như vậy thường là nhấn mạnh chủ đề hay là những quan điểm quan trọng, sử dụng khi gặp vào những vấn đề cần phải thảo luận.
8. Gạt tay
Gạt tay tức là đầu ngón tay hướng lên trên và chụm lại, lòng bàn tay khua ra hướng ngoài. Cử chỉ tay như vậy thường biểu thị việc gạt bỏ ý kiến của người nghe, không sợ khó khăn hăng hái tiến lên.
9. Vỗ tay vào người
Vỗ tay vào người tức là dùng tay vỗ vào một bộ phận nào đó trên cơ thể của mình. Hai tay cùng vỗ vào người biểu thị sự suy nghĩ sâu, khiêm tốn, chân thành. Lấy tay vỗ vào ngực biểu thị tự hỏi bản thân. Lấy tay vỗ lên đầu biểu thị xót xa ân hận, nhớ lại...
10. Kiểu nắm đấm
Năm ngón tay chụm lại, nắm chặt thành một nắm đấm, cử chỉ tay như vậy có những lúc biểu thị sự uy hiếp, trả thù. Cũng có những lúc biểu thị cảm giác kích động, thái độ kiên quyết, nguyện vọng nhất định phải được thực hiện.
Cử chỉ tay của người diễn thuyết là sự biểu lộ tự nhiên của tình cảm nội tại, không nên làm một cách cứng nhắc. Đưa ra cử chỉ tay là để giúp biểu đạt ý, nếu như không đạt được mục đích như vậy thì coi như là “vẽ rắn thêm chân” rồi.
Về vị trí đặt tay, có một số chuyên gia đã thiết kế ra những phương án khác nhau, khi vận dụng chúng không được câu nệ, cố chấp, chỉ cần làm một cách tự nhiên là được rồi. Nhưng cần phải kiêng kị không được đút tay vào túi quần áo, như vậy sẽ thể hiện thái độ không tôn trọng đối với người nghe, còn bản thân cũng giống như “bị trói vào” vậy. Chỉ cần bạn nắm chắc những nội dung chủ yếu, vận dụng cử chỉ tay trong diễn thuyết, trải qua thực tiễn lâu dài thì nhất định sẽ khiến cho cử chỉ tay của mình có thể đạt tới nét đặc sắc giống như cử chỉ tay của Lê Nin vậy.
THƯỜNG XUYÊN TỰ BỒI DƯỠNG
Muốn bài diễn thuyết của mình có sức hấp dẫn, có thể khiến cho người nghe cảm động, đạt được hiệu quả tốt thì trước khi diễn thuyết cần phải có sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý. Sự chuẩn bị tâm lý lại được quyết định bởi việc nuôi dưỡng những tố chất tâm lý, việc chuẩn bị về tài liệu, việc lựa chọn chủ đề và phương thức diễn thuyết, thậm chí là việc luyện tập diễn thuyết nữa. Trong đó, sự nuôi dưỡng tố chất tâm lý cần phải được tiến hành thường xuyên và kiên trì.
Một người có tố chất tâm lý tốt thì khi đối mặt với hàng ngàn, hàng vạn người nghe, thần sắc vẫn bình thường, khiến ngôn ngữ của bản thân được thể hiện ra một cách từ từ, róc rách giống như là mạch nước ngầm vậy, làm cho người khác cảm thấy phấn khích, say sưa, ngây ngất. Tài năng diễn thuyết của anh ta nhất định sẽ được mọi người ngưỡng mộ. Muốn có một bài diễn thuyết thành công thì cần phải bắt đầu bằng sự tự tin không ngại ngần. Nếu như trước khi diễn thyết mà không có lòng tự tin thì hiệu quả của việc diễn thuyết chắc chắn sẽ không được mỹ mãn.
Lý Yến Kiệt - một nhà diễn thuyết nổi tiếng của Trung Quốc khi nói đến kinh nghiệm và những hiểu biết của mình, đã nói: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó vất vả, bố mẹ tôi đều là những người làm nghề gõ đầu trẻ. Nhưng từ nhỏ tôi lại không thích nói, càng không thích nói chuyện ở những nơi đông người. Khi đi học, ngay cả họp tổ nhỏ tôi cũng không dám mở miệng ra nói chuyện gì. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm của tôi là Tề Chân còn thường xuyên tìm tôi để nói chuyện: ‘Tiểu Lý, em không nên thẹn thùng xấu hổ như vậy. Tại sao lúc nào em cũng như một cô gái không thích mở miệng ra nói chuyện như vậy chứ?’ Sau đó, tôi mới hạ quyết tâm luyện nói. Chỉ cần có cơ hội là tôi cố gắng lên bục để nói. Cứ như vậy, luyện tập nhiều lần, tôi mới dần dần học được cách nói trước nhiều người. Sau này, khi trở thành giảng viên trong trường, cơ hội để đối mặt với người nghe và nói chuyện ngày càng nhiều lên. Tôi dần dần gắn kết việc nói chuyện với sự nghiệp của mình, muốn làm một giảng viên tốt, không học cách nói năng thì sao có thể làm được.”
Và thế là ông lấy lại dũng khí, học tập chăm chỉ, chịu khó vất vả, gắn chặt việc nói chuyện với sự nghiệp của mình, từ một người không thích nói chuyện, luyện tập dần dần trở thành một nhà diễn thuyết xuất sắc. Kinh nghiệm của Lý Yến Kiệt đã nói cho chúng ta biết, chỉ cần có lòng tự tin, nhận thức được vai trò to lớn của việc diễn thuyết thì cho dù khả năng bẩm sinh có như thế nào đi chăng nữa, bất kì người nào cũng đều có hi vọng trở thành một người thầy trong việc diễn thuyết.
Những người nổi tiếng hàng đầu khi mới học cách diễn thuyết cũng lóng nga lóng ngóng, hiểu được những điều đó chắc chắn sẽ có lợi cho việc bạn khắc phục tâm lý ngại ngùng, sợ hãi. Một người muốn rèn luyện để không cảm thấy ngại ngùng, sợ hãi thì đầu tiên phải xây dựng kiến thức về sự tự tin, đó là tố chất tâm lý cơ bản nhất của những nhà diễn thuyết. Cần phải tràn đầy tự tin quyết thắng đối với việc diễn thuyết của mình. Khi diễn thuyết, cần phải mạnh dạn, thần thái phải tự nhiên, tư duy nhanh nhạy, thoải mái ung dung, kiềm chế và chi phối chính mình để kỹ năng diễn thuyết được phát huy hoàn toàn. Ngược lại, nếu mới bước lên đã cảm thấy bồi hồi thì cho dù nội dung diễn thuyết có mới mẻ, khác lạ đến mấy, tài liệu có phong phú và thú vị đến mấy cũng khó để có thể lấy được cảm hứng của người nghe.
TRÍCH DẪN - “VẼ RỒNG ĐIỂM MẮT”
Những câu nói nổi tiếng có vai trò quan trọng đối với việc đi sâu nói về chủ đề của mình, nhưng trong khi diễn thuyết, việc vận dụng những câu nói nổi tiếng cần phải chú ý một số điểm sau đây:
GIẢI ĐÁP NHỮNG CÂU HỎI KHÓ CỦA NGƯỜI NGHE
Dưới đây là một số một số ví dụ giúp bạn biết cách giải quyết những câu hỏi khó mà người nghe đưa ra:
1. Nếu như bạn chưa hiểu rõ, hãy đề nghị người đưa ra câu hỏi hỏi lại một lần nữa
Đôi khi người nghe nêu ra những câu hỏi rất mơ hồ, vì thế người diễn thuyết nên hỏi lại cho rõ chứ đừng hỏi lại bằng những câu như “Ý của bạn có phải là... hay không”, hoặc “Ý của bạn là...” Những câu nói kiểu như vậy chỉ khiến bạn bị động hơn mà thôi, người nghe cũng sẽ vì thế mà trở nên không thể kiên nhẫn, cho nên đừng bao giờ trao đổi thương lượng với người đặt ra câu hỏi cho bạn. Nếu như bạn không hiểu câu hỏi mà người nghe đưa ra thì hãy đề nghị họ hỏi lại một lần nữa.
Không ổn nhất đó là bạn vẫn không hiểu câu hỏi đã được đưa ra, vậy thì hãy đề nghị người hỏi đưa ra một ví dụ về câu hỏi mà họ đưa ra. Thông thường, người đặt ra câu hỏi sẽ đưa ra cho bạn một ví dụ tương tự, giúp bạn hiểu được nội dung trọng tâm trong câu hỏi mà họ đang quan tâm.
2. Khéo léo trả lời bằng cách liệt kê
Phương pháp này thường được dùng trong khi có tới ba bốn câu hỏi được đưa ra một lúc, hơn nữa chúng nằm trong những tình huống khác nhau. Những người diễn thuyết bình thường có thể sẽ vì muốn thể hiện kiến thức rộng lớn mà tiếp nhận vấn đề một cách truyền thống, họ sẽ nói: “Tôi sẽ trả lời câu hỏi thứ ba trước, rồi sẽ trả lời câu hỏi thứ nhất và cuối cùng sẽ trả lời câu hỏi thứ hai.” Nói như vậy sẽ khiến cho người nghe cảm thấy không thoải mái chút nào, đồng thời nếu như người diễn thuyết nhất thời quên đi một trong số những câu hỏi đó là gì, hoặc đảo loạn trật tự câu trả lời thì anh ta sẽ hết sức thảm hại.
Thực ra, để đối phó với tình huống như vậy có một kỹ năng rất đơn giản. Bạn có thể nói với người đưa ra câu hỏi như thế này: “Tôi đã hiểu câu hỏi của bạn, nhưng hi vọng bạn có thể hỏi từng câu một thôi.” Lúc đó người nghe có thể sẽ không nhớ rõ tất cả những câu hỏi mà anh ta đã hỏi và chỉ chọn ra câu hỏi mà anh ta cho là quan trọng. Sau khi trả lời xong câu hỏi, bạn có thể lập tức chuyển hướng chú ý tới những người khác.
3. Nắm chắc bản chất của vấn đề
Đây là kỹ năng thường dùng nhất khi trả lời câu hỏi. Có một số người đưa ra câu hỏi sẽ hỏi bạn một đống câu hỏi dường như không liên quan, đáp án của những câu hỏi này có thể chỉ là một chữ, nhưng về bản chất, người đưa ra câu hỏi muốn dùng một tràng câu hỏi như vậy để bạn dẫn đến kết luận của anh ta. Nếu như gặp phải tình huống như vậy thì thông thường có thể giải quyết bằng hai phương pháp sau:
Nếu như bạn không biết người đưa ra câu hỏi đang đưa bạn đến chỗ nào thì hãy trực tiếp hỏi anh ta. Bạn có thể nói như thế này: “Thông qua hàng loạt câu hỏi như vậy, rốt cuộc bạn muốn hỏi cái gì, tôi cho rằng để tiết kiệm thời gian quý báu của nhiều người nghe ở đây, mong bạn hãy trực tiếp nói cho tôi biết câu hỏi mà bạn muốn hỏi.” Như vậy có thể khiến cho người đưa ra câu hỏi dừng lại trước khi đưa ra câu hỏi khó, khiến cho anh ta “đứt gánh giữa đường.”
Nếu như bạn biết bản chất của vấn đề mà người đưa ra câu hỏi đặt ra, bạn có thể nhấn mạnh bằng ngữ khí khẳng định: “Tôi cho rằng cái mà bạn muốn hỏi đó là...” Như vậy, bạn sẽ có thể đơn giản hóa vấn đề bằng cách dùng ngôn ngữ của mình và trả lời câu hỏi bằng phương thức của riêng mình.
CHIẾN THUẬT “TẤN CÔNG TÂM LÝ TRƯỚC”
Trong binh pháp có nói: “Tâm chiến đi trước, binh chiến theo sau”, ý là “tấn công tâm lý” thì mới là thượng sách đúng đắn. Việc diễn thuyết cũng giống như dùng binh vậy, cũng cần phải chú ý tới chiến thuật tâm lý. “Tấn công tâm lý” trong biện luận chính là dự đoán tâm lý đối phương, chú ý tính hợp lý và tính hợp ý trong đối sách diễn thuyết, khiến cho đối phương hình thành phản ứng nội hóa trong tâm lý, làm tan rã ý chí đấu tranh.
Ví dụ, Lincoln từng nói: “Cho dù mọi người có thù hằn gì tôi, chỉ cần họ cho tôi một cơ hội để nói chuyện thì tôi sẽ có thể thuyết phục được họ.” Sở dĩ ông nói như vậy là bởi vì ông có thể khéo léo vận dụng thuật tấn công tâm lý trước, khiến cho khoảng cách tâm lý giữa người khác và mình được nối gần lại, giúp thay đổi từ cảm giác thù hằn sang cảm nhận tốt. Dưới đây, mời mọi người xem một ví dụ biến thù hằn thành cảm nhận tốt khi ông diễn thuyết tranh cử tổng thống:
Ông đã dùng thứ ngôn ngữ giản dị và rất giàu tình cảm để đánh bại đối thủ của mình là Douglas - một người dùng ngôn ngữ rất hoa mỹ, nói thao thao bất tuyệt và lấy được lòng của hàng trăm, hàng vạn người dân đi bầu cử. Những người dân đi bầu cử của các bang đó trước đây vốn ra sức phản đối ông nhưng sau khi nghe bài diễn thuyết tranh cử của ông, đã thực sự thấy cảm động với đó và chuyển hướng bỏ phiếu cho ông.
Thêm một ví dụ nữa: Trong chiến tranh thế giới thứ hai, trước lễ Giáng sinh năm 1941, Churchill đến Mỹ, hi vọng có thể thuyết phục Mỹ đứng về phía Anh và lập tức tham gia chiến đấu đánh phát xít Đức để thay đổi tình thế nguy hiểm mà Anh đang phải đối mặt. Nhưng khi đó có không ít người Mỹ không có thiện cảm với người Anh, phản đối việc tham gia chiến tranh chống phát xít Đức, điều đó đã khiến cho việc thuyết phục của Churchill thêm phần khó khăn. Nhưng Churchill không hổ danh là một nhà diễn thuyết nổi tiếng, khi đang làm công tác thuyết phục, ông đặc biệt chú ý đến việc vận dụng kỹ năng tấn công tâm lý, lấy tình cảm để khiến người Mỹ phải cảm động, từ đó chuyển đổi thái độ, ủng hộ Chính phủ chi viện cho Anh, tham gia chiến tranh chống phát xít Đức. Dưới đây, xin mời mọi người xem những kỹ năng tình cảm mà Churchill đã vận dụng khi diễn thuyết trước người Mỹ:
“Tôi đi xa Tổ quốc, xa gia đình của tôi, để đón những ngày Tết vui vẻ tại nơi đây. Nhưng thực sự mà nói, tôi không thấy cô đơn, không thấy đơn độc một chút nào. Hoặc là bởi vì quan hệ máu mủ của mẹ tôi, hoặc là bởi vì trong những hoạt động đầy sức sống trong quá khứ nhiều năm trước, tôi đã nhận được tình hữu nghị của nơi đây, hoặc là bởi vì những tình cảm lấn át tất cả những sự hữu nghị khác mà những người dân vĩ đại đã thể hiện trong sự nghiệp, ở nơi trung tâm và quyền lực cao nhất của nước Mỹ, về căn bản tôi không hề nghĩ mình là một người ngoại lai. Nhân dân của chúng tôi cũng nói thứ ngôn ngữ giống như các bạn đang nói, có tín ngưỡng tôn giáo giống với tín ngưỡng tôn giáo mà các bạn đang theo và còn theo đuổi lý tưởng giống nhau nữa. Những thứ mà tôi có thể cảm nhận được đó là không khí anh em, không khí thân mật hài hòa.
...
Giờ này phút này, trong sự hỗn loạn của cuộc chiến tranh, tối hôm nay, tại một biệt thự ở vùng ngoại ô, trong mỗi tâm hồn khoan dung vô tư, chúng ta đều đã cảm nhận được sự bình an. Vì vậy, ít nhất trong buổi tối ngày hôm nay, chúng ta có thể gác lại tất cả những sự lo lắng và những nguy hiểm vây quanh chúng ta sang một bên, và trong thế giới đầy phong ba bão táp này, chuẩn bị một buổi tối thật hạnh phúc cho những đứa con của chúng ta, vậy thì, giờ này lúc này, trong buổi tối ngày hôm nay, mỗi gia đình trong thế giới nói tiếng Anh có lẽ đều là những hòn đảo nhỏ mà hạnh phúc và hòa bình chiếu sáng ở khắp nơi...”
Churchill dựa vào ngôn ngữ chung, tín ngưỡng tôn giáo chung, lý tưởng chung và tình hữu nghị lâu dài của nhân dân hai nước, đưa ra những điểm chung đó với tư cách là cơ sở tin tưởng lẫn nhau và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên, dùng lời nói mỗi gia đình nói tiếng Anh có lẽ đều đón một lễ Giáng sinh hòa bình, an lành để khiến cho người Mỹ cảm động, khiến cho họ chuyển hướng từ phản chiến sang tham gia chiến tranh.