Những người có thể nói ở mọi lúc, mọi nơi
MỨC ĐỘ CAO NHẤT ĐÓ LÀ SỰ THUẦN THỤC
Nhiều người dám tự tin nói chuyện trước đám đông trong khi chưa hề có một chút chuẩn bị nào. Nhưng muốn đạt được đến trình độ như vậy thì đương nhiên phải trải qua một quá trình rèn luyện kiên trì, nhưng cũng không đến mức không thể hi vọng và không thể đạt được.
Chỉ cần bạn nắm vững được những bí quyết và không ngừng luyện tập thêm thì việc có thể nói năng lưu loát hùng hồn cũng sẽ không nằm ngoài khả năng của bạn.
Trước tiên, bạn phải nâng cao trình độ chuyên môn cũng như hiểu biết xã hội của mình để khi nhận lời diễn thuyết thì lập tức có thể bàn luận về chủ đề của hội nghị và do đó mà thu hút sự chú ý của người nghe.
Thứ hai, bạn phải có năng lực chuẩn bị hơn người. Có như vậy thì khi bắt đầu bài diễn thuyết, bạn mới có thể điều chỉnh hứng thú cũng như cảm xúc của người nghe.
Thứ ba, bạn phải có khả năng vừa nói lại vừa có thể suy nghĩ về chủ đề sau đó. Nếu như vậy, cùng lúc khi bạn đang diễn thuyết đã có thể chuẩn bị cho việc diễn thuyết tiếp tục ở phía sau.
Thứ tư, bạn cần phải có trí nhớ cực kì tốt, đồng thời còn phải hiểu biết, tinh thông kiến thức ở nhiều mảng khác nhau.
Hay có thể nói là không những bạn cần phải chuẩn bị một vốn từ vựng phong phú, ngôn ngữ lưu loát, mà quan trọng hơn đó là bạn cần phải không ngừng học hỏi những kiến thức văn hóa, không ngừng nâng cao tố chất tổng hợp của bản thân mình và tràn đầy tự tin đối với cuộc sống. Nếu như bạn còn cách xa so với những yêu cầu đã nói trên đây thì không thể bảo đảm được rằng bạn sẽ diễn thuyết ngẫu hứng một cách thành công.
NẮM CHẮC KỸ XẢO VÍ VON
Trong những bài diễn thuyết ngẫu hứng, người diễn thuyết phải linh hoạt bắt lấy trạng thái hoạt động của con người, sự vật, sự việc ở xung quanh mình, khéo léo vận dụng vào nội dung trong bài diễn thuyết của mình, như thế sẽ khiến cho việc diễn thuyết được thêm sinh động và thú vị, để lại ấn tưởng sâu đậm hơn cho khán giả, thu được hiệu quả không thể ngờ tới được.
Lối nói ví von có thể chia thành bốn loại: Mượn người để ví von, mượn cảnh để ví von, mượn vật để ví von, mượn việc để ví von. Bốn loại ví von này không thể tách rời thời gian, địa điểm và hoàn cảnh đặc thù.
1. Mượn người để ví von
Người diễn thuyết nhìn thấy một người cụ thể nào đó trước mắt mình, có thể ngẫu hứng lấy họ làm ví dụ để minh họa cho quan điểm của mình.
Trong một lần tại tọa đàm sáng tác, khi nói đến tu từ phải hợp lý, nhà văn Trung Quốc Quách Mạt Nhược đã nói: “Một khi dùng tu từ không thích hợp thì sẽ không hề chuẩn xác. Căn bệnh phổ biến hiện nay là thích dùng tu từ, việc dùng tu từ một cách hợp lý thì đương nhiên là tốt, nhưng nếu tu từ không tốt thì lại trở nên quá tồi.” Nói đến đây, Quách Mạt Nhược mỉm cười nhìn hai nữ thư ký ngồi bên rồi nói: “Ví dụ các đồng chí nữ biết trang điểm thì sẽ rất đẹp, nhưng nếu không biết cách trang điểm thì không thể chấp nhận được.” Làm cho tất cả mọi người cười ồ lên. Nếu như câu nói đó của Quách Mạt Nhược xuất hiện trong ngôn ngữ viết, thì thực sự không có lôgic, bạn đọc chắc hẳn không thể cười. Quách Mạt Nhược đã tùy cơ ứng biến, lấy hai đồng chí nữ đang ngồi trước mắt mình làm “điểm phát sinh”. Do liên quan tới mọi người và không khí của lúc đó và tại đó, lời nói lại tỏ ra thân thiết, đáng yêu, dễ hiểu thì tự nhiên sẽ dẫn đến tiếng cười của những người nghe trong buổi toạ đàm. Điều đó cũng có thể nói là những ưu thế và sở trường đặc biệt chỉ có trong diễn thuyết ngẫu hứng.
2. Mượn cảnh để ví von
Phát sinh từ cảnh cũng chính là tức cảnh sinh tình, nảy sinh những liên tưởng. Có một trường học tổ chức lễ tốt nghiệp, bên ngoài bỗng nhiên vang lên tiếng sấm, tiếp đó là mưa gió bão bùng. Hiệu trưởng đang phát biểu đã nói: “Các bạn nghe xem, ngoài kia tiếng sấm đùng đùng, đó là tiếng pháo để chia tay các bạn đã tốt nghiệp!” Lấy tiếng sấm đang vang lên ở bên ngoài để ví với tiếng pháo nổ chào mừng những sinh viên tốt nghiệp, không chỉ tăng thêm phần rôm rả cho bầu không khí chia tay, mà còn tránh được việc sấm đánh bên ngoài làm phân tán cảm xúc của người nghe.
3. Mượn vật để ví von
Người diễn thuyết nhìn thấy một vật thể nào đó trước mắt mình, khi nghĩ đến những điều cần nói ra có phần giống với đặc điểm, đặc tính của vật thể đó, có thể lấy vật thể đó làm vật so sánh; hoặc là ngược lại, nhìn thấy đặc điểm, đặc tính nào đó của vật thể ấy mà dẫn đến một luận điểm khác.
4. Mượn việc để ví von
Trong quá trình diễn thuyết, có thể sẽ xảy ra những chuyện nằm ngoài dự tính của bạn. Nếu có lợi cho việc trình bày quan điểm của mình thì người nói cũng có thể ngẫu hứng đưa vào bài nói luôn. Năm 1952, nữ diễn viên Shirley Busi giành giải Oscar vì đi quá nhanh nên khi bước lên bậc để tới bục nhận giải đã bị vấp, suýt chút nữa thì ngã. Khi cô phát biểu, cô đã khéo léo mượn việc đó để dẫn dắt: “Tôi đã trải qua những bước đi gian khổ, vấp váp trong thời gian dài mới đạt được đỉnh cao của sự nghiệp này.” Mọi người ở trong hội trường đều hiểu được, lời nói của cô ám chỉ những khó khăn, gian khổ đầu tiên, nhưng cũng bao hàm cả tình huống suýt ngã vừa rồi.
CỐ GẮNG TÌM NHỮNG “ĐIỂM HỨNG THÚ” CỦA ĐỐI PHƯƠNG
Những điểm dưới đây cho chúng ta biết được làm thế nào để nhẹ nhàng, vui vẻ nói chuyện với người khác:
(1) Nếu như bạn có việc phải gặp gỡ một người lạ thì hãy cố gắng tìm hiểu một số thông tin liên quan đến người đó như nghề nghiệp, hứng thú và sở thích...
(2) Khi bạn đến nhà của người lạ, hãy cố gắng quan sát để tìm ra “manh mối” có thể giúp bạn hiểu chủ nhân của ngôi nhà đó, ví dụ như trong nhà của họ treo bức tranh gì, có những cuốn sách gì... Nếu như bạn không thích đồ cổ trong nhà họ thì không nên bàn luận về chúng hãy tìm ra những thứ đồ mà bạn thấy hay và thấy hứng thú để làm chủ đề nói chuyện.
(3) Hãy nói về bản thân bạn, điều đó cũng có thể dẫn tới việc người khác cũng sẽ nói về họ.
(4) Có thể hỏi về đời tư của đối phương nhưng không được đi quá sâu.
(5) Những câu đầu tiên mà người lạ nói thường sẽ cung cấp những thông tin về sự hứng thú của họ, cần phải đặc biệt chú ý.
(6) Lưu ý sự thay đổi về ngữ khí, nét mặt và cử chỉ bằng tay của người khác, khi nào họ cảm thấy phấn chấn, khi nào họ cảm thấy hứng thú. Cần phải tùy cơ ứng biến trong việc nói chuyện của mình.
(7) Đối với người lạ cần phải tránh nói về những vấn đề có thể dẫn tới tranh luận cũng như mang tính đả kích.
NÓI PHÓNG ĐẠT KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NÓI DỐI
Có ý kiến cho rằng nói khoác là một việc làm không có đạo đức. Trên thực tế, câu nói này vẫn có chỗ trống để thảo luận. Có những lúc chúng ta không thể không nói phóng đại lên một chút để đáp ứng yêu cầu về tâm lý giữa người với người và để đạt được mục đích. Nói dối về hình thức có vẻ giống nói phóng đại, nhưng nói phóng đại không thể bị xem là nói dối, cho nên bản thân nó chưa chắc đã là việc xấu, mà cần phải nhận định nó dựa vào động cơ, mục đích là như thế nào.
Trên thương trường lại càng thường xuyên thấy những việc nói phóng đại để nâng cao thanh thế, đặc biệt là nghề quảng cáo, nghề truyền thông, luật sư...
Cái quan trọng nhất khi nói phóng đại đó là chú ý đến thái độ. Chỗ nào, nơi nào nên nói phóng đại như thế nào, thậm chí có thể nói phóng đại những gì, không thể nói phóng đại những gì, đều cần phải thận trọng.
Khi đánh bài, quả là không nói phóng đại không được. Những người điểm thấp, muốn người khác tưởng rằng mình đạt được điểm cao, đều phải nói phóng đại. Trong mười lần có sáu lần nói phóng đại thì đối phương rất khó để có thể biết được bạn có đang nói phóng đại hay không; trong mười lần mà có trên sáu lần nói phóng đại thì việc có nói phóng đại của bạn sẽ rất dễ dàng bị đối phương phát hiện.
Những người nóng lòng muốn thắng lợi nhanh sẽ rất dễ nói phóng đại. Nhưng người mạo hiểm là những người dễ thua bài nhất, những người xem xét kỹ lưỡng và không thường xuyên nói dối thì sẽ rất ít bị thua.
Những nguyên tắc trên đây không giới hạn ở việc đánh bài, mà còn có thể sử dụng trong những phương pháp đấu trí giữa người với người. Nhưng hãy chú ý sáu nguyên tắc cần thiết dưới đây:
(1) Khi không cần thiết thì không nên nói phóng đại.
(2) Không nên thường xuyên nói phóng đại.
(3) Tốt nhất là trước khi bạn muốn nói phóng đại, hãy để đối phương bày tỏ rõ thái độ của mình đã.
(4) Cần phải bày tỏ sự tự tin tuyệt đối với địa vị của mình.
(5) Không nên nói phóng đại một cách quá mức.
(6) Không nên “lấy gậy ông đập lưng ông”.
Những quy tắc đó, bạn nhất định phải tuân thủ và quan trọng nhất là nói phóng đại nhưng tuyệt đối không được vi phạm nguyên tắc đạo đức.
TRONG KHI NÓI CHUYỆN CẦN PHẢI TRÁNH THAO THAO BẤT TUYỆT
Hãy để một khoảng thời gian yên tĩnh trong khi nói chuyện. Bạn có thể để thời gian nghỉ lâu một chút, lúc đó, mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy không thoải mái và họ sẽ tự “lấp đầy chỗ trống”. Nếu như bạn vẫn tỏ ra nghi ngờ hoặc mong đợi, họ sẽ bổ sung nhiều hơn nữa. Thường thì họ sẽ tiếp tục nói, cho đến khi nói ra những thứ mà bạn muốn nghe.
Bạn cũng đừng hối thúc người nghe thảo luận hoặc đàm thoại để đi đến kết luận. Khi mở đầu đã tiến hành quá nhanh sẽ khiến cho người khác nâng cao cảnh giác, hoài nghi, căng thẳng, có những lúc thậm chí còn hoang mang. Nếu như thực sự là như vậy, họ sẽ rút lui trong thời khắc cuối cùng, thời gian và sức lực của bạn sẽ hoàn toàn bị phí hoài.
Khi bắt đầu cần phải chậm rãi, xây dựng lòng tin giữa hai bên, đến cuối cùng tất cả đều sẽ nhanh chóng và sẽ đâu vào đó.
Nếu như bạn đi rất nhanh, bạn rất dễ dàng ngay lập tức triển khai hành động. Bạn cho rằng mỗi người ai cũng đều có sự chuẩn bị tốt, họ đã biết muốn nói cái gì cũng đã đưa ra quyết định.
Nếu như bạn là kiểu người đó. Phần lớn mọi người sẽ không theo kịp bạn. Thích ứng với bước đi chậm rãi của họ, có thể là một kiểu giày vò đối với bạn, nhưng bạn có thể đã học được gì đó, có những lúc bạn cần phải từ việc chậm rãi và dần dần tăng tốc.
CHÂN TÌNH THỰC Ý
Làm thế nào mới có thể vừa biểu đạt được cảm nhận chân thực của chúng ta, lại vừa không làm hại đến người khác đây? Mạch suy nghĩ đúng đắn bao gồm những điểm dưới đây:
1. Hài hước vẫn là nghệ thuật ngôn ngữ đẹp nhất
Có một lần, Johannes Brahms - một tác giả nổi tiếng người Đức tham gia dạ hội. Không ngờ trong đêm hội ông gặp phải sự bao vây của một “đám phụ nữ mặt dày”, ông vừa ứng phó một cách lịch sự, vừa nghĩ cách để giải thoát. Bỗng nhiên ông nghĩ ra một cách, liền châm một điếu xì gà lớn. Không lâu sau, ông và đám phụ nữ đó đã bị từng đám từng đám khói màu tím nhạt bao vây. Rất nhanh chóng, mấy người phụ nữ không chịu được và ho lên, Johannes Brahms vẫn bình tĩnh ung dung hút điếu xì gà của ông.
Cuối cùng có người chịu đựng không nổi bèn nói với Johannes Brahms:
“Thưa ngài, ngài không nên hút thuốc trước mặt phụ nữ như vậy!”
“Không, tôi nghĩ những nơi có thiên sứ thì nên có chút mây!” Johannes Brahms mỉm cười trả lời.
Johannes Brahms đã dùng ngôn ngữ hài hước, giúp giải thoát mình khỏi sự quấy rầy không biết phải làm sao.
2. Chân thành không có nghĩa là nói mà không cần suy nghĩ gì
Trong cuộc sống đời thường, mọi người đều có những cái nhìn khác nhau đối với cùng một sự việc. Ví dụ việc ăn mặc, ở, đi lại, sở thích... của cá nhân. Rất nhiều người tự cho rằng mình là “có gì thì thẳng thắn nói ra” “nghĩ đến cái gì thì nói cái đó”, “tính tình thẳng thắn”, thực ra là họ chỉ đơn giản lấy quan niệm và thói quen của chính mình để so sánh với thái độ và hành vi của người khác. Trên thực tế, đó không phải là sự chân thành thiện ý với người khác mà chỉ là cách để trút bỏ tâm trạng không vui của mình một cách tùy tiện mà thôi.
3. Chân thành không có nghĩa là không tô điểm thêm để nói ra cách nghĩ của mình
Năm 1940, nước Anh đang ở trong tình thế chiến tranh nhưng không có tiền để mua vật tư quân dụng từ phía Mỹ, trong khi đó một số người Mỹ muốn từ bỏ việc viện trợ cho Anh. Trong buổi họp báo, tổng thống Mỹ là Roosevelt đã tuyên truyền “cách cho thuê”, tạo nên không khí dư luận để Quốc hội thông qua điều luật đó.
Roosevelt không trực tiếp chỉ những người đó không biết nhìn xa trông rộng (như vậy chỉ làm xúc phạm người khác, khiến họ tức giận mà làm ngược lại), mà khéo léo, lấy lý lẽ để thuyết phục người khác. Ông lấy những ví dụ bình thường dễ hiểu, đi sâu giải thích, thấu tình đạt lý, nhẹ nhàng, từ tốn tiếp cận với lòng người, khiến cho người khác không thể không khâm phục:
“Giả dụ như hàng xóm của tôi đang bị hỏa hoạn, tôi có một cái vòi rồng để tưới hoa, nếu như mang đi gắn vào vòi nước cho hàng xóm thì tôi có thể giúp anh ta dập tắt lửa, để tránh đám cháy lan sang nhà tôi. Lúc đó, tôi làm như thế nào? Tôi không thể nói với anh ta trước khi dập lửa: ‘Anh bạn, cái ống này tôi đã mua mất 15 đô, anh phải trả số tiền đó cho tôi.’ Lúc đó, hàng xóm không có tiền, vậy thì tôi nên làm như thế nào? Tôi không nên lấy của anh ta 15 đô, tôi muốn anh ta trả cái vòi rồng cho tôi sau khi dập lửa xong. Nếu như lửa đã được dập tắt, trả lại vòi rồng là được rồi, như vậy anh ta sẽ luôn miệng nói lời cảm ơn, trả lại đồ nguyên vẹn cho tôi. Giả dụ như anh ta làm hỏng cái vòi rồng đó, nếu như hứa sẽ không quên đền bù thì cái tôi cầm về bây giờ là một cái ống nước tưới vườn hoa vẫn có thể sử dụng, như vậy thì tôi cũng không bị lỗ vốn.”
Quyết tâm chi viện cho Anh của tổng thống Roosevelt là rất kiên quyết, nhưng ông không trực tiếp biểu đạt thái độ cứng rắn đó, mà đã sử dụng những ví von đời thường để biểu đạt suy nghĩ của mình, từ đó đạt được hiệu quả thuyết phục.
Vẫn một ý nghĩa như nhau, nhưng những người khác nhau lại có cách nói, cách truyền đạt khác nhau, cách nói khác nhau từ đó thu được hiệu quả khác nhau. Khi giao tiếp với người khác, không nên cho rằng sự chân thành trong lòng có thể không cần trói buộc ngôn ngữ, chúng ta còn phải học cách biểu đạt cách nghĩ của mình một cách nghệ thuật và khéo léo.
VẬN DỤNG LỐI NÓI “TAM ĐOẠN LUẬN”
“Tam đoạn luận” là hình thức suy nghĩ logic đi từ cái chung đến cái đặc thù. Vận dụng lối nói “Tam đoạn luận” có thể mang lại hiệu quả bất ngờ trong giao tiếp. Để thúc đẩy quan hệ giao tiếp của con người, một phương thức giao lưu tình cảm và là công cụ để cùng nói lên tiếng lòng với nhau. Nhưng nó cũng là “con dao hai lưỡi”, giống như nước có thể nâng thuyền lên nhưng nước cũng có thể nhấn chìm thuyền. Ngôn ngữ cũng có thể dẫn người ta vào những phán đoán hoặc những tranh cãi nghiêm trọng.
Trước đây ở Mỹ có một nhà chính trị, một tướng quân có tên là Dane, ông rất nổi tiếng với sự háo sắc. Có lần, khi ông phát biểu tranh cử, một thính giả vì không hài lòng với cuộc sống riêng tư của ông, nên đã hỏi ông trước mặt mọi người. Không ngờ Dane chỉ nói hai ba câu mà đã khiến cho anh ta không thể nói được gì nữa.
“Tướng quân, chủ trương của ông tôi đều tán thành hết, chỉ có điều xin ông đừng chơi gái, có được không?” “Chính là như vậy sao? Xin hỏi anh, anh có phải là một nam tử hán đường đường chính chính, thân cao bảy thước hay không?”
“Đúng vậy, đương nhiên tôi là nam tử hán.”
“Vậy thì, nếu như có một cô gái rất xinh đẹp muốn anh yêu cô ấy, anh có thể từ chối hay không?”
“Vậy thì...”
“Tôi tin anh cũng không thể từ chối được.”
Đó là một tam đoạn luận “logic thú vị”: Đàn ông yêu phụ nữ, anh cũng thích phụ nữ, cho nên anh cũng là đàn ông!
Trong một cuộc hội thoại ngắn, Dane đã tránh được việc nói tới “đạo đức”, mà chỉ cần nhắc đến sự vui vẻ giữa nam giới và phụ nữ. Lý luận đơn giản, thanh thoát như vậy dễ khiến cho người khác bị mắc lừa nhất. Các nhà chính trị thường dùng phương pháp này để công kích vào những nhược điểm của tính cách con người.
TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ THỂ HIỆN VÀ SỰ TRUYỀN CẢM BẰNG ÂM ĐIỆU
Âm điệu là hình thức biểu hiện của ngôn ngữ, chứ không phải là bản thân của ngôn ngữ, âm điệu có thể thay đổi để tăng thêm độ rõ nét của tin tức ngôn ngữ. Ví dụ, bạn nói với đối tượng đang tranh luận: “Đừng nói nữa!” Âm điệu của câu nói này nếu như là cứng và nhanh, thì sẽ thể hiện cảm giác tức giận nổi nóng, có ý nghĩa ra lệnh cho người khác; nếu như ngữ âm của câu nói này là trầm, chậm rãi thì lại thể hiện cảm giác sợ hãi, có ý van nài.
Vai trò của thanh điệu ngôn ngữ là không thể xem nhẹ, cần phải để nó trở thành sự phản ánh trực tiếp trong trạng thái cảm xúc khác nhau của bạn, từ đó tăng cường sức thể hiện và sức lan truyền của cảm xúc.
Rossi, ngôi sao điện ảnh Italy, một lần tham dự một bữa tiệc có khách nước ngoài. Khi khách mời ông biểu diễn một đoạn bi kịch, chỉ thấy ông dùng tiếng Italy đọc một đoạn “lời thoại”, mặc dù khách nghe không hiểu nhưng thấy giọng điệu bi thương và biểu hiện thống khổ của ông thì đều không cầm được nước mắt. Trong khi đó, một người Italy ở đó đã mượn cớ chạy ra phòng khách, đến hành lang thì cười lớn không ngớt. Hóa ra, những lời đọc diễn cảm của Rossi không phải là lời thoại, mà là thực đơn của bữa tiệc.
Ngữ điệu có rất nhiều loại. Ngữ điệu dần nâng cao như dịu dàng, âm thấp, âm sắc cộng hưởng, chậm rãi, cân bằng, biểu thị sự mến mộ; ngữ điệu dịu dàng biểu thị sự thẳng thắn và thân thiện; ngữ điệu trầm biểu thị thành ý và sự đồng tình.
Thông thường, khi ta bàn luận với đối phương về những chuyện vui vẻ thì nên dùng giọng điệu cởi mở và thoải mái, còn khi biện luận một vấn đề nào đó thì nên dùng giọng điệu dõng dạc, khi an ủi hay động viên đối phương thì nên dịu dàng.
Giọng điệu của người nói thường được thể hiện chủ yếu trên năm phương diện:
Tốc độ nhanh, thường được dùng để biểu đạt sự vội vã, phẫn nộ hoặc bị kích thích. Điều này có thể khiến cho người nghe nảy sinh tâm lí kích động và cảm giác cấp bách. Nhưng nếu tốc độ quá nhanh, mọi người sẽ không kịp tiếp nhận những thông tin mà bạn truyền đến, thậm chí họ còn chưa kịp phản ứng với những gì bạn vừa nói thì đã phải nghe tiếp các câu sau, cũng chẳng kịp suy nghĩ hay hiểu hết nội dung, vì vậy sẽ rất khó để hiểu được ý nghĩa mà bạn muốn biểu đạt. Còn tốc độ chậm chuẩn xác. Nếu âm điệu nhịp nhàng, hài hòa, trong sáng và êm tai, sẽ khiến đối phương luôn sẵn sàng lắng nghe bạn nói. Âm thanh the thé và khàn đặc sẽ không chỉ làm cho người khác cảm thấy bạn đang giả tạo, mà còn khiến đối phương cảm thấy chói tai và không muốn tiếp nhận.
Khi có thể tự chủ được các kiểu trạng thái nói trên, chúng ta sẽ hiểu biết sâu sắc hơn đối với các hành vi, cử chỉ, sách lược và phương pháp có liên quan đến các trạng thái tình cảm trong giao tiếp. Đối với rất nhiều người, việc học tập những kinh nghiệm trên để nâng cao hoặc tự cải thiện phương pháp đối nhân xử thế của bản thân là điều có thể và chắc chắn sẽ thành công.
LÙI LẠI MỘT BƯỚC - BIỂN RỘNG TRỜI CAO
Một lần, có một khách hàng nổi giận đùng đùng chạy đến phòng giám đốc của công ty nọ, tố cáo sữa bột của công ty này sản xuất bên trong có lẫn một con ruồi. Mà trên thực tế, trong quá trình sản xuất chắc chắn không thể xảy ra trường hợp như vậy. Việc này rõ ràng là lỗi của khách hàng. Nhưng về phía công ty cho dù có giành được phần thắng cũng khó tránh khỏi việc làm to chuyện và chẳng thu được điều gì tốt đẹp cả. Nhưng nếu thừa nhận việc này là sự thật, sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của công ty và mất đi việc kinh doanh vốn có trên thị trường.
Giám đốc của công ty này đã trả lời như sau: “Nếu đây thật sự là sơ suất của công ty dẫn đến việc có ruồi trộn trong sữa bột, thì vấn đề này đương nhiên là vô cùng nghiêm trọng. Chúng tôi chắc chắn sẽ cho ngừng ngay tất cả việc sản xuất và tiến hành cải tạo triệt để.” Khẩu khí của giám đốc vừa nghiêm túc lại vừa quyết đoán, nội dung thì cực kì rõ ràng. Nhưng sau đó giám đốc lại tiếp tục nói một cách rất nghiêm túc: “Tuy nhiên, sản phẩm của công ty chúng tôi đều được bịt kín trong hộp đựng bằng sắt, hơn nữa còn phải trải qua quá trình hút chân không và nạp khí nitơ. Do vậy, chúng tôi chắc chắn rằng, tuyệt đối không thể có chuyện một con ruồi lại bị đóng vào bên trong hộp. Tôi nghĩ, sự việc này cần phải nhanh chóng điều tra để xem vấn đề xuất phát từ đâu. Bây giờ, mong chị hãy kể lại cụ thể hơn với tôi những tình tiết liên quan đến tình trạng từ lúc chị mở hộp và cách bảo quản sau khi mở hộp.”
Thái độ như vậy là rất nghiêm túc, nội dung trả lời vừa gạt bỏ được khả năng xảy ra sai sót trong quá trình sản xuất, vừa để lại khoảng trống trong lòng đối phương, nên khách hàng cũng dễ tiếp nhận hơn. Đồng thời, tiếng tăm sản phẩm của công ty cũng không bị ảnh hưởng. Cho nên, có nhiều khi dù cho có thể đánh thắng cũng không nên đánh, mà hãy áp dụng sách lược “Không đánh mà thắng”, sách lược này sẽ giúp giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng hơn. Có thể thấy, nếu lúc đó giám đốc công ty này dứt khoát nói với khách hàng rằng đây hoàn toàn và chắc chắn là lỗi của khách hàng, vậy thì đối phương chắc chắn không thể chấp nhận được dù vì lí do gì đi chăng nữa, nó cũng làm cho không khí căng thẳng càng ngày càng bao trùm. Đây phải nói là một hạ sách vô cùng hồ đồ và ngu xuẩn.
KHÉO LÉO CHUYỂN HÓA ĐỂ RÚT NGẮN CỰ LY
Sự khen ngợi khéo léo và nhẹ nhàng trong xã giao giống như “sự ấm áp của mùa xuân”, có thể gắn kết chặt chẽ hai trái tim đồng điệu. Nó giống như “Sự nóng nực của mùa hạ”, khiến cho tình bạn tốt đẹp không ngừng được hâm nóng, giống như “Vụ thu hoạch của mùa thu”, khiến cho tình bạn tốt đẹp đơm hoa kết trái và cũng giống như “Bông hoa tuyết giữa mùa đông giá rét” - trắng trong không tỳ vết, có thể chịu đựng được những khó khăn thử thách.
Những lời khen ngợi này có thể mang màu sắc thơ văn, lay động lòng người hoặc nhiều khi có hơi phóng đại, nhưng nó nhất định phải là những lời chân thành chứ không phải là những lời khen xã giao, giả tạo.
Giám đốc một khách sạn ở Thâm Quyến, phải tiếp đãi các nghệ sĩ của năm đoàn nghệ thuật hàng đầu Trung Quốc. Trong lúc phát biểu chào mừng, ông nói rất nhiệt tình thế này: “Trên thế giới có hai loại triệu phú: Một loại là triệu phú về vật chất, một loại là triệu phú về tinh thần. Các vị trong giới nghệ thuật đây đều là những triệu phú về tinh thần, các vị có được thứ tài sản tinh thần mà không thể dùng bất kì loại tiền bạc châu báu nào tính toán hay hoán đổi được. Cùng là những người có lương tâm chưa chắc sẽ vỗ tay khen ngợi các triệu phú vật chất, nhưng chắc chắn sẽ vỗ tay cổ vũ cho những nghệ sĩ tài năng, tiếng vỗ tay đó chính là giá trị của các vị. Tôi vô cùng ngưỡng mộ sự giàu có của các vị, ngưỡng mộ giá trị của các vị, nếu như kiếp sau được tái sinh lần nữa, tôi cũng thật sự hi vọng được bước chân vào hàng ngũ của các vị, trở thành một người nghệ sĩ vẻ vang…”
Tất cả các thành viên trong đoàn nghệ sĩ đều dành những tràng pháo tay dài vang lên như sấm để hoan nghênh bài phát biểu của ông giám đốc. Một vị trưởng đoàn xúc động nắm chặt lấy tay của ông giám đốc và không ngớt lời cảm ơn sự động viên cảm động lòng người này. Sau đó ông trích dẫn ra một câu thơ: “Thế gian xác hữu chân tình tại, nhân hải mang mang hữu tri âm” (Trong thế gian này tình cảm chân thật chắc chắn có tồn tại, giữa biển người mênh mông gặp được người hiểu mình).
Vị giám đốc này đứng trước các nghệ sỹ nổi tiếng đến Thâm Quyến biểu diễn với mức thù lao không cao bằng những nơi khác, nhưng ông đã chọn đề tài phát biểu ca ngợi những giá trị tinh thần của các tiết mục biểu diễn đó, mà không hề nhắc tới mức thù lao kia. Lúc ca ngợi, giọng điệu của giám đốc rất nhiệt thành, đặc biệt là ông đã vô cùng khéo léo trong việc thay đổi vai trò giữa giá trị tinh thần và mức thù lao rẻ mạt, điều này đã làm cho những người nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc và xích lại gần nhau hơn.
Từ đó cho thấy, nếu biết cách ca ngợi sở trường, nghề nghiệp của người khác một cách chân thành, nhất định sẽ làm cảm động lòng người.
BA GIÂY NGỪNG…
Trong những cuộc nói chuyện bình thường, có đôi khi chúng ta gặp phải những trường hợp cần thay đổi ngữ khí, chuyển đoạn hoặc là thay đổi nội dung câu chuyện, những lúc như thế ta nên biết chọn đúng lúc để ngắt nghỉ. Khoảng thời gian ngừng ngắt này sẽ bằng thời gian của một cái hít thở sâu, khoảng ba giây.
“Ngắt nghỉ” là một loại kĩ năng trong giao tiếp, bất luận là trong các buổi diễn thuyết, dẫn chương trình, nói chuyện hay tán gẫu cũng đều cần biết cách ngắt nghỉ sao cho phù hợp.
Việc ngắt nghỉ phù hợp sẽ giúp bạn phân tách nội dung rõ ràng hơn, tránh việc khiến người nghe bị lẫn lộn giữa các chủ đề. Đồng thời, nó cũng có thể làm rõ hơn nữa ý nghĩa của chủ đề đang nói. Việc này cũng giống như việc dùng dấu câu trong văn viết, nếu như thiếu nó, câu văn không được ngắt nghỉ, nên người đọc sẽ có cảm giác dồn dập hoặc là “không biết phải hiểu như thế nào”.
Hỉ nộ ái ố của con người không chỉ thể hiện ra ở mặt hình thức, mà thường được thể hiện từ trong lời nói. Nếu như muốn đạt đến mức độ khiến chủ đề câu chuyện có thể lay động lòng người thì chúng ta đừng ngại lợi dụng biện pháp ngắt nghỉ trong khi nói chuyện, kéo dài câu ra và thay đổi ngữ khí để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đương nhiên, ngắt nghỉ được nói đến ở đây không chỉ giới hạn ở việc ngắt nghỉ trong âm thanh, nếu như có thể phối hợp với một vài tín hiệu phi ngôn ngữ thì ngắt nghỉ lại càng tự nhiên hơn. Ví dụ như: Trong khi ngắt câu nói hãy hít một hơi thật sâu; khi nói đến những điểm then chốt và quan trọng, ánh mắt hãy nghiêm túc nhìn thẳng vào đối phương; Cúi đầu, nhắm mắt, suy nghĩ… đều là những phương pháp tốt cho việc phối hợp ngắt nghỉ. Ngoài những phương pháp được nói đến ở trên, bạn có thể sử dụng các phương pháp như: châm điếu thuốc, uống ngụm nước, nhấm nháp chút rượu, lật tài liệu hay bỏ kính xuống… những điều này phối hợp cùng với việc ngắt nghỉ trong khi nói sẽ có thể khiến cho chủ đề câu chuyện càng có hiệu quả hơn trong việc thu hút và hấp dẫn người khác.
Ngoài ra, bạn cũng đừng ngại vận dụng những phương thức dưới đây:
1. Đặt câu hỏi cho người nghe
Ví dụ: “Thưa các bạn, những gì tôi vừa mới nói đây, các bạn phải chăng cũng có cùng cảm xúc?”, “Các bạn của tôi, các bạn có muốn nghe tôi kể chuyện không?”
2. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi
Nếu thời gian cho phép, bạn có thể nói: “Thời tiết khá lạnh, chúng ta có thể ra ngoài sưởi nắng và hoạt động một chút…” còn bạn thì có thể mượn cơ hội này để chuẩn bị thật tốt cho chủ đề nói sau.
3. Mời mọi người thảo luận
Ví dụ: “Thưa ông X, tôi muốn mời ông cùng nói chuyện về vấn đề này…”
Tóm lại, bất luận là sử dụng cách ngắt nghỉ nào, chỉ cần có thể làm cho ý đồ trong câu chuyện hay trong bài diễn thuyết của bạn trở nên rõ ràng, đoạn văn càng rành mạch, chủ đề nói càng thu hút được người khác thì chính là đã đạt được mục đích của việc ngắt nghỉ.
LƯU LẠI CHO NGƯỜI NGHE NHIỀU DƯ VỊ
Trong nhà hát có một câu nói được lưu truyền từ lâu: “Ngay cả động tác ra sân khấu hay động tác lui vào hậu trường đều có thể thể hiện bản lĩnh của người diễn.”
Câu nói này tuy là chỉ nghề diễn viên, nhưng nó cũng rất thích hợp với những người diễn thuyết. Nó cho chúng ta biết cần phải hết sức coi trọng phần mở đầu và kết thúc của câu chuyện.
Kết thúc là một phần quan trọng của việc nói chuyện, Kết thúc là một phần quan trọng của việc nói chuyện, một kết thúc tốt đẹp có thể giúp người nói thu được những hiệu quả không ngờ tới, trong các tình huống thông thường, giai đoạn kết thúc không nên quá dài dòng, lề mề, càng không cần thiết phải “vẽ rắn thêm chân”, mà phải biết dừng lại ở những lúc cao trào, để lại dư âm trong người nghe.
Khi kết thúc phải dùng hết khả năng để cùng khán giả đạt được sự hòa quyện về mặt tình cảm, từ đó tạo ra sự đồng cảm.
Cùng với tiền đề là sự nắm chắc khuôn phép và quy tắc, hãy đưa ra mong muốn, yêu cầu và kiến nghị một cách nhiệt tình nhất. Cái kết tràn đầy tình cảm sẽ có sức cổ vũ rất lớn, đặc biệt là những lời nói có tính động viên có thể khiến người khác cảm thấy phấn chấn và được khích lệ. Cũng giống như khi bạn xem một trận đá bóng, tinh thần của người xem một bàn thắng vào lúc giữa trận và một bàn thắng vào lúc cuối trận là không giống nhau. Có rất nhiều phương pháp và hình thức kết thúc cuộc nói chuyện, có thể dùng phương pháp dừng lại lúc cao trào, phương pháp tổng kết và phương pháp dư âm để kết thúc, cũng có thể dùng phương pháp cách ngôn, phương pháp kêu gọi và phương pháp hô hào, còn có thể dùng phương pháp trích dẫn, phương pháp hài hước và phương pháp ca tụng. Bất luận là dùng phương pháp nào cũng đều phải làm cho phần kết thúc gọn gàng, lưu loát và đúng lúc. Kết thúc phải tuân theo một nguyên tắc, đó là: Tất cả nội dung tư tưởng đã được biểu đạt rõ ràng, nhất định phải kết thúc một cách kịp thời và ngắn gọn. Tổng biên tập tờ báo Buổi tối thứ Bảy của Mỹ đã từng nói: “Tôi đem bài viết của mình đăng ở nơi nhận được nhiều sự hoan nghênh nhất thì chính là đã kết thúc hợp lý rồi. Còn trong việc diễn thuyết, lúc mà người nghe cảm thấy thích thú nhất, là lúc bạn nên tìm cách để kết thúc!”
Câu nói kết thúc trong bài diễn thuyết nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 của Lincoln vẫn được coi là cái kết tuyệt diệu và đặc sắc nhất từ trước đến nay. Ông nói: “Không nên mang dã tâm xấu đối với bất kì ai, hãy luôn có thái độ khoan dung với tất cả mọi người, hãy kiên chì vì chính nghĩa. Bởi vì, Thượng đế đã giúp cho con người hiểu được chính nghĩa, khiến chúng ta biết phải tiếp tục hoàn thành sự nghiệp mà chúng ta đang thực hiện, hàn gắn lại vết thương của dân tộc, quan tâm đến những người gánh vác gánh nặng chiến tranh và quan tâm đến vợ góa con côi của họ. Phàm là những việc nằm trong khả năng của chúng ta, chúng ta đều sẽ làm tất cả để duy trì hòa bình và công bằng dài lâu với các quốc gia khác.”
Kết thúc này không hổ danh là một câu nói kinh điển, rõ ràng, cô đọng, súc tích, rất giàu tình người và mang tính khích lệ cao.
Điều quý nhất khi nói chuyện chính là sự vừa phải. Khi cần dừng lại mà không dừng sẽ làm phí hoài công sức. Khi đang nói nhưng phải dừng lại giữa chừng vì một lí do nào đó, mà bạn lại muốn thao thao bất tuyệt, vẫn nói theo trình tự đã định, tất nhiên sẽ dẫn đến việc làm cho người nghe cảm thấy phản cảm. Lúc này, bạn nên nghĩ cách để làm sao ngừng lại lời nói giữa chừng hợp lí nhất, như vậy mới có thể nhận được sự hiểu biết đúng và đánh giá tốt của người nghe về phía mình.