Chọn lọc phương thức biểu đạt tốt nhất
ĐỂ LỜI NÓI ĐI VÀO LÒNG NGƯỜI
Trong giao tiếp, việc sử dụng từ ngữ là rất quan trọng. Bất luận là vợ chồng, bạn bè, anh em thân thích, đối thủ hay cấp dưới, thì ngôn ngữ được sử dụng trong lời nói phải chú trọng đến sự lịch sự và lễ tiết. Bạn hãy cố gắng tránh làm nảy sinh mâu thuẫn, bảo đảm nhịp độ hài hòa của cuộc nói chuyện. Khi là một nhà lãnh đạo, bạn còn phải học cách đàm phán, thương lượng, như vậy mới có thể từng bước tiến tới thành công.
Nhân dịp sinh nhật của nữ bác học Marie Curie, chồng bà là Pierre đã dùng tiền tiết kiệm suốt một năm để mua một chiếc áo khoác đắt tiền làm quà tặng vợ. Khi bà nhìn thấy chiếc áo trên tay chồng, một mặt bà rất cảm động về những tình cảm mà chồng dành cho mình, nhưng mặt khác lại dùng những lời dịu ngọt nhắc nhở chồng không nên mua món quà đắt đến thế, bởi vì lúc đó gia đình đang rất khó khăn. “Chồng thân yêu, cảm ơn anh rất nhiều. Em rất thích chiếc áo khoác này, nhưng em cũng muốn nói rằng, hạnh phúc là ở trong lòng. Anh có thể tặng em một bó hoa tươi để chúc mừng sinh nhật, đối với em đã là quá tuyệt vời rồi. Chỉ cần chúng ta sống và làm việc cùng nhau, điều đó còn quý hơn mọi thứ trên đời.” Những ngôn từ thấm đẫm tình cảm sâu sắc đến như vậy đã khiến cho Pierre nhận ra rằng, việc mình tiêu quá nhiều tiền để mua món quà đó là chưa thỏa đáng, và ông cảm động sâu sắc trước tình yêu của vợ dành cho mình.
Khi giao tiếp với người khác, bạn phải chú ý đừng bao giờ làm tổn thương đến tình cảm của họ. Khi nói đến những điều không có lợi cho anh ta, bạn nên dùng những từ ngữ chung chung, lời lẽ ôn hòa. Ví dụ, đừng nói là “bạn làm sai rồi”, mà hãy nói “ai cũng đều mắc phải những sai lầm như thế này”. Không nên nói “anh cũng già rồi” mà hãy nói “con người già đi là quy luật của tự nhiên, không thể chống lại tạo hóa”… Nếu bạn dùng những cách xưng hô chung chung để thay cho việc chỉ đích danh đối phương, họ sẽ tưởng rằng, đó chỉ là những vấn đề chung bao gồm cả họ trong đấy mà không phải chỉ nói về riêng họ. Do đó, tâm lí cảnh giác cũng sẽ dần dần giảm xuống, cứ như vậy họ sẽ dễ dàng tiếp nhận lời khuyên của bạn.
LOẠI BỎ THÓI QUEN DÙNG CÂU CỬA MIỆNG VÀ NGÔN TỪ SUỒNG SÃ
Khi nói chuyện, nhiều người hay có tật là nói pha tạp âm. Có nhiều người mặc dù phong cách nói chuyện rất ấn tượng, nhưng trong lời nói lại pha thêm rất nhiều tạp âm vô nghĩa. Ví dụ như mũi khụt khịt, hay cổ họng bị tắc, thường xuyên ho, hoặc cứ mỗi khi bắt đầu một câu nói lại thở dài... Những tạp âm kiểu như vậy cần phải loại bỏ hoàn toàn vì chúng có thể biến thứ ngôn ngữ hay ho của bạn trở nên thiếu trong sáng.
Còn có cả những người trong lúc nói chuyện lại thích dùng nhiều từ ngữ khách sáo. Ví dụ như nói chuyện họ chêm thêm một vài câu kiểu như “tự nhiên thế”, hay là “đương nhiên rồi”. Lại có những người thích thêm vào những câu như “thẳng thắn mà nói”, “nói thực là”; nhiều người lại rất thích hỏi lại người khác như “bạn có hiểu không?”, “anh cảm thấy buổi hôm nay thế nào?” Đây không phải là một thói quen tốt. Vì khi một câu nói nào đó trở thành “câu cửa miệng” của bạn, bạn sẽ rất dễ bị trói buộc với nó, đến nỗi bất luận là bạn muốn nói gì, có thích hợp không, bạn cũng đều buột biệng nói ra câu đó. Bạn có thể rất thích nói câu “làm gì có cái lí đó”, “tôi cho rằng”, hay là câu “cũng giống như”, “là tuyệt đối đấy”; hoặc “không vấn đề gì”. Nhưng điều đáng nói ở đây là nếu những câu này không có chút ăn nhập gì với ý nghĩa nội dung câu chuyện mà bạn đang nói đến thì bạn nên cố gắng tránh.
Có những người vừa mở miệng là nói ra toàn những từ ngữ suồng sã, thô tục, khiến cho người khác cảm thấy khó chịu. Điều đáng tiếc là, những người học vấn thấp rất hay mắc phải thói quen này, và tự bản thân anh ta cũng không biết để sửa chữa. Bạn có thể dùng những từ ngữ hài hước và thú vị để thể hiện sự thông minh và vui tính của mình, nhưng không nên sử dụng những từ ngữ và câu nói thô tục để thể hiện sự cợt nhả và nông cạn. Trước mặt người lạ, bạn chỉ buột miệng nói ra những câu như vậy thì “địa vị” của bạn trong lòng họ lập tức bị hạ thấp.
KỸ XẢO NGÔN NGỮ TỰ THUẬT TRONG ĐÀM PHÁN
Người đàm phán thì phải giao lưu và trao đổi tin tức nhưng không được ba hoa tùy tiện. Người đàm phán không những phải bày tỏ chính xác quan điểm và ý kiến của mình, mà còn phải biểu đạt có tình, có lí và chính xác. Điều này yêu cầu người đàm phán cần phải có kĩ năng tự thuật.
Tự thuật là một phương pháp dùng để giới thiệu về bản thân, trình bày quan điểm cụ thể của bản thân đối với một vấn đề nào đó, nhằm giúp đối phương hiểu rõ về quan điểm, phương án và lập trường của mình.
Trong quá trình đàm phán, chúng ta nên chân thành đối đãi và bày tỏ với đối phương. Điều này có nghĩa là, không những bạn phải thành thực nói cho đối phương những điều họ muốn biết, mà cũng có thể “tiết lộ” một vài ý định nào đó của bên mình.
Thái độ chân thành là một phương pháp tốt để đối tác tin tưởng. Vì con người thường có thiện cảm với những người thẳng thắn và chân thành.
Đương nhiên, sự “thẳng thắn, chân thành” đôi khi cũng nguy hiểm vì đối phương có thể lợi dụng điều đó để buộc bạn phải nhượng bộ. Vì thế, thẳng thắn, chân thành cũng có những giới hạn nhất định, không phải việc gì cũng nói ra hết. Làm thế nào để vừa có sự chân thành, vừa có giới hạn, điều này đòi hỏi người đàm phán phải giỏi về kĩ năng tự thuật.
Bước đầu tiên trong quá trình đàm phán chính là thông tin giữa hai bên phải có sự gắn kết, những lời bạn nói ra chí ít cũng phải khiến đối phương nghe và hiểu. Do vậy, ngôn ngữ nên đơn giản, trong sáng và rõ ràng, không nên cố tình lừa dối hay lạm dụng kỹ xảo ngôn ngữ, khua môi múa mép khiến đối phương không biết đâu mà lần.
Trong quá trình đàm phán, nếu phải dùng một số từ ngữ chuyên môn thì bạn cũng nên giải thích bằng những ngôn từ đơn giản và dễ hiểu, để đối phương có thể hiểu được những ý nghĩa mà bạn muốn biểu đạt.
Trong khi thuật lại một câu chuyện gì đó, bạn không nên đưa ra những ý kiến không hề có liên quan đến chủ đề đàm phán, cũng không nên kể ra những sự việc không mấy quan trọng và không có ý nghĩa gì. Vì như vậy sẽ rất dễ khiến đối phương cảm thấy khó chịu.
Nếu bạn không có nhu cầu đặc biệt (ví dụ như: chờ đợi cung cấp thêm tài liệu đàm phám mới do trước đó chưa có sự chuẩn bị, trong quá trình tự thuật khi phát hiện ra vấn đề mới cần có thời gian để cân nhắc…) thì không nên tùy tiện phát biểu những ý kiến không liên quan đến nội dung đang nói đến.
Đàm phán là một vấn đề vô cùng nghiêm túc. Trong quá trình đàm phán không nên có những lời nói đùa, cũng không cho phép tùy tiện nuốt lời hứa. Do vậy, bạn cần thận trọng mỗi khi phát biểu ý kiến. Đối với bất cứ vấn đề gì xuất hiện trong quá trình đàm phán thì ngay khi phát biểu lần thứ nhất, bạn cũng phải biểu đạt rõ ràng và chính xác ý kiến của mình.
Ví dụ, khi đối phương yêu cầu bạn trình bày rõ ràng về một loại sản phẩm mới nào đó mà công ty chuẩn bị cung cấp, nếu bạn không hiểu rõ lắm về tình hình mới của xu thế thị trường hay định giá của sản phẩm thì bạn đừng bao giờ tùy tiện tự ý đưa ra giá. Nếu không, bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn từ hệ lụy sau đó.
Trong khi thuật lại chuyện gì đó, đừng quanh co, vòng vèo để tránh việc không biết phải quay lại chủ đề chính như thế nào. Cách nói chuyện của mỗi người có liên quan tới cá tính, phong cách nói chuyện của người đó. Có những người trong khi nói chuyện thường thích nói vòng vo, điều này nếu trong giao tiếp hàng ngày không vấn đề gì. Song, một khi bạn đã đóng vai trò là một nhà đàm phán thì phải chú ý vấn đề này.
Người tham gia đàm phán nếu cứ nói vòng vo sẽ làm cản trở trong việc trao đổi thông tin giữa hai bên. Một mặt, nói càng không chuẩn mực càng mơ hồ, mặt khác khiến cho người nghe chẳng hiểu gì. Dó đó, tự thuật không minh bạch, rõ ràng, không đơn giản, trong sáng chính là “hòn đá” cản đường đàm phán. Kĩ năng tự thuật trong đàm phán có rất nhiều:
1. Dùng từ ngữ chuyển ý
Trong quá trình đàm phán, bạn có thể gặp phải những vấn đề khó giải quyết, có điều bắt buộc phải nói ra, hoặc nếu chủ đề của đối phương chuyển hướng thì sẽ có lợi cho mình.
Trong trường hợp đó, bạn có thể nói: “nhưng mà…”, “tuy rằng như vậy…”, “nhưng…”, “tuy nhiên…”
Những từ ngữ trên có tác dụng hòa hoãn, có thể ngăn chặn bầu không khí cứng nhắc. Như vậy, vừa không làm cho đối phương khó xử, lại có thể lái vấn đề theo hướng có lợi cho mình.
2. Dùng lời lẽ giải vây
Trong đàm phán, có những lúc xuất hiện khó khăn mà không có cách nào để đi đến thỏa thuận cuối cùng. Để phá vỡ thế bế tắc và giải vây cho mình, bạn có thể vận dụng từ ngữ giải vây.
Ví dụ:
“Thật đáng tiếc, chỉ thiếu chút nữa là có thể thành công rồi!”
“Suýt nữa là đạt được mục tiêu rồi, thật đáng tiếc!”
“Quả là, giai đoạn cuối lúc nào cũng khó khăn nhất!”
“Nếu cứ thế này, chắc chắn đôi bên sẽ chẳng có lợi gì.”
Phương pháp dùng lời lẽ để giải vây nhiều lúc có thể tạo ra những hiệu quả rất tốt. Chỉ cần hai bên đều có thành ý đàm phán thì đối phương có thể tiếp nhận những ý kiến của bạn, thúc đẩy cuộc đàm phán đi đến thành công.
3. Dùng từ ngữ co giãn
Đối với những đối tác đàm phán khác nhau, bạn nên “liệu cơm gắp mắm”. Nếu đối phương là một người biết đối nhân xử thế, nói chuyện nho nhã thì chúng ta cũng phải lựa chọn ngôn ngữ cho phù hợp và cách nói chuyện cũng cần lịch thiệp.
Nếu ngôn ngữ của đối phương giản dị, mộc mạc, chúng ta không nhất thiết phải dùng những từ ngữ quá trau chuốt, gọt giũa.
Nếu ngôn ngữ của đối phương thẳng thắn, bộc trực, chúng ta không cần phải vòng vo, hãy đi thẳng vào vấn đề chính mà không cần rào hỏi, nêu rõ quan điểm của mình.
Tóm lại, trong quá trình đàm phán, phải căn cứ vào học thức, phong thái, trình độ của đối tác để điều chỉnh ngữ khí, cách dùng từ của mình. Đây là một phương pháp rất có hiệu quả trong việc kết nối tư tưởng và giao lưu tình cảm giữa hai bên.
Trong quá trình đàm phán, bạn phải chú ý không được dùng ngôn ngữ có tính phủ định để kết thúc cuộc đàm phán.
Từ cuộc khảo sát về thói quen nghe của mọi người, trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó thì câu đầu tiên và câu cuối cùng mà người ta nghe được thường là những câu để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Trong quá trình đàm phán, giả dụ bạn dùng từ ngữ có tính phủ định để kết thúc cuộc nói chuyện, vậy thì, những từ ngữ mang tính phủ định này rất có thể sẽ mang đến cho đối phương cảm nhận không vui, và để lại ấn tượng rất mạnh trong lòng họ. Đồng thời, nó cũng đem đến ảnh hưởng không tốt cho những lần đàm phán sau, thậm chí gây trở ngại cho các vấn đề đã đàm phán trước đó hay trong việc đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Cho nên, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đàm phán, tốt nhất bạn nên đưa ra những đánh giá thẳng thắn, trực diện nhất.
Ví dụ:
“Trong cuộc đàm phán lần này, anh thể hiện rất xuất sắc, để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm.”
“Cách giải quyết vấn đề của anh rất quyết đoán khiến tôi rất ngưỡng mộ!”
Bất luận cuộc đàm phán kết thúc như thế nào đối với những người tham dự, mỗi lần đàm phán và mỗi loại đàm phán đều là một lần hợp tác giữa các bên. Do vậy, khi kết thúc đàm phán, bạn phải cảm ơn đối phương. Đó vừa là một phép lịch sự mà một nhà đàm phán nên có, cũng vừa có lợi cho việc đám phán sau này.
NÓI NHỮNG CHUYỆN TÍCH CỰC
Nói những chuyện tích cực như: khẳng định, cổ vũ, hài lòng, hi vọng và yêu quý… luôn đem lại hiệu quả tốt nhất đối với việc kích thích người khác. Còn nói chuyện với tính chất, tiêu cực như phủ định, tố cáo, không hài lòng, ghét bỏ và trách mắng… có thể làm tổn thương người khác, dễ gây xung đột, từ đó làm cản trở việc giao lưu và ảnh hưởng tới quan hệ giao tiếp.
Ví dụ, bạn là lãnh đạo, một nhân viên văn phòng thường xuyên đi làm muộn, bạn muốn nhắc nhở anh ta, vậy bạn sẽ chọn cách nói nào sau đây:
1. “Tại sao anh lại đến muộn nữa rồi? Thật chẳng còn gì để nói!”
2. “Đã mấy giờ rồi cơ chứ, anh không thể đến sớm hơn được sao?”
3. “Đến muộn là chuyện không tốt, cậu nên chú ý hơn một chút nhé!”
4. “Dạo này hay tắc đường, cậu tranh thủ đi sớm hơn 10 phút đi.”
5. “Tối nên đi ngủ sớm, sáng dậy sớm một chút, đi đứng không phải vội vàng. Tôi nói có đúng không?”
Giả dụ bạn đặt vị trí là người đến muộn đó, vậy thì cách nói nào sẽ khiến bạn dễ dàng tiếp thu và thúc đẩy bạn thay đổi? Hiển nhiên chính là cách nói thứ năm. Cách nói thứ nhất và thứ hai tuy chỉ rõ khuyết điểm nhưng bạn sẽ nảy sinh tâm lý chống đối, hiệu quả sẽ không tốt. Còn ở cách nói thứ năm không trực tiếp chỉ trích sai lầm, mà chỉ đưa ra vài chú ý, thậm chí nghĩ cách khắc phục giúp bạn, từ góc độ tích cực biểu thị sự quan tâm yêu quý đối với bạn, cho nên bạn sẽ rất vui vẻ tiếp thu.
KHÔNG AI KHÁNG CỰ KHI NGHE “LỜI NGON TIẾNG NGỌT”
Năm 1671, chiếc vương miện của quốc vương nước Anh bị đánh cắp, điều này đã làm cho cả thế giới sửng sốt. Một băng nhóm gồm năm tên do Brett đứng đầu đã bị cảnh sát bắt được rất nhanh chóng và tất cả đều bị tuyên án tử hình.
Trong lúc mọi người ngóng đợi tận mắt nhìn thấy bọn tội phạm ra pháp trường thì tình hình đột nhiên thay đổi. Hóa ra, vua Charles II lại khá quan tâm đến lũ trộm cắp chưa từng thấy này, nên đã quyết định tự thẩm vấn bọn chúng. Tên tội phạm Brett đã dùng phong thái hơn người, lời nói hoa mỹ ngon ngọt và những lời biện luận lanh lợi, thông minh để giành được thiện cảm của nhà vua. Sau cùng, những tên tội phạm đó không những được miễn tội chết mà còn nhận được một khoản tiền thưởng đáng kể từ phía nhà vua.
Những câu từ biện hộ của Brett có thể nói là vô cùng đặc sắc. Anh ta ra sức nịnh nọt nhà vua, rõ ràng là bản chất vô lại, nhưng những câu nói lại tràn đầy vẻ dũng cảm, mưu trí và tài hoa. Dưới đây ghi lại đoạn đối thoại vô cùng đặc sắc đó:
Vua Charles II: “Chính ngươi là người đã hai lần mưu đồ ám sát công tước xứ Ormond, đúng không?”
Brett: “Thưa Đức vua, thực ra thần chỉ muốn xem thử ông ta có đủ xứng đáng với địa vị cao chót vót mà nhà vua đã ban cho ông ta hay không thôi. Nếu như ông ta bị thần đánh bại và loại bỏ một cách dễ dàng như vậy, thì thần nghĩ Đức vua nên mau chóng chọn lấy một người khác thích hợp hơn để thay thế ông ta.”
Nhà vua trầm ngâm một lúc, sau đó tỉ mỉ quan sát tên tù nhân này. Nhà vua lại hỏi tiếp: “Ngươi càng lúc càng to gan, thậm chí còn dám ăn cắp vương miện của ta!”
Brett: “Thần biết hành động này của mình thật đúng là tham vọng điên cuồng, nhưng thật ra thần cũng chỉ muốn nhắc nhở Đức vua cảnh giác, sinh mạng không thể giao phó cho mấy tay lính già đó.”
Vua Charles II: “Ngươi cũng chẳng phải thuộc hạ của ta, chẳng lẽ lại có lòng quan tâm đến ta ư?”
Brett: “Đức vua của tôi ơi, từ trước đến nay thần chưa từng dám chống lại Đức vua. Cuộc đọ súng giữa những người Anh với nhau quả là một điều bất hạnh. Nhưng giờ đây thiên hạ đã thái bình, tất cả người dân trên đất nước này đều là thần dân của Đức vua, vì thế thần đương nhiên cũng là một thuộc hạ của Ngài, thưa Đức vua.”
Nhà vua cảm thấy tên tù nhân này quả thật là một tên vô lại, nhưng vẫn tiếp tục hỏi anh ta: “Vậy ngươi hãy tự nói đi, nên trị tội nhà ngươi như thế nào?”
Brett: “Xét về góc độ pháp luật, chúng thần đáng bị xử tử hình. Nhưng sau khi năm người chúng thần chết đi, mỗi người sẽ có ít nhất hai người thân phải rơi lệ và nguyền rủa Đức vua. Đứng từ góc độ của bệ hạ mà xét, mười người ngày ngày ca ngợi bệ hạ sẽ tốt hơn mười kẻ suốt ngày khóc lóc và nguyền rủa ngài.”
Vua Charles không bao giờ ngờ rằng, tên tù nhân này lại trả lời như vậy nên không hề suy nghĩ đã gật đầu, ông hỏi tiếp: “Ngươi cảm thấy mình là một dũng sĩ hay là một kẻ nhu nhược, bất tài?”
Brett: “Thưa Đức vua, sau khi lệnh truy nã của Đức vua vừa ban xuống, thần chẳng còn nơi nào để ẩn náu, vì thế thần buộc phải làm một đám tang giả tại quê nhà, hi vọng quân lính tưởng thần đã chết và sẽ không còn truy đuổi thần nữa. Cho nên, trong mắt mọi người, có thể thần là một người dũng cảm, nhưng đứng trước một dũng sĩ thực sự như Đức vua thì thần chỉ là một kẻ nhu nhược và nhát gan mà thôi.”
Vua Charles rất thích thú với những đối đáp đó, liền cười phá lên, hạ lệnh miễn tội chết cho Brett.
Rõ ràng, với cuộc đọ sức về tâm lí và trí tuệ trong giao thiệp xã giao, muốn thắng một cách tuyệt đối thì không những phải dựa vào lòng can đảm và mưu trí hơn người, mà còn phải biết dùng lời nói khéo léo để giành lấy thiện cảm và chinh phục đối phương.
SỬ DỤNG NHUẦN NHUYỄN THUẬT NGỮ
Rốt cuộc thì ngôn ngữ thương mại và ngôn ngữ đời thường khác nhau ở điểm nào? Ngôn ngữ đời thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, tùy theo tâm trạng mà thể hiện qua lời nói như: yêu ghét, giận dữ, bi thương, đau buồn hay vui vẻ. Còn thuật ngữ thương mại thường được dùng để ứng đối trên thương trường, là những từ ngữ mang tính chất, lịch sự và có ngữ điệu.
Muốn trở thành một người lãnh đạo ưu tú và xuất sắc, bạn phải rèn luyện những kỹ năng giao tiếp. Đầu tiên, hãy học cách vận dụng linh hoạt ngôn ngữ đối đáp qua điện thoại, sau đó hãy học cách đối thoại trong các cuộc nói chuyện thương mại, tiếp theo là học cách thể hiện sự khôn ngoan và tầm nhìn xa trông rộng của bạn trong những cuộc đối thoại với người khác, cứ như vậy bạn sẽ từng bước vươn tới con đường thành công. Mới bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy không quen, nhưng bạn chỉ cần luyện tập nhiều để khẩu ngữ lưu loát trôi chảy, lâu ngày có thể vận dụng tự nhiên và nhuần nhuyễn.
KHÉO LÉO SỬ DỤNG LỜI LẼ ĐỂ TỪ CHỐI
Từ chối là một hành vi không thể thiếu được trong cuộc sống. Do đó, bạn phải coi nó là biểu thức đối nhân xử thế phải nắm vững.
Từ chối không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng. Bởi vì khi người khác cần hay yêu cầu bạn một chuyện gì đó, bạn lại không đáp ứng được những yêu cầu đó, tất nhiên sẽ khiến họ thất vọng.
Cho nên, nếu bạn muốn từ chối yêu cầu của người khác một cách rõ ràng, dứt khoát, nhưng không khiến họ thất vọng, bạn nên cân nhắc đến việc sử dụng ngôn ngữ từ chối.
Nói chung, những người có tầm hiểu biết cao và khả năng biểu đạt ngôn ngữ tốt thì đều biết cách thuyết phục đối phương chấp nhận sự từ chối của mình.
Còn có một số người “ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”, muốn mở miệng ra từ chối người khác nhưng lại chẳng biết phải nói gì, những trường hợp như vậy, nếu không phải là người quá nhút nhát, sống thu mình, tránh va chạm, ngại từ chối thì cũng bị hạn chế về kiến thức.
Cùng là một yêu cầu từ phía đối phương, nhưng có muôn ngàn lí do để từ chối, có lí do lịch sự, có lí do thô tục, có lí do thẳng thừng nhưng cũng có lí do vòng vo, gián tiếp.
Cũng như vậy, cùng là một câu nói nhưng được nói ra từ những người khác nhau, có người thì lắp ba lắp bắp, có người lại vụng về hậu đậu, nhưng cũng có những người ăn nói có duyên khiến người nghe tâm phục khẩu phục.
Đương nhiên, muốn nói được những lời từ chối lịch sự mà không có tầm hiểu biết tương đối cao, không có khả năng tốt trong việc điều khiển ngôn ngữ thì tuyệt đối không thể làm được.
Điều này tất nhiên có cơ sở. Bạn hãy thử nghĩ xem, bạn muốn từ chối đối phương nhưng vẫn muốn đối phương hài lòng, thì bạn sẽ phải nói lí do khiến bạn từ chối, mà phải nói thật sự sâu sắc và đến nơi đến chốn, có căn cứ xác đáng. Giả dụ bạn là một người có kiến thức sâu rộng, bạn có thể đưa ra rất nhiều luận chứng, luận cứ để chứng minh hay giải thích cho những điều mình nói, vì vậy cách trình bày và phân tích của bạn cũng sẽ rất đầy đủ và chặt chẽ, đối phương sau khi nghe xong cũng cảm thấy những lí do mà bạn đưa ra thật sự rất có lí. Giả dụ bạn không những có vốn hiểu biết sâu rộng mà lại có khả năng ngôn ngữ tương đối tốt, nói năng trôi chảy, mạch lạc và gần gũi, thân thiết thì đối phương sẽ chẳng có lí do gì để không hài lòng về bạn cả.
Tóm lại, ngôn ngữ chính là phương thức chủ yếu cho việc từ chối, và biện pháp hàng đầu để học cách từ chối đó chính là: học cách sử dụng ngôn ngữ từ chối.
Bạn không nên coi nhẹ điều này, bởi vì ngôn ngữ từ chối quả thực rất tinh tế và đáng được coi trọng, chỉ một từ “không”, bạn nhất định phải mở miệng nói ra mới thành. Nhưng nói chữ “không” như thế nào để từ chối mà đối phương vẫn cảm thấy vui vẻ? Có người chỉ vì chữ “không” này mà sinh ra bất hòa, nhưng cũng có những người nhờ vào một chữ “không” mà kết thành bạn tâm đầu ý hợp. Mỗi người có một bản sắc riêng, khả năng ngôn ngữ của con người khác nhau nên cũng sẽ có cảm nhận không giống nhau.
Trong lúc thủ tướng Anh Winston Churchill sắp thoái vị, để tưởng niệm những công lao to lớn của ông, quốc hội Anh muốn thông qua đề án đúc một bức tượng đồng đặt tại công viên để cả thế giới tôn kính và ngưỡng mộ.
Thủ tướng Winston Churchill lại cho rằng đó là điều không cần thiết. Ông đã từ chối như sau: “Cảm ơn ý tốt của mọi người đã dành cho tôi, nhưng tôi sợ các loài chim sẽ rất thích để lại phân trên bức tượng đồng của tôi mất, vì thế nên miễn đi thì tốt hơn.”
Nghe xong lời từ chối vừa dí dỏm, hài hước lại vừa dịu dàng, uyển chuyển của thủ tướng, quốc hội đã tôn trọng ý nguyện của ông và hủy bỏ đề án này.
Đây chính là sức hấp dẫn kì lạ của việc vận dụng khéo léo ngôn ngữ từ chối. Câu nói này của Winston Churchill không hề nhắc đến chữ “không”, nhưng lại uyển chuyển và linh hoạt biểu đạt ra ý nghĩa của từ “không” đó, điều này đã giúp ông đạt được hiệu quả của việc từ chối.
Nhưng nếu không có khả năng ngôn ngữ như Churchill thì phải làm sao?
Đầu tiên, bạn phải tạo khoảng cách tâm lí giữa bạn và đối phương, để chính họ hiểu lầm giữa hai người có khoảng cách, như vậy bạn nói từ “không” mới dễ dàng.
Giả dụ bạn và đối phương luôn giữ khoảng cách tâm lí gần gũi trước sau như một, vậy thì chẳng phải bạn sẽ rất khó thốt ra từ “không” để từ chối người ta hay sao?
Do vậy, một mặt bạn phải tạo khoảng cách tâm lí tình cảm với đối phương, mặt khác phải thăm dò để hiểu kỹ về họ, đồng thời, bạn còn phải nắm bắt thật chắc ngôn từ và ngữ khí của mình để có thể truyền đạt “ý ngoài lời”. Cứ như vậy, từ “không, nói ra sẽ dễ dàng hơn nhiều.
LỜI NÓI KÍNH TRỌNG ẤM ÁP NHƯ GIÓ XUÂN
Về mặt giao tiếp, lời lẽ của các nhà lãnh đạo có thể khiến tâm trạng của mọi người trở nên vui vẻ hay không, có thể thể hiện sự dày dặn kinh nghiệm của mình hay không, phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có một nhân tố quan trọng chính là người lãnh đạo sử dụng lời nói kính trọng, xác đáng và đúng lúc. Lời nói kính trọng biểu hiện tình cảm tốt đẹp và sự tôn trọng mà bạn dành cho đối phương, lại vừa có thể khiến sắc thái ngôn ngữ của chính mình thanh tao, lịch sự và lễ nghĩa hơn.
Những lời nói kính trọng mà chúng ta hiểu và nắm bắt không chỉ có một hai hàm ý. Chẳng hạn như từ “thọ” với nghĩa là sống lâu, khi dùng trong lời nói kính trọng là để hỏi tuổi thọ của người già, ví dụ như: “Ông năm nay thọ bao nhiêu tuổi rồi?” Lúc này, nó còn có nghĩ là “trường thọ”.
Do vậy, chúng ta cần phải biết nắm bắt và sử dụng lời nói kính trọng. Ngoài ra, trong số những lời nói kính trọng thời trước, rất nhiều từ ngày nay đã không còn được dùng nữa, vì vậy bạn chỉ cần nắm vững một cách toàn diện và sử dụng từ ngữ kính trọng một cách xác đáng.
Vậy làm cách nào để sử dụng từ ngữ kính trọng một cách thích hợp nhất? Dưới đây là một vài điểm đáng để tham khảo:
1. Ghi nhớ
Tục ngữ có câu: “Có bột mới gột nên hồ”. Chỉ có cách học thuộc và ghi nhớ những từ ngữ kính trọng thường dùng, chúng ta mới có thể sử dụng tốt những từ đó, vừa có thể làm vui lòng người khác lại vừa có thể thể hiện tài ăn nói và sự rèn luyện hàng ngày của bản thân.
2. Hiểu rõ ý tứ và chú ý phạm vi sử dụng
Thông thường, từ ngữ kính trọng được sử dụng nhiều trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, ví dụ như: nhờ vả người khác việc gì đó và thể hiện sự cảm ơn; thỉnh giáo người khác và thể hiện sự tôn kính; hỏi tình hình người khác và thể hiện sự chân thành… Đương nhiên, từ ngữ kính trọng cũng thường được dùng trong cả văn viết. Có một số ít từ ngữ kính trọng chỉ dùng cho đối tượng hoặc trường hợp đặc biệt.
3. Cố gắng vận dụng
Từ góc độ tâm lí học xã hội, trong quá trình giao tiếp giữa con người với con người, mọi người đều hi vọng có thể nhận được sự tôn trọng của người khác, thích được nghe những từ ngữ, lời lẽ thể hiện sự kính trọng và lịch sự, mà kính ngữ lại chính là một sự lựa chọn hoàn hảo và phù hợp với những nhu cầu tâm lí này. Do vậy, chúng ta nên chú trọng đến việc sử dụng kính ngữ trong giao tiếp, những lúc nên sử dụng thì nhất định phải sử dụng. Bạn hãy cố gắng thường xuyên sử dụng từ ngữ kính trọng một cách thích hợp để khiến mọi người cảm thấy vui vẻ.
DÙNG KHẨU NGỮ PHẢI HẾT SỨC TRÁNH CÁC ĐIỀU KIÊNG KỴ
Những từ ngữ kiêng kị trong giao tiếp được chia ra làm ba loại: mỗi địa phương sẽ có những từ kiêng kị riêng của địa phương đấy, mỗi nhà cũng sẽ có từ kiêng kị riêng của từng nhà, các ngày lễ Tết cũng có những từ ngữ riêng mà vào ngày đó người ta kiêng không nói.
1. Điều kiêng kị của từng địa phương
Mỗi địa phương đều có những từ kiêng kị của riêng địa phương đó, vì vậy mỗi khi đến một vùng đất mới, tốt nhất bạn nên hỏi người dân ở đó những từ ngữ kiêng kị mà địa phương đó không dùng, để tránh xảy ra những chuyện không vui trong khi nói chuyện.
2. Điều kiêng kị của mỗi gia đình
Những điều kiêng kị này xuất hiện do các vấn đề nảy sinh trong gia đình và cũng thay đổi theo sự thay đổi của những vấn đề đó. Nhà ông Trương hôm nay mới có người già qua đời, vì vậy rất kiêng kị việc người khác vừa nói vừa cười. Những điều kiêng kị dạng này thì hầu như nhà nào trong trường hợp đó cũng đều có, vì vậy trong quá trình giao tiếp, nhất định không thể sơ ý mà lỡ lời.
3. Điều kiêng kị trong các ngày lễ Tết
Trong những ngày lễ Tết truyền thống, bạn phải chú ý không được nói đến những từ mang nghĩa không hay, dễ khiến người ta liên tưởng đến những chuyện không may mắn. Tết Nguyên đán là thời gian chào đón năm mới, tốt nhất bạn nên thỉnh giáo những người lớn tuổi hơn về những điều kiêng kị trong ngày này trước, để tránh trường hợp phát sinh những chuyện không vui ngoài ý muốn.
Trong giao tiếp hàng ngày, khi bạn nói mà phạm vào những điều kiêng kị, hầu hết mọi người sẽ tha thứ cho bạn với lí do vì bạn không biết điều đó. Nhưng dù là như vậy thì việc bạn nói câu đó chắc chắn sẽ làm người khác không vui. Với những người khó tính và hay bắt bẻ, anh ta có thể sẽ chẳng giữ thể diện của bạn mà dạy cho bạn một bài học nhớ đời, hoặc cũng có thể anh ta sẽ tỏ ra lạnh lùng và chẳng thèm để ý đến bạn. Còn nhiều người sẽ có ấn tượng rất xấu về bạn khi nghe bạn nói những câu phạm vào điều kiêng kị, thậm chí sẽ cho rằng những xui xẻo mà anh ta gặp phải đều do việc bạn đã nói ra những câu đó.
NGÔN NGỮ GIAO TIẾP CẦN CỐ GẮNG ĐƠN GIẢN, SÚC TÍCH, TRONG SÁNG VÀ LỊCH SỰ
Muốn lựa chọn ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích và trong sáng thì trong quá trình giao tiếp, người lãnh đạo phải hết sức chú ý một vài điểm dưới đây:
1. Ngôn ngữ phải giản dị, rõ ràng và làm nổi bật trọng điểm
Nói chung khi trò chuyện, bạn nên nói càng ngắn gọn, rõ ràng càng tốt. Có rất nhiều người khi kể lại một câu chuyện hay một sự việc nào đó thường nói quá nhiều, nhưng vẫn không có cách nào để biểu đạt hết ra ý tứ của mình. Người nghe mất rất nhiều thời gian và sức lực để nghe bạn nói nhưng vẫn không biết rút cuộc bạn đang muốn nói gì. Nếu như bạn đang mắc phải lỗi như trên thì hãy tự sửa chữa và rút kinh nghiệm. Cách tốt nhất để sửa chữa lỗi này là, trước khi bạn nói bất cứ điều gì, hãy vạch ra những gì mình định nói trong đầu, sau đó mới nói ra những gì mình định nói.
2. Không nên dùng lời nói nhắc lại nhiều lần
Trong ngôn ngữ, quả thật có nhiều lúc bạn phải sử dụng phương pháp lặp từ hoặc lặp câu để thu hút sự chú ý của người khác hoặc tăng thêm ngữ khí cho câu nói. Nhưng nếu như quá lạm dụng biện pháp lặp lại câu từ thì cũng sẽ rất rườm rà và phiền toái. Ví dụ, trong lúc đang có nghi ngờ hoặc không giải thích được một vấn đề nào đó, rất nhiều người sẽ nói những câu như: “Vì sao thế? vì sao?” Thực ra, chỉ cần một chữ “vì sao?” đã đủ để bộc lộ sự nghi hoặc hay khó hiểu của bạn, vậy vì sao phải nhắc lại nhiều lần? Lại có nhiều người khi đồng ý với người khác về một chuyện nào đó thường hay nói: “Được, được, được…” chỉ một lúc mà liên tục nói ra rất nhiều từ “được”. Thực ra, chỉ cần nói một từ “được” là đã quá đủ rồi. Nếu bạn mắc phải lỗi này thì hãy mau chóng thay đổi sẽ tốt cho bạn hơn.
3. Không được dùng một từ
Nói chung người nghe hi vọng ngôn ngữ của người nói phong phú, đa dạng và đặc sắc. Tuy rằng chúng ta cũng không cần thiết phải giống như những diễn giả, nhưng trong phạm vi cho phép, bạn cũng nên làm cho cách diễn đạt của mình được phong phú và đa dạng hơn, để tránh việc sử dụng lại một từ quá nhiều lần. Cho dù đó có là một từ vô cùng mới mẻ, nhưng nếu bạn dùng nó đến mười mấy lần chỉ trong vòng vài phút thì người nghe không còn cảm giác mới lạ nữa, thậm chí sẽ khiến họ nảy sinh cảm giác nhàm chán và mệt mỏi.
4. Nên tránh lạm dụng câu cửa miệng
Trong khi nói chuyện, có nhiều người rất thích sử dụng câu cửa miệng. Ví dụ như: “lẽ nào có cái lí đó?”, “tôi cho rằng”, “giống như là”, “tuyệt đối”, “không thành vấn đề”… Nếu sử dụng những câu cửa miệng như thế này quá nhiều, không những sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của cuộc nói chuyện mà còn dễ khiến người khác đem nó ra làm trò cười. Bạn nên hết sức tránh.
5. Nên tránh sử dụng những từ ngữ thô tục
Người ta thường nói: “Ngôn ngữ chính là biểu hiện của học vấn và phẩm cách mỗi con người”. Hãy thử tưởng tượng, một người có tướng mạo đường bệ, khí phách, xem chừng vô cùng cao quý và sang trọng, nhưng nếu vừa mở miệng là lại thốt ra những từ ngữ thô tục và những lời nói không lịch sự, vậy thì chắc chắn lòng kính trọng mà người khác dành cho ông ta sẽ ngay lập tức tan thành mây khói. Thật ra, một bộ phận trong số này không phải là học vấn hay phẩm cách không tốt, mà chỉ là trong quá trình theo đuổi và tìm kiếm sự mới lạ, hài hước trong ngôn ngữ đã vô thức nhiễm thói quen khó sửa này.
6. Đừng quá lạm dụng thuật ngữ
Những từ ngữ thô tục chắc chắn không nên dùng trong giao tiếp, bên cạnh đó những từ ngữ quá sâu sắc như thuật ngữ chuyên ngành cũng không nên được sử dụng thường xuyên. Nếu không phải bạn đang ngồi thảo luận với một học giả về vấn đề học thuật mà bắt buộc phải dùng thì đừng sử dụng thuật ngữ chuyên ngành quá nhiều, vì cho dù bạn có dùng nó một cách thích đáng đến đâu đi chăng nữa, nó cũng dễ khiến người khác có cảm giác mơ hồ, khó hiểu.