Có mục tiêu đúng thì phải hành động ngay
✱ Động lực lớn nhất trong cuộc đời chính là chí tiến thủ.
✱ Trong cuộc đời đầy sóng gió, người lãnh đạo cần làm việc nghiêm túc, cư xử đúng mực.
✱ Làm được một cây kim chất lượng tốt vẫn có giá trị hơn là sản xuất ra một chiếc máy hơi nước chất lượng tồi.
✱ Cách duy nhất giúp bạn giàu có là làm việc chăm chỉ.
PHẢI LUÔN THEO ĐUỔI SỰ TIẾN BỘ VÀ PHÁT TRIỂN
Nước không chảy thì sẽ bị ứ đọng lại một chỗ. Con người không sáng tạo, đổi mới thì sẽ bị tụt hậu và gánh lấy thất bại.
Những người lãnh đạo có chí tiến thủ thường có một đặc điểm nổi trội là luôn theo đuổi sự tiến bộ và phát triển ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Không ai cảm thấy hài lòng khi bản thân mới chỉ giành được một thắng lợi nhỏ trong sự nghiệp. Họ sẽ luôn muốn vượt lên chính mình, luôn muốn phấn đấu. Còn nếu họ tự mãn và hài lòng với bản thân, không có chí tiến thủ, sự nghiệp của họ sẽ bắt đầu đi xuống.
Mỗi sáng đi làm, bạn phải quyết tâm sẽ làm tốt hơn ngày hôm qua. Và sau khi làm tốt hơn ngày hôm qua, bạn mới rời khỏi nhà máy, văn phòng hay nơi làm việc của bạn. Mỗi ngày bạn tiến bộ thêm một chút, sau một thời gian, bạn sẽ phát hiện ra là bạn đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc trong sự nghiệp của mình.
Thói quen luôn muốn làm tốt hơn, luôn muốn tiến bộ hơn có tính lưu truyền. Khi bạn đã có tinh thần đó rồi, bạn sẽ luôn giữ được nó và nỗ lực để tiến bộ.
Một người lãnh đạo luôn theo đuổi sự tiến bộ trong công việc phải thường xuyên tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phải đi tham quan, đi xem những buổi triển lãm của đồng nghiệp, tìm hiểu và nắm bắt những phương pháp mới, quan niệm mới và tăng thêm động lực mới cho công việc.
Một thương nhân nổi tiếng ở Chicago đã nói rằng việc dành một tuần để đi thăm các cửa hàng trong nước có thể giúp ông thay đổi cách nhìn về kinh doanh. Ông thường đi du lịch mỗi năm một lần để khảo sát phương pháp quản lý và phương pháp kinh doanh của những cửa hàng nổi tiếng. Ông cho rằng, việc đi du lịch là điều cần thiết để quan sát công việc của bản thân dưới một góc nhìn rộng và thẳng, để sự nghiệp của mình không bị đi xuống.
Ngoài việc tìm kiếm thêm phương pháp mới, quan niệm mới cho công việc kinh doanh, sau mỗi lần đi du lịch về ông đều nhìn thấy những khiếm khuyết của cửa hàng mình. Những khuyết điểm nhỏ trong công việc và kinh doanh, những sơ suất của nhân viên mà trước đây ông không để ý đến hoặc tuy có chú ý nhưng lại cho rằng không có gì nghiêm trọng, thì bây giờ lại được để ý một cách cẩn thận. Với một tầm nhìn rộng và mới mẻ, ông lại thấy những việc được cho là nhỏ bé trước đây giờ đã thành việc quan trọng. Vậy là ông thực hiện việc đổi mới trong cửa hàng của mình, thay đổi phương pháp quản lý kinh doanh, sa thải những nhân viên làm việc không hiệu quả. Ông đã mang lại một luồng sinh khí mới cho sự nghiệp kinh doanh của mình.
Một doanh nhân không rời khỏi cửa hàng của mình nửa bước, không giao lưu với thế giới bên ngoài sẽ không thể nào nhìn ra những điểm bất cập trong kinh doanh và thiếu sót của nhân viên. Để tìm ra được những điểm đó, họ chỉ có một cách duy nhất là đón nhận quan điểm mới, luôn học tập và tích cực vận dụng.
Có rất ít người hiểu rằng cách tốt nhất để làm tốt hơn là phải “giỏi quan sát người khác” đồng thời đánh giá hiệu quả công việc của mình bằng con mắt khách quan và thực sự cầu thị. Những người luôn chỉ ở một chỗ sẽ bị tụt hậu, họ sẽ không thể thấy được những sự bất cập, thiếu sót trong công việc của bản thân, vì những bất cập và thiếu sót đó chỉ có thể được phản ánh trong những môi trường khác nhau.
Một giám đốc khách sạn sẽ phát hiện ra những điều mình phải thay đổi trong khách sạn của mình sau một tiếng đồng hồ bước vào một khách sạn khác. Những phát hiện đó sẽ nhiều hơn những gì mà ông ấy có thể tìm ra ở trong chính khách sạn của mình trong vòng một năm.
Sai lầm của hầu hết mọi người là cho rằng, muốn thay đổi sự nghiệp của mình thì phải thay đổi toàn bộ và thật nhanh chóng. Họ không hiểu rằng phải tập trung vào mục tiêu lớn và làm từ những việc nhỏ. Thực ra, chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ, thay đổi dần dần, chúng ta sẽ thành công.
Bạn phải luôn tự hỏi: “Công việc hiện tại có cần thay đổi điều gì không?”
LÀM VIỆC VÀ LÀM NGƯỜI NGHIÊM TÚC
“Chúng ta ngày càng thiếu kiên nhẫn.” Trong khi một con người thiếu kiên nhẫn là một con người không hoàn hảo, một dân tộc thiếu kiên nhẫn là một dân tộc chưa văn minh. Tiền bạc đang dần lấy mất đi tính kiên nhẫn của chúng ta, khiến chúng ta hay nổi nóng. Điều đó quả là nguy hiểm. Nổi nóng hay thiếu kiên nhẫn trong công việc đều là biểu hiện của thiếu nghiêm túc. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này chính là mưu cầu danh lợi.
Ngược lại, nếu làm việc cẩn thận, kiên nhẫn, chúng ta sẽ có được thành công. Nhà văn người Pháp Alexandre Dumas có một người bạn thường xuyên bị từ chối khi gửi bản thảo tới nhà xuất bản. Người bạn này đến cầu cứu ông. Ông bảo người bạn tìm một người chép lại bản thảo, sau đó sửa lại tiêu đề. Người bạn làm theo và sau đó bản thảo được một nhà xuất bản đồng ý in. Thiết nghĩ, một tác phẩm có hay đến đâu mà chữ viết quá xấu thì cũng sẽ không có người nào kiên nhẫn để đọc nó.
Làm việc và làm người nghiêm túc là điều cần thiết đối với lãnh đạo trong một xã hội như hiện nay. Malden1 dẫn lời một nhà văn nổi tiếng: “Bất kể là làm việc gì, chúng ta cũng phải làm hết sức mình. Có những việc tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng thực ra lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng.” Một bánh máy bay chất lượng kém có thể khiến tất cả hành khách trên máy bay thiệt mạng, một dấu câu viết sai có thể gây thiệt hại to lớn về tài sản, một lỗi nhỏ trong thiết kế có thể làm sập một cây cầu… Làm việc chu đáo, tỉ mỉ, có trách nhiệm, chính xác, đó chính là nghiêm túc. Làm người phải theo chính nghĩa, không a dua, không bị danh lợi mê hoặc, “nói là làm, làm phải có hiệu quả”. Cuộc sống có trật tự, văn minh, giữ kỷ luật, có nền nếp, tư trang chỉnh tề, cử chỉ đúng mực, đó đều là biểu hiện của “nghiêm túc”. Nghiêm túc tức là nghiêm khắc với chính mình, làm việc và làm người theo tiêu chuẩn “chân, thiện, mỹ”, là khi người khác vô tổ chức vô kỷ luật thì mình vẫn giữ được nguyên tắc, là tinh thần trách nhiệm cao và lòng yêu nghề, là thái độ nghiêm túc khi làm việc và làm người. Những người như vậy sẽ được người khác tôn trọng và tín nhiệm. Xét về mặt hiệu quả, vì họ làm việc nghiêm túc nên ít gây lãng phí, không phải làm lại. Như vậy, họ đã góp phần làm giàu thêm cho xã hội.
1 Karl Malden (1912-2009): Diễn viên nổi tiếng người Mỹ gốc Serbia.
Nếu việc gì bạn cũng làm một cách nghiêm túc, cho dù đó là việc cần làm hay việc bạn muốn làm, bạn sẽ thành công.
Có người từng nói rằng, bạn luôn nên làm hai việc cùng một lúc, đó là việc mà bạn đang làm hiện tại và việc mà bạn thực sự muốn làm. Nếu trong cả hai việc đó bạn đều làm một cách nghiêm túc, tức là bạn đang chuẩn bị cho tương lai, bạn đang học cách để vươn lên, để tiến xa hơn.
Một thanh niên sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã tới làm việc tại công ty may mặc Uy Long. Anh rất trân trọng cơ hội làm việc này và cũng rất yêu quý công ty của mình.
Mỗi lần đi công tác, ở khách sạn, anh thường viết thêm “Công ty may mặc Uy Long” vào sau tên mình. Anh cũng thường làm vậy với thư từ và hóa đơn hàng ngày. Anh bị đồng nghiệp chế nhạo và gọi là “Công ty may mặc Uy Long”, còn tên thật của anh dần bị lãng quên.
Cho đến một ngày, tổng giám đốc của công ty biết chuyện đã rất cảm động về sự nỗ lực quảng bá cho thương hiệu công ty của anh. Ông đã mời người thanh niên cùng dùng bữa tối với mình. Khi được tổng giám đốc hỏi về lý do anh làm như vậy, anh nói rằng, công ty là mái nhà của chúng ta, mái nhà đó cường thịnh, chúng ta mới hạnh phúc.
Sau này, anh đã được đề bạt làm tổ trưởng, trưởng phòng, phó tổng giám đốc và cuối cùng anh đã trở thành tổng giám đốc công ty.
LÀM TỐT NHẤT CÓ THỂ
Một thương gia làm việc trong ngành chế tạo đã nói: “Có thể làm một cây kim chất lượng tốt còn giá trị hơn là sản xuất ra một cái máy hơi nước chất lượng tồi.” Câu nói đó đã cho thấy tầm quan trọng của việc luôn yêu cầu bản thân phải làm tốt hơn nữa, phải hướng đến sự hoàn hảo. Đặc biệt là trên thị trường hàng hóa phong phú như hiện nay, gây dựng thương hiệu bằng chất lượng tốt sẽ mang lại giá trị thương mại to lớn.
Khi mới bắt đầu làm việc trong ngành sản xuất đàn, Jonas Chiclin đã nổi tiếng với thái độ làm việc chăm chỉ, cẩn thận. Đối với ông, mỗi một khâu sản xuất đều rất quan trọng. Ông không quan tâm tới việc phải bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức, điều duy nhất ông mong muốn là làm việc ngày một tốt hơn. Ông đã nhanh chóng mở được một xưởng sản xuất đàn. Ông quyết tâm sẽ tạo ra chiếc đàn piano tốt nhất, ông muốn giai điệu của cây đàn phải du dương, cây đàn phải giúp người chơi tiết kiệm sức lực, đồng thời phải bảo đảm độ trong của âm sắc. Ông yêu cầu mỗi chiếc đàn piano mới đều phải tốt hơn những chiếc trước. Điều ông đang theo đuổi là sự hoàn thiện về chất lượng. Ông tự tay kiểm tra tất cả những nhạc cụ sản xuất ra. Ông không chấp nhận việc sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Không chỉ trong ngành kinh doanh mà trong bất cứ ngành nghề nào, muốn thành công chúng ta cũng cần phải nghiêm khắc với bản thân, không có cái tốt nhất, chỉ có cái tốt hơn.
Khi sáng tác bức tranh Bữa tiệc cuối cùng, để vẽ một chi tiết nhỏ Leonardo da Vinci, đã tìm khắp thành Milan một loại màu.
Nhà sử học Yoshimoto đã sửa lại ghi chép về hồi ức của mình những chín lần. Phần mở đầu trong Lịch sử đế quốc La Mã cũng được sửa lại đến 18 lần.
Montesquieu1 cũng từng nói với một người bạn về tác phẩm của mình: “Anh chỉ cần vài tiếng đồng hồ là đọc xong nó. Còn tôi đã bạc cả đầu để viết ra nó.” Trong quá trình sáng tác, bất kể là lúc thức hay trong giấc mơ, điều duy nhất Montesquieu nghĩ tới là cuốn sách đó. Nó đã thành trung tâm trong cuộc sống của ông.
1 Montesquieu (1689-1755): Nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị người Pháp. Ông nổi tiếng với lý thuyết Tam quyền phân lập.
Năm 1805, Napoléon rút đội quân đang đóng tại bờ biển phía Đông của Anh về và thống lĩnh đội quân tiến về sông Danuyp. Tuy bận trăm công nghìn việc nhưng ông không hạ lệnh để cấp dưới đi làm. Ông kiểm tra từng việc nhỏ, thậm chí cả những việc mà cấp dưới cho là vụn vặt. Trước khi quân lệnh nổi lên, ông đã lên kế hoạch sẵn sàng về tuyến đường hành quân, thời gian chính xác để xuất phát và đến đích cho mỗi một cánh quân. Ông suy nghĩ thấu đáo kế hoạch đến từng chi tiết nhỏ, đội quân của ông chỉ việc làm theo mệnh lệnh của ông. Kết quả là chiến thắng lẫy lừng Austerlitz. Trận chiến này đã quyết định cục diện của châu Âu mười năm sau đó.
Người lãnh đạo muốn thành công thì phải cẩn thận, tỉ mỉ, phải theo đuổi mục tiêu “không được có sai sót gì” chứ không phải là “làm rất tốt”.
CÓ LAO ĐỘNG MỚI CÓ THÀNH QUẢ
Hàng ngàn năm nay, có biết bao người mong muốn có được phép màu “biến đá thành vàng”. Thực ra, “biến đá thành vàng” không khó, phép màu đó ở trong chính sự cần cù của chúng ta.
Có một người đàn ông thuở nhỏ do điều kiện gia đình khó khăn nên không được đi học, nhưng ông đã tạo nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Ông đã hy sinh cả đời cho tương lai no đủ của con. Nhưng trước khi lâm chung, ông rất hối hận mà nói rằng: “Tôi đã quá coi nhẹ việc giáo dục và rèn luyện các con mình. Chúng chưa bao giờ biết đến cảm giác thiếu tiền. Tôi đã không dạy chúng trở thành người chính trực và được tôn trọng, kết quả là sao? Một đứa là bác sĩ nhưng chẳng có bệnh nhân nào tìm đến nó để chữa bệnh. Một đứa là luật sư nhưng không có khách hàng. Đứa thứ ba kinh doanh nhưng chưa bao giờ ngó ngàng đến công việc. Tôi cố gắng khuyên nhủ chúng phải gây dựng sự nghiệp, phải tiết kiệm, phải có chí tiến thủ, nhưng chúng coi như gió thoảng bên tai. Chúng đã trả lời tôi rằng, không cần đâu bố ạ, chúng con không bao giờ thiếu tiền đâu. Tiền bố kiếm được đủ cho chúng con tiêu rồi.”
Trong vũ trụ, chỉ có con người mới có khái niệm không thích lao động. Mọi sự vật đều đang vận động theo quy luật. Làm việc giúp mọi sự vật tiến về mục tiêu theo một trình tự nhất định. Một nơi nào đó ngừng hoạt động sẽ lập tức tụt hậu. Khi không được sử dụng, những bộ phận trên cơ thể chúng ta sẽ bị thoái hóa. Chỉ những thứ mà chúng ta đang sử dụng mới mang lại cho chúng ta sức mạnh, đó cũng là những thứ duy nhất mà chúng ta có thể chi phối.
Làm việc chăm chỉ mới là phép màu để biến đá thành vàng. Những nhân vật kiệt xuất, những người luôn làm việc chăm chỉ sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Chính sự dùng dằng không dứt khoát là rào cản lớn nhất của thành công, bởi khi đó chúng ta sẽ bị phân tán, sẽ nhụt chí, nó sẽ khiến chúng ta trở nên bị động khi đón nhận sự sắp xếp của số phận, chúng ta không làm chủ được cuộc sống của mình.
Ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, khi thoát ly khỏi lao động tức là thoát ly khỏi hiện thực, người thoát ly khỏi hiện thực không thể tồn tại trong cuộc sống. Chỉ khi lao động chăm chỉ, chúng ta mới được đền bù xứng đáng. Cho dù bạn có cả núi vàng mà không lao động thì cũng có ngày núi vàng sẽ hết. Phép màu biến đá thành vàng vốn dĩ không hề tồn tại, lao động để tạo ra tài sản mới là con đường đúng đắn nhất. Muốn có tài sản, chúng ta phải lao động.
ĐỪNG ĐỂ NGƯỜI KHÁC ĐÁNH CẮP ƯỚC MƠ CỦA BẠN
Tại Mỹ, giáo viên tiểu học đã ra đề văn là: “Hãy nói về ước mơ của em.”
Một học sinh rất thích đề văn đó nên đã nhanh chóng viết ra ước mơ của mình vào vở.
Cậu bé mong muốn sau này sẽ có một trang trại rộng hơn 10 hecta, trên đó trồng đầy cỏ xanh. Trong trang trại có những ngôi nhà bằng gỗ nhỏ, khu BBQ1 ngoài trời và một khách sạn nghỉ dưỡng. Cậu sẽ có cơ hội được chia sẻ niềm vui ngắm trang trại với du khách và để họ nghỉ lại trong trang trại của mình.
1 Barbecue (BBQ): Chỉ việc nướng thịt trực tiếp trên than hoặc lò nướng.
Sau khi viết xong, cậu bé nộp bài cho thầy giáo. Nhưng bài của cậu bị gạch hai dấu gạch chéo màu đỏ, thầy giáo yêu cầu cậu bé viết lại. Cậu xem lại cẩn thận bài viết và thấy rằng không hề có lỗi nào cả, cậu bèn mang vở đến hỏi thầy giáo. Thầy giáo nói với cậu rằng: “Thầy muốn em viết ra ước mơ của mình, một ước mơ thực tế, chứ không phải là ảo tưởng như thế này. Em hiểu không?”
Cậu bé cãi lý: “Nhưng thưa thầy, đây là ước mơ của em mà.”
Thầy giáo kiên quyết: “Không. Việc đó không thể thực hiện được, đó chỉ là ảo tưởng. Thầy muốn em viết lại bài khác.”
Cậu bé vẫn không chịu thua: “Em biết rõ đây mới thực sự là ước mơ của em. Em không muốn thay đổi ước mơ của mình.”
Thầy giáo lắc đầu: “Nếu em không viết lại, thầy sẽ đánh trượt bài của em. Em hãy nghĩ kỹ đi.”
Cậu bé cũng lắc đầu, cậu không muốn viết lại và bài văn của cậu bị đánh trượt.
Ba mươi năm sau, người thầy giáo năm xưa dẫn một nhóm học sinh tiểu học đến tham quan một khu du lịch có phong cảnh rất đẹp. Khi đang ngắm những bãi cỏ xanh mướt, những khu nhà nghỉ sang trọng và tận hưởng mùi thơm của thịt nướng, thầy giáo bỗng thấy một người đàn ông đi tới. Người đàn ông tự xưng là học trò cũ của thầy.
Người đàn ông nói với thầy giáo rằng, mình chính là cậu học trò nhỏ năm xưa đã bị thầy đánh trượt bài văn. Giờ đây, cậu trò nhỏ đó đã có một trang trại rộng lớn, cậu đã thực hiện được giấc mơ khi còn nhỏ của mình.
Người thầy giáo nhìn chủ nhân của trang trại trước mặt và nghĩ đến ba mươi năm trong sự nghiệp dạy học của mình, ông tiếc nuối: “Ba mươi năm nay, thầy đã xóa đi không biết bao ước mơ của học trò mình. Em là người duy nhất vẫn giữ được ước mơ của chính mình.”
Vị tổng thống thứ 28 của nước Mỹ Wilson đã nói: “Chúng ta vĩ đại vì chúng ta có ước mơ… Có người để cho ước mơ vĩ đại của mình héo mòn rồi chết, trong khi có người lại luôn vun đắp cho ước mơ của mình và bảo vệ nó, để có một ngày ước mơ được thực hiện. Đó là những người thật lòng muốn cho ước mơ của mình trở thành hiện thực.”
Khi còn nhỏ mỗi chúng ta đều có một ước mơ vĩ đại. Nhưng không biết ước mơ đó đã bị xóa bỏ, bị đánh cắp tự lúc nào, hoặc cũng có thể do chúng ta không vun đắp khiến cho hạt giống ước mơ mãi bị vùi sâu trong lớp đất mà không có cơ hội nảy mầm.
Ngay từ bây giờ, bạn hãy tìm lại ước mơ của mình, bất kể ước mơ của bạn được giấu ở đâu hay bị đánh cắp lúc nào, bạn hãy tìm lại nó và tin rằng ước mơ của mình sẽ thành hiện thực.
Có thể khi tìm lại ước mơ của mình, bạn sẽ gặp phải những người muốn đánh cắp ước mơ của bạn. Đó có thể là bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng hay thậm chí là cha mẹ hay vợ hoặc chồng của bạn. Khi bạn đang hứng khởi kể về ước mơ của mình, họ sẽ nói với bạn rằng, điều đó là không thể được, họ sẽ khuyên bạn phải thực tế, phải làm việc thật tốt, phải làm nhiều và nói ít, hãy làm rồi hẵng nói cũng vẫn chưa muộn.
Khi bạn là người nghiêm túc, khi bạn hiểu rõ về ước mơ của mình, bạn sẽ không phải sợ những lời cười chê của mọi người. Khi đó, họ sẽ không thể đánh cắp ước mơ của bạn thêm một lần nào nữa. Nếu họ dội một gáo nước lạnh vào bạn khi bạn kể về ước mơ của mình, thì hãy coi gáo nước đó tưới tắm cho hạt giống ước mơ của bạn, nhờ đó mà hạt giống ước mơ sẽ nảy mầm để phát triển thành cây. Bạn hãy cảm ơn họ vì điều đó, bởi sau khi thực hiện được ước mơ, bạn sẽ cùng chia sẻ niềm vui với họ.
Khi chúng ta mất một đồ vật yêu thích, chúng ta có thể mua cái khác; khi chúng ta mất tiền, chúng ta có thể đi kiếm bù; chỉ có ước mơ một khi đã bị đánh cắp thì rất khó để tìm lại. Không ai có thể đánh cắp ước mơ của bạn khi bạn không mong muốn điều đó xảy ra.
Bởi vậy, hãy kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, đừng để bất cứ ai đánh cắp ước mơ của bạn.
ĐỪNG VỨT BỎ CHÍ TIẾN THỦ
Khi đã thuộc về thế giới này, bạn luôn phải đối mặt với số phận. Những người nắm trong tay vận mệnh của mình sẽ không bao giờ dựa vào sự cầu nguyện và chờ đợi. Người xưa có câu: Không tiến lên trước thì sẽ bị lùi lại đằng sau. Những người không có chí tiến thủ, không vươn lên trong cuộc sống thì sẽ bị những người khác vượt qua.
Để tăng thêm chí tiến thủ của mình, bạn phải làm ba việc sau:
Một là, đối với mỗi công việc đều tìm hiểu xem làm thế nào để cải thiện tình hình.
Hai là, đối với mỗi công việc đều phải đề ra tiêu chuẩn cao hơn.
Ba là, không ngừng sáng tạo tìm ra những cách làm mới.
Đã từng có một vị chủ tịch hội đồng quản trị một công ty của Mỹ muốn mời Napoleon Hill giúp ông ta trong việc chọn một giám đốc kinh doanh. Vị chủ tịch này đã chọn ra được ba người, cả ba người này đều làm việc rất tốt và không thua kém nhau. Nhiệm vụ của Hill là dành ra một ngày để tìm hiểu về ba người đó, rồi chọn ra một người có tài năng nhất. Vị chủ tịch hội đồng quản trị nói với ba người là sẽ có một vị cố vấn đến thảo luận với họ về kế hoạch kinh doanh của công ty. Tất nhiên, ông không cho ba người đó biết mục đích thật sự của mình. Hai trong số ba người tỏ ra không hứng thú. Cả hai đều là những người bảo thủ. Họ muốn chứng minh rằng “những việc cần làm họ đã làm cả rồi”. Hill hỏi họ những câu hỏi có liên quan tới kinh doanh như “Trách nhiệm bán hàng được phân chia như thế nào?”, “Kế hoạch điều chỉnh lương có cần phải thay đổi không?” và “Làm sao để có được tài liệu kinh doanh?”. Cả hai đều trả lời rằng: “Mọi việc đều bình thường, không cần phải lo lắng gì.” Họ giải thích rất tỉ mỉ về việc tại sao không thể và cũng không nên thay đổi phương pháp làm việc hiện có. Họ cho rằng duy trì công việc như hiện tại là ổn. Khi rời khỏi khách sạn nơi Hill ở, một người trong số họ còn nói: “Quả thật tôi không hiểu tại sao ông lại dành cả ngày trời để nói chuyện với tôi. Xin ông hãy nói lại với ông chủ của chúng tôi rằng, mọi chuyện đều rất thuận lợi, không cần phải lo lắng.”
Người thứ ba lại khác hoàn toàn. Anh ta rất hài lòng về công ty và lấy làm vinh dự vì những gì công ty đã đạt được, nhưng anh vẫn mong muốn công ty tốt hơn nữa. Phần lớn thời gian anh dành để nói với Hill về những ý tưởng mới của mình, như “cách khai thác thị trường mới”, “cách cải thiện chất lượng phục vụ”, “cách tiết kiệm thời gian”, “cách điều chỉnh lương để khuyến khích nhân viên”,... Đó là những dự định lâu dài cho bản thân anh và cho công ty. Anh đã lên kế hoạch cho một hoạt động tuyên truyền quảng bá cho công ty. Trước khi tạm biệt, anh nói với Hill rằng: “Tôi rất vui khi có dịp được nói ra những ý tưởng của mình với ông. Chúng ta đã có sự khởi đầu thuận lợi. Tôi tin rằng mối quan hệ giữa chúng ta sẽ ngày càng tốt đẹp.”
Tất nhiên, bạn có thể đoán ra được Hill đã chọn người thứ ba. Đó cũng là ý của chủ tịch hội đồng quản trị. Người nhân viên thứ ba tin rằng công ty sẽ tiếp tục phát triển, kinh doanh sẽ càng có hiệu quả, sẽ cho ra những sản phẩm mới. Anh có chí tiến thủ, anh đã nêu ra rất nhiều ý kiến để thay đổi công việc hiện tại. Đó chính là người lãnh đạo mà một doanh nghiệp cần.
Chí tiến thủ được thể hiện bởi việc sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới, cởi mở tiếp thu những quan điểm mới và sự sáng tạo trong công việc. Trong quá trình kinh doanh, lãnh đạo một doanh nghiệp phải luôn sáng tạo và khơi gợi được tính sáng tạo cho nhân viên của mình. Trong một tập thể, chỉ khi người lãnh đạo luôn mang đến cho mọi người quan điểm mới, chất xúc tác mới, tập thể đó mới có thể phát triển và tiến bộ. Nếu người lãnh đạo thỏa mãn với những gì mình đang có, nhân viên dưới quyền cũng sẽ an phận thủ thường. Cả tập thể sẽ bị thụt lùi. Nếu bạn là người lãnh đạo kiểu đó, công ty của bạn đang có một mối nguy rình rập.
Khi sự tập trung đạt đến một mức độ nhất định, chúng ta mới có tính sáng tạo. Sáng tạo không phải là việc dễ dàng, không phải là kết quả của sự suy nghĩ không thấu đáo. Bạn đừng cho rằng tính sáng tạo được lóe lên trong tích tắc, thực ra nó đã được ấp ủ từ cả một quá trình trước đó.
Người có tính sáng tạo sẽ theo đuổi một lý tưởng lâu dài.
Trong quá trình theo đuổi lý tưởng, người lãnh đạo phải suy nghĩ thật sâu sắc, phải đấu tranh quyết liệt để có được ý tưởng sáng tạo.
KHÔNG CAM CHỊU LÀ NGƯỜI ĐỨNG THỨ HAI
Một câu nói nổi tiếng của Bill Gates1 là: “Tôi phải làm vua.” Ông không cam chịu khi đứng ở vị trí thứ hai.
1 Bill Gates: Doanh nhân người Mỹ, chủ tịch tập đoàn Microsoft.
Ông từng nói với người bạn thân từ thời thơ ấu: “Thà là một cây sồi giữa vùng đồi trọc còn hơn là làm một ngọn cỏ trong thảm cỏ xanh. Bởi ngọn cỏ không có cá tính, còn cây sồi thì luôn vươn thẳng lên trời xanh.”
Một người không bao giờ ghi chép bài từ lúc học tiểu học cho đến khi vào đại học như Bill Gates lại ghi chép câu nói nổi tiếng của Rockefeller2: “Cho dù các anh có lột hết quần áo của tôi, không để lại cho tôi một đồng nào, sau đó vứt tôi lên một đảo hoang, chỉ cần có hai điều kiện là thời gian và một đoàn tàu đi qua đảo, thì không lâu sau, tôi vẫn có thể trở thành một tỷ phú…” Có thể thấy rằng, từ khi còn nhỏ Bill Gates đã rất chuyên tâm và có một khát vọng mãnh liệt được trở thành người tài giỏi. Bạn học của ông nhớ lại: “Bất kể là việc gì, từ diễn tấu nhạc cụ cho đến làm văn, đã làm thì anh ta đều chuyên tâm để làm.”
2 John D. Rockefeller (1839-1937): Nhà công nghiệp người Mỹ, được mệnh danh là “Vua dầu lửa”.
Ông nổi tiếng với chí tiến thủ cao độ, hầu như không ai vượt qua được ông. Vào năm thứ 4 đại học, giáo viên giao bài tập cho sinh viên viết một bài luận dài khoảng 4-5 trang về tác dụng đặc biệt của cơ thể con người. Bill Gates đã viết một mạch hơn 30 trang. Một lần khác, khi giáo viên yêu cầu viết một câu chuyện ngắn không quá 20 trang, ông đã viết tới hơn 100 trang.
Bạn học của ông kể lại: “Bất kể là làm việc gì, Bill đều làm cực kỳ xuất sắc, ông luôn quyết tâm làm đến mức tốt nhất.” Tinh thần cạnh tranh của Bill Gates dường như là bẩm sinh, nó cũng gắn liền với những trò chơi và những hoạt động thể thao thời niên thiếu của ông. Cho dù là chơi ghép hình với chị gái Christina hay trong giải thi đấu thể thao dành cho gia đình được tổ chức mỗi năm một lần, hoặc khi đi bơi với bạn bè, ông đều dốc hết sức để chứng minh khả năng của mình.
Khi vào đại học Havard, Bill Gates còn đam mê trò bài bạc. Tuy nói là chơi bài, nhưng khi đã ham mê, thì trông ông không khác nào một cái máy tính, cứ như thể ông đang làm một việc gì đó hết sức quan trọng. Khi mới bắt đầu chơi, Bill Gates thua rất nhiều tiền. Nhưng ông không nản lòng, ông tin chắc rằng khi chơi nhiều, ông sẽ chơi tốt. Quả thật, sau đó ông đã trở thành một cao thủ chơi bài.
Brightman, bạn của Bill Gates nói: “Không có việc gì là anh ấy không làm được. Anh ấy luôn tập trung để làm tốt mọi việc, chứ không dễ dàng từ bỏ. Anh nói là không làm thì thôi, đã làm thì phải làm tốt. Chơi bài hay nghiên cứu phần mềm, Bill đều rất chú tâm đến nỗi không để ý đến mọi thứ xung quanh.”
Khi còn học trung học, Bill Gates đã luôn dẫn đầu trường trong môn toán.
Cho dù là ở một nơi hội tụ nhân tài như Havard, thì tài năng toán học của Bill Gates vẫn rất nổi trội. Nhưng vào giờ toán, cũng giống như hồi học trung học, Bill thường biến giảng đường thành chiến trường. Ông ngồi trong lớp, không mang vở, hai tay ôm đầu, trông bộ dạng rất chán chường. Ông nhìn giáo viên giải toán trên bảng, sau đó nói: “Thưa thầy, có một chỗ sai ạ, để em nói cho ạ.” Ông thường làm cho giáo viên lúng túng không biết phải xử lý thế nào.
Tại đại học Havard, thành tích xuất sắc nhất của Bill Gates là phương pháp giải một đề toán khó. Bill Gates đã nghĩ ra một phương pháp giải khá hay và trình bày lại với giáo sư Christos Papadimitriou. Giáo sư đã ghi chép lại và cho đăng trên tạp chí Toán học phi tuyến tính. Đây là phương pháp giải mang tính đột phá và ảnh hưởng đến giới toán học trong ít nhất 15 năm sau đó.
Với tài năng bẩm sinh đó, nếu đi theo con đường toán học, ông sẽ trở thành một nhà toán học lỗi lạc.
Nhưng ông phát hiện ra rằng có những sinh viên khác còn xuất sắc hơn ông. Vì vậy, ông đã từ bỏ ý định đi theo con đường toán học. Bởi vì tâm niệm của ông là: trong bất cứ việc gì cũng không chấp nhận đứng thứ hai.
Bill Gates có thể trở thành ông vua ngành phần mềm máy tính không phải vì ông là người thông minh nhất, mà vì ý chí của ông, sự không cam chịu đứng thứ nhì của ông đã trở thành động lực của thành công. Với ý chí đó, ai có thể vượt qua được Bill?
TÌM KIẾM CƠ HỘI TRONG HOẠN NẠN
Trong chúng ta không ít người đã biết đến câu chuyện về chú ếch và câu chuyện hiệu ứng cá da trơn. Nhiều lãnh đạo rất thích kể câu chuyện thú vị, sâu sắc này cho cấp dưới của mình nghe.
Câu chuyện về chú ếch xuất phát từ một thí nghiệm tại trường Đại học Cornell của Mỹ. Khi thả con ếch vào trong nồi nước đang sôi, ngay lập tức nó nhảy ra ngoài. Nhưng khi đặt nó vào trong nước lạnh rồi tăng dần nhiệt độ, con ếch không ý thức được nguy hiểm đang cận kề, nó không giãy giụa cũng không nhảy ra ngoài, cuối cùng nó đã bị chết.
Có thể nói rằng, điều nguy hiểm nhất với con ếch là “sự thay đổi từ từ”, chứ không phải “sự thay đổi đột ngột”. Bởi vì khi đột nhiên gặp phải nguy hiểm, con ếch sẽ phản ứng ngay để thoát khỏi mối nguy. Nhưng khi hiểm nguy đến một cách từ từ, nó lại không cảm nhận được và cho đến lúc chết vẫn không có bất kỳ một phản ứng nào. Thực ra, điều đáng sợ nhất với chúng ta chính là chúng ta thấy thoải mái đến mức không còn khả năng để phản ứng.
“Sự thay đổi từ từ”, sự thỏa mãn với thực tại chính là điều đáng sợ nhất với các doanh nghiệp. Bất kể danh tiếng của công ty bạn ở mức nào, nếu chúng ta không cảm thấy được nguy cơ đang tiềm ẩn xung quanh, chúng ta rất khó để giữ cho công ty hưng thịnh lâu dài.
Con người cũng vậy. Trong công việc, khi bạn đã không còn cảm nhận được nguy cơ và không còn ý chí phấn đấu, tức là nguy cơ đang đến rất gần bạn.
Một câu chuyện khác cũng tương tự như với câu chuyện về chú ếch là câu chuyện về hiệu ứng cá da trơn. Đây là một câu chuyện dân gian của Na Uy. Ở một làng chài nọ, mỗi khi đánh bắt được cá mòi, ngư dân đều thả vào trong một chiếc thùng trên thuyền, sau đó họ trở về. Cá mòi là loài cá rất khó sống sau khi đánh bắt, ai có thể đem cá mòi sống về thì sẽ bán được với giá cao. Các ngư dân luôn tìm cách để giữ cho cá sống nhưng đều không thành công. Đa số chúng bị chết trên đường trở về đất liền. Chỉ có duy nhất một con thuyền có thể mang cá mòi sống về cảng. Tình cờ, người ta phát hiện ra điều bí mật, chủ tàu đã thả một con cá da trơn - một loài cá ăn thịt vào trong thùng. Khi phát hiện ra loài cá da trơn, đám cá mòi vùng vẫy bơi loạn xạ, và cứ như thế chúng trở về đất liền. Cá da trơn đã phá vỡ sự cân bằng của đám cá mòi, khiến chúng trở nên có sức sống hơn nhờ những vận động tích cực. Đây chính là “hiệu ứng cá da trơn” mà doanh nghiệp cần phải có.
CÓ Ý THỨC CẠNH TRANH QUYẾT LIỆT
Cạnh tranh có tác dụng thúc đẩy con người. Cạnh tranh tạo ra áp lực, áp lực lại tạo ra động lực, dưới tác dụng của động lực, cả hai bên cạnh tranh sẽ đều nâng cao được khả năng của mình.
Người lãnh đạo phải dám đi đầu trong cạnh tranh lành mạnh, phải học tập những người lãnh đạo tài năng hơn mình, thành công hơn mình. Hơn nữa, còn phải dám vượt họ. Với đối thủ ngang sức ngang tài, chúng ta hãy phấn đấu để xem ai nâng cao khả năng của mình nhanh hơn, ai giành được thành công lớn hơn. Với mục tiêu đó, chúng ta sẽ có thể đốc thúc mình nhanh chóng nâng cao khả năng lãnh đạo.
Cạnh tranh với mình chính là tự phủ định mình. “Tôi của hôm nay phải hơn tôi của ngày hôm qua.” Đó là một kiểu phủ định bản thân. Hôm nay trình bày có tốt hơn hôm qua không? Hôm qua chỉ cần chưa đầy năm phút là đã thuyết phục được một nhân viên, liệu hôm nay có thể làm cho anh ta tâm phục không? Năm ngoái quản lí tốt 500 nhân viên, liệu năm nay có thể quản lý tốt 2000 nhân viên không?... Kiểu phủ định bản thân này cũng có tác dụng khuyến khích bản thân để nâng cao năng lực.
Cạnh tranh và phủ định bản thân giúp bạn đặt ra mục tiêu mới, hướng đi mới, yêu cầu mới, hy vọng mới, giúp bạn có thêm áp lực và động lực mới để từ đó thúc đẩy bản thân phải kiếm tìm phương pháp mới, con đường mới. Sau đó, bạn thử áp dụng một phương pháp tư duy mới, cách hành động và cách làm việc mới để hoàn thành tốt hơn công việc lãnh đạo của mình.
Quá trình cạnh tranh và tự phủ định mình yêu cầu phải không ngừng tổng kết kinh nghiệm và rút ra bài học để nâng cao khả năng lãnh đạo, tránh tình trạng dậm chân tại chỗ, thậm chí là đi xuống.
Trong quá trình rèn luyện và bồi dưỡng tài năng lãnh đạo, cần khắc phục những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực sau:
(1) Không coi trọng việc định hướng và đề ra mục tiêu bồi dưỡng khả năng lãnh đạo
Tức là chúng ta thiếu tính kế hoạch và tính định hướng về mặt chiến lược khi bồi dưỡng khả năng lãnh đạo, không bồi dưỡng và rèn luyện một cách có kế hoạch, có mục đích căn cứ theo tố chất của bản thân và yêu cầu của công việc.
(2) Coi trọng công việc, xem thường học tập
Có những người lãnh đạo do trọng trách công việc quá lớn, bận rộn đến mức không có lúc nào để học tập. Có lãnh đạo bận rộn với hội nghị, tiếp khách nên đã không có thời gian để học tập. Coi nhẹ học tập, không rút bài học kinh nghiệm khi làm việc thì sẽ khiến bản thân mãi chỉ là “thợ lành nghề”.
(3) Cam chịu làm “vua nước nhỏ”
Nếu cả ngày chúng ta bận rộn với công việc mà không muốn ra ngoài tìm hiểu, không giao lưu tiếp xúc để mở rộng quan hệ, không tận dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để học tập phương pháp quản lý tiên tiến của nước ngoài, thậm chí có thái độ ghen ghét, bài xích khoa học quản lý hiện đại, kinh nghiệm tiên tiến mà cứ cho rằng “cách làm cũ là tốt nhất” thì sẽ ảnh hưởng đến việc nâng cao khả năng lãnh đạo của chúng ta.
(4) Ảnh hưởng của tác phong xấu
Một số ít lãnh đạo có được cơ hội thăng tiến không phải vì họ luôn phấn đấu để nâng cao khả năng của mình, tạo nên thành tích, mà là do họ đi cửa sau, quan hệ giỏi. Những người như vậy sẽ không thể nâng cao năng lực lãnh đạo của mình.
PHẢI QUYẾT TÂM VƯƠN LÊN
Andrew Carnegie1 từng nói: “Tôi sẽ không giúp đỡ những thanh niên thiếu ý chí trở thành lãnh đạo doanh nghiệp.” Bạn phải dám thiết lập mục tiêu sẽ trở thành người quản lý, giám đốc, tổng giám đốc. Cho dù hiện tại bạn giữ vị trí nào, bạn vẫn nên luôn nhắc nhở mình rằng: “Vị trí của mình phải ở chỗ cao hơn.” Phải dám ước mơ, phải hạ quyết tâm giành được chức vụ mà mọi người ngưỡng mộ và hứa sẽ tận tâm để hoàn thành công việc chứ không bỏ dở giữa chừng.
1 Andrew Carnegie (1835-1913): Doanh nhân người Mỹ gốc Scotland, được mệnh danh là “Vua thép”.
Có nhiều người hỏi Andrew Carnegie rằng liệu họ có thành công hay không, liệu họ có một giá trị hơn hẳn người khác hay không. Andrew Carnegie trả lời rằng: “Tất nhiên bạn có thể thành công. Tôi thấy bạn có khả năng trở thành người làm nên việc lớn, nhưng tôi không biết liệu bạn có thành công được hay không. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn có quyết tâm để đạt được thành công thì không gì có thể ngăn cản bạn. Nhưng nếu ngược lại thì cho dù bạn có được hưởng nền giáo dục tốt đến đâu, cho dù bạn có điều kiện thuận lợi đến thế nào, bạn cũng không thể thành công được.”
Trong cuộc đời một con người, chí tiến thủ là thứ quan trọng nhất, trong đó ẩn chứa sự đánh giá về bản thân bạn và khát vọng về tương lai. Nếu bạn có thái độ tiêu cực và tầm nhìn hạn hẹp, bạn sẽ có một cuộc sống bình thường. Bạn phải nhìn nhận bản thân với tầm nhìn hơn người khác, nếu không bạn sẽ mãi mãi chỉ là một nhân viên bình thường. Bạn phải tưởng tượng ra là mình giữ một chức vụ cao hơn để thúc giục bản thân nỗ lực đạt được điều đó, nếu không bạn sẽ không bao giờ làm được. Đừng hoài nghi khả năng của bản thân, nếu không bạn sẽ tự làm giảm quyết tâm của chính mình. Tưởng tượng về tương lai là bạn đã đến gần tương lai hơn. Hãy nhớ rằng, chỉ cần bạn quyết tâm và cố gắng hết sức, bạn sẽ thành công. Nếu bạn không quyết tâm thì rất có thể bạn sẽ đứng nhìn những người không có điều kiện bằng bạn nhưng lại đang vượt qua bạn.
Thật đáng ngạc nhiên là sự trưởng thành của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào sự cổ vũ khích lệ về một mặt nào đó. Bất kỳ việc gì chúng ta làm đều cần đến sự khích lệ. Khi thiếu động lực, chúng ta sẽ không tự giác làm bất kỳ việc gì. Đối với một người bình thường, động lực lớn nhất chính là chí tiến thủ để có thể lập nghiệp, có thể vượt trội hơn người khác.
Có một sức mạnh thần bí nào đó đã giúp Abraham Lincoln1 từ trong ngôi nhà gỗ nhỏ tiến thẳng đến Nhà Trắng. Sự tưởng tượng về Bắc Cực đã giúp nhà thám hiểm Robert Peary2 thiết lập mục tiêu chinh phục điểm cực của trái đất. Lý tưởng kiên định đã giúp Benjamin Disraeli3 bước vào thế giới thượng lưu, trở thành thủ tướng của một nước lớn và nắm trong tay quyền lực chính trị.
1 Abraham Lincoln (1809-1865): Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.
2 Robert Peary (1856-1920): Nhà thám hiểm người Mỹ, đặt chân lên Bắc Cực vào tháng 4 năm 1909.
3 Benjamin Disraeli (1804-1881): Thủ tướng Anh từ năm 1874 đến năm 1880.
Những người lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp thấp kém trong xã hội đều có những trải nghiệm giống nhau. Trên con đường đi đến thành công của mình, họ được sức mạnh nội tại dẫn dắt, sức mạnh đó dường như không gì có thể chống lại được.
Chí tiến thủ là điều thần bí nhất, thú vị nhất trong cuộc sống của chúng ta. Nó tồn tại trong mỗi chúng ta, rõ ràng như một bản năng sinh tồn. Dưới sự thúc giục của bản năng đó, chúng ta tự tin bước vào những thử thách, tiến lên phía trước hàng ngày, hàng giờ…