Không bao giờ dễ dàng từ bỏ
✱ “Thất bại chỉ đến sau khi chúng ta thừa nhận thất bại.” Đời người cũng giống như con đường. Khi chúng ta đi vào một hẻm núi, chỉ cần chúng ta không từ bỏ mà bước tiếp thì nhất định sẽ trèo lên được đến đỉnh.
✱ Cho dù là một nhà lãnh đạo hay một doanh nghiệp thì cũng có lúc gặp phải khó khăn, trở ngại. Nhưng trở ngại không có nghĩa là thất bại. Chúng ta chỉ thất bại khi chúng ta từ bỏ.
✱ Khi không sợ khó khăn, khó khăn sẽ tôi luyện nên tính cách kiên cường cho chúng ta.
✱ “Bạn có kiên nhẫn không?”, “Bạn có bền bỉ không?”, “Bạn có thể kiên cường sau thất bại không?”, “Bạn có thể nỗ lực tiến lên phía trước cho dù có gặp bất kì trở ngại nào không?” Đó là những câu hỏi đi cùng chúng ta suốt cuộc đời.
VUN ĐẮP Ý CHÍ KIÊN CƯỜNG
Người lãnh đạo có ý chí kiên cường giống như một thân cây đứng thẳng giữa trời. Khi đối mặt với khó khăn, trở ngại, họ không nhụt chí, không lùi bước mà tin tưởng chắc chắn rằng bản thân sẽ làm tốt hơn sau những nỗ lực vất vả. Họ nỗ lực làm việc để thành công hơn, để sự nghiệp phát triển hơn. Những câu chuyện về sự thành công của các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cho thấy, ý chí kiên cường và nghị lực có thể làm chỗ dựa cho niềm tin, giúp họ chịu đựng được đắng cay vất vả, khắc phục những khó khăn mà người khác không khắc phục được, khơi gợi sức mạnh to lớn, phát huy trí tuệ hơn người để cuối cùng đi tới thành công.
1. Niềm tin cần có dũng khí làm động lực
Khi đã có niềm tin, thậm chí là một niềm tin rất kiên định, chúng ta vẫn cần dũng khí để có thể biến niềm tin thành sự thật. Niềm tin không có dũng khí làm động lực giống như chiếc xe sang trọng mà không có xăng nên không thể khởi động được. Nói thì dễ mà làm thì khó. Cho dù theo đuổi mục tiêu nào thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là lao động cật lực. Chúng ta phải hy sinh rất nhiều thời gian nghỉ ngơi quý báu, dồn tâm huyết suy nghĩ. Sau một thời gian dài như thế, chúng ta mới có được thành quả. Nếu ham chơi và không chịu đựng được gian khổ thì chắc chắn chúng ta sẽ bỏ dở giữa chừng.
2. Rèn luyện ý chí bằng ước mơ
Ước mơ luôn đồng hành cùng vận mệnh của chúng ta. Không cam chịu thất bại, không sợ trở ngại, không muốn có một cuộc sống tầm thường, luôn có dũng khí, thậm chí khi chưa đạt được thành tích gì vẫn phải tiếp tục kiên trì, tiếp tục ước mơ. Có như thế, bạn mới có nhiều hứng khởi, tự tin, có ý chí kiên cường và nhiệt huyết để tạo nên sự nghiệp của chính mình.
Ở Nhật Bản có một “trường học cổ vũ tinh thần”. Tại đó người ta dạy học viên ước mơ về thành công, rèn luyện những người thất bại trong sự nghiệp. Theo yêu cầu của nhà trường, các học viên dán lên người những mảnh giấy nhỏ, trên đó viết nhược điểm của bản thân, lý tưởng và mục tiêu phấn đấu. Hàng ngày họ đồng thanh hô vang khẩu hiệu để làm phấn chấn tinh thần, cổ vũ ý chí. Khi lên lớp, họ thay nhau kể về ước mơ của mình và luôn kết thúc bằng câu: “Tôi phải thực hiện được ước mơ.” Cách làm này sẽ thức tỉnh tâm hồn đang ngủ yên của một con người. Những người tốt nghiệp “trường học cổ vũ tinh thần” hầu hết đều có ý chí kiên cường và giành lại được những thành công trong cuộc đời.
Thực hiện ước mơ thực chất là quá trình khơi gợi tinh thần, hạ quyết tâm thay đổi. Trong trường hợp nhất định, ước mơ sẽ trở thành hiện thực. Chúng ta có thể vun đắp ý chí kiên cường trong quá trình phấn đấu để thực hiện ước mơ bằng cách áp dụng phương pháp sau:
Một là, hàng ngày tưởng tượng về mục tiêu và kiểm tra sự nỗ lực của mình. Bạn hãy ghi lại mọi ước mơ của bản thân, sau đó sắp xếp theo thứ tự. Trước khi dậy hoặc đi ngủ ba phút, hãy tưởng tượng trong đầu xem bản thân có nỗ lực cho ước mơ hay không, sau đó nghĩ xem hôm nay hoặc ngày mai mình phải làm gì, làm như thế nào. Chỉ khi ước mơ in vào tâm trí mới có sức hấp dẫn, sức hấp dẫn càng lớn thì động cơ của bạn càng mạnh, phương hướng nỗ lực càng rõ ràng và sẽ thúc đẩy bạn nỗ lực vì mục tiêu đó.
Arlene Dahl là một người thích “ước mơ” và đã thành công trong việc biến ước mơ thành sự thật. Bà vốn là một diễn viên nổi tiếng, hiện bà là một nhà doanh nghiệp, đồng thời là một nhà văn của Mỹ. Cách làm của bà là: “Cứ vào ngày 1 tháng 1 hàng năm, tôi lấy ra một tờ giấy và một chiếc phong bì, rồi viết tất cả những gì mà tôi muốn thay đổi trong cuộc sống lên giấy. Đó có thể là kế hoạch hoàn thiện bản thân, kế hoạch ăn kiêng, học một ngoại ngữ hoặc việc gì đó có liên quan đến công việc của tôi. Đó là bất kỳ việc gì mà tôi cảm thấy có thể hoàn thiện bản thân trong năm đó. Sau khi viết ra được khoảng 10 đến 12 việc, tôi viết ngày tháng lên giấy, bỏ vào phong bì, dán kín lại và cất vào ngăn kéo. Tôi sẽ không động đến nó cho đến tận ngày 1 tháng 7. Nhưng, những mục tiêu đó đã phát huy tác dụng trong sáu tháng liền. Tôi phát hiện ra là mình đang thực hiện mục tiêu. Khi mở phong bì vào ngày 1 tháng 7, tôi thấy ngạc nhiên khi những việc mà mình đã làm được lại nhiều đến thế. Tôi tiếp tục viết tiếp những việc muốn làm, chúng lại chui vào ngăn kéo và đi vào tiềm thức của tôi. Và đến cuối năm, tôi lại gạch chúng trong danh sách nếu đã làm được. Nếu chưa hoàn thành, tôi sẽ đưa chúng vào đầu bảng những việc phải làm trong năm tiếp theo.”
Hai là, luôn cảm nhận được sứ mệnh của mình. Tại bang Kentucky, Mỹ, có một bác sĩ thuở nhỏ có hoàn cảnh rất khó khăn. Ông là một đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng sau này ông đã trở thành một bác sĩ nổi tiếng. Thành công của ông có liên quan tới việc ông luôn nghĩ về ước mơ. Ông nói: “Hầu hết thời gian của một năm, tôi được người cô nuôi dưỡng. Vào dịp hè thì tôi ở cùng bà ngoại và dì. Cô tôi thường nói rằng tôi sẽ trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai.” Ông còn nói: “Thực ra, tôi đã biết mình là một bác sĩ từ khi lên bảy tuổi.” Từ đó, ông luôn đi theo hướng mà người cô đã chỉ ra và luôn có niềm tin rằng mình sẽ là một bác sĩ.
Ước mơ có ảnh hưởng rất lớn. Tuy không phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực, nhưng nếu chúng ta không hướng đến nó, hoặc ngay từ lúc đầu đã có cảm giác thua cuộc, thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Nếu nói rằng, thiết lập mục tiêu là bước đầu tiên trong việc thực hiện ước mơ, thì thái độ tích cực, sự chuẩn bị và nỗ lực sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta thực hiện ước mơ.
Ba là, luôn tự cổ vũ tinh thần cho bản thân. Ai cũng có thể thông qua ý tưởng và ước mơ của chính mình để tự khích lệ mình. Bạn cũng có thể ghi nhớ một câu nói nào đó để khi cần khích lệ thì hãy lấy nó làm động lực.
Chúng ta phải nhiệt tình, không được nghi ngờ về bản thân chỉ sau một vài lần tranh đấu, phải giữ được lòng nhiệt tình vốn đã được hình thành trong chúng ta, chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý để đối mặt với mọi thử thách. Có như vậy, chúng ta mới dần thực hiện được ước mơ.
TỰ GIÚP MÌNH VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Trên con đường đi đến thành công, chúng ta không chỉ liên tục gặp phải lực cản từ bên ngoài, mà còn thường xuyên phải đối mặt với thách thức từ chính bản thân mình. Chúng ta chính là “kẻ thù” lớn nhất ngăn cản mình thành công. Vậy nên phải dựa vào chính mình, dám thách thức chính mình để chiến thắng bản thân.
Đầu tiên, hãy đối mặt với mình về mặt tâm lý. Chúng ta phải có niềm tin mình sẽ thoát khỏi khó khăn. Có như vậy chúng ta mới có thể thành công.
Thứ hai là, phải đặt ra thách thức mới sau khi đã đạt được thành công nào đó, đừng dậm chân tại chỗ, đừng vội hưởng thụ. Hãy làm tốt hơn những gì đã làm trước đây, hãy cố hết sức để chinh phục đỉnh cao mới. Ngày hôm sau luôn ở vị trí cao hơn ngày trước đó. Vượt qua người khác không quan trọng bằng vượt qua chính mình.
Luôn trở thành đối thủ của chính mình, chiến thắng chính mình, đối mặt với chính mình. Phải luôn tạo ra những thách thức và hoàn cảnh khó khăn mới cho mình, như thế bạn mới trở nên mạnh mẽ và luôn ở tư thế chiến thắng.
Chúng ta có thể tự giúp bản thân vượt qua khó khăn hay không? Câu trả lời là có. Ai cũng có thể tự vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời. Chúng ta có thể làm theo những cách sau:
1. Hãy khóc to
Các chuyên gia cho rằng, khóc cũng rất có tác dụng. Việc đó không có gì đáng xấu hổ. Khóc không phải chỉ là biểu hiện của đau buồn, mà còn là sự giải tỏa nỗi buồn và tình cảm. Sự bộc lộ cảm xúc đó xuất hiện lúc nào không quan trọng, miễn là chúng ta có thể bộc lộ ra bên ngoài.
2. Tâm sự với người khác
Khi đã quyết định sẽ sống thật vui vẻ thì bạn nên tìm người để chia sẻ, hãy nói chuyện với người có kinh nghiệm, điều đó sẽ giúp ích cho bạn.
3. Đọc sách
Sau khi mọi việc qua đi, bạn hãy tập trung tinh thần đọc sách, nhất là những cuốn sách có thể giúp bạn vượt qua nỗi buồn, giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
4. Viết nhật ký
Có nhiều người ghi chép lại quá trình hồi phục sau khi xảy ra việc không như ý muốn để tự tìm kiếm sự an ủi và chữa lành vết thương lòng.
5. Làm những công việc muốn làm
Hãy nghĩ đến những việc mà bạn đang mong đợi trong cuộc sống, bạn sẽ lại có dũng khí để sáng tạo. Hãy quyết định lên kế hoạch cho chuyến du lịch mà bạn đã trì hoãn bấy lâu.
6. Học kỹ năng mới
Hãy học một môn mới ở một trường đại học hoặc học viện gần nhà hay tìm một sở thích mới, như đánh bóng chẳng hạn. Hãy bắt đầu một cuộc sống khác với trước, làm phong phú thêm cuộc sống của bạn bằng những kỹ năng mới.
7. Tự thưởng cho bản thân
Vào lúc cảm thấy đau khổ, thì cho dù chỉ là những việc đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày như ngủ dậy, đi tắm, nấu ăn cũng trở nên khó khăn với bạn. Hãy coi việc hoàn thành những công việc đơn giản đó, cho dù là nhỏ nhất, là một thành quả đáng khích lệ, và hãy tự thưởng cho bản thân.
8. Vận động
Hoạt động thể lực có tác dụng rất rõ. Sau khi đứa con trai 21 tuổi tự sát, tinh thần một phụ nữ trung niên bỗng trở nên hoảng loạn, không thể làm được việc gì. Nghe theo lời khuyên của bạn bè, bà tham gia lớp học nhạc Jazz. Sau này, bà kể lại rằng: “Chỉ cần bước chân theo tiếng nhạc là tâm trạng tôi trở nên tốt hơn nhiều.”
“Vận động sẽ giúp bạn giải tỏa tâm trạng không vui và những điều phiền não để nhận thức rõ hơn những việc mình đang làm.”
9. Không chìm đắm trong đau khổ
Sau khi sự việc qua đi, có nhiều người cảm thấy rằng mình nên làm một việc gì đó. Họ phát hiện ra rằng, giúp đỡ người khác là một cách làm rất hữu hiệu.
Ai cũng muốn thành công. Ai cũng có được một vài điều tốt đẹp nào đó. Không ai thích nịnh nọt người khác, không ai thích có một cuộc sống quá đỗi bình thường, cũng không ai muốn mình bị bắt ép phải ở trong một hoàn cảnh nào đó.
Chúa Jesus nói: “Hãy đi theo con đường của con, sự việc sẽ đúng như con nghĩ.”
Niềm tin là chìa khóa thành công.
Chúng ta đã thoát khỏi khó khăn, đã cảm thấy rằng khó khăn không đáng sợ, chúng ta có thể chiến thắng khó khăn, nhưng liệu chúng ta còn thiếu gì nữa? Chúng ta thiếu dũng khí và niềm tin để xây dựng lại tất cả từ trong đống đổ nát. Chỉ khi có được dũng khí và niềm tin, chúng ta mới có thể thật sự chiến thắng trong quá trình “thất bại - thành công - lại thất bại - lại thành công lớn hơn”.
CÓ Ý CHÍ KIÊN CƯỜNG MỚI THỰC HIỆN ĐƯỢC LÝ TƯỞNG
Hãy tranh đấu cho mục tiêu lý tưởng của mình, đó là công việc cả đời của bạn.
Nhưng quá trình thực hiện lý tưởng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trên con đường đó đầy rẫy những khó khăn, cạm bẫy và cám dỗ.
Nguy hiểm khiến cho người ta sợ, hưởng thụ khiến cho người ta lười. Bất kỳ một trở ngại nào cũng có thể là rào cản đối với thành công của bạn, khiến lý tưởng của bạn tan thành mây khói. Ai cũng muốn làm một việc gì đó, ai cũng muốn thành công, nhưng số người có thể thực sự làm được một việc gì đó, có thể thực sự thành công lại rất ít.
Chỉ những người có ý chí kiên cường, không dễ dàng từ bỏ khi gặp khó khăn mới có thể thành công.
Nhà lãnh đạo Nam Phi vĩ đại Mandela1 là một người xác định rõ mục tiêu của mình và quyết không từ bỏ nó. Ông thành công bởi ông có ý chí và nghị lực phi thường.
1 NelsonMandela (1918-2013): Tổng thống Nam Phi, nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Ông được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1993.
Mandela vốn xuất thân từ dòng dõi vương tộc. Cha ông là cố vấn hàng đầu của tộc trưởng. Ông đã được nuôi dưỡng để trở thành tộc trưởng theo ý nguyện của cha ông.
Khi 22 tuổi ông đã ý thức được việc bản thân được nuôi dưỡng để trở thành tộc trưởng, nhưng ông đã quyết tâm không làm những việc thống trị áp bức dân tộc của mình.
Ông đã chạy trốn. Ông từ chối làm tộc trưởng, ông ước mơ trở thành một luật sư.
Những ngày tháng ở Johannesburg đã ảnh hưởng sâu sắc tới thái độ chính trị của ông. Tại đó, ông đã nhìn thấy sự tương phản giữa cuộc sống của người da trắng và người da đen. Người da trắng sống tại những vùng ngoại ô rộng rãi, nhộn nhịp sầm uất. Còn người da đen bản địa lại bị hạn chế trong những vùng ven đô và khu ổ chuột trong thành phố. Ở đó chật chội, điều kiện tồi tàn và luôn bị cảnh sát khám xét.
Môi trường sống khắc nghiệt của người da đen và sự phân biệt chủng tộc mà ông gọi là “chính sách điên rồ” đã thôi thúc ông đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng người da đen.
Mandela tham gia “liên minh thanh niên”. Ông lãnh đạo phong trào chống phân biệt chủng tộc toàn quốc, lãnh đạo người da đen đấu tranh với người da trắng.
Năm 1952, ông bị bắt giam. Sau khi được thả, ông tiếp tục đấu tranh và nhiều lần bị bắt lại.
Năm 1962, ông bị xử án chung thân vì tội danh “phản quốc” mà người ta gán cho ông. Ở trong ngục, ông nói rằng: “So với cuộc sống ở bên ngoài, sự giày vò trong tù có đáng kể gì. Nhân dân đang chịu áp bức đau khổ ngoài kia, chúng ta phải đấu tranh.” Ông không thỏa hiệp, không lùi bước mà vẫn đấu tranh trong tù. Ông từ chối điều kiện phóng thích của chính quyền Nam Phi. Chỉ cần ông từ bỏ đấu tranh, người ta sẽ thả ông ra. Ông nói: “Tự do của tôi gắn liền với tự do của người dân Nam Phi.”
Mandela đã từng bị chính quyền Nam Phi giam cầm trong suốt 28 năm, nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ việc theo đuổi lý tưởng của mình. Với sự trải nghiệm phi thường, ý chí ngoan cường, sức hút kỳ lạ, ông đã trở thành biểu tượng cho giải phóng dân tộc của người da đen ở Nam Phi, được cả thế giới ngưỡng mộ và kính trọng.
Vốn dĩ ông có thể làm một tộc trưởng hay một luật sư, nhưng ông đã chọn giải phóng dân tộc cho người da đen Nam Phi làm sự nghiệp của mình. Sự trung thành đó đã cho ông dũng khí để chiến đấu, mang lại cho ông vị trí tối cao trong lòng người dân.
Đừng dễ dàng từ bỏ, đó là thử thách đối với ý chí của con người. Ý chí chỉ có thể được giữ vững khi:
(1) Lý tưởng của chúng ta có giá trị, có ý nghĩa, đó là lý tưởng cao đẹp và vĩ đại.
(2) Lý tưởng đó được xây dựng trên cơ sở khoa học, có thể thực hiện được.
(3) Lý tưởng đó thể hiện giá trị cuộc sống của bản thân, có thể phát huy tiềm năng của bản thân.
KHÓ KHĂN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀTHẤT BẠI
Khó khăn có thể mang đến cho bạn điều gì? Đau khổ hay niềm vui? Tất nhiên, ban đầu, chúng ta sẽ cảm thấy rất đau khổ. Nhưng nếu có thể vượt qua khó khăn bằng chính khả năng của mình, thì đó sẽ lại là niềm vui. Không có khó khăn thì chưa chắc đã có thành công.
Rút kinh nghiệm từ những khó khăn là cơ sở để đi tới thành công. Khi quan sát những người thành công, chúng ta sẽ thấy hoàn cảnh của họ khác nhau. Những giám đốc, lãnh đạo cấp cao của chính phủ hay những nhân vật nổi tiếng trong các ngành đều có thể xuất thân từ một gia đình nghèo, một gia đình tan vỡ, họ đến từ vùng sâu vùng xa hay thậm chí là những khu ổ chuột của người nghèo.
Hãy so sánh một quý ông “thất bại” với một quý ông “bình thường” và một quý ông “thành công”. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, có thể họ giống nhau về mọi mặt như tuổi tác, khả năng, xuất thân, quốc tịch…, nhưng họ lại khác nhau ở một điểm là cách họ phản ứng với khó khăn.
Khi gặp khó khăn, quý ông “thất bại” sẽ không thể nào đứng dậy nổi mà chỉ nằm bò ra đất kêu than không ngớt lời.
Quý ông “bình thường” sẽ quỳ trên đất, sẵn sàng bỏ chạy để tránh gặp phải khó khăn lần nữa.
Còn quý ông “thành công” lại có phản ứng khác hẳn. Quý ông “thành công” sẽ bật dậy, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu và xông lên phía trước.
Có một nhà cố vấn quản lý rất nổi tiếng. Ông có một phòng làm việc tuyệt vời mà khi bạn bước vào, bạn sẽ có cảm giác mình “thuộc tầng lớp trên”. Đồ đạc trong phòng rất sang trọng, tấm thảm tinh xảo, người ra người vào không ngớt, danh sách khách mời hạng vip, tất cả đều cho bạn thấy rằng, công ty của ông kinh doanh rất phát đạt.
Nhưng, có ai biết rằng, đằng sau những điều đó là biết bao mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu nữa mà ông đã phải trải qua.
Sáu tháng đầu khi mới lập nghiệp, ông đã tiêu hết số tiền dành dụm trong 10 năm trời. Trong mấy tháng liền ông coi công ty là nhà vì ông không có tiền thuê nhà. Ông đã từ chối nhiều công việc tốt, vì ông muốn thực hiện được lý tưởng của mình. Ông cũng bị từ chối hàng trăm lần. Dường như người từ chối ông và người đón nhận ông đều nhiều như nhau.
Trong 7 năm vật lộn gian khổ, chưa bao giờ ông phàn nàn một câu. Ông thường nói: “Tôi vẫn đang học. Đây là kiểu kinh doanh vô hình, khó nắm bắt, cạnh tranh quyết liệt, không hề dễ làm chút nào. Nhưng cho dù thế nào, tôi sẽ vẫn tiếp tục học.”
Quả thật ông đã làm được và làm quá tuyệt vời.
Có một người bạn hỏi ông: “Anh thấy mệt lắm rồi phải không?” Ông trả lời: “Không hề! Tôi không thấy vất vả, mà ngược lại, tôi học được rất nhiều điều.”
Nhìn lại cuộc đời những người nổi tiếng của Mỹ, chúng ta mới biết rằng, trước khi trở thành người nổi tiếng họ đã chịu không ít gian khổ, chỉ có điều họ kiên trì đến cùng, nên cuối cùng họ đã đạt được thành tựu rực rỡ.
Trên đời này không thể có chuyện không làm mà hưởng. Nếu khó khăn và trở ngại có thể giúp bạn tiến bộ hơn, bạn sẽ thành công.
Thông thường, thất bại mang tính tiêu cực, nhưng chúng ta nên cho nó một ý nghĩa khác tích cực hơn.
Chúng ta hãy thử so sánh giữa “thất bại” và “khó khăn tạm thời”, những việc thường bị gọi là “thất bại” phải chăng chỉ là “khó khăn tạm thời”? “Khó khăn tạm thời” đó liệu có phải là tích cực? Bởi vì nó sẽ làm cho chúng ta bình tĩnh lại để điều chỉnh hướng đi của mình, để chúng ta hướng đến một con đường khác tốt đẹp hơn.
Bất kể là khó khăn tạm thời hay là nghịch cảnh, thì cũng không trở thành thất bại khi chúng ta coi đó là bài học. Mỗi nghịch cảnh và khó khăn tạm thời đều ẩn chứa một bài học lâu dài. Bài học đó chỉ có thể có được từ trong nghịch cảnh.
Khó khăn thường nói với chúng ta bằng “ngôn ngữ câm”, đó là thứ ngôn ngữ mà chúng ta không thể hiểu được. Nếu không, chúng ta đã không phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, và càng không biết rút ra bài học từ những sai lầm đó.
Chỉ khi chúng ta coi khó khăn là thất bại, khó khăn mới có sức phá hoại ghê gớm. Nếu coi nó là người thầy của chúng ta, nó sẽ là một tài sản vô giá.
Khó khăn nằm trong kế hoạch của tạo hóa. Tạo hóa thử thách con người bằng khó khăn, để con người có sự chuẩn bị chu đáo tiến hành công việc. Nó là thử thách cam go của tạo hóa đối với con người. Nó thiêu cháy mọi tạp niệm trong tâm hồn mỗi chúng ta, để con người được tôi luyện như kim loại, chắt lọc tinh hoa, giúp con người vượt qua thử thách.
Mỗi người lãnh đạo, mỗi một doanh nghiệp đều sẽ phải đối mặt với khó khăn, nhưng khó khăn không đồng nghĩa với thất bại. Chúng ta chỉ thất bại khi chúng ta từ bỏ. Khi rút ra được bài học từ trong khó khăn, cuối cùng chúng ta sẽ đi đến thành công.
PHẢI QUYẾT TÂM KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN
Một người lãnh đạo muốn thành nghiệp lớn sẽ phải gặp trở ngại, khó khăn và gian khổ. Khó khăn chỉ có thể hù dọa những người yếu đuối. Những người lãnh đạo kiên cường sẽ không bị khó khăn chi phối. Ngược lại, khó khăn càng nhiều, đối thủ càng mạnh, họ sẽ càng đấu tranh kiên cường hơn.
Có những người vốn dĩ không sợ khó khăn, nhưng nếu khó khăn quá nhiều, nếu cảm thấy đối thủ quá mạnh, họ sẽ sợ hãi. Thực ra, trong tự nhiên và lịch sử xã hội, chủ thể của cuộc sống chính là bản thân chúng ta. Có rất nhiều người không thể vượt qua khó khăn, bởi trước tiên, họ không vượt qua được chính mình. Họ sợ chính mình, sợ bệnh tật, sợ chết, sợ dư luận, sợ khổ, sợ mệt, sợ bị thiệt thòi, cộng thêm những nhược điểm của bản thân như lười biếng, nôn nóng, chậm chạp, thoái thác trách nhiệm và hoàn cảnh khó khăn, như vậy còn đâu là nghị lực. Muốn vượt qua những khó khăn đó, thì đầu tiên bạn phải vượt qua chính mình. Hãy can đảm lên, không sợ trời, không sợ đất, không sợ khó khăn, “Nào, hãy quyết đấu một phen!” Khi có được lòng can đảm đó, bạn sẽ có sức mạnh tinh thần để khắc phục khó khăn.
Bạn có dũng khí để đối mặt với khó khăn hay không còn phụ thuộc vào việc bạn chuẩn bị tâm lý để chiến đấu với khó khăn như thế nào, đồng thời cũng phụ thuộc vào quyết tâm khắc phục khó khăn bằng những nỗ lực của bạn. Có nhiều người thấy đau buồn và nhụt chí trong hoàn cảnh khó khăn, bởi vì họ không sẵn sàng về mặt tâm lý nên khi đối mặt với khó khăn, họ hoang mang lo sợ, oán trời trách người, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ ở khắp nơi, hoặc mượn rượu giải sầu. Làm như thế sẽ chỉ khiến tan rã ý chí và nghị lực của họ, thực chất là họ đang chống lại chính mình. Họ không hề có ý định khắc phục khó khăn bằng nỗ lực của bản thân. Kết quả là, những kế hoạch có thể giúp họ khắc phục khó khăn đều bị dừng lại. Vốn dĩ họ có thể khắc phục khó khăn, nhưng nay đó là điều không thể. Cũng có người khi đối mặt với khó khăn lại không muốn dốc hết sức của mình, và khi không khắc phục được khó khăn thì họ tìm mọi lý do: “Không phải là tôi không cố gắng, mà là khó khăn quá lớn.” Cách nghĩ đó đã che đậy sự yếu đuối và nhụt chí, chứ không phải là đang bảo vệ dũng khí và quyết tâm. Những người như vậy sẽ chẳng bao giờ tìm ra cách để khắc phục khó khăn.
Những người lãnh đạo kiên cường không những không sợ hãi trước khó khăn mà ngược lại, họ còn chủ động tìm kiếm khó khăn. Đó là những người có tham vọng. Họ là những người mạo hiểm đi tiên phong để mong đạt thành công lớn.
Trước thất bại, kiên cường hay sốc nổi là hai chuyện khác nhau. Những người kiên cường sẽ không sợ khó khăn, hơn nữa họ sẽ đánh giá cao khó khăn đó, nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng khó khăn với thái độ bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Như vậy khả năng khắc phục khó khăn của họ sẽ được nâng cao. Còn những người tuy có dũng khí khi đứng trước khó khăn, nhưng họ hành động lỗ mãng, nôn nóng, trông họ có vẻ rất kiên cường nhưng thực chất lại chẳng giúp ích gì. Thậm chí có lúc còn thất bại thêm, kết cục cuối cùng là không thể cứu vãn được.
Chỉ cần chúng ta không sợ khó khăn, khó khăn sẽ tôi luyện chúng ta. Người xưa có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức.” Hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp tôi luyện tố chất của con người, tăng thêm khả năng và rèn luyện tính cách cho con người. Chúng ta không sợ hãi cũng không né tránh khó khăn mà nên đối mặt với khó khăn bằng thái độ tích cực, để rèn luyện chúng ta trở nên kiên cường hơn.
HÃY MỈM CƯỜI TRƯỚC NGHỊCH CẢNH
Khi đứng trước muôn vàn điều bất lợi mà bạn vẫn có thể mỉm cười thì so với những người tỏ ra sợ hãi, khó khăn của bạn đã giảm đi rất nhiều. Một người có thể mỉm cười trước khó khăn sẽ là người có khả năng thành công, bởi vì đó là việc mà những người bình thường không thể làm được.
Có nhiều người không thể thành công ngay cả với công việc nằm trong khả năng của họ, bởi vì họ là nô lệ của tình cảm trong công việc.
Những người u uất, lo lắng, thiếu ý chí sẽ không được người khác coi trọng. Sẽ không ai mong muốn hợp tác với những người đó. Người ta sẽ đến, nhìn người đó và nhanh chóng bước đi.
Chúng ta không thích những người u uất, lo lắng đó, cũng giống như chúng ta không thích một bức tranh theo trường phái ấn tượng với màu sắc không hài hòa. Theo bản năng, chúng ta sẽ tìm đến những người vui vẻ, hòa nhã, thú vị. Là người lãnh đạo, để cho mọi người thích mình thì việc đầu tiên bạn phải làm là trở thành một người vui vẻ, hòa nhã và hay giúp đỡ mọi người.
Có nhiều người tự tạo ra nghịch cảnh cho chính mình, vì lúc nào họ cũng ở trong tâm trạng u uất, không vui. Thành công cần dũng khí, niềm tin vào chính bản thân và thái độ lạc quan. Nhưng thông thường mọi người không hiểu điều này. Khi sự việc không thuận lợi, khi họ gặp phải điều không may hoặc trải qua đau khổ, họ thường để sự hoài nghi, u uất, nỗi sợ hãi và thất vọng chế ngự bản thân. Chỉ trong phút chốc, mọi kế hoạch lớn của cuộc đời bị phá bỏ.
Có một chuyên gia thần kinh đã phát minh ra phương pháp mới để điều trị bệnh trầm cảm. Ông khuyên bệnh nhân nên cười trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù là thích hay không đều phải cười. Ông nói với bệnh nhân: “Hãy cười đi! Cười tiếp đi! Đừng dừng lại! Ít nhất, hãy chuyển động môi. Cười liên tục để cảm nhận xem nó thế nào.” Ông đã dùng phương pháp đó để điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân của mình.
KHỔ TẬN CAM LAI
Chịu đựng được gian khổ, bạn sẽ trở thành người bản lĩnh và trở thành người lãnh đạo.
Cuộc sống gian khổ sẽ tôi luyện, thử thách ý chí của con người. Nếu chịu đựng được gian khổ, chúng ta sẽ không sợ bất cứ trở ngại nào trên đường đời.
Tống Liêm1 xuất thân trong một gia đình nghèo khó, nhưng ông tận dụng mọi cơ hội để đọc sách. Trong Tặng Mã tiên sinh ở Đông Dương, ông viết: “Khi còn nhỏ tôi rất hiếu học, nhưng nhà nghèo không có tiền để mua sách nên phải đi mượn người khác. Sau khi mượn về, tôi nhanh chóng chép lại. Tôi không bỏ phí một phút một giây nào vì chỉ sợ không kịp để trả cho người ta.” Ông đã trở thành một người uyên bác bằng cách học như thế.
1 Tống Liêm (1310 - 1381): Nhà chính trị, nhà sử học, nhà văn, nho sĩ, đại thần cuối thời Nguyên đầu thời Minh.
Một hôm trời rất lạnh, tuyết rơi dày, tay Tống Liêm tê cóng, nhưng ông vẫn tiếp tục viết. Khi chép xong sách thì trời đã tối, ông bất chấp trời giá rét mang sách đi trả vì không muốn thất hứa. Thấy ông là người giữ chữ tín, mọi người rất thông cảm và nể phục ông nên đều sẵn lòng cho ông mượn sách. Nhờ vậy, ông đã đọc được rất nhiều sách, tích lũy được rất nhiều kiến thức.
Tống Liêm không coi nghèo khó, đói rét là khổ. Ông dốc hết tâm trí cho sự nghiệp, nỗ lực phấn đấu vươn lên. Đến năm 20 tuổi, ông thường lặn lội đến tận những nơi cách xa nhà hàng trăm dặm để học từ những người đồng hương đã thành tài. Có một người đồng hương đã thành danh, có rất nhiều người đến học tập, nhưng ông ta kiêu căng ngạo mạn, không coi ai ra gì. Nhưng Tống Liêm vẫn kiên trì theo học. Ông luôn cúi người, cung kính lắng nghe không bỏ sót điều gì. Có những lúc cảm thấy bực mình với những câu hỏi của Tống Liêm, người đồng hương đó lớn tiếng trách mắng ông, nhưng Tống Liêm lại tỏ ra cung kính, không dám nói nửa lời. Khi thầy giáo vui trở lại, ông lại cắp sách theo học.
Sau đó, ông cảm thấy phương pháp học đó không phải là kế lâu dài. Một mình ông vác theo rương sách, vượt qua rừng sâu núi thẳm để đến trường học. Gió lạnh làm bước đi ông xiêu vẹo, tuyết dày làm chân tay ông tê cóng, bật máu, ông cũng không để ý đến. Khi đến được nơi học thì toàn thân ông lạnh cóng, chân tay không còn cử động được nữa.
Hàng ngày ông ăn không đủ no, chứ không nói gì đến cao lương mỹ vị. Bạn học của ông ai cũng mặc quần là áo lượt, đội những chiếc mũ gắn châu ngọc, bên hông dắt ngọc bội, kiếm báu, túi thơm, màu sắc rực rỡ. Nhưng Tống Liêm không cho đó là niềm tự hào. Ông không hề ngưỡng mộ họ. Tuy mặc bộ quần áo giản dị nhưng ông không tự cho mình thấp kém, ông vẫn học tập chăm chỉ. Bởi vì chỉ có sách vở và học tập mới mang lại niềm vui cho ông. Ông không hề để ý đến những thiếu thốn vật chất của mình.
Chính bởi vì Tống Liêm có thể chịu đựng được gian khổ, tự tìm thấy niềm vui, nên ông mới có thể thành tài. Những người bạn học của ông tuy có cuộc sống giàu sang nhưng mấy ai được lưu danh sử sách?
Để hơn được người khác là một việc khó, bởi những người vượt trội hơn người khác thường phải trải qua những thử thách mà người bình thường không thể vượt qua. Không có thành công nào dễ dàng có được, cũng không có thành quả nào có được mà không phải bỏ công sức.
KIÊN TRÌ, BỀN BỈ LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN
Kiên trì bền bỉ là chìa khóa để khắc phục khó khăn, giúp chúng ta tạo thành nghiệp lớn.
Ý chí bền bỉ dẻo dai là đặc điểm của các nhà lãnh đạo thành công. Có thể họ thiếu một tố chất nào đó, có thể họ có rất nhiều nhược điểm, khiếm khuyết, nhưng ý chí bền bỉ là điều không thể thiếu.
Những người coi ý chí bền bỉ là nguồn vốn cho sự nghiệp của mình sẽ có khả năng thành công cao hơn những người coi tiền bạc là nguồn vốn. Trong lịch sử nhân loại, nhiều trường hợp chỉ dựa vào sự kiên trì, bền bỉ đã có thể giúp con người thoát khỏi cảnh nghèo khó, có thể giúp kẻ yếu thành người mạnh mẽ, có thể biến kẻ vô dụng thành người có ích.
Người bình thường nếu gặp thất bại thì sẽ coi đó là việc động trời, cảm thấy mình đã mất tất cả. Nhưng những người có ý chí bền bỉ lại không bao giờ chịu thua, cho dù là thất bại, họ cũng sẽ không coi đó là sự kết thúc. Ngược lại, họ tiếp tục phấn đấu với quyết tâm và dũng khí lớn hơn, cho đến khi họ giành được thắng lợi sau cùng.
Bạn đã bao giờ thấy một người không chịu từ bỏ, không nhụt chí trong bất cứ hoàn cảnh nào, sau mỗi lần thất bại đều mỉm cười đứng dậy và tiến lên với quyết tâm lớn hơn chưa? Bạn đã bao giờ gặp một người không biết đến thất bại là gì chưa? Nếu bạn đã từng gặp người như thế, thì đó chính là người vĩ đại, một người phi thường.
Gan dạ, không run sợ là đặc điểm của người lãnh đạo thành công. Những người nhát gan, không dám mạo hiểm, sợ khó khăn là những người chỉ có thể làm việc nhỏ.
Có nhiều người làm việc không kiên trì. Lúc đầu họ tỏ ra nhiệt tình hăng hái, nhưng lại bỏ dở giữa chừng. Nguyên nhân là họ không có đủ sự bền bỉ kiên trì để có thể theo đuổi mục tiêu đến cùng. Ban đầu, mọi người làm việc lúc hăng hái nhiệt tình không tốn nhiều sức lực. Chúng ta không thể đánh giá người khác ngay từ vạch xuất phát, mà chỉ có thể đánh giá họ khi họ đã tới vạch đích.
ĐỐI MẶT VỚI TRỞ NGẠI BẰNG LÝ TRÍ
Những người lãnh đạo thành công sẽ không run sợ trước trở ngại. Họ sẽ đối mặt với trở ngại bằng lý trí, bình tĩnh tìm ra biện pháp đối phó. Nếu không có lý trí, bạn sẽ bị đánh gục.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp trở ngại bất cứ lúc nào. Con người có những phản ứng khác nhau trước trở ngại. Những người có khả năng chịu đựng kém sẽ lùi bước hoặc có thái độ tiêu cực. Chỉ có những người dám thách thức khó khăn, biết thời thế, đối mặt với khó khăn với thái độ tích cực mới có thể thành nghiệp lớn.
Khó khăn trắc trở là điều không thể tránh khỏi, vậy chúng ta phải làm thế nào mới được coi là tích cực đối mặt với khó khăn trắc trở?
1. Kiên định theo đuổi mục tiêu
Ai cũng có mục tiêu phấn đấu của mình. Nếu đó là mục tiêu có thể thực hiện được thì cho dù gặp khó khăn tạm thời, bạn cũng nên khắc phục khó khăn để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Nhiều phát hiện và phát minh của các nhà khoa học có được là do sau hàng loạt thất bại, họ vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Khi viết Tư bản luận, Marx luôn gặp phải sự công kích, bức hại, ông sống cuộc sống lưu vong và nghèo khổ trong một thời gian dài, bị bệnh tật hành hạ, nhưng ông luôn kiên định. Ông từng nói: “Tôi luôn phải đối mặt với cái chết. Bởi vậy, tôi phải tranh thủ từng phút từng giây có thể làm việc được để hoàn thành tác phẩm mà vì nó, tôi đã phải hy sinh sức khỏe, hạnh phúc và gia đình tôi.”
Xác định rõ mục tiêu, hướng thẳng đến mục tiêu là kinh nghiệm của những người lãnh đạo thành công. Đường đời có nhiều lúc gập ghềnh, chông gai. Thấy khó nên dừng lại hay bất chấp khó khăn để đi tiếp? Câu trả lời sẽ quyết định bạn là người mạnh hay kẻ yếu.
2. Hạ thấp tiêu chuẩn, thay đổi hành động
Khi chúng ta đã cố gắng nhiều lần mà vẫn thất bại, vẫn không thể đạt được mục tiêu đề ra, thì chúng ta có thể điều chỉnh mục tiêu, thay đổi cách làm hoặc hạ thấp yêu cầu với những mục tiêu đã đề ra quá cao, khó có thể thực hiện được. Một học sinh trung học nhiều lần đi thi đại học mà không đỗ thì có thể thi vào trường cao đẳng, trường dạy nghề. “Lùi lại một bước” sẽ có thể giúp bạn thực hiện được mục tiêu. Như vậy không có nghĩa là bạn sợ khó khăn, mà là bạn đang tính đến tính khả thi của mục tiêu.
Trong cuộc sống có nhiều người thà chết còn hơn hạ thấp mục tiêu. Họ đã kiên định mục tiêu nhưng đó là một sự “kiên định mù quáng”.
3. Thay đổi mục tiêu
Khi điều kiện của bản thân và yếu tố xã hội bị hạn chế, chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu ban đầu và gặp khó khăn, chúng ta có thể thay đổi mục tiêu. Hãy đặt ra một mục tiêu khác, hoặc thay thế bằng một hoạt động khác để xua tan đi nỗi buồn phiền và thất vọng do thất bại gây ra, từ đó tăng thêm niềm tin và dũng khí cho bạn.
Diễn viên kinh kịch nổi tiếng Chu Tín Phương vốn diễn vai tiểu sinh, nhưng do giọng ông hơi khàn, sau nhiều khổ luyện vẫn không thành công, vì thế ông đã chuyển sang diễn vai lão sinh (vai trung niên và ông già). Chính sự thay đổi đó đã giúp ông phát huy được sở trường của mình để sáng lập phong cách nghệ thuật hát độc đáo, được gọi là “Kỳ phái”. Ông đã trở thành nghệ nhân xuất sắc của Trung Quốc.
Có nhiều người thường xử lý công việc xa rời thực tế, nên họ quyết không thay đổi những gì đã đề ra. Họ không xem xét đến tình hình khách quan, lấy bất biến ứng vạn biến, tự làm khó cho mình. Nhưng lại có những người khi phát hiện ra mục tiêu của mình không có khả năng thực hiện thì sẽ thay đổi hướng hành động, thay đổi mục tiêu hoặc tiến hành những hoạt động khác. Họ lại có thể có được thành công và được bù đắp về mặt tâm lý.