Liên kết mọi người thành một khối
✱ Điều mọi người mong mỏi không phải là một kế hoạch, mà là một người lãnh đạo có khả năng cổ vũ họ.
✱ Người lãnh đạo là tấm gương để mọi người học tập, chứ không phải đối tượng để tán dương.
✱ Là một người lãnh đạo, bạn phải có khả năng xử lý thỏa đáng mọi mối quan hệ để đoàn kết mọi người lại thành một khối.
✱ Muốn thành công bạn không thể chỉ dựa vào bản thân, bạn còn cần phải dựa vào người khác. Chỉ khi giúp được nhiều người thành công, bạn mới có thể thành công.
TÀI NĂNG LÃNH ĐẠO CHÍNH LÀ TẦM ẢNH HƯỞNG
Nếu chỉ dựa vào bản thân mình thì bạn chỉ đã giành được những thắng lợi nhỏ. Muốn giành những thắng lợi lớn thì bạn phải biết dựa vào người khác. Khi bạn bắt đầu động viên khuyến khích người khác phấn đấu cùng với mình, tức là bạn đã bước vào hàng ngũ lãnh đạo.
Khả năng lãnh đạo vô cùng quan trọng. Khả năng lãnh đạo là tầm ảnh hưởng. Người lãnh đạo nào cũng phải có sức ảnh hưởng đến người khác, để họ đi theo mình, cùng phấn đấu với mình.
Warren G. Bennis1 nói: “Tài năng lãnh đạo là khả năng biến lý tưởng thành hiện thực.” Xét về phạm vi rộng thì điều đó rất chính xác. Một người lãnh đạo có thể biến lý tưởng thành hiện thực, nhưng họ cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người khác. Những người tự coi mình là lãnh đạo mà không thu hút được quần chúng thì chẳng qua họ đang mơ tưởng mà thôi.
1 Warren G. Bennis: Học giả người Mỹ, chuyên gia tư vấn tổ chức và tác giả, được coi là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về lãnh đạo.
Có nhiều người cho rằng người lãnh đạo là người có được quyền lực từ địa vị và chức vụ của mình. Họ cho rằng ông chủ có địa vị, giám đốc có chức vụ nên có thể lãnh đạo người khác. Nhưng đó không phải bản chất thực sự của tài năng lãnh đạo. Những người chỉ có thể chỉ huy người khác trong phạm vi chức vụ hạn hẹp của mình không thể coi là một người lãnh đạo thật sự. Giống như John White2 đã nói: “Con người ta không mong mỏi một kế hoạch, mà họ tìm kiếm người lãnh đạo có khả năng khuyến khích, động viên họ.”
2 John White (1924 - 2002): Tác giả và diễn giả người Anh.
Khả năng lãnh đạo thể hiện trước hết ở tính cách và khả năng quan sát. Đó là điều quan trọng nhất của một con người. Giống như chuyên gia nghiên cứu về tài năng lãnh đạo Smith1 đã nói: “Người lãnh đạo phải luôn là người đi tiên phong và luôn tiến thẳng về phía trước. Họ đánh giá bản thân bằng tiêu chuẩn của chính mình, và sẵn sàng để người khác đánh giá mình bằng những tiêu chuẩn đó. Người lãnh đạo giỏi phải là người luôn sẵn sàng học hỏi. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh để được làm người lãnh đạo, không ngừng nâng cao trình độ, mở rộng tầm nhìn, tăng thêm kỹ năng, phát huy sở trường của bản thân. Họ trở thành người được người khác kính trọng bởi chính nỗ lực của bản thân.”
1 Anthony F. Smith: Nhà tư vấn, chuyên gia về phát triển lãnh đạo người Ý.
Những người được tin cậy bởi phẩm chất tốt đẹp sẽ có khả năng trở thành người lãnh đạo hơn những người không được người khác kính trọng. Nhưng chỉ dựa vào phẩm chất tốt đẹp thôi là chưa đủ. Phẩm chất tốt đẹp đó còn phải được kết hợp với khả năng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với những người khác. Người lãnh đạo phải thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, học cách nói chuyện và khơi gợi tính tích cực của họ. Phương thức tư duy tích cực, tính cách, lý tưởng, sự giao lưu với mọi người, khả năng khơi gợi tính tích cực của người khác chính là những yếu tố cơ bản tạo nên tài năng lãnh đạo.
NGƯỜI LÃNH ĐẠO LÀ TẤM GƯƠNG ĐỂ HỌC TẬP
Người lãnh đạo phải làm gương cho mọi người, gắn kết mọi người bằng tầm ảnh hưởng của mình để trên dưới một lòng đồng tâm hiệp lực trong công việc. Hình ảnh đẹp sẽ tạo ra hiệu ứng, mang lại niềm tin, dũng khí và sức mạnh cho nhân viên cấp dưới, thu hút họ đi theo người lãnh đạo. Những phẩm chất tốt đẹp như ý chí ngoan cường của người lãnh đạo sẽ được phản chiếu và tạo ra ảnh hưởng tích cực tới cách làm việc của cấp dưới.
Cấp trên như thế nào thì cấp dưới sẽ như thế ấy. Vì thế trước khi trách cứ cấp dưới làm việc không thỏa đáng thì chúng ta hãy tự xem xét lại bản thân có khuyết điểm tương tự hay không. Bản thân mình không đúng thì không thể trách được cấp dưới. Có rất nhiều người xin thôi việc chỉ vì không thích tác phong làm việc của cấp trên. Chúng ta có thể biết được khả năng quản lý của lãnh đạo từ biểu hiện của cấp dưới.
Để tránh việc cấp dưới học theo những điều không hay, bạn luôn phải tự kiểm điểm lại chính mình, nếu phát hiện có những thói quen không tốt thì cần sửa đổi càng sớm càng tốt.
Lãnh đạo không nên tự ý thoái thác trách nhiệm cho cấp dưới của mình. Làm như vậy không giúp bạn giảm bớt gánh nặng, mà chỉ làm cho cấp trên hoài nghi về khả năng quản lý của bạn.
Người lãnh đạo làm việc công bằng, công tư phân minh mới là tấm gương tốt cho cấp dưới học tập. Những người cấp dưới như vậy mới giúp bạn giành được sự ủng hộ của cấp trên và đồng nghiệp.
Có những người cấp dưới tốt sẽ giúp bạn giành được vị trí vững chắc trong công ty.
Người lãnh đạo muốn trở thành tấm gương, muốn gây dựng được hình ảnh cho chính mình thì phải làm được năm điều sau đây:
(1) Khi làm bất cứ việc gì phải suy nghĩ chu đáo, làm tốt hơn người khác.
(2) Dám gánh vác trách nhiệm nặng nề, không sợ khó khăn, thích rèn luyện tính cách và khả năng của mình trước nhiệm vụ và khó khăn.
(3) Xem xét vấn đề một cách toàn diện, bắt tay làm từ việc nhỏ, giải quyết từng vấn đề một cách chắc chắn.
(4) Không theo đuổi sự hưởng thụ cá nhân, làm gương cho cấp dưới, đồng cam cộng khổ với mọi người.
(5) Hướng dẫn nhân viên làm việc bằng phương pháp khoa học, lấy tính cách con người làm căn bản, khơi dậy lòng nhiệt tình của mọi người.
Khi đã trở thành tấm gương cho cấp dưới, người lãnh đạo sẽ có sức thu hút quần chúng. Làm gương không có nghĩa là lúc nào cũng hô khẩu hiệu trước mặt cấp dưới. mà phải bắt tay vào hành động, như thế cấp dưới sẽ càng khâm phục bạn.
Tám kỹ năng mà chúng tôi chỉ ra sau đây sẽ giúp bạn tạo lập tấm gương cho riêng mình.
(1) Làm tấm gương cho cấp dưới của bạn với những tiêu chuẩn cao.
(2) Trở thành tấm gương nhờ nỗ lực làm việc của bản thân.
(3) Phải có một sức khỏe tốt, tinh thần hăng hái.
(4) Phải khống chế được tình cảm của bản thân.
(5) Phải giữ được thái độ vui vẻ và lạc quan.
(6) Không nên dựa trên đánh giá chủ quan của bản thân khi phê bình hay chỉ trích người khác.
(7) Đối xử với mọi người hòa nhã, lịch sự.
(8) Phải là người giữ chữ tín.
Hàng ngày bạn hãy vận dụng những kỹ năng đó, bạn sẽ nhanh chóng trở thành tấm gương cho cấp dưới học tập. Họ sẽ dốc sức làm việc cùng bạn. Họ sẽ làm những việc mà bạn mong muốn. Đó mới chính là quyền lực thực sự của người lãnh đạo, là biểu hiện cụ thể của khả năng điều khiển người khác.
Bạn hãy ghi nhớ câu này: Người lãnh đạo là tấm gương để học tập, chứ không phải đối tượng để khen ngợi. Để có thể trở thành tấm gương cho người khác không phải chuyện dễ dàng, bạn phải luôn nâng cao phẩm chất vốn có của mình.
Tạo ra tấm gương có nghĩa là phát huy phẩm chất tốt đẹp như dũng cảm, thành thật, hòa nhã, không tư lợi, đáng tin cậy. Trở thành tấm gương cho người khác có nghĩa là phải kiên trì đi theo con đường đúng đắn, thậm chí có lúc phải hy sinh bản thân.
Khi bạn có thể thực hiện nhiệm vụ của cấp trên, làm gương cho cấp dưới, cấp dưới của bạn sẽ kính trọng bạn, thấy tự hào về bạn và mong muốn làm được như bạn.
CÓ UY TÍN MỚI CÓ NĂNG LỰC ĐOÀN KẾT
Bất kỳ người lãnh đạo nào cũng đều phải coi việc gây dựng uy tín là mục tiêu của mình. Một lãnh đạo có uy tín sẽ khiến cho cấp dưới tự nguyện làm theo mệnh lệnh của mình. Điều đó ít nhiều có liên quan tới sự sùng bái về mặt tinh thần. Thực tế đã chứng minh, khi người lãnh đạo được cấp dưới tín nhiệm và tự giác tuân theo yêu cầu của họ, thì sức mạnh của tập thể sẽ được phát huy đến mức tối đa.
Làm thế nào để biết được mức độ uy tín của một người lãnh đạo? Dưới đây là bốn tiêu chí đánh giá chính:
(1) Có khả năng hô hào quần chúng
Có nghĩa là mệnh lệnh của lãnh đạo được đa số quần chúng chấp hành tuyệt đối một cách nhanh chóng.
(2) Có sức lôi cuốn như một thỏi nam châm
Lãnh đạo phải là người được quần chúng yêu mến, chủ động tiếp cận, sẵn sàng bày tỏ ý kiến và lắng nghe sự chỉ đạo.
(3) Có tầm ảnh hưởng lớn
Ngôn ngữ, hành động, cử chỉ, trang phục của người lãnh đạo đều sẽ được cấp dưới bắt chước theo. Đặc biệt là sự đánh giá, cách tư duy và hành vi của người lãnh đạo sẽ có tính quyết định với cấp dưới.
(4) Có sức thu hút mọi người
Cấp dưới có tâm lý đi theo người lãnh đạo, sẵn sàng chấp nhận một tập thể với người lãnh đạo là trung tâm.
Rất nhiều người hiểu sai lệch về hai chữ “uy tín”. Sau đây là sáu vấn đề thường gặp:
1. Có được uy tín bằng việc trấn áp người khác
Đây là cách làm theo kiểu phong kiến. Những người lãnh đạo cho rằng uy tín là lãnh đạo nói cấp dưới phải nghe, lãnh đạo ra lệnh cấp dưới phải làm theo, không được chống lệnh. Họ thường dùng quyền lực để trấn áp cấp dưới, thậm chí là dùng bạo lực. Uy tín kiểu này chỉ tồn tại ở vẻ bề ngoài, nếu bạn muốn cấp dưới của mình bằng mặt mà không bằng lòng thì hãy làm theo cách đó.
2. Có được uy tín bằng việc “lấy lòng”
Đây là cách làm trái ngược hẳn với cách trên. Có những người lãnh đạo muốn “làm người tốt”. Họ không dám động chạm đến lợi ích của nhân viên, dung túng cho cấp dưới để không mất lòng họ. Nhưng việc lấy lòng đó cũng không mang lại uy tín cho bạn. Một người không phân biệt tốt xấu, đúng sai sẽ không thể trở thành lãnh đạo.
3. Có được uy tín bằng sự “hơn người”
Người lãnh đạo xuất sắc phải có điểm hơn người, nhưng điều đó chỉ tập trung ở một số mặt. Có người cho rằng làm lãnh đạo là luôn phải tỏ ra giỏi hơn người khác. Thực ra, đó là điều không cần thiết. Một giám đốc nhà máy ở Đông Bắc Trung Quốc trong một lần đi kiểm tra tại xưởng sản xuất đã phát hiện một công nhân có trình độ kỹ thuật kém. Người công nhân tỏ thái độ không phục. Vị giám đốc không nói lời nào, ông khoác lên mình bộ quần áo công nhân, tiến hành thao tác vừa nhanh vừa chuẩn xác. Những người đứng xung quanh đều thán phục. Nếu sự việc chỉ dừng lại ở đó thì ông đã gây dựng được uy tín cho mình, nhưng vị giám đốc lại tự đắc vỗ ngực nói rằng: “Nếu kỹ thuật của tôi không hơn anh thì tôi có dám làm giám đốc không? Không phải tôi nói khoác, nhưng bất cứ việc gì ở nhà máy này mà có người giỏi hơn tôi, tôi xin nhường lại vị trí giám đốc.” Vị giám đốc này đã quá ngông cuồng. Sự kiêu ngạo của ông ta khiến người khác có cảm giác kém cỏi. Ông đã không hiểu rõ về tính chất công việc và giá trị của một người lãnh đạo. Ông lại đi so tay nghề với công nhân của mình. Nghe nói sau đó có một thanh niên lành nghề muốn thi với ông. Biết mình lỡ lời, vị giám đốc đã không nhận lời. Câu chuyện đã trở thành truyện tiếu lâm trong giới doanh nghiệp.
4. Có được uy tín bằng việc “thuyết giáo”
Chúng ta phải thừa nhận rằng, diễn đạt lưu loát, giỏi thuyết trình là tố chất của một người lãnh đạo xuất sắc. Nhưng thực tế, những người nói nhiều thì thường bị coi là không đáng tin. Có những người lãnh đạo cho rằng trong mọi trường hợp, nói nhiều, diễn thuyết nhiều sẽ gây dựng được uy tín. Nhưng nói quá dài dòng, lan man thì sẽ trở thành thuyết giáo. Nói không cần nhiều mà cần tập trung vào trọng tâm để có tác động đến người khác. Người giỏi nêu ra ý kiến của mình trước tiên phải là người biết cách để người khác nói ra ý kiến của họ.
5. Có được uy tín bằng sự bảo thủ, che giấu khuyết điểm
Những người có khuyết điểm có thể gây dựng uy tín hay không? Câu trả lời là có. Không những thế, những người dũng cảm thừa nhận và sửa chữa khuyết điểm còn là những người rất dễ có được sự tôn trọng của người khác. Nhưng có nhiều lãnh đạo lại muốn che giấu khuyết điểm. Họ biết rõ mình đã sai nhưng lại không cho phép cấp dưới bàn tán và phản đối. Đó là biểu hiện của “ưa hư vinh”. Khi kiểu hư vinh này đạt đến mức độ nhất định sẽ trở thành bảo thủ. Thực ra, biểu hiện bên ngoài của họ rất cứng rắn, nhưng bên trong lại mềm yếu, thiếu dũng khí. Nhà tâm lý học nổi tiếng Adler1 đã từng nói: “Chúng ta có thể biết được một người nào đó có khoan dung độ lượng hay không từ cái cách mà họ nhìn nhận sai lầm của người khác, và từ cách mà họ nhìn nhận sai lầm của bản thân, chúng ta có thể biết được họ có độc lập và kiên cường hay không.” Người chịu trách nhiệm về hành vi của mình là người chuẩn mực, còn người chủ động gánh vác trách nhiệm của tập thể sẽ là người lãnh đạo xuất sắc.
1 Alfred W. Adler (1870-1937): Bác sĩ, chuyên gia tâm lý, người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân.
HÃY LÀM MỘT THỎI NAM CHÂM
Trong doanh nghiệp, nhiều người có khả năng khuyến khích và chỉ huy cấp dưới để giúp họ đạt được những thành quả to lớn. Chúng ta đều biết, Andrew Carnegie đã thành công trong việc chỉ dẫn cho cấp dưới của mình, rất nhiều người trong số họ đã trở thành triệu phú.
Mỗi giám đốc kinh doanh, mỗi vị tướng, mỗi nhà lãnh đạo đều hiểu sự cần thiết của tinh thần hợp tác và thông cảm lẫn nhau.
Có rất nhiều cách để đạt được điều đó. Khi ở vào vị trí lãnh đạo, mỗi người sẽ có tư duy và cách làm khác nhau. Có người sử dụng phương pháp cưỡng chế, có người sử dụng phương pháp thuyết phục, lại có người sử dụng phương pháp xử phạt hoặc tặng thưởng. Mục đích của họ đều là giảm bớt tư tưởng cá nhân trong một tập thể lớn, để mọi người cùng có chung một tư tưởng.
Napoléon Bonaparte là một ví dụ điển hình được trời phú cho một tư tưởng có thể thu hút người khác. Tư tưởng của ông giống như một thỏi nam châm, có thể thu hút những người mà ông từng tiếp xúc. Binh lính của Napoléon có thể sẵn sàng hy sinh vì ông mà không hề sợ hãi, chính là do ông có khả năng cuốn hút họ mạnh mẽ.
Bất kỳ một người lãnh đạo nào hiểu về giá trị của tinh thần hợp tác đều có thể tập hợp quần chúng lại trong một thời gian ngắn, nhưng khi người lãnh đạo đó rời khỏi tập thể, tư tưởng đoàn kết sẽ lập tức tan rã.
Bộ não con người có thể được ví với pin. Sẽ có lúc pin bị hết điện hoặc bị hỏng. Lúc đó, chúng ta cần thấy buồn nản, thất vọng, thiếu ý chí. Không ai có thể tránh được cảm giác đó. Lúc đó chúng ta sẽ phải được tiếp thêm sức mạnh. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải được tiếp xúc với người có sức mạnh hơn chúng ta. Người lãnh đạo giỏi đều hiểu sự cần thiết của việc tiếp thêm sức mạnh đó. Không những thế, họ còn biết phải làm như thế nào. Đó là sự khác biệt căn bản giữa người lãnh đạo và cấp dưới.
ĐOÀN KẾT MỌI NGƯỜI THÀNH MỘT KHỐI
Khả năng tập hợp có liên quan trực tiếp đến thành công của sự nghiệp. Là một người lãnh đạo, bạn phải có khả năng xử lý thỏa đáng mọi mối quan hệ, đoàn kết mọi người thành một khối.
Khi xử lý mối quan hệ với những người xung quanh, những người lãnh đạo tỏ ra rất thành thạo. Đó là bởi vì họ có khả năng đoàn kết mọi người.
Việc đoàn kết với mọi người xung quanh, cùng phối hợp với họ để trên dưới đồng thuận một lòng, những người đồng cấp tín nhiệm lẫn nhau có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của người lãnh đạo.
Người lãnh đạo phải có khả năng phối hợp với cấp trên, người đồng cấp và cấp dưới.
Sự đoàn kết có ý nghĩa rất quan trọng đối với người lãnh đạo. Nó có thể phản ánh một cách chân thực trình độ của người lãnh đạo. Khả năng tổ chức điều khiển tốt sẽ giúp cho kế hoạch của bạn được triển khai nhanh chóng, theo trình tự, như vậy mới khiến người khác làm việc tốt hơn cho bạn.
Làm thế nào để đoàn kết mọi người thành một khối?
1. Vai trò của tín nhiệm
Đối với một doanh nghiệp, một tập thể hay một cá nhân nào đó, những xung đột, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa mọi người thường xuất phát từ sự không tín nhiệm.
Tín nhiệm là cơ sở của sự thấu hiểu, là mấu chốt của mối quan hệ mang tính xây dựng. Có thể nói rằng, một tập thể chỉ thực sự đi vào hoạt động sau khi mọi người trong tập thể đó đều tín nhiệm lẫn nhau. Sự thật đã chứng minh điều đó. Nếu giữa những nhân viên của bạn thiếu đi sự tín nhiệm, thì việc phân công công việc và hợp tác giữa mọi người là điều rất khó triển khai. Đằng sau vẻ mặt tươi cười của họ là những mục đích cá nhân và sự đề phòng lẫn nhau. Nếu làm việc và sống trong một môi trường như vậy, chúng ta sẽ có cảm giác ngạt thở.
Thế là đủ để công ty của bạn rối loạn. Nếu bạn thật sự đang gặp rắc rối liên quan đến vấn đề tín nhiệm, hoặc đôi khi bạn cảm thấy một bầu không khí u ám đang đến xung quanh bạn, thì đã đến lúc bạn phải chú ý tới việc thiết lập lại mối quan hệ giữa mọi người.
2. Vun đắp sức mạnh đoàn kết của cấp dưới
Trong một tập thể, mỗi cá nhân đều có sở thích, đam mê và tiêu chuẩn giá trị riêng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho tập thể đó luôn tràn đầy sức sống. Có người ví tập thể giống như một lò luyện. Những con người đến từ khắp nơi, họ mang đến tri thức, năng lực, đồng thời cũng mang đến những phương pháp, thái độ và nguyên tắc làm việc khác nhau. Bên cạnh đó, có những điều mà giữa các thành viên không thể cùng chung tiếng nói. Giá trị mỗi cá nhân có được là bản lĩnh sau khi trải qua những khó khăn. Giá trị cá nhân rất khó để thay đổi, nhưng lại có thể tiếp tục phát triển. Một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau sẽ được thiết lập trên cơ sở đó.
Sau khi một thành viên mới bước vào tập thể của bạn, bạn nên để người đó hiểu rằng, có một sức mạnh vô hình đang hướng mọi người tới một mục tiêu chung. Cả tập thể phải cùng nhau duy trì, bạn phải để cho mọi người thấy được mục tiêu trong công việc của bạn. Bởi vì nhân viên thường tin vào những gì họ nhìn thấy hơn là những gì họ nghe thấy.
Khi các nhân viên làm việc trong một môi trường đoàn kết, thì cho dù có khoảng cách khá xa và thiếu sự hiểu biết lẫn nhau, họ vẫn sẽ xích lại gần nhau hơn. Khi cùng thực hiện một mục tiêu và phấn đấu cho cùng một lý tưởng, con người sẽ ngày càng gắn kết.
3. Quan hệ hợp tác bình đẳng
Việc thiết lập quan hệ tín nhiệm lẫn nhau không có nghĩa là một bên áp đảo bên kia, cũng không có nghĩa là sự thao túng với động cơ ẩn chứa bên trong. Tín nhiệm có nghĩa là cộng hưởng, còn thao túng có nghĩa là chiếm đoạt.
Nếu trong một tập thể mà mỗi cá nhân đều tìm cách dựa vào việc thao túng người khác để đạt được mục đích của mình, cho dù không bị ai phát hiện ra thì mối quan hệ giữa mọi người trong tập thể đó cũng sẽ không bền chặt.
Người dễ thực hiện việc thao túng đó chính là bạn - người lãnh đạo. Những điều kiện thuận lợi sẽ khiến cho người lãnh đạo dễ dàng dùng quyền lực của mình để chỉ đạo nhân viên. Có thể khi đó bạn thấy đây là chức trách của mình, giao nhiệm vụ cho nhân viên, truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh là việc làm đúng đắn. Nhưng vô hình trung, bạn đang bị một tư tưởng sai lầm vô hình thao túng, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với những người xung quanh.
Không ai thích bị ra lệnh. Cho dù chỉ là việc gọi người ta đến, bảo người ta đi cũng khiến họ cảm thấy không thoải mái. Những từ “mệnh lệnh, chỉ thị, truyền đạt ý kiến” nên được loại bỏ trong vốn từ của bạn. Vì nó sẽ vô tình hay hữu ý khiến bạn có điều kiện thuận lợi để thao túng người khác với lý do hoàn toàn chính đáng.
Trong tập thể của bạn, bình đẳng và hợp tác là tâm niệm cơ bản nhất mà mỗi một thành viên nên có. Ở đó, không có ai đặc biệt. Ngay cả chức vụ của bạn cũng ít nhiều làm người khác thấy sợ, nhưng việc tạo dựng hình ảnh của bạn sẽ giúp họ thay đổi cách nhìn, hơn nữa còn khiến họ nhận thức sâu thêm về ý nghĩa của bình đẳng và hợp tác.
Tốt nhất bạn hãy phát huy những đức tính như giản dị, dễ gần, đối xử bình đẳng, khiêm tốn. Khi tiếp xúc với nhân viên, tinh thần đáng quý đó của bạn sẽ cảm hóa họ, thậm chí khiến họ bắt chước theo bạn.
TÁC ĐỘNG TỚI MỌI NGƯỜI BẰNG LÒNG NHIỆT TÌNH
Lòng nhiệt tình với công việc như ngọn lửa bùng cháy, nó có thể làm tan biến mọi tạp niệm cá nhân để tạo nên một người lãnh đạo vĩ đại. Bởi vậy, khi bạn quyết định gây dựng sự nghiệp, thì có nghĩa bạn phải có tố chất của một người lãnh đạo với khả năng tác động đến người khác. Trong những tố chất cần có của người lãnh đạo, sự nhiệt tình là điều quan trọng nhất. Trong rất nhiều trường hợp, những người khác theo bạn gây dựng sự nghiệp chủ yếu là do họ bị tác động bởi lòng nhiệt tình của bạn. Do vậy, lòng nhiệt tình là động lực tạo nên cá tính. Nếu không có lòng nhiệt tình, cho dù bạn có tài đến đâu, công việc của bạn cũng sẽ dậm chân tại chỗ. Có thể khẳng định rằng, ai cũng có những khả năng tiềm ẩn. Có thể bạn có kiến thức, có khả năng phán đoán chính xác, nhưng chỉ khi nào bạn biết đem ngọn lửa nhiệt tình hun đúc đưa những phẩm chất ấy vào tư tưởng và hành vi thì những phẩm chất ấy của bạn mới bộc lộ, còn không thì không ai, kể cả bạn, có thể biết được bạn là người như thế nào.
Là một người lãnh đạo, bạn phải có uy tín và tố chất được mọi người công nhận, bởi vì mỗi cử chỉ hành động của bạn sẽ tác động đến người khác từng giờ từng phút. Khi ở tuổi 80, Henry Ford từng rất tự hào khi nói với người khác rằng: “Dáng vẻ khỏe mạnh và tràn đầy nhiệt huyết của tôi có được là do tôi luôn tuân thủ một nguyên tắc: khi có thể ngồi được thì tôi sẽ không đứng, khi có thể nằm xuống được thì tôi sẽ không ngồi.”
Người lãnh đạo phải có tinh thần kiên định, phải tác động đến người khác bằng sự nhiệt tình của mình, chứ không phải là đến khi gặp khó khăn thì nhụt chí và từ bỏ. Khi tuyển thủ bóng chày Frank thuộc đội bóng John Dayton đại diện cho bang Pennsylvania tham gia cuộc thi đấu giữa ba bang, anh mới gia nhập môn bóng chày không lâu. Anh là một người trẻ tuổi và đầy tham vọng, anh muốn mình có cơ hội trở thành ngôi sao bóng chày. Nhưng anh đã không được toại nguyện. Anh bị giám đốc sa thải không báo trước. Khi lý tưởng đã tan thành mây khói, anh chịu áp lực rất lớn. Frank vô cùng tức giận, anh chạy một mạch tới phòng giám đốc để hỏi nguyên nhân bị sa thải.
Lý do mà giám đốc đưa ra rất đơn giản: “Anh làm cho người khác có cảm giác là anh đang đi dạo trên sân, động tác thì quá vụng về.”
Câu trả lời khiến anh rất kinh ngạc. Giám đốc còn nói: “Trông anh như một lão tuyển thủ đã thi đấu 20 năm. Nếu không phải vì anh lười biếng thì tại sao lại có bộ dạng như vậy?”
Frank giải thích với giám đốc. Nhưng giám đốc an ủi anh rằng: “Frank, trông anh như vậy thì cả đời này anh không thể đạt được thành tích đâu. Sau khi rời khỏi đây, anh sẽ tìm được một việc khác. Nhưng bất kể là làm công việc gì thì anh cũng nên nhớ rằng, hãy ngẩng cao đầu, ưỡn thẳng ngực, lấy lại dũng khí để tiếp thêm sinh khí và nhiệt huyết cho công việc. Nếu không, cả cuộc đời này anh sẽ không làm được việc gì nên hồn.”
Frank không hiểu ý của giám đốc, anh rất tức giận rời khỏi phòng. Nhưng 10 năm sau, khi ở đỉnh cao sự nghiệp và tiết lộ bí quyết thành công của mình một cách nhiệt tình và tự tin, anh bỗng hiểu ra ẩn ý sâu xa trong câu nói của vị giám đốc 10 năm trước.
Giờ thì bạn đã biết tầm quan trọng của sự nhiệt huyết trong công việc rồi chứ? Để có được nhiệt huyết và khả năng tác động đến mọi người, bạn hãy làm theo bảy điểm gợi ý sau.
(1) Nói to
Nếu tinh thần rối loạn hay bạn run khi đứng trước mọi người, bạn hãy cố gắng nói thật to.
(2) Nói nhanh
Khi nói nhanh, tâm lý của bạn sẽ được phát huy tác dụng. Nếu bạn có thể tập trung để đọc sách với tốc độ nhanh, bạn có thể đọc được hai quyển sách trong khoảng thời gian để đọc một quyển, không những thế bạn còn có thể hiểu một cách thấu đáo nội dung cuốn sách.
(3) Nhấn mạnh
Hãy nhấn mạnh những từ ngữ quan trọng, tức là những từ quan trọng với bạn và với người lắng nghe bạn.
(4) Ngừng nghỉ
Khi viết chúng ta có thể dùng dấu chấm, dấu phẩy, thì khi nói, bạn nên dừng lại ở những chỗ này. Như thế, có thể tạo nên kịch tính, người nghe có thể dễ dàng theo dõi suy nghĩ của bạn. Khi cần nhấn mạnh từ nào đó, bạn hãy ngừng nghỉ sau từ cần nhấn mạnh đó.
(5) Làm cho giọng nói của bạn vui vẻ
Làm như thế sẽ tránh cho giọng nói của bạn bị khàn khi nói to và nhanh. Khi mỉm cười, giọng nói của bạn sẽ mang lại cảm giác vui vẻ.
(6) Thay đổi giọng điệu
Nếu thời gian nói chuyện của bạn khá lâu thì thay đổi giọng điệu là điều quan trọng. Hãy nhớ rằng, bạn có thể thay đổi âm điệu và âm lượng. Bạn có thể nói to, nhưng nếu muốn, bạn còn có thể thay đổi ngữ điệu với một âm lượng tương đối thấp.
(7) Bình tĩnh
Sau khi bình tĩnh, bạn sẽ có thể nói chuyện với sự nhiệt tình.
HỢP TÁC CHẶT CHẼ VỚI MỌI NGƯỜI
Để hợp tác chặt chẽ với mọi người, người lãnh đạo phải tự bồi dưỡng về sáu khả năng dưới đây.
1. Tích cực tham gia các hoạt động tập thể
Trong một tập thể, mỗi thành viên đều nên có ý thức cống hiến và có trách nhiệm đóng góp cho tập thể. Nhiều người luôn thích để người khác bắt đầu trước trong buổi thảo luận, còn mình thì ngồi im lặng lắng nghe. Kết quả là, người đó không thể nào cải thiện khả năng giao tiếp của mình, không thể có được sự tôn trọng của các thành viên khác hoặc không thể có tầm ảnh hưởng tới quyết định của tập thể. Bạn nên loại bỏ nhận thức tiêu cực đó, tích cực tham gia hoạt động tập thể, đóng góp cho sự phát triển của tập thể.
2. Có khả năng thảo luận hiệu quả
a. Bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng, nêu ra lý do và căn cứ.
b. Lắng nghe ý kiến của người khác, cố gắng tìm hiểu ý kiến của mọi người và lý do mà họ đưa ra.
c. Trả lời trực tiếp quan điểm mà người khác đưa ra, không nên chỉ giải thích quan điểm của mình.
d. Nêu ra một số vấn đề liên quan để nghiên cứu vấn đề thảo luận một cách toàn diện, sau đó tìm cách để trả lời câu hỏi.
e. Tập trung vào sự tăng cường hiểu biết, chứ không nên cố gắng chứng minh tính đúng đắn trong quan điểm của mình bằng mọi cách.
3. Tôn trọng mỗi thành viên trong tập thể
Đây là nguyên tắc cơ bản để bảo đảm sự hợp tác thành công. Cho dù bạn tin chắc rằng mình có tri thức hơn những người khác, nhưng điều quan trọng là bạn phải làm cho người khác nêu ra quan điểm của họ, chứ không nên ngắt lời họ giữa chừng hay tỏ ra không muốn nghe. Đó là điều cần thiết để phát huy sức mạnh tập thể. Có những lúc, những thành viên khác không đồng ý với sự phân tích và kết luận của bạn, cho dù bạn tin là mình đúng, nhưng bạn cũng cần phải có những sự thỏa hiệp và nhượng bộ cần thiết. Nếu không làm được như vậy thì hãy chấp nhận sự thật, cố gắng bày tỏ quan điểm của mình và làm cho người khác đồng ý với bạn.
4. Khuyến khích người khác nêu ra quan điểm
Ngoài việc tự nêu ra quan điểm của mình, bạn cũng nên khuyến khích người khác nêu ra quan điểm của họ. Khi người khác phát biểu, bạn nên có thái độ tích cực và mang tính xây dựng.
5. Đánh giá quan điểm của người khác một cách khách quan
Khi một tập thể đánh giá quan điểm của một thành viên nào đó thì nên sử dụng kỹ năng tranh luận. Nội dung còn phải tranh luận là gì? Quan điểm này nói rõ vấn đề như thế nào? Lý do và căn cứ ra sao? Tính rủi ro và mặt trái của nó là gì? Điều quan trọng là phải để cho mọi người hiểu rằng đối tượng đánh giá là quan điểm, chứ không phải người nêu ra quan điểm đó. Sai lầm mà chúng ta thường mắc phải là, có những thành viên xuất phát từ sở thích và thành kiến cá nhân để nhằm vào người đưa ra quan điểm, chứ không hề đánh giá quan điểm mà họ đưa ra.
6. Nhận thức chính xác vai trò của mỗi thành viên và mối quan hệ giữa mọi người
Tập thể giống như một cơ thể sống. Nó được hình thành từ các cá nhân có mối quan hệ phức tạp và đầy sức sống. Cũng giống như trong một trận thi đấu thể thao, nếu không có số in trên áo thì bạn sẽ không phân biệt được các vận động viên. Một tập thể cần phải phát huy vai trò của mình một cách hiệu quả, bạn cần nhìn ra sức mạnh của mỗi cá nhân, tính chất mối quan hệ giữa họ và tính quyết định được sắp xếp ra sao. Trong một tập thể mới mà bạn chưa hiểu hết, việc làm rõ những vấn đề đó là rất quan trọng.
LỰA CHỌN ĐỐI TÁC TỐT
Nếu muốn thành công trong sự nghiệp, bạn phải tìm được đối tác hoặc người hỗ trợ mình. Theo các nhà khoa học, bầy chim én có thể bay một quãng đường dài là do chúng có khả năng hợp tác. Chúng bay theo hình chữ V, vì thế chúng có thể bay xa hơn 20% khoảng cách mà một con chim én bay một mình. Con người cũng vậy. Nếu bạn có thể hợp tác với đối tác của mình thì bạn có thể tiến nhanh hơn, xa hơn, tốt hơn.
Đối tác, có nghĩa là người đó vừa có thể hợp tác với bạn lại vừa có năng lực thực tế để làm việc, chứ không phải chỉ “nói” mà không “làm”.
Hợp tác cũng giống như hôn nhân. Đó là điểm khởi đầu để bạn tiến lên, là cơ sở của bạn. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp sẽ khiến người trong cuộc thêm hạnh phúc, một sự hợp tác tốt đẹp sẽ giúp người trong cuộc đạt được thành công. Có được đối tác tốt là một may mắn trong cuộc đời. Một đối tác không phù hợp có thể khiến chúng ta thất bại.
Hãy chú ý tới bốn nguyên tắc sau khi lựa chọn đối tác:
1. Hãy chọn người giữ chữ tín
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, uy tín là tài sản vô hình tạo nên giá trị con người. Khổng Tử từng nói: “Con người đã không có chữ tín thì không cần xét đến những khía cạnh khác.”
Trong hợp tác, việc giữ chữ tín là yêu cầu đạo đức và cũng là yêu cầu cơ bản với người cùng hợp tác. Nếu không có cơ sở đạo đức đó, sự nghiệp của bạn coi như đã bị hủy hoại một nửa. Bởi vì, người hợp tác làm việc với bạn hiểu rõ toàn bộ tình hình của doanh nghiệp, bao gồm cả bí mật về kỹ thuật, mạng lưới kinh doanh, hồ sơ nhân sự, cộng thêm quyền lực mà họ có trong tay, khi họ ăn ở hai lòng thì hậu quả thật khôn lường.
Thứ hai là, bạn phải giải quyết những nguy cơ mà hợp tác mang lại. Trong quá trình hợp tác, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra”, tư cách đạo đức tồi của đối tác trước sau gì cũng bộc lộ, khi đó bạn sẽ không mong muốn tiếp tục hợp tác với họ. Cách giải quyết đơn giản nhất là đường ai nấy đi.
2. Hãy chọn người có cùng chí hướng và cùng cách làm với bạn
Điểm tương đồng đầu tiên giữa bạn và đối tác phải là có cùng ý chí, tức là có chung mục tiêu và động cơ. Xét về nghĩa rộng, nó bao gồm động cơ, mục tiêu của người hợp tác như tiền bạc, địa vị và lý tưởng sống…
Điểm tương đồng thứ hai phải là có cùng cách làm. Tiêu chuẩn chọn người đầu tiên của các doanh nhân nổi tiếng là cùng chung chí hướng và cùng phương pháp làm việc. Tiêu chuẩn hàng đầu chọn người hợp tác đó là phải biết rõ tác phong làm việc của anh ta, có thể chấp nhận phương pháp quản lý của anh ta. Khi lựa chọn đối tác, chí hướng và phương pháp làm việc đều quan trọng như nhau.
3. Hãy chọn người có thể bổ sung ưu nhược điểm với bạn
Trong Sơn Hải Kinh có một câu chuyện về người có cánh tay dài của bộ tộc tay dài và người có đôi chân dài của bộ tộc chân dài. Cả hai người đều có điểm mạnh và điểm yếu. Khi bắt cá, một người có thể lội xuống rất sâu, nhưng lại không thể mò tới nơi và ngược lại. Nhưng khi người có cánh tay dài ngồi lên lưng người có đôi chân dài thì họ vừa có thể lội xuống sâu lại vừa có thể mò sâu. Đó là nguyên tắc bổ sung cho nhau. Cũng tương tự như vậy, bạn và đối tác đều có ưu và nhược điểm, nếu cả hai có thể bổ sung cho nhau, thì sức mạnh hợp tác sẽ được tăng cường.
Hợp tác giống như một cỗ máy, cần có nhiều linh kiện rời lắp ráp lại với nhau. Một mối hợp tác tốt vừa có thể tạo điều kiện để đối tác phát huy khả năng của mình, lại vừa tạo ra một sức mạnh mới mà vốn dĩ cả hai đều không có, để khả năng của mỗi cá nhân được tăng cường và được nhân rộng. Hợp tác thành công nhất là khi có thể kết hợp những người có những điều kiện và tài năng khác nhau.
Nếu đối tác là người nông thôn, bạn là người thành phố, bạn được hưởng một nền giáo dục tốt còn đối tác của bạn quen chịu khó chịu khổ tự học tập; bạn khá hướng ngoại, thích giao lưu còn đối tác của bạn lại hướng nội, khiêm nhường. Cả hai người đều có thể bổ sung cho nhau.
4. Hãy chọn người vừa có đức vừa có tài
Nhà quân sự đại tài Tào Tháo từng nói một câu gây nhiều tranh cãi: chỉ cần có tài là dùng. Theo Tào Tháo, chỉ cần là người có tài, không cần biết phẩm chất đạo đức ra sao, ông đều trọng dụng, cất nhắc. Nhưng quan điểm đó không được các nhà doanh nghiệp hiện nay áp dụng. Trước khi lâm chung, Lưu Bị có nói rằng: “Đừng thấy việc xấu không gây tác hại lớn mà làm, đừng thấy việc tốt mà cỏn con lại không làm. Chỉ có người hiền đức mới thu phục được lòng người.” Câu nói đã nhấn mạnh đến chữ “đức” chứ không hề nhấn mạnh đến chữ “tài”.
Tài và đức là gì? Đó là một vấn đề phức tạp, rất ít người có thể hiểu rõ. Tài của người hợp tác bao gồm những kiến thức, kỹ thuật, khả năng hữu ích liên quan để có thể giúp doanh nghiệp phát triển. Đức lại bao gồm những nội dung liên quan tới sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp như giữ chữ tín, không vì lợi mà quên nghĩa, đoàn kết, nhường nhịn.
Khi chọn người hợp tác phải chọn người vừa có đức vừa có tài. Người ta thường nói “có đức mà không có tài là người tầm thường, có tài mà không có đức là tiểu nhân”. Trọng đức khinh tài sẽ khiến bạn hợp tác với một người tầm thường, trọng tài khinh đức, bạn sẽ hợp tác với tiểu nhân. Bất kể đối tác của bạn là người tầm thường hay tiểu nhân, bạn cũng sẽ thất bại.
Một đối tác lý tưởng là người có thể mang đến cho bạn cả vốn, kỹ thuật, uy tín và các vấn đề khác, nhưng quan trọng hơn cả, đó phải là người có cùng mục tiêu phát triển và quan điểm giá trị với bạn, là người có thể bổ sung cho bạn về mặt tài năng, tính cách. Đó mới là người bạn cần.
HIỂU RÕ NGUYÊN TẮC “ĐÔI BÊN CÙNG CÓ LỢI”
Trong các loài thực vật trên Trái đất, loài cao lớn nhất có lẽ là cây sequoia sinh trưởng tại bang California Mỹ. Cây cao khoảng 90 mét, cao hơn 30 tầng lầu và tuổi thọ khoảng 2000 năm.
Thông thường, với những loài cây cao, rễ thường bám rất sâu. Nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng, rễ của loài sequoia lại chỉ bám hờ trên mặt đất. Những cây có thân cao mà rễ lại bám không sâu sẽ rất dễ bị gió quật gốc, huống hồ là loài cây vĩ đại như sequoia.
Thì ra cây sequoia thường mọc thành rừng, rễ của chúng rất gần nhau. Vì thế cho dù có là trận cuồng phong cũng không thể nào đánh bật được cả một rừng sequoia có rễ bám chặt vào nhau.
Rễ của cây sequoia không bám sâu vào đất lại chính là nguyên nhân khiến cây cao được như vậy. Rễ của cây bám sát mặt đất nên rất dễ hấp thụ nước và chất dinh dưỡng, cây sinh trưởng rất nhanh, ngoài ra nó không phải tốn quá nhiều công sức để bám rễ sâu vào đất.
Muốn thành công bạn không thể chỉ dựa vào bản thân, mà bạn cần phải có người giúp đỡ. Chỉ khi giúp được nhiều người thành công, bạn mới có thể thành công. Hãy giao lưu, mở rộng quan hệ, học hỏi nhiều người, chứ đừng nên lãng phí quá nhiều công sức để tự mình tìm tòi tất cả.
Có rất nhiều câu chuyện về những sự hợp tác mang lại thành công vĩ đại. Bill Gates là một ví dụ điển hình.
Trên tạp chí Forbes tháng 7 năm 1995, tổng giám đốc công ty phần mềm máy tính Mỹ, Bill Gates, đã được đánh giá là người giàu nhất thế giới với tổng tài sản lên tới 12,9 tỉ đôla. Nhưng bạn có biết rằng, ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng sự hợp tác với người bạn thân Paul Allan? Trong hơn 20 năm hợp tác, hai người đã đưa công ty dần đi lên, từ một công ty nhỏ thành một công ty lớn, từ yếu thành mạnh, phát triển nhanh chóng và trở thành công ty nổi tiếng thế giới. Quá trình lớn mạnh của công ty chính là quá trình cả hai đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng gây dựng sự nghiệp.
Cạnh tranh không có nghĩa là không hợp tác. Thời đại làm việc cá nhân đã qua. Những người làm nên sự nghiệp vĩ đại đều hiểu được sức mạnh to lớn mà sự hợp tác mang lại. Trí tuệ của tập thể có thể đo được cả trời. Chỉ có những người hiểu được giá trị của sự hợp tác mới có thể thành công.
“Đôi bên cùng có lợi” là một chiến lược và cũng là nghệ thuật, giúp mình và giúp người. Hãy luôn ghi nhớ nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”, mình có lợi và người khác cũng có lợi thì tại sao lại không làm?
Sự vật luôn thay đổi, luôn sinh ra và mất đi, trở thành nhân quả của nhau. Con người thường vì giúp mình mà giúp người khác, đồng thời cũng vì người khác mà thay đổi mình. Trong sự thay đổi đó, hãy nhớ đến mục tiêu ban đầu của mình. Nếu không, không chỉ bạn mà cả những người khác cũng sẽ mất phương hướng. Ngoan cố giữ lấy lợi ích của bản thân chỉ khiến bạn chuốc thêm thất bại. Đối địch và làm tổn hại lẫn nhau chỉ khiến cho cả hai bên cùng thua thiệt. Cùng nỗ lực, cùng hợp tác mới có thể cùng thành công.
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC, GIẢM BỚT MÂU THUẪN
Một người lãnh đạo muốn gây dựng sự nghiệp phải tránh đến mức tối đa mâu thuẫn với người khác. Muốn thế bạn phải làm được bảy điều sau.
(1) Phải có tấm lòng khoan dung độ lượng, nhìn xa trông rộng, nghĩ đến việc lớn, chú ý đến phong cách làm việc, đoàn kết, huy động mọi nhân tố tích cực, phấn đấu vì một mục tiêu chung.
(2) Chú ý tìm hiểu tâm tư tình cảm của nhân viên, cố gắng hóa giải mọi mâu thuẫn, kéo gần khoảng cách giữa mọi người.
(3) Nhìn nhận người khác bằng sự cởi mở, phải hiểu rằng thế giới này muôn màu muôn vẻ, con người cũng đa dạng. Người khác không thể có sở thích, chí hướng hoàn toàn giống mình. Chúng ta không thể yêu cầu người khác giống như yêu cầu với bản thân. Mỗi người đều có cá tính và đặc điểm riêng. Ai cũng có ưu và nhược điểm.
(4) Hãy khoan dung với sai lầm của người khác vì trên đời này không có ai hoàn hảo. Ai cũng có nhược điểm, ai cũng có thể phạm sai lầm, cho người khác cơ hội sửa sai chính là cho mình cơ hội được người khác tha thứ nếu mắc sai lầm.
(5) Không nên lúc nào cũng chỉ trích người khác. Có thể bỏ qua được thì nên bỏ qua. Hãy nhớ rằng, khi nước quá trong thì sẽ không còn cá. Khi yêu cầu người khác quá cao thì sẽ rất ít người có thể làm việc được với bạn. Quá nghiêm khắc với người khác thì sẽ bị xa lánh, quá soi mói người khác thì sẽ không còn ai muốn làm việc chung.
(6) Chỉ làm rõ trắng, đen, đúng, sai với những vấn đề lớn, còn với những chuyện nhỏ không nên lúc nào cũng truy cứu đến cùng. Biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì. Thậm chí, có lúc bạn phải giả vờ không biết. Tuyệt đối không được làm phức tạp những chuyện đơn giản. Những chuyện vặt vãnh không cần thiết phải tìm cho ra ngọn ngành xem ai đúng ai sai.
(7) Thù oán nên hóa giải chứ không nên gây thêm. Cho dù có mâu thuẫn, chúng ta cũng nên chân thành, tìm cách để hai bên hiểu nhau, không làm cho mâu thuẫn lớn thêm. Phải dám tự phê bình, để người khác hiểu mình bằng tấm lòng chân thành.
Hóa giải mâu thuẫn phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Hãy nhớ rằng bạn đối xử với mọi người như thế nào thì mọi người sẽ đối xử với bạn như vậy. Muốn hiểu được người khác thì trước tiên bạn phải mở rộng lòng mình.
Con người không thể sống đơn độc một mình. Bạn chỉ có thể phát huy khả năng của mình, làm những việc mà mình muốn trong một tập thể. Điều đó cần đến sự giao tiếp. Một người thành công là một người giỏi giao tiếp. Giao tiếp cũng cần có nguyên tắc.
Khi hợp tác với người khác và khi xử lý mối quan hệ với người khác, chúng ta phải chú ý 10 nguyên tắc sau:
(1) Không được bàn tán sau lưng
Không bàn tán sau lưng người khác hoặc có những bình luận vô căn cứ. Nếu không chúng ta sẽ đánh mất mục đích giao tiếp, làm tổn thương đến đồng nghiệp, bạn bè. Đặc biệt là hết sức tránh nói đến nhược điểm của người khác ở chỗ đông người. Có lúc người nói thì vô tình mà người nghe thì hữu ý. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của người khác.
(2) Nói năng có chừng mực, có trình tự
Không cướp lời, không độc diễn khi nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp. Vì như thế sẽ làm cho mọi người ghét bạn, dần dà xa lánh bạn.
(3) Không tỏ ra ban ơn với người khác
Bạn bè, đồng nghiệp sẽ có lúc giúp đỡ nhau. Có thể bạn giúp người khác nhiều hơn, nhưng không nên tỏ ra mình là người có ơn với họ. Nếu không, họ sẽ cảm thấy khó xử.
(4) Không quên ân đức của người khác
Hãy học cách ghi nhớ ơn của người khác và quên việc mình giúp đỡ người. Hãy cảm ơn người khác khi họ giúp bạn, cho dù là sự giúp đỡ của ai, nhiều hay ít.
(5) Không làm được thì không nói
Không nói dối bạn bè, vì đó sẽ là sự mất mát lớn nhất của bạn. Hãy thành thực với cả bạn mới và bạn cũ, không nói quá. Nói được làm được. Nếu không làm được thì không được nói.
(6) Không nói ra bí mật của người khác
Điều này đặc biệt quan trọng. Ai cũng có những bí mật của riêng mình. Nếu bạn biết thì đừng nói ra. Nếu không biết bí mật nào đó thì đừng hỏi. Vì việc đó sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho bạn mà lại làm tổn hại đến người khác.
(7) Khiêm tốn
Hãy học cách khiêm tốn. Đừng nên lúc nào cũng khoe khoang thành tích hay sở trường của bạn trước mặt đồng nghiệp và bạn bè. Nếu không, không khác gì bạn đang hạ thấp người khác và đánh giá cao bản thân. Người ta sẽ coi thường bạn.
(8) Không quá thẳng thắn
Hãy tập hợp ý kiến của mọi người, đừng chỉ dựa vào nguyện vọng chủ quan của bản thân để thốt ra những lời thiếu tình người. Nếu không, bạn sẽ không nhận được thiện cảm và sự đồng tình. Nói năng uyển chuyển, dung hòa tình cảm, bạn mới làm nên chuyện.
(9) Phải sẵn sàng giúp đỡ mọi người
Khi người khác cần, bạn hãy nhiệt tình quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ họ. Qua lại với nhau thì phải tôn trọng lẫn nhau. Hãy tôn trọng nhân cách, quyền lợi của người khác, không cướp đoạt hạnh phúc của người khác, tôn trọng sự nghiệp, cách sống, sở thích và đam mê của họ. Không tự ý chi phối người khác, không làm tổn thương lòng tự trọng và sự tự tin của người khác. Chỉ có như thế, bạn mới được người khác tôn trọng.
(10) Phải có thái độ khoan dung với mọi người
Khi kết bạn, giao lưu với người khác, bạn hãy đặt mình vào vị trí của họ để hiểu về họ, hiểu nỗi đau và nhu cầu của họ. Hãy khoan dung với mọi người. Phối hợp nhịp nhàng, nhiệt tình, chân thành với người khác để giành được sự tín nhiệm, tôn trọng và thiện cảm của họ. Như thế bạn sẽ càng có nhiều bạn bè.
Trên đây là 10 nguyên tắc cơ bản nhất trong giao tiếp. Chỉ khi không vi phạm những nguyên tắc đó, bạn mới có thể thành công trong giao tiếp và gây dựng được một sự nghiệp vĩ đại.