Làm chủ hành vi của bản thân
✱ Khả năng tự kiềm chế là phẩm chất, cũng là thước đo để đánh giá bản lĩnh của một người lãnh đạo.
✱ Nhẫn nhịn không phải là nhu nhược, mà ngược lại, nhẫn nhịn thể hiện sự tự tin kiên nhẫn và một hoài bão to lớn.
✱ Đối với một người lãnh đạo, tức giận là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết.
✱ Khi một người nào đó đưa ra một góp ý đúng đắn về bạn, bất kể là có ý tốt hay không, bạn hãy đón nhận. Làm như vậy bạn sẽ không hề bị thiệt thòi.
RÈN LUYỆN KHẢ NĂNG TỰ KIỀM CHẾ
Kiềm chế là khả năng kiểm soát tình cảm, tâm trạng và khống chế hành vi của mình để hành động một cách hợp lý nhất. Khả năng tự kiềm chế bản thân bao gồm những mặt sau.
1. Bình tĩnh khi đối mặt với nguy cơ
Nguy cơ có thể tôi luyện hay hủy diệt con người. Những nguy cơ trong công việc và cuộc sống đều là thử thách cho người lãnh đạo. Trong nguy cơ, kẻ địch mới thường xuất hiện, làm cho tình hình càng thêm nghiêm trọng. Đứng trước nguy cơ mà vẫn giữ được vẻ bình tĩnh là phẩm chất cần có của người lãnh đạo. Thông thường trong cuộc sống có hai loại người, một là những người vừa gặp phải điều không may mắn thì chùn bước, kêu trời kêu đất. Hai là những người tuy cảm thấy đau khổ vì nghịch cảnh nhưng quyết không chịu đầu hàng. Họ biết rõ rằng, nếu không tự kiềm chế bản thân thì sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Người lãnh đạo cần phải làm được như vậy trước cấp dưới của mình.
2. Nhanh chóng thoát khỏi tâm trạng tiêu cực
Trăng có lúc mờ lúc tỏ, lúc khuyết lúc tròn. Con người có phúc có họa. Tâm trạng có lúc vui lúc buồn. Các chuyên gia cho rằng, tâm trạng có thể ảnh hưởng tới con người trong một thời gian nhất định, có thể là vài tiếng đồng hồ, vài ngày, thậm chí là vài tháng. Tâm trạng tốt sẽ có lợi cho chúng ta. Tinh thần lạc quan, sự tự tin sẽ khiến chúng ta tràn đầy sức sống, hăng hái, tích cực và tiến tới thành công. Sự bi quan, lo lắng, tức giận, lạnh lùng, thất vọng, ân hận sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực. Nó sẽ làm tiêu hao sức lực của chúng ta, kìm hãm khiến chúng ta không tiến lên được. Người lãnh đạo phải giỏi trong việc điều chỉnh tâm trạng của mình, cố gắng hết sức để thoát khỏi sự chi phối của tâm trạng không tốt tránh bị nó chi phối.
Nếu muốn nhanh chóng thoát khỏi tâm trạng không vui, chúng ta phải dựa vào chính mình. Khi có tâm trạng tiêu cực, chúng ta phải phân tích ngay nguyên nhân hình thành để có biện pháp đối phó kịp thời, tốt nhất là giải quyết một cách triệt để. Một khi những yếu tố liên quan đến tâm trạng tiêu cực không còn tồn tại nữa, thì tâm trạng tiêu cực cũng tự nhiên biến mất. Chúng ta cũng có thể chia sẻ với người khác để cải thiện tâm trạng, làm những hoạt động yêu thích như nghe nhạc, đánh bóng, đi dạo phố, tiêu khiển với bạn bè, người thân vào cuối tuần. Như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều và loại bỏ được sự căng thẳng, mệt mỏi của cả một tuần làm việc.
3. Khống chế cơn giận
Đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo thường gặp phải. Trong một vài cuốn sách dành cho lãnh đạo, người ta cho rằng làm lãnh đạo thì phải luôn tỏ ra bình tĩnh, đĩnh đạc, dễ gần; sự tức giận không phù hợp với một người lãnh đạo và sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. Tuy nhiên, “tức giận nhất thời là không đáng có, nhưng sự phẫn nộ vì lý do chính đáng thì phải có”. Chúng ta không nên nổi nóng theo ý kiến chủ quan của riêng mình. Nhưng sự phẫn nộ vì chân lý, vì chính nghĩa thì lại là việc đáng làm và không thể thiếu. Về mặt nguyên tắc, người lãnh đạo nổi nóng với những việc quan trọng cấp bách hay việc cấp dưới không làm tròn nhiệm vụ sẽ tạo ra sự kích thích và ảnh hưởng nhất định đến người trong cuộc, đồng thời cũng có tác dụng cảnh báo với những người khác. Việc đó sẽ có lợi cho việc giải quyết vấn đề và xúc tiến công việc. Đây là biểu hiện của một người lãnh đạo tận tâm với công việc. Việc thể hiện một phần tình cảm của mình cũng không thể coi là thiếu kiềm chế. Một người lãnh đạo không biết nổi nóng bao giờ, lúc nào cũng ôn tồn, hòa nhã thì sẽ không thể trở thành một người lãnh đạo tốt.
Phương pháp kiềm chế cơn giận có hiệu quả nhất là dự phòng tư tưởng. Tức là phải có nhận thức về con người và sự việc xung quanh một cách rõ ràng, không ảo tưởng và hy vọng. Chỉ khi chúng ta loại bỏ được sự ảo tưởng và hy vọng, cơn giận mới không đến. Là một người lãnh đạo bạn phải hiểu rằng, bạn không thể nào có được sự ủng hộ của tất cả mọi người. Sẽ luôn có người phản đối bạn. Cuộc sống là như vậy. Công việc của chúng ta không phải lúc nào cũng suôn sẻ, cũng có lúc sóng gió không được như mong muốn. Khi đã có sự chuẩn bị về mặt tư tưởng, bạn có thể bình tĩnh đối phó với những sự việc ngoài ý muốn. Khi ý thức được rằng mình sắp nổi nóng, bạn hãy cố gắng để trì hoãn cơn giận khoảng 15 giây, sau đó hãy nổi trận lôi đình. Lần sau khi bạn cáu giận thì hãy trì hoãn 30 giây. Những lần kéo dài thời gian như vậy sẽ giúp bạn kiềm chế bản thân tốt hơn, dần dần bạn sẽ tránh được những lần nổi nóng không đáng có.
NHẪN NHỊN ĐỂ CHU TOÀN VIỆC LỚN
Tào Tháo được gọi là gian hùng, nhưng ông lại rất khoan dung độ lượng. Thành công trong cuộc đời của Tào Tháo gắn liền với đức tính đó. Ông nhẫn nhịn để chu toàn việc lớn.
Trước tiên xin kể về câu chuyện “Đánh trống mắng Tào”. Lần ấy, Tào Tháo bị Nễ Hành chửi rủa, xúc phạm. Trước thái độ hỗn xược đó, Tào Tháo vô cùng tức giận, nhưng vì nghĩ đến việc lớn, ông đành nuốt cơn giận vào trong.
Nguyên nhân gây nên chuyện bất hòa giữa Nễ Hành và Tào Tháo thực ra rất đơn giản. Vốn là Tào Tháo muốn trọng dụng Nễ Hành, muốn để cho Nễ Hành làm sứ giả đi dụ hàng Lưu Biểu. Nhưng khi Tào Tháo mời Nễ Hành đến lại không giao việc ngay, mà còn định thử tài, làm tổn thương lòng tự trọng của Nễ Hành. Quá giận, Nễ Hành mắng Tào Tháo không có người tài giỏi giúp và tự khen mình là người tài. Tức giận, Tào Tháo bắt Nễ Hành phải đánh trống để làm nhục Nễ Hành. Theo quy định, khi đánh trống phải thay lễ phục mới đúng nghi thức triều đình nhưng Nễ Hành vẫn mặc nguyên quần áo cũ. Nễ Hành quả là một người tài, ông gióng ba hồi theo điệu Ngư Dương làm những người nghe cảm động đến rơi nước mắt. Thuộc hạ của Tào Tháo nhất định bắt Nễ Hành phải thay y phục, Nễ Hành bèn cởi hết quần áo ra đánh trống, vừa đánh trống vừa mắng Tào Tháo là gian tặc.
Thuộc hạ của Tào Tháo nhất loạt đòi giết Nễ Hành, nhưng Tào Tháo rất bình tĩnh và nhẫn nhịn bỏ qua. Ông không thể giết một kẻ tay không tấc sắt như Nễ Hành để cả đời mang tiếng ghen ghét hiền tài, khiến người trong thiên hạ xa lánh. Có lẽ không phải vì Tào Tháo sáng suốt mà bởi vì ông quá khoan dung độ lượng. Ông sai Nễ Hành đến Kinh Châu khuyên Lưu Biểu đầu hàng. Trước khi đi ông đã sai Tuân Úc là thuộc hạ thân thiết của mình ra tiễn Nễ Hành. Việc làm này khiến Tào Tháo được người đời khen ngợi.
Khi Viên Thiệu tấn công quân Tào, Viên Thiệu sai Trần Lâm viết bài hịch mắng Tào Tháo. Trong bài hịch, Trần Lâm không những đã mắng nhiếc Tào Tháo không ngớt lời, mà còn mắng cả cha và tổ tiên Tào Tháo. Tào Tháo vô cùng tức giận. Không lâu sau đó, Viên Thiệu thua trận. Trần Lâm rơi vào tay Tào Tháo. Ngỡ rằng Tào Tháo sẽ giết Trần Lâm để hả giận. Nhưng Tào Tháo đã không làm vậy. Ông ngưỡng mộ tài năng của Trần Lâm, không những không giết Trần Lâm, mà còn vứt bỏ hiềm khích cũ để trọng dụng Trần Lâm. Việc đó khiến Trần Lâm vô cùng cảm động, sau này đã có nhiều đề xuất hay cho Tào Tháo.
Về sự khoan dung độ lượng, Chu Du trái ngược hẳn với Tào Tháo. Cũng bởi vậy nên kết cục của hai người hoàn toàn khác nhau. Chu Du là một tướng tài, nhưng lại không có lòng khoan dung. Chu Du thông minh hơn người, tài năng xuất chúng, nhưng lại có lòng đố kỵ rất lớn, ông ta không chấp nhận người nào hơn mình. Nhiều lần Chu Du muốn hại Gia Cát Lượng nhưng đều không thành. Trận chiến Xích Bích làm Chu Du tổn thất nhiều binh mã, hao tốn nhiều tiền của lương thực, nhưng Khổng Minh lại được lợi, Chu Du tức giận “hét lên một tiếng, ngã vật ra đất”. Chu Du dùng mỹ nhân kế để lừa Lưu Bị sang Đông Ngô thành thân nhưng bị Gia Cát Lượng tương kế tựu kế, khiến cho Chu Du “đã mất phu nhân lại thiệt quân”, lần này Chu Du cũng “hét lên một tiếng rồi bất tỉnh”. Lần cuối cùng, Chu Du dùng kế “mượn đường diệt Quắc” với ý đồ chiếm đoạt Kinh Châu, nhưng bị Khổng Minh phát hiện. Khổng Minh đã bao vây quân Chu Du và viết thư khuyên Chu Du. Chu Du ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng!” rồi chết. Chu Du quả là con người bụng dạ hẹp hòi. Lỗ Túc là mưu sĩ của Đông Ngô cũng phải nói rằng: “Công Cẩn chết là do lòng dạ quá hẹp hòi.”
Nhẫn nhịn không phải là nhu nhược. Ngược lại, điều đó thể hiện sự tự tin, lòng kiên nhẫn và hoài bão to lớn. Nếu đối xử với mọi người bằng một thái độ bao dung thì chúng ta có thể hóa giải mâu thuẫn và giành được sự tín nhiệm của mọi người.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người không tập trung vào những việc lớn mà lúc nào cũng chỉ nhìn vào việc nhỏ. Đó không phải cách hay để đối phó với khó khăn. Bởi khi đó họ làm việc theo tình cảm, lòng dạ hẹp hòi sẽ khiến cho mâu thuẫn sâu thêm và vấn đề sẽ càng khó được giải quyết.
“Việc nhỏ không nhẫn nhịn thì không làm được việc lớn”. Người lãnh đạo nên nhìn xa trông rộng, đối xử với mọi người bằng một tấm lòng độ lượng để làm nên việc lớn.
OÁN GIẬN NÊN GIẢI, KHÔNG NÊN KẾT
Quan trường hay thương trường đều không nên gây thù kết oán.
Mâu thuẫn nên hóa giải chứ không nên làm sâu sắc thêm. Người lãnh đạo phải đặt lợi ích căn bản lên trên hết và vì lợi ích đó mà nên có tấm lòng bao dung.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích1 có khí phách của một bậc đế vương. Ông rất độ lượng, cho dù là với kẻ thù.
1 Nỗ Nhĩ Cáp Xích (1559– 627): Thủ lĩnh của bộ tộc Nữ Chân, cuối đời Minh. Ông là người đã xây nền móng mà sau đó con trai ông, Hoàng Thái Cực đã phát triển và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nhà Thanh. Về sau, con cháu ông tôn xưng miếu hiệu của ông là Thanh Thái Tổ dù ông không giữ ngôi vị hoàng đế nhà Thanh một ngày nào.
Năm 1580, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống lĩnh đội quân tấn công thành Tề Cát Đạt. Do tin tức bị bại lộ nên khi quân của ông đến nơi thì quân trong thành đã mai phục sẵn. Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn quyết định tấn công thành. Ông dẫn đầu đoàn quân tiến lên phía trước và giết được vô số quân đối phương. Một xạ thủ trong thành là Ngạc Nhĩ Quả đã bắn lén một mũi tên trúng vào đầu ông, mũi tên đã xuyên thủng chiếc mũ vào tận xương. Nỗ Nhĩ Cáp Xích trợn mắt nhìn xạ thủ, ông cắn răng chịu đau rút mũi tên ra và bắn. Xạ thủ không kịp trở tay đã bị bắn trúng đùi, ngã xuống đất.
Trận chiến rất quyết liệt, Nỗ Nhĩ Cáp Xích mang theo vết thương xông lên phía trước. Trong khói bụi mù mịt, một xạ thủ khác trong thành là Lạc Khoa đã bắn một mũi tên trúng vào cổ ông. Nỗ Nhĩ Cáp Xích rút mũi tên ra, máu chảy đầm đìa. Ông lấy cung làm gậy bước đi và bị ngã xuống bất tỉnh.
Vài ngày sau, khi vết thương đã đỡ hơn, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại dẫn đầu đoàn quân tấn công thành Tề Cát Đạt.
Quân đối phương đã biết đến sức mạnh của Nỗ Nhĩ Cáp Xích nên vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Hai bên giao chiến không lâu thì quân trong thành không trụ vững được nữa, bỏ chạy toán loạn. Sau khi thua trận, cả Ngạc Nhĩ Quả và Lạc Khoa đều bị bắt. giết họ chỉ vì họ đã làm ta bị thương? Thuộc hạ của ông đều cho là phải. Hai dũng sĩ đã không chết, mà ngược lại họ còn được ban tước lộc.
Nếu hai xạ thủ này ra tay mạnh thêm chút nữa, có lẽ Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã mất mạng. Mối thù này quả rất lớn, mối oán giận này quả là sâu, nhưng Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn còn sống. Ông là một người hiểu lý lẽ. Ông hiểu rằng, muốn thực hiện được mục tiêu của mình thì phải có người tài giúp sức. Đó là mục tiêu mà ông phấn đấu suốt đời. Ông không thể thay đổi nó chỉ vì những chuyện oán giận vặt vãnh. Ông đã hóa giải lỗi lầm của hai xạ thủ với phong thái của một vị đế vương. Vì ông biết nhìn xa trông rộng.
KHỐNG CHẾ TÌNH CẢM
Học cách khống chế tình cảm và hành động của bản thân là điều rất quan trọng trong công việc và cuộc sống của người lãnh đạo. Khi cánh cửa bị đóng sầm lại, chiếc cốc thủy tinh vỡ tan; khi bị người khác xúc phạm, khi phạm phải những sai lầm không đáng có, chúng ta sẽ cảm thấy thế nào?
Bạn sẽ nổi giận chăng? Có thể bạn cho rằng nổi giận là một phần của cuộc sống, nhưng bạn có biết rằng làm như vậy thực ra chẳng có tác dụng gì không? Có thể bạn sẽ biện hộ cho mình rằng: “Con người ai cũng có lúc nổi nóng, tức giận.” hoặc là “Tôi phải trút giận ra bên ngoài, chứ nếu không sẽ bị đổ bệnh mất.”
Cho dù là như vậy, nhưng thực ra chính bạn cũng không thích thói quen nổi nóng đó, chứ đừng nói người khác.
Cũng giống như những loại cảm xúc khác, tức giận là kết quả của hoạt động tư duy. Sự tức giận không phải là không có nguyên nhân. Khi bạn gặp phải một việc gì đó không hài lòng, bạn sẽ cho rằng sự việc không nên như thế, bạn bắt đầu thấy nản lòng, cuối cùng bạn sẽ cảm thấy bị kích động. Điều đó rất nguy hiểm và không mang lại kết quả tốt đẹp gì.
Cảm giác đau khổ sẽ xâm chiếm lòng tự tôn của chúng ta.
Có thể buổi sáng khi thức dậy chúng ta thấy mình giống một nhà triệu phú. Nhưng cũng có lúc, chỉ cần vài giây thôi, một sự thể hiện không tán thành, một biểu hiện khinh thường hay một thất bại trong quá khứ cũng có thể làm cho chúng ta có cảm giác là những kẻ không một xu dính túi. Cảm giác thất vọng đó có thể sẽ theo bạn cả ngày.
Có thể chúng ta có khả năng quan sát, có tài tiên đoán. Nhưng chỉ cần có người động chạm đến phần nhạy cảm nhất của tâm hồn chúng ta, hoặc xảy ra bi kịch nào đó thì tất cả những gì tốt đẹp của chúng ta đều không còn. Khi đó mỗi một nơron thần kinh đều đầy xúc cảm, lý trí của chúng ta không còn sáng suốt nữa.
Điều đáng mừng là, tuy chúng ta không ngăn được những cảm giác tiêu cực đến nhưng chúng ta có thể khiến chúng ra đi.
Tác giả Wayne1 đã nói: “Bạn phải chịu trách nhiệm với tình cảm của bản thân mình. Tình cảm của bạn đến cùng với tư tưởng của bạn. Vậy thì, chỉ cần bạn muốn, bạn hoàn toàn có thể thay đổi cách nhìn đối với bất kỳ sự vật nào. Đầu tiên, bạn hãy nghĩ: tinh thần không vui, tâm trạng u uất hay bi quan đau khổ thì phỏng có ích gì. Sau đó, bạn có thể phân tích những tư tưởng gây ra cảm giác tiêu cực đó.”
1 Wayne W. Dyer: Tác giả và diễn giả người Mỹ, nổi tiếng trong lĩnh vực tự phát triển bản thân.
Để nói rằng uống rượu sẽ có hại cho sức khỏe trước một đám đông nghiện rượu, người diễn thuyết bày hai chiếc bình đựng trong suốt giống nhau trên sân khấu. Một bình đựng nước và một bình đựng rượu.
Ông ta bỏ một con sâu vào trong một chiếc bình đựng nước, mọi người đều thấy con sâu bơi đến tận phía bên kia và bò lên thành bình. Ông lại cầm một con sâu khác và bỏ vào trong chiếc bình đựng đầy rượu. Con sâu chết từ từ.
Sự tức giận và thất vọng cũng giống như rượu, nó có thể phá hỏng mối quan hệ của họ và người khác.
Bởi vậy, trong quan hệ với mọi người, khi gặp phải chuyện không như ý muốn, người lãnh đạo cũng không nên dễ dàng biểu lộ ra ngoài. Khi đã để lộ ra rồi thì chắc chắn sẽ mang lại những điều bất lợi cho mối quan hệ của chúng ta.
Phải khống chế tình cảm của mình là một việc khó khăn với hầu hết chúng ta nhưng đây là một yêu cầu vô cùng quan trọng với bất kỳ người lãnh đạo nào.
KIỂM SOÁT BẢN THÂN
Người xưa có câu, cao quý không được kiêu ngạo, giàu có không được hoang phí. Khi địa vị và điều kiện kinh tế thay đổi, có người sẽ tự buông lỏng bản thân mình, kiêu ngạo tự mãn, hoang phí phô trương. Người lãnh đạo phải tự điều chỉnh mình, phải có cách nhìn đúng đắn với danh lợi và địa vị xã hội. Biết kiểm soát bản thân xuất phát từ việc hiểu về những giá trị mình đang có.
Hiểu về người khác đã khó, hiểu về bản thân còn khó hơn nhiều. Người xưa thường nói, con người chúng ta thường chỉ nhìn rõ những vật ở xa chứ lại không nhìn thấy những vật ở gần. Để hiểu một cách chính xác về bản thân là điều không dễ. Khi tự đánh giá bản thân mình, chúng ta không khỏi mang tư tưởng chủ quan và đan xen tình cảm. Cũng giống như một số người cha, người mẹ không thấy được khuyết điểm của con cái mình. Nguyên nhân không phải do họ không đủ khả năng nhìn nhận, mà do tình yêu của họ với con cái đã làm lu mờ đi những khuyết điểm đó. Trong thực tiễn cuộc sống, khi mới bắt đầu đảm nhiệm chức vụ, người lãnh đạo thường rất thận trọng và có thể tự đánh giá bản thân. Nhưng sau một thời gian, khi đã có những đóng góp nhất định, được biểu dương, được tán thưởng, họ lại dần mất đi sự bình tĩnh, họ bắt đầu tưởng tượng. Khi đó những người xung quanh đều cảm nhận được là họ không còn thận trọng nữa. Lão Tử từng nói: “Biết người là trí, tự biết mình là sáng.” Chỉ biết người khác mà không biết về mình tuy được gọi là trí, nhưng lại không được coi là người sáng suốt Người lãnh đạo không những phải hiểu về người khác, mà còn phải hiểu bản thân mình. Có nghĩa là phải nhận biết được một cách khách quan sở trường cũng như điểm yếu của bản thân, đánh giá chính xác thành tích và điểm hạn chế của bản thân, quyết định những việc mình có thể làm được và những việc mình không thể làm được với một thái độ thực sự cầu thị. Đánh giá quá cao hay đánh giá quá thấp bản thân đều có ảnh hưởng tiêu cực tới bản thân và công việc lãnh đạo. Có người lãnh đạo cho rằng, không nên đánh giá cao bản thân và thành tích của bản thân; nhưng cũng không nên đánh giá thấp giá trị và khả năng của bản thân. Nghĩ và làm được như vậy sẽ rất có ích cho chúng ta.
Tự cho mình là đúng, ức hiếp người khác, khoa trương, tự đánh bóng mình, luôn là người đầu tiên độc thoại trong cuộc họp hoặc giữa đám đông, không cho người khác nói, tự phong tỏa mình, tất cả những việc đó là biểu hiện của việc không hiểu gì về bản thân.
Để có thể hiểu và kiểm soát bản thân mình, chúng ta phải tự kiểm điểm bản thân, phải nghiêm khắc để phân tích ưu và nhược điểm của chính mình. Tự kiểm điểm vừa là cách để hoàn thiện bản thân, lại vừa là một đức tính chỉ có thể có được thông qua tu dưỡng rèn luyện. Khổng Tử từng nói: “Mỗi ngày ta tự kiểm điểm bản thân ba việc: Làm việc gì cho ai có hết lòng hay không, giao ước điều gì với bạn bè có thất tín hay không, thầy dạy ta những gì, ta có chăm chú nghiên cứu cho nhuần nhuyễn hay không?” Mao Trạch Đông từng nói: “Chúng ta không nên vì đạt được thành tích mà tự mãn. Đừng tự mãn mà hãy luôn phê bình nhược điểm của mình. Cũng giống như vệ sinh, để loại bỏ bụi bặm, hàng ngày chúng ta phải lau chùi.” Dimitrov1 cũng từng nói: “Hãy dành thời gian để xem chúng ta đã làm được những gì trong ngày: việc đã làm được hay việc chưa làm được. Nếu là việc đã làm được thì rất tốt. Nếu là việc chưa làm được thì hãy tìm cách để làm cho bằng được.”
1 Georgi Dimitrov (1882-1949): Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Bulgari, Tổng thư ký của Quốc tế Cộng sản từ 1934–1943.
Những người luôn cố gắng nhìn nhận lại mình là những người luôn suy nghĩ thấu đáo trong công việc và cuộc sống, sẵn sàng kiểm điểm bản thân là biểu hiện của tính tự giác. Khi làm được như vậy, chúng ta sẽ tiến bộ rất nhanh, vì chúng ta có thể kịp thời tổng kết kinh nghiệm và rút ra bài học cho mình. Người xưa từng nói: “Người biết tự nhìn nhận đều sẽ trở thành tấm gương của chính mình khi gặp bất kỳ việc gì.” Chỉ cần chúng ta tự kiểm điểm lại bản thân, bất kỳ sự việc gì cũng đều trở thành kinh nghiệm của chúng ta, trở thành tiêu chuẩn cho hành vi của chúng ta. Việc kiểm điểm bản thân này có thể từ ba khía cạnh sau:
Một là, kiểm điểm lại tư tưởng và biểu hiện của bản thân, bình tĩnh phân tích đúng sai được mất, xác định rõ phương hướng phấn đấu. Mỗi ngày trước khi đi ngủ chúng ta có thể viết nhật ký. Một nhà giáo dục lão thành đã nói: “Viết nhật ký là một việc nhỏ, nhưng viết lại những gì chúng ta đã làm trong ngày lại rất có ích để đề phòng những việc có thể xảy ra trong tương lai. Có nghĩa là kịp tỉnh ngộ trước khi gặp nguy hiểm. Nếu ngày nào chúng ta cũng viết, vô hình trung chúng ta đã tự kiểm điểm bản thân mình.”
Hai là, xem xét đến biểu hiện và hình ảnh của mình từ phản ánh của những người và sự việc xung quanh. Mỗi người chúng ta đều có thể làm tấm gương của nhau, từ bản thân chúng ta có thể cho thấy hình ảnh của đối phương. Thái độ, sự đánh giá của người khác với chúng ta đều là điểm tham chiếu để chúng ta tự nhìn nhận lại mình. Những người muốn trở nên tốt hơn sẽ luôn thấy được sự thiếu sót của mình trong một tập thể, để tránh những sự việc tương tự xảy ra. Như thế là chúng ta đã tự soi mình vào chiếc gương tập thể để đánh giá mình thật khách quan. Đối với những lời tán thưởng, chúng ta phải xem xét cả hai mặt của vấn đề để phân biệt thật giả. Đối với những lời oán trách, chúng ta phải phân tích kỹ lưỡng để hiểu được tình hình và lòng người từ những lời oán trách đó, đôi khi đó chính là điềm báo cho sự bất mãn. Đặc biệt khi tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu, chúng ta phải dự đoán trước được những khả năng có thể xảy ra. Có không ít lãnh đạo khi thấy ý kiến phản đối của nhân viên, thậm chí đến mức tình hình nghiêm trọng mà bản thân vẫn “cảm thấy tốt”. Họ đã biến truyền thống phê bình và tự phê bình thành biểu dương và tự biểu dương. Điều đó là rất ngốc nghếch.
Ba là, so sánh với mọi người để nhìn lại bản thân mình. Khổng Tử nói rằng: “Khi gặp người hiền thì phải hiểu hết về tài năng của họ, khi gặp người ác thì phải từ họ mà nhìn nhận lại bản thân.” Chúng ta sống trong một số mối quan hệ xã hội nhất định, chỉ khi chúng ta so sánh bản thân với những thành viên khác, chúng ta mới xác định được vị trí, sở trường và nhược điểm của mình. So sánh mới tìm ra sự khác biệt, không có người khác làm đối tượng so sánh thì chúng ta không thể nhận thức chính xác về bản thân. Khi tự kiểm điểm bản thân, chúng ta cần mở rộng tầm nhìn để học tập những nhân vật điển hình trong lịch sử và trong cuộc sống hiện tại. Vì các ưu điểm đã được tập trung nơi họ, chúng ta học tập họ là cách đúng đắn nhất. Lãnh đạo phải là người đi tiên phong trong học tập.
KIỀM CHẾ SỰ TỨC GIẬN
Trong cuộc sống có nhiều người không kiềm chế được bản thân, nhất là khi gặp phải việc ngoài ý muốn, họ rất dễ tức giận và muốn giải quyết vấn đề bằng một cơn thịnh nộ. Trên thực tế, động một chút là tức giận không thể giải quyết vấn đề, thậm chí còn làm cho tình hình nghiêm trọng thêm. Đối với một người lãnh đạo từng trải, sự tức giận là biểu hiện của thiếu hiểu biết.
Có một vị lãnh đạo đứng đầu một đảng phái chính trị khi hướng dẫn một ứng cử viên nghị sĩ quốc hội đã dạy người đó cách làm thế nào để có được nhiều phiếu ủng hộ.
Hai người giao ước: “Nếu anh làm trái với nguyên tắc mà tôi dạy anh, anh sẽ bị phạt 10 đồng.”
“Được, không vấn đề gì, vậy bao giờ chúng ta bắt đầu?”
“Bây giờ. Nguyên tắc thứ nhất là: Cho dù người ta có làm tổn thương anh, mắng anh, chỉ trích anh, phê bình anh, anh cũng không được tức giận, cho dù người ta có nói xấu anh thế nào, anh cũng phải nhẫn nhịn.”
“Việc này dễ thôi. Người ta phê bình tôi, nói xấu tôi tức là đang cảnh báo tôi. Tôi sẽ không chấp.”
“Được. Tôi hy vọng anh có thể ghi nhớ nguyên tắc này. Đây là điều quan trọng nhất. Nhưng với đầu óc đần độn của anh thì không biết lúc nào mới nhớ được.”
“Sao kia? Anh lại dám nói tôi là…” Ứng cử viên kia vô cùng tức giận.
“Nào, đưa 10 đồng đây!”
“Ôi, tôi vừa vi phạm nguyên tắc sao?”
“Tất nhiên, nguyên tắc đó là quan trọng nhất. Những nguyên tắc khác cũng quan trọng không kém.”
“Anh đúng là đồ lừa đảo…”
“Xin lỗi nhé anh bạn, lại 10 đồng nữa.”
“Anh kiếm 20 đồng này dễ dàng quá nhỉ.”
“Đúng vậy, mau đưa đây, anh đồng ý rồi mà. Nếu không đưa, tôi sẽ làm cho anh phải mang tiếng xấu muôn đời.”
“Đồ xảo quyệt!”
“10 đồng nữa nhé.”
“Được rồi, tôi sẽ không nổi nóng nữa.”
“Thôi được rồi, không phải tôi muốn lấy tiền của anh. Anh xuất thân nghèo hèn, danh tiếng của cha anh cũng xấu quá rồi.”
“Đồ khốn.”
“Anh thấy chưa, lại 10 đồng nữa.”
Lúc này, người ứng cử viên đã tâm phục khẩu phục. Vị lãnh đạo kia nói một cách nghiêm túc: “Giờ thì anh hiểu rồi chứ, việc kiềm chế cơn nóng giận của bản thân không dễ một chút nào. Anh phải luôn để ý. 10 đồng là chuyện nhỏ. Nếu mỗi lần tức giận anh mất đi một lá phiếu, điều đó mới là thiệt hại rất lớn.”
Người ứng cử viên gật đầu.
Giống như Bacon1 từng nói: “Tức giận giống như quả mìn, nó sẽ hủy hoại mọi thứ mà nó gặp.” Nếu không chú ý rèn luyện sự nhẫn nhịn, tính tình ôn hòa, thì ngòi nổ sẽ làm mọi thứ nổ tung và hủy hoại mọi mối quan hệ tốt đẹp của chúng ta.
1 Francis Bacon (1561-1626): Nhà triết học, chính khách và nhà nghiên cứu người Anh. Ông được coi là cha đẻ của chủ nghĩa duy vật Anh và ngành khoa học thực nghiệm hiện đại.
Thế giới tự nhiên là một thể hữu cơ có trật tự, có quy luật. Chỉ cần theo đúng quỹ đạo thì mọi việc sẽ diễn ra bình thường. Cũng giống như một chiếc máy tính, một chiếc máy bay, một cỗ máy, nếu thao tác đúng, kiểm soát tốt thì chúng sẽ phát huy tác dụng. Tâm trạng của con người cũng giống như cỗ máy, một khi đã mất kiểm soát thì không thể hoạt động bình thường, thậm chí mang nguy hiểm đến cho thế giới xung quanh.
Có lẽ chúng ta đã từng nhìn thấy tình trạng tắc nghẽn lộn xộn tại ngã tư khi đèn giao thông không hoạt động, khi đó, ngã tư trở thành một biển xe. Những người tài xế thiếu kiên nhẫn bấm còi inh ỏi, giao thông ở trong tình trạng tê liệt. Nếu không có cảnh sát giao thông thì không biết tình trạng đó sẽ kéo dài bao lâu và sẽ gây ra hậu quả gì. Cũng tương tự như vậy, nếu cả một thế hệ mất kiểm soát tình cảm của bản thân thì thế giới này sẽ ra sao?
Vì vậy, khi người khác phê bình hoặc chỉ trích khuyết điểm của bạn, khi bạn cãi nhau với bạn bè hay một lúc nào đó bạn cảm thấy cuộc sống quá căng thẳng, bạn hãy học cách kiểm soát sự tức giận, bình tĩnh, ngăn mọi lời nói không hay và hành động bộc phát…
Người ta thường nói, nhẫn một chút, gió yên sóng lặng, lùi một bước, biển rộng trời cao. Bạn đừng so đo vì những chuyện cỏn con. Chúng ta không khuyến khích những sự nhượng bộ vô nguyên tắc, nhưng có những sự việc chúng ta không cần thiết phải “đổ thêm dầu vào lửa”. Vì làm như vậy chỉ khiến cho sự việc thêm tồi tệ và ảnh hưởng đến tình cảm giữa bạn và người khác.
Khi bạn trút giận lên một ai đó, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy thoải mái. Nhưng còn người đó thì sao? Người đó có thoải mái như bạn không? Sự cao giọng của bạn, thái độ thù địch của bạn có làm cho người ta dễ dàng đồng cảm với bạn hay không?
Wilson1 nói rằng: “Nếu anh đến tìm tôi với hai nắm đấm, tôi sẽ nghĩ cách đối phó với anh. Nhưng nếu anh đến tìm tôi và nói chúng ta hãy ngồi xuống bàn bạc với nhau, nếu ý kiến của chúng ta không thống nhất, hãy tìm hiểu xem nguyên nhân của nó là gì, giữa tôi và anh không có sự khác biệt quá lớn, những ý kiến bất đồng của chúng ta rất ít, điểm tương đồng của chúng ta lại rất nhiều. Chỉ cần chúng ta kiên trì tiếp cận đối phương, chân thành và thật sự mong muốn, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu nhau.”
1 Thomas Woodrow Wilson (1856-1924): Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ.
BÌNH TĨNH KHI BỊ PHÊ BÌNH
Khi bị một con chó dữ đuổi đằng sau, bạn sẽ làm gì? Bạn sợ nó nên ba chân bốn cẳng bỏ chạy? Không được đâu. Bạn càng chạy nhanh, nó càng đuổi theo sát bạn, có khi nó còn đuổi kịp bạn và cắn bạn, đến nỗi trầy da chảy máu và không chạy được nữa.
Vậy trong tình huống đó, chúng ta nên làm gì? Những người có kinh nghiệm hẳn biết rằng: phải đứng lại ngay, quay người lại và đối mặt với nó. Khi đó, con chó cũng sẽ dừng lại, đứng từ đằng xa quan sát bạn, không chừng nó còn vẫy đuôi, lè lưỡi, tỏ ý cho bạn thấy là nó nhận lầm người chứ không hề có ác ý gì với bạn.
Lời phê bình của người khác cũng giống con chó dữ đó. Lúc đầu những lời phê bình sẽ công kích bạn để thử xem bạn có phải là người nhát gan muốn bỏ chạy hay không. Nếu bạn không để ý mà để lộ ra nhược điểm đó, càng chứng tỏ rằng bạn đã phạm sai lầm và sự phê bình sẽ ngày càng nặng nề hơn. Nhưng nếu khi bị phê bình, bạn đối mặt với vấn đề thì trong trường hợp bạn không phạm sai lầm, những lời phê bình đó sẽ lập tức biến mất. Cho dù bạn phạm sai lầm thì khi làm như vậy sẽ chứng tỏ bạn đã sẵn sàng để sửa sai, và không vì điều đó mà dừng mọi việc lại.
Kemp là một chính trị gia nổi tiếng người Mỹ. Lần đầu tiên khi phát biểu tại nghị viện, do ông vừa mới từ bang Illinois tới nên trang phục rất dân dã, một nghị sĩ lời lẽ sắc bén đã châm chọc: “Vị khách từ Illinois đến này hẳn có đầy yến mạch trong túi áo.”
Tất cả mọi người đều cười ầm lên. Nếu là một người khác chắc hẳn sẽ rất lúng túng, đỏ mặt, thậm chí là tức giận. Nhưng Kemp thì sao?
Ông biết là nghị sĩ kia châm chọc không hề quá lời, bởi vì quần áo của ông quả thực rất quê mùa. Ông trả lời thẳng thắn: “Đúng vậy, không những túi áo tôi đầy yến mạch, mà trong tóc tôi còn vương đầy hạt giống. Những người sống ở miền Tây như chúng tôi đa số đều rất quê mùa, nhưng hạt giống của chúng tôi lại có thể ươm thành những mầm xanh.”
Câu nói ngắn gọn nhưng sắc bén của ông đã khiến ông trở nên nổi tiếng, mọi người đặt cho ông biệt hiệu là “nghị sĩ hạt giống bang Illinois”.
Kemp hiểu rõ về mình nên dám đối mặt với lời phê bình của người khác và đã công kích lại. Ông không hề giấu giếm nhược điểm, mà ngược lại để người khác biết rằng nhược điểm đó là rất nhỏ, thậm chí còn có thể là một ưu điểm.
Người thông minh hiểu rõ về bản thân mình, biết mình không phải là người hoàn hảo. Vì thế, khi người ta phát hiện ra thì họ thừa nhận thẳng thắn, không né tránh. Có nhiều người khi bị phê bình thì lập tức đỏ mặt tía tai, khua chân múa tay. Cũng có người khi bị chỉ trích thì coi như không nghe thấy, không thừa nhận cũng không phản bác. Cả hai thói quen này đều phải sửa. Khi người khác chỉ ra nhược điểm của mình thì đó là cơ hội tốt để chúng ta sửa chữa.
Nếu người khác phê bình bạn và đó quả thực là nhược điểm của bạn, thì bạn càng cần phải thừa nhận và sửa đổi. Làm như vậy bạn sẽ tránh được việc sau này người đó lấy việc đó ra làm cái cớ để công kích bạn. Có những lúc, lời chỉ trích của đối thủ còn tốt hơn nhiều so với lời tâng bốc của bạn bè. Khi người ta chỉ trích bạn, người ta không có gì phải e dè và rất thẳng thắn. Nhưng bạn bè của bạn thì lại không tiện nói thẳng chỉ vì nghĩ đến thể diện của bạn.
Khi chúng ta còn ít kinh nghiệm trên đường đời, thì lý trí luôn đi cùng chúng ta, đó chính là “lòng tự trọng”. Khi đối nhân xử thế, chúng ta phải để ý tới lòng tự trọng của người khác, nhưng bản thân chúng ta thì lại nên khắc phục nó bằng lý trí.
Con người ta ai cũng muốn được khen ngợi, được biểu dương, còn khi bị phê bình, bị nêu khuyết điểm thì lại nổi giận. Nếu luôn để ý đến điều đó, chúng ta sẽ tránh không làm tổn thương người khác. Nhưng đối với bản thân thì không nên có thái độ né tránh đó.
Bạn phải hiểu rằng, khi đối phương đóng góp ý kiến đúng với bạn, thì cho dù họ có ý tốt hay không, bạn cũng nên đón nhận, làm như vậy bạn sẽ không bị thiệt đâu.
HÃY MỞ LÒNG
Chrysler là một trong ba công ty xe hơi lớn nhất của Mỹ, nhưng vào những năm 70 của thế kỷ 20 công ty luôn gặp khó khăn. Đến năm 1979, số lỗ của công ty đã lên tới 11,32 triệu đôla, các khoản nợ đã lên tới 4,8 tỉ đôla. Công ty đối mặt với nguy cơ phá sản. Ai có thể cứu vãn tình hình đây?
Đúng lúc đó, tại một nơi khác thuộc Detroit, do mâu thuẫn với chủ tịch hội đồng quản trị công ty Ford - Henry Ford nên tổng giám đốc Iacocca bị sa thải.
Dường như công ty Chrysler đã tìm thấy vị cứu tinh của mình. Họ quyết tâm mời bằng được Iacocca, một nhân tài trong lĩnh vực xe hơi, tới làm tổng giám đốc của công ty. Nhưng khi đó Iacocca đã rất nổi tiếng. Ai cũng biết tới bản lĩnh của ông, nên có vô số công ty muốn mời ông làm việc cho họ. Các công ty có tiềm lực như Lockheed, công ty phát thanh Shaq, công ty giấy quốc tế đều đưa ra điều kiện ưu đãi để có được Iacocca. Thế nhưng, công ty Chrysler quyết mời ông bằng mọi giá.
Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Chrysler, John Ricardo, đã cử hai trợ lý uy tín của mình đi dò xét tình hình. Sau đó, ông đã gặp Iacocca nhiều lần và khẩn thiết đề nghị Iacocca đến làm việc cho công ty. Sự chân thành của ông đã khiến Iacocca cảm động và nhận lời, nhưng lại đưa ra hai điều kiện không dễ chấp nhận.
Điều kiện thứ nhất là Iacocca phải được tự do quyết định 100% và sau hai năm Iacocca phải được làm chủ tịch hội đồng quản trị. Có nghĩa là John Ricardo phải trao lại quyền lực cho ông ta. Có thể nói đó là tình huống nằm ngoài dự đoán của Ricardo. Thông thường, nếu một nhân tài nào đó được tuyển dụng vào một cơ quan và yêu cầu làm lãnh đạo ở cơ quan đó, thì chắc chắn anh ta sẽ bị từ chối. Thậm chí nếu đó là Lưu Bị, người đã ba lần phải đến lều tranh mới mời được Gia Cát Lượng, thì ông cũng sẽ không đồng ý. Lưu Bị chỉ muốn Gia Cát Lượng giúp mình, chứ nếu là thay thế vị trí của mình thì hoàn toàn không thể được. Trước khi mất, Lưu Bị đã diễn kịch “Thành Bạch Đế gửi gắm con thơ”. Nước mắt giàn giụa, Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng: “Nếu A Đẩu có thể làm nên chuyện, tiên sinh hãy giúp nó. Nếu không, tiên sinh hãy tự xưng đế.” Nghe xong, Gia Cát Lượng lòng đau như cắt, khóc như mưa, quỳ trên đất mà nói rằng: “Thần xin dốc hết sức mình, tận trung đến chết.” Đó chính là điều mà Lưu Bị muốn nghe. Ông ta biết rõ A Đẩu là kẻ bất tài, còn Gia Cát Lượng lại là người “chết vì tri kỷ”. Ông nói vậy thì cho dù Gia Cát Lượng có ý định “tự xưng đế”, ông ta cũng sẽ không làm. Có thể thấy rằng, tuy Lưu Bị luôn nghe theo kế sách của Gia Cát Lượng nhưng cho đến khi chết, ông ta vẫn không muốn nhường giang sơn lại cho Gia Cát Lượng. John Ricardo lại hơn hẳn người xưa về việc đối đãi với người tài. Khi nghe xong điều kiện thứ nhất của Iacocca, ông đã nói: “Chỉ cần ông tới, tôi sẽ đồng ý.”
Điều kiện thứ hai là lương mỗi năm của ông không được thấp hơn mức 360 nghìn đôla mà công ty Ford đã trả. Ông muốn Henry Ford thấy rằng, ông không hề kém cỏi khi làm việc ở công ty khác. Điều kiện này có vẻ như đã làm khó cho John Ricardo. Vì với cương vị chủ tịch hội đồng quản trị như ông cũng chỉ được hưởng mức lương 340 nghìn đôla một năm. Nếu lương của tổng giám đốc nhiều hơn của chủ tịch hội đồng quản trị thì sẽ vi phạm quy định của công ty, cũng không phù hợp với cách làm của giới doanh nghiệp. Công ty Chrysler đã phải triệu tập đại hội cổ đông để bàn về vấn đề này và quyết định mức lương của chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc đều ở mức 360 nghìn đôla.
Khi cả hai điều kiện đều được đáp ứng, Iacocca đã đảm nhiệm chức tổng giám đốc công ty Chrysler và không phụ lòng mong đợi của mọi người, Iacocca nhanh chóng giúp Chrysler cải tử hoàn sinh. Năm 1982, công ty thu về 1,7 tỉ đôla tiền lãi, trả được món nợ ngắn hạn 1,3 tỉ đôla, số tiền mặt có trong tay là 1,1 tỉ đôla. Năm 1983, Chrysler lại thu về 70,5 tỉ đôla tiền lãi, trả hết số nợ chính phủ trước thời hạn bảy năm. Những thành tích đó đã khiến Chrysler trở thành công ty danh tiếng lẫy lừng.
Công ty đã thoát khỏi khó khăn. Đó là nhờ có Iacocca. Nhưng công ty cũng không quên rằng, họ được như vậy là do họ đã giành được Iacocca bằng mọi giá.
Từ câu chuyện về công ty Chrysler, chúng ta thấy rằng, một nhân tài khi được đặt ở đúng vị trí sẽ phát huy vai trò to lớn không gì sánh được.
Chủ tịch hội đồng quản trị John Ricardo đã vì lợi ích của công ty mà không tính đến bản thân mình, ông mở rộng lòng để tuyển dụng nhân tài. Điều đó quả là đáng ca ngợi. Còn công ty Ford do hẹp hòi đã vô tình tạo ra một đối thủ mạnh cho chính mình và chịu tổn thất nặng nề.
Những người có năng lực lớn hơn lãnh đạo rất khó dùng, nhưng chúng ta phải dùng họ. Người lãnh đạo phải loại bỏ tâm lý tiêu cực với những người hơn mình, phải dám dùng họ, khoan dung độ lượng, để con gà của người khác đẻ trứng cho mình.
Không những chúng ta phải có chí tiến thủ, không ngừng hoàn thiện bản thân, mà còn phải dám thừa nhận tài năng của người khác, tận dụng tài năng của họ. Dùng tài năng của người khác, dùng sở trường của người khác, chúng ta mới có thể thành công.
CÁCH NÂNG CAO KHẢ NĂNG TỰ KIỀM CHẾ
Khả năng tự kiềm chế là khả năng khống chế và kiểm soát tình cảm của bản thân mình. Các nhà sinh lý học thần kinh nói rằng, tư duy lý tính và hành vi tình cảm có sự phân công rõ ràng trong bộ não của chúng ta. Hành vi của con người vừa bị lý tính chỉ đạo, vừa bị ảnh hưởng bởi thái độ tình cảm hiện tại. Ảnh hưởng đó có loại tốt, loại xấu, có loại mạnh, loại yếu. Nếu không có khả năng tự kiềm chế mà làm việc tự do theo tình cảm, chúng ta sẽ không thể kiểm soát hành vi của mình. Chỉ khi nâng cao khả năng tự kiềm chế, chúng ta mới có thể buộc mình phải làm theo những quyết định của bản thân, ngăn cản những yếu tố tiêu cực như lo sợ, lười biếng, ức chế tình cảm để có thể kiên nhẫn và kiểm soát chính mình.
Tự kiềm chế bản thân cũng có tác dụng quan trọng đối với việc tăng sức khỏe tâm lý và sinh lý. Những người không thể kiềm chế tình cảm và kiểm soát hành vi của mình sẽ không thể có được một cơ thể và tâm lý khỏe mạnh. Có sáu cách để nâng cao khả năng tự kiềm chế bản thân.
1. Chuyển sự chú ý
Khi bị kích động, hãy nghĩ hoặc làm một việc khác. Đại văn hào Nga Turgenev1 khuyên mọi người trước khi cãi nhau hãy uốn lưỡi 10 lần trong miệng.
1 Ivan Turgenev (1818-1883): Nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng của Nga. Tiểu thuyết Cha và Con của ông được coi là một trong những tác phẩm lớn nhất thế kỷ 19.
2. Ám thị
Lâm Tắc Từ2 treo chữ “Không nóng giận”, Tô Thức3 lại tự khuyên mình bằng câu “Nhẫn nhịn chuyện nhỏ để làm việc lớn.” Làm như vậy chúng ta sẽ giữ được tâm hồn thư thái.
2 Lâm Tắc Từ (1785-1850): Một vị tướng đời Thanh, Trung Quốc.
3 Tô Thức (1037-1101): Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống, thường được biết đến với tên gọi Đông Pha cư sĩ hay Tô Đông Pha.
3. Tránh bị kích động
Khi gặp việc nào đó có thể làm chúng ta mất khả năng kiềm chế, hãy cố gắng hết sức để né tránh. Ví dụ khi có người nói những lời xúc phạm thì đừng lắng tai nghe mà hãy đi ra ngoài. Như thế bạn sẽ tránh được sự phẫn nộ và xung đột.
4. Giải tỏa tâm trạng một cách hợp lý
Khi tâm trạng không tốt, bạn có thể nghe nhạc hoặc vẽ để giải tỏa tâm trạng của mình.
5. Tích cực bù đắp
Tận dụng năng lượng do sự kích động gây ra để tìm một việc mà bạn thích làm rồi vùi đầu vào đó, hoặc là chăm chú đọc sách, hoặc là tập trung vào viết lách, như thế bạn sẽ chuyển từ tâm trạng tiêu cực sang tích cực.
6. Làm trái với mong muốn
Hãy làm những việc mà mình không muốn làm, tức là cố ý chống lại bản thân.
Khả năng tự kiềm chế liên quan đến ý chí, là biểu hiện của lòng tự trọng và tự yêu bản thân. Nó có thể giúp chúng ta lựa chọn phương án tối ưu cho hành vi của mình, vượt qua trở ngại để đi theo con đường đúng đắn.