Thay đổi để thích ứng
✱ Trên bất kỳ con đường thành công nào cũng đều không có “khuôn vàng thước ngọc” định sẵn, hoàn toàn phải dựa vào tài năng và trí tuệ để nhanh nhạy nắm bắt mọi sự thay đổi và ứng biến linh hoạt.
✱ Khi thời thế thay đổi, bạn nhất định phải “bắt nhịp” được, phải thay đổi để ứng phó với thay đổi, tìm kiếm lối thoát, nếu không bạn sẽ ở vào vị trí bị động.
✱ Từ bỏ sự cố chấp, mở rộng tấm lòng để đưa ra lựa chọn chính xác.
✱ “Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma!” Đường này bế tắc thì đổi sang đường khác, có thể sự thay đổi sẽ mang đến cho bạn một cơ hội mới.
THÍCH ỨNG VỚI XÃ HỘI NHIỀU BIẾN ĐỔI
Xã hội hiện đại là một xã hội cạnh tranh quyết liệt, các bên cạnh tranh sẽ không ngừng đưa ra những ý tưởng mới, biện pháp mới, kỹ thuật mới, sản phẩm mới. Sự cạnh tranh quyết liệt làm cho xã hội biến đổi liên tục. Trong lịch sử, chưa có một xã hội nào có tốc độ thay đổi nhanh chóng như xã hội hiện đại. Sống trong một xã hội nhiều biến đổi như vậy, con người cần phải có năng lực ứng biến linh hoạt, quan sát toàn bộ cục diện, tìm ra điểm mấu chốt từ vô vàn đầu mối khác nhau, cân bằng lợi hại, kịp thời đưa ra quyết định khả thi và hiệu quả. Ở một góc độ nào đó, trong xã hội hiện đại, tố chất này đã trở thành một năng lực sinh tồn mới. Người nào có thể kịp thời nhìn ra những biến đổi của xã hội và đưa ra được phản ứng nhanh nhất, người đó sẽ dẫn đầu. Còn những người đầu óc hạn hẹp, phản ứng chậm chạp, bảo thủ cố chấp, không có tinh thần sáng tạo sẽ liên tục mất đi cơ hội tốt. Những người theo đuổi trào lưu mới một cách mù quáng thiếu thận trọng, không thể quan sát sâu rộng và phân biệt đúng sai, cũng có thể “sai một ly, đi một dặm”, đưa ra quyết sách sai lầm.
Vậy làm thế nào mới có thể thích ứng được với xã hội nhiều biến động?
Trước tiên, phải có sự chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng. Trong cuộc sống ngày nay, thị trường đầy rẫy các sản phẩm mới, cạnh tranh lẫn nhau, cung cấp cho bạn nhiều sự lựa chọn. Nếu dùng ánh mắt trì trệ và bảo thủ để quan sát thì nhất định sẽ bị bỏ lại xa phía sau, thành người “không thức thời” hoặc “không hợp thời”. Thứ hai, về tâm lý phải có tính linh hoạt cao độ, không câu nệ bất kỳ hình thức, thói quen và kinh nghiệm nào, không chịu sự trói buộc của bất kỳ luồng tư tưởng và phương thức cố định nào, kịp thời đưa ra phương pháp mới để ứng phó với tình huống mới, phản ứng tâm lý nhanh để đối phó với tình thế thay đổi nhanh. Người cổ hủ thường suy nghĩ vấn đề bằng phương thức tư duy “đào giếng”, tức là khi suy nghĩ vấn đề, cứ “đào” theo dòng suy nghĩ thẳng tắp, quyết không thay đổi ý chí. Đương nhiên cũng có thể “đào” ra thành quả, song cũng có người đào vào “vỉa đá” mà không thấy nước. Xã hội hiện đại yêu cầu con người không nên chỉ đi theo dòng suy nghĩ một chiều của bản thân, mà phải suy nghĩ toàn diện, đi sâu nghiên cứu nhiều chiều. Giống như việc khoan thăm dò địa chất, thử chỗ này, thử chỗ kia, khoan không vào thì đổi địa điểm, cho đến khi tìm ra “mỏ” mới thôi.
Kiên nhẫn miệt mài là kinh nghiệm thành công trong xã hội truyền thống. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại với nhiều thay đổi nhanh chóng, việc theo đuổi mục tiêu vẫn cần kiên nhẫn, nhưng cách thức và đường đi lại không chỉ có một. Quá nhấn mạnh “yếu tố kiên nhẫn” sẽ có nguy cơ sa vào sự khô khan, cứng nhắc, tụt hậu. Thay đổi một cách linh hoạt lại có ý nghĩa to lớn hơn kiên nhẫn miệt mài. Bởi vì xã hội hiện đại thay đổi quá nhanh, nếu chỉ mãi đi sâu nghiên cứu trong một hệ thống khép kín, đi sâu càng lâu thì khoảng cách đối với xã hội hiện đại sẽ càng xa. Điều đáng tiếc là, có một số người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tính cần thiết của sự thay đổi linh hoạt. Đương nhiên, chúng ta không đề xướng việc đứng núi này trông núi nọ, làm một việc chỉ nhiệt tình nhất thời, liên tục thay đổi mục tiêu. Nhưng chúng ta cũng phản đối đầu óc cứng nhắc, “đi mãi một con đường”.
Chúng ta chủ trương sự thay đổi linh hoạt phải mang tính chiến lược và tạo được hứng thú, cũng có nghĩa là, cần phải căn cứ vào trình độ nhận thức mới của bản thân đối với môi trường thực tế, kết hợp với điều kiện sẵn có, phát huy vai trò tích cực của sự tự điều chỉnh, không ngừng đối chiếu sửa chữa và xác định phương hướng, lựa chọn đường đi phù hợp nhất với hiện thực xã hội mới. Trên thực tế, trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt của xã hội hiện đại, có thể đưa mình vào hàng ngũ những kẻ mạnh, đa số không phải là những người cố chấp giữ mãi quan điểm cá nhân, mà là những người suy nghĩ linh hoạt, khi biết không làm được sẽ nhanh chóng chuyển hướng. Tục ngữ có câu: “Kẻ hiểu thời thế chính là tuấn kiệt”. Sự thay đổi của xã hội diễn ra nhanh như vậy, “ôm” mãi sự đình trệ có nghĩa là tự từ bỏ cơ hội. Nếu một mực thể hiện bản thân là người có nghị lực kiên cường thì mọi sáng tạo, ứng biến sẽ mất đi lúc nào không biết.
Sự linh hoạt cao trong tính cách còn biểu hiện ở khuynh hướng chống lại chủ nghĩa kinh nghiệm. Người có tính cách nhanh nhạy thực sự không lấy kinh nghiệm thành công trong quá khứ làm linh đơn thần dược, chỗ nào cũng bê nguyên si áp dụng. Họ không coi nhẹ giá trị tham khảo của kinh nghiệm, nhưng quyết không lệ thuộc vào nó. Trong thực tế, kinh nghiệm là một trong những tiền đề cơ bản để con người nhận thức thế giới, bất cứ lúc nào cũng đều cần thiết. Trong công việc thực tế, kinh nghiệm cũng là một trong những nhân tố của thành công. Tuy nhiên, cũng nên thấy rằng, kinh nghiệm thường có tính hạn chế rất lớn, nó bị giới hạn bởi trí tuệ cá nhân và độ rộng, độ sâu của hoạt động thực tế. Hơn nữa, hành động của con người luôn luôn hướng tới tương lai, trong khi kinh nghiệm lại chỉ thuộc về quá khứ.
Hiện đại hóa sản xuất và sự phát triển của kinh tế hàng hóa mang đến một loạt những thay đổi trong hoạt động xã hội. Sự phức tạp, mức độ thay đổi và sự ràng buộc tương tác lẫn nhau của các hoạt động xã hội vượt xa mọi thời kỳ trong quá khứ. Một quyết sách trọng đại luôn phải xét đến nhiều nhân tố, có kết cấu phức tạp, chức năng tổng hợp, khoảng cách thời gian và không gian rộng lớn, nhiều tham biến, lượng thông tin phong phú, nhiều chiều. Xã hội hiện đại thay đổi không ngừng làm cho mọi kinh nghiệm trở nên lỗi thời nhanh hơn. Người cố chấp giữ lấy kinh nghiệm của quá khứ khó tránh khỏi tổn thất. Nếu một người thiếu năng lực ứng biến linh hoạt thì có thể khẳng định rằng, bất kỳ phương án thành công có hiệu quả nào đối với anh ta cũng đều sẽ không có tác dụng.
PHẢI LINH HOẠT TÙY CƠ ỨNG BIẾN
Vì thiếu linh hoạt, không biết tùy cơ ứng biến mà gây ra sai sót thì thất bại và tổn thất gặp phải sẽ vô cùng lớn! Bởi vì thiếu đi sự linh hoạt hay tính uyển chuyển mà không ít nhân tài đã bị mai một, chí ít cũng không thể phát huy hết sở trường của bản thân.
Chúng ta cũng có thể gặp rất nhiều người đã tự chặn bước tiến bộ, tự làm mất bạn bè, mất khách hàng, mất tiền bạc của mình vì không đủ linh hoạt.
Nếu thiếu đi sự linh hoạt thì dù tài năng có cao đến đâu cũng không thể tùy cơ ứng biến, phát huy tài năng của mình.
Bạn có nhiều kiến thức, có kĩ năng chuyên môn cao, hoặc là một thiên tài về một vài lĩnh vực đặc biệt nào đó, nhưng trong xã hội, bạn chưa chắc đã đạt được vị trí cao. Thế nhưng nếu bạn là người linh hoạt, thì dù chỉ có chút ít tài năng bạn vẫn có thể phát triển.
Một người biết tính toán không những có thể tận dụng hết những gì anh ta biết mà còn có thể tận dụng được những thứ anh ta không biết, hơn nữa còn có thể chiếm được sự tin tưởng và khâm phục của mọi người.
Trong mọi góc độ của kinh doanh, linh hoạt là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là đối với thương nhân. Trong một thành phố có hàng nghìn nhà kinh doanh, muốn thu hút khách hàng thì sự linh hoạt và chiến lược là không thể thiếu.
Có một thương nhân nổi tiếng liệt tính linh hoạt vào vị trí đầu tiên trong những yếu tố của thành công, ba điều kiện còn lại là lòng nhiệt thành, kiến thức kinh doanh và thời gian chính xác.
Có một người cả đời nỗ lực nhưng vì thiếu linh hoạt mà làm hỏng cả sự nghiệp. Ông ta gần như hội tụ tất cả những điều kiện để trở thành một nhân vật lớn, một lãnh tụ, nhưng cách hành xử thiếu linh hoạt và làm cho người khác ác cảm đã cản trở sự nghiệp của ông. Ông ta thường nói và làm những việc không hợp thời thế, thường vô tình làm tổn thương người khác, phá hỏng hiệu suất công việc của bản thân. Tất cả đều là vì ông ta không hề nhận thức được ý nghĩa của tính linh hoạt hay sách lược. Ông ta chưa bao giờ có thể vui vẻ hòa hợp được với mọi người.
Người linh hoạt nhạy bén rất dễ kết bạn, bởi vì họ biết cách thu hút người khác. Khi gặp chúng ta lần đầu tiên, họ ngay lập tức sẽ tìm hiểu việc gì làm cho chúng ta hứng thú nhất, sau đó sẽ đàm luận với chúng ta về việc đó. Họ sẽ không chỉ nói về những việc liên quan đến bản thân họ, bởi vì họ hiểu rằng, không gì có thể thu hút hứng thú của chúng ta hơn những việc của bản thân chúng ta. Ngược lại, người không nhanh nhạy lại thích đàm luận những việc mà chỉ họ mới có hứng thú.
Rất nhiều người không muốn thử tiếp cận với người mà họ không thích, luôn thể hiện sự thiếu linh hoạt và nhạy bén. Giả sử có một người có những thói quen hoặc sở thích khiến họ không ưa, họ sẽ không muốn kết giao với người đó, sẽ thể hiện trực tiếp sự ác cảm với người đó. Giả sử ngẫu nhiên họ phải ở cùng với một người mà không thể thu hút hứng thú của họ, họ sẽ làm ra một bộ mặt lạnh nhạt, trở nên im lặng khiến cho đối phương cảm thấy bất an hoặc không vui.
Thường xuyên ép bản thân đi kết giao, tiếp cận với người mà mình vốn không muốn kết giao là cách huấn luyện bản thân tốt nhất. Qua một thời gian dài, người trước kia làm cho chúng ta ghét dần dần cũng có thể thu hút hứng thú của chúng ta. Mỗi người đều từ từ có được những hứng thú nhất định, việc này đối với người thông minh không phải là khó.
KHÔNG NÊN CỐ GIỮ MỘT TRIẾT LÝ
Khi thời thế thay đổi, bạn cần theo kịp “nhịp độ”, cần phải thay đổi để ứng phó với thay đổi, tìm kiếm lối thoát, nếu không bạn sẽ ở vào vị trí bị động. Cho nên lãnh đạo phải thuận theo thời thế, giỏi biến hóa, kịp thời điều chỉnh phương án hành động của bản thân, đây là phương pháp để lãnh đạo thích ứng với hiện thực.
Xã hội ngày nay, các sự vật đều phát triển và thay đổi rất nhanh, vì vậy người lãnh đạo cũng cần quan sát phân tích tình thế để đưa ra những cách ứng phó kịp thời, thay đổi theo thời thế mới có thể đạt được thành công.
Có hai tiều phu nghèo khổ sinh sống dựa vào việc lên núi nhặt củi. Một hôm, họ phát hiện hai bao tải bông to ở trên núi, hai người đều rất vui mừng vì chuyện bất ngờ này, giá bông cao hơn mấy lần so với giá củi, bán hai bao bông này đủ để cả nhà không phải lo ăn mặc trong một tháng. Ngay lập tức, mỗi người vác một bao bông nhanh chóng lên đường trở về nhà.
Hai người cứ thế đi, bỗng một trong hai tiều phu nhìn thấy trên con đường núi có một bó vải lớn, đến gần nhìn kỹ, họ nhận ra đó là vải gai cao cấp, tổng cộng có đến hơn mười xấp. Anh ta vui mừng khôn xiết, bàn với người bạn đồng hành cùng nhau bỏ bông trên vai lại, chuyển sang vác vải gai về nhà.
Người bạn đồng hành lại có cách nghĩ khác, cho rằng bản thân mình đã vác bông đi một đoạn đường dài, đến đây vứt bông đi thì quá uổng phí sự vất vả cực nhọc trước đó, nhất quyết không muốn đổi lấy vải gai. Nhiều lần khuyên người bạn đồng hành không được, người tiều phu trước đó phát hiện ra vải gai đành phải dùng hết sức lực của mình vác vải gai lên, tiếp tục đi về phía trước.
Lại đi được một đoạn đường, người tiều phu vác vải gai nhìn thấy trong rừng phát ra ánh sáng lấp lánh, dừng lại gần xem, dưới đất rải rác vài hũ vàng, trong lòng nghĩ lần này thật sự phát tài rồi, vội vã nói người bạn đồng hành bỏ vải gai và bông lại, dùng cái đòn gánh gánh củi để gánh vàng.
Người bạn đồng hành vẫn cố chấp, không chịu bỏ lại bông để tránh uổng phí sức lực vất vả đã bỏ ra; hơn nữa còn nghi ngờ chỗ vàng đó là giả, khuyên anh ta đừng phí công sức, kẻo lại xôi hỏng bỏng không.
Người tiều phu đã phát hiện ra vàng đành tự mình gánh hai hũ vàng và lên đường về nhà với người bạn vác bông. Xuống đến chân núi, bất chợt trời mưa một trận rất to, hai người không có chỗ trú bị mưa ướt hết. Càng không may hơn là bao bông to trên vai người tiều phu thấm đầy nước mưa, nặng đến mức không thể vác được nữa, người tiều phu đó bất đắc dĩ phải bỏ lại bao bông mà mình đã vất vả vác cả chặng đường, tay không cùng người bạn gánh vàng trở về nhà.
Đối mặt với cơ hội đang đến, con người thường có rất nhiều phương thức lựa chọn khác nhau. Có người sẽ đơn thuần tiếp nhận; có người hoài nghi, đứng một bên xem chừng; có người lại ngoan cố giống như con lừa, cố chấp không chịu tiếp nhận bất kỳ sự đổi mới nào. Lựa chọn khác nhau đương nhiên sẽ dẫn đến kết quả hoàn toàn khác nhau. Rất nhiều cơ hội, thoạt đầu chưa thể làm cho mỗi người nhìn thấy thành công to lớn ẩn đằng sau nó nên sự lựa chọn ban đầu sẽ quyết định thành công và thất bại sau đó.
Trong mỗi thời khắc quyết định của cuộc đời, việc vận dụng trí tuệ, đưa ra phán đoán đúng đắn, lựa chọn phương hướng chính xác đều thuộc về bạn. Đồng thời, bạn không được quên việc kiểm tra nhìn nhận xem quyết định mà bạn lựa chọn có sai lệch hay không để đưa ra điều chỉnh đúng lúc, nhất quyết không thể giống như người tiều phu vác bông, chỉ dựa vào một triết lý mà ngoan cố không màng đến mọi biến đổi của cuộc đời.
Luôn biết xem xét đánh giá quan niệm của mình, xem có đối lập với quy luật của thành công hay không. Theo đuổi thành công không có nghĩa là phải vứt bỏ hoàn toàn quan niệm của mình. Chỉ cần sửa đổi quan niệm, làm cho phù hợp với kinh nghiệm và lời khuyên của người thành công, thì bạn có thể đi đến được con đường của thành công.
Một lần nữa nhắc nhở bạn: Hãy từ bỏ sự cố chấp vô nghĩa, bình tĩnh dùng tấm lòng cởi mở để đưa ra sự lựa chọn chính xác. Mỗi lần lựa chọn chính xác là một lần chỉ dẫn cho bạn con đường bằng phẳng đi đến thành công.
ĐƯỜNG ĐI KHÔNG THUẬN THÌ ĐỔI SANG HƯỚNG KHÁC
Trong quản lý công ty thường sẽ xảy ra một số sự việc khiến lãnh đạo không kịp trở tay. Có một số lãnh đạo thường không biết xử lý thế nào, gây ra tổn thất cho uy tín của bản thân và công ty. Một người lãnh đạo ưu tú nên cần năng lực tùy cơ ứng biến để đối mặt với những việc phát sinh đột ngột, biết trấn tĩnh tự kiềm chế để xử lý sự việc một cách tốt đẹp, thỏa đáng.
Rất nhiều thứ thường thay đổi mạnh mẽ cùng với sự biến chuyển của thời đại. Ví dụ, trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, những khẩu hiệu khuyến khích tiêu thụ, có thể trong nháy mắt vì nguyên nhân thiếu nguồn năng lượng mà biến thành khẩu hiệu tiết kiệm. Vì vậy, đối với sự thay đổi của thời đại, nhu cầu của đại chúng, kỳ vọng của xã hội, người lãnh đạo phải quan sát nhạy bén, tăng cường dự đoán, như vậy mới có thể theo kịp thời đại, có được sự tín nhiệm của cấp dưới.
Khi hoàn cảnh thực tế thay đổi đột ngột, người lãnh đạo phải đích thân tiếp xúc với quần chúng, thu thập thông tin từ thực tế, sau đó dùng khả năng tư duy phán đoán để phân tích, nhanh chóng áp dụng đối sách tương ứng. Như vậy mới không bị cuốn theo những hiện tượng bề nổi của các trào lưu xã hội. Ngoài ra, tăng cường tham khảo đối chiếu một số tài liệu lịch sử, triết học cũng rất quan trọng.
Thế nhưng, những phương pháp thích ứng với thay đổi này là dựa trên cách làm vốn có hay dựa vào việc tìm tòi các cách nghĩ mới? Kết quả mà hai phương thức này mang lại sẽ có sự khác biệt rất lớn.
Ví dụ, để duy trì lợi ích của người tiêu dùng, có rất nhiều công ty lắng nghe phản ứng của khách hàng sau đó xử lý, tuy nhiên gần đây một số công ty đã chủ động đặt mình vào vị trí người tiêu dùng để tìm ra những biện pháp cải tiến trước, tránh cho công ty khỏi bị tổn thất. Cách làm này giúp doanh nghiệp theo kịp được những biến đổi của thời đại, tìm ra đối sách hợp lý hơn. So với biện pháp trước hiển nhiên là ưu việt hơn.
ĐỔI MỚI ĐỂ CHUYỂN BẠI THÀNH THẮNG
Khi nguy cơ đến gần, không nên hoảng loạn và cũng đừng ngồi bó tay mà phải dốc sức đối phó, bắt đầu từ những việc nằm trong khả năng. Đồng thời, dựa trên ý thức muốn đổi mới mạnh mẽ, mày mò sáng tạo đối sách để trong thời gian ngắn nhất xoay chuyển cục diện, chuyển bại thành thắng.
Năm 1985, công ty Boeing của Mỹ và công ty Airbus của châu Âu tranh giành hợp đồng với công ty All Nippon Airways (ANA). Vì công nghệ và độ an toàn của máy bay hai bên chênh lệch không nhiều, báo giá cũng tương đương nên ANA chưa đưa ra được quyết định ngay.
Trong thời điểm quan trọng này, công ty Boeing liên tiếp gặp phải sự cố. Trong thời gian hai tháng ngắn ngủi, trên thế giới liên tiếp xảy ra ba vụ tai nạn máy bay Boeing: Ngày 23 tháng 6, một chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Ấn Độ rơi tại khu vực Tây Nam Ireland, trên máy bay có 320 người tử nạn; ngày 17 tháng 8, một chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Nhật Bản rơi tại vùng núi miền Trung Nhật Bản, 520 khách du lịch tử nạn, phá vỡ kỷ lục về số người tử vong trong các vụ tai nạn máy bay trên thế giới; 5 ngày sau, một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không du lịch không trung nước Anh phát nổ khi cất cánh tại sân bay quốc tế Manchester, 54 người tử vong, 83 người bị thương. Một loạt tai nạn máy bay này khiến cho công ty Boeing chịu áp lực lớn, chất lượng sản phẩm của công ty bị người ta nghi ngờ. Quan trọng hơn là, những vụ tai nạn máy bay này, đặc biệt là vụ xảy ra tại Nhật Bản, lại xảy ra đúng lúc công ty Boeing đang tranh giành vụ làm ăn với Airbus.
Nhìn bề ngoài, rõ ràng trong trận chiến thương mại này, Boeing thua chắc, nhưng Thornton Wilson, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Boeing lại không chấp nhận điều đó. Ông nhanh chóng kêu gọi toàn bộ công ty dốc sức hành động, áp dụng biện pháp ứng biến khẩn cấp, nỗ lực vượt qua cửa ải khó khăn.
Wilson đưa ra một vài biện pháp như sau: Thứ nhất, mở rộng điều kiện ưu đãi, hỗ trợ tài chính, cung ứng linh kiện, dịch vụ bảo dưỡng máy bay và đào tạo nhân viên đội bay cho ANA; thứ hai, áp dụng đối sách nhằm vào Airbus: Airbus đưa ra kế hoạch giúp đỡ người Nhật chế tạo máy bay A320, Boeing liền đưa ra nguyện vọng muốn hợp tác với Nhật chế tạo máy bay 766 tiên tiến hơn; thứ ba, đánh từ ngoài vào, giành lấy thiện cảm của giới doanh nghiệp Nhật Bản: Boeing vốn định hợp tác chế tạo thân máy bay chở khách 767 với ba công ty nổi tiếng của Nhật là Mitsubishi, ChuanQi, Fuji. Sau khi xảy ra tai nạn máy bay, Boeing không những tăng ưu đãi cho đối tác mà còn chủ động cung cấp đơn đặt hàng trị giá 0,5 tỷ USD. Sau đó, công ty Boeing còn bỏ ra thêm rất nhiều nỗ lực, cuối cùng đã chiến thắng đối thủ, ký được hợp đồng với ANA, giá trị hợp đồng lên đến 1 tỷ USD.
Kịp thời ứng biến có thể xoay chuyển cục diện, nắm bắt quyền chủ động trước khi hoàn toàn bị đánh bại. Khi ứng biến, cần chú ý vài điểm sau đây:
• Đứng vững trên ưu thế của bản thân, như ưu thế về nhân sự, ưu thế địa lý, ưu thế kỹ thuật…, tận dụng đầy đủ những ưu thế này để triển khai đối sách.
• Tìm hiểu đầy đủ nhu cầu của đối phương, làm tốt công tác chuẩn bị có mục đích.
• Trên dưới một lòng, tăng cường sự tự tin và sức đoàn kết nội bộ.
• Gia tăng thêm lợi ích cho đối tác, bỏ cái lợi nhỏ để giành cái lợi lớn.
ÂM THẦM HÓA GIẢI NGUY CƠ
Năm 1994, tổng công ty Coca Cola của Mỹ nhận được cuộc điện thoại tố cáo của một người phụ nữ. Người phụ nữ này vô cùng phẫn nộ nói: “Trong lon Coca Cola tôi mua có một chiếc ghim băng! Nếu các người không thể cho tôi một lời giải thích thuyết phục, tôi sẽ khởi tố các người lên tòa án liên bang và công bố việc này trên các phương tiện truyền thông.”
Công ty Coca Cola không thể làm rõ chuyện này một sớm một chiều: Trong coca tại sao lại có kim băng? Không ai có thể giải thích được.
Lãnh đạo công ty Coca Cola rất coi trọng việc này. Vì ai cũng đều biết, chuyện như vậy nếu bị rêu rao ra ngoài, qua sự tuyên truyền rùm beng của các phương tiện truyền thông, uy tín hàng trăm năm của Coca Cola nhất định sẽ bị hủy hoại trong phút chốc. Lãnh đạo Coca Cola thành lập một tổ điều tra đặc biệt.
Tổ điều tra căn cứ theo lời của người phụ nữ, tìm ra cửa hàng nhỏ bán lẻ Coca, và theo đó điều tra ra cửa hàng bán buôn, cuối cùng xác định chai Coca Cola có kim băng bên trong là do nhà máy Coca Cola ở thị trấn George thuộc Colorado sản xuất. Tổ điều tra dẫn người phụ nữ tiến hành kiểm tra đột xuất nhà máy này, kết quả cho thấy điều kiện sản xuất của nhà máy rất tốt, vệ sinh sạch sẽ, công nhân cũng rất có trách nhiệm, căn bản không thể có chuyện để kim băng vào trong Coca.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Việc điều tra ra là không thể nữa. Tổ điều tra xin lỗi người phụ nữ đó, xin bà tha thứ và chân thành nói: “Bà xem, điều kiện sản xuất của chúng tôi rất tốt, kỷ luật làm việc rất nghiêm khắc, đặc biệt các công nhân tuyệt đối có trách nhiệm với khách hàng, xảy ra chuyện như vậy chắc chắn là một điều ngoài ý muốn. Đáng tiếc là chúng ta không thể điều tra ra nguyên nhân. Thế nhưng, xin bà hãy tin rằng, chúng tôi sẽ tăng cường quản lý hơn nữa, bảo đảm những chuyện tương tự tuyệt đối sẽ không bao giờ xảy ra. Để bồi thường cho những sợ hãi mà bà phải chịu, chúng tôi sẽ bồi thường tổn thất tinh thần cho bà là 10.000 đôla. Đồng thời, để cảm ơn sự tín nhiệm và trung thành của bà đối với Coca Cola, chúng tôi mời bà đến tham quan tổng công ty Coca Cola. Nếu bà còn điều gì chưa hài lòng, xin bà cứ nói, chúng tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức làm bà hài lòng.”
Người phụ nữ đó thấy công ty Coca Cola có thái độ chân thành nên không còn giận dữ, cuối cùng đã vui vẻ đi tham quan tổng công ty Coca Cola.
Đối mặt với nguy cơ, công ty Coca Cola đã thể hiện dũng khí và sự ngay thẳng chân thành của mình. Lãnh đạo công ty đã chủ động liên lạc với người phụ nữ tố cáo, bình tĩnh, linh hoạt hóa giải một nguy cơ có thể dẫn đến tai họa to lớn.