Làm người phải thành thực, giữ chữ tín
✱ Người lãnh đạo cho dù quan hệ với ai, trên lĩnh vực gì, quan hệ như thế nào, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là giữ chữ tín.
✱ Trên đời không có quảng cáo nào tốt hơn sự thành thật, giữ danh dự trong lời nói và hành động mới có thể chiếm được lòng tin của người khác.
✱ Lãnh đạo phải có thói quen đối xử chân thành với người khác, dùng tấm lòng chân thành để đạt được những thành công trong sự nghiệp.
✱ Giữ được chữ tín nhỏ sẽ giữ được chữ tín lớn, từ quản lý đất nước, trông coi gia đình đến kinh doanh buôn bán, đều cần phải giữ chữ tín.
THÀNH TÍN LÀ NỀN TẢNG ĐỂ AN THÂN LẬP NGHIỆP
Phẩm chất thành thực, chính trực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ và tác phong làm việc của một người lãnh đạo. Đồng thời có ý nghĩa quyết định đối với sự hưng suy của những chính sách mà người đó đưa ra và hình ảnh của người đó trong mắt quần chúng. Vì vậy, một người lãnh đạo muốn bảo đảm thành công trong sự nghiệp, cần phải có phẩm chất cao thượng, chính trực và cần hình thành tác phong làm việc thực sự cầu thị. Khổng Tử từng nói: “Thành tín chính là nền tảng để an thân lập nghiệp.”
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai1 chính là một điển hình lãnh đạo có phẩm chất thành thực, chính trực. Chu Ân Lai thường nói, trước thực tế khách quan, chúng ta cần dùng thái độ trung thực để phản ánh diện mạo vốn có của sự vật. Phải phản ánh chân thật các tình huống xảy ra, có một nói một, có hai nói hai; chuyện vui báo vui, chuyện buồn báo buồn. Phải ghi chép chính xác lịch sử, quang minh ghi quang minh, đen tối ghi đen tối. Phải đánh giá khách quan con người, công là công, tội là tội. Phải tổng kết trung thực công việc, thành tích báo thành tích, lỗi sai báo lỗi sai; bao nhiêu thành tích báo bấy nhiêu thành tích, bao nhiêu lỗi sai báo bấy nhiêu lỗi sai, không thêm lên cũng không bớt đi.
1 Chu Ân Lai (1898–1976): Nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng giữ chức Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1949 đến 1976.
Có thể thấy, chính trực, thành thật là một phẩm chất rất đáng quý. Người có được phẩm chất này, đối với cấp trên, không a dua xu nịnh, đối với cấp dưới, biết lắng nghe ý kiến và không bị mê hoặc bởi những “kẻ nịnh thần”. Trong đối nhân xử thế, những người này nắm chắc phương hướng của bản thân, có thể trụ vững ngay cả khi tình thế thay đổi.
THÀNH TÍN LÀ TÀI SẢN VÔ HÌNH
Những đạo lý đối nhân xử thế khác nhau sẽ mang lại những kết quả khác nhau, trong cả cuộc sống và công việc; đối với cả người bình thường và người lãnh đạo. “Điều mà bản thân không muốn thì cũng đừng mang đến cho người khác”, “Điều mà bản thân mong muốn thì hãy làm cho người khác trước”. Nếu trong kinh doanh, bạn thích giở những trò khôn vặt, không trung thực đối đãi với người khác thì sớm muộn gì cũng sẽ nếm mùi thất bại. Đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Phương pháp giải quyết dành cho bạn đó là xem xét vấn đề từ góc độ của người khác.
Dùng sự chân thành, thẳng thắn và nhiệt huyết của mình đổi lấy sự tín nhiệm và thấu hiểu của những người xung quanh. Đối với cấp dưới, với khách hàng, với đối tác mà đều làm được như vậy, bạn sẽ dần dần xây dựng được uy tín cho mình. Có ngày bạn sẽ phát hiện ra uy tín mang lại cho bạn một tài sản to lớn.
Người tiêu dùng yêu cầu thái độ thành thật của nhà cung cấp. Là một người lãnh đạo càng cần phải dựa trên nguyên tắc trung thực, tình cảm chân thành và danh tiếng uy tín để giành được sự ủng hộ của khách hàng và nhân viên. Người lãnh đạo cần hiểu rõ, thành tín là một sức mạnh và một tài sản vô hình to lớn.
Lấy ví dụ, vào thời kỳ Sở Hán tranh bá, có một vị tướng nổi tiếng tên là Quý Bố. Ông vốn là thủ hạ dưới quyền Hạng Vũ, đánh trận dũng mãnh, Lưu Bang đã nhiều phen lao đao vì ông, nên ngày đêm luôn canh cánh trong lòng. Khi Hạng Vũ tự sát, Lưu Bang sau khi thống nhất thiên hạ lập tức treo thưởng truy bắt Quý Bố: Bất kỳ người nào chỉ cần lấy được đầu Quý Bố sẽ có thể đổi lấy ngàn vàng, ngược lại nếu bao che Quý Bố sẽ bị giết cả nhà.
Thế nhưng vẫn có người chấp nhận bao che cho Quý Bố, thậm chí thay ông cầu xin Lưu Bang.
Rốt cuộc Quý Bố là người như thế nào mà có thể làm cho người khác tôn trọng ông như vậy? Nguyên nhân thật ra rất đơn giản, Quý Bố là một thống soái dũng mãnh, nhưng đồng thời cũng là một quân tử giữ chữ tín.
Thời đó lan truyền một câu tục ngữ: “Có được hai nghìn lạng vàng không bằng có được một lời hứa của Quý Bố.”
Sau đó Lưu Bang quả nhiên đã tha cho Quý Bố, và để ông làm quan trong triều. Quý Bố vẫn giữ tác phong vốn có, không khuất phục trước quyền quý danh lợi, cũng không chịu sự ảnh hưởng của người khác, phân biệt đúng sai rõ ràng, không chút hàm hồ. Vì vậy danh tiếng của ông càng ngày càng vang xa, chức quan càng ngày càng cao. Trong số những tướng cũ của Hạng Vũ đầu hàng, ông là người có thành tựu nhất.
Là một người lãnh đạo, cho dù giao thiệp với ai, giao tiếp trên lĩnh vực gì, quan hệ như thế nào, một trong những nhân tố quan trọng nhất chính là uy tín. Một lãnh đạo hay một doanh nghiệp, nếu có thể đạt được sự tín nhiệm của quần chúng và được xem là “con người đó khi nói ra thì nhất định sẽ làm được” hay “sản phẩm của công ty đó sản xuất nhất định là không có vấn đề” thì khi đó, người lãnh đạo hay doanh nghiệp đã ở vào vị trí bất bại rồi.
UY TÍN LÀ HÌNH THỨC QUẢNG CÁO TỐT NHẤT
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường thấy phụ huynh dạy con em mình: “Phải là một đứa trẻ thành thật, không được nói dối mẹ.” Cách dạy dỗ này sai sao? Khẳng định là không sai. Tuy nhiên chúng ta hãy xem cùng với việc dạy dỗ con em mình như vậy, bản thân những phụ huynh đã làm như thế nào, từ việc nhỏ như tự giác mua vé khi lên xe buýt cho đến việc lớn như giao tiếp đối xử với người khác.
Nhân vật Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu chính là một vị anh hùng hiệp nghĩa có tấm lòng ngay thẳng. Quách Tĩnh “trung thành thật thà, có tấm lòng hiệp nghĩa, tính tình chất phác, lại rất biết lắng nghe, giản dị hiền lành, tâm tư đơn giản, không có những ý nghĩ không đúng đắn, luôn khoan dung độ lượng với người khác như với chính bản thân mình, không bỏ mặc người khác những lúc hiểm nguy”. Sự thật thà trung hậu, tấm lòng hiệp nghĩa và sự thành thật giữ tín đã giúp Quách Tĩnh chiếm được sự tôn trọng của nhân sĩ các chính phái trong giang hồ.
Thời kỳ Tam Quốc, quần hùng cát cứ, Tôn Quyền tạm thời chiếm giữ vùng Giang Nam đất đai màu mỡ, điều kiện vật chất vô cùng ưu việt; Tào Tháo, một thời kiêu hùng dũng mãnh, nắm giữ hàng triệu quân binh, vị trí địa lý thuận lợi, uy chấn một phương. Lưu Bị về mọi mặt đều không bằng người khác, phải làm thế nào để có thể độc chiếm Thục quốc, cùng với Tôn, Tào tạo nên thế kiềng ba chân vững chắc? Lưu Bị dựa vào phẩm chất thành tín của mình khiến cho vô số anh hùng hào kiệt quy thuận dưới chiếu. Những câu chuyện như “Ba huynh đệ kết nghĩa vườn đào”, “Ba huynh đệ thăm túp lều tranh” hàng nghìn năm trở lại đây đều là những câu chuyện được người đời ca tụng.
Có người nói: “Không gian trá thì không thể làm thương nhân, ngược lại những người là thương nhân thì thường gian trá”. Câu nói này không đúng! Sự phát triển của một doanh nghiệp luôn phải dựa vào uy tín, không có uy tín, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển.
Mizuno là một nhãn hiệu đồ dùng thể thao nổi tiếng thế giới của Nhật Bản. Phương thức kinh doanh của công ty này rất đặc biệt. Trong phần túi ở quần áo thể thao do công ty này sản xuất đều có một nhãn mác nhỏ ghi nội dung: “Loại quần áo thể thao này sử dụng thuốc nhuộm màu tốt nhất, với kỹ thuật tẩy nhuộm hàng đầu. Tuy nhiên có một điều đáng tiếc duy nhất là màu nâu vẫn sẽ bị phai một chút, kính mong lượng thứ.” Phương pháp tự mình bộc lộ thiếu sót này không những không làm mất đi lượng người tiêu dùng, mà còn lấy được sự tin tưởng của người tiêu dùng, khiến Mizuno trở thành một nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Cùng với công cuộc cải cách mở cửa, ở Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Từ quá trình phát triển của những doanh nghiệp nổi tiếng này có thể thấy, một trong những bí quyết thành công của họ chính là coi trọng uy tín.
Tập đoàn Hải Nhĩ hiện nay đã đứng trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn mạnh nhất thế giới với chất lượng sản phẩm đứng hàng đầu. Tuy nhiên ít ai biết rằng, mười mấy năm trước tập đoàn này chỉ là một nhà máy sản xuất tủ lạnh không hề có tiếng tăm do xưởng sản xuất tủ lạnh Thanh Đảo, công ty Bác Hải Nhĩ và công ty Oakerson House Leigh của Đức hợp tác đầu tư.
Trương Thụy Mẫn, tổng giám đốc tập đoàn Hải Nhĩ khi tổng kết kinh nghiệm đã nói rằng: “Khi nhà máy sản xuất tủ lạnh Hải Nhĩ mới được thành lập, nếu so về tên tuổi, về vị thế, về chất lượng đều chưa là gì, nhưng chúng tôi kiên quyết phát triển chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ để tạo nên uy tín tốt, từ đó thu hút được rất nhiều người tiêu dùng.”
Năm 1985, Trương Thụy Mẫn nhận được một bức thư từ khách hàng phản ánh tủ lạnh nhãn hiệu “Thụy Tuyết” mà họ sản xuất không đạt tiêu chuẩn. Qua điều tra, vấn đề đúng là do nhà sản xuất. Trương Thụy Mẫn đã phá hỏng loạt 76 chiếc tủ lạnh không đạt tiêu chuẩn đó trước mặt toàn bộ nhân viên, đồng thời nói với họ rằng: “Sau này ai làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm, người đó sẽ bị trừ lương.” Hành động đó của Trương Thụy Mẫn gây chấn động mạnh trong cả nhà máy, làm cho mỗi người công nhân đều tăng cường ý thức trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm nhãn hiệu Hải Nhĩ ngày càng được nâng cao.
Dịch vụ sau bán hàng của Hải Nhĩ cũng rất chu đáo, nhận được sự đánh giá tốt của khách hàng. Mọi người đều quen thuộc với câu quảng cáo thiết bị điện Hải Nhĩ “Hải Nhĩ - mãi mãi chân thành”. Câu quảng cáo này cũng thể hiện một cách đầy đủ quan niệm kinh doanh của tập đoàn. Hải Nhĩ dựa vào uy tín đã mở rộng thị trường Trung Quốc và thế giới, đạt được những thắng lợi mang tính chiến lược.
DOANH NGHIỆP CẦN LẤY UY TÍN LÀM NÒNG CỐT
Hồ Tuyết Nham1 có câu nói: “Bao nhiêu năm nay tôi vẫn chưa hiểu tại sao không có gian sỹ, gian nông, gian công mà chỉ có gian thương? Điều đó chứng tỏ lương tâm của người làm kinh doanh rất cần được chú trọng. Có điều, phải chú trọng như thế nào thì tôi không rõ. Bây giờ thì rõ rồi! Tuân thủ kỷ cương pháp luật, chân thành với khách hàng, như vậy chính là có lương tâm, mới không phải là gian thương!”
1 Hồ Tuyết Nham: Doanh nhân Trung Quốc, nổi tiếng ở Hàng Châu, từ một chân chạy việc ông đã sở hữu trong tay rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu ở Hàng Châu.
Câu nói của Hồ Tuyết Nham thực ra chính là nói đến vấn đề chữ tín. Lý Gia Thành2 cũng từng nói: “Sự bắt đầu của một doanh nghiệp cũng là sự bắt đầu của quá trình gây dựng một uy tín tốt. Có được uy tín, tự nhiên sẽ có được con đường sinh lợi, uy tín ở đây là phẩm chất đạo đức mà một doanh nghiệp cần phải có. Cũng giống như làm người phải trung thành, có nghĩa khí. Đối với mỗi câu nói, mỗi lời hứa của bản thân, nhất định phải ghi nhớ và thực hiện cho bằng được.”
2 Lý Gia Thành: Tỷ phú người Triều Châu, Trung Quốc, là một trong những người giàu nhất thế giới, nổi tiếng về tính nhạy bén trong kinh doanh.
Lý Gia Thành định nghĩa uy tín chính là nói được làm được, hay điều đó cũng có ý là: “Người lãnh đạo trước khi chưa xác định được toàn bộ sự việc, tuyệt đối không thể dễ dãi đưa ra bất kỳ lời hứa nào! Một lời hứa không được thực hiện sẽ khiến người nghe thất vọng. Đây là sai lầm mà một lãnh đạo không thể mắc phải. Người lãnh đạo trừ phi có quyền lực để thực hiện mọi điều, nếu không nhất quyết không nên đưa ra lời hứa.”
Robert Bosch, người sáng lập ra tập đoàn công nghệ lớn của Đức Rorbert Bosch GmbH, cũng có quan điểm riêng của mình về uy tín trong kinh doanh. “Tôi có một nguyên tắc kiên định, khi ký kết hợp đồng: Nếu bản hợp đồng không thể khiến hai bên ký kết hài lòng, thì hai bên đều là người thua cuộc, một bên mất tiền, bên còn lại mất uy tín. Khi đã lập ra hợp đồng thì không có sự trù tính ngấm ngầm, và phải thực hiện hợp đồng một cách chuẩn xác, đây là cách làm hết sức sáng suốt trong làm ăn buôn bán.”
Như vậy có thể thấy dù kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào, ở bất cứ thời điểm nào người lãnh đạo đều phải lấy thương hiệu và uy tín làm nòng cốt, như vậy mới mong có được thành công.
HÃY LÀ MỘT NGƯỜI THÀNH THỰC
Nếu bạn là một người thành thật, mọi người sẽ yêu quý và tin tưởng bạn. Cho dù trong hoàn cảnh nào, mọi người đều biết bạn sẽ không che giấu, không thoái thác, cũng không biện minh cho hành động của mình; họ hiểu những điều bạn nói là lời nói thật.
Những người từng đạt được thành công lớn đều có chung nhiều đặc điểm, một trong số đó chính là thành thật với người khác. Nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng thế giới George chính là người nổi tiếng với phẩm chất thành thật.
George thường kể với mọi người một câu chuyện trong thời kỳ đầu khi ông bắt đầu làm nhân viên nghiệp vụ bất động sản tại Illinois. Ông đang rao bán một ngôi nhà mà theo lời chủ nhà thì: “Ngôi nhà này tất cả phần khung đều còn rất tốt, chỉ có mái nhà đã quá cũ, cần sửa chữa lại.” Khách hàng mà George dẫn đến xem nhà là một đôi vợ chồng trẻ. Họ nói tiền họ chuẩn bị để mua nhà có hạn, rất sợ chi vượt kế hoạch, cho nên muốn tìm một ngôi nhà không cần phải sửa chữa nhiều. Sau khi xem nhà xong, họ rất thích ngôi nhà đó, đặc biệt là vị trí của nó và muốn ngay lập tức chuyển đến ở. Lúc này George nói với họ: “Ngôi nhà này cần tốn 78.000 đôla để sửa chữa lại toàn bộ phần mái nhà.”
George biết, nói ra sự thật về phần mái của ngôi nhà đó, vụ làm ăn này có thể sẽ không thành. Quả đúng như vậy, đôi vợ chồng trẻ khi nghe đến phải tốn nhiều tiền như vậy thì không muốn mua nữa. Một tuần sau, George được biết họ đã đi tìm một sở giao dịch bất động sản khác, bỏ tiền ra mua một ngôi nhà tương tự.
Ông chủ của George nghe nói vụ làm ăn này bị người khác giành mất, vô cùng tức giận. Ông ta gọi George về văn phòng.
Ông chủ rất không hài lòng với giải thích của George, càng không vui vì việc George bận tâm thay cho đôi vợ chồng trẻ đó về vấn đề kinh tế. “Họ không hề hỏi anh về tình hình của mái nhà!” Ông ta gào lên: “Anh không có trách nhiệm phải nói ra việc mái nhà cần phải sửa chữa, chủ động nói ra chuyện này là ngu xuẩn! Anh không có quyền nói ra, kết quả là anh đã làm hỏng việc!” Sau đó ông ta sa thải George.
Nếu George là một kẻ thất bại, lúc đó ông sẽ nghĩ: “Mình nói sự thật cho đôi vợ chồng đó, thật sự là một việc làm ngốc nghếch, tại sao mình lại phải lo nghĩ cho người khác? Mình sẽ không bao giờ nhiều lời như vậy nữa. Mình thật là ngốc!”
Nhưng George hy vọng trở thành người thành thật, ông luôn được dạy dỗ là phải trung thực. Bố ông thường nói với ông rằng: “Khi con bắt tay với người khác thì coi như là đã ký kết hợp đồng với người đó, đã nói ra là phải giữ lời. Nếu con muốn làm ăn lâu dài, thì phải hiểu đạo lý ấy.” Điều mà George quan tâm nhất chính là uy tín của ông chứ không phải tiền. Lúc đó, mặc dù ông rất muốn bán ngôi nhà đó, nhưng quyết không vì thế mà làm tổn hại tư cách của bản thân. Cho dù mất việc, ông vẫn kiên trì giữ vững nguyên tắc làm việc của mình, đó là nói toàn bộ sự thật.
George mượn một người họ hàng mà ông từng giúp đỡ một số tiền và chuyển đến California, mở một sở giao dịch bất động sản nhỏ. Sau vài năm, ông trở nên nổi tiếng vì thành thực và coi trọng đạo lý kinh doanh. Cách làm ăn như vậy khiến ông mất đi không ít hợp đồng, nhưng mọi người đều biết ông là người đáng tin cậy. Cuối cùng, ông đã mang lại cho mình một danh tiếng tốt, việc làm ăn rất phát triển, thành lập được văn phòng kinh doanh ở rất nhiều nơi trên cả nước.
Vì vậy, trong cuộc sống cá nhân hay trong công việc, có thể vì thành thật mà bạn nhất thời mất đi thứ mình muốn có. Nhưng trong cả hành trình dài của cuộc đời, mất đi một số thứ để giành được những thứ nên có thì không có gì là không đáng. Cái mà bạn cần là xây dựng uy tín, gây dựng danh tiếng thành thật, chính trực, hãy làm cho lời nói của mình được người khác tin tưởng.
SỐNG CHÂN THÀNH SẼ GIÀNH ĐƯỢC LÒNG TIN
Thế nào là “thật”? “Thật” chính là không giả, không lừa gạt người khác. Đối xử chân thành, làm việc trung thực là phẩm chất mà một người lãnh đạo cần phải có. Phải là người có phẩm chất này mới có thể mở rộng tấm lòng để người khác thấy, làm cho họ hiểu, đón nhận, giúp đỡ và ủng hộ mình, làm cho sự nghiệp của mình đạt được thành công và giành được sự tôn trọng, ngưỡng mộ của mọi người. Người lãnh đạo phải có thói quen đối xử chân thành với người khác, dùng con người chân thật của mình để đạt lấy những thành công trong sự nghiệp.
Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt luôn được mọi người kính trọng. James Amos, một người giúp việc của Roosevelt đã viết một cuốn sách về ông, lấy tên là Roosevelt, anh hùng của những người đày tớ. Trong cuốn sách này, Amos viết:
“Có một lần vợ tôi hỏi tổng thống về một loại chim. Bà chưa từng nhìn thấy loại chim này, vì vậy tổng thống miêu tả nó một lượt rất kỹ. Không lâu sau, chuông điện thoại trong phòng chúng tôi vang lên. Vợ tôi nhấc điện thoại, thì ra chính là tổng thống. Ông nói, ông gọi điện là muốn nói rằng ngoài cửa sổ đang có một con chim, đó chính là con chim mà bà vừa hỏi, nếu nhìn ra ngoài thì bà có thể thấy nó. Ông thường xuyên làm những việc nhỏ như vậy. Mỗi lần ghé qua căn phòng nhỏ của chúng tôi, cho dù không nhìn thấy ai, chúng tôi cũng sẽ nghe thấy ông nói khe khẽ ‘u, u, u, Anne!’, ‘u, u, u, James!’ Đó là cách chào hỏi thân thiện khi ông ghé qua.”
Sau khi Roosevelt thôi chức, một hôm, ông đến thăm Nhà Trắng. Ông chào hỏi tất cả những người làm việc ở Nhà Trắng mà ông từng biết, gọi đúng tên của từng người, thậm chí cả cô bếp.
Trong cuốn sách viết: “Khi ông gặp Lady Alice, người làm việc trong nhà bếp, ông liền hỏi cô ấy có còn nướng bánh mỳ ngô không, Alice trả lời ông rằng thỉnh thoảng cô có nướng một ít bánh mỳ cho những người giúp việc, nhưng những người lầu trên đều không ăn.
‘Khẩu vị của bọn họ thật là tồi’, Roosevelt nói có chút bất bình, ‘Đợi khi tôi gặp được tổng thống, tôi sẽ nói với ông ta như vậy.’ Alice bưng đến cho ông một chiếc bánh mỳ ngô, ông cầm lên vừa ăn vừa đi đến văn phòng, chào hỏi những người lao công và người làm vườn khi đi qua bên cạnh họ.”
Điểm cơ bản hấp dẫn nhất của một nhân cách hoàn thiện chính là sự chân thành. Đối xử chân thành với người khác, thận trọng giữ tín nghĩa chính là điều kiện tiên quyết cần thiết để lấy được lòng người và thu hút người khác. Đối đãi chân thành một chút, giữ chữ tín một chút, thì có thể giành được nhiều hơn sự tin tưởng, thấu hiểu, có được nhiều hơn sự ủng hộ, hợp tác, từ đó gặt hái được nhiều thành công hơn.
Chúng ta cần biết người mà đối đãi, đối với người chưa hiểu rõ lắm nên có sự phòng bị, đối với người đã hiểu rõ và bạn bè tin cậy thì nên tín nhiệm nhiều hơn. Bạn hoàn toàn không cần phải thật thật giả giả, che giấu bản thân, hồ nghi xét đoán những người bạn hoàn toàn đáng tin cậy, làm như vậy thật sự là không sáng suốt. Một người chân thành thật thà thì nhất định sẽ bộc lộ tấm lòng thành thật. Mở rộng tấm lòng để đối phương cảm thấy bạn tín nhiệm anh ta, từ đó xóa bỏ nghi ngờ, phòng bị, coi bạn là người bạn tri kỷ, vui vẻ chia sẻ với bạn tất cả. Thật ra sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người đều có một mặt đóng kín và một mặt rộng mở, con người luôn hy vọng có được sự thấu hiểu và tín nhiệm của người khác. Đương nhiên, chỉ nên rộng mở với người mà bản thân mình tin tưởng. Đối xử chân thành có thể có được sự tín nhiệm của mọi người, có thêm những người bạn giúp đỡ mình bằng toàn bộ sức lực và tinh thần. Khi phát triển quan hệ giữa người với người, trong quá trình giao tiếp với người khác, nếu sự phòng bị, nghi ngờ được thay thế bằng sự thành thật, thì luôn luôn có thể đạt được những kết quả tốt đẹp ngoài dự liệu.
TẬN LỰC VỚI CÔNG VIỆC ĐƯỢC ỦY THÁC
“Người không có uy tín thì không có chỗ đứng.” Khi bạn đồng ý chuyện gì với người khác, đối phương tự nhiên sẽ kỳ vọng vào bạn; một khi phát hiện ra bạn chỉ hứa suông, nói lời không giữ lời, họ sẽ có thái độ rất ác cảm. Lời hứa suông mang đến cho người khác nhiều phiền phức bực dọc, và khiến cho uy tín của bản thân bị tổn hại. Đối với việc được người khác ủy thác cần phải tận tâm tận lực hoàn thành, đồng thời không nên nhận làm những việc mà khả năng của bản thân không cho phép. Washington1 từng nói: “Nhất định phải giữ lời hứa, đừng nhận làm một việc ngoài khả năng của mình.” Vị tổng thống hiền tài này nhắc nhở mọi người, đừng vì lấy lòng người khác mà tùy tiện nhận lời hứa, nhận làm những công việc ngoài khả năng của mình mà kết quả lại không thể thực hiện được như đã hứa thì sẽ rất dễ đánh mất đi sự tin tưởng.
1 George Washington (1732-1799): Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Người xưa vốn xem việc giữ uy tín là nguyên tắc chính trong đối nhân xử thế, là phẩm chất cơ bản để tề gia trị quốc, đã nói thì phải làm, đã làm thì phải có kết quả. Từ trước đến nay, người biết giữ uy tín luôn nhận được sự hoan nghênh và ca tụng của mọi người, người không giữ uy tín lại bị mọi người trách cứ và xem thường.
Vào thời Đông Hán, Trung Quốc có hai người học trò là Trương Thiệu ở quận Nhữ Nam và Phạm Thức ở quận Sơn Dương cùng học tại kinh thành Lạc Dương. Khi kết thúc khóa học, lúc từ biệt nhau, Trương Thiệu đứng trên con đường, trông về những con chim nhạn trên bầu trời bao la nói: “Hôm nay chúng ta từ biệt, không biết năm nào mới có thể gặp lại…”. Phạm Thức kéo tay Trương Thiệu: “Huynh đệ, đừng có buồn rầu. Mùa thu hai năm sau, tôi nhất định đến nhà huynh kính thăm song thân, cùng huynh tụ hợp.”
Mùa thu của hai năm sau, một hôm, Trương Thiệu bỗng nghe thấy tiếng chim nhạn trên bầu trời, bồi hồi tự nhủ: “Huynh ấy sắp đến rồi.” Sau đó Trương Thiệu nhanh chóng về nhà, nói với mẹ mình: “Mẹ, vừa rồi con nghe thấy tiếng chim nhạn trên trời, Phạm Thức sắp đến rồi, chúng ta mau chuẩn bị thôi!” “Con trai ngốc, Sơn Dương cách đây hơn một ngàn dặm, sao Phạm Thức có thể đến được?” Mẹ Trương Thiệu không tin, lắc đầu thở dài: “Chặng đường hơn một ngàn dặm!” Trương Thiệu nói: “Phạm Thức là người chính trực, thành khẩn, rất coi trọng chữ tín, huynh ấy không thể không đến.” Người mẹ già đành nói: “Được rồi, được rồi, sẽ đến, mẹ đi chuẩn bị chút rượu.” Thật ra, người mẹ không tin, chỉ là sợ con trai đau buồn nên an ủi con mà thôi.
Ngày hẹn đến, Phạm Thức quả nhiên vượt đường xa ngàn dặm tới thăm Trương Thiệu. Bạn cũ lâu ngày gặp lại, vô cùng thân thiết. Người mẹ già đứng một bên gạt nước mắt, cảm động nói: “Trên đời hóa ra thực sự có người bạn giữ chữ tín như vậy!” Câu chuyện Phạm Thức giữ lời hứa luôn được người đời sau truyền tụng như một giai thoại về việc giữ chữ tín.
Trọng chữ tín, giữ tín nghĩa, là đạo lý xử thế lập thân, là phẩm chất và tình cảm cao thượng, nó biểu hiện sự nghiêm túc và tôn trọng đối với người khác. Thế nhưng, chúng ta cũng phản đối những lời hứa vượt quá thực tế, những lời hứa hươu hứa vượn; càng phản đối hành vi nói lời không giữ lời, làm trái lời hứa, không giữ đạo nghĩa.
NGĂN CHẶN TRIỆT ĐỂ TÂM ĐỊA DỐI TRÁ
Từ xưa đến nay, người làm được việc lớn đều là những người có được lòng tin của người khác. Ngày nay, người lãnh đạo muốn làm được việc lớn đương nhiên cũng không ngoại lệ. Chỉ có hình thành thói quen giữ uy tín mới có thể lấy được lòng tin của người khác trong hợp tác công việc và làm nên nghiệp lớn.
Thời kỳ Tam Quốc, năm Kiến Hưng đời Thục Hán thứ chín, Gia Cát Lượng dùng trâu gỗ vận chuyển quân lương, xuất binh đến Kỳ Sơn tấn công quân Ngụy. Quân Ngụy quân đông tướng mạnh, khí thế hung hãn, Gia Cát Lượng không dám khinh địch, nên lệnh cho quân đội chiếm giữ vùng núi hiểm trở, bày sẵn thế trận chờ đợi. Hai bên Ngụy - Thục, cờ quạt trước mắt, khắp nơi cảnh giác phòng bị cẩn mật, chiến tranh lúc nào cũng có thể xảy ra. Vào thời khắc quan trọng đó, trong quân Thục có 8 vạn binh sĩ đã mãn kỳ nghĩa vụ, đang chờ đợi trở về quê hương. Trong khi đó quân Ngụy có hơn 30 vạn binh, biên chế chặt chẽ. Sau khi 8 vạn cựu binh giải ngũ, quân Thục sẽ càng trở nên yếu mỏng. Các tướng lĩnh đều vì thế mà cảm thấy âu lo. Những chiến sĩ đang chờ đợi trở về đó cũng cảm thấy lo sợ rằng nguyện vọng hồi hương chờ đợi bấy lâu không thể lập tức thực hiện, mà phải chờ đến khi cuộc chiến kết thúc.
Không ít tướng lĩnh nêu ý kiến giữ lại 8 vạn binh đó, kéo dài thời hạn một tháng, đợi đánh xong trận này rồi mới cho về. Nhưng Gia Cát Lượng kiên quyết từ chối: “Thống soái ba quân cần phải lấy chữ tín làm đầu, ta sao có thể vì nhu cầu nhất thời mà thất tín với quân dân?” Gia Cát Lượng ngừng lại rồi nói: “Hơn nữa các binh sĩ đi xa lòng nhớ quê nhà, phụ mẫu thê tử ngày ngày tựa cửa ngóng trông, mong chờ họ sớm ngày trở về đoàn tụ.” Sau đó, ông lần lượt hạ lệnh, thúc giục các binh sĩ khởi hành. Lệnh vừa được ban, tất cả những người chuẩn bị về quê hương vừa bất ngờ vừa vui mừng, cảm kích đến nước rơi nước mắt, đề đạt nguyện vọng được ở lại tham gia chiến đấu. Các binh sĩ khác trong đội quân cũng nhận được sự cổ vũ lớn, sĩ khí dâng cao, tinh thần phấn chấn, sẵn sàng chuẩn bị tiêu diệt quân Ngụy.
Gia Cát Lượng trong thời khắc quan trọng không thay đổi mệnh lệnh cũ, làm cho mệnh lệnh hồi hương biến thành lời động viên chiến đấu. Quân Thục người người hăng hái dũng cảm, xung phong lên trước, quân Ngụy thất bại nặng nề, Tư Mã Ý bị buộc dẫn quân rút lui. Khi khao thưởng ba quân, Gia Cát Lượng đặc biệt khen thưởng những binh sĩ từ bỏ việc trở về quê hương, chủ động ở lại tham chiến. Doanh trại quân Thục vui vẻ hân hoan.
Gia Cát Lượng có được sự tin tưởng của binh sĩ, ông thà để bản thân nhất thời ở vào thế bí cũng phải giữ uy tín với binh sĩ và nhân dân. Một lần hành động thất tín có thể giải quyết được nguy cơ tạm thời, nhưng tai họa ẩn nấp sau đó còn nguy hiểm hơn nhiều. Gia Cát Lượng hiểu rất sâu sắc vấn đề này.
Trong hoạt động kinh doanh, hành vi lừa gạt có thể giúp bạn đạt được lợi ích nhất định, nhưng đồng thời cũng khiến bạn mất đi sự tín nhiệm của người khác. Người không có uy tín khó có được chỗ đứng trong xã hội, cũng sẽ khó tìm được người đồng ý cùng hợp tác.
Uy tín được coi là cái gốc của kinh doanh buôn bán, ở một góc độ nào đó, nó chính là một loại vốn vô hình. Từ xưa đến nay, người giàu lên nhờ kinh doanh đều là người đặt uy tín lên hàng đầu. Giữ chữ tín, thành thật không dối trá luôn luôn được xem là nội dung và tiêu chí quan trọng trong đạo đức kinh doanh.
“Lời nói quá khích, ta biết tính phiến diện của nó; lời nói dâm loạn, ta biết sai lầm của nó; lời nói gian tà, ta biết ác ý của nó; lời nói lòng vòng ấp úng, ta biết cái đuối lý của nó.” Đây là câu trả lời của Mạnh Tử khi Công Tôn Sửu hỏi ông thế nào gọi là “tri ngôn”. Điều đó có nghĩa là, phiến diện, sai sót, ác ý, đuối lý - bốn sai lầm này đều có liên quan đến bốn bản tính nóng vội, dâm đãng, gian tà, trốn tránh. Bởi vì lời nói của con người là xuất phát từ tư tưởng của bản thân, từ sai sót về lời nói có thể biết được sai sót trong tư tưởng. Từ chân thành đến giả dối trong nội tâm còn không thể che giấu người khác, huống hồ là làm mờ lương tâm đi lừa gạt ông trời?
Trên đời uy tín là quan trọng nhất. Người dối trá, về lâu dài, mọi người nhận rõ bộ mặt vốn có của anh ta, sẽ xem thường, coi khinh, xa lánh anh ta. Một con người phải biết giữ uy tín, người thống trị đất nước càng phải giữ uy tín với nhân dân, không có uy tín thì việc gì cũng không thành.
Cho dù đối mặt với tình huống như thế nào đều phải khắc phục khó khăn, lấy uy tín làm trọng. Ngăn chặn triệt để tâm địa dối trá mới có thể khiến người khác khâm phục bạn, đứng về phía bạn. Từ trong quan hệ giao tiếp cá nhân, trong công tác lãnh đạo, trong kinh doanh cho đến quản lý quốc gia, thành thực giữ chữ tín đều là quan trọng nhất.