Thời cơ một đi không trở lại
✱ Trong cuộc đời một con người, nữ thần may mắn chỉ ghé thăm một lần, khi nữ thần biết được người ấy không chuẩn bị tốt cho việc tiếp đón Người, Người sẽ mau chóng rời đi.
✱ Nhà lãnh đạo thành công bẩm sinh không phải là người đã có khả năng nắm bắt cơ hội, chỉ là bình thường họ hay để ý, hay quan sát, hay suy nghĩ mà thôi.
✱ Những người lãnh đạo thành công luôn có tầm nhìn sắc sảo để nhận ra cơ hội, họ nhìn thấy rủi ro trong cơ hội, nhưng quan trọng hơn là họ luôn biết nắm bắt cơ hội trong mọi rủi ro.
CUỘC SỐNG ĐẦY RẪY NHỮNG CƠ HỘI
Trong cuộc sống của bạn, không thời khắc nào không đầy rẫy những cơ hội. Mỗi tiết học ở trường, mỗi giờ đồng hồ tại công xưởng hay văn phòng làm việc đều xuất hiện những cơ hội mới. Mỗi một khách hàng, mỗi mẩu tin tức trên báo, mỗi vụ giao dịch làm ăn cũng đều là cơ hội. Cơ hội để thân thiết, cơ hội để thành thật, cơ hội để kết bạn mới. Mỗi lần tự tin thể hiện mình cũng đều là cơ hội tốt; mỗi lần khảo nghiệm nghị lực và trách nhiệm của bạn cũng đều là cơ hội ngàn vàng khó mua. Nếu Frederick Douglass1 - người nô lệ ngay cả thân thể cũng không thuộc về mình mà vẫn có thể trở thành nhà diễn thuyết, nhà văn và nhà chính trị kiệt xuất thì bạn - người đang có rất nhiều cơ hội - sẽ đạt được những thành tựu nào?
1 Frederick Douglass (1818-1895): Nhà cải cách xã hội người Mỹ gốc Phi, nhà hùng biện, nhà văn, nhà chính khách. Ông từng là một nô lệ.
Chỉ có những kẻ nhàn rỗi và lười lao động mới luôn kêu ca rằng mình không có thời gian, không có cơ hội. Nhiều người tùy tiện bỏ qua những cơ hội nhỏ, nhưng một số người lại đạt được nhiều thành tích từ những cơ hội nhỏ ấy. Họ giống như những con ong không bỏ qua một bông hoa nào. Mỗi một người mà họ gặp, mỗi một sự việc mà họ trải qua họ đều tận dụng để mang lại cho mình tri thức hoặc vận may.
Trong cuộc đời một con người, nữ thần may mắn chỉ ghé thăm một lần, khi nữ thần biết được người ấy không chuẩn bị tốt cho việc tiếp đón Người, Người sẽ mau chóng rời đi.
Vì vậy, đừng đợi cơ hội xuất hiện, đừng không có việc gì làm thì thảnh thơi dạo chơi, hãy nỗ lực đoán trước hoặc thậm chí là sáng tạo ra cơ hội, và khi cơ hội đến cần chủ động tiếp cận và nắm chắc lấy nó.
CÓ CON MẮT TINH TƯỜNG MỚI CÓ THỂ NẮM BẮT CƠ HỘI
Cho dù là bạn gặp được cơ hội tốt nhưng nếu như nhìn không ra hoặc là chưa có sự chuẩn bị về tư tưởng, đầu óc không nhạy cảm, thì cơ hội đó cũng có thể trôi qua mất.
Hơn một trăm năm trước, có một người Đức gốc Do Thái tên là Levi Strauss1 đã đến San Francisco Mỹ để kinh doanh buôn bán. Ngoài những thương phẩm khác, anh ta còn mang theo ít vải bạt để cung cấp cho những người đào vàng dùng làm lều. Anh ta còn chưa kịp xuống thuyền thì ngoài vải bạt ra, những hàng hóa khác đều đã bán hết. Sau khi xuống thuyền, Levi mang theo vải bạt bắt đầu hành trình “đào vàng” của mình. Anh ta gặp một người công nhân đào vàng, người này nói, cái họ cần không phải là lều mà là một chiếc quần bền và chịu được sự cọ xát khi đào vàng. Với đầu óc nhanh nhạy, Levi ngay lập tức cùng với người công nhân mỏ đó đi đến hiệu may, dùng vải bạt mà anh ta mang theo may cho người công nhân đó một chiếc quần. Đây chính là chiếc quần công nhân đầu tiên trên thế giới, cũng chính là thủy tổ của loại quần bò rất thời thượng ngày nay. Sau khi người công nhân mỏ đó trở về, tin tức về chiếc quần bò đó được truyền đi rất nhanh, những đơn hàng số lượng lớn nhanh chóng được đặt may.
1 Levi Strauss (1829-1902): Doanh nhân người Đức gốc Do Thái. Ông là người sáng lập của thương hiệu quần jean Levi’s nổi tiếng thế giới.
Cái mà công nhân mỏ cần là chiếc quần có thể chịu mài mòn, nhưng trong tay Levi chỉ có vải bạt để làm lều. Nếu như Levi đầu óc không linh hoạt, anh ta sẽ chỉ hối hận rằng mình đã mang nhầm thương phẩm, mà bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền tuyệt hảo này.
Làm thế nào để nắm bắt cơ hội, việc này không hề có khuôn mẫu và nguyên tắc quy chuẩn nào, nhưng năng lực quan sát và năng lực dự đoán của con người chắc chắn là vô cùng quan trọng.
TẠO CƠ HỘI TỐT TRONG MỐI LIÊN HỆ CỦA CáC SỰ VẬT
Người có “con mắt kinh doanh” là người giỏi phát hiện mối liên hệ giữa các sự vật. Khi người bình thường nhìn các sự vật mà không hề thấy có chút gì liên quan đến nhau, thì người có “con mắt kinh doanh” lại có thể phát hiện ra mối liên hệ bên trong giữa chúng, và từ trong mối liên hệ này tìm ra cơ hội kinh doanh cho mình.
Một vị giám đốc nhà máy thực phẩm ở Sơn Tây, Trung Quốc bình thường rất hay chú ý thu thập các tin tức kinh tế, rồi phân tích và tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Một hôm, ông đang xem chương trình thời sự của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, nghe thấy tin tức về chiến tranh ở quần đảo Malvinas giữa Anh và Argentina, như chợt nghĩ ra điều gì, ông liền nói rất to: “Chiến tranh đảo Malvinas - kinh doanh thịt ngựa!” Là giám đốc của nhà máy thực phẩm, ông đặc biệt nhạy cảm với những tin tức về thực phẩm. Trước đó không lâu, ông đọc báo biết được một số nhà kinh doanh thực phẩm Nhật gần đây đến Thiên Tân, ông đã tự hỏi “Họ đến mua gì vậy?” Bây giờ xem thấy tin tức chiến tranh đảo Malvinas, câu hỏi này đã có lời giải đáp: Người Nhật xưa nay thích ăn thịt ngựa, hơn nữa thịt ngựa trên thị trường Nhật chủ yếu là nhập khẩu từ Argentina, bây giờ xảy ra chiến tranh ở đảo Malvinas, chắc chắn việc nhập khẩu thịt ngựa sẽ bị gián đoạn. Từ đó ông suy đoán, các nhà kinh doanh thực phẩm Nhật đến Thiên Tân là để mua thịt ngựa. Ông nhận thấy cơ hội đã đến, thế là ông lên đường đến Thiên Tân ngay trong đêm.
“Con mắt kinh doanh” của vị giám đốc nhà máy này đã không lừa ông ta, những nhà kinh doanh thực phẩm Nhật đích thực là đến Trung Quốc để mua thịt ngựa. Tuy nhiên, do số lượng mà họ cần lớn, thời gian cung cấp hàng gấp, nên các doanh nghiệp của Thiên Tân không thể đáp ứng được. Lúc này vị giám đốc nhà máy tìm đến, “đem than đến nơi tuyết rơi”, mọi người đều rất vui mừng. Do biết trước giá tiêu thụ thịt ngựa tại thị trường Nhật đang ngày một tăng cao, chiến tranh đảo Malvinas đang nóng như lửa, chưa biết ngày nào mới có thể phục hồi việc nhập khẩu thịt ngựa từ Argentina, nên khi đàm phán với nhà kinh doanh thực phẩm Nhật, ông đã đưa ra mức giá khá cao nhưng họ vẫn rất vui vẻ chấp nhận. Vị giám đốc nhà máy này đã dựa vào con mắt tinh đời của chính mình tiến hành một vụ kinh doanh làm cho người khác phải nể phục.
CẦN PHẢI TỰ MÌNH NẮM BẮT CƠ HỘI
Cơ hội có những lúc tự đến, nhưng hầu hết đều phải do bản thân tự đi tìm.
Lewis M. Huet, phó giám đốc năm nay 32 tuổi của công ty Merritt Chapman & Scott, đã giải thích việc nắm bắt cơ hội chính là phải làm nổi bật hiệu quả công việc và tài hoa của bản thân mình.
Lewis chỉ ra rằng: “Thời đại hiện nay, người tài liên tục xuất hiện, nhưng rất nhiều người chỉ có tài hoa mà không biết cách làm cho người khác nhận thấy tài hoa của mình, sống một cuộc đời chìm nổi, thực sự rất đáng tiếc!”
Nhưng Lewis thì quyết không cam tâm bị người khác coi thường. Vì vậy, ngay khi bắt đầu, anh đã đặt bản thân mình ở nơi có thể dễ dàng nắm bắt cơ hội.
Để có thể thực hiện được kế hoạch cuộc đời của mình, trước tiên Lewis chủ định theo học ngành luật. Anh ta cho rằng làm nghề đó vừa an toàn vừa đáng tin cậy, hơn nữa làm một chuyên gia luật pháp có thể có nhiều cơ hội để thể hiện tài hoa trước công chúng. Dưới sự thôi thúc của suy nghĩ này, anh tốt nghiệp loại giỏi khoa luật trường Đại học Florida. Sau khi tốt nghiệp, Lewis ngay lập tức được vào làm tại một văn phòng luật ở thành phố Tallahassee.
Anh coi việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội làm phương châm hành động của mình. Vì thế chỉ trong một thời gian ngắn anh đã được nhiều cơ quan đoàn thể như thương hội thanh niên, tổ chức quân nhân khu vực… ủng hộ.
Kết quả của việc nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội đã đem lại cho anh cơ hội phát triển đầu tiên. Anh làm việc tại văn phòng luật chưa đến một năm đã được người dân thành phố Tallahassee công nhận là chuyên gia luật pháp trẻ tuổi tài hoa nhất. Vì vậy năm 24 tuổi, anh trở thành thẩm phán của tòa án thành phố. Cho đến ngày hôm nay, tại bang Florida, anh vẫn là người trẻ tuổi nhất trong đội ngũ hành pháp.
Chức vị này khiến danh tiếng của Lewis tại địa phương càng ngày càng cao, chính quyền bang cũng rất coi trọng. Ba năm sau, anh nhậm chức cục trưởng cục đồ uống bang Florida. Lúc này, anh đã trở thành đối tượng được người dân toàn bang chú ý, nhưng anh không vì thế mà cảm thấy thỏa mãn, Lewis biết bản thân mình vẫn còn cơ hội phát triển, và tin tưởng sâu sắc rằng trong số những người xung quanh sẽ có người giúp anh đi đến đỉnh cao khác trong sự nghiệp.
Quả nhiên không ngoài dự liệu của anh, trong số những người chú ý đến anh, có Lis M. Wolfson, một trong những doanh nhân trẻ tuổi thành công nhất nước Mỹ. Hai con người tràn đầy hoài bão cao xa này cùng chí hướng, cùng tư tưởng, rất nhanh đã trở thành bạn tốt.
Ba tháng sau, Lewis rất tự tin nói với Wolfson rằng: “E rằng anh không biết, có một ngày, tôi sẽ trở thành một thành viên trong hàng ngũ các anh.” Điều mà Wolfson càng không thể tưởng tượng được là chỉ ba năm sau, khi 30 tuổi, Lewis được bổ nhiệm làm trợ lý tổng giám đốc công ty Merritt Chapman & Scott. Cơ hội to lớn mà người ngoài cầu không được này chính là kết quả của việc Lewis sáu năm không ngừng thể hiện tài hoa của mình.
Trong thế giới của Wolfson, sự nghiệp của Lewis phát triển một cách nhanh chóng. Một năm sau, anh trở thành phó tổng giám đốc của công ty đó; không lâu sau trở thành thành viên ủy ban kinh doanh; và hiện nay đã là cánh tay đắc lực của Wolfson.
Thành công của Lewis Huet đã chứng minh rằng, việc bộc lộ bản thân trong cộng đồng, để tài năng của bản thân được công chúng chú ý là vô cùng quan trọng. Lewis Huet không cho rằng mình là thiên tài hay siêu nhân, mà đơn giản chỉ cho rằng sẽ phát huy cao độ tài năng của bản thân, đồng thời nỗ lực cần cù làm việc, để cấp trên có thể nhìn thấy được khả năng của mình, từ đó công nhận những gì mình làm, đưa mình lên một vị trí tốt hơn.
XEM XÉT THỜI THẾ ĐỂ NẮM BẮT THỜI CƠ
Lý Gia Thành là một điển hình về độc lập tạo dựng sự nghiệp dựa vào sự phán đoán chuẩn xác về thời thế.
Nửa sau thế kỷ 20, lượng lớn nạn dân đổ xô đến Hồng Kông từ cả đường bộ và đường thủy, khiến cho dân số Hồng Kông tăng từ con số năm sáu trăm nghìn người trong thời kỳ Nhật chiếm đóng những năm 40 lên tới gần hai triệu người năm 1950. Những người này mang đến cho Hồng Kông nguồn vốn, kỹ thuật và sức lao động, đồng thời cũng làm cho thị trường của Hồng Kông mở rộng ra rất nhiều.
Ngoài ra, lợi ích tại đại lục của các nhà đầu tư vốn nước ngoài nay đã không còn, những đại lý và công xưởng nước ngoài đặt tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu… liên tiếp dời đến Hồng Kông.
Lý Gia Thành quan sát kỹ triển vọng kinh tế của Hồng Kông. Ông tin tưởng chắc chắn ở khả năng phán đoán của mình: bây giờ là thời cơ tốt nhất để khởi nghiệp kinh doanh, không nắm bắt cơ hội nghìn năm có một này thì hối hận cũng sẽ muộn.
Trong bối cảnh đó, Lý Gia Thành đã kiên quyết từ bỏ công việc hiện tại. Ông chọn ngành nhựa tổng hợp làm lĩnh vực kinh doanh của mình, dựa trên hai lý do: trước tiên, ông đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú trong ngành này khi còn làm công ăn lương. Lý do thứ hai là ngành nhựa tổng hợp trên thế giới lúc đó vẫn là ngành sản xuất công nghiệp mới ra đời, triển vọng phát triển vô cùng to lớn. Gia công chế phẩm nhựa tổng hợp dễ dàng, vốn đầu tư ít, hiệu quả nhanh, thích hợp kinh doanh nhỏ. Nguyên liệu nhựa tổng hợp nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản rất rẻ, sản phẩm vừa có thể tiêu thụ tại thị trường địa phương, vừa có thể xuất khẩu ra nước ngoài, con đường tiêu thụ khá rộng lớn. Đây đích thực là một ngành nghề rất có tiềm năng.
Tại sao Lý Gia Thành có thể đưa ra được lựa chọn thông minh, sáng suốt như vậy? Đó là vì ngoài làm việc, ông luôn luôn chú ý đến sự thay đổi của thời cuộc, vì thế có những hiểu biết nhất định về cơ hội và thách thức mà các ngành nghề phải đối mặt. Vì vậy, vào thời khắc quan trọng ông mới có thể đưa ra phán đoán chính xác nhất.
Cho dù chúng ta đang làm thuê hay đang tự lập nghiệp, đều phải có nhận thức tỉnh táo về tiềm năng của ngành nghề mà chúng ta đang làm. Kinh doanh luôn luôn chịu ảnh hưởng của nhân tố khách quan mà con người không thể thay đổi được, chúng ta cần quan sát, phân tích rõ ràng và quyết đoán xử lý tình huống, làm tốt công tác chuẩn bị.
Người xưa có câu “Thịnh cực tất suy”, ý nói sự việc phát triển đến cực điểm thì sẽ bắt đầu suy thoái. Một ngành nghề khi mới ra đời luôn có triển vọng phát triển rất lớn, đồng thời cũng có ý nghĩa cần đến một quá trình khai phá gian nan. Khi một ngành nghề đã tương đối bão hòa, dễ dàng gia nhập thì cũng có nghĩa là triển vọng phát triển rất có hạn. Giữa cực thịnh cực suy, ẩn giấu vô số những rủi ro và cơ hội.
Trong nhân sinh, kẻ thuận theo thời thế sẽ phát triển, kẻ đi ngược lại thời thế sẽ diệt vong. Quan sát, phân tích, tận dụng thời thế là tố chất quan trọng nhất của người lãnh đạo.
Cơ hội đến, rất nhiều người có thể nhìn thấy, nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt. Người lãnh đạo thành công bẩm sinh không hề có năng lực nắm bắt cơ hội, chỉ là bình thường họ hay để ý, hay quan sát, hay suy nghĩ mà thôi.
TÌM KẼ HỞ LUỒN KIM, CỨU VÃN TÌNH THẾ
Bản chất của việc “tìm kẽ hở luồn kim” chính là nắm bắt cơ hội, tận dụng tất cả cơ hội có thể để hành động. Nếu coi “kẽ hở” là một loại cơ hội, thì người “tìm thấy kẽ hở” là người giỏi phát hiện cơ hội, nắm bắt cơ hội, không để lỡ thời cơ lập tức “luồn kim”, thực thi kế hoạch to lớn của bản thân.
Trong lĩnh vực thương nghiệp “tìm kẽ hở luồn kim” luôn là nguyên tắc kinh doanh mà rất nhiều người tinh nhanh sáng suốt tôn thờ. “Tìm kẽ hở luồn kim, cứu vãn tình thế” nghĩa là phải có khả năng nhận ra thiếu sót của người khác, đi sâu khai thác, bền lòng có nghị lực, tiến đến việc thu được hiệu quả. Ngọn núi cao 72 thước chỉ vì thiếu một sọt đất mà không thể hoàn thành thì rất đáng tiếc. Trong kinh doanh, vì các nguyên nhân sức người sức của mà nhiều người thiếu đi “một sọt đất” này. Nhận biết được điều này, những người thông minh sẽ tìm ra cách sửa chữa và cứu vãn lỗi sai của người khác, tự giành lấy cơ hội cho mình.
Con đường thành công của Armand Hammer1 một thương nhân nổi tiếng trên thế giới là minh chứng cho điều này.
1 Armand Hammer (1898–1990): Tỷ phú trong ngành dầu mỏ Mỹ, đồng thời là nhà sưu tập nghệ thuật, nhà từ thiện và có mối quan hệ gần gũi với Liên Xô.
Armand Hammer sinh ngày 21 tháng 5 năm 1898 tại Bronx, New York, Mỹ, trong một gia đình người Nga gốc Do Thái di cư đến Mỹ từ năm 1875.
Vào năm Hammer 16 tuổi, ông nhắm được một chiếc xe mui trần hai chỗ đang bán hạ giá, nhưng giá niêm yết vẫn lên đến 185 đôla, một con số quá lớn đối với Hammer thời điểm ấy. Cho dù như vậy, ông vẫn không bỏ qua cơ hội, Hammer mượn tiền của người anh trai bán thuốc ở hiệu thuốc để mua chiếc xe đó, và dùng nó để vận chuyển kẹo cho một cửa hàng. Sau hai tuần, Hammer không chỉ đúng hẹn trả đầy đủ số tiền nợ cho người anh trai mà bản thân vẫn còn lại một chiếc xe. Vụ giao dịch đầu tiên của Hammer không là gì so với những vụ giao dịch sau này, nhưng lúc đó đối với ông đó là một “giao dịch lớn”. Trong vụ giao dịch này, Hammer đã khảo sát năng lực cạnh tranh và bản lĩnh tự tạo ra con đường kiếm tiền của bản thân mình.
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, mức sống của người dân Mỹ được nâng cao rõ rệt, ngày càng có nhiều người ăn thịt bò, trong khi đó, trên thị trường thịt bò chất lượng cao rất hiếm. Điều này đã trở thành “kẽ hở để luồn kim” của Hammer, ông nhanh chóng xây dựng một khu chăn nuôi bò tại đảo Phantom. Ông mua lại một con bò “vương tử Eric” - con bò tốt nhất tại thời điểm đó với mức giá 100 nghìn đôla. Con bò “vương tử Eric” giống như một cái cây hái ra tiền, giúp Hammer kiếm được mấy triệu đôla, và cũng từ đó Hammer, một người ngoài ngành trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng được công nhận trong ngành chăn nuôi gia súc.
Sau khi Hammer tiếp quản công ty dầu mỏ phương Tây Caligenia đang lâm vào tình trạng rối ren không ổn định vào năm 1956, ông bắt đầu dồn hết tâm sức cho sự nghiệp khai thác dầu mỏ. Lúc đó, một công ty dầu mỏ tên là Texaco đã tiến hành tìm kiếm khí đốt thiên nhiên trong lòng sông miền Đông San Francisco, mũi khoan khoan thẳng đến độ sâu hơn 1,7 km vẫn chưa thấy khí đốt. Giám đốc Texaco lúc này cho rằng nếu tiếp tục đào sâu rất có khả năng chỉ phí sức lao động và quá nhiều tiền của, nên tuyên bố rút lui và từ bỏ cái giếng này.
Xác suất rủi ro 30%, Hammer dẫn theo vợ và các thành viên ban giám đốc đến đó, lắp đặt máy khoan và tiếp tục đào sâu, kết quả khi đào thêm khoảng 915m thì khí đốt thiên nhiên dâng lên. Đây chính là sức mạnh của việc biết tìm kẽ hở luồn kim, thay đổi được tình thế.
Sau này Hammer lại thành công nhờ vận dụng được nguyên lý này. Ông nghe nói hai công ty dầu mỏ nổi tiếng thế giới là Esso và Shell vì thăm dò dầu mỏ tại Tobea châu Phi không thành công đã bỏ lại không ít giếng, liền dẫn theo một đội quân lớn đến châu Phi, thuê lại hai mảnh đất đã bị người khác bỏ lại với điều kiện “chấp nhận bỏ ra 50% lợi nhuận”, và rất nhanh sau đó lại tìm ra 9 giếng dầu tự phun.
CHỜ ĐỢI THỜI CƠ ĐẾN
Khi thời cơ chưa đến, phải học cách chờ đợi. Nhưng khi thời cơ đến rồi vẫn ngồi yên không hành động thì sẽ không bao giờ thành công.
Cơ hội cũng giống như thời gian, là vị khách qua đường vội vàng đến vội vàng đi. Nếu bạn không nắm chắc cơ hội thì nó sẽ giống như thời gian trôi đi, chỉ để lại cho bạn sự buồn bã và tiếc nuối.
Thời kỳ Chiến quốc những người thuyết khách đều có rất nhiều tuyệt kỹ, nhưng người thật sự có được địa vị và tài sản, đạt được thành công lại rất ít. Người thành công phải là người giỏi về chủ động tìm kiếm và nắm bắt chắc chắn thời cơ hiếm có.
Phạm Thư giữ chức tể tướng nước Tần hơn 10 năm, được Chiêu Tương Vương rất tín nhiệm. Ông đã cống hiến to lớn cho nước Tần cả trong lĩnh vực nội chính và ngoại giao, giúp nước Tần xây dựng được địa vị bá chủ vững chắc. Ông không chỉ có quyền thế trong phạm vi nước Tần mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn đối với các nước chư hầu.
Vào năm thứ bảy ông làm tể tướng, tướng quân Đặng An Bình, người do ông tiến cử, trong một trận chiến với nước Triệu, vì chiến tranh quá khắc nghiệt không chống cự được đã dẫn quân đầu hàng. Hai năm sau, Vương Kê, thái thú Hà Đông, cũng do ông tiến cử, bị xử tử vì tư thông với chư hầu.
Theo pháp luật nước Tần lúc bấy giờ, tội đầu hàng và tội tư thông ngoại bang đều là trọng tội. Hơn nữa, người tiến cử cũng phải bị kết tội liên đới, cũng có nghĩa là người tiến cử và người phạm tội đều sẽ bị chặt đầu. Chỉ là ông nhận được sự tín nhiệm sâu sắc của Chiêu Tương Vương, nên mới được miễn tội, thoát mạng.
Hai sự việc liên tiếp xảy ra để lại trong lòng Phạm Thư vết thương rất sâu, làm ông cảm thấy sợ hãi và bất an.
Tin tức này truyền đi rất nhanh. Những thuyết khách các nước đã chờ đợi thời cơ từ lâu, thấy cơ hội tốt này đều rất vui mừng. Nước Yến có một vị thuyết khách tên là Thái Trạch, nghe được tin tức đó cho rằng “thời cơ không được bỏ lỡ”, ngay lập tức khởi hành đến nước Tần.
Vừa đến nước Tần, ông liền nhờ người giới thiệu, đưa vào gặp Phạm Thư.
Cả hai người đều xuất thân là thuyết khách. Tình hình hiện nay của Thái Trạch và trải nghiệm 15 năm trước của Phạm Thư giống nhiều khác ít, điều này làm cho Phạm Thư không nén nổi thương cảm. Ông tiếp Thái Trạch mà cười ra nước mắt.
Thái Trạch nói: “Sách cổ có ghi: ‘Người thành công không thể ở lâu.’ Ngài nên nhân thời cơ này từ chức tể tướng mới xem là thông minh, như vậy mọi người sẽ khen ngợi sự thanh liêm của ngài giống như khen ngợi Bá Di1, đồng thời ngài cũng có thể duy trì tuổi thọ giống như Xích Tùng Tử2. Nếu ngài chỉ biết thăng tiến, không biết lui ẩn; chỉ biết thẳng, không biết cong; chỉ biết tiến, không biết lùi, nhất định sẽ gặp họa. Những lời này, xin ngài xem xét.”
1 Bá Di: Thái tử nước Cô Trúc - quốc gia chư hầu của nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng vì sự trung thành với nhà Thương.
2 Tên một vị tiên, tương truyền là thần Mưa.
Phạm Thư trả lời: “Ta từng nghe ‘Muốn mà không biết dừng thì sẽ mất điều mình muốn, có mà không biết dừng thì sẽ mất đi cái mình có.’ Tiên sinh chỉ giáo, Phạm Thư xin nghe.”
Vài ngày sau, Phạm Thư vào triều, tiến cử Thái Trạch và tự xin lui ẩn. Chiêu Tương Vương níu giữ nhưng Phạm Thư kiên định từ quan và mượn cớ bệnh nặng, cuối cùng đã được chấp thuận.
Thái Trạch chủ động xuất kích, nắm bắt cơ hội tiến cử bản thân, cuối cùng giành được chức vị tể tướng, bước vào con đường làm quan.
DỒN TÂM SỨC ĐỂ TÌM KIẾM CƠ HỘI
Trên thương trường, suy nghĩ của ai nhanh nhạy thì người đó sẽ kiếm được nhiều tiền. Có thể nói sự nghiệp cả đời của Ammel có được là nhờ đầu óc nhanh nhạy và sự tính toán chính xác của ông.
Khi học tiểu học, vì đánh nhau nên ông buộc phải thôi học. Năm 17 tuổi, ông đến California ở miền Tây đào vàng, nhưng đột nhiên có hứng thú và bắt đầu kinh doanh nước sạch.
Không lâu sau, ông lại đến thành phố Milwaukee làm nghề buôn bán xà phòng, nhưng một trận hỏa hoạn bất ngờ đã thiêu rụi nhà kho của ông thành tro bụi. Ông đành chuyển đến thành phố Saint Louis kinh doanh hàng da, nhưng thu hoạch được không nhiều.
Hai năm sau, ông lại trở về thành phố Milwaukee kinh doanh thịt muối, lúc này, ông mới thật sự tìm được vị trí của mình.
Khi mới bắt đầu, ông mua lại một nhà kho lương thực làm công xưởng, ngoài sản xuất thịt muối, ông còn bắt đầu xem xét đến vấn đề bao bì sản phẩm. Vì ngay khi bắt đầu ông đã phát hiện ra rằng, việc tiêu thụ thịt muối không chịu hạn chế về thời gian và không gian. Nếu có thể giải quyết vấn đề bao bì thì có thể đưa đi bán ở những nơi rất xa.
Xuất phát từ ý nghĩ này, ông đã thực thi một kế hoạch lâu dài, trong khoảng thời gian không đến vài năm đã kiếm được mấy triệu đôla.
Lúc đó đang là giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh hai miền Nam Bắc nước Mỹ, giá thịt muối rất đắt, nhưng Ammel biết đây chỉ là hiện tượng tạm thời, một khi chiến tranh kết thúc, giá thịt muối sẽ giảm xuống nhanh chóng.
Sau khi đánh giá chính xác bước này, ông một mặt chú ý đến diễn biến của cuộc chiến tranh, một mặt dùng điện báo duy trì liên hệ mật thiết với nhà cung ứng thịt lợn miền Đông, đúng vài ngày trước khi tướng quân Lee tuyên bố đầu hàng, ông và các nhà bán buôn các nơi đã ký kết hợp đồng “bán khống”.
“Bán khống” là một loại hình giao dịch kinh doanh rất mạo hiểm, ý nghĩa của nó là: định ra một thời hạn giao hàng trong tương lai, giao hàng với giá thấp hơn giá thị trường hiện tại một mức nhất định, nếu tương lai giá giảm, đương nhiên là có lợi lớn, nhưng nếu không may giá không giảm thì sẽ thua lỗ thảm hại.
Xem xét tình hình lúc đó, rủi ro khi Ammel ký hợp đồng này là rất lớn, bởi vì vận mệnh của ông quyết định bởi thời điểm quân miền Nam đầu hàng, đầu hàng càng sớm thì càng có lợi cho ông. Nếu kéo dài đến một năm rưỡi thì kế hoạch “bán khống” của Ammel sẽ không khác gì tự sát.
Vì vậy, một người bạn có thái độ nghi ngờ, cho rằng Ammel nhất định là đã có được tin tình báo đáng tin, biết được quân miền Nam sẽ sớm đầu hàng nên mới ký kết hợp đồng.
Ammel hài hước này: “Tôi đương nhiên là có được tin tình báo đáng tin mới hành động như vậy, nhưng tin tình báo này không phải do bất kỳ người nào cung cấp cho tôi, mà là tôi tự tìm thấy trong tin tức thời sự.”
Ammel lấy một tờ báo cũ đưa cho người bạn của ông và chỉ vào một mẩu tin tức trên báo nói: “Tôi chính là căn cứ vào mẩu tin tức này mà quyết định ‘bán khống’.”
Người bạn của ông nhận lấy tờ báo, trên báo viết, một vị cha cố tên là Allen Ezail Iverson, gặp một vài đứa trẻ trong khu doanh trại của tướng quân Lee, trong tay cầm rất nhiều tiền, chúng hỏi cha cố Allen Ezail Iverson có thể mua bánh mỳ và sô-cô-la ở đâu, chúng đã hai ngày không được ăn bánh mỳ. Cha cố hỏi cha của bọn trẻ đâu. Bọn trẻ nói, cha chúng là lính dưới quyền tướng quân Lee, có đứa trẻ nói cha nó còn có cấp hàm cao.
“Vậy tại sao con không đi đòi cha con đồ ăn?”, cha cố hỏi.
“Cha con cũng mấy ngày không được ăn bánh mỳ rồi”, đứa trẻ đáp: “Cha mang về một ít thịt ngựa, rất khó ăn!”
“Quân miền Nam thiếu đồ ăn là việc mà mọi người đều biết, nhưng nghèo đến mức độ này thì người ngoài không hề biết,” Ammel giải thích, “hơn nữa việc này lại xảy ra tại đại bản doanh của tướng quân Lee, tôi biết chiến tranh sắp kết thúc rồi, cho nên tôi mới dám ký hợp đồng ‘bán khống’.”
Vụ kinh doanh “bán khống” lần này, Ammel kiếm được hơn 1 triệu đôla, đặt nền móng tốt cho sự nghiệp cả đời của ông. Chưa đầy hai năm sau, ông xây dựng mấy công ty chi nhánh từ Dezhou đến Kansas, đều do chính ông và anh em ruột phụ trách quản lý.
Xét ra, sự phán đoán này không hề có chỗ nào thần kỳ. Nhưng dựa vào mẩu tin tức đó để cân nhắc cơ hội kinh doanh thì e rằng không phải ai cũng làm được, kinh doanh buôn bán phải dựa vào cơ hội, điểm này rất hay, nhưng cơ hội không phải cứ chờ đợi là đến, cần phải tự mình đi tìm, đi sáng tạo.
CƠ HỘI VÀ RỦI RO LUÔN CÙNG TỒN TẠI
“Cơ hội không thể để mất, thời cơ không đến lần thứ hai”, câu nói này ai cũng có thể nói, nhưng có rất nhiều người cho đến khi cơ hội bên cạnh mình vụt bay đi, mới thấy sững sờ, như mới tỉnh cơn mơ, lo lắng đến đứng ngồi không yên. Cơ hội là công bằng đối với bất kỳ ai, quan trọng là bạn có khả năng hay không. Những người lãnh đạo thành công là những cao thủ nắm bắt cơ hội, sáng tạo cơ hội, hơn nữa, họ quen với việc tìm ra cơ hội từ trong rủi ro!
Người lãnh đạo thành công phải là người biết dùng con mắt tinh tường để xác định rõ cơ hội, đồng thời nhìn thấy rủi ro trong cơ hội và giỏi nắm bắt cơ hội trong rủi ro.
J. P. Morgan1 chính là người giỏi về đầu cơ trong rủi ro. Ông sinh ra trong một gia đình thương gia giàu có ở Hartford, Connecticut nước Mỹ. Khoảng 600 năm trước, gia tộc Morgan từ nước Anh di cư đến Mỹ. Ban đầu, Joseph Morgan, ông nội của Morgan, mở một tiệm cà phê nhỏ, sau khi tích lũy được một số vốn nhất định, lại mở một khách sạn lớn, vừa mua bán cổ phiếu vừa tham gia ngành bảo hiểm. Có thể nói, Joseph Morgan đã dựa vào bản lĩnh và sự hiểu biết để làm cho gia đình giàu có. Một lần, khi ở New York xảy ra hỏa hoạn lớn, tổn thất nặng nề, những người đầu tư bảo hiểm hoang mang không biết làm thế nào, liên tiếp muốn từ bỏ cổ phần của mình để không phải gánh chịu phí bảo hiểm hỏa hoạn. Joseph liều mua lại toàn bộ cổ phần, sau đó ông nâng cao phí thủ tục đóng bảo hiểm và hoàn trả toàn bộ khoản bồi thường hỏa hoạn lúc đó ở New York. Vì thế, mặc dù ông đã tăng phí thủ tục đóng bảo hiểm nhưng uy tín của ông đã tăng lên gấp bội.
1 J. P. Morgan (1837- 913): Nhà tài chính và ngân hàng Mỹ, là người thống trị ngành tài chính Mỹ trong thời đại của ông.
Người đóng bảo hiểm nườm nượp đến. Trận hỏa hoạn lần này không những không gây tổn thất mà còn giúp Joseph kiếm được 150 nghìn đôla. Chính số tiền này đã đặt nền móng cho sự nghiệp của gia tộc Morgan.
Sống trong gia đình có truyền thống kinh doanh, có được môi trường gia đình và tố chất kinh doanh đặc biệt, Morgan khi còn trẻ đã dám nghĩ dám làm, giàu tinh thần đầu cơ và kinh doanh mạo hiểm. Năm 1857, Morgan tốt nghiệp trường đại học Gottingen, vào làm tại cửa hàng Duncan. Một lần, ông đi La Habana, Cuba chọn mua các loại hải sản như cá tôm về cho cửa hàng. Khi đi qua bến sông New Orleans, ông xuống thuyền hóng gió ở khu vực bến sông, bỗng nhiên có một người lạ vỗ vai ông từ phía sau:
“Thưa ông, ông muốn mua cà phê không? Tôi có thể bán nửa giá.”
“Nửa giá? Cà phê gì?” Morgan nghi ngờ nhìn chằm chằm người lạ đó.
Người lạ mặt ngay lập tức giới thiệu bản thân: “Tôi là thuyền trưởng của một chiếc thuyền hàng Brazil, vận chuyển một lô cà phê cho một người Mỹ, hàng đến rồi nhưng thương nhân Mỹ đó đã phá sản. Thuyền cà phê này đành thả neo tại đây… Nếu ông mua lại, có nghĩa là giúp tôi rất nhiều, tôi tình nguyện bán nửa giá. Nhưng có một điều kiện là phải giao dịch bằng tiền mặt. Tôi thấy ông giống người làm kinh doanh nên mới tìm ông nói chuyện.”
Morgan theo thuyền trưởng thuyền Brazil đi xem cà phê, màu sắc rất đẹp. Nghĩ đến giá cả rẻ như vậy, Morgan liền không chút do dự quyết định lấy danh nghĩa của cửa hàng Duncan mua thuyền cà phê đó. Sau đó, ông rất hứng thú gửi điện báo cho Duncan, nhưng điện báo trả lời của Duncan là: “Không cho phép tự ý dùng danh nghĩa công ty! Ngay lập tức xóa bỏ giao dịch!”
Morgan bỗng nổi giận: Có điều ông lại cảm thấy bản thân quá mạo hiểm, cửa hàng Duncan dù sao cũng không phải của nhà Morgan. Từ đó Morgan nảy sinh một nguyện vọng mãnh liệt, đó là mở công ty của riêng mình, kinh doanh cái mà mình muốn.
Không còn cách nào khác, Morgan đành xin giúp đỡ từ người cha ở London. Cha ông điện báo trả lời đồng ý cho ông dùng tên tài khoản của công ty ở London để hoàn trả khoản tiền của cửa hàng Duncan mà ông đã dùng vào việc khác. Morgan rất phấn chấn, dứt khoát làm một vụ lớn, dưới sự dẫn đưa của thuyền trưởng thuyền Brazil, ông tiếp tục mua lại cà phê của những thuyền khác.
Morgan mới bắt đầu kinh doanh đã tiến hành một vụ mua bán lớn như vậy, không thể nói là không mạo hiểm. Tuy nhiên, Thượng đế lại đặc biệt ưu ái ông, không lâu sau khi ông mua lại số cà phê đó, Brazil xuất hiện hiện tượng thời tiết rét đậm. Sản lượng cà phê giảm sút rất nhanh, dẫn đến giá cà phê tăng mạnh, Morgan liền thuận thế đón thời cơ kiếm được một khoản lớn.
Từ vụ giao dịch cà phê đó, cha ông nhận ra con trai mình là một thiên tài, liền bỏ ra hầu hết vốn liếng mở cho con trai công ty Morgan, để ông thể hiện tài năng kinh doanh của mình. Công ty Morgan được đặt tại một tòa nhà đối diện với sở giao dịch chứng khoán New York trên phố Wall, vị trí này có tác động không nhỏ đối với việc Morgan sau này làm mưa làm gió trên phố Wall, thậm chí chi phối cả thế giới.
Lúc này đã là năm 1862, cuộc nội chiến Mỹ đã đến độ phải kết thúc. Tổng thống Lincoln ban hành “Mệnh lệnh số 1”, tiến hành tổng động viên toàn quân, đồng thời hạ lệnh cho lính bộ và lính thủy tiến công toàn diện xuống miền Nam.
Một ngày, Kecham, con trai của một người đầu tư kinh doanh trên phố Wall, người bạn mới kết giao của Morgan, đến nói chuyện phiếm với ông.
“Cha tôi gần đây ở Washington nghe ngóng được quân Bắc thương vong vô cùng nặng nề!” Kecham nói với người bạn mới của mình một cách rất thần bí: “Nếu có người mua vào số lượng lớn vàng, gửi đến London, chắc chắn sẽ kiếm được một khoản lớn.”
Morgan - con người vốn vô cùng nhạy bén với kinh doanh - ngay lập tức suy nghĩ và đưa ra ý kiến hợp tác với Kecham vụ làm ăn này. Kecham rất nóng lòng tiến hành, đem kế hoạch của mình nói cho Morgan: “Trước tiên chúng ta đi gặp ông Pibaodi, thông qua phương thức thanh toán của công ty ông ta và công ty anh, mua 40 - 50 triệu đôla vàng, đương nhiên phải bí mật tiến hành; sau đó sẽ gửi một nửa số vàng mua về đến London, giao cho Pibaodi, một nửa còn lại chúng ta giữ lại. Đến khi việc Pibaodi chuyển vàng lộ ra ngoài và khi quân chính phủ lại chiến bại, giá vàng chắc chắn sẽ tăng cao; đến khi đó chúng ta sẽ đường đường chính chính bán tháo số vàng trong tay mình, nhất định sẽ kiếm được một khoản lớn!”
Morgan nhanh chóng trù tính mức độ rủi ro của vụ làm ăn này, rồi quyết định nhận lời Kecham. Tất cả tiến hành theo kế hoạch. Đúng như họ dự đoán, việc bí mật thu mua vàng vì khoản tiền chuyển thanh toán lớn nên đã bị lộ, trong xã hội lan truyền tin tức Pibaodi mua vàng số lượng lớn, “vàng không thể không tăng giá”, dư luận khắp nơi đều cho rằng như vậy. Vì thế phong trào tranh mua vàng rất nhanh đã hình thành. Vì tranh mua vàng như vậy, giá vàng tăng lên một cách nhanh chóng, thời cơ của Morgan đã đến, ông lập tức bán tháo số vàng có trong tay, nhân lúc hỗn loạn đã kiếm được một khoản tiền lớn.
Hơn 100 năm sau đó, các thế hệ sau của gia tộc Morgan đều kế thừa truyền thống của tổ tiên, không ngừng mạo hiểm, không ngừng đầu cơ, không ngừng thu của cải, cuối cùng đã xây dựng nên đế chế Morgan giàu mạnh bền vững.
Cơ hội thường xuyên xuất hiện, rủi ro đến cùng với cơ hội thật ra không hề đáng sợ, quan trọng là bạn có dũng khí nắm bắt cơ hội hay không. Nhân tài dám mạo hiểm sẽ nắm bắt được cơ hội lớn nhất để đạt được thành công. Từ xưa đến nay, không có người lãnh đạo thành công nào không trải qua sự khảo nghiệm của rủi ro nguy hiểm. Bởi vì, không qua mưa gió làm sao thấy được cầu vồng, không mạo hiểm làm sao đi tới được thời khắc huy hoàng của cuộc đời.