Nắm bắt nghệ thuật xoay vòng vốn
✱ Người không biết quản lý tài chính thì không có khả năng kiếm tiền, cho dù có kiếm được tiền thì cuối cùng cũng sẽ mất đi.
✱ Trừ phi một người lãnh đạo đã chứng minh anh ta có thể quản lý tốt tài chính, nếu không, sẽ không ai đem quyền quyết sách ảnh hưởng đến đại cục hưng suy của một doanh nghiệp trao cho anh ta.
✱ Một đồng mà bạn tiết kiệm được vĩnh viễn lớn hơn một đồng mà bạn kiếm về được.
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TỐT SẼ GIÀNH ĐƯỢC SỰ TÍN NHIỆM
Trừ phi một người lãnh đạo đã chứng minh anh ta có thể quản lý tốt tài chính, nếu không, sẽ không ai đem quyền quyết sách ảnh hưởng đến đại cục hưng suy của một doanh nghiệp trao cho anh ta. Mỗi con người, đặc biệt là người đã kết hôn và có con cái, đều là chủ tịch hội đồng quản trị của một cá thể kinh tế quan trọng chính là gia đình của người đó.
Mỗi gia đình đều có mục tiêu về cuộc sống vật chất riêng, đều có vấn đề tài chính riêng. Ngay trong một gia đình, các thành viên cũng có nhu cầu riêng khác nhau, có hạn mức về chi tiêu, tiết kiệm khác nhau.
Vì những nguyên nhân này, những câu hỏi như một người nên gửi ngân hàng bao nhiêu tiền, nên đầu tư bao nhiêu cho bảo hiểm, nên mua hay thuê nhà ở… sẽ không có một đáp án cố định nào. Muốn trả lời những câu hỏi này, phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng gia đình.
Đối với vấn đề tài chính cá nhân, tuy không có đáp án chính xác, nhưng vẫn có một số nguyên tắc cơ bản có thể tuân theo. Sau đây xin nói sơ lược một số kinh nghiệm.
1. Tiêu tiền vào sự nghiệp
Một người lòng tràn đầy hoài bão nên tiêu tiền vào sự nghiệp để tăng thêm cơ hội thành công cho bản thân. Trước khi đạt được thành công ở mức độ nhất định, trong việc chi tiêu thỏa mãn sự hưởng thụ cá nhân, người đó nên hà tiện giống như một nô lệ giữ tiền. Điều này có nghĩa là, người đó nên cố hết khả năng ưu tiên xem xét chi tiêu những việc cần thiết, ví dụ: tham gia một khóa học tự nâng cao bản thân, tham gia một câu lạc bộ có lợi cho việc phát triển sự nghiệp… Đối với chi tiêu cho những việc khác như cuộc sống về đêm, xe đua, du thuyền… thì nên keo kiệt. Nếu người đó xem xét việc thỏa mãn nhu cầu nghề nghiệp trước thì những nội dung khác của cuộc sống cũng sẽ dần dần trở nên phong phú.
Lời khuyên chân thành liên quan đến việc tiêu tiền này có ý nghĩa chỉ dẫn không chỉ đối với người chuẩn bị bắt đầu kinh doanh mà còn đối với tất cả những người đến nay vẫn chưa thuận lợi trong sự nghiệp. Một người thật sự hy vọng thành công, nếu đem thời gian và sức lực của mình tiêu tốn vào những thú vui tiêu khiển không có chút lợi ích nào cho sự nghiệp, thì đó là ngu xuẩn. Những người đã thành công sở dĩ là vì họ đặt sự nghiệp lên vị trí đầu tiên.
2. Có một khoản để dành cho những nhu cầu cấp thiết
Cùng với sự tăng lên của tuổi tác, trách nhiệm phải gánh vác đối với gia đình của một người cũng dần dần nặng lên. Chi tiêu ngày càng tăng trong ăn uống, sinh hoạt, y tế, giải trí, giao thông, giáo dục… của vợ và gia đình anh ta đều phải dựa vào thu nhập của anh ta. Kế hoạch thu chi thích hợp nhất mà anh ta định ra cho gia đình, có thể bị ảnh hưởng vì một sự cố đột ngột phát sinh, vì vậy, bất kỳ người nào, cũng cần phải có một khoản để dành để ứng phó với những nhu cầu cấp thiết, cũng giống như một doanh nghiệp cần giữ một khoản để ứng phó với những chi tiêu hoặc rủi ro bất ngờ.
3. Đầu tư cho tương lai
Người chủ hoặc giám đốc của một doanh nghiệp thông minh, luôn luôn đem lợi nhuận đã đạt được tiến hành tái đầu tư, mở rộng sản xuất để phát triển doanh nghiệp của anh ta. Một người bình thường cũng vậy, việc tài sản của anh ta có tăng lên hay không được quyết định bởi năng lực của anh ta và việc anh ta có bằng lòng đem một phần thu nhập của mình tái đầu tư hay không. Kiểu đầu tư này có thể thực hiện bằng nhiều hình thức: sổ tiết kiệm ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ theo hình thức nhất định, thu nhập từ cho thuê, cổ phiếu…
Bất kỳ một người nào hy vọng quản lý tiền vốn một cách sáng suốt, trước tiên phải nắm rõ tình trạng tài chính của mình trong lòng bàn tay. Vì chỉ khi hiểu rõ thì mới có thể bắt tay tìm kiếm chuẩn xác vấn đề tồn tại trong tài chính của mình, sau đó áp dụng biện pháp để cải thiện tình hình tài chính. Mục đích cuối cùng của người đó nên là gia tăng thu nhập. Nó sẽ dẫn dắt người đó đạt được địa vị uy tín tốt hơn và có được cảm giác an toàn lớn hơn.
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH KHÔNG HỢP LÝ SẼ THUA LỖ NẶNG
Mục đích của kinh doanh là kiếm tiền; nếu người lãnh đạo không biết quản lý tài chính thì không có khả năng kiếm tiền, cho dù có kiếm được thì tiền rồi cũng sẽ mất đi một cách vô ích. Quản lý tài chính không hợp lý chủ yếu biểu hiện ở năm phương diện sau:
1. Không coi trọng việc quay vòng vốn
Vốn là máu của một doanh nghiệp. Cơ thể con người phải dựa vào máu tuần hoàn đi khắp cơ thể để cung cấp dinh dưỡng cho các cơ quan; các bước sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng phải có nguồn vốn bảo đảm nhất định mới có thể duy trì vận hành bình thường. Tốc độ quay vòng vốn chậm sẽ đem lại sự bị động cho doanh nghiệp.
Có một nhà máy linh kiện đã ký kết hợp đồng cung ứng linh kiện với một nhà máy lắp ráp ô tô. Tính theo giá thành, hơn 30 loại linh kiện được cung ứng sẽ cho lợi nhuận là 34%, hiệu quả kinh tế tương đối khả quan. Nhưng linh kiện mà đối phương đã đặt phải cung ứng thành từng đợt căn cứ theo số lượng ô tô lắp, khi nào cần thì cung ứng, cần bao nhiêu cung ứng bấy nhiêu. Điều kiện này nghe qua thì không quá khắt khe, nhưng khi thực hiện lại phát sinh rất nhiều vấn đề nằm ngoài dự tính của nhà máy linh kiện. Thì ra đối phương dùng động cơ nhập khẩu để lắp ráp ô tô, số lượng nhập khẩu mỗi lần không giống nhau. Nhập nhiều thì cần nhiều linh kiện, nhà máy linh kiện tăng ca sản xuất mới có thể đáp ứng; nhập ít, cần ít linh kiện, sản phẩm mà nhà máy sản xuất sẽ tồn lại trong xưởng. Trong một năm, chi phí nguyên liệu và lưu kho của những linh kiện này chiếm dụng hơn 1.400.000 tệ tiền vốn. Trong nhà máy thiếu vốn lưu động, những hạng mục sản xuất khác đều bắt buộc phải dừng lại. Người lãnh đạo chỉ chú ý đến lợi nhuận của một hợp đồng sản xuất đơn lẻ mà không chú ý đến nhân tố chiếm dụng vốn, kết quả là nhà máy bị rơi vào tình thế rất bị động.
2. Không tiến hành hạch toán tài chính
Đa số lãnh đạo thông thường rất ít khi làm quy hoạch chỉnh thể đối với tình hình tài chính trong doanh nghiệp, rất ít khi dự tính doanh số, cũng không đặt ra dự tính năm và kế hoạch tiêu thụ, vì vậy, thường không tính toán được hết chi phí thực tế vào lợi nhuận và giá thành.
Chỉ coi trọng lãi tiền mặt mà không chú ý đến lời lỗ kinh doanh thực tế là cách làm sai trong kinh doanh. Lấy một cửa hàng hoa làm ví dụ, chủ cửa hàng luôn cảm thấy cửa hàng kinh doanh rất tốt, hàng ngày đều có tiền lãi, cho nên hàng tháng đều rộng rãi phát tiền thưởng cho nhân viên, nhưng khi quyết toán cuối năm lại phát hiện thua lỗ không ít. Thì ra nguyên nhân là không tính phí thiết bị đầu tư ban đầu và nhân lực (lương của chính ông chủ) vào giá thành. Quản lý tốt tài chính không chỉ có thể tránh được thua lỗ, mà còn có thể làm cho 2 đồng tiền lãi tăng lên thành 3 đồng. Trước khi kinh doanh, dự tính chính xác tiền vốn cần thiết để kiểm soát hiệu quả giá thành là bước đầu tiên trong quản lý tài chính công ty.
Do tiền vốn công ty thường không dư dật, nên tiền vốn dự tính cho dù chỉ chênh lệch chút ít cũng có thể khiến cho người lãnh đạo công ty lao đao. Ví dụ như một cửa hàng, hạng mục cơ bản trong vốn bắt đầu kinh doanh thường bao gồm phí trang trí cửa hàng, phí nhập hàng cơ bản, phí quảng cáo, tiền cọc mặt tiền cửa hàng và tiền thuê tháng đầu tiên, trong đó tiền thuê mặt tiền cửa hàng thường chiếm tỉ lệ tương đối. Người lãnh đạo phải khống chế tỉ lệ tiền thuê và tiền cọc ở mức dưới 30% tổng tiền vốn, bởi vì trừ phi lợi nhuận kinh doanh rất cao hoặc rất chắc chắn trong vận hành kinh doanh, nếu không khi khoản tiền này vượt qua 30% rất có thể sẽ ăn mất hầu hết tiền lãi.
3. Cho rằng nợ nần luôn là chuyện xấu
Từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành chúng ta thường nghe đi nghe lại, hơn nữa cũng tin tưởng rằng: vay nợ là việc xấu, nếu có khả năng thì nhất quyết không được nợ tiền người khác. Để mua đồ thì nên tích góp đủ tiền trước, sau đó mới đi mua, việc này nghe có vẻ đúng nhưng lại chỉ đúng một phần. Vay nợ có khi là chuyện tốt, điều này tuy có mâu thuẫn với đạo lý mà từ nhỏ chúng ta đã nhận định, nhưng lại là sự thật hoàn toàn chính xác.
Về cơ bản, có hai loại vay nợ: vay nợ tiêu dùng và vay nợ đầu tư. Vay nợ tiêu dùng là việc bạn vay tiền để đáp ứng những nhu cầu ngắn hạn như đi nghỉ mát hoặc mua một cái đồng hồ mới; vay nợ đầu tư lại là một chuyện khác, lúc này bạn mượn tiền không phải là để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, mà vay để cuối cùng tạo ra tài sản.
Ví dụ, sau khi tính toán nghiêm túc và xem xét vấn đề tài chính, bạn đã biết chắc và nhận định, nếu mua một chiếc máy để nâng cao sản lượng, mở ra hướng kinh doanh mới, vậy thì nên nhanh chóng mua. Nếu bạn vẫn nghĩ “tốt hơn là kiếm đủ tiền rồi mua”, thì sẽ lại phải đợi một khoảng thời gian. Trong khoảng thời gian này, do nhu cầu về máy móc không được đáp ứng, công việc có thể rơi vào tình trạng đình trệ, rõ ràng là mất nhiều hơn được. Vì vậy, nên lập tức vay nợ mua chiếc máy này, đồng thời cố gắng đạt được những điều khoản có lợi nhất cho bản thân trong thỏa thuận vay tiền.
Tóm lại, “đợi khi có tiền mới mở rộng kinh doanh”, điều này nghe có vẻ rất có trách nhiệm, nhưng trên thực tế lại là cách nghĩ không hợp thời. Để làm cho doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, bạn nhất định phải mở rộng kinh doanh khi cần thiết, nếu không sẽ gây ra tổn thất kinh tế, nếu lúc đó bạn không đủ số vốn cần thiết để mở rộng hãy cam tâm tình nguyện vay nợ. Đừng coi vay nợ là việc phiền não mà coi nó là đòn bẩy, là phương pháp làm cho kinh doanh cất cánh phát triển.
4. Bán chịu quá nhiều
Làm kinh doanh, giao dịch trả luôn là tốt, không nên bán chịu. Có rất nhiều câu ngạn ngữ đã nói rõ vấn đề này, như: “Tiền ít trả ngay vẫn hơn tiền nhiều trả sau”, “Vàng qua đêm không bằng đồng trong ngày”, “Cho vay thì dễ, đòi lại thì khó”…
Nói một cách tương đối, làm nghề buôn bán mà bán chịu thì lợi ít hại nhiều, một là ảnh hưởng đến việc quay vòng vốn; hai là giảm lợi nhuận; ba là không thể nộp thuế đúng hạn; bốn là chiếm dụng nhân lực, tiền lực; năm là bán chịu thì dễ, thu lại mới khó; sáu là thường vì sự biến động nhân sự và thay đổi của doanh nghiệp đối phương, gây ra nợ khó đòi, nợ xấu, có những khoản nợ không bao giờ thu lại được.
Một trong những “chiêu” tốt nhất của thương nhân Do Thái là triệt để áp dụng phương thức trả ngay. Họ nhận định rằng chỉ có trả ngay mới có thể bảo đảm vận mệnh và cuộc sống của họ, để đối phó với thiên tai nhân họa. Bí quyết làm công việc buôn bán của họ là: “Nói trời nói bể, suy cho cùng phải là tiền mặt.”
5. Bỏ ra chi phí quá lớn
Mọi người đều biết lợi nhuận chính bằng tổng doanh thu trừ đi chi phí. Lợi nhuận và chi phí vận động theo hướng ngược nhau: nếu chi phí thấp, lợi nhuận sẽ cao; nếu chi phí cao, lợi nhuận lại thấp. Chi phí và việc kiểm soát tiền vốn liên quan chặt chẽ đến nhau. Hiện nay rất nhiều ông chủ không biết quản lý tiền vốn như thế nào, không chú ý đến kiểm soát tiền vốn, khiến cho chi phí liên tục tăng lên, còn lợi nhuận lại không ngừng giảm xuống.
Fred Adler, nhà tư bản nổi tiếng từng nói: “Một ‘định luật’ của tôi là: Khả năng thành công tỷ lệ nghịch với quy mô văn phòng giám đốc.” Đầu tư một văn phòng với bàn làm việc tiện nghi, đi ô tô xa xỉ, tiệc tùng trong khách sạn cao cấp, lại thêm một số tiền tiêu mang tính hình thức, dẫn đến khoản chi phí quá lớn, như vậy là đem tiền vốn dùng để chi tiêu hưởng thụ chứ không phải dùng để sản xuất. Quản lý tiền vốn không chặt chẽ, chí phí tăng cao, con đường tiêu thụ thu hẹp, lợi nhuận không thể gia tăng.
BÍ QUYẾT TẠO RA CỦA CẢI
Tích cóp tài sản không phải là chuyện khó. Tuy nhiên, sở dĩ rất nhiều người không làm được chính là bởi vì họ quản lý tài chính không rõ ràng. Điều này có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa hệ thống giá trị và niềm tin của họ. Tuy họ tin rằng tiền có thể mang lại những giá trị nào đó, nhưng lại không tin rằng muốn tích cóp tài sản thì phải làm việc vất vả hơn, phải hy sinh nhiều thời gian hơn, phải bỏ ra nhiều suy nghĩ hơn. Một lý do khác của việc rất nhiều người sở dĩ không thể giàu có chính là vì họ cho rằng tiền bạc quá phức tạp, nên để chuyện này cho “chuyên gia” làm thay. Tìm chuyên gia làm việc cho chúng ta tất nhiên là một chuyện tốt, nhưng tốt nhất chúng ta nên tự mình quản lý để từ đó biết được hậu quả của việc dùng tiền sai mục đích. Làm như vậy sẽ rất có ý nghĩa.
Sau nhiều năm nghiên cứu đạo lý làm giàu của những người thành công nhất trong xã hội, người ta đã phát hiện ra năm đạo lý cơ bản của việc quản lý tài chính, mỗi đạo lý lại là một bí quyết để ra tài sản. Năm đạo lý đó là:
Thứ nhất, phải luôn suy nghĩ về quản lý tài chính. Điều này đòi hỏi bạn phải luôn có ý thức về việc quản lý tài chính. Ví dụ: Làm thế nào để có giá trị hơn trong công ty này? Làm thế nào tôi có thể trong thời gian ngắn hơn tôi làm ra nhiều giá trị hơn? Có phương pháp nào có thể giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm không? Tôi có thể nghĩ ra hệ thống hoặc quy trình nào mới hay không? Có kỹ thuật mới nào làm cho công ty có sức cạnh tranh hơn không?
Thứ hai, phải luôn tìm cách để duy trì của cải. Để làm được như vậy thì chi tiêu không được vượt quá thu nhập, đồng thời phải đầu tư nhiều kênh.
Thứ ba, phải luôn đạt mức tăng trưởng về tài chính. Tốc độ tích cóp tài sản mà bạn muốn phải tỷ lệ thuận với mức độ bạn đem lợi nhuận đã kiếm được tái đầu tư chứ không phải tiêu đi. Phải dùng tiền đã kiếm được đi đầu tư tiếp, để có được “lợi nhuận liên tiếp”, như vậy tiền kiếm được luôn luôn có thể tăng lên gấp bội.
Thứ tư, phải bảo vệ tài sản của mình. Ở trong thời đại hiện nay, rất nhiều người sau khi có tiền lại mất đi cảm giác an toàn, thậm chí còn thấy bất an hơn khi không có tiền, chỉ vì họ biết rằng hiện nay bất kỳ lúc nào cũng có thể bị người khác khiếu nại vu khống. Tuy nhiên, đừng lo lắng, chỉ cần trước mắt không vướng vào kiện tụng thì sẽ có con đường hợp pháp bảo vệ tài sản của bạn. Bạn có suy nghĩ đến việc bảo vệ tài sản không? Nếu hiện nay bạn vẫn chưa suy nghĩ, thì lúc này bạn nên bắt đầu bàn bạc nhiều hơn một chút với chuyên gia, đồng thời học hỏi những chuyên gia đó cách bảo vệ tài sản giống như học những điều khác trong cuộc đời bạn vậy.
Thứ năm, phải biết cách hưởng thụ. Sau khi bạn tích lũy được tài sản, đừng không nỡ hưởng thụ niềm vui. Bạn hãy chủ động tìm cách vừa nâng cao giá trị của cải kiếm được vừa hưởng thụ vui vẻ. Tiền bạc trên thực tế không có giá trị, trừ phi có thể dùng nó phục vụ con người, tạo phúc cho chúng ta, xa hơn nữa, khi chúng ta có thể đem một phần thu nhập phục vụ xã hội và cộng đồng, thì sẽ đạt được niềm vui to lớn nhất của cuộc đời. Kiếm tiền là một loại hưởng thụ, hưởng thụ cảm giác mang lại giá trị và niềm vui, nếu cảm thấy kiếm tiền là đau khổ, vậy thì mục tiêu kiếm tiền là gì? Thà rằng không kiếm tiền để được vui vẻ một chút còn hơn. Cho nên, phải coi kiếm tiền là một việc tìm kiếm niềm vui, ngược lại nếu không thấy niềm vui thì không nên hoài phí tâm sức.
Bây giờ hãy bắt đầu quản lý tốt tiền tài trong tương lai của bạn:
(1) Suy nghĩ lại một chút về quan niệm của bạn đối với tiền bạc. Xem xem bản thân mình có quan điểm nào không thích hợp không, nếu có thì từng bước suy nghĩ để điều chỉnh lại.
(2) Nghĩ ra phương án làm thế nào để công ty hoặc ông chủ có thể gia tăng giá trị, chứ đừng quan tâm làm thế này có được thù lao gì không.
(3) Dành ít nhất 10% lương để tiết kiệm.
(4) Tìm một cố vấn quản lý tài chính tốt để họ dạy bạn biết cách đầu tư thông minh và chu đáo.
(5) Tự thưởng cho mình một phần thưởng nho nhỏ để biểu dương thành công trong quản lý tài chính.
DÙNG TIỀN CỦA NGƯỜI KHÁC ĐỂ KIẾM TIỀN
Nếu hiện nay bạn đang vì thiếu tiền mà không có cách nào khai triển một kế hoạch hoặc tạo lập sự nghiệp của bản thân, thì đừng lo lắng. Chỉ cần kế hoạch của bạn thực sự khả thi, thì chắc chắn là có hy vọng. Còn về tiền, chỉ cần bạn biết dùng tiền của người khác, thì có thể đạt được mục đích.
Nhưng bạn phải đặc biệt lưu ý rằng khi dùng tiền của người khác phải chính đáng, thành thật, không vi phạm lương tri đạo đức, đồng thời phải hoàn lại đầy đủ lãi suất.
Ngân hàng không chỉ là nơi gửi tiền, mà còn là nơi vay tiền, bạn phải biết dùng tiền ngân hàng để kiếm tiền. Nghiệp vụ chủ yếu của ngân hàng là cho vay. Họ cho người có uy tín vay tiền, để lấy lãi. Cho vay càng nhiều lãi thu được càng lớn. Vì thế, khi có ý tưởng khả thi nhưng thiếu vốn, đừng ngần ngại, hãy đến vay ngân hàng.
PHỤC VỤ LÀ HẠT GIỐNG SINH TIỀN
Kiếm tiền rốt cuộc là có tính chất như thế nào? Là vì bạn rất có năng lực nên lấy được từ túi của người khác? Là vì người khác rất thích bạn nên tặng cho bạn? Hay là vì bạn có thực lực quá mạnh, người khác không có cách nào chỉ có thể cam tâm tình nguyện đem cho bạn? Những đáp án này đều không phải.
Chúng ta chỉ cần quan sát tỉ mỉ thì không khó phát hiện ra, thu nhập của bạn tỷ lệ thuận với giá trị mà bạn bỏ ra, giá trị không phải do bạn quyết định mà là được công nhận. Đây chính là quy luật dưới thể chế kinh tế thị trường: tất cả hành vi kinh tế đều do thị trường khống chế, cung và cầu phải thích ứng lẫn nhau mới có thể khiến cho giá trị bỏ ra thu được thành quả xứng đáng.
Rất nhiều người cho rằng sản phẩm mình làm rất có giá trị, nhưng khách hàng lại không mua, vậy thì, trong kinh tế việc đó không có giá trị gì đặc biệt lớn, cũng có nghĩa là công sức bỏ ra của bạn không nhận được sự phúc đáp nên có.
Quan sát một chút bạn sẽ thấy lợi nhuận của những người giàu có trên thế giới sẽ tỉ lệ thuận với việc trên thực tế họ đã cung cấp bao nhiêu giá trị: Thứ nhất, họ cung cấp bao nhiêu cơ hội việc làm, bao nhiêu người sống dựa vào họ; thứ hai, họ cung cấp bao nhiêu sản phẩm, giúp bao nhiêu khách hàng giải quyết vấn đề khó khăn trong cuộc sống, công việc hay học tập. Hay nói cách khác là những người càng kiếm được nhiều tiền thì số người mà họ phục vụ càng lớn.
Tuy nhiên, việc phục vụ bao nhiêu người không phải do cách nghĩ của bạn quyết định, không phải bạn nghĩ phục vụ bao nhiêu người thì có thể phục vụ bấy nhiêu người, có thể thu được bấy nhiêu hiệu quả. Việc này là do khách hàng quyết định, số khách hàng đồng ý sử dụng sản phẩm của bạn, đồng ý tiếp nhận sự phục vụ của bạn quyết định tỷ lệ chiếm hữu thị trường của bạn. Khách hàng có đồng ý hay không trên thực tế lại được quyết định bởi chất lượng của sản phẩm, chất lượng của phục vụ, những điều này lại đều do bạn có thể quyết định.
Tóm lại, việc bạn có thể kiếm được tiền hay không sẽ dựa vào sự tiếp nhận của khách hàng mà sự tiếp nhận của khách hàng lại quyết định bởi chất lượng của những sản phẩm mà bạn cung cấp, hai điều này tác động lẫn nhau, không thể thiếu một, hơn nữa phải hình thành một sự tuần hoàn thống nhất mới có thể thu được hiệu quả tốt nhất.
Mọi người đều công nhận Rolls-Royce là xe hơi tốt nhất, nhưng số người mua được nó lại không nhiều vì phải có một số điều kiện nhất định mới có thể mua được loại xe được chế tạo vô cùng tinh tế này, cho nên nó không phải là công ty xe hơi kiếm nhiều tiền nhất. Những hãng xe hơi như Toyota, Mitsubishi, Ford không chế tạo loại xe tốt nhất thế giới, nhưng lại đều là những doanh nghiệp xe hơi kinh doanh rất hiệu quả. Nguyên nhân là do xe ô tô của họ có mức giá hợp lý nên được đón nhận bởi rất nhiều nhóm khách hàng ở nhiều tầng lớp khác nhau. Số người phục vụ nhiều, họ tự nhiên cũng sẽ thu được nhiều lợi nhuận.
Muốn kiếm tiền thì phải nâng cao giá trị và phạm vi phục vụ, để làm được như vậy nhất định phải hình thành thái độ “phục vụ là số một”.
Rất nhiều người muốn kiếm tiền, nhưng đều bị quan niệm “tiền là số một” mê hoặc. Trong mắt họ chỉ nhìn thấy tiền bạc mà quên đi tất cả những thứ khác, thậm chí còn dùng những thủ đoạn bất hợp pháp để kiếm tiền. Có thể nhất thời họ kiếm được lợi nhuận rất cao, nhưng trên thực tế về lâu dài mà nói, cách làm của họ là rất chậm tiến và ngu xuẩn. Bởi vì chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó, có nguyên nhân mới có kết quả, không gieo hạt giống sinh tiền, tiền sẽ không tự động đến.
Hạt giống sinh ra tiền chính là phục vụ. Thái độ “phục vụ là số một” sẽ tạo ra tiền tài; đặt phục vụ lên vị trí đầu tiên, tiền sẽ cuồn cuộn đến. Tầm nhìn không nên bị che khuất bởi những lợi ích nhỏ trước mắt, không nên vì bản thân mình đang muốn kiếm tiền mà không muốn bỏ ra một xu một hào nào. Hãy khiêm tốn hình thành thói quen “phục vụ là trên hết”, mọi việc đều được xây dựng trên quan điểm phục vụ người khác trước, hạ thấp cái tôi, hạ thấp sự cao ngạo mới có thể khiến cho người khác vui lòng phúc đáp lại chúng ta.
QUAY VÒNG TIỀN NHƯ LĂN QUẢ BÓNG TUYẾT
Một quả bóng tuyết để yên trên mặt đất thì sẽ càng ngày càng nhỏ đi; ngược lại nếu lăn nó đi thì nó sẽ càng ngày càng to. Tiền của cũng vậy, chỉ có lưu thông mới có thể sinh ra lợi nhuận, đây chính là “Tiền ở trong nhà tiền chửa, tiền đi ra ngoài tiền đẻ.”
Có một câu chuyện như thế này: Ngày xưa, có một người rất yêu tiền, anh ta bán hết tài sản của mình, đổi thành một thỏi vàng lớn, chôn dưới chân tường. Hàng ngày cứ đến tối là anh lại đào vàng lên, ngắm nghía một hồi. Có một người hàng xóm phát hiện ra bí mật của anh ta, liền đào trộm thỏi vàng đó. Buổi tối khi người đó đào đất lên, không thấy vàng đâu liền khóc lóc thảm thiết. Có người nhìn thấy anh ta đau lòng như vậy, sau khi hỏi rõ nguyên nhân liền khuyên: “Chuyện này có gì đáng để anh phải đau lòng chứ? Chôn vàng xuống, nó cũng trở thành một vật vô dụng, anh tìm một cục đá đặt vào đó, coi nó là vàng, không phải cũng giống nhau sao?”
Hiện nay, nếu nhìn từ góc độ kinh tế học, lời khuyên của người này rất có lý. Người chôn vàng kia là một người yêu tiền, anh ta coi vàng là tiêu chí của giàu có, mà quên mất vàng cũng là “tiền”, chỉ khi tiến hành trao đổi mua bán hàng hóa mới sản sinh giá trị. Mất đi sự quay vòng, tiền không chỉ không thể tăng giá trị, mà còn mất đi giá trị vốn có. Vậy thì so với chôn một cục đá, chôn vàng cũng thực sự không có gì khác biệt. Nếu người đó có thể lấy vàng làm vốn, sử dụng một cách hợp lý, thì nhất định sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Một doanh nhân thành công từng dùng cách nói rất hình ảnh về vốn: “Vốn và doanh nghiệp giống như máu và cơ thể người, tuần hoàn máu không tốt dẫn đến da thịt cơ thể ốm yếu, sử dụng vốn không linh hoạt sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh không tốt. Làm thế nào duy trì đầy đủ vốn và sử dụng vốn linh hoạt, là việc mà các nhà kinh doanh không thể không chú ý.” Xuất phát từ cách so sánh này, chúng ta thấy rằng, cho dù trong tay ông chủ một công ty có một số vốn nhất định, nhưng trong tư tưởng anh ta không muốn dùng tiền để kiếm tiền, không muốn quay vòng tiền thì sự nghiệp tương lai của anh ta cũng giống như cơ thể người có đầy đủ máu nhưng tim mạch đã hỏng hết, không thể hỗ trợ tuần hoàn máu, sự nghiệp của anh ta cũng sẽ đứng im rồi biến mất.
Trong thương trường hiện nay, tiền trong tay những người kinh doanh tuy có sự khác biệt về bản chất so với tư bản, nhưng về tính chất vận động thì hoàn toàn giống nhau. Người kinh doanh chỉ có tái sử dụng một cách hợp lý tiền trong tay mình vào quá trình kinh doanh, mới có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao, kiếm được nhiều tiền.
Thật ra, những người từng học qua lý thuyết về tư bản đều biết rằng, dùng tiền đi mua sản phẩm, sau đó lại đem sản phẩm đi bán, lúc này tiền kiếm được đã bao hàm giá trị thặng dư, cũng có nghĩa là, số tiền ban đầu đã tăng giá trị. Nếu nhà kinh doanh có thể quản lý công xưởng của mình một cách xuất sắc, điều hành tốt công ty của mình, xác định đúng thời cơ mua bán cổ phiếu, để nó vận hành một cách khỏe mạnh, thời gian càng lâu dài, quả bóng tuyết tiền tài sẽ càng ngày càng lớn, tiền trong tay người kinh doanh cũng sẽ biến thành một cái cây hái ra tiền.
Có thể rất nhiều người kinh doanh sẽ phản đối những gì trình bày ở trên, có thể rất nhiều người kinh doanh vẫn cho rằng cất giữ có thể làm cho tiền của của họ bình ổn và tăng giá trị. Đúng, cất giữ không phải là không tốt, nhưng trên thế giới này có triệu phú nào dựa vào việc cất giữ tiền mà làm nên sự nghiệp?
Các dữ liệu thực tế cho thấy, đem tiền đi gửi ngân hàng nhiều nhất được lãi suất là 6%. Với lãi suất 6%, phải đợi 12 năm sau mới có thể khiến 1 đồng biến thành 2 đồng. Song cần nhận thức rõ là, chỉ cần sau 10 năm, lạm phát đã có thể làm cho giá trị đồng tiền của bạn giảm đi một nửa.
Sự sống của con người nằm ở sự vận động, tính mạng tiền vốn cũng nằm ở sự vận động. Tiền có thể tĩnh tại, nhưng vốn thì phải vận động, đây là quy luật thông thường của kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, tiền vốn sợ hãi cô độc, nó cần một cuộc sống phong phú đa dạng và tiết tấu nhanh nhẹn. Cất giữ tiền kiếm được trong tay ở một chỗ, không bằng đưa tiền vào kinh doanh, đó là thượng sách.
HUY ĐỘNG VỐN PHẢI LƯỢNG SỨC
Làm thế nào để nhanh chóng huy động vốn? Việc huy động vốn luôn có cái giá của nó, đây là yêu cầu khách quan của nguyên tắc trao đổi ngang giá trong kinh tế thị trường. Chính vì vậy, trong quá trình huy động vốn, huy động bao nhiêu cho thích hợp là vấn đề lãnh đạo phải thận trọng xem xét. Huy động vốn quá nhiều sẽ gây ra lãng phí, tăng giá thành, hơn nữa cũng có thể vì nợ quá nhiều đến hạn không thể trả được, làm tăng rủi ro cho hoạt động kinh doanh; ngược lại huy động vốn không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh doanh theo kế hoạch. Vì vậy, khi huy động vốn bạn cần chú ý những nguyên tắc sau:
1. Phải có lợi cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty
Điều này thể hiện thông qua các phương diện sau: thứ nhất, thông qua huy động vốn, làm tăng cường thực lực vốn của công ty, nâng cao năng lực chi trả và sức mạnh phát triển, từ đó bớt đi đối thủ cạnh tranh của công ty; thứ hai, thông qua việc huy động vốn, nâng cao uy tín công ty, mở rộng con đường tiêu thụ sản phẩm; thứ ba, thông qua huy động vốn, tận dụng đầy đủ ưu thế quy mô kinh tế, tăng cường thị phần sản phẩm của công ty. Việc nâng cao sức cạnh tranh của công ty có mối liên hệ mật thiết với hiệu quả sử dụng vốn huy động, đây là nhân tố mà công ty không thể không xem xét khi tiến hành huy động vốn.
2. Bảo đảm quyền kiểm soát đối của công ty
Khi công ty vì huy động vốn mà phải nhượng đi một phần quyền sở hữu, quyền kiểm soát vốn ban đầu, thì tính độc lập trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời lợi nhuận cũng theo đó chảy ra ngoài, vì thế ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả kinh tế ngắn hạn và dài hạn của công ty. Có hai phương thức huy động vốn là phát hành trái phiếu và cổ phiếu. Nếu tăng phát hành cổ phiếu có thể sẽ gây ra xung đột quyền kiểm soát đối với những cổ đông vốn có của công ty, trừ phi họ lại mua vào cổ phiếu mới phát hành theo tỷ lệ tương ứng. Còn huy động vốn bằng trái phiếu thì tăng nợ cho công ty nhưng không ảnh hưởng đến quyền kiểm soát đối với công ty của tất cả những người góp vốn. Vì vậy, chi phí huy động vốn thấp không phải là tiêu chuẩn duy nhất để lựa chọn phương thức huy động vốn.
3. Chi phí huy động vốn nên thấp
Chi phí huy động vốn chỉ tất cả chi phí công ty phải chi trả khi huy động vốn, chủ yếu bao gồm ba phương diện sau:
• Chi phí quản lý tổ chức trong quá trình huy động vốn;
• Chi phí chiếm dụng sau huy động vốn;
• Các chi phí phải trả khác khi huy động vốn.
Chi phí huy động vốn là nhân tố quyết định đến hiệu quả huy động vốn của công ty, có ý nghĩa quan trọng đối với việc lựa chọn phương thức huy động vốn. Vì vậy, huy động vốn, phải xem xét để giảm thấp chi phí huy động vốn ở mức độ tối đa.
4. Lấy hiệu quả quyết định phương thức và số lượng huy động vốn
Do tiền vốn mà công ty huy động được sử dụng cho những mục đích khác nhau, cho nên khi vay mượn vốn nên căn cứ vào mục đích sử dụng đã định để lựa chọn phương thức huy động vốn ngắn hạn hay huy động vốn dài hạn. Nếu mục đích là để tăng vốn lưu động, căn cứ vào những đặc điểm như quay vòng vốn lưu động nhanh, dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, mức bổ sung cần thiết trong kinh doanh khá nhỏ, thời gian chiếm dụng ngắn, có thể lựa chọn những phương thức huy động vốn ngắn hạn như tín dụng thương nghiệp, khoản vay ngắn hạn…; nếu số vốn tập trung được dùng để đầu tư lâu dài hoặc mua tài sản cố định, do phương thức sử dụng này yêu cầu mức tiền lớn, thời gian chiếm dụng lâu dài, nên lựa chọn những phương thức huy động vốn dài hạn như phát hành trái phiếu, cổ phiếu, tích lũy nội bộ, cho vay dài hạn, ký gửi vay vốn, cho thuê huy động vốn…
5. Nên huy động những nguồn vốn ít rủi ro
Công ty huy động vốn phải xem xét, cân đo mức độ rủi ro trong các con đường huy động vốn. Ví dụ, công ty huy động vốn áp dụng lãi suất thay đổi theo thị trường thì khi lãi suất thị trường tăng cao, mức lãi mà công ty phải trả cũng sẽ tăng cao; sử dụng phương thức vay vốn nước ngoài, sự biến động của tỷ giá đồng tiền có thể khiến công ty phải hoàn trả số tiền lớn hơn. Vì vậy, khi huy động vốn, phải lựa chọn phương thức ít rủi ro, để giảm thiểu tổn thất. Nếu lãi suất hiện nay khá cao, mà theo dự đoán trong tương lai gần lãi suất sẽ giảm, lúc này vay vốn nên yêu cầu tính lãi theo lãi suất thay đổi; nếu kết quả dự đoán ngược lại, thì nên yêu cầu tính lãi theo lãi suất cố định. Nếu vay vốn nước ngoài, nên tránh dùng đồng tiền mạnh hoàn trả vốn và lãi, mà nên cố gắng trả đồng tiền yếu, tránh trường hợp tỷ giá đồng tiền lên cao, tổn thất do đồng tiền yếu mất giá mang lại. Đồng thời, trong quá trình huy động vốn, còn nên lựa chọn những người xuất vốn có uy tín tốt, thực lực mạnh, để tránh xảy ra hiện tượng vi phạm hợp đồng.
NGƯỜI CÀNG CÓ TIỀN CÀNG TIẾT KIỆM
Có một lần Henry Ford đến nước Anh, tại sân bay ông cố công tìm cho ra khách sạn rẻ nhất tại địa phương. Nhân viên lễ tân nhìn ông, nhận ra ngay ông chính là Henry Ford. Một ngày trước, báo chí còn đăng một bức ảnh lớn nói ông sắp đến nước Anh. Bây giờ ông ở đây, mặc một chiếc áo khoác cũ kỹ như tuổi tác của ông, muốn tìm một khách sạn rẻ nhất.
Người lễ tân nói: “Nếu như tôi không nhầm, ngài chính là Henry Ford. Tôi nhớ rất rõ, tôi đã xem ảnh của ngài trên báo.” Henry Ford nói: “Đúng vậy.”
Điều này làm cho nhân viên lễ tân rất nghi ngờ, anh ta nói: “Ngài mặc một chiếc áo khoác cũ, muốn ở một khách sạn rẻ nhất. Tôi cũng đã gặp con trai ngài khi anh ta đến đây, anh ta nói muốn tìm một khách sạn tốt nhất, anh ta mặc loại quần áo tốt nhất.”
Henry Ford nói: “Đúng vậy, cử chỉ của con trai tôi là thích thể hiện, nó vẫn chưa thích nghi được với cuộc sống. Tôi không cần thiết phải ở trong khách sạn đắt tiền, tôi ở đâu cũng đều là Henry Ford, cho dù ở trong khách sạn rẻ tiền nhất tôi cũng là tôi, cái áo khoác này, đúng vậy, nó là của bố tôi, nhưng không sao cả, tôi không cần áo mới. Tôi là Henry Ford, cho dù mặc quần áo nào, tôi vẫn là tôi, điều này không bao giờ thay đổi.”
Thế kỷ 19 có vô số những ông trùm dầu mỏ, nhưng cuối cùng chỉ có Rockefeller chiếm ưu thế, thành công của ông tuyệt đối không phải ngẫu nhiên. Khi phân tích về con đường làm giàu của ông, người ta phát hiện ra rằng, tính toán kỹ lưỡng là nguyên nhân chủ yếu giúp ông có được thành công.
Công việc đầu tiên Rockefeller làm là nhân viên ghi chép sổ sách tại một công ty tên là Hugh Ted, việc này đã tạo cơ sở tốt cho nghề nghiệp sau này của ông. Tại công ty này ông làm việc rất cần cù chăm chỉ, nghiêm túc, cẩn thận, không chỉ làm tốt công việc của mình mà còn mấy lần phát hiện ra những chỗ sai sót, thiếu hụt trong biên lai giao hàng, tiết kiệm cho công ty một số khoản chi đáng kể, cho nên ông rất được ông chủ tín nhiệm.
Sau này, trong công ty của chính mình, Rockefeller càng chú trọng tiết kiệm giá thành, giá thành chiết xuất một ga-lông dầu thô cũng phải tính đến ba con số sau dấu thập phân. Mỗi buổi sáng khi ông bắt đầu làm việc là yêu cầu các bộ phận trong công ty đưa đến một bản báo cáo chi tiết về khoản chi giá thành, con số tiêu thụ và lời lỗ, từ đó phát hiện ra vấn đề, để kiểm tra công việc của mỗi bộ phận. Năm 1879, ông chất vấn giám đốc một nhà máy lọc dầu: “Tại sao để chiết xuất 1 ga-lông dầu thô, các anh phải tốn 1,82 xu trong khi một nhà máy lọc dầu ở miền Đông làm công việc giống như vậy chỉ cần 0,91 xu?” Ngay cả cái nút thùng dầu có giá trị rất nhỏ ông cũng không bỏ qua, ông từng viết bức thư như thế này: “Tháng trước nhà máy anh tổng kết báo cáo trong tay có 1.119 cái nút, đầu tháng gửi đến nhà máy của anh 10.000 cái, các anh sử dụng 9.527 cái, nhưng bây giờ báo cáo còn lại 912 cái, vậy 680 cái còn lại đi đâu rồi?” Quan sát rõ ràng, điều tra tỉ mỉ, không cho phép qua loa đại khái. Đúng như thế hệ con cháu về sau đánh giá, Rockefeller là người tiên phong trong phân tích thống kê, hạch toán giá thành và định giá đơn vị, là “hòn đá tảng” của doanh nghiệp lớn ngày nay.
Hầu hết các doanh nhân đối với tiền bạc đều tính toán kỹ lưỡng, cho dù là một nghìn hay một xu cũng không dễ dàng lãng phí. Ví dụ, tất cả các công ty của Panasonic đều lấy mặt sau của những văn kiện đã hết hạn sử dụng làm giấy viết thư, Bill Gates1 đã từng cãi nhau đến đỏ mặt tía tai với nhân viên quản lý bãi đỗ xe vì 2 đôla tiền gửi xe.
1 William Henry “Bill“ Gates (1955-): Chủ tịch tập đoàn Micosoft. Ông luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới từ năm 1995 đến 2004.
Một nhà kinh tế học từng nói: “Một đồng mà bạn tiết kiệm được vĩnh viễn lớn hơn một đồng mà bạn kiếm về”. Vì thế, nếu có thể hãy tiết kiệm tối đa số tiền mà bạn có thể tiết kiệm được bạn có thể tham khảo 10 bí quyết tiết kiệm dưới đây:
• Liên tục bỏ ra một phần lương gửi vào ngân hàng, 5%, 10% hay 25% đều được, nhất định phải gửi.
• Ghi lại tỉ mỉ thành bảng biểu các khoản thu chi tiền của bạn mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng.
• Kiểm tra, đối chiếu tất cả các biên lai, xem có bị thu quá lên không.
• Chỉ giữ một chiếc thẻ tín dụng đủ để chứng minh thân phận, còn tiền nợ hàng tháng tuyệt đối phải trả hết.
• Tự mang cơm đi làm, như vậy có thể tiết kiệm được một khoản tiền cơm trưa mỗi tuần, mỗi năm có thể tiết kiệm được một khoản kha khá tiền mặt.
• Đi xe cùng người khác hoặc đi xe buýt đi làm, tiết kiệm tiền gửi xe, tiền ô tô, tiền bảo hiểm, bảo dưỡng ô tô và thời gian tìm chỗ đỗ xe.
• Đọc nhiều cuốn sách hữu ích liên quan đến sửa chữa đồ gia dụng, cách đầu tư làm giàu, tốt nhất là mượn thư viện hoặc tải trên mạng về để tiết kiệm tiền.
• Đơn giản hóa cuộc sống, nhà không cần quá rộng, mua lại xe đã qua sử dụng, đến những cửa hàng đang giảm giá hoặc những nơi bán buôn mua đồ.
• Khi mua đồ đừng quên nghĩ một chút “tiền này tiêu có đáng không”. Hàng rẻ tiền chưa chắc đã không tốt, hàng đắt tiền cũng chưa chắc có thể bảo đảm chất lượng.
• Nhất quyết phải mặc cả. Nếu bạn không đưa ra ý kiến, người bán hàng sẽ không bao giờ chủ động giảm giá bán đồ cho bạn.
HẠN CHẾ NHỮNG CHI PHÍ KHÔNG CẦN THIẾT
Là một người lãnh đạo, bất cứ lúc nào cũng phải tính toán kỹ lưỡng chi tiêu. Vậy làm thế nào để giảm giá thành, giảm chi phí? Lãnh đạo sáng suốt luôn tìm cách dùng một đồng tiền mà đem lại hiệu quả như hai đồng, chỉ dùng tiền vào những việc cần dùng, việc không cần dùng thì một đồng cũng không tiêu thêm.
Ba biện pháp thường dùng để hạn chế các khoản chi không cần thiết là:
1. Tránh hội chứng “Tôi cũng cần”
Khi mua đồ dùng, biểu hiện của chứng bệnh này rất rõ ràng. Một phòng ban nói họ cần mua một cái bàn, sáu cái ghế và một bàn trà để làm đẹp thêm cho văn phòng. Nếu bạn đồng ý thì chỉ sau vài ngày, lãnh đạo các bộ phận khác cũng sẽ không hẹn trước mà cùng đến báo cáo với bạn, họ cũng cần cải thiện một chút điều kiện làm việc. Nếu đồng ý, có thể cấp dưới các phòng cũng sẽ lại nói, “bàn của chúng tôi cũng sớm nên thay rồi”… Cứ theo đó so bè lẫn nhau thì lãnh đạo sẽ rất khó xử, bạn không thể không cử người đi mua những đồ dùng đó về, nếu không sẽ không thể xoa dịu sự ghen tỵ của các phòng. “Tôi cũng cần” thực sự là hội chứng phản ứng dây chuyền.
2. Phân biệt rõ ràng giữa “Mua cũng được, không mua cũng được” và “Không mua không được”
Mọi người thường có hai loại tâm lý tiêu dùng là “mua cũng được, không mua cũng được” và “không mua không được”. Một ví dụ rất đơn giản là, một công ty nào đó vì yêu cầu nghiệp vụ phải lắp đặt thêm 10 chiếc máy tính, việc này đối với một công ty đang trong giai đoạn phát triển thì không là gì, lãnh đạo sẽ rất nhanh chóng ký quyết định, để bộ phận mua hàng đi mua. Nhưng như vậy thường tạo cho mọi người nãy sinh thái độ “không mua không được”. Cứ như vậy nhiều người sẽ hình thành tâm lý so sánh “Anh ta có rồi, vậy thì tôi cũng nên mua”, dẫn đến việc công ty phải bỏ ra nhiều tiền mua cùng loại đồ dùng như vậy.
3. Chi tiêu kiểu bóng tuyết lăn
Nếu chi phí nào đó của công ty khó khống chế giống như quả bóng tuyết, thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến những công việc khác của công ty.
Ví dụ điển hình là một công ty quyết định nâng cấp công tác quản lý văn phòng. Công ty lập riêng một tổ dự án, để thực hiện đầy đủ và giải quyết ổn thỏa vấn đề mua máy móc, thiết bị đồng bộ hóa văn phòng. Qua hơn một tháng phân tích, chứng minh, điều tra và hỏi giá, tổ dự án này quyết định đặt mua cho công ty 20 chiếc máy tính để thiết lập mạng quản lý đầu cuối. Ngày thiết bị về công ty, các ban ngành trong công ty đều rất phấn khởi, nhưng đến ngày thứ hai, phòng tài chính lại nhận được nhiều giấy đề nghị bổ sung thiết bị.
Vì máy tính đã mua về còn cần đến chi phí cho một lượng lớn các thiết bị phụ trợ như: máy in; phần mềm mới mà giá của nó còn đắt hơn nhiều so với giá máy tính. Kết quả là, sau hai tháng, phòng tài chính phát hiện chi tiêu cho việc mua sắm đã vượt xa dự tính ban đầu.
Vì vậy, khi mua thiết bị mới, lãnh đạo phải suy nghĩ chu toàn luôn tự mình thẩm định báo cáo, quyết định có mua hay không, để tránh mua vượt quá dự tính ban đầu.
BIẾT PHÒNG BỊ MỚI KHÔNG GẶP HOẠN NẠN
Một doanh nghiệp không có lưu lượng tiền mặt thì không thể tồn tại lâu dài. Nếu một công ty suốt nửa năm liền không có sự “tuần hoàn máu” thì chắc chắn sẽ sụp đổ.
Nếu một doanh nghiệp không nắm chắc tỷ lệ nhất định trong vốn tích lũy hoặc vốn dự trữ để đề phòng bất trắc, thì sẽ không thể chống cự được với bất kỳ sự tấn công nào từ thị trường.
Tập đoàn Peregrine - ngân hàng đầu tư nổi tiếng của Hồng Kông, năm 1997 khi xảy ra khủng hoảng tài chính Đông Nam á, đã bị sụp đổ. Đơn vị hùng mạnh trong giới tiền tệ Hồng Kông này vì không xoay xở được 20 triệu đôla để trả khoản nợ trái phiếu tại Indonesia, nên dẫn đến hiệu ứng domino nợ dây chuyền. Có thể nói, tập đoàn Peregrine là ví dụ rất điển hình của việc “cái sảy nảy cái ung”, vì cái nhỏ (số tiền mặt có hạn) mà mất đi cái lớn (một công ty có giá trị vài chục tỷ).
Hiện nay rất nhiều công ty luôn xem tiền mặt là cách thức thanh toán duy nhất, chưa nhận thức được rằng tiền mặt là một tài nguyên chiến lược, chưa nhận thức được lưu lượng tiền mặt còn quan trọng hơn lợi nhuận.
Một nhà kinh doanh bất động sản từng đưa ra quan điểm: Một quốc gia phải có lượng tích trữ ngoại hối nhất định, mới là biết lo xa, sẽ tránh được tai họa và hoàn toàn vững tâm. Một doanh nghiệp cũng nên tích trữ ngoại hối giống như quốc gia, từ trong mỗi niên độ tài chính rút ra một tỷ lệ nhất định để tích trữ, mới có thể kê cao gối ngủ ngon không lo lắng.