Xây dựng mối quan hệ hòa nhã với mọi người
✱ Phạm vi giao tiếp càng rộng, tỉ lệ thành công trong tương lai càng lớn.
✱ “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, bạn bè tốt xung quanh sẽ giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của bạn.
✱ Biết trọng chữ tình sẽ khiến người lãnh đạo càng được lòng mọi người, càng dễ nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ.
✱ Người lãnh đạo vừa phải mở mang sự nghiệp, vừa phải biết hưởng thụ cuộc sống, như vậy mới xứng là một người thành công.
DỰA VÀO MẠNG LƯỚI QUAN HỆ ĐỂ GẶT HÁI THÀNH CÔNG
Khi bạn gặp khó khăn, ai là người ra tay giúp bạn, người đó đang ở đâu? Câu hỏi này không ai có thể trả lời được. Chỉ có thể nói rằng: Bất cứ ai cũng có thể trở thành “quý nhân” phù trợ bạn, họ có thể là đồng nghiệp hay cấp trên của bạn, cũng có thể là bạn học, thậm chí có thể là một người xa lạ bạn chưa hề biết mặt. Song nói tóm lại, phạm vi kết giao càng lớn thì tỉ lệ thành công sau này của bạn càng cao. Là một lãnh đạo nên cố gắng tạo mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.
Khi kết bạn nên chọn bạn hiền. “Chọn bạn mà chơi”, câu này không có nghĩa là bạn so đo tính toán rồi mới kết bạn, phàm những ai không có lợi cho mình thì nhất loạt không kết giao. Tình bạn đích thực phải được xây đắp dần dần bằng những điểm chung hoặc sở thích chung, sự quan tâm lẫn nhau và được thời gian khảo nghiệm.
Muốn giải quyết vấn đề nghiệp vụ, nên tìm ai giúp đỡ? Người thành công đều rõ. Khi phải đối mặt với vấn đề, nếu bạn cho rằng mình có thể tự giải quyết thì đó là điều tốt nhất. Song khi vấn đề không thể giải quyết và rơi vào trạng thái cấp bách, bạn cần phải thỉnh giáo những người có khả năng tham mưu cho bạn, nhờ họ giúp đỡ, cho bạn ý kiến để giải quyết vấn đề được thuận lợi.
Cùng với sự hòa nhập của bạn vào xã hội, số người có tác động đến bạn cũng không ngừng tăng lên, nếu những người này có cùng mục tiêu, bạn có thể bắt tay hợp tác cùng tiến bước. Thông thường, khi mối quan tâm của bạn thay đổi, những người bạn mà bạn kết giao cũng sẽ thay đổi, sau khi hoàn thành công việc, có thể tình bạn đó cũng kết thúc.
Nhưng bạn nên tiếp tục giữ liên lạc với họ, tạm thời không bàn đến việc có mang lại lợi ích hay không, xét cho cùng tình bạn không phải dễ dàng mà có được, nên tiếp xúc và mở rộng phạm vi kết giao. Số người biết bạn càng nhiều càng có lợi cho bạn, bởi trong số họ thường sẽ có người giúp bạn mở cánh cửa thành công.
David Manner là một người trẻ tuổi nhưng đã thành công trong nghề quảng cáo. Câu chuyện của anh là một ví dụ thuyết phục về tầm quan trọng của mạng lưới quan hệ.
Anh tiếp xúc với giới quảng cáo từ khi làm việc cho công ty quảng cáo nổi tiếng New York Luzlane. Năm 27 tuổi, anh đã là phó tổng giám đốc công ty New York Luzlane, nắm trong tay hai khách hàng lớn nhất của công ty này, nhận mức lương 25.000 đôla một năm. Do công ty có tiềm lực phát triển dồi dào nên tiền đồ của anh cũng rất xán lạn.
Song anh vẫn ấp ủ mong muốn thành lập công ty riêng, anh cho rằng việc gì cũng phải tranh thủ thời cơ, nếu không nhanh chóng thực hiện ước muốn thì không biết sẽ mất đi biết bao cơ hội tốt! Anh quyết định từ bỏ chức vụ mà nhiều người hằng mong ước để xây dựng sự nghiệp riêng cho mình.
Ngành quảng cáo thường coi trọng mối quan hệ hơn các ngành nghề khác, thậm chí, có thể nói ngành quảng cáo được xây dựng trên các mối quan hệ, cần phải có quan hệ mới có thể duy trì được.
David là người có uy tín trong công ty trước, quan hệ các mặt đều tốt. Cho nên công ty của anh mới thành lập đã có xưởng mời làm đối tác quảng cáo, các hợp đồng theo đó cũng đổ về rất nhiều.
5 năm sau, công ty anh đã có 30 nhân viên, có khách hàng trên khắp nước Mỹ, trong đó số khách hàng lớn có thể duy trì công ty lên tới hơn 15 khách hàng. Kiến thức chuyên môn và tài thuyết phục của anh chính là sự đảm bảo quan trọng nhất giúp anh thành công.
David đã rất thành công nhờ vào việc tận dụng các mối quan hệ, song anh chưa thỏa mãn.
Sau này anh còn thành lập một câu lạc bộ mang tên “Mỗi năm một đôla”. Câu lạc bộ này là nơi tụ họp của các bạn bè đồng nghiệp. Tất cả hội viên nếu có bất cứ khó khăn nào về công việc đều có thể đưa ra thảo luận công khai trong câu lạc bộ hoặc trao đổi ý kiến lẫn nhau giữa các hội viên. Trong số các thành viên của câu lạc bộ, có những người đứng đầu các ngành như xuất bản, truyền thông, quảng cáo… hầu hết đều là những phần tử tinh túy của xã hội.
Khi chuẩn bị tiến hành một kế hoạch kinh doanh nào đó, David cũng thường đến câu lạc bộ để xin ý kiến các chuyên gia, anh vô cùng tin tưởng những kết luận có được qua thảo luận ở đây.
Anh không chỉ thường mang công việc về nhà làm, mà còn thường mời các bạn bè trong câu lạc bộ đến nhà. Về việc này anh đã từng nói rằng: “Vòi vặn chặt, nước sẽ không thể chảy ra được. Tương tự, công việc, cuộc sống xã hội và cuộc sống gia đình không thể tách rời. Có thể kết hợp hài hòa ba thứ này cuộc sống mới là cuộc sống đích thực.”
Hiện tại, bạn bè và công việc của anh ngày một nhiều, phạm vi kết giao cũng vì thế không ngừng mở rộng. Chắc chắn trong tương lai anh sẽ còn có những cơ hội thành công bất ngờ đến từ những người mà anh quen biết.
KỸ XẢO GIAO TIẾP ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỐI QUAN HỆ TỐT
Muốn tạo ra được mối quan hệ tốt thực ra rất đơn giản, chỉ có điều bạn muốn nắm bắt nó hay không, nếu bạn chỉ luôn cho rằng bản thân giỏi giang mà không lắng nghe cảm nhận của người khác thì bạn sẽ không được người khác quý mến, đương nhiên sẽ không thể có mối quan hệ tốt.
Dưới đây là ba kĩ năng giao tiếp bạn nên chú ý để tạo ra những mối quan hệ xã hội tốt.
1. Tìm ra điểm chung, gác lại bất đồng
Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong chính sách ngoại giao của nhiều quốc gia, và nó cũng thích hợp với mỗi cá nhân chúng ta.
Sống chung với người khác, nếu chỉ nhấn mạnh vào sự khác biệt các bạn sẽ không thể hòa hợp được. Nhấn mạnh sự khác biệt khiến khoảng cách giữa con người với con người ngày càng lớn, thậm chí cuối cùng sẽ đi đến xung đột.
Nếu tập trung vào điểm chung giữa mình và người khác thì việc chung sống sẽ dễ dàng hơn.
Để giảm bớt bất đồng, bạn phải đứng vào vị trí người khác để suy nghĩ, nhằm đạt được nhận thức chung. Nghĩ cho người khác, bạn sẽ thấy đồng cảm, từ đó quan hệ đôi bên sẽ ngày càng khăng khít.
2. Đi đến thống nhất bằng hành động
Bạn cho đi cái gì sẽ nhận lại cái đó. Nếu hợp tác vui vẻ với đối tác thì giữa hai bên sẽ có sự thông hiểu lẫn nhau hoặc một mối “thần giao cách cảm” nào đó. Nếu chung sống hòa hợp thì cử chỉ động tác, biểu cảm và thần thái của chúng ta sẽ rất giống nhau.
Thông thường, chỉ khi có quan hệ tốt với người khác bạn, mới có sự ăn ý này. Thông qua sự thống nhất về ngôn ngữ thần thái, bạn và đối tượng trò chuyện đã hoàn toàn ở trong trạng thái hợp tác.
3. Là một người biết lắng nghe
Biết lắng nghe người khác là một đức tính tốt. Người lãnh đạo nên có đức tính như vậy. Ai cũng mong muốn có một người biết lắng nghe mình, cũng hy vọng người khác hiểu mình. Song nếu hai người đều hy vọng người khác lắng nghe và hiểu mình nhưng chẳng ai muốn lắng nghe đối phương thì hai người hoặc là cãi cọ hoặc là sẽ không muốn gặp nhau. Vì vậy, bạn muốn người khác hiểu mình thì trước tiên hãy học cách lắng nghe. Chỉ khi mình muốn hiểu người khác, người khác mới muốn hiểu mình.
Lắng nghe là một nghệ thuật, chỉ khi hiểu và nắm vững môn nghệ thuật này mới dễ dàng tìm hiểu, giao lưu và hợp tác với người khác. Hơn nữa, khi lắng nghe phải chú tâm, bất cứ khi nào cũng phải chú ý đến trọng tâm trong lời nói của đối phương, khi cần có thể dùng ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ hoặc những lời nói ngắn gọn để thể hiện sự chú ý của bạn. Đặc biệt, phải thể hiện ra điều mà bạn quan tâm chính là cốt lõi vấn đề đối phương muốn nói.
Hãy lấy nghe làm chính, ít nói, ít chêm những lời gây gián đoạn người khác, luôn chú tâm và đừng quên đưa ra kết luận. Nếu người khác kể được một nửa chợt nhận thấy bạn đang nghĩ về vấn đề khác, họ sẽ cảm thấy vô cùng lúng túng. Trước khi biết chính xác ý kiến của người khác, bạn đừng vội đưa ra nhìn nhận của bản thân, đợi họ nói xong, để họ trình bày rõ ý nghĩ của họ rồi hãy mới đưa ra lời đánh giá. Đồng thời cũng nên học cách động viên để người khác nói nhiều hơn.
GIAO TIẾP PHẢI TÙY ĐỐI TƯỢNG
Trong giao tiếp, có một nguyên tắc là “giao tiếp phải tùy đối tượng”, tức gặp những người khác nhau thì cách giao tiếp phải khác nhau, từ đó chiếm được cảm tình của họ. Chỉ khi chiếm được cảm tình của đối phương, bạn mới có thể có được thứ bạn muốn. Đây cũng là một kỹ xảo để tạo ra mối quan hệ tốt.
Người lãnh đạo nói chuyện với người khác trước tiên phải hiểu rõ cá tính của đối phương, người ta tính bộc trực thì nên nói lời thẳng thắn, người ta chuộng học vấn thì nên nói lời uyên thâm, người ta thích bàn chuyện phiếm thì nên nói năng đơn giản, phương thức nói chuyện phù hợp với cá tính đối phương thì tự nhiên sẽ hợp nhau.
1. Trò chuyện với người có địa vị cao hơn mình thì cần giữ cá tính của bản thân
Khi trò chuyện với người có địa vị cao hơn, bạn phải duy trì suy nghĩ độc lập của bản thân mình, đừng nên “ba phải”. Nếu bạn chỉ nói “Vâng” rất có thể lời nói ấy sẽ khiến người khác không hài lòng.
Khi trò chuyện với người có địa vị cao hơn mình cần chú ý mấy điểm sau:
• Thể hiện thái độ tôn kính
• Khi đối phương nói phải tuyệt đối chú ý lắng nghe
• Không được tùy tiện phát ngôn, trừ phi đối phương yêu cầu mình nói
• Trả lời câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, không lan man lạc đề
• Nói năng tự nhiên, không nên quá căng thẳng
• Khi bạn tôn trọng cấp trên, bạn cũng cần thể hiện lòng tự trọng của mình.
2. Trò chuyện với người cao tuổi phải khiêm tốn
Chúng ta thường nghe bề trên dạy con cháu rằng: “Số cây cầu ta đi qua còn nhiều hơn quãng đường mà con đi.” Điều này rất có lí, tuy người già được tiếp cận với tri thức ít hơn bạn song bất kể thế nào, kinh nghiệm sống của họ cũng phong phú hơn bạn. Do vậy, khi trò chuyện với người già cần phải giữ thái độ khiêm tốn.
Con người không ai muốn người khác nói mình già, bởi vậy khi trò chuyện với người cao tuổi, trước tiên bạn không nên trực tiếp nhắc tới tuổi tác của họ, bạn chỉ nói tới những việc mà họ đã làm, như vậy, lời của bạn có thể làm ấp áp lòng họ và khiến họ có cảm tình với bạn.
Người cao tuổi dễ xúc động hơn người trẻ tuổi, suốt một đời họ đã làm nên nhiều việc đáng tự hào và họ thích nói về chúng. Họ rất thích người khác hỏi ý kiến và lắng nghe lời khuyên của họ, thích được người khác kính trọng. Do đó bạn không được dùng những ngôn từ mà bạn quen dùng với bạn bè cùng trang lứa.
Kì thực trò chuyện với người già rất dễ, bởi họ rất thích nói chuyện. Khi trò chuyện họ thường thao thao bất tuyệt, nếu bạn ngắt lời của họ sẽ thể hiện sự thô lỗ, vô lễ. Vì vậy, đôi lúc nói chuyện với người khá tốn thời gian, nhưng chỉ cần bạn chuyên tâm lắng nghe, những lời của họ vô cùng có ích.
3. Trò chuyện với phụ nữ thì phải coi họ là trung tâm
Khi trò chuyện với phụ nữ, chủ đề nói chuyện nên lấy đối phương làm trung tâm, áp dụng khẩu khí, thái độ và phương thức trò chuyện có thể giành được tình cảm của đối phương. Phụ nữ thích nói về bản thân, gia đình và sở thích của cô ấy, lại càng thích phát biểu ý kiến, thích nói cho mọi người biết cô ấy là người tốt như thế nào. Bởi vậy cô ấy cần một người biết lắng nghe. Giả sử bạn muốn thu hút phái đẹp thông qua trò chuyện, bạn đừng nên có thái độ “làm ngơ” cô ấy. Hãy đối xử với cô ấy như với người có cùng đẳng cấp trí tuệ với mình. Đừng tưởng rằng họ hiểu biết ít hơn bạn hoặc ý kiến của họ không có chút giá trị nào. Như vậy bạn sẽ khiến cô ấy cảm thấy được tôn trọng và thấy vui vẻ khi trò chuyện cùng bạn.
Khi trò chuyện với phụ nữ, bạn cần là người mở đầu, sau đó cô ấy sẽ bắt chuyện ngay. Hỏi về thời tiết, hỏi thăm sức khỏe một người họ hàng của cô ấy, hỏi về sách vở, cá cảnh, hoa cỏ hoặc những sự vật khác. Tóm lại, hãy nói về những thứ phụ nữ thích.
Điều có thể khiến cuộc trò chuyện giữa hai người được liên tục chính là niềm tin của bạn vào khả năng của mình. Bạn có tư tưởng và quan niệm riêng, đừng trầm lặng ít nói cũng không nên đi sâu quá, chớ để bị lạc đề khiến người ta không ưa, lúc nào cũng phải nhớ rằng bạn trò chuyện để đối phương thấy vui vẻ.
4. Trò chuyện phải độ lượng với người có địa vị thấp hơn mình
Trò chuyện với người có địa vị thấp hơn mình dễ hơn nhiều so với người có địa vị cao hơn mình. Song để cuộc trò chuyện thành công lại không hề đơn giản. Bởi khi bạn có cơ hội trò chuyện với họ, bạn sẽ nói rất nhiều hoặc không hề chú tâm vì bạn cho rằng nói chuyện với họ quá đơn giản, không cần phải suy nghĩ nhiều, do vậy lời nói của bạn khiến họ có ấn tượng rằng bạn là người suồng sã, tùy tiện.
Nhưng, ai là cấp dưới của bạn? Họ chỉ có địa vị thấp hơn bạn nhưng không có nghĩa rằng năng lực của họ kém cỏi.
Do đó, khi trò chuyện với người có địa vị thấp hơn mình, bạn phải khiến họ cảm thấy bạn đang hứng thú với câu chuyện của họ, hơn nữa bạn nên khuyến khích họ tham gia vào câu chuyện.
Khi trò chuyện với người có địa vị thấp hơn mình cần chú ý thái độ, lịch sự, thân thiện, tránh thái độ trịch thượng bề trên; khen công việc tốt của họ, không cần nói quá nhiều, không được tỏ ra quá thân mật, cũng không được dùng địa vị của mình để gây khó dễ cho người ta.
Phương thức trò chuyện thay đổi tùy theo đối tượng không chỉ thể hiện sự tu dưỡng tố chất của bạn mà còn khiến đối phương thêm tôn trọng và tin tưởng bạn thông qua việc trò chuyện với bạn.
ĐỂ NGƯỜI KHÁC NỢ BẠN TÌNH CẢM
Khi người lãnh đạo kết giao với mọi người, cần biết nghĩ cho người khác, nghĩ cho tương lai, cố gắng kiểm soát cảm xúc. Có thể bạn chỉ giúp người khác một việc nhỏ, quan tâm người khác hơn một chút, song sự quan tâm ấy luôn khiến người khác nhớ đến bạn, có cảm tình hoặc cảm kích bạn, khi bạn gặp khó khăn họ sẽ báo đáp lại. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn hãy luôn tự nhắc mình phải làm được những điều dưới đây:
1. Bồi dưỡng tình cảm thực sự với người khác
Bạn không thể gọi người khác là anh em chỉ vì muốn có quan hệ tốt, nhưng bạn có thể không hề biết rằng tình hữu nghị đó rất có khả năng mở ra cho bạn một cánh cửa mới.
2. Hãy giúp đỡ người khác khi họ cần sự giúp đỡ
Làm ơn không mong báo đáp, đừng vì muốn người khác cảm ơn mới giúp người ta, phải nghĩ rằng họ đang ở dưới đáy hố sâu và cần một bàn tay trợ giúp. Trong bộ phim kinh điển nổi tiếng Cuộc sống tuyệt diệu của đạo diễn James Steward và Donald Reed, nhân vật chính là một người do thất bại trong sự nghiệp, muốn tự sát bởi khoản tiền bảo hiểm chi trả sau khi chết có thể cứu được người nhà. Nhưng cuối cùng anh ta đã được hàng trăm người mà anh từng giúp trong thị trấn giúp đỡ. Vợ anh đã gọi một cuộc điện thoại nói rằng: “George cần sự giúp đỡ”, họ đã tới, mỗi người mang theo một khoản tiền nhỏ và tập trung tại nhà anh ta, “kẻ ít người nhiều” số tiền mọi người góp lại đủ để anh trang trải và từ bỏ ý định tự sát.
3. Luôn thể hiện là người rộng lượng, tích cực, lạc quan
Khi bạn đứng trước cánh cửa khép kín, bạn có lẽ sẽ nhận ra rằng, người bạn gặp khi thuận lợi rất có thể chính là người bạn gặp khi khó khăn. Những người chịu ơn bạn khi bạn thuận lợi sẽ đứng ra giúp đỡ bạn khi bạn cần họ.
Ngược lại, nếu bạn đối xử với người khác bằng thái độ tiêu cực, chống đối hoặc khiến họ bực tức, bạn chớ mong rằng khi bạn cần giúp đỡ họ sẽ ra tay giúp đỡ hay giới thiệu cho bạn những người có thể cải thiện tình hình sự nghiệp của bạn.
4. Ơn huệ dù ít hay nhiều cũng đều phải cảm ơn
Đối với những người giúp bạn hay có ý định giúp bạn, bạn không những cần cảm ơn ngay mà còn phải giữ liên lạc để họ biết rằng nhờ có sự dẫn dắt hay ý tưởng của họ mà tình hình của bạn có bước tiến mới. Cần nhận thức rằng giúp đỡ người khác là niềm vui, và hãy đền đáp những người đã giúp bạn bằng thái độ hài lòng.
5. Đừng kết thúc mối quan hệ bằng lời nói khó nghe hay một trận cãi cọ
Kết thúc quan hệ bằng những lời nói cay nghiệt không những gây nên bầu không khí căng thẳng mà còn không có ích lợi gì. Huống hồ, ai biết được sau này sẽ có lúc lại kết giao với chính người đó hay không? Đặc biệt là trên thương trường. Người đuổi việc bạn có thể do bất đắc dĩ hoặc không có cách nào khác. Nếu bạn trút giận lên họ chỉ làm tăng thêm ác cảm mà thôi. Cần vận dụng óc phán đoán của bạn, không xuôi theo cảm xúc để quyết định đúng lúc nào, nơi nào có thể nổi nóng.
6. Hợp tác với người hoạt bát, lạc quan
Khó khăn có thể là một đối tác đáng yêu của bạn trên đường đời song chắc chắn không phải là động lực giúp bạn hướng về phía trước. Phàn nàn, ca thán, mặc cảm về số phận và sự thất vọng về bản thân của một số người chính là trở ngại cho bạn. Hãy tránh xa những người như vậy, thái độ của họ đối với cuộc sống rất dễ truyền nhiễm. Thái độ lạc quan luôn luôn có ích, đặc biệt khi mục tiêu của bạn đã vô cùng rõ ràng. Có thể bạn không lạc quan, song bất luận thế nào hãy cứ tỏ ra lạc quan. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên thấy rằng những tâm trạng không tốt đã biến mất đi nhanh chóng.
7. Kết giao với những người có liên quan đến sự nghiệp của bạn
Để người khác biết đến bạn. Nếu bạn là nhà sản xuất xe hơi, đột nhiên mọi người đánh giá thấp xe của bạn, ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ xe, có thể bạn phải lập tức tăng thêm một khoản lớn tiền quảng cáo, quảng bá rằng xe bạn tốt đến mức nào. Tất nhiên mình bạn sẽ không thể chịu được chi phí lớn đến vậy. Khi một cánh cửa trong sự nghiệp của bạn sắp đóng lại, cách làm thông minh nhất là kết giao với những người cùng ngành để họ biết rằng bạn đứng rất vững, khi nào cũng có thể hoàn thành công việc. Viết thư cho người thích hợp, gọi điện cho tất cả những ai bạn có thể làm việc cho họ. Đừng rụt đầu trong lớp vỏ cứng, ngược lại phải cởi mở hơn để người khác biết đến mình hơn. Đừng ngại kết giao với những người cùng ngành nghề, bởi biết đâu có một ngày bạn bị công ty đuổi việc hoặc giáng chức.
8. Người bình thường không hay liên hệ thì đừng đưa ra yêu cầu với họ một cách đột ngột
Khi gọi điện thoại cho một người bạn lâu không liên lạc nên chuẩn bị mời họ cùng dùng bữa, tìm hiểu tình hình gần đây của họ. Về một số việc, hãy đề nghị được giúp đỡ để báo đáp ơn nghĩa và thời gian họ đã bỏ ra để giúp bạn, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn một số phương án. Giới thiệu những người bạn quen hoặc đưa ra kiến nghị để giúp tình hình của họ được cải thiện hơn. Hãy tìm cách để đôi bên cùng có lợi.
9. Sáng suốt lựa chọn những người đáng tin cậy
Đừng đi khắp nơi rêu rao những nhận xét không hay về người khác, bạn sẽ không bao giờ biết được những lời nói đó có đến tai họ hay không. Trừ phi không nói khiến bạn không chịu được, nếu không hãy cố gắng giấu kín trong lòng. Cho dù có nói thì chỉ nên tâm sự với bạn đời hoặc những người bạn tâm giao.
NHỜ CẬY NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT XUNG QUANH MÌNH
Tục ngữ có câu: “Một vị hảo hán, ba người giúp”, “Thêm một người bạn, thêm một con đường”. Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt ngày nay, bạn bè ngày càng trở nên quan trọng, biết cách nhờ cậy bạn bè thường khiến cuộc sống của bạn thoải mái, vui vẻ, có nhiều cơ hội và nhiều người giúp đỡ. Vì vậy bồi dưỡng thói quen quan hệ tốt với bạn bè đồng nghĩa với bạn đã có hy vọng thành công.
Dưới đây là một ví dụ cho việc nhờ “bạn bè” mà trừ được mối họa tiềm tàng.
Trong đại chiến Xích Bích thời Tam Quốc, đại quân của Tào Tháo không thạo sông nước song do trọng dụng những hàng tướng Kinh Châu rất giỏi thủy chiến như Sái Mạo, Trương Doãn nên năng lực thủy chiến của quân Tào có bước tiến rõ rệt. Khi Chu Du cho thuyền thám thính thì phát hiện quân Tào bố trí thủy trại rất tinh vi. Vì vậy, Chu Du đã âm thầm hạ quyết tâm: “Ta phải nghĩ kế trừ khử hai người này trước, sau đó mới có thể đánh Tào”.
Đúng lúc Chu Du đang vắt óc suy nghĩ sách lược thì Tưởng Cán, mưu sĩ của Tào Tháo, đồng thời là bạn cũ của Chu Du đến thăm. Chu Du thoáng nhìn đã biết ý của Tưởng Cán, một là khuyên hàng, hai là đến thám thính tình hình quân đội. Chu Du liền nghĩ ra một diệu kế tận dụng người “bạn” này.
Tối hôm đó, Chu Du cho người bày tiệc lớn khoản đãi Tưởng Cán. Trong bữa tiệc, Chu Du cười nói vui vẻ, ăn uống no say. Tới đêm, Chu Du giả bộ say mèm, kéo lấy tay Tưởng Cán và nói: “Lâu không được ngủ cùng Tử Dực (tên chữ của Tưởng Cán), đêm nay chúng ta ngủ cùng nhau nhé!” Khi trống quân điểm canh hai, Tưởng Cán trở mình thấy đèn chưa tàn vẫn tỏ, Chu Du lại ngủ ngáy như sấm. Trong số những bức thư trao đổi nằm trong đống công văn, Tưởng Cán phát hiện có bức ghi Gửi riêng Sái Mạo, Trương Doãn, Tưởng Cán vô cùng ngạc nhiên vội mở ra xem. Trong thư viết rằng: “Ta đánh Tào, chẳng phải vì lợi lộc mà do tình thế ép buộc. Nay quân Tào khốn đốn trong trại, chỉ cần chờ thời là sẽ lấy đầu giặc Tào treo dưới cờ, sớm muộn sẽ có người đến thông báo”. Tưởng Cán nghĩ, hóa ra Sái Mạo, Trương Doãn đã ngấm ngầm kết giao với Đông Ngô, bèn giấu thư trong áo, lại lên giường giả vờ ngủ.
Khoảng canh tư, có người gọi khẽ Chu Du, Chu Du vờ ra vẻ “ngạc nhiên”. Người đó nói: “Giang Bắc có người đến đây.” Chu Du quát: “Nói khẽ thôi!” rồi lại quay sang Tưởng Cán gọi hai tiếng, Tưởng Cán giả bộ ngủ say không biết gì. Chu Du lẳng lặng ra khỏi doanh trướng, Tưởng Cán vội nhổm dậy nghe lén, chỉ thấy bên ngoài có tiếng rằng: “Hai vị đô đốc Trương Doãn, Sái Mạo nói: ‘Lúc cấp thiết không được ra tay…” còn những lời sau rất nhỏ nghe không rõ. Lát sau, Chu Du quay lại trướng và ngủ tiếp.
Canh năm, Tưởng Cán nhân lúc Chu Du ngủ say chưa tỉnh bèn lén rời đi, về đến Giang Bắc báo cáo tình hình cho Tào Tháo và đưa cho Tào bức thư giả kia, Tào Tháo nổi cáu, lập tức hạ lệnh chém Sái Mạo và Trương Doãn. Khi hai chiếc thủ cấp được trình lên, Tào Tháo mới sực tỉnh nói rằng: “Ta trúng kế rồi!”
Chu Du “lợi dụng” người bạn cũ Tưởng Cán, một công đôi việc, trừ khử được hai mối họa lớn nhất. Vậy nên mới có trận hỏa chiến Xích Bích đốt cháy doanh trại quân Tào lừng danh.
Thường có câu rằng, ở nhà dựa vào bố mẹ, ra đường dựa vào bạn bè. Người lãnh đạo càng cần phải có bạn bè để trợ giúp trong cuộc sống và sự nghiệp của mình.
Câu chuyện về Hoắc Thế Xương, người sáng lập tiệm bánh Santa Ana nổi tiếng Hồng Kông dựa vào bạn bè lập nên sự nghiệp có lẽ sẽ giúp bạn có thêm nhiều gợi mở có ích.
Khi được hỏi về bí quyết kinh doanh, Hoắc Thế Xương chỉ cười nói: “Tôi vay tiền mở cửa hàng và phát tài nhờ bạn bè.” Từ câu trả lời ngắn gọn đó có lẽ bạn đã biết tình hình khi mới khởi nghiệp của anh.
“Khi ấy tôi làm việc ở công ty sản xuất đèn điện, liên quan đến sửa chữa kĩ thuật. Lúc đó chưa kết hôn nhưng tôi đã có bạn gái, cô ấy rất thích làm những món như điểm tâm, bánh ngọt… mùi vị rất tuyệt. Cô ấy học theo một thầy. Tôi liền nghĩ, đồ đệ đã đạt được thành tích như vậy, hẳn sư phụ phải giỏi hơn rồi, rồi lóe lên ý tưởng mở cửa hàng. Lúc ấy ở Hồng Kông ngành sản xuất bánh ngọt chưa được phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Nghĩ đến việc kinh doanh có triển vọng này tôi bèn bàn bạc nghiên cứu cùng với thầy dạy của cô ấy. Chúng tôi đều tán thành kế hoạch này, song vấn đề quan trọng nhất là thiếu vốn, vậy là tôi quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè. Trước tiên tôi thảo ra một bản kế hoạch chi tiết bao gồm dự toán, địa điểm, vốn, phương châm kinh doanh… Sau đó tìm một người bạn và thương lượng. Sau khi người bạn đó xem qua, anh ấy đã nhanh chóng chấp nhận bản kế hoạch, thế là ba người chúng tôi trở thành một nhóm cho đến tận bây giờ.”
Lúc đầu anh phải vay vốn để mở tiệm, nay mỗi năm đều mở thêm một chi nhánh, năm 1997 sau khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc, tiệm bánh của Hoắc Thế Xương càng thêm đông khách.
Bán anh em xa, mua láng giềng gần, tận dụng tốt những người bạn quanh mình sẽ có ích lớn cho sự nghiệp của bạn.
LÀM MỘT NGƯỜI LÃNH ĐẠO CÓ TÌNH NGƯỜI
Người lãnh đạo tuy cần có tính cách kiên nghị quyết đoán, cứng rắn mạnh mẽ song cũng không được hoàn toàn mất đi chữ “Tình”. Tình người giúp cho lãnh đạo càng được nhiều người yêu mến, càng dễ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của người khác.
Ông vua máy móc nông nghiệp McCormick bề ngoài có vẻ lạnh lùng, nhưng thực ra lại là một con người rất trọng tình cảm.
Một công nhân già đã theo ông gần 20 năm, bỗng một hôm sinh sự say rượu gây rối, liên tục không đi làm đúng giờ. Nhân viên quản lý báo cáo với McCormick về tình hình người công nhân già nọ, McCormick suy nghĩ một lúc rồi quyết định đuổi việc.
Người công nhân già nọ khi nhận được thông báo đuổi việc cảm thấy không phục, hộc tốc đi tìm McCormick, sau khi gặp mặt liền mắng: “McCormick, năm đó khi anh không có tiền, ba tháng không phát lương cho tôi, tôi cũng đâu có nói gì, nay tôi chỉ phạm một lỗi nhỏ, anh liền sa thải tôi, anh thực là người vô tình, bạc bẽo!”
“Tôi mà không nể tình, chẳng đợi anh nói hết tôi đã bảo người lôi anh ra ngoài rồi.” McCormick bình tĩnh nói: “Anh có biết đây là công ty, là nơi có quy củ, không phải chỗ nói chuyện riêng giữa anh và tôi. Tôi chỉ có thể làm việc theo quy định, không thể có ngoại lệ.”
“Nhưng mà…” người công nhân nọ hạ giọng, “Bất luận thế nào cũng phải gọi tôi đến hỏi cho rõ ngọn nguồn chứ, sau đó sa thải tôi cũng chưa muộn.”
“Anh say rượu gây rối, không đi làm đúng giờ, việc này có hay không?”
Người công nhân cúi đầu: “Nhưng tôi có nỗi khổ tâm.”
“Đã là việc có thật thì tôi sa thải anh không hề sai.” McCormick kiên quyết nói: “Anh có nỗi khổ tâm sao không nói với tôi sớm?”
“Tôi cứ thấy anh mặt nghiêm nghị là không dám bắt chuyện.” Người công nhân nói: “Đồng thời tôi cho rằng, anh nên quan tâm hơn đến những công nhân già như tôi, nếu chúng tôi có hành vi gì khác thường, anh nhất định phải điều tra cho rõ.”
“Các anh muốn trở thành những thành phần đặc cách sao?” McCormick đứng dậy nói: “Cách làm này của các anh chẳng phải đồng nghĩa với việc hạ thấp tôi sao?”
Sau một hồi chất vấn, người công nhân già nọ cúi đầu rằng: “Chí ít thì khi chúng tôi có khó khăn, đau khổ, anh cũng nên quan tâm chút ít chứ?”
McCormick trả lời: “Đó là điều đương nhiên, song tuyệt đối không được dùng phương thức gây sự để khảo nghiệm tôi. Chúng ta là bạn lâu năm, điều đó không sai, nhưng tôi chỉ có thể giúp anh trong việc tư, còn việc công tôi chỉ có thể làm theo đúng quy định.”
“Ý anh là việc sa thải tôi là chắc chắn rồi?” Người công nhân trả lời một cách buồn khổ.
“Tạm thời không bàn đến chuyện đó, anh nói cho tôi biết, trước kia anh là người luôn tuân thủ quy định, sao lại đột nhiên trở nên thế này?” McCormick ân cần hỏi.
Thở dài một tiếng, người công nhân buồn bã ngồi xuống ghế. “Vợ tôi mất rồi, hai đứa con, một đứa cả ngày ở nhà khóc, một đứa thì bị ngã phải nhập viện”, người công nhân thẫn thờ.
“Sao? Vợ anh mất rồi ư? Khi nào?”
“Hôm kia, chính là hôm tôi say rượu gây rối đó.”
“Vậy sao anh không nói rõ với nhân viên quản lý?”
“Tôi vốn định nói với anh ta, nhưng tôi uống nhiều quá. Lúc tôi tỉnh lại thì bị anh ta mắng cho một trận. Tôi nghĩ: ‘Thân già này đã nên cơ sự này rồi, sợ gì đuổi việc nữa!’” Người công nhân dừng một lúc và nói tiếp: “Lúc đó tôi buồn quá, tôi thấy những người xung quanh không còn ai có tình người nữa, nỗi khổ của tôi hà tất phải kể cho người khác?”
“Thật là quá đỗi hồ đồ!” McCormick trách: “Bây giờ anh đừng nghĩ gì cả, mau về nhà mà lo việc hậu sự cho chị nhà. Lúc nãy không phải anh đã coi tôi là bạn bè sao? Vậy thì anh yên tâm, sẽ không có việc gì lớn đâu.” McCormick rút ra một tập tiền đưa cho người công nhân.
“Anh sẽ không sa thải tôi chứ?” Người công nhân hỏi một cách ngờ vực.
“Anh hy vọng tôi sẽ làm thế chứ?”
Người công nhân lắc đầu nói: “Không, tôi không hy vọng như vậy vì tôi đã vi phạm quy định.”
“Đúng!” McCormick vỗ mạnh lên vai người công nhân và nói: “Đây mới là bạn tốt của tôi. Anh yên tâm về đi, tôi sẽ sắp xếp ổn thỏa cho anh.”
Về sau người công nhân đó đã làm quản gia cho một trang trại của McCormick. Khi xử lý người công nhân, McCormick vừa giữ vững nguyên tắc, vừa có tình người, điều này thật đáng quý. Con người đôi khi tuân thủ nguyên tắc mà mất đi tình người, còn khi giữ được chữ tình lại bỏ qua nguyên tắc.
Xử lý tốt mối quan hệ giữa tình và lý sẽ giúp ta có thêm nhiều bạn, hạn chế được phiền phức.
THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI ĐỒNG CẤP
Quan hệ đồng cấp tồn tại rất nhiều trong đời sống hàng ngày, từ bộ trưởng các bộ ngành cấp nhà nước đến giám đốc doanh nghiệp, công ty đều có quan hệ đồng cấp, xử lý tốt quan hệ đồng cấp sẽ khiến cho công việc suôn sẻ, thuận lợi, giúp toàn cục công việc được phối hợp chặt chẽ.
1. Cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại
Kì thực, mối quan hệ giữa người với người tất cả đều có thể thể hiện ra bằng quan hệ cạnh tranh hay hợp tác. Chỉ là có chỗ thể hiện rõ hơn, có chỗ thể hiện mờ nhạt. Có lẽ quan hệ đồng cấp chính là ví dụ điển hình cho cạnh tranh và hợp tác, người cùng cấp, ai cũng có suy nghĩ rằng, mình nhất định phải làm tốt hơn anh ta, như vậy mình mới có hy vọng thăng chức. Còn sự hợp tác là khi tôi đã làm xong, bạn vẫn chưa xong, là một tập thể tôi cũng gặp rắc rối, chúng ta nhất định phải phối hợp tốt. Đương nhiên, cũng có những lãnh đạo đạt được mục đích trèo cao của mình thông qua việc hãm hại người đồng cấp, cách này không nên dùng và cũng vô đạo đức, đây không phải cách ứng xử phù hợp với mối quan hệ đồng cấp. Muốn xử lý tốt quan hệ lãnh đạo đồng cấp, người lãnh đạo phải mở rộng tầm mắt, nhận biết rõ thế giới xung quanh, chớ làm ếch ngồi đáy giếng. Phải nghĩ rằng sự cạnh tranh giữa bản thân và người đồng cấp chính là môi trường tốt để rèn luyện bản thân, “núi cao còn có núi cao hơn”, cạnh tranh lành mạnh, không ngừng tiếp thu cái tốt với lãnh đạo đồng cấp ở nơi này để thích ứng tốt hơn với nơi khác. Sự hợp tác giữa các lãnh đạo đồng cấp cũng là cơ hội để ta bồi dưỡng năng lực phối hợp với người khác, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ.
Đương nhiên cần học cách làm nổi bật bản thân trong số người cùng cấp bậc. Song cũng cần biết phối hợp với người khác, như vậy mới có thể tránh khỏi sự nuối tiếc “Cây cao hơn rừng, gió sẽ quật đổ”, chỉ có vậy ước mơ của bản thân mới thực hiện được.
2. Thắt chặt tình cảm với người đồng cấp
Tình cảm là “máy điều hòa” trong quan hệ giữa con người với con người, quan hệ đồng cấp cần phải hài hòa, đừng thiết lập “phòng tuyến tâm lý” với nhau, có như vậy khi làm việc mới suôn sẻ, bản thân cũng cảm thấy thoải mái. Vì sự thành bại của công việc bản thân không liên quan trực tiếp đến lợi ích người đồng cấp, do vậy khi tìm kiếm sự phối hợp hay giúp đỡ của lãnh đạo cùng cấp, “tình cảm” giữa bạn và anh ta chính là nhân tố quan trọng để biết họ có vui vẻ giúp mình hay không. Nếu giữa hai người có quan hệ tốt, vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết, còn không bạn sẽ phải tốn khá nhiều công sức. Do đó, người lãnh đạo có kinh nghiệm khi xử lý mối quan hệ đồng cấp luôn đặt “tình cảm” lên vị trí hàng đầu.
Trước tiên nên chủ động tìm hiểu người đồng cấp, mở rộng tấm lòng, khơi thông mối giao lưu tình cảm. Nếu vậy, đối phương cũng sẽ dần dần hé mở “cánh cửa tâm lý”. Cứ thế có qua có lại, tình cảm sẽ ngày một sâu đậm. Giữa đồng cấp với nhau, gặp nhau luôn tươi cười sẽ có ích cho việc giải quyết một số mâu thuẫn, bất đồng. Trong cuộc sống hiện thực, giữa đồng cấp với nhau khó tránh khỏi bất đồng, nhưng chúng thường sẽ biến mất sau những tiếng cười vì thế khi gặp bất đồng, hãy khống chế cơn giận, cố gắng dùng nụ cười thân thiện để hóa giải.
Lời phê bình giữa những người đồng cấp cũng rất quan trọng, song để những lời phê bình ấy thực sự đạt được hiệu quả tốt không hề dễ. Ở đây muốn đề cập tới nghệ thuật phê bình, trước khi phê bình người khác phải tự hỏi mình: Việc ta phê bình là gì? Có phải soi mói, bới lông tìm vết không? Đối phương có thể tiếp thu ý kiến của mình mà sửa chữa không? Ta muốn đối phương thay đổi đến mức độ nào? Ta nên chọn thời điểm, phương thức và tình huống như thế nào để đưa ra ý kiến của mình? Ta có thể chịu trách nhiệm về lời phê bình đó không? Liệu đối phương có thể hiểu nhầm ý của ta không? Hỏi xong những vấn đề này còn cần phải chú ý:
• Xác định đúng mục đích phê bình.
• Lời phê bình phải rõ ràng.
• Dùng “Tôi nghĩ rằng, tôi thấy rằng…” để nói, không nên dùng những từ ngữ mang sắc thái trách móc hay cao ngạo.
• Để đối phương hiểu nguyên nhân bạn phê bình.
• Đừng tỏ ra không vui thông qua lời nói.
• Biết cách thông cảm cho tình cảnh của đối phương.
• Khi thấy đối phương thay đổi theo hướng tích cực nên lập tức khen ngợi và chúc mừng.
• Cần chú ý đến tâm lý cạnh tranh và đố kị của đối phương, đừng để họ nghĩ rằng bạn đang muốn hạ bệ hay ganh đua với anh ta.
• Khéo léo đưa những lời phê bình vào trong câu chuyện thường ngày hay những trò vui. Coi trọng nghệ thuật phê bình mới có thể đạt được hiệu quả tốt, khi đối phương tỉnh ngộ sẽ cảm kích bạn, như vậy mục đích thắt chặt thêm tình cảm của bạn mới có thể đạt được.
GIỮ LIÊN HỆ VỚI KHÁCH HÀNG
Nhà máy sản xuất nồi hơi Đại Đông bán cho công ty Dân Sinh một chiếc nồi hơi cỡ vừa, dù phía Dân Sinh cho biết bên họ đã có đội ngũ kĩ thuật lắp ráp nhưng Đại Đông vẫn cử ba nhân viên có kinh nghiệm sang hỗ trợ.
Quả nhiên, nồi hơi vừa chuyển đến xưởng liền phát hiện cần phải điều chỉnh đôi chút so với thiết bị gốc mới có thể vận hành được. Ba nhân viên nọ ngay lập tức mặc trang phục làm việc và bắt tay vào điều chỉnh. Lắp ráp xong, châm lửa lần một thành công. Ba ngày sau, họ lại đến kiểm tra, hành động này khiến công ty Dân Sinh rất hài lòng.
Sau đó cứ cách hai tháng, Đại Đông lại cử người sang Dân Sinh kiểm tra tình hình sản phẩm, Dân Sinh thấy họ nhiệt tình, không yêu cầu nhưng vẫn đến, phục vụ vô cùng chu đáo nên rất cảm kích, liền tư vấn cho nhiều khách hàng của mình đến Đại Đông mua nồi hơi. Lời khuyên của bạn bè còn linh nghiệm hơn nhân viên tiếp thị, vậy là Đại Đông đã tăng thêm một số khách hàng thân thiết.
Trong ngành marketing có một nguyên tắc quan trọng, đó là nguyên tắc 80 - 20. Ý nghĩa là: 80% thành quả có được nhờ 20% nỗ lực của chúng ta, 80% lượng tiêu thụ do 20% khách hàng chủ chốt của chúng ta mang lại.
20% khách hàng chủ chốt đó là “khách ruột”, “khách quen” mà chúng ta hợp tác dài lâu. Nếu mất đi 20% khách hàng chủ chốt này, chúng ta sẽ mất đi 80% thị trường. Vậy trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, làm thế nào để chúng ta có thể giữ chân những “khách ruột”? Câu trả lời là sản phẩm vượt trội và dịch vụ hậu mãi chu đáo. Nhưng hiện nay nhiều nhà xưởng và nhân viên tiếp thị vẫn chưa thực sự chú ý đến dịch vụ hậu mãi.
Thực ra, khi bán ra một sản phẩm cũng là lúc chúng ta bắt đầu dịch vụ hậu mãi, và dịch vụ hậu mãi lại là nền tảng cho lần bán sản phẩm sau, đó là phản ứng dây chuyền trong quá trình marketing.
Nói một cách nghiêm túc, “Marketing” bao gồm ba hàm nghĩa:
• Để khách hàng mua hoặc tiếp nhận những sản phẩm, dịch vụ mà trước mắt khách hàng chưa có nhu cầu hoặc nhu cầu không cao.
• Để khách hàng hài lòng sau khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của chúng ta.
• Sau khi khách hàng hài lòng thì lần sau muốn mua tiếp hoặc giới thiệu khách hàng mới.
Điều này yêu cầu sau khi làm ăn thành công vẫn phải giữ liên hệ với khách hàng, có thể mượn cớ “Có việc đi qua nên tiện ghé thăm!”, đừng để khách hàng cảm thấy ngại. Hoặc dùng phương thức gọi điện thoại thăm hỏi.
Khi bạn gọi điện thoại cho khách hàng vừa mua sản phẩm, có thể nói: “Tom, tôi gọi điện thoại cho anh để cảm ơn anh đã đặt hàng chỗ chúng tôi hôm qua, tôi rất vui vì được hợp tác với anh, nếu có việc gì cần chúng tôi giúp đỡ, xin hãy gọi cho tôi.” Có thể bạn không biết những vị khách này vô cùng cảm động khi nghe điện thoại của bạn.
Xây dựng mối quan hệ song phương như vậy, vừa giúp khách hàng giải quyết vấn đề một cách chân thành vừa giúp bạn có được lượng khách hàng thân thiết. Sau đó, khi khách hàng hài lòng sẽ giúp bạn có được nhiều khách hàng mới hơn, đây là hiệu ứng tuyết lăn. Hãy xây dựng một hạt nhân khách hàng kiên cố xung quanh bạn và mỗi năm hạt nhân ấy sẽ ngày càng lớn.
DOANH NGHIỆP CÙNG NGÀNH KHÔNG NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀ “OAN GIA”
Trước kia, vì mục đích kiếm lời, các công ty thường muốn giành thị trường cho riêng mình, luôn nghĩ cách hãm hại những doanh nghiệp cùng ngành. Khi xử lý mối quan hệ với các doanh nghiệp cùng ngành, họ đa phần dùng cách hạ bệ, công kích nhau. Không chỉ quan niệm “Cùng ngành tức là oan gia”, mà còn giữ thái độ “Các ngành nghề đều phải cạnh tranh”. Doanh nghiệp trong xã hội hiện đại ngày nay tuy cũng chủ trương cạnh tranh nhưng cạnh tranh với mục đích thúc đẩy lẫn nhau, cùng tiến bộ, cùng phát triển. Đương nhiên cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, cạnh tranh trên thương trường ngày càng khốc liệt, cũng xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp trở mặt thành kẻ thù.
1. “Kẻ thù” cũng là bạn bè
Trong cạnh tranh, ai cũng muốn thắng không muốn bại. Sở dĩ nói các công ty trong cạnh tranh thị trường là “kẻ thù” là vì trong quá trình cạnh tranh lẫn nhau họ có các tính chất sau: Một là tính bảo mật. Trong những giai đoạn và tình huống nhất định các bên đều muốn bảo vệ những bí mật nhất định của mình. Hai là tính trinh thám. Người cạnh tranh hầu như đều tiến hành thăm dò tình hình đối phương để vạch ra sách lược chiến thắng đối phương. Ba là tính hiếu thắng. Các bên cạnh tranh đều muốn thắng lợi, đều muốn có một khoản lợi nhuận nhất định, muốn sản phẩm của mình chiếm lĩnh thị trường. Bốn là tính đối địch. Giả sử thị trường không thể chấp nhận tất cả những đối thủ cạnh tranh, bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn mình tồn tại và “vùi dập” đối phương. Ngay cả khi thị trường có thể chấp nhận tất cả các bên, họ cũng đều muốn lấy mạnh hiếp yếu.
Tuy các công ty cạnh tranh lẫn nhau có chút giống “kẻ thù” trên chiến trường, song xét về bản chất thì không phải vậy. Đó là vì: Mục tiêu kinh doanh căn bản của công ty là cống hiến cho xã hội, sản phẩm của công ty nhằm thỏa mãn nhu cầu xã hội, số tiền công ty kiếm được dùng cho ba phía nhà nước, công ty và nhân viên, phương thức cạnh tranh của công ty phải hợp pháp, xét theo ý nghĩa này, giữa các công ty với nhau hoàn toàn có thể giúp đỡ, ủng hộ và thông cảm cho nhau.
2. Nên đối mặt với đối thủ đáng gờm bằng thái độ thân thiện
Đối thủ cạnh tranh trên thị trường có mối quan hệ tương hỗ không nên tồn tại cảm giác oan gia ngõ hẹp, nên chung sống hòa hảo, phóng khoáng hơn. Điều này giống như hai vị quyền sư võ cao đức trọng tỉ thí với nhau, một mặt phải phân định thắng thua cao thấp, mặt khác phải quan tâm học hỏi lẫn nhau, thắng không kiêu, bại không nản, cùng trao đổi võ nghệ, nâng cao tài năng.
3. Không được “đánh lén”, chỉ được thắng đối thủ bằng cách chính đáng
Trong cạnh tranh thị trường, vì sự sinh tồn phát triển của bản thân, các đối thủ cạnh tranh với nhau hết sức mình là chuyện bình thường. Song nhất định phải sử dụng phương thức cạnh tranh chính đáng, tức chỉ được thông qua chất lượng, giá cả, khuyến mãi để tiến hành cuộc tỉ thí trên thương trường một cách quang minh chính đại, quyết không được dùng những thủ đoạn lén lút, phao tin đồn nhảm hay thủ thuật không chính đáng khác để hãm hại đối phương.
4. Đừng vui buồn chỉ vì thắng thua nhất thời
Trời cao chim tung cánh, bể rộng cá lội bơi. Thị trường rộng lớn, đa dạng, một người lãnh đạo có đầu óc nhanh nhạy, khi con đường lớn thênh thang đã bị mọi người chen lấn thì chớ vì thế mà nảy sinh đố kị, nên tránh xa họ để bước trên con đường nhỏ khác, vượt qua khó khăn gian khổ đi tới đỉnh vinh quang.
Trong điều kiện xã hội hiện đại ngày nay, tình hình thị trường không ngừng biến đổi, tình hình ấy lúc này có thể tốt cho doanh nghiệp A, lúc khác lại có lợi cho doanh nghiệp B. Vì vậy người lãnh đạo nên có cái nhìn thoáng, đừng lấy thành bại chốc lát để luận anh hùng, càng đừng vì thất bại nhất thời trút giận lên đối thủ.
CÂN ĐỐI SỰ NGHIỆP VÀ GIA ĐÌNH
Người lãnh đạo thành công là người xử lý tốt mối quan hệ giữa sự nghiệp và tình yêu, để tình yêu trở thành động lực cho sự nghiệp, sự nghiệp là kết tinh của tình yêu.
Để làm được điều này không những phải bỏ công sức cho việc lựa chọn tình yêu mà còn phải không ngừng phát triển, không ngừng bồi dưỡng tình yêu đã chọn để tình yêu mãi mãi đơm hoa kết trái.
Chúng ta đều biết cảm giác tình yêu và trạng thái tâm lý của niềm tin tương tự nhau, vì thế, tình yêu thường khiến con người biến động lực tư duy thành sức mạnh tinh thần tương ứng. Từ đó, ta càng có thêm động lực theo đuổi thành công trong sự nghiệp, để lấy đó báo đáp cho tình yêu. Cho nên người ta thường nói: Đằng sau những người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Tình yêu của phái đẹp đã tạo nên động lực và nhiệt huyết cho người đàn ông trong sự nghiệp.
Tìm một người bạn đời cùng chung chí hướng không hề đơn giản, không nhiều người tìm được bạn đời cùng chung chí hướng, đa phần đều phải xây đắp tình yêu thông qua thực tế cuộc sống. Thực ra cả tình yêu và gia đình đều cần bạn phải bảo vệ suốt đời, vì chúng như một món đồ thủy tinh, chỉ cần không để tâm một chút là sẽ bị tan vỡ.
1. Chọn một người phải có quyết tâm xây dựng sự nghiệp
Khi đi tìm người bạn đời của mình hãy thật chú ý đến chí tiến thủ của họ. Yêu một người không phải chỉ là yêu cơ thể của họ mà quan trọng là yêu ý chí, tâm hồn của anh ta, tức là bạn yêu một người có đam mê, hoài bão chứ không phải một kẻ sống không mục đích, không lý tưởng.
Mấu chốt ở đây là, khi bạn theo đuổi sự nghiệp, đừng quên nửa kia của mình, hãy để anh ấy hoặc cô ấy cùng bận rộn với bạn, để họ cũng bị cuốn vào sự nghiệp của bạn, cùng chia ngọt sẻ bùi, chớ để họ nhàn rỗi, không có việc làm, họ sẽ thấy rất buồn chán, cô đơn hiu quạnh, ắt sẽ nghĩ quẩn, sẽ xa lòng cách dạ cuối cùng dẫn đến chia ly, bởi họ nghĩ rằng bạn đã quên đi sự tồn tại của họ, họ không còn quan trọng với bạn nữa, và đi tìm người coi trọng họ.
Nếu bạn có thể kể cho anh ấy hay cô ấy nghe về những mâu thuẫn, phiền muộn, khổ sở của bạn trong sự nghiệp để họ nghĩ cách giúp bạn, họ sẽ rất vui và yêu bạn hơn.
2. Dù ở bất cứ đâu cũng không thể quên gia đình
Rất nhiều người lấy lí do rằng công việc bận, không có thời gian chăm lo gia đình, tình yêu, trên thực tế đây là người thiếu tình yêu thương.
Người có tình yêu thương bất kể trong trường hợp nào cũng không để người yêu thương mình phải cô đơn, đau khổ, lúc công việc bận nhất cũng sẽ gọi điện thoại trò chuyện với người nhà và người bạn đời của mình, bởi đây chẳng qua chỉ là việc nhỏ, không hề ảnh hưởng đến công việc của họ, chỉ có điều họ có muốn làm vậy hay không mà thôi.
Khi bạn cảm thấy tình yêu tan vỡ, bạn vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho đối phương, bạn vẫn không hề ý thức được rằng chính sự thiếu hụt tình yêu thương của bản thân là nguyên nhân cơ bản khiến tình yêu và gia đình bạn tan vỡ. Cho nên, không có tình yêu thương, chỉ chú ý đến sự nghiệp là một sự thiếu sót vô cùng lớn.
3. Khi xây dựng gia đình, mỗi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ nhất định với gia đình
Đam mê theo đuổi sự nghiệp là một biểu hiện cho trách nhiệm của bạn đối với gia đình và cá nhân bạn, song gia đình cần bạn phải có trách nhiệm một cách toàn diện trên nhiều mặt chứ không chỉ có sự nghiệp.
Có những người cả ngày bận rộn với sự nghiệp, thực chất là trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình, ăn xong cơm, chùi mép là đi ngay, đây không chỉ là sự không tôn trọng với công sức của người vợ mà còn là sự thiếu trách nhiệm với bản thân, bởi gia đình không phải chỉ cần bạn kiếm tiền mà hơn hết họ cần tình yêu thương của bạn.
Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần kiếm tiền và không cần quan tâm đến bất kì thứ gì khác, vậy bạn hãy đến làm việc ở một cơ quan nào đó để đáp ứng nhu cầu cơm ăn áo mặc, không cần phải kết hôn làm gì!
Có vị lãnh đạo, ngày ngày bận lo cho sự nghiệp, cho rằng chỉ cần kiếm tiền mình sẽ trở thành “Thái thượng hoàng” trong nhà, mọi người trong nhà chỉ là “nô bộc”, đều phải vâng lời anh ta. Kết quả là con trai anh ta đã vùng lên “tạo phản”, cậu muốn quyền lợi và sự tự do của chính mình, không muốn tiếp tục sinh sống trong gia đình chuyên chế đó nữa. Cha con chia rẽ, cũng khiến cho người vợ “phản bội”, vợ đứng về phía con, vị lãnh đạo nọ trở thành kẻ cô độc.
Ngày nay gia đình càng cần sự dân chủ, vì vậy nếu bạn muốn kiếm tiền nuôi gia đình, theo đuổi sự nghiệp, bạn còn cần phải quan tâm đến gia đình, tận hưởng niềm vui do tình yêu mang lại, có vậy bạn mới là một con người hoàn thiện, một người có đầy đủ các cung bậc tình cảm, một người có sức sống. Cuộc sống của bạn khi ấy mới thú vị, mới có sắc màu, bạn mới thực sự tận hưởng được niềm vui của cuộc đời.