Sức khỏe là tiền đề của thành công
✱ Sức khỏe của một người bao gồm ba phương diện: cơ thể khỏe mạnh, tinh thần khỏe mạnh và năng lực thích ứng xã hội tốt.
✱ Phải tăng cường quản lý sức khỏe của bản thân, hình thành những thói quen sống tốt, rời xa những thói quen sống không tốt.
✱ Một người lãnh đạo thông minh nhất định sẽ biết phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thời gian làm việc thì tập trung làm việc, thời gian nghỉ ngơi thì thoải mái nghỉ ngơi, sắp xếp thời gian biểu khoa học.
✱ Người có sức khỏe dồi dào, sức sống mạnh mẽ, hiệu quả làm việc sẽ cao hơn nhiều người có sức khỏe yếu ớt.
SỨC KHỎE LÀ TÀI SẢN THẬT SỰ CỦA BẠN
Sức khỏe của một người nên bao gồm ba phương diện: cơ thể khỏe mạnh, tinh thần khỏe mạnh và năng lực thích ứng xã hội tốt.
Làm thế nào để đánh giá cơ thể khỏe mạnh và tinh thần lành mạnh? Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra tiêu chuẩn “Năm nhanh” để đánh giá trạng thái khỏe mạnh của cơ thể và tiêu chuẩn “Ba tốt” để đánh giá tình trạng lành mạnh của tinh thần.
“Năm nhanh” bao gồm ăn nhanh, nói nhanh, đi nhanh, ngủ nhanh, bài tiết nhanh.
Ăn nhanh: Ăn ngon miệng, không kén chọn đồ ăn, có thể ăn nhanh hết một bữa cơm. Điều này có nghĩa là chức năng nội tạng trong cơ thể bình thường.
Nói nhanh: Ngôn ngữ biểu đạt chính xác, nói năng lưu loát, cho thấy đầu óc nhanh nhạy, chức năng tim phổi bình thường.
Đi nhanh: Đi lại thoải mái, hoạt động nhanh nhẹn, thể hiện sức khỏe dồi dào, trạng thái cơ thể tốt.
Ngủ nhanh: Khi muốn ngủ, lên giường rất nhanh có thể ngủ được, hơn nữa ngủ rất ngon, sau khi tỉnh dậy tinh thần dồi dào, đầu óc tỉnh táo. Điều này nói lên hệ thống thần kinh trung ương hưng phấn, chức năng khống chế nhịp nhàng, đồng thời nội tạng không bị bệnh lý xâm nhập.
Bài tiết nhanh: Khi muốn bài tiết thì có thể nhanh chóng đại tiểu tiện và cảm thấy thoải mái. Điều này nói lên chức năng thận, dạ dày, đại tràng đều tốt.
“Ba tốt” bao gồm cá tính tốt, năng lực xử thế tốt, quan hệ giao tiếp tốt.
Cá tính tốt: Tâm tư ổn định, tính cách ôn hòa, ý chí kiên cường, tình cảm phong phú, lòng dạ thẳng thắn vô tư, độ lượng lạc quan.
Năng lực xử thế tốt: Quan sát vấn đề khách quan xác thực, có năng lực tự kiềm chế tốt, có thể ứng phó với những tình huống phức tạp, giữ vững tâm tư tốt khi đối diện với sự thay đổi của sự vật, có cảm giác biết hài lòng.
Quan hệ giao tiếp tốt: Đối xử với người khác rộng rãi độ lượng, coi trọng tình bạn, coi việc giúp người là niềm vui, thích giúp đỡ người khác, quan hệ với người khác tốt đẹp. Không soi xét khuyết điểm của người khác, không tính toán quá đáng.
Cách đánh giá “năm nhanh” và “ba tốt” giúp cho chúng ta có thể nắm rõ tình trạng sức khỏe bản thân một cách toàn diện, điều chỉnh thích hợp các hành vi không tốt, để sức khỏe mãi mãi đồng hành bên chúng ta.
Từ đó chúng ta có thể có được nhận thức chính xác đối với sức khỏe, khỏe mạnh trên thực tế chính là cuộc sống vui vẻ, vui vẻ sống cuộc sống mỗi ngày, vui vẻ đối diện với mọi người, tự tạo niềm vui cho mình và cho thế giới xung quanh. Ngược lại, nếu bạn làm cho cuộc sống của mình thêm đau khổ, gây ra đau khổ cho người khác, bạn chính là một người có bệnh, cho dù tứ chi bình thường khỏe mạnh, nhưng tinh thần lại có bệnh. Có những người như Helen1, tuy là một người mù, nhưng bà đã tự vượt qua chính mình, thực hiện tiềm năng lớn nhất của con người, trở thành tấm gương cho những người khuyết tật, ai có thể nói bà là một người không khỏe mạnh? Vì vậy, xét từ góc độ này, khỏe mạnh chủ yếu được đánh giá từ tinh thần, chứ không phải từ cơ thể.
1 Helen Adams Keller (1880-1968): Nữ nhà văn, nhà hoạt động xã hội, diễn giả khiếm thị và khiếm thính người Mỹ.
Muốn khỏe mạnh trước tiên phải làm cho tinh thần khỏe mạnh. Tinh thần khỏe mạnh mới có thể giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn và phán đoán chính xác trong cuộc sống, cũng mới có thể làm cho cuộc sống của chúng ta tràn đầy niềm vui.
Có những người lãnh đạo khi còn trẻ dùng sức khỏe của mình để đổi lấy tiền bạc, khi về già lại dùng tiền bạc đi đổi lấy sức khỏe. Tuy nhiên chúng ta nên nhận thức một cách tỉnh táo rằng, cho dù làm nghề gì chúng ta cũng không nên vì tiền bạc mà hy sinh sức khỏe của mình. Một con người đầu óc thông thái hoàn toàn dựa vào cơ thể khỏe mạnh, mà một người cơ thể khỏe mạnh thì tài cán và tiềm năng luôn vượt qua tài cán và tiềm năng của 10 người có cơ thể yếu ớt. Mọi người đều biết, ông vua dầu mỏ John Rockefeller đã từng lập nên hai kỷ lục đáng ngạc nhiên lúc bấy giờ, một là ông kiếm được số tài sản lớn nhất thế giới lúc đó, hai là ông sống đến 98 tuổi. Có thể thấy, sức khỏe là tiền đề của thành công, chỉ có duy trì cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, người lãnh đạo mới có thể dùng sức mạnh lớn nhất của mình ứng phó với công việc, mới có thể đạt được thành tựu mà chúng ta mong muốn.
Nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe, mục tiêu phấn đấu đầu tiên của chúng ta khi sống trên thế giới này là có được một cơ thể khỏe mạnh năng động, tất cả mọi tài sản vật chất trên thế giới này đều nằm ngoài sự tồn tại của bạn, chỉ có sức khỏe là của bạn, nó chính là tài sản thật sự của bạn.
SỨC LỰC LÀ VỐN QUÝ GIÁ CỦA BẠN
Hầu hết mọi người thường không coi trọng sức khỏe của mình bằng những vật phẩm quý, có những người lại chỉ quan tâm đến những thứ mà từ đó người ta có thể có được thù lao hậu hĩnh.
Lấy ví dụ hệ thống tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa là cơ quan cung cấp động lực cho toàn cơ thể chúng ta, tuy nhiên cách thức mà chúng ta đối đãi với nó lại luôn không thích hợp. Chúng ta khiến cho hầu hết năng lượng tiêu hao vào việc tiêu hóa những thực phẩm dư thừa hoặc không thích hợp, vì vậy khi phải tiêu hóa những thực phẩm cần thiết lại gặp khó khăn. Ngược lại, có một số người vì nhiều nguyên nhân mà không hấp thu đầy đủ những loại thực phẩm cần thiết, dẫn đến các tổ chức cơ quan trong cơ thể đều bị suy dinh dưỡng.
Một số người lại vì tiếc thời gian, quá dốc sức làm việc mà từ bỏ tất cả những hoạt động nghỉ ngơi và giải trí nên có, kết quả là tự hủy hoại sức sống của bản thân họ.
Có tài năng nhưng vì sức khỏe yếu mà không thể phát huy, lúc này tài năng của bạn sẽ có tác dụng gì? Nếu bạn vì sinh hoạt không hợp lý hoặc không chú ý nghỉ ngơi kịp thời mà làm cơ thể suy nhược, sức sống giảm sút, thậm chí nhất cử nhất động hiện rõ bộ dạng sức cùng lực kiệt, thì đầu óc của bạn có nhanh nhạy đến đâu, cho dù có được gọi là thiên tài cũng có tác dụng gì?
Người lãng phí sức sống quý giá là kẻ tội lỗi nhất. Loại người này còn tồi tệ hơn nhiều so với những kẻ lãng phí tiền của. Bọn họ đang tự giết chết những cơ hội và hạnh phúc trong cuộc đời mình.
Nếu đầu óc bạn tỉnh táo, ý chí kiên cường, lại có chí làm việc lớn, thì bạn phải coi từng chút sức lực, từng chút thể lực, từng chút nghị lực đều là vốn sống quý báu của mình, quyết không được hoang phí vào những việc không có giá trị.
Bạn phải coi hao tổn sức lực dưới bất kỳ cách thức nào, coi tổn thất từng chút sức lực là một loại lãng phí không thể tha thứ, thậm chí là một loại hành vi phạm tội hoặc một tội ác không thể khoan dung.
Giữ cơ thể và tinh thần khỏe mạnh dồi dào để thích ứng với công việc, như vậy khi bạn làm việc mới có thể vui vẻ, chủ động và không cảm thấy miễn cưỡng hay đau khổ. Nếu sức lực dồi dào thì trên diện mạo ngay từ “lỗ chân lông” cũng đều hiện ra vẻ sung sức. Người có sức lực cường tráng, sức sống mạnh mẽ, hiệu quả làm việc một giờ còn cao hơn so với hiệu quả làm việc cả ngày của người có sức khỏe yếu ớt.
BẢO VỆ TỐT TRÍ NÃO CỦA BẠN
Đại não là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người, cũng là nguồn vốn thành công lớn nhất, vì thế nó cần được bảo vệ để có thể hoạt động tốt nhất.
Đại não cũng giống như sinh mạng, tất nhiên sẽ già yếu đi, đây là quy luật không ai có thể kháng cự. Tuy nhiên, dựa trên phương châm tôn trọng quy luật tự nhiên, nghiên cứu tìm ra phương pháp làm chậm quá trình lão hóa của đại não và sử dụng đại não một cách có hiệu quả cao và lâu dài nhất có thể, lại là việc hoàn toàn thực hiện được.
Theo những kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm cuộc sống xã hội lâu dài của con người, việc bảo vệ đại não nên chú ý bốn điểm sau đây:
1. Không để đại não mệt mỏi quá độ
Đại não mệt mỏi quá độ sẽ phá hoại sự cân bằng hưng phấn và ức chế của vỏ não, gây ra suy giảm chức năng đại não, biểu hiện là tinh thần rối loạn, phản ứng chậm chạp, sức chú ý phân tán, trí nhớ giảm sút, học tập và làm việc cảm thấy khó khăn, đồng thời bị hoa mắt, chóng mặt, toàn thân mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, thậm chí dẫn đến các chứng bệnh như cao huyết áp, loét dạ dày hoặc các bệnh về thần kinh…
Biện pháp chủ yếu để phòng tránh đại não mệt mỏi quá độ là nghỉ ngơi đúng lúc, để cho thần kinh căng thẳng được thả lỏng. Phương pháp nghỉ ngơi rất nhiều và đa dạng, như tiến hành một số hoạt động tiêu khiển vui vẻ thoải mái (nghe nhạc, trồng hoa, thưởng thức nghệ thuật, câu cá, đánh cờ, đọc sách…), tập thể dục thể thao, ngủ… Ngoài ra, kịp thời thay đổi trung tâm hưng phấn ưu thế của lớp vỏ đại não làm cho các khu vực trên lớp vỏ đại não luân phiên hưng phấn và ức chế, tức là luân phiên thay đổi nội dung làm việc, phương thức làm việc, từ đó tránh tình trạng một khu vực nào đó hưng phấn quá độ.
2. Cải thiện dinh dưỡng cho đại não
Đối với những người lao động trí óc phải hoạt động tư duy trong thời gian dài, cần phải bổ sung dinh dưỡng thích hợp. Những chất dinh dưỡng đó có thể hấp thụ từ rất nhiều loại thực phẩm. Thực phẩm có hàm lượng protein cao bao gồm đậu nành, trứng gà, sữa, các loại thịt…; rau, hoa quả lại là nguồn thực phẩm chủ yếu cung cấp vitamin, canxi, phôtpho, sắt; cá, tôm… cũng có hàm lượng cao protein, vitamin, phôtpho. Tóm lại, mỗi loại thực phẩm có hàm lượng thành phần dinh dưỡng riêng của nó, chỉ cần khẩu phần của chúng ta phong phú và cân bằng thì sẽ có được đầy đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của đại não.
3. Chú ý các nhân tố ảnh hưởng đến chức năng của đại não
Một là không khí, đặc biệt là oxy và ion âm. Cung cấp oxy không đủ, thiếu hấp thụ ion âm, có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy chức năng đại não. Để có được đầy đủ oxy và ion âm, chúng ta phải thường xuyên hoạt động ngoài trời, đến với thiên nhiên, đến những khu vực xanh, công viên, cánh đồng bát ngát, ngoại ô, bờ biển, rừng để hòa mình vào thiên nhiên…
Hai là âm thanh. Tiếng nhạc êm tai, tiếng vọng của không gian, tiếng chim líu lo, tiếng ếch kêu sau trời mưa… có thể làm con người cảm thấy vui vẻ. Ngược lại, tạp âm chói tai, tiếng ồn của giao thông, tiếng động cơ máy móc… làm cho con người khó chịu, bất an.
Ba là ánh sáng. Cường độ, thể loại, phương hướng… của ánh sáng đều có ảnh hưởng đến hoạt động của đại não.
Bốn là màu sắc. Có những màu sắc khiến con người lo lắng không yên. Những tông màu nắng như đỏ, vàng, cam thường làm cho con người hưng phấn; những tông màu lạnh như xanh lá cây, xanh da trời, tím lại làm cho con người thấy yên tĩnh. Sự mẫn cảm đối với màu sắc của mỗi người là không giống nhau, xuất phát từ thực tế bản thân mỗi người nên sử dụng màu sắc thích hợp trong công việc và cuộc sống của mình.
4. Làm chậm quá trình lão hóa của đại não
Biểu hiện bên ngoài của đại não bị lão hóa là phản ứng trì trệ, hành động chậm chạp thậm chí gặp trở ngại, tư duy không rõ ràng thậm chí rối loạn, trí lực suy giảm, trí nhớ giảm sút, tính cách thất thường, thường dễ nổi nóng, đa nghi… Biểu hiện trong kết cấu đại não là tế bào thần kinh giảm, trọng lượng não giảm nhẹ, thể tích não co lại, tâm thất não mở rộng, độ lồi lõm của vách ngăn tâm thất não lộ rõ, độ dày của lớp vỏ đại não giảm, thành phần hóa học và cenlulô thần kinh trong tế bào thần kinh thay đổi, tắc nghẽn mạch máu não…
Làm thế nào để làm chậm quá trình lão hóa của đại não?
Trước tiên phải thường xuyên sử dụng não. “Thường xuyên sử dụng thì tiến hóa, không thường xuyên sử dụng thì thoái hóa” là quy luật tiến hóa của vạn vật, đại não cũng vậy, càng sử dụng sẽ càng linh hoạt, không sử dụng còn khiến cho não lão hóa đi nhanh hơn. Đương nhiên phải nắm rõ nguyên tắc sử dụng thích hợp.
Tiếp theo là phải giữ cho tâm trạng luôn lạc quan vui vẻ. Tâm tư lạc quan không chỉ làm tinh thần con người dồi dào, sức lực cường tráng mà còn có thể làm chậm quá trình lão hóa của đại não. Ngoài ra, bạn còn phải lao động và nghỉ ngơi hợp lý, sinh hoạt điều độ, cân bằng giữa lao động trí óc và lao động chân tay.
ĂN UỐNG KHOA HỌC
Chúng ta thường nghe thấy “tôi thích ăn cái này”, “tôi không thích ăn cái kia”, đương nhiên ai cũng lựa chọn thứ mình thích, không chọn thứ mình không thích. Nhưng thích hay không thích thông thường chỉ là theo cảm tính, nó có thể được quyết định bởi màu sắc, hương vị thậm chí hình dáng của thực phẩm, nhưng rất ít khi chúng ta chú ý đến thành phần dinh dưỡng hay tác dụng đối với sức khỏe của thực phẩm.
Cho nên trong thực tế xuất hiện rất nhiều người ăn uống phản khoa học, ăn uống quá tùy ý và tự do mà coi thường nhu cầu của cơ thể và gây hại cho sức khỏe.
Vậy làm thế nào để lựa chọn thực phẩm thật sự tốt cho sức khỏe? Ở đây giới thiệu ba nguyên tắc để mọi người tham khảo:
1. Cố gắng lựa chọn bữa sáng có nhiệt lượng thấp, lượng mỡ và lượng cholesterol thấp. Qua một đêm nghỉ ngơi, cơ thể ở trong trạng thái đói, nhiệt lượng hấp thụ sẽ tương đối nhiều, do đó ăn những đồ có nhiệt lượng cao, lượng mỡ nhiều hoặc lượng cholesterol nhiều sẽ gây kích thích dạ dày, như vậy là không tốt.
2. Phải ăn nhiều rau và hoa quả tươi, tốt nhất nên giữ nguyên mùi vị ban đầu của chúng, như vậy mới không làm hủy hoại kết cấu và hàm lượng dinh dưỡng vốn có. Chúng ta biết rằng, rất nhiều thực phẩm vì chế biến không thích hợp khiến những chất vốn có lợi biến thành có hại cho sức khỏe, làm hại chính bản thân chúng ta.
3. Cố gắng giảm thiểu lượng thịt. Lượng mỡ, protein trong thịt là nhân tố gây ra rất nhiều bệnh, giảm lượng thịt trong khẩu phần hàng ngày một cách hợp lý rất có lợi cho sức khỏe, hoàn toàn có thể thông qua những thực phẩm khác bổ sung lại dinh dưỡng mất đi trong đó.
Xem xét lại thực đơn và thói quen ăn uống hàng ngày của bạn, chú ý liên hệ chúng với tình hình sức khỏe hiện tại, nghĩ xem các loại thực phẩm mà bạn thích rốt cuộc chiếm vị trí như thế nào và có tác dụng gì trong nhu cầu của cơ thể bạn, sau đó bạn sẽ có thể sắp xếp một cách khoa học việc ăn uống của mình.
BỆNH TÂM LÝ KHÔNG THỂ XEM NHẸ
Cùng với sự phát triển của xã hội, mức độ hiện đại hóa và công nghiệp hóa ngày càng cao, con người ngày càng phải gánh chịu nhiều loại áp lực và xung đột tâm lý, là một người lãnh đạo, áp lực phải gánh chịu lại càng lớn hơn người bình thường. áp lực quá mức của cuộc sống trong xã hội hiện đại thường làm cho con người cảm thấy rất khó thích ứng, khó giữ được cảm xúc ở trạng thái tích cực. Do căng thẳng, sợ hãi, lo lắng được mất trong thời gian dài, tâm trạng căng thẳng sẽ tiến triển trở thành bệnh tâm lý.
Trong cuộc sống hàng ngày của con người, bệnh tâm lý biểu hiện rất đa dạng: trầm cảm, ảo giác, cảm thấy trống rỗng, bất lực, đau đầu… Khi những bệnh này cản trở cuộc sống hàng ngày, thì phải tiến hành điều trị tâm lý. Bệnh tâm lý còn biểu hiện dưới những dạng sau:
1. Ngoại tình
Ngoại tình trên thực tế là một loại bệnh tâm lý không lành mạnh, ảnh hưởng đến phán đoán cuộc sống hàng ngày của con người. Ngoài ngoại tình do bất hạnh trong hôn nhân, đại đa số ngoại tình là do người trong cuộc tâm lý có vấn đề, một loại bệnh thái tâm lý khiến họ làm ra những sự việc trái với quy luật bình thường. Cho nên, đối với người ngoại tình cần phải phân tích tình hình thực tế cụ thể để áp dụng những phương thức khác nhau, không thể quá quyết liệt, dứt khoát.
2. Buồn bực trong thời gian dài
Đây là một loại bệnh tâm lý phổ biến, vì cuộc sống hiện đại với công việc bận rộn, những sự việc không thuận lợi, không nhìn thấy tương lai, đều dễ dàng làm con người sầu muộn. Lo buồn sầu muộn trong thời gian ngắn thì không nguy hại, chỉ cần điều chỉnh kịp thời thì có thể vui vẻ trở lại, nhưng lo buồn sầu muộn trong thời gian dài thì có thể dẫn đến phát sinh bệnh tâm lý nghiêm trọng, cho nên, nhất định không được coi thường.
3. Cảm thấy cô độc
Cảm thấy cô độc là một loại bệnh tâm lý ở mức độ nhẹ. Con người vốn là một loại động vật cao cấp sống hợp quần, duy trì hoạt động xã giao bình thường thì sẽ cảm thấy vui vẻ; nếu không muốn giao tiếp với người khác mà thường xuyên khép kín bản thân thì sẽ sản sinh ra cảm giác cô độc khiến con người càng ngày càng lập dị, càng không muốn giao tiếp với người khác, lâu ngày trở thành bệnh.
4. Không có khả năng tự nhận định
Đối với những chuyện lớn, người bình thường đều sẽ đưa ra được phản ứng nhận định và cách đối phó bình thường. Nhưng người rối loạn tâm lý sẽ không biết nên làm thế nào, sẽ do dự thiếu quyết đoán, tự mình mâu thuẫn chính mình. Đó là do họ bị mất đi niềm tin vào chính mình, dẫn đến không thể nào đưa ra được nhận định chính xác.
5. Quan hệ giao tiếp không tốt
Người có tâm lý bất ổn chắc chắn sẽ không có quan hệ giao tiếp tốt, bởi vì họ không thể hợp tác với người khác, họ không tin tưởng bất cứ người nào.
6. Thường xuyên mất ngủ
Người có chứng bệnh tâm lý luôn sống trong mộng tưởng, họ không thể thực hiện được lý tưởng của mình trong thực tế, nên sẽ thỏa mãn bản thân bằng việc nằm mơ giữa ban ngày trong tưởng tượng, họ luôn sống trong thế giới viễn tưởng không thể thoát ra được, không phân biệt rõ ngày và đêm, quá trình hưng phấn và ức chế thần kinh xảy ra rối loạn, mất ngủ là chuyện thường xuyên.
7. Cảm thấy áp lực công việc vượt quá sức chịu đựng
Người có tâm lý không khỏe mạnh luôn oán trách công việc của mình quá nặng, luôn cảm thấy bản thân phải làm nhiều, người khác làm ít, cảm thấy mình phải chịu thiệt thòi lớn, từ đó cho rằng bản thân không có cách nào chịu đựng áp lực công việc, công việc vượt quá phạm vi năng lực của họ.
8. Thất vọng đối với môi trường làm việc
Tâm lý có vấn đề, con người sẽ có phản ứng bất mãn với hoàn cảnh. Trước tiên là tỏ ra bất mãn với môi trường làm việc của bản thân, luôn oán trách điều kiện này không tốt, điều kiện kia không tốt, cho rằng không phải bản thân mình làm không tốt mà là môi trường khiến cho bản thân không có cách nào làm tốt.
9. Bất mãn với môi trường sống
Người oán trách môi trường sống là người có vấn đề về tâm lý. Người bình thường đều có thể thích ứng với môi trường, bạn sống trong một môi trường riêng đã được xác định, bạn không có cách chọn lựa, bạn chỉ có thể thích ứng với môi trường đó, oán trách cũng không thể thay đổi được gì. Nếu biết rõ không thể thay đổi mà vẫn tỏ ra bất mãn, thì đó chính là nguyên nhân của tâm lý không khỏe mạnh.
Bất kỳ ai, khi gặp trở ngại về tâm lý, đặc biệt trong trường hợp gặp tai nạn bất ngờ, các cú sốc về thần kinh, tổn thương tâm lý, mâu thuẫn trong các mối quan hệ giao tiếp đều nên kịp thời đến gặp bác sỹ tâm lý.
Người mắc bệnh tâm lý, một mặt phải dựa vào điều trị của bác sỹ tâm lý, nhưng quan trọng hơn là vẫn phải dựa vào chính bản thân mình, tự “giảm áp lực”, “nới lỏng trói buộc” cho bản thân. Phải kết hợp như vậy mới có thể trị khỏi bệnh tâm lý của bản thân, có được tâm lý khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh biểu hiện ở những điều sau:
(1) Người có tâm lý khỏe mạnh có các phương thuốc riêng để giải trừ những khó khăn về tâm lý, họ không kỳ vọng ngăn cản được sự công kích của áp lực mà họ đối diện với nó một cách tích cực.
(2) Người có tâm lý khỏe mạnh cho rằng, chịu đựng trắc trở chỉ là một cửa ải của cuộc đời, con người khó tránh được cảm giác không vui vẻ, không hài lòng, nhưng họ sẽ đánh tan đau buồn hướng đến sự vui vẻ.
(3) Người có tâm lý khỏe mạnh hiểu được đạo lý thông suốt, thay đổi tính cách cố chấp, làm cho bản thân mình giống như ngọn cỏ, tuy bé nhỏ nhưng có sức sống, có thể đứng vững trong mưa to gió lớn.
(4) Người có tâm lý khỏe mạnh tin rằng, con người là động vật có tình cảm, họ bình tĩnh đón nhận những cảm xúc của bản thân và hiểu được làm thế nào để kiểm soát chúng.
(5) Người có tâm lý khỏe mạnh biết tự mình tìm thấy niềm vui và cảm giác hài lòng, họ biết bản thân có điểm gì tốt, có khả năng vui vẻ ngay cả những khi cô đơn.
(6) Người có tâm lý khỏe mạnh sẽ không giữ trong lòng những âu sầu trắc trở, cho dù là khó khăn nhỏ nhất họ cũng quen xử lý triệt để.
(7) Người có tâm lý khỏe mạnh hiểu được làm thế nào để có được một người bạn tri kỷ, người bạn tri kỷ thường như dòng nước mát làm sạch tâm hồn tăm tối.
(8) Người có tâm lý khỏe mạnh có cuộc sống thanh nhàn thú vị, phóng khoáng, thích lấy cảnh đẹp thiên nhiên gột sạch những đau buồn trong lòng.
Người có tâm lý khỏe mạnh không phải là người hoàn hảo không thiếu sót, chỉ là họ biết vươn tới sự sống trong hoàn cảnh ngang trái, hiểu rõ làm thế nào để đối mặt với khó khăn, thích ứng với hoàn cảnh. Họ rất nhạy cảm với hiện thực, có thể tìm được điểm cân bằng giữa thành công và thất bại.
Chúng ta nên cố gắng kiềm chế cảm xúc của bản thân những khi căng thẳng lo lắng, làm cho bản thân đạt đến ranh giới bình tĩnh. Chỉ khi chúng ta có được tâm lý khỏe mạnh, mang tâm trạng thoải mái, hoạt bát, cởi mở tập trung vào công việc, cuộc sống thì mới đạt được thành công.
BIẾT LÀM VIỆC, BIẾT NGHỈ NGƠI
Hiệu quả cao trong công việc bắt nguồn từ sức lực dồi dào, mà sức lực dồi dào lại phải xuất phát từ việc nghỉ ngơi đầy đủ. Nắm được cách nghỉ ngơi hợp lý có thể làm cho người lãnh đạo sau khi làm việc mệt mỏi, trong thời gian ngắn nhất có thể hồi phục lại hoàn toàn sức lực, điều chỉnh cơ thể và tinh thần để quay lại công việc.
Ngoài việc đi ngủ, còn có rất nhiều hình thức nghỉ ngơi khác, ví dụ như duỗi thẳng lưng, ngáp một cách thoải mái, tập thể dục, nghe nhạc, tán gẫu, uống trà hoặc cà phê…
Người lãnh đạo ở văn phòng nếu nắm được một số cách nghỉ ngơi, có thể đạt được hiệu suất làm việc gấp hai lần bình thường còn có thể duy trì sức khỏe của bản thân.
1. Nghỉ ngơi tích cực
Vì duy trì hiệu suất công việc mà nghỉ ngơi, chúng ta gọi đó là nghỉ ngơi tích cực. Người lãnh đạo tại văn phòng thường phải đảm nhiệm một lượng công việc lớn, không thể dừng lại nghỉ ngơi trong một thời gian dài, mà phải hồi phục sức lực để bắt đầu lại công việc trong thời gian ngắn nhất có thể.
Thông thường, công việc ở văn phòng làm cho con người cảm thấy mệt mỏi, hầu hết là vì họ phải giữ mãi một tư thế trong thời gian dài, khiến tuần hoàn máu không tốt, cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, nếu bạn phải thường xuyên giữ một tư thế ngồi thì thỉnh thoảng nên đứng dậy, đi lại một chút; nếu bạn luôn phải cúi đầu xem văn bản tài liệu thì hãy tranh thủ hoạt động cổ và lưng một chút. Mỗi nửa tiếng lại hoạt động hoặc đi lại một lần như vậy tuy công việc rất nhiều nhưng bạn cũng sẽ không cảm thấy mệt mỏi.
Nghỉ ngơi tích cực không yêu cầu kỹ xảo hay thiết bị máy móc gì đặc biệt. Chỉ cần sau khi làm việc cảm thấy mệt mỏi, bạn có ý thức dừng lại để nghỉ ngơi một chút, như vậy có thể có hiệu quả rất tốt.
Nhất định phải kiểm soát tốt thời gian nghỉ ngơi. Có người cứ nhắc đến nghỉ ngơi là rất vui mừng. Khi nghỉ ngơi là không muốn tiếp tục làm việc lại nữa. Nếu như vậy thì nghỉ ngơi tích cực sẽ không có ý nghĩa gì.
Người lãnh đạo phải học được cách quản lý thời gian của bản thân một cách linh hoạt, kết hợp tốt giữa làm việc và nghỉ ngơi, nghỉ ngơi để thúc đẩy hiệu suất công việc, chứ không phải nghỉ ngơi chỉ để nghỉ ngơi.
Có người tự quy định làm việc một tiếng thì nghỉ ngơi 10 phút, tuân thủ một cách nghiêm ngặt, kết quả là nghỉ ngơi không có hiệu quả tốt, còn khiến khi quay lại làm việc thì trở nên rất lười nhác. Bởi vì họ quá cứng nhắc về thời gian nghỉ ngơi, khi nhiệt tình công việc của bản thân đang lên cao hay khi một công việc nào đó đang làm dở dang thì lại dừng lại, kết quả là khiến cho công việc lẽ ra có thể làm được tốt hơn thì lại trở nên kém hiệu quả.
2. Nghỉ ngơi bằng cách tự thư giãn
Ví dụ, xem một đoạn phim hài, nghe một đoạn kịch vui, thưởng thức một khúc nhạc yêu thích, tưới hoa, cho cá ăn… Các hình thức nghỉ ngơi thật sự rất nhiều, chỉ cần bạn là một người yêu cuộc sống thì sẽ tìm thấy xung quanh mình rất nhiều “phương thuốc tốt” có thể giúp bạn giải tỏa khó khăn, mệt nhọc.
Ở đây giới thiệu thêm một hình thức nghỉ ngơi thích hợp với tất cả mọi người, hơn nữa hình thức nghỉ ngơi này làm toàn bộ cơ thể thả lỏng, giúp con người cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ, từ đó đạt được hiệu quả nghỉ ngơi.
Trước tiên, nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế, tự mình thả lỏng.
Tiếp theo, không dùng sức, không nghĩ gì, bắt đầu để ý niệm nghỉ ngơi đi đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, sau đó nghĩ cơ thể của bạn sẽ có phản ứng đối với việc này.
Bắt đầu từ chân trái, nghĩ đến đầu ngón chân trước, nghĩ rằng nó đã nghỉ ngơi, để ra hiệu ngầm nghỉ ngơi. Tiếp đó ra hiệu ngầm cho chân, sau đó cho cổ chân, bụng chân, đầu gối, rồi liên tục đến đùi.
Lại chuyển sang nghĩ đến chân phải, cũng bắt đầu từ đầu ngón chân, liên tục đến đùi.
Sau đó bắt đầu từ ngón tay, bàn tay, cổ tay, cánh tay, liên tục đến nách.
Tiếp đó phát tín hiệu đến đầu, mặt, cổ, để chúng cũng đều nghỉ ngơi.
Cuối cùng để thân người tiếp nhận tín hiệu, bắt đầu từ ngực men dần theo bụng liên tục xuống dưới.
Theo thứ tự như vậy, dần dần để cơ thể được nghỉ ngơi. Thông thường để toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi một lần như vậy cần 5 - 10 phút. Có thể lặp lại vài lần nữa theo thứ tự như vậy, toàn bộ cơ thể sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn.
Nghỉ ngơi theo phương pháp này, bạn có thể không bị hạn chế bởi địa điểm, ngồi tại phòng làm việc, ngồi tại nhà hay ngồi trên xe bus đều có thể làm.
3. Không mang công việc về nhà
Trong thời gian tám tiếng làm việc, phải cố gắng hết sức hoàn thành lượng công việc phải làm, không nên mang công việc còn lại về nhà.
Mang công việc về nhà sẽ làm lẫn lộn thời gian làm việc và thời gian sống. Nếu công việc thật sự làm không hết, có thể làm thêm giờ một cách hợp lý, nhưng tuyệt đối không được làm như vậy trong thời gian dài. Nếu không, sẽ chỉ dẫn đến sự tuần hoàn không tốt, làm cho lượng công việc của bạn luôn trong tình trạng làm không hết. Trên thực tế, còn làm giảm hiệu suất công việc của bạn.
Mang công việc về nhà đồng nghĩa với cướp đoạt thời gian nghỉ ngơi của bản thân. Nói một cách cụ thể hơn, là cướp đoạt thời gian ở cùng nhau của bản thân và người trong gia đình. Điều này tất nhiên sẽ gây ra sự bất mãn của người nhà.
Sự hòa thuận và đầm ấm trong gia đình là trụ cột tinh thần rất lớn của người lãnh đạo. Mất đi sự ủng hộ của người nhà, người lãnh đạo sẽ giống như thuyền mất đi mái chèo, không có cách nào chống lại sóng gió.
Một người lãnh đạo thông minh nhất định sẽ biết sắp xếp thời gian biểu hợp lý, phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thời gian làm việc tập trung làm việc, thời gian nghỉ ngơi thả lỏng nghỉ ngơi.
HÌNH THÀNH THÓI QUEN SỐNG TỐT
Người bình thường chỉ cần bắt đầu từ khi 35 tuổi, tăng cường tự mình quản lý sức khỏe bản thân, hình thành thói quen sống tốt thì có thể kéo dài bảy năm tuổi thọ. Một thói quen sống khỏe mạnh, tuân theo quy luật có thể cải thiện một số “bệnh về già” như tim mạch, ung thư, cao huyết áp. Chỉ cần duy trì thói quen sống khoa học, lành mạnh thì trong thời kỳ xế chiều của cuộc đời vẫn có thể hưởng thụ một cuộc sống khỏe mạnh và tự chủ.
Muốn tăng cường sức khỏe, hình thành thói quen sống tốt, trước tiên phải tránh xa thói quen sống không lành mạnh. Những thói quen sống không lành mạnh thường gặp có năm loại:
1. Sở thích không lành mạnh
Như thích uống rượu, nghiện rượu, thường xuyên hút thuốc, ham mê cờ bạc. Có người nói rất đúng, trong rất nhiều nhân tố nguy hại đến sức khỏe, nhân tố nguy hiểm nhất chính là tác dụng xấu ngày qua ngày của những sở thích không lành mạnh gây ra.
2. Thói quen sống không lành mạnh
Như thói quen vệ sinh kém, dẫn đến dễ mắc các bệnh đường ruột hoặc bệnh ký sinh trùng. Người ăn quá nhiều, uống quá nhiều dễ mắc bệnh dạ dày, tiêu hóa không tốt và có thể dẫn đến viêm tuyến tụy cấp tính nguy hiểm đến tính mạng. Người thích ăn đồ nhiều mỡ, nhiều muối dễ mắc chứng cao huyết áp, kèm theo bệnh tim… Khi đã hình thành thói quen không lành mạnh thì tác hại đối với sức khỏe sẽ thường xuyên xuất hiện hoặc lặp đi lặp lại.
3. Lạm dụng thuốc
Các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện nay tác hại của thuốc đã trở thành tác hại thứ ba chỉ đứng sau tác hại của khói thuốc và tác hại của rượu. Trên thế giới, mỗi năm số người chết vì tác hại của thuốc không dưới vài trăm nghìn người. Vì vậy, muốn khỏe mạnh sống lâu phải ngừng lạm dụng thuốc, bao gồm cả thuốc bổ. Vì thuốc bổ dùng không đúng sẽ thành hại người.
4. Mệt mỏi quá mức hoặc sống lười nhác trì trệ
Có những lãnh đạo ưu tú qua đời ở tuổi trung niên, nguyên nhân chủ yếu là do cường độ lao động trí óc và nếp sống thiếu khoa học. Từ trước đến nay không có ai sống không điều độ mà có thể sống lâu. Nhưng sống một cách lành mạnh, sinh hoạt đúng giờ, ăn uống điều độ, luôn luôn là những đặc điểm của những người sống lâu.
5. Không coi trọng đời sống tinh thần
Cùng với sự phát triển của khoa học y tế, con người ngày càng nhận thức được một cách chính xác sự phát sinh và phát triển của một số bệnh về tinh thần (tâm lý) có vị trí đặc biệt quan trọng. Ví dụ, lo lắng quá mức, căng thẳng trong thời gian dài, cáu giận và kìm nén… thường là những nhân tố dẫn đến các bệnh như cao huyết áp, bệnh tim và có thể khiến cho bệnh tình thêm nghiêm trọng. Hay ví dụ như tâm trạng tồi tệ (ưu phiền, đau buồn, hoảng sợ…), do có tính chất ức chế tinh thần mạnh hoặc thường trực trong thời gian dài có thể làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể, tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
Để điều chỉnh cách sống không điều độ và hành vi không lành mạnh, hãy thiết lập thói quen sống khoa học, hình thành hành vi lành mạnh, các nhà khoa học đưa ra lời khuyên nên tăng cường cải thiện từ 10 phương diện sau:
• Tính tình rộng lượng, tinh thần lạc quan, đơn giản hóa mâu thuẫn và quan hệ giao tiếp phức tạp.
• Ăn uống hợp lý, vừa phải phòng chống thiếu dinh dưỡng vừa phải tránh dư thừa dinh dưỡng, duy trì cân bằng bữa ăn và thực phẩm.
• Kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi, kiên trì tập luyện, đặc biệt là người lao động trí óc, người trong giới kinh doanh, càng nên dành thời gian tham gia hoạt động thể thao.
• Sinh hoạt điều độ, nề nếp, biết thư giãn, biết tìm vui vẻ trong buồn khổ.
• Không hút thuốc (bao gồm cả hút thuốc thụ động), không nghiện rượu.
• Gia đình hòa thuận, cuộc sống ổn định, không khí hòa hợp.
• Thích giúp đỡ người khác, tự tôn tự trọng, không hồ đồ chuyện lớn, không tính toán chuyện nhỏ.
• Coi trọng vệ sinh, giữ sạch sẽ, chú ý an toàn.
• Dùng thuốc hợp lý, có bệnh sớm trị, không bệnh sớm phòng.
• Sinh hoạt tình dục lành mạnh, không buông thả.
HÌNH THÀNH QUAN HỆ GIAO TIẾP TỐT
Quan hệ giao tiếp tốt không chỉ thúc đẩy công việc hàng ngày phát triển, mà còn là liều thuốc tốt cho tinh thần khỏe mạnh. Tác dụng tích cực của quan hệ giao tiếp tốt đối với tinh thần biểu hiện ở mấy phương diện sau:
1. Quan hệ giao tiếp tốt có tác dụng bù đắp tinh thần
Khi bạn mất đi thứ gì đó, vì nó mà đau khổ, sinh ra tinh thần lệch lạc, luôn có những đôi tay nhiệt tình đưa ra giúp đỡ bạn, giúp bạn rời bỏ đau thương, hồi phục trạng thái tinh thần cân bằng. Quan hệ giao tiếp tốt giống như nguồn nước không bao giờ khô cạn, không ngừng tưới tắm cho cánh đồng tâm hồn của chúng ta, giúp chúng ta trừ bỏ lo lắng hạn hán nứt nẻ, chìm đắm trong ánh sáng mùa xuân tươi đẹp, rạng rỡ, vui vẻ.
2. Quan hệ giao tiếp tốt có tác dụng ổn định tâm trạng
Con người hàng ngày làm việc bận rộn, căng thẳng, vì cuộc sống không thể không bôn ba khắp nơi, khó tránh khỏi những khó khăn trắc trở, cảm thấy phiền não, lo lắng, ức chế và đau khổ, tinh thần căng thẳng, tâm lý mất cân bằng, vừa ảnh hưởng đến công việc vừa nguy hại đến sức khỏe. Lúc này, con người cần sự an ủi và động viên của người khác, cần có người đồng cam cộng khổ, giúp đỡ vượt qua khó khăn, có được niềm tin tiến về phía trước. Quan hệ giao tiếp tốt có thể đáp ứng những nhu cầu này của con người, làm cho họ được giải thoát khỏi trạng thái tâm lý căng thẳng, ức chế, mang lại cho họ sự ổn định tâm trạng, từ đó lại có thể tập trung vào công việc và cuộc sống với một tinh thần thoải mái, vui vẻ. Nó giống như chậu nước mát trong ngày hè nóng nực, lò than sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá, làm cho bạn thoải mái, dễ chịu, sảng khoái, và ấm áp trong lòng.
3. Quan hệ giao tiếp tốt giúp chúng ta phát triển và làm sâu sắc ý thức tự thân
Trong quan hệ giao tiếp, con người tiếp nhận lẫn nhau, thừa nhận lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, từ trong ánh mắt và thần thái của những người xung quanh mỗi người đều có thể thấy được diện mạo và giá trị của mình, thỏa mãn lòng tự tôn, tăng cường sự tự tin; ý thức được trách nhiệm và ảnh hưởng đối với xã hội của bản thân; sản sinh ra động lực tiến về phía trước. Đồng thời, cũng thông qua thái độ của người khác đối với bản thân, con người mới có thể làm sâu sắc nhận thức đối với bản thân mình, nâng cao năng lực tự đánh giá, làm cho sự tự đánh giá ngày càng trở nên khách quan và toàn diện, tố chất tâm lý cũng không ngừng được nâng cao và tăng cường.
Ngược lại, sự mất cân bằng trong quan hệ giao tiếp tất nhiên sẽ cản trở sự phát triển khỏe mạnh của tâm lý con người, dẫn đến các vấn đề tâm lý và áp lực tinh thần. Họ không có cách nào nhận thức rõ bản thân, không thấy được giá trị và ý nghĩa của cuộc sống; khi khó khăn không tìm được bạn bè người thân giúp đỡ, trong đau khổ chỉ có một mình đơn độc, không có người thổ lộ, không có người an ủi; thường xuyên phiền não, liên tục gặp trắc trở; cảm thấy tất cả mọi người đều đối địch với mình, tất cả mọi việc đều không theo ý mình, do dự nghi ngờ, cáu giận bất bình. Tâm lý rơi vào trạng thái hỗn loạn cực đoan, áp lực tinh thần cũng lúc nặng lúc nhẹ. Tính tình sẽ trở nên càng ngày càng lập dị, kỳ quái, càng ngày càng khó hiểu, khó giao tiếp. Đến lúc không thể chịu đựng được nữa thường sẽ có hành vi công kích hoặc chỉ trích người khác, xã hội hoặc chỉ trích bản thân, cuộc đời trở thành bi kịch.
Vì vậy, duy trì quan hệ giao tiếp tốt cho dù đối với ai cũng đều rất quan trọng, duy trì tâm lý khỏe mạnh mới có thể đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, quan trọng nhất là duy trì một cuộc đời khỏe mạnh.
TRÁNH XA TÂM TRẠNG TIÊU CỰC
Tâm trạng tiêu cực làm cho chúng ta cảm thấy đau khổ. Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta thường sẽ gặp phải những tâm trạng tiêu cực dưới đây, nhận thức chính xác những tâm trạng không tốt này có thể giúp chúng ta thoát khỏi vực sâu đau khổ.
1. Buồn thương
Nguyên nhân sinh ra buồn thương là do mất đi thứ mà bản thân coi trọng, hơn nữa hy vọng tìm lại được rất mù mịt. Ví dụ, mất đi người thân, bạn tốt hoặc tình cảm tốt đẹp, thậm chí là một vật bản thân rất quý trọng. Buồn thương làm cho tinh thần con người đi xuống, thần sắc đau khổ. Mức độ buồn thương quyết định bởi mức độ coi trọng của bản thân đối với đối tượng bị mất đi.
Phương pháp điều chỉnh tâm trạng này có rất nhiều, thường gặp nhất là phương pháp chuyển dịch, chính là chuyển sự chú ý của bản thân từ đối tượng bị mất sang chỗ khác. Đối tượng mới nhất định phải là thứ mà bạn thấy có hứng thú hoặc có giá trị, nếu không hiệu quả sẽ không tốt. Có những nỗi buồn thương trong thời gian ngắn không thể xóa bỏ được, đặc biệt là khi mất đi người thân và bạn tốt, những tình huống này cần phải tự mình điều chỉnh tâm lý, biến đau khổ thành sức mạnh, thúc đẩy thành tình yêu cuộc sống. Phương pháp chuyển dịch chỉ trị được phần ngọn không trị được phần gốc.
2. Phẫn nộ
Khi con người ở vào trạng thái phẫn nộ, dễ mất đi lý trí, gây ra một số hành vi quá nóng vội. Những hành vi thường thấy là khơi vào nỗi đau của người khác, làm cho người khác rơi vào tình thế khó xử hoặc mất thể diện. Cho nên, tâm trạng này nếu không được kiểm soát sẽ rất dễ gây tổn thương lòng tự trọng của đối phương, từ đó ảnh hưởng đến tình cảm hai bên. Vì vậy, khi cần thiết để bảo vệ lòng tự tôn và nhân cách, đối với những người và việc có ác ý, biểu thị phẫn nộ theo hình thức như thế nào nhất định phải bình tĩnh suy nghĩ, không để cho cơn phẫn nộ làm mụ mị đầu óc, nếu không sẽ hối hận không kịp.
3. Đố kị
Đố kị là một loại tâm trạng giày vò con người một cách tồi tệ, làm con người phiền não nhất, nó thường đến cùng với dục vọng, uất hận, đau khổ. Tâm lý đố kị phát sinh từ việc so sánh bản thân với người khác, mong muốn bản thân có nhiều tài sản, danh vọng và sự quan tâm yêu thương hơn người khác.
Sự đố kị phát triển đến mức quá cố chấp sẽ sinh ra tâm lý bất ổn. Ví dụ, thấy đắc ý khi niềm vui của bản thân được gây dựng trên đau khổ của người khác, tâm lý này rất có thể dẫn bản thân rơi vào trạng thái tự hủy hoại chính mình. Để phòng tránh tâm lý này nảy sinh và phát triển, con đường duy nhất là chấp nhận. Chấp nhận hòa hợp bản thân và người chúng ta khâm phục, chứ không phải đối lập bản thân với người khác. Vì đố kị là do tâm lý cạnh tranh không chính đáng gây nên, cho nên chấp nhận người khác, khôi phục tâm lý cạnh tranh lành mạnh là thuốc trị liệu tốt nhất.
4. Sợ hãi
Sợ hãi là do mong muốn thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm nào đó gây ra. Đối tượng của sự sợ hãi có thể là người, cũng có thể là vật hoặc việc, sợ hãi có thể là tâm trạng sinh ra trong thời khắc gặp nguy hiểm, cũng có thể là bóng đen do một khoảng thời gian dài ở trong tình cảnh nguy hiểm để lại, cũng có thể do lo sợ đối với một sự vật nào đó mà tích lũy thành sợ hãi. Sợ hãi khiến con người trốn tránh, để chiến thắng sợ hãi chỉ có cách là phá vỡ ảo giác sợ hãi, làm con người cảm thấy không sợ hãi nữa.
5. U uất
Đây là một loại tâm trạng cực đoan thường gặp nhất, nó làm cho con người dường như sống trong một cái kén tằm, xung quanh là tơ do bản thân nhả ra cuốn quanh, muốn trở mình cũng rất khó khăn. Người có tâm trạng này có phản xạ thần kinh đặc biệt mẫn cảm, dễ dẫn đến một loại tâm trạng cực đoan khác - nóng nảy, mất bình tĩnh. U uất làm con người sống rất dè dặt, để thay đổi tâm trạng này chỉ cần tự mình khích lệ, có được ý thức tự mình khích lệ sẽ rất dễ dàng thoát ra tâm trạng đau khổ, giống như kén tằm muốn biến thành cánh bướm, cần phải tự mình đột phá.
6. Lo lắng
Trong cuộc sống hàng ngày, lo lắng không thể bị loại bỏ hoàn toàn và cũng không cần thiết phải như vậy. Lo lắng hợp lý có thể thúc đẩy con người hành động, nhưng lo lắng quá mức sẽ tước đoạt hết sự vui vẻ của chúng ta.
7. Xấu hổ
Thông thường, xấu hổ xuất hiện khi chúng ta làm việc gì gây tổn hại đến hình tượng bản thân hoặc những người quan tâm chúng ta, sinh ra đau khổ và bất an. Người có thể cảm thấy xấu hổ là người có tự tôn và đạo đức, cho nên đừng vì tâm trạng này mà cảm thấy bất an. Nhưng đừng để sự xấu hổ trong thời gian dài khống chế tâm trạng của bạn, nếu không sẽ dẫn đến tâm lý tự ti. Phương pháp xóa bỏ tâm trạng này là bù đắp bằng cảm giác tự hào hoặc dũng cảm nhận sai.
8. Căng thẳng
Căng thẳng hợp lý có thể làm cho chúng ta tập trung sức chú ý, nhưng căng thẳng quá độ sẽ sinh ra phản ứng không tốt, ví dụ sắc mặt nhợt nhạt, tứ chi run rẩy, ngôn ngữ lộn xộn. Căng thẳng thường do thiếu kinh nghiệm gây nên, nếu có thể nếm trải một vài lần, căng thẳng sẽ biến mất. Nhưng cũng có một số người sẽ càng ngày càng căng thẳng, lúc này cần tự mình điều tiết và khích lệ. Tập trung chú ý vào bản thân sự vật, đừng suy nghĩ hậu quả hay những yếu tố ngoài lề khác, phương pháp này tương đối hữu hiệu để khống chế tâm trạng căng thẳng.
TÍCH CỰC TẬP LUYỆN THỂ DỤC THỂ THAO
Đi tản bộ là một phương thức thể dục vận động rất tốt. “Ngày nào cũng đi bộ, sao còn phải đi tản bộ?” Có người hỏi một cách thẳng thừng như vậy. Đúng vậy, đối với những người lãnh đạo cả ngày bận rộn mà đề ra việc đi tản bộ để tăng cường sức khỏe, thật sự giống như trò cười, nhưng thực ra đi tản bộ và đi bộ không hoàn toàn giống nhau. Đi bộ có nhanh có chậm, sở dĩ phải đi bộ là vì có việc phải làm. Đối với một người lãnh đạo, “đi như bay” là đặc điểm thường thấy. Nhưng đi tản bộ mà chúng ta đang nói đến lại là đi chậm rãi, nghe rõ tiếng chân chậm rãi bước về phía trước, không ràng buộc, tự do tự tại. Cơ thể phải thả lỏng tự nhiên, tinh thần điềm tĩnh, nhẹ nhàng, vui vẻ, thong dong thoải mái.
Đi tản bộ để tăng cường sức khỏe, từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đã rất được coi trọng. Sách Nội kinh yêu cầu sáng sớm sau khi thức dậy phải “quảng bộ vu đình”, tức đi tản bộ chậm rãi trong sân. Đây là một loại vận động điều hòa, có thể thư giãn gân cốt, giúp chân khỏe mạnh, mà khí huyết ở chân có lưu thông hay không lại có quan hệ đến toàn thân, ngoài ra, đi tản bộ còn là một loại vận động thả lỏng tâm hồn. Bước đi thoải mái có nhịp độ, hít thở sâu và điều hòa, làm cho tâm trạng điềm tĩnh, ung dung thư thái. Đúng như người xưa từng nói: “Đi tản bộ dưỡng tinh thần.” Có người cho rằng đây chỉ là quan điểm của lớp người già cổ hủ, người trung thanh niên không cần để ý, nhiều người lãnh đạo càng không nghĩ đến phải dùng thời gian quý giá của mình để đi tản bộ. Đây đúng là một sai lầm to lớn. Đặc điểm của loại vận động này chính là ở hai chữ “kiên trì”, kiên trì bền lòng nhiều năm, mới có thể thấy được kết quả, không phải chỉ có vận động mạnh mới có thể tăng cường sức khỏe, kì thực một số phương pháp vận động nhẹ nhàng lại thường cho hiệu quả tốt hơn.
Thời gian làm việc của hầu hết lãnh đạo khá dài, ban ngày ngồi cả buổi, tối về lại treo đèn làm việc đến nửa đêm, rất dễ làm cho cơ thể sớm suy yếu. Sách Nhập môn y học viết rằng: “Cả ngày ngồi một chỗ, dễ chết sớm.” Suốt ngày cúi gục làm việc, phần gáy thường xuyên cúi gập về phía trước, mạch máu phải chịu áp lực nhẹ, ảnh hưởng đến cung cấp dưỡng chất như oxy và đường gluco cho tổ chức não, mà hoạt động trí óc lại căng thẳng thường tiêu hao lượng lớn những chất này, thời gian lâu dần sẽ cảm thấy đau đầu chóng mặt. Hơn nữa, trong quá trình liên tục lao động trí óc căng thẳng hoặc sau khi lao động trí óc thời gian dài, không có vận động cơ thể thích hợp để điều tiết, sự mệt mỏi của đại não khó mà xóa bỏ được. Lâu dần sẽ dẫn đến chức năng đại não rối loạn và ảnh hưởng không tốt đến các hệ thống khác trong cơ thể.
Người lãnh đạo sau khi làm việc một khoảng thời gian, đặc biệt là khi cảm thấy khả năng tập trung suy giảm thì nên tạm dừng vận động trí óc, nhanh chóng hoạt động thân thể một chút. Bạn có thể ở ngay tại văn phòng khua khoắng gập duỗi chân tay, cũng có thể ra ngoài văn phòng tập thể dục, luyện quyền. Nhìn từ bề ngoài, dường như những hoạt động này đều chiếm mất một chút thời gian, nhưng sự nâng cao hiệu suất công việc sẽ bù đắp lại khoảng thời gian của bạn, quan trọng hơn là bạn có được cơ thể khỏe mạnh. Cho nên có người mỗi ngày đều kiên trì tập luyện, coi như một sự đầu tư sức khỏe. Roosevelt cho rằng, tinh lực dồi dào ở trong cơ thể khỏe mạnh. Thể thao và thư giãn tuy chiếm mất một số thời gian quý giá, nhưng lâu dài sẽ giúp ta có được sức khỏe, cho nên vị tổng thống này hài hước nói rằng: “Tôi ‘có lãi’ rồi!”
Có cơ thể khỏe mạnh, tinh lực hơn người, mới có thể lao động trí óc căng thẳng, gánh vác nhiệm vụ nặng nề. Thường ngày chú ý vận động, rèn luyện tốt sức khỏe, không chỉ có lợi cho việc đạt được thành tích to lớn, mà còn ngăn chặn sự lão hóa của cơ thể, cùng với sự trôi đi của thời gian bạn vẫn sẽ tư duy nhạnh nhạy, sức lực dồi dào, tiếp tục có những cống hiến lớn. Đó chính là thứ mà vận động hàng ngày báo đáp cho bạn.