* Con hổ tuy không cần quật đuôi nhưng vẫn rất oai nghiêm vì sự oai nghiêm xuất phát từ nội tại chứ không phải là sự khoe mẽ bên ngoài.
* Một người lãnh đạo thành công 99% nằm ở sức hút với mọi người và chỉ có 1% thuộc về quyền lực.
* Nếu người lãnh đạo “có uy”, không cần hiệu triệu mọi người vẫn theo.
* Nếu bạn muốn người khác công nhận mình là người có tố chất lãnh đạo, trước hết bạn phải trở thành một lãnh đạo thành công.
KẾT HỢP HÀI HÒA GIỮA CỨNG RẮN VÀ MỀM MỎNG TRONG VIỆC SỬ DỤNG UY QUYỀN
Mỗi phương pháp chỉ có thể giải quyết một vấn đề và không thể tránh được một số “phản ứng phụ” nhất định. Quá ôn hòa thì đôi lúc sẽ dẫn đến khó kiểm soát, khó giữ kỷ cương, trật tự; quá khắt khe sẽ dẫn tới sự trầm lắng, thiếu sáng tạo. Do vậy, phương pháp nào cũng có hai mặt, không có phương pháp nào toàn vẹn.
Một người lãnh đạo tài năng sẽ biết kết hợp giữa phương pháp mềm mỏng và cứng rắn để hạn chế mặt tiêu cực. Họ có thể diễn hai vai, lúc này họ có thế là người nho nhã, mềm mỏng, lúc khác họ có thể là người nghiêm khắc, cứng rắn với nhân viên.
Với từng đối tượng cấp dưới, lãnh đạo nên có chính sách và biện pháp nhất định với họ, có thể là mềm mỏng hoặc cứng rắn hoặc kết hợp cả hai để họ tâm phục khẩu phục. Có như vậy mới có thể dung hòa các mối quan hệ, và có được sự nể phục của mọi người.
TRÁNH LẠM QUYỀN
Phong cách lãnh đạo lạm quyền sẽ dễ dẫn đến ảnh hưởng theo kiểu dây chuyền. Lãnh đạo to tiếng với cấp dưới; về nhà cấp dưới trút giận lên bạn đời và người này lại trút giận lên con cái! Độc đoán là tính cách của nhiều người, nhưng nếu nó tồn tại ở một người lãnh đạo thì còn tai hại hơn nữa.
Tại sao có rất nhiều người lún sâu vào tình trạng độc đoán? Có ít nhất bốn nguyên nhân sau đây:
(1) Cách làm cũ: Nhìn từ góc độ lịch sử, phong cách lãnh đạo độc tài đã tồn tại từ lâu đời và vẫn còn đến tận ngày nay.
(2) Thói quen: Kiểu lãnh đạo độc đoán là phương thức đã đi sâu vào tiềm thức con người.
(3) Thao tác giản đơn: Yêu cầu người khác làm một việc gì đó dễ hơn rất nhiều so với việc áp dụng phương pháp lãnh đạo khác có hiệu quả hơn.
(4) Tính cách chi phối: Về một khía cạnh nào đó, trong bản năng của con người luôn có nhân tố độc tài, chuyên quyền, áp đảo người khác.
Những năm gần đây đã diễn ra rất nhiều cuộc thảo luận, nghiên cứu về kiểu lãnh đạo độc tài. Những thuật ngữ mới không ngừng xuất hiện, như “quản lý theo mô hình can thiệp”, “phong cách tổ chức kiểu ‘dân chủ’”,…
Có nhà nghiên cứu đã đưa ra lý luận về phương pháp lãnh đạo thông qua sự khéo léo và quyền uy, lý luận về điều hòa mối quan hệ giữa người với người, kết hợp mục đích của mỗi người với thành công của doanh nghiệp.
MÃNH HỔ OAI NGHIÊM KHÔNG CẦN CÁI QUẬT ĐUÔI
“Đôi mắt của quần chúng rất tinh tường” do vậy ai như thế nào người khác đều biết rất rõ nên không cần và cũng không nên khoe khoang bản thân làm gì. Người lãnh đạo càng không nên diễu võ dương oai, khoe khoang địa vị, thể hiện sự cao minh. Con hổ dù rất uy nghiêm nhưng luôn cụp đuôi lại, rất kín kẽ, sự uy nghiêm của nó nằm ở bên trong chứ không phải ở việc khoe mẽ bản thân ra bên ngoài.
Người lãnh đạo không được khoe khoang bản thân mình, vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, với vị trí một người mới được bổ nhiệm có ưu thế hơn những người xung quanh thì khi tiếp xúc với bạn, người ta bao giờ cũng có tâm lý e dè, ngưỡng mộ, đố kỵ và sợ hãi. Do đó việc bạn khoe khoang bản thân mình chẳng khác nào bạn đang phô ra thứ mà người ta ngưỡng mộ, đố kỵ và sợ hãi ở bạn, làm như thế sẽ khiến người ngưỡng mộ bạn đố kỵ và thù ghét bạn. Nếu cấp dưới lại là người có tuổi, kinh nghiệm, năng lực tương đương với bạn, thì làm như vậy chỉ khiến cho họ bất mãn và oán hận bạn. Còn những người kính trọng bạn thì giờ đây sẽ coi thường bạn, họ sẽ nói rằng: “Ông này tự cho mình tài ba ghê gớm lắm, rất kiêu căng, không biết xấu hổ, ông ta thì có gì ghê gớm đâu cơ chứ!”
Thứ hai, lãnh đạo thường là người đại diện cho doanh nghiệp tiếp xúc với bên ngoài. Hình tượng người lãnh đạo được xã hội công nhận là người điềm tĩnh, có văn hóa, khiêm nhường, rộng lượng. Chỉ có người lãnh đạo có văn hóa, có lý trí mới khiến người xung quanh nể phục, mới có khả năng phân tích tình hình khách quan. Một khi bạn khoe khoang, thì hình tượng tốt đẹp của bạn sẽ tiêu tan khi đó bạn thật ấu trĩ, thích hư vinh, giống như đứa trẻ nông cạn. Người như vậy có khả năng quản lý doanh nghiệp hay không? Nếu sự nghi ngờ này xuất hiện thì sẽ khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Hình ảnh của người lãnh đạo chính là bộ mặt của doanh nghiệp, nếu hình ảnh này bị xấu đi thì nó sẽ tổn hại đến hình ảnh của doanh nghiệp, mà khi hình ảnh đã bị tổn hại thì mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp và xã hội sẽ không thể lấy lại được.
Thứ ba, nếu bạn là lãnh đạo nhưng chưa đạt tới đỉnh cao quyền lực thì đương nhiên bạn vẫn có cơ hội để thăng tiến. Tuy nhiên, việc khoe khoang bản thân sẽ hủy hoại tiền đồ của bạn. Đầu tiên là việc cấp dưới sẽ bất mãn với bạn, muốn bạn mất vị trí. Bạn cần nhớ rằng, những người mà bạn cho là cấp dưới kia đều là người có năng lực, có kinh nghiệm, có những mối quan hệ xã hội tương đối rộng, không những giữa họ có quan hệ với nhau mà rất có thể họ còn có quan hệ với lãnh đạo cấp trên của bạn. Một khi họ liên kết lại với nhau để đối phó với bạn thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn: nhẹ thì mệnh lệnh bạn đưa ra không được thực thi, hàng loạt công việc sẽ bị đình trệ, còn nếu nghiêm trọng hơn thì có lẽ bạn phải chuẩn bị cho việc “về vườn” là vừa.
Có một số lãnh đạo khoe khoang bản thân không phải vì hư danh hay thiếu hiểu biết mà vì họ thấy cần phải nhấn mạnh giá trị của bản thân mình.
Trước mặt cấp dưới, họ hi vọng làm vậy cấp dưới sẽ kính nể, khâm phục, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, quản lý sau này. Trên bình diện xã hội, họ nghĩ thông qua cách này để có được niềm tin của người khác, gây thêm tiếng vang cho doanh nghiệp mình.
Tuy nhiên xin đừng quên một câu nói xưa rằng “hữu xạ tự nhiên hương”. Cây đào cây mận mặc dù không biết nói, nhưng vì hoa trên cành rất đẹp, quả trên cây rất ngọt, rất thơm, nên đã thu hút mọi người tìm đến. Thực tế, nếu bạn có bản lĩnh, năng lực thì không cần phải khoe khoang người khác cũng tự biết. Nếu cứ cố tình khoe ra bên ngoài, lợi bất cập hại, có khi kết quả thu được lại trái ngược với mong muốn của mình.
Trong tình huống đặc biệt, nếu cần phải giới thiệu về năng lực và thành tích của bản thân thì nên xuất phát từ thực tế, tránh dối trá khoa trương, đồng thời thái độ phải bình thản, ngữ điệu nhẹ nhàng, từ ngữ phù hợp, không nên khiến người nghe có cảm giác mình đang khoe khoang.
PHÁT HUY KHẢ NĂNG LÔI CUỐN QUẦN CHÚNG
Người lãnh đạo thành công 99% nằm ở sức hút bản thân và 1% nằm ở quyền lực.
Lãnh đạo thực chất là một quy trình phát huy sức hút của bản thân, tác động đến sự hợp tác của người khác và nhằm đạt đến mục tiêu mong muốn. Lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ, Mohandas Karamchand Gandhi, cũng đồng tình với nhận định trên và ông cho rằng: “Người lãnh đạo là người lấy mình làm gương và lấy hành động của mình để tác động đến người khác.”
Một người tình nguyện dồn hết tâm sức của bản thân để phục vụ, phấn đấu cho một người lãnh đạo hay một tổ chức thì nguyên nhân chủ yếu chính là do họ có một người lãnh đạo có khả năng thu hút lòng tin của mọi người, dẫn dắt mọi người tiến lên phía trước. Tôi đã từng nghe một nhân viên tôn sùng lãnh đạo của họ rằng:
“Nếu nói chuyện với ông ấy một phút thôi, bạn sẽ cảm nhận được ánh sáng và năng lượng tỏa ra từ con người ông. Tôi cố gắng hết tâm sức là vì, ở ông tôi thấy có một sự lôi cuốn kỳ lạ mà tôi không thể cưỡng lại được.”
Xét về hiệu quả lãnh đạo, chúng ta cần phải thừa nhận một điều: Sức hút có tầm ảnh hưởng nhiều hơn quyền lực.
Hiện nay, có rất nhiều cuốn sách và báo cáo nghiên cứu về công tác lãnh đạo, hành vi của lãnh đạo, quyền lực của lãnh đạo và khái niệm rất thịnh hành gần đây là “tài năng của lãnh đạo”.
Những chủ đề như vậy bao hàm rất nhiều đạo lý sâu sắc nhưng có thể được đúc rút bằng một câu nói ngắn gọn như sau: “Làm một người lãnh đạo có thực quyền trong tay không bằng làm một người lãnh đạo có sức hút lan tỏa.”
Lãnh đạo con người phải xuất phát từ ý chí. Làm một người lãnh đạo thành công, trừ phi chúng ta có sức hút và sức ảnh hưởng mạnh mẽ, nếu không sẽ rất khó thực hiện được bài học đầu tiên của người lãnh đạo: Giành được niềm tin và sự trung thành của cấp dưới.
Trong một buổi tọa đàm, một doanh nhân rất nổi tiếng đã tâm sự với các học viên như sau:
“Trong xã hội ngày nay, một nhà quản lý hàng đầu đều có trong mình những tố chất đặc trưng: Họ luôn thể hiện được phong thái lôi cuốn của người lãnh đạo. Họ không những biết cách khơi dậy mong muốn được cống hiến của cấp dưới mà còn có khả năng xử lý vấn đề thấu tình đạt lý. Điều đặc biệt quan trọng là họ lãnh đạo một tập thể không ngừng tạo ra những kỳ tích, tạo nên một chuỗi những thành công rực rỡ. Áp dụng chế độ khen thưởng hoặc xử phạt để quản lý có thể sẽ hữu hiệu, nhưng nếu bạn muốn có nhiều sức hút của một người lãnh đạo hơn nữa, thì cần giành được sự tôn trọng và yêu mến của mọi người. Nếu ai làm được điều này, người đó sẽ trở thành một người lãnh đạo thành công, thậm chí có thể hoàn thành được rất nhiều nhiệm vụ mà dường như là bất khả thi.”
Tài lãnh đạo, đặc biệt là sức hút và tầm ảnh hưởng quan trọng hơn nhiều so với vị trí cao thấp, tiền lương hay phúc lợi mà người đó đưa ra. Những nhân tố đó mới thực sự là chiếc gậy phép thuật khiến những người xung quanh phát huy hết mức tiềm năng của mình nhằm thực hiện bất kỳ kế hoạch hay mục tiêu nào.
Nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng Ronald E. Riggio nói rằng: “Mỗi người đều có khả năng thu hút người khác và đang chờ được khai khẩn.”
Nếu người lãnh đạo làm được bốn điều sau thì sẽ có một sức hút vượt trội, kích thích được động cơ muốn theo bạn của cấp dưới, bạn hãy thử xem sao.
(1) Khiến người khác thấy rằng họ quan trọng. Ai cũng mong muốn mình được coi trọng, nên bạn hãy tìm cách để cấp dưới thấy bản thân họ rất quan trọng.
(2) Đưa ra tầm nhìn, mục tiêu của bạn đồng thời thuyết phục cấp dưới tin tưởng rằng mục tiêu của bạn đáng để họ toàn tâm toàn ý thực hiện.
(3) Muốn người khác đối xử với bạn thế nào thì hãy ứng xử tương tự với họ như thế. Bạn muốn người khác đi theo bạn, bạn cần quan tâm đến họ, đối xử công bằng với họ.
(4) Có trách nhiệm đối với hành vi của bản thân và cũng cần phải chịu trách nhiệm với hành vi của cấp dưới. Nhất thiết không được đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, bạn cần phải ghi nhớ một điều: “Đây đều là lỗi của mình, không được trách cứ bất kỳ ai cả.”
Muốn tạo lập và tăng cường sức hút của một người lãnh đạo thì cần phải có phương pháp và cách thức. Sau khi đã khơi dậy được động cơ để cấp dưới theo bạn thì cần làm được ba việc sau đây mới có thể tiến thêm một bước trong việc phát huy “sức hút” khiến cấp dưới tin phục và sẵn sàng nhảy vào nước sôi lửa bỏng vì bạn, trung thành với bạn:
SỨC HÚT CỦA LÃNH ĐẠO LÀ TÀI SẢN VÔ HÌNH
Người lãnh đạo và sự nghiệp của doanh nghiệp là một thể thống nhất, tương lai tiền đồ, sự nghiệp doanh nghiệp cũng chính là tiền đồ của người lãnh đạo doanh nghiệp. Sức hút của người lãnh đạo doanh nghiệp cũng trở nên quan trọng. Một nhà lãnh đạo được khách hàng tín nhiệm, tất sẽ nhận được sự chào đón và yêu mến của khách hàng, dù cho những nguồn tài nguyên khác có đôi chút thiếu thốn thì bản thân người lãnh đạo như vậy sẽ có rất nhiều cơ hội.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu sức hấp dẫn đối với nhân tài. Một trong những phương pháp hữu hiệu để giải bài toán khó này chính là việc người lãnh đạo vận dụng sức hút của bản thân để thu hút người tài. Thông thường, nhân tài ưu tú ngoài việc cân nhắc đến lợi ích thực tế mà mình sẽ được hưởng ra còn có thêm hai nhân tố quan trọng nữa, đó là có thể phát huy tối đa năng lực của bản thân và có một người lãnh đạo đáng tin cậy. Trên thực tế, điểm đến của hai nhân tố trên nằm ở chính bản thân người lãnh đạo. Có thể khiến nhân viên tin tưởng vào tương lai lâu dài của doanh nghiệp hay không, đều quyết định bởi yếu tố đạo đức và tố chất của lãnh đạo doanh nghiệp. Nhân tài có được tạo điều kiện hay không, có môi trường để bộc lộ và phát huy tài năng hay không, cũng được quyết định bởi lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa sẽ biết vận dụng hợp lý sức hút của bản thân để khiến cho nhiều nhân tài ưu tú sẵn sàng đi cùng họ đến bến bờ thành công.
Sức hút là tài sản vô hình rất quan trọng và cần có của nhà người lãnh đạo. Nhưng làm thế nào để tạo nên sức hút cá nhân? Xét một cách toàn diện thì phải đạt đến sự thống nhất giữa trang phục, cử chỉ và ngôn ngữ. Việc tạo dựng hình tượng không đơn thuần chỉ là trang phục, vẻ ngoài, mà còn cần có những cách ứng xử nho nhã, có văn hóa phù hợp với hoàn cảnh. Hành vi là ngôn ngữ vô thanh, đại bộ phận nhân viên không có nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo, nên họ đánh giá lãnh đạo thông qua việc quan sát cử chỉ và hành vi của lãnh đạo từ xa hoặc qua các kênh thông tin khác.
Trang phục của một người sẽ tạo cho người đối diện những cảm giác khác nhau. Trang phục gọn gàng chỉnh tề sẽ tạo cho người ta cảm giác trịnh trọng và lịch sự. Nếu muốn giành được tình cảm của ai đó thì trang phục thích hợp là điều không thể bỏ qua. Người lãnh đạo cần phải lựa chọn trang phục gọn gàng, chỉnh tề để tạo dựng một không khí làm việc tích cực hiệu quả.
Ngôn ngữ là tiếng lòng, trực tiếp thể hiện ý đồ của người lãnh đạo, có thể thể hiện phẩm chất cá nhân của họ. Trong công việc hàng ngày thì ngôn ngữ của người lãnh đạo phải bình dị, dễ gần, không nên dùng những lời nói hoa mỹ. Ngôn ngữ quá hoa mỹ sẽ tạo cảm giác sáo rỗng. Cần diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, thích hợp với sắc thái biểu cảm.
CÓ PHẨM CHẤT CAO THƯỢNG TẤT SẼ ĐƯỢC YÊU MẾN
Quản trị học hiện đại định nghĩa lãnh đạo tức là để những cá nhân ở cương vị khác nhau phụ trách những nhiệm vụ khác nhau. Làm sao để mệnh lệnh được chấp hành, để lãnh đạo nắm được tình hình và quản lý mọi mặt? Điều này có liên quan đến nhiều phương diện. Nhưng xét về phương diện người lãnh đạo thì uy tín và sức hút cá nhân có thể xác lập được thông qua nỗ lực.
Là một người lãnh đạo, điều đầu tiên cần có đó là sự công bằng chính trực, đó không chỉ là nghệ thuật lãnh đạo mà còn là đạo đức tối thiểu của con người. Đó cũng là phép thử xem lãnh đạo làm việc vì công hay tư, đồng thời cũng là điều kiện tối thiểu trong quan hệ với cấp trên, cấp dưới cũng như trong việc điều hành xử lý công việc. Thái độ công bằng, chứng minh họ là người công chính vô tư, mọi người sẽ rất kính trọng, tin tưởng một con người như vậy. Đây cũng là tiền đề để cấp dưới thừa nhận khả năng lãnh đạo của mình. Tục ngữ có câu: “Đức cao vọng trọng”. Tính cách con người là muôn hình muôn vẻ nhưng ở trong thẳm sâu mỗi người luôn trân trọng yêu mến người có phẩm hạnh cao thượng. Người cầu lợi riêng, đặt lợi ích riêng lên trên, sẵn sàng dẫm đạp lên người khác để tiến thân thì không thể trở thành lãnh đạo đáng tin, công bằng và được mọi người quý mến.
Phong cách lãnh đạo công bằng, chính trực vô tư cần được xây dựng trên nền tảng phẩm chất đạo đức cao thượng, tư tưởng đúng đắn, lời nói và hành động thống nhất. Những kẻ vì lợi riêng mà rắp tâm làm việc xấu, chỉ nghĩ đến tư lợi, giảo hoạt giả dối, bợ đỡ nịnh nọt, lười nhác, thích hưởng thụ, trốn tránh trách nhiệm, chỉ tay năm ngón, biết nói mà không biết làm, dối trên lừa dưới, dẫm đạp lên vai người khác thì không bao giờ trở thành một người lãnh đạo chí công vô tư, công bằng chính trực được.
Trong hiện thực cuộc sống có rất nhiều tình huống chẳng hạn: người lãnh đạo xử lý công việc không công bằng, phân xử không hợp lý, đứng trước công danh lợi lộc thì không nhường nhịn ai, còn khi đứng trước khó khăn sai lầm thì lẩn tránh, thậm chí lấy người khác làm vật thế thân. Những lãnh đạo kiểu này thường vô cùng nhạy cảm đối với vấn đề công bằng, chính trực, hay chột dạ, sợ người khác nói mình không công bằng, nên lúc nào mấy từ “công bằng, chính trực” cũng thường là câu cửa miệng để chứng minh rằng mình trong sạch. Có thể cấp dưới sẽ bị mờ mắt bởi vẻ oai phong lẫm liệt bề ngoài của họ. Nhưng dần dần những người dưới quyền của họ sẽ nhận ra chân tướng sự thật và sẽ chỉ thân thiện xã giao bề ngoài, chứ trong lòng họ thì cảm thấy chán ghét, người lãnh đạo này sẽ không còn uy tín và không còn được ủng hộ nữa, cuối cùng trở thành một người cô độc. Giống như nhân vật Viên Thiệu được mô tả trong Tam Quốc diễn nghĩa, “ngoài thì rộng trong thì hẹp”, lời khuyên người khác đưa ra rõ ràng là đúng đắn, vậy mà ông ta không những không sửa đổi mà lại còn ôm hận trong lòng, thậm chí vì việc này lại muốn trừ khử kẻ kia, kiểu người này cuối cùng cũng sẽ có kết cục thân bại danh liệt mà thôi.
TRONG NGUY NAN PHẢI LẤY MÌNH LÀM GƯƠNG
Đi trước tiên phong sẽ luôn nhận được sự kính nể của người khác.
Người lãnh đạo vì muốn thoát khỏi tình hình trì trệ mà yêu cầu nhân viên đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn, nhưng bản thân lãnh đạo lại hoang phí vô độ, biến của công thành của riêng. Có những vị lãnh đạo cảm thấy khó nghĩ với những hành vi lãng phí quá mức mà tiết chế bản thân, nhưng trên thực tế thì lại không có nhiều thay đổi lớn, vẫn là hành động lạm dụng của công để thỏa mãn tham vọng cá nhân, giấu giếm tình hình thực tế của công ty, tình trạng không công bằng diễn ra khắp nơi, việc luân chuyển cán bộ bị chi phối bởi nạn hối lộ, quà cáp. Có thể nói, hiện tượng công tư lẫn lộn như vậy là rất đáng ngại. Nếu hành động của lãnh đạo bị cấp dưới nghi ngờ, sớm muộn cũng sẽ gây ra sự chán ghét, dẫn đến phản bội. Vì thế, làm người lãnh đạo cần có tư tưởng cách tân thực sự thì mới được cấp dưới tin phục.
Bản tính của con người sẽ bộc lộ rõ qua những hành vi trong lúc nguy nan. Lúc bình thường ăn to nói lớn, tỏ ra hào sảng, nhưng khi đứng trước nguy nan, tồn vong thì lại mềm yếu, những khuyết điểm giấu kín hàng ngày, nay lộ ra hết. Cấp dưới nếu thấy lãnh đạo của mình trong thời khắc cấp bách lại không biết xử trí thế nào thì nhất định sẽ rất thất vọng, thậm chí không nghe lời lãnh đạo nữa. Điều mà quần chúng mong muốn ở người lãnh đạo là có những hành động hơn người trong những thời khắc nguy nan, phải quyết đoán, nhanh trí, nhạy cảm tìm biện pháp xử lý. Chỉ có người như vậy mới có thể khiến cấp dưới của mình tin phục.
Các nhà động vật học đã từng làm một thử nghiệm ở vườn thú như sau: Người nuôi thú đội tấm da sư tử và tấn công đàn tinh tinh.
Đàn tinh tinh ban đầu sợ hãi kêu ầm ĩ. Một lát sau con tinh tinh đầu đàn cầm cành cây bên cạnh lên, đứng ở tư thế sẵn sàng khiêu chiến với sư tử. Thực ra thì nó cũng rất sợ sư tử, nhưng nó không hề bỏ chạy, dũng cảm cầm đầu đàn tinh tinh chống lại sư tử. Nếu con tinh tinh đầu đàn trong tình huống này vì sợ hãi mà bỏ chạy, chắc chắn sẽ bị đồng loại khinh ghét và sau này sẽ không thể làm thủ lĩnh được nữa.
Người lãnh đạo doanh nghiệp cũng vậy. Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt hiện nay, bất kỳ khi nào, bất cứ nơi đâu, doanh nghiệp cũng có thể đối mặt với khó khăn. Nếu không nhanh chân thì doanh nghiệp rất khó có được một chỗ đứng trong môi trường đó. Trong khó khăn, nếu người lãnh đạo đứng ra làm gương thì tinh thần kiên định, bình tĩnh của họ sẽ truyền cảm hứng đến cấp dưới, mọi người cũng sẽ có dũng khí để đối đầu với thử thách.
ĐỐI XỬ CÔNG BẰNG VỚI CẤP DƯỚI
Quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới là mối quan hệ phụ thuộc, chi phối lẫn nhau. Khi quan hệ này tốt đẹp thì nhu cầu của cả cấp trên lẫn cấp dưới đều được thỏa mãn.
Nhìn chung, lãnh đạo mong muốn cấp dưới của mình nỗ lực phấn đấu, tận tâm với nhiệm vụ, hoàn thành công việc với kết quả tốt và mang tính sáng tạo cao. Còn nhân viên lại mong muốn lãnh đạo trọng dụng mình hơn, công nhận những thành tích, kết quả mà mình đạt được, có chế độ đãi ngộ hợp lý và quan tâm đến đời sống của nhân viên.
Điều dễ khiến nhân viên tổn thương nhất đó là khi công tác lãnh đạo đạt được thành tích thì người được biểu dương là lãnh đạo, khi công tác lãnh đạo gặp sai sót thì người chịu trách nhiệm lại là nhân viên, điều này rất dễ gây ra sự mất cân bằng tâm lý ở họ.
Do đó người lãnh đạo phải tinh tế trong việc phát hiện và tìm hiểu xem cấp dưới quan tâm đến điều gì nhất, xem xét vấn đề và tìm biện pháp tốt nhất để giải quyết thỏa đáng, từ đó sẽ phát huy được tính tích cực của từng nhân viên.
Người lãnh đạo muốn tạo dựng quyền uy của mình thì trong quan hệ với cấp dưới phải đối xử với mọi người như nhau, bình đẳng, không thiên vị, không phân biệt thân sơ. Không thể vì lý do ngoại cảnh hay tâm trạng cá nhân mà có thái độ lúc nóng, lúc lạnh. Nếu như bạn không thể làm được điều đó, thì cấp dưới dù không dám chống lại chỉ thị của bạn nhưng sẽ đặt dấu hỏi. Và như thế chẳng khác nào bạn làm mất đi không ít giá trị của quyền uy mà bạn muốn xác lập.
Đương nhiên có những vị lãnh đạo trong lòng không hề có tư tưởng thiên vị nhưng trong công việc thực tế vô tình thân thiết với những nhân viên có sở thích, tính cách hợp với mình, vô hình chung đã không quan tâm đến một bộ phận nhân viên khác.
Do đó người lãnh đạo phải biết cách điều tiết hợp lý tâm trạng của bản thân, gần gũi, tiếp xúc nhiều hơn nữa với những người có tính cách, sở thích không tương đồng với mình, đặc biệt là cần phải giao lưu tình cảm nhiều hơn với người đã từng phản đối mình, tránh trường hợp gây ra sự hiểu lầm và tạo khoảng cách không đáng có.
Có những lãnh đạo có quan hệ thân thiết với những nhân viên có năng lực, dễ phân công công việc, còn với những nhân viên có năng lực yếu hay nói chuyện không hợp thì mối quan hệ này ngày càng xa cách.
Có một điểm rất đáng chú ý, đó là một số lãnh đạo lại đánh đồng giữa việc cùng cấp dưới tạo dựng mối quan hệ thân mật, không có khoảng cách bằng việc nhân nhượng cho sai sót của cấp dưới. Thậm chí còn nhân nhượng cả với yêu cầu vô lý của cấp dưới, lấy tình cảm thay thế nguyên tắc. Làm như vậy về lâu dài sẽ khiến cấp dưới khó tránh khỏi mắc sai sót và không có lợi cho uy tín của lãnh đạo.
Hơn nữa, việc gạt nguyên tắc sang một bên để duy trì tình cảm với cấp dưới, tuy có thể phát huy tác dụng tức thời, nhưng về lâu dài, “cao ốc tình cảm” khó tránh khỏi sự sụp đổ. Khi đó thì quyền lực của bạn sẽ duy trì bằng cách nào?
Trong giao tiếp, người lãnh đạo phải liêm khiết, coi trọng việc công, khéo léo né tránh ràng buộc của “quà biếu”. “Không công mà hưởng thụ” dễ rơi vào bẫy của kẻ khác, rồi bị kẻ đó chi phối. Tục ngữ có câu “há miệng mắc quai”, nhận quà của cấp dưới, mặc dù trước mặt bạn họ tỏ ra rất tôn trọng, nhưng trong lòng họ chắc chắn rất coi khinh bạn, xem nhẹ quyền uy của bạn.
Dù người lãnh đạo có ơn với người khác nhưng cũng không nên nhắc đến. Không ai vô tình cả, trong lòng họ đều hiểu rất rõ. Nếu làm ơn mà mong báo đáp, muốn có đi phải có lại, dần dần bạn sẽ bị cái thòng lọng vô hình kia thắt chặt, rồi cũng sẽ bị kẻ khác chi phối. Quà cáp là phương thức để thắt chặt mối liên hệ, nhưng thường sẽ đưa người lãnh đạo đi đến sai lầm trong công tác lãnh đạo của mình. Thông thường đằng sau món quà tặng bao giờ cũng ẩn giấu những động cơ mong được hưởng lợi lớn hơn món quà đó. Đặc biệt là trong quan hệ xã giao giữa cấp trên với cấp dưới mang tính thiệt hơn thì càng không thể tùy tiện nhận quà biếu, làm như vậy để tránh phải cầm dao đằng lưỡi, bị cấp dưới sai khiến. Bạn thử nghĩ mà xem, một người lãnh đạo bị cấp dưới sai khiến thì quản lý làm sao nổi cấp dưới của mình?
TƯ CHẤT LÃNH ĐẠO KHÔNG PHẢI BẨM SINH
Khái niệm “tư chất lãnh đạo” (charisma) là từ có gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là một món quà đẹp đẽ. Hay nói cách khác, đó là một món quà mà ông trời ban tặng cho bạn, có thể hiểu rộng ra là tư chất trời sinh.
Nhưng Napoleon không công nhận cách giải thích này. Theo ông: “Quyền lực của ta đều dựa vào uy danh của ta, uy danh của ta lại dựa vào những trận đánh của ta. Nếu ta không thể thắng trận thì sẽ không còn uy danh nữa, quyền lực của ta cũng vì thế mà tiêu tan. Sự chinh phục đã tạo nên ta của ngày hôm nay, cũng chỉ có chinh phục mới duy trì ta của ngày hôm nay.”
Cần hiểu câu nói này của Napoleon là: Người khác đều cho rằng ông sinh ra đã có “tư chất lãnh đạo”, nhưng trên thực tế, những thành công ông giành được là do nỗ lực mà có. Và để duy trì cái gọi là “tư chất lãnh đạo” đó, ông đã không ngừng nỗ lực để đạt được thành công. Theo nhiều nghiên cứu thì một người lãnh đạo thành công thường được cho rằng họ có trong mình tố chất của lãnh đạo. Điều này không phải muốn thể hiện một điều là nếu bạn muốn người khác cho rằng mình có tư chất lãnh đạo thì bạn trước hết bạn phải thành công. Nếu bạn muốn chờ sau khi thành công mới trở thành một người lãnh đạo, thế thì rốt cuộc cái được gọi là tư chất lãnh đạo là gì? Có phải là tư chất đó giúp bạn thành công hay không? Liệu có phải trước khi có được thành công bạn có thể cố gắng để khiến bản thân có được tư chất lãnh đạo. Thật là may mắn, quả thực là có cách đó.
Để thể hiện được tư chất lãnh đạo, cần thực hiện những điều sau:
Nếu bạn muốn người khác công nhận mình là người có tư chất lãnh đạo, bạn không chỉ cần chú tâm đến công việc cần phải hoàn thành, mà bạn còn phải thể hiện được sự quan tâm của bạn với cấp dưới.
Trong lịch sử có không ít những lãnh đạo quân sự, sau khi vượt biển, vào được đất liền bèn đốt hết thuyền nhằm khẳng định với thuộc hạ rằng, ngoài thắng lợi ra thì không còn có bất kỳ lựa chọn nào khác. Chỉ có con đường duy nhất là tiến lên, không được phép lùi lại, bởi vì phương tiện duy nhất để họ lùi bước là những con thuyền đều đã không còn nữa.
Nguyên nhân thành công không hoàn toàn chỉ là việc đốt thuyền, vì nếu muốn thì những người lính kia cũng có thể lựa chọn cách đầu hàng. Nguyên nhân mà những vị lãnh đạo kia đốt hết chiến thuyền còn là do họ muốn chứng tỏ sự chuyên tâm vào mục tiêu.
Ở đây có rất nhiều cách thể hiện sự chuyên tâm, như kiên trì theo đuổi mục tiêu, không quan tâm đến việc sẽ phải mất bao nhiêu thời gian, đức hy sinh, dám mạo hiểm và tận dụng hết mức nguồn lực của bản thân v.v…
KHOẢNG CÁCH LÀM TĂNG SỨC HẤP DẪN CỦA BẠN
Sách xưa dạy rằng, tình yêu cần có một khoảng cách nhất định, có như vậy thì sự hấp dẫn mới bền lâu. Khoảng cách tạo ra sức hút, khoảng cách duy trì sức hút, đó như một “chân lý tương đối”. Nghệ thuật lãnh đạo cũng phải tuân thủ nguyên lý này, đặc biệt khi tiếp xúc với cấp dưới càng cần phải duy trì một khoảng cách nhất định. Tất nhiên nếu khoảng cách quá xa, khiến người khác chỉ có thể ngưỡng vọng mà không thể lại gần, “kính nhi viễn chi”, nhìn thấy là sợ sệt, “vẻ thần thánh khó tiếp cận”, thì gần như chả ai phục tùng anh cả.
“Hòa nhập với quần chúng” là một chiêu bài mà rất nhiều người sử dụng khi muốn thực hiện mục đích của mình. Nhưng có phải khoảng cách càng gần càng tốt? Một số “quần chúng” có những tập tính cố hữu mà bạn nên kéo dãn khoảng cách.
Trước hết, ai cũng có một kiểu “quán tính” như vậy, “được voi đòi tiên”, “được đằng chân lân đằng đầu”. Nếu bạn hơi gần họ một chút thì những lời tán dương bạn là không cao ngạo, gần gũi, tác phong lãnh đạo tốt ban đầu dần dần sẽ chuyển sang kiểu không phân biệt trên dưới, cao thấp, mệnh lệnh không được phục tùng.
Thứ hai, ai cũng có tâm lý “bắt nạt” người quen. Người lạ hay người ít tiếp xúc thì không dám tùy tiện vì không hiểu rõ nhau. Khi không còn khoảng cách, mọi người trở nên thân quen hơn, biết rõ điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của nhau nên có thể lợi dụng điều đó để điều khiển nhau. Như vậy trong trường hợp đó, lãnh đạo sẽ trở thành đối tượng bị giám sát, lợi dụng.
Thứ ba, sự “uy nghiêm” là do bản thân tạo ra. Một phần của sự uy nghiêm là do khoảng cách tạo ra, nếu để người khác tiến lại quá gần sẽ bị nhìn thấu, dễ bị coi thường.
“Khoảng cách” về cơ bản gồm hai loại sau:
Một là khoảng cách tâm lý, tức là trong thâm tâm duy trì ý thức này. Tất cả những điều bạn làm, dù là liên hệ mật thiết với quần chúng hay đứng bên họ, chỉ là muốn giúp công việc của mình được triển khai một cách hiệu quả hơn, địa vị được củng cố, quyền uy vẫn được duy trì.
Loại còn lại là khoảng cách trong giao tiếp thực tế, được biểu hiện bằng mức độ gần gũi hay xa cách, giao tiếp ít hay nhiều với cấp dưới. Khoảng cách quá gần hoặc giao tiếp quá nhiều đều không phù hợp. Trong mối quan hệ với cấp dưới, tuyệt đối không được để họ có cảm giác không có bất kỳ khoảng cách nào với bạn.
Người lãnh đạo nên xuất hiện với hình tượng của một người luôn “gắn bó mật thiết với quần chúng”. Làm như vậy, cấp dưới có thể tự do biểu đạt tâm tư với lãnh đạo, từ đó người lãnh đạo biết thêm một số thông tin. Nhân viên cũng có thể xưng hô thoải mái hơn trong những hoàn cảnh không chính thức. Nhưng tuyệt đối không được để họ có quan niệm rằng không hề có khoảng cách giữa cấp trên với cấp dưới, quá đà, suồng sã. Cần để cấp dưới hiểu rõ rằng lãnh đạo vẫn là lãnh đạo, cho dù lãnh đạo có hiền hòa dễ chịu đến thế nào chăng nữa, có gần gũi với mọi người thế nào chăng nữa thì tất cả cũng chỉ là để công việc của họ được tiến hành thuận lợi, kế hoạch được thực thi dễ dàng mà thôi. Sự khéo léo trong nghệ thuật lãnh đạo chứng minh rằng họ là một người lãnh đạo. Giúp cấp dưới hiểu rõ thực tế này sẽ vừa khiến công việc được triển khai một cách ổn thỏa, vừa có thể tạo ra hình ảnh đẹp của một người lãnh đạo hiểu quần chúng, lại có khí chất lãnh đạo, tinh thông nghiệp vụ, từ đó mở rộng con đường thành công. Đây chính là một trong những nghệ thuật lãnh đạo.