* Giao tiếp giữa người với người quý ở chỗ “chân thành”. Ngạn ngữ có câu: “Chỉ cần chúng ta chân thành, thì mọi trái tim đều có thể cùng chung nhịp đập.”
* Trong giao tiếp, tuyệt đối không nói câu: “Để tôi chứng minh cho anh xem.”
* Trong giao tiếp, người lãnh đạo phải tránh để bản thân căng thẳng vì như vậy chỉ làm hỏng việc.
* Những kẻ cậy tài mà cao ngạo, khinh thường người khác, thì không khác nào tự làm thui chột tài năng của bản thân, sẽ luôn làm cho quan hệ với người khác trở nên căng thẳng.
NĂM SAI LẦM LỚN TRONG GIAO TIẾP
Trong giao tiếp, người lãnh đạo cần chú ý:
1. Không được thất tín
Trong đối nhân xử thế, chữ “tín” rất quan trọng. Người quân tử xưa nhấn mạnh: Một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi, Một lời hứa đáng giá ngàn vàng đều để chỉ tầm quan trọng của chữ “tín”. Điều mà chúng ta đề cập đến ở đây là việc tuân thủ chữ “tín”, “Nói thì phải làm, làm thì phải đến nơi đến chốn”. Đây không chỉ là việc có trách nhiệm với người khác, với sự nghiệp của bản thân, mà còn là hình tượng bạn cần xây dựng được trong giao tiếp xã hội.
Người xưa còn nói: “Nhân vô tín, bất khả giao”, có nghĩa là, những người không trọng chữ tín thì không đáng để tin tưởng, thậm chí không đáng để kết giao. Cuộc sống ngày nay cũng không thiếu những người không giữ chữ “tín”. Có người hứa mua giúp vé tàu cho bạn, kết quả là đến lúc tàu chạy chẳng thấy bóng dáng anh ta đâu. Có người hứa mời mọi người đi ăn, đúng giờ duy chỉ mình anh ta là không thấy bóng dáng đâu... Thử hỏi mối quan hệ với những người như vậy, ngoài việc bị mắc lừa thì còn có kết quả nào khác?
Quan hệ giữa người với người trong giao tiếp xã hội luôn phải dựa trên nền tảng là sự tin tưởng lẫn nhau. Đối với người không biết giữ chữ tín thì chẳng bao giờ tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội.
Quan hệ giữa con người với nhau quý ở chữ “chân thành”. Đúng như ngạn ngữ có câu: “Chỉ cần chúng ta chân thành, thì mọi trái tim đều có thể cùng chung nhịp đập.”
Kiểu thì thầm to nhỏ, thêm mắm thêm muối, nói xấu người khác sau lưng là thú vui tầm thường của kẻ tiểu nhân. Nó không những có thể phá hoại quan hệ đoàn kết giữa đôi bên, làm tổn thương tình bạn, mà thậm chí còn hình thành nên những nhân tố bất ổn cho xã hội. Đồng thời, nó cũng phản ánh phẩm hạnh thấp kém của cá nhân đó. Vì thế, trong giao tiếp xã hội, chúng ta phải chú ý một số điểm sau đây:
● Không được phát tán, truyền bá thông tin ngoài luồng, không chính xác một cách vô trách nhiệm.
● Không được kết luận chủ quan, suy luận lung tung.
● Không được tỏ thái độ vui mừng trên nỗi đau khổ hay sai lầm của người khác.
● Không được can thiệp vào đời tư của người khác.
2. Không được nóng giận vô cớ
Vui mừng, giận dữ, đau buồn, sung sướng là những trạng thái tâm lý thường tình của con người. Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng, trong quan hệ giữa người với người, nóng giận vô cớ dễ gây mất hòa khí, tình cảm, sự tín nhiệm và bị những người xung quanh xa lánh. Kiềm chế nóng giận là quá trình con người dùng lý trí chiến thắng tình cảm. Trong khi đó, lý trí lại là tiêu chí đánh giá một con người có học thức, có hiểu phép lịch sự hay không.
Nhiều người cho rằng, nóng giận là bản tính cố hữu của con người, “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, nhưng thực ra đây là cách lý giải sai lầm. Chúng ta đều biết, đa số chúng ta đều có ý thức biện hộ cho hành vi, quan niệm và tình cảm của mình. Do đó, vô hình trung đều có cách đối xử khác nhau giữa bản thân với người khác, ép buộc người khác phải theo ý mình, hơn nữa còn đem ý nghĩ của mình áp đặt cho người khác. Kiểu tâm lý này còn biểu hiện ở chỗ, không thể đối xử bình đẳng với mọi người. Ví dụ như: dễ nóng giận đối với đồng nghiệp hoặc cấp dưới hơn là với cấp trên, dễ nổi giận với vợ con hơn là với bậc cha chú. Bởi vì khi chúng ta gò ép người khác thích ứng với mình có nghĩa là chúng ta cho rằng đồng nghiệp, cấp dưới, hay người ít tuổi hơn nên phục tùng mệnh lệnh. Có thể thấy, nóng giận vô cớ là hành vi không tôn trọng người khác, không văn minh, lịch sự.
3. Không được đặt biệt hiệu cho người khác
Tên lóng chính là biệt hiệu. Nó thường dựa trên đặc điểm của cá nhân. Ví dụ, cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vẫn được biết đến với biệt hiệu quen thuộc là “người đàn bà thép”. Nếu biệt hiệu mang nghĩa tán dương tích cực thì mọi người ai cũng vui vẻ tiếp nhận, bao gồm cả người được gọi. Nhưng nếu là biệt hiệu xấu thì đó lại là chuyện khác. Vậy nên tuyệt đối không được tùy tiện đặt biệt hiệu cho người khác vì hành vi này không văn minh, lịch sự.
Có những biệt hiệu được đặt dựa trên những khiếm khuyết sinh lý của con người, ví dụ như “A miệng tóp” “B hói”… Những tên gọi này không khác nào đem điểm yếu của người khác ra bêu riếu. Một khi chúng bị truyền bá rộng rãi, chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng tinh thần, ảnh hưởng đến lòng tự trọng, thậm chí là sỉ nhục đối với người đó.
Khi có người đặt biệt hiệu cho mình, bạn cần biết cách xử lý một cách linh hoạt. Những biệt hiệu dựa trên tính cách, đặc điểm hoặc khiếm khuyết sinh lý luôn mang tính châm chọc mạnh mẽ, một khi đã lan truyền thì khó có thể xóa bỏ, thậm chí còn mang đến cho đương sự rất nhiều phiền phức. Nhưng nếu người nói chỉ thi thoảng gọi trêu đùa bạn, thì cũng không cần quá bận tâm, hãy mỉm cười và cho qua.
4. Không được dùng lời lẽ phỉ báng làm tổn thương người khác
Lời lẽ phỉ báng là chỉ những lời soi mói, chế giễu, châm chích, lăng nhục người khác. Hiển nhiên, đó là thứ dung tục, đi ngược lại với văn minh lịch sự, là một hành động không phù hợp với quan hệ hữu hảo giữa người với người trong xã hội. Tục ngữ có câu mang đại ý, một lời nói hay ấm lòng người ba mùa đông, một lời cay nghiệt dù giữa mùa hè cũng khiến người tê tái lòng. Nói những lời lẽ phỉ báng, vu khống hãm hại là hành vi vô đạo đức, không những bản thân chúng ta không nên nói, mà khi nghe thấy những lời nói này cũng không nên loan truyền bừa bãi. Khi nói năng cần chú ý đến ngôn từ, khẩu khí, tránh dùng lời lỗ mãng, thô tục.
Những lời nói miệt thị thô lỗ khiến người nghe cảm thấy bị sỉ nhục; lời nói ngạo mạn làm người khác tránh xa bạn; lời có thể gây ra hậu quả khôn lường. Ngôn ngữ vốn là công cụ để con người giao lưu về tư tưởng, thông tin và tình cảm, nhưng những lời lẽ phỉ báng lại là mầm mống gây tổn thương người khác và là tác nhân phá hoại mối quan hệ giữa đôi bên.
5. Không được chế giễu khiếm khuyết sinh lý của người khác
Những người có khiếm khuyết về sinh lý thường có tính cách hướng nội, trong lòng luôn chất chứa nỗi niềm khó nói, do đó họ thường cảm thấy tự ti và thất vọng.
Trong số họ có những người do khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, phạm vi giao tiếp hẹp, nên khi ở chỗ đông người hoặc trước mặt người lạ, họ thường tỏ ra nhút nhát, ngại ngùng, không dám chủ động giao tiếp và có cảm giác ngăn cách với những người bình thường. Những điều đó khiến cho nhu cầu về tinh thần của họ lớn hơn nhiều so với nhu cầu vật chất. Họ luôn khao khát một tình bạn chân thành, tôn trọng, tin cậy và chứa chan tình cảm. Khi bị người khác chế giễu, lạnh nhạt hoặc cảm thấy không được tin tưởng, đối xử công bằng, họ dễ tủi thân, buồn rầu, đau khổ...
So với người bình thường, những người có khiếm khuyết về sinh lý thường gặp nhiều khó khăn hơn, ví dụ khó khăn trong học tập, công việc, cuộc sống... Sự khiếm khuyết về sinh lý hạn chế không gian hoạt động, lựa chọn nghề nghiệp, phát triển công việc cũng như con đường học hành của họ. Do đó, họ cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, cổ vũ, động viên nhiều hơn những người bình thường khác. Chỉ có như vậy mới khiến họ cảm nhận được giá trị của cuộc sống và hơi ấm tình người.
YÊU CẦU NGHIÊM KHẮC ĐỐI VỚI BẢN THÂN
Trong giao tiếp hàng ngày, người lãnh đạo cần phải yêu cầu nghiêm khắc với bản thân, đề phòng các trường hợp sau:
1. Với người đạo đức giả
Khi giao tiếp với người đạo đức giả, ta thường lo lắng bị lừa phỉnh, không có cảm giác an toàn, khó tin tưởng được người đó. Loại người này chỉ quan tâm đến bản thân, không quan tâm đến người khác, đặt lợi ích cá nhân cao hơn hết thảy, tính toán chi ly, suy hơn tính thiệt, không ngại làm tổn hại người khác để làm lợi cho mình, sẵn sàng vì cái lợi cỏn con của cá nhân mà vứt bỏ lợi ích của người khác và tập thể. Với người quá ích kỉ như vậy, tất nhiên bạn nên tránh xa.
2. Với người làm tổn thương lòng tự trọng của người khác
Những người thường xuyên làm tổn thương lòng tự trọng của người khác, ảnh hưởng đến nhu cầu tâm lý xã hội của người khác, thì tự khắc sẽ bị mọi người ghét bỏ.
3. Với người liên tục nói chen ngang
Thông thường, khi thuyết phục người khác, chúng ta thường phải nói liền một mạch mới mong đạt được hiệu quả. Nếu bạn đang nói chuyện một cách say sưa, đối phương lại không ngừng chen lời, cắt ngang câu chuyện, khiến bạn không thể diễn đạt được hết ý thì đó là dấu hiệu cho thấy, tâm trạng của đối phương đã chuyển sang trạng thái bực bội. Lúc này, bạn nên nghĩ đến việc dừng câu chuyện đang nói, hoặc chuyển sang chủ đề khác.
4. Với người cố ý giả vờ “hồ đồ”
Khi giao tiếp, để tìm hiểu xem đối phương có thật lòng lắng nghe hay không, sau khi nói chuyện một lúc, chúng ta có thể hỏi một câu như: “Anh hiểu ý tôi nói chứ?” Nếu bạn cảm thấy những điều mình nói rất rõ ràng, ngay cả đứa trẻ cũng có thể hiểu được, nhưng đối phương lại cố tình giả vờ không hiểu: “Tôi vẫn chưa hiểu, rút cuộc anh muốn nói gì?” Việc cố tỏ ra kinh ngạc và không hiểu của họ thường làm bạn có cảm giác họ không hứng thú với vấn đề bạn nói. Có nên nhắc lại một lần nữa hay không còn tùy thuộc vào mức độ nhẫn nại của bạn, cũng như việc bạn có mong muốn tiếp tục trò chuyện với họ hay không. Nếu câu trả lời là không, thì tốt nhất bạn nên nhanh chóng kết thúc cuộc nói chuyện.
5. Với người vô cớ liếc ngang liếc dọc
Người nghe mà cứ liên tục liếc ngang liếc dọc, ánh mắt đưa đi đưa lại, hoặc dùng tay mân mê các đồ vật đặt trên mặt bàn, lộ rõ nét mặt căng thẳng, mệt mỏi thì cũng đồng nghĩa với việc, người nghe đã rất sốt ruột. Tốt nhất bạn nên sớm kết thúc cuộc nói chuyện.
6. Với người liên tục xem đồng hồ
Khi bạn đang nói chuyện say sưa, nhưng đối phương liên tục đưa mắt nhìn đồng hồ đeo tay hoặc đồng hồ treo trên tường thì chứng tỏ đối phương đã cảm thấy thời gian không còn nhiều nữa. Nếu họ còn thêm một câu: “Như thế này vậy, để tôi suy nghĩ thêm…”, thì hiển nhiên là họ muốn tiễn khách.
7. Với người liên tục lật giở sổ ghi chép cá nhân
Trong quá trình trò chuyện, nếu đối phương liên tục lật cuốn sổ ghi chép bên mình, thì có nghĩa là họ đang ám thị bạn rằng, khoảng thời gian tiếp theo của họ đã được lên lịch sẵn, hi vọng bạn mau chóng đi thẳng vào vấn đề chính. Lúc đó, tốt nhất bạn nên rút ngắn cuộc trò chuyện.
8. Với người liên tục rời khỏi chỗ ngồi
Nếu trong lúc bạn và đối phương đang nói chuyện, họ liên tục viện cớ rời khỏi chỗ ngồi, thì điều này thể hiện họ không coi trọng sự có mặt của bạn, hoặc không thích cuộc nói chuyện với bạn. Lúc này, bạn có thể dựa vào tình hình cụ thể để dừng lại cho đúng lúc.
9. Với người cố ý lẩm bẩm nói một mình
Trong khi bạn đang nói chuyện, mà đối phương cứ lẩm bẩm nói một mình, thì bạn có thể hiểu rằng, họ không có hứng thú với chủ đề bạn nói, không hề quan tâm tới câu chuyện này. Lúc đó bạn nên tìm cách cáo từ.
10. Với người có lòng thù hận mạnh mẽ
Khi giao tiếp với những người có lòng thù hận mạnh mẽ, chúng ta thường có tâm trạng lo lắng, cẩn trọng, sợ bị báo thù, tâm lý căng thẳng. Do đó bạn nên xa lánh loại người này.
11. Với người có lòng đố kị mạnh mẽ
Những người có lòng đố kị thường ganh tị với những gì mà người khác có. Kiểu tâm lý này khi bộc lộ ra ngoài sẽ khiến cho người khác thấy phản cảm.
12. Với người đa nghi
Mọi người cảm thấy khó có thể giao tiếp chân thành và thẳng thắn với những người quá đa nghi. Loại người này bụng dạ hẹp hòi, mẫn cảm, đa nghi, khó khiến người khác gần gũi. Bạn phải đề phòng loại người này.
13. Với người khó tính
Những người này luôn bới lông tìm vết, hà khắc, thường làm tổn thương lòng tự trọng của người khác. Cách tốt nhất để giải tỏa sự căng thẳng là bạn hãy tránh xa họ.
14. Với người kiêu ngạo, tự phụ
Đây là những người cậy tài mà ngạo mạn, không coi ai ra gì, tự tâng bốc mình, khó gần, do đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ xã hội.
TRÁNH NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN VÔ NGHĨA
Bạn có thể dùng ánh mắt, giọng nói, cử chỉ để phê bình sai lầm của người khác, nhưng người đó liệu có đồng ý với quan điểm của bạn hay không? Cách này không thể mang lại hiệu quả! Trên thực tế, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang công kích trí tuệ, sự phán đoán, dũng khí và lòng tự trọng của người đó.
Vì vậy, hành động của bạn khó tránh khỏi sự phản kích từ phía họ. Lối tư duy này của họ không thể thay đổi được trong một sớm một chiều, cho dù bạn có dùng triết học của Platon hay logic học của Kant để thuyết phục thì cũng không thể cứu vãn được việc bạn đã làm tổn thương tình cảm của họ.
Trong giao tiếp, tuyệt đối đừng nói câu: “Để tôi chứng minh cho anh xem.” Tác phong xấu này chỉ ra ý nghĩ trong đầu bạn là: “Tôi sáng suốt hơn anh, đứng trước luận chứng mà tôi đưa ra, anh chắc chắn sẽ phải thay đổi quan điểm của mình.”
Nói cách khác, đây là một hành vi khiêu chiến, gây hấn. Điều này có thể dẫn đến phản ứng gay gắt từ đối phương, thậm chí có thể khiến họ ẩu đả với bạn khi bạn chưa kịp nói xong. Cho dù trong hoàn cảnh thân mật, hòa nhã, thì mong muốn thay đổi ý kiến của một người cũng rất khó khăn. Tại sao vậy? Tại sao bạn cảm thấy gai góc đến vậy?
Nếu bạn muốn chứng minh một điều gì đó, tốt nhất không nên để người khác biết trước điều bạn sẽ làm, mà hãy lặng lẽ hành động một cách cẩn trọng. Giống như điều John Finder nói với con trai của ông: “Con người luôn cần đến những bài học, nhưng chúng ta không cần gánh thay cho họ. Việc chưa được đề cập đến có nghĩa là chúng đang bị lãng quên.”
Nếu muốn thông minh hơn người khác, bạn không cần phải đưa ra bất kì tuyên ngôn nào cả, mà “hãy để sự thực kiểm chứng”. Các nhà khoa học luôn làm như vậy. Nhà khoa học nổi tiếng Steven John đã thám hiểm tại Bắc Cực trong vòng 11 năm, trong đó có có sáu năm ngoài uống nước và ăn thịt, ông không có lựa chọn nào khác. Trong một lần phỏng vấn, ông đã kể rất nhiều câu chuyện về công việc thăm dò và thí nghiệm ở Bắc Cực. Có người hỏi ông làm cách nào để chứng thực những trải nghiệm này. Ông nói: “Nhà khoa học không bao giờ tìm cách chứng thực cho bất kì sự việc nào, vì điều anh ta cần làm là nghĩ cách để tìm ra sự thật.”
Nếu bạn muốn áp dụng phương pháp khoa học để suy nghĩ, thì bạn có thể yên tâm, ngoài bản thân bạn ra, không ai có thể can thiệp được suy nghĩ của bạn.
Nếu bạn sẵn sàng đón nhận những sai lầm có thể xảy ra, thì không trở ngại nào có thể làm khó bạn. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi những tranh chấp không cần thiết và cũng có thể khiến đối thủ của bạn cởi mở hơn, công bằng hơn, khiến họ tự nhận ra sai lầm của mình.
KHÔNG NÊN KHEN NỊNH BỪA BÃI
Tâng bốc hay khen nịnh người khác không hẳn là việc xấu, nhưng nói thế nào để khiến người ta thoải mái, vui vẻ thì cũng cần một chút kiến thức. Phải khen đúng lúc, đúng chỗ, không quá lời mới khiến người nghe cảm thấy thoải mái, vui vẻ.
Vua Louis XIV của Pháp nổi danh với tôn xưng “Vua mặt trời”, thường ngày thích làm thơ tiêu khiển. Có một lần nhà vua làm thơ tình, nhưng xem đi xem lại vẫn cảm thấy chưa vừa ý. Đúng lúc này, nguyên soái Gramann đến, nhà vua liền đưa bài thơ cho nguyên soái xem. Vua Louis nói với nguyên soái: “Gramann, ta cảm thấy bài thơ này không hay, ý kiến của ông thế nào?”
Gramann nhanh chóng xem lướt qua bài thơ rồi nói: “Đúng như bệ hạ nói, bài thơ này quá dở.” Nhà vua nghe xong bật cười nói: “Người làm bài thơ này chắc hẳn là một kẻ đần độn.” “Vâng ạ, chắc chắn là một kẻ đần độn”. Gramann ở bên cạnh cũng hùa theo.
Nhà vua nghiêm sắc mặt, chậm rãi nói: “Cám ơn ông, thực ra kẻ đần độn đó chính là ta.”
Nguyên soái nghe xong thì mặt mày biến sắc, luống cuống nói: “Bệ... bệ hạ, để thần đọc lại một lượt, lúc nãy thần mới chỉ xem lướt qua, chưa được kĩ ạ.”
Nịnh không khéo còn tạm chấp nhận được, điều tệ nhất là nịnh hết cỡ, nhưng cuối cùng lại đụng chạm vào nỗi đau của người khác. Cho nên, nếu chưa rõ thì không nên nịnh bừa kẻo phản tác dụng.
Các chính trị gia thường phải hợp tác với giới truyền thông để tuyên truyền cho quan điểm của mình. Chính trị gia của nước Pháp Talleyrand1 tình cờ gặp William Corbett - một nhân vật đầy quyền lực của giới truyền thông trong một buổi dạ tiệc. Vì muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp với giới truyền thông mà Talleyrand cười nói vui vẻ, làm thân với Corbett.
1 Charles Maurice de Talleyrand - Périgord (1754 - 1838): Chính trị gia, nhà ngoại giao nổi tiếng người Pháp, từng là cố vấn của Napoléon Bonaparte.
Sau khi hai người trò chuyện được một lúc, Talleyrand vì muốn lấy lòng Corbett, đột nhiên hỏi: “Ông tốt nghiệp Đại học Oxford hay Cambridge?” Dụng ý ban đầu của Talleyrand là muốn ngầm khen học vấn của đối phương, nên mới nhắc đến những trường đại học nổi tiếng, nhưng không biết rằng Corbett chưa hề qua một trường đại học nào. Sự nổi tiếng của ông hoàn toàn dựa vào nỗ lực của bản thân.
Lời khen không đúng chỗ của Talleyrand đã chạm vào tâm sự thầm kín của Corbett.
Chỉ thấy nụ cười chợt tắt trên môi của Corbett. Lông mày giương cao, ông lớn tiếng trả lời: “Tôi không phải là con cá ham ăn, ông có thả bao nhiêu mồi thì tôi cũng không mắc câu đâu!” Cho dù khen nịnh theo ý hùa theo hay tán đồng, mục đích chính vẫn là tìm thời cơ thích hợp nhằm kéo đối phương về phía mình, làm cho đôi bên có thể đi đến điểm chung. Bằng cách này, bạn có thể tạo được thiện cảm với đối phương, kéo dài thêm bầu không khí trò chuyện vui vẻ, hoặc nếu thấy nguy cơ căng thẳng giữa đôi bên, có thể kịp thời chuyển chủ đề, nịnh khéo đối phương, phá tan bầu không khí căng thẳng. Cũng giống như pha một ly cocktail, khi thấy cay quá có thể cho thêm một chút rượu rum, thấy nhạt quá có thể cho thêm một chút brandy.
Tâng bốc cũng phải có nghệ thuật không thể tùy tiện. Tâng bốc mà không tự nhiên sẽ khiến người khác cảm thấy kì cục, khó hiểu, còn nịnh quá lộ liễu lại khiến người nghe chướng tai; khen nhầm người khác thì càng tồi tệ hơn vì khi đã nói ra sẽ không có cách nào lấy lại được.
Cho nên, không nịnh vẫn là tốt nhất, còn khi cần thì nên nịnh chút ít không nên quá lời.
CĂNG THẲNG CHỈ LÀM HỎNG VIỆC
Trong giao tiếp, người lãnh đạo phải tránh khiến bản thân căng thẳng, vì như vậy chỉ làm hỏng việc. Dưới đây là một số bí quyết ứng phó.
(1) Khi cần nói, phải nói to, rõ ràng, như thế sẽ khiến bạn tự tin hơn.
(2) Về trang phục, nếu bạn mặc một bộ trang phục đẹp đẽ, lịch sự cũng có thể tăng thêm sự tự tin.
(3) Trước khi phát biểu, nếu bạn gặp chuyện không vui, cần tranh thủ trong khoảng thời gian ngắn lấy lại tâm trạng vui vẻ. Ví dụ: đến hiệu sách, tìm vài cuốn tạp chí mà bạn thích; đọc một vài câu chuyện cười; đi dạo trong cửa hàng, siêu thị gần nhất; ngắm các sản phẩm vui mắt...
(4) Khi đối thủ làm bạn mất bình tĩnh, hãy nghĩ cách rút ngắn thời gian tranh luận.
(5) Bạn bước đi nhẹ nhàng, thoải mái khi đến phòng họp thì tâm trạng sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
(6) Bạn đến phòng họp sớm hơn thì tâm lý sẽ bớt lo lắng, căng thẳng.
(7) Bạn giữ tầm nhìn của mắt ngang bằng với đối phương thì áp lực về tinh thần sẽ giảm đi rất nhiều.
(8) Khi chọn địa điểm, bạn nên chọn nơi mình đã quen thuộc, nếu không ít nhất cũng phải chọn nơi hai bên đều chưa biết.
(9) Nếu gặp người khác khiến bạn e ngại thì khi đối thoại nên chủ động nhìn thẳng vào mắt đối phương.
(10) Sớm nói ra những vấn đề then chốt, cảm giác căng thẳng sẽ được xoa dịu.
(11) Khi mất bình tĩnh trước đám đông, bạn hãy thẳng thắn thừa nhận với bản thân: “Sao mình có thể mất bình tĩnh thế này, thật chẳng ra làm sao!” Chỉ cần ý thức được điều đó, bạn sẽ không bị căng thẳng nữa.
(12) Khi bạn cảm thấy bị đối phương áp đảo, đừng ngại lấy ra một tờ giấy và viết lung tung lên đó. Cách này có hai tác dụng. Đối với bản thân, do viết lung tung tùy ý nên khi ngón tay hoạt động liên tục, cảm giác căng thẳng sẽ được xoa dịu. Tác dụng khác là, nó có thể gây nhiễu tâm lý đối phương, phân tán sự chú ý của họ.
(13) Trước khi phát biểu, bạn hãy nghĩ đến một số ưu điểm và thành tích của bản thân, lúc đó bạn sẽ thấy tự tin hơn.
(14) Hãy nói với bản thân: “Mình căng thẳng, bất an, đối phương cũng có cảm giác giống mình thôi.” Như vậy, bạn sẽ thấy can đảm hơn.
(15) Hãy nói với bản thân: “Đối thủ cũng giống mình, chẳng qua cũng là một người bình thường.” Như vậy, bạn sẽ không bị địa vị xã hội hay chức vụ của đối phương làm cho e ngại.
(16) Để tránh trong lúc phát biểu đột nhiên dừng lại, gây lúng túng, hồi hộp, trước đó bạn nên chuẩn bị một số tài liệu, sổ ghi chép... để có thể lật xem như không có chuyện gì xảy ra.
(17) Khi bạn vấp phải câu hỏi khó của đối phương, hãy lập tức hỏi lại đối phương bằng một câu hỏi khác có liên quan.
(18) Khi phát hiện bản thân nói sai, trong đầu bạn phải lập tức nghĩ đến những việc hoàn toàn không liên quan đến vấn đề này.
(19) Khi phát hiện bản thân quá căng thẳng, bạn cần làm cho mọi động tác chậm lại.
KHÔNG NÊN TÙY TIỆN TẶNG QUÀ
Tặng quà cũng là một nghệ thuật và có những quy tắc riêng. Tặng cho ai, tặng cái gì, tặng như thế nào là những điều rất tế nhị, tuyệt đối không được tặng một cách tùy tiện. Theo kinh nghiệm, ít nhất chúng ta nên chú ý những nguyên tắc sau đây.
1. Quà tặng phải có giá trị hợp lý
Thông thường, quà tặng quá nhỏ, ý nghĩa lại không lớn, rất dễ khiến người nhận hiểu lầm là họ không được tôn trọng, đặc biệt đối với những mối quan hệ không thực sự thân thiết. Nhưng nếu quà tặng quá quý giá, có thể khiến cho người được nhận có cảm giác nhận hối lộ, đặc biệt là đối với cấp trên, đồng nghiệp thì càng phải chú ý. Trừ một số người thích lợi dụng bạn ra, người khác sẽ dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để từ chối, hoặc cho dù họ có nhận thì sau này họ sẽ nghĩ mọi cách để trả lễ.
Nếu bạn tặng quà như vậy chẳng phải là bạn đã ép buộc người khác phải tiêu tiền của họ hay sao? Nếu gia cảnh của người nhận quà không mấy dư dả, vô tình bạn đã làm khó cho họ. Nếu đối phương từ chối nhận, thì chẳng phải bạn đã bỏ một khoản tiền vô ích để mua quà hay sao? Do đó, việc chọn lựa quà tặng có giá trị lớn hay nhỏ ra sao tùy vào việc đối phương có vui vẻ nhận hay không, tốt nhất vẫn là làm sao để tiêu ít tiền mà làm được nhiều việc, mất nhiều tiền thì phải làm cho thật tốt.
2. Khoảng cách thời gian tặng quà phải hợp lý
Khoảng cách thời gian tặng quà cũng cần được chú trọng. Tặng quà liên tục trong thời gian ngắn hoặc cách quá lâu mới tặng đều không thích hợp. Những người tặng quà có thể dư dả tiền bạc, hoặc đang nóng lòng cần đến sự giúp đỡ, nên sẵn sàng chi tiền không tiếc tay để mua hết quà lớn quà bé. Họ cho rằng như thế là hào phóng, có thể chiếm được cảm tình của người khác. Nhưng thực ra lại không hẳn như vậy. Nếu người nhận quà thích lợi dụng người khác thì trước mặt bạn, họ có thể nói những lời tốt đẹp, nhưng lại nói xấu sau lưng bạn.
Những người đứng đắn, tuy không nói ra, nhưng trong lòng họ có thể vì nghi ngờ sự hào phóng và mục đích của bạn, mà không sẵn lòng tạo mối quan hệ thân thiết hơn. Ngoài ra, khi tặng quà, người ta tất nhiên sẽ phải đáp lại bạn, như vậy chẳng phải đã làm tăng thêm gánh nặng kinh tế cho họ. Thông thường, bạn nên chọn những ngày lễ tết, mừng thọ, sinh nhật, tân gia... để tặng quà là thích hợp nhất. Người tặng quà không phải suy nghĩ nhiều, còn người nhận quà cũng thấy thoải mái.
3. Tìm hiểu phong tục và những điều cấm kị
Trước khi tặng quà nên tìm hiểu địa vị, sở thích, tập quán dân tộc của người nhận quà, nhằm tránh những rắc rối không đáng có. Hơn nữa, khi tặng quà, nhất định phải suy nghĩ chu đáo, tránh những điều kiêng kị. Ví dụ, khi tặng quà trong đám cưới, người Trung Quốc không tặng “Zhong” (đồng hồ), vì “Zhong” (đồng hồ) cùng âm với “Zhong” (kết thúc), khiến người ta liên tưởng đến việc không tốt lành. Tặng cho tín đồ Hồi giáo những trang sức có hoa văn trang trí mang hình ảnh những chú heo có thể bạn sẽ bị đuổi ra khỏi nhà; tặng hoa cúc cho người Ý, tặng hoa sen cho người Nhật, tặng hoa hồ đào cho người Pháp, đều gây ra sự phản cảm cho người nhận. Do vậy, hãy thận trọng khi tặng quà cho người khác.
4. Quà tặng phải có ý nghĩa
Quà tặng là vật truyền đi thông điệp về tình cảm. Bất kì một món quà nào cũng thể hiện tấm lòng của người tặng như đền đáp, chúc mừng, thương yêu, hoặc bày tỏ tình yêu... Cho nên, những quà tặng bạn chọn lựa phải phù hợp với tâm ý của bạn, và khiến cho người nhận quà cảm thấy điều đặc biệt và giá trị đích thực của món quà. Trên thực tế, quà tặng hợp lý, có ý nghĩa nhất là món quà được chọn theo sở thích của người nhận. Ví dụ, chúng ta tặng một bó hoa tươi cho người bạn đang nằm viện, nhất định sẽ khiến cho tâm trạng của người bệnh vui vẻ, làm tăng thêm lòng tin chiến thắng bệnh tật; gửi cho người bạn cũ một album ảnh về trường cũ, nhất định sẽ gợi cho người nhận những kí ức đẹp về một thời cắp sách tới trường; tặng những người bạn yêu thích văn học một bộ sách nổi tiếng, tất nhiên sẽ khiến họ thích thú; tặng cho người mình yêu một chiếc khăn quàng đẹp, cô ấy sẽ ngả vào vai bạn với ánh mắt chan chứa tình yêu...
Nói về chất lượng của quà tặng, giá trị của món quà không thể được đo bằng số tiền, mà chính ý nghĩa của món quà ấy mới thể hiện giá trị của nó. Do đó, khi lựa chọn quà tặng, bạn cần chú ý đến các yếu tố như tính tư tưởng, tính nghệ thuật, mức độ thú vị, giá trị kỉ niệm... của món quà.
KHÔNG ĐƯỢC CẬY TÀI KHINH NGƯỜI
Cho dù bạn có giỏi giang đến đâu thì bạn cũng không nên cậy tài khinh người. Những kẻ ỷ vào tài cán của mình mà cao ngạo, khinh thường người khác là kẻ không biết coi trọng tài năng của bản thân, và luôn làm cho mối quan hệ với người khác trở nên căng thẳng. Điều này không những mang lại nhiều bất lợi mà có thể gây tai họa cho bản thân.
Thời Tam Quốc, trong doanh trại của Tào Tháo có một người chủ bộ tên là Dương Tu. Người này giỏi giang, tài hoa, tư duy nhanh nhạy, nhưng do cậy tài nên nhiều lần phạm vào điều cấm kị của Tào Tháo. Có một lần người ở trại Bắc tặng Tào Tháo một hộp bánh bơ, Tào Tháo viết lên hộp bánh ba chữ “nhất hợp tô”, tức một hộp bánh bơ rồi để sang một bên. Dương Tu sau khi nhìn thấy, liền gọi mọi người tới chia nhau ăn và giải thích là “nhất nhân nhất hợp tô”, có nghĩa là mỗi người một miếng bánh bơ. Tuy lời nói có lý, nhưng làm sao khiến Tào Tháo nguôi giận đây? Những việc tương tự còn tái diễn vài lần sau đó, Dương Tu hết lần này đến lần khác thường chứng tỏ mình thông minh trước mặt người khác. Cuối cùng, khi Dương Tu một lần nữa đoán được ý đồ muốn rút quân của Tào Tháo liền đem bàn tán khắp nơi, nên bị Tào Tháo xử chết vì tội “quấy rối lòng quân”.
Tại sao Dương Tu phải chết? Nguyên nhân rất đơn giản, chính là vì anh ta “cậy tài khinh người”, không hiểu tôn ti trật tự, không tôn trọng và bảo vệ cấp trên.
Cổ nhân có câu: “Cây vươn khỏi rừng, gió tất thổi gãy; vật nhô khỏi bờ, nước tất cuốn trôi; người khôn hơn người, tất bị đạp đổ.” Làm người cần khiêm tốn, chân thành, không được cậy tài, càng phải tránh công cao lấn át người, danh lớn đe dọa người. Cấp dưới tài hoa xuất chúng thì càng cần cẩn trọng trong mối quan hệ với cấp trên, như cây càng lớn càng nên rủ ngọn xuống thấp, mới không bị gió thổi gãy. Những kẻ cậy tài khinh người rất khó hòa hợp với cấp trên nên khó có thể lập nên công trạng, cuối cùng rơi vào thế cô lập, không được đồng nghiệp ủng hộ. Cho nên, người có tài nhưng ít được trọng dụng thì khó có thể phát huy tài năng.
ĐỀ PHÒNG NGƯỜI KHÁC GIỞ TRÒ BỊP BỢM
Đàm phán là một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Bạn đàm phán với cấp trên về việc tăng lương, khách thuê bàn bạc với chủ nhà về việc thuê phòng, một vài công ty thương thảo thành lập công ty liên doanh... Những cao thủ trên bàn đàm phán luôn biết cách sử dụng mưu lược để đạt được thỏa thuận có lợi cho mình.
Một công ty của Nhật tiến hành đàm phán hợp tác kĩ thuật với một công ty của Mỹ. Khi cuộc đàm phán mới bắt đầu, đại diện cấp cao phía Mỹ đưa ra một loạt các loại số liệu kĩ thuật, hạng mục đàm phán, các khoản chi phí... và thao thao bất tuyệt phát biểu ý kiến, hoàn toàn không quan tâm đến phản ứng của đối tác. Ngược lại, đại diện của Nhật Bản không nói lời nào, chăm chú lắng nghe và miệt mài ghi chép. Sau khi phía Mỹ một mình phát biểu liền mấy tiếng đồng hồ, đến lúc cần lấy ý kiến của đối tác thì đại diện của Nhật làm ra vẻ bối rối rồi nói: “Chúng tôi chưa chuẩn bị tốt”, “Chúng tôi chưa làm số liệu kĩ thuật”. Vòng đàm phán đầu tiên kết thúc.
Mấy tháng sau, công ty Nhật lấy lý do đoàn đại diện đàm phán lần trước không làm tròn nhiệm vụ, nên đã thay đổi về mặt nhân sự và phái đoàn đại biểu khác đến Mỹ tham dự vòng đàm phán thứ hai. Lần đàm phán này, mọi thứ đều giống lần trước đó, phía Nhật tỏ ra chuẩn bị chưa tốt, sau cùng lấy lý do còn phải nghiên cứu thêm để kết thúc vòng đàm phán thứ hai. Công ty Nhật lại một lần nữa lặp lại kịch bản của lần đàm phán đầu tiên, điều này khiến cho lãnh đạo công ty của Mỹ cực kì tức giận, cho rằng công ty Nhật không có thành ý với dự án này, coi thường năng lực kĩ thuật của đối tác và sau cùng đưa ra thông điệp: Nếu nửa năm nữa, công ty Nhật vẫn như vậy thì hợp tác giữa công ty hai nước sẽ buộc phải hủy bỏ. Sau đó, phía Mỹ giải tán đoàn đàm phán, niêm phong toàn bộ tài liệu kĩ thuật, chờ đợi lần đàm phán cuối cùng sau đó nửa năm.
Nào ngờ chỉ vài ngày sau, phía Nhật cử một đoàn đại biểu gồm những nhân vật then chốt của hai lần đàm phán trước hợp thành đoàn đàm phán lớn bay sang Mỹ. Phía Mỹ kinh ngạc, vội vàng triệu tập các thành viên của đoàn đàm phán những lần trước. Lần đàm phán này, người Nhật tỏ ra hoàn toàn trái ngược với hai lần trước, họ mang đến một lượng lớn những số liệu đáng tin cậy, những sách lược tương đối chi tiết liên quan đến kĩ thuật, nhân lực, nguồn vốn... và đưa ra biên bản thỏa thuận hợp tác đã thảo sẵn cho đại diện phía Mỹ kí. Lần này đến lượt phía Mỹ bối rối, sau cùng đành miễn cưỡng kí vào. Đương nhiên, một vài điều khoản trong hợp đồng nghiêng về phía có lợi cho Nhật. Sau đó, đại diện của Mỹ chỉ biết tức giận chửi rủa, nói rằng, đây lại là một chiến thắng nữa của người Nhật sau trận chiến “Trân Châu Cảng”.
Hiển nhiên, những người Nhật thông minh đã lợi dụng kế “mãn thiên quá hải” trong cuộc đàm phán để qua mặt Mỹ. Những lần đàm phán trước, người Nhật giả bộ chuẩn bị chưa đầy đủ, nhằm che giấu ý đồ của mình, trong khi thực chất là đang tìm hiểu kế hoạch của phía Mỹ. Đến khi đã nắm rõ được tình hình, họ liền lập ra phương án tỉ mỉ, sau cùng nhân lúc phía Mỹ buông lỏng cảnh giác, người Nhật bất ngờ xuất kích và giành được thắng lợi sau cùng của cuộc đàm phán.
GIAO TIẾP KHÔNG CHỈ DỰA VÀO LỜI NÓI
Có rất nhiều người hiểu sai rằng, trong giao tiếp nhất định phải dùng lời nói, thực ra đây là một quan niệm sai lầm. Chúng ta có thể dùng chữ viết, dùng cơ thể, dùng ánh mắt, dùng nụ cười và hiệu quả nhất là dùng phương thức lắng nghe để giao tiếp. Đương nhiên, phải xem từng tình huống để lựa chọn cách thức giao tiếp phù hợp. Các nhà lãnh đạo cần thận trọng với vấn đề này.
Có một thanh niên đến gặp nhà triết học lớn Socrates và bày tỏ mong muốn được học cách diễn thuyết.
Người thanh niên mới gặp Socrates, liền thao thao bất tuyệt giới thiệu lý tưởng và hoài bão của mình. Đợi anh ta nói xong, Socrates mới lên tiếng: “Muốn ta dạy anh cách diễn thuyết cũng được, nhưng phải thu học phí gấp hai lần.”
Chàng thanh niên nghe xong, cảm thấy rất lạ hỏi: “Tại sao lại thu gấp đôi tiền học phí ạ?”
“Ồ!” Socrates nhìn chàng thanh niên rồi trả lời: “Bởi vì tôi phải dạy anh hai môn, môn thứ nhất là dạy anh phải nói như thế nào, môn thứ hai là dạy anh phải biết im lặng khi nào.”
Từng có sinh viên hỏi giáo sư Charles Herbrain của Đại học Harvard: “Tại sao nhà trường không dạy môn nói chuyện? Em muốn học nghệ thuật nói chuyện, có cách nào hay không ạ?”
Giáo sư lập tức trả lời: “Đương nhiên là có! Em chỉ cần tĩnh tâm lại, thầy sẽ nói cho em.”
Người sinh viên gật đầu. Nhưng đợi một lúc lâu mà Herbrain không nói gì.
Sinh viên đó không nhẫn nại được lâu hơn nữa, bèn nói: “Thưa giáo sư, em đang nghe đây.”
Nghe được câu nói này, giáo sư Herbrain vui mừng nói: “Em xem, chẳng phải em đã học được nghệ thuật nói chuyện rồi đó sao?”
Những người độc tài, chuyên quyền chỉ chú ý đến cách bày tỏ ý kiến, mà không hiểu được nghệ thuật lắng nghe. Mẫu người này chúng ta thường gặp trong cuộc sống; họ nói chuyện một lát rồi im lặng, dường như đang muốn lắng nghe ý kiến của người khác, nhưng giả sử người khác muốn chen vào thì họ lại nói tiếp. Hóa ra, họ dừng lại chỉ vì đang nghĩ xem câu tiếp theo sẽ nói gì.
“Lắng nghe” là đỉnh cao của giao tiếp. Lắng nghe thật sự không chỉ cần dùng tai, mà còn dùng cả trái tim để nghe, nắm rõ ý tứ đối phương biểu đạt và thông qua phân tích khách quan của bộ não, mới tiến hành đánh giá. Sau khi đưa ra kết luận thì mới vận dụng kĩ xảo nói chuyện để biểu đạt thỏa đáng suy nghĩ của mình. Tỷ lệ thành công của cách giao tiếp này rất cao.
Nhạc sỹ nổi tiếng thế giới Liszt khi lưu diễn tại Nga đã nhận lời mời của Sa Hoàng đến điện Kremlin biểu diễn.
Không ngờ, trong buổi biểu diễn, Sa Hoàng ngạo mạn nằm dài trên sô pha và không ngừng nói chuyện với những người bên cạnh. Liszt vô cùng tức giận, không còn tâm trạng để biểu diễn nữa. Ông đưa mắt nhìn Sa Hoàng nhưng Sa Hoàng không để tâm đến mà vẫn tiếp tục nói chuyện.
Tuy Liszt rất phẫn nộ nhưng trên gương mặt vẫn giữ được vẻ ôn hòa. Ông không nói lời nào, lặng lẽ đậy nắp hộp đàn lại, kết thúc buổi biểu diễn.
Sa Hoàng cảm thấy rất bất ngờ, liền sai người hầu đi hỏi nhạc sỹ tại sao không biểu diễn nữa.
Liszt cố ý cao giọng nhưng vẫn giữ vẻ lịch sự, ôn hòa, lễ phép trả lời: “Ồ, không có gì, chỉ có điều mọi người đều đang nghe bệ hạ nói, thần cũng nên yên lặng, không nên làm phiền bệ hạ nói chuyện.”
Sa Hoàng nghe thấy vậy thì lúng túng cười gượng, lập tức dừng nói chuyện. Đợi đến khi khán phòng yên tĩnh trở lại, Liszt mới mở nắp hộp đàn, tiếp tục biểu diễn.
KHÔNG ĐỂ TÌNH CẢM LẤN ÁT LÝ TRÍ
Đôi khi, cấp dưới phạm phải sai lầm nghiêm trọng, người lãnh đạo buộc phải dùng đến các hình thức xử phạt. Đương nhiên trường hợp đáng phạt thì bạn không nên do dự, không nên suy nghĩ quá nhiều đến tình cảm. Thời gian càng dài khiến bạn và người nhận hình phạt càng ngày càng khó chịu, cũng dễ khiến người khác hiểu lầm bạn xử phạt không công bằng.
Xử phạt, thường đi liền với việc chỉ ra cách thức sửa chữa. Giả sử, mục đích xử phạt của bạn chỉ để đề phòng chuyện đó tái diễn trong tương lai, thì không cần xử phạt quá nghiêm khắc.
Ý nghĩa quan trọng của xử phạt không chỉ đơn thuần là xử phạt, mà là đạt được mục đích.
Washington từng nói: “Để người khác phục tùng theo mệnh lệnh của bạn không phải việc một sớm một chiều là có thể thành công, thậm chí là thời gian một tháng hay một năm cũng chưa đủ.” Washington hiểu rõ, việc xây dựng một tập thể có kỉ luật cao là công việc cực kì gian khổ và cần rất nhiều thời gian mới có thể làm được.
Nhưng còn một việc khác ông chưa nói đến, đó là khi kỉ luật của một tập thể đã lỏng lẻo thì muốn xây dựng lại còn khó khăn gấp mấy chục lần so với việc xây mới. Đây chính là nguyên nhân vì sao một số tướng lĩnh và lãnh đạo bị thuyên chuyển công tác. Bởi vì người lãnh đạo cũ không thể duy trì kỉ luật tiêu chuẩn cao của tập thể, nên chỉ có thay người lãnh đạo khác mới có thể xoay chuyển cục diện.
Giả sử kỉ luật trong công ty của bạn đang xuống dốc, bạn nên làm thế nào? Trước tiên, bạn nên xây dựng cho mình một chế độ kỉ luật cao. Bạn không thể yêu cầu cấp dưới duy trì tiêu chuẩn kỉ luật cao, trong khi chính bản thân bạn lại làm không được.
Bước thứ hai, khoanh vùng phạm vi nhất định để dồn toàn lực chỉnh đốn mảng này trước.
Ví dụ, thời gian nghỉ ăn trưa hàng ngày của công ty quy định là một tiếng đồng hồ. Nhiều năm nay mọi người không tuân thủ giờ giấc quy định, có người thậm chí gần hai tiếng sau còn chưa quay về phòng làm việc.
Giả sử bạn là lãnh đạo mới nhậm chức, bạn có thể đồng thời tiến hành nhiều phương án cải tổ, còn nếu không phải như vậy, bạn sẽ không thể làm được nhiều việc cùng một lúc, trước tiên chỉ có thể tập trung giải quyết một vấn đề.
Bạn nên liệt kê toàn bộ lý do tại sao không thể chấp nhận hiện trạng này. Ví dụ: đó là lừa dối công ty, không tôn trọng nghề nghiệp, hình ảnh của tập thể bị xấu đi, là gương xấu cho những nhân viên làm việc theo giờ và những nhân viên trẻ...
Sau đó, bạn nên hạ quyết tâm xử phạt những người không tuân thủ quy định của công ty. Có thể dùng hình thức như trừ lương hay làm kiểm điểm..., nếu cần thiết cũng nên dùng cả hình thức đuổi việc. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của bạn, nhưng cần chú ý phải tuyệt đối công bằng hợp lý.
Đồng thời, bạn cũng nên cân nhắc toàn bộ tình hình. Mọi người đều kéo dài thời gian ăn trưa là do có nguyên nhân nào hay không? Cần xử lý như thế nào? Bạn suy nghĩ đã hoàn toàn chu đáo hay chưa?
Sau khi mọi việc đã được chuẩn bị kĩ lưỡng, bạn có thể tập trung toàn thể nhân viên, nói với họ về vấn đề và biện pháp giải quyết. Bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý trả lời bất kì câu hỏi nào được đưa ra. Trước tiên, bạn phải hiểu rõ vấn đề mình cần nói là gì thì cấp dưới mới chia sẻ và ủng hộ bạn. Trên thực tế, khi bạn làm như vậy, những người thường ngày tuân thủ quy định chắc chắn sẽ rất vui mừng. Họ sẽ cảm thấy rằng, bao nhiêu năm nay có rất nhiều người kéo dài thời gian nghỉ trưa, hay nói cách khác, nó không khác gì việc bóc lột thời gian của những người tuân thủ quy định, làm tăng thêm gánh nặng công việc cho những người khác.
Khi bạn giải quyết xong vấn đề này, hãy tiếp tục giải quyết vấn đề khác. Làm như vậy mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều. Đương nhiên, bạn hi vọng có thể thay đổi tình hình một cách nhanh chóng, nhưng phải có cách suy nghĩ đúng đắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng kỉ luật đã buông lỏng trong thời gian dài mà bạn làm quá vội vàng thì sẽ gây ra nhiều oán trách của nhân viên, chính điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cải cách của bạn, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề khác. Nhưng hãy nhớ, dù bạn muốn thay đổi bất kì điều gì đi nữa thì cũng nên kiên trì làm đến cùng và đi đúng hướng ngay từ khi bắt đầu.