* Khi bạn làm việc xuất sắc, cấp trên không thể xem thường, thậm chí cảm thấy rằng trong công việc không thể thiếu bạn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vô hình trung bạn đã tạo được sức ảnh hưởng đối với cấp trên và hình thành nên uy tín tiềm tàng của bản thân.
* Khiến cho cấp trên luôn có thái độ thù địch với bạn là bạn đã tự đẩy mình vào tình thế vô cùng tồi tệ. Vì vậy, làm cấp dưới nhất định phải chú ý không để bản thân mình trở thành đối tượng thù hận của cấp trên.
* Nhường công lao cho cấp trên là cách bảo vệ chính mình chắc chắn nhất, cho nên nhường thành tích cho cấp trên luôn là thượng sách.
* Người không có tiền đồ chính là người không được cấp trên chú ý đến.
BẢO ĐẢM SỰ THỐNG NHẤT VỚI CẤP TRÊN
Trong công ty, nhân viên quản lý thường giữ cả hai vai trò, họ không những phải giành được sự ủng hộ của cấp dưới, còn phải tranh thủ được sự tín nhiệm của cấp trên. Họ vừa là người lãnh đạo, vừa là người bị lãnh đạo. Việc lãnh đạo cấp dưới không hề dễ dàng, nhưng việc phục tùng cấp trên cũng vô cùng khó khăn. Nếu không có sự tín nhiệm của cấp trên, nhân viên quản lý sẽ gặp khó khăn trong quá trình xúc tiến công việc, thậm chí sẽ không trụ lại được lâu và cơ hội thăng tiến cũng không có. Doanh nghiệp là sự nghiệp của người lãnh đạo, họ sẽ không trọng dụng một người mà họ không tin tưởng.
Đương nhiên, khi người lãnh đạo trọng dụng một ai đó, họ sẽ lấy năng lực của anh ta làm tiêu chuẩn đánh giá. Chỉ cần bạn có năng lực thì còn sợ sếp không trọng dụng sao?
Thực ra, đây là cách nghĩ tưởng đúng mà lại hóa sai, cũng là cách mượn nguyên nhân để nói kết quả. Cấp trên cho rằng, “Bạn có năng lực để làm tốt công việc nào đó” và giao việc cho bạn, điều đó thể hiện sự tín nhiệm cấp trên dành cho bạn. Nhưng làm thế nào để cấp trên tin tưởng rằng bạn có năng lực? Đây là việc mà chỉ dựa vào năng lực thì không thể giải quyết vấn đề. Nếu không, đã không có những người tài giỏi mà không gặp thời, không có những người với sếp này thì được trọng dụng, với sếp khác chỉ “ngồi chơi xơi nước”.
“Tín nhiệm” mà chúng ta đề cập tới ở đây không hẳn có nghĩa là “thật lòng thật dạ”, có lẽ chỉ là sự tín nhiệm của cấp trên đối với năng lực làm việc của bạn mà thôi. Chỉ cần bạn có biểu hiện tốt trong công việc, cấp trên sẽ trọng dụng bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không thể giành được sự tín nhiệm hơn nữa của cấp trên trên cơ sở “biểu hiện tốt trong công việc”, thì một ngày nào đó, bạn có thể sẽ gặp phải bi kịch bị “vắt chanh bỏ vỏ”.
Nếu gặp phải tình cảnh này, chỉ có hai khả năng có thể xảy ra: Một là, cấp trên tìm cách giành lấy bạn, biến bạn thành tâm phúc; hai là, bạn buộc phải thay đổi bản thân để thích nghi với khuôn mẫu của cấp trên, khiến họ nghĩ rằng bạn là người trung thành, đáng tin cậy, có năng lực.
Trên thực tế, hai khả năng này có chung một nguyên tắc: Dựa vào cách nghĩ, cách làm và nguyên tắc đối nhân xử thế của cấp trên mà xây dựng bản thân. Sự khác biệt ở đây là, khi cấp trên muốn tranh thủ bạn, bạn ở thế bị động; khi bạn tìm cách giành được sự tín nhiệm của cấp trên, bạn ở thế chủ động.
Bạn ở vào thế bị động, tức là cấp trên đang cần đến tài năng của bạn, bạn muốn tranh thủ tín nhiệm khá dễ dàng, chỉ cần bạn thay đổi bản thân mình một chút là có thể phù hợp với yêu cầu. Nhưng nếu bạn muốn chủ động tranh thủ sự tín nhiệm của cấp trên là điều khá khó khăn. Bởi vì họ chưa có ấn tượng gì về bạn nên bạn phải tạo ra một vài ấn tượng trước, sau đó dần dần củng cố, rồi mới bàn đến chuyện tranh thủ sự tín nhiệm của cấp trên.
Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến vấn đề làm thế nào để chủ động tranh thủ sự tín nhiệm của cấp trên, hay nói cách khác, một người quản lý không có tiếng tăm như bạn làm thế nào để cấp trên có thể tin tưởng và trọng dụng. Với những nhà quản lý tài ba, năng lực xuất sắc, được cấp trên tin tưởng, thì vấn đề này rất đơn giản.
Trong các công ty vừa và nhỏ, chỉ cần bạn giữ chức quản lý cho dù cao hay thấp, cấp trên đều có thể biết đến bạn, có chăng chỉ là không có ấn tượng sâu sắc về bạn mà thôi. Trong tình huống này, việc giành được sự tín nhiệm của cấp trên còn có một khoảng cách khá xa nữa, nhưng bạn không nên tự ti. Không thể vì lãnh đạo không trọng dụng mà bạn cảm thấy không có cơ hội thể hiện, thậm chí cho rằng lãnh đạo tín nhiệm hay không đều không quan trọng.
Cũng có không ít nhân viên quản lý cấp trung và cấp thấp ở các công ty khác nhau đều xuất hiện kiểu tâm lý này. Họ có cảm giác không được cấp trên coi trọng, do đó trong công việc chưa có những biểu hiện tích cực. Hơn một nửa trong số họ có suy nghĩ: Đợi đến khi làm quản lý cấp cao mới thể hiện, cũng chỉ có khi đó lãnh đạo mới nhìn thấy được.
Thực ra, nếu bạn cho rằng mình chỉ là quản lý cấp thấp mà không tích cực nâng cao tích lũy kinh nghiệm thì đến khi làm quản lý cao cấp, bạn cũng sẽ khó có được những biểu hiện tốt. Nếu khi làm quản lý cấp thấp, bạn không chuyên tâm nghiên cứu đặc trưng tổ chức, cơ cấu nhân sự, cách làm của lãnh đạo... ở công ty bạn đang làm việc thì khi bạn lên làm quản lý cấp trung hoặc cấp cao, cơ hội tiếp cận với lãnh đạo nhiều lên, ít nhất bạn cũng sẽ gặp phải hai loại tình huống bất lợi.
Thứ nhất, do bạn không tìm hiểu kĩ hệ thống tổ chức, cơ cấu nhân sự của công ty, nên bạn không biết cần cải tiến cái gì, cần nhấn mạnh cái gì. Khi lãnh đạo hỏi ý kiến về cải tổ của bạn, chắc chắn bạn sẽ không thể trả lời đúng trọng tâm, cũng không thể đề xuất những ý kiến vượt trội hơn so với người khác. Điều này đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội để bạn thể hiện, cho dù nó không hẳn tạo ra những ấn tượng xấu, nhưng lãnh đạo có thể cho rằng, bạn không có gì nổi trội và cũng không có nhiều tài năng.
Do đó, cho dù là lãnh đạo cấp cao hay cấp thấp, nếu bạn muốn tạo lập sự nghiệp trong công ty, bạn phải luôn luôn quan sát, nghiên cứu xem lãnh đạo cấp cao hơn là người như thế nào.
Đặc điểm kinh doanh của công ty là phải theo nguyên tắc lãnh đạo quyết định, thì các cấp quản lý cũng nên tuân thủ theo. Nếu bạn cho rằng quyết định của lãnh đạo có những chỗ chưa hợp lý thì có thể đưa ra kiến nghị. Nếu lãnh đạo cho rằng ý kiến của bạn là đúng đắn thì họ sẽ thay đổi quyết định của mình. Nếu kiến nghị của bạn không được tiếp nhận, bạn chỉ còn cách thay đổi bản thân để thích ứng với họ, nếu không, bạn nên chủ động từ chức để tránh rơi vào hoàn cảnh không hay xảy ra sau này, làm lỡ tiền đồ của bạn.
BA NGUYÊN TẮC TRONG QUAN HỆ VỚI CẤP TRÊN
1. Bạn phải biến cấp trên từ “quỷ” thành “Phật”
Bạn muốn coi cấp trên là “quỷ” để đối đầu với họ hay coi họ là bạn bè? Nếu bạn xem họ như kẻ địch, họ sẽ là kẻ thù đáng sợ nhất. Ngược lại, nếu bạn xem họ như bạn bè, bạn sẽ có cảm giác an toàn, có thể nương tựa.
Cho dù như vậy thì cấp trên vẫn là cấp trên, lãnh đạo vẫn là lãnh đạo. Cho dù họ tốt hay xấu thì bạn đều không có cách nào để thoát khỏi họ. Nói tóm lại, bạn và họ có thể coi là có duyên với nhau. Nếu không thể thoát khỏi họ, chi bằng hãy mời họ đứng về phía bạn, như thế có lẽ bạn sẽ thoải mái hơn, đồng thời tâm trạng cũng sẽ ổn định hơn.
Do đó, bạn đừng ví họ với “quỷ” mà chán ghét họ, mà nên nghĩ cách biến “quỷ” thành “Phật”. Nếu làm được điều đó, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất vui vẻ.
Vậy làm cách nào để biến “quỷ” thành “Phật”?
Trước tiên, bạn nên thể hiện thái độ làm việc chăm chỉ để cấp trên nhận thấy.
Tuy nhiên, giới doanh nghiệp là những người rất coi trọng hiệu suất, nếu bạn làm việc chậm chạp, không thể nâng cao hiệu suất công việc thì cho dù bạn là người tốt đến mấy hoặc thái độ làm việc có nghiêm túc ra sao, cấp trên cũng sẽ không coi trọng bạn.
Bạn cần biết rằng, một khi bị cấp trên coi là chậm chạp, lười nhác, ba phải, chỉ biết nịnh hót, thích kêu ca phàn nàn, thì người như vậy không bao giờ có thể đổi đời được. Mẫu người này không những bị cấp trên coi thường, mà còn bị coi như con bài, cuối cùng thì bị hất ra đường. Từ đó có thể thấy sự ghê gớm của “quỷ”.
Nếu bạn có thể hoàn thành tốt những việc cấp trên ủy thác, sau đó hỏi lại: “Tiếp theo tôi có thể làm thêm việc gì nữa?” Như thế, cấp trên nhất định sẽ có thiện cảm với bạn.
Nếu việc cấp trên giao phó bạn chưa hoàn thành, bạn lại được phân công thêm một công việc khác: “Nếu việc đó làm xong rồi thì làm thêm việc này nữa nhé!”, ở vào hoàn cảnh đó, bạn có thể nghĩ rằng: “Hừm, việc này tôi còn chưa làm xong, sao còn giao việc khác?”
Như vậy, cấp trên khó lòng thích bạn được vì sự bất bình sẽ được biểu lộ ra khuôn mặt, nên cấp trên sẽ nghĩ: “Cậu này tại sao lại trông có vẻ không vui như vậy?” Tuy nghĩ như vậy, nhưng do công việc quá bận rộn, họ không có thời gian tìm hiểu nguyên nhân của sự việc, mà chỉ kịp vội vàng nói: “Này, sau khi làm xong việc kia, nhờ cậu làm việc này nhé.”
Và thế là bạn càng cảm thấy căng thẳng, lo lắng hơn, thậm chí chẳng buồn trả lời nữa.
Lúc đó, cấp trên sẽ cảm thấy có điều gì khác thường nên hỏi: “Làm sao thế, cậu không vui sao?”
“Không ạ!”
“Không phải thì mau làm đi! Việc lần trước sắp xong chưa?”
“Sắp xong rồi ạ...”
“Mau làm đi! Còn nhiều việc đợi cậu làm đấy!”
Lúc đó có thể bạn sẽ nghĩ thầm trong bụng: “Anh nói cái gì thế? Tại sao cứ suốt ngày bắt tôi làm hết cái này đến cái kia, mà toàn là việc rắc rối, lại còn muốn tôi làm nhanh...” Lúc này, cơn tức giận trong bạn dường như sôi sục hơn, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng.
Vốn dĩ công việc có mặt khó khăn nhưng cũng có những mặt thoải mái, nếu bạn không sợ khó thì bất kì việc gì bạn cũng cảm thấy rất thú vị. Bạn nên giữ tâm lý vui vẻ, thể hiện thái độ tích cực: “Được thôi! Tiếp tục làm việc!”
2. Nghiêm khắc tuân thủ quan hệ trên dưới
Bất kì việc gì cũng đều phải công tư phân minh. Một khi đã quen thuộc với môi trường, bạn sẽ dễ có tâm lý công tư bất phân theo kiểu “làm như thế này cũng không sao đâu”, song như thế rất dễ khiến người khác nghĩ rằng “con người này không đáng tin cậy”. Một khi đã gây ấn tượng không tốt như vậy, thì đó sẽ là một tổn thất lớn cho uy tín cá nhân bạn.
Muốn công tư phân minh thì trước tiên phải làm rõ quan hệ trên dưới. Về điểm này nội bộ công ty phải có sự phân biệt rõ ràng, nếu không mệnh lệnh của cấp trên không thể quán triệt xuống cấp dưới, cứ như vậy công ty trên dưới có thể đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ được không?
Khi giáp mặt với cấp trên ở hành lang, bạn nên dừng lại một lát để chào hỏi. Khi lên cầu thang, gặp cấp trên đi xuống, bạn nên dừng ở hai hoặc ba bậc thang phía dưới, đợi sau khi chào hỏi cấp trên rồi mới tiếp tục bước tiếp.
Trong quan hệ cấp trên và cấp dưới, điều khiến người ta chú ý nhất là cách sử dụng ngôn từ. Những người trẻ hiện nay thường ăn nói với cấp trên như với bạn bè của mình.
“Này, tổ trưởng, trưởng phòng gọi anh!”
Cách nói này cần phải xem xét lại. Tốt nhất bạn nên nói:
“Tổ trưởng! Trưởng phòng mời anh qua đó một lúc.” Không thể sử dụng những lời lẽ không nghiêm túc như “này” đối với cấp trên.
Ngoài ra, khi trả lời câu hỏi của cấp trên, nhất định phải đơn giản, rõ ràng, nói cách khác, không thể dùng những từ như: “ồ” hoặc “ừ”, cho dù bị mắng cũng không thể vì tức giận mà cãi lại.
Điều kiện cơ bản của những nhân viên được coi là hiểu lễ tiết đó là ngôn từ sử dụng phải phù hợp, đặc biệt là cách kết thúc vấn đề rất quan trọng.
Những phụ nữ trẻ thường có thói quen sử dụng một số từ để thể hiện sự dịu dàng, ví dụ như “cơ”, “nhỉ”, nhưng những từ ngữ này không phù hợp dùng trong văn phòng. Những phụ nữ thông minh, giàu kinh nghiệm không bao giờ nói như vậy. Tốt nhất là nên sớm từ bỏ thói quen này.
3. Không nên so bì, tính toán thiệt hơn với cấp trên
Có thể bạn sẽ nói: “Công lao đó là của tôi, vì sao phải nhường cho cấp trên?” Mọi người đều không bằng lòng nhường công lao của mình cho người khác, nhưng điều này thực sự quan trọng. Nếu bạn thực sự có năng lực để hoàn thành công việc thì cơ hội lập công của bạn còn rất nhiều. Nếu bạn có thể nhường công lao đó cho cấp trên, thì chỉ có lợi mà không có hại, chỉ cần lần sau bạn lập công nữa là được.
Trong xã hội mà đa số mọi người không bằng lòng nhường công lao của mình cho người khác, nếu có ai đó vui vẻ nhường công lao cho cấp trên thì họ sẽ rất kinh ngạc và tự hỏi rằng: “Thật vậy sao?” Đợi sau khi cấp trên tìm hiểu rõ chân tướng của sự việc, nhất định sẽ rất cảm kích và từ đó có cảm tình với bạn.
Chúng ta nên có tấm lòng chân thành nhiệt huyết đối với cấp trên và công ty. Nếu bạn chỉ chú ý đến những lợi ích trước mắt thì tương lai nhất định sẽ bị thua thiệt.
Khi cấp trên nhận ra sự nhường nhịn của bạn, trong lòng họ sẽ thầm nghĩ: “Mình nợ người này một món nợ tình cảm”, cho nên, họ nhất định sẽ luôn canh cánh trong lòng và thường nghĩ: “Người này rất biết nghĩ cho mình, cho nên mới đem công lao nhường cho mình như vậy, quả là một con người tuyệt vời!” Từ đó họ sẽ có cảm tình với bạn.
Lập được công thì bạn đã có sự tự tin đối với năng lực của mình, lúc này bạn lại đem công lao nhường cho cấp trên thì sẽ khiến cho nhân cách của bạn càng trở nên cao thượng. Đây là sự gặt hái rất lớn bởi vì ngay bản thân bạn cũng cảm thấy mình rất cao thượng.
Sớm muộn sẽ có một ngày, cấp trên nghĩ cách trả bạn món nợ tình cảm này, đồng thời sẽ cho bạn cơ hội lập công lần nữa, điều này đối với bạn không có gì thiệt thòi cả.
Tuy nhiên, có một việc bạn phải chú ý, đó là bạn không được để lộ việc bạn nhường công lao cho cấp trên ra ngoài. Nếu bạn không đủ tự tin mình có khả năng tuân thủ nguyên tắc này thì tốt nhất bạn không nên nhường nữa. Việc bạn nhường công, phải do cấp trên tuyên bố chứ không phải bạn. Tuy làm như vậy không thể khuếch trương công lao mà bạn lập được, nhưng chắc chắn bạn sẽ nhận được một vài phần thưởng - cho dù giá trị của nó là rất nhỏ.
Nhường công lao cho cấp trên là để có cơ hội được cấp trên giúp đỡ về công việc trong tương lai. Đương nhiên, chúng ta không thể chỉ tính toán trên phương diện hiệu quả và lợi ích. Trong một tổ chức, để hoàn thành một công việc không thể chỉ dựa vào sức mạnh của cá nhân mà phải là sự hợp sức của nhiều người, đặc biệt là sự trợ giúp của cấp trên với những chỉ thị thích hợp. Chính vì quan trọng như vậy nên bạn hãy nhường công lao cho cấp trên dù bạn không muốn vì điều này sẽ khiến cấp trên trở thành đồng minh của bạn, và sẽ có cơ hội lập được công lao lớn hơn trong tương lai.
Hãy nhường những thứ tốt đẹp cho cấp trên trước, chắc chắn khi có cơ hội, cấp trên nhất định sẽ báo đáp bạn.
Cũng có thể bạn không nhận được sự báo đáp của cấp trên, nhưng về lâu dài, những cảm tình trong lòng cấp trên đối với bạn vẫn rất có lợi cho bạn. Cần nhắc lại rằng, đừng khoe khoang công lao mà bạn đã nhường, nếu không ý tốt của bạn sẽ biến thành con số không tròn trĩnh.
TÍCH CỰC CHIA SẺ NỖI LO VỚI CẤP TRÊN
Làm thế nào để xử lý tốt quan hệ với cấp trên? Nhìn chung có một số điểm quan trọng bạn cần chú ý dưới đây:
1. Hiểu cấp trên
Binh pháp Tôn Tử nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bạn nên tìm hiểu rõ hoàn cảnh của lãnh đạo, thói quen làm việc, hoài bão sự nghiệp và sở thích cá nhân của họ.
2. Không được kết luận võ đoán
Nếu cấp trên chưa học qua đại học, bạn có khả năng hoài nghi cấp trên đố kị với học vị của bạn. Nhưng trên thực tế, rất có khả năng họ lại nghĩ rằng có thạc sỹ quản trị kinh doanh làm cấp dưới của mình là điều vô cùng hãnh diện.
3. Thái độ tích cực
Những người lãnh đạo thành công đều có tinh thần lạc quan, cầu tiến, dám nghĩ dám làm, và họ cũng hi vọng cấp dưới có cùng quan điểm như vậy. Tác phong tích cực không chỉ là một sách lược mà còn là thái độ. Một cấp dưới giàu kinh nghiệm rất ít khi dùng những từ như “vấn đề khó khăn”, “khủng hoảng” hoặc “thất bại”... mà dùng “trải nghiệm”, “ thử thách” để hình dung những tình huống khó khăn sau đó bắt tay tìm ra biện pháp giải quyết.
Khi nói chuyện với cấp trên về một đồng nghiệp khác, bạn chỉ nên nói những điểm mạnh, không nên nhắc đến những điểm yếu của họ. Làm như thế không chỉ giúp ích cho bạn trong việc hợp tác với người khác mà lại được tiếng là bạn có quan hệ tốt với mọi người.
4. Nói chuyện rõ ràng, dễ hiểu
Thời gian là vốn quý giá nhất của cấp trên, cho nên việc bạn nói gãy gọn, đủ ý là cực kì quan trọng. “Ngắn gọn” không phải là vội vàng lấy một hơi nói hết tất cả sự việc, mà là chọn lựa điểm mấu chốt, nói một cách dứt khoát, rõ ràng, dễ hiểu.
Thư trình lãnh đạo chỉ nên viết gói gọn trong một trang giấy. Nếu phải trình bày thành báo cáo đầy đủ, nên đính kèm theo một trang tóm tắt. Văn phong không những thể hiện năng lực viết lách, mà còn phản ánh năng lực tư duy, cho nên trước khi hạ bút, nhất thiết phải suy nghĩ toàn bộ vấn đề một cách triệt để.
Những người biết lắng nghe không những hiểu được cấp trên nói gì mà còn có thể hiểu được ý tứ sâu xa. Như thế mới có thể nắm được trọng điểm, trả lời đúng trọng tâm.
Bạn cần chú ý tránh căng thẳng, tập trung cao độ lắng nghe cấp trên nói. Hãy hướng ánh mắt về người nói và nhớ phải ghi chép. Sau khi cấp trên nói xong, bạn cần im lặng một lát và tập trung cao độ để hiểu ý tứ của họ. Tiếp đó, hãy hỏi một hai câu để làm rõ một vài điểm quan trọng, hoặc tóm tắt lại lời của cấp trên một lần từ đầu đến cuối. Cần nhớ rằng, cấp trên thích những người nói một lần là hiểu, không cần dặn dò nhiều lần.
5. Giữ lời hứa
Chỉ cần cấp dưới như bạn có nhiều ưu điểm hơn khuyết điểm thường sẽ được cấp trên khoan nhượng. Tuy nhiên, cho dù có ưu ái bạn đến đâu thì cấp trên cũng không thể bỏ qua cho những nhân viên không giữ chữ tín. Nếu như bạn thể hiện rằng mình có khả năng hoàn thành nhiệm vụ nào đó nhưng kết quả lại không làm được, cấp trên của bạn sẽ hoài nghi độ tin cậy của bạn.
Khi thấy năng lực của bản thân chưa đủ, bạn nên nhanh chóng báo cáo với cấp trên. Tuy cấp trên sẽ cảm thấy không vui nhưng hậu quả sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với việc sau này mới phát giác ra.
6. Tự mình giải quyết khó khăn
Nếu bạn không tự giải quyết được những khó khăn của mình sẽ làm lãng phí thời gian của cấp trên và làm tổn hại đến hình ảnh của chính mình trong công ty. Do đó, nếu bạn có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn của bản thân, thì sẽ có ích cho việc bồi dưỡng tài năng của bạn, cũng như thiết lập các mối quan hệ xã hội cần thiết, ngoài ra còn có thể nâng cao giá trị của bản thân trong mắt cấp trên.
7. Linh hoạt khéo léo
Nếu muốn đề xuất một chủ trương, bạn nên cố gắng hết sức để thu thập những chứng cứ xác thực có thể ủng hộ cho đề xuất của bạn, sau đó, dùng phương thức thích hợp để biến chủ trương của bạn trở thành đúng đắn. Bạn hãy cố gắng hết sức nghĩ cách khiến cấp trên nói ra ý kiến này. Hoặc cung cấp một vài phương án để cấp trên chọn lựa cũng là cách hay. Bạn không được phép bác bỏ ngay ý kiến mà cấp trên đưa ra khi chưa suy xét kĩ càng. Có lẽ cấp trên cảm thấy kiến nghị này có một vài ưu điểm nào đó, nếu không đã chẳng trưng cầu ý kiến của bạn. Nếu sau cùng vẫn không thể tán thành thì bạn nên dùng phương thức đặt câu hỏi để biểu thị sự phản đối, ví dụ: “Chúng ta thay đổi như vậy không sợ gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc sao?”. Cách tối ưu nhất là bạn hãy nói rõ lý do phản đối là căn cứ vào những tư liệu có liên quan mà cấp trên không biết.
Bạn không nên lo sợ khi báo cáo lên cấp trên những tin tức xấu, nhưng bạn cần chú ý kĩ xảo khi làm việc này. Một cấp dưới sẵn lòng chỉ ra sai lầm của cấp trên một cách khéo léo còn hơn một kẻ chỉ biết nịnh bợ, tâng bốc, khiến cấp trên mắc sai lầm.
8. Đến sớm nhưng không nên về muộn
Siêng năng trong công việc đủ để thể hiện sự nhiệt tình và lòng trung thành của bạn đối với công ty. Nếu bạn muốn làm thêm nhiều việc thì nên đến sớm chứ không nên làm sau khi tan ca. Bởi vì buổi sáng sinh lực dồi dào, bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Hơn nữa, đến sớm thường thể hiện tinh thần “vội vã bắt tay vào công việc”, về muộn chứng tỏ “công việc vẫn chưa làm xong”.
Bạn không nên vì muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cấp trên mà lo nghĩ quá mức, đến nỗi làm ảnh hưởng tới sức sáng tạo và năng lực làm việc. Thực ra gắng sức làm tốt công việc của bạn chính là biện pháp tốt nhất để tạo ấn tượng tốt với cấp trên.
Tuy nhiên, quan hệ tốt đẹp sẽ làm tăng năng suất làm việc cho cả hai bên và giúp cho đôi bên cùng có lợi.
KHIẾN CHO CẤP TRÊN LUÔN CẢM THẤY HÀI LÒNG
Cho dù người ngây thơ nhất cũng hiểu rõ rằng, không nên đẩy những việc rắc rối cho cấp trên khi họ đang có tâm trạng không ổn. Cấp dưới có kinh nghiệm sẽ nhận thức được: Khi cấp trên vui vẻ sẽ dễ dàng tiếp cận hơn. Cho nên một cấp dưới thông minh mong muốn cấp trên không chỉ hài lòng với cấp dưới mà còn tự hài lòng với chính bản thân họ.
Có thể thấy rằng cho dù là cấp trên tồi tệ nhất nhưng một khi đã hài lòng với cấp dưới và tự hài lòng với chính bản thân mình thì sẽ trở nên thân thiện, dễ gần hơn.
Tuy nhiên, khi bạn cố gắng khiến cấp trên cảm thấy vui vẻ, bạn buộc phải từ bỏ thói nịnh nọt sống sượng. Bạn không nên tìm cách vỗ về hoặc khiến cấp trên vui vẻ đơn thuần chỉ bằng những lời tán dương hoặc nịnh hót giả dối. Như vậy, chẳng những không thành thật, mà còn tự ép buộc mình làm những việc mình không thích.
Nhiều nhà tâm lý học hiện đại đã chỉ ra, xu nịnh và khen ngợi chỉ có thể khiến người nghe nảy sinh chuỗi phản ứng tâm lý mâu thuẫn. Có người từng nói: “Tán dương một người nào đó giống như ánh mặt trời trực tiếp chiếu rọi lên họ, khiến người ta cảm thấy khó chịu, hoa mắt chóng mặt.” Bởi vì kiểu tán dương này có thể khiến người nghe cảm thấy không tự nhiên, tiến thoái lưỡng nan, nên họ thường từ chối hoặc xem thường nó hoặc họ lo lắng bản thân mình sẽ phụ lòng tán thưởng của người khác. Nếu bạn tâng bốc một việc cấp trên đã làm, thì lần tiếp theo, nếu họ không làm tốt, họ sẽ trở nên buồn phiền, trước tiên là buồn bực với bản thân, sau đó có thể tức giận với bạn.
Kẻ xu nịnh cũng có thể rơi vào hoàn cảnh khó xử, khiến họ đánh mất lòng tự trọng, sau cùng có thể đánh mất sự tôn trọng của cấp trên đối với họ. Một cấp trên bạc nhược có lẽ thích những cấp dưới biết xu nịnh, nhưng nếu họ luôn tôn trọng cấp dưới, thì chắc hẳn họ sẽ không hi vọng có người nịnh nọt mình. Cấp dưới đưa họ lên tới tận mây xanh thì làm sao cấp trên có thể tôn trọng họ đây.
Thế kỷ XIX, một quan chức của nước Anh có tên là Henry Taylor trong cuốn sách Chính trị gia đã chỉ ra rằng: “Tập trung tinh thần lắng nghe chính là một hình thức khen ngợi an toàn và hiệu nghiệm nhất.” Người có thể chú ý lắng nghe chính là người có tài chiếm được cảm tình tốt đẹp của mọi người. Các ca sỹ thường đắm chìm trong bầu không khí như thế. Trên thực tế, chưa có ca sỹ nào mê hoặc được đôi tai của công chúng; ngược lại, chính là đôi tai của công chúng thường mê hoặc tâm hồn của ca sỹ.
Đối với cấp trên, việc bạn chuyên tâm và tích cực lắng nghe lời nói của họ là điều rất quan trọng. Bản thân sự lắng nghe đã có giá trị, nhưng khi đã trở thành sự phản ánh của lý trí thì việc này càng trở nên có hiệu quả hơn. Ở đây, Henry Taylor có một vài điều có giá trị muốn nói với chúng ta: “Khi một người diễn thuyết xong và ngồi xuống, bạn liền vỗ tay, anh ta có thể coi điều đó là một nghi thức bình thường. Nhưng một lúc sau, bạn nói với anh ta rằng, bạn thực sự bị thu hút bởi nội dung bài diễn thuyết. Lúc này, bạn cho rằng anh ta sẽ nhanh chóng quên đi lời nói của bạn nhưng thực ra không hẳn như vậy, anh ta sẽ ghi nhớ sự tán dương của bạn trong một thời gian dài, thậm chí khi ấn tượng trong lòng bạn đã nhạt phai với bài diễn thuyết thì anh ta vẫn không thể nào quên được.”
Đương nhiên, bạn không cần đợi đến lúc cấp trên đọc báo cáo mới sử dụng bí quyết này. Chỉ cần hồi tưởng lại một sự việc nào đó mà họ đã kể với bạn trước đây và nhắc lại nó trong một thời điểm thích hợp, điều này sẽ giúp làm tăng thêm tình cảm giữa đôi bên. Thậm chí, bạn không nhất thiết phải nói rằng, bạn thực sự đồng ý với việc này. Điều quan trọng là bạn phải làm cho cấp trên biết được bạn đang suy nghĩ về lời nói của họ một cách nghiêm túc. Là một quản lý cấp dưới tốt thì dù thế nào đi nữa bạn cũng nên làm như vậy.
Ngoài khen ngợi và tán dương, có một cách làm khác khiến cấp trên cảm thấy vui vẻ là truyền đạt đến họ những phản ứng tốt đẹp của người khác. Nếu trong một buổi tiệc, bài phát biểu của cấp trên khiến bạn và những người tham dự đều cho là xuất sắc, thì đừng nên do dự nói lại cảm nhận của mình cho cấp trên biết. Nếu không trực tiếp tham dự, bạn cũng có thể liên hệ với một vài người đã tham dự và hỏi xem họ có những điều tích cực nào muốn nói. Trong tất cả những tình huống này, không phải bạn đang phát biểu ý kiến cá nhân mà là truyền đạt lại một sự thực. Nếu cấp trên đưa ra một quyết sách, chiếm được lòng tin của nhiều người, được đánh giá là một quyết sách tốt thì bạn cũng có thể truyền đạt lại thông tin này. Ghi nhớ, truyền đạt phản ánh tích cực về những việc tốt mà cấp trên làm, chính là cổ vũ họ làm nhiều việc tốt hơn.
Để khiến cấp trên có tâm trạng tốt, bạn còn có thể dùng một hình thức “nịnh” khác. Cách này đem lại thể diện lớn, hơn nữa thường rất hiệu quả.
Đó là nếu bạn biết cách khiến cho phương pháp làm việc của bạn gần như tương đồng với phương pháp làm việc của cấp trên, thì trên một phương diện ý nghĩa nhất định nào đó, bạn đã mở ra một sự khởi đầu tốt đẹp để cấp trên yêu thích bạn và công việc của bạn.
TUYỆT ĐỐI KHÔNG XUNG ĐỘT VỚI CẤP TRÊN
Một khi bạn bị cấp trên ghét bỏ là bạn đã tự đẩy mình vào tình thế tồi tệ. Cho nên, là cấp dưới nhất định phải chú ý, không để bản thân trở thành đối tượng thù hận của cấp trên. Nếu để xảy ra xung đột với cấp trên cũng đồng nghĩa với việc khiến họ thù hận và tức giận với bạn.
Thông thường cấp trên đều thích cấp dưới biết tuân thủ mệnh lệnh, đây không những là yêu cầu tất yếu trong việc tổ chức các mối quan hệ của cấp trên, mà cũng là tiền đề đảm bảo cho cấp trên thực thi chức trách và đạt được các mục tiêu dự kiến. Cấp trên thường cho rằng họ có quyền yêu cầu cấp dưới làm một việc nào đó.
Rất nhiều cấp trên còn cho rằng, mình xuất sắc hơn cấp dưới, nên mới có thể làm lãnh đạo. Trong tiềm thức của họ luôn thường trực cảm giác mình vượt trội hơn người khác và tràn đầy niềm tin vào bản thân. Vậy nên, mệnh lệnh cấp trên đưa ra, cấp dưới phải phục tùng, không được tự ý đưa ra chủ trương, tự hành động, phá hỏng kế hoạch chung.
Cấp trên có lòng tự tôn rất cao. Chính những quyền lực trong tay họ, mệnh lệnh họ đưa ra khiến cho sự việc phát triển theo hướng dự tính đã mang lại cho họ cảm giác này. Nhưng tự trọng cũng là điểm mong manh nhất của con người. Bởi vì nó liên quan đến bản chất con người, xúc phạm đến lòng tự trọng cũng giống như sự sỉ nhục và miệt thị đối với người đó. Với cấp trên tự cho mình quyền được hưởng sự tôn trọng của người khác thì việc xúc phạm đến sự tôn nghiêm của họ là điều không thể tha thứ được.
Nhiều khi sự xung đột với cấp dưới khiến cấp trên rơi vào tình thế khó xử, bối rối. Nếu như mệnh lệnh cấp trên đưa ra có chỗ chưa thỏa đáng mà bạn lại dùng hình thức đối kháng trực tiếp, thì chắc chắn cấp trên sẽ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, hậu quả là họ sẽ đối đãi bạn bằng thái độ thù địch. Đặc biệt trong một số trường hợp, cấp trên công khai tỏ rõ họ rất coi trọng quyền uy của mình, cũng có thể họ tỏ ý sẽ xem xét lại đề nghị của bạn nhưng tuyệt đối không cho phép bạn thách thức quyền uy của mình.
Khi xung đột với cấp trên, cấp dưới thường dùng những ngôn từ khá kích động, gây tổn thương tình cảm. Những lời này như dao sắc đâm vào cấp trên, khiến họ vô cùng phẫn nộ và coi bạn như kẻ thù. Có thể những lời bạn nói xuất phát từ lòng trung thành nhưng cách dùng từ không được thỏa đáng, từ đó có thể khiến cấp trên cho rằng bạn đang bất mãn. Họ sẽ nghĩ: “Thằng cha này giấu kĩ thật, dám lừa dối mình! Hóa ra hắn luôn có thành kiến với mình, luôn một dạ hai lòng, hôm nay rút cuộc đã lộ ra rồi.” Lòng hận thù muốn tính sổ sẽ bùng lên như ngọn lửa, làm họ mất đi khả năng bình tĩnh để phân tích vấn đề.
Chống đối có thể khiến cấp trên mất đi lý trí, cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, quyền uy bị thách thức, nhất thời họ cũng không thể suy nghĩ điều gì đúng, điều gì sai mà chỉ muốn trả thù. Trong tình huống này, thường cấp trên sẽ bị kích động, thậm chí đầu óc họ trở nên mơ hồ, căm phẫn. Một khi cấp trên đã mất đi sự phân tích bằng lí trí, bạn sẽ trở thành kẻ thù số một của họ, họ sẽ tìm mọi cách để đánh bại bạn, hành vi quá khích cũng thường từ đây mà ra. Cho dù lúc đó họ đã cố gắng kiềm chế, nhưng sau khi sự việc xảy ra, họ sẽ tìm cơ hội trả thù bạn.
Do đó, khi nói chuyện với cấp trên, bạn phải tránh kích động, luôn nhắc nhở bản thân chú ý đến thái độ, cách thức, phương pháp cũng như thời điểm, không được xung đột với cấp trên, khiến nổi giận rồi rước họa vào thân.
Trước tiên, cấp dưới nên giữ thái độ tôn trọng cấp trên, tuyệt đối không được để lộ thái độ làm ngơ trước ý kiến của họ. Cần phân biệt rõ ràng giữa bàn bạc công việc với năng lực và lòng tự trọng của cá nhân; không được biến cách nhìn với công việc thành cách nhìn với con người; hoặc không được để đối phương hiểu lầm rằng bạn có thành kiến với họ. Khi cấp trên cảm thấy bạn vẫn thừa nhận quyền uy của họ, ý kiến của bạn trên thực tế là nhằm vào công việc chứ không phải mượn danh nghĩa công việc để công kích người khác thì họ sẽ bình tĩnh trở lại và suy xét ý kiến của bạn. Chỉ cần bạn thoát ra khỏi hơn thiệt cá nhân, luôn lo lắng cho cấp trên thì họ sẽ thông cảm cho bạn, hơn nữa còn có thể cảm động vì lòng chân thành của bạn.
Khi cấp dưới thảo luận một vấn đề nào đó, thì cần trình bày quan điểm của mình sao cho phù hợp, để đối phương dễ chấp nhận nhất. Thông thường, cấp dưới phải giữ ngữ khí ôn hòa, ngôn từ tránh cực đoan, quan trọng nhất là phải phân tích, có căn cứ, trình bày mạch lạc, rõ ràng để thuyết phục người khác. Bạn nhất định phải ghi nhớ, cấp trên là người có quyền quyết định cuối cùng, rốt cuộc dù thế nào bạn cũng phải nghe theo họ. Do đó, khi trình bày ý kiến với cấp trên, bạn không nên dùng những phương thức khẳng định, mà phải diễn đạt bằng khẩu khí khéo léo, nhẹ nhàng. Ví dụ, bạn có thể áp dụng cách nói sau: “Anh thấy như thế này có phải tốt hơn một chút không?” hay “Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phản ánh với anh một số tình hình”.
Ngoài ra, cấp dưới nên chọn lựa đúng thời điểm và hoàn cảnh. Nói công khai ở những nơi đông người không hay bằng nói chuyện riêng, nói khi sự việc đã được quyết định rồi không tốt bằng nói khi sự việc còn đang ấp ủ, nói khi tâm trạng của cấp trên sa sút không bằng nói khi cấp trên đang cảm thấy vui vẻ. Tóm lại, cấp dưới nên căn cứ vào tính khí, tác phong, tâm trạng của cấp trên mà tùy cơ ứng biến, chọn thời cơ cấp trên dễ dàng chấp nhận nhất để nói chuyện.
Không được xung đột với cấp trên là một quy luật thông thường, nhưng điều đó không có nghĩa là trong những trường hợp đặc biệt không thể sử dụng để thuyết phục cấp trên. Bất kể việc gì cũng nên nhìn nhận từ hai phía, không nên quá câu nệ, máy móc.
HỌC CÁCH ĐI CÔNG TÁC CÙNG LÃNH ĐẠO
Bạn đi công tác với cấp trên là để phát huy vai trò trợ lý giống như ở văn phòng làm việc, điểm khác biệt duy nhất là nơi làm việc không giống như thường ngày. Bạn có thể cùng dùng cơm, cùng ngồi taxi, cùng vào nhà hàng để tiếp khách với cấp trên. Do đó, bạn phải tìm hiểu thấu đáo những phép tắc trong ngoại giao thương mại thì mới có thể ứng phó trong những trường hợp cụ thể.
● Bạn muốn về lúc 5 giờ chiều còn cấp trên lại muốn bạn đi ăn tối cùng ông ấy?
● Nếu thành phố bạn đến công tác có thắng cảnh nổi tiếng mà bạn biết rõ mình có đủ thời gian để thưởng ngoạn, bạn sẽ đi một mình hay mời sếp cùng đi?
● Bạn có nên đề nghị tự chi một nửa số tiền cho bữa trưa hay cả các chi phí khác?
● Nếu cấp trên phải cầu nguyện trước bữa ăn, bạn có cần cung kính cầu nguyện cùng ông ấy không?
● Nếu cấp trên không giới thiệu bạn với khách, bạn có nên tự giới thiệu mình hay không?
Khi gặp phải những tình huống trên đây, bạn nên xử lý thế nào?
Tất cả quyết định của bạn đều phải dựa trên quan hệ giữa bạn và cấp trên. Nếu cả hai cùng giới thì mọi chuyện tương đối đơn giản, không khó để quyết định sẽ dùng cơm hay thưởng thức biểu diễn nghệ thuật cùng nhau. Nếu là hai người khác giới mà đi cùng nhau ra ngoài vào buổi tối thì rất dễ bị người khác hiểu lầm (bao gồm cả cấp trên của bạn trong đó). Nhưng nhìn từ một góc độ khác, nếu thường ngày bạn quen đi ngoại giao cùng cấp trên thì nếu phải đi công tác cùng cấp trên, bạn cũng không cần phải cố gắng để tránh né.
Bạn hãy dựa vào thứ tự ưu tiên của công việc mà quyết định. Nếu bạn đã mệt mỏi sau một ngày làm việc, chỉ muốn gọi phục vụ phòng mang đồ ăn đến và nhân cơ hội đó gọi điện trò chuyện với vợ con thì đừng nên miễn cưỡng. Tuy nhiên, xem xét dưới một góc độ khác, thành công trong sự nghiệp cũng là một việc cần phải ưu tiên. Nếu cấp trên thực sự muốn ăn cơm cùng bạn thì bạn cũng không nên từ chối.
Nếu tín ngưỡng khác nhau, bạn không cần thiết phải cầu nguyện cùng với người khác. Nhưng phép tắc trong thương mại yêu cầu bạn phải giữ im lặng, kiên trì đợi cấp trên hoàn tất việc cầu nguyện. Một khi bạn biết rõ cấp trên có thói quen cầu nguyện trước khi ăn, bạn nên im lặng đợi họ, tuyệt đối không được dùng bữa trước. Điều này thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho họ.
Nói đến chi tiêu cá nhân, đừng để việc nào cấp trên cũng phải móc hầu bao. Nếu công ty không thanh toán một số chi phí nào đó hoặc bạn không biết rõ tiền ăn là tự lo hay không, thì bạn nên trả khoản tiền đó. Một người quản lý trẻ tuổi cần hiểu rõ quan điểm, tiền bạc đồng nghĩa với quyền lực, thi thoảng mời cấp trên ăn bữa cơm cũng chỉ để nhắc nhở bản thân rằng, không chỉ mình mới là người có quyền lực. Cho dù bạn biết rõ tiền ăn có thể đề xuất công ty thanh toán, nhưng khi cấp trên rút tiền ra để trả, bạn nên nói một tiếng “cảm ơn”. Nếu bạn mua đồ điểm tâm hay những thứ lặt vặt khác cho mình, thì hãy nhớ mua cho sếp một phần như thế, bạn sẽ thể hiện được sự hào phóng của mình.
Nếu cấp trên không giới thiệu bạn với khách, việc bạn tự mình giới thiệu là phù hợp với lễ nghi. Cần giả bộ rằng cấp trên nhất thời lơ đãng, quên làm việc đó và bạn có thể vui vẻ, hòa nhã tự giới thiệu bản thân.
LÀM TỐT VAI TRÒ TRỢ LÝ BÊN CẠNH LÃNH ĐẠO
Người lãnh đạo muốn làm tốt công việc đều không tách rời được chữ “mưu”, những kẻ hữu dũng vô mưu tất sẽ gặp khó khăn. Do đó, bên cạnh mỗi người lãnh đạo đều cần có một “nhóm cố vấn”, tập hợp một loạt những nhân tài có mưu lược. Lý do rất đơn giản, bất cứ người lãnh đạo nào cũng không thể có khả năng tài ba xuất chúng hơn người trên mọi phương diện. Cho dù có kiến thức, sự sáng suốt, có tầm nhìn xa, có năng lực, nhưng một mình ông ta không thể dự liệu hết mọi việc. Trong khi đó các “mưu sĩ” lại có thể chỉ rõ những sai lầm, giúp lãnh đạo phân tích tình thế trước mắt và xu hướng phát triển trong tương lai. Do đó, người lãnh đạo rất coi trọng những cấp dưới có mưu lược.
Người lãnh đạo coi trọng mưu sĩ là một mặt của vấn đề, nhưng mưu sĩ có nhận được sự trọng thị của lãnh đạo hay không phần lớn phụ thuộc vào phương thức hành vi của chính họ. Nếu cấp dưới là nhân tài kiểu mưu sĩ, nhiều mưu lược, giỏi hoạch định chính sách, suy nghĩ chu toàn, hoạch định chính sách, giúp cấp trên vượt qua vô số khủng hoảng, thành công trong nhiều việc, thì không nghi ngờ gì, đây chính là vốn liếng để cấp dưới thăng tiến sau này.
Vì vậy có thể nhận thấy rằng, khi cấp dưới làm việc xuất sắc khiến cấp trên tin tưởng, thậm chí cảm thấy không thể thiếu thì vô hình trung cấp dưới đã tạo được sức ảnh hưởng đối với cấp trên và hình thành nên một uy thế tiềm tàng nhất định. Nếu bạn chịu khó mở rộng nghiệp vụ, bày mưu tính kế cho lãnh đạo và không có dã tâm “đoạt quyền”, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm của cấp trên. Khi lãnh đạo thấy bạn là người có thể tin cậy được thì họ sẽ giao cho bạn nhiều chức trách và quyền hạn to lớn hơn.
GÓP Ý CŨNG PHẢI KHÉO LÉO
Những cấp trên bảo thủ, cố chấp sẽ cho rằng ý kiến của mình luôn đúng và gạt bỏ hết những ý kiến mà người khác đề xuất. Quan điểm họ đưa ra luôn có tiềm lực vĩ đại, còn ý kiến của người khác thì không đáng một xu. Trên thực tế, họ không hề muốn những người khác trong cùng bộ phận tích cực suy xét vấn đề, nếu bạn cả gan đề xuất kiến nghị mới thì sẽ bị họ chụp mũ là “kẻ sinh sự”.
Nếu phải làm việc với những cấp trên bảo thủ, tự cho mình là đúng thì mục tiêu của bạn là: để cho ý kiến của bạn được xem xét một cách khách quan, đồng thời không gây khó chịu cho cấp trên.
Bạn đưa ra kiến nghị với cấp trên không phải là yêu cầu thay đổi mà là muốn để cấp trên tham khảo. Bạn cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của cấp trên. Kiến nghị của bạn có được chấp nhận hay không chỉ có thể chứng minh được một sự thực, đó chính là sự sáng suốt của cấp trên.
Trong quá trình hình thành quan điểm của bạn, cấp trên luôn đóng vai trò mang tính quyết định. Bạn phải khiến cấp trên ý thức được điểm này, bằng cách nói rõ: Sau khi nghe lời phát biểu của họ vào tuần trước, bạn mới xuất hiện suy nghĩ này; hoặc sau khi cấp trên thảo luận về tính cấp thiết trong việc nâng cao năng suất lao động vào sáng nay, bạn mới có suy nghĩ này.
Trước khi đi sâu vào thảo luận, bạn cần hỏi cấp trên xem họ có thời gian hay không. Nếu không bạn có thể khiến cấp trên khó xử. Nếu bạn biết rằng ý kiến của mình được nhiều người ủng hộ thì hãy mạnh dạn phát biểu nó trong cuộc họp. Trước khi mở lời, tốt nhất bạn nên ghi ý kiến của mình ra giấy. Trong đó hãy liệt kê những quan điểm chính của bạn, như thế sẽ giúp bạn trình bày vấn đề một cách rõ ràng, thấu đáo hơn.
Nếu như kiến nghị của bạn bị chỉ trích, bạn phải nghĩ cách dùng lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình. Khi cấp trên phát biểu ý kiến về kiến nghị của bạn, bạn cần ghi lại những ý kiến phản đối mà bạn cho là hợp lý. Khi trình bày ý kiến, trước tiên bạn cần có sự trao đổi về những lời nhận xét đúng đắn, còn các ý kiến khác có thể bỏ qua, tiếp sau đó mới bàn đến các quan điểm khác.
Bạn nên dành thời gian cho cấp trên suy nghĩ vấn đề. Khi họ cảm thấy chưa chắc chắn, họ có thể từ chối tất cả kiến nghị bạn đưa ra. Lúc này, bạn không cần nói bất kì điều gì, hãy để họ quyết định lại sau khi đã hiểu hết tình hình.
ĐỂ CẤP TRÊN COI TRỌNG MÌNH
Một doanh nhân lớn của Nhật Bản khi còn làm nhân viên phục vụ thường bị cấp trên trách mắng. Nhưng cũng vì vậy mà ông học hỏi được rất nhiều điều, nên ông thường xuyên “chủ động” tìm sự trách mắng. Gặp cấp trên, ông không lẩn tránh như các nhân viên khác mà chào hỏi và xin ý kiến: “Xin hỏi tôi có chỗ nào cần sửa đổi không”.
Lúc này, cấp trên liền chỉ cho ông rất nhiều điểm cần chú ý. Sau khi nghe những lời giáo huấn này, ngay lập tức ông đã sửa chữa khuyết điểm.
Ông chủ động xin thỉnh giáo, bởi vì biết rõ rằng, một người phục vụ trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm như ông lúc đó rất khó có cơ hội nói chuyện với cấp trên nên chỉ có thể dùng cách này.
Hơn nữa, khi xin ý kiến cấp trên chính là thời cơ tốt nhất để tự tiến cử mình. Chính vì thế cấp trên của ông lúc đó có ấn tượng sâu sắc về ông so với bất kì nhân viên nào khác. Khi có điều cần nhắc nhở, cấp trên luôn gọi thẳng tên ông một cách thân thiết và chỉ ra những điểm cần phải chú ý.
Trong suốt hai năm, ngày nào ông cũng chủ động và khiêm tốn học hỏi như thế. Một hôm, cấp trên nói với ông: “Trong một thời gian dài quan sát, tôi phát hiện ra rằng, anh làm việc khá siêng năng, đáng được khích lệ, cho nên bắt đầu từ ngày mai, tôi mời anh đảm nhận chức vụ giám đốc.” Chính nhờ vào sự học hỏi cấp trên mà một nhân viên 19 tuổi được thăng chức làm giám đốc. Bị cấp trên trách mắng cũng chính là bạn đang nhận được một hình thức giáo dục khác.
Khi bị cấp trên trách mắng, bạn cần nghiêm túc chuyên tâm lắng nghe, sau khi nghe xong cần vui vẻ trả lời: “Vâng, tôi biết rồi, bây giờ tôi sẽ lập tức đi làm.”
Ngược lại, nếu gặp phải tình huống đó, nhưng bạn lại thể hiện thái độ căng thẳng, bất an thì sẽ khiến đối phương cho rằng bạn có ý phản kháng nên không thoải mái. Nói cách khác, bạn phải yên lặng tiếp nhận trách mắng của cấp trên, đồng thời giữ thái độ lịch sự để tiếp cận đối phương, đó chính là sự tôn trọng cấp trên và là bí quyết để cấp trên có ấn tượng tốt đẹp về bạn.
Nếu bạn cảm thấy mất mặt khi bị cấp trên trách mắng trước đám đông, từ đó sinh lòng oán hận thì cực kì sai lầm. Lúc này, bạn cần nhìn nhận vấn đề theo một hướng tích cực, đó là, cấp trên đang bồi dưỡng, chỉ bảo cho mình hơn nữa hãy nghĩ rằng, trong số rất nhiều người, chỉ có bạn mới được cấp trên quan tâm, “mình là người có tiền đồ nhất trong số nhân viên của công ty, khả năng là cấp trên đang kì vọng rất nhiều về mình”. Những người không có tiền đồ nhất là những người không được cấp trên chú ý.
QUAN SÁT KĨ CẤP TRÊN CỦA BẠN
Nhất cử nhất động của cấp trên bạn đều nên thu vào tầm mắt. Vậy làm thế nào để giao tiếp với những cấp trên không giống nhau đây?
1. Khi giao tiếp với cấp trên điềm tĩnh, bạn không thể tự ý quyết định
Ít nói, cử chỉ từ tốn, khi vui mừng cũng không cười lớn, không khoa chân múa tay, lúc khổ đau cũng không than khóc, không gặp ai cũng kể lể, nếu là đúng cũng không vỗ tay khen ngợi, không bày tỏ sự tán thành một cách thái quá; luôn giữ trạng thái bình thường nhất. Đó là những biểu hiện của một cấp trên có cái đầu điềm tĩnh.
Nếu gặp phải cấp trên như vậy, bạn tuyệt đối không nên tự ý quyết định mọi kế hoạch, tốt nhất sau khi kế hoạch được quyết định, bạn chỉ cần chấp hành là được. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, bạn phải ghi chép tỉ mỉ, cho dù là điểm nhỏ nhất. Báo cáo tường tận, chi tiết chính là kiểu báo cáo mà cấp trên này yêu cầu. Tuy nhiên, đối với những khó khăn trong quá trình thực hiện, tốt nhất bạn nên tự giải quyết, không cần xin ý kiến chỉ đạo. Thay vì kiến nghị nhiều có thể làm hỏng việc, bạn hãy tùy cơ ứng biến. Sau khi xong việc, bạn hãy trực tiếp báo cáo cách thức xử lý của mình, như vậy cấp trên sẽ vô cùng hài lòng. Nhưng điều cần chú ý là báo cáo cũng cần tránh giọng điệu khoe khoang, tuy lúc đó công việc thực sự rất khó thực hiện, bạn cũng cần thuật lại một cách đơn giản, nhẹ nhàng. Như vậy, bạn càng chứng tỏ được bản lĩnh ứng biến của mình.
2. Giao tiếp với những cấp trên nhu nhược, cần để tâm đến nhân vật có quyền lực thực sự bên cạnh họ
Những người nhu nhược không thể làm lãnh đạo, cho dù họ có làm lãnh đạo thì quyền hành thực sự cũng không nằm trong tay họ. Bạn phải nhìn nhận chuẩn xác người thay quyền lãnh đạo đó tính tình thế nào, sau đó mới tìm biện pháp đối phó. Trọng tâm của một cơ quan không phải là chức danh mà là quyền lực và sự tồn tại của quyền lực mới là trọng tâm. Tuy nói, danh không chính thì ngôn không thuận, chức danh và quyền lực thường đi đôi với nhau. Song, đối với những lãnh đạo nhu nhược, chức danh là chức danh, quyền lực là quyền lực, tuyệt đối không thể hợp lại với nhau. Người thay thế nếu là “chính nhân quân tử” thì lãnh đạo nhu nhược còn có thể giữ được tôn nghiêm mang tính hình thức. Nhưng nếu người thay thế là kẻ có dã tâm thì họ sẽ ép người lãnh đạo đi theo hướng của mình, chính sách hoàn toàn do họ quyết định, lãnh đạo chỉ là bù nhìn mà thôi. Trong tình thế này, bạn phải có khả năng đấu tranh với người thay thế. Nếu không, bạn sẽ thất bại. Bạn cũng không thể tách rời người thay thế, vì tách rời một cách tùy tiện chắc chắn sẽ khó phát triển. Bạn phải hiểu rằng, người thay thế đã giành được địa vị của người lãnh đạo, xung quanh còn có vây cánh của anh ta. Trong tình huống này, trừ phi dã tâm của anh ta bộc lộ, dẫn đến việc mọi người đều không tin phục, bạn mới có thể hành động.
3. Giữ khoảng cách vừa phải với cấp trên nhiệt tình
Nếu cấp trên của bạn nhiệt tình, tỏ ý hết sức có thiện cảm với bạn, thì bạn cũng không nên hoàn toàn tin tưởng ngay mà cần hiểu rằng sự nhiệt tình của họ sẽ không được bền lâu. Bạn nên giữ thái độ bình thản, giữ khoảng cách vừa phải khi nhận được sự “sủng ái” đó.
Tình bằng hữu giữa những người quân tử luôn trong sạch, thanh đạm như nước, không giả tạo, phù phiếm, lợi dụng lẫn nhau. Đối với những cấp trên nhiệt tình, tốt nhất bạn nên dùng phương pháp này. Nếu bạn có chủ trương hoặc kiến nghị nào đó thì cần dùng phương pháp đưa thông tin dần dần, không nên nói hết ngay một lúc, có như thế mới khiến cấp trên lúc nào cũng cảm thấy bạn đem đến cảm giác mới mẻ. Đối với những biện pháp họ đưa ra, nếu bạn cho là đúng thì hãy mau chóng thực thi, nếu không “đêm dài lắm mộng”, qua một thời gian họ có thể sẽ thay đổi; nếu bạn cho rằng sai, cũng không cần tranh luận trực tiếp, chỉ cần tiếp nhận bằng lời nhưng không cần thực hiện, qua một thời gian họ tự biết không thỏa đáng sẽ không đề cập đến nữa.
Tóm lại, đối với cấp trên nhiệt tình, bạn chỉ có thể dùng biện pháp ôn hòa để giải quyết những việc cấp bách. Nếu tâm trạng của họ sa sút, bạn hãy yên lặng chờ đợi cơ hội thích hợp để đẩy tình cảm lên cao trở lại. Tình cảm của cấp trên cũng giống như quả lắc đồng hồ, lắc qua rồi sẽ lắc lại. Trừ phi giữa hai bên nảy sinh hiểu lầm hoặc quan hệ có trở ngại thì quả lắc đó mới không thể quay về vị trí cũ.
4. Giao tiếp với những cấp trên rộng rãi, cởi mở, phải làm nổi bật năng lực của bản thân
Nếu bạn gặp được cấp trên hào phóng, rộng rãi thì điều đó thật đáng vui mừng. Chỉ cần bạn biết cách sử dụng năng lực, thể hiện những thành tích công việc vượt trội hơn người khác, chờ đợi thời cơ chín muồi thì nhất định bạn sẽ có cơ hội phát triển. Bản thân họ là người tài, nên họ cũng trân trọng những người có tài. Chỉ có anh hùng mới nhận ra anh hùng, bạn đã là anh hùng, thì không lo cấp trên không ngưỡng mộ bạn; chỉ có anh hùng mới biết dùng anh hùng, bạn đã là anh hùng, cũng không lo họ không đề bạt, trọng dụng.
Khi cơ hội chưa đến, bạn vẫn nên vui vẻ làm việc và phải làm sao cho vừa nhanh vừa tốt. Điều này thể hiện bạn có năng lực để làm công việc đó. Đồng thời bạn cần lưu ý rằng, cơ hội ở khắp nơi, một khi phát hiện nhân tố mới thì phải nắm cho thật chắc. Bạn hãy nhớ kĩ tất cả mọi kế hoạch phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, tỉ mỉ, sau đó xem xét cơ hội để đề xuất, một khi được chọn dùng thì bạn có thể bộc lộ hết tài năng của mình. Ý kiến của bạn nếu được chấp nhận sẽ chứng tỏ bạn có tầm nhìn xa trông rộng, nếu tiếp tục được ủy thác thực hiện nhiệm vụ khác thì sẽ càng khẳng định cho tài năng của bạn. Sự phát triển của bạn đã có một khởi đầu tốt đẹp, đã tìm đúng đường đi, chỉ cần từng bước tiến lên mà thôi, sớm muộn bạn cũng sẽ vượt lên người khác nên không nhất thiết phải vội vàng.
5. Với cấp trên ngạo mạn, hãy giữ đúng cương vị của mình
Người ngạo mạn phần lớn là do có đủ điều kiện để ngạo mạn. Đánh mất điều kiện này, người đang ngạo mạn sẽ trở lại tính nết cũ, có thêm điều kiện này thì người đang khiêm tốn cũng biến thành ngạo mạn. Có thể thấy rằng ngạo mạn là do môi trường tạo thành, không phải tính cách bẩm sinh.
Nếu cấp trên của bạn là người ngạo mạn, thay vì nịnh nọt lấy lòng, bạn hãy làm đúng chức trách của mình. Như thế, tuy cấp trên có ngạo mạn, nhưng để tính toán cho sự nghiệp của bản thân, họ cũng không thể hoàn toàn loại bỏ những người quân tử muốn lập công như bạn. Một khi có cơ hội, bạn nên thể hiện bản lĩnh đặc biệt của mình, chỉ cần bạn là một nhân tài thì cấp trên sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác.
6. Giao tiếp với cấp trên nham hiểm, phải chú ý thận trọng
Những người nham hiểm sẽ luôn nghĩ cách trả thù đối với những việc không như ý, sẽ nghĩ cách loại bỏ những người không hài lòng. Những người kiểu này do nghi ngờ mà sinh đố kị, do hận thù mà sinh tàn ác, trong đầu luôn có ý đồ ra tay trước, luôn quan niệm thà phụ người còn hơn để người phụ mình. Vui vẻ hay bực tức họ đều không thể hiện lên nét mặt, căm tức cực độ vẫn có thể giả bộ tươi cười khiến cho bạn không thể đề phòng.
Tóm lại, với người nham hiểm, tuyệt đối không nên áp dụng biện pháp trả miếng trực tiếp mà chỉ được phép dùng mưu. Nếu cấp trên của bạn là loại người này, bạn hãy dốc sức vì công việc, đừng thể hiện tài năng, từ đó họ sẽ không đề phòng hay đố kị với bạn, bạn sẽ được bình an. Nhưng một nơi như vậy không phải là lý tưởng, không trụ lâu được, nếu bạn muốn có cơ hội phát triển thì hãy chuyển nơi làm việc khác.
ĐIỀU CHỈNH ĂN Ý GIỮA CẤP TRƯỞNG VÀ CẤP PHÓ
Trong ban lãnh đạo, cấp phó giữ một vị trí quan trọng. Họ vừa là người lãnh đạo, vừa là người chấp hành, vừa có thể quản thúc người khác, vừa nhận sự quản thúc của người khác, vừa chủ động, vừa bị động. Người lãnh đạo khi ở vào vị trí này, làm thế nào để giữ được mối quan hệ tốt với cấp trưởng?
1. Thiết lập quan hệ, chủ động phối hợp với cấp trưởng
Cấp phó và cấp trưởng phải dựa vào nhau, bổ sung cho nhau, ủng hộ nhau mới có thể cùng nhau hoàn thành sứ mệnh. Do vậy, cấp phó phải công tâm, lấy đại cục làm trọng, từ bỏ tư tưởng danh lợi và lòng hư vinh, kiên quyết bảo vệ uy tín và địa vị của cấp trưởng, tích cực ủng hộ và phối hợp công việc với cấp trưởng, bằng lòng làm tốt vai trò của một “phụ tá”. Những việc cấp trưởng nhất thời suy xét chưa chu đáo, cấp phó phải chủ động nhắc nhở. Khi cấp trưởng gặp khó khăn với quyết sách, cấp phó cần giúp đỡ cấp trưởng phân tích cái lợi và hại trong đó, giúp giảm thiểu sai sót.
2. Dũng cảm nhận trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ
Cấp phó thường có hai cái sợ: thứ nhất sợ nắm không chắc công việc, một khi xảy ra sai sót sẽ không gánh vác nổi trách nhiệm. Vì thế họ quá cẩn thận, việc lớn việc nhỏ đều phải xin chỉ thị, không dám tự ý quyết định. Thứ hai, họ sợ người khác nói mình “tranh quyền”, vì thế trong công việc thiếu tính chủ động, việc gì cũng đợi cấp trưởng có ý kiến rồi mới chịu làm. Như thế, một mặt đã gây cho cấp trưởng những phiền phức không đáng có, ảnh hưởng đến toàn bộ công việc, đồng thời họ cũng tự hạ thấp quyền hạn lãnh đạo của mình. Thực ra, khi cấp phó phụ trách mặt nào đó cũng nên có quyền quyết sách nhất định. Do đó, chỉ cần cấp phó nhìn nhận đúng đắn một vấn đề là có thể đưa ra quyết định, mạnh dạn thực thi, phát huy vai trò độc lập, tạo điều kiện cho cấp trưởng có thêm thời gian và sức lực nắm bắt các công việc mang tính toàn cục, cũng như sắp xếp và bố trí chiến lược ở tầm vĩ mô. Đây chính là sự ủng hộ lớn nhất sự phối hợp ăn ý nhất với cấp trưởng.
3. Lấy sự nghiệp làm trọng, tránh tranh quyền đoạt lợi
Đây là phẩm chất cần có của mỗi cấp phó. Nếu cấp phó có thể vì lợi ích của tập thể, không màng chức vụ cao thấp, không tranh quyền đoạt lợi, thì ban lãnh đạo sẽ ổn định, từ đó mở ra cục diện mới, lập được nhiều thành tích mới. Nếu cấp phó hám lợi, có dã tâm cá nhân, trong lòng lúc nào cũng muốn tranh quyền đoạt lợi thì ban lãnh đạo sẽ phân tán, công việc chắc chắn sẽ không thể vận hành tốt. Chỉ khi coi trọng sự nghiệp chung, mới có thể làm lợi cho tập thể và cho chính cá nhân mình, nếu tranh quyền đoạt lợi tất hại mình hại người.
4. Phải vì đại cục chung, chú ý điều chỉnh quan hệ hàng ngang
Tuy cấp phó phụ trách quản lý một hoặc vài mảng công việc, nhưng không thể tách khỏi vai trò và sức mạnh của tập thể ban lãnh đạo. Tuyệt đối không nên cường điệu quá mức công việc mình phụ trách mà bỏ qua hoặc hạ thấp công việc ở những mảng khác, bất chấp lợi ích toàn cục, gây khó khăn cho cấp trưởng. Ngoài ra, cấp phó phải có trách nhiệm tăng cường liên hệ với các phòng ban khác nhằm trao đổi thông tin, làm tốt công tác phối hợp, không nên chỉ quan tâm đến công việc thuộc phận sự của mình mà máy móc, cứng nhắc với những phòng ban khác.
5. Rộng lượng, khoan dung
Ở một mức độ nhất định, làm cấp phó đôi khi còn khó hơn cấp trưởng. Bởi vì cấp phó có thể gặp phải rất nhiều tình huống mà cấp trưởng không gặp phải. Ví dụ như, phương án do cấp phó điều tra nghiên cứu mới đề xuất ra được, nhưng kết quả lại bị cấp trưởng phủ quyết; lại có cấp trưởng không muốn tài năng và công trạng của cấp phó vượt mình. Vì vậy, yêu cầu cấp phó phải có tấm lòng rộng rãi, khoan dung độ lượng, học được cách thấu hiểu và tha thứ cho người khác. Nếu phương án của bạn không được chấp nhận, bạn cần kiểm tra lại xem phương án đó có phù hợp với thực tế hay không; nếu nó thiết thực, khả thi thì nên thuyết phục cấp trưởng; nhất thời không thuyết phục được thì có thể tạm hoãn, đợi đến khi thời cơ thích hợp hãy đề xuất lại. Khi bị oan ức trong công việc, hoặc rơi vào hoàn cảnh cực kì khó khăn, phức tạp cũng phải bình tĩnh xử lý.