* Trong ngoại giao hoặc kinh doanh, người vợ đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp của bạn. Ấn tượng của người khác về vợ bạn như thế nào chắc chắn có ảnh hưởng đến cách người ta nhìn nhận về bạn.
* Trong quan hệ với người thân thích, phải đối xử công bằng, bình đẳng như nhau.
* Đối với người thân của mình cũng như của cấp trên, người lãnh đạo càng phải nghiêm khắc hơn. Chỉ có như vậy cấp dưới mới “tâm phục khẩu phục”, một lòng một dạ vì lợi ích của công ty.
* Giữa hàng xóm láng giềng dù có phát sinh mâu thuẫn cũng không nên tùy tiện cãi vã. Nếu có vấn đề gì xảy ra cũng phải cố gắng hết sức dùng lời lẽ lịch sự.
GIA ĐÌNH HÒA THUẬN MỚI CÓ THỂ HƯNG THỊNH
Gia đình là tế bào của xã hội. Đặc điểm chính của gia đình là tính ổn định và sự hòa thuận. Đưa văn hóa gia đình vào văn hóa doanh nghiệp là một mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp khá phổ biến. Văn hóa doanh nghiệp thường chia thành hai loại: một là văn hóa doanh nghiệp kiểu gia đình, hai là văn hóa doanh nghiệp phi gia đình. Loại thứ nhất là do một gia đình hoặc một dòng họ lập nên doanh nghiệp, coi văn hóa tinh thần của gia đình là nội lực tinh thần phát triển doanh nghiệp; loại thứ hai là coi doanh nghiệp là một gia đình, tạo nên bầu không khí thân thiết như trong gia đình, từ đó đạt được mục tiêu gắn kết nhân viên trong toàn doanh nghiệp.
Coi doanh nghiệp như một gia đình hiển nhiên sẽ đem đến bầu không khí thân thiết vốn rất thiếu thốn trong thời đại công nghiệp, hơn nữa đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Tất nhiên, phương thức lấy văn hóa gia đình làm văn hóa doanh nghiệp vẫn tồn tại những điểm yếu. Trong doanh nghiệp theo mô hình dòng họ, số lượng người trong họ càng nhiều thì mối quan hệ nội bộ càng phức tạp, các điểm yếu càng lộ rõ. Kinh doanh của dòng họ khiến quyền sở hữu và quyền kinh doanh khó tách bạch rõ ràng. Biện pháp quản lý theo kiểu con trưởng trong gia đình ngày càng không thích hợp với yêu cầu quản lý khoa học và có sự tham gia của các chuyên gia trong thời hiện đại. Doanh nghiệp gia đình do thiếu cơ chế ràng buộc ngay từ đầu nên người lãnh đạo dễ dàng mắc sai lầm, hơn nữa, bản thân doanh nghiệp lại thiếu năng lực thu hút và tự cải thiện mình thì sẽ dẫn đến hậu quả lớn hơn.
Gia đình hòa thuận thì mọi việc đều thành công. Một khi doanh nghiệp gia đình mất đi sức mạnh đoàn kết của văn hóa gia đình thì việc kinh doanh không thể thành công. Việc chuyển đổi từ doanh nghiệp gia đình truyền thống sang doanh nghiệp hiện đại là vấn đề khó khăn mà mỗi doanh nghiệp gia đình đang phải đối mặt. Văn hóa doanh nghiệp gia đình thể hiện một sức mạnh đoàn kết thân thiết cùng huyết thống. Mặc dù để duy trì lâu dài sức mạnh này là một điều hết sức khó khăn nhưng lại thể hiện rõ đạo lý.
Thứ nhất, trong doanh nghiệp muốn nối liền mọi mối quan hệ là điều rất khó, đây là nguyên nhân lớn mà người lãnh đạo luôn phải dốc sức để phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Thứ hai, trong doanh nghiệp, khi mọi thứ đều tồn tại dưới dạng vật chất thì sự quan tâm và tôn trọng giữa người với người trở thành nỗi khao khát trong lòng mọi nhân viên.
Vừa có không khí ấm áp của một gia đình nhưng lại không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ dòng họ, chính là nguyên tắc mà người lãnh đạo cần phải nắm rõ trong việc điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ của doanh nghiệp.
ĐỐI XỬ BÌNH ĐẲNG, CÔNG BẰNG NHƯ NHAU
Đối với người này thì thân thiết nhiệt tình, với người kia lại thờ ơ lạnh nhạt; trước mặt họ hàng giàu sang thì cung kính bợ đỡ, một dạ hai vâng; trước mặt họ hàng nghèo khó thì ra vẻ ta đây, kiêu căng ngạo mạn. Đó là những suy nghĩ của kẻ tiểu nhân, của con buôn đầu cơ trục lợi bị người đời khinh bỉ.
Trong cuộc sống hiện nay, có những người dựa vào giàu sang, nghèo khó để xác định mối quan hệ với họ hàng. “Người nghèo khó ở nơi thành thị chẳng ai hỏi thăm, người giàu sang ở nơi rừng núi vẫn có họ hàng xa” đã phản ánh thực tế này. Mối quan hệ họ hàng vốn mang nặng tình thân, nếu bị ảnh hưởng bởi tiền bạc, địa vị thì chắc chắn quan hệ thân thích sẽ không còn được bình thường nữa.
Người có địa vị xã hội thấp, thu nhập kinh tế kém cần có lòng tự trọng, không thể vì mong được hưởng lợi từ danh tiếng của họ hàng giàu sang mà đánh mất nhân cách của mình. Họ hàng không phân biệt giàu sang nghèo khó, tất cả mọi người đều bình đẳng về nhân cách, không thể vì dựa vào giàu nghèo mà phân biệt sang hèn. Vì vậy, trong mối quan hệ với họ hàng giàu sang, có địa vị, cần cố gắng giữ được tôn nghiêm và nhân cách của bản thân. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, cần cố gắng hết sức tự mình vượt qua, không nên hạ mình cầu cạnh người có quyền thế.
Trong mối quan hệ với người thân thích, cần phải đối xử bình đẳng, công bằng. Vào các dịp lễ tết nên qua lại thăm hỏi, không được nhất bên trọng nhất bên khinh. Vào những dịp cưới xin ma chay, phải kính trên nhường dưới, mời hỏi đàng hoàng, phải dựa vào tuổi tác, vai vế, chứ không được dựa vào giàu sang hay nghèo khó để quyết định.
Người có thể đối xử với họ hàng nghèo khó bằng cái tâm không trọng lợi lộc, vật chất sẽ luôn nhận được sự tôn trọng của xã hội và mới là người có thể đạt được thành công lâu dài.
Trong mối quan hệ ruột thịt, bất luận là người thân của mình hay của vợ (chồng) đều nên đối xử bình đẳng không phân biệt.
Nếu bạn giàu sang, một số họ hàng nghèo khó có thể đến nhờ giúp đỡ về mặt vật chất. Nếu bạn có địa vị, họ hàng có thể đến nhờ vả giải quyết công việc. Thông thường, trong những tình huống này, bạn nên nhiệt thành giúp đỡ, không nên tiếp đón chậm trễ hoặc tỏ thái độ chán ghét.
Dù bạn là người có tiền hay có quyền, bạn cũng không nên vênh váo, hung hăng. Nhất là với họ hàng nghèo khó, địa vị xã hội thấp nên chú ý tôn trọng nhân cách của họ. Những người này thường khá tự ti trước hành động, lời nói của họ hàng giàu sang hoặc có địa vị. Nếu bạn có hành động hoặc lời nào không đúng, sẽ khiến họ không vui. Vì vậy, trong khi nói chuyện, bạn không thể nhìn ngang nhìn dọc, thờ ơ, tỏ thái độ coi thường và không tôn trọng đối phương
NGƯỜI VỢ LÀ NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH MỘT NỬA THÀNH CÔNG
Khi xây dựng hình tượng thành công của bản thân, không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của người bạn đời đến hình tượng của bạn.
Trong ngoại giao hoặc kinh doanh, người vợ đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp của bạn. Ấn tượng của người khác về vợ bạn như thế nào chắc chắn ảnh hưởng đến cách người ta nhìn nhận về bạn.
Nếu bạn là một nhân viên kinh doanh chuyên nghiệp, hãy đưa vợ tham gia vào một số hoạt động giao lưu xã hội liên quan đến công việc, điều này vô cùng quan trọng. Bởi vì không chỉ các khách hàng hiện tại mà cả những khách hàng tiềm năng của bạn cũng có mặt ở đó. Những khách hàng tương và vợ của họ có ấn tượng như thế nào với vợ của bạn, có thể sẽ quyết định khả năng họ đồng ý sử dụng dịch vụ của bạn. Nếu họ nhận thấy vợ của bạn có sức quyến rũ, họ sẽ có những phản ứng tích cực. Trong trường hợp họ thất vọng, thì hi vọng hợp tác làm ăn với họ sẽ vỡ như bong bóng xà phòng.
Trong nhiều trường hợp, bạn có thể áp dụng rất nhiều biện pháp để cải thiện hình tượng của vợ. Ví dụ, nếu bạn biết tửu lượng của cô ấy rất thấp, thì hãy chú ý đừng để cô ấy uống quá đà. Nếu cô ấy không hiểu biết nhiều những kiến thức liên quan đến công việc của bạn thì bạn nên hướng dẫn thêm cho cô ấy. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng, lúc đề cập tới những vấn đề không liên quan quá nhiều đến chuyên môn, cô ấy có thể nói về chuyện hợp tác rất chuyên nghiệp. Trên thực tế, các vấn đề nặng tính chuyên môn cũng không được bàn đến trong các dịp này.
Vào các dịp giao lưu xã hội liên quan đến công việc, bạn cũng không nên để vợ mình bàn luận đến các vấn đề gây tranh cãi vì điều đó có thể khiến cô ấy rơi vào tình thế khó xử.
Tất nhiên bất kì lúc nào vợ của bạn cũng nên thể hiện hình tượng của một quý phu nhân. Người đời thường nói: “Chỉ cần cô ấy vẫn là một quý phu nhân, cô ấy chính là gia tài của bạn chứ không phải một gánh nặng đối với bạn”. Đương nhiên, dung mạo quyết định rất nhiều đến ấn tượng của mọi người về cô ấy. Hơn nữa, cách ăn mặc của cô ấy cũng quan trọng vì phụ nữ luôn chú trọng ăn mặc hơn nam giới. Cho nên, nếu khả năng tài chính cho phép, đừng ngại mua cho cô ấy một vài bộ trang phục sang trọng. Cô ấy mặc những bộ trang phục sang trọng cùng với đồ trang sức đắt tiền, không chỉ xây dựng nên hình tượng thành công của người vợ mà còn khiến người khác cảm thấy bạn rất có triển vọng thành công. Những người vợ của khách hàng thường có ảnh hưởng lớn đến chồng họ, họ có thể đánh giá về cách ăn mặc, trang sức của vợ bạn với chồng của họ.
Trong bất kì thời điểm hoặc tình huống nào, hãy tránh để vợ của bạn ăn mặc như một người phụ nữ gợi cảm. Thông thường, cô ấy nên thận trọng khi chọn mặc trang phục hợp thời trang, như vậy cánh mày râu sẽ có ấn tượng tốt đẹp về cô ấy.
VỢ CHỒNG PHẢI CHIA SẺ, TRAO ĐỔI KỊP THỜI
Duy trì mối quan hệ hôn nhân giống như việc cầm lái một con tàu, hai bên đều phải giữ vai trò chủ động điều khiển bánh lái ở vị trí cân bằng. Có những việc bạn làm được nhưng bạn đời của bạn thì không; khi tâm trạng của bạn không tốt thì vợ (chồng) bạn sẽ nhẫn nhịn hoặc tìm cách giúp bạn vui trở lại, đó là việc đi đến sự cân bằng.
Sự chia sẻ, trao đổi giữa vợ chồng nên được tiến hành mọi lúc mọi nơi, nhưng cũng không có nghĩa là hai người cùng ngồi xuống để lần lượt trao đổi. Mọi hành động, cử chỉ như nắm tay, một câu nói, một cử chỉ, thậm chí chỉ một ánh mắt cũng có thể là sự trao đổi.
Mỗi người đều có ưu và khuyết điểm của mình. Trước khi kết hôn, bạn nên suy nghĩ kĩ về người bạn đời tương lai của mình. Sau khi xác định có thể sống hòa hợp cả đời, bạn đừng nên vì tiểu tiết, bới lông tìm vết những khuyết điểm trong cuộc sống hôn nhân sau này. Ai dám khẳng định bản thân không có khuyết điểm? Nếu như sau khi kết hôn mới nhận ra nhược điểm của người kia lớn đến nỗi không thể chấp nhận được, vậy thì tại sao lúc đầu lại không nhìn ra?
Hôn nhân không phải là lớp học bổ túc. Mặc dù rất nhiều người sau khi đã trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc đều đã học được bài học quý báu, tuy nhiên, họ cũng phải trả bằng một cái giá khá đắt.
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH KHÔNG TUYỂN DỤNG NGƯỜI THÂN
“Một người làm quan cả họ được nhờ”. Câu nói này là chỉ sự chi phối đặc quyền đặc lợi. Để ngăn chặn hiện tượng này, một trong những quyết sách là chính sách tránh không tuyển dụng người thân. Chỉ khi duy trì thực hiện chính sách này thì người lãnh đạo mới có được chỗ đứng vững chắc.
Một trong những sai lầm mà người lãnh đạo thường phạm phải là không nỡ để người thân ra đi, cho dù họ đã từng phạm lỗi trong công việc, gây ra hậu quả xấu cũng không nỡ kỉ luật. Đây đều là điều đại kị trong quản lý, bởi vì như vậy tiếng nói của bạn sẽ mất dần trọng lượng, công việc của bạn ngày càng bị động. Một người lãnh đạo sáng suốt phải cực kì thận trọng với điều này: tuyệt đối không để “người thân” kiếm việc từ cơ quan mình. Hãy coi trọng đại cục, lấy lợi ích của mọi người làm gốc, đối xử bình đẳng, cạnh tranh công khai, thúc đẩy tính tích cực của nhân viên để mọi người đều cảm thấy họ là người chủ của doanh nghiệp, là người tạo ra lợi nhuận cho công ty. Nếu như một người lãnh đạo không hiểu được điều này thì sẽ tự mang lại phiền phức cho bản thân.
KHÔNG VỊ NỂ TÌNH THÂN
Người lãnh đạo nếu không xử lý sai lầm của cấp dưới, để họ tự do buông thả thì lâu dần doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng kỉ luật lỏng lẻo. Đặc biệt nếu buông lỏng quản lý với người thân thì các nhân viên khác sẽ cảm thấy không phục. Vì vậy, là một người lãnh đạo, bạn càng phải nghiêm khắc hơn với người thân của mình và của cấp trên. Chỉ có như vậy, cấp dưới mới “tâm phục khẩu phục”, một lòng một dạ vì lợi ích công ty.
Trước khi Harold Gianni đảm nhiệm chức tổng giám đốc của công ty điện thoại và điện tín quốc tế Mỹ (ITT kỷ luật của công ty vô cùng lỏng lẻo, rất nhiều quy định có cũng như không. Sau khi nhậm chức, Harold Gianni ngay lập tức thực hiện một loạt các cải cách dựa trên tình hình thực tế. Nhiều người ủng hộ cải cách của ông nhưng một số người vẫn tự do làm theo ý mình. Trong đó điển hình nhất là giám đốc chi nhánh công ty tại Pháp, Denfert.
Denfert vốn là cháu của chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Anh ta vẫn tự ý làm theo ý mình mặc dù công ty đã có thông báo về điều lệ mới. Tháng đầu tiên anh ta không hề gửi bất kì một báo cáo nào lên công ty, mặc cho tổng công ty năm lần bảy lượt thúc giục nhưng anh ta vẫn làm ngơ. Sau khi biết được việc này, Gianni lập tức tuyên bố bãi nhiệm chức vụ giám đốc của Denfert, đồng thời cử đi một giám đốc mới. Tuy nhiên, Denfert nhất quyết không chịu bàn giao công việc. Động thái của Denfert không hề nằm ngoài dự đoán của Gianni nên ông đã căn dặn giám đốc mới từ trước: “Nếu Denfert không chịu bàn giao công việc, anh hãy tìm nơi thuê văn phòng, sau đó đăng quảng cáo trên báo là, công ty chuyển sang địa điểm mới, đồng thời kêu gọi tất cả nhân viên làm việc trong công ty, những ai đồng ý chuyển sang địa chỉ mới thì được tiếp tục làm việc, những ai không đồng ý thì ngay lập tức sẽ sa thải.”
Những người trước kia có thái độ phản đối cuộc cải cách của Gianni sau khi thấy ông thực sự dám ra tay với cháu của chủ tịch hội đồng quản trị thì không còn dám chống lại nội quy của công ty nữa.
Sau khi cải cách toàn diện của Harold Gianni được thực hiện, tình hình kinh doanh của công ty đã có một bước phát triển vô cùng khả quan.
BỐN NGUYÊN TẮC LỚN ĐỂ HÒA HỢP VỚI HÀNG XÓM LÁNG GIỀNG
1. Chú ý tiếng ồn
Tiếng ồn do âm thanh của tiếng đàn piano, loa đài, dàn karaoke, tiếng nô đùa với bạn bè, tiếng ti vi để âm lượng quá lớn… dù lúc nửa đêm hay giữa ban ngày cũng gây khó chịu cho người khác. Vì thế bạn nên điều chỉnh âm thanh ở mức thích hợp.
Ngoài ra, nếu chất liệu cách âm của phòng không tốt thì ngay cả những âm thanh trong đời sống thường ngày như tiếng mở đóng cửa, tiếng bước chân, tiếng xê dịch bàn ghế cũng có thể vô tình gây ảnh hưởng đến người khác. Nếu bạn có thể nghe thấy những âm thanh như tiếng người trên tầng đi lại, thì bạn cũng nên hiểu rằng, chính mình cũng sẽ gây ảnh hưởng như vậy cho người tầng dưới. Trên thực tế, đôi khi không thể tránh khỏi việc phát ra tiếng động nên bạn hãy chủ động xin lỗi cho phải phép.
2. Phơi, đập chăn ga gối đệm
Khi phơi, giũ vỏ chăn và ga trải giường trên ban công, bạn hãy ngó trước, ngó sau xem có người hay đồ vật của hàng xóm xung quanh không. Nếu không, khi bạn đập chăn ga sẽ làm bụi bẩn rơi vào đồ của hàng xóm. Mặc dù chỉ là việc rất nhỏ, nhưng xử lý không tốt sẽ gây ra bất hòa với hàng xóm.
3. Chú ý xử sự trên ban công
Những người sống từ tầng hai trở lên cần phải chú ý việc sử dụng ban công. Khi tưới nước cho chậu hoa đặt ở rìa ngoài ban công, phải nhìn xem bên dưới có quần áo hay không. Nếu có, phải đặt chậu hoa nghiêng vào phía trong một chút rồi mới tưới nước. Nếu trên ban công đặt máy giặt, trước tiên bạn phải kiểm tra đường ống dẫn nước thải đã lắp đúng hay chưa, có bị hỏng không, tránh để nước bẩn chảy xuống ban công bên dưới.
Ngoài ra, tuyệt đối không được để đồ trên ban công, tránh trường hợp rơi xuống có khả năng sẽ gây ra thương vong, bởi vì cho dù chỉ là một đồ vật rất nhỏ nhưng từ trên cao rơi xuống cũng cực kì nguy hiểm, vì thế bạn nên hết sức cẩn trọng. Một vài ban công có lúc còn là đường thoát hiểm khi gặp sự cố, vì thế không nên để nhiều đồ đạc chặn lối thoát hiểm.
4. Không nên cãi nhau với hàng xóm
Giữa hàng xóm láng giềng, dù có phát sinh mâu thuẫn cũng không nên tùy tiện cãi vã. Nếu có vấn đề gì xảy ra cũng nên cố gắng hết sức dùng lời lẽ lịch sự để giải quyết. Bởi vì trong lúc kích động lời lẽ cũng dễ trở nên thô lỗ. Vì vậy hãy nói lời lịch sự với nhau khi tâm trạng đã hoàn toàn bình tĩnh.
XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP VỚI HÀNG XÓM LÁNG GIỀNG
Người ta thường nói: “Bán anh em xa mua láng giềng gần. Xây dựng được mối quan hệ tốt với láng giềng cũng là một vấn đề khó. Một vài lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc thắt chặt tình làng xóm.
● Đối xử công bằng với tất cả hàng xóm.
● Không bàn luận về hàng xóm B trước mặt hàng xóm A.
● Nhà hàng xóm có mâu thuẫn bạn nên chủ động đứng ra hòa giải, nhưng phải chú ý cách thức hòa giải.
● Chủ động giúp đỡ hàng xóm nếu họ gặp khó khăn.
● Nếu mượn tiền hay đồ đạc của hàng xóm thì phải nhanh chóng trả lại, nếu không thể trả lại ngay thì chủ động nói rõ nguyên nhân để được thông cảm.
● Khi con của hai nhà xảy ra mâu thuẫn, phải tránh bao che, bênh vực con nhà mình.
● Khi làm việc nhà, mở ti vi, loa đài… tránh tạo ra âm thanh quá to, gây ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của hàng xóm.
● Không nên “một mất mười ngờ”, phải tin tưởng lẫn nhau.
● Không nên xì xào, bàn tán về người khác với hàng xóm, vì rất có thể họ sẽ không muốn nói chuyện với bạn vì sợ phiền phức.
● Phải có chừng mực khi nói chuyện. Với người lớn tuổi thì phải kính trọng lễ phép, với người ít tuổi thì ân cần, thân thiện.
● Khi hàng xóm đến chơi nhà phải vui vẻ tiếp đón. Nếu đúng lúc có việc gấp phải nói rõ lý do, đồng thời hẹn họ vào dịp khác.
● Không nên dò hỏi việc riêng tư của hàng xóm, không nên hỏi họ có bao nhiêu tiền tiết kiệm, có của cải gì…
● Khi giao thiệp với hàng xóm, không nên so đo từng tí, gặp việc gì cũng phải bình tĩnh, nhường nhịn.