* Người rộng lượng thường được người khác yêu mến, gần gũi.
* Con người không ai mười phân vẹn mười. Bạn sẽ không thể tìm được một người bạn không có bất kì khuyết điểm nào cả.
* Càng là bạn thân thì càng phải đứng trên lập trường của họ để suy nghĩ cho họ.
* Thẳng thắn bộc bạch chuyện riêng tư cũng như mặt xấu của mình sẽ giúp bạn dễ dàng cân bằng được tình cảm, làm cho người khác có cảm giác được bạn tin tưởng thì tự nhiên họ cũng sẽ tin tưởng bạn.
MỞ RỘNG QUAN HỆ BẠN BÈ
“Ôi! Tôi hi vọng được kết bạn với nhiều người”, “Tôi muốn trở thành một người được mọi người yêu mến, ai ai cũng muốn kết thân.”
Không biết có bao nhiêu người vì tính tình kì quặc hoặc không biết cách thu hút người khác mà không có được hạnh phúc bên bạn bè, tự đánh mất rất nhiều niềm vui bình dị trong cuộc sống, họ trở nên cô độc, khó gần, không có ai kết bạn. Họ không biết rằng, muốn kết giao bạn bè thực ra không hề khó. Bí quyết chính ở sự nỗ lực của bản thân mỗi người, chứ không thể nhờ cậy vào ai khác.
Dù cho cuộc sống của bạn có khó khăn và bất hạnh đến thế nào, thì bạn vẫn có thể khiến những người xung quanh muốn gần gũi với bạn bằng cách dùng những cử chỉ, lời nói để thể hiện sự thân thiện và tinh thần lạc quan của bạn.
Người có phẩm chất tốt, tính cách đáng yêu thì không những ai ai cũng yêu mến, mà đi đến đâu cũng nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Vì vậy, dù không giàu có về mặt vật chất nhưng họ lại có nhiều cơ hội thành công trong sự nghiệp hơn những người giàu có mà thiếu đi “nhân hòa”.
Bạn có thể biến mình thành một thỏi nam châm, hút tất cả những người bạn muốn kết thân về phía mình. Chỉ cần trong cuộc sống hàng ngày, bạn luôn thể hiện thiện chí muốn làm bạn và tinh thần sẵn sàng giúp đỡ mọi người ở mọi lúc mọi nơi thì bạn sẽ làm được điều đó. Một người chỉ toan tính cho bản thân thì ở đâu cũng bị người khác chán ghét, xa lánh.
Nếu bạn muốn có thêm nhiều bạn bè thì trước tiên phải biết khoan dung độ lượng. Ai cũng yêu mến những người rộng lượng. Hãy thường xuyên nói tốt về người khác, không nên quá để ý đến những điểm xấu của họ. Đối với những người chỉ thích soi mói, luôn chế giễu, châm chọc khi người khác mắc sai lầm, bạn phải cực kì lưu ý vì họ đều rất nguy hiểm và không đáng tin cậy.
Những kẻ hay đố kị và coi thường người khác là những người có lòng dạ hẹp hòi. Họ không bao giờ thừa nhận điểm tốt của người khác. Cho dù có ai đó được mọi người hết lời ca ngợi thì người có lòng dạ hẹp hòi vẫn thể hiện sự hoài nghi hoặc tìm cách làm giảm danh tiếng của người đó. Người có tấm lòng khoan dung có thể nhìn thấy điểm tốt của người khác nhanh hơn điểm xấu. Ngược lại, người có lòng dạ hẹp hòi chỉ nhìn thấy khuyết điểm, sai sót của người khác.
Biện pháp thu hút bạn bè tốt nhất chính là thể hiện sự quan tâm và hứng thú của bạn đối với họ. Nhưng hành động của bạn phải tuyệt đối chân thành.
Nhiều người cả đời không kết thân được với ai, không có bạn bè, vì họ chỉ quan tâm tới bản thân, cho nên lâu dần đánh mất tình cảm và mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Có người ngay đến bản thân anh ta cũng không hiểu vì sao người khác lại không thích mình. Khi anh ta tới một buổi tiệc, ai nhìn thấy cũng đều lảng ra xa, vì thế trong lúc mọi người cười đùa nói chuyện, thì anh ta vẫn cô độc một mình. Anh ta cũng rất ít khi được mời tham gia các buổi tiệc, mà như một tảng băng trong đời sống xã hội không có bất kì lực hấp dẫn nào. Trong cuộc sống, những người như vậy không hiếm.
Anh ta không hiểu được rằng, chính tâm lý ích kỉ của anh ta mới là nguyên nhân. Anh ta luôn tính toán cho bản thân, chưa bao giờ chịu dành thời gian quan tâm tới người khác. Mỗi lần nói chuyện, anh ta đều tìm cách lái câu chuyện sang bản thân mình.
Một người luôn lạnh nhạt, chỉ biết toan tính cho mình, thì cả đời họ sẽ không có nổi một người bạn. Nhưng một khi anh ta thể hiện được sự quan tâm và hứng thú với người khác thì lập tức sẽ trở nên có “sức hút”. Một người biết lắng nghe sẽ giành được sự yêu mến của bạn bè nhiều hơn. Nếu thường xuyên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, biết suy nghĩ tới lợi ích của họ thì bạn chắc chắn sẽ nhận được tình cảm yêu mến của mọi người.
NGHIÊM KHẮC VỚI BẢN THÂN, RỘNG LƯỢNG VỚI NGƯỜI KHÁC
Khi kết bạn phải nghiêm khắc với bản thân nhưng rộng lượng, khoan dung với người khác. Nghiêm khắc với bản thân có nghĩa là yêu cầu bản thân làm gì cũng phải hạn chế tối đa sai sót. Rộng lượng với người khác nghĩa là bạn phải đối đãi với mọi người bằng thái độ hòa nhã, khoan dung độ lượng.
Con người ngày nay ngày càng chú trọng đến cá tính, tính hiếu thắng rất cao, làm việc gì cũng phải làm đến cùng, cho đến khi chiến thắng hoặc khẳng định được bản thân mới thôi, vì thế dễ làm tổn thương đến tình cảm của người khác. Đối với một số chuyện nhỏ, bạn hãy nhường nhịn bạn bè để giữ không khí vui vẻ. Nghĩ tới lòng tự trọng của bạn bè cũng là cách giúp bạn giành được nhiều thiện cảm của họ.
Muốn không gây tổn thương đến lòng tự trọng của bạn bè, bạn phải biết khống chế tâm lý hiếu thắng của bản thân. Bạn càng muốn thể hiện bản thân, muốn chơi trội, thì càng dễ đánh mất tình bạn, hơn thế còn làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ.
Một cán bộ về hưu nhân lúc rảnh rỗi bèn tới tìm người bạn rủ đánh cờ. Vừa bắt đầu chơi, ông đã tấn công ồ ạt, khiến cho bạn chống đỡ vô cùng căng thẳng. Hơn nữa, tự cho mình là cao thủ chơi cờ, ông ta cố ý để lộ một sơ hở, người bạn thấy thế liền lập tức tấn công, không ngờ bị ông ta liền ra đòn quyết định dồn thế cớ của bạn vào đường cùng, rồi đắc ý nói: “Anh chết chắc rồi.” Người bạn sa sầm nét mặt, sau lần đó, ông ta không còn cảm thấy vui vẻ gì nữa. Từ đó về sau, người này lại tới tìm bạn, nhưng người bạn tỏ ra lạnh nhạt, không muốn chơi cờ cùng ông ta nữa, nhưng ông không hiểu nguyên do vì sao. Đáng ra ban đầu đó chỉ là một ván cờ vui giữa hai người bạn, nhưng lại biến thành trận sát phạt căng thẳng, tuy thắng cờ nhưng lại mất đi một người bạn. Qua đó có thể thấy rằng, muốn kết giao bạn bè thì trước hết phải có lòng khoan dung, độ lượng và kiềm chế tính hiếu thắng của bản thân.
Không tôn trọng người khác thì sẽ không có bạn bè, cũng giống như không có nền móng thì chẳng thể xây được nhà. Vậy việc tôn trọng nên bắt đầu từ đâu? Các nhà tâm lý học nói rằng, tôn trọng chỉ được sinh ra trên nền tảng của lòng tự trọng.
Kết bạn với người khác cũng có nghĩa là kết bạn với chính mình. Tự trọng là đức tính tốt. Người tự trọng luôn biết quan tâm tới bản thân, điều này rất quan trọng trong giao tiếp và đối nhân xử thế. Nhưng tự trọng không phải là theo đuổi thành tích cá nhân, tự hài lòng với chính mình hay ích kỉ. Nếu không biết tự quý trọng bản thân, chúng ta sẽ vô tình tự biến mình thành kẻ tự ngược đãi bản thân. Tự trọng không phải coi mình là “tấm gương” để soi mình, càng không phải là thổi phồng bản thân. Tự trọng là biết yêu bản thân, thậm chí bằng lòng với những “khuyết điểm” của mình.
Vậy phải chăng người ta phải đợi cho đến khi có đủ lòng tự trọng mới có thể kết bạn? Hoàn toàn không phải. Hiểu được tình bạn, kết bạn với những người khiến ta phát huy được điểm mạnh, điểm tốt của mình, sẽ giúp ta nâng cao lòng tự trọng. Lòng tự trọng ấy lại khiến chúng ta thêm tự tin và can đảm để thể hiện tình cảm đối với bạn bè. Đây chính là quy luật vận động tuần hoàn không giới hạn, giống như sóng biển xô lên bờ cát rồi lại rút về biển cả vậy.
Khi có lòng tự trọng, ta sẽ biết tôn trọng bạn bè, đặc biệt khi hai phía bất đồng ý kiến. Giá trị của tình bạn hoàn toàn phụ thuộc vào sự tôn trọng lẫn nhau, không làm tổn thương đến cá tính của mỗi người.
Khi hai người phải cố gắng che giấu bản thân để duy trì hòa khí bên ngoài thì chỉ có hại chứ không có lợi cho đôi bên. “Hòa nhập nhưng không hòa tan” là nguyên tắc cần thiết cho tình bạn. Hai bên nên giữ cá tính của riêng mình thì mới có thể duy trì tình bạn lâu dài, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Đương nhiên, trong một vài trường hợp, để giúp bạn, chúng ta có thể hi sinh lợi ích cá nhân. Một tình bạn đúng nghĩa nên được xây dựng trên nền tảng hai bên đều không phải bóp méo bản thân, sống theo cách mà mình thích, đi con đường mình chọn và luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè trên con đường hướng tới tương lai, đó mới là tình bạn chân chính.
TRI KỈ KHÓ TÌM, NGƯỜI TÀI ĐÁNG QUÝ
Trong cuộc sống, có những đôi bạn thân nhau đến độ coi nhau như anh em ruột, gắn bó như chân tay. Nhưng chẳng bao lâu sau, hai người lại trở mặt thành kẻ thù, tìm cách để hạ bệ nhau. Bởi thế, người xưa mới kết đúc kinh nghiệm, tình bằng hữu giữa những người quân tử trong sạch, thanh đạm như nước, không giả tạo, phù phiếm, lợi dụng lẫn nhau. Mối giao tình này hoàn toàn ngược với kiểu “bạn nhậu”, bởi vì “bạn nhậu” xây dựng tình bạn dựa trên thú vui hưởng lạc về tiền bạc. Một khi tiền hết, thì tình bạn ấy cũng “tan đàn sẻ nghé”. Hơn nữa, trong quan hệ “bạn nhậu”, lúc bắt đầu ai cũng tính toán thiệt hơn cho mình, bỏ tiền ra là để toan tính đến những lợi ích sau này của bản thân.
Trung Quốc cổ đại lưu truyền rất nhiều câu chuyện về tình bạn tri kỉ cảm động lòng người. Tiêu biểu phải kể đến tình bạn giữa Tử Kì và Bá Nha thời Xuân Thu. Tương truyền, thời Xuân Thu có một người rất giỏi chơi đàn tên là Bá Nha, suốt ngày chơi đàn, nhưng không ai biết thưởng thức tiếng đàn của ông. Một hôm, Tử Kì nghe thấy tiếng đàn của Bá Nha, biết được chí của Bá Nha như núi cao, như nước cuốn và hai người trở thành bạn tri kỉ của nhau. Về sau, Tử Kì ốm bệnh mà qua đời, Bá Nha đã đập tan cây đàn yêu quý của mình, từ đó về sau không bao giờ đánh đàn nữa. Giai thoại về đôi bạn tri âm Tử Kì và Bá Nha được các văn nhân cổ đại Trung Quốc xem như một hình tượng mẫu mực tuyệt đẹp về tình bạn.
Tại sao con người lại coi trọng tình bạn, khao khát kiếm tìm tri kỉ đến vậy? Ở đây có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ tâm lý. Mỗi con người trong xã hội luôn cảm thấy cô đơn, yếu đuối, cần sự trợ giúp của thế giới bên ngoài, lúc hạnh phúc cần người chia sẻ, khi đau khổ cần người an ủi. Nguyên nhân thứ hai là về mặt xã hội học. Con người trong suốt cuộc đời có rất nhiều mối quan hệ với những người xung quanh, trước tiên là quan hệ cha mẹ, anh chị em, sau là quan hệ thầy cô, bạn bè. Cha mẹ và anh chị em là quan hệ huyết thống, không thay đổi được, nhưng quan hệ bạn bè lại là mối quan hệ có thể lựa chọn được. Đối tượng lựa chọn có thể là người tính tình hòa hợp hay trái ngược mình, bổ sung một mặt tính cách nào đó cho nhau.
“Tìm ra điểm chung, gác lại bất đồng” là thái độ và tâm lý mà con người ngày nay cần có trong giao tiếp. Nhưng, khi mối quan hệ giữa hai người trở nên quá thân thiết, lại dễ bộc lộ ra nhiều tính cách không hợp nhau, có khi còn nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Điều này thể hiện rất rõ trong quan hệ hôn nhân. Để tránh hiện tượng này, về mặt tâm lý mỗi người phải duy trì khoảng cách nhất định, về mặt kinh tế phải duy trì sự độc lập tương đối, về hành vi cũng phải cố gắng tránh tình trạng gắn bó với nhau như hình với bóng. Như vậy sẽ giúp bạn tránh được những bi kịch trong giao tiếp như “vui quá hóa buồn”, hoài nghi, chán ghét tình bạn chỉ vì sự đổ vỡ tình cảm cá nhân. Hi vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn. Nếu ban đầu chúng ta không gửi gắm quá nhiều hi vọng ở người khác thì sẽ không có thất vọng về sau. Đó chính là biểu hiện của sự “nhạt” trong mối quan hệ tình cảm bạn bè.
Quan hệ bạn bè của con người ngày nay vừa chú trọng đến sự hòa hợp về tâm hồn, hợp nhau về ý chí, đồng thời không tách rời khỏi sự giúp nhau về mặt kinh tế. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, bạn càng phải ghi nhớ, trong giao tiếp nên giữ một mức độ độc lập nhất định giữa tâm lý bên trong với cuộc sống bên ngoài, lựa chọn thái độ giao tiếp thành thật, nhân từ, bao dung, như vậy mới không gây ra bi kịch cho bản thân.
TÌM RA ĐIỂM CHUNG
Điều quan trọng trong kết giao bạn bè chính là cùng chung chí hướng. Nếu không cùng chung tiếng nói và mục tiêu, thì hoàn toàn không thể làm bạn với nhau. Vậy làm thế nào để những người xa lạ trở thành bạn bè của nhau? Đạo lý này được nhắc đến trong câu: “Không cùng chí hướng khó thành bạn bè”. Mọi sự vật, hiện tượng đều có đặc điểm riêng. Con người là thực thể rất phức tạp nên cũng không ngoại lệ. Anh em ruột thịt hay chị em sinh đôi cũng như quả trên cùng một cây, nhưng giữa họ vẫn tồn tại sự khác biệt rất lớn về tính cách, nếp sống, tâm lý, tố chất… mà ngay cả bố mẹ đẻ cũng không ngờ tới.
Tuổi tác, sự hiểu biết và trải nghiệm cũng là văn hóa, là một hình thức tu dưỡng là kiến thức thức sống của triết lý nhân sinh. Vì thế, người lớn tuổi hơn bao giờ cũng hiểu biết nhiều hơn, nên người nhỏ tuổi có thể học hỏi, xin chỉ bảo. Huống hồ, người lớn tuổi cả đời đam mê theo đuổi việc học tập, không ngừng tích lũy kiến thức, học thức uyên bác sự nghiệp thành công. Người trẻ rất cần những người thầy, người bạn như thế. Tương tự, thế hệ trẻ là những người phấn đấu, tràn đầy nhiệt huyết, tư tưởng nhạy bén, tích cực phấn đấu, thế hệ cao tuổi cũng cần những người bạn như vậy để giúp họ có thêm nhiệt huyết tuổi trẻ.
Kết giao với một người bạn tốt giống như đọc một cuốn sách hay, chơi với một người bạn có học thức và tài năng vượt trội, bạn sẽ sớm trưởng thành. Chênh lệch về tuổi tác hay khác biệt về tâm sinh lý, đều không phải là những trở ngại trong việc kết bạn của chúng ta.
BỐN NGUYÊN TẮC KẾT BẠN
Kết giao bạn bè không nên chỉ chơi với một vài kiểu người, đối với bạn bè ở các tầng lớp khác nhau cũng nên có những cách kết giao khác nhau. Nhưng bạn bè là một mối quan hệ đặc biệt của con người mang nội hàm ý nghĩa nhất định, nên chúng ta không thể tùy tiện gọi một ai đó là “bạn”. Kết bạn tuy có nhiều hình thức khác nhau, nhưng cũng có một số đặc điểm chung được xem như nguyên tắc cơ bản trong việc kết giao.
1. Không nên câu nệ
Người ta thường nói: “Con vật sống có bầy đàn, con người sống có đồng loại.” Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, tính khái quát của câu này rất cao. Nghĩa là những người có cùng sở thích, tính cách hay có cùng chí hướng, cùng quê quán hoặc có thái độ đối nhân xử thế giống nhau thì có thể trở thành bạn.
Những người có điểm chung thì khả năng trở thành bạn sẽ cao hơn, nhưng nếu bạn muốn mở rộng hiểu biết hay khám phá những điều mới lạ thì kết bạn với những người có tính cách, sở thích, kinh nghiệm sống trái ngược cũng không phải là không tốt. Giao lưu với người có quan điểm, suy nghĩ và cảm nhận khác với mình sẽ làm tăng thêm hiểu biết của bản thân về thế giới xung quanh.
Không để quan niệm “con vật sống có bầy đàn, con người sống có đồng loại” hạn chế khả năng kết bạn của chúng ta, hãy mở rộng phạm vi lựa chọn bạn bè, như vậy sẽ có lợi cho việc nâng cao chất lượng kết bạn.
2. Xây dựng quan hệ bạn bè trong giao tiếp
Có người vì ít bạn, không có ai trò chuyện mà cảm thấy cô độc, hoặc lo lắng vì mình ít bạn nên sợ người khác hiểu lầm là người khó gần, nhưng có người cho rằng bạn bè là một thứ “tài sản” nên muốn kết bạn rộng rãi. Vì những lý do trên, một số người “ra sức” kết bạn, vì mục đích ấy thì chất lượng tình bạn đáng để người ta phải nghi ngờ. Kiểu kết bạn này trên thực tế đã làm méo mó ý nghĩa của hai từ “tình bạn”.
Quan niệm kết bạn chân chính dựa trên mối quan hệ bạn bè được xây dựng trong quá trình giao tiếp. Chỉ có qua quá trình giao tiếp thường xuyên, đôi bên mới có thể tăng cường hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau. Cùng với quá trình gặp gỡ trao đổi, theo thời gian hai bên sẽ trở nên gần gũi thân thiết. Ngược lại, nếu chỉ gặp gỡ đôi ba lần, chưa hiểu rõ về đối phương mà đã trở thành “bạn”, thì điều này quá dễ dãi. Tô Thức trong bài “Vong thê Vương Thị mộ chí minh” viết rằng: “Trong giao tiếp, người mà lúc đầu đã tỏ ra vồn vã, niềm nở quá mức, thì sau này họ lạnh nhạt cũng rất nhanh”.
3. Bạn bè quý ở chỗ tốt chứ không phải nhiều
Trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều đối tượng có thể trở thành bạn. Trong đó, có người thực sự trở thành bạn, có người chỉ gặp gỡ một lần trong đời. Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân chủ yếu trong quá trình kết bạn, hoặc là bạn đón nhận bạn bè một cách bị động, không từ chối, càng nhiều càng tốt, hoặc là chủ động làm quen, không phân biệt người tốt kẻ xấu, chấp nhận tất cả làm bạn.
Một trong những chiến lược quan trọng trong việc kết bạn chính là biết cách “chọn lựa kĩ càng”, chọn người chân thành, có tấm lòng độ lượng để làm bạn.
Những người có học vấn uyên bác có thể giúp đỡ, tương trợ bạn trong công việc, nhưng cần phải “lọc” bỏ những người chỉ biết tư lợi cá nhân, kết bạn với mình chỉ vì quyền thế, lợi ích.
Bạn bè trọng quý ở chỗ tốt chứ không cần nhiều. Người bạn chân chính cũng giống như một cuốn sách quý được tinh lọc, tuyển chọn từ hàng vạn cuốn sách khác, khiến người đời đọc mãi không biết chán, mỗi lần đọc lại là một lần khám phá thêm được nhiều điều hay.
4. Kịp thời “hâm nóng” hoặc “giảm nhiệt”
Trong quá trình giao tiếp, chúng ta thường gặp tình huống: có người tuy mới gặp mặt lần đầu nhưng đã có cảm giác thân thiết, chỉ tiếc là không quen biết sớm hơn; có người tuy thời gian quen biết đã lâu, nhưng dần dần lại phát hiện ra rằng, người này không thể làm bạn thâm giao. Vì thế, để giải quyết vấn đề này, bạn phải dùng đến phương pháp “hâm nóng” hoặc “giảm nhiệt” để điều chỉnh mối quan hệ giữa đôi bên kịp thời, đây là chiến lược được sử dụng thường xuyên trong quá trình giao tiếp.
Đối với người mới gặp mà đã thấy thân, bạn cần chủ động xích lại gần bằng cách tìm mọi cơ hội để trò chuyện, tham gia một số hoạt động cùng người bạn đó, giúp cho quan hệ hai người có thể trở thành bạn bè. Ngược lại, một khi phát hiện người bạn từ trước tới nay của mình có thể là kẻ tiểu nhân hám lợi, tính toán thiệt hơn, kết giao chỉ vì lợi ích nào đó, thì cách tốt nhất ở đây là áp dụng biện pháp từng bước “giảm nhiệt”. Ví dụ bạn có thể tìm cớ từ chối những lời mời của họ, vờ “quên mất” một vài sự kiện trọng đại đối với họ hoặc “không làm được” với việc mà họ nhờ vả.
NĂM QUY TẮC TRONG GIAO LƯU BẠN BÈ
1. Không tạo gánh nặng cho bạn bè
“Tôi là sinh viên nghèo, nên thường xuyên phải để người bạn ở cùng mời tôi ăn cơm”, “Bởi vì cô ấy sống một mình, nên lần nào không bắt kịp xe buýt về nhà, tôi đều đến chỗ cô ấy.”
Một khi những lời nói này trở thành thói quen mà bạn nói ra không cần đắn đo suy nghĩ, thì chẳng phải bạn đã tạo ra gánh nặng cho đối phương rồi sao? Tuy đối phương ban đầu xuất phát từ lòng tốt, nhưng nếu chuyện như thế cứ tái diễn hết lần này tới lần khác thì chắc chắn họ cũng sẽ thấy phiền phức mà muốn tránh xa bạn.
Nền tảng của kết giao bạn bè dựa trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Nếu bạn đã vượt qua giới hạn này thì hãy xin lỗi đối phương trước và thể hiện lòng cảm kích với họ. Phải chú ý luôn duy trì một trạng thái cân bằng, nếu bạn quá cao ngạo, tình bạn sẽ khó duy trì được lâu dài.
2. Không nên quá dựa dẫm vào bạn bè
Khi buồn về chuyện công việc, về tương lai hay gặp vướng mắc trong chuyện tình cảm, bạn sẽ tìm ai tâm sự? Nếu so với cha mẹ, anh chị em, thì bạn thân có phải là phương án lựa chọn tốt nhất của bạn?
Chúng ta thường trò chuyện, tâm sự với bạn bè cùng trang lứa, những người có chung quan niệm về giá trị thì sẽ dễ hơn là trò chuyện với người thân. Nói với cha mẹ dễ phản đối, nhưng nếu tâm sự với bạn bè, chúng ta dễ nhận được sự chia sẻ, đồng cảm cùng với những ý kiến, lời khuyên khách quan của họ. Tuy nhiên, bạn đừng quên rằng, bạn bè cũng giống như chúng ta, họ cũng có rất nhiều việc phải làm, bất luận họ giàu có hay không, thời gian nhiều hay ít, thì việc nghe bạn tâm sự cũng đem đến bất tiện nhất định cho họ. Khi bạn có chuyện buồn, có thể tâm sự với bạn bè, nghe góp ý của họ, đó hoàn toàn là một việc tốt. Nhưng cuối cùng bản thân bạn vẫn phải tự đưa ra quyết định. Bạn nhất định phải ghi nhớ: Không được chất quá nhiều gánh nặng lên vai bạn bè. Nếu chỉ nghĩ “đã là bạn bè phải có trách nhiệm giúp đỡ nhau” thì chính là bắt bạn bè gánh trách nhiệm quá nặng nề. Càng là bạn thân thì càng phải đứng trên lập trường của bạn để xem xét vấn đề.
3. Không nên vay mượn tiền nong
Nếu để xảy ra khúc mắc liên quan đến tiền bạc thì dễ dẫn tới nguy cơ chấm dứt quan hệ bạn bè. Sở dĩ nói như vậy bởi vì trong xã hội có ba việc khiến tình bạn tan vỡ: một là nói xấu bạn với người khác hai là lấy người yêu của bạn ba là mượn tiền của bạn mà không trả.
Đã là bạn bè thì khi bạn mình gặp khó khăn, mình giúp đỡ là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu có liên quan đến tiền bạc, tốt nhất bạn nên suy nghĩ cho kĩ. Vì sao? Đứng trước đồng tiền, quan hệ giữa con người với nhau trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Bản thân người cho vay tiền cũng cần suy nghĩ, liệu sau nay bạn không trả được nợ thì chẳng lẽ lại kiện ra tòa?
Khi cho bạn bè vay tiền, hãy nghĩ rằng khoản tiền này coi như tặng cho người đó, sẽ không đòi lại. Nếu bạn bè muốn vay nhiều tiền thì nên hỏi rõ lý do, nếu thẻ tín dụng của bạn không đủ thì bạn nên khéo léo từ chối.
Ngoài ra, khi mượn tiền của bạn phải chú ý, nếu không trả được nợ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ lâu dài sau này. Ngay cả khi số tiền không nhiều, bạn cũng phải tôn trọng giao ước, cố gắng trả đúng thời hạn. Nếu có thể, hãy viết một bản giao ước hoặc giấy vay nợ để hai bên giữ thì sẽ thỏa đáng hơn.
4. Nghĩ cho bạn trước
Khi mọi người đang sôi nổi bàn luận về đề tài ai cũng quan tâm, bỗng nhiên ai đó lại chuyển sang kể chuyện riêng của mình, như vậy không những không gây được sự chú ý mà còn khiến mọi người thấy phản cảm.
Một buổi tối, một nhóm bạn vốn chơi rất thân với nhau cùng tụ tập ăn uống. Trong đó có một nhân viên đang làm cho một nhà xuất bản nổi tiếng, sếp của anh - tổng biên tập của nhà xuất bản, nhân viên phát hành sách, một nhà văn thường xuyên cộng tác với nhà xuất bản và một nhà bình luận. Khi mọi người đang nói chuyện vui vẻ, nhân viên phát hành sách bỗng nhiên nói: “Chúng ta có thể đổi sang đề tài khác được không?” Yêu cầu này thực sự không hợp với bầu không khí lúc đó, bởi hôm đó chỉ là buổi mọi người gặp gỡ vui vẻ, không vì một mục đích đặc biệt nào khác. Chính giây phút anh ta đưa ra yêu cầu đó, mọi người lập tức im lặng. Cuộc gặp gỡ hôm đó nhanh chóng kết thúc trong bầu không khí buồn tẻ.
Quan hệ giao tiếp được duy trì dựa trên sự bao dung và thông cảm lẫn nhau. Nếu chỉ biết đứng trên lập trường của mình sẽ phá hỏng quan hệ của đôi bên. Trong giao tiếp, phải ưu tiên cho lập trường của bạn bè, lựa theo tâm trạng của mọi người và không khí lúc đó để ứng xử cho hợp lý, như thế mới không làm mất hứng của người khác.
Kết giao bạn bè vốn là một việc tốt, nhưng nếu chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân thì không thể coi đó là quan hệ bạn bè. Muốn xây dựng mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp, có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho cả đôi bên thì bạn phải gạt bỏ sự ích kỉ đó.
Với bạn bè, không nên để đối phương có cảm giác bạn muốn lợi dụng họ để mưu lợi cá nhân.
5. Đừng chỉ biết ăn mà không biết trả tiền
Bạn bè chơi với nhau không thể tránh chuyện ăn uống vui chơi. Điều này không có gì là không tốt cả, chỉ là chi phí cuối cùng sẽ do ai chi trả, đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Một anh chàng nọ cứ bạn bè rủ đi ăn uống, tụ tập luôn giành quyền dẫn mọi người tới quán này quán nọ, nhưng từ xưa đến nay chưa bao giờ là người trả tiền. Mặc dù vậy, anh ta vẫn không ngại ngùng cầm thực đơn lên chọn món, rượu uống nhiều hơn người khác mấy lần. Mọi người đều biết anh là người không có thu nhập ổn định và rất tính toán chuyện tiền nong.
Loại người này thực chất là cao thủ kiếm chác của người khác, ngay từ đầu anh ta đã không có ý định trả tiền. Bạn bè nghĩ rằng thu nhập của anh ta không ổn định, nên đều nhắm mắt cho qua, không so đo. Một lần vô tình bàn đến chuyện thu nhập, mọi người mới phát hiện ra rằng tuy thu nhập của anh ta không ổn định nhưng thu nhập hàng tháng cũng gấp mấy lần những người làm công ăn lương bình thường. Khi nói ra điều này, anh ta vẫn thản nhiên như chưa hề có chuyện gì xảy ra, mọi người không thể thốt lên lời. Tuy không ai tỏ thái độ ra mặt, cũng không nhắc tới những nợ nần trước đây, nhưng đến lúc này thì mọi người đã nhận ra bộ mặt thật của anh ta.
Thỉnh thoảng bạn bè mời mình ăn cơm vốn chẳng phải chuyện gì to tát. Nhưng được mời ba lần thì chí ít bạn cũng nên mời lại bạn một lần, đó là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp.
Một số người hay cố ý uống đến say mềm để không phải trả tiền. Nhưng cho dù uống say đến mức không còn biết gì đi chăng nữa thì mọi hành động của bạn đều được cho là thể hiện bản tính. Nếu muốn được mọi người yêu mến thì không nên có thói quen ăn không trả tiền.
THẲNG THẮN LÀ CÁCH THỂ HIỆN LÒNG CHÂN THÀNH
Một cô gái chỉ vì hai chữ này (thành thật) mà sẵn sàng cắt đứt tình cảm sâu đậm với người yêu mà mình đã trao gửi không chút luyến tiếc, chắc hẳn đó là điều khổ tâm.
Nếu bạn không đủ chân thành, người khác sẽ xem bạn như ẩn số trong mắt họ, họ không thể gửi gắm tình cảm ở nơi bạn. Không chỉ trong quan hệ tình yêu nam nữ mới như vậy, mà ngay cả trong quan hệ bạn bè cũng cần biết đối phương có thực sự chân thành hay không.
Một người tâm sự: “Nhiều năm sau khi kết hôn, vợ tôi nói với tôi rằng điều khiến cô ấy quyết định kết hôn với tôi vì cô ấy cảm thấy tôi rất chân thành, đáng tin cậy. Tôi nhớ lại ngày đầu tiên gặp cô ấy, khi ấy tôi đã thật thà kể hết về những người bạn gái cũ và mọi chuyện lớn nhỏ của đời mình. Tôi làm như vậy là để cô ấy có thể tự mình lựa chọn và đưa ra quyết định có muốn làm bạn với tôi hay không”.
Một số người trẻ tuổi sẽ đặt câu hỏi, liệu có nên nói hết quá khứ của mình không? Có nhiều chuyên gia cũng khuyên rằng, nếu không nhất thiết phải nói thì đừng nói, tránh làm đổ vỡ tình cảm. Nhưng có người lại nghĩ khác, bất kì chuyện gì cũng đều có tính hai mặt, chỉ là bạn có biết vận dụng hay không thôi. Nếu ngay từ đầu bạn thành thật kể chuyện quá khứ với bạn gái, để cho đối phương có quyền lựa chọn thì quyết định của cô ấy khi đó là sự lựa chọn của lý trí, nếu thực sự yêu bạn thì cô ấy sẽ không thay đổi, ngược lại có khi vì sự thẳng thắn của bạn mà cảm thấy bạn đáng tin cậy hơn.
Một số chàng trai cố che giấu quá khứ của mình, đến khi tình cảm đôi bên đã trở nên sâu đậm lại sơ suất để đối phương phát hiện ra. Họ đã không cho cô gái có quyền lựa chọn, làm cho người yêu có cảm giác mình bị lừa gạt, tình cảm tự nhiên khó lòng hòa hợp lại như cũ.
Nhiều người đã thành thật kể chuyện riêng tư của mình khi kết giao bạn bè, điều đó làm cho tình cảm đôi bên cân bằng hơn. Hai người là bạn học nhưng không thân thiết lắm, bỗng nhiên một người tâm sự với người kia chuyện không vui của gia đình mình, từ đó hai người có một bí mật chung và trở thành bạn thân. Một nữ trưởng phòng thường ngày lạnh lùng, kiêu ngạo, một hôm tâm trạng trống rỗng nên đã đem chuyện không vui của mình tâm sự với một đồng nghiệp khác, khiến cho người đồng nghiệp nọ vốn kính trọng nhưng có phần e dè cô bỗng cảm thấy cô trở nên thân thiết. Chính sự cởi mở, thẳng thắn của cô đã đưa hai người đứng vào vị trí ngang bằng rồi trở thành bạn bè của nhau.
Thẳng thắn bộc bạch chuyện riêng tư cũng như khuyết điểm của mình sẽ giúp bạn dễ dàng cân bằng được tình cảm, khiến cho người nghe cảm nhận được sự tin tưởng của bạn dành cho họ và họ tự nhiên cũng sẽ tin tưởng với bạn. Đương nhiên, sự thành thật này cần có một tiền đề là bản chất trung thực, thật thà của đối phương, nếu không, chuyện riêng của bạn ngay ngày hôm sau sẽ lan truyền đi khắp nơi.
THẢ SỢI DÂY DÀI ĐỂ CÂU CON CÁ LỚN
“Bợ đỡ” là chuyện xưa nay vẫn khó cắt nghĩa rõ ràng.
Hôm nay bạn là trưởng phòng, mọi người đều vây quanh bạn, ngày mai bạn nghỉ việc ra làm ăn kinh doanh, rời xa chốn “quan trường”, đồng nghiệp cũ gặp bạn trên đường đều giả vờ như không quen biết. Đám người nịnh bợ trước đây cảm thấy bạn bây giờ không có giá trị kết giao, nói chính xác hơn là không còn giá trị lợi dụng. Họ không thể ngờ rằng, vài năm sau chuyện kinh doanh của bạn trở nên thuận lợi, bạn trở thành người giàu có nhờ tài năng, phẩm chất đạo đức của mình. Lúc này, nếu gặp lại bạn, họ sẽ vồn vã niềm nở như trước đây, đại để sẽ nói: “Trước đây tôi đã thấy năng lực của anh mà làm trưởng phòng thì quả là lãng phí nhân tài, thế nào, tôi nói trúng rồi chứ?”.
Câu chuyện này có ý nghĩa tương tự như chuyện lên chùa thắp hương. Người thường đều muốn đến ngôi chùa đông khách thập phương qua lại, còn những ngôi chùa vắng vẻ thường không mấy ai đoái hoài tới, cho dù thần linh của ngôi chùa này có thần thông quảng đại thì người ta vẫn chỉ tin vào nhận định của số đông. Đương nhiên, xu nịnh người quyền thế là không tốt, sẽ dần làm mất đi nhân cách của mình. Hơn nữa, người ta vẫn nói, thần thánh dù có linh thiêng đến đâu cũng phải quan tâm tới tất cả các tín đồ, phúc ấm sẽ được chia nhỏ cho tất cả mọi người, như thế lại chẳng bằng bạn tới cầu khấn ở ngôi chùa vắng.
Phân tích sâu hơn, ngôi chùa mà bạn cho là đông đúc linh thiêng kia chưa hẳn có thể thỏa mãn được tham vọng của bạn. Theo ý này, tình thân cũng có lúc không đáng tin, nói như thế không có nghĩa phủ định tình thân, mà là người thân cũng có thể vì danh lợi mà trở mặt. Muốn tìm được chỗ đứng trong xã hội thì bạn tuyệt đối không nên có suy nghĩ dựa dẫm vào người có quyền có thế. Chưa biết chừng, khi ấy bạn đã tự cho mình một viên đạn lạc đường. Nếu bình thường bạn không có suy nghĩ này thì cuộc sống vẫn phân chia công bằng cho từng người thông qua lao động, không có ai phải phiền muộn cả.
Hơn nữa, con người thường có tính “thường ngày không thắp hương, gặp chuyện ôm chân Phật”. Các vị thần linh đều trở thành công cụ lợi dụng, điều này thực khó chấp nhận. Trong lòng bạn có thể không có sự tồn tại của chùa thiêng, chùa đông, mà chỉ đến khi có việc xảy ra mới nghĩ tới giá trị và ý nghĩa của đền chùa. Thực ra, lễ bái chỉ là một hình thức tín ngưỡng, tín ngưỡng này được tích lũy dần qua năm tháng, không phải sự chân thành chỉ bằng hình thức. Nhìn ở góc độ này, bạn nên tìm cho mình một ngôi chùa vắng, chăm lo đèn nhang cho ngôi chùa đó.
Đối với người lãnh đạo, bất kì vị cấp trên nào cũng cần phải quan tâm. Đối với một nhân viên, bất cứ lúc nào cũng không được tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với lãnh đạo của mình. Thông thường, thành công luôn là hệ quả tất yếu của một quá trình đầu tư tích lũy. Vì thế với “chùa vắng” hay “chùa đông”, bạn nhất thiết phải cân nhắc thiệt hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn là thành tâm thì mới ứng nghiệm.
ĐỪNG ĐỂ TIỀN BẠC ĂN MÒN TÌNH BẠN
“Đại gia” ngày nay đã không còn là nhà tư bản như trước kia, về cơ bản đã có sự thay đổi.
(1) Họ đều là chủ doanh nghiệp tư nhân, sản phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh có tác dụng “bổ khuyết” cho kinh tế nhà nước. Hơn nữa có nhiều doanh nghiệp trở thành đơn vị lớn đóng góp cho ngân sách thuế của nhà nước, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế thị trường.
(2) Họ đều là những người giàu lên đầu tiên trong xã hội, nhận được sự tuyên dương và khuyến khích từ chính sách của nhà nước.
(3) Hầu hết họ đều xuất thân từ công nhân và nông dân, cũng có những phần tử tri thức bỏ nhà nước ra làm ngoài, bản thân là một thành viên trong quần chúng nhân dân.
Do đó, người lãnh đạo phải biết coi trọng việc kết giao với họ. Về mặt chính sách, phải thể hiện sự tin tưởng đối với họ, trong công việc nên mạnh dạn ủng hộ, khích lệ, dẫn dắt họ đi theo đường lối chính xác, thường xuyên trao đổi thông tin. Đồng thời, người lãnh đạo phải luôn luôn đúc rút và học hỏi kinh nghiệm từ họ, kêu gọi họ dẫn dắt những người xung quanh làm giàu, chủ động tạo điều kiện và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho họ kinh doanh, hướng họ đi theo con đường sản xuất và kinh doanh hợp pháp.
TIN TƯỞNG BẠN BÈ
Đối diện với kẻ ác, bạn hoàn toàn có thể quyết ăn miếng trả miếng. Nhưng đối với người hiền lành trung hậu liệu bạn có nhẫn tâm lớn tiếng, nhục mạ họ không?.
Có người nói: “Tôi không sợ người ta lợi dụng hay tìm mọi cách lừa tiền của tôi, tôi chỉ sợ người khác đối xử quá tốt khiến tôi có cảm giác như mình nợ họ rất nhiều thứ.”
Quả thực, nỗi buồn lớn nhất của người dân đô thị, trong đó có cả nhân viên văn phòng, là nhịp sống quá gấp gáp, ai cũng lo nghĩ vì bản thân nên tự biến mình thành cô lập, không có thời gian xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Oái oăm hơn nữa là, ngay cả sự quan tâm và lòng tốt của người khác cũng bị coi là giả tạo, họ cho rằng tình cảm giữa người với người chỉ đơn thuần dựa trên lợi ích mà thôi, không ai đối tốt với mình vô điều kiện, trừ khi họ đang có âm mưu hay ý đồ nào khác. Chính điều này làm cho mọi người càng cẩn thận đề phòng. Chính vì bị những suy nghĩ này ám ảnh, nhiều người đã chọn cách luôn giữ một khoảng cách nhất định trong các mối quan hệ, không muốn đối phương coi mình như tri kỉ, càng không muốn nhận quá nhiều ân huệ từ đối phương, để tránh phiền phức sau này.
Nếu những giá trị thuộc về tinh thần như tình cảm hay tình yêu mà bạn cũng bấm máy tính để tính xem nó đáng giá bao nhiêu, có lợi lộc gì hay không, có đáng để dành thời gian và công sức vào đó không, thì có lẽ bạn đang tự coi mình là một kẻ quá tầm thường.
Một người mất đi niềm tin với người khác là do anh ta thiếu tự tin, luôn cho rằng phía sau nụ cười là bộ mặt nham hiểm độc ác. Cũng có thể vì anh ta quen tính toán so đo với người khác, bản thân cũng không đủ chân thành, ngay thẳng, nên chỉ sợ nỗi lo của mình thành sự thật, nếu không đề phòng thì người chịu thiệt về sau sẽ là chính mình. Con người nếu rơi vào tình cảnh như vậy sẽ giống như “chim sợ cành cong”. Nếu bạn chọn vai diễn là kẻ bị hại, thì thực ra là tự bạn đang tạo áp lực cho chính mình. Bạn nghĩ người khác đều là hóa thân của ác quỷ, nhưng khắc tinh thực sự của bạn lại là chính bạn.
Hãy thử tin tưởng bạn của mình, cho dù điều đó có mạo hiểm. Nếu ai đó muốn bán đứng bạn, họ cũng chỉ có cơ hội một lần mà thôi. Nhưng, nếu đối phương cảm động trước tấm chân tình của bạn thì họ sẽ càng quý mến bạn hơn, hai người từ đó trở thành bạn tốt của nhau, đây chẳng phải là món quà đáng quý nhất của cuộc sống hay sao?