Vào năm 480 trước Công nguyên, Xerxes dẫn quân Ba Tư tiến vào đất Hy Lạp. Và trận đánh tại ngọn đèo Thermopylae đã trở thành một trong những trận đánh lớn của thời đại. Mặc dù bị thua trong trận đánh này nhưng tinh thần dũng cảm của những người lính Sparta đã trở thành tiền đề cho cuộc chiến vĩ đại của người Hy Lạp chống lại quân xâm lược Ba Tư về sau. Kể từ đó, cái tên Sparta luôn được gắn liền với sự anh dũng.
Vào năm 480 trước Công nguyên, cả đất nước Hy Lạp lâm vào tình thế nguy cấp. Đạo quân Ba Tư hùng mạnh do vua Xerxes dẫn đầu đang ồ ạt tiến về phía biên giới. Xerxes đã gửi sứ giả đi khắp nơi yêu cầu các lãnh chúa phải giao nộp đất đai cho hắn. Tuy nhiên, các lãnh chúa đã kiên quyết từ chối và kêu gọi dân chúng đứng lên chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược.
Quân Ba Tư muốn tiến vào Hy Lạp phải đi qua một con đường duy nhất nằm giữa núi và biển. Con đường đèo đó tên là Thermopylae - nghĩa là “Cánh cổng nóng” - vì ngay gần đó có một suối nước nóng.
Ngọn đèo này được Leonidas - vua xứ Sparta - trấn giữ. Quân đội của Leonidas chỉ có vỏn vẹn vài ngàn lính. Thế nhưng, những người lính Sparta vẫn rất can đảm, không hề nao núng trước đạo quân đông đảo của kẻ thù. Họ dàn quân tại phần hẹp nhất của ngọn đèo để đón quân xâm lược.
Đợt tấn công đầu tiên của quân Ba Tư bắt đầu từ lúc bình minh. Những người lính Sparta làm nhiệm vụ do thám báo về rằng kẻ thù rất đông và số mũi tên mà chúng mang theo có thể che kín cả mặt trời.
- Thế thì càng hay. - Leonidas đáp. - Chúng ta sẽ có lợi thế khi chiến đấu trong bóng tối.
Trận mưa cung tên của quân đội Ba Tư chĩa thẳng vào những người lính Spartan. Nhưng những chiếc khiên vững chắc cùng những ngọn giáo đã giúp người Spartan giữ vững trận địa. Quân Ba Tư liên tục tấn công nhưng hết lần này đến lần khác, họ đều thất bại. Cuối cùng, Xerxes phái đội quân tinh nhuệ nhất của mình là Ten Thousand Immortals ra trận. Nhưng một lần nữa, đội quân tinh nhuệ này cũng không thể chiến thắng những người Hy Lạp kiên trung.
Sau hai ngày chiến đấu, Leonidas vẫn phòng thủ vững chắc ngọn đèo Thermopylae. Nhưng vào đêm hôm đó, một người Hy Lạp rất am hiểu địa hình được dẫn đến doanh trại Ba Tư. Hắn cho biết ngọn đèo Thermopylae không phải là con đường duy nhất để tiến vào Hy Lạp. Có một đường mòn vòng qua ngọn đèo ôm lấy sườn núi dẫn vào Hy Lạp. Nơi ấy chỉ có một toán lính Sparta trấn giữ. Vậy là quân Ba Tư có thể dễ dàng đi đường vòng và tấn công người Sparta từ phía sau.
Mưu kế xảo trá đó rất hiệu nghiệm. Lính gác tại con đường mòn hết sức bất ngờ khi bị đánh úp. Một vài người cố gắng chạy tháo thân về báo tin cho vua Leonidas biết.
Vua Leonidas biết nếu không rời bỏ ngọn đồi lúc này thì cả đội quân của ông sẽ bị bao vây và tiêu diệt. Nhưng ông cũng đồng thời hiểu rằng ông cần phải giữ chân Xerxes lâu hơn để thành Hy Lạp kịp phòng thủ. Cân nhắc kỹ lưỡng, Leonidas đưa ra quyết định cuối cùng. Ông ra lệnh cho phần lớn binh sĩ của mình vượt qua núi tiến về thành để hỗ trợ cho đội quân đang tổ chức chiến đấu tại đây. Leonidas chỉ giữ lại ba trăm lính hoàng gia Sparta tử thủ tại ngọn đèo Thermopylae.
Xerxes và quân đội của mình tiến lên. Leonidas và những người lính hoàng gia Sparta hiên ngang chiến đấu. Khi những chiếc giáo của họ bị gãy, tất cả sát cánh cùng nhau chống trả bằng gươm, dao găm, và cuối cùng là bằng những nắm đấm. Họ đã giữ chân quân đội Ba Tư tại ngọn đèo Thermopylae suốt một ngày dài. Khi mặt trời lặn, không còn một người lính Spartan nào sống sót. Doanh trại của họ lúc bấy giờ chỉ còn là một bãi chiến trường loang lổ máu và ngổn ngang xác người.
Xerxes đã vượt qua được ngọn đèo nhưng số lính thương vong cũng lên đến hàng ngàn người trong khi kế hoạch tấn công đã bị chậm trễ. Thời gian đã không ủng hộ Xerxes. Quân đội Hy Lạp đã tập hợp được lực lượng và sẵn sàng chiến đấu. Chẳng bao lâu sau, quân đội của Xerxes bị quân Hy Lạp đánh bại.
Nhiều năm sau, một tượng đài được dựng lên tại ngọn đèo Thermopylae để tưởng nhớ những người lính Spartan dũng cảm đã hy sinh bảo vệ đất nước.
“Hãy dừng chân trước khi tiếp tục cuộc hành trình.
Để nghe câu chuyện về những chiến binh Sparta tử thủ.
Họ đã chiến đấu, và đã hy sinh.”