Một năm trước, George đã mất một quả thận vì ung thư. Từ phòng phẫu thuật bước ra, các bác sĩ thông báo anh đã hoàn toàn sạch bệnh. Họ thường tuyên bố một câu trứ danh “Chúng tôi đã cắt bỏ hết khối u đi rồi” để gieo vào lòng bệnh nhân niềm hy vọng và lạc quan. Tất nhiên, câu nói đó có ý nghĩa lớn lao đối với anh ấy vì cuối cùng thì họ cũng đã loại bỏ được khối u đó, cùng với cả một quả thận. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau quả thận thứ hai của anh cũng bắt đầu ngập tế bào ung thư, và lời khuyên có lý duy nhất của họ là hãy lo liệu chuyện riêng của mình đi.
May mắn làm sao, George đã không chết. Hoàn toàn không cam chịu bản án tử hình mà các bác sĩ đã tuyên, George cảm thấy hẳn là mình có thể làm được điều gì đó khác, ít nhất là kéo dài cuộc sống thêm vài tháng nữa. Chỉ trong ba tuần xử lý nguyên nhân gốc rễ gây ra căn bệnh của mình, khối u đã giảm xuống chỉ còn một đốm li ti, và sáu tháng sau, đợt kiểm tra kỹ tiếp theo ở bệnh viện ung thư Đức ấy cho thấy căn bệnh ung thư chết người đó đã biến mất. Mười lăm năm sau, George vẫn vui vẻ sống với tình trạng sức khỏe tuyệt hảo, mà không có dấu hiệu gì cho thấy quả thận còn lại bị suy yếu.
Tôi chẳng chẩn đoán hay tiên lượng gì cho George. Dù sao đó cũng không phải là việc của tôi. Nói với anh ấy rằng tình trạng của anh ấy tệ hại và vô phương cứu chữa thì có ích gì cơ chứ? Bên cạnh đó, tuyên bố khách quan của một bác sĩ rằng căn bệnh ung thư của bệnh nhân đã vào giai đoạn cuối (chỉ còn đường chết) thực ra chỉ đơn thuần là ý kiến chủ quan về một tình trạng chẳng biết đâu mà lần. Bác sĩ rút ra đánh giá cuối cùng đầy thuyết phục gần như là chỉ từ những kinh nghiệm quan sát các bệnh nhân trước đó có những triệu chứng tương tự. Dẫu vậy đánh giá quả quyết của ông ta đã loại bỏ cơ hội phục hồi bằng những phương pháp điều trị thay thế mà vị bác sĩ điều trị này không biết. Chỉ vì hệ thống y học phương Tây tương đối non trẻ này không biết cách điều trị ung thư thành công mà không gây ra tổn thương nghiêm trọng cho bệnh nhân và nguy cơ tái phát, không có nghĩa là những hình thái y học cổ xưa cũng bó tay như vậy. Có một lý do thuyết phục giải thích cho việc tại sao một số phương pháp điều trị nhất định của y học phương Đông chú trọng vào tính tổng thể tuy vô cùng lâu đời nhưng lại chưa hề mai một: qua hàng nghìn năm, chúng đã chứng tỏ tính hiệu quả thực sự của mình. Vậy thì tại sao không mở cánh cửa để đón nhận tiềm năng này?
Trong y học chính thống, người ta không khuyến khích bệnh nhân hy vọng bệnh ung thư của họ tự động thuyên giảm. Là những người thực tế, các bác sĩ không muốn bệnh nhân của minh hy vọng hão. Tuy nhiên, tôi cứ băn khoăn không biết thực sự có cái gì là hy vọng hão hay không. Chỉ có chuyện có hay không có hy vọng; bất cứ niềm hy vọng nào mà người ta thực sự cảm thấy đều không phải là hy vọng sai hay hy vọng hão.
Hy vọng có thể thực sự tác động như một giả dược1 hiệu nghiệm, thậm chí còn mạnh hơn so với thuốc thang điều trị ung thư từ trước đến nay. Thêm vào đó, hy vọng có thể thậm chí biến thuốc hóa trị nguy hiểm thành giả dược, do đó có thể giảm tác dụng phụ của thuốc. Hơn nữa, nghiên cứu đã chỉ ra rõ ràng rằng những bệnh nhân được bác sĩ truyền cho niềm tin và hy vọng có tỷ lệ thành công với ung thư và bệnh tình khác cao hơn so với những người không có nó. Cứ thử hình dung xem hy vọng, sự lạc quan, và niềm hoan hỉ kết hợp với một phương pháp điều trị hoàn toàn tự nhiên có thể đạt được điều gì!
1 Để tìm hiểu sâu hơn về tác dụng của giả dược có sức mạnh lớn trong việc chữa lành cơ thể, xem Chương 1 cuốn sách của tôi (TG).
Bên cạnh đó, tương lai không phải được chốt cứng như viết trên đá, và các bác sĩ không nhất thiết phải là những nhà tâm linh biết được tương lai nào dành cho bệnh nhân của họ. Không một ai trên thế gian này có thể dự đoán như đinh đóng cột được điều gì sẽ diễn ra trong tương lai dù xa hay gần. Một bác sĩ có thể dự đoán khá chuẩn về hậu quả dễ xảy ra nhất của một căn bệnh, nhưng lời ước đoán ấy khó có thể gọi là khoa học hay được đóng dấu chắc chắn một trăm phần trăm. Tính cho hết lẽ, đáng ra mọi bác sĩ phải động viên, truyền niềm tin chứ không phải là dập tắt hy vọng của bệnh nhân, dù cho tình trạng của họ có ngặt nghèo đến thế nào.
Hãy làm rõ quan điểm này bằng một câu chuyện có thực. Một anh chàng trẻ tuổi bị một khối u lớn ở não, vô cùng hiếm gặp và không thể phẫu thuật đã từ chối chấp nhận tiên lượng của bác sĩ là anh chẳng còn sống được bao lâu, mà vẫn tiếp tục một cuộc sống hoàn toàn năng động và sôi nổi vài năm sau đó. Câu chuyện của anh đã được phát sóng truyền hình trực tiếp trong giờ vàng. Thậm chí sau đó anh còn lấy vợ. Và đó chỉ là một trong số nhiều trường hợp tương tự mà các bệnh nhân được bảo không còn hy vọng gì nữa nhưng họ đã kiên quyết không chấp nhận những tiên lượng thực tế đó của các bác sĩ. Họ đã bình phục và sống khỏe, thậm chí còn ổn hơn cả những tiên lượng lạc quan nhất. Lịch sử y học đầy những điều kỳ diệu chưa thể giải thích. Chúng ta đang cố gắng cật lực để lý giải chúng, và thậm chí có khi còn tái tạo chúng.
Nhưng hãy trở lại với George, bệnh nhân ung thư thận giai đoạn cuối của tôi. Để tránh những phức tạp có thể phát sinh trong quá trình chẩn đoán bệnh, như khiến một người tin rằng mình đã mắc một căn bệnh nào đó vô phương cứu chữa, tôi chỉ động viên và thúc đẩy George hãy chú ý trước tiên tới vô vàn nguyên nhân làm nảy sinh và phát triển ung thư. Trên thực tế, tôi hiếm khi động đến từ ung thư trước mặt anh ấy. Là một doanh nhân sáng suốt, thành đạt, George nhanh chóng nhận ra là chỉ vô ích khi cứ bám lấy cái ý nghĩ rằng ung thư làm cách nào đó đã tóm được mình và kéo mình về phía tử thần. Anh ấy ý thức rất rõ não trạng kiểu nạn nhân ấy sẽ chỉ làm bản thân chết nhanh hơn mà thôi. George đã biết giá trị của sức mạnh tự thân và tư duy tích cực. Tôi chú trọng vào việc chia sẻ với anh ấy những phương pháp cơ bản và thực tế nhất để cơ thể khỏe mạnh, tràn sinh lực và bền bỉ hơn. Theo ý tôi, George thậm chí còn chẳng phải là người bệnh tật gì; anh ấy chỉ quên mất phải sống làm sao cho lành mạnh mà thôi. George đột nhiên nhận ra là mình không còn là một nạn nhân của những hoàn cảnh tai ương nữa, mà thay vào đó anh là người chịu trách nhiệm cho cơ thể và tâm trí mình. Quan điểm về sức mạnh tự thân đã khiến anh cảm thấy ngây ngất và mau chóng để cho người thân trong gia đình và bạn bè vốn trước đó thấy buồn rầu và cảm thương cho anh nay cùng chia sẻ niềm yêu đời mà anh vừa mới khám phá ra.
Thế là, cơ thể anh tự nhiên bắt đầu quan tâm đến các chi tiết, bao gồm cả việc loại bỏ triệu chứng đó – ung thư. Một khi những nguyên nhân gây ung thư biến mất, triệu chứng chỉ còn là một vướng mắc chẳng mấy phiền hà.
Việc tình trạng ung thư của George thoái lui hoàn toàn chẳng phải là kết quả chữa một căn bệnh có vẻ như kinh hoàng và phát triển mất kiểm soát, cũng không phải là một phép màu. Nó chỉ là một quá trình đơn giản trả lại cho cơ thể những gì cần thiết để quay trở về trạng thái cân bằng bình thường và tự nhiên nhất. George chỉ chấm dứt những căn nguyên khiến cơ thể mình phải chiến đấu để giành giật lại sự sống. Nghe có vẻ đơn giản nhưng anh ấy đã tự chữa lành bản thân bằng cách chịu trách nhiệm cho mọi phương diện của cuộc sống, trong đó có cơ thể và lối sống của mình.
Bài học từ câu chuyện của George là nếu muốn chữa lành thực sự bạn phải dừng ngay lại việc tranh đấu với nó, và thay vào đó, chọn cách tin tưởng và kiên trì áp dụng những cơ chế chữa lành tự nhiên vốn có cho cơ thể bạn – vì thực ra, chiến đấu với ung thư, như chúng ta sẽ thấy, chỉ ngăn cản việc chữa trị thực sự và lâu dài.