Theo một bài báo nghiên cứu đăng ở tạp chí y khoa Đức Deutsches Aerzteblatt, mà tác giả là nhà nghiên cứu sinh học phân tử và tế bào nổi tiếng, giáo sư Peter Duisberg (Đại học California, Berkley), nền tảng của lý thuyết cho rằng đột biến gien là nguyên nhân đứng sau những khối u ác tính rất không chắc chắn. Những tiết lộ của Duisberg về những khiếm khuyết lớn trong lý thuyết đột biến – ung thư hiện nay cũng vừa được đăng trên tạp chí danh tiếng Cell Cycle (Chu trình tế bào) [2011; 10 (13); 2100-14].
Trong nhiều năm, các nhà ung thư học đã quan niệm rằng các khối u ác tính phát triển khi đột biến của từ ba đến sáu gien, được gọi là gien gây/sinh ung thư (oncogen), khiến cho các tế bào lẽ ra bình thường trải qua một quá trình phát triển không bình thường và mất kiểm soát. Một gien gây ung thư là một gien có trong thể nhiễm sắc của tế bào ung thư, mà hoạt động của chúng đi kèm với quá trình chuyển hóa ban đầu và vẫn còn tiếp diễn, trong đó tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư.
Hầu hết các tế bào khỏe mạnh đều chết đi và được thay thế bằng tế bào mới trong chu trình khoảng từ 10 ngày đến 4 tháng. Ví dụ, tương bào sống đến 10 ngày trước khi bị thay thế. Tế bào xương có tuổi thọ tự nhiên là ba tháng, và tế bào máu có thể sống đến bốn tháng rồi mới chết. Lý thuyết ung thư – đột biến hiện nay nói rằng các gien gây ung thư ngăn chặn tế bào chết đúng thời điểm, bắt nó tồn tại và sinh sôi nảy nở. Trên thực tế, lý thuyết này coi đột biến gien là một điều kiện cần cho sự biến đổi tế bào bình thường thành tế bào ác tính.
Khúc mắc của lý thuyết này là tất cả các khối u ác tính có một dị thường ở thể nhiễm sắc (thể dị bội – aneuploidy) thường không chứa bất cứ gien nào được cho là gien gây ung thư. Thêm vào đó, thực ra các ca ung thư cùng loại thực sự chứa gien gây ung thư bị đột biến thì thường không cùng dạng.
Các chất gây ung thư như a-mi-ăng có thể làm phát sinh khối u mà không cần bất cứ gien gây ung thư đột biến nào, do đó thật sai lầm khi cho rằng dị thường ở thể nhiễm sắc là tiền đề cho sự phát triển dị thường của tế bào.
Một khúc mắc khác của lý thuyết đột biến hiện hành là các dị thường ở thể nhiễm sắc có thể tồn tại hàng một vài chục năm trước khi hình thành một khối u ung thư, hoặc chẳng bao giờ hình thành khối u nào cả. Mặt khác, một người không có dị thường ở thể nhiễm sắc hoặc đột biến gien cũng có thể phát triển một khối u như thế. Quan điểm cho rằng một dị thường ở thể nhiễm sắc ắt hẳn dẫn đến sự phát triển tế bào ác tính ngay và luôn là một giả thuyết chưa được chứng minh.
Chúng ta không thể mười rằm cũng ừ mười tư cũng gật rằng đột biến gien vừa gây ra phát triển dị thường ở tế bào, vừa không gây ra cái đó. Nếu các gien gây ung thư đột biến không gây ra ung thư, thậm chí đến 40 năm sau cũng vẫn không, thì hẳn là phải có lý do nào khác.
Tất nhiên, ngành công nghiệp dược phẩm nhiều tỷ đô la không mặn mà gì với việc phát hiện ra những nguyên nhân thực sự của ung thư. Trái lại, họ còn tập trung phát triển những thứ thuốc cực kỳ đắt đỏ được sản xuất để ngăn ngừa đột biến gien, cho dù rõ ràng đột biến gien không phải là nguyên nhân trước tiên dẫn đến ung thư. Một lần nữa, về chuyện này, tất cả chúng ta đều bị lừa bịp, một cú lừa đắt giá. Cho đến nay, tỷ lệ thành công của phương pháp này ảm đạm đến đắng lòng.
Nghiên cứu khoa học bao quát trong lĩnh vực sinh học tế bào hơn 10 năm qua đã chứng minh được rằng gien không gây ra bệnh, mà bị ảnh hưởng và bị biến đổi bởi những thay đổi của môi trường, ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên trong bụng mẹ cho đến những giây phút lâm chung. Từ các nhà ung thư học hàng đầu như bác sĩ Kramer, chúng ta biết rằng chỉ riêng đột biến gien thôi, mà không có sự đồng lõa của khu vực cơ thể xung quanh, thì ung thư không thể nào nảy sinh hay phát triển được.
Các nhà sinh học tế bào cũng công nhận rằng những điều kiện và những thay đổi nảy sinh trong những môi trường bên ngoài cũng như tâm sinh lý bên trong và, quan trọng hơn, những nhận thức về chính bản thân mình và về thế giới xung quanh, đã trực tiếp ảnh hưởng đến hành vi của gien. Điều này có nghĩa là mọi suy nghĩ, cảm nhận, cảm xúc, niềm tin và trải nghiệm mà ta có, mọi miếng chúng ta ăn, không khí chúng ta hít thở, cách chúng ta tương tác với những người khác và đối xử với bản thân có thể không ngừng tác động đến gien của chúng ta. Như bác sĩ Kramer nói, ung thư là một hiện tượng động chứ không phải là một hiện tượng cô lập hay một thực tế cố định; về bản chất, nó là một quá trình liên tục thay đổi do tác động của môi trường – tức là của chính bạn và môi trường xung quanh bạn.
Điều quan trọng là phải hiểu rằng gien không đột biến vì chúng cảm thấy nhàm chán với việc là kẻ bình thường, hay vì chúng muốn biến thành kẻ ác. Đúng hơn, các tế bào không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải biến đổi để tồn tại trong một môi trường sinh u bướu thù địch, độc hại hình thành bởi những yếu tố không thuộc gien. Môi trường sinh u bướu – là môi trường tế bào ôxy hóa kém và mang tính axit cao – rất lý tưởng cho sự phát triển của tế bào ung thư và các vi sinh vật được tìm thấy trong các khối u ung thư. Và như đã nói rõ trong cuốn sách này, đây chính xác là điều kiện cần thiết mà cơ thể đòi hỏi để thực sự tự chữa lành. Ở phần sau của chương 1, tôi sẽ giải thích tầm quan trọng của các vi sinh vật trong việc đào thải tế bào ung thư.
Dù nghe có vẻ khó vào tai, nhưng nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng rằng những đột biến gien hoặc những khuyết tật ở gien không thể là nguyên nhân gây ra ung thư được. Mặc dù đột biến gien có thể là nhân tố góp phần phát triển ung thư, nhưng sự thực là có hàng triệu người chứa gien khuyết tật không bao giờ phát triển các bệnh liên quan đến chúng.
Như đã được chứng minh trong các xét nghiệm của nhà sinh học tế bào nổi tiếng thế giới, bác sĩ Bruce Lipton, tác giả sách bán chạy do New York Times bình chọn, cuốn The Biology of Belief (Sinh học của niềm tin), nhân di truyền của một tế bào ung thư có khả năng loại bỏ được. Nhưng tế bào đó sẽ tiếp tục sống trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và hoạt động dị thường đúng y như trước. Vậy mà những gien đó cứ được gán cho bao nhiêu uy lực.
Các nhà sinh học sử dụng từ “làm câm” để miêu tả quá trình môi trường và hành vi điều tiết biểu hiện của gien và những thay đổi của môi trường kích hoạt ung thư. Các gien bao gồm một thiết kế chi tiết phức tạp liên tục thích ứng với những thay đổi bên ngoài và có thể tiến hóa hoặc thoái hóa cùng với những thay đổi đó. Nếu thiết kế gien thoái hóa, bạn sẽ có đột biến gien.
Nhưng những thiết kế gien này không có khả năng gây ra hoặc duy trì mãi mãi các căn bệnh. Nếu quả có như thế, thì tế bào đó sẽ hoạt động trục trặc hoặc chết ngay khi bạn loại bỏ nhân của nó. Một tế bào khỏe mạnh tiếp tục sống bình thường không hề hấn gì nhiều tuần liền, ngay cả khi hạt nhân của nó bị lấy đi. Tương tự như vậy, một tế bào không khỏe mạnh sẽ tiếp tục thể hiện hành vi không lành mạnh, dù có hay không có gien.
Vai trò chính của ADN là tạo ra một bản sao (ARN) thiết kế gien của nó, sử dụng nó để tạo ra nhiều protein khác cần thiết cho các hoạt động đa dạng của cơ thể. Để hiểu ung thư thực sự là gì, chúng ta phải hiểu dữ kiện quan trọng này: thiết kế gien của một tế bào sẽ đột biến chỉ khi thông tin từ môi trường bên ngoài truyền đến tế bào kích thích phản ứng căng thẳng (stress) triền miên trong tế bào đó.
Một mối đe dọa ngoại tại có thể gồm một số yếu tố đến từ bên ngoài: chất phụ gia nhân tạo trong thực phẩm như đường nhân tạo aspartame và mì chính, thuốc kháng sinh hoặc thuốc có steroid, tình huống băng qua đường quốc lộ đông đúc, nỗi sợ hãi phải đối mặt với người chồng (hay vợ) đang nổi cơn tam bành hoặc một nhân vật quyền lực, bi kịch mất việc, hoặc một cảm giác bất an sâu thẳm.
Do ảnh hưởng của những hoóc môn căng thẳng được tiết ra đó, các hoạt động chức năng của tế bào bình thường bị ức chế. Trên thực tế, thiết kế gien (ADN) nhận được thông tin không điển hình mà đến lượt mình, nó thay đổi hành vi gien của tế bào. Hệ quả là, việc tiết ra các chất hóa học tự nhiên của ADN, như chất chống ung thư Interleukin 2 và chất chống virus là Interferon, ngay tức thì sụt giảm không phanh. Tình trạng sức khỏe và khả năng đề kháng của tế bào này bị hủy hoại nghiêm trọng nếu mối đe dọa hoặc tác nhân căng thẳng đó kéo dài hơn vài phút hoặc hàng tiếng đồng hồ. Kiểu căng thẳng này chính là “chuyện thường ngày ở huyện” của hàng triệu con người trên thế gian này. Các tế bào không thể hoàn thành những trách nhiệm bình thường của chúng khi rơi vào tình trạng bị vây ráp đến hàng ngày, hàng tháng, thậm chí hàng năm. Y học đối chứng đặt tên cho phản ứng bình thường của tế bào chịu tình trạng căng thẳng kéo dài này là bệnh mạn tính.
Khi cơ thể tiêu hóa một thứ thuốc nhân tạo (tất cả dược phẩm đều chứa chất hóa học độc hại nhằm ức chế hoặc nếu không thì điều chỉnh các quá trình tự nhiên trong cơ thể), tế bào sẽ bị tổn hại. Tương tự, tiếp xúc lâu dài hoặc đều đặn với các tác nhân gây căng thẳng như những suy nghĩ tiêu cực, nỗi sợ hãi, các cảm xúc bực bội, hành vi hung hăng, thực phẩm không đảm bảo, tình trạng thiếu ngủ, thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bị mất nước và nhiễm độc, tất cả đều có thể thay đổi hành vi của 60 – 100 tỷ tế bào của cơ thể.
Ung thư xảy ra khi sự cân bằng tế bào bị đe dọa và tế bào đó phải cầu viện đến những biện pháp cực đoan để phòng vệ hoặc bảo vệ bản thân nó. Những tế bào yếu nhất thường bị tác động đầu tiên.
Sự đột biến của một tế bào bình thường thành tế bào ung thư chỉ là một phản ứng sinh tồn tạm thời, được lập trình về mặt sinh học trước mối đe dọa đang ngăn ngừa tế bào đó làm công việc của nó theo thiết kế gien ban đầu của cơ thể. Để đối phó một cách thích hợp với mối đe dọa này, cơ thể phải thay đổi thiết kế gien. Nhưng cho rằng sự đột biến gien cần thiết này là một quá trình gây bệnh là một quan điểm lệch lạc và đi quá xa.
Trước đây, khả năng ung thư là một cơ chế chữa lành và sinh tồn chưa bao giờ được xem xét và ngày nay người ta cũng không bàn đến khả năng đó. Thực trạng tư duy này đã và vẫn đang gây ra những hậu quả thảm thương.
Trước đây chưa lâu, các nhà khoa học thông thái tin rằng Trái đất phẳng và đứng yên. Suy cho cùng, tận mắt họ đã nhìn thấy mặt trời rơi khỏi đường chân trời mỗi tối và lại nhô lên mỗi sáng ở phía bên kia. Chân lý không thể chối cãi này thật khó có thể cật vấn vì nó là một hiện tượng mà dân chúng chứng kiến mỗi ngày. Họ biết rõ rằng toàn bộ thế giới tự nhiên này phụ thuộc vào mặt trời mọc và lặn, vào chu kỳ ngày và đêm. Họ không hề nhận ra rằng những gì họ nghĩ là mình nhìn thấy không phải là toàn bộ thực tế.
Ngày nay, chúng ta chỉ mỉm cười trước một sự kém hiểu biết như thế. Phải đến khi có chuyến hải hành của Columbus tới châu Mỹ năm 1492 và cuối cùng là chuyến đi vòng quanh thế giới trên biển của Ferdinand Magellan từ năm 1519 đến năm 1521, loài người mới có bằng chứng thực tế, chốt hạ về việc Trái đất hình cầu. Tương tự như vậy, với những căn bệnh hiện đại, và đặc biệt là với ung thư, chúng ta đang sống với cùng những huyền thoại cũ kỹ truyền từ đời này sang đời khác tới chúng ta. Chúng ta sẽ không rơi vào cái bẫy mù quáng tin vào những gì người khác đã chấp nhận như là chân lý chủ quan, cá nhân của họ đấy chứ?
Nhưng ngày nay, tình hình đã khác, bạn có thể tranh luận, vì chúng ta có nghiên cứu khoa học khách quan, có thể kiểm định để chứng minh cái gì là thật, cái gì không thật. Nhưng ở đây, có thể tôi sẽ phải làm bạn thất vọng.
Thứ nhất, gần như tất cả các nghiên cứu khoa học thực ra dựa trên những ý kiến, cảm nhận, suy nghĩ và kỳ vọng chủ quan của nhà khoa học thực hiện thí nghiệm – mà đó chính là bản chất của một giả thuyết.
Thứ hai, nghiên cứu chịu tác động của vô số các nhân tố có thể xảy ra và thường là có tính biến thiên cao, bên cạnh những lỗi sai đơn giản của con người, những điều này có thể thay đổi kết quả của thí nghiệm theo vô vàn cách không lường trước được.
Thứ ba, vì thường được các cơ quan có một chương trình hoặc định kiến nhất định nào đó tài trợ hoặc kiểm soát, nên nghiên cứu khoa học hiện đại thường chứa đầy những thủ thuật bịp bợm nhằm thao túng kết quả. Ví dụ, phát hiện của các nhà nghiên cứu tại trường Đại học California, được đăng trên tạp chí Annals of Medicine (Biên niên y học) tháng 10 năm 2010, đã cho thấy 92% của khoảng 145 thử nghiệm lâm sàng được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2009 là không có giá trị vì không tiết lộ dạng giả dược mà họ sử dụng. Trong một trường hợp, giả dược được chọn thực ra làm tăng cholesterol trong nhóm đối chứng, nên các nhà nghiên cứu dễ dàng chứng minh được rằng một thứ thuốc thuộc nhóm statin như Lipitor hiệu quả hơn giả dược. Nhưng chính Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn tập quán rõ ràng là hoàn toàn phản khoa học này trong nghiên cứu khoa học khách quan.
Một lối nghiên cứu sai lầm và mang thiên kiến như thế được phép tồn tại đã là đủ tệ hại. Thế mà những nghiên cứu đáng nghi vấn này còn thường xuyên được sử dụng để làm nền đỡ cho các nghiên cứu mới, khiến cho các nghiên cứu mới cũng bị sai lầm. Tệ hơn nữa là chuỗi sai lầm trong khoa học này có tác động xấu đến công tác chăm sóc bệnh nhân. Ví dụ, Phòng khám Mayo đã làm giới chức ung thư học choáng váng khi tiết lộ rằng không phải chỉ có một nghiên cứu quan trọng vào năm 2009 hoàn toàn giả mạo, mà công trình này có thể cũng đã làm những nghiên cứu khác của cả một thập kỷ trở nên vô giá trị, và đã tác động đến việc chữa trị mà các bác sĩ áp dụng cho các bệnh nhân ung thư.
Thậm chí nếu gian lận này có được vạch trần và các công ty dược bị phạt vì thao túng nghiên cứu hoặc vì không tiết lộ những tác dụng phụ nghiêm trọng mà họ đã biết, thì việc kinh doanh ít nhiều vẫn được tiếp tục như thường. Chẳng qua là các công ty dược phẩm lớn, đã niêm yết chứng khoán đại chúng như Merck và Pfizer to đến mức không thể sụp đổ, ngay cả khi họ bị phát giác là chủ mưu cho những gian lận trong nghiên cứu y khoa quy mô lớn.
Thật không hợp lý nếu trông mong có bất cứ thử nghiệm lâm sàng nào do các công ty dược phẩm khổng lồ thực hiện lại đi công bố các kết quả không có lợi cho những mong muốn của họ. Xung đột lợi ích dường như rất rõ ràng – nhưng các công ty dược vẫn tài trợ cho đại đa số những công trình nghiên cứu trên thế giới. Độc quyền lựa chọn nghiên cứu nào là phù hợp dựa trên lợi nhuận này đã quyết định bằng chứng dựa trên khoa học được ca ngợi ngút trời của chúng ta. Đây quả là một xung đột lợi ích khốc liệt gần như gây sốc đến nỗi ngày càng có nhiều người không dám lên tiếng về nó.
Thứ tư, mặc dù vẫn có những nhà nghiên cứu thực sự tử tế, không có lợi ích tài chính, gắn với sự nghiệp hay danh tiếng phụ thuộc vào những kết quả cụ thể trong nghiên cứu khoa học, nhưng phần lớn khoa học hiện đại ngày nay hiếm khi phát hiện ra bất cứ thứ gì không nằm trong mong muốn tìm kiếm hoặc xác nhận của nó.
Các nhà nghiên cứu cần tiền tài trợ để tiến hành nghiên cứu. Để có thể được xét nhận tài trợ, cũng như kiếm sống cho bản thân, họ phải nhượng bộ rất nhiều để gia tăng lợi nhuận tài chính của các nhà tài trợ hoặc đầu tư, mà những người này dĩ nhiên đều muốn kiếm được khoản tiền tương đối khá từ tiền đầu tư của mình.
Ví dụ, khi các nhà khoa học di truyền đề xuất rằng gien điều khiển cơ thể và hành vi, họ đã phát triển Dự án Hệ gien người (HGO) có thể thu lợi nhuận cao để chứng minh chính xác cho giả thuyết này. Được tài trợ bằng tiền đóng thuế của người dân cũng như của các công ty dược, những công ty muốn được ngoạm một miếng trong chiếc bánh này, các nhà khoa học ấy chỉ có một mục tiêu chính: thỏa mãn kỳ vọng của các tập đoàn dược đối với các phát hiện về gien được cấp bằng sáng chế cho các phương pháp điều trị đột phá tân tiến (và đắt đỏ) để sinh ra một lượng tiền khổng lồ cho những công ty này.
Việc lập bản đồ gien người được tuyên truyền rộng rãi là một bước đi quan trọng trong sự phát triển của các phương pháp y tế tân tiến và các phương diện chăm sóc sức khỏe khác. HGO vẫn là một trong những dự án khảo sát độc lập lớn nhất trong khoa học hiện đại. Được tiếp cận gần như không hạn chế cấu trúc gien của cơ thể người, hệ gien học (genomics) đã đặt y khoa vào vị trí hoàn hảo để dự đoán chính xác hơn những người nào có nguy cơ cao phát triển các rối loạn về gien.
Như dự đoán, hầu hết các bác sĩ, các tổ chức liên quan đến y tế và các bệnh nhân đều coi HGO là một đột phá thực sự cho mọi người. Có người đầu óc bình thường nào lại phản đối phát hiện về các nguyên nhân gây bệnh do di truyền chứ? Đó là lý do tại sao, ngoài các công ty dược, hầu hết các tổ tư vấn liên quan đến bệnh tật, các quỹ hỗ trợ, các cơ quan chính phủ, các nhà nghiên cứu, các trường đại học, các công ty công nghệ sinh học và các công ty dược, tất cả đều tán thành và ủng hộ Dự án Hệ gien người này.
Mặc dù chắc chắn tôi không phản đối việc sử dụng hệ gien học làm công cụ mở rộng phạm vi và hiệu quả của y học tái tạo trong việc điều trị các chấn thương cấp tính như tổn thương cột sống và thậm chí tái tạo chân tay bị cụt hoặc các cơ quan nội tạng bị mất, tôi lại nhìn thấy một vấn đề lớn ở đây: sàng lọc trên diện rộng cho đông đảo người dân để tầm soát các bệnh di truyền chắc chắn sẽ tăng ít nhất gấp đôi hoặc gấp ba số bệnh nhân tưởng rằng mình cần chữa trị y tế, mà chính điều đó có thể khiến họ bị bệnh thật. Vì lợi ích của việc phòng bệnh, hàng triệu con người sẽ tự đẩy mình vào việc điều tra xét nghiệm gien để có thể chắc chắn là trong tương lai mình sẽ không mắc bệnh, rất lâu trước khi có bất cứ dấu hiệu bệnh tật nào có thể phát triển. Để rồi, việc làm này chỉ gây hại cho cơ thể họ thông qua các quá trình điều trị thái quá cho các phát hiện di truyền mà đáng lẽ nếu để yên thì chẳng bao giờ khiến họ bị làm sao.
Thật không may, nhiều người trong các quốc gia công nghiệp đã trải thảm đỏ cho hệ gien học, coi đó là một con đường chắc chắn để sống thọ hơn mà không bệnh tật gì. Được ngành y dược truyền bá và bản thân thắc thỏm sợ mình bị bệnh di truyền nào đó, họ tin rằng họ không thể kiểm soát được cơ thể của mình, do đó phải nộp mình cho một đợt xét nghiệm di truyền. Tôi xem đây như là một hình thức nô lệ hết mức cho ngành y; tuy nhiên nó đang được gần như tất cả mọi người liên quan ca ngợi.
Nhưng đã có hiện tượng nảy sinh những bệnh mới do phát hiện ra các gien có vấn đề trong gần như tất cả mọi người tham gia xét nghiệm (hầu hết mọi người đều có một số gien lỗi nào đó), hoặc do đặt lại tên cho các bệnh đang có là bệnh về gien (bệnh di truyền). Ví dụ, việc phát hiện ra các gien nhạy cảm với ung thư vú BRCA1 và BRCA2 đã khơi mào một mối quan tâm rộng khắp trong việc xét nghiệm gien ở những phụ nữ có nguy cơ cao xảy ra một đột biến trong những gien này. Trong số những phụ nữ có kết quả dương tính đối với những gien đột biến này, hơn một nửa đã tự nguyện thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú đầy đủ tùy chọn. Họ quyết định cắt bỏ cả hai bên vú vì muốn đảm bảo mình không bao giờ mắc ung thư vú.
Nhưng tất nhiên, việc cắt bỏ vú không đảm bảo là họ sẽ thoát khỏi toàn bộ các rắc rối tiềm ẩn. Trong một nghiên cứu của Hà Lan được đăng trên tờ New England Journal of Medicine vào tháng 7-2001 [345:159-164], các nhà nghiên cứu cảnh báo: “Hẳn là đối với họ cái lợi của phẫu thuật cắt bỏ vú phòng ngừa cao hơn hẳn nguy cơ xảy ra biến chứng phẫu thuật và các vấn đề tâm lý.” Theo nghiên cứu này, có đến 30% phụ nữ trải qua phẫu thuật này sẽ có biến chứng, tùy thuộc vào loại phẫu thuật và thời gian theo dõi sau đó. Một nghiên cứu dài hạn về phẫu thuật cắt bỏ vú phòng ngừa đã công bố rằng có đến 41% số phụ nữ tham gia phẫu thuật đã phải thực hiện thêm các ca phẫu thuật khác ngoài dự kiến. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra quá trình này chỉ giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 50%. Bất ngờ nhất là sau này, một nghiên cứu vào năm 2010 đã chứng minh rằng biện pháp phẫu thuật cắt bỏ vú phòng ngừa đang ngày càng trở nên phổ biến này thực sự chẳng có ích lợi gì cho 95% phụ nữ thực hiện.
Mặc dù những phụ nữ bị ảnh hưởng chẳng được lợi lộc gì, nhưng loại hình phẫu thuật đó đã đem về một khoản tiền lớn cho ngành y tế, trong đó có các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng theo tôi, hành động thực hiện các phẫu thuật xâm lấn, triệt để và không hiệu quả này, thay vì khuyến khích phụ nữ giải quyết những nguyên nhân thực sự của ung thư vú, lại là trò chơi bài roullete trong y học, nó rủi ro đến mức không thể tìm ra lý do gì để biện minh được, dù nó có tiềm năng lợi nhuận bao nhiêu chăng nữa.
Cắt bỏ một cánh tay hoặc một cẳng chân chỉ để tránh khả năng bị gẫy xương nghe có vẻ thậm vô lý với hầu hết chúng ta. Tự nguyện cắt đi bầu ngực khỏe mạnh để tránh cho chúng khỏi nguy cơ mắc ung thư còn thậm vô lý hơn. Thực sự, loại bỏ toàn bộ bộ ngực có thể giảm khả năng phát triển ung thư vú, nhưng đó chỉ là vì gần như chẳng còn mô vú nào sót lại. Điều này khó có thể được tính là bằng chứng cho rằng những gien nhạy cảm có liên quan gì đến việc thực sự gây ra ung thư vú. Những gien này xuất hiện trong vú bị ung thư chỉ cho thấy có thể có mối quan hệ tương liên, nhưng giả định rằng đó là mối quan hệ nhân quả thì lại là một bước nhảy đáng ngờ về mặt logic. Đột biến gien có thể cũng vô cùng quan trọng đối với cơ thể để điều chỉnh hoặc chữa lành những nguyên nhân ngầm ẩn: môi trường thể chất đã khiến cho những gien nhạy cảm đột biến đổi trước tiên.
Bởi lẽ chỉ một mình các gien bị đột biến thôi thì không thể gây ra ung thư, và cần phải có sự can dự của môi trường bên ngoài các tế bào này, của toàn bộ cơ thể và của con người thì mới có thể khiến cho ung thư có khả năng xuất hiện, nên có nhiều khả năng đột biến gien là một hiệu ứng của những thay đổi bất thường trong môi trường tế bào hơn là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư. Mặc dù một gien bị đột biến có thể là một yếu tố đồng lõa cần thiết để phát triển ung thư, nhưng nếu ung thư xuất hiện trong cơ thể, thì chẳng qua nó chỉ báo hiệu rằng môi trường của bạn (và/hoặc của bố mẹ bạn), những thói quen ăn uống, lối sống và các trạng thái tâm lý và, đặc biệt nhất là, việc tiếp xúc với phóng xạ y tế độc hại, đã làm hại sức khỏe tổng thể và sức sống của bạn. Điều này làm cho đột biến gien trở thành hiệu ứng của ung thư, chứ không phải là nguyên nhân của nó.
Nghiên cứu rất ấn tượng mà Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ (AMA) công bố công khai đã chỉ ra rằng cái gọi là cơ sở di truyền gây bệnh hoàn toàn là giả. Đừng tin tưởng vào những bác sĩ nói về việc bệnh tật chỉ duy nhất do mã gien của mình gây ra!
Theo một nghiên cứu của bác sĩ Ioannidis tại Trường Y của Đại học Stanford, nhiều người cứ tưởng bở mà phóng đại thái quá lên rằng việc cảnh giác đi xét nghiệm quá mức cần thiết là cách duy nhất phòng tránh những bệnh di truyền sắp xảy ra. Ông khẳng định nghiên cứu y học đương thời có đầy những sai lầm do “thói đỏng đảnh của thống kê đi kèm với bản tính con người và bản chất cạnh tranh trong xuất bản khoa học”. Mặc dù không cố ý lừa bịp, nhưng nhiều nghiên cứu đã gieo rắc vĩnh viễn những sự thiếu chính xác trong y học vì chúng phân tích dữ liệu theo hướng phù hợp với các giả thuyết cụ thể nào đó hoặc dựa trên những dữ liệu lấy từ các nghiên cứu khác vốn chưa được cộng đồng y học chứng thực kỹ càng.
Bác sĩ Ioannidis viết: “Đây không phải là lừa bịp hay thiết kế nghiên cứu kém cỏi, mà chỉ là do những kỳ vọng thống kê. Một số kết quả sẽ mạnh hơn, một số khác sẽ yếu hơn. Nhưng các tạp chí khoa học và các nhà nghiên cứu thích công bố những mối liên hệ hoành tráng.” Các phân tích số liệu của các nhà nghiên cứu, dù nghiên cứu đó được thiết kế tốt đi nữa, thường nhuốm màu định kiến hoặc mong muốn đưa ra những kết quả được ngành y tế chấp nhận, qua đó tạo chỗ dựa cho bản thân họ và công việc của họ.