Bức xạ (phóng xạ) ion hóa được tạo ra từ các thiết bị chụp X quang trong y tế, trong đó có chụp quang tuyến vú và chụp cắt lớp vi tính (CT), bứt các electron (điện tử) ra khỏi quỹ đạo của chúng và thoát ra khỏi nguyên tử hoặc phân tử. Quá trình này ion hóa các điện tử và khiến chúng có tính phản ứng và gây hại rất cao. Những trường điện từ tần số cao này có thể làm tổn hại mạnh các tế bào trong cơ thể bạn vì chúng sinh ra các gốc tự do1 có thể dễ dàng gây tổn thương đến ADN của cơ thể và làm hại khả năng tái tạo tế bào của nó.
1 Là những phân tử có electron lẻ không tạo thành cặp ở lớp vỏ ngoài cùng, nên có xu hướng chiếm đoạt điện tử của các phân tử khác, gây hại cho tế bào cơ thể (BBT).
Theo Trung tâm Nghiên cứu X quang thuộc Trung tâm Y tế, Đại học Columbia, New York, bức xạ ion hóa cũng có thể gây tổn hại trực tiếp cho ADN bằng cách ion hóa hoặc phá vỡ các phân tử ADN (đứt gãy những sợi kép), từ đó góp phần tạo ra các đột biến, các chuyển đoạn nhiễm sắc thể và những hiện tượng dung hợp gien (gene fusion).
Do tổn hại đến các tế bào này mà sau đó bức xạ ion hóa có thể dẫn đến ung thư. Và nếu ung thư, cơ chế chữa lành, không thể sửa chữa hoặc phục hồi tổn hại này, thì có khả năng dẫn đến tử vong. Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng kết quả tử vong này có nguyên nhân trực tiếp là ung thư chứ không phải là bức xạ; nhưng như tôi sẽ giải thích, ung thư chỉ là nỗ lực cơ thể xử lý tổn hại do bức xạ và cứu lấy chính mình mà thôi.
Theo một nghiên cứu được đăng tải vào tháng 11-2007 trên tạp chí New England Journal of Medicine, kể từ khi bắt đầu sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) vào thập kỷ 1970, ở Hoa Kỳ ước tính có đến 62 triệu ca chụp CT mỗi năm, trong đó có ít nhất là 5 triệu ca trẻ em. Năm 1980, con số này mới chỉ là 3 triệu. Nhà khoa học chỉ đạo nghiên cứu này là tiến sĩ David Brenner ở đại học Columbia, cũng ước tính việc lạm dụng chụp CT trong chẩn đoán bệnh có thể gây ra thêm 3 triệu bệnh nhân ung thư nữa trong 20 đến 30 năm tới.
Ở Hoa Kỳ, bệnh nhân tiếp xúc với phóng xạ y tế chủ yếu nhất là trong chụp cắt lớp CT. Và bức xạ ion hóa này đặc biệt có hại cho trẻ em, thậm chí cả NCI cũng đã tuyên bố1: “Kết quả là, nguy cơ phát triển ung thư do bức xạ đối với một đứa trẻ có thể cao gấp nhiều lần so với người lớn dù thực hiện chụp cắt lớp CT y hệt.”
1 http://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/radiation/pediatric-ct-scans (TG).
Thực tế là trẻ em nhạy cảm với bức xạ hơn 10 lần người lớn, tức là có nguy cơ bị bệnh bạch cầu (ung thư máu) và các loại ung thư khác cao hơn người lớn. Đối với bệnh bạch cầu, khoảng thời gian tối thiểu giữa lần tiếp xúc phóng xạ và phát bệnh (thời kỳ bệnh tiềm ẩn) là hai năm. Với các khối u đặc, giai đoạn tiềm ẩn dự tính là hơn 5 năm.
Đây quả thực là một thông tin đáng lo ngại cho các bậc làm cha làm mẹ và cho con cái họ, điều này được chứng minh rõ hơn bởi các tổ chức lớn ở Mỹ và trên thế giới có trách nhiệm đánh giá rủi ro phóng xạ. Theo NCI, tất cả họ đều “tán thành rằng chắc không có một ‘ngưỡng’ phóng xạ liều thấp nào đối với việc gây ra ung thư, tức là, không có lượng phóng xạ nào được coi là tuyệt đối an toàn.” Báo cáo trực tuyến này nói rằng, “số liệu mới đây về những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử và những người bị nhiễm phóng xạ khác, cho dù ở mức thấp như khi chụp CT ở khoa nhi, cho thấy có sự gia tăng nguy cơ ung thư tuy nhỏ nhưng đáng kể.”
Nói cách khác, khi các bậc cha mẹ lo lắng vì lý do nào đó đưa con đến bệnh viện để chụp CT, thực ra là họ đang đánh cược với mạng sống của chính con cái mình. Họ cần phải cân nhắc rủi ro giữa một biến chứng tương đối nhỏ nào đó và khả năng không chắc chắn của bệnh bạch cầu và các bệnh ung thư khác. Ít nhất, họ có thể yêu cầu siêu âm khi bị đau bụng hoặc chấn thương đầu nhẹ vì nó cũng hiệu quả như chụp CT khi chẩn đoán nhiều bệnh.
Nói thế cũng không có nghĩa là siêu âm an toàn 100%. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng siêu âm tiền sản có thể gây hại đến tình trạng hóa sinh, hệ miễn dịch và hệ thần kinh của trẻ. Trong công trình nghiên cứu ung thư trẻ em của mình tại Oxford, nhà nghiên cứu y học nổi tiếng Alice Stewart đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ có mẹ từng siêu âm tiền sản có tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu tuổi vị thành niên cao hơn.
Tuy nhiên, nguy cơ vẫn thấp hơn so với các tia X vô cùng mạnh trong chụp CT, chụp CT đã được chứng minh ngay từ những năm 1950 là gây ra bệnh bạch cầu. David Brenner tại Đại học Columbia đã phát biểu trên tạp chí USA Today: “Ngay thời điểm này, khoảng một phần ba trường hợp được chỉ định chụp CT là không cần thiết về mặt y học... Hầu như bất cứ ai có mặt trong phòng cấp cứu dù bị đau bụng hay đau đầu mạn tính đều được tự động chụp CT. Điều này có hợp lý không?”
Điều đặc biệt quan trọng là phải hiểu những rủi ro khi chăm sóc trẻ em, vì trẻ em dễ bị tổn thương hơn so với người lớn khi chịu những tác động của những chẩn đoán này. Một nghiên cứu năm 2011 đã phát hiện ra trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc ung thư nguy hiểm đến tính mạng do chụp CT ở vùng bụng cao hơn 8 lần so với một người 50 tuổi cùng trải qua đợt chụp CT tương tự. Kết quả của nghiên cứu này được đăng trực tuyến trên Archives of Pediatrics and Adolescent Medicine [DOI: 10.1001/archpediatrics.2010. 270] ngày 3-1- 2011. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học từ trường Đại học Michigan đã kiểm tra việc chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính và các hình thức phóng xạ y tế khác trên cơ thể trẻ em và nhận thấy trung bình, đến năm 18 tuổi, trẻ thực hiện bảy lần chụp chiếu có sử dụng phóng xạ. (Nghiên cứu này không tính chụp X quang răng, tuy việc chụp này cũng đặt ra một nguy cơ phụ.)
Nghiên cứu nhận ra rằng trẻ em không chỉ nhạy cảm với phóng xạ hơn người lớn, mà còn có xu hướng nhận gấp từ 2 đến 6 lần mức phóng xạ cần thiết để có hình ảnh rõ nét, vì máy chụp cắt lớp vi tính cho trẻ thường được căn chỉnh dành cho người lớn. Thậm chí khi đã có những thao tác an toàn phòng ngừa để giảm liều bức xạ cho trẻ, thì chúng cũng không được thực hiện rộng rãi.
Chỉ riêng chụp cắt lớp vi tính đã gây ra gần 30.000 ca ung thư không cần thiết mỗi năm, dẫn đến khoảng 14.500 cái chết, theo một nghiên cứu khác được đăng trên Archives of Internal Medicine [“Cancer Risks and Radiation Exposure From Computed Tomographic Scans” (Nguy cơ ung thư và tiếp xúc bức xạ từ chụp cắt lớp vi tính); 2009; 169(22):2049-2050].
Tháng 9 năm 1999, Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (U.S. Environmental Protection Agency) đã công bố danh sách các loại ung thư được coi là do phóng xạ gây nên trong Báo cáo hướng dẫn của liên bang số 13 (Federal Guidance Report No.13, EPA 402-R-99-001). Các loại ung thư gồm có ung thư thực quản, dạ dày, ruột, gan, phổi, xương, da, vú, buồng trứng, bàng quang, thận, tuyến giáp, và máu. Nói cách khác, bất cứ ung thư nào trong số này đều có khả năng phát triển vì phóng xạ được hấp thụ không cần thiết thông qua những quy trình chẩn đoán bệnh đã thành thông lệ như thế này.
Nhưng một nguy cơ khác ít khi được chú ý là việc chụp chiếu sử dụng phóng xạ thường gây ra chẩn đoán sai và kết quả dương tính sai, làm tăng khả năng thực hiện thêm nhiều phép chụp chiếu khác tiếp theo, do đó thêm nhiều phóng xạ nữa, có thể tạo ra một cái vòng luẩn quẩn.
Bức xạ ion hóa không chỉ gia tăng nguy cơ ung thư, mà còn gây tổn hại cho ADN ở các động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Hãy nhớ là, một lần chụp cắt lớp vi tính ở ngực có thể truyền lượng bức xạ gấp 100 lần so với chụp X-quang ngực thông thường. Điều này có thể đủ gây ra những tổn hại không thể đảo ngược cho ADN và tế bào trong những động mạch vành đã bị viêm. Trên thực tế, nó có thể gia tăng tình trạng hẹp động mạch và giảm độ đàn hồi của mạch máu, do đó gia tăng tình trạng tắc động mạch.
Thậm chí nếu một lần chụp cắt lớp vi tính có thể không giết chết các tế bào ngay lập tức, thì mỗi lần tiếp xúc thêm với các tia X hoặc bức xạ ion hóa khác đều có thể trở nên nguy hiểm chết người. Do đó, tôi cho rằng sử dụng bức xạ ion hóa trên bất cứ người nào đang bị bệnh, đặc biệt là ung thư, bệnh tim và tiểu đường là điều cực kỳ rủi ro. Nói tóm lại, bức xạ ion hóa thực sự không an toàn với bất cứ ai.
Thế còn chụp X quang răng thì sao?
Từ 30 năm nay tôi đã cảnh báo cả bệnh nhân lẫn nha sĩ về nguy cơ lớn từ chụp X quang răng và khuyên họ sử dụng các cách khác thay thế để tìm ra các vấn đề của răng. Theo những nghiên cứu đã được đăng tải, tia X quang chụp răng có thể gây ra những khối u chết người ở não.