Theo nhà nghiên cứu y học quá cố, bác sĩ, tiến sĩ John Gofman (1918-2007), Giáo sư Công huân (Professor Emeritus)1 về sinh học phân tử và tế bào thuộc Đại học California tại Berkeley, bằng chứng đã cho thấy ít nhất 50% số ca tử vong do ung thư và hơn 60% ca tử vong do bệnh động mạch vành có thể do các tia X quang thúc đẩy. Trong đó có tối thiểu 281.437 ca tử vong do ung thư và 369.640 ca tử vong do bệnh tim mỗi năm, dựa trên dữ liệu số người chết vì những rối loạn này năm 2010, lấy từ Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDCP). Theo đó, tổng số người chết hằng năm do tổn thương bức xạ đã lên tới 651.077 người (tính đến năm 2010).
1 Danh hiệu dành cho giáo sư của một trường có nhiều đóng góp đã thôi giảng dạy chính thức, khác với danh hiệu Giáo sư Danh dự (Honorary Professor) tặng cho người không thuộc biên chế của trường đó, có thể có tính chất hữu nghị (BBT).
Ngoài việc những công nghệ y học dẫn quá nhiều người đến chỗ chết thông qua bức xạ ion hóa, bác sĩ Gofman còn khẳng định là có bằng chứng cho thấy nó cũng gây ra 75% số ca ung thư mới. Bởi lẽ đây là một phát hiện cực kỳ gây sốc, nên nó xứng đáng được giải thích kỹ hơn.
Gofman là tác giả của vài cuốn sách và hơn 100 bài báo khoa học trên những tạp chí có bình duyệt trong các lĩnh vực như hóa hạt nhân, hóa lý, bệnh tim mạch vành, mối quan hệ giữa thể nhiễm sắc của con người với ung thư và các tác động sinh học của phóng xạ, đặc biệt liên quan đến quan hệ nhân quả của ung thư và thương tổn di truyền.
Trong một bài báo nhan đề “Phóng xạ: Điều trị hay nguyên nhân?” được đăng trên Report Newsmagazine ngày 22-1-2001, tác giả Marine Ko đã miêu tả nghiên cứu của TS Gofman và dấy lên một loạt những câu hỏi quan trọng mà lẽ ra tất cả chúng ta phải hỏi cộng đồng y tế trước đó rất lâu rồi. TS Gofman là nhà khoa học danh tiếng đầu tiên có dũng khí đối mặt với cộng đồng nghiên cứu bằng những bằng chứng khoa học cho rằng bức xạ ion hóa là yếu tố hàng đầu góp phần gây ra ung thư và bệnh tim mạch vành.
Những phát hiện của ông không được những người tuyên bố là đang chiến đấu chống ung thư chào đón cho lắm, khi trong thực tế, họ chính là những người góp phần tạo nên lý do cho cuộc chiến này.
Những người khác đang hưởng lợi lớn từ ngành kinh doanh ung thư thì tỏ ra rất tức giận. Trong số đó có bác sĩ John Radomsky, chủ tịch Hiệp hội các nhà X quang Canada. Mặc dù thừa nhận chưa đọc nghiên cứu của Gofman và một số lượng lớn các nghiên cứu khác đã được xuất bản nói về nguy cơ phóng xạ gây ra ung thư, nhưng ông ta khăng khăng khẳng định rằng “độ an toàn của bức xạ không phải là vấn đề đáng lo”.
Một số người không thể thừa nhận mình đang góp phần trực tiếp, cũng như vô tình, vào cái chết của nhiều bệnh nhân khi để bệnh nhân tiếp xúc với những tia xạ chết người. Năm 1996, các nhà X quang học nước Anh đã cố gắng ngăn không cho bộ phim tài liệu về công trình của bác sĩ Gofman được trình chiếu trên kênh truyền hình 20/20. Hội đoàn các nhà X quang học Hoàng gia (Royal College of Radiologists – RCR) đã gọi những kết luận của ông là “không đáng tin, không chính xác, sai lạc và gây ra hoảng hốt không đáng có”. Tuy nhiên họ không thể nào quả quyết được về tính thuyết phục của nghiên cứu này, mà dù có hay không có những kết luận của ông, tự nó đã nói lên tất cả.
Bác sĩ Gofman chắc chắn không phải là một người theo thuyết âm mưu, cũng không phải là kẻ lập dị đói khát danh tiếng, phải tự đôn tên tuổi mình lên. Ông là giảng viên của Trường Y thuộc Đại học California từ năm 1947. Ông là đồng tác giả phát minh ra máy theo dõi tim cầm tay VIDA, được bệnh nhân sử dụng để phát hiện và phát tín hiệu về những diễn biến của chứng loạn nhịp tim, và là người phát minh ra điện cực đo tim vẫn được sử dụng trong nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ. Trong những năm đầu sự nghiệp làm khoa học hạt nhân, bác sĩ Gofman đồng phát hiện ra urani 233 và có đóng góp chủ lực trong việc tách ra miligam plutoni đầu tiên. Cuối thập niên 1940, ông chỉ đạo một nhóm các nhà nghiên cứu phát hiện ra vai trò của lipoprotein, hiện được gọi là cholesterol1.
1 Đúng ra lipoprotein là phương tiện chuyên chở cholesterol trong máu và được chia thành nhiều loại tùy theo tỷ trọng (BBT).
Nghiên cứu của bác sĩ Gofman về tác hại của bức xạ bắt nguồn từ nỗi lo canh cánh của ông về sức khỏe tương lai và hạnh phúc của loài người.
Ông cảnh báo rằng hầu hết các ung thư mới đều là kết quả của các dạng ion hóa trong phóng xạ y tế từ những công cụ chẩn đoán tưởng như không xâm lấn, trong đó có máy chụp X quang, máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp quang tuyến vú và máy phóng xạ tuyến. Cảnh báo của ông không phải là những nghi ngờ vu vơ, mà dựa trên dữ liệu và bằng chứng nghiên cứu đã tồn tại. Về cơ bản, tất cả những gì ông làm là phân tích toàn bộ dữ liệu khoa học đa dạng hiện có trong lĩnh vực này – mà trước đây chưa ai làm cả. Công trình của ông đã tiết lộ một phạm vi vô cùng lớn của một vấn đề đang ngày càng trầm trọng chưa từng có.
Phát hiện của Gofman về mối liên hệ chết chóc giữa bệnh tim và phóng xạ mức thấp đã xui khiến ông thực hiện một phân tích nhân khẩu học và thống kê để đánh giá tác động của phóng xạ y tế lên toàn bộ người dân.
Năm 1999, bác sĩ Gofman hoàn thành tài liệu nghiên cứu dài 699 trang được Ủy ban Trách nhiệm hạt nhân (Committee for Nuclear Responsibility – CNR) có trụ sở tại San Francisco xuất bản. Tài liệu này kết luận rằng “kể từ khi được đưa vào sử dụng vào năm 1896, phóng xạ y tế đã trở thành một đồng yếu tố cần thiết trong hầu hết các ca ung thư và bệnh tim thiếu máu cục bộ (IHD)1 nguy hiểm chết người”. Tài liệu nêu cụ thể chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính và những chụp chiếu tương tự – kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác như chế độ ăn uống kém, hút thuốc, nạo phá thai và uống thuốc tránh thai – là nguyên nhân tử vong chính khi bị ung thư.
1 Một cách gọi khác của bệnh [động/tim] mạch vành, do động mạch vành bị hẹp nên hạn chế cung cấp máu cho tim (BBT).
Gofman cẩn thận phân tích tất cả những yếu tố (đồng yếu tố) nhân quả có thể có và tách những tác động gây ra ung thư của bức xạ ion hóa ra khỏi tất cả những yếu tố nguy cơ khác.
Khái niệm đồng yếu tố cần thiết không mới trong khoa học hiện đại. Trong bản Báo cáo nổi tiếng của Trưởng Đoàn Ủy nhiệm Y tế Công cộng (Surgeon General) về tác hại gây ung thư của việc hút thuốc lá năm 1964, các tác giả viết: “Chúng ta đã công nhận rằng thường thì cần phải có vài yếu tố cùng tồn tại mới gây ra một bệnh, và một trong các yếu tố này có thể đóng vai trò chủ đạo; tức là, nếu không có nó, thì những yếu tố khác (như tính nhạy cảm gien) hiếm khi dẫn đến phát sinh bệnh.”
Giả thuyết của Gofman, về việc có nhiều hơn một nguyên nhân cho mỗi ca ung thư, sau này được bác sĩ Kramer và các nhà ung thư học hàng đầu khác xác nhận.
Mặc dù những phụ nữ thừa hưởng một bản sao đột biến của một gien nhạy cảm với ung thư vú (BRCA1 hoặc BRCA2) có tỷ lệ ung thư vú cao hơn những phụ nữ không thừa hưởng bản sao đó, “thì sự thừa hưởng này chắc chắn không đảm bảo tuyệt đối cho sự phát triển ung thư vú ở mọi tế bào vú – cho dù mọi tế bào vú đều xuất hiện đột biến này,” bác sĩ Gofman chia sẻ.
Nhưng như bác sĩ Kramer đã nói, chỉ một mình đột biến thôi chưa đủ gây ra ung thư hoặc thúc đẩy nó phát triển. Gofman đã khẳng định rằng cần có thêm một hoặc hơn một nguyên nhân nữa thì mới có thể biến thậm chí chỉ một trong những tế bào vú này thành ung thư. Trong chương 2, 3 và 5, tôi sẽ chỉ ra danh sách toàn bộ các đồng yếu tố ấy, mà vài yếu tố trong số đó phải xuất hiện thì ung thư mới nảy sinh và phát triển. Như chúng ta có thể rút ra từ công trình của Gofman, bức xạ ion hóa phải là một trong những tác nhân chính để ung thư phát triển.
Nói cách khác, chỉ một mình phóng xạ không thể gây ra ung thư. Tương tự như vậy, một chế độ ăn uống nghèo nàn thôi cũng không thể gây ra ung thư. Và như đã nói lúc trước, chỉ hút thuốc thôi cũng không gây ra ung thư. Một mình căng thẳng cảm xúc không đủ để kích hoạt sự phát triển ung thư. Ung thư liên quan đến toàn bộ cơ thể: chế độ ăn uống, lối sống, các mối quan hệ, xã hội và môi trường. Chúng ta cần phải hiểu rõ điểm rất quan trọng này.
Chỉ cần một trong những đồng yếu tố cần thiết này vắng mặt, thì ung thư sẽ không xảy ra. Do đó, thiếu vitamin D triền miên do không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, kết hợp với chụp quang tuyến vú mỗi năm hai lần, ăn uống thực phẩm vô bổ có chứa dầu thực vật hyđrô hóa1, và trải qua một thời kỳ ly hôn căng thẳng kéo dài, có thể đủ sức kích hoạt ung thư vú. Ung thư sẽ không xảy ra, ví dụ, nếu như người phụ nữ này ăn uống lành mạnh và không chụp quang tuyến vú. Và nếu cô ta dành đủ thời gian ở ngoài nắng, thì khả năng mắc ung thư vẫn còn rất xa.
1 Dầu thực vật là chất béo không bão hòa đa (có nhiều liên kết đôi) tồn tại ở dạng lỏng ở nhiệt độ trong phòng (vì các liên kết đôi ở cùng một bên trong chuỗi phân tử, khiến những phân tử này không thể nằm sát vào nhau và tạo nên dạng dầu lỏng, loại liên kết này được gọi là “cis”, nghĩa là cấu hình cùng bên). Người ta dùng phương pháp hyđrô hóa để biến nó thành dạng rắn nhằm sử dụng tiện lợi hơn và thời hạn bảo quản tốt hơn. Bơ thực vật (margarine) chính là một loại dầu thực vật hyđrô hóa. Biện pháp hyđrô hóa một phần (không hoàn toàn) tạo ra loại chất béo không bão hòa dạng “trans” (cấu hình khác bên), giúp cho phân tử axít béo cạnh nhau có hình dạng chữ chi (dích dắc) dễ áp sát vào nhau, tạo thành dạng rắn ở nhiệt độ trong phòng. Nhưng chất béo trans lại có hại cho tim mạch nói riêng và sức khỏe nói chung (BBT).
“Theo nhận định, thiếu một đồng yếu tố cần thiết sẽ không dẫn đến hậu quả này,” bác sĩ Gofman nói. Biết được điều này chúng ta sẽ tránh được, thậm chí còn đảo ngược được chiều hướng ung thư, chỉ cần loại bỏ một số hoặc tất cả những đồng yếu tố hiện có.
Rõ ràng là, một số đồng yếu tố đem lại hậu quả lớn hơn một số khác. Bác sĩ Gofman nhận ra rằng phóng xạ y tế nói riêng là một đồng yếu tố gây tử vong rất quan trọng của ung thư và của IHD. Ông nói rằng nếu không có phóng xạ y tế, nhiều hoặc hầu hết các ca đó có lẽ sẽ không diễn ra như chúng đã diễn ra. Nghiên cứu của ông dẫn đến kết luận nhức nhối, giật mình: mặc dù phóng xạ y tế không phải là yếu tố duy nhất góp phần vào những ca ung thư như thế, thì chúng ta có thể nói rằng nó đã trở thành một đồng yếu tố không thể thiếu.
Trong nghiên cứu của mình, bác sĩ Gofman đã so sánh tỷ lệ tử vong do ung thư và bệnh thiếu máu cục bộ từ năm 1940 đến năm 1950 với số lượng bác sĩ trung bình trên 100.000 người dân ở chín phân khu thống kê của Mỹ. Ông đưa ra giả định: vì các bác sĩ chỉ định hầu hết các xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị có chụp X quang, nên số lượng các ca chụp X quang được chỉ định chắc sẽ xấp xỉ tỷ lệ thuận với số lượng bác sĩ phục vụ bệnh nhân.
Nghiên cứu của ông đã phát hiện ra mối liên hệ bất ngờ này: tử suất do ung thư và bệnh thiếu máu cục bộ tăng tỷ lệ thuận với số lượng bác sĩ ở mỗi một trong chín phân khu thống kê này. Nếu so sánh thì tử suất của hầu hết các nguyên nhân khác giảm khi tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân tăng. Nói cách khác, bất cứ ở đâu chỉ định chụp X quang nhiều hơn, thì ở đó cũng có nhiều người chết hơn vì hai căn bệnh giết người hàng đầu ấy.
Trước khi Wilhelm Conrad Roentgen phát hiện ra tia X vào năm 1895 và ứng dụng tia X trở nên phổ biến, thì ung thư và bệnh động mạch vành vẫn chưa nhiều lắm. Mặc dù tia X góp phần cứu sống nhiều người kể từ đó, nhưng chúng cũng lấy đi nhiều sinh mạng hơn. Dù tia X có thể hữu dụng trong một số tình huống chẩn đoán cụ thể, trong đó có chẩn đoán rạn nứt xương, nhưng vẫn có những phương pháp thay thế như công nghệ siêu âm – hay thậm chí còn tốt hơn, đó là công nghệ chụp ảnh nhiệt – ít nhất cũng hiệu quả bằng mà không có các tác dụng phụ như thế.
Công nghệ chụp ảnh nhiệt là phương pháp xét nghiệm không xâm lấn, không phá hoại cơ thể mà tôi tin rằng còn hiệu quả hơn nhiều so với chụp X quang và siêu âm. Nó có thể phát hiện ra khối u, thường là trước một vài năm so với chụp X quang, mà không có các tác dụng phụ nguy hiểm liên quan đến phóng xạ như một số phương pháp chẩn đoán khác. Quan sát sự mất cân bằng nhiệt ghi lại tình trạng rối loạn tuần hoàn máu ở vú, ví dụ vậy, có thể giúp một người thực hiện những thay đổi cần thiết để tránh biến một tình trạng mất cân bằng thành một khối u sau này.
Chụp ảnh nhiệt là bộ môn y học rút ra những chỉ báo chẩn đoán từ những hình ảnh hồng ngoại có chất lượng của cơ thể người thông qua những camera hồng ngoại (nhiệt ký) nhạy và có độ phân giải cao. Nhiệt ký vú áp dụng các nguyên tắc nhiệt học làm kỹ thuật chẩn đoán để phát hiện sớm ung thư vú trong bối cảnh lâm sàng hoặc để theo dõi quá trình điều trị. Nhiệt ký vú hoàn toàn không tiếp xúc và truyền bất cứ dạng năng lượng bức xạ nào tới bề mặt hoặc vào trong cơ thể. Tỷ lệ chính xác của nó trong việc phát hiện khối u ung thư ở vú là 94,8% (số liệu tính đến năm 2009), theo một nghiên cứu so sánh được đăng trên tạp chí Journal of Medical Systems [tháng 4-2009; 33(2):141-53]. Nếu so sánh thì chụp quang tuyến vú chỉ có thể khoe tỷ lệ chính xác cao nhất là 45-50%.
Vấn đề ở đây là gì? Chụp ảnh nhiệt tương đối rẻ tiền so với chụp cắt lớp vi tính hoặc những công nghệ chụp chiếu tương tự. Do đó, ngành y sẽ chẳng kiếm được là bao. Có lẽ đây là lý do chúng hiếm khi được các bệnh viện và các bác sĩ đa khoa sử dụng.
Chúng ta chỉ mới bắt đầu chứng kiến những hậu quả của việc dựa dẫm thái quá vào công nghệ hiện đại hơn là vào những kỹ năng chẩn đoán và trực giác y tế của con người. Trực giác y tế vốn là trụ cột của những hình thức chữa bệnh thời cổ như Ayurveda và Đông y Trung Hoa. Ngày nay, dường như người ta quá dễ dàng cho phép một thiết bị máy móc xác định triệu chứng của bệnh thay cho những kỹ năng quan sát và hỏi thăm bệnh nhân của thầy thuốc để phát hiện những nguyên nhân nào gây ra những triệu chứng này.
Những xét nghiệm y tế tiên tiến có vẻ giảm được sai sót trong chẩn đoán bệnh, mà người ta cho rằng như thế sẽ giảm được tỷ lệ hoặc khả năng bác sĩ bị kiện. Người ta cũng tin rằng chẩn đoán bệnh giúp cứu mạng sống. Tuy nhiên, những sai sót y tế chưa bao giờ thường xuyên và nghiêm trọng như hiện nay, và những vụ kiện tụng bác sĩ sơ suất cũng nhan nhản.
Trên thực tế, theo một bài báo của bác sĩ Barbara Starfield, thạc sĩ Y tế Công cộng (M.P.H.) của Trường Vệ sinh và Y tế Công cộng Johns Hopkins, những sai sót y tế được công bố có thể là nguyên nhân đứng thứ ba gây nên tử vong ở Hoa Kỳ. Ít nhất 225.000 ca tử vong mỗi năm ở Mỹ (tính đến năm 2000) là hệ quả của những nguyên nhân từ phía bác sĩ (do chẩn đoán sai hoặc do điều trị).1
1 Journal of the American Medical Association (JAMA - Tạp chí của Hiệp hội Y tế Mỹ), tập 284, số 4, ngày 26-7-2000 (TG).
Bởi lẽ theo FDA, chỉ khoảng 1 đến 10% các sai sót trong y tế là được báo cáo, nên con số tử vong thực sự do bác sĩ gây ra có thể lên đến hàng triệu, và kết quả này còn lớn hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong do ung thư và bệnh tim cộng lại. Theo báo cáo này, dựa trên ước đoán thấp nhất, số người chết do sai phạm trong khám chữa bệnh còn nhiều hơn do tai nạn giao thông đường bộ, ung thư vú hoặc AIDS.
Tất nhiên cá nhân tôi không đổ lỗi cho các bác sĩ về thực trạng đáng lo ngại này. Hầu hết các bác sĩ đều là những lương y chân chính hết lòng cứu giúp bệnh nhân trong khả năng cao nhất có thể, hay đúng hơn, cứu giúp bệnh nhân theo những gì họ được dạy, hay đúng hơn nữa là, theo những gì họ không được dạy. Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine [1993 (ngày 28-1); 328 (4): 246-252], các nghiên cứu viên chỉ ra tình trạng gần như thiếu hoàn toàn kiến thức về chữa bệnh phi chính thống mà cha mẹ họ vẫn áp dụng. Họ nhận xét có tính kết luận: “Chúng tôi cho rằng các trường y nên đưa vào giáo trình giảng dạy thông tin về những liệu pháp phi chính thống và các khoa học xã hội lâm sàng (nhân học và xã hội học). Văn phòng Nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh phi chính thống mới thành lập của Các Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) nên giúp tuyên truyền việc nghiên cứu học thuật và giảng dạy bài bản lĩnh vực này.”
Thái độ phổ biến trong y học chính thống hiện nay là coi y học hiện đại được dạy trong các trường y là dạng thức y học duy nhất mang tính khoa học, đã được chứng minh và đáng tin cậy. Phép chữa vi lượng đồng căn, Ayurveda, Đông y, thuật nắn bóp xương sống trị đau nhức (chiropractic), chữa bệnh bằng thảo dược, châm cứu, thái cực quyền, yoga, thiền định, luyện tập thể dục và thậm chí tụng niệm không thuộc về lĩnh vực y học thực sự, cho dù trong một số trường hợp chúng đã được chứng minh là hiệu quả hơn rất nhiều so với y học chính thống.
Cần lưu ý một điều, không giống với y học chính thống, y học phi chính thống không giết hại hàng triệu người mỗi năm. Điều đáng ngạc nhiên nhất là y học chính thống vẫn đang được mô tả là hệ thống chữa bệnh tiên tiến nhất mà chúng ta có, trong khi thực ra có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh cho điều đó.
Một bài xã luận nhan đề “Trí khôn nơi đâu? Sự thiếu thốn bằng chứng y học”, của biên tập viên tạp chí British Medical Journal, bác sĩ Richard Smith [BMJ 1991 (ngày 5-10); 303: 798–799], giải thích nghịch lý trong hệ thống y tế của chúng ta. Bài báo trích dẫn một tuyên bố sáng suốt của một cố vấn chính sách y tế nổi tiếng là David Eddy, giáo sư về chính sách và quản lý y tế ở Đại học Duke, bang Bắc Carolina. “Có lẽ có đến 30.000 tạp chí y sinh trên toàn thế giới, và chúng đang dần tăng 7% mỗi năm kể từ thế kỷ 17, nhưng chỉ có khoảng 15% những can thiệp y tế được hậu thuẫn bằng bằng chứng khoa học vững chắc,” bác sĩ Eddy chia sẻ.
Theo tiến sĩ Smith, “điều này có nguyên nhân một phần là chỉ có 1% các bài báo trong các tạp chí y khoa này đúng đắn về khoa học, và một phần khác là vì có nhiều phương pháp điều trị chưa từng được đánh giá gì cả.” Tại sao lại như thế? Theo ông, một trong những nguyên nhân là vì, như đã được thảo luận ở trên, hầu hết các bài báo này trích dẫn từ bài báo khác, mà những bài báo khác này lại không đưa ra những kết luận có nền tảng khoa học vững chắc.
Bác sĩ Eddy nói thêm về một quan điểm thậm chí còn đáng lo ngại hơn đối với hiện trạng nan giải này. Vì vô vàn các lý do, ông bắt đầu đặt câu hỏi về tính hợp lý và hợp pháp của những phương pháp điều trị mà ông buộc phải sử dụng trong khi hành nghề y. Bác sĩ Eddy bắt đầu sự nghiệp chữa bệnh trên cương vị bác sĩ phẫu thuật tim lồng ngực tại Đại học Stanford ở bang California. Chẳng bao lâu sau ông bắt đầu khảo sát các phương pháp điều trị tiêu chuẩn để đánh giá chi tiết bằng chứng hỗ trợ cho các phương pháp đó.
Để tìm ra những bằng chứng này, ông tìm kiếm những báo cáo y tế đã được đăng từ tận năm 1906 nhưng không tìm được những thử nghiệm ngẫu nhiên hóa có đối chứng cho phần lớn các phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Sau đó, ông lần dấu trở lại các tuyên bố chính thống trong các giáo trình và các tạp chí y khoa về các phương pháp điều trị tiêu chuẩn và nhận thấy chúng chỉ được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, gồm các phương pháp điều trị trải từ bệnh tăng nhãn áp cơ bản đến tắc động mạch đùi và động mạch khoeo cũng như ung thư đại trực tràng. Nói cách khác, ông ấy tìm thấy rất ít bằng chứng khoa học thực sự; thay vào đó, hầu hết chỉ là truyền miệng và đồn đại. Các bác sĩ thực hành và những người ủng hộ các phương pháp chữa lành tự nhiên phi chính thống có thể thấy lời buộc tội này quen thuộc đến đau lòng.
Có vô vàn ví dụ cho thấy các phương pháp điều trị đã được chứng minh là không hiệu quả, nhưng thường thì chúng vẫn được chỉ định cho hàng triệu bệnh nhân. Trong bài báo “Tin vào các phương pháp điều trị không hiệu quả” (Well, 2009), bác sĩ cấp cứu David H. Newman, giải thích cách hệ tư duy y học thường thay thế cho y học dựa trên bằng chứng như thế nào.
Ví dụ, hệ tư duy y học chỉ định thuốc ức chế beta cho bệnh nhân vừa bị một cơn đau tim sau khi bị đông vón máu đột ngột ở động mạch vành. Những khoảnh khắc đầu tiên sau khi bị đau tim, tim bị choáng váng thường đập nhanh và mạnh. Mấy chục năm nay, các bác sĩ đã chỉ định thuốc ức chế beta để làm dịu quả tim đang căng thẳng. Tuy nhiên, cách tiếp cận logic này không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ. Ngược lại, có 26 trong số 28 nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chỉ định sớm thuốc chặn beta cho nạn nhân đau tim không cứu sống mà trên thực tế còn cướp đi sinh mạng họ.
Ví dụ, năm 2005, nghiên cứu quy mô nhất về thuốc cho thấy thuốc ức chế beta vào những giờ đầu dễ tổn thương của cơn đau tim chắc chắn làm tăng nguy cơ suy tim.1 “Do đó, nhìn chung nên thận trọng đợi tình trạng huyết động lực học sau cơn nhồi máu cơ tim ổn định rồi mới tính tới việc sử dụng thuốc ức chế beta”, các nhà nghiên cứu này nói.
1 Lancet, ngày 5-11-2005; 366(9497):1622-32 (TG).
Ngược lại với số đông cộng đồng y khoa, tôi lúc nào cũng tin rằng phản ứng quyết liệt của tim sau một cơn đau tim chính là cách tốt nhất mà nó có để cứu lấy mình và cơ thể. Cho bệnh nhân uống thuốc ức chế beta là để giảm lượng tiêu thụ ôxy của tim từ nguồn cung hạn chế, nhưng việc ức chế chức năng tim ở khoảnh khắc tối quan trọng này vừa đáng nghi ngờ vừa rủi ro. Để giải tỏa tình trạng bế tắc này, tim cần bơm máu mạnh hơn chứ không phải yếu đi. Nhưng một lần nữa, cơ thể có những chiến lược sinh tồn hoàn hảo của riêng nó hơn đứt những can thiệp của con người từ bên ngoài.
Mặc dù khoa học đã từng chứng minh việc sử dụng các thứ thuốc này ngay sau một cơn đau tim làm tăng khả năng suy tim nguy hiểm, nhưng hầu hết các bác sĩ vẫn tin rằng nó là một biện pháp điều trị đã được kiểm nghiệm và được khoa học hậu thuẫn.
Đây là danh sách các ví dụ khác về việc tư duy bác sĩ đi ngược lại bằng chứng khoa học:
• Các thuốc chống trầm cảm như Prozac, mặc dù có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, vẫn tiếp tục được phân phối cho hàng triệu người bất chấp vô vàn các nghiên cứu chứng minh rằng chúng không hề hiệu quả hơn giả dược trong cuộc chiến chống trầm cảm.
• Con số thành công của liệu pháp hiện đại điều trị ung thư ít hơn đáng kể so với ngay cả đáp ứng giả dược yếu nhất. Tính trung bình, chỉ khoảng 7% bệnh nhân ung thư có thuyên giảm.
• Bằng chứng cho thấy thuốc kháng sinh cho nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm xoang và đau họng thực ra lại gây hại thêm chứ không hiệu nghiệm gì. Nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục kê những thuốc này cho hơn 1 phần 7 người dân Mỹ mỗi năm, gây ra vô số tác dụng phụ thường cần điều trị thêm, tốn khoảng 2 tỷ đô la mỗi năm, và góp phần gia tăng phát triển siêu vi trùng kháng tất cả các phương pháp điều trị y tế đã biết.
• Các bác sĩ thực hiện xấp xỉ 600.000 ca phẫu thuật lưng mỗi năm, tốn hơn 20 tỷ đô la. Bất chấp một thực tế là trong phần lớn trường hợp, những phẫu thuật này không chứng tỏ là hiệu quả hơn các biện pháp điều trị không phẫu thuật.
• Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phẫu thuật nội soi khớp để chữa viêm xương khớp đầu gối không hiệu quả hơn các phẫu thuật vờ, trong đó bác sĩ gây tê nhẹ cho bệnh nhân trong khi giả vờ làm phẫu thuật. Những ca phẫu thuật này cũng không hiệu quả hơn vật lý trị liệu không xâm lấn. Tuy nhiên, vẫn có hơn 500.000 người Mỹ trải qua những ca phẫu thuật như thế với số tiền xấp xỉ 3 tỷ đô mỗi năm.
• Mặc dù xi rô chữa ho chưa bao giờ chứng tỏ là có lợi, mà thực ra nó đã cho thấy là gây hại nghiêm trọng và cướp đi sinh mạng của trẻ, nhưng chúng vẫn thường xuyên được bác sĩ khuyên dùng. Ở trẻ nhỏ, thuốc cảm lạnh và ho bán không theo đơn có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, trong đó có rối loạn nhịp tim, co giật, ngưng thở và tử vong. Trên thực tế, những biến chứng và việc lạm dụng những loại thuốc được gọi là an toàn, không qua kê đơn bác sĩ này chiếm hai phần ba số trường hợp cấp cứu ở trẻ, theo báo cáo của các nghiên cứu viên CDCP trong tạp chí y khoa Pediatrics (Nhi khoa, tháng 11-2010). Hai phần ba những ca này là do không cất giữ thuốc cẩn thận để trẻ vớ được, còn một phần ba số ca đến bệnh viện là những trường hợp dùng đúng mục đích và đúng liều. Tất cả những điều này diễn ra bất chấp lệnh cấm của FDA năm 2007 về việc chỉ định thuốc ho cho trẻ dưới bốn tuổi.
Chi phí và tỷ lệ thành công không mấy sáng sủa của mỗi một phương pháp điều trị này, trong số nhiều phương pháp khác, đã dấy lên câu hỏi tại sao chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng. Sức hấp dẫn của phương pháp điều trị dựa trên quan niệm cái gì cũng có thuốc chữa của y học hiện đại là hoàn toàn sai lầm. Chúng ta tự đưa thân mình vào những cuộc xét nghiệm và điều trị vì niềm tin của chúng ta đối với chúng như tin những biểu tượng, bất chấp những tác động thực tế. Khi không hiểu và không tin cơ thể mình là một hệ thống toàn diện có cơ chế chữa lành tự nhiên của riêng nó, thì chúng ta sẽ đi tìm chỗ dựa ở ý tưởng về những cách chữa trị nhanh chóng.
Nhưng dù cho tin tưởng thế nào vào y học hiện đại thì ta cũng không giải quyết được sự thực đau lòng là nhiều can thiệp trong số những can thiệp tốn kém, xâm lấn, không hiệu quả và/hoặc gây hại này cuối cùng dường như chỉ làm chúng ta ốm yếu thêm mà thôi. Thay vào đó, chúng ta phải hỏi bản thân mình những câu hỏi nhức nhối: thuốc kháng sinh này có thực sự giúp chữa lành bệnh nhiễm khuẩn xoang mũi nhẹ của mình hay không? Mình có thực sự cần phẫu thuật lưng không? Hóa trị liệu có thực sự là cách duy nhất để thoát khỏi ung thư không? Mình đã sẵn sàng nhìn vào các dữ liệu thay vì quan niệm chưa? Mình có sẵn sàng tìm hiểu các bằng cứ không? Sự thật ở đâu?
Và mặc dù ngành y muốn chúng ta cảm thấy rằng cách phòng ngừa và các phương pháp chữa trị tự nhiên đã được thời gian thử thách chẳng qua đều chỉ là lang băm, nhưng không phải chỉ có những kẻ “dị giáo y tế” man dã mới kêu gọi một sự thay đổi thái độ của nền y học hiện đại của chúng ta. Ngày càng có nhiều bằng chứng tự lên tiếng: những niềm tin của chúng ta về y học hiện đại đang gây ra ngày càng nhiều ca tử vong.
Và thậm chí trong những trường hợp hiếm hoi, khi các cơ quan y tế phụ trách đưa ra các quyết định quan tâm thực sự đến lợi ích của bệnh nhân thay vì lợi nhuận thu về, thì những quyết định này cũng thường xuyên bị trì hoãn thực hiện và không thật sự giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của tình hình bi đát này.
Ví dụ, FDA đã gây bão trên các tít báo vào tháng 3-2011 khi tuyên bố sẽ thu hồi khỏi thị trường khoảng 500 loại thuốc kê đơn chưa được phê duyệt mà nó đã cho phép bán hàng chục năm nay. Nhiều loại trong số này, trong đó có Pediahist, Cardec, Rondec và hàng trăm thứ thuốc khác đã được kê cho bệnh nhân từ trước khi FDA lập ra quy trình phê chuẩn. Họ tuyên bố rằng những biện pháp mới này là để khắc phục những bất cập họ đã phát hiện trong hệ thống báo cáo biến cố bất lợi của thuốc. Nhưng chế tài thẳng tay này cũng có nghĩa là rất có khả năng hiện nay có hàng trăm thứ thuốc đang phải đi qua hệ thống phê duyệt của FDA, do đó đem lại hàng triệu đô la doanh thu mới. Trong khi đó, FDA dường như làm rất ít để xử lý nhiều báo cáo về các biến chứng nghiêm trọng bắt nguồn từ các loại thuốc đã được phê duyệt, như vắc xin Gardasil chống virus HPV (virus gây u nhú ở người)1 là một ví dụ.
1 Nhóm virus gây ra nhiều bệnh ở cơ quan sinh dục con người, trong đó có ung thư cổ tử cung (BBT).
Chuyện gì đã diễn ra với quyền tự do cá nhân của người Mỹ?
Rõ ràng là ngay cả các cơ quan giám sát của chính phủ không phải lúc nào cũng thực tâm vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân. Suy cho cùng, kiến thức của mỗi người chính là phương pháp phòng vệ tốt nhất trong môi trường y tế ngày càng đặt lợi nhuận lên trên bệnh nhân và được xây dựng trên nền móng chông chênh từ những bằng chứng khoa học bị sai lệch và những sự thật nửa vời.
Nhưng điều có lẽ đáng sợ nhất về môi trường y tế ngày nay chính là bệnh nhân ngày càng có ít lựa chọn cách thức điều trị và chữa lành cơ thể của chính mình vì những phương pháp chẩn đoán y học chính thống đang được coi là bất khả xâm phạm. Mặc dù hiệu quả của các phương pháp điều trị chính thống rất ảm đạm, nhưng quyền tự do lựa chọn các phương pháp chữa lành thay thế của mỗi bệnh nhân ngày càng bị công kích, nhất là khi nói tới quyền của cha mẹ được biết những gì là tốt nhất cho con cái mình. Trên thực tế, nếu bạn dẫn con đi khám bác sĩ, thì có thể chính chẩn đoán của bác sĩ lại biến bạn thành kẻ bị kết tội giết người.
Tổ hợp công nghiệp y tế đã giành được chiến thắng chưa có tiền lệ trong những năm gần đây trong vụ án của Kristen LaBrie. Chị là một người mẹ 38 tuổi có con trai tự kỷ. Cậu bé được chẩn đoán là mắc ung thư. Chị đã bị kết tội, bị xét xử và cuối cùng là bị kết án hành vi cố ý giết người, vô ý gây nguy hiểm và vài tội danh khác, tất cả chỉ vì cố gắng bảo vệ con trai mình khỏi phương pháp hóa trị độc hại. Chị khai, một cách vô ích, rằng chị chỉ có một ấn tượng duy nhất là phương pháp hóa trị đang giết con trai mình còn nhanh hơn cả chính ung thư. Thay vì tiếp tục dắt tay con trải qua những đau đớn và khổ sở khi các chất hóa học đi vào người, chị ấy thôi cho con dùng thuốc. Nhưng cuối cùng nỗi lòng thắt ruột của người mẹ với bệnh tình của con trai được tưởng thưởng bằng 40 năm tù!
Đó quả là một ví dụ đáng lo ngại về mức độ mà với nó chính phủ và ngành y tế Mỹ có thể làm những gì mà họ coi là tốt nhất cho trẻ em – cho dù có hàng núi dữ liệu và bằng chứng cho thấy các phương pháp chính thống không hiệu quả hay thậm chí còn phản tác dụng.
Đối mặt với trí khôn y tế chính thống ngày càng đắt đỏ, kém hiệu quả và thường chữa lợn lành thành lợn què, chẳng có gì khó hiểu khi người ta ngày càng quay sang y học thay thế1. Đáp lại, ngành y đang bù lu bù loa phản đối những phương pháp điều trị thường là theo dân gian này. Nhưng mức độ phổ biến và tỷ lệ thành công của y học thay thế ngày càng tăng trong cải thiện sức khỏe của hàng triệu con người suốt 30 đến 40 năm qua đã khiến những người đại diện cho y học chính thống ngày càng hung hãn – họ tuyên bố rằng phương pháp của họ mới là y học duy nhất dựa trên nền tảng khoa học và hô hào mọi người không nên ủng hộ các phương pháp thay thế kia. Hầu hết bọn họ đều thực tâm tin vào ảo tưởng đó. Họ vẫn tuyên bố rằng công tác y tế của họ được bằng chứng khoa học hậu thuẫn, mặc dù số bằng chứng ấy chỉ chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ.
1 Ý nói các loại y học không chính thống (ND).
Bài báo Chết vì Y học của tiến sĩ Gary Null, bác sĩ y khoa, bác sĩ trị liệu tự nhiên (N.D.) Carolyn Dean; bác sĩ y khoa Martin Feldman; bác sĩ y khoa Debora Rasio; và tiến sĩ Dorothy Smith, đăng năm 2003, đã vẽ ra một bức tranh rất khác. Báo cáo được chú thích nguồn tham khảo đầy đủ của họ chứng minh rằng:
• Mỗi năm có 2,2 triệu người đã trải qua phản ứng có hại của thuốc ngay trong bệnh viện với những thuốc được kê đơn.
• Mỗi năm 20 triệu viên thuốc kháng sinh được kê không cần thiết cho các bệnh nhiễm virus.
• Mỗi năm 7,5 triệu quy trình y tế và phẫu thuật không cần thiết được thực hiện.
• Mỗi năm 8,9 triệu người phải vào viện không cần thiết.
• Mỗi năm 783.936 người chết do sai sót y tế và tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
Thật mỉa mai khi dường như chúng ta đã trao nhiều niềm tin cho một hệ thống y tế non trẻ gần như chưa được chứng minh hơn là những hệ y học truyền thống cổ xưa đã duy trì cho các nền văn minh khỏe mạnh hàng nghìn năm nay. Các ứng dụng chẩn đoán và phương pháp điều trị rất tiên tiến hiện nay được sử dụng trong y học chính thống có khả năng tạo ra nạn dịch ung thư rộng khắp và ức chế hệ miễn dịch của nhiều thế hệ sắp tới. Trong khi đó, các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh truyền thống đang bị bỏ qua, thậm chí còn bị cố tình vùi dập.
Hai chục năm trước, khi tôi nghiên cứu y học Ayurveda, chúng tôi được dạy rằng phương pháp “bắt mạch” 6.000 năm tuổi này cho phép chúng ta tìm ra bất kỳ kiểu mất cân bằng nào trong bất kỳ bộ phận nào của cơ thể chỉ trong chưa đầy một phút. Hơn nữa, bất cứ thầy thuốc Ayurveda giỏi nào cũng có thể lần ra nguyên nhân gốc rễ của bất kỳ triệu chứng nào mà không cần xét nghiệm máu, điện tim hoặc chụp X quang đắt đỏ. Sự quan tâm và tập trung sâu sắc của chúng ta phải nhắm tới nguyên nhân chứ không chỉ triệu chứng của bệnh.
Tất cả chúng ta đều được dạy rằng y học hiện đại là đấng cứu mạng của chúng ta. Mỗi năm, hàng tỷ đô la được đổ vào việc nghiên cứu mọi thứ có thể khiến cho chúng ta bị bệnh, trong đó có vi khuẩn, virus, chất độc và thậm chí cả ánh nắng mặt trời! Công trình của bác sĩ Gofman và những người khác đã chỉ ra rằng những tác động hủy diệt tồi tệ của phóng xạ y tế cho đến nay đã vượt xa những nguyên nhân gây bệnh và gây tử vong khác cộng lại, kể cả các tác dụng phụ của thuốc men, những sai sót và tai nạn y tế. Chẩn đoán bệnh là để phòng bệnh hoặc giúp chúng ta lấy lại sức khỏe, chứ không phải khiến chúng ta bệnh tật hơn và thậm chí là chết.
Lời thề Hippocrat chữa bệnh có tâm, được các bác sĩ xưa nay tuyên thệ, nói rằng: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi và không bao giờ làm hại người nào.” Và “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai kể cả khi được yêu cầu.”
Theo Tổng hội Y tế Anh (General Medical Council – GMC), trách nhiệm của bác sĩ phải bao gồm những quy tắc sau:
• Coi việc chăm sóc bệnh nhân là mối quan tâm trước tiên
• Bảo vệ và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân và cộng đồng
• Luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
Nhưng thực tế thì các hội đồng y khoa của Hoa Kỳ đã trừng phạt các bác sĩ (cũng như các bậc phụ huynh mất trí như Kristen LaBrie), những người không muốn làm hại bệnh nhân và không muốn kê những thứ thuốc nguy hiểm hoặc thực hiện các xét nghiệm nguy hiểm cho họ. Những vị bác sĩ có tâm này sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề và cũng có thể bị kiện vì thờ ơ trong khi công việc.
Chính bản thân tôi khi mới 17 tuổi đã từng trải qua mối quan hệ chết người giữa chẩn đoán với bệnh tật trầm trọng. Cha tôi bị chẩn đoán sai là mắc một bệnh thận hiếm gặp. Phương pháp điều trị bằng thuốc được chỉ định cho cha tôi phát sinh tác dụng phụ kinh hoàng, khiến cho cơ thể thanh mảnh của cha phì ra gấp bốn lần chỉ trong vòng một tuần. Tôi thậm chí còn không nhận ra ông. Cuối cùng, người ta cũng thừa nhận sai sót trong chẩn đoán bệnh, nhưng quá trình điều trị vật vã đã làm xong công việc của nó là gây tổn hại cho tim của cha tôi. Quá trình điều trị tiếp theo làm thủng dạ dày ông, và ông chết ở tuổi 54, sau một năm sống khổ sống sở trên giường bệnh.
Tại sao những công nghệ y học này không bao giờ được thử tác dụng phụ khi lần đầu tiên đưa vào các bệnh viện, được giới thiệu cho các bác sĩ và áp dụng cho bệnh nhân? Tôi sẽ trở lại câu hỏi quan trọng này ở phần sau cuốn sách.