C
huông báo thức kêu inh ỏi đúng bảy giờ sáng, tôi mở mắt, mất phương hướng trong chốc lát vì không nghĩ là mình đang nằm dưới sàn nhà phía trước ghế sofa. Lưng tôi đau thắt vì ngủ dưới sàn suốt cả đêm, còn đầu tôi thì như búa bổ. Thứ duy nhất giúp tôi không tiếp tục chìm vào giấc ngủ ngay trên sàn là mùi thơm của cà phê mới ủ toả ra từ bếp. Nhưng nếu cà phê đang ủ thì chỉ có thể là...
“Chào buổi sáng, Danielle,” mẹ cất giọng, đứng cạnh tôi với cốc cà phê trên tay.
“Chào mẹ,” tôi đáp, nhấc người khỏi sàn nhà. “Con ngủ quên ở nhà Luke. Con đoán là anh ấy chỉ đủ sức đưa con vào đến đây rồi bỏ cuộc.”
“Con đúng là đồ sâu ngủ đấy,” mẹ nói.
Tôi đứng dậy, duỗi cho phẳng quần áo. “Con lên lầu ngay đây ạ, không khách hàng của mẹ lại đến bây giờ.”
“Phải một lúc nữa khách hàng của mẹ mới đến. Mẹ muốn nói với con vài chuyện.” Mẹ nói. Tim tôi vừa rớt một nhịp.
“Mẹ đã trao đổi với cô Nancy trong ban tuyển sinh của trường đại học bang Ohio và đề cập đến việc con đang học lại lớp Văn học Anh rồi. Cô ấy bảo rằng nếu con có xác nhận từ phía giảng viên đảm bảo rằng con sẽ qua môn từ lúc nửa kì học trôi qua, thì con có thể nộp hồ sơ ứng tuyển sớm và trải qua quy trình chấp thuận nhanh, bởi con vốn đã được chấp thuận một lần rồi. Con thấy mình có thể trao đổi được với giảng viên môn này hay không?” Mẹ hỏi.
“Con sẽ thử xem sao,” tôi đáp. “Hiện tại thì quan hệ giữa hai thầy trò con vẫn chưa đủ thân thiết lắm, nhưng con sẽ cố gắng làm như mẹ bảo.”
“Con phải cố gắng như thể đây là sự lựa chọn sống còn quyết định tương lai của con đấy. Nếu con không qua môn này, con sẽ chậm hẳn một năm so với các bạn đồng trang lứa đấy. Các nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến những chi tiết nhỏ đó và hỏi lại con lý do đó là gì. Thế nên tốt nhất là con nên bắt đầu hành động ngay từ giờ,” mẹ nói.
“Con sẽ chú ý điều này ạ,” tôi đáp. Đột nhiên tôi có cảm giác như mình sắp ói ra ấy, và tôi không rõ đó là do tác dụng của chỗ cồn tôi nạp vào người tối qua hay là do cái ý nghĩ phải giải quyết chuyện tương lai của mình nữa.
***
Nhớ kĩ những lời khuyên của mẹ, tôi vốn định trong tiết học tuần tới sẽ dồn mọi sự chú tâm vào bài giảng để trở thành sinh viên tích cực trong môn học của thầy Harrisburg. Nhưng sáng nay tôi lại bị muộn, lúc bước vào lớp thì thầy đã bắt đầu bài giảng rồi. Trên bảng thầy đã ghi sẵn một câu văn của ông Henry David Thoreau - một tác giả ở thế kỷ 19 - ít nhất là tôi cũng biết sơ sơ thế và có thể hiểu được.
“Tôi đã nghiệm được một điều, ít nhất là bằng chính những trải nghiệm của mình, rằng nếu một người tiến bước một cách tự tin về phía ước mơ của mình, và nỗ lực hết sức để sống cuộc đời mà mình mong muốn, thì sau đó họ sẽ gặp được những thành công bất ngờ.” Thầy trích. “Mỗi một tác giả lớn người Mỹ sống ở thế kỷ 19, như là Thoreau, Whitman và Emerson, đều có những quan niệm riêng của mình về định nghĩa thế nào mới là sống. Và hôm nay các em sẽ nhận được đề tài cho bài luận cuối khoá. Chúng ta đã tìm hiểu về những tác giả người Mỹ trong giai đoạn thế kỷ 19 này rồi, thầy muốn các em tìm ra một nhân vật nào đó gây rung động sâu sắc cho cá nhân các em. Trong bài làm hãy sử dụng các trích dẫn của họ như bàn đạp để thể hiện quan điểm của các em về ý nghĩa của cuộc sống khi đứng trên cương vị là một công dân trẻ nước Mỹ đang sống ở thế kỉ 21 này. Chắc chắn các em sẽ ngạc nhiên bởi những tác phẩm này vẫn còn rất nhiều ứng dụng sau nhiều năm trời như thế.”
Mọi người đều khẽ kêu la gào khóc, và cả tôi cũng tham dự màn gào khóc ấy. Có lẽ là thầy ấy đang lầm tưởng rằng thơ ca và văn học mà thầy áp lên chúng tôi sẽ đủ sức lôi cuốn để tạo cảm hứng và thôi thúc chúng tôi viết về nó. Chẳng lẽ không thể nào tìm thấy sự thấu hiểu sâu sắc với văn học theo một cách cơ bản hơn được à? Chứ cứ áp đặt lên chúng tôi thế này thì cũng có hiệu quả tí nào đâu.
“Danielle, trông có vẻ như em đang ngẫm nghĩ về chủ đề này hả,” thầy nói với tôi.
Tôi có đôi chút ngạc nhiên vì thầy nhớ tên mình. “Dạ em chỉ đang nghĩ xem có ông nhà văn nào mà em có thể so sánh cuộc đời của mình với họ hay không thôi ạ,” tôi đáp.
“Em có cả một kỳ học để suy nghĩ về chuyện ấy,” thầy nói. “Vì thế nên em đừng tự trói buộc mình vào bất cứ điều gì chừng nào chúng ta chưa nghiên cứu xong hết tất cả các tác phẩm trong chương trình.”
Cả lớp lại tiếp tục thảo luận sâu hơn về tác giả Hawthorne, tiếp tục những gì chúng tôi đã nói đến trong bài học tuần trước. Dù cho tôi đã rất cố gắng chú ý vào bài giảng, nhưng đầu óc tôi lại không thể nào tập trung được, bởi nó còn đang mải bận tâm đến những ý kiến xem bản thân tôi cảm nhận thế nào về ý nghĩa cuộc sống. Thậm chí tôi đã không biết mình muốn gì cho cuộc đời của chính mình, chứ đừng nói đến việc tôi có thể chọn ra một tác giả nào đó mà quan điểm của họ trùng với của tôi. Khi đồng hồ chạm đến những giây cuối cùng của tiết học, tôi bắt đầu gói ghém sách vở và đồ đạc để lao ra khỏi cửa, thì bỗng nhiên rơi vào cơn ngổn ngang lo lắng. Tôi định rời đi thì nghe tiếng thầy Harrisburg gọi mình.
“Danielle này,” thầy gọi. Tôi cảm nhận rõ sự căng thẳng của mình ngay tại khung cửa trước khi quay trở lại bàn giáo viên. “Thầy không muốn em quá lo lắng với bài luận cuối kì đâu. Thầy dám thề là em sẽ có được các ý tưởng khi học xong kì này. Em là một đứa trẻ thông minh, nhưng thầy cũng có thể nhìn ra khi nào mới là lúc cần hoài nghi và lo lắng. Vì thế nên em đừng tự đe doạ chính mình chừng nào điều ấy còn chưa xảy ra.”
“Dạ em sẽ cố gắng ạ,” tôi nói. “Em thực sự cảm ơn thầy ạ.”
“Không có gì đâu,” thầy nói. Dường như thầy ấy cảm thấy có chút kì cục khi đưa ra một lời khuyên chân thành kiểu đó, nên thầy nhanh chóng quay lại cất đồ đạc của mình, còn tôi thì nhân cớ đó để chuồn đi.
Cảm giác mịt mờ khi trượt môn này lại lảng vảng quanh tôi. Tôi không thể lặp lại thất bại năm ngoái nữa. Ngay cả khi đã nhận được sự động viên của thầy Harrisburg, cảm giác sợ hãi vẫn lan tỏa khắp cơ thể tôi. Trên đường di chuyển đến phòng học giải tích, tôi đi ngang qua một bảng tin lớn với chi chít các mẩu tin được đăng tải trên đó, thậm chí có cả những tấm poster màu mè nom thật sởn gai ốc. Tôi thử đưa mắt nhìn qua những thông báo lộn xộn đó thì thấy nào là thông báo các buổi hoà nhạc được tổ chức ở Cleveland, nào là các buổi độc tấu âm nhạc của sinh viên. Đột nhiên có một quảng cáo nhỏ đập vào mắt tôi, trên đó có ghi cần tuyển thực tập sinh cho tổ chức Chuyển dịch Xanh (Green Transitions). Họ đang tìm một sinh viên có hứng thú với các chính sách môi trường để hỗ trợ công việc cho họ qua đó tự trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Đọc đến đây đầu óc tôi lập tức quay về cái đợt tham gia dự án mô phỏng công việc, làm việc cùng với nhà bảo tồn đó. Lúc đó tôi đã say sưa và bị cuốn hút bởi những việc mà cô ấy thực hiện. Tôi rút điện thoại ra và chụp ảnh tờ rơi đó để có thể ứng tuyển phỏng vấn sau này.
Trong bụng dạ tôi khẽ nhen nhóm lên một ngọn lửa mà tôi chưa từng cảm nhận thấy bao giờ. Tôi đặt nhắc nhở trên điện thoại rằng mình phải gọi điện vào buổi sáng trước khi đến chỗ làm. Sau khi tìm hiểu sơ qua về tổ chức Chuyển dịch Xanh trên mạng Google, tôi biết rằng đây là một văn phòng chính sách và hoạch định môi trường tự mình cam kết thực hiện những dự án chính phủ lớn và khác biệt ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ17. Cô Ameera Chopra, người phụ nữ đăng tuyển tìm thực tập sinh, là chuyên gia phân tích chính sách môi trường, cô thường tập trung chủ yếu vào việc cải thiện các điều luật sở tại. Cô ấy đóng góp rất nhiều vào sự phát triển cộng đồng trong thời gian vừa qua và đã kêu gọi các công dân ở bang Cincinnati áp dụng mô hình mái nhà xanh. Việc này lý giải vì sao Chicago là thành phố lớn nhất với nhiều mái nhà xanh sống động nhất, chính nhờ những mái nhà xanh này mà các toà nhà đã cắt giảm được khá nhiều khoản chi phí cho nhiệt năng, đồng thời bảo vệ môi trường. Nghe mới thật tuyệt vời làm sao!
17 Là tên gọi chung của các bang thuộc vùng trung tâm phía Bắc của nước Mỹ, bao gồm các bang Illinois, Indiana, Iowa, Kansas, Michigan, Minnesota, Missouri, North and South Dakota, Nebraska, Ohio, và Wisconsin.
Ngược lại, công việc hôm nay lại dường như là một trở ngại lớn, và tôi gần như là không thể ngồi yên khi phải phụ trách vị trí ở quầy đăng ký - thu ngân. Tôi và cô Misty sẽ đảm nhiệm phần chăm sóc khách hàng cho đến lúc cô rời ca tối, và điều này chỉ có thể nghĩa là: Porter sẽ đến thay. Hiện tại, tôi không chắc là quan hệ giữa mình và Porter đang ở mức nào kể từ sau đêm tiệc hôm đó. Liệu anh ấy có đang mong là tôi không nhớ gì về cuộc trò chuyện ngắn ngủi hôm ở nhà Paige Masterson không nhỉ? Hay là bây giờ hai đứa đã là bạn bè rồi? Chúng tôi đã ở một tình trạng lấp lửng vô cùng khó chịu mà tôi thấy mình rất rất kì cục khi ở trong đó. Bụng dạ tôi như trùng xuống đến tận mông khi nghe tiếng chuông cửa và thấy Porter bước vào, trên người đang mặc một chiếc áo khoác da không hợp mùa và vô cùng lố bịch. Ắt hẳn phải có ai đó khích lệ cái tôi của hắn rất nhiều trong lần đầu tiên hắn mặc chiếc áo này, thế nên giờ hắn mới ngang nhiên mặc nó trong cái thời tiết tháng Tám ở xứ Ohio này.
“Chúng ta đã nhận được kiện hàng mới chưa?” Hắn hỏi.
Tuy câu hỏi này không phải là cách mở đầu tôi đang trông đợi, nhưng thế này lại dễ chịu hơn nhiều. Phải chăng là hắn cũng thích giấu nhẹm đi những chuyện không tiện nói? “Uh, chưa. Không phải hôm nay đâu.”
“Đợi anh chút,” hắn nói, tiến về phía phòng nghỉ phía sau.
Thành thực mà nói thì lúc này tôi đang tự cào cấu đầu óc mình vì bối rối. Vậy là chúng tôi vẫn không hòa hợp với nhau sau khi tôi say xỉn và nói điều khiến anh không vui à? Hay là chuyện này có liên quan gì đến Luke không? Liệu anh ấy đã nhận thức được những gì đã xảy ra chưa? Porter trở ra với một chiếc hộp mà cô Misty để ở phòng nghỉ trước khi cô rời đi. Tôi định nói với hắn điều đó, nhưng chưa kịp nói gì thì hắn đã mở chiếc hộp đó ra rồi.
“Anh đang làm gì thế?” Tôi hỏi.
“Anh nghĩ là mình đã đặt hàng những thứ này đấy,” hắn vừa nói vừa thở dốc. Hắn lấy ra rất nhiều cuốn sổ nhỏ yêu thích của mình, mà thề là tôi chưa từng thấy ai mua nó trong suốt thời gian tôi làm việc ở đây. Chẳng trách cô Misty đặt chúng ra phía sau... Bởi có lẽ ngay từ ban đầu chúng đã không được coi là hàng vận chuyển.
“Sao mà anh thích mấy cái thứ này thế?” Tôi hỏi.
Hắn đưa cho tôi một cuốn sổ và lắc lắc nó. “Anh để chúng ở mọi nơi. Thử nghĩ mà xem, anh có thể nảy ra ý tưởng gì đó lúc đi tắm. Thế nên anh để một cuốn trong phòng tắm. Và túi quần nào của anh cũng chật, bởi trong đó luôn thủ sẵn một cuốn sổ nhỏ rồi.”
“Điều đó có vẻ như rất không hiệu quả thì phải,” tôi nói. “Vì nếu cứ làm như thế thì khi cần tập hợp các ý nghĩ thì anh biết phải làm thế nào chứ? Mỗi cuốn lại rải rác ở một nơi thế cơ mà?”
“Thì đó mới là vấn đề,” anh đáp. “Thông thường đến cuối năm anh mới tổng hợp một lần. Và lúc đó anh sẽ quyết định xem thứ tự ghi chép chúng nên là gì, nên giữ lại gì và bỏ qua những gì.”
“Nhưng anh sẽ không muốn giữ lại mọi thứ đấy chứ? Có rất nhiều đấy.” Tôi nói.
“Có một số thứ em sẽ muốn vứt bỏ ngay lúc nó xảy ra,” anh nói. Anh túm thêm một vài cuốn sổ nhỏ màu đen nữa và nhét vào túi quần phía sau. Rồi anh dán lại cái hộp và đặt nó lại về phòng phía sau mà không nói thêm gì khác. Có khi nào chính vụ tương tác ở bữa tiệc hôm trước là phần anh ấy muốn vứt bỏ không? Mà biết đâu hắn đã quên từ lâu rồi cũng nên. Thế thì bây giờ chúng tôi mới nói chuyện chẳng khác gì trước kia cả. Có lẽ là gã này đã quẳng hết những quan sát và sự việc hôm đó, bởi hắn nhận ra mọi thứ đó thật tồi tệ.
Hắn đi đến phía trước cửa hàng, và đã ghi chép gì đó trong cuốn sổ tay. Một ngọn lửa nhỏ khác nhen nhóm lên trong tôi và ngôn từ cứ thế tuôn ra khỏi miệng trước khi não tôi kịp ngăn lại. “Anh định vứt bỏ hết mọi thứ hôm ở bữa tiệc đấy à? Em cứ nghĩ là quan hệ của tụi mình sẽ tốt hơn rồi chứ, nhưng rõ là bây giờ anh đang không thừa nhận điều đó. Và em cũng khá chắc là anh đang viết gì đó về em ngay lúc này. Nếu anh đã muốn phớt lờ và vứt bỏ mọi chuyện như thế thì anh cứ làm đi, không phải e ngại gì đâu. Ôi Chúa ơi, em thật quá ngây thơ nên mới đối tốt với anh. Thậm chí em còn không biết tại sao mình lại từng cố gắng làm thế. À, em làm thế là vì Luke đấy. Nhưng dù gì đi chăng nữa, em cũng không cần phải giải thích bản thân mình cho mọi người, nhất là anh.”
Hắn cười, chuyển sự tập trung của mình từ cuốn sách lên tôi. “Em nói xong chưa thế?”
Tôi nắm chặt tay thành hình nắm đấm. “Nếu anh thích thì em có thể tiếp tục nói nữa đấy.”
“Dan này, anh không cố ý làm em nổi giận đâu,” hắn nói.
“Đừng có gọi em là Dan,” tôi gắt.
“Được rồi, Danielle,” anh nhấn mạnh. “Không phải là anh phớt lờ những chuyện đã xảy ra; mà thực sự thì anh đang cố gắng làm điều ngược lại. Luke nói rằng anh là gã rất tệ trong việc kết giao bạn bè. Anh nói chuyện với em như cách anh làm với cậu ấy, bởi anh không phải cư xử giả dối hay ngụy biện để gây ấn tượng với gã ấy cả. Anh có thể thành thật mà không cần mở miệng đề nghị em làm người bạn mới của mình, được chứ?”
“Em nghĩ là được,” tôi đáp, cảm giác vô cùng bẽ mặt. “Em xin lỗi vì đã làm um lên mấy chuyện vặt vãnh này.”
“Đừng, em không cần xin lỗi đâu,” anh nói. “Vì anh thấy tính giải trí trong đó khá cao đấy chứ.”
“Này này, anh đừng nghĩ là vì bây giờ chúng mình đã là bạn nên anh có thể mặc sức chế nhạo cách cư xử quá lố của em đấy nhé,” tôi nói. Tôi đưa tay lên tựa cằm và ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài cửa sổ. Chẳng có lấy một chiếc xe hơi nào cả. Đúng thật là hiệu sách kiếm được doanh thu là nhờ cả vào cái tuần đầu tiên ấy. Điều này khiến tôi thật thắc mắc, không hiểu vì sao cô Misty lại cần đến cả hai đứa tôi cùng làm một lúc trong khi cửa hàng vắng như chùa bà đanh thế này.
“Hôm nay anh đi học có vui không?” Tôi hỏi.
“Tất nhiên là vui rồi,” anh đáp.
“Chẳng lẽ mọi người đều tránh né tổn thương tinh thần trước cộng đồng bằng cách ấy đấy à?” Tôi hỏi.
“Nếu thế thì anh sẽ nói là tốt vậy,” anh đáp. Anh nhìn lại xuống cuốn sổ và bắt đầu viết ra điều gì đó.
“Tại sao anh lại viết các quan sát vào sổ như thế? Có điều gì làm anh ấn tượng à?” Dù thốt ra câu hỏi như thế, nhưng tôi khá chắc là anh sẽ không thèm trả lời nữa, có khi còn chán ngấy mấy câu hỏi ngớ ngẩn của tôi rồi cũng nên.
“Thật ra thói quen này bắt đầu từ hồi anh còn học trung học. Anh nhớ là có một môn học, và lúc ấy tụi anh đang tìm hiểu về Shakespeare. Thầy anh có nhắc đến một chi tiết khá thú vị mà những người ở thời đại của ông từng làm, đó là chép lại vào sổ tay của mình những dòng văn gây cảm hứng để sau này đọc lại. Nhưng thay vì trích lại những gì thuộc về sách vở, anh lại thích ghi lại những điều mà anh cóp nhặt được từ cuộc sống hơn.”
Còn tôi thì muốn viết về kẻ đáng ghét lại tự phụ như anh cũng nhiều chẳng kém, và việc này cũng hấp dẫn hơn tất thảy mọi thứ. Không biết là khi nãy anh vừa mới viết cái gì nhỉ? Liệu có phải là do tôi đã khơi mào chuyện gì đó khiến anh phải ghi lại như thế không? Có vẻ như anh cảm nhận được sự bối rối của tôi, nên anh cười và lật lại trang giấy cho tôi xem. Trong đó chỉ vỏn vẹn mỗi mấy chữ là “Tốt = tránh tổn thương tinh thần.”
“Em cũng phải chật vật lắm để tránh được một chuyện như thế trong lớp Văn học Anh hôm nay đấy. Em phải cố vắt óc ra để nghĩ ý tưởng cho bài luận cuối kỳ,” tôi đáp. “Thầy giáo giao cho tụi em đề tài mở nhất mà em từng thấy luôn, đấy là tìm một tác giả người Mỹ ở thế kỷ thứ 19 mà các trích dẫn của người đó ảnh hưởng sâu sắc đến mình ở thời kỳ hiện đại, và phải sử dụng cả các trích dẫn đó như bàn đạp để đưa ra được một thông điệp hoặc nhận định nhỏ của chính mình nữa.”
Porter mở to mắt. “Nghe có vẻ ảo diệu thế.”
“Là quá ảo diệu nên thành ra làm khó những đứa cần một hệ thống cấu trúc cố định để viết bài như tụi em,” tôi than vãn.
Porter lấy ra một cuốn sổ nhỏ từ túi quần sau. “Vấn đề ở đây chỉ là tìm ra ông nhà văn nào có tính cách giống em nhất thôi. Nếu em muốn thì anh có thể lập một bài trắc nghiệm để giúp em đấy.”
Tôi tròn mắt nhìn anh ấy. Đúng là chỉ có anh ấy mới tìm thấy cả niềm vui thích trong cơn khủng hoảng của tôi, lại hẳn là lập một bài trắc nghiệm nữa. Chắc anh ấy chẳng ngờ được rằng chính cơn khủng hoảng và căng thẳng đó là nguyên nhân cản bước tôi đỗ vào trường Đại học Ohio đâu. Porter viết liến thoắng vào trong cuốn sổ, lông mày cứ nhăn lại mỗi lần suy nghĩ. Có lẽ đây là lúc anh tập trung nhất mà tôi từng nhìn thấy. Trời ạ, nếu mà việc gì anh ấy cũng dồn sự tập trung lớn như thế này thì không biết kết quả sẽ đạt được những gì nữa đây?
“Được rồi. Em cần phải nghiêm túc trả lời những câu hỏi sau đây. Anh mong là sẽ nhận được câu trả lời thật tâm nhất,” anh nói.
“Nghiêm túc lắm luôn rồi đây,” tôi đáp.
“Tốt. Bắt đầu nhé, giả sử em đang bị mắc kẹt trên một hòn đảo và chỉ có thể mang theo một thứ duy nhất. Khi đó em sẽ chọn: A. cuốn sách yêu thích của mình, B. bao diêm, C. một cái rìu, hay là D. không mang gì, vì em là bậc thầy thiên nhiên rồi,” Porter hỏi.
“Em có cần cân nhắc đến cả những kĩ năng thực tế của bản thân em khi sử dụng những công cụ này không thế?” Tôi hỏi.
“Có chứ,” anh đáp. “Chỉ có mỗi mình em trên hòn đảo đó thôi. Em sẽ mang theo cái gì?”
“Em nghĩ là B, những que diêm,” tôi đáp.
“Được rồi. Thế nếu phép màu xảy ra, và em được phép mang một người bất kỳ đến hòn đảo đó, thì em sẽ chọn ai? A. mẹ mình, B. bạn thân nhất, C. một người quan trọng nào khác, hay là D. không chọn ai, em không muốn ai đó phải chịu cảnh đau khổ đó cùng em,” anh hỏi tiếp.
“Em không muốn có bất kì ai phải chịu cảnh khổ sở đó cùng em cả,” tôi nói. “Thêm nữa là, có lẽ em sẽ phát ốm nếu có bất kì ai xuất hiện ở đó.”
“Á à, có chuyện hay để nói cho Luke nghe rồi nhé,” anh nói, rồi lại nở nụ cười đầy tự mãn. Tôi đá vào chân anh.
“Nếu em được sống ở một nơi bất kì trên thế giới, thì em sẽ chọn: A. bên bờ biển, B. gần rừng, C. trong thành phố, hay D. Denton.”
“Chắc chắn không chọn D rồi,” tôi nói. “Có lẽ là B. Em cảm thấy vô cùng thanh thản khi hòa mình với thiên nhiên và những điều bình dị.”
Anh gật đầu. “Em chỉ được phép xem đúng một loại phim duy nhất trong suốt phần đời còn lại, vậy thì em sẽ chọn: A. phim truyền hình dài tập, B. phim hành động/ kinh dị, C. phim hài lãng mạn, hay D. phim tài liệu?”
“C,” tôi đáp. Porter nhướn mày. “Anh nhìn gì chứ? Con người em có một mặt cảm xúc ủy mị mà chỉ những phim hài lãng mạn mới đáp ứng được. Đọc câu hỏi tiếp theo đi, và đừng nhìn em cái kiểu ấy nữa.”
“Em đặt món pizza yêu thích của mình. Nguyên liệu quan trọng nhất mà em thích là gì? A. xúc xích bò và heo rắc thêm tiêu, B. nấm, C. dứa, hay là D. xúc xích.”
“Cái này thì có liên quan đến mấy ông tác giả người Mỹ ở thế kỷ 19 chứ?” Tôi hỏi.
“Vô cùng quan trọng đấy. Phần lớn những trận đại chiến của họ đều là về phần topping hoàn hảo của pizza đấy,” anh nói. Tôi quắc mắt nhìn anh. “Thôi được rồi. Em chọn A. A luôn là lựa chọn kinh điển.”
“Em có thể nhận được một chuyến đi được đài thọ mọi chi phí để tới thăm một trong bốn nơi sau đây, em sẽ chọn nơi nào? A. Ý, B. Úc, C. Nhật hay D. Pháp?” Porter tiếp tục hỏi.
“Em rất thích Paris. Ông bà em đã sống ở đó một thời gian ngắn, và quãng thời gian đó vô cùng tuyệt vời. Lúc nào em cũng muốn được quay lại đó,” tôi nói. “Lại nữa, câu này có liên quan gì đến mấy ông tác giả người Mỹ em đang cần tìm đâu chứ.”
“Anh sắp xong rồi đây,” anh nói, vẫy tay với tôi. “Nếu em phải chọn một loài vật để nuôi, thì đó sẽ là? A. chuột hamster, B. cá, C. mèo, hay D. chó.”
“Với cái kiểu bây giờ thì đến cá em cũng không nuôi nổi, chứ đừng nói là chó hay mèo. Nhưng kể ra thì em cũng muốn có một con cún đấy. Em có thể chọn B hoặc D được không?” Tôi hỏi.
“Đã ghi nhận câu trả lời,” anh nói. “Để anh tính kết quả cho em. Chắc phải mất một lúc đấy.
“Không sao mà,” tôi cười khúc khích. Lại một lần nữa khuôn mặt anh ấy rơi vào sự tập trung cao độ, và tôi rất thắc mắc không biết bao nhiêu phần trên gương mặt tập trung đó là thật, bao nhiêu phần là cố tỏ vẻ nữa. Chắc chắn những câu hỏi này không có liên quan trực tiếp đến một ông tác giả nào đó rồi, nhưng anh ấy đang cư xử như kiểu đó là tình huống sống còn ấy. Nghĩ đến đây mà tôi phá ra cười nhiều hơn.
“Và kết quả là,” anh cất giọng, tay giương cao cuốn sổ một cách rất xiếc y như chủ biên trên chương trình ti vi. “Vâng, bằng sự truyền đạt hết sức rõ ràng và dễ hiểu của tôi, cộng thêm sự phê chuẩn của Oprah, bài trắc nghiệm Tìm kiếm tác giả ở thế kỷ thứ 19 giống với bản ngã của em nhất đã mang đến cho em câu trả lời là... Henry David Thoreau. Phần lớn các câu trả lời của em đều là về sống trong rừng và những que diêm. Ông ấy là tác giả thiên về quan sát tự nhiên hơn là muốn xâm chiếm nó. Và thật ra thì hai câu đó cũng đủ để chọn ra ông Thoreau là người phù hợp nhất với em rồi, các câu hỏi khác chỉ là do anh tò mò nên hỏi thôi.”
“Trời ạ, anh đùa em đấy à,” tôi la lên. “Porter!”
“Quả thực là anh nghĩ em sẽ thích ông tác giả này đấy - ông ấy là tác giả anh yêu thích nhất trong số những nhà văn thế kỷ đó,” anh nói. “Em đừng quá căng thẳng về chuyện ấy nữa. Em còn cả một học kỳ để cân nhắc cơ mà, đúng không nào?”
“Em không giỏi đối phó với căng thẳng đâu,” tôi nói.
Porter nhìn quanh hiệu sách rồi lại nhìn xuống xem giờ trên điện thoại. “Có vài thứ ở phía sau anh nghĩ là em sẽ cần. Đi theo anh.”
Tôi uể oải theo anh ấy xuống phía sau cửa hàng. Trông anh tràn trề năng lượng, lại còn đang đi như bay nữa. Anh ra hiệu cho tôi đến bên tủ lạnh với anh, tôi ngó nhanh qua đó.
“Nó được gọi là Essprestout. Đây là sự kết hợp tuyệt hảo giữa vị cà phê và bia. Anh biết là em không uống được bia rượu, thế nên hôm qua anh đã mua loại này, có lẽ em sẽ thích đấy,” anh nói.
“Bia cà phê ư? Nghe có vẻ không ổn lắm đâu,” tôi đáp.
“Thôi nào, cảm giác như cả cuộc đời bỗng chốc đổi thay sau khi em uống nó đấy. Nếu em không muốn thử thì coi như mình anh phải xử hết đống đồ uống này rồi...” Anh nói.
Đắn đo mãi trước độ tò mò của mình (và nói thật ra là sự buồn chán nữa), tôi túm lấy một lon từ tay anh ấy và cười đầy tự mãn. “Em sẽ không thích loại này đâu.”
“Chưa thử là sao biết được,” anh quả quyết. Rồi khi tôi nhấp ngụm Essprestout đầu tiên, trông anh đầy hồi hộp y như cá mắc câu ấy. Ồ, nhưng mà đáng kinh ngạc làm sao, nó trái hoàn toàn với những gì tôi đã nghĩ, vị của nó không hề khiến tôi phun ra theo bản năng. Không biết là phép màu nào đây? Một đồ uống có cồn mà tôi lại khá thích ư?
Tôi nhìn anh và cười lớn. “Em thực sự bị ấn tượng bởi mùi vị của nó đấy. Nhưng mà em còn phải lái xe về nữa, thế nên có lẽ một ngụm là đủ cho tối nay rồi.”
“Anh biết mà,” Porter nói, rồi túm lấy lon đồ uống từ tay tôi và ực một ngụm lớn. “Em thấy không, nhiều khi rất đáng thử một điều mới mẻ đấy chứ.”
“May cho anh đấy,” tôi cười. “Tình cờ là cà phê lại là điểm yếu của em.”
Anh lấy cuốn sổ ghi chép ra và búng tay vào ngay trang đầu tiên. Trên đó viết hoa và nhấn mạnh dòng chữ “Số lần Danielle mang cà phê đi làm trong tuần này” và đã có tổng cộng năm cái dấu tích trên đó.
“Anh biết,” Porter đáp. “Anh đã ghi lại rồi nhé.”
***
Cuối tuần đó là trận bóng đầu tiên của trường Đại học Cộng đồng Denton với trường Đại học Kỹ thuật Columbus. Nhờ mấy phiếu giảm giá của hiệu sách mà tôi và Zoe đã tậu được hai chiếc áo phông của trường, con bé lại còn làm thêm cả mấy cái băng đô rất dễ thương nữa. Tuy là ba mẹ đồng ý cho tôi đi cổ vũ trận đấu đấy, nhưng họ cũng vẫn còn bàng hoàng lắm khi thấy tôi chịu tham gia mấy hoạt động như thế. Và lại thêm lần này nữa, Luke là bia đỡ đạn tốt nhất mà tôi có để chống lại cơn giận dữ của ba mẹ.
May mà chúng tôi còn tìm được chỗ trống trong khu khán đài không có mái che đang chật cứng người. Dù sống ở đây từ bé đến lớn thế mà tôi thậm chí còn không biết là vẫn có người đến xem những trò chơi kiểu này đấy. Zoe trải ra một tấm vải để ngồi, khiến tôi cau mày với con bé.
“Làm sao nào? Mình không định nướng mông trên mấy cái chỗ ngồi nóng bỏng này đâu nhé. Bà tự chọn đi: ngồi trên tấm vải này dù cho có đổ mồ hôi đôi chút hay là chịu mấy vết bỏng rát đỏ mông trong suốt ngày hôm nay.”
Tôi đành ngồi xuống tấm vải và ngó quanh đợi chờ, nhìn mọi người kéo vào sân vận động. Tôi nhìn xuống điện thoại mấy lần, đợi xem Luke có nhắn tin lại cho tôi không. Tôi sẽ cho anh ấy biết là mình đang ngồi trong đám đông và cổ vũ cho anh, chúc anh may mắn, nhưng có vẻ như là anh đang vội chuẩn bị cho trận đấu nên không nhắn gì.
“Mình đi mua ít bắp rang bơ đây,” Zoe thông báo như thế sau năm phút đợi chờ.
“Thế nhớ mua cho mình bắp rang ngọt nhé,” tôi nói.
“Biết rồi, lại còn phải dặn nữa à,” con bé đáp.
Các môn thể thao vốn không phải là phạm vi quan tâm của cả tôi lẫn Zoe, vì thế tôi biết là hai đứa sẽ cần rất nhiều đồ ăn để có thể trụ được đến cuối trận. Tôi nhớ là lần cuối cùng mình xem một trận bóng bầu dục là hồi có giải Super Bowl, mà thường thì tôi cũng chỉ bật lên để xem mấy cái quảng cáo đi kèm thôi.
Nghe thấy tiếng ai đó ngồi phịch xuống tấm trải phía sau, tôi đoán là con bé Zoe đã quay trở lại.
“Nhanh gớm đấy,” tôi nói. Lúc tôi quay qua nhìn thì hóa ra là Porter, anh đang cười, trên người cũng mặc áo đồng phục DCC và thể hiện tinh thần yêu trường đáng ngạc nhiên.
“Luke không chắc là em có đến tham dự hay không,” Porter nói, ngồi xuống bên cạnh tôi.
“Em đã bảo với anh ấy là em sẽ đến cổ vũ mà,” tôi đáp, nhìn kiên định về phía sân cỏ.
“Anh chưa bao giờ nói là anh nghi ngờ em cả.” Porter cười. “Muốn ăn gì không?”
“Em nghĩ là con bé Zoe đang quay lại với cả tá đồ ăn rồi đấy ạ,” tôi nói. “Con bé nhất định sẽ rất mừng khi thấy anh ở đây đấy.”
Porter nhướn lông mày. “Ồ, thật thế cơ à?”
“Anh đừng có tự mình hão huyền đấy,” tôi chọc. “Ý em chỉ là con bé sẽ có thêm nhiều trò tiêu khiển khi có anh ở đây thôi. Có khi con bé ghét em vì cái tội bắt nó đi cùng ấy chứ.”
“Thế thì lẽ ra em chỉ cần đi cùng anh là được rồi,” anh ấy nói.
“Em không biết là anh cũng thích bóng bầu dục đấy,” tôi nói.
Anh cười. “Anh trai anh thường chơi bóng khi hai anh em lớn lên với nhau, vì thế nên anh cũng bất đắc dĩ phải chơi cùng, và ít nhiều cũng có biết qua đôi chút.”
“Này, Porter!” Zoe nói, quay trở về chỗ ngồi của nó. “Danielle, thế mà bà không bảo cho mình biết là ông này cũng đến. Biết thế mình đã mang tấm vải to hơn rồi.”
“Không sao đâu, quần của anh dài hơn của hai đứa tụi em đấy,” anh nói.
“Tốt hơn là như thế,” tôi nói. “Không ai muốn thấy hai cái chân gầy còm của anh đâu.”
“Ái chà, được đấy Dan,” anh nói.
Phía trên sân bây giờ bắt đầu xuất hiện các cầu thủ chạy ra từ phía sau khán đài, và Zoe huých tay bảo tôi chú ý. “Nhìn kìa! Luke đứng ở vị trí kia kìa!”
Chúng tôi theo dõi trận đấu, phần lớn là nhờ Porter thuyết minh xem chính xác thì đang diễn ra những gì trên sân. Sau khi 15 phút đầu tiên trôi qua, chúng tôi phải sắp xếp lại chỗ ngồi, Porter ngồi giữa hai đứa và chỉ dẫn từng động tác đang diễn ra trên sân. Chính nhờ những lời giải thích tạm chấp nhận được của anh ấy mà trận đấu mới trở nên bớt đau đớn và nhàm chán hơn với chúng tôi.
Khi trận đấu kết thúc, chúng tôi nán lại để đợi Luke qua đây. Zoe và Porter đang thao thao về ban nhạc mà họ đều thích trong khi tôi lén nhìn xuống điện thoại, chờ Luke nhắn tin lại. Phải đợi khoảng mười lăm phút sau đấy thì mới thấy Luke chạy lại chỗ chúng tôi.
“Cảm ơn mọi người đã đến đây,” anh nói rồi vội hôn tôi.
“Tất nhiên là phải đến chứ!” Tôi nói. “Thật vui khi xem anh thi đấu.”
“Đừng lo gì cả, tôi đã giải thích cho hai bà cô này những gì diễn ra trên sân rồi.” Porter nói.
Luke phá ra cười. “Cảm ơn ông bạn nhé!”
Rồi Luke quay sang đặt hai tay lên vai tôi. “Chuyện là, sẽ có một buổi ăn mừng với cả đội sau trận đấu. Anh biết là chúng mình đã có hẹn đi cùng nhau sau trận đấu, nhưng mà...”
“Anh cứ đi đi,” tôi đáp. “Đây là trận đầu tiên của mùa giải mà. Anh phải đi cùng cả đội chứ.”
“Em có chắc không?” Anh hỏi.
“Chắc chắn rồi ạ!” Tôi nói.
Anh hôn lên má tôi. “Cảm ơn em!” Anh nói. Rồi anh vẫy tay chào Porter và Zoe, và bỏ lại chúng tôi.